Monday, December 7, 2015

Bình Ba ngập rác

Theo NLĐO-07/12/2015 22:31

Đảo Bình Ba là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Khánh Hòa nhưng đang hứng chịu hàng tấn rác trôi nổi gây ô nhiễm môi trường

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo UBND TP Cam Ranh trước ngày 20-12 phải báo cáo việc kiểm tra và các biện pháp xử lý hàng tấn rác thải ứ đọng ở đảo Bình Ba.
Ô nhiễm vì… du lịch phát triển
Ở xã Cam Bình (TP Cam Ranh), Bình Ba là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 3 km2, có hơn 5.000 dân sinh sống. Bình Ba nổi tiếng với bãi biển đẹp, nước trong xanh, hải sản tươi ngon. Vì vậy, những năm gần đây, du lịch ở đây phát triển mạnh khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng.
Hơn tháng nay tại Bình Ba, rác thải gần như vây kín đảo khiến người dân và chính quyền lo ngại. Từ cầu cảng, các ki-ốt bán hàng đến khu dân cư và ra biển, rác thải bao phủ, kéo dài cả cây số. Nhiều loại rác thải không thể phân hủy như bao bì, túi ni-lông, chai lọ, thùng xốp… Đường dẫn vào khu dân cư và các điểm khác trên đảo có hàng tấn rác ứ đọng, bốc mùi. Quanh các khu vui chơi đầy túi ni-lông, bao bì đựng thức ăn khiến ruồi nhặng bu kín. Ngoài ra, tại khu vực cảng cá, nhiều người dân sau khi phân loại hải sản để làm thức ăn cho tôm hùm đã xả thẳng nước thải xuống biển gây hôi thối. Theo ghi nhận, vài năm trước đây, khi du lịch phát triển chưa sôi động, lượng rác thải xả ra môi trường vẫn có nhưng không đến mức dày đặc như vậy.
 Bình Ba ngập rác
 Đảo Bình Ba ngập rác sau các đợt triều cường (ảnh trên) và rác được chôn lấp sơ sài vì không có nhà máy xử lý
Đảo Bình Ba ngập rác sau các đợt triều cường (ảnh trên) và rác được chôn lấp sơ sài vì không có nhà máy xử lý
Ông Nguyễn Văn Sanh, một người dân địa phương, cho biết nguyên nhân chủ yếu là do du lịch tự phát phát triển rầm rộ khiến nhu cầu về tiêu thụ hải sản tăng mạnh, kéo theo việc các hộ nuôi thủy sản mạnh tay đầu tư lồng bè, phương tiện nuôi trồng. Sau khi cho tôm cá ăn, các bao bì đựng thức ăn, rác thải sinh hoạt đều bị họ ném xuống biển. Mỗi lần gió từ biển thổi vào hay đợt thủy triều lên, sóng đưa rác thải nhiều nơi tấp vào bờ. Do đó, thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12, lượng rác ở đảo lúc nào cũng tăng gấp nhiều lần.
Lượng rác thải tăng đột biến ở Bình Ba một phần cũng do du khách vứt lại. Ở khu vực ki-ốt, sau khi ăn xong, không có nhà vệ sinh nên du khách vô tư xả “bầu tâm sự” xuống biển. Theo thống kê của chính quyền địa phương, mỗi ngày, lượng rác sinh hoạt từ các hộ dân và du khách cùng rác từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản là hơn 1 tấn. Lượng rác lớn này khiến bãi chôn lấp, xử lý của xã Cam Bình luôn quá tải.
Trả lại môi trường xanh
UBND xã Cam Bình cho biết luôn tăng cường tuyên truyền ý thức cho người dân và du khách bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ý thức người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Anh Bùi Minh Pháp, một người dân ở Bình Ba, cho biết địa phương phát động nhiều đợt thu gom rác nhưng đâu vẫn vào đấy. “Rác thải năm nay nhiều hơn năm trước” - anh Pháp nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khiêm, Chánh Văn phòng UBND TP Cam Ranh, cho rằng mặc dù chưa nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng TP đã chủ động yêu cầu chính quyền xã Cam Bình khẩn trương thu gom rác thải, trả lại môi trường xanh cho đảo. Về phía UBND xã Cam Bình, ông Trần Văn Hóa, chủ tịch UBND xã, thừa nhận môi trường ở đây đúng là chưa bảo đảm. Hiện xã có 5 đội gồm 30 người chuyên thu gom các loại rác thải trong ngày nhưng triều cường tấp rác từ biển vào khiến tất cả trở nên quá tải.
Theo ông Hóa, rác thải được thu gom, đưa về nơi tập kết cách khu dân cư khoảng 5 km nhưng chủ yếu đốt hoặc chôn lấp. Hiện nay, việc xử lý rác hết sức thô sơ, thiếu khoa học, lại không có hóa chất xử lý nên gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm. “Trong quy chế bảo đảm an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, khu vực mũi Hời, đảo Bình Ba và Hòn Chút thuộc TP Cam Ranh sẽ không được phát triển các loại hình du lịch. Hy vọng việc Chính phủ hạn chế du lịch sẽ góp phần trả lại môi trường xanh cho Bình Ba” - ông Hóa nói.

Kiến nghị xây nhà máy xử lý rác
Ông Nguyễn Khiêm cho biết để bảo đảm việc xử lý rác thải không gây ảnh hưởng môi trường TP Cam Ranh, UBND TP này đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa xây dựng một nhà máy xử lý rác thải ở Bình Ba. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có trả lời từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nỗi buồn chủ tịch nước và loài hoa xấu hổ

Đinh Liên (VNTB) "Buồn lắm, xấu hổ lắm! Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hàng ngàn năm nay, mà tệ tham nhũng thì đứng trên 100? bê bối quá, cảm thấy không chấp nhận được," chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bày tỏ quan điểm của mình trước cử tri Tp. Hồ Chí Minh, buổi tiếp xúc trong xế chiều của nhiệm kỳ. 



Ông chỉ ra cái thực trạng "trời ơi" trong công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, đó là căn bệnh "giấu" yếu kém, sợ phơi bày sự thật - chính điều này đã khống chế chủ trương, pháp luật đến bộ máy chỉ đạo. Cụ thể, “Mới đại hội Đảng địa phương xong, tôi tham gia sáu nơi thì đâu cũng đánh giá thành công rực rỡ, vậy mà gặp dân chỗ nào cũng kêu. Chúng ta không đến nỗi thất bại nhưng các mảng tối, kém chưa được phơi bày, chúng ta phải nói đúng sự thật cho dân biết, càng giấu thì dân càng mất lòng tin” - ông chủ tịch cho biết.


Trách nhiệm cá nhân lãnh đạo ông chưa tròn đó là phải lẽ, khi Việt Nam vẫn "hiên ngang" trên bản xếp hạng bản đồ tham nhũng thế giới. Sự bất lực của ông hay chính con người thể chế đã tạo nên sự bất lực? Khi mà những người tham gia vào bộ máy chính quyền không ít thì nhiều đều "nhúng chàm". Người ta nhìn thấy một chủ tịch nước biết "sâu sát dân" hơn, nhưng lại thiếu đi sự vận động hành lang chính trị để đủ năng lực loại bỏ các yếu kém của thể chế và chính sách. 

Chủ tịch nước xấu hổ, cũng giống như nỗi buồn và giọt nước mắt vì Đảng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rơi khi đề cập đến sự trách nhiệm, vai trò cá nhân trước sự hoành hoành của lạm quyền lực và tham nhũng của những "đồng chí".

Lại nhớ, có một thời điểm, dân tình rộ lên chuyện chọn quốc hoa, trong đó có ý kiến "Việt Nam hãy chọn hoa xấu hổ là quốc hoa" bởi nó "đã gợi nhắc một phẩm chất cần có của con người: lòng tự trọng".

Cần có nghĩa là chưa có. Trớ trêu thay, càng đi vào chốn quan trường, chức vụ càng cao, lòng tự trọng lại càng trở nên "phế phẩm". Ở cái quan trường XHCN, hầu như anh công nhân viên chức nhà nước nào cũng đề cao chủ nghĩa "vơ vét cá nhân, vun vén gia đình, làm nghèo tổ quốc". Thành ra mới có câu chuyện, cấp xã ăn đất 1 thì cấp trung ương ăn đất 10, dù khác nhau về độ tinh vi và thủ đoạn khi ăn, nhưng giống nhau ở chỗ, nó là mối ăn tập thể (hay còn được biết dưới tên gọi - lợi ích nhóm) - không ai có thể ăn mảnh, và cũng vì thế, tham nhũng ở Việt Nam được coi là "bệnh dịch", ai cũng bị mắc - có điều là không dám nói hay phơi bày ra.

Cũng vì "lòng tự trọng" không có nên "ăn tập thể" ngày càng phát triển, nói như TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thì nó lẫn lộn, không rõ chiến tuyến và rằng, "Trong nó có ta và trong ta có nó", hay dân dã hơn là tất cả đều nhúng chàm.

Giải pháp duy nhất được đưa ra bởi các quan đủ sức ăn, thiếu lòng tự trọng là đề cao "tư duy nhiệm kỳ", đề cao căn bệnh "giấu". Và mới nhất đây, câu chuyện Hà Nội - thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam sau khi kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng nội bộ đã công bố một thông tin mang tính chấn động báo giới: "Chưa có trường hợp có dấu hiệu tội phạm tham nhũng nào được phát hiện qua công tác kiểm tra nội bộ." Hay câu chuyện các lãnh đạo cao cấp của tỉnh Tiền Giang được cử đi nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm chống ngập úng khi... còn chỉ vài tháng nữa là nghỉ hưu theo chế độ; còn các vị lãnh đạo của tỉnh Bình Phước thì đi học tập... bán vé số (?).

Thế mới biết, các "đồng chí" theo ý thức hệ cộng sản của Chủ tịch nước, hay Tổng bí thư đã "làm ăn" vào buổi hoàng hôn nhiệm kỳ như thế nào. Càng thế hơn nữa, khi một sự "ăn tập thể" lại được ủng hộ - dự luật Hình sự được thông qua, trong đó cho phép giảm từ tử hình xuống chung thân đối với hành vi tham nhũng nếu như đã khắc phục hậu quả bằng ¾ số tiền tham nhũng, trong khi vai trò "kiểm kê" gần như không thể thực hiện được.

Chủ tịch nước lại "buồn và xấu hổ" là điều đáng hoan nghênh, nhưng ở một đất nước tham nhũng hoành hoành mà chỉ có sự thể hiện như vậy vào cuối buổi thì âu cũng là sự đáng trách. Đáng trách vì không có giải pháp lẫn sự quyết liệt trước khúc mắc của quốc gia. Bởi nếu cứ "buồn" hoài vậy, cũng chỉ cho thấy sự bất lực, mà lãnh đạo bất lực thì dân còn khổ dài dài... Dân cần lắm 1 sự tự trọng - tự trọng trong lên án đồng chí X tham nhũng, đồng chí Y ăn hối lộ, đồng chí Z tham quyền cố vị...

Người dân có quyền chấp vấn Chủ tịch về việc, ông đã thực sự làm tốt với câu tự vấn của mình hay chưa: "Làm một công dân tốt còn hơn một cán bộ tồi". Khi mà ông gần rời nhiệm sở với một Việt Nam xếp hạng 100 về tham nhũng, trong đó tham nhũng công gần như nắm vai trò chủ đạo; một Việt Nam sống và phát triển nhờ "vốn vay", đến nỗi vào sáng nay (5/12) tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc quốc gia WB đã đặt câu hỏi: Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra cho chương trình phát triển 5 năm tới khi các nguồn vốn ưu đãi thu hẹp dần.???

Đó là câu hỏi khó và loài hoa xấu hổ bao giờ mới thực sự lên ngôi ở Việt Nam khi mà cán bộ vẫn chỉ biết nói mà không biết làm, biết hình thức mà không chú ý đến sự thay đổi bản chất bên trong!?!

Việt Nam: nhà hoạt động dân sự, nhân quyền liên tục bị 'côn đồ' hành hung, đánh đập

Khúc Thừa Sơn-12-08-2015
 (VNTB) “Hiện tượng cộng sản đàn áp ngày hôm nay nó phản ánh cấp độ độc ác của cộng sản ở mức độ bùng nổ và dân chúng đã phản kháng, nó báo hiệu ngày cáo chung của cộng sản đã rất cận kề.” Lời của ông Đinh Quang Tuyến, nhà hoạt động dân sự, dân chủ ở Việt Nam từng bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công, hành hung chia sẻ nhân tuần lễ Nhân quyền Việt Nam.


Nhằm hưởng ứng Chiến dịch “Tuần lễ Nhân quyền cho Việt Nam” (ngày 10/12 hằng năm là ngày quốc tế Nhân quyền), hôm 6/12/ 2015, luật sư Nguyễn Văn Đài , facebooker Lý Quang Sơn và anh Vũ Văn Minh là những nhà hoạt động dân sự, dân chủ ở Việt Nam và cũng là những thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, sau khi tham dự buổi Thảo luận Nhân Quyền được tổ chức tại một giáo xứ ở Nghệ An thì khi về, cả bà đã bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công, hành hung rất thô bạo. Trước đó, có rất nhiều nhà hoạt động dân sự, dân chủ khác cũng bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công tương tự. Để xảy ra những vụ việc này, không ít dư luận đánh giá không tốt đối với chính quyền Việt Nam qua những tình huống tương tự.

Nhà hoạt động dân sự, nhân quyền bị hành hung, đánh đập

Ngày 19/5/2015, nhà hoạt động dân sự, dân chủ Đinh Quang Tuyến (ở Sài Gòn) đã bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công khi ông vừa bước ra khỏi nhà để đi tập thể dục buổi sáng. Vụ tấn công khiến ông Tuyến bị trọng thương. Đã mấy tháng qua nhưng ông Tuyến vẫn còn nhớ rất rõ diễn biến vụ việc xảy ra ngày hôm ấy. 

“Vừa bước ra khỏi nhà, tôi thấy anh công an khu vực sáng sớm ngồi bất thường trong quán cà phê ỏ trước nhà tôi, ngồi trong góc khuất và nhấc điện thoại lên. Tôi là người cảnh giác khi thấy ảnh nhấc điện thoại lên là tôi đoán có chuyện không may xảy ra. Đúng y, độ 10 phút sau là tôi bị những kẻ lạ mặt đánh”.

Ông Tuyến kể lại. Sau trận hành hung, ông Tuyến bị gãy xương sóng mũi, máu đổ ra rất nhiều ướt cả áo. Nằm điều trị ở bệnh viện, bác sĩ giải phẫu và nâng lại sống mũi cho ông Tuyến với thời gian điều trị hai tuần.

Tuy không bị hành hung trọng thương như ông Đinh Quang Tuyến nhưng anh Lê Hoàng, nhà hoạt động dân sự, dân chủ ở Hà Nội cũng từng bị những kẻ côn đồ vô cớ tấn công khi anh cùng số đông người dân ở Hà Nội tham gia cuộc biểu tình ôn hòa chống nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt Nam trên Biển Đông vào hồi tháng 5/ 2014. 

Anh Hoàng kể: “Thời gian ấy ở Hà Nội diễn ra cuộc biểu tình chống giàn khoan HD 981, tôi đi biểu tình cùng đứa con. Lúc tôi mãi hô phản đối thì bị những kẻ đấm đá trộm đằng sau lưng”.

“Chúng nó là những tên dư luận viên, cựu chiến binh dân phòng,” anh Hoàng khẳng định.

Qua tìm hiểu một vài vụ tấn công tương tự từ trước giờ thì được biết, thông thường khi bị tấn công, hành hung thì những nhà hoạt động dân sự , dân chủ luôn bị những kẻ côn đồ, lạ mặt vu khống một lý do vô cớ nào đó rồi ra tay.

“Tôi được anh luật sư Lê Công Định quan tâm đến chuyện của tôi thuật theo lời phía công an, an ninh rằng; tôi bị đánh là do giật khách hàng của người ta… Thứ nhất, có cuộc điều tra nào đâu mà nói tôi giật khách hàng. Thứ hai, tôi làm gì có khách hàng mà đi giật khách hàng của người ta, tôi làm công mà. Ai kêu thì tôi làm, không kêu thì tôi không làm, tôi bị động hoàn toàn làm sao có chuyện cạnh tranh khách hàng mà giật. Người ta bịa chuyện khá buồn cười”. 

Ông Tuyến chia sẻ lý do mà những kẻ côn đồ, lạ mặt đưa ra để tấn công, hành hung ông. 

Còn anh Lê Hoàng thì bị cho là quần chúng tự phát trong khi anh Hoàng khẳng định mình biết rõ mặt những kẻ tấn công, hành hung mình. Anh Hoàng bức xúc cho đây là một trò bẩn.

“Tôi nghĩ việc bức xúc là sự mặc nhiên, không nên mất thì giờ với bức xúc vì cộng sản vốn dĩ là như vậy… Việc của của mình không phải chỉ bức xúc mà tôi chọn đi tìm hướng giải quyết là chấm dứt chế độ độc tài toàn trị cộng sản để chấm dứt chuyện khủng bố” - lời của ông Tuyến.

Dấu hiệu hồi cáo chung

Lẽ thường tình sau những lần bị hành hung thì có người quyết định đi đến cơ quan công an để tố cáo vụ việc để phía công an họ làm rõ vụ việc, truy tìm và bắt giữ những kẻ côn đồ, lạ mặt ra trước pháp luật. Đối với anh Hoàng, những lần tố cáo thế này là bằng chứng sống của những kẻ bày trò hèn hạ, bẩn thỉu đối với những nhà hoạt động dân sự, dân chủ. Lời của anh Hoàng:

“ Khi tôi vào đồn trình báo thì công an nói là chắc thù hằn nhầm nhưng tôi thì không bao giờ xô sát, thù hằn với ai. Nó chung, trò hèn hạ, bẩn thỉu này dành cho tôi thế này mà đem so với mọi người khác là nhẹ nên cũng quen. Tôi không đơn từ gì mất công. Bị chúng đánh đau thì ta nên kiện, nó có tác dụng nhiều. Đây là những bằng chứng sống của chúng đối với anh em đấu tranh. Nếu im lặng sự việc sẽ thành cơm bữa và chúng sẽ liên tục như vậy”.

Hoặc cũng có người chọn quyết định không muốn tố cáo vụ việc qua phía cơ quan công an như trường hợp của ông Tuyến.

“Tôi không có trình báo lên cơ quan công an vì tôi biết rất là rõ. Trước đó rất nhiều lần là mật vụ đến nhà tôi, ngăn tôi ra đường và hăm dọa tôi. Công an có 2 lần đem giấy mời tới nhà tôi để làm công tác điều tra. Tôi xác định với họ là Việt Nam không có chính quyền, không có luật pháp nên tôi không kiện, không cần điều tra gì hết”.

Ông Tuyến còn cho rằng, việc những nhà hoạt động dân sự, dân chủ ở Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công, hành hung đây chính dấu hiệu của ngày cáo chung của cộng sản cận kề.

“Hiện tượng công sản đàn áp ngày hôm nay nó phản ánh cấp độ độc ác của cộng sản ở mức độ bùng nổ và dân chúng đã phản kháng, nó báo hiệu ngày cáo chung của cộng sản đã rất cận kề,” ông Tuyến khẳng định.

Năm 2014, Việt Nam được bầu vào thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Tháng 10/2015, Việt Nam gia nhập vào khối TPP nhưng ngày 20/11/ 2015 vừa qua, tổ chức theo dõi Humans Rights Watch công bố phúc trình nêu rõ ở Việt Nam 2015 - “số người bị bắt vì An ninh Quốc gia lan rộng, bất chấp những cam kết theo TPP”. 

Với ông Tuyến, việc đàn áp của chính quyền cộng sản đã giảm đi, nó tỷ lệ nghịch với sự lên tiếng của người dân. Khi người dân đã biết cất lên tiếng nói làm chủ chính là đòn bẫy thúc đẩy nhanh tiến trình dân chủ của đất nước.

“Họ (chính quyền Cộng sản) đánh không biết vào mục đích gì, mà đánh để thể hiện sự sợ hãi của họ mà thôi. Việc cộng đồng càng lên tiếng thì họ càng hoảng sợ, họ vẫn cứ đánh nhưng mức độ đánh sẽ giảm đi tại vì họ bị phát hiện. Để hạn chế mức độ bị họ đánh thì mỗi người cần góp một tiếng nói bằng cách này hay cách khác. Ví dụ như vụ cô giáo nào đó ở An Giang có lời phê bình không vừa lòng lãnh đạo tỉnh An Giang, cô giáo bị xử phạt thì ngay lập tức cộng đồng mạng, công luận phản ứng buộc lãnh đạo tỉnh An Giang phải rút lại quyết định xử phạt đó. Đó mới chỉ là về mặt truyền thông thôi chứ chưa có cuộc biểu tình hay một vụ việc nào đó xảy ra mà hiệu ứng như vậy… rõ ràng sự lên tiếng của cộng đồng vô cùng quan trọng đối với việc đánh thức nhà cầm quyền cộng sản. Sau cơn hoảng loạn họ phải tỉnh táo chấp nhận lỗi lầm, chứ đừng hoảng loạn mà trừng phạt người tố cáo mình… công luận có ích cho người dân khi bị tấn công và cũng có ích cho người sắp sửa phạm lỗi,” ông Tuyến cho hay.

Nhật ký biểu tình

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Tôi gọi đùa cuộc biểu tình ngày 5/11 vừa rồi là “trận chiến đường phố” đầu tiên của tôi sau 4 năm tù giam, 3 năm tù nhà. Đó cũng là lần đầu tiên tôi “tham chiến” ở đất Sài Gòn. Tôi chưa bao giờ đi xa, và đi lâu như thế, trừ đi tù.

Và tôi đi bí mật. Thế nên, cả “phe ta” lẫn “phe nó” đều ngạc nhiên khi thấy tôi - một cô gái Hải Phòng - xuất hiện trong đoàn người biểu tình tại Sài Gòn. Trời đất quỷ thần ơi! Không làm gì xấu, không làm gì khuất tất mà phải giấu giấu diếm diếm, sợ lộ. Để có cơ hội biểu thị lòng yêu nước, nhiều người phải bí mật “trốn” khỏi nhà một vài ngày hoặc nhiều hôm trước đó. Rồi ẩn náu ở một nơi khác, tiếng lóng gọi là “dạt vòm” để có mặt đúng thời gian và địa điểm đã được thông báo công khai từ trước. Chắc Việt Nam là một trong những đất nước ít ỏi còn sót lại trên thế giới mà người dân muốn bày tỏ lòng yêu nước phải vất vả, khổ sở và chịu đựng hiểm nguy như thế.

Tôi ngậm ngùi nhớ lại cuộc biểu tình lịch sử 8 năm về trước, ngày 9/12/2007 tại Hà Nội. Đó là cuộc biểu tình bày tỏ lòng yêu nước đúng nghĩa đầu tiên của người dân Việt Nam sau năm 1975. Trước đó mấy hôm, tôi nhận được email của người lính già Vũ Cao Quận vẻn vẹn mấy chữ: “Hẹn cháu và chú Nghĩa ở chân tượng đài lão I-Lích “thổ tả” lúc 9 giờ ngày 9/12 nhé”.

Cũng may, cả ba người Hải Phòng chúng tôi (bác Quận, chú Nghĩa và tôi) bằng cách riêng của mình cũng đã vượt thoát được hàng rào mật vụ án ngữ trước cổng nhà để có mặt trước Đại sứ quán Trung cộng, đối diện với tượng đài Lê-nin mà bác Quận gọi là “lão I-Lích thổ tả”, để biểu tình.

Tám năm về trước, chỉ mình tôi lạc lõng, lần mò lên Hà Nội rồi tìm cách nhập vào dòng người biểu tình. Lần này tôi có thêm những người bạn đồng hành. Họ là những cựu tù nhân lương tâm như Đỗ Thị Minh Hạnh, Trương Minh Đức, Huỳnh Anh Tú, Trần Ngọc Anh, các anh chị em khác như vợ chồng anh Đỗ Tửng, anh Trần Bang, Nguyễn Hoàng Vi, An Nam Dương Lâm và mấy em sinh viên. Cả thảy hơn mười người. 

Hơn mười người cũng “chiến”! Chúng tôi bảo nhau, và bắt đầu đi bộ dọc con phố gần công viên Lê Văn Tám với những biểu ngữ trên tay. Chị Trần Ngọc Anh, tôi và Đỗ Thị Minh Hạnh thay nhau cầm loa, bắt nhịp cho các anh chị em còn lại cùng hô theo: 

Trường Sa- Hoàng Sa- Việt Nam!
Đả đảo Trung cộng xâm lược! 
Phản đối giết ngư dân Việt Nam! 
Tập Cận Bình cút xéo khỏi Việt Nam!

Hơn mười người chúng tôi lẻ loi, đơn độc nhưng kiêu hãnh bước đi bên dòng người xe tấp nập, có phần vô cảm của người dân thành phố. Và giữa rất đông những bóng áo đảng của nào là công an sắc phục, mật vụ, dân phòng, thanh niên xung phong và… quần chúng tự phát. 

Chúng tôi vẫn cứ đi, và hô lớn:

Sơn hà nguy biến, xin đừng vô cảm!

Hô xong câu ấy, tôi chực khóc. 

Đến những đoạn đường đông, tôi thấy một số người giơ cao chiếc điện thoại hướng về phía chúng tôi. Có người vẫn ngồi trên xe gắn máy nhưng giơ bàn tay lên vẫy, rồi hô theo. Có người khẽ gật đầu với ánh mắt ngậm ngùi, đồng cảm. Như được khích lệ, tôi dõng dạc hơn:

- Lịch sử ngàn năm cha ông ta đánh giặc ngoại xâm phương Bắc chưa bao giờ khuất phục. Bây giờ chúng ta phải đứng lên. Đả đảo Trung cộng xâm lược! Trường Sa- Hoàng Sa- Việt Nam!

Lúc này thì tôi khóc thật. Lần nào biểu tình tôi cũng khóc. 

Chúng tôi nhắm hướng có trụ sở lãnh sự quán Trung cộng mà đi. Công an, mật vụ vẫn dày đặc mọi ngả đường. Trông kìa, một đoàn người giơ cao biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu đang tiến lại gần. Vỡ òa trong niềm vui khôn xiết, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, toàn những anh em, đồng đội chỉ mới nghe tên qua mạng Internet, nhưng thân thiết lạ thường. Hai đoàn nhập một, chúng tôi tiến lên phía trước. 

Tiếng hô: “Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam!"“Tập Cận Bình cút xéo khỏi Việt Nam!”,… lúc này đã lớn hơn, dõng dạc và có lửa hơn.

Và rồi những tiếng thét vang trời đồng loạt cất lên, ầm ầm và sôi sục. Đoàn biểu tình thứ ba kìa, đông gấp mấy lần hai đoàn chúng tôi gộp lại. Tôi cảm nhận rất rõ máu từ trái tim mình lan khắp cơ thể, nóng hổi và gấp gáp. Thật khó để diễn tả bằng lời niềm cảm động khi nhìn thấy nhau, nhận ra nhau và cùng hòa chung một tiếng gọi: tiếng gọi của lương tâm và trái tim, của niềm trắc ẩn và tình yêu với Non sông Tổ quốc. Thân thương lắm những gương mặt quen lẫn chưa quen. Những cái bắt tay, những cái ôm siết chặt. Những nụ cười và giọt nước mắt của giây phút hội ngộ đầy cảm động, thoáng chút xót xa. Không xót xa sao được khi cuộc hội ngộ này không dành cho niềm vui chiến thắng, hay hân hoan vui mừng. Sơn hà nguy biến kéo chúng tôi -những con người nhỏ bé đến gần với nhau, góp sức chung lòng mong đất nước hồi sinh.

Cùng lúc ấy tại Hà Nội, một cuộc biểu tình cũng đang diễn ra. 

“Trường Sa- Hoàng Sa- Việt Nam!”. Bất cứ ai trong số hơn 90 triệu người Việt Nam đều có thể thốt ra câu nói ấy, như một sự thật hiển nhiên. Nhưng mấy ai vì lòng tự tôn dân tộc để dám xuống đường rồi chịu bị đánh đập, bị bắt bớ, bị bầm dập và cầm tù để kiêu hãnh khẳng định chân lý ấy. Tiếng hô ở hai đầu đất nước, của những con người đơn độc, quả cảm nhất thời có thể chưa kéo được hàng ngàn người Việt khác xuống đường bày tỏ chính kiến. Nhưng chí ít, cũng là bước khởi đầu giúp cho không ít đồng bào thức tỉnh và bước qua sự sợ hãi. Và ngày mai, chính những con người còn thờ ơ ngày hôm nay sẽ đứng lên làm một cuộc đổi thay vận nước.

Khí thế ngút trời, chúng tôi đi. Và hát:

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn 
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang 
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm 
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng… (Việt Nam quê hương ngạo nghễ - Nguyễn Đức Quang).

Đoàn biểu tình dừng lại trước cổng trường Đại học Kinh tế Quốc Dân. Hoàng Dũng và Đỗ Thị Minh Hạnh dùng tay bắc loa hô, giọng khàn đi: “Sinh viên ơi hãy thức tỉnh! Sinh viên ơi xin đừng vô cảm!”. Chúng tôi đồng loạt hô theo.

Đội quân “còn đảng còn mình” trà trộn trong đoàn người biểu tình. Chúng giật băng rôn, khẩu hiệu và xô đẩy chúng tôi, rồi chuồn đi rất nhanh, rất chuyên nghiệp.

Lúc này đoàn biểu tình đã tiến gần bờ hồ Con Rùa. “Sắp có đàn áp!” Tôi thì thầm với mấy người bên cạnh khi thấy “quân đỏ” đã di chuyển, tiến sát đoàn biểu tình. 

- Lãnh sự quán Trung cộng thẳng tiến!

Một người hô. 

- Đúng, cứ hướng Lãnh sự quán Trung cộng mà tiến.

Một số người đồng tình, đáp lại.

Đoàn biểu tình chỉ tiến được vài bước, phải dừng lại. Dày đặc những bóng áo xanh xếp thành hình vòng tròn dồn chúng tôi vào giữa. 

- Tọa kháng đi! Không cho đi thì mình tọa kháng! 

Chúng tôi đồng loạt ngồi xuống và tiếp tục hát bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”.

Phía quân đỏ bắc loa, yêu cầu người dân giải tán, và giở dọng tuyên truyền (láo):

- Bán anh em xa mua láng giềng gần.

Người người biểu tình đáp lại:

- Láng giềng khốn nạn, láng giềng xâm lược!

Chị Sương Quỳnh, hội viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng hét lớn:

- Yêu cầu mở đường cho chúng tôi đi.

Đoàn biểu tình vẫn tọa kháng. Hàng rào quân đỏ siết chặt hơn. Chúng bắt đầu xô đẩy khiến một số anh em ngã chồng lên nhau. Một vài biểu tình viên bị sái cổ chân. Tôi khó thở vì bị ép vào giữa đám đông. Nếu không có hai cú đấm trời giáng của một tên mật vụ nào đó vào giữa đỉnh đầu chắc tôi đã ngất xỉu. Vừa định thần lại, tôi thấy xung quang mình thưa người dần. Hết người này đến người khác bị chúng bắt, lôi xềnh xệch trên mặt đường rồi quẳng lên xe, chở đi. Vừa lôi, chúng vừa đánh, vừa cướp điện thoại. Cuộc bắt bớ, đàn áp, đánh đập diễn ra rất nhanh, rất gọn. Tôi đã chuẩn bị một cuộc bắt bớ dành cho mình. Tôi nói với anh Huỳnh Anh Tú:

- Cho em xin chai nước tí vào đồn em uống. Em không uống nước của tụi nó đâu.

Tôi vừa nói dứt câu thì nghe thấy những tiếng la thất thanh: “Máu, đổ máu rồi!”

Quay qua nhìn thấy anh Trần Bang với bộ mặt bê bết máu. Tôi lúng túng không biết làm gì. Định đưa tay lau máu cho anh thì “rầm” một cái, Nguyễn Hoàng Vi đổ xuống ngay dưới chân tôi. Cách đó vài bước, chị Trần Ngọc Anh cũng đang nằm bất tỉnh. Tôi vuốt ngực cho Hoàng Vi vì lúc ấy Vi khó thở, mặt tái mét. Số người chưa bị bắt tính trên đầu ngón tay, thay nhau chăm sóc cho Hoàng Vi và chị Ngọc Anh. Chúng tôi bất lực nhìn quân đỏ lôi anh Trần Bang đi, máu từ đầu, từ mặt anh nhỏ giọt xuống đường. Lúc ấy, vẫn nghe tiếng anh hét lớn: “Đây là vết máu của Tập Cận Bình, vết máu của Tập Cận Bình. Vì Tập Cận Bình mà tôi bị đánh”. Đến lượt Nguyễn Hoàng Vi bị chúng lôi đi nốt. Rồi cả Anh Huỳnh Anh Tú cũng bị kéo lê trên đường khi anh vừa sốc nách chị Trần Ngọc Anh đứng dậy. Chỉ còn mấy chị em chúng tôi là chưa bị bắt, dìu chị Ngọc Anh lên xe taxi đến bệnh viện. 

Cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn bị đàn áp nặng nề. Có hàng chục người bị bắt, bị đánh đập đến trọng thương. Hơn một ngày sau, số người bị bắt mới lần lượt được thả về.

Tôi sẽ không bao giờ quên những gương mặt của ngày 5/11/2015. Cũng như không bao giờ quên khí thế của cuộc biểu tình 8 năm về trước. Càng không quên những cuộc biểu tình không thành với vẻn vẹn mấy anh em, chú cháu chúng tôi của những năm 2008. Đấy là những Vi Đức Hồi, Nguyễn Thượng Long, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Phương Anh, Lê Thị Kim Thu, Phạm Văn Trội, Vũ Văn Hùng, Ngô Quỳnh, Nguyễn Tiến Nam… (*). Bây giờ nghĩ lại lòng mắt vẫn còn cay. Nhưng cũng tự an ủi rằng, chính những con người ít ỏi, lẻ loi của ngày hôm qua sẽ là những bắt đầu cho số đông với sức mạnh như vũ bão cho ngày mai. Ngày mai của Tự do, Dân chủ thực sự.

(*): Sau cuộc biểu tình ngày 9/12/2007, đã có một số cuộc biểu tình nổ ra. Có cuộc tập hợp được số đông, có cuộc không. Điển hình là thời gian đầu năm 2008, một số cuộc biểu tình đã không thể diễn ra vì sự đàn áp quá mạnh tay từ nhà cầm quyền. Những con người kể trên chính là những người đã nỗ lực để tham gia, tổ chức những cuộc biểu tình thời gian đó.

07/12/2015


Làm thế nào để ngừa phản động biểu tình

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Trong khi nhân dân cả nước đang cố nhịn ăn nhịn mặc mặc, chịu khó chen chúc trên lẫn dưới gầm giường bệnh viện, thầy cô học trò quên cầu lội suối đu giây đến trường v.v... để dồn hết công sức tiền bạc tài nguyên đất nước xây dựng tượng đài bác khắp ba miền Bắc Trung Nam, thì bọn phản động lại bày trò xuống đường bảo vệ cây xanh trước kế hoạch đốn cây sống trồng cây chết, chặt cây ông trồng cây chắt, là chủ trương lớn của lãnh đạo các thành phố và Hà Nội, thủ đô của phẩm giá cây cổ thụ gỗ quý truyền thống lâu đời (Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước Tàu, gọi là... "phẩm giá con người"), khiến đảng ta phải bỏ của bỏ người đi lập tòa án kéo dài hai ngày 9 và 14 Tháng 12 tới đây.

Làm thế nào để ngăn ngừa bọn phản động gây rối trật tự là một đòi hỏi cực kỳ bức xúc đối với tiền đồ của tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đối với sống còn của nước “Việt Nam chỉ mới xuất hiện trên bản đồ thế giới từ ngày có Đảng”; nếu mình mất, là VN cũng biến khỏi bản đồ thế giới là điều không thể nào coi được.

Là người “hữu huyết, vô thần” tức không tin có trời, nhưng có tâm huyết CS; với tâm huyết CS, mình làm được những cái thằng trời không làm được, như chống phản động biểu tình bảo vệ cây xanh, xuống đường đuổi bọn xâm lăng cút về nước...

Mình thấy cách xử lý của nhà nước ta đối với bọn phản động cầm bảng vẽ mấy cây xanh với hàng chữ “Tôi yêu cây xanh” đi quanh quẩn bờ hồ Hoàn Kiếm mới đây thật là hữu hiệu và đúng với quyền tự do ghi trong Hiến Pháp được Pháp luật cho phép.

Trong vụ bắt thành công phản động Nguyễn Viết Dũng vừa qua, nhà nước ta không bắt người biểu tình bảo vệ cây xanh, chỉ bắt những ai mặc áo có mùi Ngụy... Văn Thà trà trộn vào.

Lấy đó mà suy, theo phép biện chứng duy vật chủ nghĩa, khi mình gặp khó nó ló ra dưới mắt mình cái khôn: Làm thế nào để ngăn ngừa bọn phản động phạm tội phá rối trật tự nơi công cộng ngay từ trong trứng nước.

Đó là: trước khi cho đoàn biểu tình xuất phát, Công An và côn đồ và cho nghiệp vụ lùa tất cả người biểu tình lại một nơi và phát cho mỗi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, béo gầy, cao thấp, một đồng phục giống hệt bác Thiếu tá Hồ Quang tức bác Hồ, tức cha già DT. AI không chịu mặc, khoanh vùng đứng đó hoặc đưa về đồn điều tra có âm mưu gì. Thế là mình đập tan âm mưu phá rối của bọn yêu cây xanh, ghét người đỏ.

07/12/2015

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị công an Nghệ An giả danh côn đồ đánh đập dã man

 


Trần Quang Thành (Danlambao) - Vào lúc 5:30’, chiều ngày 6/12/2015, tại khu vực thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Luật sư Nguyễn Văn Đài và một số thân hữu Hội Anh Em Dân Chủ đã bị công an tỉnh Nghệ An giả danh côn đồ đánh đập dã man sau khi tham gia phổ biến kiến thức về nhân quyền cho người dân.

Vừa về đến nhà lúc 6:00 sáng 7/12/2015, từ Hà Nội luật sư Nguyễn Văn Đài đã tố cáo hành động dã man của công an Nghệ An qua cuộc phỏng vấn của phóng viên Trần Quang Thành.

Nội dung như sau – Mời quí vị cùng nghe.


Khi chế độ sợ sử

Theo Người Việt-12-06-2015 1:25:43 PM 
Tạp ghi Huy Phương

Theo báo chí trong nước, môn lịch sử dự định sẽ bị xóa bỏ khỏi chương trình giáo dục phổ thông, và sẽ được “tích hợp” với môn giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng! Dư luận trong và ngoài nước đã lên án gắt gao dự định này, và việc bỏ môn sử trong chương trình giáo dục của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa không phải là không có cơ sở, vì nó đã bắt nguồn từ cuộc Cách Mạng Tháng Tám, đảng Cộng Sản muốn viết lại lịch sử theo chiều hướng có lợi cho đường lối của đảng. 



Nghĩa Trang Liệt Sĩ Người Trung Quốc ở Cao Bằng. (Hình minh họa: Tienve.org)

Hiện nay, trong giai đoạn Việt Nam đang trở thành con cái (một loại nghịch tử) của Trung Cộng, lịch sử Việt Nam đã là một trở ngại cho mối giao hảo của Việt-Trung, thì khi đất nước chúng ta trở thành một thành phần không thể cắt lìa của Trung Cộng, là ngôi sao nhỏ thứ năm trên lá cờ của bọn bành trướng. Lý do lịch sử Việt Nam là một chuỗi trường kỳ kháng chiến với giặc phương Bắc, và nước Tàu trở thành một “kẻ thù truyền kiếp” của dân tộc Việt Nam.

Sách “Việt Nam - Những Sự Kiện Lịch Sử 1945-1975” của Viện Sử Học-Viện Khoa Học Xã Hội (cơ quan chính thức của đảng và chính phủ) không hề nói đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa và sự hy sinh của những anh hùng tử sĩ VNCH trong trận chiến với Trung Cộng vào Tháng Giêng, 1974. Ngay cuộc tấn công của quân Trung Cộng chiếm các bãi đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa diễn ra ngày 14 Tháng Ba, 1988, phía Việt Nam mất ba tàu vận tải của hải quân, 64 thủy binh đã thiệt mạng cũng bị bỏ quên. Đương nhiên chuyện bán nước tày trời, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, vào năm 1958 đã gửi công hàm cho Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai nhìn nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng trên Hoàng Sa và Trường Sa lại phải giấu kín, không được ghi vào sử.
Vì sao đảng Cộng Sản Việt Nam lại giấu sử và viết lại sử, ngăn cấm không cho các thế hệ con em biết những sự thật đẫm máu về Trường Sa- Hoàng Sa, phải chăng là sợ mất lòng đàn anh “láng giềng khốn nạn!”

Cũng trong thời gian xảy ra những biến cố đau thương ở Gạc Ma, những việc nhảm nhí lại được đảng Cộng Sản tôn vinh thành sử sách như việc “Khai mạc Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Hội Chữ Thập Đỏ lần thứ năm” hay “Ngành Nội Thương tổ chức hội nghị đánh giá kết quả bước đầu chuyển hoạt động thương nghiệp sang hoạch toán kinh doanh XHCN.”

Ngay cả tội ác của lính Trung Cộng, trong cuộc thảm sát ngày 9 Tháng Ba, 1979 tại huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Cộng đã “dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có bảy phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình,” (*) mà ghê tởm thay, cũng được các nhà viết sử Cộng Sản lơ đi kẻo sợ mất lòng ông chủ Trung Cộng!

Những anh hùng do đảng nặn, phịa ra thì lại được ghi vào sử cho con em học ra rả. Đó là những anh hùng tưởng tượng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu... hay những dũng sĩ “không tưởng” như Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Bùi Minh Kiểm tay không ghì máy bay trực thăng thì được nhồi nặn vào đầu óc trẻ thơ. Thế hệ thanh niên bây giờ có thể biết về Lenin, Karl Marx là ai, trong khi một học sinh lớp 8 không biết ông Quang Trung “bà con” ra sao với ông Nguyễn Huệ, phải chăng vì “hai ông” này đều chống Tàu?

Khốn nạn hơn nữa, kẻ thù giết đồng bào lại được ghi công, nhà nước Việt Nam đã xây dựng đài tưởng niệm Liệt Sĩ Trung Quốc với hàng chữ “Việt Nam Nhân Dân Ký Công,” tức là “Nhân Dân Việt Nam Ghi Công” và hàng năm, đảng và nhà nước lại còn cúi đầu dâng vòng hoa tưởng niệm “Đời đời nhớ ơn các Liệt Sĩ Trung Quốc!”

Sao mà có một bọn cầm quyền hèn mạt đến thế.

Những việc tàn độc sau khi Cộng Sản miền Bắc đánh chiếm miền Nam, gọi là “giải phóng,” “thống nhất đất nước,” như tập trung quân cán chính, nhân viên đảng phái miền Nam vào nhà tù lao động khổ sai, đánh tư sản, lùa dân đi kinh tế mới, đổi tiền, các phong trào vượt biển đi tìm tự do... làm chết hàng triệu người Việt Nam, nó chính là tội ác, phải ghi vào sử, nhưng Cộng Sản sợ phải ghi những hình ảnh này vào sử, nó sẽ cho đồng bào biết Cộng Sản có bàn tay vấy máu như thế nào! Trong sử sách Cộng Sản, đảng ta luôn luôn “đánh thắng” dù là bằng cách trói tay và đập đầu chôn sống hơn 5,000 dân Huế trong Tết Mậu Thân!

Hãy nhìn đây sự khiếp nhược của đảng Cộng Sản Việt Nam trước bọn Tàu Cộng: Không có một con đường, một bến sông, một chiếc tàu hải quân nào dám mang tên có “hơi hám” đến cuộc chống Tàu xâm lăng trong lịch sử của cha ông, đó là những địa danh lẫy lừng trong lịch sử như Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng, Đống Đa, Hà Hồi hay các nhân vật lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu. Tất cả những con tàu thuộc Hải Quân VNCH đều hãnh diện mang những cái tên anh hùng chống Tàu như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Yết Kiêu...

Truyền thống của hải quân bất kỳ nước nào trên thế giới cũng là phòng thủ biên giới quốc gia, chống ngoại xâm, nhưng hải quân Cộng Sản Việt Nam chỉ bày ra để bảo vệ đảng, cũng như binh lính công an, bộ đội. Những con tàu của hải quân Cộng Sản Việt Nam hiện nay chỉ dám “rón rén” đặt những cái tên vô tội, ngây thơ không sợ “nhạy cảm” làm mất lòng đàn anh, như tàu HQ.182 tên là Hà Nội, HQ.183 là TP Hồ Chí Minh, HQ.184 là Hải Phòng, HQ.185 là Đà Nẵng, HQ.186 là Khánh Hòa, HQ.187 là Bà Rịa Vũng Tàu, HQ.011 là Đinh Tiên Hoàng, HQ.12 là Lý Thái Tổ. Nghĩ ông Đinh Tiên Hoàng hay ông Lý Thái Tổ thì có đụng gì đến bọn Tàu xâm lược.

Như vậy là quay mặt làm ngơ với lịch sử!

Là học sinh trung học thời VNCH, chúng tôi không những được học sử của Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh... mà trong sách Giáo Khoa Thư thuở tiểu học chúng tôi đã biết đến Ngô Quyền đóng cọc nhọn đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, ông Trần Hưng Đạo tâu với vua, “hãy chém đầu thần đi trước khi hàng giặc,” Trần Quốc Toản, tuổi thiếu niên, bóp nát quả cam trong tay, dựng cờ “phá cường dịch báo hoàng ân!” Thời bây giờ, chúng tôi không biết những Huỳnh Văn Bánh, Lê Thị Riêng, Ngô Văn Năm, Nguyễn Văn Đậu, Phan Thị Ràng... là ai, mà nghĩ thương cho “ông Quang Trung là anh em với ông Nguyễn Huệ!”

Một chế độ sợ sử và viết sử láo, chẳng qua vì hèn ngu, khiếp nhược.
Vì những lý do sợ Tàu, câu chuyện bỏ môn sử nghĩ cũng có nguyên nhân.
Dân tộc không sử là thứ con không cha, nhà không nóc.
Thôi thế thì thôi!


(*)Ghi theo tài liệu của Phạm Trần.Nếu có thời giờ xin mời bạn đọc vào xem DVD “Thảm Họa Mất Nước”https://www.youtube.com/watch?v=fpYuc2gs2bk 

2015: Thành tích nào cho Quốc Hội Việt Nam?

Phạm Chí Dũng

“Đòi nợ”

Thành công vang dội nhất của Quốc Hội Việt Nam tại kỳ họp cuối năm 2015 có lẽ là kết quả “đòi nợ.”
Món nợ trên thuộc về lời hứa hẹn tăng lương cho giới hưu trí và đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức nhà nước mà phía chính phủ đã trễ hẹn suốt ba năm qua.

Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đóng vai trò chủ thể quyết định trong việc đòi nợ trên. Chỉ sau khi ủy viên Bộ Chính Trị này “càm ràm” theo cách “nói hay thế mà sao một đồng tăng lương cũng không có” trước báo cáo trơn tuột của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên chính phủ mới vội vã “giật gấu vá vai” để tìm ra ít ngàn tỷ đồng tăng 8% lương cho giới về hưu và 5% lương cơ bản cho công chức viên chức từ năm 2016.

Tuy nhiên, số tiền được dùng cho tăng lương sắp tới chỉ vào khoảng 10,000 tỷ đồng, khác xa nguồn gốc dự kiến khoảng 30,000 tỷ đồng vào đầu năm 2015. Để có được số tiền này, chẳng còn một nguồn dôi dư nào mà đành phải “tiết kiệm là quốc sách” từ chi phí hội họp, tiếp khách và đi nước ngoài.

Dù còn xa mới đạt yêu cầu về “rửa mặt,” nhưng chí ít tình hình cán cân lực lượng cũng không đến nỗi thiểu não như khoảng thời gian cuối năm 2014. Người ta còn nhớ ngay trước kỳ họp Quốc Hội cuối năm ngoái, một số trong giới ngân hàng suýt phát điên bởi sự kiện một trong những người được coi là thân tín với chủ tịch Quốc Hội bị bắt khẩn cấp và bị tống giam ngay lập tức. Tiếp liền vụ bắt một hơi ba quan chức cao cấp của Ngân Hàng Xây Dựng vào Tháng Bảy, 2014, cái tên Hà Văn Thắm của ngân hàng có tên rất mơ màng là Đại Dương đã trở nên nỗi đe dọa khủng khiếp đối với “sân sau” của giới lãnh đạo chính trị - nếu bản chất vụ việc đúng là như vậy.
Còn vào cuối năm nay, tình hình có vẻ trở nên dễ thở hơn khá nhiều với ông Nguyễn Sinh Hùng. Trước Hội Nghị Trung Ương 12 vào đầu Tháng Mười, đã chẳng có “chân dung quyền lực” nào và không khí “an ninh trật tự” cũng hoàn toàn lặng sóng. Thậm chí trước kỳ họp quốc Hội năm nay đã chẳng xảy ra một vụ bắt bớ nào.

Trong khung cảnh khá an toàn như thế, không những đòi được một phần nợ lương từ phía chính phủ, Chủ Tịch Hùng còn tăng cường được vị thế “cơ quan giám sát” và đường hướng dân chủ hóa đôi chút của ông trước khi “hạ cánh.” Tối thiểu, thủ tướng cũng phải ra điều trần trước Quốc Hội, dù ngay sau đó đã hiện lên phản ứng dư luận “hỏi thẳng, trả lời cong.”

Câm nín

Nhưng có lẽ bản thành tích của Quốc Hội Việt Nam và Chủ Tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ đến thế.

Năm nay, so với năm ngoái, tình hình kinh tế và ngân sách đã thảm thiết hơn rất nhiều. Lần đầu tiên nổ ra hiện tượng một đương kim bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư - ông Bùi Quang Vinh - để mặc dòng cảm thán tuôn trào về “ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng” mà “không biết phân bổ cho cái gì.”

Chưa một kỳ họp Quốc Hội nào, không khí ngân sách lại trở nên nguy ngập như cuối năm 2015. Bội chi ngân sách vẫn tăng vọt; tiếp biến năm 2014, nợ công và nợ xấu đều vượt trần khủng hoảng; chi đầu tư công cùng tràn ngập các trụ sở hành chính hoàng tráng và tượng đài đã phá phách chút niềm tin cuối cùng vào chính thể; còn nạn tham nhũng vẫn hoàn toàn “ổn định”...

Tưởng như thời điểm cuối năm 2015 đã chứng kiến một kỳ họp Quốc Hội bùng nổ. Nhưng một trong những đau khổ tận cùng của nhân loại là người ta không thể thốt ra được cái đau khổ riêng có từ đáy lòng. Vẫn quá ít tiếng nói bức xúc và phản biện xuất xứ từ một Quốc Hội mang nặng thói quen nín thở. Hiện thực khó có có thể tưởng tượng được là bất chấp cái hiện thực quá sức đen tối về tương lai túi rỗng, tuyệt đại đa số đại biểu dân bầu vẫn ung dung hưởng lạc trong khán phòng tiêu tốn hàng tỷ đồng cho mỗi ngày họp.

Những ngày họp hoang phí như thế đã kéo dài ít nhất từ năm 2011 - khi lạm phát lên đến 20% chỉ tính trên báo cáo và nền ngân sách quốc gia bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng - cho đến tận bây giờ.

Nhưng nếu vào năm 2011 vẫn còn rơi rớt chừng 4-5 dân biểu chịu phản biện, thì đến năm 2012 con số đó chỉ còn một nửa, dù tình thế kinh tế và ngân sách lại càng ngập ngụa hơn.

Còn từ năm 2013 đến nay, điều kỳ lạ là bất chấp kinh tế và xã hội mau chóng rơi vào cơn mê sảng, Quốc Hội vẫn như câm nín.

Thái độ câm nín quá đáng nể phục như thế còn xuất thần hơn trước “bạn vàng” Trung Quốc. Nếu vào giữa năm 2014 và song trùng với cuộc tấn công chính trị của giàn khoan Hải Dương 981 mà Quốc Hội Việt Nam còn không thở hắt được bản nghị quyết nào về Biển Đông, đến cuối năm nay tất cả như phủ phục dưới cái xoa đầu nghễu nghện của Tập Cận Bình.

Để ngay sau khi rời Hà Nội, họ Tập thẳng tuột tại Singapore về “Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc,” còn toàn bộ Quốc Hội Việt Nam vẫn tiếp tục câm nín.

Được kết thúc vào những ngày gần cuối Tháng Mười Một, nhưng Quốc Hội Việt Nam vẫn như “không nghe, không thấy, không biết” trước hình ảnh tàu Trung Quốc chĩa AK vào tàu hải quân Việt Nam. Chỉ một ngày sau khi kỳ họp Quốc Hội này bế mạc, một ngư dân là Trương Đình Bảy đã bị “tàu lạ” nhảy thẳng sang tàu cá Việt bắn chết.

Bản lĩnh ê chề của Quốc Hội Việt Nam là thế.


Nguyễn Thị Kim Ngân?

Trở nên mờ nhạt một cách bất thường trước ông Nguyễn Sinh Hùng trên phương diện phát ngôn, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân như giữ thái độ “bất tuân dân sự” tại kỳ họp cuối năm 2015.

Đại hội 12 đang đến rất gần với bất cứ sơ sểnh nào cũng trở thành mồi cho lũ cá mập. Nghe nói bà Ngân đang nằm trong vài phương án nhân sự: Hoặc thay ông Hùng làm chủ tịch Quốc Hội, hoặc được điều động về Sài Gòn làm bí thư thành ủy.

Khả năng được đôn lên làm chủ tịch quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là rõ hơn. Bà cũng là người có vẻ được lòng các phe cánh đối đầu.

Nhưng làm thế nào để một khi trở thành chủ tịch Quốc Hội, bà Ngân sẽ trở nên một con én để ít nhất khiến biến đổi gương mặt quá trì độn của phần lớn trong gần 500 đại biểu đang tiêu tốn không ít tiền đóng thuế của dân?
Thực ra chưa thấy manh mối hy vọng nào về chuyện đó. Bằng chứng mới nhất là Luật Trưng Cầu Dân Ý.

Sau gần hai năm đưa lên đặt xuống, Quốc Hội Việt Nam đã chịu thông qua Luật Trưng Cầu Dân Ý vào ngày 25 Tháng Mười Một. Trong quyết định trưng cầu ý dân có “vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước, hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.”

Tuy nhiên như thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng” lại vẫn chưa được chi tiết hóa trong luật. Giải thích về quy định thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng,” Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội chỉ mô tả: “Việc xác định thế nào là 'đặc biệt quan trọng' gắn với nội dung từng vấn đề được xem xét, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. Do đó, nội dung này nên để Quốc Hội cân nhắc, xem xét quyết định đối với từng nội dung cụ thể khi có đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật Trưng Cầu Dân Ý.”

Cần nhắc lại, trước khi Luật Trưng Cầu Dân Ý được chính thức thông qua, một số ý kiến đã cho rằng Quốc Hội phải tiến hành trưng cầu ý dân về tình trạng chiến tranh hoặc những quyết sách lớn của thể chế liên quan đến Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An và có thể cả chính sách ngoại giao. Tương tự, những dự án có vốn “khủng” lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng (chẳng hạn dự án sân bay Long Thành và dự án đường sắc cao tốc Bắc Nam sử dụng vốn ODA), đương nhiên Quốc Hội phải trưng cầu dân ý.

Thế nhưng có vẻ Luật Trưng Cầu Dân Ý chỉ được thông qua cho có. “Vấn đề đặc biệt quan trọng” vẫn quá mù mờ và dường như bị cố ý “cho qua.” Tình trạng này rất có thể dẫn đến việc hiện diện một pháp lệnh hay nghị định triển khai Luật Trưng Cầu Dân Ý không muốn chi tiết hóa những “vấn đề đặc biệt quan trọng” là gì, và do đó việc cho ra đời luật này chỉ là một cách để đối phó với sức ép dư luận mà hoàn toàn chưa có gì được coi là “xem trọng ý kiến người dân.”

Tình trạng vật đổi người không đổi như thế cho thấy ý chỉ “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” vẫn ngự trị. Theo đó, Bộ Chính Trị đảng cầm quyền luôn muốn cầm tay chỉ việc Quốc Hội mà không để người dân có lấy một chút cơ hội phản biện.

Ngoài Luật Trưng Cầu Dân Ý, Quốc Hội Việt Nam hiện vẫn đang lúng túng đối phó với hai bộ luật khác được giới dân chủ nhân quyền trong nước và quốc tế lên tiếng thúc ép là Dự Luật Tôn Giáo và Dự Luật Lập hội. Cả hai dự luật này đều liên đới mật thiết với tiến trình vào TPP của Việt Nam.

Và cũng liên đới không kém mật thiết với đường đi nước bước cùng thế còn - mất sau đại hội 12 của từng nhân vật cao cấp, trong đó có đương kim Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Thị Kim Ngân.
Theo Người Việt- 12-06- 2015 2:25:44 PM