Saturday, June 11, 2016

Độc ở không gian và độc ở tâm hồn

06/11/2016 - 23:16 

Suốt chiều dài đất nước này, dường như không có chỗ nào là không có độc. Từ chất độc Dioxin để khai hoang trong cuộc chiến tranh cách đây ngót nghét nửa thế kỉ cho đến độc tố trong thực phẩm ngấm dần vào cơ thể, bào mòn từng tế bào trong thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và gần đây nhất là tứ bề độc trùng vây, độc tố trên biển, độc tố trong ao hồ… Có vẻ như đất nước này đang đối mặt với độc tố và nguy cơ diệt vong không phải là không có. Nhưng, đáng sợ nhất chính là độc tố trong tâm hồn con người.
Bởi độc ngoài tự nhiên, trong không gian, người ta có thể nắm tay nhau, tựa lưng nhau để loại bỏ nó, một ngày không xong thì mười ngày, một năm không xong thì mười năm, trăm năm, còn con người thì sự sống vẫn có chỗ để vươn dậy dưới ánh mặt trời.
Nhưng một khi tâm hồn con người trở thành cái túi chứa độc tố để giết hại đồng loại và giết hại chính mình thì e rằng sẽ khó có ông trời nào cứu được. Cho dù Đức Chúa hay Thượng Đế có hiện ra để xắn tay cứu vớt thì không chừng chính Thượng Đế hay Đức Chúa bị chết vì độc đầu tiên. Rất tiếc là đất nước nhỏ bé, nghèo khổ và kinh qua nhiều thăng trầm dâu bể như quê hương Việt Nam lại đang rơi vào tình trạng độc tố tâm hồn đã phát tác, đã ám hại tha nhân và ám hại chính mình.
Giả sử trong cuộc chiến Nam – Bắc Việt Nam, nếu quân nằm vùng của phía Bắc không dựa vào rừng núi, dựa vào dân để thỉnh thoảng lại đột kích thành phố, khủng bố và ám sát (rồi gọi đó là đánh du kích, nghĩa là đánh chơi, chỉ riêng hai chữ ‘đánh chơi’ cũng đủ nói lên bản chất man rợ của các cuộc ám sát, khủng bố này) thì cũng chẳng có thùng thuốc Dioxin nào rải vào núi rừng Trường Sơn và cũng chẳng có những nạn nhân “chất độc màu da cam”. Và hổ ngươi nhất là cũng sẽ chẳng có những cuộc kiện tụng, đòi Mỹ phải đền bù cho nạn nhân chất độc màu da cam.
Chỉ riêng chuyện đền bù cho nạn nhân chất độc da cam không thôi cũng có đến một ngàn lẻ một chuyện tệ hại để nói. Nào là đền và nuôi không đúng người, nhiều người mẹ sinh ba bốn đứa con lành mạnh, có một đứa thần kinh không bình thường, ông cha chạy vạy để đứa con được hưởng chế độ chất độc da cam. Rồi nhiều gia đình có con nhiễm chất độc da cam, ba đứa chứ không phải một, về mặt thủ tục thì các nạn nhân này có chế độ nhưng thực ra thì họ tồn tại héo mòn cho đến lúc chết đi, gia đình nó lại nhờ xóm làng chôn cất và không nhận được một đồng lẻ nào của chế độ này.
Rồi chuyện khai tăng số lượng nạn nhân. Nói một cách nghiêm túc, nếu phía Mỹ có một cuộc điều tra về độ chính xác số nạn nhân chất độc da cam cũng như chế độ đền bù, họ chỉ cần bỏ chưa đến một phần ba số tiền đền bù suốt bao nhiêu năm nay cũng đã quá đủ. Bởi tiền đền bù cho nạn nhân chất độc da cam đã vào nhà quan chức, người ta đã lấy số lớn và vứt vài đồng lẻ qua cửa sổ cho nạn nhân.
Trong khi đó, câu chuyện gần đây nhất, biển bị nhiễm độc, nguy cơ lâu dài cho dân tộc, quốc gia hiện ra trước mắt và mối nguy diệt vong đang đến rất gần, nó đến từ nhiều hướng, từ thực phẩm Trung Quốc cho đến hành tung của Trung Quốc trên biển Đông thì nhà nước lại ngậm câm như hến và còn có những hành tung, thủ đoạn nhằm bịt miệng dân. Vì sao lại có chuyện trái ngược, mâu thuẫn như vậy?
Nói cho cùng thì nguyên nhân của tất cả những vấn đề tệ hại như ngày hôm nay của Việt Nam là do độc tố trong tâm hồn con người đã phát tác, thứ độc tố của lòng ích kỉ, tính vụ lợi và lòng thù hận. Trong suốt bốn mươi mốt năm gọi là “thống nhất hai miền đất nước”, các thế hệ trẻ Việt Nam đã học được gì trong các bài học xã hội chủ nghĩa ngoài lòng thù hận đối với Mỹ, Ngụy?
Và tại sao người ta vẫn tiếp tục kiện tụng một cách dai dẳng vụ chất độc Dioxin? Bởi vì đó là một phi vụ kiện tụng có thể mang lại mối lợi lớn cho những ai bỏ công theo đuổi.
Nếu như Trung Quốc không có những tác động và ràng buộc về chính trị, kinh tế, về chuyện thâm cung bí sử bán nước của các ông lãnh đạo chóp bu Cộng sản Việt Nam, hoặc giả nếu như nhà nước Trung Quốc là một nhà nước sòng phẵng, có cách hành xử giống như nhà nước Mỹ, sẵn sàng chung đủ, đền bù đủ những gì họ gây ra khi mọi việc đã được phán quyết bởi tòa án thì chắc chắn vụ cá chết ở bờ biển miền Trung không im hơi lặng tiếng như đang thấy. Hoặc ngược lại, nếu nhà nước và doanh nhân Trung Quốc cũng không có thứ văn hóa hối lộ, đút lót và sẵn sang minh bạch mọi vấn đề thông qua tòa án như nhà nước, doanh nhân Mỹ thì câu chuyện cá chết dọc bờ biển miền Trung đã được làm sáng tỏ.
Bởi vì sự im lặng đầy tính phản động của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam diễn ra suốt hai tháng nay là có lý do của nó. Hoặc là nó sẽ không mang lại lợi lộc gì cho giới cán bộ chóp bu cũng như giới cán bộ địa phương nếu phanh phui nó ra. Hoặc là đã có sự thông đồng, đút lót, hối lộ giữa doanh nhân Trung Quốc (mà bên trên nó là sự chỉ định của nhà nước Trung Quốc) với giới cán bộ từ trung ương xuống địa phương Việt Nam.
Vì hối lộ, đút lót để qua chuyện và nhận hối lộ, nhận đút lót để làm ngơ mọi chuyện, đẩy vào trạng thái chìm xuồng vốn là thứ văn hóa cốt lõi của giới cán bộ Cộng sản. Vì sao lại có chuyện thối nát này?
Vì lẽ, nền tảng hình thành và tồn tại của chủ nghĩa Cộng sản không phải là lòng yêu thương, tình đồng loại hay sự dấn thân cho tự do nhân dân mà hoàn toàn ngược lại. Sức mạnh của người Cộng sản hình thành trên nền tảng của lòng ích kỉ, tính thù hận và óc vụ lợi. Lúc mới hình thành, người Cộng sản đã dựa vào hạt gạo tình thương của nhân dân để mà sống, đến khi phát triển, có chỗ dựa thì họ quay sang đề phòng nhân dân và hoàn toàn xa rời nhân dân. Ngay cả nhân dân miền Bắc vào sinh ra tử với họ cũng bị nghi kị và luôn sống trong bóng tối của nghi kị, giả dối và thù hận.
Đến khi có được quyền lực trên tay, họ tồn tại bằng cách duy trì lòng thù hận, giáo dục về lòng thù hận và phát triển lòng thù hận. Lòng thù hận lưu cửu trong lòng chế độ và nảy nở trong nhân dân thông qua giáo dục đã cô cặn thành chất độc, nó kích thích tính ích kỉ, sự dửng dưng và vô cảm trước nỗi đau đồng loại. Và chưa bao giờ mà thứ chất độc trong tâm hồn lại hoành hành dân tộc Việt Nam như bây giờ. Chất độc tâm hồn chảy từ hệ thống cầm quyền trung ương đến hệ thống cầm quyền địa phương, từ người dân chân lấm tay bùn không có hiểu biết cho đến những trí thức phục vụ nhà nước.
Và một khi chất độc tâm hồn đã phát tác, thì mọi thứ độc tố khác chỉ mang tính phụ họa để nhanh chóng giết chết dân tộc Việt Nam, quốc gia Việt Nam. Công trạng lớn lao trong việc tiêu hủy dân tộc Việt Nam, có lẽ phải dành cho người Cộng sản! 

Những cảnh nghịch đời

Thực lòng, tôi chẳng thấy nơi nào mà lắm thứ nhảm nhí với những "chương trình" vô bổ đến mức hãi hùng như ở xứ này.


Người ta không lo công bố nguyên nhân biển nhiễm độc, cá chết là vì sao, trong khi ở thị xã Ba Đồn, Quảng Bình lại tiếp tục có cá chết dạt vào bờ ngày 09.06.2016. Và người ta cũng kinh hoàng phát hiện ra lô cá 30 tấn đóng đông lạnh ở Quảng Trị nhiễm chất kịch độc phenol (C6H5OH) đang chờ "tuồn" ra thị trường, nếu trót lọt thì chắc chắn nó sẽ giống như thương vụ hàng triệu chai C2, Rồng đỏ của URC nhiễm Chì vẫn ngang nhiên được tiêu thụ trên thị trường vừa mới đây. Thực quá độc ác và tàn nhẫn thay. Và ngư dân thì vẫn lay lắt, cơ cực từng ngày với những cân gạo ít ỏi cứu đói hay chút tiền nhỏ mọn cho một chiếc "ghe" nằm bờ mà chưa đến tay, chờ ngày chính phủ công bố nguyên nhân mà họ nói là đang được phản biện ở đâu đó nhưng không một ai rõ là ở đâu.

Họ tổ chức mít tinh vui vẻ vào ngày đại dương thế giới cùng với tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam một cách tưng bừng. Trong khi đó, biển vẫn chết, cá không thể sống sót, Hoàng Sa, Trường Sa vẫn bị kẻ xâm lăng chiếm giữ trái phép, ngư dân khốn đốn, EU và Mỹ siết chặt lệnh cấm nhập khẩu thuỷ hải sản từ Việt Nam vì đến nay nguyên nhân thảm hoạ cá chết vẫn chưa được công bố chính thức và bằng cơ sở khoa học. Những nước văn minh họ luôn rõ ràng và tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt và minh bạch, nhà nước họ đặt trên hết việc đảm bảo sức khoẻ, tính mạng người dân lên đầu tiên chứ họ không nhập nhằng hay lập lờ điều gì mà có nguy cơ đe doạ đến hàng vạn, hàng triệu người.

Người ta tổ chức mít tinh trên nỗi hoang mang và sự cơ cực của những người dân, trong nỗi lo lắng về việc nước mắm, muối, cá từ vùng thảm hoạ sẽ được tuồn vào tiêu thụ mà không thể kiểm soát được.

Rồi trớ trêu thay, ở nơi hạn hán, người ta lại tặng cho những người Mẹ già là những bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng tới 600 bức ảnh "bác Hồ" mà không biết để làm gì ngoài treo lên tường hay để trước bàn thờ "thắp hương". Ở một nơi khác thì người ta cũng lại hào hứng tặng ngần ấy bức ảnh chân dung mỉm cười của một người đã khuất cả nửa thế kỷ cho các em học sinh nhỏ của những điểm trường khó khăn.

Đúng là đau xót thay những tấn trò đời. Cụ Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan hay cụ Nam Cao có sống lại thì cũng bẻ bút chứ chẳng thể viết nên được thứ gì ra hồn ở cái thời này.

Trong khi ở những nơi khó khăn, những vùng xa xôi, hẻo lánh, trường học không có, chỉ vài tấm ván ghép lại, bàn ghế lộc xộc, siêu vẹo, gãy gập, mái lá, vách nứa, các em nhỏ áo vá, quần rách, chân đất, đói ăn, thiếu thốn, thì người ta lại đầu tư xây tượng đài nghìn tỷ và tặng ảnh để những em nhỏ quên đi đói nghèo, quên đi thực tại đang bủa vây xung quanh. Hay những bà Mẹ mang danh anh hùng, hy sinh những đứa con trong thời chiến tranh, nay nhiều người vẫn nhặt ve chai, bán vé số kiếm sống qua ngày, thì người ta lại xây tượng Mẹ đến vài trăm tỷ đồng, rồi tặng thêm những bức ảnh của đấng thánh nhân mà họ ca tụng là "cha già dân tộc". Mà cũng không thể không nhắc đến việc ưu đãi cộng điểm thi cho con của những người có công với cách mạng trước năm 1945 hay cộng điểm cho Mẹ Việt Nam Anh Hùng nếu có đi thi đại học.

Người ta cho những bà già uống sữa tăng trưởng chiều cao và cho những đứa trẻ nhỏ đang cần cơm ăn một tập bút màu để vẽ những bức tranh trong trạng thái phải cười vui mà tận hưởng.

Có cô gái mang hàng tá huy chương vàng quốc gia, quốc tế, Sea Game về cho nước nhà, nhưng khi gặp nạn thì trở thành kẻ cô độc không nghề nghiệp, không được hỗ trợ bất cứ một đồng tiền nào mà phải khổ sở sống từng ngày trong cảnh đôi chân gần như tàn phế sau nhiều năm cống hiến đỉnh cao cho quốc gia.

Thành tích rồi cũng trở thành tàn tích với một xã hội mà chúng chỉ lo dẫm đạp, hút máu nhau để sống đời mình.

Giờ thì dân oan khắp nơi, mỗi năm lại thêm hàng trăm, hàng ngàn người dân rơi vào cảnh mất đất, mất nhà hoặc được đền bù quá rẻ mạt vì những dự án thương mại, sân golf, trung tâm cao cấp, siêu thị, khu resort, công viên, giải trí,...đến nỗi họ phải đâm vào mặt người nhân viên tiếp dân, phải nhổ nước bọt vào ông trưởng phòng nơi đó. Người ta phải cố thủ doạ tự thiêu để bảo vệ quyền lợi, tài sản của mình. Người ta phải đi tù, tan cửa nát nhà như ông Đoàn Văn Vươn làm ăn chân chính.

Và giờ, nhìn lại, người ta dồn sức tranh đấu đến cùng cho một lý tưởng rất đẹp đẽ, nhưng rồi cuối cùng người ta lại phải từng phần phủ nhận lại nó khi bắt buộc phải công nhận nền kinh tế thị trường từ chính các nước tư bản mà họ tuyên truyền là thù nghịch với mình. Họ cũng bác bỏ chính thứ chủ nghĩa, triết thuyết họ ngợi ca khi chấp nhận cuộc chơi kinh tế tư bản, nhưng vẫn duy trì cái chủ thuyết lỗi thời, đầy rẫy những sai lầm ấy để giữ cái thể chế mà họ cố công gầy dựng suốt bao năm qua.

Họ bất lực trước quyền lực độc tài toàn trị của chính họ. Họ không kiểm soát được tham nhũng, không xử lý được sự tha hoá con người, tha hoá chính trị, không giải quyết được những con sâu ăn tằm đông đúc, họ không có cơ chế để người dân có thể thực hiện quyền phủ quyết tối cao của mình. Luật pháp trở nên vô dụng, công lý trở nên xa vời và là công cụ để đối đãi với phần đông dân chúng còn lại không một chút quyền lực nào.

Tôi tự hỏi, không biết sẽ còn bao cảnh nghịch đời còn tiếp diễn nữa, trên mảnh đất này?

LS. Lê Luân

(FB. Lê Luân)

Sợ hãi toàn trị là bi kịch của người Việt

Lữ Hành Gia-11-06-2016
(VNTB) - Sợ hãi toàn trị là một điều mà cả dân tộc Việt Nam phải vượt qua, người dân Việt Nam phải có dũng khí đấu tranh chống lại sự cường quyền chuyên chính và sự xâm phạm vào các quyền lợi của họ, đồng thời dám cất lên tiếng nói thúc đẩy tự do- dân chủ-nhân quyền.


Trong một nền chính trị tập quyền chuyên chính thì hiếm khi nào tạo thuận lợi cho bất cứ một cá nhân hay một tập thể nào đối đầu hay thậm chí đối thoại với nó, thằng thắn vạch ra những sai lầm của nó. Đó là nền chính trị mà chỉ có một sự đối thoại duy nhất làm chuẩn mực là đó là những lời tự nói cho nhau nghe của những người trong hệ thống chính trị dưới sự chỉ huy của Đảng Cộng sản, chỉ có thể có Đảng viên nói cho cho nhau nghe và nhất nhất cùng thi hành quyền lực chuyên chính, có thể nói đó là một nền “dân chủ Đảng viên” đúng nghĩa.

Nhưng điều trên xảy ra không phải là ngẫu nhiên vô cớ, có những lý do liên quan đến tính lịch sử mà chúng dẫn đến sự thể là đến tận hôm nay nền chính trị Việt Nam vẫn phần lớn là rơi vào hoàn cảnh bị mắc kẹt vào sự chuyên chính, đời sống của nhân dân vẫn phần lớn bị chi phối bởi một hệ thống nào đó mà nó đã thay mặt nhân dân, nhân danh nhân dân để thi hành bất cứ những gì mà nó thấy cần thiết và tất nhiên là dưới danh nghĩa “nhân dân” mà thực hiện và dần dần nó đã trở nên “lờn” và bộc lộ ra bản chất toàn trị của nó. Điều này cũng làm chúng ta giật mình nhớ ra một điều rằng thật ra trong lịch sử chúng ta cũng chưa bao giờ có được một nền chính trị dân chủ thật sự, chúng ta đã đắm chìm vào cái “Thiên mệnh” của Nho giáo ở đó các tầng lớp nhân dân xem quyền lực nhà vua là không thể chối cãi và kháng cự, chỉ có thể tòng phục và khi chúng ta khoác cho mình chiếc áo mới trong lịch sử hiện đại thì quyền lực lại rơi vào tay một nền chính trị nhất nguyên chuyên chính của Đảng Cộng sản. Vậy thì cho dù nhiều thời kỳ lịch sử trôi quan nhưng chúng ta thực chất vẫn bị dính vào cái “dớp” của nền chính trị không hề có dân chủ, nó chỉ ẩn nấp dưới dạng khác nhau, chỉ là từ “quyền lực quân chủ” sang “quyền lực Đảng” mà thôi, tuy là hai nền chính trị khác nhau nhưng bản chất quyền lực vẫn là sự tập quyền, từ “chuyên chế” của phong kiến sang “chuyên chính” của Đảng, lúc trước thì chính quyền phong kiến nhân danh “Thiên mệnh” còn bây giờ thì chuyển sang nhân danh “nhân dân” .

Mãi cho đến khi trong các tầng lớp nhân dân (đặc biệt là những người trí thức) trong đó có một số bộ phận nhận ra rằng họ cảm thấy bị nhân danh quá nhiều, quyền lực trong một xã hội trong nay mai phải tiến đến những giá trị tự do-dân chủ thì nên nằm vào tay nhân dân thật sự và chính quyền với sự chuyên chính bấy lâu nay đã không cho họ thấy được điều đó và khi họ bắt đầu lên tiếng đấu tranh cho những cái họ xứng đáng phải có thì ngay lập tức họ đã bị chính quyền tống giam ngay lập tức, những người hô hào khẩu hiệu “công bộc nhân dân” đã trở nên là những người tống nhân dân vào tù !

Đó có thể nói là tình cảnh đang diễn ra ở xã hội Việt Nam, các tầng lớp nhân dân đã quá quen và cam chịu với việc cho hệ thống quyền lực áp đặt quyền cai trị vào bản thân mình chứ chưa hề làm quen với việc khái niệm quyền làm chủ quyền lực thật sự, khẩu hiệu “tất cả quyền lực vào tay nhân dân” chỉ mãi là khẩu hiệu chứ chưa hề được thành hiện thực và điều này họa chăng chỉ mới được báo động bởi một số tầng lớp có hiểu biết trong xã hội nhận ra, thật sự là chỉ những con người có tinh thần cấp tiến nhất và can đảm nhất mới có thể có những tiếng nói đòi lại những giá trị dân chủ và tự do mà người dân xứng đáng phải có, đó là những người như Nguyễn Quang A, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, giáo sư Tương Lai….. chứ phần nhiều trong nhân dân vẫn không dám cất lên tiếng nói của mình, có thể nói những giai đoạn mà nền chính trị toàn trị đã áp đặt lên lịch sử Việt Nam đã để lại một vết hằn và di chứng khá lớn cho tâm thức người Việt. Đó là một sự bi kịch trong tiến trình xây dựng một nền dân chủ thật sự cho Việt Nam khi mà người dân vẫn chưa có tiếng nói mạnh mẽ mà vẫn là sự cam chịu, họ vẫn chưa thể quen được với việc phải lên tiếng đấu tranh vì quyền lợi của họ, họ có thể không dám đối mặt với cường quyền, bởi lẽ sự cường quyền trong những năm tháng toàn trị đã khiến họ biết rằng tuân phục thì vẫn tốt hơn, nhắm mắt làm ngơ trước những quyền lợi của mình đã bị xâm phạm….

Chúng ta có thể thấy rằng qua cuộc vận động bầu cử đại biểu quốc hội vừa rồi thì tuy số người ứng cử tự do có tăng lên so với các năm và điều này đã cho thấy một sự khả quan khi đã có nhiều người trong tầng lớp nhân dân đã nhận thức được quyền làm chủ của họ và sẵn sàng xông pha ứng cử và cũng được nhiều người và dư luận xã hội ủng hộ, nhưng dường như ở họ chúng ta vẫn cảm thấy một sự lẻ loi nhất định ví như rất nhiều ứng viên đã bị cả một tập thể đấu tố, phân biệt trong quá trình tiến hành Hội nghị cử tri, những ứng viên tự do đã lần lượt bị loại khỏi cuộc chơi bởi những lần Hiệp thương mà thực chất là một quá trình thải loại những người mà hệ thống chính trị của Đảng thấy không phù hợp và khi đó vai trò của tiếng nói của người dân ở đâu ? 

Người dân đã chẳng dám lên tiếng mà có khi họ còn là những người ở trong những buổi “đấu tố” những ứng viên tự do, và qua sự thể này chúng ta đã biết được sự lợi hại, nguy hiểm mà sự toàn trị đã áp đặt lên tâm thức của người dân, nó khiến cho phần đông mọi người không nhận ra được sự thật hoặc dẫu có nhận ra cũng không dám có tiếng nói và khi bàn về điều này. Có lần tiến sỹ Nguyễn Quang A, cũng là một gương mặt tiêu biểu cho các ứng viên tự do đại biểu quốc hội trong một buổi trả lời qua kênh truyền hình Youtube BBC đã nói “……nếu người dân cứ bảo quy định là như thế không thể nào làm khác được thì số phận của dân tộc này đành phải chịu làm nô lệ suốt mà thôi, nếu mà người dân im miệng lại, không cất lên tiếng nói, không đấu tranh thì nó là như vậy, cho nên tôi nghĩ rằng đến bao giờ sẽ có cạnh tranh, nếu để yên cho Đảng Cộng sản làm thì họ chả bao giờ để cho ai cạnh tranh cả”.

Vì thế sợ hãi toàn trị là một điều mà cả dân tộc Việt Nam phải vượt qua, người dân Việt Nam phải có dũng khí đấu tranh chống lại sự cường quyền chuyên chính và sự xâm phạm vào các quyền lợi của họ, đồng thời dám cất lên tiếng nói thúc đẩy tự do- dân chủ-nhân quyền, và để làm được điều đó thì cần rất nhiều những người sẵn sàng tiên phong, cần nhiều hơn sự xuất hiện của những tổ chức xã hội dân sự với vai trò là nơi tập hợp và là cầu nối cho những người trí thức, giới đấu tranh ôn hòa với chính quyền, hãy cố gắng làm sao cho để những người dám đứng lên đấu tranh không còn chỉ là thiểu số trong xã hội.

Vô cảm và Cực đoan sẽ Cản Đường Hòa giải

Nguyễn Quang Dy-10/6/2016
“Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ nhưng chúng ta có thể sắp xếp lại tương lai”. (Dalai Lama)

Bóng ma Việt Nam lại trỗi dậy

Theo một khảo sát của viện Gallup (11/2012) Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia vô cảm nhất thế giới (đứng thứ 13 trong tổng số 150 nước). Đó là một tin buồn (bad news). Người Singapore vô cảm thì còn dễ lý giải và hiểu được, vì một quốc gia phát triển (high-tech) dễ làm con người vô cảm (thiếu high-touch). Việt Nam là một quốc gia chưa phát triển (low-tech) mà con người đã vô cảm thì khó lý giải và đáng lo ngại. Còn đáng lo ngại hơn khi vô cảm cộng với cực đoan (như anh em sinh đôi) sẽ cản đường hòa giải. Vì vô cảm và cực đoan dựa vào sức mạnh cứng và bạo lực, dẫn đến xung đột và tội ác, nên hòa giải đòi hỏi lòng nhân ái và vị tha, thái độ ôn hòa và thiện chí. Chỉ có sự tử tế và đồng cảm, vượt qua chấp và ngã, mới tạo được sức mạnh mềm, để hóa giải hận thù và định kiến, ngăn ngừa bạo lực và tội ác.     

Là một cựu chiến binh đã nếm mùi Chiến tranh Việt Nam và tham gia quá trình hòa giải (đầy nan giải) trong thời hậu chiến, tôi có dịp kết giao với các cựu chiến binh tham gia chiến tranh cũng như hòa giải, góp phần tạo dựng và phát triển FETP. Tuy không ngạc nhiên, nhưng tôi hơi lo ngại khi “bóng ma Việt Nam” (và Thạnh Phong) lại trỗi dậy, làm u ám bầu không khí hòa giải do cuộc tranh cãi gây bất đồng về vai trò của Bob Kerrey, sau Cơn sốt “Obamania” đầy cảm hứng. Tuy tranh cãi có thể cần thiết, nhưng tranh cãi gây chia rẽ lúc này chỉ có lợi cho ông bạn láng giềng phương bắc. Một khi đã không tránh được tranh cãi thì hãy bình tĩnh lắng nghe nhau, tránh thái độ cực đoan cố chấp, để tìm mẫu số chung cho lời giải, và nên đặt vấn đề tranh cãi cụ thể trong một bức tranh rộng lớn hơn (in perspectives).  

Câu chuyện Bob Kerrey và đại học Fulbright

Gần đây, dư luận ồn ào tranh cãi về Bob Kerrey khi được cử làm chủ tịch quỹ tín thác của Đại học Fulbright Vietnam (FUV). Sau một thời gian dài tưởng đã trôi vào quên lãng, quá khứ đau buồn của Bob Kerrey liên quan đến vụ thảm sát phụ nữ và trẻ em tại Thạnh Phong (25/2/1969) lại trỗi dậy như bóng ma ám ảnh Bob Kerrey (và tương lai của FUV). Năm 2001, New York Times và CBS News "60 Minutes" đã điều tra vụ thảm sát Thạnh Phong, để lại một vết đen lớn trong sự nghiệp của Bob Kerrey, nguyên thống đốc bang Nebraska và thượng nghị sỹ đảng Dân chủ. Năm 1992, Bob Kerrey đã ra tranh cử tổng thống, nhưng quyết định rút lui sớm khỏi cuộc đua (primary), trước khi bóng ma Thạnh Phong trỗi dậy. 

Có một sự thật mà chắc nhiều người đều biết là Bob Kerrey đã thành tâm ân hận sám hối và làm nhiều việc có ích để chuộc lỗi lầm. Không thể phủ nhận vai trò và đóng góp quan trọng của Bob Kerrey, cũng như John McCain và John Kerry, trong quá trình hòa giải và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt. Gần đây, nếu không có ba vị cựu chiến binh này dũng cảm đứng ra “chống lưng” thì chưa chắc Tổng thống Obama đã dám tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn cho Việt Nam, tạo ra một bước ngoặt mới cho quan hệ đối tác chiến lược (trên thực tế) giữa hai nước cựu thù, để đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông. Kinh nghiệm về giáo dục của Bob Kerrey làm chủ tịch “New School University” (2001-2010) và dự án “Đại học Minerva” cũng là một vốn quý (asset) để đóng góp xây dựng FUV theo mô hình mới.  

Nhưng có một sự thật mà chắc nhiều người khó quên là Bob Kerrey có vai trò chính trong vụ thảm sát Thạnh Phong, giết hại 21 thường dân (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) như một tội ác chiến tranh (dù trong hoàn cảnh nào). “Bóng ma Việt Nam” (hay Thạnh Phong) vẫn chưa chết, sẵn sàng trỗi dậy ám ảnh không những Bob Kerery mà còn nhiều người khác. Đừng quên bóng ma Việt Nam đã từng chia rẽ nước Mỹ, đang tiếp tục chia rẽ cộng đồng người Việt, và ám ảnh quan hệ Mỹ-Việt. Vì vậy, cần nhạy cảm với “bóng ma Việt Nam” tránh sa vào tranh cãi gây bất đồng, dễ bị mắc kẹt trong đường hầm không lối thoát (như “catch 22”). Đừng nên cố chấp biến mình thành “tù binh của quá khứ” (prisoners of the past), nhưng cũng đừng chủ quan coi nhẹ bóng ma chiến tranh còn đè nặng lên tâm thức nhiều người. Trong chiến tranh, những người lính (như Bob Kerrey) là nạn nhân của những luật chơi tàn bạo (như “Phoenix program”). Do cực đoan và vô cảm, cả hai phía đã gây ra nhiều tội ác, hận thù.   

Muốn biến hận thù thành lòng nhân ái, phải biến gánh nặng (liability) của quá khứ thành vốn quý (asset) cho tương lai, “biến lưỡi gươm thành lưỡi cầy” (turning swords into ploughshares). Đó chính là sứ mệnh của FUV, đã trải qua gần hai thập kỷ “lên bờ xuống ruộng”, nay mới thành hiện thực, để làm đòn bẩy cho quan hệ hai nước. Vì vậy, sứ mệnh của FUV lớn hơn sự nghiệp của từng con người tham gia xây dựng nó. Bob Kerrey là một sự lựa chọn “táo bạo” vì những lý do thiết thực nói trên, nhưng lại gây tranh cãi (như đã từng gây tranh cãi tại New School). Phải chấp nhận rủi ro và cái giá phải trả cho sự lựa chọn đó. Hoặc là phải tránh ngay từ đầu, hoặc là phải kiên trì theo đuổi đến cùng để từng bước hóa giải gánh nặng của quá khứ bằng nỗ lực phi thường cho tương lai. Rút lui giữa chừng là chấp nhận thất bại.

Chiến tranh đã để lại hậu quả khôn lường cho cả hai bên, không chỉ mất mát to lớn về người và của mà còn để lại những vết thương dai dẳng về tinh thần và tâm thức. Đã bốn thập kỷ trôi qua nhưng bom mìn chưa nổ và chất độc da cam vẫn còn đang khủng bố những người dân vô tội, và người Việt Nam vẫn chưa hòa giải được với nhau, vẫn còn hận thù và định kiến. Người Việt cùng một phía cũng dễ bất đồng và xung khắc với nhau. Trong khi vụ cá chết hàng loạt gần đây tại Miền Trung gây ra thảm họa môi trường và khủng hoảng chính trị, làm phân hóa và xung đột xã hội, thì bộ phim “Terror in Little Saigon” đã khơi lại vết thương cũ thời hậu chiến trong cộng đồng người Việt. Phải chăng cũng là do cực đoan và vô cảm?

Trong khi đó, bộ ba cựu chiến binh như “ba ngự lâm pháo thủ” (John McCain, John Kerry và Bob Kerrey) là biểu tượng của hòa giải, là vốn quý (asset) mà Chiến tranh Việt nam để lại như một “hệ quả không định trước” (unintended consequence). Việc làm của họ đã cổ vũ hàng ngàn cựu chiến binh (của cả hai phía) đóng góp vào quá trình hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh.  Chuck Searcy (project Renew) vẫn đang lặng lẽ rà phá bom mìn tại Quảng Trị, Wayne Karlin (nhà văn) viết những cuốn truyện cảm động về hòa giải (Wandering Souls: the Journey of the Dead and the Living in Vietnam, Nation Books, 2009)…         

Câu chuyện Obamania và Việt Nam

Cách đây hơn 8 năm, người Mỹ đã lên cơn sốt “Obamania”, đổ xô bầu cho Obama, một chính khách trẻ không có tên tuổi, nhưng đã nhạy cảm nắm bắt được tâm trạng cử tri đang muốn thay đổi. Khẩu hiệu “Change, yes we can” đã tạo ra cơn sốt “Obamania”. Nhưng nếu bây giờ (giả thiết) Obama ra tranh cử lần nữa thì chưa chắc thắng, vì giới trẻ “thiên niên kỷ” (Millenials) đã thất vọng và chán ghét các chính khách “nắm quyền lực” (establishment), đơn giản vì họ cho rằng những chính khách này chẳng quan tâm đến họ và không đem lại gì mới cho nước Mỹ, nên họ đã quay ra bầu cho Donald Trump và Burnie Sanders.  

Khi sang thăm Việt Nam (23-25/6/2016), Obama đã một lần nữa chứng kiến cơn sốt Obamania lặp lại tại Việt Nam, khi thái độ ứng xử thân thiện và bài diễn văn đầy cảm xúc với “sức mạnh mềm” đã chiếm được “trái tim khối óc” (heart and mind) của người Việt đang thất vọng và bất bình vì những gì đang diễn ra và thèm khát sự thay đổi. Nếu Obama lúc này ra tranh cử (tại Viêt Nam) thì chắc chắn sẽ giành được nhiều phiếu. Chuyến thăm Việt Nam chứng tỏ Obama không vô cảm và đã đem lại tầm nhìn mới cho quan hệ Mỹ-Việt. Nếu không khéo thì tranh cãi về Bob Kerrey sẽ tạo ra một sự “hẫng hụt” (như “anti-climax”).   

Tuy chưa thay đổi được bức tranh nhân quyền tại Việt Nam, nhưng Obama đã đem lại hy vọng đổi mới cơ bản và lâu dài tại Việt Nam, nếu hai nước bắt tay hợp tác chiến lược để đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc tại Biển Đông. TPP và quan hệ đối tác chiến lược sẽ hậu thuẫn cho thay đổi thể chế và nhân quyền (như đã hóa giải vấn đề MIA trước đây). Muốn hay không, quá trình đổi mới sẽ diễn ra theo quy luật (“đầu xuôi đuôi lọt”).

Câu chuyện Donald Trump và nước Mỹ

Tại sao đa số cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Donald Trump, một tỷ phú lỗ mãng có xu hướng bảo thủ cực đoan, trở thành ứng cử viên đảng Cộng Hòa? Không phải vì người Mỹ quá yêu quý ông này mà chủ yếu vì họ quá chán ghét những ông kia, (thuộc “establishment”). Tuy xu hướng cử tri (lòng dân) đã thay đổi, nhưng lãnh đạo đảng Cộng Hòa và các chuyên gia (pundits) vẫn vô cảm và chủ quan coi nhẹ, trong khi đó Donald Trump và những người ủng hộ đã nhạy cảm hơn, nắm bắt được xu hướng cử tri, nên giành được nhiều phiếu hơn.  

Nói cách khác, cử tri Mỹ đã nhiều lần cảnh cáo đảng Cộng Hòa (và cả Dân Chủ) bằng phong trào “chiếm phố Wall” (occupy Wall street) hay phong trào “tiệc trà” (Tea Party), nhưng dường như họ vẫn vô cảm. Khi lãnh đạo đảng Cộng Hòa tìm cách ngăn chặn Donald Trump thì đã quá muộn. Đảng Cộng Hòa thất bại là cái giá phải trả cho thái độ vô cảm đó. Nhưng nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ thì có thể là tai họa. Ông ấy có thể đưa nước Mỹ trượt theo xu hướng “biệt lập” (isolationism), quay lưng lại với TPP và “Pivot”.   

Hillary Clinton là một sự lựa chọn tốt hơn, tuy con đường đến Nhà Trắng còn nhiều trở ngại và góc khuất (như hồ sơ Benghazi và sử dụng email cá nhân). Việc thắng cử (primary) để trở thành ứng cử viên đảng Dân Chủ chưa thể đảm bảo thắng lợi. Muốn đánh bại được Donald Trump, Hillary Clinton phải thay đổi hình ảnh và chiến lược để thuyết phục và giành được phiếu của giới trẻ “thiên niên kỷ” (Millenials). Dù Hillary Clinton có được Tổng thống Obama ủng hộ, thì khả năng thắng cử không hề dễ, chỉ vì bà là… Hillary Clinton!  

Câu chuyện “Terror in Little Saigon”

Chắc nhiều người còn nhớ, khi bộ phim “Terror in Little Saigon” (của Frontline & ProPublica) được PBS công chiếu (12/2015) thì tranh cãi lại nổ ra trong cộng đồng người Việt tại Mỹ liên quan đến vụ giết hại 5 nhà báo gốc Việt bị nghi là do tổ chức “K-9” của “Mặt trận” Hoàng Cơ Minh (tiền thân của đảng Việt Tân) gây ra, để bịt miệng và răn đe những nhà báo đi tìm sự thật về những hoạt động mờ ám của tổ chức này (giai đoạn 1981-1990).

Câu chuyện đau buồn này vẫn chưa kết thúc, vì Nguyễn Thanh Tú (con trai một nhà báo bị giết hại) đang thu thập chứng cứ để khởi kiện, và yêu cầu FBI mở lại cuộc điều tra, với sự ủng hộ của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ). Điều đáng nói là điều tra trước đây của FBI đã bị đình chỉ, không có kết luận. Vì những lý do “nhạy cảm”, chính quyền Mỹ và cộng đồng người Việt đã im lặng (vô cảm) trước cái chết bí ẩn của các nhà báo gốc Việt, vì họ theo đuổi tự do ngôn luận, nên đã bỏ mạng vì khủng bố ngay trên đất Mỹ, như nạn nhân của bạo lực.

Nếu đủ chứng cứ, liệu FBI có mở lại cuộc điều tra một cách khách quan hay không là một phép thử đối với nền dân chủ và luật pháp Mỹ. Điều này có ý nghĩa không chỉ ổn định tâm lý cộng đồng người Việt tại Mỹ, mà còn củng cố lòng tin chiến lược cho quan hệ Việt-Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng an ninh (và chiến tranh lạnh mới) tại Biển Đông.  

Câu chuyện cá chết và Formosa

Hơn hai tháng qua, người Việt vẫn đang bị mắc kẹt trong câu chuyện cá chết hàng loạt tại Miền Trung gây thảm họa môi trường và khủng hoảng chính trị, làm bầu không khí bị đầu độc không kém gì nước Biển Đông bị nhiễm độc. Sự bất cập về truyền thông và lúng túng về xử lý khủng hoảng bộc lộ sự yếu kém và bế tắc về giải pháp, làm người dân lo lắng và bức xúc. Họ càng bất bình và phẫn nộ trước thái độ vô cảm của chính quyền đối với thảm cảnh của ngư dân và biện pháp trấn áp bằng bạo lực đối với biểu tình ôn hòa, trong khi không có biện pháp điều tra thích đáng đối với Formosa là nghi phạm chính. Trong bối cảnh thảm họa môi trường lớn đang de dọa cuộc sống của hàng triệu người gây khủng hoảng lòng tin, không thể đòi hỏi dân chúng bình tĩnh ngoan ngoãn ngồi yên chờ chính phủ giải quyết.

Câu chuyện Vũng Áng và Formosa làm bộc lộ không chỉ sự bất cập lớn về chủ trương đầu tư và bảo vệ môi trường, mà còn bất ổn lớn về lòng tin của dân chúng, là chỗ dựa chiến lược cho an ninh quốc gia và “quốc phòng toàn dân”. Điều này ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh đất nước và lòng tin của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh quan hệ công chúng tồi, công tác truyền thông cũng kém. Chương trình “đối thoại” (talk show) trên VTV “60 phút mở” (bắt chước chương trình “60 minutes” của CBS News) là một cố gắng cải tiến format có ích, nhưng lại vụng về (như “đấu tố”) nên đổ thêm dầu vào lửa, làm công chúng bất bình “ném đá”. Không chỉ những người làm chương trình vô cảm trước tâm trạng bức xúc của công chúng, mà đa số công chúng cũng cực đoan “ném đá” vùi dập một chương trình mới có ích.

Thay lời kết

Tại sao người dân Hà Nội và Sài Gòn đổ xô ra đường chào đón Obama như người thân (dù Mỹ từng là kẻ thù “nợ máu”), trong khi họ quay lưng lại với Tập Cận Bình như kẻ xa lạ (dù Trung Quốc là bạn vàng “bốn tốt”). Không phải vì họ yêu Mỹ hay ghét Tàu, mà đơn giản vì họ cảm nhận được sức mạnh mềm và dị ứng với sức mạnh cứng. Cũng như người Mỹ, họ chỉ muốn thay đổi cho dễ sống hơn. Vì vậy, hãy tìm cách hóa giải tâm trạng bất an và bức xúc của người dân để khôi phục lòng tin và làm chuyển hóa thái độ vô cảm và cực đoan của chính quyền, một nhân tố cản trở quá trình hòa giải cộng đồng, hội nhập quốc tế và đổi mới thể chế.   

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-6-16  

(Viet-studies)

Phó chủ tịch tỉnh bị kiểm tra: Đâu chỉ chuyện cái biển xanh

 - Những nội dung mà Tổng bí thư yêu cầu kiểm tra không chỉ là việc ông Thanh đi xe Lexus biển trắng được đổi thành biển xanh mà còn là quá trình bổ nhiệm.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2016/06/10/15/20160610150612-a1.jpg
Vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao UB Kiểm tra TƯ chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính TƯ, Ban Tổ chức TƯ, Bộ Công an, Ban cán sự Đảng: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng TƯ, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí VN khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí đã nêu đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Những nội dung mà Tổng bí thư yêu cầu không chỉ là việc ông Thanh đi xe Lexus của cá nhân biển trắng được đổi thành biển xanh mà còn là quá trình bổ nhiệm ông Thanh.
Tổng bí thư yêu cầu UB Kiểm tra TƯ cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban bí thư.
Đây là chỉ đạo kịp thời của người đứng đầu Đảng về việc thực thi pháp luật đối với cán bộ chủ chốt, không giấu giếm bao che.
Dư luận từ lâu đã có nhiều ý kiến về một số vụ việc được báo chí, người dân chỉ ra nhưng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng còn chậm, chưa minh bạch dẫn đến quần chúng phân tâm.
Trong vụ việc của ông Thanh, báo chí và dư luận bàn tán nhiều nội dung, từ việc được cơ quan công an của tỉnh cho đổi biển trắng thành xanh để tiện "thực thi công vụ" đến chuyện ông em "tốt bụng" cho ông anh mượn xe sang 5 tỷ và chịu làm lái xe chỉ nhận lương 3 triệu nhằm "học hỏi kinh nghiệm" của ông anh...
Mà lúc đầu cái chuyện dùng xe tư lắp biển xanh được vị Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu “hồn nhiên”: “Tôi thấy việc này là bình thường. Dùng xe cá nhân đi, chứ có dùng xe nhà nước sai tiêu chuẩn đâu mà dư luận phê phán ầm ĩ”.
Dư luận đặt câu hỏi "nếu ai cũng có thể đổi biển như thế" để dùng thì còn gì là kỷ cương luật pháp.
Nhưng dư luận không chỉ dừng lại ở chuyện biển xanh, biển trắng, mà còn băn khoăn ở chỗ bảo xe mượn của bạn thực chất có phải là mượn hay của ông Phó chủ tịch cho người khác đứng tên? Bởi người cho ông mượn lại là lái xe cho ông, một cấp dưới mà ông đem theo từ một tổng công ty lớn của Tập đoàn Dầu khí VN, nơi mà trước đó ông làm chủ tịch. Rồi còn chuyện vì sao ông lãnh đạo cái tổng công ty đang làm ăn bết bát mà bỗng nhiên được qui hoạch luân chuyển về làm phó chủ tịch tỉnh...
Xin được nói về cái tổng công ty nơi chắp cánh cho ông. Đó là một tổng công ty lớn của Tập đoàn Dầu khí VN, có tên viết tắt là PVC.
Lúc đầu, tổng công ty này làm ăn cũng khấm khá, được phong tặng nhiều danh hiệu. Tuy nhiên, sau đó PVC bắt đầu xuống dốc, lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ trầm trọng, gây khó khăn cho tập đoàn. Cụ thể, vào năm 2013, PVC báo cáo tài chính với khoản lỗ hợp nhất lên tới trên 3.200 tỷ đồng.
 Từ một công ty đang ăn nên làm ra mà chỉ trong thời gian ngắn lại thua lỗ trầm trọng như vậy là vì sao?
Do đó Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 49/TB – VPCP ngày 25/1/2014 theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ này.
Điều đáng nói là trước khi PVN bị kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC đã rời ghế lãnh đạo của tổng công ty này và được bổ nhiệm làm trưởng đại diện văn phòng miền Trung của Bộ Công thương ở Đà Nẵng.
Những tưởng sau chỉ đạo của Thủ tướng thì ông Thanh và một số lãnh đạo sẽ không tránh được việc liên đới trách nhiệm, nhưng kỳ lạ thay, cho tới nay chưa hề thấy đề cập tới trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh. Và ông Thanh một lần nữa được bố trí ở vị trí cao hơn.
Ông đã được luân chuyển về làm Phó chủ tịch ở một tỉnh vùng Nam Bộ "gạo trắng nước trong" xa quê để ông có thời gian trải nghiệm.
Ngày 13/5/2016, HĐND tỉnh Hậu Giang tổ chức kỳ họp bất thường thông qua tờ trình của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giới thiệu và đề cử nhân sự bầu bổ sung chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.
Tại kỳ họp này, với kết quả 43/47 phiếu đồng ý, ông Trịnh Xuân Thanh đã được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và đảm nhiệm chức vụ đó đến nay.
Được biết ông Thanh trước đó xuất thân từ doanh nhân. Tốt nghiệp kiến trúc năm 1990 sau đó sang Đông Âu làm ăn, về nước ông làm ở công ty Detesco của TƯ Đoàn, rồi chuyển sang tổng công ty Sông Hồng trước khi đầu quân cho PVC.
Có người cho rằng, ông Thanh đã "hạ cánh an toàn" sau vụ PVC bị thua lỗ. Và cũng chính vì vậy, người ta không thể không đặt câu hỏi: Có hay không “một ông anh” hay “một bà chị”... nào đó nâng đỡ, bố trí cho ông Thanh nói riêng và những vị lãnh đạo khác rời đi trong thời điểm đó một cách "an toàn"?
Từ sự ồn ào của dư luận, người đứng đầu Đảng đã có chỉ đạo kịp thời. Đây là cách làm đổi mới quyết liệt trong thực hiện nghị quyết TƯ 4 về chỉnh đốn Đảng
Vấn đề lấy lại lòng tin đối với Đảng là công việc cần kíp.  Phát biểu trong Hội nghị công tác dân vận vừa qua, Tổng bí thư nhấn mạnh: "Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội".  Và “Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất”.
Đây là việc "cần làm ngay" như Tổng bí thư yêu cầu. Chúng ta đã có đủ văn bản và bây giờ cần bắt tay vào những công việc cụ thể "nói đi đôi với làm" như Tổng bí thư chỉ đạo.
11/06/2016  11:04 
Nguyễn Đăng Tấn

‘Việc cần làm ngay’: Tổng bí thư Trọng muốn lặp lại Tổng bí thư Linh?

Tổng bí thư Trọng và văn phòng trung ương đảng của ông vừa có một động thái gây hoài nghi: trong lúc vẫn không có một động tác minh bạch và quyết liệt nào về công bố nguyên nhân vụ “cá chết Formosa” ở 4 tỉnh miền Trung đã kéo dài hơn 2 tháng qua, Văn phòng Trung ương Đảng lại vừa có công văn ngày 9/6/2016 thông báo “ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân nhưng gắn biển xanh”.
Theo văn bản này, ngày 3/6, một tờ báo đăng bài "Xe tư nhân gắn biển số xanh và di sản của Phó chủ tịch Hậu Giang", Tổng bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo đã nêu.
“Tổng bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban bí thư”.
Biểu hiện đáng chú ý là văn bản về trường hợp phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng chiếc xe có giá đến 5 tỷ đồng trên lại được chuyển đến giới báo chí và lập tức được công khai hóa – một động tác khá mâu thuẫn với truyền thống “bảo mật” đối với rất nhiều vụ việc, vấn đề, đặc biệt liên quan đến công tác “phòng chống tham nhũng” của đảng cầm quyền.
Ngay lập tức, xuất hiện dư luận xã hội về việc Tổng bí thư Trọng có ý muốn “làm nhân sự” ở tỉnh Hậu Giang. Hậu Giang lại thuộc về miền Tây Nam Bộ - địa bàn mà giới quan chức cao cấp Hà Nội thường khó “nắm bắt”.
Một dư luận khác cho rằng với tín hiệu “việc cần làm ngay” trên, có thể trong thời gian tới Tổng bí thư Trọng muốn mở ra một chiến dịch “diệt ruồi” như Tập Cận Bình đã làm ở Trung cộng từ năm 2012. Tuy nhiên với chính thể Việt Nam đã dấn quá sâu vào các mối quan hệ chồng chéo, tương lai “đả hổ” là quá khó khăn.
Cũng có dư luận quan tâm đến cụm từ “việc cần làm ngay” trong văn bản của Văn phòng trung ương đảng truyền đạt chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng. Việc nhắc lại cụm từ này dường như thể hiện ý chí của ông Trọng muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai”.
Cần nhắc lại, “Những việc cần làm ngay” được coi là một khẩu hiệu phục vụ cho cuộc “chỉnh đảng”, khởi đầu vào năm 1987, sau khi ông Nguyễn Văn Linh chấp nhiệm chức vụ tổng bí thư vào năm 1986 và khởi sự phong trào “Đổi mới”. Từ năm 1986 đến năm 1990, Tổng bí thư Linh đã viết khoảng 18 bài cho mục “Những việc cần làm ngay” được mở trên báo Nhân Dân, phê phán những vụ việc quan chức và đảng viên dính líu tiêu cực hoặc có lối sống “không lành mạnh”. 
Nhưng dư luận cũng đánh giá rằng cho dù muốn “làm ngay” và lặp lại hình ảnh của Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Phú Trọng đang vấp phải tình trạng tham nhũng hiện thời gấp hàng trăm lần so với cách đây ba chục năm. Do vậy, không có gì bảo đảm là Tổng bí thư Trọng có thể làm được một chiến dịch lớn nhằm “xoay chuyển tình thế” cho đảng cầm quyền rất thiết thân của ông. 
 06/10/2016 - 19:21
Lê Dung / SBTN