Wednesday, September 30, 2015

Một bạn trẻ bị công an ép đuổi khỏi nhà thuê vì hoạt động xã hội

Nhật Nam / SBTN-09/29/2015 - 21:55
Tối ngày 29/9/2015, bạn trẻ có nick Facebook là Hoàng Thành đã bị chủ nhà dưới sự ép buộc của công an lấy lại căn nhà đang thuê, và yêu cầu cậu chuyển đi ngay ngày hôm sau 30/9, chỉ vì cậu tham gia các hoạt động xã hội.

Hoàng Thành với câu khẩu hiệu “Học sinh – sinh viên không phải là chuột bạch!” trước Bộ Giáo Dục.

Mặc dù ba anh em Hoàng Thành mới chuyển đồ đến sáng ngày 29/9, đồ đạc mới được lắp xong, nhưng đến chiều tối cùng ngày, chủ nhà liên tục gọi điện thoại tới và nói rằng cần lấy lại nhà gấp. Sau đó, chủ nhà cùng một viên cảnh sát khu vực đến nhà để yêu cầu họ dọn đi ngay, bất chấp trong hợp đồng thuê nhà đã ghi rõ: nếu bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng, phải báo trước cho bên thuê 15 ngày.

Căn nhà này Hoàng Thành mới ký hợp đồng thuê từ ngày 24/9/015 và có thời hạn thuê trong vòng một năm, tới 24/9/2016. Người đứng tên cho thuê nhà là bà Đỗ Thị Ngân - có người chồng nhận là nhân viên công an thành phố Hà Nội ; đại diện bên thuê là em của Hoàng Thành.

Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng, Hoàng Thành bị chủ nhà chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà dưới sức ép của phía công an, mà không có bất cứ lý do hợp lý và rõ ràng nào cả. Hai căn nhà mà cậu thuê, một căn ở cuối hẻm và một căn ở đầu hẻm, đều thuộc hẻm 79/40 Tổ 1, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Theo Hoàng Thành kể lại, viên cảnh sát khu vực tên là Khánh, phụ trách khu vực Tổ 1, phường Yên Hòa đã lớn tiếng nói với em của cậu rằng, nếu Hoàng Thành còn ở khu vực này, thì anh ta sẽ còn tiếp tục ép “đuổi đến cùng”.

Hoàng Thành là người tham gia tích cực trong phong trào bảo vệ cây xanh Hà Nội. Cậu cũng được biết đến là người đầu tiên cầm khẩu hiệu: “Học sinh – sinh viên không phải là chuột bạch!” đứng trước Bộ Giáo Dục để phản đối phản đối các cuộc thử nghiệm thất bại của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Cậu cũng từng là thành viên của nhóm nhảy Big Toe nổi tiếng tại Hà Nội.

Dù đang mang trên người chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật, thể trạng cơ thể yếu, thường xuyên đau ốm và phải đi cấp cứu, nhưng Hoàng Thành vẫn lựa chọn lựa cách tiếp tục lên tiếng phản đối hành vi sai trái của phía công an, để đòi hỏi quyền lợi của mình.

Trong thời điểm này, blogger Phạm Lê Vương Các cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì những hoạt động viết lách và lên tiếng cho bất công xã hội, anh đã không ngừng gặp khó khăn khi đi thuê nhà để học tập tại Hà Nội.

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng nhân viên an ninh, cảnh sát khu vực gây sức ép, buộc chủ nhà đuổi những người thuê nhà – là các nhà hoạt động nhân quyền hoặc những sinh viên có hoạt động xã hội ra khỏi nhà thuê diễn ra ngày càng phổ biến.

Khi sử dụng những biện pháp hèn hạ, vô đạo đức, xâm phạm đến quyền tự do cư trú và quyền tự do biểu đạt chính kiến của công dân, điều này này sẽ chỉ càng tạo thêm hình ảnh xấu, không thiện cảm cho phía công an và xa hơn nữa là nhà cầm quyền mà họ đang phục vụ.

Làm thế nào để ‘’chặn’’ Công đoàn độc lập?

Lê Dung / SBTN-09/29/2015 - 22:11
Ủy ban thường vụ quốc hội Việt Nam vừa quyết định 'nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn' việc thông qua dự luật về hội - một dự án có đã trì hoãn đến 23 năm, tính từ Hiến pháp 1992 hiến định quyền người dân được tự do lập hội.

Hình ảnh "công đoàn độc lập sơ khai" của công nhân VN tổ chức đình công

Quyết định trên được đưa ra vào ngày 25/9/2015 bởi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Lý do ông Hùng biện dẫn là “còn có nhiều ý kiến khác nhau” về một số nội dung trong dự luật, trong đó có vấn đề về quy định “Hội có tư cách pháp nhân”.

Nhận định từ đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, thậm chí dự án luật này sẽ chỉ được “thảo luận” mà không được thông qua từ nay cho tới hết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa mười ba (2011-2016), tức có thể phải sang nhiệm kỳ tới của Quốc hội khóa 14.

Một nhà vận động cho xã hội dân sự ở VN - Tiến sĩ Nguyễn Quang A - cho rằng dự thảo luật về hội lần này “còn tồi hơn nhiều”, và dự thảo luật có tính “quản lý, khống chế” các hội đoàn của nhân dân, hơn là giúp thực thi quyền về lập hội của họ.

Chẳng khác chục năm trước, quá nhiều rào cản được trùng điệp dựng lên trong bản dự thảo Luật về Hội, trong khi lại phân biệt đối xử giữa các hội đoàn nhà nước với xã hội dân sự.

Với dự án Luật về hội của chính quyền VN, trên tất cả là mục tiêu ‘’siết’’ chính trị. Việc đưa ra quá nhiều quy định về giấy phép, những rào cản đăng ký, xin phép… chính là để ngăn cấm các hội đoàn xã hội dân sự độc lập ra đời.

“Họ tự thành lập và hoạt động với nhau, rất đông, như hội dân oan, hội khiếu kiện... Ta quản lý thế nào, hay để tự phát? Đã để tự do, không cấm, tạo mọi điều kiện hoạt động hội, thì nhà nước phải có cách quản lý tất cả các hội" - Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc. Quan chức này còn muốn luật phải quản lý được hết các hội, kể cả những hội không có pháp nhân.

Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng hội có hai mặt, trong đó mặt tiêu cực là đường dẫn xuất đến đa nguyên đa đảng, nên không được mơ hồ chỗ này, không nên áp dụng máy móc cách lập hội của các nước phát triển.

Công đoàn độc lập luôn bị chính quyền coi là một trong những “đường dẫn xuất” đó. Do vậy các công đoàn cơ sở tự lập của công nhân - nằm trong định chế Công đoàn độc lập của TPP - sẽ không thể đăng ký và được hoạt động, nếu chính quyền VN cố tình không ban hành Luật lập hội. Nếu không có luật này, dù chính quyền VN có tuyên bố chấp nhận công đoàn độc lập để được tham gia vào TPP, việc triển khai công đoàn độc lập của công nhân sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chờ “Luật về hội” được thông qua và ban hành.

Đây chính là điều mà những nhóm bảo thủ chính trị, và một số cơ quan công an luôn lo sợ “Công đoàn đoàn kết” hiểu quá rõ, nên đang tìm cách đình trệ vô thời hạn Luật về hội.

Con bị đuổi học vì mẹ có góp ý với nhà trường phương pháp dạy học

Huỳnh Quốc / SBTN-09/30/2015 - 09:15
Nhận thấy phương pháp dạy học của trường vượt quá khả năng của các em học sinh, một phụ huynh đã có đóng góp ý kiến với nhà trường. Nhưng thay vì tiếp nhận lắng nghe ý kiến phụ huynh, thì nhà trường lại đuổi học con của vị phụ huynh này.


Suốt mấy ngày nay, chị Vũ M.T (31 tuổi, trú quận Thanh Xuân – Hà Nội) vẫn chưa hết bất bình trước việc con trai của chị là bé V.N.K (2 tuổi rưỡi) bị Trường mầm non Kinder Care có cơ sở tại Ngọc Hà – Ba Đình buộc nghỉ học mà không một lời giải thích.

Trước đó, sợ con trai mình mới đi học nên còn lạ lẫm, chị T đã xin nhà trường cho chị ở lại theo dõi bé một vài ngày. Chị T. chứng kiến con của mình cùng nhiều học sinh khác phải học trong những phòng tối, thiếu ánh sáng. Ngoài ra, việc ăn uống của các bé khác nhiều so với trong thực đơn nhà trường gửi cho phụ huynh. Thêm vào đó là phương pháp dạy ở trường mà theo chị T cho biết là nó vượt quá khả năng của các cháu.

Lo lắng trước những thực tại trên, chị T. cùng 10 phụ huynh khác đã lập ra một nhóm facebook kín để chia sẻ thông tin, những việc liên quan đến kinh nghiệm nuôi dạy con trẻ. Sau đó, chị T cùng nhóm phụ huynh này đã đồng ý gặp gỡ nhà trường để đưa ra những góp ý cho việc chăm sóc và dạy dỗ các bé một cách tốt nhất.

Chị T. kể khi đến trường, cô Nhi – sáng lập viên trường Kinder Care- đã gặp riêng chị để nói về việc lập nhóm facebook. Cô Nhi nói nếu không cùng quan điểm với nhà trường thì nên cho con nghỉ.

Con trai của chị bị đuổi học vào hôm Thứ Hai ngày 28/9/2015. Phía gia đình vẫn không nhận được một lời giải thích rõ ràng cho sự việc này.

Đây là trường hợp thứ 2 con bị đuổi học khi phụ huynh có ý kiến về vấn đề học tập của con trên facebook. Sự việc trước đây xảy ra tại một trường tiểu học ở quận 7 – Sài Gòn, một học sinh bị đuổi học sau khi phụ huynh chê cà vạt của trường xấu lên facebook.

Bàn tán về phát ngôn của GĐ Sở Giao thông

Theo BBC-30 tháng 9 2015
Image copyrightCafeVN
Image captionÔng Bùi Xuân Cường mới được bổ nhiệm giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP HCM tháng 8/2015
Bình luận của tân giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh về tình trạng kẹt xe đang là đề tài bàn tán của cư dân mạng.
Hôm 30/9, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh được báo VietnamNet dẫn lời: “Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được”.
Phát ngôn này được ông Cường đưa ra trong cuộc họp báo định kỳ hôm 29/9.
Hôm 30/9, website của Sở Giao thông cũng đưa tin về sự kiện này nhưng chỉ nêu: “Giám đốc Sở Giao thông cho biết để giải quyết ùn tắc, không chỉ Sở Giao thông - Vận tải và cảnh sát giao thông mà ủy ban nhân dân các quận huyện cũng cần vào cuộc để giải quyết các tình trạng lấn chiếm lòng lề đường như hiện nay”.
Hôm 30/9, BBC đã liên hệ với Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh để xác minh nhưng người trực tổng đài báo ông Cường bận họp nên không phản hồi.
Image copyrightistock
Image captionNgười dân TP. HCM thường xuyên gánh chịu cảnh kẹt xe

'Quan chức diễn hài'

Phát ngôn của ông Cường bị cho là ‘hài hước’ vì ông là người có nhiều bằng cấp và có kinh nghiệm trong ngành.
Khi đưa tin về việc ông Cường được đề bạt vào vị trí giám đốc Sở Giao thông cách đây một tháng, báo trong nước tường thuật ông là “kỹ sư cầu đường, thạc sĩ kỹ thuật, thạc sĩ hành chính công, từng giữ chức vụ phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải và trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP”.
VietnamNet cho biết thêm: “Tuy báo cáo 9 tháng đầu năm của Ban an toàn giao thông TP Hồ Chí Minh nêu không có vụ ùn tắc nào kéo dài trên 30 phút nhưng ở mục thống kê chi tiết các vụ ùn tắc giao thông lại có những vụ xảy ra hàng giờ liền. Chưa kể, một số vụ kẹt xe nghiêm trọng khác bị bỏ sót mà báo chí đã phản ánh”.
Tháng 5/2015, báo này đã ghi nhận một vụ kẹt xe suốt 10 tiếng, 'không thể nhúc nhích' ở các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái.
Hôm 30/9, trên mạng xã hội, một nhà báo tại TP Hồ Chí Minh bình luận: “Phát ngôn của ông Cường cho thấy đang có xu hướng quan chức chuyển sang diễn hài”.
Luật sư Lê Công Định cũng chia sẻ một status trên Facebook: “Trong lúc rảnh hơi, tôi chợt nghĩ bộ môn tiêu hóa của ngành y có thể mượn hẳn hai thuật ngữ ‘ùn tắc’ và ‘ùn ứ’ theo cách diễn giải của ông Cường để đưa vào giáo trình và sách chuyên ngành”.

Thiếu minh bạch về 8 vụ án trọng điểm'

Theo BBC-30 tháng 9 2015
Image copyrightAFP
Image captionBan chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Đảng CSVN vừa nói sẽ đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử trước Đại hội 12 của Đảng.
Trong lúc tám vụ án trọng điểm mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Việt Nam vừa đề nghị đem ra xét xử trước Đại hội lần thứ 12 của Đảng CSVN được cho là một 'vở diễn', 'ít về số lượng', thì cách thức các vụ án được đưa tin cho thấy một sự 'thiếu tường minh'.
Đó là một vài bình luận mà các nhà quan sát, phân tích chính trị, xã hội Việt Nam nói với BBC.
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nêu quan điểm cho rằng chống 'tham nhũng' từ đầu nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới nay tỏ ra khá 'lúng túng' và tuyên bố này của Đảng chỉ là 'một màn kịch nhạt nhòa'.
Nhà xã hội học nói: "Khi tình hình Đại hội 12 sắp diễn ra lại thấy rộ lên vấn đề chống tham nhũng. Và người ta liệt kê thành tích xử được bao nhiêu vụ, bỏ tù được bao nhiêu anh, rồi kê khai tài sản được bao nhiêu vị.
"Nhưng theo tôi, 'màn kịch này' cũng chỉ là một trong những pha trước Đại hội mà thôi. Đối với người dân như là tôi chẳng hạn, thì tôi suy nghĩ, tôi không thấy có gì là hấp dẫn. Bởi vì người ta cần đột phá thì không thấy, chỉ vậy thôi."
Khi được đề nghị bình luận về tám vụ án cụ thể được đề nghị xét xử, ông nói:
"Tôi không đi vào chi tiết, tôi chỉ nhìn chung màn kịch, thì tôi thấy vở diễn nhạt quá. Nó không hấp dẫn gì cả, người ta cũng phải ly kỳ, hồi hộp... đây thấy nó nhạt nhòa quá, cho nên cái 'miếng võ' mà ngài Tổng bí thư đưa ra tôi thấy nó chẳng phải là võ tàu, mà cũng chẳng phải là võ tây, mà nó lúng túng 'như gà mắc tóc'.
"Cho nên theo tôi, nó cũng không có ý nghĩa gì lắm trong chính trường Đại hội 12 cả. Đấy là theo tôi nghĩ nếu cứ nhìn trên những 'con muỗi mắt', thống kê lên những vụ bắt bớ, với kê khai tài sản... thì tôi thấy vở diễn này kém quá," từ Sài Gòn, Giáo sư Tương Lai nói.

Đụng chạm ô dù

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm cho rằng cần theo dõi thêm diễn biến của các vụ xử, tuy nhiên ông thấy rằng các vụ án này là 'quá ít' so với thực tế tình trạng tham nhũng ở Việt Nam mà từ lâu theo ông Đảng và nhà nước 'đã cạn kiệt' ngôn từ trong cuộc chiến chống tệ nạn này.
Ông nói: "Việc chống tham nhũng của Việt Nam thì về mặt lời nói đã dùng những ngôn từ cao nhất rồi, tức là đã cạn ngôn từ rồi: 'giặc nội xâm', rồi 'nguy cơ tồn vong' của đất nước.
"Thế nhưng hiện nay việc chống tham nhũng, Việt Nam rất kém hiệu quả. Cụ thể là xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) về cảm nhận tham nhũng của Việt Nam, thì điểm ba năm: 2013, 2014 và 2015 cứ là 31/100, không có thay đổi gì cả."
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương bình luận thêm về tính 'trọng điểm' và điển hình của các vụ án và một vấn đề khá 'nhạy cảm' ở Việt Nam trong chống tham nhũng mà ông gọi là 'đụng chạm ô dù'.
Tiến sỹ Doanh nói: "Theo tôi hiểu 8 vụ ấy thì không phải là nhiều và so với việc tham nhũng mà xã hội Việt Nam hiện nay đang đề cập, thì chắc chắn số vụ tham nhũng rất là nhiều chứ không phải là ít.
"Thế nhưng vấn đề ở đây là chuẩn bị được đến đâu, hồ sơ được đến đâu, điều tra được đến đâu, thì đưa ra đến đấy là một. Việc thứ hai nữa là các việc xử án tham nhũng này thì thường là tham nhũng ở Việt Nam không thể nào thực hiện được, nếu như không có ô dù nhất định.
"Nếu mà xử tham nhũng vụ này, hay vụ kia, rất có thể là sẽ đụng đến cái ô dù nào đấy và đấy là một vấn đề có lẽ là cần tiếp tục theo dõi thêm xem là việc xử nhân vật tham nhũng này có tác động gì đến ông A, ông B nào đấy, ở đâu đấy trên cao hay không. Và điều ấy là điều đáng chú ý trong việc xử tham nhũng trước kỳ Đại hội," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói.

Hời hợt, bưng bít?

Hôm thứ Ba, từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam bình luận về tám vụ án trọng điểm.
Ông nói với BBC: "Cảm nghĩ của tôi là có vẻ như những vụ án trọng điểm đưa vào năm nay hời hợt hơn khá nhiều so với những vụ án trọng điểm đưa vào những năm trước.
"Thí dụ như vào năm 2013, đã đưa ra một số vụ án trọng điểm, trong đó có đưa ra xử vụ Dương Chí Dũng, tức là Vinalines.
"Và cái cách mà bên ngành tư pháp cũng như bên Đảng chỉ đạo đối với các vụ án trọng điểm thường là phải đưa tên tổ chức đầu tiên, rồi sau đó mới là những cá nhân chịu trách nhiệm nằm trong tổ chức đó, kèm theo chức vụ cụ thể.
"Và thậm chí còn đưa luôn cả nội dung của từng vụ án, từng vụ việc và mức độ vi phạm trầm trọng như thế nào. Nhưng tám vụ án được coi là trọng điểm năm nay lại chỉ có tên cá nhân và đồng phạm, đồng bọn, ngoài ra không có gì khác.
"Và việc mà quá vắn tắt như vậy nó làm cho người ta có cảm nhận đầu tiên là thứ nhất dường như những vụ án được coi là trọng điểm lại có một cái gì không minh bạch, hoặc là bị bưng bít.
"Ít nhất về mặt truyền thông, về mặt tuyên giáo, đưa ra chỉ để cho độc giả, cho dư luận xã hội biết một chút thôi, còn lại người ta muốn che dấu một cái gì đó.
"Cảm nhận thứ hai, nếu như những vụ án này nó đơn giản tới mức chỉ có tên cá nhân và những đồng phạm mà không có mức độ nghiêm trọng như là những vụ án đưa vào những năm trước, thì có thể đây chỉ là những vụ án bình thường và đưa ra xét xử cho có."
"Vấn đề là thời điểm đưa ra vào lúc này nó có ý nghĩa gì," ông Phạm Chí Dũng đặt dấu hỏi.

Sóc Trăng: Mưa to “biến” đường… thành sông

Dân trí Chiều ngày 30/9, một trận mưa lớn kéo dài khiến cho nhiều tuyến đường trong nội ô TP Sóc Trăng “biến”... thành sông.

Ghi nhận của phóng viên, cơn mưa bắt đầu từ khoảng 16h chiều kéo dài đến hơn 18h tối đã khiến nhiều tuyến đường trong nội ô TP Sóc Trăng như Nguyễn Du, Mạc Đĩnh Chi, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Thêm, Lê Hồng Phong, Phú Lợi,...bị ngập sâu.
Các con đường bỗng chốc “biến” thành sông lại đúng vào giờ tan tầm của người dân từ các cơ quan, trường học ra về nên nhiều tuyến đường bị ách tắc, nhiều xe máy "chết" máy giữa đường khiến người dân lưu thông rất khó khăn.
Nhiều người băn khoăn, dù thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư nhiều tỷ đồng cho việc cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến đường nhưng không hiểu sao nước không thoát mà tình trạng ngập lại kéo dài và sâu thêm.



Mưa lớn khiến nhiều con đường biến thành sông.
Mưa lớn khiến nhiều con đường biến thành sông.


Ô tô, xe máy cùng lội...trên sông.
Ô tô, xe máy cùng "lội"...trên sông.


Nước ngập sâu, người dân lưu thông rất khó khăn. Càng khổ hơn khi xe máy đua nhau chết máy...giữa sông.
Nước ngập sâu, người dân lưu thông rất khó khăn. Càng khổ hơn khi xe máy đua nhau chết máy...giữa sông.
Thứ Tư, 30/09/2015 - 21:45 
Bạch Dương

'Chúng tôi cũng bị ngập huống chi là người dân'

(TNO) Nói về trận mưa lịch sử, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM nói: "Bản thân chúng tôi cũng bị ngập nữa huống chi là người dân...". 

Tình trạng ngập nước tại TP.HCM ảnh hướng lớn đến đời sống người dân - Ảnh: Đào Ngọc ThạchTình trạng ngập nước tại TP.HCM ảnh hướng lớn đến đời sống người dân - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Xung quanh tình trạng ngập nước và công tác chống ngập tại TP.HCM, ngày 29.9, PV Thanh Niên Online phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM.
  * TP hiện còn 31 điểm ngập, trong đó có 10 điểm ngập mới, vậy đến bao giờ giải quyết hết 31 điểm ngập này?
Ông Nguyễn Ngọc Công: Từ nay đến 2018 phải giải quyết hết 31 điểm đó, bằng cách thay thế những hệ thống cống cũ, đặt cống mới ở những tuyến đường chưa có cống, nâng cao đường thấp trũng cục bộ, thì lúc đó mới hết ngập được, chứ chỉ có làm đê bao ngăn triều cường mà không có cống thoát thì mưa xuống là bị ngập.

'Chúng tôi cũng bị ngập huống chi là người dân' - ảnh 2
Nói chừng nào hết ngập là không đúng được, tại vì chuyện ngập này không riêng gì TP.HCM mà là cả thế giới. Lý do là khi lượng nước vượt tất cả các tần suất tính toán thì sẽ gây ngập
'Chúng tôi cũng bị ngập huống chi là người dân' - ảnh 3
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM
* Vì sao nhiều khu vực trên địa bàn TP tái ngập trong khi những nơi đó đã thực hiện dự án chống ngập?
Vừa qua về vấn đề ngập thì người dân ở một số nơi thấy ngập cục bộ, nhưng mà đánh giá tổng quan trên toàn địa bàn TP thì hiện tượng giảm ngập rất là lớn. Việc chống ngập đã có hiệu quả chứ không phải là không có hiệu quả. Nhưng cũng phải thừa nhận là có những điểm tái ngập. Thứ nhất là do nguyên nhân khách quan vì lượng mưa càng ngày càng lớn. Thứ hai là do chúng ta chưa hoàn thiện hệ thống cống thoát nước. Kinh phí chống ngập vẫn còn hạn hẹp. Sắp tới lãnh đạo TP sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chống ngập, và xác định chống ngập là một trong những chương trình đột phá.
“Chuyện ngập này không riêng gì TP.HCM…”
* TP.HCM đã chi hàng chục ngàn tỉ đồng, sắp tới sẽ tiếp tục chi khoản tiền lớn để làm nhiều dự án chống ngập, vậy bao giờ TP.HCM sẽ hết ngập? Trách nhiệm thuộc về ai khi mà đường cống mới cũng do TP làm nhưng tiết diện không đủ để thoát nước?
- Nói chừng nào hết ngập là không đúng được, tại vì chuyện ngập này không riêng gì TP.HCM mà là cả thế giới. Lý do là khi lượng nước vượt tất cả các tần suất tính toán thì sẽ gây ngập. Việc thiết kế đường cống phải theo tiêu chuẩn, quy định hết. Mình mà tính hơn (tiết diện cống lớn hơn - PV) thì ai mà duyệt. Chúng tôi đang xem xét lại để có kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh tiêu chuẩn cống thoát nước đô thị, đặc biệt là tại TP.HCM, chứ bây giờ sử dụng tiêu chuẩn cũ thì lượng mưa vượt tần suất thiết kế rồi.
* Thiệt hại của người dân do hư hỏng xe, nhà cửa, ngưng trệ hoạt động kinh doanh, buôn bán… do ngập nước thì TP có tính toán gì để hỗ trợ hay không?
- Cái này chúng tôi đã có những đánh giá về thiệt hại do ngập lụt, nhưng việc hỗ trợ là thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng khác, còn chúng tôi chỉ điều hành chương trình chống ngập thôi.
Ông Nguyễn Ngọc Công: “Bản thân chúng tôi cũng bị ngập nữa huống chi là người dân” - Ảnh: Tân Phú
Ông Nguyễn Ngọc Công: “Bản thân chúng tôi cũng bị ngập nữa huống chi là người dân” - Ảnh: Tân Phú
* Tại sao không cảnh báo cho người dân về những điểm bị ngập nặng do mưa lớn để họ chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, ít ra là không bị "chôn chân" giữa nước ngập hàng tiếng đồng hồ?
Thường thì chúng tôi cảnh báo hết nhưng xin thưa là trận mưa vừa rồi, đỉnh điểm vào ngày 15.9 đạt đến mức 149mm trong vòng 40 phút. Bản thân chúng tôi cũng bị ngập nữa huống chi là người dân nên ứng phó không kịp. Cái đó gần như là thiên tai rồi.
Cảm ơn ông!

30/09/2015 14:45
Tân Phú 
(thực hiện)

Nghi vấn gạo nhựa xuất hiện ở TP.HCM

(TNO) Gạo nấu thành cơm lúc chín lúc sống, có vài hạt lẫn trong cơm nghi là nhựa đốt cháy khét; gạo rang trong chảo khét mùi nhựa và kết dính thành từng cục...

Gạo rang trong chảo khét mùi nhựa và kết dính thành từng cụcGạo rang trong chảo khét mùi nhựa và kết dính thành từng cục
Rang trên chảo khét mùi nhựa
Trao đổi với PV Thanh Niên Online sáng 30.9, chị Ngô Hoàng Phương Đông, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết cách đây khoảng 4 ngày chị mua 20 kg gạo có hiện tượng nói trên tại một cửa hàng gạo quen biết ở đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Mấy ngày đầu, lô gạo mới đem đi nấu lần nào cũng nhão, cơm nửa chín nửa sống. Ban đầu chị Đông tưởng người giúp việc nấu không quen gạo mới hoặc nồi cơm điện có vấn đề. Chồng chị Đông thấy vợ phản ánh nên đi mua nồi cơm điện mới thay thế.
Từ khi có nồi mới, gạo nấu chín ngon hơn nhưng khi ăn thi thoảng lại lẫn vài hạt cơm chưa chín trông giống như hạt nhựa. Chị Đông cho biết một chén cơm nhặt được chừng 6-7 hạt như vậy.
“Chồng tôi nhặt xong đem để trên cái muỗng, bật lửa đốt thì hạt cơm cháy khét lẹt, khói đen xì. Lúc này cả nhà sợ quá không ai dám ăn cơm nữa”, chị Đông nói.
Do nghi trong gạo lẫn hạt nhựa, người nhà chị Đông rang thử một mẻ trên chảo. Chừng 4-5 phút, gạo chuyển sang màu đen, bốc khói khét lẹt mùi nhựa rất khó chịu và gạo bị kết thành từng cục. Chị Đông cho hay hiện số gạo trên còn chừng vài ký. Chị cũng đã báo cho chủ cửa hàng về hiện tượng trên.
Chị Đông bức xúc: “Từ trước giờ tôi mới chỉ nghe nói có gạo nhựa nhưng chưa bao giờ thấy. Giờ thì chính mình gặp phải. Nhưng hạt đó không phải 100% là nhựa nhưng rõ ràng gạo có vấn đề”.
Theo lời chỉ dẫn của chị Đông, PV Thanh Niên Online lấy một ít gạo bỏ vào chảo rang thử. Đúng như phản ánh, chừng 4-5 phút, gạo chuyển thành màu đen, bốc khói có mùi rất khó chịu và bắt đầu vón cục cả chảo. Đưa gạo lên mũi ngửi giống như mùi nhựa cháy. Chúng tôi thử rang một loại gạo khác để so sánh thì không thấy hiện tượng này. Gạo không khét mùi nhựa và đóng cục. 
Nghi vấn gạo nhựa xuất hiện ở TP.HCM - ảnh 2Lô gạo mà chị Đông phản ánh có vấn đề - Ảnh: Trung Hiếu
Nghi vấn gạo nhựa xuất hiện ở TP.HCM - ảnh 3Khi rang trên chảo sẽ có mùi khét - Ảnh: Trung Hiếu
Có thể lẫn tạp chất ở khâu chế biến, vận chuyển
Khi cầm những hạt gạo nghi vấn pha nhựa mà PV Thanh Niên Online cung cấp, ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT) cho biết về cảm quan ban đầu thì số gạo này là gạo thật. Bởi nhìn bề ngoài, hạt gạo có hạt lớn, hạt nhỏ. Khi bỏ vào miệng cắn, hạt gạo bể đôi, lưỡi có thể cảm nhận được tinh bột gạo vỡ vụn ra.
“Gạo giả nếu làm từ nhựa thì các hạt phải đều nhau, giống nhau về kích cỡ, màu sắc và không thể cắn bể đôi được”, ông Dư nói.
Tuy nhiên, ông Dư chưa thể lý giải tại sao gạo đem rang có mùi khét và vón cục nêu như trên. Theo ông Dư, có hiện tượng như trên có thể là ở khâu thu hoạch cây lúa bị phun nhiều thuốc nằm trong danh mục khuyến cáo hoặc ở khâu chế biến có thể lẫn tạp chất nhựa.
“Tôi không nghĩ số gạo này pha lẫn gạo nhựa. Bởi nếu pha thì phải pha nhiều chứ pha tỷ lệ ít thế này không thể có lời. Chưa kể hạt nhựa làm thành gạo có chi phí cao hơn gạo thật. Tuy nhiên, để thật kỹ càng cần phải đem đến các viện chuyên ngành để phân tích. Việc phân tích để coi đó có phải gạo nhựa hay cao su không, bao nhiêu phần trăm là tinh bột, cao su hay nhựa”, ông Dư khẳng định.
Ông Dư cũng đề nghị PV Thanh Niên Online để lại một ít gạo để Cục Trồng trọt kiểm tra thêm.
Nghi vấn gạo nhựa xuất hiện ở TP.HCM - ảnh 4Khi nấu thành cơm, một số hạt không chín đốt lên cháy khét lẹt - Ảnh: Chụp lại clip chị Đông cung cấp
Ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương chi nhánh phía Nam, cho biết với những hiện tượng như trên rõ ràng lô gạo trên có vấn đề. Cũng như ông Dư, ông Lý cho biết số gạo trên có vấn đề có thể do khâu bảo quản, chế biến, vận chuyển.
“Khó có thể có gạo nhựa vì không khả thi. Gạo nhựa có khi chi phí cao và người dân khi ăn phát hiện ra ngay dù tỉ lệ trộn vào gạo cực kỳ ít”, ông Lý nói.
Ông Lý cũng đặt câu hỏi với gần 700 kg của lô gạo mà cửa hàng bán ra, nếu gạo có vấn đề thì phải có nhiều khách hàng phản ánh tại sao có mình chị Đông.
“Thường cửa hàng gạo ở TP.HCM bán cho khách hàng quen, khách sống gần cửa hàng. Cho nên có vấn đề gì, khách sẽ đem ra trả và báo chủ cửa hàng ngay. Trong trường hợp này chỉ có mình chị Đông nên hơi lạ. Cũng có thể bao gạo chị Đông có lẫn tạp chất”, ông Lý lý giải.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm trong ngành trồng trọt, cây giống, ông Lý cũng chưa giải thích được tại sao gạo rang lên có mùi khét và vón cục. Muốn làm rõ phải đưa gạo đi kiểm tra ở các trung tâm kiểm nghiệm hóa.
“Trước đây cũng có thông tin gạo làm từ nhựa nhưng khi Bộ NN & PTNT cho kiểm tra thì không phải. Bản thân tôi cũng chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ thấy gạo nhựa tận mắt ”, ông Lý khẳng định.
Nghi vấn gạo nhựa xuất hiện ở TP.HCM - ảnh 5Gạo rang trên chảo chừng 4-5 phút sẽ bị vón từng cục - Ảnh: Trung Hiếu
Đã bán ra gần 700 kg gạo
Bà H., chủ cửa hàng gạo bán cho chị Đông, cho hay lô gạo trên được bà mua của một đại lý gạo ở quận 8 (TP.HCM), với số lượng gần 700 kg. Sau khi mua về, bà H. đã bán gần hết và đến nay chị Đông là người duy nhất phản ánh gạo có vấn đề.
“Tôi cũng chỉ là người kinh doanh nên khi nghe chị Đông phản ánh vậy tôi cũng lên nhà xem, ghi nhận để phản ánh cho đại lý ở quận 8. Bán gạo đã lâu nhưng giờ tôi mới gặp trường hợp thế này”, bà H. nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên Online chiều 30.9, bà U., chủ đại lý gạo ở quận 8 xác nhận có bán cho bà H. gần 700 kg gạo. Số gạo trên được bà U. mua của một đại lý ở Gò Công (Tiền Giang). Đại lý này thu mua gạo thông qua hệ thống hàng xáo.
Bà U. cho biết thêm lô gạo trên có tên gọi Nàng Hoa. Đây là loại gạo dẻo, thơm và khá khó nấu. Nếu nấu hơi ít nước gạo sẽ khô, không chín nhưng nếu dư ít nước, gạo sẽ nhão và có một vài hạt sẽ chín không đều.
“Tôi bán gạo mấy chục năm rồi giờ mới nghe phản ánh này. Khi nghe chị H. nói thế, tôi điện cho đại lý ở miền Tây hỏi thì bị chủ đại lý chửi tôi quá trời. Họ bảo không thể có gạo nhựa được. Anh không tin bữa nào tôi dẫn anh gặp chủ hỏi cho ra lẽ”, bà U. phân trần.

Trung Hiếu-30/09/2015 17:25

Vụ cháu bé tử nạn khi đi xem múa lân: Xe CSGT gây tai nạn

Dân trí Liên quan đến vụ tai nạn thương tâm khiến cho cháu bé 3 tuổi ở Kiến Thụy (Hải Phòng) tử vong trong lúc đi xem múa lân vui Trung thu, thông tin mới đây xác nhận, phương tiện gây tai nạn là xe của CSGT đi làm nhiệm vụ.

Hôm nay, ngày 30/9, thông tin từ UBND huyện Kiến Thụy xác nhận với PV Dân trí: Chiếc xe ô tô bán tải gây ra tai nạn khiến cháu C. - 3 tuổi, trú tại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng - tử vong, là xe của lực lượng CSGT Công an huyện Kiến Thụy.
Theo thông tin từ gia đình nạn nhân, vào lúc 21h đêm 26/9, bố cháu C. cho cháu đi xem múa lân ngoài khu đường liên xã thuộc xóm 2, xã Phú Bằng, huyện Kiến Thụy. Khi cháu vừa xuống khỏi xe máy của bố, chạy ra đường thì đúng lúc chiếc xe bán tải chạy tới. Cháu C. bị cuốn vào gầm xe, thương tích nặng và tử vong.

dsc-0067-1-1443430576480
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn
Bố cháu bé cho biết, chiếc xe gây tai nạn là xe bán tải, đang chở theo nhiều xe máy sau thùng xe. Khi xe dừng lại thì thấy nhiều người mặc sắc phục công an và thường phục bước xuống. Họ bế cháu C. đi viện cấp cứu bằng chính chiếc xe ô tô gây tai nạn. Những người này cũng thừa nhận họ là CSGT Công an huyện Kiến Thụy.
Trao đổi với PV Dân trí, ông nội cháu C. cho biết, người lái xe gây tai nạn là công an đang đi bắt xe vi phạm. Gia đình người này đã ra UBND xã làm biên bản với gia đình nạn nhân thống nhất biện pháp khắc phục hậu quả.
Để xác minh thông tin, PV báo Dân trí đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công an huyện Kiến Thụy nhưng chưa có câu trả lời.
UBND huyện Kiến Thụy xác nhận, xe gây tai nạn là xe của CSGT huyện đi làm nhiệm vụ. Huyện đang yêu cầu báo cáo cụ thể để có hướng xử lý.
Thứ Tư, 30/09/2015 - 13:54
Thu Hằng