Friday, April 10, 2020

Đại hội đảng 13 & mấy cái ghe đánh cá

Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?
Vài năm trước, bên bàn nhậu, tui có nghe một cha bợm rượu kể lại chuyện sau:
Khi còn tại chức, bà Phan Thúy Thanh – phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao của nước CHXHCNVN – có nuôi một con két nói năng rất sõi. Một hôm, chả may, nó sổ lồng bay mất. Bà Thanh nhờ báo đăng để tìm lại con thú cưng nhưng báo chưa ra mà đã có người đến gõ cửa.
Hỏi: Sao anh biết là con vẹt này của tôi?
Đáp: Nó chối leo lẻo nên nhà cháu biết ngay là của bà chứ còn ai vào đây nữa.
Sau đó, bà Phan Thúy Thanh phải bán con két để lấy tiền bù đắp vào số lương hưu ít ỏi. Mua xong, chủ nhân mới hí hửng mang về giao ngay cho vợ rồi tiếp tục đến sở làm. Chiều về, đương sự hấp tấp hỏi ngay:
-Con vẹt đâu rồi?
-Ở trong lò chứ đâu.
-Ối Giời, vẹt mua cả ngàn Mỹ Kim mà đem nướng à!
-Vẹt gì mà giá cả ngàn đô?
-Chứ bộ tôi nói đùa chắc. Nó nói được 29 thứ tiếng cơ đấy.
-Thế mà ban nẫy gạn hỏi mãi nó vẫn cứ chối đây đẩy nên ai mà biết!
Một con chim nói được 29 thứ tiếng và lại còn có khả năng chối chối lia lịa, chối leo lẻo, chối bai bải (trong mọi tình huống) mà bị một bà nội trợ Việt Nam mang đi đút lò khiến tôi cứ tiếc mãi. Sự nuối tiếc này chỉ mới nguôi ngoai (tuần rồi) khi tôi  được biết rằng nước Trung Hoa đã thành công trong việc phối giống – giữa chim và chuột – để sinh ra một một loài két mới.
Giống này không chỉ chối phăng, chối phắt, chối đây đẩy mọi cáo buộc mà còn có thể thêu dệt, vu vạ, “trắng trợn đổi trắng thay đen” mọi chuyện nữa – theo như nguyên văn cách dùng từ của bản tin ( VTC News) đọc được vào hôm 04/04/2020:
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn đổi trắng thay đen sự vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trong tuyên bố mới đây.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/4, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới việc tàu cá Việt Nam bị chìm sau va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết:
Vào sáng 2/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc trong cuộc tuần tra định kỳ phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – PV) và ngay lập tức kêu gọi con tàu rời đi.
Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc. Mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã cố hết sức để tránh, nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức thực hiện chiến dịch giải cứu và cả 8 ngư dân Việt Nam đã được giải cứu mà không có bất cứ thương tích nào. Tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó đã để ngư dân Việt Nam rời đi sau khi hoàn thành thủ tục điều tra và thu thập bằng chứng cần thiết.
Phát ngôn của bà Hoa là sự bịa đặt trắng trợn, vốn song hành các tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc về Biển Đông trước đây. … Bà Hoa còn ngang nhiên khẳng định “tàu cá Việt Nam phớt lờ và thậm chí có hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc.
Cùng ngày, 04/04/2020, báo Tuổi Trẻ loan tin: “Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động của tàu Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại.”
Tưởng gì chứ loại tin này thì tui vẫn nghe (đều) từ nhiều năm nay:
VietnamPlus (07/07/2014): Hội Nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc bắt giữ 6 ngư dân và tàu cá.
Pháp Luật (11/7/2015): Hội Nghề cá Việt Nam phản đối việc làm phi nhân đạo của phía Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.
Báo Mới (04/05/2016): Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam ra tuyên bố phản đối tàu lạ đâm chìm tàu cá của 34 ngư dân ở Hoàng Sa.
VnExpress (02/03/2017): Hội nghề cá phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh cá ở biển Đông.
Tiền Phong (26/03/2018): Hội nghề cá phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên biển Đông.
Ông Nguyễn Việt Thắng
Chỉ khác có điều là năm nay giọng điệu phản đối nghe “hùng hồn” hơn thấy rõ: không chỉ “kịch liệt lên án” mà còn “yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại” nữa cơ. Sao tự nhiên mà ông Nguyễn Việt Thắng – Đại Biểu Quốc Hội Khóa 14, Ủy Viên TW Mặt Trận Tổ Quốc, Chủ Tịch Hội Nghề Cá Việt Nam – lại trở nên gan (như Nhật) vậy cà?
Chắc vì thấy phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã “dám” gửi công hàm cho tổ chức này, hôm 30 tháng 3 vừa qua, để phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nên ông Thắng liền cầm đèn chạy trước ô tô chăng?
Đừng dại ông Thắng ạ. Là một đảng viên kỳ cựu thì ông phải nhớ nằm lòng đường lối, chính sách sáng đúng chiều sai (ngày mai lại đúng) của đảng mình chớ. Cũng đừng quên nỗi bận tâm hàng đầu hiện nay của đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng: “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?”
Với hiện trạng thì cầu an là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước. Mấy cái ghe đánh cá (chìm) chỉ là chuyện nhỏ. “Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đến đại cục” được đâu!

Chuyên gia: Việt Nam 'đừng sai lầm như đối thủ', hãy 'thoát Trung'

Khánh An-VOA-10/04/2020
Du khách Trung Quốc đi xích lô tham quan Hà Nội.
 Du khách Trung Quốc đi xích lô tham quan Hà Nội.
Lô hàng 450.000 bộ đồ bảo hộ được xuất nhanh từ Việt Nam sang Mỹ đang trở thành đề tài tranh luận trong cộng đồng người Việt về “công trạng” thực sự là của ai trong việc tiếp ứng thiết bị y tế cho nước Mỹ giữa đại dịch. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại nhìn thấy đây là bước khởi đầu của cơ hội “ngàn năm có một” để quốc gia Đông Nam Á thoát khỏi chiếc bóng của người láng giềng khổng lồ lâu nay đã kìm kẹp mọi lĩnh vực của Việt Nam.
Lô hàng thiết bị bảo hộ đầu tiên do công ty Dupont của Mỹ tại Việt Nam sản xuất, và được dịch vụ FedEx chuyển nhanh về Mỹ hôm 8/4, dưới sự hỗ trợ cấp phép thủ tục của Việt Nam, đã trở thành sự kiện gây chú ý khi Tổng thống Hoa Kỳ trực tiếp đề cập đến và cảm ơn các bên liên quan.
‘Việt Nam sáng suốt, tử tế hơn’
Từ California, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam đã “sáng suốt” hơn Trung Quốc khi hai bên đứng trước tình huống tương tự như nhau.
Đó là trong bối cảnh các công ty của Mỹ tại hai quốc gia châu Á đều đang nỗ lực hết sức để sản xuất và cung cấp khẩn cấp các vật tư, thiết bị y tế vốn đang khan hiếm trở lại nước Mỹ, nơi đang chứng kiến số lượng người nhiễm bệnh và tử vong vì dịch Covid-19 tăng lên hàng ngày.
Thế nhưng các công ty sản xuất trang thiết bị bảo hộ hàng đầu của Mỹ như 3M, Honeywell nói rằng Bắc Kinh đã cấm họ không được xuất khẩu các sản phẩm mà họ sản xuất tại Trung Quốc ra bên ngoài, dẫn đến việc Tòa Bạch Ốc xem xét khởi kiện Trung Quốc về hành động tích trữ đồ bảo hộ giữa lúc cả thế giới, trong đó có nước Mỹ, đang có nhu cầu khẩn cấp để cứu người giữa đại dịch.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump và thông tin từ Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ, thì lô hàng đầu tiên với 450.000 bộ đồ bảo hộ dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu đã đến được bang Texas của Mỹ rất nhanh vào ngày 8/4 là nhờ sự hợp tác của hai công ty Hoa Kỳ cũng như sự hỗ trợ của “những người bạn tại Việt Nam”.
“Tức là có hai cách giải quyết khác nhau: cách của Trung Quốc và cách của Việt Nam. Và tôi cho rằng cách của Việt Nam là sáng suốt”, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định với VOA.
Ông giải thích: “Thứ nhất, nó phù hợp với quy luật kinh doanh, làm ăn, buôn bán với nhau. Thứ hai, nó cho thấy chế độ tại Hà Nội hiện nay tử tế và không lưu manh như chế độ tại Bắc Kinh”.
Đừng sai lầm như Trung Quốc
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế này, cách làm “vô nhân đạo” của Trung Quốc đang khiến cho cả thế giới “chấn động”, nhất là hành động thu gom tích trữ vật liệu y tế, rồi bán lại các thiết bị không đạt chuẩn cho các quốc gia đang điêu đứng vì dịch bệnh, đã khiến cho thế giới phải xem xét lại mối quan hệ với Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ đây là một cơ hội”, ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói. “Nếu lãnh đạo ở Hà Nội phân tích những sai lầm của Bắc Kinh để không phạm vào những sai lầm đó thì tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải công khai hóa mọi dữ kiện để cho thấy thống kê và cách nhận định tình hình của chúng tôi là khả tín”.
Kinh tế gia đang sống tại Mỹ nói trong bối cảnh cả thế giới đang rất hoài nghi về độ tin cậy thông tin và dữ liệu vốn “luôn luôn tốt” của các chế độ độc tài, thì Hà Nội nên “khai thác cơ hội này” để chứng minh cho các nước thấy Việt Nam không phải như vậy.
Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, khi làm được như thế, Việt Nam sẽ “đạt được thắng lợi về mặt ngoại giao” trong lúc đang chịu nhiều tổn thất về kinh tế do dịch bệnh gây ra.
“Nếu thắng lợi về ngoại giao đó mà được thế giới đối chiếu, so sánh với trường hợp đầy khả nghi và quá lưu manh của Bắc Kinh, thì tôi cho rằng đấy là điều có lợi cho đất nước Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói.
‘Thấy rõ, tỉnh và đau hơn’
Cùng chung nhận định với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – nguyên thành viên Ban nghiên cứu của chính phủ Việt Nam – cho rằng thời điểm cả thế giới đang đối phó với dịch Covid-19 lại là “cơ hội ngàn năm có một” cho Việt Nam để xem xét, đánh giá và cấu trúc lại mối quan hệ thương mại, kinh tế với các nước, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
“Đây là cơ hội lớn mà Việt Nam cần phải nắm bắt lấy. Vì nếu không nắm bắt được cơ hội lần này mà để nó tuột đi thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới có thể thay đổi được tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc của mình”, nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam nói với VOA.
Theo bà Phạm Chi Lan, qua đại dịch này, Hà Nội đã “tỉnh hơn, thấy rõ hơn và thấy đau hơn về tất cả những tệ hại do tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc lâu nay”, mặc dù trước nay vẫn nhận thức được những hệ lụy của tình trạng này.
“Trước đây dù Việt Nam có muốn nhưng các đối tác khác mà Việt Nam muốn lôi kéo vào lại chưa sẵn sàng thì chưa được. Nhưng lần này qua dịch cúm thì hầu hết các nước trên thế giới đều nhìn rõ ra vấn đề của họ trong quan hệ với Trung Quốc”, bà Phạm Chi Lan nói.
Cả hai chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn và buộc phải đánh đổi trong thời gian tới một khi quyết định chọn đi theo hướng “thoát Trung”.
“Nhưng nếu lãnh đạo nhìn xa hơn một chút, thì đây là một cơ hội để Việt Nam dần dần thoát ra khỏi cái gọi là một nền kinh tế quá lệ thuộc vào Trung Quốc về đủ mọi mặt”, từ nguồn nước bị chặn đứng gây khó khăn cho đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, cho đến bài toán có nên xuất khẩu gạo hay không hiện nay, theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Tuy nhiên, kinh tế gia ở Mỹ cho rằng tình hình nhiều nước trên thế giới đang xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc để điều chỉnh lại chính sách đầu tư là một thực tế diễn ra không chỉ trong một thời gian ngắn, mà sẽ kéo dài trong khoảng vài năm. Theo ông, quãng thời gian đó đủ để Việt Nam chuẩn bị để trở thành một trong những lựa chọn của các nước trong việc tìm nguồn thay thế Trung Quốc, nếu Hà Nội đưa ra được những quyết định đúng đắn ngay từ thời điểm này.
Hy sinh tăng trưởng, xây dựng nội lực
Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan cho biết trong đề xuất mới đối với chính phủ Việt Nam, bà nói rằng Hà Nội nên chấp nhận giảm tăng trưởng trong ngắn hạn hoặc trung hạn để có thể phát triển bền vững hơn, trong đó có việc tập trung để “phát triển nội lực”.
Lấy thí dụ ngành dệt may của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam đã “mải miết làm gia công cho Trung Quốc trong suốt 30 năm qua” mà không phát triển ngành công nghiệp phụ trợ được, để cho quốc gia láng giềng hưởng lợi phần lớn.
“Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam nghe thì to, gần 20 tỷ đô la, nhưng trên thực tế Việt Nam có được hưởng bao nhiêu đâu, chỉ mươi mười lăm phần trăm giá trị của gia công ở khâu may thôi, còn tất cả các khâu nguyên phụ liệu đầu vào phụ thuộc tất cả vào Trung Quốc”, bà Phạm Chi Lan giải thích thêm.
Cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Việt Nam cho biết bà đã kiến nghị với chính phủ đương nhiệm tại Việt Nam về việc tăng cường thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế với các quốc gia trong các hiệp ước thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu – Việt Nam) để có thể cùng các nước thành viên thực hiện mục tiêu chung là giảm bớt sự lệ vào Trung Quốc.
“Tất nhiên, không thể kỳ vọng Việt Nam thay thế hoàn toàn được Trung Quốc. Không một nền kinh tế nào đủ sức thay thế hoàn toàn Trung Quốc. Nhưng một số nước như Việt Nam, thí dụ như tôi có đề xuất là Việt Nam năm nay là Chủ tịch ASEAN thì nên đề xuất với các nước ASEAN một sáng kiến là cùng nhau xây dựng một số phần mới của chuỗi cung ứng, thay thế một phần trong nguồn cung của Trung Quốc để cung cấp sang các đối tác khác chẳng hạn, thì đấy là cách mà tôi nghĩ có lợi cho tất cả các bên liên quan”.
Ngoài ra, theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam cần phải xem xét, đánh giá lại những tác động từ dịch Covid-19 để tái cơ cấu tất cả các ngành kinh tế. Chuyên gia này đưa ra ví dụ là ngành du lịch. Bà nói Việt Nam đã để cho du lịch phụ thuộc quá nhiều vào khách Trung Quốc, nên khi Trung Quốc bị dịch bệnh là ngay lập tức ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Việt Nam, kéo theo tổn thất của ngành hàng không và tất cả các ngành dịch vụ khác.
“Việc đa dạng hóa các đối tác, không để tất cả trứng vào một giỏ thì phải áp dụng với tất cả các ngành của Việt Nam, bởi vì vừa qua nhìn lại thì thấy hầu như ngành nào cũng bị vấn đề lệ thuộc vào Trung Quốc, hoặc xuất khẩu hoặc nhập khẩu, và từ đó gặp khó khăn”.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng từ sự kiện 450.000 bộ đồ bảo hộ được xuất đi nhanh chóng sang Mỹ cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề thủ tục trong vòng 48 tiếng, đồng nghĩa với chấm dứt tình trạng “bôi trơn”, vốn là một trong những yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
“Muốn hay không thì Việt Nam cũng sẽ phải làm trong vòng vài năm nữa. Trong tình huống như bây giờ thì rất nên phát huy những cách như Việt Nam đã làm với Dupont và FedEx để cho các lô hàng đi được nhanh chóng, đến được nhanh nguyên liệu đầu vào và đi được nhanh sản phẩm đầu ra”, chuyên gia kinh tế của Việt Nam đề nghị thêm.

Nhật Bản bỏ bạc tỷ để khuyến khích các công ty Nhật rời Trung Quốc

 Theo VOA-11/04/2020 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 23/12/2019. Noel Celis/Pool via REUTERS
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 23/12/2019. Noel Celis/Pool via REUTERS
Chính phủ Nhật Bản đã dành riêng hàng tỷ đô la trong một gói kích thích kinh tế để khuyến khích các hãng xưởng Nhật rời Trung Quốc và chuyển khâu sản xuất sang các nước khác.
Tin Bloomberg cho biết, gói kích thích trị giá 220 tỷ yên, tương đương với 2,2 tỷ USD, là nhằm bù đắp cho các công ty chuyển sản xuất từ Trung Quốc về lại Nhật Bản, và 23,5 tỷ yên cho các công ty chuyển sang các quốc gia khác.
Kinh tế gia Shinichi Seki của Viện nghiên cứu Nhật Bản nói gói kích thích sẽ tạo ra thay đổi lớn. “Gói kích thích này chắc chắn sẽ là một động lực. Các công ty sản xuất cho thị trường Trung Quốc, như các công ty sản xuất xe hơi, có thể sẽ ở lại”, ông nói.
Chính phủ Nhật hành động giữa lúc Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng vun xới mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc.
Một cuộc họp giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được dàn xếp cho đầu tháng này ở Nhật Bản, lẽ ra là lần đầu tiên một lãnh đạo TQ tới Nhật Bản trong một thập kỷ, đã bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19.
Được hỏi về mối quan hệ song phương Trung-Nhật, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư tại Bắc Kinh:
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để hồi phục kinh tế. Trong quá trình này, chúng tôi hy vọng là các quốc gia khác cũng sẽ hành động như Trung Quốc và thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng ít bị ảnh hưởng nhất có thể.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, nhưng dịch Covid-19 đã buộc các nhà nhà máy TQ phải đóng cửa, ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà sản xuất Nhật Bản.
Tình trạng này lại khơi dậy cuộc tranh luận về nhu cầu các nhà sản xuất Nhật phải giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.
Một ủy ban về đầu tư tương lai của chính phủ Nhật hồi tháng trước thảo luận về nhu cầu dời chuyển sản xuất các sản phẩm giá trị tăng cao về lại Nhật Bản, và đa dạng hóa nguồn cung bằng cách dời sản xuất các sản phẩm khác sang nhiều nước ở Đông Nam Á.

1,6 triệu ca nhiễm, 100 ngàn người chết vì corona

Reuters-11/04/2020 
Một phòng cấp cứu hồi sức ở Cộng hoà Czech đang cứu chữa bệnh nhân COVID-19.
Một phòng cấp cứu hồi sức ở Cộng hoà Czech đang cứu chữa bệnh nhân COVID-19.
Số người chết vì virus corona lên tới 100.000 hôm 10/4, số ca nhiễm vượt qua 1,6 triệu, theo số liệu Reuters theo dõi.
Ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán hôm 9/1. Sau 83 ngày, thế giới có 50.000 người thiệt mạng và chỉ 8 ngày tiếp theo, tổng số người chết lên tới 100.000.
Tỷ lệ tử vong tăng hàng ngày từ 6% tới 10% trong tuần qua.
Tỷ lệ này giờ đây được so sánh với Cái Chết Đen giữa thập niên 60, một căn bệnh truyền nhiễm ở London đã giết hơn 100.000 người, vào thời đó là 1/3 dân số của toàn bộ thành phố London.
Tuy nhiên dịch corona hiện nay còn thua dịch cúm Tây Ban Nha khởi phát năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của khoảng hơn 20 triệu người.
Virus corona chủng mới được cho là xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, sau đó lan nhanh ra khỏi biên giới Trung Quốc và phát tán khắp thế giới.
Những con số tính tới 10/4 – 100.000 người chết và 1,6 triệu người nhiễm – cho thấy tỷ lệ tử vong ở mức 6.25%, nghĩa là trong 100 người nhiễm thì có hơn 6 người chết, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng tỷ lệ thực sự thì thấp hơn bởi chưa tính tới những người bị nhiễm có triệu chứng nhẹ hay không triệu chứng. Khi người nhiễm không có triệu chứng thì không được tính vào số ca nhiễm tổng cộng.
Một số nước, bao gồm Ý, Pháp, Algeria, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh hiện báo cáo hơn 10% các ca nhiễm là tử vong.
Một trong những cuộc nghiên cứu lớn nhất về tỷ lệ tử vong của virus corona, gồm 44.000 bệnh nhân ở Trung Quốc, cho thấy tỷ lệ này là 2.9%.
Cuộc nghiên cứu này nói 93% các ca tử vong là người trên 50 tuổi, trong đó hơn phân nửa là trên 70 tuổi.
Tuy nhiên, số tử vong toàn cầu ngày càng xuất hiện nhiều người trẻ và thiếu niên.
Bắc Mỹ hiện chiếm hơn 30% các ca tử vong.
Tại Châu Âu, các nước có dân số già như Tây Ban Nha và Ý có số tử vong cao.
Miền Nam Châu Âu chiếm hơn 1/3 số ca thiệt mạng trên thế giới.
Tại nhiều nước, dữ liệu chính thức chỉ bao gồm các ca tử vong trong bệnh viện, không tính tử vong tại gia hay ở viện dưỡng lão.

Kiến nghị Tổng Giám đốc WHO từ chức!

RFA-2020-04-09
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanim Ghebreyesus.Reuters
Tính đến ngày 9 tháng 4, đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi ông Tedros từ chức trên trang mạng change.org được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt, đã thu hút được hơn 775.000 chữ ký của cộng đồng quốc tế.
Osuka Yip, tác giả của đơn kiến nghị này cho rằng ông Tedros đã quá tin tưởng thông tin do chính quyền Trung Quốc đưa ra về dịch bệnh mà không chủ động lên kế hoạch độc lập để điều tra và xác minh số ca tử vong và lây nhiễm của Hoa Lục. Theo tác giả, Tổ chức Y tế Thế giới phải đóng vai trò trung lập trong vấn đề chính trị.
Trước vấn đề trên, bác sĩ Phạm Nhật An trong cuộc phỏng vấn cùng RFA cho biết ý kiến cá nhân của mình rằng lần này, phản ứng của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về dịch Covid-19 có phần chậm chạp:
“Theo ý kiến cá nhân và một số trao đổi với các đồng nghiệp ở đây thì thấy Tổ chức Y tế Thế giới lần này phản ứng không được hiệu quả lắm và cũng không kịp thời lắm. Cho nên nhiều người nói tổ chức y tế thế giới hiện nay có chức năng và hiệu lực kém hơn trước.
Vai trò dẫn dắt trong việc phòng chống dịch trong đợt này rõ ràng được nhận thấy là chưa có hiệu quả tốt. Việc xử lý của mỗi nước nó khác nhau và hiệu quả nó khác nhau; trong điều đó, Tổ chức Y tế Thế giới người ta cho rằng đã cảnh báo dịch muộn và đưa hướng dẫn chung muộn, vì Tổ chức Y tế Thế giới từ xưa đến nay họ vẫn đóng vai trò dẫn dắt. Lần này nghe rằng họ chưa làm tốt cho đợt dịch này.”
Theo nhận định của ông An, trong đợt này WHO chưa theo kịp yêu cầu trong trọng trách dẫn dắt hệ thống y tế của thế giới một cách kịp thời, hiệu quả. Lý do vì trước khi có công bố đại dịch rất lâu, trong giới y tế đã có thông tin từ một nhà khoa học cảnh báo trước về nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho rằng với vai trò của tổng giám đốc một tổ chức y tế, ông Tedros cần phải tập trung vào vấn đề quan trọng nhất là y tế và sức khỏe toàn cầu và không thể đem sức ép của chính trị từ bất cứ quốc gia nào để lấy lý do cho việc không công bố thông tin về đại dịch kịp thời:
“Có rất nhiều nguồn tin cho rằng tổ chức này (WHO) họ cũng bị sức ép chính trị từ phía chính quyền Trung Quốc, nên mọi việc họ làm từ ngày xảy ra dịch virus Vũ Hán đến nay họ đều có vẻ né tránh và bao che cho việc chính quyền cộng sản Trung Quốc và trách nhiệm của Trung Quốc. Do vậy, tôi nghĩ rằng nó là một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến việc thông tin không đúng và gây nên cho tình hình (đại dịch) hiện nay.”
Devastated nations should sue China $4 trillion for coronavirus ...
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanim Ghebreyesus cùng Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc. Reuters
Đồng tình, nhà báo Võ Văn Tạo cũng đặt dấu chấm hỏi cho việc ông Tedros thiên vị với phía Trung Quốc và đi theo những nhận định từ chính quyền nước này khi tuyên bố những thông tin về dịch Covid-19:
“Theo quan sát, ông Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới từ lúc đầu khi lộ ra thông tin của dịch Covid-19 này, rất nhiều người trong đó có tôi cũng đặt dấu hỏi to là vì sao mà Tổng GĐ Tổ chức Y tế Thế giới có vẻ như thiên vị với Trung Quốc và thông đồng với phía Trung Quốc trong việc nhận định về cái dịch này. Thậm chí kể cả khuyến cáo cần thiết, tuyên bố về mức độ nguy hiểm của nạn cúm cũng rất chậm chạp cũng những các biện pháp để hạn chế lây lan của cái dịch này.”
Theo ý kiến ông Tạo, Tổng Giám đốc WHO đã đưa ra các nhận định khuyến cáo sai lầm, như khi ông Tedros đã không tán thành việc Hoa Kỳ ra tuyên bố đóng cửa biên giới với một số nước để ngăn chặn việc lây nhiễm. Tiếp theo là vấn đề đặt tên cho coronavirus chủng mới, ông Tedros đã có phần lúng túng khi phải đổi tên dịch bệnh này vài lần trước khi quyết định với tên chính thức là Covid-19 như hiện nay:
“Đặc biệt là chuyện tên của con virus, ông ấy lúng túng phải đổi tên 2-3 lần, tránh né việc nó xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Tại aso phải tránh né? Một trong những lý do đưa ra là vì như vậy là kỳ thị, cái đấy chỉ xảy ra một lần thôi. Nhưng trong lịch sử có dịch cúm Tây Ban Nha, hay Ebola (châu Phi)…v.v. đều có tên từ địa phương, quốc gia, vùng miền, nhưng dứt khoát tránh né, không đụng đến Trung Quốc và đặt tên rất quái đản, khó nhớ.”
Về chiến dịch yêu cầu Tổng Giám đốc WHO Tedros từ chức, nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho biết ông cũng băn khoăn về vấn đề này:
“Tôi có cảm giác rằng đây là một tổ chức gần như nó chỉ mang tính khuyến cáo ở cộng đồng. Đây là việc mà rất nhiều người muốn ông (Tổng Giám đốc) từ chức, nhưng mà tôi cũng băn khoăn việc ông có nên từ chức hay không hay ông ấy có chịu từ chức hay không; liệu việc ông ấy từ chức sẽ có một tác dụng to lớn nào hay không.”
Còn theo nhà báo Võ Văn Tạo, ông Tedros nên từ chức khi có rất nhiều người trong cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối vai trò của ông. Cũng theo ông Tạo, vai trò của ông Tedros trong cương vị của một tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới lần này yếu kém trong phương thức phòng chống lây nhiễm dịch bệnh và tuyên bố thông tin về đại dịch xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc còn rất chậm chạp:
“Đặc biệt, chính trị là việc của chính trị, nhưng ông Tổng GĐ Tổ chức Y tế Thế giới không phải là nhà chính trị; ông ấy có chuyên môn là một nhà khoa học, nên phải có tính nhanh nhẹn và chính xác. Về chuyên môn như thế, tôi chor ằng ông ấy không đạt được. Chính vì lẽ đó mà rất nhiều nước hiện nay cũng chịu hậu quả rất nặng nề do cái cách làm việc của ông Tổng GĐ của Tổ chức Y tế Thế giới này.
Tôi có quan sát thông tin của truyền thông cả nước ngoài và Việt Nam đưa tin, tôi nghĩ ông này không minh bạch trong việc thông báo thông tin về cái dịch này xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc”
Theo nguồn thông tin của của trang báo Ethiopia Nege thuộc quốc gia Ethiopia, nơi sinh ra của ông Tedros Adhanim Ghebreyesus, ông Tedros từng nắm chức kiến trúc sư trưởng của đảng cộng sản Ethiopia Tigray People’s Liberation Front (TPLF) (tạm dịch Mặt trận Giải phóng Nhân  dân Tigray). Chế độ độc tài của đảng cộng sản TPLF đã bị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án cho tội ác chống lại loại người và sự tàn bạo đối với người dân Ethiopia trong 27 năm cầm quyền.
Chính vì lẽ đó, trong cuộc vận động tranh cử chức Tổng Giám đốc WHO vào năm 2017 của ông Tedros, đã có rất nhiều người, nhất là những cộng đồng dân tộc Ethiopia đã trực tiếp bị ảnh hưởng dưới quyền của Đảng Cộng sản TPLF, lên tiếng phản đối; trong đó, có bức thư của nhóm tổ chức dân sự phi lợi nhuận Amhara Professionals Union (APU) tại Washington DC, gồm các thành viên có gốc gác của nhóm dân tộc Amhara thuộc quốc gia Ethiopia, nêu lên những lý do vì sao không nên đề cử ông Tedros vào chức Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Các mục trong bức thư này có kể đến vai trò của ông Tedros khi còn nắm quyền trong Đảng Cộng sản TPLF.

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo kêu gọi các chính phủ trả tự do cho tù nhân lương tâm trong dịch COVID-19

RFA-2020-04-10 
Ảnh minh họa: Các tù nhân trong buồng giam tại nhà tù Quezon City, ở Manila, Philippines. Hình chụp ngày 27/03/2020.
Ảnh minh họa: Các tù nhân trong buồng giam tại nhà tù Quezon City, ở Manila, Philippines. Hình chụp ngày 27/03/2020.AFP
Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo (USCIRF) kêu gọi các chính phủ khắp thế giới trả tự do cho các tù nhân lương tâm vì niềm tin và thực hành tôn giáo của họ. Biện pháp này là một trong những nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Trong thông cáo báo chí, phổ biến vào ngày 10/4/2020, Chủ tịch Tony Perkins của USCIRF kêu gọi chính phủ các quốc gia trong thời gian dịch bệnh hãy trả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ sai trái, nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho các tù nhân lương tâm đó.
USCIRF trưng dẫn theo luật nhân quyền quốc tế thì các quốc gia phải thực hiện các bước để ngăn chặn mối đe dọa của dịch bệnh. Tuy nhiên, chính quyền của nhiều nước không làm theo các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng để xử lý virus trong trại giam. Trong khi đó, các nhà tù thường quá đông, có nguy cơ lây lan nhanh chóng giữa những tù nhân trong dịch bệnh COVID-19 bởi vì họ không được có điều kiện chăm sóc sức khỏe đúng mức và sống trong môi trường thiếu vệ sinh.
Phó Chủ tịch Gayle Man của USCIRF nhấn mạnh trong thông cáo báo chí rằng đối với trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng như thế này, các tù nhân lương tâm tôn giáo không thể bị trừng phạt thêm nữa trong chốn lao tù, bất chấp mối đe dọa từ dịch bệnh COVID-19.
USCIRF cũng nhắc đến lời kêu gọi của bà Michelle Bachelet, thuộc Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền  rằng các chính phủ hãy thả tất cả những người bị giam cầm mà không có cơ sở pháp lý và những người bị bỏ tù vì thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến. Lời kêu gọi này nhằm mục đích giảm số lượng người ở tù đang bị đe dọa bởi dịch COVID-19.
Vào hôm 3/4, USCIRF nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, một trong những tù nhân lương tâm tôn giáo tại Việt Nam.
Ủy viên Anurima Bhargava của USCIRF, phụ trách trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển trong Dự án Tù nhân Tôn giáo USCIRF, lên tiếng rằng ông Truyển cần được trở về với gia đình, đặc biệt là khi đại dịch coronavirus đang gây hại cho sức khỏe cộng đồng, vô cùng nguy hiểm cho các tù nhân. Thêm vào đó, các vấn đề sức khỏe của ông Truyển đang ngày trầm trọng hơn kể từ khi ông bị giam giữ.
Ông Nguyễn Bắc Truyển là một người ủng hộ tự do tôn giáo Việt Nam và Phật giáo Hòa Hảo không theo phái quốc doanh. Ông bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc ‘Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999.

Xử phạt nghiêm người không thực hiện giãn cách xã hội

RFA-2020-04-10 
Thủ tướng Phúc yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội
Thủ tướng Phúc yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội-Reuters (RFA edited)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mọi người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang nơi công cộng. Ai không thực hiện thì phải bị xử phạt nghiêm.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói điều đó tại cuộc họp thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 9/4 và được truyền thông trong nước loan ngày 10/4.
Thủ tướng Phúc cũng nhắc các địa phương cần chấn chỉnh, thực hiện nghiêm cách ly xã hội với biện pháp mạnh, nhưng không "quá tả" trong thực hiện, không "quá hữu" dẫn đến buông xuôi khi có thông tin người dân bắt đầu ra đường trở lại trong những ngày gần đây.
Bên cạnh đó ông Phúc cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16, tiếp tục giữ chặt biên giới, hạn chế người từ nước ngoài vào Việt Nam, trừ một số trường hợp đã được quy định.
Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế, trừ chở hàng và công tác bảo hộ công dân được sự cho phép của Thủ tướng; hạn chế các chuyến bay nội địa và khuyến cáo công dân Việt Nam không về nước trước ngày 15/4, trừ một số trường hợp đặc biệt. Với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam, đều thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể.
Cũng trong ngày 10/4, thành phố Hà Nội ban hành công văn yêu cầu UBND quận, huyện xử nghiêm các hành vi vi phạm phòng chống dịch COVID-19.

Có tùy tiện, lạm quyền trong xử phạt lệnh giãn cách xã hội?

Theo RFA-Thanh Trúc-2020-04-09 
Hình minh hoạ. Người đeo khẩu trang chống dịch COVID-19 ngồi cách xa tại một nơi xét nghiệm ở Hà Nội hôm 31/3/2020
Hình minh hoạ. Người đeo khẩu trang chống dịch COVID-19 ngồi cách xa tại một nơi xét nghiệm ở Hà Nội hôm 31/3/2020-AFP
Theo chỉ thị từ Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch Trung Ương từ ngày 28 tháng Ba, Ủy Ban Nhân Dân cấp phường có quyền xử phạt hành chính ngay lập tức những ai không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.
Bên cạnh đó, lệnh ‘giãn cách xã hội’, ở yên trong nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, cũng được yêu cầu thực hiện một cách triệt để kể từ ngày 1 tháng 4.
Đây là những biện pháp được đại đa số người dân hoan nghênh cũng như chấp hành. Tuy nhiên tờ Tuổi Trẻ Online ngày 5 tháng Tư đã phản ảnh 3 trường hợp ở quận Ba Đình, Hà Nội, bị phạt mỗi người 200.000 Đồng vì ra đường không có lý do cần thiết. Quyết định phạt dựa trên Điểm A Khoản 1 Điều 11 của Nghị định 176/2013 về hành vi "không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế".
Những chuyện như vậy có bị cho là tùy tiện hay lạm quyền không? Cô Ngọc, một cư dân Sài Gòn, nói rằng cô không tin có sự tùy tiện hay lạm quyền trong việc xử phạt hành chính ở đây:
“ Cho đến thời điểm hiện tại thì cũng chưa thấy chính quyền địa phương hay công an, nói chung là những người thực hiện xử phạt, thì tôi chưa thấy vấn đề tùy tiện hoặc lạm dụng chức quyền để xử phạt những người không thực hiện giãn cách xã hội, chưa thấy vấn đề đó xảy ra”
Vẫn lời cô Ngọc, giả như có sự xử phạt tùy tiện hay lạm quyền gì đó thiết tưởng người dân cũng nên ý thức trước tiên là đừng tùy tiện vi phạm dẫn  đến những tranh cãi đôi co không đáng có giữa mình với người thi hành việc xử phạt:
 Thực sự nếu có ý thức cho bản thân mình và cho cộng đồng thì họ tự biết mình phải làm như thế nào. Trước khi đưa ra lệnh phải đeo khẩu trang hay không được tụ tập đông người thì chính phủ và Bộ Y Tế đã luôn luôn nhắc nhở, gởi tin nhắn mỗi ngày cho dân. Tên những mạng như Vietnam Mobil hay Mobil Phone gì đó thì chính phủ đổi thành “Hãy Ở Nhà”, ví dụ như vậy. Kể cả những người bán ve chai, bán vé số, quét rác mà còn biết dịch thế nào, bản thân họ có sự đề phòng. Nhưng đến khi chính phủ thấy có những người ra đường không đeo khẩu trang, vẫn tụ tập vẫn ăn chơi vẫn tiệc tùng này nọ thì nhà nước phải đưa ra luật xử phạt đó”.
Hình minh hoạ. Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của khách đến bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội hôm 24/3/2020
Hình minh hoạ. Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của khách đến bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội hôm 24/3/2020 AFP
Theo luật sư Đặng Trọng Dũng, Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh, xử phạt hành chính đối với hành vi được cho là vi phạm giãn cách xã hội luôn phải căn cứ trên nội dung, điều khoản mà chính phủ đã ban hành:
“ Nhất là có hướng dẫn thông tư Tòa Án Nhân Dân Tối Cao do chánh án Nguyễn Hòa Bình ký và ban hành khẩn cấp. Tuy nhiên do vấn đề này hoàn toàn mới, chưa được thông hiểu kỹ mà phải mang ra áp dụng ngay  thành rất khó cho cán bộ thực thi pháp luật”
“ Tôi lấy thí dụ cụ thể, trong văn bản xử phạt vi phạm hành chánh, hay là  Chỉ Thị 16, có một câu tức là chỉ được đi ra ngoài đường khi thấy thực sự cần thiết. Cái thực sự cần thiết này đối với nhiều người nó khác nhau, thực sự cần thiết của ông khác với thực sự cần thiết của tôi. Do đó nếu dung từ như vậy trong một văn bản quan trọng như vậy tạo ra sự tùy tiện”.
“ Báo thành phố Hồ Chí Minh có nêu một trường hợp người xử phạt hành chánh sai và sau đó phải có văn bản xin lỗi người bị xử phạt. Lạm quyền hay không trong xử phạt hành chính đối với sự việc giãn cách xã hội này là vấn đề đã xảy ra”.
Một số tỉnh, thành trong những ngày qua cũng có chỉ thị riêng về việc không cho người dân trong tỉnh đến nơi khác hay từ nơi khác đến địa phương của họ.
Cụ thể vào ngày 9 tháng 4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang có công văn yêu cầu tất cả công dân Bắc Giang nếu không vì lý do công vụ thì không được di chuyển đến các tỉnh, thành phố có dịch như Hà Nội, TPHCM…
Vào ngày 2 tháng Tư, tỉnh Thái Bình không cho người từ những vùng bị cho là có dịch vào tỉnh này.
Một số nơi như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng…đã ra văn bản với qui định những ai đến từ Saigon, Hà Nội đều nằm trong diện cách ly tập trung.
Hình minh hoạ. Một người đàn ông đứng trong nhà nhìn ra ngoài đường ở Hà Nội hôm 9/4/2020
Hình minh hoạ. Một người đàn ông đứng trong nhà nhìn ra ngoài đường ở Hà Nội hôm 9/4/2020 AFP
Các chuyên gia pháp lý cho rằng những địa phương này đang lạm quyền Bộ Y Tế và Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch Trung Ương vì trên nguyên tắc chưa có văn bản chính thức thì không được xác định vùng nào là vùng dịch.
Đó cũng là nhận định của luật sư Đào Kim Lân, Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông, địa phương đã phạm luật khi  tự tiện quyết định cách ly bắt buộc đối với người đến từ Sài Gòn hay Hà Nội mà không cần biết họ có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID 19 hay là có gần với người bị nghi nhiễm COVID-19 hay không. Điều này có nghĩa địa phương đã hồ đồ khi tự xác định Sài Gòn hay Hà Nội là “vùng dịch”.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh, còn nêu Điều 2 Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, xác quyết vùng có dịch phải được định nghĩa là khu vực được cơ quan thẩm quyền xác định có dịch”.
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo góp ý như sau:
“Với tư cách người có bằng cử nhân Luật và đồng thời có 8 năm làm Hội Thẩm Nhân Dân tôi  nghĩ ý thức về Luật của tôi không đến nỗi quá tệ. Đà Nẵng  đã tự ra qui định mà tôi cho là vi phạm pháp luật. Bởi vì hiện nay chính phủ Việt Nam đã công bố thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội là vùng dịch đâu mà họ dám đặt ra những qui định như thế? Đấy là cái tôi cho là lạm quyền, là vi phạm”.
Nguyên nhân lạm quyền hay vi phạm nhiều phần bắt nguồn từ câu chữ có phần mập mờ hay không rõ nghĩa trong Chỉ Thị 16 của thủ tướng chính phủ. Nhà báo Võ Văn Tạo phân tích:
“Trong Chỉ Thị 16 có câu rất rõ ràng, cách ly xã hôi thì ghi là thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Cho nên có hiện tượng Hà Nội và Sài Gòn lập một số điểm chốt, người Sài Gòn từ trong nôi thành ra ngoại ô để đi tỉnh khác thì bị chặn lại, buộc quay đầu trở về. Xe từ ngoại thành muốn vào Sài Gòn mà đến cửa Sài Gòn thì bị chặn lại, buộc quay đầu xe không cho vào Sài Gòn. Tôi nghĩ vì văn bản viết như thế cho nên các địa phương hiểu lầm thì không có gì chê trách người ta được, văn bản soạn thảo đã không chính xác về từ ngữ.
“Cho nên sau này, thấy tình hình có vẻ cực đoan thì Văn Phòng Chính Phủ lại truyền đạt ý kiến là các địa phương đã hiểu sai Chỉ Thị 16. Tôi nghĩ họ không hiểu sai bởi vì câu chữ nó rành rành như thế, thậm chí trước đó còn qui định rằng máy bay từ các tỉnh không được phép vào Sài Gòn hay ra Hà Nội và ngược lại, và từ Hà Nội đến Sài Gòn mỗi hang máy bay chỉ được bay 1 chuyến/ ngày thôi. Rõ ràng cấm máy bay thì ô tô cũng bị hạn chế. Tôi cho rằng lúc đầu do tình hình dịch căng cho nên người ta nhận thức chưa rõ, không phù hợp với tình hình thực tế cho nên sau này phải có công văn của Văn Phòng Chính Phủ giải thích lại”.
Luật sư Đăng Trọng Dũng cũng như nhà báo Võ Văn Tạo đồng quan điểm với giải thích trên báo chí của luật sư Đào Kim Lân, rằng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Công văn 1601 của Văn Phòng Chính Phủ  không ngăn cấm sự tự do đi lại của người dân các tỉnh, thành, cũng không thực hiện lệnh phong tỏa giữa các địa phương.
Nói một cách khác, việc một số tỉnh buộc cách ly tập trung người đến từ thành phố Hồ Chí Minh, từ Hà Nội…cần phải có ý kiến chính thức của thủ tướng, của Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch Quốc Gia và của Bô Y Tế chứ không thể tùy tiện mà được.  Nhà báo Võ Văn Tạo:
“Trong quá trình thực hiện có một số những nơi, những người, kể cả chính phủ, kể cả như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng… đã có những biện pháp không đúng, nó cực đoan quá đáng, nó cũng tác động đến người dân mà không cần thiết”.
“Tôi cho rằng Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch Quốc Gia khi thấy có những địa phương có những biểu hiện như thế là phải có ý kiến ngay, lập tức phải có ý kiến với Đà Nẵng ngay tức khắc. Thế nhưng đến hôm nay vẫn chưa thấy”.
Báo chí trong nước hôm 8/4 dẫn lời Luật sư Nguyễn Đình Thuận, Đoàn Luật sư TP. HCM, cho biết khoản 9 điều 22 quy định Chủ tịch UBND tỉnh là người có nhiệm vụ chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nhà. Làm đúng theo quy định pháo luật là điều được Luật sư Nguyễn Đình Thuận nhấn mạnh, nghĩa là không được sáng chế kiểu cách riêng để một mình một chợ trong việc phòng chống dịch.