Friday, September 11, 2015

Samantha Huỳnh, nữ trung sĩ cảnh sát gốc Việt đầu tiên ở San Jose

SAN JOSE, California (NV) – Samantha Huỳnh là người đóng một vai trò mà không một phụ nữ gốc Việt nào ở Sở Cảnh Sát San Jose có thể bì lại, theo Mercury News, vai trò của cô là một trung sĩ cảnh sát.
Phù hiệu của San Jose Police Department. (Hình: Wikipedia)
Cô Samantha nói cô đã sẵn sàng đảm nhận vai trò mới nhưng sự thăng tiến này của cô còn mang nhiều ý nghĩa hơn đối với phụ nữ trong cơ quan và trong cộng đồng đông đảo người gốc Việt ở thành phố. Vì là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên nắm giữ chức vụ này, hy vọng cô không những có thể tạo được một sự gắn bó mạnh mẽ hơn giữa nam và nữ giới trong cơ quan, mà còn với cộng đồng nơi cô khôn lớn, hiểu biết và rất yêu quí.
Cô Samantha Huỳnh được chính thức tiến cử lên chức trung sĩ trong một buổi lễ hôm Thứ Sáu.
Phó Cảnh Sát Trưởng Phan Ngô nói, cô Samantha Huỳnh là một trong vài nữ cảnh sát viên gốc Việt trong cơ quan, và rằng sự tiến cử này mang lại cho cô một cơ hội để trở thành một kiểu mẫu.
Ông nói: “Năng lực của cô thật vô lường. Cô nhắm đến việc gì cô thực hiện được ngay điều đó.” Cô Samantha Huỳnh hãnh diện cho biết cô đến từ vùng phía Đông của thành phố San Jose.
Mới đầu cô theo học ngành tâm thần học tại trường UC Davis nhưng khi vào nội trú tại một phòng cấp cứu ở Sacramento, cô nhận thấy công việc này không hợp với mình.
Vì thế khi tốt nghiệp, cô được mướn làm quản trị tại siêu thị Mervyn's trước khi chuyển sang khởi đầu một công việc về kỹ thuật.
Vẫn chưa thấy hài lòng, chồng cô, một cảnh sát viên của Sở Cảnh Sát San Jose khuyến khích cô gia nhập, và cô phải thi đến hai lần mới được nhận vào.
Với sự tiến cử này, ông Phan Ngô nói, cả một loạt trách nhiệm mới cần phải học hỏi thật nhanh để một trung sĩ cảnh sát có thể sớm trở thành hiệu năng càng sớm càng tốt.
Và đối với cô, vị phó cảnh sát trưởng gốc Việt nói thêm, hy vọng cô sẽ đảm nhận được vai trò mà một người có thể nối kết giữa hơn 100,000 người Mỹ gốc Việt, đông nhất trên đất Mỹ, với sở cảnh sát thành phố.
Nghị Viên Tâm Nguyễn cũng cảm kích trước tin cô được tiến cử, đặc biệt vì cô “nói cùng ngôn ngữ và hiểu được văn hóa” của cộng đồng.
Ông Tâm nói, trong khi ông khá ngạc nhiên khi thấy quá ít cảnh sát gốc Việt trong cơ quan, cả nam lẫn nữ, nhưng ông thấy “nhẹ nhõm và thích thú” được thấy một nữ cảnh sát gốc Việt trong vai trò của một cấp chỉ huy.
Cô Samanthan Huỳnh nói: “Tôi muốn nhớ lại mình cảm thấy như thế nào khi mình được giúp đỡ. Tôi muốn dành thì giờ để thực hiện ngay điều ấy. Tôi muốn làm cầu nối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tôi sẽ làm được điều đó.” (TP)

09-11-2015 6:21:21 PM

Cuba ân xá hơn 3.500 tù nhân trước khi đón Giáo hoàng

Theo RFI/Trọng Thành - ngày 11-09-2015 14:16 media Giáo hoàng Phanxico gặp riêng Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Vatican, ngày 10/05/2015.
« Một quyết định chưa từng có » kể từ khi chế độ cộng sản nắm quyền tại Cuba : 3.522 tù nhân được ân xá, theo báo Granma. Lý do chính thức được đưa ra là chuyến công du của Giáo hoàng Phanxicô tới đảo quốc, từ ngày 19 đến 22/09/2015. Theo nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của nhà nước cộng sản, trong số những người được trả tự do có nhiều người trên 60 tuổi, hoặc dưới 20 tuổi, không có tiền án hình sự, những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ, những người nước ngoài... Quyết định nói trên có hiệu lực trong vòng 72 giờ. Chính quyền Cuba không chính thức thông báo số lượng tù nhân trên toàn quốc, kể từ năm 2012. Vào thời điểm này, ước tính khoảng 57.000 người bị giam giữ tại hơn 200 trung tâm. Sau nhiều năm căng thẳng, quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền La Habana dần dần được bình thường hóa trong những năm 2000, sau chuyến công du của Giáo hoàng Jean-Paul II. Trước chuyến thăm của Giáo hoàng tiền nhiệm Benedicto XVI năm 2012, Cuba đã từng thả gần 3.000 tù nhân, khoảng 300 người được thả trước chuyến công du của Jean-Paul II năm 1998, báo Granma nhắc lại. Năm 20010, Hồng y Jaime Ortega, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Cuba đã làm trung gian cho việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Từ đó đến nay đối thoại với chính quyền liên tục được duy trì. Về mặt chính thức, tại Cuba không còn tù nhân chính trị, sau đợt trả tự do cho 53 nhà ly khai (khoảng 60 người, theo Ủy ban Nhân quyền Cuba) trong quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Trong chuyến công du Cuba, Giáo hoàng có kế hoạch hội kiến với Chủ tịch Raoul Castro. Giáo hoàng Phanxicô người Achentina đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy Cuba và Hoa Kỳ xích lại gần nhau.

Đa số người Mỹ nghi ngại Trung Quốc

Theo RFI/Thu Hằng-ngày 10-09-2015 15:14
media Đồng hồ chỉ số nợ quốc gia công bố tại cơ quan thuế vụ Mỹ ( IRS) tại New York ( 5/2011).Reuters/Chip East Theo một thăm dò của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội Mỹ Pew, công bố hôm qua, 09/10/2015, khoảng 54% người Mỹ có ý kiến thiếu thiện cảm đối với Trung Quốc. Lo ngại của họ tập trung khoản nợ lớn của Mỹ mà Bắc Kinh đang nắm giữ, ngoài ra, đó còn là nỗi lo mất việc làm hay các cuộc tấn công mạng. Cuộc thăm dò ý kiến qua điện thoại trên tổng số 1.003 công dân Mỹ được thực hiện từ ngày 13/04 đến ngày 03/05, nhưng chỉ được công bố ít ngày trước chuyến công du chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo đó, 33% người được hỏi bày tỏ ý kiến « thiếu thiện cảm » và 21% « ác cảm » với Trung Quốc. Còn 38% người được hỏi tỏ ra có thiện cảm đối với nền kinh tế thứ hai thế giới. Kết quả này gần như giống với kết quả mà Pew đã thực hiện trong vòng hai năm trước. Về chi tiết, hơn một nửa số người được hỏi ý kiến lo lắng về ba vấn đề kinh tế nổi cộm, được đánh giá là « rất nghiêm trọng » là : Bắc Kinh nắm một phần nợ lớn của Mỹ, người Mỹ mất việc làm vào tay người Trung Quốc và thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Dù cuộc thăm dò được thực hiện trước vụ tin tặc đánh cắp dữ liệu của hàng triệu công chức Hoa Kỳ vào tháng 06/2015, nhưng 86% người Mỹ cho rằng nguy cơ tin tặc từ Trung Quốc là một vấn đề « khá nghiêm trọng » hoặc « rất nghiêm trọng ». Tin tặc Trung Quốc bị tình nghi đứng đằng sau vụ việc trên. Trong vụ này, tuy Washington tránh chỉ đích danh nhưng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án những cáo buộc « vô trách nhiệm và không có căn cứ». Ngoài các chủ đề ảnh hưởng trực tiếp tới nước Mỹ, hơn 80% người Mỹ cũng đánh giá là « khá nghiêm trọng » và « rất nghiêm trọng » ba lĩnh vực khác « có thể trở thành mối bận tâm đối với Hoa Kỳ », bao gồm : các chính sách về nhân quyền, ảnh hưởng của Trung Quốc tới môi trường và sự bành trướng quân sự của quốc gia Châu Á này. Cuộc thăm dò cũng tính đến xu hướng chính trị của những người được hỏi. Theo đó, 77% người được hỏi theo Đảng Cộng hòa cho rằng vấn đề một phần nợ của Hoa Kỳ nằm trong tay Trung Quốc là « rất nghiêm trọng », trong khi đó 60% người theo Đảng Dân chủ có cùng quan điểm. Giữa hai khuynh hướng chính trị, không có sự khác biệt rõ ràng về vấn đề nhân quyền. Còn về vấn đề môi trường, những người theo Đảng Dân chủ tỏ ra lo lắng hơn những người theo Đảng Cộng hòa.

Pháp: Vì sao di dân không được thương cảm như thuyền nhân Việt 1979 ?

Theo RFI/Thụy My -11-09-2015 21:13
media
Tị nạn và thuyền nhân đổ vào đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 10/09/2015 REUTERS

Trước làn sóng người nhập cư đổ vào châu Âu hiện nay, người Pháp vẫn có tâm lý e ngại, thờ ơ, cho đến khi những hình ảnh thương tâm của em bé Syria chết đuối đánh động được dư luận. Tâm lý này tương phản với phong trào cứu vớt thuyền nhân Việt Nam vào cuối thập niên 70.

Vào thời kỳ đó, một phong trào đầy cảm động đã nổi lên ở nước Pháp và nhiều quốc gia phương Tây khác, nhằm cứu vớt hàng chục ngàn thuyền nhân chạy trốn chế độ cộng sản Việt Nam trong các điều kiện bi thảm, và cả người Cam Bốt, người Lào.

Vô số hình ảnh những con tàu nhỏ bé trôi dạt trên Biển Đông được phổ biến rộng rãi, đã thức tỉnh lương tâm mọi người. Những hình ảnh này cũng giống những gì thấy được trên báo chí trong mấy tháng gần đây : những ánh mắt hoảng loạn, những thân người kiệt sức, chen chúc trên những con tàu thô sơ ở Địa Trung Hải.

Nhưng bối cảnh rất khác nhau. Nước Pháp vào lúc ấy với tỉ lệ thất nghiệp thấp (chỉ 3,3%, còn nay là 10%), đã nhiệt tình đón tiếp. Hơn nữa người Việt và người Cam Bốt đến từ Đông Dương thuộc Pháp cũ, biết được ngôn ngữ và ít nhiều thấm đẫm văn hóa Pháp, trong khi di dân hiện nay đa số là người Hồi giáo.

Đặc biệt là sự dấn thân ngoạn mục của giới trí thức Pháp thời ấy, cả cánh tả lẫn cánh hữu, từ nhà văn đồng thời là nhà triết học nổi tiếng Jean-Paul Sartre cho đến Raymond Aron – nhà báo kiêm nhà sử học, triết gia, chính khách.

Cuối năm 1978, tàu Hải Hồng chở 2.500 người Việt Nam đã đến được Malaysia nhưng bị đẩy ra, phải trôi dạt 45 ngày trên biển từ bến này sang bến khác, đã gây xúc động lớn. Các nhà báo quay phim những cảnh khốn khổ của thuyền nhân trên tàu trong đó có nhiều trẻ em: thiếu thức ăn, nước uống, thuốc men, trốn tránh ánh nắng đổ lửa dưới những tấm bạt rách nát. Cuối cùng, các nước châu Âu quyết định tiếp nhận những người Việt tị nạn này.

Bị chấn động trước số phận chiếc tàu vô tổ quốc, và thảm kịch của những người mà người ta bắt đầu gọi là « boat people », nhiều nhân vật tiếng tăm của Pháp tập hợp xung quanh bác sĩ Bernard Kouchner và triết gia André Glucksmann, năm 1979 đã quyết định tung ra chiến dịch « Một con tàu cho Việt Nam ».

Họ vận động quyên góp để cải tiến một chiếc tàu mang tên « L’île de lumière » (Đảo Ánh sáng) thành một tàu bệnh viện, đi vớt các thuyền nhân khác trên Biển Đông, rồi thả neo ở đảo Palau Bidong (Malaysia) để các bác sĩ Pháp tình nguyện chăm sóc cho 34.000 người Việt bị giam trên đảo.

Trên đài truyền hình TF1, người dẫn chương trình Roger Gicquel kêu gọi : « Hỗ trợ cho chiến dịch không chỉ là hào hiệp mà còn là điều cần thiết ». Người bác sĩ trẻ Kouchner từ trên boong tàu « Đảo Ánh sáng » thuyết phục nhà báo Jacques Abouchar trước ống kính đài truyền hình France 2. Vị « French doctor » muốn tuyên truyền rộng rãi trên truyền thông, trong khi những người khác lại muốn âm thầm hoạt động.

Ủy ban « Một con tàu cho Việt Nam » được thành lập, được nhiều nhân vật lỗi lạc ủng hộ : triết gia Michel Foucault, giáo sĩ Do Thái Josy Eisenberg, Đức Hồng y François Marty, nhà văn Đức Heinrich Boll, ca sĩ kiêm diễn viên Yves Montand…

Ông Michel Rocard, chính khách đảng Xã hội chống lại chủ nghĩa cộng sản, ký vào bản kiến nghị nhưng Tổng thư ký đảng là ông François Mitterrand thì không. Một bộ phận trong cánh tả Pháp vẫn e dè vì nhiều người vẫn coi chủ nghĩa cộng sản là một mô hình để noi theo.

Cảm động nhất là sự ủng hộ của nhà văn mác-xít Jean-Paul Sartre và nhà trí thức lớn chủ trương tự do Raymond Aron, hai nhân vật này vốn không nhìn mặt nhau suốt 30 năm qua. Hôm 20/09/1979, Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đã hội tụ ở điện Elysée nhiều tên tuổi, trong đó hai trí thức lừng lẫy trên đã siết chặt tay nhau. Đó là một hình ảnh gây tác động mạnh mẽ, chứng tỏ một nước Pháp đoàn kết, ít nhất là trong chủ đề thuyền nhân Việt.

Nhân dịp này, nhà văn nổi loạn Jean-Paul Sartre đã trở thành nhà hoạt động nhân đạo. Ông nhắc lại những từ ngữ mà chính ông đã chỉ trích nhà văn Albert Camus 25 năm về trước : « Tôi ủng hộ những con người mà có lẽ không phải là bạn tôi vào thời kỳ Việt Nam đấu tranh cho tự do, nhưng điều này có quan trọng gì, vì đó là những người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng ».

Tiếp bước triết gia Aron, cánh hữu Pháp trở nên thoải mái hơn trong hồ sơ này. Đô trưởng Paris là ông Jacques Chirac đưa ra lời kêu gọi tiếp đón boat people, và bản thân ông cũng nhận một thuyền nhân trẻ Việt Nam – cô Anh Đào – làm con nuôi.

Năm năm sau đó, vào năm 1984, một nhóm nhạc rock Pháp mang tên Gold phát hành một album trong đó có bản nhạc « Gần bên những ngôi sao », nhằm vinh danh thuyền nhân Việt Nam, đã thành công rực rỡ với 900.000 đĩa bán ra.

Từ năm 1975 đến đầu thập niên 80, đã có trên 120.000 người Việt Nam được đón tiếp tại Pháp, được cấp giấy tờ chính thức là « người tị nạn ». Giáo sư Karine Meslin vào năm 2006 đưa ra con số « 128.000 người Đông Dương, trong đó có 47.356 người Cam Bốt đã nhập cư hợp pháp vào lãnh thổ nước Pháp ». Nhiều người khác đến Pháp nhưng không với tư cách tị nạn.

Từ năm 1975 đến 1985, trên một triệu người Việt đã bỏ trốn khỏi đất nước, trong đó có 800.000 boat people, và theo các nhà nghiên cứu, một phần tư những người vượt biên đã thiệt mạng.

Vì sao cuộc khủng hoảng di dân hiện nay không tạo nên được một làn sóng tương trợ như đối với thuyền nhân Việt Nam cuối thập niên 70 ? Bên cạnh nguyên nhân kinh tế và văn hóa như đã nói ở trên, còn có nhiều lý do khác.

Đợt sóng thuyền nhân Việt mang tính giai đoạn, trong khi áp lực dân số ở châu Phi, sự phức tạp của những cuộc xung đột ở lục địa đen và Syria, quân thánh chiến đủ các phe nhóm có thể tạo nên những cuộc di dân hàng loạt kéo dài.

Nhiều người còn nêu lên mặc cảm của cánh tả Pháp, trước đây ngưỡng mộ chủ nghĩa mác-xít, nên giang tay cứu vớt những người tị nạn cộng sản như một cách chuộc lỗi. Còn trước Hồi giáo cực đoan hiện nay, châu Âu không có cùng tình cảm này, ngược lại còn là nạn nhân. Bên cạnh đó, vai trò của trí thức Pháp cũng không còn như 36 năm về trước.

Thế nên cách đây vài tháng, khi xảy ra hàng loạt vụ chìm tàu làm chết hàng ngàn người trên biển, cũng đã có những lời kêu gọi tương trợ. Nhưng rốt cuộc, Địa Trung Hải năm 2015 không phải là vịnh Thái Lan năm 1979, và « Đảo Ánh sáng» đã không xuất hiện tại đây.

4 cửa hàng thời trang bị lửa thiêu rụi, khu dân cư hoảng loạn

XUÂN AN-12/09/2015 02:01

TTO - Vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 23g30 ngày 11-9 tại khu dân cư Thuận Giao (Khu phố Bình Thuận 2, P.Thuận Giao, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) làm 4 cửa hàng thời trang bị lửa thiêu rụi, người dân sống trong khu dân cư hoảng loạn.

Theo một số người dân sống gần khu vực này, vào thời điểm trên họ ngửi thấy có mùi khét từ các cửa hàng bán đồ thời trang. Sau đó ngọn lửa bùng lên dữ dội. Chủ cửa hàng đang ngủ trong bên trong phải phá cửa thoát ra bên ngoài, người dân xung quanh phải bỏ chạy tán loạn vì sợ cháy lan.
Khu vực xảy ra cháy có diện tích khoảng 1.000 mét vuông, có 4 cửa hàng thời trang lớn liền kề nhau, nằm sát khu vực đông dân cư. Phía sau các cửa hàng này còn có một số cơ sở nấu ăn công nghiệp chứa nhiều bình ga loại lớn.
Tại hiện trường, toàn bộ các cửa hàng này bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, mái tôn đổ sập. Quần áo bên trong bị cháy thành tro, một số vật dụng và bình ga nhanh chóng được đưa ra ngoài.
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương phải huy động hàng chục cảnh sát PCCC, các đội chữa cháy từ các khu công nghiệp lân cận tham gia dập lửa.
Đến 2g ngày 12-9, ngọn lửa mới cơ bản được khống chế. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng ước tính thiệt hại về tài sản ban đầu lên đến gần chục tỉ đồng.
Nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được điều tra làm rõ.
Hiện trường vụ hỏa hoạn xảy ra trong đêm khuya trong khu dân cư - Ảnh: Xuân An
Hiện trường vụ hỏa hoạn xảy ra trong đêm khuya trong khu dân cư - Ảnh: Xuân An -

Thư mời gọi đồng bào tham dự phiên toà xét xử dân oan huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An vào ngày 15 tháng 9 năm 2015

Phạm Dương Đức Tùng - Cách đây gần 5 tháng, vào ngày 14 tháng 4 năm 2015, 2 gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương và Phùng Thị Ly gồm 13 người đã bị bắt và giam tại trại tạm giam Công an huyện Thạnh Hoá và nhà tạm giam tỉnh Long An, sau cuộc cưỡng chế nhà hộ dân Nguyễn Trung Can & Mai Thị Kim Hương cùng ngày.


Nguyên nhân của sự cưỡng chế và bắt giam là vì gia đình anh chị Trung Can-Mai Hương không thể chấp nhận sự đền bù quá ít ỏi và vô lý của UBND huyện Thạnh Hoá. Với số tiền rẻ mạt đó, họ không thể mua lại được bất cứ một nơi nào khác để nương náu. Họ đã trở thành dân oan. Nhà của họ đã bị ủi sạch.

Nhà chị Mai Thị Kim Hương-Nguyễn Trung Can bị ủi sạch

Chính quyền tỉnh Long An huy động hàng trăm công an mặc sắc phục, công an giả côn đồ, cảnh sát cơ động... tới đàn áp gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương-Nguyễn Trung Can.

Và vì không có nơi nào khác để đi, và không có sự lựa chọn nào khác, những người dân oan này đã dựng lên một tấm chòi làm bằng vài tấm bạt ny lông và những tấm thiếc để sinh tồn ngay trên mảnh đất đã bị san bằng. Và họ đã không thể chống lại sự cưỡng chế bạo lực nhiều lần từ phía nhà cầm quyền hòng san bằng khu vực.

Lần cưỡng chế thứ 3 và cuối cùng là vào ngày 14 tháng 4 năm 2015, khi 13 người dân oan này kháng cự lại đoàn quân cưỡng chế hơn một trăm người để cố gắng bảo vệ giữ túp lều của gia đình họ. Kết quả là toàn thể hai gia đình đã bị bắt với những tội danh "chống đối người thi hành công vụ" và "cố ý gây thương tích".

Toà án nhân dân huyện Thạnh Hoá vừa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai vào ngày 15 tháng 9 năm 2015, vào lúc 8h sáng tại trụ sở Toà án Nhân Dân huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An.

Ngoại trừ em Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, bị bắt lại vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, sẽ bị xử sau, 12 thành viên của 2 gia đình sẽ bị khởi tố.

10 người sẽ bị truy tố về tội "chống người thi hành công vụ" theo khoản 2 điều 257 Bộ Luật Hình Sự, với mức án từ 2 đến 7 năm tù giam, là các anh chị : 

1- Nguyễn Trung Can 
2- Nguyễn Trung Tài 
3- Mai Thị Kim Hương 
4- Phùng Thị Ly 
5- Mai Văn Đạt 
6- Phùng Văn Tuân 
7- Mai Văn Tưng 
8- Nguyễn Thị Thắng 
9- Mai Quốc Hẹn 
10- Nguyễn Văn Tôi

2 người sẽ bị truy tố về tội "cố ý gây thương tích" theo khoản 2 điều 104 Bộ Luật Hình Sự, với mức án từ 2 đến 7 năm tù là :

11- Mai Văn Phong
12- Nguyễn Trung Linh

Đối diện với 12 người dân oan là một lực lượng hùng hậu, không kể công an an ninh có mặt tại toà án, gồm bà thẩm phán Hoàng Thị Thuý Lành, 2 ông Hội thẩm Cao Thanh Tùng, Lê Hồng Xuân, một cán bộ thư ký toà án Hồ Thị Miên, Kiểm sát viên Nguyễn Văn Vũ, 14 công an bảo vệ cơ động được cho là người bị hại là Đoàn Thanh Phước, Phùng Trọng Nhân, Võ Phi Thoàn, Nguyễn Đỗ Thành Nhân, Đỗ Thành Hiệu, Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Thành Trung, Lê Quốc Đạt, Trần Thanh Phong, Phạm Đức Phương, Lê Văn Hôn, Mai Thân Tín, Trần Minh Phong, Huỳnh Vũ Hoài Phúc và 8 người làm chứng là Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Thắng, Võ Thanh Phong, Lê Văn On, Lý Nguyễn Trọng Hữu, Thái Kiến Thắng, Nguyễn Bá Nhẫn, Đinh Công Tiến thuộc các xã Thạnh Phước, Tân Tây, Thuỷ Tây và thị trấn Thạnh Hoá.

4 dân oan sẽ không có luật sư bào chữa là Nguyễn Trung Tài, Mai Văn Đạt, Mai Văn Phong, Nguyễn Trung Linh.

Chúng tôi khẩn thiết mời gọi đồng bào khắp nơi đông đảo về dự phiên toà công khai ngày 15 tháng 9 sắp tới để đánh dấu sự đoàn kết đồng hành và sự tương trợ hữu hiệu nhất đối với các nạn nhân dân oan.

Chỉ có sự hiện diện đông đảo của đồng bào trong các trường hợp oan sai này mới hy vọng có thể ngăn chận được tình trạng cưỡng chế chiếm nhà đất oan sai khác tái phát trong tương lai.






Ngu tầm Ngu

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Bá tước Đờ Ba-le cứ tưởng xưa nay chỉ có “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, ai dè hôm nay Thời đại Hồ Chí Minh cán bộ quang vinh lại có thêm một “hiện tượng lạ”. Đó là Ngu tầm Ngu.

Gọi Ngu tầm Ngu là hiện tượng lạ, vì xưa nay kẻ biết mình ngu thì đi tìm người khôn mà học cho bớt ngu; chứ bản thân đã ngu rồi mà còn lân la với đứa ngu thì chỉ có rước thêm ngu vào thân (rước khổ vào thân).

Sỡ dĩ Ngài Bá tước Tây lấy vợ Việt phát hiện ra hiện tượng lạ này là nhờ tình cờ đọc được bài viết có tựa đề “Thằng Nguyễn Bá Chổi ngu ghê!”.

Bá tước biết Bá Chổi chưa bao giờ cho mình là khôn cả, vì nếu khôn thì lão ta đã không lấy cái “đồ bẩn thỉu” làm tên mình như nhà văn lớn Mực Tàu khẳng định:“Thú thực tôi thấy tên anh buồn cười và hơi bẩn thỉu thật. Tôi nghĩ bố mẹ anh khi sinh anh ra không đặt cho anh cái tên như vậy đâu, vì khi sinh con ra ai cũng muốn đặt cho con một cái tên thật đẹp để tự hào chứ ai lại đặt tên con là “chổi" (Này! anh Nguyễn Bá Chổi);

Cái tên Chổi “buồn cười, bẩn thỉu” mới chỉ là chuyện nhỏ, chuyện nhẹ; chuyện chính là ngu! Nếu không ngu thì nhà văn thiên tài Nắng Hạ đã không hạ bút như đinh đóng cột rằng, “Chẳng hiểu nổi tại sao lại có những con người ấu trĩ như Nguyễn Bá Chổi với suy nghĩ ngu ngốc tới mức có thể viết nên...” ( “Dân Làm Báo” và Nguyễn Bá Chổi ngày càng trơ tráo)

Đã “buồn cười, bẩn thỉu” và “ngu”, Chổi lại còn bị thần kinh (kiểu “hoặc là khốn nạn hoặc là thần kinh” khi xây tượng HCM 1.400 Tỷ ở Sơn La), như nhà đại tâm sinh lý Khánh Việt định bệnh, "Nhưng cái điểm đặc biệt ở Nguyễn Bá Chổi có thể thấy là dường như con người này không bình thường. “Một kẻ giả danh yêu nước” nhưng thần kinh không ổn định.”( “Nghĩ sao về Nguyễn Bá Chổi?”)

Dựa vào những dẫn chứng trên đây, Bá tước Đờ Ba-le kết luận Chổi ngu, và Chổi cũng tự nhận mình ngu, theo lờ i dạy của bác Hồ Quang, “sông có thể cạn núi có thể mòn, nhưng chân lý Ngu không bao giờ thay đổi”.

Chổi đã ngu “rõ ràng là như vậy rồi, chứ còn gì nữa”, vậy mà tác giả không dám đề tên bài “Thằng Nguyễn Bá Chổi ngu ghê!” lại càng ngu hơn mình khi “Bà chị” không biết đến cả cái Công hàm bán nước ký ngày 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng (và những dẫn chứng khác trích dẫn từ tài liệu, sách giáo khoa nhà nước ta, ghi rõ nguồn gốc- “Thư gửi GS Ngô Bảo Châu”) nên phán bừa rằng "...những kiến thức mà Nguyễn Bá Chổi trưng bày ra chỉ xuất phát từ định kiến chủ quan của gã và đồng bọn, không hề có một bằng chứng nào, một mảnh giấy, bức ảnh, hay bất cứ một chứng cứ dù nhỏ nhặt nhất để chứng minh là có thật hoặc có thể có thật...”.

“Thằng Nguyễn Bá Chổi ngu ghê!” Người ta cứ thắc mắc: Tên này “ngu ghê” như thế, nhưng tại sao các nhà báo Lề Đảng, thay vì mặc kệ còn bà nó viết nhăng viết cuội, lại cứ bám theo mà đọc, rồi bày đặt phân tích, phản biện, đăng tải trên báo của các nhà thông thái chứ không phải lá cải?

À, thì té ra là Ngu tầm Ngu. Đứa đi tầm còn ngu hơn đứa bị tầm “ngu ghê”!

11/9/2015

Kinh sợ cảnh hàng trăm người dân liều mình đu dây cáp vượt suối

11/09/2015 14:29

(NLĐO) - Chứng kiến cảnh hàng trăm hộ dân ở xã La Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai phải liều mình đu cáp treo tự chế vượt suối Đôi mỗi ngày, ắt sẽ không ít người phải kinh sợ. Có lẽ quá nguy hiểm nên rất nhiều phụ huynh nơi đây không cho con đến trường

Hàng trăm hộ dân kể trên thuộc các làng Mook Trang, Mook Trê, Mook Đen và công nhân của các đội 15, 17, 18 thuộc Công ty 72 (Binh đoàn 15).
Sợi dây cáp dài khoảng 50 mét, buộc vào thân cây hai bên suối. Trên dây cáp có hai chiếc ròng rọc nối với khung sắt có chiều dài 1,2 mét, rộng 60 cm để làm chỗ ngồi. Mỗi lần đi, cáp treo có thể chở tối đa được 3 người lớn. Được người dân hùn lại 5 triệu đồng để "thi công".
Bà Hồng Thị Anh (54 tuổi) một người dân địa phương cho biết, trước đây vẫn thường lội qua suối để đến trung tâm xã, nhưng mùa mưa nước lớn không dám lội, muốn mua thức ăn phải gọi điện nhờ người bên kia suối mua giúp sau đó cho vào túi ném sang.
Để rồi giờ đây có cáp treo bà Anh cũng... không dám đi. Bởi theo bà Anh, đã có không ít những vụ đi cáp treo qua suối gặp tai nạn. "Cách đây không lâu, cháu Trần Văn Sang (16 tuổi) khi đu cáp qua suối không may bị trượt chân ngã gãy chân" - bà Anh chia sẻ.
Ông Trần Văn Duy (67 tuổi, đội 15) có 5 ha rẫy bên kia suối nên ngày nào hai vợ chồng ông cũng phải đu cáp treo qua suối để đi làm. "Lắm hôm tôi bị ốm bà nhà tôi phải đi làm một mình, nghĩ đến việc bà ấy đu qua suối nên tôi không yên tâm nên gắng dậy đưa bà qua suối đến khi về rồi lại đi đón" - ông Duy than thở.
Hàng ngày hàng trăm lượt người, có cả trẻ em đu cáp treo qua suối
Hàng ngày hàng trăm lượt người, có cả trẻ em đu cáp treo tự chế qua suối - nhìn hết sức nguy hiểm.
Còn theo chia sẻ của anh Trần Phương Nam (29 tuổi, quê Cà Mau) giờ đây ngày nào anh cũng phải sống trong sợ hãi khi mỗi ngày anh phải đu cáp treo ít nhất 2 lần qua suối để đi làm thuê.
Tuy nhiên, anh Nam cũng cho rằng, đi cáp treo tự chế dẫu có sợ nhưng cũng không sợ bằng vượt suối đi làm, đi chợ.
"Cách đây khoảng 4 năm, chưa có dây cáp treo này nên vợ tôi lúc đó mới 23 tuổi phải lội qua suối để đi mua thức ăn. Khi về không may bị trượt chân ngã xuống suối phải 4 ngày sau mới tìm thấy xác. Nếu có cầu vợ tôi đâu có chết", anh Nam, bức xúc kể lại.
Qua suối chỉ có các đu cáp treo hoặc lội nước
Qua suối chỉ có cách đu cáp treo hoặc lội nước
 Người dân phải đu cáp treo qua suối để đi làm
Người dân phải đu cáp treo qua suối để đi làm, đi chợ

Cũng vì đi lại khó khăn nên hàng chục trẻ em đang độ tuổi đi học phải nghỉ học ở nhà.
Bà Hồng Thị Anh cho biết, cả xóm ngụ cư có khoảng 25 trẻ em đang ở độ tuổi đi học nhưng chỉ có 1 em học lớp 2 là được tới lớp. "Cả xóm này trẻ em nghỉ học hết vì từ quê Cà Mau lên trú ngụ không có giấy tờ, hơn nữa đi lại quá khó khăn, nguy hiểm nên đành để chúng ở nhà cho mù chữ. Chỉ có con bé học lớp 2 là gửi nhà người quen nên mới được tới trường".
Đi lại khó khăn nên hàng chục trẻ em đang ở tuổi đi học nhưng phải nghỉ ở nhà
Đi lại khó khăn, nguy hiểm nên hàng chục trẻ em đang ở tuổi đi học không được cha mẹ cho đến trường
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chủ tịch UBND xã La Dom cho biết có 16 hộ dân quê Cà Mau và Thanh Hóa sinh sống ở bên kia suối. Bên cạnh đó có hàng trăm hộ dân có đất canh tác bên kia suối nên hàng ngày có hàng trăm lượt người đu cáp treo qua suối Đôi để đi làm. UBND xã biết việc đu cáp treo qua sông là rất nguy hiểm nhưng hiện vẫn chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng cầu cho bà con đi lại an toàn.
 Bài, ảnh: Hoàng Thanh

Khu ổ chuột giữa thành phố

Theo NLĐO-11/09/2015 23:19

Nhiều hộ dân bất chấp hiểm nguy, sống trên những căn nhà tạm bợ. Cũng vì vậy mà chủ trương cải tạo cảnh quan của TP HCM gặp nhiều khó khăn

Dù biết că­n nhà đã nghiêng, hễ có mỗi đợt gió to thì những miếng ván trên tường, trụ nhà có biểu hiện rung chuyển nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (sống bên bờ kênh Tẽ, phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM) vẫn cố bám trụ.
“Đi nhẹ nhàng thôi…”
Cơn mưa giông sáng 8-9 khiến căn nhà lắc lư suýt đổ, ông Sơn cùng vợ và đứa con trai phải chạy ra ngoài để thoát thân. Ông Sơn cho biết căn nhà nằm trong dự án di dời khỏi khu vực kênh Tẽ. Cách đây ít tháng, ông được Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng quận 7 đền bù cho diện tích 15 m2 đất, tổng số tiền 192 triệu đồng. Sau đó, đơn vị này hướng dẫn ông mua căn hộ chung cư trên địa bàn quận 7 với giá 600 triệu đồng. Do không đủ tiền, gia đình ông quay lại căn nhà đã từng tháo dỡ mái, vách để tiếp tục sinh sống, bán thuốc lá. Theo ghi nhận của chúng tôi, cửa vào căn nhà được che bằng một tấm vải cũ, chiếc giường của 3 con người chỉ là miếng ván ép xin từ các hộ dân khác.
Tại khu vực kênh Tẽ có hàng chục căn nhà tương tự. Thậm chí, có những căn nhà dù vách làm bằng gạch kiên cố nhưng móng lại bằng những cây gỗ tràm đâm thẳng xuống mặt nước. Lâu năm, những trụ này sụt lún khiến nhà nghiêng sang một bên nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, tiếp tục sinh sống.
 Rạch Bến Nghé cũng còn nhiều căn nhà lụp xụpẢnh: HOÀNG TRIỀU
Rạch Bến Nghé cũng còn nhiều căn nhà lụp xụpẢnh: HOÀNG TRIỀU
 Bà Trần Thị Công (một cư dân vẫn còn bám trụ) dẫn chúng tôi vào bên trong căn nhà vừa dựng kèm lời nhắc nhở: “Đi nhẹ nhàng thôi, sàn nhà hơi yếu nên dễ rớt xuống nước”. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại sống ở một nơi mà khả năng sập đổ rất cao, bà Công thở dài: “Nếu chuyển sang nơi khác thì biết làm nghề gì để sống. Mặc dù nhà xuống cấp nhưng không dám sửa vì sợ lực lượng chức năng đến tháo dỡ”.
Gia đình bà Công và ông Sơn là 2 trong hàng chục hộ dân mà chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu di dời để tránh gặp tai nạn. Tuy nhiên, do không bảo đảm được chỗ định cư mới nên họ vẫn cố bám trụ.
Tương tự, đứng trên cao nhìn xuống, rạch Bến Nghé (quận 4) cũng có thể thấy đầy rẫy những căn nhà lụp xụp, vách làm bằng tôn hoen gỉ. Đây là 1 trong những “khu ổ chuột” đang được UBND TP HCM đưa vào dự án di dời 17.000 căn nhà nhằm chỉnh trang, làm sạch bờ kênh.
Đứng trên cầu kênh Tẽ, chúng tôi nhận thấy nơi đây khá nhếch nhác, hầu hết các gia đình đều xả thải trực tiếp xuống dòng nước, nhiều hộ còn múc nước bẩn lên dùng. Những người dân nơi đây đa phần kinh doanh nước giải khát, sửa xe, thu mua ve chai…
Gần khu vực nói trên, đoạn qua phường Tân Phong (quận 7), nhiều gia đình di dời nhưng không tháo dỡ hoàn toàn. Họ chỉ bỏ phần mái, đập phá vách tường, đổ vật liệu xây dựng xuống dòng nước.
Lấn chiếm, cơi nới
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND phường Tân Kiểng, quận 7 - cho biết hiện trên địa bàn, việc di dời những căn nhà như trên chỉ đạt 50% vì nhiều người cho rằng số tiền đền bù còn thấp.
Theo đại diện Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng quận 7, khu dân cư ven kênh Tẽ hình thành từ năm 1988-1989, thời điểm đó chỉ là những căn chòi nhỏ. Dần dần, người dân liên tục lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, rạch. Trong quá trình đo đạc, người dân tiếp tục cơi nới nhằm “ăn gian” tiền đền bù. “Sắp tới, Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân hiểu rõ vấn đề, tránh quay lại sinh sống trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng” - vị này nói.
 “Khu ổ chuột” bên kênh Tẽ đang trong quá trình giải tỏa nhưng nhiều người vẫn bám trụ
“Khu ổ chuột” bên kênh Tẽ đang trong quá trình giải tỏa nhưng nhiều người vẫn bám trụ
 Sở Xây dựng TP HCM cho biết trong giai đoạn 2015-2020, TP sẽ di dời 12.000 căn nhà ven kênh rạch với tổng kinh phí là 12.400 tỉ đồng. Ngoài khu vực kênh Tẽ còn có các tuyến kênh, rạch như: Tham Lương - Bến Cát, Nhảy - Ruột Ngựa, Bàu Trâu, Ông Búp... Tại những khu vực này, người dân không ngừng lấn kênh, rạch để mở rộng diện tích đất ở. Có đoạn kênh, rạch bị mất đi 40% diện tích do người dân lấn chiếm.
Nên cải tạo thành khu tham quan đường thủy
Theo một kiến trúc sư, dự án di dời những “khu ổ chuột” được UBND TP đề ra từ năm 1993, công trình đầu tiên là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tiêu tốn gần 15.000 tỉ đồng để cải tạo bồi thường 7.500 căn nhà. Nhìn chung, qua các giai đoạn, việc di dời đều không đạt mục tiêu. Cụ thể, từ năm 2006-2014, di dời hơn 10.000 hộ dân. Riêng giai đoạn gần đây, mỗi năm chỉ giải quyết được 800 căn nhà. Như vậy, để đạt tiến độ đến năm 2020 di dời hết 12.000 căn nhà, mục tiêu phải tăng gấp 5 lần. “Sau khi giải phóng mặt bằng, nên cải tạo thành một công viên cây xanh, tiếp tục kinh doanh tour tham quan bằng thuyền và ca-nô. Đưa du lịch sông nước vào kênh Tẽ bảo đảm sẽ thu hút nhiều du khách, lợi nhuận sẽ cao hơn so với tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bởi nơi đây quang cảnh thoáng mát, có xuồng - ghe - phà của người dân vận chuyển hàng hóa từ miền Tây lên, tạo nên bản sắc riêng. Hiện bờ kênh Tẽ hình thành một chợ nổi buôn bán trái cây tự phát. Nếu chú trọng xây dựng chợ nổi giữa lòng Sài Gòn thì càng hấp dẫn hơn” - vị kiến trúc sư phân tích.

LÊ PHONG

'Đổi mới con người để tăng trưởng kinh tế'

Hà MiBBCVietnamese.com
11 tháng 9 2015

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh
Image captionBộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh, nói về những cải cách thể chế và con người tại Việt Nam
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh vừa trả lời BBC Việt Ngữ về những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài cũng như những sửa đổi luật pháp, cải cách thể chế và đổi mới con người mà Việt Nam đang làm.
Phỏng vấn diễn ra tại Diễn đàn kinh tế do Đại sứ quán Việt Nam tại Anh Quốc, kết hợp với Mạng lưới Việt Nam Anh Quốc và Nhóm Harvey Nash, tổ chức tại thủ đô London, Anh, hôm 10/9.
Ông cho biết những hội thảo như thế này có tác dụng rất lớn để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Anh Quốc và chính sách đầu tư của Việt Nam hiện nay muốn thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc hơn so với trước đây.
Bộ trưởng Vinh cho biết một số ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, bao gồm
  • Tạo ra sự minh bạch hơn trong hệ thống pháp luật để các DN nước ngoài hiểu luật pháp VN
  • Các ưu đãi sẽ dành cho lĩnh vực công nghệ cao với luật Công nghệ cao, các DN thuộc diện này được hưởng mức ưu đãi thuế cao nhất ở VN, như 4 năm miễn hoàn toàn thuế, 9 năm tiếp theo chỉ đóng 50% mức quy định và 15 năm còn lại đóng bình quân 10% thay vì mức thuế thu nhập DN hiện nay là 20%
  • Những DN đến từ các quốc gia phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hay đầu tư về chuyên giao công nghệ.

Sửa đổi pháp luật để tạo môi trường đầu tư minh bạch

Phần thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam Anh Quốc hôm 10/9 tại London
Bộ trưởng Vinh cho biết Việt Nam cũng nhận thấy những hạn chế trong hệ thống pháp luật của mình vì thế chọn cải cách thể chế như một đột phá trong ba đột phá về kinh tế của VN, đảm bảo minh bạch và phù hợp với quốc tế.
"Việt Nam hiện nay đã tham gia rất nhiều hiệp định song phương và đa phương, do vậy buộc phải thực hiện các cam kết của mình. Chính vì thế phải sửa đối luật pháp để đáp ứng được các cam kết quốc tế.
"Việt Nam cũng đã nhận ra rằng muốn thu hút đầu tư nước ngoài thì phải tạo ra môi trường minh bạch và tiên lượng được."
Ông cũng nhắc tới Luật đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, mà theo ông đã có cách tiếp cận rất rõ ràng.
"Trước đây luật được xây dựng theo phương pháp tiếp cận chọn Cho, tức cho cái gì thì ghi trong luật còn cái gì không ghi trong luật thì phải đi xin phép, và đó là một rào càn. Nay sửa đổi theo cách tiếp cận hiện đại, tức là chọn Bỏ, tức là không cho cái gì, cấm cái gì thì ghi trong luật, còn không ghi thì có nghĩa công dân và DN được tự do đầu tư kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nó thể hiện Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013.
"Tính minh bạch này đang là một trong những việc mà Việt Nam đang làm rất quyết liệt," ông Vinh nói thêm.

Cải cách thể chế để thúc đẩy tăng trưởng

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam Anh Quốc hôm 10/9 tại London
Image captionTại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Anh Quốc, Bộ trưởng Vinh nói tới chủ trương tiếp tục cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam
Theo Bộ trưởng Vinh, Việt Nam đã nhận ra rằng đặc biệt khi Việt Nam đang gia nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, nếu Việt Nam không thay đổi luật pháp, thể chế của mình thì không thể hội nhập kinh tế quốc tế được.
Ông nói Việt Nam tự thấy những lợi thế như tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư, lao động giá rẻ, dần dần đã hết dư địa, hay tăng trưởng nhờ khai thác tài nguyên, dầu khí, than đá, sắt thép để bán thô thì tăng trưởng như vậy không bền vững.
"Nếu chỉ dựa vào những thứ đó để tăng trưởng thì bị lạc hậu. Việt Nam sẽ thua kém, không cạnh tranh được trong môi trường hội nhập.
"Một trong những ưu việt chính là thể chế. Quốc gia này hơn quốc gia kia chính là ở thể chế. Thể chế và môi trường thu hút được người tài, thu hút được đầu tư cho nên Việt Nam phải cải tổ. Đó là việc Việt Nam đang làm. Tuy nhiên cũng phải nói rằng đổi mới thì không dễ và ở đâu cũng vậy," ông nói.
Bộ trưởng Vinh cũng trích lời cựu Thủ tướng Anh ông Tony Blair, nhân một lần đồng chủ trì đã nói rằng đổi mới luôn đi kèm sự chống đối vì đổi mới mà không có sự phản đối thì đấy không phải là đổi mới.
"Đổi mới bao giờ cũng tạo ra những cái khác với thông lệ và nó ảnh hưởng tới các nhóm lợi ích cho nên người ta chống đối rất quyết liệt."

Đổi mới cán bộ - nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Là người đã từng nói "Không đổi mới cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế", Bộ trưởng Vinh cho biết đây là một lĩnh vực rất khó:
"Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vì con người làm nên tất cả. Những rào cản cũng đều do con người đẻ ra những đổi mới cũng đều do con người gây dựng. Tuy nhiên ở đâu có người cán bộ tốt thì đương nhiên ở đó có sự phát triển tốt."
Ông cho biết hiện nay Việt Nam đang tập trung đổi mới công tác cán bộ.
"Tôi đã từng nói muốn cổ phần hóa DNNN thì đầu tiên phải thay mấy ông cán bộ từng gây dựng DN lên vì đó là con đẻ của họ và họ tự hào về nó, nên giờ giờ không thể tự chặt chân mình để thay đổi toàn bộ. Cho nên rất khó, phải đổi mới từ công tác cán bộ.
"Ở tầm quốc gia cũng vậy thôi. Việt Nam đang nghiên cứu để có một chọn lựa cơ chế nào để người dân có thể tham gia chọn ra người lãnh đạo cao nhất của đất nước và cũng có thể hạ bệ họ nếu họ không làm được lời hứa trước nhân dân, trước dân tộc. Đây là điều quan trọng.
"Nếu cơ chế dựng lên được mà không cho xuống được thì đó là một cơ chế không giúp cho đất nước phát triển được. Chính vì thế đây là vấn đề then chốt của mọi quốc gia không phải riêng Việt Nam.
Ông cũng nói thêm trước đây bộ máy nhà nước Việt Nam phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong suốt một thời kỳ rất dài, nhưng trong 30 năm đổi mới thì thành công nhất của Việt Nam là chuyển sang nền kinh tế thị trường.
"Vì thế hệ thống, bộ máy của Việt Nam cần chuyển đổi để phù hợp với một mô hình mới và để có được điều đó thì đầu tiên phải là con người, là lãnh đạo. Và Việt Nam đang làm điều này."
Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Anh Quốc tại London hôm 10/9/2015
Image captionHơn một trăm đại diện doanh nghiệp Anh đã tới tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Anh Quốc