Sunday, March 29, 2015

Sự trở về của cô gái Pháp mang dòng máu vua Hàm Nghi


vua ham nghi
Amandine Dabat tại buổi trò chuyện tại TP.HCM

Một câu chuyện kì lạ khác về vua Hàm Nghi vừa làm ngỡ ngàng người Sài Gòn, khi một nữ trí thức trẻ người pháp trở về nhận là hậu duệ của ông và cho biết đang làm luận án tiến sĩ lịch sử nghệ thuật về chính bậc tiền nhân của mình...

Hàm Nghi là vị hoàng đế có số phận kì lạ, từ chuyện ông được chọn lên ngôi, truyền hịch Cần Vương chống pháp, bị bắt lưu đày biệt xứ, từ chối học tiếng Pháp và cả việc ông vẽ hàng trăm bức tranh mà mãi sau này mới được biết đến. 
Sống lại hình ảnh tuổi trẻ vua Hàm Nghi trong mắt cô cháu gái
Nữ trí thức trẻ ấy có gương mặt xinh đẹp, thanh tú rất Pháp và cái tên cũng hoàn toàn Pháp: Amandine Dabat, sinh năm 1987 ở Paris, tốt nghiệp cử nhân Việt Nam học tại Pháp năm 2012. Vẻ đẹp rạng rỡ, phong cách ứng xử tinh tế và diễn ngôn lưu loát của cô làm dịu đi cái nắng xuân oi bức Sài Gòn tháng 3.2015. 
Điều gây ngạc nhiên cho mọi người là cô lại mang trong mình dòng máu của vị hoàng đế yêu nước Hàm Nghi, mà theo cách gọi của người Pháp thời thuộc địa là “ông hoàng An Nam”. Bằng kiến văn sâu sắc và khách quan, cô đã giúp làm sáng tỏ thêm nhiều điều bất ngờ thú vị về ông vua có tâm hồn nghệ sĩ.
Lịch sử cho biết, Hàm Nghi tên huý Nguyễn Phúc Ưng Lịch là hoàng đế thứ 8 của triều đình nhà Nguyễn, do phái chủ chiến mà đứng đầu là hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường dựng lên làm vua khi ông mới 13 tuổi. Là con thứ 5 của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, ông là một trong ba vị vua là ba anh em ruột được sinh trưởng trong cùng một gia đình hoàng tộc: Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Ông cũng là một trong ba vị vua nhà Nguyễn được lịch sử tôn vinh yêu nước chống giặc Pháp xâm lược: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. 
Và sau ba năm phất cờ khởi nghĩa Cần Vương, ông bị kẻ phản bội chỉ điểm và bị thực dân Pháp bắt xuống tàu đày sang an trí tận thủ đô Alger của Algeria năm 1888.
Bị giam lỏng xứ người xa xôi, sống buồn tủi trong ngôi biệt thự Rừng Thông (Villa des Pins, thuộc làng El Biar), cựu hoàng trẻ tuổi vẫn giữ cách ăn mặc, sinh hoạt của người Việt, từ chối học tiếng Pháp, vì ông cho đó là ngôn ngữ của kẻ thù xâm lược Tổ quốc mình. Tuy nhiên, cuối cùng nhận thấy người Pháp ở  Algeria tỏ ra tử tế hơn người Pháp ở Việt Nam và cũng do nhu cầu giao tiếp , nên ông dần học và nói, viết rành tiếng Pháp.
Đến năm 1904, Hàm Nghi đã kết hôn với bà Marcelle Laloe ở Alger và lần lượt sinh hạ ba người con: hai công chúa Như Mai, Như Lý và hoàng tử Minh Đức. Trong đó, công chúa Như Lý (hoặc Như Luân, 1908 - 2005) từng tốt nghiệp tiến sĩ y khoa và lập gia đình với công tước Frangois Barthomivat de la Besse, mà cô Amandine Dabat là cháu đời thứ 4; cũng có nghĩa Amandine là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.
Đây không phải là chuyến trở về Việt Nam đầu tiên của Amandine Dabat, nhưng là lần đầu cô có buổi trò chuyện trước hàng trăm người tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM, lại nói về cuộc đời kì lạ của một người thân thích của mình là hoàng đế - nghệ sĩ Hàm Nghi.
Điều đó gây xúc động trong từng lời nói của nữ trí thức trẻ này và xúc động cả người nghe đông đảo khán phòng. Hình ảnh vị vua yêu nước trẻ tuổi có số phận đặc biệt từ hơn một trăm năm trước như sống lại trong mỗi ánh mắt, cử chỉ thông minh của người chắt ngoại xa lạ mà dễ gần của ông. Mọi người bắt gặp phía trong hình hài rất Pháp của cô gái trẻ là một tâm hồn rất Việt, với tinh thần tự tôn về tổ tiên và tình yêu cháy bỏng đối với di sản yêu nước và nghệ thuật mà cụ tổ là hoàng đế Hàm Nghi để lại.
Amandine Dabat cho biết, cô càng nghiên cứu kho sử liệu gia đình thì càng tự hào vì trong mình có dòng máu của vị vua người Việt Nam yêu nước, một nghệ sĩ có cuộc đời thật kì lạ.
Khi bị lưu đày tại Algeria, vua Hàm Nghi vẫn bị người Pháp cho rằng có thể quay về Việt Nam làm vua và xem ông như một quân bài dự bị chiến lược. Cả người quản gia cũng là nhân viên an ninh theo dõi nhà vua và đã làm báo cáo nhiều trang gửi chính quyền thực dân. Thư từ hoàn toàn bị kiểm soát và chỉ một số ít đến được tay của nhà vua.
Hàm Nghi là một trong hai hoạ sĩ Việt Nam đu tiên theo phong cách phươngTây
Đối với thế giới nghệ thuật, cựu hoàng Hàm Nghi với nghệ danh Tử Xuân ký dưới các bức tranh, là một hoạ sĩ đích thực với niềm đam mê hội hoạ lớn lao và có thành tựu, chứ ông không chỉ đơn giản dùng tranh để khuây khoả những năm tháng bị đày ải biệt xứ. 
“Thực sự lúc đầu tôi nghĩ rằng ông vẽ như một cách để tìm niềm vui. Nhưng qua tư liệu cho thấy, khi đã khởi đầu thì ông đam mê vẽ cả ngày, vẽ như một hoạ sĩ thực sự. Và theo tôi, ông đã trở thành hoạ sĩ một cách tự nhiên”. Amandine Dabat cũng nói rằng, nhà vua đã vượt ra khỏi sự giam lỏng của chính quyền thực dân Pháp để tìm đến với nghệ thuật như một cách bày tỏ nỗi nhớ cố hương đang chìm trong bóng giặc. Tác phẩm của ông không bộc lộ quan điểm chính trị.
Hành trình đến với nghệ thuật của cựu hoàng Hàm Nghi cũng khá đặc biệt. Ông vốn không tỏ ra có năng khiếu mỹ thuật. Vào năm 1899, từ Alger ông sang Paris và thích thú khi xem một cuộc triển lãm của danh họa Paul Gauguin, từ đó khơi lên trong ông ngọn lửa tình yêu hội họa. Và cũng từ đó ông dần đắm chìm trong sắc màu. 
Tranh của ông chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng của nước Pháp và châu Âu. Người gần gũi dạy vẽ trực tiếp cho ông 15 năm là hoạ sĩ Pháp Marius Reynaud sống ở Algeria. Ngoài ra, Hàm Nghi cũng từng “thọ giáo” nhà điêu khắc vĩ đại nhất nước Pháp August Rodin, mà tại cuộc triển lãm năm 1979, trong phần Rodin với vùng Viễn Đông có xác thực điều này.
Nhờ những chuyến du hành hạn chế sang Pháp và trên đất nước Algeria mà ông đã vẽ nhiều bức phong cảnh, tĩnh vật và điêu khắc một số tượng chân dung bằng đồng, thạch cao. Tranh tượng của Hàm Nghi dùng bút pháp phương Tây nhưng hoà quyện tinh thần văn hoá phương Đông, nơi sinh thành ra ông với những hình ảnh thân thuộc như cánh đồng, cây cối, hoa trái, cánh cò cánh vạc vào buổi hoàng hôn. Điều đó giúp ông giải toả nỗi nhớ cố hương và cũng là hồn cốt tạo nên sự khác biệt trong tác phẩm của ông.
Kì lạ là hơn nửa thế kỉ sau khi cựu hoàng Hàm Nghi qua đời, mọi người mới lơ mơ biết rằng ông từng vẽ tranh khắc tượng. Thông tin về các tác phẩm của ông chỉ được biết qua thư từ mà ông trao đổi với bạn bè, nhất là catalogue của cuộc triển lãm riêng vào năm 1926 tại Paris dưới bút danh Tử Xuân; còn đa số tranh của ông đã bị thất lạc, nhất là khi căn nhà ông ở bị cháy trong biến cố chiến tranh ở Algeria năm 1962. 
Đến nay tranh của ông còn lại khoảng dưới 100 tác phẩm, về bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của Hàm Nghi được phát hiện và bán đấu giá 8.800 euro ở Paris ngày 24.11.2010, Amandine Dabat nói rằng cô và gia đình không hề hay biết cho tới khi nghe thông tin qua báo chí.
Vì sao Hàm Nghi ký tên dưới các bức tranh là Tử Xuân, chứ không phải Xuân Tử vốn là tên được cha mẹ đặt cho? Ông kí tên bằng chữ quốc ngữ rất rõ ràng nhưng không có dấu, theo kiểu tiếng Pháp: Tu Xuan. Vấn đề này được đặt ra và tranh luận nhỏ tại buổi giao lưu. 
Theo lý giải của Amandine Dabat, khi chống Pháp và bị bắt lưu đày, Hàm Nghi chưa tiếp cận chữ quốc ngữ mà chỉ dùng chữ Pháp và chữ Hán. Về sau, những người Việt sang Pháp du học mới dạy cho cựu hoàng chữ quốc ngữ và ông đã sử dụng nó để kí tên vào tác phẩm của mình. 
Có mặt tại buổi giao lưu, Tiến sĩ văn học Trần Hoài Anh cho rằng, việc Hàm Nghi đã viết tên mình theo ngữ pháp tiếng Việt chứ không phải ngữ pháp tiếng Hán cho thấy ý thức khát khao độc lập về văn hoá của vị vua yêu nước. Với trình độ Hán học uyên thâm, không thể có chuyện cựu hoàng viết nhầm Xuân Tử thành Tử Xuân được. Đây chắc chắn là một biểu hiện có chủ ý của vua Hàm Nghi.
Amandine Dabat cho hay, cô đã tập hợp trên 2.500 tư liệu thư từ gia đình, thư viện, chứng từ hành chính trong thời kỳ lịch sử có liên quan đến vua Hàm Nghi để dựng lại cuộc đời của ông. Cô đang hoàn thành hai công trình để xuất bản thành sách, đó là luận án tiến sĩ lịch sử nghệ thuật tại Đại học Sorbonne mà cô thực hiện năm 2010 có chủ đề: “Tử Xuân: danh mục các tác phẩm tranh ảnh, điêu khắc của Hàm Nghi (1871-1944), vị hoàng đế Việt Nam lưu vong” và luận án tiến sĩ ngành lịch sử nghệ thuật và khảo cổ với chủ đề “Vua An Nam: khảo cổ học nhân học”. 
Ngoài thư viện gia đình, Amandine Dabat đã tiến hành nhiều chuyến đi khảo cứu ở Algeria, Việt Nam và ngay tại Paris có liên quan tới cuộc đời vua Hàm Nghi. Cô nói: “Tôi hi vọng sẽ sớm xuất bản cuốn sách phát triển từ luận án về vua Hàm Nghi viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Mọi thông tin cần biết về vị vua yêu nước và là một nghệ sĩ tài năng đích thực sẽ là niềm tự hào cho tất cả chúng ta”. 
Trong câu chuyện, cô hay nói từ “chúng ta” bằng tình cảm chân thành và gần gũi của một người con xa xứ trở về cố hương với bao trăn trở về quá khứ đau thương xen lẫn tự hào về bậc tiền nhân “vị quốc vong thân”!
Chúng ta đã biết Hàm Nghi là vị hoàng đế yêu nước và đã thể hiện được bản lĩnh tâm hồn, nhân cách Việt khi bị lưu đày ở xứ lạ quê người. Qua “giọt máu” đáng quý của ông là Amandine Dabat, nhất định rồi đây chúng ta sẽ biết rõ thêm một Hàm Nghi nghệ sĩ, có thể là người tiên phong của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. 
Như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: “Luận án tiến sĩ của Amandine nghiên cứu về toàn bộ cuộc đời làm nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Hàm Nghi nghệ sĩ vẽ tranh, Hàm Nghi nặn tượng và Hàm Nghi nhiếp ảnh. Khi luận án này trình xong, cùng với Lê Văn Miến, vua Hàm Nghi sẽ được khẳng định là một trong hai họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ tranh, nặn tượng theo phong cách phương Tây.
Hoàng Thủy (Pháp luật và Cuộc sống)

Những con ruồi đỏ vô thừa nhận



Khi Vương ông gặp nạn, buổi sáng trong căn nhà của ông bỗng đầy một bọn nách thước tay đao, đầu trâu mặt ngựa, những tên sai nha mà Nguyễn Du gọi là đám “ruồi xanh” vo ve kéo đến giở đủ mọi trò khốn nạn ra với cái gia đình tự nhiên mắc phải ách giữa đường khởi đầu cho những oan khiên kéo dài suốt mười lăm năm cho người con gái tài sắc họ Vương.

Những con ruồi xanh mà tác giả truyện Kiều dùng để tả bọn nặc nô chắc là những con ruồi trâu hay những con nhặng có lẽ chúng làm phiền người ta nhiều hơn là gây ra được những thảm họa kinh hoàng như những thứ ôn hoàng dịch lệ khác. Nhưng phiền nhiễu thì chúng có tạo ra rất nhiều thật.



Bọn ruồi bọ ấy hôm 14 tháng 3 vừa qua lại thấy xuất hiện ở khu tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội tại một buổi dâng hương đặt vòng hoa tưởng niệm 64 binh sĩ hải quân bị Tàu Cộng thảm sát ở Gạc Ma năm 1988. Khi những người tham dự lễ tưởng niệm tiến lên đặt những bó hoa trên những bậc thang dẫn lên tượng đài Lý Thái Tổ thì bọn ruồi nhặng ào tới đứng len vào giữa những người đặt vòng hoa và tượng đài vị vua khai sáng ra nhà Lý. Những con nhặng này trương ra những lá cờ búa liềm che lấp hẳn pho tượng vua Lý và những vòng tay cung kính niệm hương cho các chiến sĩ hải quân anh hùng bỗng nhiên trở thành hành động cung kính dành cho lá cờ búa liềm. Những con ruồi này mặc trên người những chiếc áo đỏ với ngôi sao vàng rất mới. Những lá cờ búa liềm cũng rất mới được ủi phẳng phiu rõ ràng là được mang theo sẵn sàng cho trò phá thối của chúng.

Bọn ruồi toàn là những đứa còn rất trẻ, khoảng ngoài hai mươi, một vài đứa mặt mũi cũng sáng sủa. Những đứa khác thì có cái nét hung ác lạ lùng. Người ta gọi bọn chúng là những dư luận viên, những danh từ có thể mang những ý nghĩa tốt đẹp thực ra chỉ được dùng để gọi cái thứ côn quang mà nhà cầm quyền dùng để đàn áp, khống chế những tiếng nói chống lại chính phủ. Thí dụ tên du côn bịt miệng cha Lý tại tòa án năm nào. Hay bọn mất dậy ném phân và rác rưởi vào nhà Trần Khải Thanh Thủy, văng tục vào mặt thân nhân blogger Điếu Cày trước pháp đình Sài Gòn...

Những con ruồi tại vườn hoa Lý Thái Tổ là những thành phần mất dậy như thế đó. Đặc biệt có một đứa bản mặt nhâng nháo đầy vẻ thách thức như sẵn sàng kiếm chuyện với những người đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ bỏ mình ở Gạc Ma. Tên thanh niên này có khuôn mặt cực kỳ lưu manh của một tên điểm chỉ. Nó không làm gì hết ngoại trừ việc bày ra một nét khiêu khích thấy rõ và người ta nghĩ ngay là những người trong toán dâng hương nếu có bất cứ hành động mạnh nào là nó bạo động ngay.

Nếu bọn ruồi này tìm cách phá những người tổ chức tưởng niệm vụ Hoàng Sa thì người ta có thể hiểu. Bọn Cộng Sản từ suốt mấy chục năm nay vẫn cấm nhắc đến Hoàng Sa và những hy sinh của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng chúng cũng lại không muốn nhắc đến những cái chết ở Gạc Ma vì sợ làm phiền lòng các đồng chí ở phương Bắc, ấy là chưa nói đến cái lệnh khốn nạn của bọn lãnh đạo (qua Lê Đức Anh, bộ trưởng quốc phòng lúc ấy) không cho phép binh sĩ nổ súng vào tàu Trung Quốc để tự vệ và bảo vệ tổ quốc.

Bọn côn quang rõ ràng là người của nhà nước đưa tới phá thối. Ai là người dám lăng mạ những người chiến đấu và hy sinh vì tổ quốc. Cũng không có người Việt Nam nào đầu óc bình thường lại chống lại việc tưởng niệm các chiến sĩ bỏ mình vì nước dẫu cho đó là những người lính Việt Nam Cộng Hòa, nói chi đến các chiến binh của nhà nước Cộng Sản Việt Nam.

Sau khi vụ này diễn ra và hình ảnh được thu lại rồi truyền đi trên mạng, bọn cầm quyền liền phải họp báo nói rằng những thành phần kéo đến vườn hoa Lý Thái Tổ không phải là người của nhà nước mà do dân chúng tự phát.

Thế là bọn ruồi đỏ trở thành một lũ con hoang vô thừa nhận. Rõ khổ. Làm công việc nhà nước ra lệnh rốt cuộc lại bị chính nhà nước phủ nhận để thành con hoang đẻ rơi đẻ rớt đầu đường xó chợ. Nhưng nhà nước phủi tay như vậy cũng không được. Đáng lẽ phải thêm vài ba câu tuyên bố để chạy cái tội làm tay sai cho Tập sếnh sáng nữa chứ. Ít nhất thì cũng phải một hai câu ghi nhận những hy sinh của 64 binh sĩ (Việt Nam Cộng Sản) chết tức tưởi ở Gạc Ma năm 1988 chứ!

Hay là lại sợ bị bọn thái thú mới bợp tai đá đít chết cha mấy con luôn?

Theo Người Việt-03-28-2015 1:47:31 PM
Bùi Bảo Trúc

Thanh Hóa: Phát hiện một thân tàu dưới bãi cát

(Công lý) - Sáng sớm ngày 29/3, người dân địa phương trong lúc đi tập thể dục tại bãi biển thuộc thôn 3 xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) đã phát hiện một tấm ván nổi lên mặt đất, tiếp tục đào thì phát hiện mũi một con tàu nằm sâu dưới lòng đất.

Nhận được thông tin, Công an xã Hoằng Trường đã có mặt tại hiện trường, báo cho chính quyền xã và cơ quan cấp trên. Đến trưa cùng ngày thì máy xúc đã được điều đến để khai quật con tàu, sau nhiều giờ đào múc, con tàu đã lộ diện phần trên.

Hiện trường nơi phát hiện ra con tàu lạ

Ông Lê Văn Tấn - Trưởng Công an xã Hoằng Trường cho biết, sau khi phát hiện có con tàu nằm sâu dưới lòng đất, xã đã thuê máy xúc để khai quật. Con tàu có chiều dài chừng 12m, rộng chừng 4m, được đóng bằng gỗ và những chiếc đinh để đóng thuyền cũng là đinh gỗ.

Đông đảo người dân hiếu kỳ tới xem con tàu

Bà Phạm Thị Tiện, một người dân sống gần khu vực phát hiện con tàu cho biết, có thể con tàu có từ năm 1945, lúc đó các con tàu kiểu này thường dùng để chở muối, gạo phục vụ kháng chiến. Khi phát hiện, con tàu nằm sâu cách mặt đất khoảng 2m, do quá trình bồi lấp nên đã hở phần ván.

Quá trình đào vớt con tàu đã phát hiện nhiều mảnh sành, chum vại trên tàu. Đến chiều ngày 29/3, công tác trục vớt vẫn đang được tiếp tục.

 29/3/2015 22:59
Thanh Phương

Công nhân Formosa: "Không làm 12 tiếng thì lấy gì bỏ vào mồm"

Long Nguyễn | 29/03/2015 09:36


“Chúng tôi đã chấp nhận làm công việc tay chân thì làm gì còn dám lựa chọn hay đòi hỏi gì nữa. Họ viết gì trong hợp đồng, tôi cũng không để ý đâu", anh Chiến nói.

"Mọi người không cho tôi gặp chồng"

19h30 phút tối 28/3, trong căn nhà đơn sơ của anh Lâm Hữu Chính (SN 1978, trú tại xã Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An – một trong 13 nạn nhân vong mạng vụ sập giàn giáo tại Formosa) vẫn ri rỉ những tiếng khóc than không dứt.

Trên ban thờ được bố trí giữa gian phòng trống huếch, di ảnh một người đàn ông có nụ cười hiền vẫn trìu mến nhìn xuống 3 dáng người còm cõi, đã phờ phạc đi và túm tụm nhau trong những chiếc áo xô nhàu nhĩ.

TTấm cáo phó vẫn chưa được gỡ xuống dù chủ nhân của nó đã được an táng.
Tấm cáo phó vẫn chưa được gỡ xuống dù chủ nhân của nó đã được an táng.

Anh Chính trên ban thờ nhìn khác hẳn với anh Chính gầy rộc hốc hác bởi áp lực làm việc suốt 12 giờ/ngày tại công trường Formosa và lại càng khác xa với thân thể bê bết máu, chằng chịt vết cắt xé khi người ta bới anh ra từ hàng vạn tấn sắt thép.

Chị Chu Thị Kiều (SN 1979, vợ anh Chính), trông già hơn nhiều so với tuổi. Chị chẳng thể nói lên lời khi chúng tôi, đại diện cho những phóng viên – nhà báo đến từ Hà Nội gửi chút quà động viên và thắp nén hương cho vong hồn anh Chính.

Chị Kiều vái tạ xong thì khụy xuống bên ban thờ sơ sài, ôm ghì hai cháu Nhi (SN 2008) và Minh (2010) vào lòng mà thều thào gọi tên chồng.

Chị Kiều nghẹn ngào kể: "Bức ảnh sử dụng để thờ chồng tôi chính là ảnh chân dung anh chụp khi lên đường nộp hồ sơ xin việc vào Công ty cổ phần Xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Nibelc), trụ sở ở Ninh Bình".

Lúc đó, người đàn ông quê mùa chất phác vẫn giữ được vẻ ngoài rắn rỏi lực điền. Đó cũng là lần hiếm hoi anh Chính được bận lên người chiếc áo sơ mi trắng, cắm thùng, đeo cà-vạt.


Sau đó, theo hợp đồng cung cấp nhân lực của Nibelc với Samsung C&T, anh Chính được điều về làm thợ sắt ở Formosa (khu công nghiệp Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Một ngày 12 giờ đồng hồ, anh làm quần quật cả tháng hiếm dịp thấy nghỉ.
Cứ thế xa vợ con đằng đẵng, mỗi lần về gấp gáp, chị Kiều đều thắt ruột khi thấy công việc nặng nhọc khiến chồng càng xanh xao và ho hắng.
Thế rồi, đây cũng là lần cuối, anh Chính trở về và chẳng còn cơ hội nào để hốc hác thêm nữa. Đêm 25/3, mọi người đưa anh về trong tiếng ngằn ngặt than khóc, không còn là chính anh, chỉ còn là một hình hài không vẹn nguyên...
Mọi người không cho tôi gặp chồng ngay khi anh vừa được đưa về. Cả cơ thể anh bị hủy hoại, mặt biến dạng ghê lắm. Tôi chỉ biết ôm hai cháu nhỏ gào khóc đến lịm đi. Mãi sau khi anh nhập quan, tôi mới bình tĩnh lại được”, chị Kiều đau đớn nhớ lại.
Cái giá của sự “tự nguyện”
Ngồi rầu rĩ bên cạnh chị dâu, sự khắc khổ trên gương mặt càng làm nỗi buồn đau của anh Lâm Hữu Chiến (SN 1981, em trai anh Chính) như thêm dài ra. Trên thực tế, anh Chiến là người may mắn bởi đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần tối 25/3.
Trông anh Chiến cũng vêu vao và hốc hác, hệ quả được cho là bởi nhiều tháng ngày làm việc với cường độ cao tại công trường Formosa.
“Tôi và anh trai đều là công nhân tại công trường ấy. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe nên tôi xin nghỉ phép không đi làm. Lúc nghe tin dữ tôi rụng rời tay chân. Thương anh, tôi càng thương hai đứa con anh nhỏ dại”, anh Chiến nói.
 
Theo lời anh Chiến, công nhân ở công trường phải làm việc đên 12 giờ/ngày
Theo lời anh Chiến, anh trai anh đến lúc chết vẫn còn vất vả, không thể an lòng bởi anh là nguồn thu nhập chính nuôi cả gia đình.
Chị Kiều làm thợ may ở khu công nghiệp, sức khỏe yếu lắm nên tháng nào cao cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng. Rồi đây không biết 3 mẹ con sống thế nào”, anh Chiến nghẹn ngào tâm sự.
Nói về công việc, anh Lâm Hữu Chiến cho hay, tất cả công nhân tại Formosa chỉ có hai lựa chọn để làm việc, ca sáng hoặc đêm. Trong khi ca sáng bắt đầu từ 7h sáng tới 19h tối thì ca đêm sẽ là từ 19h tối tới 7h sáng hôm sau. Tất cả đều 12 tiếng/ngày.
Một công nhân làm đủ 30 ca/tháng, có thể gửi về cho gia đình từ 7-8 triệu đồng.
sfsfs
Chẳng có sự lựa chọn nào khác cho sự tự nguyện của công nhân tại công trường này

Khi chúng tôi thắc mắc về quy định trong hợp đồng lao động là “làm việc 8 tiếng/ngày và tuần làm việc 48 tiếng”, cộng thêm quy chế “tự nguyện làm thêm giờ” thì anh Chiến cay đắng cho biết: “Chẳng có lựa chọn 8 tiếng nào” và “chẳng thấy ai làm 8 tiếng”.
Anh Chiến nói thêm, công việc 1 ca đã quy định, làm 8 tiếng không đủ thời gian nên đành làm 12 tiếng.
Họ không ép chúng tôi phải làm và họ trả tiền thêm giờ. Nhưng chỉ có 2 ca đêm và sáng để lựa chọn. Do khối lượng công việc quá lớn nên mọi thứ cứ cuốn đi.
Có những hôm mệt mỏi đến căng cứng tay chân nhưng cũng không dám xin nghỉ, vì phía Nibelc có những quy định cứng rắn lắm.
Nếu chúng tôi tới muộn, hay nghỉ không phép 1 ngày thì có khi sẽ bị đuổi việc ngay, thế nên anh em chúng tôi nhiều khi không dám nghĩ tới việc nghỉ làm”, anh Chiến nói.
Anh Chiến cũng thật thà cho biết thêm, anh và nhiều công nhân khác của Nibelc chẳng được đào tạo gì nhiều. Cứ nộp hồ sơ xong chờ gọi đi làm luôn.
Tất cả những gì được đào tạo chỉ là 1 buổi học an toàn lao động trước khi nhận việc. Còn lại cứ quen tay, người sau nhìn người trước mà làm. Cả anh và người anh trai xấu số của anh cũng vậy.
“Chúng tôi đã chấp nhận làm công việc tay chân thì làm gì còn dám lựa chọn hay đòi hỏi gì nữa. Họ viết gì trong hợp đồng, tôi cũng không để ý đâu. 8 tiếng hay 12 tiếng cũng phải làm thôi. Không làm thì lấy gì bỏ vào mồm”, anh Chiến thở dài.
Theo Trí Thức Trẻ

"Đường lưỡi bò" của TQ đe dọa 70% vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Dân trí Tờ Defense News ngày 28/3 dẫn lời ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược ngoại giao thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với trên 80% Biển Đông đang đe dọa 70% vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

(Ảnh minh họa:
(Ảnh minh họa: Wikimedia commons)
Tiến Sĩ Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra phát biểu trên tại cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) tổ chức tại Paris, Pháp ngày 23/3.
Theo ông Tuấn, an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế của Việt Nam gắn liền với cuộc tranh chấp đầy rủi ro ở Biển Đông với Trung Quốc, một láng giềng khổng lồ với các chính sách rất khó dự đoán.
"Một cuộc đối đầu ở Biển Đông có thể gây tổn hại nhiều hơn bất kỳ một cuộc chiến, một cuộc đối đầu nào từng xảy ra trong quá khứ", Tiến sĩ Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với trên 80% Biển Đông đang đe dọa 70% vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đường bờ biển dài của Việt Nam đặt ra vấn đề an ninh quốc gia và "an ninh con người", xuất phát từ sự phụ thuộc vào đánh bắt để lấy thực phẩm. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu kinh tế biển chiếm tới 60% GDP vào năm 2025.
"Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ không được tôn trọng, điều đó sẽ làm tổn hại tới nền kinh tế", ông Tuấn nói.
Đối với Việt Nam, an ninh, chủ quyền quốc gia và sự độc lập về kinh tế là những thách an ninh then chốt và có liên quan tới nhau, theo ông Tuấn. "Quốc phòng đòi hỏi rất nhiều tiền", ông Tuấn cho biết, vì vậy cần phải đạt được sự phát triển kinh tế bền vững, thịnh vượng và an ninh lâu dài.
Sau Chiến tranh Triều Tiên và trong Chiến tranh Việt Nam, đã có sự phát triển mạnh về kinh tế tại châu Á. Nhưng nếu có một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc, có nhiều lý do để lo ngại, ông Tuấn nhận định.
Tất cả các quốc gia châu Á đều có tâm lý chống Trung Quốc ở mức cao, và "tất cả các nước trong khu vực đề được vũ trang đầy đủ", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, Trung Quốc là một giềng rất lớn, rất khó chịu và khó đoán. Khi được hỏi rằng liệu Trung Quốc có triển khai một giàn khoan dầu thứ 2 ngoài khơi Việt Nam hay không, ông Tuấn nói: "Rất khó đoán liệu điều đó có xảy ra lần nữa hay không".
Hồi năm 2013, Trung Quốc đã bất ngờ công bố vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, gây lo ngại cho Nhật và các láng giềng châu Á khác.
Xung đột sẽ ảnh hưởng tới vận tải biển
Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra nhận định rằng nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông, điều đó sẽ ảnh hưởng tới vận tải biển của Liên minh châu Âu, trong đó có Pháp.
Đại sứ Pháp Christian Lechervy, thư ký thường trực về các vấn đề Thái Bình Dương, cho hay rủi ro xung đột ở Biển Đông sẽ lan sang các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp, nước thụ thuộc vào giao thương hàng hải với châu Á. Các yếu tố chiến lược của Pháp cũng gắn với khu vực.
"Sự cơ động của các lực lượng Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự răn đe hạt nhân của chúng tôi", ông Lechervy nói. "Căng thẳng gia tăng từ tranh chấp lãnh thổ và hàng hải là mối quan ngại đối với chúng tôi và các đồng minh trong khu vực. Chúng tôi hợp tác trong liên minh, đặc biệt là Mỹ và Úc".
Còn bà Marie-Sybille de Vienne, phó giám đốc về quan hệ quốc tế tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông tại Pháp, cho rằng Trung Quốc không đối mặt với thách thức quân sự nào lớn trong khực. Theo bà, chi tiêu quân sự của ASEAN rất khiêm tốn. Singapore là một quốc gia công nghệ cao nhưng không thể thách thức Trung Quốc. Trong khi đó tại Nhật Bản, chính phủ đã khiến công chúng lo ngại về các kế hoạch nhằm áp dụng một chính sách quân sự năng động hơn là duy trì lực lượng phòng vệ để bảo vệ quốc gia.
Theo bà Vienne, việc thiếu một thỏa thuận giữa Việt Nam và Philippines ở Biển Đông cũng làm suy yếu bất kỳ cuộc thảo luận nào về một thác thức ngoại giao đối với Trung Quốc.
Việt Nam cũng bị phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, với giá trị nhập khẩu vào năm 2013 so với năm 2009. Hàng hóa Trung Quốc chiếm 28% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam và dự kiến sẽ chiếm hơn 50% vào năm 2020, bà Vienne nói. Điều này gây khó khăn trong việc đối phó với Trung Quốc.
Đại sứ Pháp Lechervy cho hay khu vực Thái Bình Dương có ý nghĩa đặc biệt đối với Pháp. "Chúng tôi là một nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí trong khu vực. Việc bán các tàu ngầm và máy bay chiến đấu có liên quan trực tiếp tới Biển Đông, Hoa Đông và Thái Bình Dương".
"Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở Hoa Đông cũng gây ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế châu Âu", ông Pierre Journoud, người đứng đầu chương trình của của IRSEM tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho hay.
Việt Nam và Pháp đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược vào tháng 9/2013, "tạo điều kiện để phát triển quan hệ, trong đó có các lĩnh vực an ninh và chính trị", ông Journoud nói. "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về an ninh của Việt trong các tranh chấp nói chung và tranh chấp biển nói riêng".
Theo Đại sứ Lechervy, tăng trưởng kinh tế là nhân tố then chốt đối với sức mạnh quân sự. Nguyên soái Pháp thế kỷ 18 Maurice de Saxe từng nói có 3 điều bạn cần khi chuẩn bị chiến tranh, đó là tiền, tiền và tiền.
Chủ Nhật, 29/03/2015 - 16:29
An Bình

Bauxite Tây Nguyên lỗ nặng minh chứng 'sập bẫy' Trung Quốc?

(Baodatviet) - Nhà máy tại Tân Rai có thể lỗ khoảng 460 tỷ đồng trong 3 năm đầu, trong khi con số ở Nhân Cơ là 3.000 tỷ cho 6 năm.

Các dự án bauxite hiện đang có nguy cơ rủi ro cao. Đặc biệt, nếu không có những biện pháp giải quyết kịp thời thì mức độ rủi ro này sẽ ngày càng gia tăng. 

Lời cảnh báo này hơn một lần được các chuyên gia nhắc tới. Tại buổi tọa đàm do Trung tâm Thiên nhiên và con người (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN) vừa tổ chức ngày 28/3 giới chuyên môn lại tiếp tục bày tỏ lo lắng này.

Theo đó, tờ Tuổi trẻ dẫn lời chuyên gia cho rằng chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã “sập bẫy” của nhà thầu Trung Quốc. 

TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng chỉ ra cái gọi là 'sập bẫy' đó chính là việc TKV đã bỏ qua việc thuê tư vấn làm hồ sơ mời thầu, thiết kế kỹ thuật, đánh giá hồ sơ. Tuy nhiên, trường hợp này TKV đã tự mình làm mọi thứ.

Trên lý thuyết, khi TKV tự làm thì sẽ tiết kiệm chi phí tư vấn, tức khoảng 5% tổng giá trị gói thầu, tương đương 695 tỉ đồng. Nhưng trên thực tế, TKV đã công bố phí quản lý và tư vấn dự án lên gần 800 tỉ đồng.

Ông Sơn cho rằng: “TKV đã tự mình mắc lừa, tự sập bẫy của chính mình. Tưởng làm lấy sẽ rẻ, nhưng cuối cùng lại không rẻ”.

Lời cảnh báo về thua lỗ của hai dự án boxit Tây Nguyên đang dần thành hiện thực
Lời cảnh báo về thua lỗ của hai dự án bauxite Tây Nguyên đang dần thành hiện thực

Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban alumin Tổng công ty Khoáng sản VN, cho rằng Trung Quốc bỏ thầu với giá rất thấp. Nhưng sau khi bỏ thầu xong, được VN chọn để ký EPC, giá hợp đồng lại tăng lên.

Đặc biệt, theo ông Ban, công nghệ Trung Quốc tiêu hao nước, than, kiềm đều cao hơn mức các nước có công nghệ tiên tiến.

Với thực thu alumin theo công nghệ Trung Quốc thiết kế chỉ đạt 85% trên quặng tinh, trong khi công nghệ tiên tiến 87%, theo ông Ban, với công suất 630.000 tấn/năm, tổn thất lên tới 40 triệu USD/năm.
 Và cũng chính cái sự 'rẻ' ấy có thể khiến Tân Rai 'chết' vì các thiết bị trên dây chuyền công nghệ không như mong muốn.

Trên thực tế thời gian qua giới chuyên môn cảnh báo nhiều về việc thua lỗ từ hai dự án này. Cụ thể, năm 2013, tỉ lệ thua lỗ là 20%. Năm 2014 tăng lên thành 21%.

Riêng năm 2015 thì dự tính là lỗ 14% với điều kiện sản xuất đủ 660.000 tấn theo kế hoạch. Nếu không đủ sản lượng này thì tỉ lệ thua lỗ cũng không giảm nhiều.

Theo PGS.TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch LHH Việt Nam: cần thành lập các hội đồng khoa học độc lập, bao gồm các chuyên gia sâu về công nghệ, các nhà kinh tế, kể cả kinh tế giao thông vận tải, kinh tế môi trường...để đánh giá một cách nghiêm túc khách quan độc lập toàn bộ quá trình thực hiên hai dự án này.

"Đánh giá những khó khăn và tồn tại trên cơ sở làm việc với các chuyên gia và các nhà quản lí dự án một cách công khai, minh bạch.

Trên cơ sở kiến nghị của các hội đồng Chính phủ sẽ xem xét thêm các yếu tố khác để quyết định cần làm tiếp hay không. Đó sẽ là quyết định rất khó khăn: làm cũng dở, mà không làm cũng dở. Trong hai cái dở ấy phải chọn ra cái đỡ dở hơn mà thôi", PGS Hồ Uy Liêm nói.

Chủ Nhật, 29/03/2015 14:27
  • Phương Nguyên (tổng hợp)

Quyền lợi của VN trên biển Đông sẽ không mất đi vì TQ'

Báo Đức nhận định, hành động xâm lấn biển của Bắc Kinh không thể gây ảnh hưởng mang tính quyết định tới cục diện.

Ngày 28/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tái khẳng định, Manila 'có chủ quyền' đối với vùng biển tranh chấp.

Chính vì vậy, kế hoạch sửa chữa công trình quân sự trên đảo, đá ngầm của nước này không thể đánh đồng với hoạt động lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc.

'Hành vi của Trung Quốc vừa vi phạm luật pháp quốc tế, vừa làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong khu vực', ông Charles Jose nhấn mạnh.

'Quyền lợi của VN trên biển Đông sẽ không mất đi vì TQ'
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose

Trước đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố, Bắc Kinh 'quan ngại nghiêm trọng' về việc Manila có kế hoạch tu sửa đường băng sân bay trên đảo Thị Tứ.

Năm 2014, Philippines đã chấm dứt công tác tu sửa đường băng đảo Thị Tứ, lo ngại công trình này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với vụ kiện trọng tài quốc tế của nước này.

Năm 2013, Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan, cho rằng, yêu sách 'đường 9 đoạn' của Trung Quốc đã vi phạm 'Công ước Liên hợp quốc về Luật biển', đồng thời yêu cầu trọng tài phân xử.

Tòa án trọng tài có thể sẽ đưa ra phán quyết vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, cho rằng chủ trương của Philippines 'thiếu căn cứ pháp lý'.
Đảo phi pháp của Trung Quốc 'không có giá trị'

Một bài viết trên Đài tiếng nói nước Đức cho rằng, Trung Quốc đang nỗ lực hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ phi pháp của họ đối với 'vùng biển tranh chấp'.

Theo tờ Jane's Defense Weekly (Anh), ảnh chụp vệ tinh mới nhất cho thấy, công trình trên đá ngầm Gaven, quẩn đảo Trường Sa, đã tăng thêm 1 bãi đáp máy bay trực thăng, 1 con đê dài, 1 đảo nhân tạo mới xây vào tháng 3/2014.

Trong khi đó, ở đá ngầm Tư Nghĩa, gần đây đã tăng thêm 2 bến tàu, 1 bãi đáp trực thăng và 1 công trình bê tông. Trên đá Chữ Thập, cách đây không lâu vẫn chỉ có một công trình xây dựng nhỏ nhưng đến nay, diện tích bãi đá ngầm đã đủ để thi công đường băng máy bay và bến tàu.

'Quyền lợi của VN trên biển Đông sẽ không mất đi vì TQ'
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa

Chuyên gia Mỹ đánh giá, chỉ trong vòng 2- 3 năm, diện tích lấn biển, bồi đắp mới của Trung Quốc trên các hòn đảo ở biển Đông đã vượt xa so với các nước khác.

Báo Đức cho rằng, thông qua mở rộng đá ngầm ở biển Đông, Bắc Kinh đang muốn biến các tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ trở thành 'sự thực đã rồi'. Nhưng khi phân định lãnh thổ, thông thường chỉ xét tới diện tích tăng tự nhiên, chứ không phải công trình mở rộng nhân tạo.

Vì vậy, về pháp lý, hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc hoàn toàn không thể gây ảnh hưởng mang tính quyết định tới cục diện.

Trong tranh chấp biển Đông, các bên như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei hoàn toàn không vì vậy mà mất đi quyền lợi.

Chủ nhật, 29/03/2015 10:48
Theo Đông Bình/Giaoduc.net.vn

Đài Loan : Biểu tình chống Trung Quốc, ném trứng tổng thống Mã Anh Cửu

Theo RFI-Tú Anh
Ngày 29-03-2015 16:13
media
Các tuyến bay thương mại mới Trung Quốc xác lập tại khu vực eo biển Đài Loan. Ảnh : Cơ quan quản lý hàng không chính phủ Đài Loan.DR

Tố cáo chính phủ « hèn » với Hoa Lục, hàng chục người Đài Loan biểu tình ném trứng và giày dép vào phái đoàn tổng thống Mã Anh Cửu. Việc Trung Quốc thành lập bốn đường bay nội địa nhưng đi ngang qua vùng nhạy cảm tại eo biển Đài Loan, đe dọa an ninh hải đảo, là nguyên do mới nhất gây bất bình cho một bộ phận dân chúng.

Theo AFP, hôm nay 29/03/2015, tại Đài Bắc, hơn 30 người biểu tình đã xung đột với cảnh sát khi họ tìm cách vượt hàng rào an ninh bảo vệ cổng một ngôi đền nơi tổng thống Mã Anh Cửu thăm viếng. Từ xa, họ ném giày dép và trứng vào đoàn xe tổng thống, nhưng không trúng đích.

Sau khi hô khẩu hiệu « Mã Anh Cửu phản bội làm nhục quốc gia » đoàn biểu tình phá hàng rào cảnh sát, nhưng ngay sau đó bị chận lại. Xung đột xảy ra nhưng không ai bị thương. 13 người bị bắt vì dùng sơn đỏ tô lên tường dinh tổng thống.

Những người biểu tình là thành viên của đảng Liên Hiệp Đoàn Kết, một tổ chức chống Trung Quốc triệt để. Họ lên án tổng thống Mã Anh Cửu bằng lời lẽ nặng nề : đầu hàng Bắc Kinh, không dám nói không với Hoa lục.

Đảng này cho rằng không một ai ở Đài Loan chấp nhận cho Trung Quốc mở đường bay M503 bay sát đường ranh phân chia eo biển Đài Loan.

Cơ quan hàng không dân dụng Đài Loan xác nhận là Hoa lục đã hủy bỏ 3 trong 4 đường bay theo kế hoạch lúc ban đầu.

Theo AFP, chính phủ Đài Loan đã yêu cầu Trung Quốc hoãn ngày khai trương đường bay mới và dời ra khỏi làn ranh phân chia eo biển, và chiến đấu cơ Trung Quốc cũng không được sử dụng đường bay M503.

Hồng Kông : Biểu dương cách mạng « Cây Dù » trước trụ sở chính quyền

Theo RFI-Tú Anh
Ngày 29-03-2015 13:39
media
Một cuộc tập hợp của sinh viên trong phong trào phản đối bầu cử giả hiệu, Hồng Kông, 23/09/2014. Reuters/Tyrone Siu

Để đánh dấu ngày phát động phong trào chiếm đóng đường phố đòi bầu cử tự do cách nay 6 tháng, ngày hôm qua 28/03/2014, hàng trăm người đã tập họp trước trụ sở chính quyền Hồng Kông. Phong trào « Cây Dù » tái khẳng định cam kết tiếp tục cuộc tranh đấu cho dù bị đàn áp.

Theo AFP, trong không khí lễ hội, hàng trăm người xếp hàng trước những gian hàng bày các ấn phẩm lưu niệm để phát không cho công chúng. Người tham dự nhận được băng vải màu vàng và dù vàng biểu tượng của phong trào tranh đấu bùng phát vào ngày 28/09/2014.

Vào lúc lên đến cực điểm với những khuôn mặt trẻ như học sinh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), phong trào hoa dù đã huy động hàng trăm ngàn người. Hơn một tháng sau, lợi dụng tâm lý mệt mõi của đa số cư dân, chính quyền Hồng Kông do Bắc Kinh ủng hộ đã ra tay đàn áp.

Hôm qua tại nơi này, Ed Chin, một trong những người trong ban tổ chức tuyên bố : điều quan trọng giờ đây là cùng nhau kỷ niệm cuộc cách mạng « Cây Dù » và tiếp tục tranh đấu trong tinh thần đoàn kết.

Ed Chin nhìn nhận thực tế là không thể đối thoại được với chế độ Bắc Kinh nhưng theo ông, nếu "im lặng thụ động thì sẽ không có cơ hội làm lay chuyển tình thế". Theo nhà dân chủ này thì « hy vọng là tranh đấu ».

Theo AFP, gần trụ sở chính phủ Hồng Kông vẫn còn hơn 100 căn lều chưa được giải tỏa và hôm qua nơi này biến thành điểm hẹn cho những người dân nuôi chí đấu tranh.

Đến 18 giờ thì cuộc tập họp biến thành biểu tình với khẩu hiệu « Không chấp nhận dân chủ giả hiệu ».

Hàn Quốc – Việt Nam ký tắt hiệp định tự do mậu dịch

Theo RFI-Thanh Hà
Ngày 29-03-2015 14:33

media
Hội kiến giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (T) và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trước cuộc họp báo, Thượng đỉnh ASEAN - Hàn Quốc, Busan, 10/12/201-Reuters

Hàn Quốc và Việt Nam ký tắt thỏa thuận tự do mậu dịch song phương hôm qua 28/03/2015. Văn bản này sẽ chính thức được lãnh đạo hai nước phê chuẩn trước cuối tháng 6/2015, trước khi được Quốc hội phê chuẩn vào cuối năm nay.

Hãng thông tấn Yonhap trích dẫn nguồn tin từ phía Bộ Thương mại Hàn Quốc, theo đó, nội trong năm 2015 Hạ viện sẽ biểu quyết về thỏa thuận tự do mậu dịch với Việt Nam. Thỏa thuận này cho phép đẩy mạnh trao đổi thương mại song phương, giảm bớt các hàng rào quan thuế và nhiều trở ngại trong các giao dịch giữa Hàn Quốc với Việt Nam.

Yonhap nhắc lại, tháng 12/2014 Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo kết thúc đàm phán hiệp định tự do mậu dịch song phương. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm nâng tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới 70 tỷ đô la vào năm 2020, cao gấp ba lần so với hiện tại.

Bộ Thương mại Hàn Quốc coi hiệp định nói trên mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ xâm nhập vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành dệt may, phụ tùng xe hơi, mỹ phẩm, và điện tử. Tuy nhiên theo Bộ Thương mại Hàn Quốc, hiệp định tự do mậu dịch song phương Việt-Hàn không bao gồm thị trường gạo.

Hiện nay với 21 tỷ đô la xuất khẩu, Việt Nam là đối tác thương mại đứng hàng thứ 9 của Hàn Quốc trong khu vực Đông Nam Á.

Giáo dục: 40 năm rồi mới thấy lại!

VRNs (29.3.2015) – Sài Gòn – Giữa những vấn nạn tiêu cực về nền giáo dục Việt Nam như nạn quay cóp, hối lộ xin điểm, sai sót trong sách giáo khoa, thầy đánh trò, trò đánh lại thầy, cô giáo hành hung nhau, học sinh đánh nhau, nạn bằng giả, học giả bằng thật… gây bức xúc cho dư luận suốt thời gian dài. Nhưng khi đọc bản tin “Thầy Giáo 64 tuổi trốn viện lên giảng đường” chúng tôi dường như nhận được một niềm vui và có chút hy vọng.

Thông tin trên tờ Vnexpress cho biết: “Đang điều trị ở bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, thầy Bùi Quý Lực trốn viện về giảng đường ĐH Bách khoa Hà Nội để dạy sinh viên vì “các em sắp thi, cần giải đáp một số câu hỏi quan trọng”.

Hình ảnh người thầy mặc áo bệnh nhân đứng trên bục giảng vừa được Nguyễn Xuân Chiến (sinh viên lớp Kỹ thuật Cơ khí 5 – khoá 56, ĐH Bách khoa Hà Nội) đưa lên mạng xã hội. Sinh viên Chiến viết: Tôi chưa thấy người thầy nào như thế từ khi còn đi học mẫu giáo. Người thầy ấy vẫn mặc quần áo bệnh nhân, đi dép trong viện lên lớp. Giọng thầy còn run run chưa khoẻ, mặt thì nhợt nhạt, từ bệnh viện về trường rồi leo lên tầng 5 để dạy chúng tôi. Tự dưng cảm thấy hổ thẹn với thầy, với mình”.

Thầy Lực rời bệnh viện về thẳng trường để lên lớp dạy sinh viên. Ảnh vnexpress
Thầy Lực rời bệnh viện về thẳng trường để lên lớp dạy sinh viên. Ảnh vnexpress

Hai bức ảnh Chiến chụp thầy giáo sau đó được đăng lại ở diễn đàn của sinh viên Bách khoa, nhận được 6.000 like, hàng trăm lượt bình luận. Nhiều sinh viên nhận ra thầy Bùi Quý Lực (64 tuổi) ở Bộ môn Máy và ma sát thuộc Viện cơ khí. Cảm phục thầy, có bạn viết: “Người thầy đúng nghĩa là người thầy tận tâm nhất. Mong thầy sớm khoẻ lại”.

Chia sẻ với VnExpress, thầy Bùi Quý Lực cho rằng việc mặc quần áo bệnh nhân lên giảng đường là bất đắc dĩ, không đúng với phong cách của người thầy nhưng ông chấp nhận vì bác sĩ chưa cho ra viện. “Tôi bị nhồi máu não phải điều trị nên nhờ đồng nghiệp lên lớp. Nhưng sinh viên sắp thi cuối kỳ rồi, một số câu hỏi cần phải giải đáp trực tiếp cho các em. Tôi định khi ra viện sẽ dạy nhưng chờ đến lúc đó thì các em đã nghỉ ôn thi. Đành trốn viện về trường”, thầy Lực nói”.

Rất nhiều người đã bình luận ca tụng Thầy giáo Bùi Quí Lực. Bạn Qui Nguyễn viết: “Em đã không cầm được những giọt nước mắt khi đọc và nhìn thấy hình ảnh của một thầy giáo tận tâm, tận tình với cái nghề của mình. Em mong thầy nhanh chóng hồi phục sức khỏe, vì sinh viên bách khoa luôn chờ đợi những tiết học của thầy”. Bạn XL nhận xét: “Thầy quả là một người thầy tốt, hết lòng vì học trò của mình. Những ai được học thầy phải tự hào lắm. Chúc thầy mau chóng khỏe lại”. Đinh Thao.pt19 thì ước ao: “Đất nước này cần nhiều lắm những tấm gương như thầy!!!! chúc thầy sẽ mau khỏi bệnh!!!!”.

Thế nhưng, cũng không phải không có người phản đối. Một người có nick bacsonatmui viết: “Tôi cũng là giảng viên già. Tôi cho rằng trốn bệnh viện đi giảng không phải là giải pháp hay. Bộ ông muốn giảng lần cuối hay sao? Thương học trò thì sẽ dạy bù khi bác sỹ cho ra viện. Nếu không kịp kỳ thi thì nhờ đồng nghiệp giảng thay. Mà nghĩ cũng lạ sao bảo vệ trường đại học lại cho người mặc áo bệnh nhân lên giảng đường nhỉ?!”.

Đặc biệt, có người “hoài cổ” tên là Phuong7345 khi cho rằng “40 năm rồi mới thấy người thầy đúng nghĩa tận tâm với nghề với trò. Cám ơn thầy cho em niềm vui mới. Chúc thầy mau khỏe và hạnh phúc. Một người thầy đáng kính.” Hay “Lâu quá mới thấy lại hình ảnh người THẦY của thời xưa, xã hội ngày nay ai cũng cơm áo gạo tiền nên mấy ai hiểu cho nghề giáo để có cái nhìn và cái nghĩ thâm sâu cho mầm non đất nước” là dòng tâm sự của bạn Hanh Le.

Thực sự, “vai trò và trách nhiệm của Nhà giáo” đã được Điều 15 Luật Giáo dục qui định rõ: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học”. Vì vậy, việc làm của Thầy Bùi Quí Lực cũng sẽ chỉ là thực hiện tốt “vai trò và trách nhiệm của nhà giáo”. Thế nhưng, dưới chế độ đầy dẫy những dối gian, tiêu cực, việc làm của Thầy Bùi Quí Lực trở thành “40 năm rồi mới thấy lại”!

Pv.VRNs

Ba người chết trong đợt lũ bất ngờ ở miền Trung

TẤN TÀI - Chủ Nhật, ngày 29/3/2015 - 15:31
(PLO) – Ngày 29-3, Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết, hiện lũ trên các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi đang xuống chậm, ở dưới mức báo động 1.
 Mưa lũ bất thường khiến nhiều vùng bị nước ngập, cô lập.
Riêng sông Vệ (Quảng Ngãi) vẫn ở trên mức báo động 1. Tại các vùng bị ngập lụt trước đó như: Quảng Điền, Thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế), Đại Lộc, Tiên Phước (Quảng Nam)…, nước đã rút hết, không còn khu vực bị ngập.
Theo thống kê sơ bộ, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung. Tại Quảng Ngãi đã có hai người chết do bị nước lũ cuốn. Chiều tối ngày 27-3, ông Đinh Văn Ben (trú xã Long Sơn, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) khi đi qua suối đã bị dòng nước lũ từ thượng nguồn tràn về, cuốn trôi. Trước đó, vào ngày 26-3, anh Đỗ Thanh Nhân (ngụ thôn Thuận Hòa, Hành Tịnh, Nghĩa Hành) cũng bị ngã xuống nước tử vong.
Tại Quảng Nam, người dân đã tìm thấy thi thể một bé trai (xã Đại Cường, Đại Lộc) trên sông Vu Gia. Có thể bé trai này đi vớt dưa hấu trong đợt lũ vừa rồi nên bị trượt chân té xuống sông. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đợt mưa lũ bất thường vừa qua đã làm hỏng một đập kiên cố, một đập tạm, gây ngập úng 2.911 hecta lúa và 1.559,5 hecta hoa màu. Thiệt hại ước tính ban đầu lên đến hơn 81,9 tỷ đồng. 

TẤN TÀI

Đụng tới công an, không chết thì đi tù???

Mẹ Nấm Gấu (Danlambao) - Ngày 23/03/2015 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án công an xã đánh chết học sinh. Nạn nhân là em Tu Ngọc Thạch, học sinh lớp 9, tại Vạn Ninh, Khánh Hòa.

Phiên tòa phúc thẩm kéo dài hai ngày, và HĐXX tuyên bố huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu. Hai luật sư bào chữa cho gia đình nạn nhân là LS Trần Văn Đạt (Đoàn LS Bình Thuận) và LS Võ An Đôn (Đoàn LS Phú Yên).

Tại phiên tòa phúc thẩm, LS Đôn đề nghị hủy bản án sơ thẩm, để điều tra lại và xét xử lại với ba nội dung sau:

1- Đề nghị chuyển tội danh từ tội “Cố ý gây thương tích” thành tội “Giết người” đối với bị cáo Lê Minh Phát, vì bị cáo Phát đã có hành vi dùng chân, tay, mũ bảo hiểm và dùi cui đánh nhiều cái vào đầu, vào người em Tu Ngọc Thạch, gây chấn thương sọ não dẫn đến chết người, hành vi của bị cáo Phát đã cấu thành tội Giết người, nhưng tòa án cấp sơ thẩm xử tội Cố ý gây thương tích là hoàn toàn không đúng pháp luật.

2- Đề nghị chuyển khung hình phạt, từ khung 1 thành khung 3 của tội Bắt người trái pháp luật đối với bị cáo Lê Minh Phát và bị cáo Lê Ngọc Tâm, vì hành vi bắt người trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng là chết người.

3- Đề nghị khởi tố Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm của Tòa án huyện Vạn Ninh về Tội ra bản án trái pháp luật, vì tòa án cấp sơ thẩm đã cố ý ra bản án trái pháp luật nhằm bao che tội phạm, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình, LS Đôn đã viết “..bản án phúc thẩm tuyên mập mờ, chung chung, không nói rõ điều tra lại về tội danh gì và không hề đề cập đến đề nghị khởi tố Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm của tôi.

Việc tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại và xét xử lại là thành công của tôi, nhưng không biết điều tra lại và xét xử lại về tội danh gì và không hề đề cập đến yêu cầu khởi tố Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm của tôi. Do đó, chiến thắng này của tôi chỉ là tạm thời.”

Theo dõi trực tiếp tại phiên tòa, tôi được gặp gia đình người thân Tu Ngọc Thạch, và hoàn toàn bất ngờ khi được biết cả cậu và chú ruột nạn nhân đều bị đưa ra khởi tố trong vụ án “gây rối trật tự công cộng” liên quan đến cái chết của em.

Ông Nguyễn Văn Ly (cậu ruột) và ông Mai Đình Tâm (chú họ) nạn nhân, là hai người bị khởi tố trong vụ án là hai người có mặt tại trụ sở công an xã sau nhận tin cháu mình mất nay bị ghép vào tội “gây rối trật tự công cộng”.

Theo cáo trạng ngày 11/03/2015, toà án nhân dân huyện Vạn Ninh kết luận:

“Từ khoảng 11h đến 15h30’ ngày 31/12/2013 tại đường quốc lộ 1A khu vực ngã tư Cầu Duối, thôn Long Hòa – Vạn Long – Vạn Ninh – Khánh Hòa, Nguyễn Văn Ly – Mai Đình Tâm đã có hành vi la lối kích động làm cho nhiều người tập trung ở khu vực đường quốc lộ làm tắc nghẽn giao thông 3 giờ liền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng.”

Hành vi của ông Nguyễn Văn Ly, Mai Đình Tâm được mô tả như sau: “...vừa đi vừa la lối: công an đánh chết người, công an đánh chết người bà con ơi…”

Liệu đây có phải là đòn thù dành cho gia đình nạn nhân bị công an đánh chết khi họ kiên quyết đi đến cùng để đòi công lý?

Có rất nhiều điểm nghi vấn về việc công an sử dụng bản án này để gây áp lực với gia đình nạn nhân:

- Điểm 1: thời điểm khởi tố bị can đối với ông Tâm và ông Ly là ngày 29/12/2014, hơn một tháng sau phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 14/11/2014. Thời điểm gửi cáo trạng cho hai bị can là ngày 11/03/2015 – gần hai tuần trước phiên sơ thẩm. 

- Điểm 2: Cả hai ông Ly và Tâm đều là những người có mặt sau khi đám đông bức xúc trước tình trạng công an xã đã tụ tập và chặn xe trên quốc lộ vì nhận được tin trễ và đi làm biển về mới có mặt. Trao đổi với ông Ly tôi được biết các điều tra viên làm việc có o ép ông về mặt thời gian để trùng khớp với băng ghi hình.

- Điểm 3: Vụ án gây rối trật tự công cộng này được giữ kín rất lâu cho đến khi phiên sơ thẩm và phúc thẩm có lịch xử thì mới gửi giấy cho bị can?

Tôi không thể nào quên những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của ông Nguyễn Văn Ly khi kết thúc phiên phúc thẩm buổi trưa. “Cháu tôi chết hai năm còn chưa thấy công bằng... Đụng đến công an không vô tù thì cũng chết….”

Một gia đình vừa bị mất con cháu nay phải đối diện với án tù của người than chỉ vì họ dám phản ứng?

Tôi mong rằng, những người có lương tri hãy lên tiếng để bảo vệ gia đình này.





Hà Nội tiếp tục tuần hành bảo vệ cây xanh


CTV Danlambao - Sáng chủ nhật 29/3/2015, hàng trăm người dân tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch chặt hạ 6700 cây xanh của UBND TP. Hà Nội. 

Đây là hoạt động có tên gọi ''Green Walk - Diễu hành hòa bình vì môi trường, bảo vệ cây xanh'' diễn ra giữa lúc Hà Nội đang được thắt chặt an ninh cho sự kiện IPU. Dù vậy, cuộc tuần hành đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, khiến khu vực Bờ Hồ trở nên đông nghịt.

Những người biểu tình mặc áo trắng, với logo màu xanh mang biểu tượng Tree Hugs, cùng với các biểu ngữ:

- ''Chúng tôi yêu cầu minh bạch việc chặt cây''
- ''Chặt hạ cây xanh là hủy hoại môi trường sống''
- ''Xử lý nghiêm những người đứng sau việc tàn sát cây''
- ''Tôi yêu cây xanh. Tôi yêu Hà Nội''...

Cuộc tuần hành diễn ra khoảng 2 tiếng trong không khí trật tự, ôn hòa. Mặc dù trước đó đã xảy ra một số hành động sách nhiễu của CA, tuy nhiên cuộc biểu tình vẫn có sự tham gia của rất nhiều gương mặt trẻ.


Chia sẻ cảm nhận về cuộc tuần hành diễn ra sáng nay tại Hà Nội, chị Lê Thu Hàviết trên facebook:

''Hà Nội mùa xuân 2015 - những tháng ngày đẹp nhất

Lần đầu tiên không còn cảm giác bất lực khi phải ngồi trong nhà và ngoài kia là hàng lớp an ninh mật vụ bao vây, bởi ngay tại thời điểm này, ở bờ hồ Hoàn Kiếm, người Hà Nội vẫn xuống đường đông nghịt.



Các bạn an ninh hãy nhìn đây, chính quyền hãy nhìn đây, mở to mắt và nhìn xem thế giới đang chuyển động, để hiểu rằng, nước chở thuyền nhưng cũng chính nước sẽ lật thuyền. Khi dân phòng, tổ trưởng tổ dân phố và các hội đoàn cùng nhau kéo đến từng hộ gia đình vận động người dân không tham gia chiến dịch tuần hành bảo vệ cây xanh, yêu cầu bạch hóa vụ chặt cây; khi loa phường ra rả yêu cầu không tổ chức và tham gia các hoạt động tụ tập đông người qua lại... khi uy lực của chính quyền đã không còn đủ sức làm người dân sợ hãi, thì điều gì đến tất yếu sẽ xảy đến.

Hà Nội sẽ được cứu sống, dân tộc tôi sẽ được cứu sống! Và chúng ta có quyền mơ về một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng xanh bắt đầu từ thủ đô - trái tim của cả nước.

Hà Nội ơi, một trái tim hồng.''

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Lòng tự trọng

Theo NLĐO-28/03/2015 22:17
Tôi cảm kích trước lòng tự trọng của một kỹ sư người Nhật vừa mới tự tử tại Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì một sợi dây cáp bị đứt khi cây cầu đang được thi công, mặc dù cầu không bị gãy và không có người thiệt mạng. Ông là Kishi Ryoichi, 51 tuổi, người đã tự nhận trách nhiệm cho sự cố này trong bức thư tuyệt mệnh mà ông để lại.

Rất nhiều người đã cảm kích và ca ngợi lòng tự trọng của ông Ryoichi. Một số người mong muốn cây cầu được lấy tên ông.

Vậy mà ở Hà Nội, cả một dự án chặt cây liên quan đến nhiều vị lãnh đạo các cấp, khi mới bước đầu thực hiện đốn hạ được 500 cây, họ đã lập tức bị cả một làn sóng dư luận phản đối, chỉ trích từ người dân, từ các nhà khoa học, trí thức và truyền thông mà vẫn chưa một ai đứng ra nhận lỗi trước công luận thì đấy là một điều hết sức kỳ lạ. Nhưng lạ hơn là tất cả những câu trả lời báo chí của họ, dù chậm chạp, lại tìm mọi cách để né tránh hay tảng lờ. Họ chống lại cả các nhà khoa học, họ khăng khăng cây mỡ là cây vàng tâm. Họ cưa đổ hàng loạt cổ thụ đang sống yên ổn và phát triển tốt mà họ vẫn nói là chỉ chặt bỏ cây sâu, cây mọt rỗng... để làm đẹp đô thị và bảo đảm an toàn giao thông. Họ đốn hạ cả những cây mới trồng 4-5 năm dọc những vỉa hè thoáng đãng để thay cây mới không biết bao giờ mới khép tán nhưng họ nói đấy là cần thiết. Tóm lại là họ đang chống lại tai mắt, trí tuệ, tình cảm của người dân. Đó phải chăng là lòng tự trọng của họ?

Một bạn trẻ Hà Nội xuống đường phản đối chặt hạ cây xanh Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Một bạn trẻ Hà Nội xuống đường phản đối chặt hạ cây xanh Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Không. Không bao giờ có một kiểu “tự trọng” như thế cả. Chỉ là họ muốn né tránh trách nhiệm mà thôi.

Nếu không thì tại sao họ không công nhận ngay những sai trái nhỡn tiền, ai ai cũng thấy. Chẳng lẽ họ không nhìn thấy trên truyền hình những người dân biết tôn trọng chính quyền, ủng hộ chính quyền làm những việc ích nước lợi dân, những người dân đã khóc khi thấy những thân cây vô tội dọc những con phố yên ổn hàng mấy chục năm bỗng dưng bị đốn hạ? Chẳng lẽ họ không thấy những em sinh viên xuống đường bảo vệ cây xanh, bảo vệ lá phổi của thủ đô? Chẳng lẽ họ không thấy những nhà khoa học, những văn nghệ sĩ, những nhà báo, những trí thức lên tiếng phản đối vụ chặt cây này? Họ thấy mà cứ làm ngơ?

Phải biết rằng yêu dân thì dân thương; vì dân thì dân tin; lừa dân thì dân lật. “Lật thuyền mới biết dân là nước” - tiền nhân dạy mà chẳng lẽ quên sao!

Tôi nghĩ việc chặt cây không thể nói chung chung là “trên đúng, dưới sai được”. Vậy tại sao chỉ một con phà đắm làm chết người mà một ông thủ tướng phải cúi đầu xin lỗi dân và xin từ chức? Là vì họ thấy được trách nhiệm nặng nề của họ trước số phận nhân dân, số phận dân tộc của họ.

Đó là lòng tự trọng.

Theo thiển nghĩ của tôi, nếu có một nhà lãnh đạo của Hà Nội đứng ra nhận lỗi, chỉ nhận lỗi thôi, trong vụ chặt cây này thì chắc chắn sẽ được nhân dân ca ngợi ngay lập tức, sẽ được tôn vinh như “của hiếm” trong cái thời rất trống vắng lòng tự trọng này. Và biết đâu, tên ông sẽ được đặt tên cho một loài cây đẹp nhất của thủ đô văn hiến.

Hà Nội, ngày 26-3-2015.

NGUYỄN TRỌNG TẠO