(Baodatviet) - Trung Quốc đang ráo riết tăng cường đầu tư nhằm tăng cường khả năng tác chiến cho Lực lượng đổ bộ đường biển.
Xin giới thiệu thêm với bạn đọc một số thông tin về lực lượng này (nguồn số liệu từ báo “Bình luận quân sự” và “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) –tháng 11/2014) .
1. Mấy thông tin chung
Trong mấy năm gần đây, lực lượng đổ bộ (đường biển) Trung Quốc đang mở rộng khu vực hoạt động: các tàu đổ bộ Trung Quốc từ cuối năm 2008 đã được triển khai ở Vùng Sừng Châu Phi trong các chiến dịch chống cướp biển, tăng tần suất tham gia vào các cuộc tập trận ở trong và ngoài khu vực.
Tháng 7/2013, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay trên hải phận nước khác.
Hải quân Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua đã đẩy nhanh tốc độ đóng các tàu ngầm, tàu nổi và xây dựng lực lượng không quân của Hải quân.
Nhưng lĩnh vực được ưu tiên nhất chính là đóng các tàu đổ bộ.
Tháng 3/2012, một binh đoàn cấp chiến dịch gồm các tàu đổ bộ của Hải quân Trung Quốc dưới sự chỉ huy của tàu Type 071 đã ngang nhiên “diễu” một vòng quanh quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, - đồng thời luyện các phương án tiến hành chiến dịch đổ bộ và “ viếng thăm” bãi cạn James ngay gần Malaixia
Cuối năm 2012, đô đốc Yin Zhou của Hải quân Trung Quốc tiết lộ là nước này dự định sở hữu (đóng hoặc mua) các tàu LHD lớn trong tương lai với lượng giãn nước khoảng 40.000 tấn mỗi chiếc.
2. Lực lượng đổ bộ đường biển của Trung Quốc
Hiện nay lực lượng đổ bộ của Hải quân Trung Quốc có trong trang bị 03 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 lớp Yuzhao có lượng giãn nước 18.500 tấn; chiếc tàu thứ tư cùng lớp hiện nay đang được đóng.
Chiếc Type 071 đầu tiên mang tên Kunlunshan được hạ thủy tháng 6/2006 và được đưa vào trang bị tháng 11/2007. Trong các năm 2009 và 2010, Trung Quốc đóng tiếp tàu thứ hai và thứ ba với các tên gọi “ Jinggangshan” và “Changbaishan”. “Changbaishan” mới được đưa vào trang bị tháng 9/ 2013.
Các tàu này có chiều dài 210 m, sử dụng động cơ SEMT Pielstick 16 PC2.6V 400 CODAD và có thể đạt tốc độ 20 hải lý/giờ ( 01 hải lý= 1852m). Cho đến hiện nay không có thông tin chính thức về khả năng chuyên chở của chúng – chỉ biết rằng kíp thủy thủ mỗi tàu gồm 120 người.
Nhưng theo một số chuyên gia thì mỗi tàu lớp này có thể mang 4 máy bay lên thẳng Z-8 và có 2 bãi đậu trên boong tàu. Phía dưới boong tàu là hầm hai tầng có thể mang được 16 chiếc xe bọc thép đổ bộ ZBD-05. Các khoang ở phía đuôi có thể chứa 4 tàu đệm khí Type 726 lớp Yuyi.
Trên các bức ảnh vệ tinh cũng thấy rõ trên tàu có 02 chiếc xuồng để vận chuyển bộ đội và xe (LCVP) treo trên các trụ ở phần giữa tàu , nhưng không có số liệu về tải trọng của các xuồng này.
Ở một hướng khác - Trung Quốc đang đầu tư mạnh để đóng các tàu lưỡng dụng – tức các tàu thương mại nhưng có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Điển hình của xu hướng này là chiếc phà “Bohai Sea Green Pearl” có lượng giãn nước 36.000 tấn ( hạ thủy tháng 8/2012).
Hiện phà “Bohai Sea Green Pearl” đang thực hiện chức năng chở khách, nhưng khi cần thiết nó có thể được sử dụng như một phương tiện vận tải chiến lược với sức chở 2.000 lính + 300 xe tải (hoặc hàng chục xe tăng) hoặc các mặt hàng quân sự khác. Con tàu này cũng có thể làm sân bay cơ động tạm thời cho các máy bay lên thẳng.
Hiện Trung Quốc đang đóng 3 phà kiểu này, một số tàu chở container ( không rõ số lượng) cũng đang được cải hoán để có thể vận chuyển hàng quân sự.
Lực lượng nòng cốt của đội tàu đổ bộ Trung Quốc là các tàu mang máy bay lên thẳng- xe tăng ( LSTH) lớp Yuting. Đã có 10 tàu kiểu này được hạ thủy thành 2 đợt là: các tàu Type 072 Yuting I (được đưa vào trang bị giữa các năm 1992 và 2002) và Type 072Yuting II ( đưa vào trang bị trong các năm 2003-2005).
Theo thông tin từ các nguồn công khai: cả 2 kiểu tàu này có cự ly hoạt động (hải trình) 3.000 hải lý, tốc độ tối đa 17 hải lý/h và lượng giãn nước 4.877 tấn (3.830 nếu không tải). Chúng có chiều dài 120m , mớn nước 3,2 m, có thể mang 250 lính đổ bộ và 10 xe tăng hạng nhẹ.
Chúng cũng thể dỡ hàng hóa (hoặc đưa bộ đội lên bờ) bằng 4 chiếc LCVP đổ bộ hoặc 2 chiếc máy bay lên thẳng hạng trung. Vũ khí trên tàu là 3 khẩu pháo 2 nòng 37mm/63 được sử dụng để yểm trợ hỏa lực khi lính thủy đánh bộ đổ bộ chiếm bàn đạp trên bờ biển.
Đây là lớp tàu được cải tiến từ các tàu mang xe tăng và lính đổ bộ Type 072 Yukan LST, nhưng chúng thêm bãi đáp máy bay lên thẳng (không có gara chứa). Những tàu lớp Type 072 lớp đầu ( Yukan) được hạ thủy trong giai đoạn từ năm 1980 đến 1995 và hiện nay vẫn còn 7 chiếc như vậy đang trực chiến .
Hải quân Trung Quốc cũng đang có trong biên chế một đội tàu đổ bộ hạng trung (LSM) tương đối mạnh. Một số tàu của đội này đã lạc hậu như 07 chiếc Yuliang 079 được đóng từ những năm 80. Lực lượng chủ yếu của đội tàu này là 12 chiếc Wuhu-A Yuhai Type 074 có kích thước nhỏ hơn Yuliang 079 và 10 chiếc Yudeng III LSM lớp Yunshu hiện đại hơn.
Các tàu lớp Wuhu-A có chiều dài 58,4 m được đóng vào giữa những năm 90 và có thể chở 2 xe tăng hạng nhẹ cộng 250 lính. Lượng giãn nước cực đại của Wuhu-A là 812 tấn.
Còn các tàu Yudeng III có chiều dài 87m và lượng giãn nước 1.880 tấn mới được đóng vào khoảng các năm 2003-2004. Các tàu này này có cự ly hoạt động 1.500 hải lý, tốc độ 14 hải lý/h, mang được 6 xe tăng hạng nhẹ hoặc 12 xe tải.
Để đưa các lực lượng đổ bộ lên bờ biển (đảo), Hải quân Trung Quốc thường sử dụng phương tiện truyền thống là các tàu đổ bộ đa năng (LCU) được đóng từ những năm 60,70. Nước này cũng đã thực hiện một số dự án khác như Type 074A LCU lớp Yubei với lượng giãn nước 1.219 tấn. Hiện Trung Quốc có 10 tàu loại này.
Trong thời điểm hiện tại, Hải quân Trung Quốc đang ưu tiên hiện đại hóa và tăng cường các đội tàu đổ bộ đệm khí (LCAC).
|
Tàu đổ bộ đệm khí đầu tiên của Trung Quốc “ Pomornhik Zubr ” |
|
“Bohai Sea Green Pear” – phương tiện vận tải đường thủy lưỡng dụng . Chiếc phà này có thể được sử dụng làm tàu dự bị chiến lược để vận chuyển hàng quân sự |
Từ năm 1960, Trung Quốc đã thiết kế 3 thế hệ tàu đệm khí với các mức độ thành công khác nhau, trong đó có các tàu thuộc dự án Type 722II Jinsha II (hạ thủy vào cuối những năm 80). Một số tàu của các thế hệ này vẫn đang trực chiến- chúng có sức tải hơn 65 tấn và có tốc độ cơ động khá cao.
Cách đây không lâu, Trung Quốc mới triển khai đóng các tàu đệm khí hiện đại hơn như LCAC – Type 726 lớp Yuyi và đã hoàn thành dự án đóng các tàu đổ bộ đệm khí Zubr cùng với Ukraine.
Đến thời điểm hiện tại không có nhiều thông tin về lớp Yuyi, theo một số chuyên gia thì kết cấu của tàu này rất giống với các tàu LCAC của Mỹ - với bãi chứa xe / hàng hóa ở giữa thân tàu.
Cũng theo một số chuyên gia thì các tàu lớp Yuyi của Trung Quốc lớn hơn các tàu cùng lớp của Mỹ: chiều dài 33 m và chiều rộng 16,8 m (tàu LCAC của Mỹ : 26,4x14,3 m) nhưng có lượng giãn nước kém hơn (170 tấn /185 tấn) và có tải trọng tương đương (60 tấn).
Điều đó có nghĩa là chúng có thể vận chuyển các xe tăng chủ yếu Type 96. Theo các thông tin chưa được kiểm chứng, cả hai kiểu tàu này (của Mỹ và Trung Quốc) có các tính năng cũng tương đương – cự ly hoạt động 200 hải lý và tốc độ 40 hải lý/h.
Chiếc tàu lớp Yuyi đầu tiên được đóng tại xí nghiệp đóng tàu Ojuxin Shipyard và được hạ thủy năm 2009. Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay (2014) con tàu trên vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Không có thông tin thêm về việc đóng các con tàu khác thuộc lớp này.
Trong khi đó, dự án đóng 04 chiếc tàu đệm khí Zubr đang được đẩy mạnh. Chiếc đầu tiên đã được hạ thủy tháng 11/2012.
Trung Quốc đàm phán (với Ukraine) về dự án đóng tàu đổ bộ hạng nặng này từ năm 2005. Việc đưa vào trang bị các tàu này sẽ giúp Hải quân Trung Quốc tăng cường năng lực chuyên chở: mỗi tàu mang được 03 xe tăng hoặc 10 xe vận tải bọc thép và 250 lính đổ bộ, mặc dù chúng (Zubr) có cự lý hoạt động không lớn (nếu không tiếp dầu là 300 hải lý) nhưng tốc độ tối đa có thể lên tới 50 hải lý/h (về lý thuyết có thể đạt tốc độ 63 hải lý /h). Có thông tin là Trung Quốc có thể mua thêm một số tàu lớp này.
Xe chiến đấu bộ binh WZ501 của Trung Quốc đã được hiện đại hóa để thực hiện các chiến dịch đổ bộ đường biển (sông)
Cơ cấu biên chế-tổ chức
Về cơ cấu tổ chức: đáng chú ý là cả hai quân chủng Lục quân và Hải quân PLA đều có lực lượng đổ bộ (đường biển) riêng. Lục quân có ít nhất 01 lữ đoàn tăng -thiết giáp đổ bộ và 02 sư đoàn bộ binh cơ giới đổ bộ.
Lính thủy đánh bộ của Hải quân Trung Quốc có 02 lữ đoàn đổ bộ (số 1 và số 164) triển khai trên vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) - Bộ tham mưu lính thủy đánh bộ Hải quân đóng tại thành phố Trạm Giang (bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông) .
Lực lượng đổ bộ của cả hai quân chủng này có trang bị phương tiện kỹ thuật và vũ khí tương đương nhau nhưng Lực lượng lính thủy đánh bộ của Hải quân chưa có xe tăng.
Các loại xe đổ bộ
Học thuyết tác chiến của PLA xác định rõ: Quân đội nước này cần một số lượng lớn xe chiến đấu bọc thép có khả năng lội nước (kể cả khả năng vượt các sông có tốc độ dòng chảy trung bình và khả năng đổ bộ lên bờ biển (đảo) ).
Lục quân PLA đã được tăng cường trang bị xe chiến đấu bọc thép lội nước từ trước đây rất lâu. Mới đây, một thế hệ xe chiến đấu bọc thép lội nước bánh xích mới được đưa vào trang bị . Chúng có thể đưa lính đổ bộ từ các LPD ở một cự ly lớn cách bờ biển ( đảo), điều đó đồng nghĩa với việc tăng khả năng linh hoạt trong chiến thuật và xác xuất sống sót của chính tàu đổ bộ.
Các xe chiến đấu bộ binh kiểu cũ WZ501/ Type 86 (copy BMP-1 của Liên Xô) mặc dù đã được hiện đại hóa, có tốc độ di chuyển trên biển đến 12 km/h nhưng chúng hoạt động không hiệu quả trong điều kiện sóng lớn.
Nhằm khắc phục hạn chế này, Trung Quốc đã tập trung thiết kế một loạt các xe chuyên dụng với khả năng lội nước tốt hơn, chịu được sóng lớn và có tốc độ lớn hơn để có thể không chỉ đổ bộ mà còn có năng chọc thủng tuyến phòng thủ ven biển và tiến sâu vào nội địa – đó là các xe ZBD-05.
Đây là kiểu xe đổ bộ mới nhất của Trung Quốc, “trình làng” lần đầu năm 2009. Theo một số nguồn tin, đã có hơn 1.000 chiếc ZBD-05 được trang bị cho Lực lượng đổ bộ của cả Lục quân và Hải quân PLA.
Không có các thông số đã được kiểm chứng về tính năng kỹ-chiến thuật của loại xe này, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng tốc độ di chuyển trên mặt nước của nó vào khoảng 30 hoặc 45 km/h (16 đến 24 hải lý/h). Nếu đúng như vậy thì nó có tốc độ vượt hẳn các kiểu xe đổ bộ thế hệ trước và các loại xe tương tự hiện đang có trong trang bị của quân đội các nước khác.
Trên ZBD-05 có 01 pháo 30 ly, 01 súng máy 7,62 ly và -01 tổ hợp phóng tên lửa Red Arrow 73 lắp hai bên tháp pháo. “ Red Arrow” có thể tiêu diệt các mục tiêu khác nhau ở cự ly đến 3.000 m.
Kíp lái ZBD-05 có 3 người gồm chỉ huy xe, pháo thủ và lái xe; số lính đổ bộ trên xe-09 người.
Công ty North Industries Corporation (NORINCO) của Trung Quốc đã có ý định quảng cáo ZBD-05 để xuất khẩu, nhưng hiện chưa có nước nào thực sự quan tâm đến “ mặt hàng ” này (chắc có lý do).
Trung Quốc cũng đã thiết kế pháo tự hành lội nước ZTD-05. ZTD -05 với pháo 105 ly có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cơ động trong khi đang tiếp cận bờ và hỗ trợ hỏa lực cho các phân đội lính đổ bộ.
Theo một số nguồn tin thì đạn pháo của ZTD -05 có thể khoan thủng tường bê tông có chiều dày 1 m ở cự ly 1.500 m và có thể bắn đạn GP2 điều khiển bằng lazer. Đây là loại đạn chính xác cao có thể khoan thủng vỏ thép dày 650 mm từ cự ly 5.000 m.
Các kỹ sư Trung Quốc cũng đã thiết kế các phiên bản chuyên dụng trên khung gầm của ZBD-05 làm xe san ủi cho công binh.
Hiện nay, PLA còn có trong biên chế các xe tăng lội nước hạng nhẹ Type 63 (có lẽ copy từ xe lội nước PT-76 của Nga) trang bị pháo 85 ly, súng máy hai nòng 7,62 ly và súng máy 12,7 ly (không có số liệu về số lượng xe).
Venexuela mới nhận một lô tăng Type 63A và xe chiến đấu bộ binh WZ501/Type 86 của Trung Quốc, - qua thông tin này có thể nhận định là Type 63A đã được đưa ra khỏi trang bị của PLA (hoặc phần lớn đã được đưa ra khỏi trang bị) và đã được thay thế bằng ZTD-05.
Pháo tự hành lội nước ZTD-05 trong diễn tập đổ bộ
Xe tăng lội nước hạng nhẹ Type 63A đã được hiện đại hóa có tháp pháo mới và khả năng sống sót cao.
Trung Quốc cũng đã thiết kế và triển khai pháo tự hành bánh xích 122 ly (có thể có tên gọi là Type 07B) để yểm hộ các xe đổ bộ. Loại pháo này thay thế hệ thống hỏa lực bắn dàn 12 nòng 107 ly Type 63.
Có thể pháo Type 07B có khả năng lội nước, tuy không bằng xe đổ bộ ZBD. Loại pháo này có tháp pháo 122 ly (được sử dụng rất phổ biến trong nhiều hệ thống pháo của Trung Quốc- kể cả trên khung gầm xe bánh lốp, bánh xích và pháo kéo). Cự ly bắn tối đa phụ thuộc vào loại đạn, nhưng xa nhất vào khoảng 27 km.
Ngoài các loại xe mới nói trên, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cũng đã thiết kế và sản xuất các xe dọn bãi đổ bộ, như xe rải tấm phủ đường Type GLM120A (đã có trong trang bị). Chúng được sử dụng để chuẩn bị tuyến đổ bộ lên bờ biển (đảo) , nơi vượt sông.
Loại xe này có thể rải các tấm phủ đường chiều rộng 4 m, dài 40 m trong vòng 5 phút. Các tấm phủ đường này có thể chịu được tải trọng các xe bánh xích đến 60 tấn.
PLA cũng có trong trang bị một loạt các loại xe công binh để đảm bảo cho các chiến dịch đổ bộ như xe phá mìn để rà phá các bãi mìn ven biển.
Để kết thúc bài viết, xin trích phát biểu của 02 học giả nước ngoài:
Giáo sư Carl Thayer, - Học viện Quốc phòng Úc cho rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở (quân sự) trên các đảo, đưa tàu tuần tra và tiến hành tập trận trên vùng biển này ” (bất chấp phản ứng của các nước có liên quan).
Chuyên gia quân sự Nga Alex Alexeev (đăng trên tờ “Bình luận quân sự” (Nga) tháng 11/2014 ) cho rằng:
1/ Trung Quốc đang ngày càng bộc lộ rõ tham vọng trở thành một siêu cường và đang tìm kiếm (và phát triển ) các phương tiện (công cụ) quân sự để thực hiện tham vọng đó.
2/ Các kế hoạch và hành động thực tiễn xây dựng lực lượng quân sự mạnh, đặc biệt là bộ đội đổ bộ đường biển trong bối cảnh tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực chưa (và nhiều khả năng là không thể giải quyết) là mối đe dọa trực tiếp đối với các nước láng giềng, đặc biệt là các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ và nguồn tài nguyên biển và dưới đáy biển với Trung Quốc”.