Friday, December 14, 2018

Nghệ An: Điểm nhóm Tin lành bị ép bỏ đạo, treo hình Hồ Chí Minh

 VOA Tiếng Việt/13/12/2018 
Một con đường tại bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, tỉnh Nghệ An. Facebook Hoang Van Anh.
Một con đường tại bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, tỉnh Nghệ An. Facebook Hoang Van Anh.
Một hội thánh Tin lành ở Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu nhà chức trách Nghệ An điều tra vụ các tín hữu người H’mong ở vùng biên giới xa xôi bị chính quyền địa phương ép bỏ đức tin Chúa của họ, buộc phải theo đạo Phật, và treo hình ông Hồ Chí Minh.
Từ bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, thuộc huyện Tương Dương, ông Xồng Bá Chò, trưởng nhóm Tin lành có 7 hộ dân với 33 nhân khẩu, cho VOA biết:
Ngày hôm đó có lực lượng đồn biên phòng 551, công an huyện, công an xã đến đây nói rằng sẽ không bao giờ cho chúng tôi theo đạo Tin lành, ngăn cấm chúng tôi cho đến khi nào chúng tôi bỏ đạo thì thôi.
Ông Xồng Bá Chò
Họ đưa ra các sự lựa chọn là đạo Phật, hoặc là thờ phượng ông bà cùng với bức ảnh của ông Hồ Chí Minh, và cờ tổ quốc.”
Sự việc diễn ra vào ngày Chủ Nhật 2/12, với một lực lượng “hùng hậu” từ các cấp chính quyền xã và huyện, và cả bộ đội biên phòng, theo lời của ông Hoàng Văn Pa, một người sắc tộc H’mong đang xin quy chế tị nạn tại Thái Lan.
Ông Hoàng Văn Pa giúp các tín hữu bị sách nhiễu ở trong nước đưa thông tin ra bên ngoài. Ông nói với VOA:
“Ngày Chủ Nhật 2/12 vừa rồi có một đoàn liên ngành rất hùng hậu bao gồm ủy ban xã, công an, đồn biên phòng cầm theo một tượng Phật yêu cầu rằng nếu bà con không từ bỏ đạo Tin lành thì nhà nước bằng mọi giá ngăn cấm. Họ nói rằng nếu muốn nhà nước tạo điều kiện, quan tâm, được tự do hành đạo thì phải theo đạo Phật để hưởng các chế độ của nhà nước, muốn gì thì nhà nước sẽ hỗ trợ. Khi bà con nhất quyết không thờ bức tượng (Phật) đó thì nhà nước ngày càng làm khó.”
Họ nói rằng nếu muốn nhà nước tạo điều kiện, quan tâm, được tự do hành đạo thì phải theo đạo Phật để hưởng các chế độ của nhà nước, muốn gì thì nhà nước sẽ hỗ trợ.
Ông Hoàng Văn Pa
Ông Xồng Bá Chò khẳng định rằng đoàn làm việc của chính quyền địa phương và đồn biên phòng có mang theo hình Hồ Chí Minh và cờ tổ quốc, cùng với một tượng Phật và yêu cầu các tín hữu lựa chọn để thờ phượng:
“Họ đưa ra một tượng Phật, một bức hình Hồ Chí Minh, cờ tổ quốc để treo trong nhà, chứ còn thờ thượng Chúa theo đạo Tin Lành thì họ không cho.”
Ảnh minh họa, bản Phá Lõm đón nhận danh hiệu Bản văn hóa tháng 4/2017. Báo Nghệ An
Ảnh minh họa, bản Phá Lõm đón nhận danh hiệu Bản văn hóa tháng 4/2017. Báo Nghệ An
Từ Hà Nội, mục sư Nguyễn Đức Đồng, Phó Hội trưởng Ngoại vụ của Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc, cho VOA biết các tín hữu của bản Phó Lõm cương quyết giữ niềm tin vào đạo Tin lành và không cải đạo.
“Họ có niềm tin Thiên Chúa, gần đây chính quyền có tới yêu cầu không được theo mà phải trở lại với đạo thờ tổ tiên. Tuy nhiên, họ vẫn cương quyết đi theo Tin Lành, vì họ nhận thức được rằng chỉ có theo Chúa thì mới được cứu, được tha tội, cho dù có khó khăn như thế nào thì họ vẫn cương quyết theo Chúa.”
Ông Hoàng Văn Pa, em trai của tín hữu Tin lành Hoàng Văn Ngài được cho là bị chính quyền Đak Nông sát hại tại đồn công an năm 2013, chia sẻ thêm về sự đe dọa, sách nhiễu tôn giáo tại điểm nhóm này.
Họ đưa ra một tượng Phật, một bức hình Hồ Chí Minh, cờ tổ quốc để treo trong nhà, chứ còn thờ thượng Chúa theo đạo Tin Lành thì họ không cho.
Ông Xồng Bá Chò.
“Trong thời gian vừa qua tôi liên tục nhận được nhiều lời cầu cứu để báo cáo vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam cho LHQ. Tình hình hiện tại là nhà nước Cộng sản Việt Nam ngày càng mạnh tay đàn áp đối với điểm nhóm này, và nếu như họ không từ bỏ đức tin của họ, thì nhà nước bằng nhiều biện pháp để ngăn cấm và có thể đe dọa, hoặc giết chết.”
Mục sư Nguyễn Đức Đồng cho biết giáo hội của ông đã yêu cầu chính quyền Nghệ An làm rõ vụ cưỡng ép bỏ đạo đối với các tín hữu bản Phá Lõm để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của họ.
Theo quyền tự do tín ngưỡng, không ai có quyền ép buộc theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền không được có những hành động làm trái pháp luật, và phải cho người dân ở đó hoàn toàn được tự do lựa chọn niềm tin của mình.
Mục sư Nguyễn Đức Đồng.
“Chúng tôi có gửi công văn và đưa người vào trong đó đại diện cho Giáo hội yêu cầu các cơ quan chính quyền làm rõ theo pháp luật. Đạo Tin lành đã được nhà nước công nhận hàng trăm năm nay, như vậy theo đạo là hoàn toàn hợp pháp. Theo quyền tự do tín ngưỡng, không ai có quyền ép buộc theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền không được có những hành động làm trái pháp luật, và phải cho người dân ở đó hoàn toàn được tự do lựa chọn niềm tin của mình.”
VOA đã liên lạc với Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An và UBND xã Tam Hợp nhưng chưa được phản hồi.

Nạn ‘trai thừa gái thiếu’ Trung Quốc thúc đẩy tệ buôn người Việt Nam

Theo RFA-14-12-2018 
Tư liệu: Bích chương chống nạn buôn người (AP Photo/Jae C. Hong)
Tư liệu: Bích chương chống nạn buôn người (AP Photo/Jae C. Hong)
Các hoạt động buôn người mà nạn nhân là người Việt Nam vẫn phát triển mạnh trước thềm năm dương lịch mới 2019. Theo các nguồn tin tổng hợp, nhiều nạn nhân là những phụ nữ bị lường gạt hoặc lừa tình, rồi bán sang Trung Quốc để bị bóc lột sức lao động, hoặc làm nô lệ tình dục. Trang mạng Asia Times nói một số nạn nhân khác là những thiếu nữ bị dụ dỗ trên mạng hoặc bị bắt cóc ở các chợ, cũng rơi vào cảnh nô lệ “mới”. Mặt khác, nhiều người Việt đã chi tiền cho những đường dây buôn người để mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở các nước Tây Phương. Báo Local Spain của Tây ban nha hôm 7/12 cho biết Europol-Cảnh sát Châu Âu vừa phá vỡ một đường dây buôn người Việt vào Tây Ban Nha.
Tư liệu - Trụ sở chính của Europol - Cảnh sát Châu Âu ở The Hague, Hà Lan
Tư liệu - Trụ sở chính của Europol - Cảnh sát Châu Âu ở The Hague, Hà Lan
Theo Asia Times, tại khu vực biên giới giáp ranh với Trung Quốc, nhiều người kể chuyện về những trường hợp phụ nữ bị buôn sang Trung Quốc. Có người có bà con, thân nhân bị bắt cóc, có những bà vợ, những thiếu nữ bỗng dưng mất tích, như trường hợp cô con gái tuổi teen của bà Vũ Thị Định tên Dua, mất tích hồi tháng Hai năm nay cùng với cô bạn thân tên Di ở Mèo Vạc, một huyện nghèo thuộc tỉnh Hà Giang. ở vùng núi non sát biên giới Trung Quốc.
Bà Định đã đi tìm con ở khắp mọi nơi, mang theo ảnh của hai cô gái 16 tuổi, mặc áo đầm trắng và đỏ. Giờ thì bà lo sợ hai cô đã bị bán sang Trung Quốc làm vợ.
“Tôi chỉ mong con tôi gọi về cho biết nó an toàn, chỉ cần nó nói ‘con đi rồi nhưng con vẫn an toàn, xin đừng lo cho con’.”
Bà Định chỉ là một trong vô số các bà mẹ có con mất tích, có phần chắc đã bị đưa sang Trung Quốc nơi mà tình trạng trai thừa gái thiếu dẫn tới tệ nạn buôn người.
Vẫn theo Asia Times, nhiều học sinh địa phương kể chuyện về một người chị họ hoặc em họ bị bắt cóc, nhiều người vợ bỗng nhiên biến mất trong đêm.
Nhiều bà mẹ như bà Định và bà Lý thị My, mẹ của Di, lo sợ sẽ không bao giờ được trông thấy con lần nữa. Bà Định không được tin gì về Dua từ khi con gái mất tích. Bà sợ hai cô gái đã bị bán làm vợ hoặc bị đưa vào các động mãi dâm ở Trung Quốc.
Nhiều người mất tích ở sát biên giới Trung Quốc là người Hmong, một trong các nhóm thiểu số nghèo nhất, bị cô lập nhất nước. Những kẻ buôn người thường nhắm vào những cô thiếu nữ tại những ngôi chợ cuối tuần. Một số bị dụ dỗ trên mạng như Facebook, những kẻ xấu đôi khi tán tỉnh các cô nhiều tháng trước khi ra tay, lừa nạn nhân sang Trung Quốc.
Một số người tự nguyện đi vì được hứa hẹn có việc làm tốt, nhưng trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc trái với ý muốn.
Asia Times dẫn lời bà Lê Quỳnh Lan thuộc tổ chức phi chính phủ Plan International ở Việt Nam:
“Có người sang Trung Quốc để cố làm việc nuôi thân, nhưng lại rơi vào cái bẫy của những kẻ buôn người.”
Bà Lau Thị My, 35 tuổi, giận chồng say rượu, bồng con trai, đi theo một người hàng xóm sang Trung Quốc tìm việc. Người này hứa sẽ giúp bà tìm việc làm tốt nhưng bà bị lừa, bị cách ly với con, và bán đi tới 3 lần, trước khi một người đàn ông Trung Quốc mua đứt bà với 2,800 đôla. Sau 10 năm sống tù túng, bà dành dụm đủ tiền để đào thoát về nhà, nhưng đứa con vẫn bị thất lạc.
Asia Times tường thuật rằng theo các số liệu chính thức, Việt Nam có 3000 ca buôn người từ năm 2012 tới năm 2017. Tờ báo dẫn lời bà Lê Quỳnh Lan của Plan International nói con số trên thực tế chắc chắn phải cao hơn thế nhiều.
Mặt khác, nhiều người Việt Nam đã chi tiền cho các tổ chức buôn người để hy vọng có cơ hội làm lại cuộc đời ở các nước Tây Phương, tuy nhiên một số cũng rơi vào tình trạng bị khai thác sức lao động.
Báo Local Spain trích dẫn một phúc trình của Europol, Cảnh sát Châu Âu, cho biết tổng cộng 37 nghi can có dính líu tới đường dây buôn người Việt nam vào Tây Ban Nha đã bị bắt giữ hồi tuần trước sau một trong một chiến dịch kéo dài gần một năm trời.
Báo Tây Ban Nha này cho biết đường dây buôn người này đã đưa lậu 730 người Việt vào Tây Ban Nha. Mỗi người phải trả 18,000 euro, tương đương với USD $20,471, qua nhiều cách. Một là trả tiền mặt trước, hai là trả bằng đất hoặc tài sản ở Việt Nam, và cách thứ ba là làm việc không lương ở Châu Âu.
Báo địa phương cho biết nhiều người được đưa lậu vào Tây Ban Nha đã bị buộc phải lao động 12 giờ mỗi ngày tại các trung tâm làm móng, phải sống trong các điều kiện vô cùng tệ hại, và không được tự do đi lại. Mỗi ngày họ được đưa tới chỗ làm và đưa về dưới sự giám sát của những kẻ buôn người.
Local Spain cho biết chỉ tính từ đầu năm 2018 tới bây giờ, đường dây này đã thu về 13 triệu euro từ các hoạt động bất hợp pháp đó.

Trái bóng và liêm sỉ T

Thiên Hạ Luận
 Theo VOA/15/12/2018 
Cổ vũ đội nhà trong trận gặp Myanmar, 20 tháng 11. Hình minh họa.
Cổ vũ đội nhà trong trận gặp Myanmar, 20 tháng 11. Hình minh họa.
Trân Văn

Tuần này, liêm sỉ tiếp tục là một trong những từ được sử dụng nhiều nhất trên mạng xã hội Việt ngữ.
Tuần trước, người ta từng nhắc đến “liêm sỉ” khi Việt Nam vượt qua Philippine để bước vào lượt trận chung kết của Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF 2018) vì tại nhiều nơi, không ít người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng cuồng nhiệt tới mức giống như mất tri giác: Thi nhau hò hét, tụt quần, cởi áo,… Cuối cùng, không chỉ giao thông tắc nghẽn, hỗn loạn mà còn khiến vài chục người chết, vài trăm người bị thương và chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương nhắm mắt làm ngơ như đã từng nhắm mắt làm ngơ nhiều lần, bởi nhờ thế họ có thể đu theo chiến thắng của đội tuyển quốc gia, lên hết dây cót… tự hào cho dân chúng.
Tuần này, nhiều người đề cập đến “liêm sỉ” trên mạng xã hội với tần suất cao hơn sau khi Việt Nam thủ hòa trong trận chung kết lượt đi ở Malaysia và báo giới tiết lộ, hai năm vừa qua, ông Park Hang-seo, tuy là Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đội tuyển U23 nhưng lại nhận lương từ ông bầu Đoàn Nguyên Đức! Trong 24 tháng vừa qua, ông Đức (Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chủ Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai) – người từng bị VFF gạt ra khỏi Ban Chấp hành vì không có… bằng tốt nghiệp đại học - đã tự nguyện trả cho ông Park khoảng 19,2 tỉ (mỗi tháng khoảng 800 triệu đồng) (1).
Ai cũng biết, từ khi ông Park trở thành Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đội tuyển U23, bóng đá Việt Nam đã sải những bước rất dài trên con đường dẫn tới đỉnh của bóng đá Đông Nam Á và bóng đá châu Á. Trong hai năm vừa qua, Đội tuyển U23 của Việt Nam giành Huy chương Bạc Giải Vô địch U23 châu Á, Đội tuyển Quốc gia đứng thứ tư Olympic châu Á và người Việt đang mơ, Đội tuyển Quốc gia sẽ đoạt được Cúp AFF 2018.
Cho dù thiên hạ đã từng đề cập đến vai trò của những ông bầu, trong đó có bầu Đức (bỏ tiền túi để thành lập các Câu lạc bộ Bóng đá, lựa chọn - ươm hàng loạt mầm non để tạo ra diện mạo của đội tuyển quốc gia như hiện nay), song ít ai dè tâm huyết, sức lực, công lao của các ông bầu, như bầu Đức còn hơn cả thế. Đó cũng là lý do “liêm sỉ” trở thành chuyện không thể không nêu…
Thời luận – một group bàn thảo về thời cuộc trên facebook - thắc mắc: VFF có biết “liêm sỉ” là gì không? Trong số hơn 1.000 người tham gia bình luận về thắc mắc này, không ai trả lời: Có! Bởi thiên hạ cùng mắng VFF khốn nạn, trâng tráo, điếm đàng. Không ít facebooker nhận định như Bình Dương Nguyên: Một lũ vô liêm sỉ! Lẽ ra mấy thằng lãnh đạo VFF và ngành thể dục thể thao phải thấy nhục khi thành tích và tiền thì chúng hưởng, công người khác thì chúng chiếm chẳng khác gì chó tranh phân! – nên Đại Quan – một thành viên trong group Thời luận – đẩy đưa: Quan chức nước ta hay xấu hổ lắm. Họ liêm sỉ và sạch sẽ lắm. Cứ chửi hoài kiểu này, họ… thôi làm lãnh đạo bỏ về quê thì những ghế ấy ai ngồi (2)?
Từ chuyện bầu Đức bỏ tiền túi nuôi Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đôi tuyển U23, nhiều facebooker như Mạnh Quân nhắc lại chuyện bầu Đức đang nợ ngập đầu mà vẫn ráng gánh thệm các chi phí để bóng đá Việt Nam nở mày, nở mặt với thiên hạ. Quân cảm thấy tiếc là nhiều sản phẩm của bầu Đức, ví dụ như cao su, không phải ai cũng mua được. Quân khẳng định, nếu bầu Đức mở rộng kinh doanh, sản xuất những mặt hàng thiết yếu như: gạo, sữa,… Quân sẵn sàng ủng hộ. Quân nhấn mạnh, không đề cập đến VFF như mọi người vì đó một đám mà nhắc tới chỉ… bẩn mồm (3)! Cũng nhìn vấn đề theo hướng như vậy, Hoàng Linh không phê phán VFF mà chỉ rao: Ai nhặt được lòng tự trọng của VFF làm ơn… trả lại (4).
Họa vô đơn chí, tin bầu Đức đưa lưng gánh vác khoản thù lao phải trả cho ông Park suốt hai năm vừa qua được tiết lộ đúng vào lúc VFF vừa tổ chức tổng kết hoạt động của nhiệm kỳ thứ bảy. Theo đó, VFF tiếp tục đạt được nhiều… thành tích quan trọng. Ngoài thành công của… Đội tuyển U23, Đội tuyển Quốc gia, thu nhập của VFF năm sau luôn cao hơn năm trước và sẽ phấn đấu để sắp tới, mỗi năm, Ban Chấp hành VFF Khóa 8 sẽ thu về 400 tỉ đồng. Bạch Huệ là một trong những facebooker dựa trên những thông tin ấy để đặt câu hỏi: Không phải nuôi huấn luyện viên, không phải nuôi cầu thủ, hưởng đủ thứ vậy tiền VFF kiếm được đi đâu, chi cho những việc gì mà năm nào cũng than lỗ (5)?
AFF Cup năm nay, sau khi Đội tuyển Quốc gia của Việt Nam tiến gần đến đích, VFF lại để lòi ra thêm một vấn nạn khác: Vé! VFF tuyên bố bán vé online nhưng gần như không ai có thể mua được vé xem các trận Đội tuyển Quốc gia của Việt Nam đá trên sân Mỹ Đình qua Internet. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với vé bán tại các quầy vé. Chỉ có vé chợ đen với giá cao hơn từ 15 lần đến 20 lần giá chính thức thì bao nhiêu cũng có. Bạch Huệ nhận định, lối quản lý – điều hành hoạt động như thế là lý do khiến VFF phải “ăn mày” những doanh nhân thất cơ, lỡ vận như bầu Đức. Giống như Huệ, Trinh Son bất bình vì trong Ban Chấp hành VFF Khóa 8 vẫn chỉ toàn những kẻ trâng tráo, dựa hơi bóng đá và vì thế bóng đá Việt Nam khó mà vươn cao. Dưới mắt Son, VFF là một lũ “đĩ điếm”, lợi dụng cả những cầu thủ trẻ lẫn tình yêu bóng đá của dân chúng, ngồi chơi rung đùi hưởng lợi trên mồ hôi người khác (6).
Thật ra đâu chỉ có VFF! Khi Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sải được những bước dài hơn, đi xa hơn trong những đợt tranh tài khu vực, vé xem Đội tuyển Quốc gia trên sân Mỹ Đình trở thành của quý, số viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhào vào kiếm chác cả danh lẫn lợi theo kiểu tủn mủn, vụn vặt, đông hơn nhiều.
Hết ca sĩ Đinh Hiền Anh hồn nhiên khoe đặc lợi vì là… phu nhân của đồng chí Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Tài Chính, trên facebook: Dân tình sốt xình xịch vì vé khan hiếm và khó mua. Ngoài luồng thì giá cắt cổ. Em vẫn được ưu ái 50 vé mời cho người thân. Đa tạ (7)! - tới Ban Dân nguyện của Quốc hội thản nhiên soạn công văn, gửi cho VFF, đề nghị bán 200 vé xem trận chung kết lượt về cho lãnh đạo Ban Dân nguyện và công chức Vụ Dân nguyện “trực tiếp theo dõi, cổ vũ tinh thần cho Đội tuyển Bóng đá Quốc gia” (8)…
Chắc chắn không chỉ có phu nhân Thứ trưởng Tài chính hưởng đặc lợi kiểu đó, chắc chắn không chỉ có Vụ Dân nguyện đòi đặc quyền kiểu đó, sẽ có rất nhiều cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia giành đặc quyền này.
***
Chưa biết Đội tuyển Bóng đá Việt Nam có đoạt được Cúp AFF năm nay hay không nhưng Hà Phan dự đoán: Nếu những cầu thủ trẻ của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam qua mặt Đội tuyển Bóng đá Malaysia vào ngày 15 tháng 12 thì… chiến thắng ấy thuộc về VFF. VFF sẽ có đủ đường thu, đủ kiểu để kể công. Trong diễn văn mừng chiến thắng hẳn sẽ có câu “Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của VFF, bóng đá Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác...” và các quan chức của VFF sẽ nhảy bổ lên đầu xe chở đoàn quân chiến thắng diễu hành, sẽ chen vào chỗ đẹp nhất để chụp hình với lãnh đạo. Ngược lại, khi thất bại trách nhiệm chính sẽ thuộc về Huấn luyện viên Park và các cầu thủ, VFF chỉ… rút kinh nghiệm sâu sắc, lấy đó làm bài học quý báu để tiếp tục lãnh đạo nền bóng đá nước nhà và hành hạ người hâm mộ Việt Nam (9)...
Dự đoán của Hà Phan dẫu đúng nhưng chưa đủ. Nào phải chỉ có VFF. Hồi tháng giêng năm nay, khi Đội tuyển U23 Việt Nam vào đến chung kết Giải vô địch Bóng đá trẻ Châu Á 2018, đối đầu với Đội tuyển U23 Uzbekistan, chẳng phải tờ Nhân Dân vội vàng tuyên bố “Thế nước mạnh, vận nước lên!” đó sao (10). Đừng nghĩ tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN – hàm hồ khi khẳng định chắc nịch, chuyện “lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà, đội tuyển U23 Việt Nam hiên ngang tiến vào trận chung kết giải bóng đá U23 châu Á 2018” cùng với “những thành tích nổi bật và toàn diện của quân dân cả nước, tạo nên những bước đột phá về kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, đặc biệt là kết quả về xây dựng Ðảng và đối ngoại... trong năm 2017” chính là bằng chứng “thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận, nước nhà hưng thịnh” và chắc chắn “việc gì cũng thành công”!
Đâu phải chỉ VFF vô liêm sỉ và đâu phải tự nhiên mà VFF dù tày hoày, toét hoét nhưng vẫn vững như bàn thạch. VFF mà khác Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, khác Quốc hội, khác Nhà nước, khác Chính phủ, VFF có tồn tại được không?
Chú thích

Ông Đốt Lò thuộc top 10 tìm kiếm năm 2018

Theo VOA-Nguyễn Hùng/14/12/2018 
Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ Tịch Nước Việt Nam ngày 23 tháng 10 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ Tịch Nước Việt Nam ngày 23 tháng 10 tại Hà Nội.
Người đốt lò nướng một đương kim uỷ viên Bộ Chính trị và hàng loạt tướng tá trong năm 2018 nằm trong số 10 nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong 12 tháng qua.
Nếu chỉ tính các chính trị gia, ông Trọng đứng thứ thứ ba sau chính trị gia được tìm kiếm nhiều nhất Đinh La Thăng và nhân vật thứ nhì Trần Đại Quang, người đã qua đời và được ông Trọng ngồi thay ghế.
Việc ông Trọng nằm trong số các chính trị gia được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2018 không có gì đáng ngạc nhiên. Chiếc lò của ông vẫn đang nóng rẫy và ông giờ vừa đứng đầu đảng, vừa đứng đầu nhà nước, vừa là Bí thư Quân uỷ Trung ương và cũng tham gia luôn Đảng uỷ Công an Trung ương.
Sau ông Trọng là một chính trị gia cũng đã về thế giới bên kia trong năm 2018 – cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Ông Đinh La Thăng được tìm kiếm nhiều nhất là điều dễ hiểu khi ông bay cao vút vào Bộ Chính trị rồi mất hút luôn trong lò đốt củi, cả khô lẫn tươi, của ông Trọng. Ông Thăng thậm chí còn không được cho về dự tang bố, người đã qua đời ít lâu sau khi ông bị bắt. Vị cựu uỷ viên Bộ Chính trị và cựu bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh nói trước toà hồi tháng 3/2018:
“Nếu không có những vụ án thế này, bố bị cáo đã không ra đi đột ngột như thế. Gia đình bị cáo rơi vào hoàn cảnh tột cùng đau thương, mất mát; bị cáo trở thành người con bất hiếu vì khi bố mất đã không được ở nhà, đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là nỗi ám ảnh, day dứt suốt quãng đời ở tù sau này. Ngay sau lễ viếng bố của bị cáo, trong đầu bị cáo luôn hiện lên hình ảnh ông cụ với những lời dặn dò. Dù bị cáo xin phép được về gặp bố lần cuối nhưng cũng không được phép.”
Thật mỉa mai là khi đương chức ông Thăng có lẽ chẳng quan tâm gì tới quyền con người của người dân nhưng khi bị đưa ra xét xử lại xin được đối xử như một con người:
“Trong những đêm dài nằm trằn trọc trong phòng giam, bị cáo luôn nhớ đến câu của người xưa: “Trong đêm tối vẫn còn vì sao tỏa sáng, những vì sao đó chính là sự hy vọng”. Quả thực sống mà không hy vọng thì không còn ý nghĩa gì. Vì vậy, bị cáo hy vọng [Hội đồng xét xử] sẽ căn cứ vào chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, về kết quả kiểm tra, chứng cứ, để có một phán quyết công tâm, khách quan, nhân đạo và khoan hồng, hãy đối xử với bị cáo như đối xử với một con người,” ông Thăng nói những lời cuối cùng trước toà trong cùng phiên xử hồi tháng 3/2018.
Cũng như ông Đinh La Thăng, ông Trần Đại Quang được xem là người từng thuộc về phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người ôm mộng ngồi vào ghế hiện nay của ông Trọng nhưng bất thành. Ông Quang đổ bệnh ít lâu sau khi ngồi vào ghế chủ tịch nước và bệnh tình của ông khó mà thuyên giảm khi thấy người ta rục rịch bắt nhân vật Vũ Nhôm, vốn cũng lọt vào top 10 tìm kiếm của năm 2018. Thượng tá Phan Văn Anh Vũ là người của Tổng Cục tình báo và đàn em của Trung tướng bị kỷ luật và cách chức trong vụ này, ông Bùi Văn Thành. Tướng Thành, đồng hương Ninh Bình của ông Quang, và Vũ Nhôm, người bị kết tội chín năm tù hồi 7/2018, đều có dính dáng tới vị chủ tịch nước khi đó. Ngay cả sau khi ông Quang đã chết, tên ông còn được nhắc tới trong một phiên xử hai tướng công an khác bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Ông Đỗ Mười, một nhân vật khác trong danh sách được nhiều người tìm kiếm, qua đời chỉ hơn 10 ngày sau cái chết của ông Trần Đại Quang. Ông Mười giữ chức tổng bí thư Đảng Cộng sản giai đoạn 1991-1997, khi Việt Nam ngả vào vòng tay Bắc Kinh sau sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng cũng trong giai đoạn này Hoa Kỳ đã bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, một động thái góp phần giúp Hà Nội mở mày mở mặt về kinh tế trong những năm sau này. Nhưng người ta cũng nhớ tới ông Mười với vai trò đi đầu trong công cuộc cải tạo công thương, vốn đã biến hòn ngọc Viễn Đông thành thành phố Hồ Chí Minh đau thương trong đói nghèo sau năm 1975. Không phải tự dưng trong những ngày sau khi ông Mười chết trên mạng xã hội xuất hiện trở lại mấy câu thơ của Bùi Giáng:
“Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào,
Đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam”.
Còn ông đốt lò giờ có lẽ đã tương đối hả dạ sau khi đánh gục nhiều tay chân trước đây của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã khiến ông phát khóc vì muốn kỷ luật nhưng không được nhiều năm về trước. Khi đó ông Dũng mạnh tới mức người ta chỉ gọi người mà Đảng kỷ luật không nổi là “đồng chí X”. Câu hỏi hiện nay là liệu ông đốt lò rồi có động tới “đồng chí X” không sau khi đã dẹp xong ngoại vi của đồng chí nổi tiếng với câu “làm rõ tới đâu, xử lý tới đó” nhưng rất nhiều chuyện chưa bao giờ được làm rõ khi đồng chí đương quyền.

“Súc quyền” và nhân quyền

Theo RFA-Nguyễn Tường Thụy -2018-12-14   
Hình ảnh những người hoạt động xã hội ở Việt Nam bị đánh đập đến thương tích
Hình ảnh những người hoạt động xã hội ở Việt Nam bị đánh đập đến thương tích-Blog Nguyễn Tường Thụy
Như vậy là còn hơn một năm nữa, súc vật nuôi sẽ được hưởng “súc quyền” qui định ở Luật chăn nuôi vừa được quốc hội thông qua ngày 19/11/2018. Luật này hơn hẳn Pháp lệnh Giống vật nuôi mà nó sẽ thay thế về khoản đối xử nhân đạo với vật nuôi. Theo đó, người chăn nuôi không được phép đánh đập hành hạ vật nuôi, vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh. Đến ngay cả khâu giết mổ, qui định cũng hết sức nhân đạo như hạn chế gây đau đớn, không để vật nuôi bị sốc về tâm lý (không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ)....
Tìm hiểu về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi, người ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận con người.
Quy định vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh khiến tôi lại nghĩ đến từng đoàn dân oan khắp các tỉnh thành trong cả nước, ngủ vật vờ ở vườn hoa, ở vỉa hè, thiếu thốn đủ mọi thứ. Đã thế, họ luôn bị xua đuổi, bị phun nước nước vào cơm và đồ ăn. Nhiều gia đình đang sống bình thường, bỗng nhiên bị đuổi ra khỏi nhà của mình để cưỡng chế mà không có cơ sở pháp lý nào. Khu 4,3 héc ta ở Thủ Thiêm là một ví dụ.
Hình minh họa. Lợn được nuôi ở Hà Nội. Hình chụp hôm 6/2/2004
Hình minh họa. Lợn được nuôi ở Hà Nội. Hình chụp hôm 6/2/2004 AFP
Ở khâu vận chuyển, vật nuôi cũng phải được đối xử nhân đạo như sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, gây sợ hãi cho vật nuôi. Điều khoản này làm ta lại nhớ đến Bùi Thị Minh Hằng bị “vận chuyển” từ trại Thanh Hà tận Phú Thọ bằng ô tô về Vũng Tàu. Chị cho biết, chị bị xích vào ghế ngồi trong suốt quá trình “vận chuyển” trong đau đớn, khó chịu và bức xúc tột độ.
Không được làm cho vật nuôi sợ hãi, trong khi nhiều người làm việc với công an dù đi theo giấy mời, giấy triệu tập hay bị bắt về đồn thường bị khủng bố tinh thần như quát tháo phủ đầu, đe dọa, chửi bới, lăng mạ. Trong nhiều cuộc biểu tình, không khí căng thẳng, sợ hãi mỗi khi bị đàn áp bốc lên ngùn ngụt.
Vật nuôi được phòng bệnh và trị bệnh trong khi những tù nhân lương tâm không được nhận chăn, áo ấm người nhà gửi trong những ngày mùa đông lạnh giá. Khi bị bệnh, không được chữa trị hay đi bệnh viện kịp thời. Cảnh 4,5 người chung một giường bệnh ở các bệnh viện là rất phổ biến.
Vật nuôi được phòng bệnh và trị bệnh trong khi những tù nhân lương tâm không được nhận chăn, áo ấm người nhà gửi trong những ngày mùa đông lạnh giá. Khi bị bệnh, không được chữa trị hay đi bệnh viện kịp thời. Cảnh 4,5 người chung một giường bệnh ở các bệnh viện là rất phổ biến.
Đọc đến đoạn không được đánh đập, hành hạ vật nuôi, tôi vẫn còn nguyên căm phẫn khi nghĩ đến hình ảnh Lê Quốc Quyết bị công an lôi từ trong nhà tôi ra ngoài sân. Một đám 5,6 tên tranh nhau đánh, giẫm đạp lên mình, lên đầu anh. Mặt mũi anh sưng vều, be bét máu. Còn chị Dương Thị Tân kể chị bị tên Nguyễn Quang Khoa trưởng công an xã Vĩnh Quỳnh quấn tóc mấy vòng dập đầu liên tiếp vào tường. Đấy là chuyện hôm chúng lùng sục để bắt Nguyễn Phương Uyên ngày 25/9/2013. Rồi hình ảnh Trương Văn Dũng bị đánh ngất trong trại Lộc Hà, máu me bê bết bị chúng khiêng ra vứt ở cổng trại ngày 2/6/2013 còn ám ảnh những người biểu tình chống Trung Quốc cho đến tận bây giờ. Ông Trịnh Xuân Tùng cha của Trịnh Kim Tiến bị công an đánh chết chỉ vì khi vào bến, xe chưa dừng hẳn đã bỏ mũ bảo hiểm ra. Kẻ đánh chết ông chỉ bị tù 4 năm. Giới luật sư cũng không được an toàn khi tham gia vào các vụ kiện được cho là “nhạy cảm”. Họ bị đón đường đánh, bị tước tài liệu, bị cướp phương tiện hành nghề. Câu chuyện “bụi Chương Mỹ” giới quan tâm vẫn thường nhắc đến mỗi khi nói về tính nguy hiểm trong nghề luật sư...
Người ta rùng mình ghê sợ khi một báo cáo tại Quốc hội cho thấy chỉ trong 3 năm, có tới 226 người chết trong các trại tạm giam, tạm giữ.
Có quá nhiều ví dụ về công an đánh đập người vô cớ mà muốn lập hồ sơ đầy đủ thì phải tốn kém thời gian và dung lượng gấp nhiều trăm lần mấy cái gạch đầu dòng trên đây.
Trong các kỳ họp Quốc hội hàng năm, người ta bàn bạc, thảo luận đủ thứ thượng vàng hạ cám. Thế nhưng, không có phiên họp nào vấn đề vi phạm nhân quyền đang trở nên ngày càng trầm trọng được đề cập.
*
Câu chuyện về “súc quyền” đang râm ran trên mạng xã hội với đủ mọi chê bai, giễu cợt. Trong khi nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng, thì Quốc hội thông qua những qui định chặt chẽ về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi. Tôi không nói những qui định ấy là không cần thiết. Có điều là, khi đưa “súc quyền” vào luật, cần phải nghiêm túc xem xét xem nhân quyền đã đảm bảo chưa và cần đưa ra các biện pháp để chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền đã trở thành căn bệnh trầm kha.
Pháp lệnh Giống vật nuôi sẽ được thay bởi Luật chăn nuôi khi Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tại sao Luật chăn nuôi lại thêm hẳn một mục về “Đối xử nhân đạo với vật nuôi”? Phải chăng, nhân quyền ở VN đã quá đẩy đủ nên người ta mới có thời gian quan tâm đến gia súc. Tôi cho rằng, chính vì VN luôn luôn bị nhắc nhở về nhân quyền nên họ mới đưa tinh thần “Đối xử nhân đạo với vật nuôi” vào luật. Để mỗi khi có ai đặt ra vấn đề nhân quyền ở VN thì đã có câu trả lời: Ở VN, vật nuôi còn được đối xử nhân đạo như thế, huống chi con người.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do

Hoan hô Ban dân nguyện, đi xem chung kết nhớ vỗ tay luôn luôn

Theo RFA-Tre-2018-12-14   
Các cầu thủ Việt Nam chào người hâm mộ vào cuối trận chung kết lượt đi với Malaysia cup AFF Suzuki Cup 2018 ở sân Bukit Jalil ở Kuala Lumpur hôm 11/12/2018
Các cầu thủ Việt Nam chào người hâm mộ vào cuối trận chung kết lượt đi với Malaysia cup AFF Suzuki Cup 2018 ở sân Bukit Jalil ở Kuala Lumpur hôm 11/12/2018-AFP
Đúng là nước mình không thiếu chuyện vui và cảm động. Chỉ vài chục tiếng trước giờ trái bóng lăn trên sân Mỹ Đình trong trận chung kết Việt Nam-Mã Lai, thì người dân lại được một phen chứng kiến sự tận tụy của Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoan hô Ban Dân nguyện. Các anh chớ tủi thân. Vì dân mạng chưa đánh giá được tinh thần vì dân vì nước sâu xa của chúng mình, nên mới mắng các anh xơi xơi suốt ngày hôm qua như thế.
Vì đúng như bác Đỗ Văn Đương - Ban phó, trả lời báo chí, đi làm cả một tuần đã mệt chết đi rồi, thứ bảy được nghỉ ngơi chút đỉnh, lại còn phải đi xem bóng đá nữa nào có sung sướng gì.  Đây chúng mình đi là công việc “dân vận, dân nguyện” đấy chứ. Vì dân, vì nước, vì nền bóng đá. Chứ việc công bề bề ra đấy, nào có ngơi tay để được giải trí tí nào đâu.
Vì đúng như bác Đỗ Văn Đương - Ban phó, trả lời báo chí, đi làm cả một tuần đã mệt chết đi rồi, thứ bảy được nghỉ ngơi chút đỉnh, lại còn phải đi xem bóng đá nữa nào có sung sướng gì.  Đây chúng mình đi là công việc “dân vận, dân nguyện” đấy chứ
Đây nhá, theo Nghị quyết 1156/2016/UBTVQH13 ngày 17/3-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Ban dân nguyện, thì Ban có đến 9 nhiệm vụ quan trọng. Tóm tắt như sau:
-Tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban dân nguyện để nghiên cứu.
-Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
-Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri,
-Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật.
Mà các anh chị biết trong năm qua, những việc cử tri khiếu nại, tố cáo, phản ánh là bao nhiêu không?
Mới cuối tháng 10-2018 vừa rồi, tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội kỳ họp thứ 6 thì đã có đến hơn 2.000 ý kiến liên quan đến hoạt động Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Cụ thể là kiến nghị giảm văn bản hướng dẫn trái với nội dung của luật, không đúng thẩm quyền, gây khó khăn cho đời sống người dân. Giám sát quản lý đất đai, công sản. Tiến độ thực hiện và chất lượng công trình, dự án do Nhà nước đầu tư, nhất là dự án giao thông, đường cao tốc. Xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa, lãng phí sách giáo khoa, sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Chất lượng, hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở. An toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Lạm lạm thu đầu năm học, bạo hành trẻ mầm non. Khu đô thị Thủ Thiêm. Thủ tục hành chính rườm rà, công chức hách dịch cửa quyền (có thủ tục hành chính người dân phải mất hàng trăm giờ, hàng chục triệu đồng mới làm xong). Việc cắt giảm thủ tục hành chính còn hình thức, chạy theo số lượng.
Công văn của Ban Dân nguyện gửi Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xin vé xem trận chung kết hôm 15/12/2018
Công văn của Ban Dân nguyện gửi Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xin vé xem trận chung kết hôm 15/12/2018 Courtesy FB
Trước thời điểm này tròn một năm, vào cuối năm 2017, bà Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói rõ: “Nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua thanh tra, kiểm tra. Hiện tượng dân phải lót tay để giải quyết công việc còn phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng".
Báo chí Việt Nam dẫn nguồn Đánh giá của PAPI 2016 cho thấy, tỷ lệ người dân nói họ phải “lót tay” công chức để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng. Khoảng 54% số người dân nói phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước (năm 2011 tỷ lệ này là 46%, năm 2015 là 51%).
Riêng vụ Thủ Thiêm, mới hôm cuối tháng 5 đây thôi bà Trưởng Ban Dân nguyện còn nói bà “rất xót xa” vì “cử tri với đại biểu vốn không có khoảng cách, “vậy mà cử tri đã chờ đợi rất lâu để những giọt nước mắt ấy đến được với những đại biểu Quốc hội”.
Đấy, công việc nặng nề và đầy xót xa như thế mà phải bỏ cả tối thứ bảy để đi dân nguyện bóng đá. Tinh thần này cần biểu dương, thưa các quần chúng.
Mà làm việc công thì tất nhiên ngân sách nhà nước phải bỏ ra.
Điều 5 Nghị quyết thượng dẫn quy định: “Kinh phí hoạt động của Ban dân nguyện là một khoản trong kinh phí hoạt động của Quốc hội.” Rất minh bạch. Các quần chúng thiếu hiểu biết nên nghĩ xem, nếu anh em bỏ tiền túi ra mua thì cớ gì phải soạn công văn nhà nước? Chính vì đây là hoạt động công vụ của Ban, nên mới cần phải đánh công văn chính thức, gửi cả Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và lưu cả hành chính như thế.
(Chứ) làm cán bộ mà phải xếp hàng hay thức đêm chầu chực mua vé như dân thường thì kém thu hút quá. Thế thì ai còn muốn phấn đấu làm cán bộ làm gì!
Cuối cùng, tôi cũng rất phiền lòng với việc báo chí thắc mắc tại sao cả Ban khoảng 40 người mà công văn  xin mua đến 200 vé. Thắc mắc đấy chứng tỏ các anh không hiểu gì về cơ chế “xin cho”, “cấp phát” cả. Đã cất công xin thì phải xin nhiều, xin tọa lọa ra, để các anh trên còn nâng lên đặt xuống, tính toán, cân đối, phân chia... (Chứ các anh nghĩ) chỉ có mỗi mình Ban Dân nguyện đánh công văn xin mua vé hay sao?
Tre
Chú thích
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Thể chế chính trị quyết định vấn đề xã hội

RFA-2018-12-14 
Một người bán hàng rong đi qua một tấm áp phích tuyên truyền cho Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội ngày 15 tháng 1 năm 2016.
  Một người bán hàng rong đi qua một tấm áp phích tuyên truyền cho Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội ngày 15 tháng 1 năm 2016.AFP photo
Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ Đạo trong kết luận tại cuộc họp về Chính sách xã hội hôm 13/12, cảnh báo cần chú ý hai vấn đề xã hội mới nảy sinh. Đó là sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các nơi ngày càng cao, và tình trạng trẻ em, người già bị rối loạn tâm lý ngày càng tăng.
Các nhà xã hội học đánh giá vấn đề này ra sao?

‘Vấn đề xã hội mới nảy sinh’?

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam, có nhận định:
Tôi nghĩ đây là những vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói trúng và đúng. Một vấn đề rất cơ bản và rường cột đó là phân hóa xã hội, việc hình hành các giai tầng mới, cũng như việc giãn ra ngày càng lớn hơn của các mức sống tầng lớp dân cư. Vấn đề khác là phần tử của các nhóm yếu thế tự đối diện với chính mình mà thiếu sự trợ giúp của xã hội dẫn đến các hành vi tự kỷ.
Xã hội nào cũng có những vấn đề về người già và chênh lệch giàu nghèo, nhất là những nước có hệ thống an sinh xã hội chưa được điều chỉnh, cụ thể như Việt Nam.
-TS. BS. Đinh Đức Long
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, Nguyên trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, thì nhận định của ông Phó Thủ tướng Việt Nam không mới lạ.
Tôi nghĩ những vấn đề ông nêu lên chẳng có gì mới cả. Xã hội nào cũng có những vấn đề về người già và chênh lệch giàu nghèo, nhất là những nước có hệ thống an sinh xã hội chưa được điều chỉnh, cụ thể như Việt Nam.
Tiến sĩ Đinh Đức Long cho rằng biện pháp giải quyết bất cập của nhà nước mới là vấn đề cần tập trung. Ông nói:
Trên thực tế, nhà nước được coi là người đại diện cho nhân dân thì có làm đúng những gì họ được ủy nhiệm không? Nếu không đúng thì nhân dân có hình thức nào để kiểm soát, chế tài, thậm chí là phế truất họ không? Cái đấy mới quan trọng thì chẳng thấy ai bàn cả, đều tránh né.

‘Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo’ chỉ là khẩu hiệu

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ hôm 26/11 khẳng định quyết tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện an sinh xã hội bằng chính sách của Nhà nước.
Trẻ em dân tộc H'mông ăn trưa miễn phí tại một trường mầm non tại một tỉnh miền núi phía Bắc hôm 3/4/2015
Trẻ em dân tộc H'mông ăn trưa miễn phí tại một trường mầm non tại một tỉnh miền núi phía Bắc hôm 3/4/2015 AFP photo
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận định thu hẹp khoảng cách giàu nghèo không phải là một nỗ lực tuyệt vọng, nhưng là một bài toán có lời giải rất xa. Ông nói:
Tôi nghĩ chuyện nói rằng thu hẹp khoảng cách đấy cũng chỉ là một thông điệp, một khẩu hiệu hành động nhiều hơn là hoạt động trong thực tiễn. Bởi vì đấy là câu chuyện thế tất phải diễn ra. Đây là một thực tiễn khách quan không đảo ngược. Điều đó cũng phù hợp với mô hình tăng trưởng của xã hội các quốc gia phát triển trên thế giới chứ không hề xa lạ. Khi tôi nói điều đấy nghĩa là sự hòa nhập, sự xích lại gần gũi hơn với các quốc gia phát triển thì lớn hơn.

Trẻ em, người già và rối loạn tâm lý

Liên quan đến vấn đề rối loạn tâm lý ở trẻ em và người già, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng đây là tình trạng chung của mọi xã hội.
Vấn đề trẻ em tự kỷ và thành viên của nhóm yếu thế có vấn đề về tâm lý thì có lẽ là phổ quát trong lòng mọi thể chế, chứ không riêng ở Việt Nam. Đây là bài học và thực tiễn của một xã hội đang phát triển phải đối mặt.
Bác sĩ Đinh Đức Long có cùng quan điểm như trên và giải thích nguyên nhân:
Xã hội có nhiều mâu thuẫn, căng thẳng. Trẻ con không được bố mẹ quan tâm vì chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận, chạy theo công việc. Trẻ em bị bỏ rơi, và người già cũng thế thôi. Tôi nghĩ ở nhiều nước phát triển, người già bị cho vào trại dưỡng lão, đâu được ở gia đình với con cháu. Vấn đề đó cũng gây ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý. Người già mà ở với con cháu thì khác hoàn toàn chứ.
Chúng tôi liên hệ một nhóm thiện nguyện độc lập ở Sài Gòn từ hơn 5 năm qua chăm lo đời sống cho gần 200 em thiếu nhi và 150 cụ già neo đơn sống tại các ngôi chùa, các mái ấm và được người đại diện chia sẻ thực tế hiện nay.
Thực sự đối với những đứa nhóc thì đang bị thiếu những hoạt động để được đi ra ngoài đường. Cái xã hội ở ngoài của tụi nhỏ là đi bệnh viện và đi chích ngừa. Còn người già thì gần như là bị bao bọc trong bốn bức tường. Họ rất vui khi tiếp xúc với người bên ngoài nhưng họ không có cơ hội. Đa phần là mọi người đang bị thiếu cơ hội tiếp xúc bên ngoài xã hội.
Người đại diện của nhóm đánh giá về tâm lý của trẻ em và người già trong các mái ấm, nhà tình thương ở Sài Gòn hiện nay.
Cơ bản em thấy là họ đang bị thiếu tình thương. Đa phần các nhóm công tác xã hội chỉ đến 1, 2 lần rồi ngưng. Thực sự là người ta cần dài hơn chứ không cần ngắn hạn. Em thấy tâm lý của những người cần giúp đỡ không phải là gắn bó vật chất nhiều hơn và cần về tinh thần nhiều hơn.
Có nhiều vấn đề liên quan đến manh áo mà cơ thể kinh tế xã hội này vốn đã từng vừa vặn nhưng nay không còn vừa vặn nữa.
-TS. Trịnh Hòa Bình
Thực tế cho thấy Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề tồn tại không chỉ riêng hai vấn đề ‘mới nảy sinh’ như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến.
Tuy vậy, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình chia sẽ quan điểm của ông rằng các vấn đề ấy dường như đều được gom lại vào một điểm ở tầng vĩ mô.
Có nhiều vấn đề liên quan đến manh áo mà cơ thể kinh tế xã hội này vốn đã từng vừa vặn nhưng nay không còn vừa vặn nữa. Tức là câu chuyện không tương thích giữa thể chế với sự phát triển mang tính cách khởi phát, đồng bộ, toàn thể để kích hoàn toàn bộ xã hội.
Tiến sĩ Bình ví von rằng thể chế chính trị hiện nay của Việt Nam như một manh áo chật, hiện không còn vừa vặn với một cơ thể đang vươn tới sự lớn rộng, và lời giải đáp cho vấn đề nằm ở ngay hình ảnh ấy.

Quảng Trị muốn xây cảng 15 ngàn tỷ: nhu cầu thực sự hay ‘học đòi’?

 Trung Khang, RFA-2018-12-14   
Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị
Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị-Courtesy quangtri.gov.vn
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, với tổng số vốn lên đến gần 15 ngàn tỷ đồng. Cảng này có đem lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh Quảng Trị cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng cho Việt Nam khi bị nguồn vốn nước ngoài chi phối?

Tỉnh nào cũng muốn có sân bay quốc tế, cảng nước sâu

Khu cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị do Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy là nhà đầu tư được triển khai trên diện tích 685 ha, tổng quy mô gồm 10 bến phát triển, có thể đón tàu 100.000 DWT.
Dự án có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỷ đồng; vốn huy động và vốn khác là 12.091 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 50 năm.
Tôi thấy đề nghị này cần xem xét một cách cẩn trọng, bởi vì gần Quảng Trị đã có những cảng khác rồi, như cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, Nghệ An cũng có cảng rồi…
-TS Lê Đăng Doanh
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, dự án được phân thành 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2018 đến năm 2025 đầu tư 4 bến với tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2031 đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng và giai đoạn 3 đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.308 tỷ đồng.
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết:
“Tôi thấy đề nghị này cần xem xét một cách cẩn trọng, bởi vì gần Quảng Trị đã có những cảng khác rồi, như cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, Nghệ An cũng có cảng rồi… Thế bây giờ cảng Quảng Trị cần đến đâu, chi phí của nó, nhu cầu để xuất và nhập cái gì, điều đó cần phải được chứng minh. Để tránh việc xây cảng xong lại không sử dụng được, gây lãng phí, điều đó đã xảy ra ở nhiều nơi rồi.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc quyết định xây dựng cảng Mỹ Thủy ở tỉnh Quảng Trị thì cần phải lập một hội đồng độc lập để xem xét một cách rất là kỹ càng, nhất là trong tình hình ngân sách đang bội chi rất lớn và nợ công cũng đã ở mức cao đáng lo ngại.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, cho biết ý kiến của mình:
“Một xu hướng ở Việt Nam là tỉnh nào cũng muốn có sân bay, địa phương nào có biển thì cũng muốn xây cảng. Trong luật đầu tư công đã tính, thứ nhất nguồn lực có hạn, thứ vấn đề xã hội hóa thì đầu tư có hiệu quả không có cần thiết không? Miền Trung thì đã có cảng Đà Nẵng, Quảng Nam cũng có cảng.v.v... Trong bối cảnh hiện nay thì nguồn vốn ở đâu? Hay là xã hội hóa? Theo tôi nghĩ cần xem xét thận trọng.”
Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Courtesy quangtri.gov.vn
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 12 năm 2018, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, tư duy của tất cả tỉnh ở Việt Nam đều muốn có sân bay quốc tế và cảng nước sâu, là một tư duy không hay. Theo ông, bởi vì hạ tầng kết nối đầu tư phải trong phạm vi hợp lý và đảm bảo kết nối trong cả nước. Và Quảng Trị có thể sử dụng cảng nước sâu của Huế, Đà Nẵng.
Trả lời báo chí trong nước hôm 5 tháng 12, ông Nguyễn Tương, chuyên gia về logistics (1) cho rằng, ngoài những yếu tố khác, xây dựng cảng biển cần phải gắn với phát triển logistics, đặc biệt là kết nối với hệ thống giao thông tạo thành chuỗi vận hành khép kín. Ngoài ra, vị trí xây dựng cảng biển cũng phải gắn với các khu công nghiệp, nhà máy…
Theo ông Tương, không phải cứ phát triển cảng biển là đương nhiên logistics sẽ phát triển. Logistics muốn phát triển phải phụ thuộc vào nguồn hàng, hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó cảng biển là một hạ tầng quan trọng. Ông cho rằng, không phải cứ phát triển ồ ạt, chạy theo "mốt", chỗ nào cũng xây cảng, mua tàu được, cuối cùng cảng thì ế, tàu bỏ không vì không có hàng hóa vận chuyển.

Lo ngại nước ngoài chi phối

Theo Luật hàng hải Việt Nam, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền được đầu tư phát triển cảng biển tại Việt Nam, nhưng phải đúng quy hoạch cảng biển của Việt Nam. Vì vậy, có khả năng nếu được chấp thuận Quảng Trị có thể sẽ kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Điều này cũng làm quan ngại nước ngoài với phần vốn góp lớn hơn sẽ chi phối một cảng biển có vị trí chiến lược về mặc quân sự như vùng biển miền Trung.
Phải cảnh giác những đối phương, những kẻ bành trướng mà cũng có thể nó thông qua hình thức gián tiếp. Có nghĩa nó sẽ đầu tư vào, nó sẽ dùng tiền, cái này mình phải xem xét thận trọng nguồn vốn từ đâu.
-TS Ngô Trí Long
Liên quan vấn đề này Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến của mình:
“Ở Việt Nam thì các cảng biển đều có vị trí về mặt an ninh quốc phòng rất là nhạy cảm, cho nên cần phải xem xét. Chúng ta còn nhớ Quảng Trị ngày trước cũng là một chiến trường đẫm máu, hai bên giành từng tấc đất một. Cho nên cần phải xem xét vị trí chiến lược của Quảng Trị, và cũng cần phải cân nhắc việc giám sát cái quyền điều hành và sự chi phối của nhà đầu tư nước ngoài đến đâu? Nếu phía Việt Nam đóng góp có 2 ngàn tỷ mà chi phí lên đến 15 ngàn tỷ thì rõ ràng tài chính bị nước ngoài chi phối, đều đó cần phải được giám sát chặt chẽ.”
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng cần phải xem xét cẩn trọng vấn đề an ninh quốc phòng:
“Hiện nay thì thường thường các điểm nhạy cảm đối với biên giới đường biển của Việt Nam, ví dụ như Đà Nẵng có biên giới xung quanh và tiếp giáp biển Đông thì cũng phải cảnh giác những đối phương, những kẻ bành trướng mà cũng có thể nó thông qua hình thức gián tiếp. Có nghĩa nó sẽ đầu tư vào, nó sẽ dùng tiền, cái này mình phải xem xét thận trọng nguồn vốn từ đâu. Chứ không phải tiền từ trên trời rơi xuống, nên người ta sẽ xác định rõ được ngay.”
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, vị trí như Quảng Trị mà xây một cái cảng với số vốn dự toán như vậy thì ông cho là quá lớn, cần xem mục đích của là gì? Chứ 15 ngàn tỷ mà vốn địa phương chỉ 2 ngàn tỷ, thì còn lại vốn xã hội hóa là của đối tượng nào? Tại Việt Nam thì hiện nay cũng ít một đối tượng nào đó bỏ số vốn như vậy.
Còn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu phải đầu tư xây dựng cảng ở Quảng Trị, thì phải đầu tư như thế nào để đảm bảo hiệu quả, cũng như phải đảm bảo vấn đề quốc phòng an ninh và cần đưa vào những rào cản kỹ thuật để kiểm soát trong quá trình xem xét đầu tư.
---
(1) Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.