Thursday, January 19, 2017

Ông Trọng không chịu rút giữa kỳ

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Có những dấu hiệu khiến những người quan tâm tới sân khấu tuồng chính trị của Việt Nam cảm giác như nội bộ Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam, sau vụ đánh chém nhau gạt bỏ thành công Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài tháng 4 năm 2016, tưởng bão táp đã qua, có thể hài lòng tận hưởng yên bình, lại một lần nữa đang chuẩn bị lao vào cuộc chiến.

Hôm 13/11/2016, một cách an nhàn thảnh thơi, ông Trọng đi thăm thôn Phật Tích, Bắc Ninh, dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, ông đã cao hứng: "Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này. Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?"

Có lẽ ông chưa kịp tận hưởng những giây phút đê mê tự thoả mãn, như một sự tự tưởng thưởng cho mình sau những kỳ tích làm thiên hạ phải ngả mũ bái phục mưu lược của ông.

Phía sau ông, ngay bên cạnh ông, xung quanh ông có biết bao nanh vuốt, như những con sói đói, hau háu chờ cái thân già của ông rũ xuống, để xả thịt ông, để cắn xé lẫn nhau, giành cái ghế Tổng bí thư của ông. Cái khôn ngoan đưa ra chiêu "nửa nhiệm ky" để giữ ghế, gạt tất cả mọi đối thủ tiềm năng, trong đó có kẻ bất đội chung trời với ông là Nguyễn Tấn Dũng, bây giờ quay lại phản ông, làm hại ông. Bởi vì nửa nhiệm kỳ sắp hết. Những con sói đói quyền lực đã chờ từ lâu cái giờ phút kết thúc nửa nhiệm kỳ này. Chỉ một biểu hiện dù nhỏ ý định tiếp tục cố vị của ông có thể làm ông tan xương, biến ông thành cái xác không hồn, chưa biết chừng lại tai biến đột quỵ, hay lại nhiễm bệnh bạch cầu, và thậm chí có thể có cả đạn K59 như vụ Yên Bái.

Và trong những con sói đói đó, người đầu tiên phải kể tới là ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí thư, nhân vật mà chính ông hậu thuẫn, nhưng là để kiềm chế Trần Đại Quang. Bây giờ là đối thủ nguy hiểm nhất, đe dọa cái ghế Tổng của ông.

Ông Đinh Thế Huynh, ngày 23 tháng 10/2016 đã sang Mỹ và ở lỳ bên Mỹ những 8 ngày, và chỉ trình Trung Quốc 3 ngày lấy lệ. Ông Huynh cũng là một người được cho là khôn ngoan không kém ông, lại là "hậu sinh" có khi "khả uý" hơn ông nữa. Và ông này nổi tiếng là ít nói, và ít biểu lộ ra bên ngoài suy tính của mình. Loại người này, chưa biết chừng, nguy hiểm hơn ông tưởng nhiều.

Ông ta đi Mỹ giữa lúc chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ đang vào lúc sôi động, thắng bại thuộc ai, còn chưa rõ, nhưng sự phản bội Mỹ của người Philippines thì đã rõ và thay thế Philippines để trở thành đồng minh của Mỹ tại biển Đông là cơ hội vàng để Việt Nam thoát Trung, mà chỉ có cái đầu mông muội u tối của ông Trọng mới không thấy.

Giữa lúc ông Trần Đại Quang đang là người chiếm thế thượng phong, ông Nguyễn Xuân Phúc còn lúng túng với bê bối mà sự ra đi của ông Dũng để lại cho Chính phủ, ông Huynh chọn đi Mỹ, một là lấp lửng công khai vị trí thế tử, hai là lấp lửng lập trường thân Mỹ, thứ lập trường đang ăn khách tại chính trường Việt Nam.

Nhưng ít người biết, và ít người dám suy đoán rằng, chuyến đi có vẻ bí hiểm này còn có một mục tiêu khác. Đó là chuyện ông Đinh gặp riêng ông John McCain và Jhon Kerry phía sau những cuộc gặp, thăm và đón tiếp, vì thiếu nội dung, diễn ra ồn ào nhưng nhạt nhẽo.

Người ta cũng không thể quên rằng chuyến đi thăm 8 ngày, độ dài chưa từng bao giờ có của một uỷ viên thứ hai Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam, sau khi về từ chuyến thăm Trung Quốc một ngày, mà báo chí và truyền thông chính thống chỉ nhắc tới khi ông Huynh đã đến Mỹ và bắt đầu đàm đạo với ông Jhon Kerry ngày 25/10/2016. Chỉ có một thông cáo báo chí duy nhất của bộ Ngoại giao Mỹ, sau khoảng nửa ngày họp, rồi không ai biết được gì về những hoạt động 6 ngày sau đó.

Sau chuyến đi này của ông Huynh, người ta không thấy những phát biểu gì về Việt Nam của Tổng thống Obama. Ông tổng thống không hề nhắc gì thêm về Việt Nam, mặc dù chuyến đi của ông rất công phu và những gì ông làm cho Việt Nam là rất ấn tượng và phải là một kỷ niệm đẹp của ông.

Cuối cùng thì ngày 8/12/2016, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua một dự luật nhân quyền - Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) - nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu. Dự luật này - do hai Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin giới thiệu tại Thượng viện. Và tiếp đó, ngày 23/12/2016 chính tay tổng thống Obama ký phê chuẩn thành luật dự luật S. 2943. Còn ông Jhon Kerry thì đã dành chuyến đi cuối cùng để đến Việt Nam nói lời vĩnh biệt, như để nói rằng, các anh sẽ bị trừng phạt, sự ngu muội bắt buộc phải trả giá.

Ông Huynh đã nói gì với John Kerry và John McCain? Tại sao có thái độ này của những người bạn Mỹ? Tại sao dự luật nhân quyền này được trình ra Quốc hội Mỹ từ giữa năm 2012, bây giờ lại cùng một lúc được Quốc hội thông qua và tổng thống phê chuẩn thành luật? Người ta đồn với nhau rằng, cái mà ông Huynh tiết lộ với hai người Mỹ yêu Việt Nam nhất trong những người Mỹ này, là sự thật về thủ đoạn, và sự xảo trá của ông Trọng. Ông Trọng, trong thâm tâm, không bao giờ chấp nhận đi với Mỹ vì đi với Mỹ là đi đến Dân chủ, là đa đảng chính trị, là không có chủ nghỉa Mác và quốc tế vô sản. Và ông Trọng đã móc nối với Trung Cộng để chơi con bài Mỹ. Thể chế chính trị độc đảng cầm quyền, trong đó tổng Bí thư đảng đồng thời là người đứng trên cả hiến pháp, đứng trên tổng thống, trên thế giới hiện đại, không tìm đâu ra thể chế tương quan, ngoài Trung Quốc, Triều Tiên và CuBa. Thế mà ông từng lừa được Obama đón ông như nguyên thủ quốc gia, đồng sàng với tổng thống quốc gia vĩ đại nhất Hoàn cầu.

Cho nên luật nhân quyền Toàn cầu S.2943, mặc dù mượn cớ trừng phạt Nga, nhưng mục tiêu nhắm tới không chỉ có Nga, mà những kẻ chết theo trước hết là Trung Cộng rồi đến Việt Cộng.

Từ sau khi có Thông báo 13 của Ban bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên (*), thì ông Trần Đại Quang chính thức bị loại khỏi danh sách người kế cận, và tình hình diễn biến tiếp từ đó, cho thấy, ông Quang đã chấp nhận và chịu yên phận. Bởi vì, nếu không sửa tuổi sinh từ 1950 thành 1956, thì ông Quang nằm ngoài mọi quy hoạch đề bạt, còn cố tình dùng lý lịch sửa tuổi thì thậm chí ông sẽ phải chịu kỷ luật khai trừ đảng.

Còn ông Nguyễn Xuân Phúc, với nỗi lo về một nguy cơ phi mã tiếp tục suy giảm tăng trưởng GDP, có khả năng làm mất khả năng trả nợ và khả năng thanh toán của Nhà nước, dẫn đến sự sụp đổ nền tài chính quốc gia, cùng với hàng trăm vụ bê bối có nguồn gốc tham chũng cao cấp do triều đại thối nát từ trên xuống của Chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng để lại, ông Nguyễn Xuân Phúc không còn thời gian để bộc lộ tham vọng.

Bà Ngân gần đây cũng bắt đầu thể hiện mình, để chứng minh rằng bà không chỉ là con rối trong tay ông Trọng, nhưng để làm cái gì khác nữa, thì bà thực chưa nghĩ tới. Có thể sau này, chưa biết, nhưng lúc này thì không.

Bây giờ, chỉ còn lại ông Đinh Thế Huynh, thế tử do chính ông Trọng vun vén, nhưng lại đang trở thành người đào đất dưới chân ông.

Ông Đinh Thế Huynh được chọn để kế nghiệp chân tổng bí thư và được đảng cộng sản Trung quốc chấp nhận, vì ông này xuất thân từ ngạ̣ch lý luận, là uỷ viên bộ chính trị có thâm niên giữ chức chủ tịch hội đồng lý luận TW lâu nhất và có số lần hội thảo lý luận Trung Việt nhiều nhất**.

Nếu cần tìm một người bị nhiễm máu Tàu nhiều nhất, người đó không thể là ai khác ngoài Đinh Thế Huynh. Nhưng nếu tìm một người có khả năng hiểu bản chất Đại hán của Tập đoàn lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản Tàu, thì cũng khồng ai hơn Đinh Thế Huynh.

Nếu biết đến một sự thật như kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 78% người Việt yêu thích Mỹ và với Tàu chỉ có 16%, chỉ cần chứng kiến tình cảm cuồng nhiệt của người Việt giành cho Tổng thống Obama, và thái độ ghê tởm của người Việt đối với Tập Cận Bình trong chuyến vác mặt đến Quốc hội Việt Nam, làm cái việc trấn áp và khủng bố tinh thần trước đó, 6/11/2015, thì chọn lựa thân Tàu là lựa chọn điên rồ, nếu tránh dùng từ ngu xuẩn.

Nhưng xem chuyến đi Trung Quốc mấy ngày vừa rồi, đọc những gì ông ký kết với lãnh đạo cộng sản Trung Quốc thì thấy rõ, ông Trọng đã phản bội Mỹ, đồng nghĩa với phản bội dân chủ, phản bội ý nguyện của dân tộc, ông đã gán Quốc gia thành vâṭ cầm cố để được Tàu đảm bảo cho chế độ độc đảng cầm quyền của ông và cho vị trí tổng bí thư của ông. Trong chuyến đi vội vã này, rất có thể ông đã tuyên án tử hình đối với ông Huynh.

Ông chưa muốn rời chức Tổng bí thư, và ông nói với người Tàu rằng, nếu ông rời chức, chế độ cộng sản tại Việt Nam sẽ không còn. Và ông Tập đồng ý bảo kê cho ông. Mật vụ của Tàu nằm đầy rẫy tại Việt Nam, ngay trong TW đảng. Mạng sống của tất cả các quan chức Việt đều nằm trong tay Trung Nam Hải. Ai cũng biết điều đó, ông Huynh thừa biết và CIA cũng thừa biết.

Ông Trọng đang là vật cản duy nhất trên con đường đến dân chủ và tiến bộ của dân tộc Việt Nam. Ông này phải "bị cho đi"; thì mới hy vọng có thay đổi.

Ông Huynh có thể làm gì, và làm được gì. Không ai biết và không ai có thể đoán được. Nhưng chắc chắn không có chuyện ông Trọng sẽ rút giữa nhiệm kỳ.

19/01/2017



___________________________________________________

* Thông báo số 13/2016 BBT, ngày 17/08/2016:

1- Kể từ ngày 18-8-2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

** Kết quả thăm dò của Pew Research Center – PRC

Việt Nam: Hãy chấm dứt đàn áp các bloggers và nhà hoạt động

Những nhà lãnh đạo mới của nước này không giảm bớt trấn áp

Đỗ Hồng (Danlambao) lược dịch - Trong bản phúc trình thế giới năm 2017, hôm 12/1, tổ chức Human Right Watch cho biết nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành việc đàn áp rộng rãi các quyền tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến, lập hội, và tôn giáo trong năm 2016. Các bloggers và những nhà hoạt động nhân quyền không ngừng bị công an hăm doạ và sách nhiễu, đã phải chịu biệt giam, và cầm tù vì sử dụng những quyền căn bản của họ.

Trong bản phúc trình thế giới dài 687 trang, lần in thứ 27, tổ chức Human Rights Watch duyệt xét lại việc thực thi nhân quyền tại hơn 90 nước. Trong phần nhập đề, Giám Đốc Điều Hành Kenneth Roth viết rằng một thế hệ mới của những nhà chuyên chế theo phái dân túy tìm cách lật đổ ý niệm bảo vệ nhân quyền, xem nhân quyền như sự cản trở nguyện vọng của đại đa số. Đối với những kẻ cảm thấy bị bỏ rơi đằng sau bởi kinh tế toàn cầu và tội ác bạo động gia tăng, những nhóm xã hội, truyền thông và công chúng có những vai trò chính trong việc xác định lại những giá trị mà nền dân chủ tôn trọng nhân quyền đang bồi đắp.

Ông Brad Adams, Giám Đốc Á Châu, nói: "Niềm hy vọng rằng những nhà lãnh đạo mới ở Việt Nam được bầu tại Đại Hội Đảng Cộng Sản trong năm 2016 sẽ giảm bớt trấn áp, đã tan vỡ hồi năm ngoái. Nếu họ muốn đất nước theo đúng được khả năng toàn diện, nhà cầm quyền cần phải thực hiện cuộc đối thoại với những người phê bình thay vì buộc họ im lặng."

Trong năm 2016, có ít nhất 19 người, bao gồm cả những bloggers nổi bật Nguyễn Hữu Vinh, còn được biết là "Anh Ba Sàm", Nguyễn Đình Ngọc hay "Nguyễn Ngọc Già", và nhà hoạt động về quyền sở hữu đất đai Cấn Thị Thiêu, đã bị kết án tù từ 20 tháng cho tới 9 năm vì việc viết blog hay vận động ôn hòa cho nhân quyền. Công an cũng đã bắt giữ ít nhất 8 người khác, kể cả các bloggers Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay "Mẹ Nấm", và Hồ Văn Hải hay "Bác Sĩ Hồ Hải", vì bị cáo buộc "thực hiện việc tuyên truyền chống nhà nước." Những người khác, chẳng hạn như Nguyễn Văn Đài và Trần Anh Kim, bị bắt năm 2015, tiếp tục bị giam giữ mà không xét xử.

Năm 2016 còn có những vụ tấn công vật chất thường xuyên nhắm vào các bloggers và các nhà vận động nhân quyền bởi bàn tay của những kẻ vô danh dường như hành động với sự đồng ý và miễn trừng phạt của nhà nước. Vài chục người, kể cả các cựu tù nhân chính trị Trần Minh Nhật và Nguyễn Đình Cường, cùng các nhà hoạt động Nguyễn Văn Thành và Lã Việt Dũng, đã báo cáo rằng họ bị tấn công bởi những người mặc thường phục. Không có ai bị buộc tội trong bất cứ vụ nào.

Công an thường dùng quá quyền lực để giải tán những cuộc tuần hành bảo vệ môi trường tại Hà Nội và Sài Gòn. Nhiều người biểu tình cho biết họ bị đánh đập và giam giữ hằng giờ. Những người khác, kẻ cả blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang A, đã bị quản thúc tại gia hay tạm giam đến đỗi họ không thể tham dự những diễn biến đặc biệt, chẳng hạn như gặp gỡ những nhà ngoại giao và chức sắc nước ngoài hay tham dự cuộc biểu tình công chúng.

Ông Adams nói rằng: "các bloggers và nhà hoạt động Việt Nam thường xuyên liều lĩnh hy sinh tự do và an toàn cá nhân cho nền dân chủ và các quyền căn bản. Những nước viện trợ quốc tế cho Việt Nam và các nước hợp tác mậu dịch với Việt Nam đã có quá lâu những quan hệ ưu tiên thương mại và hàng hóa so với sự ủng hộ dành cho những cá nhân can đảm này và cho việc tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng vốn sẽ mang lại việc chấm dứt một trong những nền độc tài độc đảng kéo dài lâu nhất trên thế giới.”


Đi quang gánh về thúng không

Phạm Trần (Danlambao) - Chuyến đi Trung Hoa “không lý do chính đáng” trong 3 ngày (12-15/01/2017) của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gây thắc mắc nhiều hơn trả lời. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói với báo, đài nhà nước hôm 5/1/2017 rằng: "Mục đích chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc, khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam muốn tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, trong đó có Trung Quốc-một đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Việt Nam."

Lời nói của ông Minh xưa như trái đất vì nó đã được phía Việt Nam lập đi lập lại không biết chán mỗi khi có chuyến đi nước ngoài của Lãnh đạo. Lần này ông Bộ trưởng Ngoại giao còn tô vẽ thêm: "Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay thời điểm đầu năm mới khẳng định rõ mong muốn của Việt Nam đưa quan hệ với Trung Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mở ra một năm sẽ có nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai bên."

Nhưng ước mơ chuyến thăm của ông Trọng sẽ "đi vào chiều sâu" và có "hiệu quả" để "tạo môi trường hòa bình, ổn định" giữa hai nước Việt-Trung đã chứng minh là thứ lạc quan bốc đồng.

Bởi vì trong 15 Thỏa hiệp hợp tác được hai bên ký tại Bắc Kinh chiều 12/01/2017, có những văn kiện không trong sáng và có hại cho Việt Nam.

Đào tạo ai-ai đào tạo?

Tỷ du như hai bên đã: "Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2017-2020."

Nhưng ai học ai, học cái gì và “cao” đến cấp nào? Và tại sao lại kéo dài cho đến hết thời gian trách nhiệm khóa đảng XII (2016-2020) của ông Nguyễn Phú Trọng, nếu ông đi hết nhiệm kỳ? Sau đó thì hai bên không cần phải đào tạo thêm nữa, hay đến đó thì kế họach Hán hóa hay Việt hóa đã hoàn tất? Rất mơ hồ.

Nên nhớ mỗi quốc gia là một thực thể độc lập, có chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của riêng mình. Chính sách và đường lối lãnh đạo cầm quyền của nước này không phải là bản sao của nước kia, dù có là đồng chí.

Việc trao đổi văn hóa và kinh nghiệm việc làm cho nhau giữa các dân tộc là bình thường, nhưng khi hai đảng duy nhất cầm quyền Việt-Trung đồng ý "đào tạo cán bộ cấp cao" cho nhau thì ai cũng biết Bắc Kinh khó mà chấp nhận làm vai "học trò" của Việt Nam. 

Bởi vì từ lâu Bắc Kinh đã chủ động giúp Việt Nam huấn luyện cán bộ các ngành, đặc biệt cán bộ làm công tác tư tưởng, tuyên truyền (Tuyên giáo), dân vận, chống nổi dậy, chống tội phạm, diệt ma túy và chống tham nhũng nên bây giờ leo qua công tác cán bộ cao cấp đảng là việc không lạ.

Có điều là khi hai đảng cầm quyền Việt-Trung đồng lòng dạy dỗ cán bộ lãnh đạo cho nhau thì hai nhà nước đã xóa đi tính “độc lập” để “hòa hợp” vào chung một chính sách. Nước nào đưa ra chủ trương thi hành cũng thế thôi.

Nhưng nếu sáng kiến tự đánh mất bản chất độc lập và chủ quyền Quốc gia là của Việt Nam thì đảng cầm quyền Cộng sản mắc nợ một lời giải thích trước nhân dân. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng đã nhắm mắt đầu hàng trước áp lực của Tập Cận Bình để được an thân thì lịch sử sẽ khó khoan dung cho ông.

Do đó không lạ khi thấy Tuyên bố chung Nguyễn Phú Trọng-Tập Cận Bình lần này đã không quên nhắc lại lập trường cố hữu của Trung Hoa rằng: "Hai bên khẳng định Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" (Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan) và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Phương châm được gọi là 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt là đòi hỏi của Trung Quốc đặt ra cho phía Việt Nam phải tuân thủ, bắt đầu từ khi hai nước nối lại bang giao năm 1991, tiếp theo sau Hội nghị bí mật Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) năm 1990.

Hội nghị này do phía Việt Nam yêu cầu nhằm bình thường quan hệ ngoại giao với Trung Hoa để tồn tại khi Thế giới Cộng sản do Nga lãnh đạo, vào thời gian này, sắp cáo chung. Phái đoàn Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (khóa VI) cầm đầu còn có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng. Phía Trung Hoa có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Những thỏa thuận tại Hội nghị này, bị coi là rất bất lợi cho Việt Nam, cho đến nay (2017) vẫn còn giữ kín. Duy nhất có một điều được nguyên Đại sứ Hà Nội tại Bắc Kinh, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tiết lộ rằng tại Thành Đô, phía Việt Nam đã phải chấp nhận đòi hỏi của Giang Trạch Dân loại bỏ Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương) vì ông Thạch có lập trường chống Tàu.

Nhu nhược thay, phía Việt Nam đã nhượng bộ ngay từ khóa đảng VII thời Đỗ Mười nên có tin nói ông Nguyễn Cơ Thạch đã phải thốt ra câu: "Thế là một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu."

Câu nói này có hay không đến nay chưa ai dám xác nhận. Con trai ông Thạch, Phạm Bình Minh hiện nay là Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Minh từng bị Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, một thân tín của Trung Hoa dìm không dám cất nhắc trong 10 năm, vì sợ làm Bắc Kinh phật lòng.

Ngoài ra tại Thành Đô, Việt Nam còn phải đồng ý không được nhắc đến cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 khi quân Trung Hoa chiếm quần đảo này của Việt Nam từ tay Quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Càng về sau, trong mọi cuộc nói chuyện về tranh chấp chủ quyền biển đảo, phía Trung Quốc đều từ chối nghe nhắc đến tên Hoàng Sa.

Tướng Vĩnh không cho biết liệu Hội nghị Thành Đô có ra điều kiện nào đối với 2 cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt (1979-1990) hay không, nhưng phía đảng và nhà nước Việt Nam đã nghiêm cấm các buổi tổ chức tưởng niệm trên 40 ngàn người Việt Nam đã hy sinh trong 2 cuộc chiến thảm khốc này. Việt Nam cũng không dám tổ chức tưởng niệm 64 chiến sỹ đã hy sinh chống quân Tầu ở Trường Sa năm 1988, và từ chối tuyên dương 74 chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình vì tổ quốc chống quân Tầu xâm lược Hoàng Sa tháng 1/1974.

Phía Việt Nam luôn luôn coi những việc dính đến “tình hữu nghị Việt-Trung” là “nhạy cảm” nên không dám đụng đến.

Nhưng việc tuân thủ đơn phương của Việt Nam về phương châm 16 vàng và 4 tốt đã liên tiếp được thi hành qua các đời Tổng Bí thư Đỗ Mười (khóa VII), Lê Khả Phiêu (khóa VIII), Nông Đức Mạnh (khóa IX và X) và Nguyễn Phú Trọng (khóa XI và XII).

Từ đó đến nay, Trung Quốc đã không ngừng rêu rao và được phía Việt Nam hớn hở cổ võ theo nói rằng: "Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung."

Tập - Trọng nói gì?

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phản ảnh nội dung này khi tiếp ông Trọng tại Bắc Kinh hôm 12/01/2017. Họ Tập nói: "Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam; mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung phát triển lành mạnh, ổn định theo phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt"."

Về phần mình, ông Trọng đã hạ mình trước Tập Cận Bình để: "Khẳng định Việt Nam luôn hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc và chân thành mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị bền vững và hợp tác toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới". (theo VOV, Voice of Viet Nam/Đài Tiếng Nói Việt Nam 12/01/2017)

Khơi rộng ra, vẫn theo VOV, hai bên đã đồng ý: "Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa các cơ quan của hai Đảng, giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc; làm sâu sắc thêm hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác giữa các lực lượng biên phòng và thực thi pháp luật hai nước."

Những quan hệ song phương này cũng không có gì mới mà chỉ lập lại những cam kết đã có trong các chuyến thăm Trung Hoa năm 2011 của ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi ông được bầu làm Tổng Bí thư khóa đảng XI; của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013; của ông Trọng đi Bắc Kinh năm 2015; của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam từ 05 đến 06/2015.

Hợp tác quốc phòng

Thứ đến cũng rất nghi ngờ là: "Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đến năm 2025."

Tuyên bố chung giữa hai nước đưa ra khi ông Trọng kết thúc chuyến thăm không cho biết hai bên đã "nhìn chung về hợp tác quốc phòng" như thế nào. Liệu "hợp tác" giữa hai nước cựu thù và còn đang gờm nhau trong tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông có bảo đảm sẽ không có chiến tranh thêm lần nữa?

Hay là phía Việt Nam đã cam kết không dám đụng tới lỗ chân lông lính Tầu đang chiếm đóng trên 7 bãi Đá, nay được tân tạo thành đảo cho quân đóng, tại Subi, Gaven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên?

Chỉ biết rằng Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Hoa, Thường Vạn Toàn đã ký bản Tuyến bố ngày 13/01/2017, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản hai bên.

Theo các báo Việt Nam, ông Lịch đã "đánh giá cao việc ký kết văn bản này do có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay, thể hiện bước phát triển chủ động, tích cực trong quan hệ quốc phòng, góp phần củng cố và phát triển đại cục quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước, hai quân đội, đồng thời làm thất bại mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ quan hệ hai nước, hai quân đội."

Tướng Lịch nói thế nhưng không ai biết thực chất của nội dung hợp tác quốc phòng Việt-Trung lần này như thế nào. Chỉ thấy rõ trong câu nói là thỏa hiệp sẽ "góp phần củng cố và phát triển đại cục quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước, hai quân đội."

Làm sao mà Tướng Lịch có thể tin chắc như “bắp rang” với một đội quân đã từng xâm lăng Việt Nam và vẫn còn chiếm đóng một phần lãnh thổ rộng lớn của Việt Nam ở dọc biên giới, quan trọng nhất là núi Lão Sơn (điểm cao 1509) ở Vị Xuyên (Hà Tuyên), sau 2 cuộc chiến tranh biên giới 1979-1990?

Chỉ có điều rõ nhất trong quan hệ giữa hai quân đội là khi Đại tướng Phùng Quang Thanh còn giữ Bộ Quốc phòng thì ông đã đồng ý với Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Hoa Thường Vạn Toàn sẽ tuyệt đối trung thành và bảo vệ đảng cầm quyền tại mỗi nước.

Thỏa hiệp lạ thường này của phía Việt Nam đã bị lên án là ngay những việc của quân đội Việt Nam cũng bị ràng buộc vào quyết định của Trung Hoa.

Vì vậy không ai lạ khi thây ông Lịch còn hội kiến với Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long trong thời gian tháp tùng ông Nguyễn Phú Trọng. 

Theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) từ Bắc Kinh ngày 13/01/2017 thì trong cuộc họp này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: "Đã đi sâu trao đổi với đồng chí Phạm Trường Long những biện pháp hợp tác nhằm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xứng đáng là lực lượng trung thành và tin cậy của Đảng, nhân dân và Tổ quốc, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản đối với quân đội, “phi chính trị hóa” quân đội."

Như thế rõ ràng tướng Lịch đã phải sang tận Bắc Kinh để được nghe chỉ bảo của Trung Hoa về cách "xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xứng đáng là lực lượng trung thành và tin cậy của Đảng, nhân dân và Tổ quốc."

Nếu “tầm nhìn quốc phòng chung” mới của Việt-Trung lấy đó làm mục tiêu hàng đầu thì “anh Bộ đội cụ Hồ” có còn là người lính Việt Nam nữa không hay là lính Trung Hoa?

Lập trường được gọi là “nhất quán của Việt Nam” hiện nay là theo đường lối “3 không” gồm (1) không liên minh quân sự; (2) "không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba" và cũng (3) "không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam."

Nhưng cũng thật cắc cớ không thấy phía Quốc phòng Việt Nam nói gì đến hành động bành trướng lãnh thổ và phòng thủ mỗi ngày mỗi rộng và nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt quanh vùng Trường Sa mà Việt Nam vẫn coi là thuộc chủ quyền của mình.

Được gì không?

Ngoài hai lĩnh vực quan trọng nêu trên, chuyến đi Tầu lần này của ông Nguyễn Phú Trọng còn gây cho nhiều người thắc mắc tại sao Việt Nam phải hợp tác với Trung Quốc để:

- Làm phim truyền hình chuyên đề giữa Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc”.

- Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc.

- Thỏa thuận hợp tác giữa Nhà xuất bản chính trị Quốc gia Sự thật Việt Nam và Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021

Nguyên nhân tạo nghi ngờ vì trước đây phía tuyên truyền của Trung Hoa đã phổ biến qua Việt Nam nhiều phim truyền hình ca tụng “chiến thắng vẻ vang” của quân Tầu chống quân Việt Nam trong chiến tranh biên giới Việt-Trung. Bắc Kinh cũng dùng Đài Phát thanh Quốc tế Trung quốc (CRI, China Radio International) tuyên truyền chống Việt Nam về cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Nhiều loại sách báo xuyên tạc và làm ô nhục Việt Nam của Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc cũng được tự do lan tràn ở Việt Nam, trước mắt Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và Truyền Thông.

Ngoài ra phía Việt Nam và Trung Hoa còn ký "Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa."

Nhượng bộ của Việt Nam dành cho Trung Hoa ở vùng biển vịnh Bắc Bộ đã nhiều, kể từ khi có Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ năm 2000.

Theo Bách khoa toàn thư mở thì Hiệp định này: "Nhằm xác định biên giới lãnh hảithềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ. Đây là kết quả sau nhiều đợt đàm phán kể từ năm 1973. Hiệp định này thay thế Công ước Pháp-Thanh 1887."

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hải dương cho rằng Việt Nam đã để cho Trung Quốc lấn chiếm tại 21 vị trí, trung bình từ 3 đến 27 hải lý (mỗi hải lý dái 1,825 mét).

Mặc dù cuộc đám phán phân định vào chi tiết vẫn chưa hoàn tất, nhưng phía Trung Hoa đã tự đào kiếm dầu và khí đốt trong khu vực mà cảnh sát biển và hải quân Việt Nam không dám ra tay.

Tuy vậy, Tuyên bố chung Trọng-Tập lần này lại ép Việt Nam phải đồng ý: "Hai bên nhất trí làm tốt các công việc tiếp theo sau khi hoàn thành khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã thỏa thuận."

Như vậy không những phía Việt Nam phải hợp tác, hay bằng lòng để cho Trung Hoa đóng bè hay khoanh vùng để nuôi trồng hải sản “bên trong” vịnh Bắc Bộ mà còn phải đồng ý phân định vùng biển “bên ngoài vịnh Bắc Bộ” để “hợp tác cùng phát triển”.

Vậy vùng biển “bên ngoài vịnh Bắc Bộ” không phải là Biển Đông thì là biển gì?

Nên biết năm 2014, Trung Quốc đã tự ý đem giàn khoan Hải Dương 981 đặt vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để tìm kiếm dầu từ 2/5 đến 15/7/2014. Vị trí này chỉ cách đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa 17 hải lý (hay khoảng 30 cây số) về phía Nam và cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam có 120 hải lý về phía Đông.

Cũng nên nhớ là lập trường “hợp tác cùng phát triển” là cụm từ của phía Trung Quốc, bắt nguồn từ lập trường của Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình “gác tranh chấp để cùng khai thác”, đưa ra từ năm 1979.

Từ đó đến nay, các thế hệ cầm quyền Trung Hoa đã lấy đó làm kim chỉ nam đế lấn chiếm tài nguyên và lãnh thổ của các nước trong khu vực, thiệt thòi nhất là phía Việt Nam vì có đường biển dài 3,260 cây số, không kể các đảo.

Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam, từ lâu đã phải ngậm đắng nuốt cay để sử dụng nhóm chữ "hợp tác cùng phát triển" với Trung Hoa mỗi khi phải nói chuyện biển đảo với Lãnh đạo Tầu.

Không mới nhưng nặng hơn

Ngoài chuyện lình xình ở Vịnh Bắc Bộ, thêm lần nữa phía Trung Hoa cũng lưu ý ông Nguyễn Phú Trọng phải giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên 6 Điều ghi trong "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc" được chính ông Trọng ký tại Bắc Kinh với lãnh tụ Hồ Cẩm Đào năm 2011.

Có 3 Điều quan trọng như sau:

- (Điều 3). Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).

Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.

Điều này có nghĩa Trung Hoa bác yêu sách của một số nước trong khối 10 nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á muốn “quốc tế hóa” chuyện tranh chấp. Mục đích là ép Bắc Kinh đồng ý phải để cho Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Nga cùng tham gia giải quyết vì Biển Đông là đường giao thông quốc tế có liên quan đến nhiều quốc gia.

-(Điều 4). Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.

(Điều 2). Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.)

(Điều 5). “Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.”

Ngoài những bất lợi cho Việt Nam kể trên, chuyến sang Tầu lần này của ông Nguyễn Phú Trọng còn có hững thỏa thuận về hợp tác văn hóa, giáo dục, kinh tế, phát triển cơ sở, an ninh biên giới, chống tội phạm, hợp tác cảnh sát biển, cửa khẩu v.v… 

Tuy nhiên tất cả như thứ này và những hứa hẹn như “sẽ thúc đầy” hay “khuyến khích” của phía Trung Hoa dành cho Việt Nam ghi trong các văn kiện phải cần thời gian mới thấy có đem lại kết quả cho Việt Nam hay chỉ có lợi cho Trung Hoa.

Như vậy, phái đoàn Nguyễn Phú Trọng khi đi đã quang gánh nặng nề với 4 Ủy viên Bộ Chính trị gồm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng;Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Cộng vào đó là Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Nhưng căn cứ vào những gì họ thu hoạch được thì khi về chỉ thấy họ thua thiệt và vác những chiếc thúng không. -/-

(01/017)

Vai trò của Mao Trạch Đông trong chiến dịch tiến chiếm Hoàng Sa 1974

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Luồng gió ngoại giao đã đổi chiều khi Tổng Thống Mỹ Richard Nixon bắt tay với Mao ngày 21 tháng Hai 1972. Chuyến viếng thăm Trung Cộng của Nixon nhắm vào 3 mục đích: (1) hướng tới một giải pháp hòa bình tại Đài Loan, (2) tìm một giải pháp hòa bình cho chiến tranh Việt Nam qua đàm phán và (3) giảm ảnh hưởng của Liên Xô. Như lịch sử đã chứng minh, ít nhất hai trong số ba mục đích của TT Richard Nixon đều không đạt được. Chỉ riêng vấn đề Việt Nam, chiến tranh không chấm dứt bằng giải pháp hòa bình mà bằng máu cho đến ngày 30-4-1975.

Sự gần gũi giữa Mỹ và Trung Cộng đã đẩy CS Việt Nam nghiêng xa hơn về phía Liên Xô. Bắc Việt cho rằng Trung Cộng đã phản bội đảng CSVN khi đặt mối quan hệ giữa Trung Cộng và Mỹ lên trên quyền lợi của Bắc Việt. Xuân Thủy, trưởng phái đoàn đàm phán của Bắc Việt, tố cáo Mỹ “âm mưu chia rẽ khối xã hội chủ nghĩa”. Khoảng cách giữa Bắc Việt và Trung Cộng xa cách dần mặc dù Trung Cộng tuyên bố vẫn tiếp tục “ủng hộ cuộc chiến chống Mỹ đến mục đích cuối cùng”. 

Chủ trương chiếm Hoàng Sa trước khi chiến tranh chấm dứt

Sau khi hiệp định Paris được ký kết, quan hệ giữa CS Bắc Việt và Trung Cộng trở nên tệ hại hơn. Học bài học tranh chấp biên giới với Liên Xô phía Bắc và phát xuất từ mối lo sợ bị bao vây ở phía Nam, Mao nghĩ đến việc phải tiến chiếm các đảo ngoài Biển Đông trước khi CS Bắc Việt chiếm toàn bộ Việt Nam và rơi hoàn toàn vào quỹ đạo của Liên Xô, lúc đó là kẻ thù số một của Trung Cộng. Mao càng lo lắng hơn khi thấy chính sách của Mỹ ngày càng trở lại với chủ trương tự cô lập (American Isolationism) trước đây trong lúc Liên Xô ngày càng mở rộng và có khả năng lấn chiếm sang Châu Á. 

Ngoài lý do lãnh thổ, việc tiến chiếm Hoàng Sa là một bước thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mao, chuyển từ giai đoạn đấu tranh cách mạng dựa trên quan điểm Marx-Lenin-Mao sang thực tế quốc tế. Để thực thi các chính sách này, Mao cần một lãnh đạo có đầu óc thực dụng, và người đó không ai khác hơn là Đặng Tiểu Bình. Ngày 22 tháng 12, 1973, Mao phục hồi họ Đặng. 

Mặc dù già nua, bệnh hoạn, chủ trương “phục hồi các lãnh thổ Trung Quốc bị mất” là chủ trương của Mao. 

Đặng Tiểu Bình đóng vai trò tích cực nhưng y chỉ mới được phục hồi chưa đầy một tháng sau sáu năm bị hạ bệ. Chu Ân Lai chủ tọa nhiều phiên họp của Bộ Chính Trị nhưng trong thời gian đó họ Chu đang bị kết án hữu khuynh. Diệp Kiếm Anh được giao trách nhiệm chủ tịch của ủy ban nhưng họ Diệp đã 77 tuổi và thuộc thành phần tướng lãnh thời Vạn Lý Trường Chinh. 

Tháng Giêng 1974, Mao quyết định tiến chiếm Hoàng Sa trước. Kế hoạch chiếm Hoàng Sa được nghiên cứu rất kỹ lưỡng và chi tiết, không chỉ về mặt quân sự mà cả chuẩn bị dư luận quốc tế để biện hộ cho hành động xâm lược Việt Nam. 

Về mặt đối ngoại. Để có lý do tấn công Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, bộ máy tuyên truyền Trung Cộng tố cáo Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 11, 1973 đã bắt giữ tàu đánh cá Trung Cộng và hành động đó được xem như vi phạm chủ quyền Trung Cộng, buộc Trung Cộng phải “phản công tự vệ”. Ngày 11 tháng Giêng 1974, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng ra thông báo xác định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và vùng biển chung quanh quần đảo này: “Các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa đều là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có chủ quyền không thể tranh cãi đối với những hòn đảo này”.

Về mặt tổ chức. Một ủy ban đặc nhiệm của các lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng và nhà nước Trung Cộng được thành lập để phát thảo kế hoạch tiến chiếm Hoàng Sa được thành lập trong phiên họp của Bộ Chính Trị do Chu Ân Lai chủ tọa. Năm Ủy viên Bộ Chính Trị trong ủy ban gồm Thống Chế Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying), Phó Chủ Tịch Trung Ương Đảng Vương Hồng Văn (Wang Hongwen), Ủy Viên Thường Trực Bộ Chính Trị phụ trách tuyên truyền Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao), Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) và Đại Tướng Tư Lệnh Quân Khu Bắc Kinh Trần Tích Liên (Chen Xilian). Chu Ân Lai giao cho Diệp Kiếm Anh trách nhiệm điều hành ủy ban.

Mao phê chuẩn thành phần ủy ban

Một phiên họp mở rộng sau đó, ngoài Chu Ân Lai và năm thành viên còn có sự tham dự của Đô Đốc Tô Chấn Hoa (Su Zhenhua), Chính Ủy Thứ Nhất của Hải Quân Trung Cộng. Tô Chấn Hoa là một trong những tướng hải quân có quan hệ mật thiết với Đặng Tiểu Bình và cũng là người chủ trương bành trướng Biển Đông. 

Với một thành phần lãnh đạo chiến dịch cao cấp và đầy đủ ban bộ như vậy chứng tỏ việc tiến chiếm Hoàng Sa không chỉ là một tranh chấp biển đảo bình thường mà còn mang một ý nghĩa chiến lược hàng đầu và phải chiếm Hoàng Sa bằng mọi giá. 

Về mặt quân sự. Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Cộng thực hiện một cuộc viễn chinh hải quân chống lại nước ngoài và lực lượng tham chiến được chọn lựa kết sức cẩn thận. Bốn ngày sau khi Trung Cộng tuyên bố chủ quyền, 11 chiến hạm của hải quân Trung Cộng và 600 lính được lệnh tiến vào vị trí. Các phi đoàn chiến đấu cơ đặt trên đảo Hải Nam được lệnh sẵn sàng tham chiến. Đặng Tiểu Bình trong thời gian này vừa được giao phó chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và thay mặt ủy ban điều hợp các hoạt động của Quân Ủy Trung Ương cũng như các vấn đề quân sự khẩn cấp. Bộ Tư lệnh Hạm Đội Nam Hải dưới quyền Tư lệnh Zhang Yuanpei trực tiếp chịu trách nhiệm tiến chiếm Hoàng Sa. 

Kế hoạch được đệ trình lên Mao và Mao chấp thuận

Ngày 19 tháng Giêng 1974, Hải Quân Trung Cộng tiến chiếm Hoàng Sa. Sau trận hải chiến khoảng một giờ, Trung Cộng chiếm Hoàng Sa. Phía Trung Cộng công bố họ chỉ có 18 binh sĩ thiệt mạng và không có tàu nào chìm mặc dù báo chí Tây Phương cho rằng ít nhất một chiến hạm của hải quân Trung Cộng đã bị bắn chìm. Người viết không trình bày chi tiết ở đây vì diễn biến của hải chiến Hoàng Sa đã được rất nhiều tài liệu và nghiên cứu Việt Nam cũng như quốc tế công bố. Rất nhiều thông tin quý giá đang được lưu trữ tại website hqvnch.org.

Thái độ bàng quan của Mỹ

Chính phủ Mỹ ra lệnh Đệ Thất Hạm Đội không được can thiệp vì đã đồng ý ngầm với Trung Cộng sẽ giữ thái độ bàng quan trong tranh chấp Hoàng Sa, và các chiến hạm và phi cơ của Mỹ sẽ không xâm phạm giới hạn 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. Cam kết này của Mỹ đã được Ngoại Trưởng Trung Cộng Hoàng Hoa nhắc lại trong diễn văn đọc trước Liên Hiệp Quốc ngày 12 tháng Tư 1972 với sự hiện diện của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger. 

Bản tin của báo Time ngày 4 tháng Hai 1974 cũng xác định chính sách của Mỹ trong hải chiến Hoàng Sa là “tuyệt đối khoanh tay”. 

Ngoài ra, trước đó vào mùa xuân 1972, Trung Cộng đã thử ý định Mỹ bằng cách gởi công hàm phản đối khi một tàu chiến Mỹ vi phạm khu vực 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. Mỹ đáp ứng bằng việc chỉ thị hải quân Mỹ sẽ không hải hành trong khu vực 12 hải lý do Trung Cộng quy định. Thái độ đó của Mỹ là dấu hiệu cho Trung Cộng biết Mỹ sẽ không can dự vào tranh chấp Hoàng Sa.

Tại sao Trung Cộng chọn ngày 19 tháng Giêng 1974? 

Ngày 19 tháng Giêng 1974 là ngày kỷ niệm 24 năm Trung Cộng công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây không phải là sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên mà là một cái tát chính trị vào mặt đảng CSVN. 

Tối ngày 20 tháng Giêng, Chu Ân Lai triệu tập phiên họp để tổng kết thành quả chiến dịch, và ngay sau phiên họp y đã trình chiến thắng lên Mao. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị sáp nhập vào địa phận tỉnh Quảng Đông. Các báo đảng và nhà nước Trung Cộng sau đó đã tung hô “chiến thắng vĩ đại của Mao Chủ tịch trên biển”.

Về phía CSVN, ngoài tuyên bố ba điểm chung chung giống như người ngoài cuộc của cái gọi là “Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” ngày 26 tháng Tư 1974, các lãnh đạo CS Bắc Việt không có một lời phản đối nào trước hành động xâm lăng của Trung Cộng. Khi đất nước bị xâm lăng, những kẻ chọn thái độ im lặng cũng chẳng khác gì chọn đứng về phía xâm lăng.

Bài học lịch sử từ hải chiến Hoàng Sa

Đừng trông cậy vào ngoại viện: Trong tổng kết mới nhất The U.S. China Military Scorecard 1996-2017 của RAND Corporation, tuy Trung Cộng đạt nhiều tiến bộ trong hơn 30 năm hiện đại hóa, kỹ thuật chiến tranh của Mỹ vẫn còn dẫn trước rất xa. Ngay cả trong vũ khí nguyên tử, tỉ lệ giữa Mỹ so với Trung Cộng là 13 trên 1. Nghĩa là, dù bắn trước, Trung Cộng vẫn sẽ phải bị Mỹ đánh trả bằng bom nguyên tử nhiều lần. 

Tuy nhiên, sự vượt trội kỹ thuật chiến tranh không có nghĩa Mỹ sẽ can thiệp vào xung đột Biển Đông nếu Việt Nam bị Trung Cộng tấn công lần nữa. Vì các lý do kinh tế, Mỹ có thể làm ngơ như họ đã từng làm ngơ vì lý do chính trị trong hải chiến Hoàng Sa 1974. Bài học của hai cuộc thế chiến cho thấy Mỹ chỉ tham chiến khi quyền lợi của họ bị va chạm trực tiếp và phải có lợi về đường dài. Không nên trách ai cả. Một con người hay một quốc gia cũng thế, phải tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình trước khi trông cậy vào sự giúp đỡ của người khác. 

Dân chủ hóa hay mất nước: Tham vọng bành trướng trên Biển Đông của Trung Cộng quá rõ ràng và lộ liễu. Mặc dù có các áp lực quốc tế, không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Cộng sẽ từ bỏ tham vọng chiếm đoạt Biển Đông. Chủ trương gặm nhấm Biển Đông của Trung Cộng đang được tiến hành từng bước và chúng hy vọng đến mức độ nào đó sẽ đặt Mỹ và cả thế giới vào thế đã rồi. Trung Cộng đã nuốt vô thì chỉ có cách mổ bụng chúng mới lấy ra được. 

Để tránh đại họa mất nước, chọn lựa duy nhất của Việt Nam hiện nay là dân chủ hóa và phải dân chủ hóa gấp. Dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin cậy nơi các nước dân chủ Tây Phương, nhưng quan trọng nhất là nền tảng của đoàn kết dân tộc và thăng tiến đất nước. Một dân tộc chia rẽ không thắng được Trung Cộng. Dân chủ là đôi cánh giúp đất nước có thể cất cao lên cùng thời đại. Đó không phải là lý thuyết mà là thực tế chính trị đang được hầu hết các quốc gia áp dụng. Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất trong tiến trình dân chủ hóa là tháo gỡ cho được cơ chế chính trị xã hội độc tài CS hiện nay.

Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia: Bước quan trọng sau dân chủ hóa là chủ động chiến lược vị trí quốc gia trong trường quốc tế. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cho phép Phần Lan được duy trì cơ chế dân chủ trong khi khống chế mọi chính sách đối nội và đối ngoại đi ngược với quyền lợi của Liên Xô. Phần Lan không có chọn lựa nào khác vì không nằm trong vị trí chiến lược. 

Khác với trường hợp Phần Lan, một Việt Nam dân chủ có khả năng thoát ra khỏi khả năng bị “Phần Lan Hóa”, đưa đất nước vào vị trí chiến lược quốc tế và chủ động làm cho quốc tế quan tâm. 

Chủ trương hiện nay của lãnh đạo CSVN “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia” là chủ trương tự sát, không đúng về lý thuyết lẫn thực tế chính trị. Chủ trương này là bản sao chính sách đối ngoại của Trung Cộng nhưng khác ở điểm Trung Cộng chỉ tuyên bố để tuyên truyền chứ không bao giờ áp dụng. 

Kết luận

Robert D. Kaplan, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng và đã được tạp chí The Policy hai lần xếp vào danh sách 100 nhà tư duy hàng đầu của thế giới (“Top 100 Global Thinkers”), cho rằng Trung Cộng có khả năng cao sẽ “Phần Lan Hóa” Việt Nam. 

“Phần Lan Hóa” là một loại chủ nghĩa thực dân trong thời đại toàn cầu. 

Chủ trương này ít tốn kém vì các quốc gia bị “Phần Lan Hóa” được phép duy trì độc lập trên danh nghĩa nhưng chính sách đối ngoại sẽ được soạn thảo tại Bắc Kinh. 

Trung Quốc làm như vậy để vừa thúc đẩy nền kinh tế đang tiến rất chậm và đồng thời cũng để giảm áp lực chống đối từ trong nước qua việc đề cao chủ nghĩa dân tộc. Công thức mà Trung Cộng đang sử dụng không có gì mới và mô hình phát triển hiện nay của Trung Cộng cũng không phải là một loại mô hình ngoại lệ (Chinese exceptionism) như một số lý thuyết gia của đảng CSTQ đang dùng để kết luận Trung Cộng sẽ không sụp đổ. 

Một thành phần có ảnh hưởng trực tiếp vào sự thay đổi cơ chế chính trị nhưng Robert D. Kaplan không đưa vào phân tích của ông, đó là nhân dân, tức là thành phần những người dân của một quốc gia có ý thức cao về quyền hạn và trách nhiệm phải thực thi đối với đất nước. Trong thực tế cách mạng dân chủ, đóng góp của nhân dân là yếu tố âm thầm nhưng quyết định, tiềm tàng nhưng vô cùng mạnh mẽ như đã chứng tỏ tại nhiều quốc gia Đông Âu, Phi Châu, và tại Liên Xô cũ. Tại Việt Nam, yếu tố nhân dân còn giới hạn, chưa tập trung, thiếu tổ chức nhưng đã có và đang trên đà phát triển. Những hạt giống đã được gieo xuống. Mỗi người Việt, mỗi tổ chức, đoàn thể trong điều kiện và phương tiện sẵn có của mình nên tập trung chăm bón. 



__________________________________________

Tham khảo:

- Yang Kuisong (2002). Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina War, 1949-1973. Woodrow Wilson International Center for Scholars. 

- Bruce A. Elleman and S.C.M. Paine (2011). Naval Power and Expeditionary Warfare: Peripheral Campaigns and New Theatres of Navy Warfare. Taylor and Francis Group. 

- Qiang Zhai (2002). China & The Vietnam Wars, 1950-1975. University of North Carolina Press. 

- Dr. Stein Tonnesson (2001, July). The Paracels: The “other” South China Sea Dispute, Paper presented at the South China Sea Panel, International Studies Association, Hong Kong Convention. 

- Eric Heginbotham (2015). The U.S. China Military Scorecard 1996-2017, RAND Corporation.

- Paracel (Xisha) Islands – 1974, globalsecurity.org. 

- David Brown (2014, May 22). Vietnam Faces “Finlandization” from China. Asia Sentinel. 

- Larry M. Wortzel, Robin D. S. Higham (1999). Dictionary of Contemporary Chinese Military History. Greenwood Press. - The World: Storm in the China Sea. Time, Feb. 04, 1974. 

- Robert D. Kaplan. The South China Sea is to China what the Greater Caribbean was to the United States, The Globe and Mail, June 19, 2015.

- John W. Garver. Chinas Quest: The History of the Foreign Relations of the Peoples Republic. pp. 324-325. Oxford University Press. 

- Lai To Lee (1999). China and the South China Sea Dialogues, pp13-14. Praeger, London. 

- Bill Hayton (2014). The South China Sea: The Struggle for Power in Asia, Yale University Press. 

- hqvnch.org (Trang sưu tầm tài liệu lịch sử Hải Quân VNCH)