Thursday, June 22, 2017

Quảng Nam: Làm vài trăm mét đường, dân khốn khổ hơn chục năm

Đoạn đường “giậm chân tại chỗ” gây khổ cho dân. (Hình: Báo Thanh Niên)
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Việc thi công đoạn đường chỉ vài trăm mét ở phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, vẫn “giậm chân tại chỗ” suốt nhiều năm qua khiến người dân khốn đốn, bất bình.
Theo báo Thanh Niên, ngày 21 Tháng Sáu, nguyên nhân khiến đoạn đường trên làm mãi không xong bắt nguồn từ việc công tác giải tỏa mặt bằng, bố trí tái định cư. Đặc biệt, việc  đền bù đất áp giá từ năm 2003, nhưng mãi đến 2015 mới đền bù cho dân, với giá quá rẻ đã khiến hơn 140 gia đình ở khu phố Quảng Lăng 2, tức giận và nhiều lần cản trở đơn vị thi công.
Bên cạnh đó, một số nhà sau khi bị giải tỏa trắng vẫn chưa có phương án giao đất tái định cư. Trong khi đó, nhiều gia đình có sẵn đất vườn xin chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở lại bị đóng tiền thuế với mức giá rất cao.
Bà Đặng Thị Nở, một gia đình thuộc diện phải giải tỏa, tức giận nói: “Năm 2015, gia đình tôi bị thu hồi 195 mét vuông đất ở và được đền bù 152 triệu đồng. Đến khi cần đất xây nhà thì tôi mới biết mình phải bỏ ra gần 300 triệu đồng để chuyển 200 mét vuông đất vườn sang đất ở. Như thế chẳng khác nào ép gia đình tôi.”
Chính việc thi công dang dở, ì ạch đã kéo theo những hệ lụy về môi trường cũng như an toàn giao thông tại đoạn đường “làm mãi không xong” này. Cùng hàng chục ngàn lượt xe máy qua lại mỗi ngày thì lượng xe phục vụ công trình cộng với xe đường dài tránh trạm thu phí đã băm nát đoạn đường “đau khổ.”
Nhiều gia đình sống dọc tuyến đường đều phải chịu cảnh bụi bay mù mịt cả ngày lẫn đêm.
Nhà cửa luôn trong tình trạng bụi đóng dày đến nỗi dù có người trong nhà vẫn phải đóng cửa kín mít. Khi mùa mưa đến, các ổ gà, ổ voi giữa mặt đường gia tăng nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Thế nhưng, nói với báo Thanh Niên, ông Phan Minh Dũng, phó chủ tịch thị xã Điện Bàn, cho biết: “Lãnh đạo thị xã sẽ đối thoại với người dân thêm một lần nữa để tìm được tiếng nói chung.” (Tr.N)

Doanh nghiệp ở Việt Nam tự nguyện ‘đút lót’ để giảm phiền hà

“Chi phí không chính thức” vẫn bám riết doanh nghiệp. (Hình: Báo Thanh Niên)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – 50-60% doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức vì cho rằng để giảm phiền hà, duy trì quan hệ, né tránh nghĩa vụ, việc chi trả phần nào xuất phát từ chính doanh nghiệp.
Đó là khẳng định của ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp năm 2017 tổ chức tại Hà Nội hôm 22 Tháng Sáu, theo báo điện tử VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam.
lẫn hàng loạt bộ luật nhưng cuối cùng vẫn chẳng có cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm.
Trong vài năm gần đây, giới lãnh đạo Việt Nam đã đi từ thừa nhận sự tồn tại của các “nhóm lợi ích” (chỉ sự liên kết giữa các viên chức với doanh nhân, lũng đoạn hoạt động của hệ thống công quyền để trục lợi), đến chỗ xác định hoạt động của các “nhóm lợi ích” là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của cả quốc gia lẫn chính thể.
Ông Nguyễn Đình Hương, cựu phó ban tổ chức của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, từng cảnh báo, các “nhóm lợi ích” đã câu kết, chi phối nhiều lĩnh vực từ thấp đến cao, hình thành các liên minh, tạo ra các “cụm chính sách,” những “chùm lợi ích,” xé nhỏ lợi ích công cộng.
Ông Lê Quốc Lý, phó giám đốc Học Viện Chính Trị-Hành Chính Quốc Gia, nói rằng các “nhóm lợi ích” đang vận hành theo cấu trúc của mafia, khai thác hai yếu tố quyền lực và tài chính, tạo ra đặc quyền tiếp cận tín dụng, tài nguyên-khoáng sản, đất đai.
Những cựu viên chức và viên chức vừa kể lặp lại ý kiến mà nhiều chuyên gia đã đề nghị từ lâu, rằng phải minh bạch hóa, tạo điều kiện để báo giới và các tổ chức dân sự giám sát hoạt động của hệ thống công quyền.
Truy cứu trách nhiệm những cá nhân ban hành các văn bản trái pháp luật. Họ đòi xóa bỏ tình trạng ai cũng là chủ nhưng không có ai chịu trách nhiệm. Viên chức lãnh đạo có quyền rất lớn nhưng không bị buộc phải chịu trách nhiệm về mình làm.
Cho dù mức độ mạnh mẽ của các khuyến cáo, các chỉ trích mạnh mẽ hơn nhiều so với trước song thẩm quyền quyết định có thực thi các đề nghị hay không và thực thi thế nào thì vẫn như trước: Vẫn nằm trong tay những viên chức mà ai cũng tin đang dính dáng tới “nhóm lợi ích” nào đó.
Do vậy mà diễn đàn doanh nghiệp thường niên nào cũng chỉ chừng đó lời than.(G.Đ)

Nhiều cơ sở sản xuất ở Vũng Tàu dùng chất cấm làm thực phẩm

Khách du lịch Vũng Tàu bị ngộ độc được điều trị tại bệnh viện. (Hình: Báo Thanh Niên)
BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Đoàn du khách thăm Vũng Tàu, sau khi ăn tại một nhà hàng trên đường Hoàng Hoa Thám, thì bị ngộ độc nôn ói, đau bụng, ngất xỉu phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ngày 21 Tháng Sáu, lãnh đạo bệnh viện Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu, cho biết đã phúc trình với Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm (ATVSTP) tỉnh về vụ khoảng 60 du khách vào bệnh viện cấp cứu do bị ngộ độc thực phẩm hôm 11 Tháng Sáu.
Theo đó, đoàn du khách gần 1,000 người được một công ty du lịch tại Sài Gòn đưa đến Vũng Tàu tham quan. Các du khách được đưa đến nhiều địa điểm khác nhau để ăn uống. Trong đó, có nhóm ăn tại một nhà hàng trên đường Hoàng Hoa Thám thì đến 10 giờ sáng cùng ngày bị nôn ói, đau bụng được đưa đến bệnh viện Lê Lợi cấp cứu.
Nói về vấn đề ATVSTP của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đặng Minh Thông, phó chủ tịch tỉnh, cho hay trong sáu tháng qua, tỉnh đã kiểm tra hơn 1,300 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện hơn 180 cơ sở vi phạm về ATVSTP.
Qua kiểm tra cho thấy tình trạng sử dụng các chất cấm như hàn the, formol, methanol vẫn còn tồn tại trong các sản phẩm giò, chả, chả cá, rượu… Các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, con người, nguyên liệu thực phẩm chưa bảo đảm ở các lĩnh vực.
Đặc biệt, ông cho hay, công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn khó khăn do đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh không ghi chép đầy đủ nguồn nguyên liệu đầu vào, không ghi nhật ký sản xuất… (Tr.N)

Flycam khám phá hiện trường khai thác đá tàn phá Vịnh Hạ Long

Flycam khám phá hiện trường khai thác đá tàn phá Vịnh Hạ Long
Một nhóm nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam đã dùng máy quay phim gắn trên máy bay điều khiển từ xa, khám phá hiện trường một vụ khai thác thác đá hủy diệt nhiều quả núi trong di sản thế giới vịnh Hạ Long.
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hôm Thứ Tư đăng tải trên mạng xã hội Facebook một đoạn phim dài gần 8 phút, quay từ flycam bay trên Vịnh Hạ Long. Phim cho thấy ba quả núi đã bị khai thác gần hết.
Trong cùng ngày, báo mạng NewVnNews cũng đăng lại đoạn phim, nhưng thực hiện công việc phối kiểm thông tin với nhà chức trách tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, quả thật có hoạt động khai thác đá trong vùng đệm của vịnh Hạ Long, nhưng sự việc đã diễn ra từ năm 2014 và giới hữu trách tỉnh Quảng Ninh đã ngăn chặn.
NewVnNews mô tả là cả một dãy núi bên bờ biển ở phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, đã bị đục phá trong một thời gian dài. Khe núi bị xẻ thành con đường thông ra tận mép vịnh.
Chính quyền đã khám phá ra hoạt động tàn phá di sản thiên nhiên, nhưng đến 10 tháng sau mới ra lệnh đình chỉ, với kết quả là “di sản không thể trở lại nguyên trạng”.
Cũng theo sự thú nhận của các quan chức Quảng Ninh, năm 2008 họ đã giao cho công ty Minh Anh 30 héc ta đất trong khu vực vùng đệm của vịnh Hạ Long để làm… bãi đổ chất thải. Công ty Minh Anh sau đó bị cáo buộc là đã “tự ý phá núi, mở đường”.
Thành phố Hạ Long đã xử phạt công ty này 17 triệu đồng, tương đương hơn… 750 Mỹ kim vì làm biến mất ba quả núi của kỳ quan thiên nhiên!
Huy Lam / SBTN

Quốc hội CSVN cấm quân đội dùng đất công để kinh doanh?

Quốc hội CSVN cấm quân đội dùng đất công để kinh doanh?
ẢNh: Pháp Luật Online
Quốc hội CSVN hôm Thứ Tư 21/06 đã biểu quyết bằng cách bấm nút, để thông qua một đạo luật bao gồm điều khoản cấm quân đội dùng đất công để kinh doanh.
Việc thực thi đạo luật này chắc chắn đối diện với những khó khăn, bởi vì quân đội CSVN hiện bao gồm những tập đoàn kinh tế, chuyên sử dụng tài sản công và nhân lực miễn phí để làm ăn.
Luật “Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2018 quy định rằng, tài sản công dưới quyền kiểm soát của các lực lượng vũ trang được chia thành hai nhóm là đặc biệt và chuyên dùng. Tài sản đặc biệt gồm vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt, phương tiện đặc chủng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công trình chiến đấu và công trình phòng thủ chiến lược. Tài sản chuyên dùng gồm đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất thuộc doanh trại, trụ sở đóng quân, kho tàng, học viện, trường đào tạo nghiệp vụ quốc phòng và an ninh, trường bắn, thao trường, bãi tập, cơ sở giam giữ của lực lượng vũ trang… Điều 65 của luật này quy định: “Không được sử dụng tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và hình thức kinh doanh khác”.
Nếu luật này được thi hành, các công ty quân đội như Vietel, Long Biên… có thể sẽ gặp rắc rối. Vietel được cho là đang nhận khu đất tranh chấp ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Công ty Long Biên làm chủ sân golf ngay bên cạnh phi trường Tân Sơn Nhất.
Huy Lam / SBTN

HRW: Việt Nam nên bỏ điều luật buộc luật sư tố thân chủ

Theo VOA-23/06/2017
Những bloggers, nhà hoạt động nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến đã bị chính quyền Việt Nam kết án. (HRW © Private)
Những bloggers, nhà hoạt động nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến đã bị chính quyền Việt Nam kết án. (HRW © Private)
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch chỉ trích điều luật mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, buộc luật sư chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố cáo một số hành vi phạm tội của thân chủ. HRW kêu gọi Việt Nam hãy lập tức hủy bỏ điều khoản này.
Trong thông cáo ra ngày 21/6, đúng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tổ chức HRW, có trụ sở ở New York, nói luật hình sự sửa đổi của Việt Nam khi buộc luật sư tố cáo thân chủ, sẽ đe dọa quyền được bào chữa và trừng phạt tự do ngôn luận.
“Buộc luật sư vi phạm tính bảo mật giữa người bào chữa và thân chủ có nghĩa là các luật sư phải trở thành chỉ điểm cho nhà nước, và thân chủ sẽ không có lý do gì để tin tưởng luật sư của chính mình,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong thông cáo của HRW.
“Việt Nam coi mọi ý kiến phê phán hoặc phản đối chính phủ hay Đảng Cộng sản là vấn đề “an ninh quốc gia” – điều này sẽ tước bỏ mọi cơ hội bào chữa pháp lý thực sự trong các vụ việc như thế,” theo ông Adams.
Kết quả biểu quyết về Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung (chụp màn hình Tuổi Trẻ, 20/6/2017)
Kết quả biểu quyết về Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung (chụp màn hình Tuổi Trẻ, 20/6/2017)
Bộ luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 20/6 có quy định “luật sư tố giác thân chủ” đã gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn ở Việt Nam. Giới luật sư trong nước đặc biệt phản đối quy định này, theo luật sư Ngô Ngọc Trai trong cuộc phỏng vấn với VOA-Việt Ngữ ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu tán thành luật sửa đổi.
Ông nói điều luật này “bất lợi cho giới luật sư khi hành nghề” vì “nó tạo ra những rủi ro rất nghiêm trọng đối với giới luật sư trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án.”
“Buộc luật sư vi phạm tính bảo mật giữa người bào chữa và thân chủ có nghĩa là các luật sư phải trở thành chỉ điểm cho nhà nước, và thân chủ sẽ không có lý do gì để tin tưởng luật sư của chính mình.”
Truyền thông trong nước trích lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga lý giải rằng việc chính phủ “không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa, xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội và vì lợi ích chung của cộng đồng.”
Ông Brad Adams nói: “Việt Nam coi mọi ý kiến phê phán hoặc phản đối chính phủ hay Đảng Cộng sản là vấn đề ‘an ninh quốc gia’ – điều này sẽ tước bỏ mọi cơ hội bào chữa pháp lý thực sự trong các vụ việc như thế.”
Tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế này đặc biệt quan ngại về Điều 19 của bộ luật sửa đổi nhắm vào những người bị truy tố về các tội danh an ninh quốc gia “được định nghĩa mơ hồ như ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’, ‘tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’, và ‘phá rối an ninh’.”
Thông cáo của HRW có đoạn viết: “thay vì hủy bỏ những điều luật mơ hồ thường bị lạm dụng để trừng phạt những hoạt động thực thi các quyền tự do như tự do hội họp, lập hội và tự do ngôn luận, thì giờ đây chính quyền lại bổ sung thêm các hình phạt nặng nề hơn đối với các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền.”
Nhiều luật sư đã bày tỏ quan ngại về quy định mới này. Một tuần trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật sửa đổi, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi tới Quốc hội một công văn, đề nghị hủy bỏ điều khoản trên và gọi đây là “một bước thụt lùi so với Bộ luật Hình sự 1999.” Luật sư Ngô Ngọc Trai cũng đồng ý với quan điểm này. Ông với VOA rằng luật này là “một bước thụt lùi của tư pháp Việt Nam”.
Tổ chức nhân quyền quốc tế HRW cảnh báo rằng “các nhà đầu tư và đối tác thương mại nước ngoài của Việt Nam cần hết sức lưu ý về điều luật bắt buộc luật sư trình báo thông tin riêng tư của thân chủ với chính quyền, nếu muốn tránh gặp phiền phức.”
Bộ luật hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày đầu năm 2018.

Đàn áp bất đồng chính kiến được xem là có lợi cho giới làm ăn tại Việt Nam

Theo VOA/23/06/2017
Tư liệu - Người Việt tại Mỹ phản đối Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền tại Nhà Trắng tháng 5/2017
Tư liệu - Người Việt tại Mỹ phản đối Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền tại Nhà Trắng tháng 5/2017
Các nhà phân tích kinh tế nói nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy một khía cạnh tích cực của chiến dịch đàn áp thành phần bất đồng chính kiến ở Việt Nam, và qua đó cảm thấy an tâm vì kỳ vọng vào tính ổn định của môi trường kinh doanh tại quốc gia với chế độ độc đảng này.
Nhân viên chính quyền mặc thường phục đánh đập những nhà tranh đấu cho nhân quyền và blogger trong 36 vụ hành hung khác nhau từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2017, gây thương tích nghiêm trọng, theo Human Rights Watch. Vẫn theo tổ chức này, một số nạn nhân trong số này từng tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường hoặc vì nhân quyền.
Các nhà phân tích trong nước nói giới đầu tư ngoại quốc và những người khác làm ăn ở Việt Nam, hoặc là nhắm mắt làm ngơ trước chiến dịch đàn áp đó, hoặc coi đây như chỉ dấu cho thấy chính quyền đang triệt tiêu dần những mối đe dọa có thể có đối với chương trình thúc đẩy kinh tế - một nền kinh tế phần lớn phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Viện Mekong Economics ở Hà Nội, nói:
“Hiện nay hầu như ai cũng hiểu ngầm rằng chế độ độc đảng Việt Nam sẽ tồn tại vô hạn định, và vì vậy, chỉ trích chế độ một cách công khai là kể như rước họa vào thân.”
Ông McCarty nói: “Giới doanh nhân thích sự ổn định theo lối ấy. Họ có thể phản đối nó về phương diện đạo đức, hoặc các giá trị dân chủ, nhưng trên phương diện kinh doanh, thì đó là một môi trường ổn định để làm ăn.”
Các nhà quản lý doanh nghiệp thuộc các phòng thương mại Mỹ và châu Âu tại thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Tư không bình luận khi được hỏi các doanh nghiệp thành viên nghĩ gì về vấn đề nhân quyền Việt Nam.
Các nhà phân tích nói chính quyền Cộng sản Việt Nam muốn kiểm soát thành phần bất đồng chính kiến trước hội nghị thượng đỉnh APEC - tức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương mà Việt Nam sẽ tổ chức vào tháng 11 năm nay. Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức APEC là năm 2006.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo từ 20 quốc gia khác có thể dự APEC trong năm nay.
Ông Frederick Burke, chuyên gia luật của công ty luật quốc tế Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nói Việt Nam muốn tránh bất kỳ tình huống nào có thể làm họ mất mặt vì các cuộc biểu tình chống đối, trong khi đang tìm cách trưng ra một hình ảnh về một Việt Nam “cởi mở và sẵn sàng” dưới con mắt của các quan khách nước ngoài đến dự APEC.
Ông McCarty nói:
"Không có gì nhiều để than phiền, tôi nghĩ APEC sẽ là cơ hội lớn để giới thiệu Việt Nam với thế giới. Chính quyền Việt Nam không muốn sự kiện này trở thành một hậu cảnh cho một cuộc biểu tình."
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, các nhân viên mật vụ Việt Nam đánh đập các nhà hoạt động và các blogger mà “không bị truy cứu." Hôm Chủ Nhật, Tổ chức này yêu cầu chính phủ phải chấm dứt các cuộc tấn công và truy cứu trách nhiệm thủ phạm các vụ đánh đập. Ông nói thêm rằng các nhà tài trợ cho chính phủ Việt Nam nên lên tiếng yêu cầu Hà Nội chấm dứt hành động này.
Các công tố viên Việt Nam cũng đã chính thức ra cáo trạng buộc tội Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger được biết đến với tên gọi Mẹ Nấm, về nghi ngờ “tuyên truyền chống nhà nước.” Blogger Mẹ Nấm, người được đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump trao Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế vào tháng 3 nhưng đã vắng mặt vì đang bị giam cầm, phải đối mặt với khung hình phạt đến 12 năm tù nếu bị kết án.
Tuy vậy, ông Burke cho biết, Việt Nam vẫn cho phép đăng các lời bình luận, mở cửa mạng truyền thông Internet vì lợi ích của sự phát triển kinh tế và xã hội.
Ông Burke nói: "Luôn luôn có nhiều bình luận chính trị nóng bỏng trên mạng và mọi người đổ xô vào internet. Vẫn có rất nhiều sự cởi mở trên internet của Việt Nam. Bạn có thể muốn đăng gì thì cứ đăng, quan trọng là Facebook, Google, bị đóng cửa ở Trung Quốc, nhưng ở đây thì vẫn cho hoạt động và nó giúp hỗ trợ nền kinh tế.
“Nhưng như thường lệ, luôn luôn có một số nhạy cảm trong các lĩnh vực khác nhau về những gì được mang ra bàn luận, bàn về ai và bàn làm thế nào."
Theo ông Oscar Mussons, chuyên gia cao cấp của Tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên của Nghị viện Châu Âu có thể tìm kiếm những cải thiện về nhân quyền trước khi phê chuẩn một hiệp ước thương mại tự do với Việt Nam, được ký vào tháng 12/2015.
Vào tháng 2, khi một tiểu ban nhân quyền của Nghị viện châu Âu thăm Việt Nam, các thành viên đã lên tiếng về tình hình nhân quyền tại đây.

Cộng sản tồn tại nhờ “vặt lông vịt”

Tám Chợ Trời (Danlambao) - Hà Nội sáng ngày 22/6/2017, tiến sĩ Vũ Đình Ánh mạnh dạn cho rằng tất cả những ai kinh doanh đều là vịt, mà hễ đã là vịt thì phải bị vặt lông. Vấn đề là nhà nước cộng sản chúng ta vặt lông làm sao cho những con vịt đó đừng kêu to và đừng chết để tiếp tục làm vịt kinh doanh cho bác-đảng đè đầu ra mà vặt.

Thật không thể biết cái bằng tiến sĩ của Vũ Đình Ánh có được từ đâu, nhưng với lối suy nghĩ xem người đóng thuế là những con vịt thì tay tiến sĩ Việt cộng này quá lộng ngôn.

Số là tại buổi Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp 2017 diễn ra hồi sáng nay (22/6), được nhiều chuyên gia kinh tế mổ xẻ những vấn đề khó khăn nhằm tìm giải pháp giúp khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp Việt phát triển. Nhiều nhận định cho rằng doanh nghiệp bị quá nhiều rào cản bởi những qui định trái luật với sự thò tay quản lý của nhà nước đã làm méo mó thị trường và nền kinh tế. Bên cạnh những khó khăn vừa nêu trên, thuế là một trong những áp lực lớn mà doanh nghiệp nói chung và người tiêu dùng cả nước nói chung.

Nói về chính sách thuế, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ vặt lông vịt - Vạch Để Ăn - Vũ Đình Ánh cho rằng: “Đứng ở góc độ trung gian chúng ta có cơ sở tính thuế đúng và đủ nhưng thực hiện chưa đúng. Trên thế giới có hai điều mà chúng ta không thể không gặp trong kinh doanh: một là cái chết và hai là đóng thuế”. Nói thế có lẽ những ai kinh doanh thì sẽ bị chết nếu không đóng thuế phải không thưa ông tiến sĩ. Nếu đúng thì chắc chả có ma nào dám làm kinh tế tại cái xứ sở “thiên đường xã hội chủ nghĩa” của cái ông tiến sĩ này nữa.

Tay tiến sĩ này được trớn tiếp tục ví von: "Người ta nói thu thuế cũng như vặt con vịt, vặt càng nhiều lông thì càng tốt, nhưng đừng để nó kêu to nhất, hay chết đi". Ối trời đất ơi, dân người ta làm ăn để làm giàu, để đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Đầu óc của tay tiến sĩ này quả là thâm độc khi nghĩ ra cách vặt lông vịt nhưng đừng để nó la to hay chết.

Theo TS vặt lông vịt và Vạch Để Ăn này, nếu muốn vừa nuôi vịt, vừa vặt lông nhiều thì phải làm sao phù hợp. Điều này cũng thể hiện thực tế là nhiều DN nhỏ, thậm chí hộ kinh doanh tại Việt Nam đang không muốn lớn, không thể lớn lên thành DN vì họ có lo sợ nhiều hơn là được ưu đãi. Xin thưa với ông chuyên gia kinh tế vặt lông rằng là không có ai làm ăn mà không muốn sự nghiệp kinh doanh của mình phát triển. Họ không sợ lớn lên, cái họ sợ là cách vặt lông của các ông và cái cơ chế quản lý tham lam vô đối của bộ máy vặt lông cộng sản.

Chỉ có những quan chức cộng sản hay những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước không cần lo lắng về việc thuế má. Vì dù có làm ăn thua lỗ cỡ như Vinashin hay Vinaline cũng chẳng sao, mọi chuyện sẽ được bù đắp bằng cách “vặt lông” những con vịt bị mang tên nhân dân. Trên thực tế thì người dân nói chung, các doanh nghiệp nói riêng vẫn bị “vặt lông vịt” hàng ngày, hằng giờ. Chắc chắn nếu ai đọc được bài phát biểu của ông tiến sĩ chuyên gia kinh tế này sẽ hiểu thấu đáo hơn vì sao dân tộc Việt Nam ta siêng năng, cần cù, thông minh nhưng vẫn nghèo, vẫn là những con vịt trụi lông.

23.06.2017

Chủ tịch nước ta không sợ tước quốc tịch dân ta

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Đảng ta vẫn sợ đối thoại, nhưng không sợ tước quốc tịch dân nước ta.

“Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. Lời tuyên bố của “đồng chí” Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương Võ Văn Thưởng mới chỉ bị nghe nhưng chưa thấy được làm. Điều này không có gì lạ, vì có lời “thánh phán” rằng, “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm”.

CS Tuyên Giáo vừa mới nói “không sợ đối thoại” chưa kịp đóng mồm khép mép, CS Chủ tịch nước làm ngay cái rẹc quyết định tước quốc tịch của ông Phạm Minh Hoàng một cách “ngon ơ”, không cần nêu lý do, bất chấp luật pháp, chỉ vì “cái tội” ông Hoàng cứ hay lên tiếng “cọ xát ” với nhà nước do đảng lãnh đạo về chính sách chủ trương đối nội lẫn đối ngoại suốt 42 năm kể từ khi cả nước “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng 4V” 30/4/75.

Bài mổ (cò bàn phím) này không nhằm mục đích chứng minh tư tưởng bác Thiệu là đúng y chang như lời bác Minh dạy “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”: ở thời buổi này mà còn đi dẫn giải “sự cố” CS luôn nói xuôi làm ngược, là chuyện vô duyên chẳng khác chi ở thời đại con người đã đi bộ trên cung trăng từ khuya mà còn loay hoay chứng minh trái đất quay quanh mặt trời. Nhưng tác giả phải đề cập đến chuyện “Nói và Làm” như trên là do sự “gắn bó hữu cơ” giữa “Sợ đối thoại” với “Không sợ tước quốc tịch”.

Làm tới chức vụ Chủ tịch nước, chắc chắn ông Trần Đại Quang phải biết việc tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng, một người Việt Nam, gốc Việt Nam, sinh ra trên đất Việt Nam và đang làm việc tại Việt là chuyện ông không có quyền và không “có khả năng”.

Biết làm như thế là vi hiến và phi pháp, nhưng ông chủ tịch nước đã bước qua được nỗi sợ phạm pháp và cứ nhắm mắt làm bừa tước quốc tịch của một người trí yêu nước luôn quan tâm với vận mệnh tổ quốc, thảm họa của dân tộc, vì Tổ quốc với Dân tộc là khắc tinh với sự tồn vong của băng mà ông là một trong nhóm thủ lãnh.

Đúng là “Việt Nam ta anh hùng nhất thế giới”, từ chú bộ đội đến bác công an, lan lên chủ tịch nước. 

Trên thế giới, từ cổ chí kim, từ mọi rợ đến văn minh, đông sang tây, bắc xuống nam, chưa thấy bộ đội nào anh hùng bắt hàng ngàn đồng bào mình đi đập đầu, chôn sống; chưa thấy bộ độ nào đánh nước mình là đánh cho nước người ta. 

Trên thế giới, từ cổ chí kim, từ mọi rợ đến văn minh, đông sang tây, bắc xuống nam, chưa có công an nào là côn đồ, ác ôn hơn cả côn đồ nhưng đổ tội cho côn đồ làm những chuyện vượt tầm côn đồ. 

Trên thế giới, từ cổ chí kim, từ mọi rợ đến văn minh, đông sang tây, bắc xuống nam, chưa có ông chủ tịch nước nào tước quốc tịch đồng hương mình như ngài chủ tịch nước chxhcncc Trần Đại Quang. Quốc gia có tiếng là hùng mạnh nhất thế giới nhưng tổng thống Mỹ cũng không thể tước quốc tịch của công dân Mỹ vì bất cứ tội gì, mặc dù chỉ là dân nhập cư; có gì thì “đối thoại, cọ xát, tranh luận” trước tòa án, nếu có tội thì đi tù, chứ không tước quốc tịch của công dân cho khuất mắt, vì sợ đối thoại.

Nói túm lại, Chủ tịch nước CHXHCNCC Trần Đại Quang không sợ tước quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam, ông Phạm Minh Hoàng, chỉ vì sợ đối thoại với ông giáo sư đại học này.

Nói đi rồi cũng phải nói lại, trách ông chủ tịch nước làm gì. Đảng ta tránh đối thoại cũng đúng thôi: chả lẽ Đảng tự động đưa mặt ra cho Dân Chúng thọi; Đảng biết lấy gì mà đỡ, mà đối.

22.06.2017

Đốm lửa Đồng Tâm

Lệnh khởi tố vụ án Đồng Tâm: đòn đánh rập đầu rắn

Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Quyền lực của nhà nước bình thường đã đầy sức mạnh. Một nhà nước tham nhũng, ngoài sức mạnh quyền lực còn có sức mạnh đồng tiền và sức mạnh của những thế lực ngầm mafia liên kết với nhau. Sức mạnh đó là vô cùng khủng khiếp. Sức mạnh khủng khiếp của quyền lực nhà nước tham nhũng như cơn bão lốc giúp những nhóm lợi ích thổi bay những người nông dân chân chất hiền lành khỏi mảnh đất ngàn đời của họ, để nhóm lợi ích cướp trắng mảnh đất là nguồn sống hiện tại, là quá khứ xương máu, mồ mả ông bà tổ tiên, là sự bảo đảm cho tương lai bền vững của những người nông dân sống nhờ đất, chết về đất.

Với sức mạnh khủng khiếp đó, những nhóm lợi ích dân sự đã nuốt chửng hàng trăm hecta đất màu mỡ là loại đất nông nghiệp cho năng suất cao nhất ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Dương Nội, Hà Nội, ở Từ Sơn, Bắc Ninh...

Với sức mạnh khủng khiếp đó, nhóm lợi ích nhà binh còn có thêm sức mạnh của những công thần, sức mạnh của danh nghĩa quốc phòng và sức mạnh của những khẩu súng. Vậy mà nhóm lợi ích nhà binh không nuốt trôi cánh Đồng Xênh của làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Vì Đồng Xênh là đất vàng đất bạc của Đồng Tâm. Đất vàng, đất bạc Đồng Xênh của Đồng Tâm đã bị mất oan, mất uổng từ mấy chục năm nay. Mấy chục năm đấu tranh đòi đất, nhiều lần bị lừa cay đắng đã giúp cho người dân Đồng Tâm biết tỉnh táo và biết đoàn kết. Và đặc biệt quan trọng hơn cả là mấy chục năm đấu tranh giành lại đất vàng đất bạc của tổ tiên đã hình thành và rèn luyện cho Đồng Tâm một bộ tham mưu sắc sảo, vững vàng, bản lĩnh, tạo được uy tín cao với dân. Bộ tham mưu đó là hạt nhân lãnh đạo tạo nên sức mạnh đòi đất của Đồng Tâm.

Nhận ra hạt nhân lãnh đạo tạo nên sức mạnh Đồng Tâm, ngày 15.4.2017, nhóm lợi ích cướp đất Đồng Tâm mượn danh nghĩa chính quyền và lực lượng công cụ bạo lực nhà nước đã thực hiện một cú lừa bắt đi những người lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm. Lừa đưa cụ Lê Đình Kình 82 tuổi ra cánh đồng Xênh. Giữa cánh đồng vắng, một người già gầy guộc da bọc nắm xương khô liêu xiêu như chiếc bóng lọt giữa đám công cụ, quân đội và công an. Bất thình lình, một tên mang sức trẻ và thế võ được đào luyện trong trường công an lao đến, phóng cú đá vào nắm xương khô liêu xiêu. Hình hài liêu xiêu bay đi như chiếc lá khô trước cơn gió lốc. Chỉ đợi có vậy, mấy tên võ biền liền xô lại, kẻ nắm chân, kẻ nắm tay lôi hình hài liêu xiêu đi rồi ném lên ô tô như ném bó củi khô. Không đếm xỉa đến nỗi đau đớn của người già lãnh trọn cú đá đòn thù, kẻ cướp đất bập còng số 8 vào tay, tống giẻ đầy mồm thân xác già nua đang quằn quại trong đau đớn vì xương hông đã bị đá vỡ.

Cú lừa trắng trợn, sự hung bạo, man rợ của đám công cụ không còn tính người đã phá vỡ sự kìm nén bấy lâu nay của người dân Đồng Tâm. Đồng Tâm đùng đùng nổi dậy bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và rào làng chống đối. Suốt một tuần Đồng Tâm trở thành một khu tự trị, một lãnh thổ ly khai.

Trước phẫn nộ chính đáng và nổi dậy tất yếu của Đồng Tâm, nhà nước cộng sản phải xuất tướng. Thời đất nước bình yên nhưng tướng công an tràn ngập bộ máy nhà nước cộng sản. Vì quyền lợi ích kỷ của nhóm lãnh đạo đảng, đảng cầm quyền đang cố duy trì một học thuyết của máu và nước mắt, học thuyết đã được thực tế chứng minh là quái thai của lịch sử, là thảm họa của loài người, đã bị lịch sử lên án và loại bỏ. Theo đuổi học thuyết tội ác đó, đảng cộng sản cầm quyền đang đi ngược xu thế thời đại, đang kìm hãm sự phát triển của đất nước, đang đi ngược lại lợi ích của đất nước và nhân dân, đang gặp sự bất bình và phản kháng ngày càng công khai, quyết liệt của nhân dân. Lẻ loi, suy yếu vì mất chỗ dựa là nguồn sức mạnh vô tận của nhân dân, đảng và nhà nước cộng sản chỉ còn tồn tại bằng tuyên truyền lừa dối và bằng bạo lực chuyên chính vô sản, bằng công an hóa bộ máy nhà nước. Và tướng giám đốc công an Hà Nội trở thành chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được xuất trong vụ Đồng Tâm, trở thành sứ giả của nhà nước cộng sản cầm quyền đến Đồng Tâm.

Đồng Tâm chỉ là một xã của thành phố Hà Nội. Nhưng chuyện của Đồng Tâm là chuyện của cả nước. Điều 53 của Hiến pháp 2013: “Đất đai,... là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Hiến pháp 2013 đã tước quyền sở hữu đất đai của những cá thể người dân. Chuyển sở hữu của những cá thể thành sở hữu toàn dân. Dân gian đã đúc kết: Cha chung không ai khóc. Sở hữu toàn dân, ngôn từ mỹ miều nhưng thực chất là vô chủ. Hiến pháp 2013 đã tạo ra khối tài sản quí giá khổng lồ mà vô chủ làm tối mắt cả bộ máy quan chức nhà nước quản lý khối tài sản khổng lồ vô chủ đó. Quyền lực nhà nước quản lý khối tài sản khổng lồ vô chủ liền đi đêm với quyền lực đồng tiền để hình thành những băng cướp cực mạnh cướp đất của người dân. Cả nước đang tao tác, loạn ly, đang phẫn nộ nguyền rủa bọn cướp ngày mang danh chính quyền nhà nước cộng sản. Chuyện của Đồng Tâm cũng là chuyện còn, mất của thể chế, của đảng cộng sản. Vì thế chọn ai đứng ra xử lý vụ Đồng Tâm và xử lý như thế nào không phải chỉ là lựa chọn của nhà đỏ ở Hoàn Kiếm, thành ủy Hà Nội mà phải là lựa chọn của nhà đỏ ở Ba Đình, Bộ Chính trị đảng cộng sản.

Lãnh ấn đến Đồng Tâm ký ngay cam kết ba điều mà điều thứ hai là không truy tố hình sự người dân Đồng Tâm, tướng công an ký cam kết dù chỉ nhân danh nhà cầm quyền Hà Nội nhưng đó là cam kết của nhà nước cộng sản với người dân Đồng Tâm. Những năm tháng tao tác loạn ly trong thời cộng sản suy tàn này là những năm tháng của lịch sử. Cam kết của nhà nước cộng sản không truy tố hình sự dân Đồng Tâm còn là cam kết lịch sử. Công an Hà Nội dù có uống mật gấu cũng không dám chống lại cam kết của nhà nước cộng sản, chống lại cam kết của lịch sử, không dám tự tiện ký lệnh khởi tố Đồng Tâm dù lệnh khởi tố người dân Đồng Tâm công bố ngày 13.6.2016 mang chữ ký và con dấu công an Hà Nội.

Cam kết không truy tố hình sự người dân Đồng Tâm mà ông tướng công an ngồi ghế chủ tịch Hà Nội ký với dân Đồng Tâm cũng giống như lời dịu dàng mà ba kẻ võ biền mặc đồ nhà binh mang hàm tá ngon ngọt nhờ cụ Kình dẫn ra đồng Xênh chỉ mốc đất của Đồng Tâm. Nhờ cụ Kình ra đồng chỉ địa giới đất chỉ là trò lừa che đậy ý đồ tội ác là tách cụ Kình ra khỏi dân Đồng Tâm để ra đòn đánh gục ý chí đòi đất của cụ Kình, thủ tiêu hạt nhân lãnh đạo của Đồng Tâm trong cuộc chiến giành lại đất. Bản cam kết không truy tố hình sự dân Đồng Tâm cũng chỉ là ứng xự tình thế, chấp nhận lùi một bước, thua dân một keo chỉ để xả sức nóng của lò hơi Đồng Tâm.

Ký kết một đằng thực hiện một nẻo là bản chất của nhà nước có chính quyền nhờ thời cơ mà cướp được. Ký kết một đằng thực hiện một nẻo đã được nhà nước cộng sản Việt Nam nhiều lần thi thố ngay cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Những người cộng sản mang danh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ký kết với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngừng bắn ba ngày Tết Mậu Thân 1968 cho nhân dân yên ổn mừng xuân đón tết nhưng đúng giao thừa Mậu Thân quân đội cộng sản đồng loạt nổ súng tràn vào tất cả các đô thị miền Nam, lãnh thổ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, biến Tết Mậu Thân 1968 thành cái Tết chết chóc kéo dài và đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam. Những hiệp định ở tầm quốc tế như hiệp định Genève, hiệp định Paris cũng chỉ là những cam kết giả của nhà nước cộng sản Việt Nam. Cam kết đình chiến để ráo riết tuyển quân, gom súng đạn cho cuộc chiến tranh ác liệt hơn sau đó.

Ngay từ khi V. I. Lê nin còn sống là lúc nhà nước Xô Viết còn vô cùng non yếu, mong manh, tổ chức cộng sản còn nhỏ bé, manh mún và bấp bênh, người khai sinh ra nhà nước Xô Viết đã nhìn thấy thói kiêu ngạo cộng sản lừng lững ngự trị ở những người cộng sản, những người vốn ở tầng lớp thấp hèn nhất trong xã hội nay bỗng vênh váo làm chủ cả xã hội, nắm quyền sống quyền chết cả những người trước đây thống trị xã hội, những người từ ngàn đời chỉ có sức lao động cơ bắp và hai bàn tay trắng nay bỗng có cả sơn hà xã tắc. Kiêu ngạo cộng sản là định mệnh, là căn bệnh xã hội có trong máu, trong gien giai cấp của những người cộng sản. Mang trong máu thói kiêu ngạo cộng sản đó làm sao nhà nước cộng sản Việt Nam có thể chấp nhận chịu thua mấy người dân lấm lem bùn đất ở Đồng Tâm.

Kiêu ngạo cộng sản và không đủ tầm vóc lớn để dám nhận sai trái trước dân, lại nơm nớp lo sợ sự kiện Đồng Tâm sẽ lan ra cả nước. Vì nhiều nơi trên cả nước đã và đang có những nhóm quyền lực nhà nước là những nhóm lợi ích cướp đất của dân. Nhiều nơi trên cả nước đang chồng chất nỗi đau Đồng Tâm, đang chứa chất nỗi uất hận Đồng Tâm.

Chưa khởi tố kẻ mặc đồ công an đánh cụ Kình vỡ xương hông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bùng nổ sự kiện Đồng Tâm lại vội vã khởi tố người dân Đồng Tâm. Nhà nước cộng sản vẫn quen thói hành xử cả vú lấp miệng em, đẩy sai trái sang dân để lấp liếm sai trái của một nhà nước ở buổi chiều tàn rặt những quan chức yếu kém và tham lam đang hối hả vơ vét, cướp bóc. Nguyễn Văn Thành bí thư thành ủy Hải Phòng cho phép giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đưa lực lượng công an và quân đội đến cướp mảnh đất mà anh em Đoàn Văn Vươn mang máu, mồ hôi, nước mắt ra lấn biển mới có được ở Cống Rộc, Tiên Lãng. Bị tiếng súng giữ đất của anh em Đoàn Văn Vươn tố cáo, vụ cướp không thành. Nhưng tiếng súng tự vệ giữ đất chính đáng thì bị khởi tố và phải nhận bản án vô tù còn bí thư thành ủy Nguyễn Văn Thành thì lên thứ trưởng bộ Công an, vinh thăng quân hàm thượng tướng, đại tá giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca chỉ huy quân cướp đất thì được thăng hàm thiếu tướng. Luật pháp và công lý nhà nước cộng sản thời suy tàn đó! Một chỉ dấu đáng tin cậy về ngày tàn của một nhà nước là sự hung bạo và méo mó luật pháp của nhà nước đó. Hung bạo với dân và méo mó, thiên vị bênh che quan. Ngày tàn cận kề, cả bộ máy quan chức nhà nước từ hành pháp đến tư pháp đều ngang nhiên vi phạm pháp luật, hối hả cướp bóc, vơ vét của dân, bòn rút của nước thì pháp luật không thể nghiêm minh.

Khởi tố người dân Đồng Tâm, nhà nước cộng sản vung cao ngọn roi công an - tòa an - nhà tù răn đe người dân cả nước rằng nhà nước cộng sản luôn sáng suốt, mọi chính sách đường lối đều đúng đắn. Sự kiện Đồng Tâm xảy ra là sai trái của người dân. Các nơi khác chớ có đi vào con đường sai trái đó mà ăn đòn công an - tòa án - nhà tù.

Khởi tố người dân Đồng Tâm còn là ý chí quyết truy diệt đến cùng nòng cốt cuộc đấu tranh đòi đất Đồng Tâm, truy diệt những yếu tố tích cực nhất, quan trọng nhất tạo nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh đòi đất Đồng Tâm. Đánh rắn phải đánh giập đầu. Đánh và bắt đi người lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm ngày 15.4.2017 là cú đánh giập đầu lần thứ nhất. Lệnh khởi tố người dân Đồng Tâm công bố ngày 13.6.2017 sẽ là cú đánh giập đầu thứ hai đối với cuộc đấu tranh giữ đất của người dân Đồng Tâm.

Tiếng súng Đoàn Văn Vươn, tiếng súng Đặng Ngọc Viết chỉ là phản ứng của một cá nhân, một gia đình riêng lẻ, dù có đổ máu cũng không nguy hiểm bằng sự nổi dậy của cả một cộng đồng dân cư được tổ chức thành một làng kháng chiến. Cả nước đang là đồng cỏ khô thì đốm lửa Đồng Tâm là nỗi đe dọa sự còn mất của nhà nước cộng sản. Đốm lửa nhỏ nhưng vô cùng nguy khốn đó phải mạnh tay dập tắt ngóm. Và lệnh khởi tố được công bố!

Nhưng người dân cả nước đang chất ngất nỗi đau mất đất, chất ngất nỗi đau mất tự do, mất những giá trị làm người. Người dân cả nước đang ngùn ngụt oán hờn kẻ cướp đất, oán hờn thể chế tước đoạt quyền con người của người dân. Ngọn lửa đang âm thầm bén trong lòng người dân cả nước, làm sao có thể dập tắt!

22.06.2017

Công an quận 2 thừa nhận Phan Sơn Hùng là chiến sỹ công an như thế nào?


Sự việc

Sau khi đại diện gần 3.000 người gửi Đơn tố giác tội phạm và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Phan Sơn Hùng và đồng bọn vào ngày 5/5/2017, tôi nhận được các công văn trả lời của Tòa án nhân dân TPHCM (Phiếu chuyển số 667/TATP-VP ngày 18/5/2017), Viện kiểm sát nhân dân quận 2 (Giấy báo tin số 112/GBT-VKS ngày 22/5/2017), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM (Công văn số 3135/TB-CQCSĐT-PC44 ngày 29/5/2017) và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 2 (Thông báo số 194/TB-CQCSĐT-TTXH ngày 24/5/2017). Chỉ Viện kiểm sát nhân dân TPHCM và Tòa án nhân dân quận 2 không hồi đáp chúng tôi.

Do sơ suất không kiểm tra hộp thư thường xuyên, nên mãi đến hôm nay tôi mới nhìn thấy các công văn nêu trên. Xin thành thật xin lỗi các bạn đã cùng tôi lập và ký tên ủng hộ Đơn tố giác Phan Sơn Hùng và đồng bọn về sự bất cẩn và chậm trễ này. Tôi cũng xin cám ơn quý cơ quan nhà nước hữu quan đã hồi đáp nhanh chóng Đơn tố giác của chúng tôi một cách nghiêm túc và hợp lệ.

Do không thuộc phạm vi trách nhiệm trực tiếp của mình, nên ba cơ quan đầu tiên đều thông báo đã chuyển yêu cầu của chúng tôi cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 2 để cơ quan này giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong Thông báo số 194/TB-CQCSĐT-TTXH ngày 24/5/2017 (sau đây gọi tắt là “Thông báo 194”), Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Công an quận 2 (sau đây gọi tắt là “CQCSĐT quận 2”) cho biết không “thụ lý” đơn của chúng tôi như sau:

“Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Công an quận 2 nhận thấy đơn không đủ điều kiện và không được thụ lý giải quyết vì:

- Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 2 đã thụ lý tố giác về tội phạm của chị Lê Mỹ Hạnh với cùng nội dung.

- Do ông (tức Lê Công Định) không phải là người trực tiếp chứng kiến sự việc và tài liệu gửi kèm không rõ nguồn gốc hợp pháp.”

Phân tích

Tạm thời chưa bàn đến hai căn cứ từ chối thụ lý giải quyết của CQCSĐT quận 2, tôi muốn trước tiên phân tích khía cạnh pháp lý và thực tế của Thông báo 194 để giúp mọi người vén bức màn bí ẩn của câu chuyện vì sao cho đến nay CQCSĐT quận 2 vẫn chưa khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Phan Sơn Hùng và đồng bọn mặc dù đã gần 2 tháng sau khi bọn côn đồ này hành hung nghiêm trọng chị Lê Mỹ Hạnh và các bạn, bất kể Hùng đã tung lên mạng xã hội clip video công nhận hành vi của mình.

1) Công an Quận 2 dựa vào cơ sở pháp lý nào giải quyết đơn tố giác tội phạm?

Thông báo 194 mang tựa đề như sau: “Thông báo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo”. Ngoài ra, CQCSĐT quận 2 cũng viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật dưới đây làm cơ sở pháp lý để trả lời Đơn tố giác của chúng tôi:

a) Luật tố cáo số 03/2011/QH13 do Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011 (sau đây gọi là “Luật tố cáo”);

b) Nghị định số 91/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 12/8/2013 (sau đây gọi là “Nghị định 91”); và

c) Thông tư số 10/2014/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 4/3/2014 (sau đây gọi là “Thông tư 10”).

Cả ba văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều quy định thủ tục “tố cáo” tội phạm, chứ không phải và không liên quan đến thủ tục “tố giác” tội phạm, vốn được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác. Cần lưu ý, hai chữ “tố cáo” này rất quan trọng về phương diện pháp lý mà tôi sẽ phân tích dưới đây.

2) Quy định pháp luật về tố giác tội phạm và nghĩa vụ của Công an Quận 2

Tố giác tội phạm là quyền và nghĩa vụ của công dân, được thực hiện theo một trình tự khác với tố cáo tội phạm và tuân theo pháp luật về tố tụng hình sự.

Thật vậy, chính Khoản 2 Điều 3 của Luật tố cáo cũng phân biệt “tố cáo” với “tố giác” như sau: “Việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 103 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như sau:

“1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. […]

2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. […]”

Như vậy, khi tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, cơ quan điều tra trước tiên có trách nhiệm điều tra và xác minh sự việc, sau đó đưa ra một trong hai quyết định, hoặc khởi tố vụ án hình sự, hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Điều 103 hoàn toàn không đề cập đến quyết định nào gọi là “thụ lý” hay “không thụ lý”, như Thông báo 194 nêu ra.

Ngoài ra, việc giải quyết đơn tố giác còn được quy định cụ thể hơn tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN-PTNT-VKSNDTC ngày 2/8/2013, trong đó Khoản 1 Điều 4 nêu rõ nguyên tắc tiếp nhận giải quyết tố giác tội phạm như sau: “[…] Không được vì bất cứ lý do gì mà từ chối việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.”

Với nghĩa vụ luật định đó, CQCSĐT quận 2 lẽ ra không được quyền từ chối tiếp nhận và giải quyết Đơn tố giác của chúng tôi về hành vi phạm tội của Phan Sơn Hùng và đồng bọn, nhưng vì sao CQCSĐT quận 2 lại cố tình tuyên bố “không thụ lý” Đơn tố giác của chúng tôi?

3) Lý do nào Công an Quận 2 áp dụng quy định về tố cáo, mà không phải tố giác?

Phạm vi điều chỉnh của Luật tố cáo, mà Thông báo 194 viện dẫn, được quy định tại Điều 1 của luật này như sau: “Luật này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ […].”

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 91, mà Thông báo 194 viện dẫn, được quy định tại Điều 1 của nghị định này như sau: “Nghị định này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sỹ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ […].”

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 10, mà Thông báo 194 viện dẫn, được quy định tại Điều 1 của thông tư này như sau: “Thông tư này quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý thông tin tố cáo; giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. […]”

Không phải ngẫu nhiên trong Thông báo 194, CQCSĐT quận 2 viện dẫn cả Luật tố cáo, Nghị định 91 và Thông tư 10, vốn chỉ dành áp dụng cho thủ tục giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, mà cụ thể là cán bộ, chiến sỹ Công an, trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Phải chăng CQCSĐT quận 2 viện dẫn sai luật khi giải quyết Đơn tố giác của chúng tôi?

Chắc chắn là KHÔNG, bởi vì hơn ai hết CQCSĐT quận 2 biết rõ xuất thân và lai lịch của Phan Sơn Hùng. Nếu Phan Sơn Hùng chỉ là một tay côn đồ xã hội đen đơn thuần như bao công dân bình thường, thì luật áp dụng phải liên quan đến TỐ GIÁC tội phạm như đã nêu trên, nhưng vì Phan Sơn Hùng là chiến sỹ Công an và hành động đánh chị Lê Mỹ Hạnh cùng các bạn tại nhà riêng được thực hiện trong khi hắn thực thi nhiệm vụ/công vụ, nên luật áp dụng phải liên quan đến TỐ CÁO tội phạm.

Thêm vào đó, chính vì áp dụng quy định về tố cáo tội phạm, nên CQCSĐT quận 2 mới có cơ sở viện dẫn Điều 20 của Luật tố cáo nhằm mục đích không thụ lý Đơn tố giác của chúng tôi với hai lý do nêu trong Thông báo 194, mà tôi đã ghi lại ở phần trên. Bởi nếu viện dẫn quy định về tố giác tội phạm, CQCSĐT quận 2 hoàn toàn không có quyền từ chối tiếp nhận và giải quyết tố giác của chúng tôi về hành vi phạm tội của Phan Sơn Hùng và đồng bọn.

Kết luận

Nói tóm lại, từ những phân tích nêu trên, chúng ta có thể thấy rõ rằng Thông báo 194 mặc nhiên thừa nhận Phan Sơn Hùng là chiến sỹ Công an và vụ hành hung chị Lê Mỹ Hạnh cùng các bạn tại nhà riêng chính là hành động được thực hiện trong khi thực thi nhiệm vụ/công vụ.

Đó là lý do vì sao đã gần 2 tháng sau khi vụ án xảy ra, Công an quận 2 vẫn dứt khoát không khởi tố vụ án và dung túng Phan Sơn Hùng tiếp tục thách thức dư luận xã hội, bất kể hành vi vi phạm pháp luật hiển nhiên của hắn và đồng bọn.

Dù sao, tôi cũng xin cám ơn Công an quận 2 vì lần đầu tiên một cơ quan công quyền bằng giấy trắng mực đen công khai thừa nhận côn đồ xã hội đen cũng chính là chiến sỹ Công an và ngược lại, một cách ý nhị như thế.




https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/1896855373921571