Thursday, December 6, 2018

Chúng ta còn bị khinh rẻ đến bao giờ

Nguyễn Anh Tuấn 
Theo RFA-2018-12-06  
Một mô hình phối cảnh quảng cáo cho Làng Châu Âu ở Đà Nẵng của Tập đoàn Sungroup.
Một mô hình phối cảnh quảng cáo cho Làng Châu Âu ở Đà Nẵng của Tập đoàn Sungroup.Courtesy of sunland.com.vn
Trong khi dự án Công viên Đại dương dưới chân núi Sơn Trà đang bị cộng đồng phản đối quyết liệt, một dự án khác, ở khúc đẹp nhất của sông Hàn cũng đang được tiến hành âm thầm và cấp tập, nhằm né tránh búa rìu dư luận. [1]
Hình hài của dự án thế nào thì cứ nhìn Làng Châu Âu (Euro Village) của SunGroup là có thể mường tượng được: Một khu đô thị biệt lập mà cộng đồng không thể bén mảng - nơi đoạn đẹp nhất của sông Hàn trở thành chốn vãn cảnh riêng của một nhóm rất nhỏ các gia đình quyền thế của thành phố, bao gồm cả cựu Giám đốc Công an Lê Văn Tam, người cư trú trong căn biệt thự có giá cả trăm tỷ mà dư luận xôn xao cách đây ít lâu. [2]
Vài ngày trước đã có 2 tờ báo đưa tin về dự án ven sông Hàn này, song ngay lập tức đã bị gỡ bỏ không một lời giải thích. [3]

Những người nắm quyền ở Đà Nẵng dường như đang quên mất quyền lực của họ đến từ đâu và họ ngồi đó để làm gì.
Họ ngang nhiên coi công thổ thành phố như của riêng, khi thì giành giật lẫn nhau, lúc thì chia phần với nhau, cho bản thân, gia đình và vòng thân hữu.
Họ cười vào mũi người dân thành phố chúng ta, cười cả vào khẩu hiệu ‘dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra’ trong mỗi cuộc thương thảo ăn chia...
Là người Đà Nẵng, bạn có thấy đau không?
Mỏm núi này, khúc sông nọ, góc biển kia đâu chỉ đơn thuần là núi, là sông, là biển, chúng còn chứa đựng biết bao ký ức tập thể của thành phố và cùng cộng đồng đi qua bao thăng trầm lịch sử - những ngày mưa thuận gió hòa, những buổi bão bùng giông tố.
Cộng đồng thành phố chúng ta định nghĩa mình bằng cách nào nếu không phải bằng những ký ức và thăng trầm ấy?
Mỏm núi, khúc sông, góc biển đó, bởi vậy, phải được dành cho toàn bộ cộng đồng thành phố và mãi mãi các thế hệ về sau, chứ đâu thể chỉ là đôi ba công ty, vài chục gia đình quyền thế?
Người dân Đà Nẵng chúng ta, vì làm chưa đủ trong tư cách chủ nhân thành phố, có thấy tủi hổ không khi luôn trở nên vô hình trong mỗi quyết định giao núi giao biển giao sông của chính quyền?
Chúng ta có thấy phẩm giá cá nhân mình, phẩm giá cộng đồng mình bị sỉ nhục trong tiếng cười hỉ hả của những kẻ nắm quyền?
Và rồi chúng ta còn biết làm gì ngoài lặng im trong ô nhục trước chất vấn của con cháu rằng sao lại im lặng khi người ta bán núi, bán sông, bán biển của thành phố.
Chúng ta còn bị khinh rẻ đến bao giờ?
---
[1] Đây là dự án khu nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp Olalani Riverside Towers trên có diện tích hơn 81.400m2, tổng vốn đầu tư 45 triệu USD. Dự kiến, dự án gồm 3 tòa tháp cao 25-30 tầng với trung tâm thương mại; văn phòng; khách sạn, chung cư cao cấp, đất ở chia lô liền kề, 211 căn nhà phố và 25 biệt thự, khu luyện tập thể thao… (Báo PLVN)
Năm 2016, chính quyền thành phố chi tới 2 tỷ đồng tổ chức cuộc thi thiết kế cảnh quan sông Hàn, với rất nhiều đề xuất giữ hai bên bờ sông làm không gian công cộng. Nhưng với việc cấp phép cho những dự án thế này, chính quyền cho thấy họ đang khiến cuộc thi mà họ tổ chức hai năm trước vô nghĩa ra sao.
[3] Bài "Bắt đầu thi công rầm rộ dự án “triệu đô” ven sông Hàn – Đà Nẵng" đăng trên Báo Tổ Quốc (Bộ VH-TT-DL)
Xem bản lưu ở đây: https://bit.ly/2FXO7c0
Bài "Đà Nẵng: Dư luận lo lắng về những dự án triệu đô ven sông Hàn" đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam.
Link cũ (bài không hiển thị nữa):http://baophapluat.vn/bat-dong-san/da-nang-du-luan-lo-lang-ve-nhung-du-an-trieu-do-ven-song-han-426849.html
Xem bản lưu ở đây: https://bit.ly/2EeVqui
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Người H’mong theo Tin Lành bị bách hại

Thanh Trúc 
Theo RFA-2018-12-06  
Nhiều người dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên theo đạo Tin Lành đã phải rời bỏ quê hương chạy trốn sang vùng rừng Rattanakiri ở Đông Bắc Campuchia , đang lo sợ bị chính quyền Campuchia bắt giữ và trục xuất hồi tháng 1, 2015
 Nhiều người dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên theo đạo Tin Lành đã phải rời bỏ quê hương chạy trốn sang vùng rừng Rattanakiri ở Đông Bắc Campuchia , đang lo sợ bị chính quyền Campuchia bắt giữ và trục xuất hồi tháng 1, 2015-RFA
Nhà nước Việt Nam, đặc biệt các chính quyền địa phương, thường tỏ ra không mấy thiện cảm  đối với tập thể  người Thượng hoặc người H’mong theo đạo Thiên Chúa, đặc biệt hơn nữa đối với những ai mới bắt đầu theo. Điển hình là một trường hợp mới đây nhất tại một vùng thuộc tỉnh Nghệ An ngày Chúa Nhật 2 tháng 12 vừa qua.
Chuyện xảy ra hôm Chúa Nhật 2 tháng Mười Hai vừa qua tại bản Phá Lóm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, khi một nhóm sắc tộc H’mong theo đạo Tin Lành bị chính quyền địa phương buộc phải bỏ đạo nếu không muốn gặp rắc rối.
Ông Hoàng Văn Pá, cũng là người H’mong theo đạo Tin Lành hiện đang sống ở Thái Lan, báo cho đài Á Châu Tự Do biết đây là nhóm Tin Lành mới thành lập gồm 7 hộ và 33 nhân khẩu do ông Xồng Bá Chỏ làm trưởng nhóm:
Tôi liên lạc được với nhóm Tin Lành bản Phá Lóm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tình Nghệ An, biết tin nhóm Tin Lành bị đàn áp. Nhóm Tin Lành đó mà Xồng Bá Chò là trưởng nhóm, thuộc Tổng hội miền Bắc có trụ sở tại 2 Bố Trạch do Hà Nội quản lý, đã đăng ký hợp pháp theo Luật Tín Ngưỡng Tốn Giáo của nhà nước Việt Nam từ tháng Tư 2018, mà khi đăng ký rồi họ càng bị công an đến quấy nhiễu, sách nhiễu, đe dọa rất nhiều.
Tại sao đã đăng ký hợp pháp rồi mà lại bị đàn áp? Cần biết rằng khu vực đó từ trước tới nay chưa có Tin Lành mà mới đăng ký hoạt động, nhà nước cộng sản không muốn phát sinh thêm những người mới theo đạo Tin Lành nữa. Họ muốn ngăn chặn, muốn nhóm này bỏ đạo Tin Lành và thờ cúng tổ tiên., họ tới yêu cầu bà con bỏ đạo Tin Lành, họ đưa cho một tượng Phật, cái này rất là lạ, Hôm qua ngày mùng 3 thì mẹ của Xồng Bá Chò là cô Xồng Y Xía có gọi tới  báo cho tôi biết nếu không bỏ đạo Tin Lành nhà nước sẽ  bằng mọi giá mọi cách ngăn cấm và nếu không  muốn chết thì phải nghe theo chính quyền, họ đe dọa như vậy.
...Chính quyền Việt Nam không nhận và sẽ không bao giờ tạo điều kiện cho sinh hoạt, nếu muốn bỏ đạo và muốn sinh hoạt thì họ đưa đạo Phật để chúng tôi theo.
- Ông Xồng Bá Chồ
Vì bị buộc phải từ bỏ đức tin rồi  bị chính quyền Dak Nông bắt giam cùng anh ruột là chấp sự Tin Lành Hoàng Văn Ngài; sau khi người anh bị đánh chết, ông Hoàng Văn Pá đã tìm đường trốn đi:
Hồi ở Việt Nam thì tôi ở Dak Nông. Tôi là em ruột của chấp sự Hoàng Văn Ngài, bị công an giết chết vào ngày 17 tháng Ba 2013. Chắc chắn là tôi biết rõ việc công an đe dọa, bắt bớ, đánh chết anh trai tôi. Hoàng Văn Ngài là chấp sự của Hội Thánh Tin Lành Bụi Tre. Tôi chạy qua Thái Lan vì lý do là tố cáo công an đánh chết anh trai của tôi.
Trở lại vụ việc ngày 2 tháng Mười Hai khi một đoàn những người thuộc chính quyền địa phương đến buộc nhóm người H’mong theo Tin Lành ở bản Pha Lóm vào khi họ đang nhóm họp để cầu nguyện, buộc họ bỏ  đạo nếu không muốn gặp khó khăn, rắc rối, Trưởng nhóm là ông Xồng Bá Chồ trực tiếp kể lại:
Hôm Chúa Nhật vừa rồi thì có ông Già Bá Ná và ông Xồng Bá Do tới nhà và nói không được theo đạo Tin Lành này, đây là đạo Tin Lành trái phép, chính quyền Việt Nam không nhận và sẽ không bao giờ tạo điều kiện cho sinh hoạt, nếu muốn bỏ đạo và muốn sinh hoạt thì họ đưa đạo Phật để chúng tôi theo.
Nhóm Hội Thánh mình không có chống chính quyền, chưa làm cái gì để chống lại chính quyền cơ mà, nhưng họ vẫn không cho  sinh hoạt thôi.
Vẫn theo lời ông Xồng Bá Chồ, từ tháng Sáu ông đã bị theo dõi và cho đến giờ thì ông không còn được quyền tự do đi lại trong những sinh hoạt hang ngày nữa:
Hiện tại là tôi không đi được đâu nữa, ra khỏi làng bản là cứ bị bọn xã hội đen nó che mặt nó chận đường đánh đập, bây giờ không thể đi đâu được nữa. Họ cấm hộ khẩu, y tế và các khoản hỗ trợ từ nhà nước, họ không cho cái gì cho nhà mình cả. Họ còn nói nếu chúng tôi vẫn tiếp tục theo đạo Tin Lành này thì họ sẽ không quản lý chúng tôi nữa, họ sẽ coi như là không có chúng tôi trong bản này, họ cấm hết tất cả.
Hiện tại là tôi không đi được đâu nữa, ra khỏi làng bản là cứ bị bọn xã hội đen nó che mặt nó chận đường đánh đập, bây giờ không thể đi đâu được nữa.
-Ông Xồng Bá Chồ
Theo ông Hoàng Văn Pá từng ở Dak Nông thì chính sách kỳ thị phân biệt đối xử người H’mong theo đạo Tin Lành thực sự là còn tồn tại ở các vùng sâu vùng xa, nhưng thực tế và cấp độ khó khăn cản trở lại tùy vào từng địa phương, và đối tượng bị cản trở nhiều nhất là những điểm nhóm mới xin đăng ký:
Từ khi mình bỏ ra đi thì có sự thay đổi hơn nhiều, họ cũng không có gì mạnh tay, nhưng mà ở những nơi khác cho dù họ có điểm nhóm có nơi thờ phượng Chúa nhưng họ phải cam kết đủ thứ hết. Một khi họ đã đăng ký với chính quyền là họ không được tham gia khiếu nại, nếu tham gia họ sẽ bị hoàn toàn đe dọa, bị như gia đình tôi.
Đó là chuyện người H’mong theo đạo Tin Lành bị cấm sinh hoạt  và bị buộc bỏ đạo tại một điểm nhóm mới ở bản Phá Lóm, xã Tam Hiệp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An,
Đây không phải là động thái mới của các chính quyền địa phương đối với người sắc tộc muốn theo đạo Tin Lành. Để tìm hiểu thêm thì chúng tôi đã cố gắng liên lạc với một người mà trưởng nhóm Xồng Bá Chò đã nhắc tới, đó là ông Già Bá Ná thuộc Bộ Đội Biên Phòng, đã cùng đi với đoàn 12 người đến buộc bà con H’mong ở Phá Lóm bỏ đạo.  Rất tiếc ông Già Bá Ná đã từ chối trả lời . Đường dây nối với điện thoại của chủ tịch xã Phá Lóm cũng không có người bắt máy.

Tranh chấp đất đai là vấn đề nóng ở Việt Nam

RFA-2018-12-06   
Công ty Cổ phần Xây Dựng Bắc Nam 79
Công ty Cổ phần Xây Dựng Bắc Nam 79-Ảnh chụp màn hình. Courtesy of VTC.
Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam thừa nhận tình trạng sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam vẫn diễn ra phổ biến, kéo dài và chậm xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội.
Một số vụ việc được Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam nêu ra như các vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, thường được gọi là Vũ Nhôm, Đinh Ngọc Hệ, biệt danh Út Trọc, vụ dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm…
Thừa nhận vừa nêu của Kiểm Toán Việt Nam được đưa ra tại hội thảo tổ chức vào ngày 6 tháng 12. Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm Toán Nhà Nước được dẫn lời rằng thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường tại Việt Nam trong thời gian gần đây có những tồn tại, hạn chế tác động đến phát triển kinh tế, xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội và gây bức xúc xã hội.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh có mặt tại hội thảo nhấn mạnh giai đoạn 2014 – 2018 đã có nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, diễn ra phổ biến, phức tạp ở hầu hết các nội dung và các cấp quản lý.
Các sai phạm về quản lý sử dụng đất được kể ra như tình trạng lấn chiếm đất công ở khắp nơi; đất đai bị hủy hoại vì khai thác khoáng sản; tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển đổi mục đích như biến đất nông nghiệp, lâm nghiệp thành đất ở, đất kinh doanh trái luật dẫn đến hậu quả bị hoang hóa, mất giá trị.
Nguyên nhân của những sai phạm trên được chuyên gia nhấn mạnh hiếm khi thực hiện cá nhân riêng lẻ mà thực hiện theo tổ chức, theo nhóm có sự dung túng, bao che của nhiều cán bộ và tổ chức nhà nước.
Một số cơ quan chức năng Việt Nam vừa qua cũng thừa nhận khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai chiếm đến ba phần tư các vụ người dân phải đến kêu tại các cơ quan tiếp công dân ở địa phương và trung ương.
Quy hoạch đất đai cũng là nội dung chính được bàn thảo tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân TP.HCM vào sáng 6/12 với phần chất vấn của đại biểu với các lãnh đạo sở, ngành và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố.
Truyền thông trong nước đưa tin cho biết các đại biểu đã đặt câu hỏi và trình bày nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận bấy lâu liên quan đến quy hoạch đất đai.
Cụ thể, đại biểu Trần Quang Thắng dẫn trường hợp một người dân ở huyện Nhà Bè được cấp nền khi bị thu hồi đất nhưng 20 năm vẫn chưa được giải quyết. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận 6 Lê Hòa Bình trả lời xác nhận việc chậm trễ là do sai sót.
Tình trạng nhiều dự án nằm trong quy hoạch đất công viên, cây xanh chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất được đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa chất vấn. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết cơ quan này đang phối hợp với các quận, huyện rà soát, nếu bất cập thì sẽ điểu chỉnh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng trả lời các câu hỏi của đại biểu cho biết thành phố xác định có 547 dự án phải thu hồi chủ trương cho chậm thực hiện liên quan đến Nghị quyết 16. Đối với nghị quyết 21, ông Thắng cho biết thành phố đã rà soát trên 2.800 dự án và 180 dự án trình thu hồi chủ trương. Ông này cũng cho hay vấn đề giá bồi thường là nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm trễ.

Tầng lớp trung lưu Việt Nam không có khao khát dân chủ và tự do

Tổ chức phi chính phủ Mạng lưới nhân quyền Việt Nam trao giải thưởng nhân quyền hàng năm cho ba người là blogger Phạm Đoan Trang, nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, và nhà đấu tranh vì quyền lao động Trần Thị Nga.
Nhân dịp này blogger Đoan Trang trao đổi với đài RFA về những vấn đề xung quanh giải thưởng này cũng như phong trào nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.
Đoan Trang: Khi nhận giải này tôi hơi bối rối, vì không nghĩ rằng mình đã làm cái gì để nhận được giải này. Nhất là tôi nhận giải này với hai người nữa là nhà hoạt động môi trường và nhân quyền Hoàng Bình, nhà hoạt động cho quyền lao động Trần Thị Nga. Cả hai người vẫn đang ngồi tù với mức án rất nặng. Tôi thấy mình chưa làm được gì cả, và cảm thấy buồn nữa, thương cho chị Nga và anh Hoàng Bình.
Kính Hòa: Chị viết trên Facebook rằng việc nhận giải nhân quyền mà cứ kéo dài thì đó là một điều đáng buồn, chị có thể giải thích rõ hơn?
Đoan Trang: Tôi nghĩ rằng một đất nước nào mà công dân nhận những giải Nobel về kinh tế, vật lý, hóa học,… thì có thể tự hào, nhưng mà Nobel hòa bình thì lại dễ gây tranh cãi, hoặc đặt ra vấn đề về nền dân chủ của nước đó. Thì giải thưởng nhân quyền này của Mạng lưới nhân quyền Việt Nam cũng tương tự. Chừng nào mà còn có người nhận giải nhân quyền thì nó chứng tỏ rằng đất nước đó, nền chính trị của đất nước đó, còn có rất nhiều vấn đề, còn vi phạm nhân quyền. Hễ còn vi phạm nhân quyền thì còn có người nhận giải về nhân quyền.
Kính Hòa: Giải thưởng này được một tổ chức có trụ sở ở California trao tặng hàng năm. Chị nghĩ gì về sự ủng hộ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đối với phong trào nhân quyền trong nước?
Đoan Trang: Việc mà họ trao giải hàng năm, nếu tôi nhớ không lầm là từ năm 2002, đến nay đã gần 20 năm, chứng tỏ họ luôn sát cánh với những người hoạt động trong nước. Họ theo dõi tình hình nhân quyền trong nước, theo dõi sự hoạt động của những người hoạt động nhân quyền trong nước. Đó là một sự khích lệ tin thần rất lớn với những người hoạt động.
Tôi rất cảm ơn Mạng lưới nhân quyền Việt Nam. Tôi luôn nhấn mạnh là những người trong nước đấu tranh là khó khăn vất vả. Những người Việt ở nước ngoài đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Việt Nam cũng là một hoạt động đáng quý. Thật sự cũng khó khăn cũng có cản trở, và rất đáng được tri ân.
Những người Việt Nam ở trong nước đấu tranh vì dân chủ trong một nền chính trị tệ hại như thế này là một việc đương nhiên. Nhưng đối với người Việt ở nước ngoài thì chẳng có lý do gì để quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam cả. Họ có thể hưởng một cuộc sống đầy đủ về vật chất, an toàn về môi trường, và còn đầy đủ về tinh thần nữa, không có lý do gì để quan tâm tới một đất nước xa vời vợi và còn chìm ngập trong lắm vấn đề phức tạp. Nhưng mà họ vẫn quan tâm, theo dõi mà còn đặt ra một giải thưởng nữa, để hổ trợ, khích lệ tinh thần những người trong nước.
Kính Hòa: Tù nhân lương tâm liên tục bị tống xuất ra nước ngoài. Chị thấy chính sách đó của Việt Nam có hiệu quả hay không?
Đoan Trang: Đó là một chính sách mang rất nhiều lợi ích cho họ. Tôi vẫn hay viết và nói ra thế này: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước buôn dân. Cấp trên hay cấp dưới đều buôn cả.
Cấp trên thì đổi tù nhân lương tâm để lấy những điều lợi về kinh tế, với cộng đồng quốc tế. Như là một hiệp định với EU hay một hiệp định với Mỹ.
Cấp dưới thì bắt những tù nhân lương tâm, những người hoạt động dân chủ để được lên lon, lên lương.
Tù nhân lương tâm ngày càng trở nên một món hàng rất là hời cho nhà cầm quyền này ở các cấp.
Không có lý do gì để họ không làm điều ấy cả. Bắt thì họ chẳng thiệt gì, thả thì được tiếng tôn trọng nhân quyền với các đối tác phương Tây. Tôi nghĩ là việc bắt người rồi trục xuất sẽ còn dài dài, chừng nào chính thể này còn tồn tại.
Kính Hòa: Nó có làm ảnh hưởng đến hoạt động cho quyền dân sự, cho nhân quyền trong nước không?
Đoan Trang: Đối với cá nhân tôi thì nó không ảnh hưởng gì lắm. Xưa nay tôi vẫn làm những công việc đó. Có ai bên cạnh giúp hay không thì tôi vẫn làm. Còn đối với phong trào thì tôi nghĩ là cũng có, vì người ta nghĩ rằng những gương mặt nổi bật đại diện cho phong trào, ít nhất về mặt hình ảnh, không còn nữa thì còn ai? Có thể nhiều người sẽ nghĩ như vậy.
Kính Hòa: Gần đây có trường hợp chị Lê Thu Hà, bị trục xuất sang Đức, rồi lại trở về Việt Nam, lại bị trục xuất. Cũng có những ý kiến bàn tán về việc này. Chị nghĩ sao?
Đoan Trang: Khi biết chuyện đó tôi rất lo lắng và thương cho Hà. Tôi nghĩ là tôi hiểu tâm trạng của Hà. Một phụ nữ trẻ, đấu tranh là vì cái chung, cho dân chủ cho Việt Nam, bị bắt giam hai năm rưỡi, trong phòng tạm giam chắc là ba đến sáu mét vuông một người, như là cái cũi. Ngày này qua ngày khác, không có bất kỳ một thông tin nào từ bên ngoài vào, chưa kể điều kiện vật chất thì vô cùng tồi tệ. Một phụ nữ rất lãng mạn, yêu thơ văn, rất yêu nước,… sống như vậy trong vòng hai năm rưỡi. Đó là một địa ngục trần gian. Hà chưa có một ngày nào gặp lại gia đình cả. Đùng một cái rời nhà tù đến một đất nước xa lạ, mùa đông rất lạnh lẽo.
Những điều đó đủ cho chúng ta cảm thấy xót xa cho Hà.
Khi Hà về Việt Nam tôi rất lo lắng không biết nhà cầm quyền Việt Nam sẽ làm gì với Hà. Dù sao thì khi họ trục xuất thì sai pháp luật, nhưng rất là may vì nếu không họ lại bắt nữa thì lại còn khổ cho Hà.
Việc đó làm tôi thật sự áy náy, mình không làm gì được và cũng sẽ không làm gì được cho Hà.
Kính Hòa: Giải nhân quyền lần này có ba người, thì anh Hoàng Bình là về hoạt động môi trường, chị Nga về quyền lao động, chị có nghĩ rằng nếu hoạt động vì môi trường và quyền lao động ra khỏi cái từ nhân quyền mà những người cộng sản rất sợ, thì có dễ hơn không?
Đoan Trang: Nói chung những khái niệm như dân chủ, nhân quyền, tự do, đều kiên kỵ với người cộng sản, họ không thích. Đấu tranh nói chung hay là tách ra với những quyền môi trường, hay những quyền nghe rất vô hại như là quyền của người thiểu số chẳng hạn, quyền lao động… nghe có vể nhân văn không mang tính chính trị, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì cả. Cộng sản đã ghét rồi thì họ đàn áp thẳng tay, đừng tưởng đấu tranh vì môi trường mà họ không đàn áp. Không hề!
Kính Hòa: Có hai việc, thứ nhất là hiệp định thương mại với châu Âu có bắt Việt Nam cho phép lập nghiệp đoàn lao động độc lập, thứ hai là những vụ bê bối về môi trường như Formosa, hay Vĩnh Tân đã gây những xáo trộn xã hội lớn. Chị có nghĩ rằng tới đây nhà nước Việt Nam sẽ nới ta trong các vấn đề lao động và môi trường, vì rõ ràng nó ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính họ?
Đoan Trang: Có một điều tôi rất nghi ngờ là sự thay đổi suy nghĩ của những người cộng sản, để họ có tầm nhìn dài hạn hơn, vì dân vì nước hơn. Tôi không tin.
Những người cộng sản lúc nào cũng sợ mất quyền và tiền. Thứ hai là họ không có tầm nhìn xa như thế. Chúng ta có thể nói với họ là môi trường và nhân quyền mà tốt thì mọi người đều có lợi, nhưng họ sẽ không tin và họ không quan tâm. Họ thấy cái gì trong ngắn hạn ảnh hưởng đến quyền lợi của họ là họ phải dập, phải đàn áp.
Đặc biệt nhà nước công an trị có một cái tư tưởng là phải tiêu diệt tổ chức phản động từ trong trứng nước. Tức là bất cứ khi nào người dân có sự tu tập, kết nối với nhau mà họ không kiểm soát được, hay nói theo từ cộng sản là không có sự quản lý và định hướng của nhà nước, thì cứ phải diệt, diệt ngay lập tức.
Cho nên là công đoàn, môi trường, hay quyền giáo dục, quyền ý tế… tất cả những cái đó chẳng có nghĩ gì với họ cả.
Tôi không tin là họ có thiện chí nào cho sự thay đổi.
Kính Hòa: Việt Nam cải cách kinh tế từ năm 1986, đã hơn 30 năm rồi. Có những ý tưởng cho rằng cải cách kinh tế sẽ dẫn đến chính trị, nhưng có vẻ chúng ta đang chứng kiến một chuyện ngược lại, khi ông Nguyễn Phú Trọng mới đây nói sự suy thoái về chính trị còn nguy hiểm hơn suy thoái kinh tế. Chị nghĩ khi nào thì cải cách chính trị đến với Việt Nam?
Đoan Trang: Tôi nghĩ rằng Việt Nam và Trung Quốc cung cấp cho thế giới hai ví dụ cho việc cải cách kinh tế không nhất thiết dẫn đến cải cách chính trị. Huống chi là Việt Nam cũng chẳng tự do về kinh tế. Việt Nam chưa bao giờ tự do về kinh tế cả.
Cho nên tôi không thấy lý do gì mà những chuyện 32 năm qua sẽ dẫn đến cải cách chính trị. Tôi chẳng thấy dấu hiệu nhượng bộ nào từ nhà cầm quyền cả.
Kính Hòa: Cho tự do kinh tế một chút xíu, nhưng vẫn nắm chặt về chính trị, thì việc này chị có cho là nó cũng có nguồn gốc từ truyền thống Á Đông, những xã hội Việt Nam Trung Quốc đều theo Khổng giáo vốn có truyền thống độc tài đàn áp từ lâu rồi, chị có thấy vậy không?
Đoan Trang: Tôi cho rằng ở những đất nước mà thay đổi kinh tế dẫn đến chính trị, thì do là thay đổi kinh tế dẫn đến thịnh vượng hơn, hình thành tầng lớp trung lưu, một tầng lớp có đòi hỏi mạnh mẽ nhất về cải cách chính trị.
Nhưng ở Việt Nam và Trung Quốc thì cho thấy ngược lại. Tầng lớp trung lưu có hình thành thì nó cũng chẳng dẫn đến cải cách chính trị. Ho không có nhu cầu cải cách chính trị.
Trước hết là quyền lợi của họ gắn chặt với nhà cầm quyền.
Ở Việt Nam, những công ty lớn, những đại gia, tất cả những thành công của họ đều xuất phát từ quan hệ với nhà cầm quyền. Đều là sân sau, cửa sau của nhà cầm quyền. Không có sự thành đạ nào xuất phát từ sáng kiến, từ đổi mới từ tài năng kinh doanh cả.
Điểm thứ hai là đúng như anh nói, dường như cái não trạng của người Việt Nam có ảnh hưởng từ Khổng giáo. Giới trung lưu Việt Nam họ không có khát vọng về dân chủ. Còn thượng lưu ở Việt Nam thì không có nghĩa là tinh hoa. Đại gia của Việt Nam thì có nghĩa là ăn bò Kobe, hay là đi mua giường,… Tầng lớp “tinh hoa” ở Việt Nam, xin lỗi phải dùng từ là xôi thịt, không có tầm văn hóa để dẫn dắt xã hội.

Đoàn công tác Hồ Nam (Tàu) mang gì đến Việt Nam? Có bẫy nợ hay không?

Nguyễn Việt Nam

Cách đây vài hôm, Tàu cử đoàn công tác tỉnh Hồ Nam sang làm việc ở nước ta. Nội dung làm việc với lãnh đạo cấp cao ta không bàn. Đáng lưu ý là lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa hai tập đoàn là GFS của Việt Nam và tập đoàn Kiến Công của Hồ Nam. Điều đáng lưu ý là tập đoàn Kiến Công này là tập đoàn nhà nước và tập đoàn GFS này là tập đoàn mạnh của Việt Nam (trước đây cũng là nhà nước thuộc bộ Thông Tải thành lập năm 1997, sau đó cổ phần hóa năm 2005). Thực sự Nam không biết là cổ phần nhà nước còn bao nhiêu trong tập đoàn GFS và đây là sân sau hay gì. Nhưng:
Quan trọng là trong lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác có các nội dung hợp tác như: hai bên sẽ tập trung hợp tác phát triển trong lĩnh vực bất động sản và phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, thủy lợi, đô thị tại Việt Nam. Mà đây là thế mạnh của hai tập đoàn này. Có rất nhiều nghi vấn được đặt ra là liệu Tàu có mượn tay tập đoàn Kiến Công này để đưa bẫy nợ vào Việt Nam hay không và bên Việt Nam có dùng GFS làm bình phong cho việc vay mượn gì vốn hay tiếp nhận dự án từ bên đó hay không?
Âm mưu bẫy nợ của Tàu rất thâm độc. Chúng ta đã bàn nhiều lần rồi. Nhất là việc Tàu dùng các công ty nhà nước làm con bài đầu tư để gieo rắc bẫy nợ. Với quy mô của hai tập đoàn này thì có vẻ dự án đầu tư mà họ triển khai không hề nhỏ. Nam nghi ngờ sẽ có những dự án về giao thông, bất động sản (rất lưu ý về bất động sản ở các khu vực trọng yếu), điện (rất có khả năng Tàu sẽ cho tập đoàn này đẩy nhiệt điện phế thải sang ta hoặc các dự án điện xanh như mặt trời, gió với những khoản đầu tư vốn vay khổng lồ để gieo rắc bẫy nợ) sẽ được hai bên triển khai. Việc GFS của Việt Nam đầu tư, xuất khẩu sang đó có thể chỉ là nông sản mà thôi vì tập đoàn này cũng rất mạnh về nông sản.
Thực sự theo dõi vụ việc này Nam thấy có gì đó không ổn lắm và hàng loạt câu hỏi cứ nảy trong đầu. Bởi vì người Việt Nam đang phản ứng rất mạnh với các dự án, thương vụ làm ăn liên quan đến Tàu. Có hay không việc nhà nước dùng những con bài doanh nghiệp để thực hiện mục đích gì đó mờ ám của mình mà không muốn nhân dân nắm rõ? Có phải những dự án hợp tác này nằm trong chiến dịch “một vành đai, một con đường” hay không? Thật sự là rất nghi ngờ.
Dưới đây là bài dự đoán về mảng điện. Nam đăng kèm vì nó liên quan đến nhau:
Sẽ có thể có dự án “điện bẫy nợ”.
Thời gian gần đây báo chí nhà nước đưa rất nhiều tin về tình hình thiếu điện, tăng giá điện, lỗ điện, thiếu điện và đặc biệt có nhiều bài ca ngợi các dự án điện mặt trời và điện gió của Trung Quốc. Đây là dự đoán theo kiểu âm mưu của Nam thôi, nhưng Nam thấy có mùi ở trong ngành điện.
Theo Nam nghĩ việc thiếu than, thiếu điện, tăng giá điện nó chỉ là một cái lý do để nhà nước cho nhân dân thấy sự cần thiết của những dự án điện lớn để giải quyết vấn đề thiếu hụt điện năng. Hiện tại Việt Nam đang có hàng chục dự án đã và đang thi công và đưa một số vào khai thác(Nam để dưới hình vẽ). Tuy nhiên có thể bên nhà nước sẽ đưa ra con số báo cáo rằng vẫn không đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất. Và dự đoán rằng tình trạng tiêu thụ điện năng trong tương lai sẽ gia tăng mạnh do như cầu phát triển của nền kinh tế. Điều này cho thấy cần các dự án điện có tầm quy mô lơn, nhưng họ sẽ kèm theo điều kiện là thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Và giải pháp sẽ là điện mặt trời và điện gió.
Trung Quốc đang là một quốc gia đứng đầu thế giới về ngành công nghiệp điện mặt trời và điện gió. Báo chí nhà nước họ viết nhiều về vấn đề này, ca ngợi khá nhiều. Vậy thì câu hỏi đặt ra là có hay không việc cho nhà đầu tư Trung Quốc vào làm các dự án điện kiểu này? Mặc dù bên nhà nước cũng đã có lời cảnh tỉnh trước vốn vay của Trung Quốc. Nhưng nhìn các văn kiện ký kết giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ sâu rộng, cũng như bên Việt Nam hết mực ủng hộ chiến dịch “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc thì theo Nam nghĩ bên Việt Nam sẽ chấp nhận để Trung Quốc nhảy vào đầu tư.
Hoặc cũng có thể vì những lý do trên, nhưng họ không đề cập đến vấn đề thân thiện môi trường mà chấp nhận các dự án nhiệt điện mới của Trung Quốc. Mới với Việt Nam nhưng thực chất là sắt rỉ của Trung Quốc. Toàn các dự án bọn nó tháo dỡ bên đó rồi muốn đẩy sang đây. Mà tiêu thụ rác cho nó thì mấy ông Việt Nam cũng được khối hoa hồng, rồi sau đó tha hồ tham nhũng
Đặc thù vốn vay của Trung Quốc là bẫy nợ. Chậm tiến độ, chất lượng kém, đội vốn, rồi lợi nhuận sau vận hành kém. Và đi kèm các bất lợi đó là siết lãnh thổ, siết trực tiếp dự án.. Điều này rất nguy hiểm cho vận mệnh quốc gia. Trên thế giới đã có nhiều gương các nước phải gán đất, nhượng địa cho Trung Quốc chỉ vì vay vốn kiểu này. Dân chúng ta thì phản đối rõ ràng rồi. Nhưng nhà nước thì có lẽ sẽ đồng thuận. Vậy phải làm sao đây khi vận mệnh quốc gia bị đe dọa?

Thông điệp rõ ràng


Đỗ Ngà

Còn CS là còn lụn bại, còn CS là luôn thường trực nguy cơ mất nước, điều này ai cũng thấy. ĐCS muốn bảo vệ sự độc quyền cai trị của mình, thì ắt nó phải hy sinh nhiều thứ. Những thứ nó hy sinh ấy là của nhân dân, là của đất nước chứ không phải của nó.
Về kinh tế thì CS đã và đang gây nên núi nợ công cao chót vót. Họ tước bỏ của người dân một cuộc sống tiện nghi và chất lượng bằng cách đánh thuế vô tội vạ. Nông nghiệp nước nhà đã không được các chính sách nhà nước bảo vệ, mà ngược lại lại, nhà nước này còn xả cửa cho nông sản Tàu đánh chết. Công nghiệp thì vẫn con số zero tròn trĩnh. Đã 73 năm cầm quyền, thời gian quá lâu nhưng Việt Nam không chế tạo nổi con ốc đủ tiêu chuẩn. Đào than lên bán cũng thua lỗ, hút dầu lên bán cũng thua lỗ, đào vàng lên bán cũng thua lỗ vv… Để mất biển làm ngư dân mất ngư trường xa bờ, còn lại ngư trường sát bờ thì cho xả thải làm cá chết biển nhiễm độc vv… Về kinh tế, CS chỉ có phá không thấy xây dựng.
Về chính trị thì họ dùng thủ đoạn để bảo vệ sự độc quyền cai trị của họ. Họ tước quyền chính trị của dân, và tất nhiên, họ cũng tước bỏ quyền con người của dân luôn. Dân bất lực trước những khó khăn kinh tế đảng mang lại, dân cũng bất lực trước các chính sách thân Tàu của đảng. Cho nên số phận đất nước bị thả nổi, chẳng còn một trở lực nào để cản nó khỏi lụn bại về kinh tế, và cũng chẳng thế lực nào có thể khuyên đảng né bẫy Trung Cộng được.
An ninh cho dân bị thả nổi, chính lực lượng lượng công an là thành phần xem thường luật pháp nhất. Họ tự do giết người trong lúc tạm giam, họ tổ tức đánh bạc online, họ giả dạng côn đồ gây tội ác với người bất đồng chính kiến, họ nuôi xã hội đen làm tay sai, họ bảo kê cho các tổ chức tội phạm vv..Về an ninh thì chính quyền CS phân làm 2 loại rõ ràng, an ninh cuộc sống cho nhân dân và an ninh chính trị cho đảng. Một siết chặt và một thả nổi.
Còn lại, công an chỉ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho đảng. Họ sẵn sàng làm những điều dơ bẩn nhất để ngăn cản người dân cất lên tiếng nói của sự thật. Họ cho người canh cổng nhà dân vào các ngày lễ vv… Để bảo đảm an ninh cho Đảng, họ làm mọi giá bất chấp hiến pháp và luật pháp.
Về an ninh quốc phòng. Việt Nam cần phải lo bảo đảm an ninh quốc gia với láng giềng Trung Quốc chứ không phải đảm bảo an ninh quốc phòng mà chỉa vào dân, vì dân không hề đe dọa an ninh quốc phòng. Thế nhưng Đảng đã làm gì để bảo vệ đất nước? Không làm gì cả, đảng không phòng thủ gì trước Trung Quốc. Liên tục nhượng bộ và để biển đảo mất dần vào tay Tàu, biển Đông vốn là của Việt Nam nhưng nay Đảng đã bỏ ngỏ không cần bảo vệ nữa và tất nhiên mất và sẽ mất sạch.
Đó là thực tế những gì chính quyền này đã làm, nó được khẳng định qua lời nói của ông Nguyễn Phú Trọng: “Về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”. Đấy là một thông điệp rõ ràng. Nói thẳng ra thông điệp ấy thế này: “dù cho bọn dân đen chúng mầy có bới rác mà ăn thì cũng chẳng quan trọng gì cả. Với bọn tao, chỉ có bảo đảm sự độc quyền cai trị là trên hết” thế thôi. Sẽ không có nhượng bộ nào vì quyền lợi nhân dân hay vì quyền lợi đất nước cả. Không bao giờ.
Trên thế giới chỉ còn có một mình ĐCS Trung Quốc là mạnh nhất, ĐCSVN chủ trương dựa người “anh em” của nó chứ không dựa vào dân. Như vậy, việc sống còn của mình là dân tự liệu. Đừng hy vọng CS đứng chung cùng nhân dân trong vấn đề đất nước./.

Bức ảnh của năm 2018: nụ cười thua trận

Trương Duy Nhất – RFA

Hình ảnh một chiến sĩ cảnh sát cơ động với nụ cười tươi trong biến cố Phan Thiết, đêm 10/6/2018. Không súng đạn dùi cui, hai tay buông thõng, khắp người lấm lem bùn đất, và cả những vết tích từ các trận đòn gạch đá của nhân dân.

Tôi gọi đó là nụ cười thua trận.
Khi họ đã không chọn cách nổ súng. Hoặc nếu buộc phải bắn, họ đã chĩa súng lên trời. Nhiều chiến sĩ đã trân mình chịu trận, không chống trả dân. Họ chọn cách thua dân, để có được một nụ cười hạnh phúc thế.
Một nụ cười đẹp, như chưa bao giờ đẹp hơn, và là bức ảnh đẹp nhất của năm 2018.
———-
(Bấm đọc lại bài viết lấy cảm hứng từ bức ảnh này: Nếu buộc phải bắn, hãy chĩa súng lên trời http://www.rfavietnam.com/node/4505).

Tát. Tát nữa. Tát mãi

canhco’s blog – RFA

Cứ tưởng sau vụ 231 cái tát thì Bộ Giáo dục ít ra cũng ban bố tình trạng…khẩn cấp cho toàn ngành, nào ngờ toàn ngành tiếp tục … tát tai học sinh như không hề nghe thấy những căm phẫn của người dân chung quanh mình.
Ngày 3 tháng 12 vừa rồi một cô giáo được báo chí ghi tên là T tại trường tiểu học Quang Trung Quận Đống Đa Hà nội đã tiếp tục tấn tuồng bắt các em trong lớp tát tai bạn mình là em P vì em này can tội nói bậy. Cô giáo ra lệnh tát 50 cái nhưng sau cái thứ 20 em P la khóc quá nên cô giáo tạm ngưng hình phạt và câu chuyện kể như … xong.
Nó xong trong lớp nhưng không xong bên ngoài vòng rào nhà trường. Báo chí vào cuộc và cô giáo T giống như mọi cô giáo tát tai học sinh khác trước đây nhận được sự bảo vệ tích cực của nhà trường và cuối cùng là một lời xin lỗi như người … không có lỗi.
Trong khi dư luận tạm lắng xuống về việc cô giáo cho cả lớp tát 231 cái vào má một em học sinh tại trường Duy Ninh huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình lại nổi lên một tình huống mới, tình huống mà nhà báo Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng biên tập của tờ Tuổi Trẻ gọi là “tội ác không có điểm dừng”, đó là hành vi “lấy lời khai” của các em trong vụ 231 cái tát vào bạn của mình.
Bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh không biết do ai xúi dại, đã yêu cầu các cháu “phân loại” những cái tát này theo tiêu chí của … Quốc hội, đó là tát nhẹ, tát vừa và tát mạnh. Bà Lệ Anh chứng tỏ là một công dân gương mẫu, sống làm việc theo hành…vi mà Quốc hội vẫn thường làm.
Bà Lệ Anh rất trong sáng và chứng tỏ là một hiệu trưởng giỏi trong thời buổi 4.0, bà cho các em trả lời một danh sách rất chọn lọc các câu hỏi mà các em chắc chắn rất có hứng thú như sau:
  1. Cô T quy định phạt tát thời gian nào?
  2. Bạn N bị tát vào thời gian nào?
  3. Khi tát bạn N cô T có mặt ở lớp không?
  4. Em tát vào mặt bạn N bao nhiêu cái?
  5. Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ?
  6. Bạn N có nói tục không?
  7. Khi tát bạn N có khóc không?
  8. Sau khi tát má bạn N có đỏ không?
  9. Cô T vào đã tát được mấy bạn?
  10. Cô T có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?
  11. Cô T tát bạn N mấy cái?
  12. Sau khi tát bạn N có bị chảy máu không?
  13. Sau khi tát bạn N cả lớp có sợ hãi bật khóc không?
  14. Trước khi tát bạn N cô T có ra lệnh tát phạt mấy bạn?
  15. Khi tát bạn N cô T ra lệnh hay tự ý?
  16. Cô T có phải là người cuối cùng tát bạn N không?
  17. Cô T đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N?
  18. Sau khi tát bạn N có ở lại học không?
Với 19 câu hỏi này người xem thấy ẩn hiện giữa hai giòng chữ là hình ảnh của bản hỏi cung từ Đội điều tra xét hỏi, và những câu hỏi được gợi ý hoàn toàn có mục đích mà người hỏi nhắm tới: Tìm kiếm sự thật nào có lợi nhất cho hành động phạt tát tai không ảnh hưởng đến điểm thi đua của nhà trường.
Chỉ áp dụng cho nhà trường mà thôi vì cô giáo T gây làn sóng phẫn nộ đã bị công an chính thức làm việc và chuyện khởi tố không phải là điều khó xảy ra bởi phản ứng mạnh mẽ của dư luận.

Cắt điện vì thiếu than

Ngô Trường An

Điện lực VN cảnh báo sẽ cắt điện vào đầu năm 2019 vì thiếu than. Nguyên nhân dẫn đến thiếu than là gì? Chúng ta hãy đọc qua báo đảng sẽ hiểu:
– Những năm trước, đảng csVn ra sức khai thác khoáng sản bán cho TQ với giá rẻ mạt. Đến hôm nay nguồn than đã cạn kiệt, không còn có thể khai thác được nữa. (Do đó không có than)
– Muốn có than sử dụng, chúng ta phải mua lại than của chính mình đã bán cho TQ với giá cao gấp 3 lần. (Cao quá mua không nổi, nên không có than)
– Không có tiền ông Tơn để mua, tiền Hồ dù có in thêm mỗi năm mấy chục ngàn tỷ thì cũng chỉ để bóc lột sức dân, chứ đối với nước ngoài nó chẳng có giá trị gì! (Không có ngoại tệ, nên không mua được than)
– Tại sao ta không có ngoại tệ? Vậy khoáng sản ta đã bán hết, tiền đó đi đâu?
Cụ thể, chỉ riêng tỉnh Quảng Nam từ năm 2008 đến năm 2012 đã đã khai thác và bán ra nước ngoài đến 4,430 tấn vàng ròng thành phẩm.Thế nhưng, họ chẳng đem về một đồng ngoại tệ nào cho quê hương, mà còn thiếu nợ lại hơn 1.000tỷ đồng tiền thuế?
Hôm nay không có ngoại tệ để mua than, người dân phải chịu cảnh mất điện. Ngày mai không có ngoại tệ để mua xăng dầu, người dân phải chấp nhận đi bộ. Rồi thuốc chữa bệnh, dụng cụ y khoa và bao nhiêu các thứ khác ta phải nhập khẩu mà không có ngoại tệ thì sao?
Tài nguyên quốc gia là của toàn dân VN. Thế nhưng, nhà cầm quyền csVn coi đó là của riêng họ. Người nào lên nắm quyền cũng lo vơ vét bán đổ, bán tháo, chiếm đoạt cho riêng mình, mặc kệ hậu quả mà dân tộc phải gánh chịu.
Tôi nói thật, đến bây giờ mà những người nào còn bàng quan với hiện tình đất nước, những người nào không nhìn thấy hậu quả mà con cháu mình sẽ gánh chịu trong tương lai và những người nào còn ủng hộ đảng csVn cầm quyền… Thì tất cả, đó là một lũ ngu muôn thuở!

Thừa Thiên-Huế: Phó trưởng công an xã dùng dao đánh dân nhập viện

Ông Lê Phong đang điều trị tại bệnh viện sau khi bị công an đánh nhiều nơi trên cơ thể. (Hình: Người Đưa Tin)
THỪA THIÊN – HUẾ, Việt Nam (NV) – Phó trưởng Công An xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc bị tố đã dùng dao đánh người dân đáng tuổi cha mình, khiến nạn nhân bị chấn thương phải nhập viện điều trị.
Ngày 6 Tháng Mười Hai, 2018, xác nhận với báo Người Đưa Tin, ông Cái Trọng Như, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, cho biết đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông La Xuân Xáng, phó trưởng Công An xã này trong vòng 15 ngày do bị “tố” đã hành hung ông Lê Phong (53 tuổi, ở thôn Đông Lưu, xã Lộc Trì) đến chấn thương phải vào bệnh viện điều trị.
“Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc, ủy ban xã đang phối hợp cùng lực lượng công an huyện điều tra, làm rõ và sẽ có kết luận sau,” ông Như nói.
Tin báo này cho biết, khoảng 3 giờ chiều 26 Tháng Mười Một, ông Phong đến trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã Lộc Trì để làm việc theo giấy mời với lý do nêu ra “gây mất trật tự công cộng” của Ban Công An xã này.
Khi ông Phong vào phòng làm việc thì có thêm hai người khác cũng đang làm việc do tội “trộm gà.”
Vừa ngồi xuống ghế, ông Xáng hỏi ông Phong “có khai không”, dù ông Phong chưa kịp trả lời và không hề có hành động chống đối nhưng đã bị ông Xáng lấy dùi cui cao su đánh liên tục từ trên xuống dưới khắp cơ thể.
La Xuân Xáng, phó trưởng Công An xã Lộc Trì cho rằng chỉ “đụng tay” khiến dân nhập viện. (Hình: Người Đưa Tin)
“Chưa dừng lại ở đó, ông Xáng dùng chân đạp bên hông trái tôi, rồi chộp lấy lỗ tai tôi xách lên, đồng thời cầm con dao phay và yêu cầu tôi phải thẳng tay ra. Ngay lập tức, ông Xáng trở con dao lại đánh vào mu bàn tay của tôi, khiến tôi đau đớn phải kêu cứu,” ông Phong nói.
Sau đó, ông Phong được người nhà đưa đến Bệnh Viện Đa Khoa huyện Phú Lộc để kiểm tra, bó bột và điều trị.
Thế nhưng, nói với báo Người Đưa Tin, ông Xáng cho rằng, tại buổi làm việc vào chiều 26 Tháng Mười Một, phía công an xã chỉ “đề nghị” ông Phong đến xin lỗi những người trong thôn về hành vi gây rối của mình. Thế nhưng, ông Phong không đồng ý và có lời lẽ xúc phạm nên trong lúc nóng giận ông Xáng đã “không thể làm chủ được hành vi của mình.”
“Do bực quá, tôi yêu cầu ông Phong để tay lên bàn rồi đấm ông Phong hai cái,” ông Xáng biện minh.
Tuy kể vậy nhưng trong bản tự kiểm điểm gửi lên cấp trên của mình, ông Xáng lại tự khai hoàn toàn trái ngược với những thông tin mà ông đã nói với báo chí.
Theo đó, nội dung trong bản tự kiểm ông Xáng ghi “trong lúc nóng giận tôi đã dùng tay phải của mình ‘đụng’ vào bàn tay trái của ông Phong gây thương tích bầm mu bàn tay.”
Liên quan đến vụ này, ngày 5 Tháng Mười Hai, nói với báo Người Đưa Tin, ông Cái Xuân Lạng, trưởng Công An xã Lộc Trì chỉ cho biết “đã nắm qua vụ việc và đã yêu cầu ông Xáng làm bản tự kiểm điểm. Đồng thời, sẽ làm báo cáo để gửi lên cấp trên.” (Tr.N)

Sân vận động Mỹ Đình bị Trung Quốc yểm bùa?

Bốn mươi quả "bóng xích" đã được di chuyển khỏi sân Mỹ Đình ngay trong đêm. (Hình: Dân Trí)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo Dân Trí hôm 6 Tháng Mười Hai, 2018, tiết lộ một chuyện cười ra nước mắt: Đêm 5 Tháng Mười Hai, Liên Đoàn Bóng Tròn Việt Nam yêu cầu nhà chức trách cho cần cẩu chuyển 40 quả bóng bê tông chằng với nhau bằng dây xích sắt (mà người Hà Nội quen gọi là “bóng xích”) ra khỏi khuôn viên sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Hành động này được làm cấp tốc ngay trong đêm vì hôm 6 Tháng Mười Hai, sân Mỹ Đình diễn ra trận bán kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines trong khuôn khổ giải AFF Cup 2018.
Tờ Dân Trí dẫn lời một người hâm mộ bóng tròn sống gần sân Mỹ Đình: “Bóng xích quanh sân Mỹ Đình là bóng chết, tù túng và không tạo ra năng lượng. Đội bóng của chúng ta đi ‘đánh’ thiên hạ thì thắng, nhưng về sân nhà lịch sử ghi nhận trên sân Mỹ Đình với các trận loại trực tiếp chỉ hòa và thua. Khi quả bóng lăn mới tạo ra năng lượng, quả bóng bị xích đó là bóng chết, về lâu dài chúng ta nên bỏ xích đi!”
Được biết 40 quả bóng bê tông hiện diện như vật trang trí bao quanh sân Mỹ Đình từ thời điểm khánh thành hồi Tháng Chín, 2003. Công trình này được xây dựng với kinh phí gần $53 triệu.
Theo thống kê của truyền thông Việt Nam, trong 10 lần lọt vào bán kết giải AFF Cup, đội tuyển Việt Nam đã thi đấu 5 trận tại sân Mỹ Đình. Kết quả là trong các trận quan trọng này, đội tuyển Việt Nam chỉ hòa hoặc thua chứ chưa có trận nào thắng trên sân nhà.
Do vậy mà một phần người hâm mộ và cả giới chức của Liên Đoàn Bóng Tròn Việt Nam có “niềm tin tâm linh” rằng cần phải di dời cấp tốc 40 quả bóng bê tông ngoài sân vì đó có thể là “vật trấn yểm, trù ếm” khiến đội nhà không có nổi một trận thắng. Một số người đi xa hơn khi suy đoán nhà thầu Trung Quốc HISG (trúng thầu xây sân Mỹ Đình) đứng sau vụ “trấn yểm” này.
Việc dời 40 quả bóng mang tính chất mê tín gây bàn luận rôm rả trên mạng xã hội hôm 6 Tháng Mười Hai. Blogger Đàm Hà Phú, tác giả cuốn “Chuyện Nhỏ Sài Gòn” bình luận trên trang cá nhân: “Các bác mê tín vừa thôi chớ, ở cái đất nước này cái gì mà Trung Quốc không xây? Muốn cẩu có mà mà cẩu cả nước đi. Sài Gòn chi 30 ngàn tỷ đồng chống ngập rồi giao nhà thầu Trung Quốc giờ nước tràn bờ đê khắp nơi. Đường sắt trên cao ở Hà Nội do nhà thầu Trung Quốc làm cả chục năm rồi đội giá cả trăm lần giờ nhìn như đồ mủ không biết chừng nào mới chạy được. Ba cái nhà máy nhiệt điện lôm côm giờ như cái lò thiêu sống người dân trong khu vực… Có cái cẩu nào lớn lớn kêu tới cẩu hết đi giùm mấy thầy ơi!”
Blogger Vũ Hồng Thủy làm ở Tổng Công Ty Tư Vấn Xây Dựng Việt Nam, viết trên trang cá nhân: “Trước đây nhiều năm, khi bắt đầu xây dựng, nhiều người đã có ý kiến rằng sân Mỹ Đình nằm trên ‘long mạch’ nên rất động. Nhiều điều xảy ra sau đó lại làm thần bí thêm cho ý kiến ấy: Người trưởng ban quản lý dự án xây sân này bất ngờ bị bắt vì tội ấu dâm; những trận bóng thua một cách ‘không tưởng’. Rồi vụ nổ 2 container pháo hoa ở Mỹ Đình khiến bốn người chết năm 2010.”
“Lúc đầu, sân Mỹ Đình còn có một hòn đá ghi công trạng các cơ quan, đơn vị đặt bên trái lối vào chính diện. Hòn đá này bị cho là nằm chẹn lên ‘long mạch’ nhưng vì đá ghi công nên không ai dám bỏ đi. Ngoài ra, con mương nhỏ phía sau sân Mỹ Đình sau khi được cải tạo lại chĩa mũi nhọn thẳng vào cửa chính khán đài A. Theo phong thủy, thế là không ổn rồi! Hôm nay, bỏ 40 hòn đá bị cầm tù đi, không biết có giải được ‘cái phạm’ về phong thuỷ của sân Mỹ Đình không nhưng ít ra cũng cất đi được cái tâm lý nặng chĩu cho bóng đá Việt Nam hôm nay,” blogger Vũ Hồng Thủy viết. (T.K.)

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm sắp về hưu, người thay thế chưa bầu đã biết

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. (Hình: Zing)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 6 Tháng Mười Hai, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn loan báo việc sẽ nghỉ hưu sau bảy năm tại vị.
Bà Tâm là quan chức ở Sài Gòn nhận nhiều bàn tán thời gian qua sau vụ bị cô Nguyễn Thùy Dương, một người dân mất đất ở quận 2, ném giày cao gót về phía bà trong buổi “tiếp xúc cử tri” liên quan đến đất đai Thủ Thiêm hôm 20 Tháng Mười.
Tờ Zing dẫn lời bà Tâm: “Thay thế vị trí của tôi là một người trẻ, sung sức hơn, nhiều kỳ vọng, tham vọng hơn. Tôi nghĩ rằng sự dẫn dắt đó chỉ có tốt hơn thôi.”
Tuy vậy, người ta thấy phát ngôn trên khá mâu thuẫn khi bà cho biết thêm: “Người kế nhiệm của tôi sẽ được giới thiệu theo quy định, còn việc bầu ai thì Hội Đồng Nhân Dân sẽ bỏ phiếu theo quy trình 5 bước.” Tức là tuy bà nói việc bầu tân chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân sẽ diễn ra “theo quy trình” nhưng bà đã biết trước kết quả nhân vật được bầu là “một người trẻ, sung sức hơn, nhiều kỳ vọng, tham vọng hơn”.
Theo báo Zing, bà Tâm tiếp tục hứa hẹn: “Dù tới đây tôi thôi chức vụ lãnh đạo Hội Đồng Nhân Dân nhưng vẫn là đại biểu Hội Đồng Nhân Dân, đại biểu Quốc Hội, do vậy tôi sẽ tiếp tục đeo bám các sự việc đang giải quyết.”
Giới quan sát nhận định phát ngôn của bà Tâm khá vô trách nhiệm, vì mới hồi Tháng Năm, 2018, trong một buổi “tiếp xúc cử tri”, bà hứa: “Còn làm đại biểu ngày nào thì tôi sẽ giải quyết bằng được vụ Thủ Thiêm.”
Thực tế, người ta thấy các vụ khiếu kiện đất đai Thủ Thiêm đã diễn ra dai dẳng trong suốt 20 năm qua, với nhiều cáo buộc giới chức Ủy Ban Nhân Dân thành phố, Thành Ủy ở Sài Gòn tiếp tay cho doanh nghiệp địa ốc cướp đất của dân oan ở quận 2.
Bảy năm ngồi ở ghế chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân của bà Tâm cũng nằm trọn trong quãng thời gian này nhưng bà đã chọn cách giữ im lặng. Rồi đến khi chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu, bà mới lên tiếng về vụ Thủ Thiêm. Và đến sát ngày rời ghế, bà chuyển sang nói chung chung là “sẽ tiếp tục đeo bám các sự việc đang giải quyết”.
Điều đó khiến công luận đặt câu hỏi: Một khi nắm giữ chức vụ cao nhất Hội Đồng Nhân Dân ở Sài Gòn mà bà không giải quyết rốt ráo thì thử hỏi khi trở thành đại biểu không có chức danh, liệu bà có thể làm gì cho những người dân oan?
Trong lúc vụ cướp đất Thủ Thiêm vẫn đang âm ỉ và chưa có giải pháp bồi thường, bà Tâm còn “đổ dầu vào lửa” khi Hội Đồng Nhân Dân ở Sài Gòn do bà làm người đứng đầu quyết định thông qua việc xây nhà hát 1,500 tỉ đồng ($64 triệu) ở Thủ Thiêm với lập luận “vì dân cần nên xây nhà hát”.
Điều oái ăm là sau các sự việc nêu trên, cũng theo báo Zing, bà Tâm được ghi nhận xếp thứ nhì về phiếu “tín nhiệm cao” (81 phiếu, tỷ lệ 77.14%) trong lần bỏ phiếu ở Hội Đồng Nhân Dân ở Sài Gòn hôm 5 Tháng Mười Hai.
Thời điểm bà Tâm bị ném giày, nhà báo tự do Ngô Nguyệt Hữu bình luận trên trang cá nhân: “Nếu không có trung ương, không có kết luận của Thanh Tra Chính Phủ, không có chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ, các đại biểu [Hội Đồng Nhân Dân, Quốc Hội] vẫn sẽ lờ đi như không có chuyện gì xảy ra. Ai khóc cứ khóc, ai kiện cứ kiện, ai đau đớn cứ đau đớn. Những đại biểu ấy, ngồi chỉ chật ghế nghị trường, họ không đại diện cho cử tri khu vực của họ thì dự họp chỉ tốn tiền ngân sách. Quan trọng hơn, để bảo vệ đến cùng cái sai của những cá nhân mà họ biết rõ, để trốn tránh trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, họ kiên quyết đóng mắt bịt tai đến cùng. Và chiếc giầy ném về phía họ hôm qua, chính là thái độ của nhân dân dành cho họ.” (T.K.)