Wednesday, November 12, 2014

Có phải Trung Quốc đủ thực lực làm bá chủ thế giới?

WASHINGTON DC (NV) .- Trung Quốc không chỉ muốn cướp toàn bộ Biển Đông mà còn cao hơn nữa. Họ muốn thay thế Mỹ làm trùm thế giới, theo nhận định của một nhà phân tích chính trị ở Hoa Thịnh Đốn.


 Tàu chiến Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông đầu năm 2014. (Hình:Navy.81.cn)

Cuộc va chạm với Việt Nam ở phía nam quần đảo Hoàng Sa hồi Tháng 5-2014 đã qua đi. Tuy Bắc Kinh rút giàn khoan HD981, nhưng không mấy ai tin là mọi nguy cơ  xung đột quân sự giữa Việt Nam với Trung Quốc, nói chung là giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, sẽ chấm dứt từ đây.

Hành động ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ tới dò tìm dầu khí ở vùng biển tranh chấp chỉ là hành động mà Bắc Kinh muốn chứng tỏ cho mọi người thấy họ sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để kiểm soát, đúng hơn là chiếm đoạt, một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên rộng tới 3.5 triệu km2.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ khu vực Biển Đông, cả về quyền khai thác hải sản cũng như khai thác dầu khí, đã kéo dài suốt nhiều thế kỷ hoặc ở khu này hoặc ở khu khác, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại bùng phát mạnh vào năm nay?

“Nhìn trên bình diện toàn cầu, hiện đang có vấn đề an ninh năng lượng mà tất cả các quốc gia Đông Nam Á, chứ không riêng gì Trung Quốc, cần có thêm năng lượng để phát triển.”

Ông Lê Hoài Trung, đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, nói với đài truyền hình CBS trong cuộc phỏng vấn. “Đối với Trung Quốc, vấn đề này với họ còn là vấn đề lớn hơn nữa như quý vị có thể đã biết. Từ năm 2009, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trên thế giới.”

Ông Trung nói thêm “Tôi không nghĩ rằng họ có quyền dò tìm dầu khí ở vùng đó.”

Ông Lê Hoài Trung, theo CBS, cũng cho hay Trung Quốc xâm lấn lợi ích chiến lược, địa chính trị và quân sự bằng cách tuyên bố chủ quyền vùng nước chung quanh quần đảo Hoàng Sa (cách bờ biển Việt Nam 200 dặm cũng như cách đảo Hải Nam 200 dặm).

“Khoảng 70% hàng hóa thương mại toàn cầu vận chuyển bằng đường biển mà hai phần ba của tất cả hàng hóa thương mại vận chuyển qua Biển Đông.” Ông Trung nói.

Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ tuyên bố có lợi ích quốc gia (trên Biển Đông) và tại sao cả việc sản xuất cũng như vận chuyển dầu lại là trung tâm điểm của tranh chấp, ông Trung nói.

“Trung Quốc ngày càng mạnh hơn.” Ông Trung nói. “Nền kinh tế của họ tăng trưởng theo nhịp độ cao và cùng một lúc, ngân sách quân sự của họ tăng nhanh nhất từ năm 1988 đến nay, ít nhất 10% một năm. Vì thế mà Trung Quốc ở cái thế mạnh hơn.”

Quân đội Trung Quốc phát triển đã trở thành dấu hiệu chớp sáng như đèn neon (báo động) cho Hoa Kỳ và các cường quốc khác.

“Nếu quân đội được sử dụng cho mục đích phòng vệ, khi đó tôi nghĩ tất cả các láng giềng sẽ bớt lo ngại.” Ông Trung nói với CBS. “Nhưng nếu các láng giềng thấy quân đội được dùng cho các mục đích khác không phải theo bản chất tự vệ, khi đó trở thành quan ngại cho bất cứ nước nào, không riêng gì Việt Nam”.

Mưu tính nằm ở đằng sau các hành vi ngang ngược ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực có thể phức tạp, và liên quan đến những tranh chấp nội bộ và lợi ích của một số lãnh tụ ở Bắc Kinh nhằm thay đổi quan điểm của thế giới về cái nước khổng lồ, theo bà Elizabeth Economy, một phân tích gia kỳ cựu và là Giám đốc Nghiên cứu Á Châu của tổ chức nghiên cứu chính trị 'Hội đồng Quan Hệ Đối Ngoại' ở Hoa Thịnh Đốn.

Bà Economy chỉ ra rằng chuyện lộn xộn hồi Tháng 5 vừa qua “không phải là lần đầu mà người ta thấy hành vi ngang ngược của một số tay 'diễn viên' hải quân Trung Quốc khác nhau. Họ đã từng đâm tàu Nhật, tàu Philippines. Chuyện này (đâm tàu cảnh sát biển và tàu cá Việt Nam) chỉ là loại hành vi ngang ngược mới nhất của Trung Quốc”.

Cái nguy hiểm nhất, theo bà Economy, là cái thứ hành vi đó có thể dẫn đến “một thứ tính toán sai lầm, một thứ rủi ro và khi chúng phối hợp với tinh thần dân tộc mà chúng ta thấy ở các nước này, người ta sẽ thấy một thứ xung đột tầm mức nhỏ trở thành một cuộc xung đột quân sự toàn diện.”

Ý muốn của Trung Quốc, theo bà Economy nói, là không muốn bị đẩy vào phân giải xuyên qua tập thể khu vực như ASEAN, mà muốn khẳng định sức mạnh để rồi đàm phán trực tiếp với các láng giềng nhỏ hơn của họ.

“Khi họ cắm giàn khoan, lúc đó họ đang ở giữa các vụ thương thuyết với Việt Nam về hợp tác phát triển tài nguyên. Cho nên, tôi nghĩ họ chỉ muốn nối lại các cuộc đàm phán, và họ cảm thấy họ ở thế thượng phong cho cái loại đàm phán như vậy.” Bà Economy nói.

Cho dù Trung Quốc ở thế thượng phong, Việt Nam vẫn có thể có quân bài chủ.

“Tháng 5 năm tới, họ (TQ) dự tính đem giàn khoan trở lại. Nên tôi nghĩ Trung Quốc sẽ thuyết phục Việt Nam đừng đem vụ việc ra tòa án quốc tế vì đó là cái thế mạnh đáng kể mà Việt Nam có.” Bà Economy giải thích.

“Đây là một phần của chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc.” Bà Economy nói thêm. “Nó liên quan đến giấc mộng Trung quốc của chủ tịch Tập Cận Bình, với một kiểu 'chúng ta đang làm sống lại một nước Trung quốc vĩ đại'.Trung Quốc nghĩa là vương triều ở trung tâm (thế giới), và đó là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn hòa nhập Á châu cả về kinh tế và chiến lược mà tất cả mọi con đường đều dẫn tới Bắc Kinh.”

Cơ quan Thông Tin Năng Lượng Mỹ (EIA) ước lượng Biển Đông có trữ lượng khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190 triệu tỉ mét khối khí đốt. Nhưng bà Economy cho rằng không phải chỉ vì dầu khí.

“(Dầu khí) không phải là trọng tâm của tranh chấp.” Bà Economy nói. “Thật ra, ở giữa cái này, là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên lịch sử, cái họ tin là một phần của lãnh thổ quốc gia, trở ngược lại nhiều thế kỷ trước. Trung Quốc bây giờ có khả năng kinh tế và quân sự để thể hiện những tuyên bố chủ quyền đó, và quý vị thấy một lãnh tụ Trung Quốc có tinh thần quốc gia cao ở thời điểm này, và là người hoàn toàn quyết đoán và sẵn sàng cố thực thi tuyên bố chủ quyền, cho nên điều này, trong nhãn quan của họ, đây là thời điểm của Trung Quốc”.

“Khi chủ tịch Tập Cận Bình vừa lên nắm quyền, ông ta ngay lập tức thăm viếng tất cả các tư lệnh quân đội. Ông ta nói về một yếu tố của giấc mơ Trung Quốc là một quân đội hùng mạnh, có khả năng không những bảo vệ Trung Quốc mà còn theo đuổi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Đây là một phần của viễn ảnh lớn hơn mà theo tôi sẽ thấy Trung Quốc tiếp tục đầu tư rất mạnh mẽ cho quân đội.” Bà Economy nói.

Bà Economy cho rằng các nhóm khác nhau ở Trung Quốc hiểu khác nhau về mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ. Có những người muốn hợp tác với Mỹ, tức những người muốn thấy tương lai của hai quốc gia liên quan chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên cũng có nhóm đáng kể trong thượng tầng cai trị ở Trung Quốc nhìn thấy “mặt trời đang lặn đối với vị thế chúa trùm của Mỹ”.

Cái nhóm lãnh tụ Trung Quốc này, theo bà biện luận, “muốn lật nước Mỹ”.

Các biến cố ở khu vực vào mùa xuân và mùa hè vừa qua ở khu vực không được nhiều nước ở khu vực bầy tỏ quan tâm lắm khi nghĩ đến thách thức sức mạnh ngày càng tăng cao của Trung Quốc.

“Chúng tôi coi trọng tình bằng hữu với Trung Quốc.” Đại sứ CSVN Lê Hoài Trung nói. “Trung Quốc là nước láng giềng và chúng tôi có nhiều điểm chung và chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể hưởng lợi từ sự phát triển của Trung Quốc”.

Lượm nhặt được một miếng từ sự tăng trưởng của Trung Quốc có thể là điểm then chốt. Đông Nam Á, ông Trung chỉ ra, từng có chiến tranh trong các thập niên 50, 60 và 70 và chẳng có ai muốn quay trở lại xung đột.

Bà Economy cho rằng khung cảnh đang thay đổi. “Lần đầu tiên, chắc chắn là trong 150 năm qua, Trung Quốc cảm thấy họ có khả năng quân sự để thực thi các tuyên bố chủ quyền.” Bà nói. (TN)
11-11-2014 6:01:32 PM

Trộm tích cực 'viếng' nhà quan chức và công sở

TỔNG HỢP ( NV) - Không dừng lại ở việc trộm cắp nhà dân, gần đây các tên đạo chích đã thường xuyên nhắm đến các công sở và cả nhà của các quan chức CSVN, những nơi được cho là khá an toàn. 


Trụ sở thành ủy Huế, nơi xảy ra vụ mất trộm (Hình: Thanh Niên)

Theo Thanh Niên, ngày 10 tháng 11, công an thành phố Huế cho biết, vừa xảy ra một vụ mất trộm tại trụ sở thành ủy Huế, trên đường Trần Cao Vân, thành phố Huế.

Rạng sáng ngày 8 tháng 11, phòng kế toán của văn phòng thành ủy Huế bị kẻ trộm cạy cửa đột nhập, phá két sắt để trộm tiền.

Theo cơ quan công an, số tiền mất trộm được xác định khoảng hơn 10 triệu đồng. Đây là số tiền cá nhân của một nhân viên văn phòng thành ủy.

Tuy nhiên, một số nguồn tin khác cho biết, số tiền bị mất trộm lớn hơn rất nhiều con số trên, có nguồn tin nói số tiền bị mất lên đến gần 1 tỷ đồng.

Cách đây không lâu, ngày 20 tháng 10, lợi dụng vào ngày nghỉ cuối tuần, sáu phòng làm việc ở trụ sở của ủy ban thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị bị trộm phá cửa đột nhập. Để vào được những phòng làm việc này, kẻ trộm đã dỡ lớp kính bên ngoài rồi cắt khung cửa bằng sắt hoặc phá khóa.

“Toàn bộ máy tính, máy in, tài liệu ở trong 8 phòng làm việc bị xáo trộn, kẻ trộm chỉ lấy đi tiền mặt,” ông Lê Văn Phúc, phó Chánh văn phòng thành phố Đông Hà nói.

Trong gần 50 triệu đồng bị mất cắp, có 20 triệu là của cá nhân bà Lài, ủy viên thường trực thành phố Đông Hà.

Trộm không chỉ đột nhập vào các cơ quan công quyền mà còn đến “thăm” nhà của các quan lấy cắp tài sản.

Ngày 21 tháng 8, công an quận 6, Sài Gòn cho biết đã điều tra vụ trộm tại một ngôi nhà ở đường Hậu Giang, phường 11, quận 6.

Theo công an địa phương cho biết, đây là nhà của ông Trần Tiến, nguyên thượng tá công an, cán bộ xử lý vi phạm Đội Cảnh Sát Giao Thông - trật tự công an quận 6, đã nghỉ hưu năm 2010, khi hai vợ chồng ông Tiến bận về quê ở huyện Tân Thạnh, Long An dự đám tang người thân, lợi dụng cả nhà đi vắng kẻ trộm đã đột nhập nhà lấy trộm két sắt. Bên trong két có tiền mặt, vàng và một số tài sản khác, tổng trị giá tài sản bị mất trộm trên 800 triệu đồng.

Cách đó hai tuần, ngày 8 tháng 8 ông Đào Anh Kiệt, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường Sài Gòn cũng đã khai báo với cơ quan công an quận 1 về việc ông bị mất cắp hơn 1,6 tỷ đồng vừa rút từ ngân hàng về để chuẩn bị giao cho bên bán nhà.

Theo ông Kiệt, số tiền hơn 1,6 tỷ đồng là tiền mồ hôi nước mắt của ông, do ông để dành mà có. Ông dùng số tiền này để mua trả góp một căn hộ chung cư cho con trai, chứ không phải tiền chung chi, hay tiền tham nhũng, quỹ đen như dư luận đồn đoán. (Tr.N)

11-11-2014 5:54:43 PM

Tài xế đình công, đường phố sạch bóng xe taxi

Tài xế đình công, đường phố sạch bóng xe taxi

Sáng ngày 12.11, các tài xế xe taxi của Công ty cổ phần Tài chính Đỗ Gia (gọi là Công ty Đỗ Gia), có trụ sở tại số C 99, Trần Hưng Đạo, phường 10, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đã đồng loạt đình công khiến cho hoạt động vận chuyển hành khách của Công ty này bị ngưng trệ.
Theo nhiều tài xế taxi, Công ty Đỗ Gia do ông Đỗ Hiếu Đạo (TP Cần Thơ) làm chủ thực hiện kinh doanh dịch vụ xe taxi tại Sóc Trăng vào ngày 10.11.2013 với thương hiệu Taxi Sóc Trăng.
Mới đây, đầu tháng 11/2014, Công ty Đỗ Gia được tỉnh Sóc Trăng cho phép ra mắt thêm một loại hình dịch vụ taxi mang tên MeKong với 10 xe, nâng tổng số xe của công ty lên 35 chiếc.
Thời gian đầu, hoạt động dịch vụ xe taxi của Công ty được người dân chấp nhận và công nhân viên, tài xế của Công ty cũng có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, mọi hoạt động điều hành cũng như chế độ với công nhân viên, tài xế bộc lộ nhiều sai phạm khiến cho người lao động bất bình như hầu hết lao động trong công ty không được ký hợp đồng lao động dù họ đã làm việc suốt 1 năm nay; chế độ làm việc căng thẳng nhưng thu nhập lại có xu hướng thấp hơn bởi qui định về tỉ lệ ăn chia của lãnh đạo công ty không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm nhiều hơn. 
Thu nhập cao nhất của tài xế xe 7 chỗ ngồi thời gian đầu khoảng 5 triệu đồng/tháng; nhưng hiện nay theo cách tính mới của công ty thì chỉ còn từ 3-4 triệu đồng, có người chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, các ngày lễ, tết, chủ nhật nhân viên cũng như tài xế vẫn làm việc 24/24 nhưng không có chế độ thêm giờ, tăng tiền,…
Hoạt động kinh doanh của công ty cũng gây thiệt thòi cho hành khách và tài xế. Cụ thể, khi xăng dầu lên giá, cước vận chuyển cũng tăng; khi xăng dầu xuống giá, cước vận chuyển vẫn giữ nguyên nhưng công ty lại giảm tỉ lệ phần trăm doanh thu của tài xế.
Bên cạnh đó, công ty áp dụng chế độ phạt rất vô lý. Cụ thể, một vị lãnh đạo địa phương có mối quan hệ thân tình với giám đốc Công ty nên mỗi khi vị này đi xe, giám đốc chỉ đạo tài xế không được thu tiền (số tiền đó giám đốc chịu trách nhiệm). 
Trong một lần chở vị lãnh đạo này đi công việc riêng, do thấy tài xế chở đi nhiều lần, lại chờ lâu nên vị lãnh đạo có thưởng riêng cho tài xế 500 ngàn đồng. Việc này đến tai giám đốc, tài xế bị mời làm việc, cắt ca 3 ngày, số tiền 500 ngàn đồng bị thu hồi sung quỹ công ty.
Ngoài ra, tài xế mang giày không đúng qui định, hút thuốc trong xe, để xe bẩn,…cũng bị phạt từ 1-5 triệu đồng. Nhân viên nào dùng vòi nước công ty rửa xe cá nhân cũng bị phạt 500 ngàn đồng, cắt ca làm việc. Trong quá trình hoạt động, xe bị hư hỏng do lỗi kỹ thuật, hao mòn thì tài xế phải tự bỏ tiền ra sữa chữa, thay thế… 
Đặc biệt, hoạt động được 1 năm nhưng đến nay, Công ty này không có tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên,…nên khi có bất hoà về tài chính, không có tổ chức nào đứng ra can thiệp, hoà giải. Vì vậy, mâu thuẫn giữa lãnh đạo và nhân viên, tài xế ngày càng gay gắt hơn.
Sáng ngày 12.11, PV đã đến trụ sở Công ty ở đường Trần Hưng Đạo để kiểm chứng thông tin của công nhân, tài xế nhưng được một người ở văn phòng cho biết “Giám đốc công ty không có mặt ở cơ quan nên không thể cung cấp được thông tin gì cho báo chí”.
  
Hàm Yên

Sài Gòn: Đi siêu âm, nữ bệnh nhân bị trộm mất quần!

SÀI GÒN ( NV) - Trong lúc thay váy của bệnh viện để siêu âm, nữ bệnh nhân đã bị trộm mất chiếc quần cùng số tài sản để ngay dưới chân bác sĩ tại một bệnh viện nổi tiếng ở Sài Gòn. 


Nơi bà V. đi siêu âm bị mất trộm quần và tài sản ( Hình: Người Lao Động)

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 13 tháng 10, bà N.T.T.V. ở quận 10 đến Bệnh Viện Đại Học Y Dược Sài Gòn khám bệnh, thì được bác sĩ chỉ định siêu âm phụ khoa ở phòng 21.

“Khi tôi thay váy của bệnh viện để siêu âm, do trong phòng không có móc treo quần áo nên tôi để dưới chân bác sĩ. Lúc này, trong phòng chỉ có một bác sĩ, một điều dưỡng tên D. và một bệnh nhân mới được siêu âm trước đó.

Khi siêu âm xong, tôi lấy quần áo để mặc thì phát hiện chiếc quần của tôi biến mất cùng 15 triệu đồng và một chiếc điện thoại iPhone 4S trong túi quần,” bà V. cho biết.

Sau khi phát hiện bị mất đồ, bà V. nghi ngờ bệnh nhân trước đó đã lấy đồ của mình, nên đề nghị điều dưỡng D. cho thông tin bệnh nhân, song bà D. đã không cho, thậm chí “Khi tôi kiểm tra đồ xung quanh đó xem quần tôi có lẫn ở đâu không, cô D. còn lớn tiếng với tôi, ‘Tưởng tôi lấy đồ của bà hả?’”

“Trên người tôi lúc này chỉ có cái váy của bệnh viện. Tôi mếu máo ra ngoài mượn điện thoại gọi cho người thân thì lúc này mới được sự hỗ trợ của cô y tá trưởng,” bà V. uất ức kể lại.

Sau khi hỏi chuyện, y tá trưởng đã báo công an và đề nghị bà V. làm bản tường trình vụ việc. “Tôi nghĩ, nếu được sự hỗ trợ của nhân viên bệnh viện sớm hơn, tôi đã tìm được đồ của mình,” bà V. tiếc nuối.

Ông Trần Văn Hùng, phó trưởng phòng hành chính Bệnh Viện Đại Học Y Dược Sài Gòn cho biết, “Sau khi sự việc xảy ra, điều dưỡng trưởng đã mời bảo vệ tiếp nhận sự việc, đồng thời trình báo công an phường. Đây chuyện đáng tiếc xảy ra ngoài dự kiến.”

Theo ông Hùng, việc điều dưỡng D. không cung cấp thông tin cá nhân của người bệnh siêu âm trước đó cho bà V. là do bệnh viện phải giữ thông tin bí mật của bệnh nhân. Tuy nhiên, sau đó bệnh viện đã cung cấp cho cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra.

Liên quan đến việc này, điều dưỡng D. chỉ bị viết bản tường trình, bệnh viện đề xuất hình thức kỷ luật nhưng không cho biết cụ thể và tạm đình chỉ công việc...hai tuần.

Thật ra đây chỉ là giọt nước làm tràn ly về việc mất cắp tài sản tương tự đã từng xảy ra ở bệnh viện này, cũng như nhiều bệnh viện khác ở Việt Nam.

Chuyện mất đồ của bà V. là một cảnh báo cho nhiều người rằng, dù ở bất cứ địa điểm đông người nào ở Việt Nam cũng phải cố gắng tự giữ gìn, bảo quản tài sản của mình để tránh rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười” như trên. (Tr.N)
11-11-2014 5:26:32 PM

Cách mạng Hát Hùng Ca

Trần Trung Đạo (Danlambao) - ...Các em sinh ra và lớn lên dưới lá cờ đỏ CS và bị nhồi sọ rằng lá cờ ba màu xanh, đen, trắng ngày xưa là sản phẩm của thực dân, đế quốc. Sinh viên học sinh Estonia được dạy chỉ có đảng CS Estonia mới là những người yêu nước và lãnh đạo chiến tranh chống Phát Xít Đức, còn tất cả đều theo chân Phát Xít và sau đó là đế quốc Mỹ, ám chỉ chính phủ Estonia lưu vong. Nhưng dù mưa sa, bão tố suốt 70 năm, lá cờ Cộng Hòa Estonia không chìm khuất trong góc tối lãng quên của con người và lịch sử. Khát vọng độc lập tự do mà lá cờ Cộng Hòa chuyên chở như ánh mặt trời soi sáng, xua đi bóng đen dối trá và lọc lừa. Một dân tộc chỉ hơn một triệu dân đã đứng lên đương đầu với một đế quốc CS Liên Xô mạnh gấp trăm lần ngay cả trước khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, và cuối cùng đã chiến thắng...

*

Lịch sử thế giới cận đại đã diễn ra nhiều cuộc cách mạng dân chủ đầy màu sắc:Cách mạng Nhung (Velvet Revolution) do Giáo sư Rita Klimova đặt tên ở Tiệp Khắc, Cách mạng Hoa Hồng (Rose Revolution) ở Georgia phát xuất từ những bó hoa hồng lãnh tụ đối lập Saakashvili mang đến quốc hội, Cách mạng Cam (Orange Revolution) tại Ukraine dựa theo màu chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Tổng thống Viktor Yushchenko, Cách mạng Hoa Lài ở Tunisian đặt tên từ loại hoa quốc gia của Tunisia nhằm lật đổ nhà độc tài Zine El Abidine Ben Ali v.v... 

Thế nhưng, có một cuộc cách mạng đóng vai trò tiên phong mà ít được viết về làCách mạng Hát hùng ca (Singing Revolution) diễn ra tại Estonia, một quốc gia vùng Baltic, trong thời gian 1987-1988. Cách mạng Hát hùng ca thật sự đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ CS tại Estonia và chính phủ dân chủ đầu tiên được thành lập vào ngày 20 tháng 8 năm 1991. 

Estonia là một nước nhỏ có diện tích 45,226 kilomet vuông, nằm bên bờ biển Baltic trong vùng Đông Bắc Âu và có một lịch sử rất dài bắt đầu từ nhiều ngàn năm trước Công Nguyên. Dân số Estonia theo thống kê 2014 cũng chỉ 1 triệu 200 ngàn người nhưng dân tộc này đã trải qua những chặng đường lịch sử đầy bi tráng. 

Vì giữ vị trí chiến lược nên suốt dòng lịch sử lãnh thổ Estonia đã là bãi chiến trường giữa các nước lớn trong vùng như Đan Mạch, Đức, Nga, Thụy Điển, Ba Lan. Estonia bị xâm lăng, chiếm đoạt và sang tay nhiều đế quốc. Đan Mạch cai trị Estonia suốt thế kỷ 13. Thế kỷ 14 Estonia trở nên một phần của Liên Bang Livonia. Thế kỷ 16 Estonia rơi vào tay Thụy Điển. Thế kỷ 17 Estonia bị nhượng cho đế quốc Nga sau chiến tranh Nga-Thụy Điển. Dù chịu đựng âm mưu đồng hóa, sang nhượng, lệ thuộc, dân tộc nhỏ nhoi vùng Baltic này vẫn không mất gốc. 

Estonia độc lập 

Vào thế kỷ 18, tinh thần dân tộc Estonia thức tỉnh và gần cuối Thế chiến thứ nhất, Estonia tuyên bố độc lập vào ngày 24 tháng 2 năm 1918. 

Mười tháng sau, ngày 12 tháng 12 năm 1918 là ngày trọng đại đối với dân tộc Estonia sau nhiều thế kỷ bị xâm lăng. Hôm đó nhân dân Estonia chính thức được chào quốc kỳ ba màu xanh, đen, trắng đại diện cho Cộng Hòa Estonia và hát quốc ca “Mu isamaa, mu õnn ja rõõm” (Quê hương, niềm kiêu hãnh và vui mừng). Một điểm đặc biệt, quốc ca Estonia cùng giai điệu với quốc ca Phần Lan được nhạc sĩ Fredrik Pacius phổ từ bài thơ Đất nước tôi (Our Land) của nhà thơ Johan Ludvig Runeberg. Vì Estonia và Phần Lan chia sẻ nhiều yếu tố văn hóa chung nên Cộng Hòa Estonia khi thành lập 1918 cũng đã dùng bản nhạc này làm quốc ca. 

Estonia dưới chế độ CS 

Độc lập hòa bình không được bao lâu. Tháng 8 năm 1939, Hitler và Stalin ký thỏa ước bất can thiệp Molotov-Ribbentrop Pact với những điều khoản bí mật trong đó Hitler đồng ý để Liên Xô chiếm Estonia cùng với Lithuania và Latvia. Sau khi hiệp ước được hai tên độc tài ký kết, Stalin đưa quân đội và xe tăng chiếm đóng Estonia. Như kết quả, quốc kỳ ba màu xanh, đen, trắng cùng với quốc ca Cộng Hòa Estonia bị nghiêm cấm. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Estonia được dựng lên ngày 21 tháng Bảy năm 1940 và đặt dưới sự cai trị trực tiếp bởi đảng CS Estonia, một chư hầu của Liên Xô. 

Hitler xé bỏ hiệp ước Molotov-Ribbentrop qua việc phát động mặt trận miền đông tấn công Liên Xô ngày 22 tháng 6 năm 1941 và chiếm đóng Estonia từ tháng 7 năm 1941. 

Cuối Thế chiến thứ hai, niềm hy vọng phục hồi nền độc lập vừa sáng lên một thời gian rất ngắn đã vụt tắt khi Estonia lần nữa bị Liên Xô chiếm với sự làm ngơ của Mỹ và Anh tại hội nghị Yalta. “Cờ tổ quốc” Estonia khi trở thành một tiểu quốc trong Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết được thêm một ngôi sao vàng lòng đỏ bên cạnh búa liềm có sẳn từ lá cờ dưới chế độ CS Estonia 1940. 

Tại sao các nước CS đều dùng cờ nền đỏ? 

Màu đỏ là màu máu của những người CS. Nền đỏ có một lịch sử khá dài từ những thành viên cánh tả trong cách mạng Pháp 1789. Trong Cách mạng Pháp 1848, nhà thơ và nhà chính trị Pháp nổi tiếng Alphonse de Lamartine chống lại việc dùng cờ đỏ vì đó là biểu tượng của bạo động đã gây ra máu đổ trong ba năm từ 1791 đến 1793. Trong cuộc nổi dậy Công Xã Paris từ 18 tháng Ba 1870 tới 28 tháng Năm 1871, lá cờ đỏ là biểu tượng của phong trào. Các đơn vị quân tình nguyện của phe Công Xã dưới sự lãnh đạo của Louis Charles Delescluze dùng cờ nền đỏ để phân biệt với cờ ba màu của Cộng Hòa Pháp. Từ đó về sau, nền đỏ luôn được dùng làm màu cờ đại diện cho nhà nước CS. Trung Cộng còn đi xa hơn khi đặt tên cho công ty chế tạo xe sang của họ là Cờ Đỏ (Hồng Kỳ). 

Estonia hồi sinh 

Trở lại với Estonia. Hai chính sách Glasnost (Cởi mở) và Perestroika (Cải tổ) do Mikhail Gorbachev giới thiệu vào năm 1985 đã tạo cơ hội cho nhân dân Estonia đứng lên đòi độc lập. Nhiều chương trình văn nghệ ngoài trời được tổ chức tại thủ đô Tallinn trong đó bài quốc ca bị cấm cũng đã được nhân dân tự động hát. 

Trong cuộc biểu tình vào tháng 10, 1987 tại Voru, Estonia, quốc kỳ ba màu xanh đen trắng của Cộng Hòa Estonia lần đầu tiên xuất hiện sau 69 năm vắng bóng. Trong chương trình văn nghệ được gọi là Các ca khúc Estonia quy tụ một phần tư dân số Estonia tham dự, được tổ chức ngày 11 tháng Chín, 1988 và kéo dài 6 đêm liên tục. Nhiều nhạc phẩm yêu nước, trong có cả quốc ca của Cộng Hòa Estonia đã được hát. Rừng cờ Cộng Hòa Estonia ra đời 70 năm trước được giương cao. Các lãnh đạo độc lập Estonia chính thức công bố lời kêu gọi độc lập Estonia khỏi ách thống trị của Liên Xô. Cách mạng Hát hùng ca được phát động từ những ngày đêm lịch sử đó. 

Gorbachev cố gắng xoa dịu phong trào độc lập và dân chủ Estonia bằng cách thay đổi thành phần CS lãnh đạo ngoan cố, cứng rắn bằng một thành phần lãnh đạo ôn hòa nhưng đã quá trễ, Cách mạng Hát hùng ca đã trở thành cơn sóng lớn đánh sụp lâu đài CS xây trên bờ cát phía đông biển Baltic. 

Thời gian từ khi quốc kỳ ba màu xanh, đen, trắng của Cộng Hòa Estonia chính thức ra đời 1918 cho đến ngày lá cờ này lần nữa được phất lên ở thủ đô Tallinn đúng 70 năm. Một đời người trôi qua. Tất cả các bậc cha ông khai sáng nền Cộng Hòa và chọn lá quốc kỳ thiêng liêng đó làm đại diện đều đã chết theo tuổi già hay chết trong các cuộc chiến tranh phục hồi lá quốc kỳ đầy hy sinh gian khổ. 

Hầu hết thanh niên, sinh viên, học sinh Estonia ở tuổi hai mươi trong các cuộc biểu tình vào những năm 1987, 1988 chưa bao giờ thấy lá cờ thiêng liêng của dân tộc Estonia trước đó lần nào. 

Các em sinh ra và lớn lên dưới lá cờ đỏ CS và bị nhồi sọ rằng lá cờ ba màu xanh, đen, trắng ngày xưa là sản phẩm của thực dân, đế quốc. Sinh viên học sinh Estonia được dạy chỉ có đảng CS Estonia mới là những người yêu nước và lãnh đạo chiến tranh chống Phát Xít Đức, còn tất cả đều theo chân Phát Xít và sau đó là đế quốc Mỹ, ám chỉ chính phủ Estonia lưu vong. 

Nhưng dù mưa sa, bão tố suốt 70 năm, lá cờ Cộng Hòa Estonia không chìm khuất trong góc tối lãng quên của con người và lịch sử. Khát vọng độc lập tự do mà lá cờ Cộng Hòa chuyên chở như ánh mặt trời soi sáng, xua đi bóng đen dối trá và lọc lừa. Một dân tộc chỉ hơn một triệu dân đã đứng lên đương đầu với một đế quốc CS Liên Xô mạnh gấp trăm lần ngay cả trước khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, và cuối cùng đã chiến thắng. 

Chiến thắng của văn hóa và lịch sử dân tộc 

Nhiều sử gia đồng ý, chiến thắng của dân tộc Estonia là chiến thắng của niềm tin sâu xa vào lịch sử và văn hóa dân tộc. Chiến thắng đó là bài học vô giá cho những quốc gia nhỏ có nền văn hóa lâu đời nhưng phải chịu đựng âm mưu đồng hóa của đế quốc cùng biên giới và chủ nghĩa CS độc tài. 

Dòng lịch sử không phải chỉ chảy qua những năm tháng con người đang sống hôm nay nhưng đã bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước và sẽ chảy cho hàng ngàn năm sau. Giống như Phạm Hồng Thái của Việt Nam, August Sabbe của Estonia cũng nhảy xuống sông tuẫn tiết. Không phải vì họ sợ hãi, không phải vì họ chỉ biết căm thù, cũng không phải vì họ can đảm hơn người khác mà chỉ vì họ mang một niềm tin quá lớn vào sự trường tồn của dân tộc họ. 



___________________________________

Tham khảo: 

Dũng Lò Vôi tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung

Huỳnh Uy Dũng - Dũng Lò Vôi - Bình Dương mãi mãi là trái tim, là máu thịt của tôi. Khi tôi tố cáo ông Lê Thanh Cung là tôi mong muốn những cái “lệ” được xóa bỏ ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung để môi trường đầu tư thật sự lành mạnh.

Bản thân tôi làm doanh nghiệp hơn 30 năm có năng lực tài chính và hiểu biết về pháp luật mà còn bị thua cái “lệ” thì thử hỏi doanh nghiệp nào chịu nổi, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn. Việc tôi tố cáo ông Lê Thanh Cung không còn là chuyện của cá nhân tôi nữa mà nó còn là một lời thỉnh cầu để cứu lấy hàng vạn doanh nghiệp của cả nước.

Tôi đã chịu đựng suốt nhiều năm, nhưng khi nghĩ đến các doanh nghiệp khác phá sản rồi đi đến tù tội, kinh tế thì băng hoại bởi do đâu; do cái “lệ”, nó cũng là mầm mống để đóng góp cho nền kinh tế và doanh nghiệp phá sản, đứng trên bờ vực thẳm.

Tôi muốn nói tiếng nói chung, nỗi đau đớn chung của tất cả những doanh nghiệp có tâm có tầm, làm việc hết sức mình mà vẫn phá sản, vẫn không thể sinh tồn bởi cái “lệ” mà như một cái luật riêng để các doanh nghiệp phải biết xử lý, anh nào mạnh biết điều thì còn khả năng sống sót, anh nào vay mượn ngân hàng quá nhiều thêm cái “lệ” thì chắc chắn là phải chết.

Khi tôi tố cáo ông Lê Thanh Cung là tôi mong muốn những cái “lệ” được xóa bỏ ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung để môi trường đầu tư thật sự lành mạnh.

Riêng bản thân tôi, Huỳnh Uy Dũng, đã làm hết tất cả tuổi thanh xuân để còn có một Đại Nam Văn Hiến cống hiến hết cho đời. Cá nhân tôi làm đơn tố cáo để một lần nữa cho thấy họ đã dùng cái “lệ” thay cho luật. “Lệ” này được ban hành trên cả luật của Quốc hội.

Có mấy doanh nghiệp dám nói thật tiếng nói xé lòng của mình; bởi khi họ muốn cất lời hay muốn thực hiện, thì sự việc được kéo dài chờ xử lý, thì ngân hàng ra tay thâu tóm tài sản nếu không có tiền trả lãi. Khi tranh chấp hay tố cáo khởi kiện mà đợi chờ được xem xét thì doanh nghiệp sẽ bị chết trước, khi chưa biết thắng bại thuộc về ai.

Đó là tiếng lòng đau đớn nhất mà doanh nghiệp phải gánh chịu, nên không ai dám tố cáo cái “lệ”, vì thế nó như một quy luật được hình thành của một quan chức có quyền trong lĩnh vực đất đai, bất động sản; thì ôi thôi đủ thứ trò không cần nói ra ai cũng biết.

Một lần nữa, tôi, Huỳnh Uy Dũng, xin thay mặt các doanh nghiệp đã bị “phá sản” chưa “phá sản” và sắp bị phá sản bởi cái “lệ” có “hệ thống ngầm” xin gửi đến những bức xúc, những đau khổ, những oan nghiệt mà doanh nghiệp đã chịu đựng nhiều năm.

Cầu xin các cấp có thẩm quyền vào cuộc để xem xét và tìm ra những con người đại diện pháp luật dùng “lệ” để giết chết tức tưởi hàng vạn doanh nghiệp, để thấy luật pháp luôn nghiêm minh; Và có biện pháp “chế tài” cái “lệ” để bảo vệ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, để họ còn làm đẹp và cống hiến cho sự phát triển của nước nhà."


*

Vài điều về Lê Thanh Cung:

Nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình sẽ được thả trước thời hạn?

HT - VRNs (12.11.2014) - Sài Gòn - Theo một nguồn tin đáng tin cậy cho VRNs biết, do áp lực của phía bộ ngoại giao Hoa Kỳ, nhà cầm quyền sẽ thả tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình - là một nhạc sỹ, cùng vụ án với Nhạc sỹ Việt Khang - trước thời hạn, có thể là đầu năm 2015.

Hiện nay, TNLT Trần Vũ Anh Bình đang bị giam ở trại giam Xuyên Mộc, Huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Gia đình Nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình cho biết, trong những lần đi thăm nuôi nhận thấy sức khỏe của anh tạm ổn và tinh thần rất vững.


Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, sinh năm 1975. Anh là ca viên ca đoàn xóm 7 và 8 thuộc giáo xứ Đức Mẹ hằng Cứu Giúp Sài Gòn, do các cha DCCT phụ trách. Anh có vợ và một con trai. Anh có nhiều nhạc phẩm được nhiều ca sĩ đang thành danh ở Việt Nam hát như Đan Trường, Đinh Tiến Đạt, Nhóm Mắt Ngọc... Những tác phẩm của Trần Vũ Anh Bình được nhiều bạn trẻ yêu thích là Người Miền Trung, Người Việt Nam, Cho con ngày mai, Rạng Ngời Nước Nam,… nhưng lại bị quy kết là phản động.

Truớc khi bị bắt, TNLT Trần Vũ Anh Bình cũng đã từng đi biểu tình chống Hoa Lục vào ngày 05.06 và 12.06 năm 2011 với tư cách cá nhân, không đại diện cho một tổ chức nào bởi vì Nhạc sỹ này phẫn nộ trước việc Hoa Lục xâm phạm lãnh hải, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, ngư dân Việt Nam bị bắt, đánh đập, bị giết chết và bị đòi tiền chuộc...

Cũng giống trường hợp của Nhạc sỹ Việt Khang, do biểu tình và sáng tác nhạc có nội dung yêu nước nên Nhạc sỹ này cũng đã bị bắt trong cùng vụ. Nhưng Ns Việt Khang được nhiều người biết đến do 2 bài hát nổi tiếng “Anh là ai?” và “Việt Nam tôi đâu?” còn Nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình thì ít người biết hơn.

Nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình bị bắt ngày vào ngày 19.09.2011. Anh bị 6 năm tù giam, 2 năm quản chế trong phiên tòa vào ngày 30.10.2012, theo điều 88 Bộ luật hình sự “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, khá nhiều người trẻ (dưới 40 tuổi) bị bắt và xét xử theo điều 88 và 79 Bộ luật hình sự, nhưng hầu hết họ, trong mắt bạn bè, người thân và những người thiện chí, có lòng với quê hương thì họ là những con người yêu nước.



Chân dung những kẻ sẽ tống tuổi trẻ Việt Nam ra chiến trường

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Trong giai đoạn "ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc" CSVN chỉ có 36 ông tướng tiến lên đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào - đánh cho hộc máu đồng bào miền Nam (*). Ngày hôm nay, sau 39 năm chuyển sang sự nghiệp tiến về thành đô ta giải phóng mặt bằng, quân đội cộng sản có tới 489 sĩ quan cấp tướng. Trong suốt thời gian có thêm 453 tướng lãnh này, những gì đã xảy ra trên đất nước Việt Nam?:

Hơn 700km2 vùng biên giới phía bắc bị ký dâng cho Tàu cộng; một nửa Thác Bản Giốc đã bị cắm cờ 5 sao; Ải Nam Quan biến thành Hữu Nghị quan; Biển đông trở thành ao cá của hải tặc Bắc Kinh tự tung tự tác - biến từ vùng biển chủ quyền của Việt Nam sang vùng tranh chấp và trở thành vùng khai thác của chúng. 

Nhưng đó chỉ mới là đất khô và biển mặn. Hòa tan trong sóng biển là máu của 64 người lính hải quân Việt Nam bị tàn sát bởi Tàu cộng trên đảo Gạc Ma vào năm 1988 khi tướng Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh ra lệnh hải quân Việt Nam không được nổ súng chống trả quân xâm lược phương Bắc. Chôn sâu trong lòng đất là thân xác của hàng chục ngàn người lính mang tên Quân Đội Nhân Dân mà mộ phần ghi dấu những chiến tích của họ đã bị đục bỏ để làm vừa lòng quân xâm lược sau Mật nghị Thành Đô. 

Tất cả đều là "thành tích lẫy lừng" làm nên những ngôi sao "sáng ngời" gắn thêm vào vai 453 những tướng cộng sản. 

Cũng trong suốt thời gian giang sơn, biển đảo của cha ông ngày càng bị teo lại thì người dân Việt cũng đã chứng kiến sự phình to của những tập đoàn kinh tế quân đội. Trách nhiệm bảo vệ tổ quốc bị các tướng lãnh cộng sản dẹp qua một bên, nhường chỗ cho công cuộc làm giàu tấp nập. Họ thi nhau bỏ súng, đếm đạn quay sang lập công ty và đếm tiền. Từ lãnh vực viễn thông với Viettel cho đến công nghiệp đóng tàu, từ ngân hàng quân đội MBBank sang lãnh vực khai thác rừng và xây dựng với Tổng công ty xây dựng Trường Sơn... quân đội trở thành mảnh đất kinh doanh màu mỡ nhất, ít vốn nhiều lợi nhuận nhất cho những tướng mặt tròn, bụng phệ thi đua làm giàu. 

Đứng đầu tập đoàn mặc đồ lính đếm đô la này là Phùng Quang Thanh, kẻ đã nhiều lần sang khấu đầu Bắc Kinh, gọi kẻ thù xâm lược là bạn và tuyên bố phải giữ nguyên hiện trạng việc Bắc Kinh xâm lược Biển Đông để cùng nhau khai thác vùng biển đảo của cha ông để lại. 

Đây cũng là tên tướng với lối nói sai bét về ngữ pháp, văn phạm tiếng Việt - "anh em rất tâm tư" - đòi hỏi Quốc hội cộng sản phải tiếp tục thăng tướng cho những tên đang mang hàm giáo sư, tiến sĩ chỉ còn thiếu cái bằng... tướng, cho những kẻ đang làm giám đốc kinh doanh được gắn 1 sao cho vinh quang sự nghiệp... lính chiến anh hùng.

Không phong tướng, "anh em rất tâm tư!" 

"Tâm tư" và không cần biết khi Tàu cộng xâm chiếm biển đông, cướp bóc, bắt cóc, đâm chìm ngư dân... những "anh em tâm tư" này ở đâu, làm gì!? Không cần biết những tên sĩ quan cấp tá rất tâm tư muốn thành tướng này những năm qua có bao giờ đặt chân đến biên giới, có mặt ở những vùng biển đảo của tổ quốc đang bị đe dọa, hiện diện cùng với những người lính đứng ở tuyến đầu bảo vệ tổ quốc. 

Có người nghĩ rằng những gì đã và đang xảy ra là chuyện của... chúng!

Nhưng nếu chúng ta, nếu bạn xem đây là điều không liên quan gì đến đời sống của bạn thì hãy nhớ đến hơn 20000 người lính đã bỏ mình ở núi rừng Việt Bắc, hãy nhớ đến số phận của 64 hải quân Việt Nam ở Gạc Ma đã bị Lê Đức Anh ban giấy tử trước khi họ nhìn thấy bóng dáng quân thù. Ngày mai đây, khi quốc gia có biến, không ai khác hơn những tên tướng này, không ai khác hơn Phùng Quang Thanh là kẻ sẽ tống bạn ra chiến trường làm những tấm bia người cho kẻ thù mà chúng đang ngày đêm xum xoe gọi là bạn. Bạn sẽ "được" chỉ huy và gửi vào chỗ chết bởi những tên quyền to, chức lớn, nhiều sao, lắm tiền nhưng khả năng quân sự được xếp vào hạng mười năm chưa từng bỏ một viên đạn vào khẩu súng được đeo làm kiểng. 

Nếu bạn chỉ mong con cái mình yên ổn làm ăn, đừng quan tâm đến chuyện "lớn" thì một ngày nào đó chính bạn sẽ phải thắp nhang trên những nấm mồ của con cái bạn. Lúc ấy bạn đừng mơ tưởng trên tấm bia có bất cứ hàng chữ nào mang nội dung là liệt sĩ hy sinh bảo vệ đất nước chống Tàu. Tổ quốc Việt Nam lúc đó đã là một tỉnh lỵ của Tàu. Những tên tướng nhiều sao, những nhà lãnh đạo cộng sản mang quốc tịch Việt ngày hôm nay, lúc ấy cũng đã là những đứa con hoang đàng trở về cố quốc của bác Hồ, bác Mao.

Quân đội, sức mạnh bảo vệ tổ quốc đã và đang nằm trong tay những tên tướng cướp, những trọc phú, sẵn sàng thỏa hiệp với kẻ thù xâm lược để được yên thân làm giàu và thăng tướng. 



____________________________________

(*) thơ Bùi Giáng

Bài liên quan đã đăng:

Vận động quốc tế trả tự do cho blogger Ba Sàm

Ông Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang anh Ba Sàm
Ông Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang anh Ba Sàm- Files photos

Hải Ninh, phóng viên RFA 2014-11-12

Blogger, nhà báo Đoan Trang cùng với một số blogger ở Việt Nam đang tiến hành một chiến dịch vận động quốc tế nhằm yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Hải Ninh phỏng vấn blogger/nhà báo Đoan Trang về cuộc vận động này.
Hải Ninh: Xin chị cho biết kế hoạch vận động cho anh Ba Sàm có tiến trình như thế nào?
Blogger Đoan Trang: Chúng tôi gồm nhiều blogger trong nước, tôi và vợ anh Ba Sàm, chị Lê Thị Minh Hà, xác định sẽ tiến hành một chiến dịch vận động quốc tế cho anh Ba Sàm và không chỉ anh Ba Sàm mà là cho những blogger như anh Ba Sàm. Chiến dịch này dự định có hai mảng chính. Mảng thứ nhất là làm truyền thông thật mạnh mẽ về vụ án Ba Sàm, qua đó để thực hiện việc khai dân trí, nâng cao nhận thức của người dân dân Việt Nam về luật pháp và nhân quyền.  Mảng thứ hai là vận động quốc tế, tức là đi gặp gỡ chính phủ các nước ủng hộ dân chủ cho Việt Nam, cũng như các đại sứ quán hoặc các tổ chức quốc tế về nhân quyền.
Chúng tôi xin nhấn mạnh là cuộc vận động quốc tế này gồm hai mảng, mảng thứ nhất là mảng làm truyền thông và mảng thứ hai là vận động quốc tế. Mảng truyền thông chúng tôi xác định là mảng chính bởi vì cái tinh thần của trang web Ba Sàm trước giờ là khai dân trí, trấn dân khí, hậu dân sinh, hướng tới khai dân trí để phá vòng nô lệ. Tức là dân chủ hoá cho Việt Nam từ con đường khai dân trí, nâng cao nhận thức cho người dân. Cho nên là qua cái việc vận động cho anh Ba Sàm, chúng tôi cố gắng cho người dân cho nước, các blogger, người dân bình thường hiểu thêm về luật pháp về nhân quyền, về sự vênh nhau giữa luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế về nhân quyền, hay là chính quyền Việt Nam đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn, chuẩn mực của thế giới về nhân quyền như thế nào, tức là bằng mọi cách để nâng cao nhận thức của người dân.
Chúng tôi gồm nhiều blogger trong nước, tôi và vợ anh Ba Sàm, chị Lê Thị Minh Hà, xác định sẽ tiến hành một chiến dịch vận động quốc tế cho anh Ba Sàm và không chỉ anh Ba Sàm mà là cho những blogger như anh Ba Sàm
Blogger Đoan Trang
Hải Ninh: Đã và sẽ có rất nhiều nhà tranh đấu bị bắt như blogger Ba Sàm, tại sao nhóm lại vận động cho blogger này? Trường hợp của blogger Ba Sàm có gì đặc biệt?
Blogger Đoan Trang: Khi chúng tôi thực hiện vận động quốc tế này, chúng tôi cũng hiểu rằng có thể một số các blogger trong nước sẽ đặt câu hỏi lại tại sao lại chỉ vận động cho anh Ba Sàm mà không phải cho người khác hoặc là liệu chúng tôi có quên người khác khi đi vận động hay không. Bởi vì tính từ năm 2010 đến nay, ước tính có đến hơn trăm blogger tù nhân lương tâm bày tỏ chính kiến một cách ôn hoà. Cho nên là nếu đứng về quan điểm nhân quyền mà nói thì tất cả các blogger, những tù nhân đó đều xứng đáng được sự quan tâm của cộng đồng, được xứng đáng được trả tự do vì họ không có tội.
Nhưng tại sao chúng tôi chọn Ba Sàm? Bởi vì chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không đấu tranh cho chỉ riêng một mình anh Ba Sàm. Chúng tôi muốn qua việc này để nói lên sự bất cập của luật pháp Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Sở dĩ chúng tôi chọn vụ này vì việc bắt anh Ba Sàm sai rất nhiều. Cơ quan an ninh VN sai từ đầu đến cuối, có dấu hiệu cho thấy họ sai từ tiến trình tố tụng trở đi. Họ sai tất cả các điều khoản gọi là các tiêu chuẩn về nhân quyền.
Ví dụ người bị bắt được quyền tiếp xúc với thân nhân chẳng hạn, hoặc quyền được tiếp cận với thông tin cũng không có. Quyền được tiếp cận luật sư mà không bị nghe trộm là không có. Luật sư gặp anh Ba Sàm hay các người bị bắt luôn có công an kè kè đó, nghe và quản chặt. Như thế là không đảm bảo quyền được gặp luật sư. Và còn sai nhiều nữa. Chưa nói là hành dộng bắt vì điều 258 đã là sai rồi bời vì cái điều 258 không đảm bảo tính chất hợp lý. Trong luật pháp quốc tế cũng như trong các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế, nó có một yêu cầu là cái điều khoản bắt giữ người ta phải có tính hợp lý. Không thể bắt giữ người nào vì một điều khoản rất là mơ hồ như vậy được. Họ đã sai ngay trong hành động bắt, chưa kể đến thủ tục tố tụng trước, trong và sau khi bắt nữa. Chúng tôi chọn trưởng hợp anh Ba Sàm vì nó điển hình.
Chúng tôi muốn qua việc này để nói lên sự bất cập của luật pháp VN về vấn đề nhân quyền. Sở dĩ chúng tôi chọn vụ này vì việc bắt anh Ba Sàm sai rất nhiều. Cơ quan an ninh VN sai từ đầu đến cuối, có dấu hiệu cho thấy họ sai từ tiến trình tố tụng trở đi. Họ sai tất cả các điều khoản gọi là các tiêu chuẩn về nhân quyền
Blogger Đoan Trang
Hải Ninh: Nhóm vận động này gồm những ai?
Blogger Đoan Trang: Các blogger trong nước, trong đó có những người có những bài từng đăng trên trang Ba Sàm. Thực sự mà nói thì rất nhiều blogger trong nước, bao gồm cả tôi, mang ơn trang web anh Ba Sàm, trang web Thông Tấn Xã Vỉa Hè. Thực sự là từ khi trang web thành lập đến nay vào năm 2007, nó đã làm rất nhiêu trong việc nâng cao nhận thức, cho nỗ lực dân chủ hoá Việt Nam. Cho nên, chúng tôi ở đây là các blogger và tôi đang ở ngoài này, bạn bè của anh Ba Sàm, rất nhiều.
Hải Ninh: Vậy ngoài các blogger, độc giả của trang blog anhbasam có ý kiến gì không?
Blogger Đoan Trang: Cái hay của trang blog của anh Ba Sàm là anh đã tạo được một cộng đồng gần như một gia đình trên blog của anh ấy. Từ khi anh chưa bị bắt thì trang web của anh ấy liên tục bị tấn công. Rất nhiều đợt tấn công đã xoá bỏ dữ liệu luôn, đóng cả trang luôn. Mỗi lần như vậy bà con độc giả lo lắng lắm. Họ mong chờ anh, họ làm thơ về anh rằng bao giờ anh trở lại, chúng đánh anh chết rồi. Mọi người rất quan tâm. Các quý vị cũng có thể hình dung được là sau khi anh bà sàm bị bắt thì nó gây làn sóng cảm xúc nó như thế nào ở rtong cộng đồng  blogger việt Nam. Người ta phẫn nộ, người ta lo lắng mà thực sự là cũng có nỗi sợ. Người ta sợ rằng bắt quá dễ, mà bắt chỉ vì việc đã post bài lên mạng hoặc là chỉ vì đã làm chủ cái blog nổi tiếng như vậy mà cũng bắt được. Thế thì chúng ta đều là các tù nhân dự khuyết cả.
Hải Ninh: Theo chị, kết quả của cuộc vận động này sẽ là thế nào?
Blogger Đoan Trang: Tại vì chúng tôi đã xác định rằng cuộc vận động này sẽ bao gồm hai mảng, một mảng truyền thông và mảng thứ hai mới là vận động quốc tế, khó có thể đánh giá được kết quả. Vì mảng truyền thông, kết quả phải đạt được là làm sao là nâng cao nhận thức cho càng nhiều ngươi càng tốt để họ hiểu được về vấn đề nhân quyền. Nhiều khi tôi chỉ hy vọng là bài viết đó đạt được nhiều người đọc đã là thành công rồi.
Còn mảng thứ hai là đi vận động quốc tế, các tổ chức nước ngoài thì tôi thấy kết quả là họ rất quan tâm. Vì thực sự chính phủ quốc tế ủng hộ dân chủ cho Việt Nam, họ rất quan tới một người bị bắt chỉ vì bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hoà. Họ còn biết những nét khác của anh Ba Sàm là anh rất hài hước và họ biết là sự hài hước là điều chính phủ cộng sản nào cũng ghét. Cho nên họ cũng quan tâm và quý mến trường hợp của anh Ba Sàm.
Hải Ninh: Xin cảm ơn chị đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Tiền công trái và tiền tiết kiệm đi về đâu?

Chủ nhân của rất nhiều sổ tiết kiệm những năm 1975 - 1980
Chủ nhân của rất nhiều sổ tiết kiệm những năm 1975 - 1980- RFA
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 
RFA-2014-11-12  
Những ngày gần đây, câu chuyện người dân cầm sổ tiết kiệm đến ngân hàng nhận tiền thì bị trả lời là cuốn sổ không còn giá trị hoặc số tiền nhận được không đủ mua một ổ bánh mì trong khi trước khi nhận hai mươi năm, họ đã bán cả lượng vàng để gởi tiết kiệm, rồi những tấm phiếu công trái khi mua với số lượng hàng chục lượng vàng, khi thanh toán thì không đủ một bữa nhậu đang là câu chuyện nhức nhối của xã hội, đặc biệt là những người từng tâm huyết đóng góp xây dựng đất nước.
Cái bẫy đổi tiền và trượt giá
Ông Bàng, chủ của tấm phiếu công trái trị giá bốn lượng vàng lúc mua, hiện sống tại Bình Thạnh, Sài Gòn, chia sẻ: "Công trái hồi đó nó bán giờ sau này mất hết, tại vì nó bán thời đó cả chỉ vàng mà sau này mua không được tô phở. Giá nó lên vùn vụt chứ không như bây giờ. Tiền in ra chừng vài năm sau như giấy lộn à. Tại vì sau 1975 thì nó đổi tiền thành 'tiền giải phóng'. Một đồng 'tiền giải phóng' ăn tới 500 đồng Bắc Việt lận. Trong khid đó đồng tiền của Bắc Việt chỉ là một tấm tín phiếu, không có giá trị tiền tệ thế giới. mà đồng Việt Nam Cộng Hòa thì đã được định giá trên đồng đô la, mang tính quốc tế rồi. Sau đó thêm mấy lần đổi tiền nữa... Giai đoạn sau này đồng tiền in ra chừng một năm đến hai năm đã hoàn toàn mất giá trị".
Theo ông, sự trượt giá của đồng tiền trong ba mươi năm nay cũng như lần đổi tiền bất ngờ năm 1985, sáng sớm, lúc 5 giờ sáng, đài phát thanh mới thông báo quyết định đổi tiền và ngay ngày hôm đó, việc đổi tiền được tiến hành ở các trụ sở ủy ban cấp xã, phường trên khắp Việt Nam. Chuyện này giống như một cái bẫy mà ngân hàng nhà nước đã giăng sẵn để bất kì người dân nào có tâm huyết xây dựng đất nước hoặc gởi tiết kiệm ở ngân hàng đều bị sập một cách thê thảm.
Nếu như năm 1975, việc đổi tiền ở miền Nam Việt Nam nhằm thống nhất tiền tệ từ tiền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam thành tiền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở hai miền thì năm 1978, việc đổi tiền nhằm thay đổi quốc hiệu ghi trên đồng tiền từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hai lần đổi này nghe ra có vẻ hợp lý và không cần bàn nhiều.
Nhưng lần đổi tiền năm 1985, đây là lần đổi tiền hết sức bất ngờ và kì cục, chuyển mệnh giá đồng tiền cũ giảm xuống còn 10% giá trị đồng tiền mới. Tờ 50 đồng lúc bấy giờ mang ra tiêu dùng ở bất kì nơi đâu cũng khó vì người bán hàng không đủ khả năng thối tiền thừa. Nhưng đó cũng là sự khởi đầu của lạm phát tàn bạo nhất trong lịch sử. Chỉ chưa đầy mười năm sau, tờ tiền mệnh giá 500 đồng ra đời nhưng cũng không trụ được bao lâu, tờ 1000 đồng ra đời, rồi 2000 đồng, 5000 đồng, 10,000 đồng, 50,000 đồng và liền sau đó là 100,000 đồng, hiện tại, tờ 500,000 đồng ra đời tuy chưa đầy 10 năm nhưng giá trị của nó rất thấp, mua không được một phần tư chỉ vàng.
Trong khi đó, lúc chuẩn bị đổi tiền, năm 1984, một lượng vàng có giá dao động từ 2000 đồng đến 2700 đồng, tính theo tiền mới sau năm 1985 thì nó trị giá 200 đồng đến 270 đồng. Và một người muốn sỡ hữu tờ 50 đồng trên tay, phải bán ra ba chỉ vàng. Nếu gởi tiết kiệm ba trăm đồng, phải bán đi hơn một lượng vàng và gởi 1000 đồng vào tiết kiệm phải mất đi gần bốn lượng vàng. Tiền mua công trái cũng vậy. Và đây là giai đoạn mà người ta gởi tiền kiệm bằng vàng và nhận cả lãi lẫn gốc sau này bằng cám heo.
Một cuốn sổ tiết kiệm có mệnh giá 1000 đồng lúc đó trị giá gần bốn lượng vàng, sau hơn hai mươi năm, tính cả lãi lẫn gốc, nếu như cuốn sổ vẫn còn giá trị thanh toán thì chủ của nó nhận chưa đầy  một 200,000 đồng. Sau hơn hai mươi năm gởi tiết kiệm để làm giàu bằng bốn lượng vàng, người ta nhận được số tiền mua chưa được một phân vàng. Tính theo tỉ giá thì nó trị giá chưa được 0,25% lúc gởi vào!
Tiền công trái, tiền tiết kiệm và tiền cổ phần hợp tác xã đi về đâu?
Một người tên Hiền, ở Bình Chánh, Sài Gòn, chia sẻ: "Đến năm 1985 thì nó tạm mở cửa, cởi trói gì đó vì nghe rằng Mỹ nó mở cấm vận. Nên bắt đầu tạm ổn nhưng mà tiền vẫn mất giá như thường, nhất là hồi Liên Xô sụp đổ đó, tiền nó lên vùn vụt, vùn vụt à. Một lần nữa sôi động về tiền, một cái nhà thời đó giá là 10 cây thì sau đó nó lên 150 cây. Trước năm 75 không dễ làm giàu như bây giờ, công chức trước 1975 không dễ tham nhũng như bây giờ vì luật lệ nó rất đàng hoàng. Hồi đó anh tỉnh trưởng không dễ kiếm tiền như bí thư tỉnh ủy, như chủ tịch tỉnh như bây giờ đâu. Không dễ buôn lậu từ Trung Quốc về bằng tàu lửa như bây giờ đâu, bây giờ làm giàu (bất chính) dễ chứ không như hồi đó đâu, kể cả cán bộ."
Theo ông Hiền, nếu như tính kĩ số vàng mà người dân đã mất đi trước và sau đổi tiền năm 1985 và đồng tiền bị trượt giá từ năm 1985 đến nay thì nhiều không thể tưởng tượng được. Vì những năm 1975 đến 1980, ngoài chuyện có nhiều gia đình bị tịch biên tài sản, mất hàng ngàn lượng vàng, còn có thêm tin đồn sau "giải phóng", vàng sẽ được dùng làm đai cuốc và cán mác. Và có bao nhiêu vàng người ta cũng mang ra đổi đồ, bán lấy tiền nhét vào ống tre, cột nhà để dự trữ. Đùng một cái, đổi tiền, số tiền  dự trữ chỉ còn bằng 10% và sau ba lần đổi tiền, đồng tiền trượt giá, số vàng bán đi để dự trữ bằng tiền mặt xem như thành mây thành khói, vàng mất mà tiền cũng không còn giá trị.
Trong khi đó, sau khi đổi tiền, một số không ít các gia đình bỏ ra mua công trái, gởi tiết kiệm, cả hai khoản tiền này xem như đổ sông đổ biển vì đồng tiền trượt giá quá nhanh. Nhưng câu chuyện không dừng ở đó, những năm 1990, các vùng thôn quê lại có thêm chuyện đặt cọc tiền trước khi sử dụng điện nhà nước. Thường thì mỗi hộ phải nộp vào hợp tác xã 50 ngàn đồng, tương đương với 3 phân vàng, rồi sau đó mới tự mua dây điện, bóng đèn để kéo điện về nhà. Mãi cho đến bây giờ, hơn hai mươi năm sau, số tiền đặt cọc để đóng điện của người dân đã hoàn toàn mất dấu, khộng biết đòi ai vì hợp tác xã đã giải thể, vấn đề điện thắp sáng giao cho điện lực trực tiếp quản lý, trong khi đó tiền cọc lại nộp cho hợp tác xã.
Lại thêm chuyện bất kì xã viên nào cũng bị bắt buộc đóng tiền cổ phần vào hợp tác xã sản xuất với mức tiền tương đương một chỉ vàng những năm 1980. Nhưng mãi cho đến nay, loại hình hợp tác xã giải thể đã lâu vẫn không thấy tiền cổ phần hoàn trả cho xã viên. Cùng lắm thì mỗi dịp tết, các thôn bắc loa gọi dân đi nhận tiền lãi cổ phần của một năm với 15,000 đồng. Mọi năm đều thế, dịp Tết tới đây cũng không ngoại trừ. Và nếu xã viên có đi rút lại cổ phần cũng chẳng biết tìm ai để rút!
Tính cho đến nay, các khoản tiền công trái, tiết kiệm và cổ phần xã viên hợp tác xã mà hàng chục triệu dân đã tham gia xem như mất trắng, không có một lời cám ơn, thậm chí còn bị biến thành trò cười trong câu chuyện phiếm của các nhân viên ngành ngân hàng hiện tại!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.