Saturday, November 12, 2016

Thủ tướng CS Nguyễn Xuân Phúc mong Việt kiều giúp quê hương

Tư liệu - Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tư liệu - Thủ tướng CS Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc. 

Theo VOA-13-11-2016
Hôm 12/11, truyền thông nhà nước dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016, khuyến khích mỗi kiều bào nên là một đại sứ của Việt Nam tại nước ngoài.
"Mỗi kiều bào hãy là một đại sứ VN trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời hướng về quê hương bằng những hành động thiết thực, phù hợp"
Đây là lần thứ ba Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại Sài gòn (TP. HCM), qui tụ khoảng 500 Việt kiều hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau với mục đích đóng góp ý kiến phát triển thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi sự đóng góp của kiều bào, tùy khả năng, điều kiện để cùng xây dựng thành phố Sài gòn (TP.HCM) “văn minh, hiện đại, nghĩa tình.” Theo VnExpress, ông Phúc cũng khẳng định quyết tâm đổi mới, xây dựng chính phủ liêm chính nhằm thu hút, phát huy nguồn lực từ người Việt ở nước ngoài.
Kiều hối
Theo báo cáo "Migration and Remittances Factbook 2016" của Ngân hàng thế giới (WB), trong năm 2015, Việt Nam đón lượng kiều hối lên tới 12,25 tỷ USD, đứng thứ 11 trên thế giới. Trong đó Mỹ là nguồn kiều hối lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 với 7 tỷ USD.
Theo ông Sử Ngọc Anh, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, hiện có 122 dự án đầu tư của Việt kiều tại thành phố này, với số vốn trên 260 triệu USD. Đây cũng là nơi thu hút lượng kiều hối lớn nhất, chiếm từ 45 -55% tổng lượng kiều hối trên cả nước.

Doanh nghiệp Việt Nam dự đoán sẽ tiếp tục phải đút lót nhiều hơn

Doanh nghiệp Việt Nam dự đoán sẽ tiếp tục phải đút lót nhiều hơn
Một cuộc thăm dò mới cho thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam đã cam chịu số phận phải đút lót, đến độ họ dự tính trong thời gian tới sẽ tiếp tục phải chi thêm cho những khoản “bôi trơn”.
Đó là theo bản báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: kết quả điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)  năm 2015”, do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM) đưa ra.
Cuộc thăm dò do CIEM, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Phát Triển Thế Giới, Đại Học Copenhagen, và Viện Khoa Học Lao Động Xã Hội thực hiện năm 2015. Bản báo cáo cho thấy mặc dù các điều kiện kinh doanh đã được cải tiến, có tới 42.7% số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phàn nàn rằng họ phải chi tiền đút lót để thực hiện các thủ tục hành chính. Đặc biệt, có tới 40% doanh nghiệp tham gia cuộc thăm dò cho biết, họ dự tính sẽ phải chi thêm cho các khoản “bôi trơn” trong thời gian tới.
Thăm dò còn cho thấy có 21% doanh nghiệp SME gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, và 17% cho biết phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường.
Giáo sư Finn Tarp, giám đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Phát Triển Thế Giới, cho biết tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn tài chính vẫn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp SME tại Việt Nam. Theo ông, các hình thức hỗ trợ đầu tư từ các chương trình của chính phủ chưa thực sự nhắm tới nhu cầu của các doanh nghiệp SME.
Huy Lam / SBTN

Bình Thuận: Cầu sập do thiết kế, đổ thừa mưa lũ

Cây cầu máng Sông Dinh 3 lúc bị gãy. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
BÌNH THUẬN (NV) – Theo kết luận của Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam, cầu cầu máng Sông Dinh 3 bị sập hồi Tháng Ba năm 2016 là do “đã sai từ khâu thiết kế đến thi công, không phải do mưa lũ.”
Sở Nông Nghiệp tỉnh Bình Thuận dẫn kết luận phúc trình điều tra từ Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam kết luận về vụ sập, gãy cầu máng số 3, thuộc công trình kênh chính Tây Hồ Sông Dinh 3 cho biết như trên.
Cụ thể, căn cứ vào kết quả lấy mẫu, khảo sát tổng thể các hạng mục ở hiện trường, phân tích cho thấy, bốn trụ T2 bị gãy và bị phá hủy trước trận mưa lũ, bê tông không bảo đảm theo thiết kế của bê tông mác M200. Ngoài ra, có nhiều chi tiết kỹ thuật được thiết kế sai hoặc không phù hợp trong điều kiện môi trường của công trình.
“Nguyên nhân chủ quan do đơn vị thiết kế chưa tính toán hết. Thêm vào đó chất lượng bê tông không đồng đều, sự cố xảy ra trong điều kiện các trụ cầu máng đã xuống cấp,” kết luận phúc trình nêu rõ.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 11 Tháng Mười Một, sau khi Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam ra kết luận nêu trên, cả đơn vị giám sát là trung tâm Quản Lý Dự Án và Tư Vấn Xây Dựng, thuộc Sở Nông Nghiệp Bình Thuận và đơn vị thi công đã “phản pháo.”
Nội dung trong các văn bản “phản pháo” cho rằng “ông Đoàn Văn Huế, trưởng đoàn thẩm định sự cố do Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam cử không đủ trình độ, kinh nghiệm để thẩm định; bác bỏ kết luận bê tông không đạt chất lượng của Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam , bảo lưu quan điểm cầu máng bị sập do mưa lũ.”
Một lãnh đạo của Sở Nông Nghiệp cho biết, nếu kết luận này không được chấp nhận sẽ có báo cáo gửi ủy ban tỉnh Bình Thuận thành lập hội đồng khoa học cấp tỉnh để kết luận vụ gãy cầu.
Cầu máng số 3 là hạng mục chính của dự án hồ chứa nước Sông Dinh 3, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, dài 304 mét, có tổng kinh phí đầu tư là 119 tỷ đồng. Cây cầu trên được thi công xong vào cuối năm 2014, đưa vào sử dụng năm 2015 và đến Tháng Ba năm 2016 thì bị sập gãy. Hiện nay cây cầu trên đã được tháo dỡ ra để xây dựng lại. (Tr.N)

Công chức Việt Nam thi nhau bôi bẩn hệ thống công quyền

Nhiều cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh bị buộc phải đi tiếp khách và ăn nhậu. (Hình minh họa: Getty Images)
HÀ TĨNH (NV) – Xem việc điều động nữ giáo viên “đi tiếp khách” là bình thường và chỉ mới “dự tính buộc thôi việc” kẻ đánh cụ ông 76 tuổi là những chuyện quái đản mới nhất liên quan đến công chức ở Việt Nam.
Ông Lê Bá Thiềm, Trưởng Phòng Giáo Dục-Đào Tạo thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vừa thản nhiên tuyên bố với báo giới rằng, việc buộc nữ giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, có ngoại hình dễ coi ở thị xã này đi tiếp khách là “hoàn toàn trong sáng.” Trong các bữa tiệc, vì rượu vô thì lời ra, nếu ai đó có hành động không đẹp thì “cũng là chuyện bình thường.”
Tuyên bố vừa kể nhằm đáp trả sự phàn nàn của nhiều nữ giáo viên dưới quyền kiểm soát của ông Thiềm.
Giọt nước làm tràn ly, khiến chuyện điều động nữ giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh đi tiếp khách là một văn bản do chính quyền thị xã Hồng Lĩnh phát hành, yêu cầu 21 nữ giáo viên của nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở phải “tham gia phục vụ hội nghị xúc tiến đầu tư và chương trình liên hoan dân ca ví dặm.”
Một số nữ giáo viên tố cáo, từ khi chính quyền thị xã Hồng Lĩnh có chủ trương, tuyển chọn những nữ giáo viên có ngoại hình dễ coi “tham gia hoạt động ngoại khóa,” họ thường xuyên trở thành phục vụ viên của đủ thứ lễ lạt. Sau khi phụ giúp các viên chức chính quyền tiếp đón khách, họ còn phải tham gia các buổi ăn nhậu, kể cả ăn nhậu tại nhà hàng, quán karaoke.
Để khách hài lòng, không bị thượng cấp khiển trách, họ đành phải uống rượu, hát hò, phải chịu đựng hành vi sàm sỡ của khách.
Báo chí Việt Nam mới chỉ truy vấn ông Thiềm – một người thừa hành. Chưa thấy cơ quan truyền thông nào điều tra xem các nữ giáo viên đã bị buộc tiếp khách bao nhiêu buổi, nhân những dịp nào, khách gồm những ai, có phải thượng cấp của chính quyền thị xã Hồng Lĩnh hay không (?) và nếu phải thì chính quyền trung ương sẽ xử lý những vị khách đó thế nào khi chính họ phải thực hiện việc chống lãng phí, ăn nhậu đã thành nếp để bảo vệ đạo đức công vụ.
Hệ thống công quyền Việt Nam vốn bất toàn. Chuyện dung dưỡng những bất toàn này càng ngày càng tạo thêm nhiều tì vết vì công chức càn rỡ quá mức.
Những scandal càng ngày càng nhiều và lối giải quyết những vụ tai tiếng, khiến dân chúng căm giận cho thấy, nỗ lực kiện toàn chỉ là chiêu bài để xoa dịu.
Chẳng hạn hôm 11 Tháng Mười Một, khi thảo luận với lãnh đạo các sở, ngành của chính quyền thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội mới yêu cầu “xử lý nghiêm” vụ công chức 39 tuổi đánh trọng thương một cụ ông 76 tuổi.
Sáng 5 Tháng Mười Một, khi đang đi bộ như một cách tập thể dục, trước khu tập thể của đại học bách khoa Hà Nội, một cụ ông đã bị một phụ nữ chạy xe hai bánh gắn máy ngược chiều đụng phải. Cả hai cùng ngã xuống đường. Một gã đàn ông lái xe hơi đi phía sau người phụ nữ đã ra khỏi xe của y đánh cụ ông túi bụi. Người đi đường đã gọi công an…
Lúc đầu, khi đưa tin về sự kiện này, báo chí Việt Nam chỉ cho biết, cụ ông tên là Nguyễn Khanh, 76 tuổi, cựu giảng viên đại học bách Khoa Hà Nội. Người phụ nữ đụng cụ là vợ của gã đàn ông đánh cụ và gã là một… công chức.
Tuy nạn nhân bảo cụ không muốn dây vào bọn bất lương nhưng áp lực của dư luận đã buộc bí thư thành ủy Hà Nội phải yêu cầu công an điều tra. Công an Hà Nội tiết lộ thêm, gã đàn ông làm việc tại Sở Ngoại vụ Hà Nội và mãi đến ngày 9 Tháng Mười Một, người ta mới biết tên của gã đàn ông là Nguyễn Đức Hoàng, đang là phó giám đốc trung tâm dịch vụ đối ngoại của Sở Ngoại Vụ thành phố Hà Nội.
Chưa rõ công an sẽ kết luận thế nào về vụ hành hung này, có truy cứu trách nhiệm hình sự của gã hay không. Thượng cấp của gã – các viên chức lãnh đạo thành phố Hà Nội, những nhân vật cam kết sẽ “xử lý nghiêm” kẻ càn rỡ này mới nói thêm rằng… “có thể” sẽ buộc gã thôi việc! (G.Đ)