Tuesday, March 8, 2016

Tranh chấp Biển Đông: Di hại từ những kế hoạch đoản kỳ của đại cường



USS Stennis- Ảnh: http://archive.defense.gov/photos/

Trong vài tháng vừa qua, hoạt động quân sự của Hoa kỳ tại khu vực Biển Đông bất chợt nhộn nhịp hẳn lên.  Thoạt đầu, Hoa kỳ lần lượt đưa các chiến hạm đi vào khu vực tuyên bố có chủ quyền của Trung cộng tại các vùng đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường sa.  Sau đó, chiến hạm Hoa kỳ đã tuần tra thách thức Trung cộng tại Hoàng sa, nơi mà Trung cộng hoàn toàn làm chủ sau khi xâm chiếm từ Việt nam Cộng hòa.  Tuần lễ vừa qua, Hoa kỳ phái một hải đội tác chiến bao gồm hàng không mẫu hạm USS Stennis cùng 4 chiến hạm hộ tống đi vào khu vực Trường sa về phía bắc Philippines khiến Trung cộng phải đưa chiến hạm bám sát.

Xin nhắc lại, với những bằng chứng lịch sử chứng minh Hoàng sa và Trường sa của tổ tiên người Việt qua những tài liệu của triều Nguyễn và ngay cả chứng cứ quản lý 2 quần đảo của người Pháp trong thời gian đô hộ Đông Dương, khi Việt nam Cộng hòa xác nhận chủ quyền tại Hội nghị San Francisco năm 1951 đã không gặp phản đối từ các quốc gia tham dự. Nhưng trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 khối Tư Bản và Cộng sản- cụ thể năm 1974- chủ quyền của Việt nam Cộng hòa trên 2 quần đảo này đã bị tước đoạt trong cái bắt tay giữa Washington và Bắc kinh.  Do đó, căng thẳng hôm nay nơi Biển Đông chỉ là hậu quả và hệ quả của chuỗi biến dịch của sách lược ngắn hạn Hoa Kỳ thời chiến tranh lạnh .

Lùi vào thời điểm thập niên 1950, dù phó Tổng Thống Richard Nixon được đánh giá là người thừa kế chính sách, chủ trương "chống cộng" của Tổng Thống Eisenhower,  nhưng khi Nixon trở thành tổng thống nước thì tình thế thế giới và nước Mỹ đã hoàn toàn thay đổi.   Do quan điểm thực dụng "kỹ trị duy lợi" của giới tư bản Mỹ, tương tự như ý niệm thực tiễn "mèo trắng/mèo đen đều được dùng để bắt chuột" của Đặng Tiểu Bình, Tổng Thống Mỹ Nixon với sự tiếp tay đắc lực của cố vấn an ninh quốc gia, sau trở thành ngoại trưởng, Henry Kissinger đã lập nên một một thế trận Tam Quốc mới với Tam Giác Ngoại Giao: Mỹ-Hoa-Liên Xô. Thế trận của TT Nixon có mục tiêu chiến lược: Đánh vỡ khối cộng sản qua gây mâu thuẫn, chia rẽ hai mối cực Liên Xô -Trung Cộng. Từ đó, xảy ra việc Hoa Kỳ kết ước với Bắc Kinh qua Thông Cáo Thượng Hải năm 1972, hy sinh cả Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 lẫn Trung Hoa Dân Quốc năm 1971: đuổi  Đài Loan ra khỏi vị trí thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhường chỗ cho Trung Cộng.

Với tinh thần Đại Hán, giới lãnh đạo Cộng sản Bắc Kinh từ thời Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình luôn luôn giữ mưu định thôn tính lãnh hải và lãnh thổ của các quốc gia lân bang. Khác xưa, Trung Quốc chỉ là cường quốc lục địa, chỉ có ảnh hưởng tại miền Đông của cả đại lục  Âu-Á, hiện nay, theo khả năng kinh tế ngày càng mở rộng, do được xây dựng từ ba mươi năm qua nhờ chính sự hà hơi tiếp sức từ Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Nixon và sự bỏ ngõ khu vực châu Á Thái Bình Dương vì vướng bận cuộc chiến Iraq thời tổng thống George W. Bush, Trung công đã xây dựng được một lực lượng hải quân lớn đủ sức vươn ra đại dương và trước mắt là khống chế biển Đông .

Mặc dù, trong hiện tại và đến vài chục năm tới, Trung Cộng chưa thể tấn công hay khống chế siêu cường hải dương Hoa Kỳ. Nhưng để thực hiện giấc mơ Đại Hán là phải vượt Mỹ để đoạt vị trí siêu cường số một thế giới tương lai.  Do đó, với tư duy duy ý chí của giới lãnh đạo Bắc Kinh là phải giới hạn và cản trở khả năng can thiệp Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Cụ thể, cần nhắc lại, không phải tới hôm nay mà đã từ năm 2013, Bắc kinh bắt đầu yêu sách đối với Biển Hoa Đông và Biển Đông qua tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông và leo thang quân sự khi đặt những hỏa tiễn phòng không trên những đảo đang tranh chấp, thuộc vùng Hoàng Sa lấn chiếm của VNCH từ 1974.

Hậu quả của việc Nixon và Mao Trạch Đông bắt tay với nhau vẫn còn di hại khi hiện nay Hoa Kỳ cũng chỉ đòi Bắc Kinh tôn trọng Quyền Giao Thông Tự do trên biển chứ không phải chủ quyền của các nước láng giềng tại Đông Nam Á.

Trước lò thuốc súng có cơ bùng nổi trên Biển Đông, chợt nhớ đến một quân lực có khả năng và ý chí chống cự cơn trào dâng cộng sản  từ phương Bắc qua cửa ngõ Hà Nội suốt trong 21 năm từ 1954 đến 1975: Quân Lực VNCH mà trận Hải chiến Hoàng sa năm 1974 là một minh chứng.

Phan Nhật Nam- Mai Phi-Long /SBTN

Công an không thể điều tra đảng viên cộng sản tham nhũng

Ông Phan Anh Minh tại hội nghị chiều 8-3. (ảnh: Đ.Vinh)
Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó Giám đốc Sở Công an cho biết như vậy tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, tổ chức vào chiều ngày 8-3-2016 tại Sài Gòn. Thậm chí, ngay cả có bút phê của Thường vụ Thành ủy, công an cũng không được đọc bản kê khai tài sản của cán bộ vi phạm.
“Tôi xin nói thẳng không phải ít vụ án, vì chúng tôi phải chấp hành Chỉ thị 15CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị (*). Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng từ đảng viên, mà công an không được tổ chức trinh sát đảng viên. Do đó, các cán bộ tham nhũng do công an phát hiện phải thông qua các vụ án kinh tế khác”. Ông Minh nói, và cho rằng ngay tại cơ quan của ông, có muốn “trinh sát” nội bộ cũng không có cách nào, vì có hơn 1/3 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản. Nhưng kê khai xong là đút vào ngăn tủ cất, có đúng không, hợp lý không thì chẳng ai biết. “Phải dần công khai minh bạch. Cấp cán bộ quản lý phải có kết luận kê khai hàng năm đó có phù hợp hay không, nếu có những bất hợp lý phải yêu cầu bổ sung nhưng nguồn gốc, thu nhập… thậm chí phải có chế tài, xử lý”, ông Minh yêu cầu.
Phúc trình của ông Phan Anh Minh cho biết thêm trong số các vụ án buôn lậu bị phát giác, thì 50% là từ các cán bộ hải quan. Ngân hàng và đền bù giải tỏa nhà đất là hai lãnh vực tham nhũng còn lại. Trong các loại án bị trả điều tra, điều tra bổ sung, thì án tham nhũng đứng đầu. Thậm chí có những vụ án bị điều tra bổ sung 3-4 lần, tỷ lệ hủy cũng nhiều. “Sở dĩ có tình trạng này là cán bộ tiến hành tố tụng rất thận trọng khi đối đầu với người tham nhũng toàn là các quan chức, có mối quan hệ chằng chịt”, ông Minh lý giải.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội CSVN, ông Nguyễn Văn Hiện nói rằng ở các nước khác thì 90% số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán. Còn ở Việt Nam thì là từ những vụ việc được báo chí lên tiếng. Sau đó, các nghi án tham nhũng có được điều tra hay không thì phải có sự đồng ý của cơ quan nội chính thuộc Thành ủy, Tỉnh ủy hay Ban Nội chính Trung ương – một cơ quan thuộc Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN.
Hiện nay, về chuyện “tặng quà được việc”, theo ông Phan Anh Minh thì tình trạng nhận quà biếu có tính chất hối lộ vẫn ngấm ngầm diễn ra, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết hành vi tham nhũng này.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
(*) Đây là văn bản đóng dấu “Mật”, báo chí không được tiếp cận.

Năm ngư dân Việt Nam bị “tàu lạ” đâm chìm tàu, bám thúng trôi dạt ngoài khơi

Thêm một tàu cá của ngư dân Khánh Hòa đang hành nghề thì bị tàu lạ tông chìm. Năm ngư dân phải bám thúng chai trôi dạt kêu cứu ở vùng biển Hoàng Sa.
Chiều 8 tháng 3, theo tin của Đài thông tin Duyên Hải - Nha Trang cho biết, con tàu mang biển số KH 96640-TS của tỉnh Khánh Hòa bị một tàu khác, hiện chưa rõ số hiệu tông chìm ở vùng biển Hoàng Sa. Năm ngư dân đi trên tàu cá này cố đu bám trên thúng chai trôi dạt trên biển. Sáng cùng ngày, Lực lượng chức năng duyên hải Nha Trang cũng nhận đươc thêm tin báo từ tàu cá KH 98299-TS cũng bị một tàu chưa rõ số cố tình lao vào húc chìm trong lúc đánh bắt thủy sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Hiện nay tất cả các phương tiện cứu nạn được phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp, cùng các ngư dân hành nghề trong khu vực tăng cường quan sát, cứu trợ 5 ngư dân Khánh Hòa gặp nạn.
Hôm 6 tháng 3, tàu cá mang số hiệu QNa-91 939 của ông Võ Quang Thái cùng 10 thuyền viên đang hành nghề lưới vây đã bị tàu hải cảnh Trung Cộng mang theo súng điện, khống chế, cướp đi nhiều ngư cụ và hải sản. Hiện tàu của ngư dân Quảng Nam bị cướp này đã an toàn trở lại bến.
Chỉ trong vòng 3 ngày, 3 tàu đánh cá của ngư dân Quảng Nam, Khánh Hòa đã bị “tàu lạ” tấn công, đâm chìm gây thiệt hại nặng nề. 
03/08/2016 - 12:09
Thanh Lan / SBTN

Bình Thuận: Chủ tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật tham ô

BÌNH THUẬN (NV) Nghi vấn tham ô, ông chủ tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Bình Thuận bị khởi tố để điều tra về tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế.”

Theo tin Tuổi Trẻ, khoảng 14 giờ 30 ngày 8 tháng 3, công an tỉnh Bình Thuận đã đến trụ sở Hội Văn Học Nghệ Thuật (VHNT) tỉnh này công bố quyết định khởi tố ông Nguyễn Chi Khanh, chủ tịch hội về tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế.” Ông Khanh được cho tại ngoại hậu tra, cấm rời khỏi nơi cư trú.


Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Bình Thuận xảy ra vụ “đấu tố” kéo dài trong thời gian qua. (Hình: Tuổi Trẻ)

Trước đó, vào tháng 9 năm 2014, bà Nguyễn Thị Bạch Huyền, thủ quỹ Hội VHNT tỉnh Bình Thuận tố cáo ông Khanh cùng với bà Nguyễn Thị Duyên, chánh văn phòng kiêm kế toán của hội “sai phạm trong thu chi tài chính.”

Tuy nhiên, đến tháng 10, năm 2014 ông Khanh đấu tố “bật lại” bằng cách gởi công văn cho công an tỉnh Bình Thuận trình báo việc bà Huyền “làm thất thoát tiền bạc của hội.”

Trong lúc các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ vụ việc thì vào cuối năm 2014 bà Duyên chết. Ðến tháng 7 năm 2015, ông Khanh bị đình chỉ công tác 3 tháng để cơ quan chức năng làm rõ các sai phạm tại hội này.

Thế nhưng, đến tháng 10 năm 2015, ông Lê Tiến Phương, chủ tịch tỉnh Bình Thuận (nay đã về hưu) lại ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Khanh. Khi biết tin này, nhiều hội viên của Hội VHNT Bình Thuận đã gởi đơn phản đối việc cho ông Khanh khôi phục chức vụ.

Mặc dù ông Khanh được chủ tịch tỉnh Bình Thuận cho trở lại làm việc bình thường, song công an tỉnh vẫn tiếp tục làm rõ các sai phạm tài chính xảy ra tại đơn vị này.

Sau khi ông Phương về hưu vào cuối năm 2015, công an tỉnh Bình Thuận xúc tiến việc khởi tố ông Khanh và đến hôm nay đã công bố quyết định khởi tố bị can.

Số tiền sai phạm tài chính, nghi bị tham ô xảy ra tại Hội VHNT tỉnh Bình Thuận cho đến nay vẫn chưa được công an tỉnh Bình Thuận thông tin cụ thể.

Tin cho biết, đại hội của Hội VHNT tỉnh Bình Thuận dự kiến được tổ chức hoàn thành vào cuối năm 2015, nhưng do các xung đột nội bộ gay gắt nên không thể tiến hành tổ chức đại hội để bầu lại nhân sự mới cho đến nay. Dự kiến, ngày 9 tháng 3, Sở Nội Vụ tỉnh Bình Thuận sẽ phân công người tạm phụ trách hội này để chờ đại hội bầu nhân sự mới. (Tr.N)


03-08-2016 2:38:56 PM 

Tướng công an: ‘Sài Gòn chống tham nhũng ảo’

SÀI GÒN (NV) Ðó là nhận định của ông Phan Anh Minh, thiếu tướng, phó giám đốc công an thành phố Sài Gòn tại “Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015,” chiều 8 tháng 3.

Theo tin báo Pháp Luật Sài Gòn, tại hội nghị, ông Phan Anh Minh nhấn mạnh: “Án tham nhũng vụ sau phát hiện càng lớn hơn vụ trước rất nhiều. Công tác phát hiện tham nhũng chậm, hệ quả là thu hồi rất thấp do đã bị tẩu tán... Chỉ phát hiện tham nhũng thông qua các vụ án kinh tế từ đó mới phát hiện ra. Rõ ràng phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu.”


Nguyễn Tường Duy, một cán bộ hải quan thành phố Sài Gòn bị bắt giữ hồi tháng 1, năm 2016 vì tham nhũng. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)

Giải trình vì sao án tham nhũng do công an Sài Gòn phát hiện ít, ông Minh biện minh: “Tôi xin nói thẳng không phải ít mà là không có vì chúng tôi phải chấp hành chỉ thị cấp trên. Hầu hết đối tượng tham nhũng là từ đảng viên, mà công an không được tổ chức theo dõi đảng viên. Do đó, các cán bộ tham nhũng do công an phát hiện phải thông qua các vụ án kinh tế khác.”

Ông Minh dẫn chứng, một số giải pháp chống tham nhũng đưa vào luật, chương trình mục tiêu quốc gia có biện pháp là ảo. Cụ thể là việc kê khai tài sản. Rất hình thức, ảo. Chẳng hạn ở các cơ quan công an, có hơn 1/3 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản “nhưng làm xong là đút vào ngăn tủ cất, có đúng không, hợp lý không thì không ai biết,” ông Minh nói thẳng khiến hội nghị xôn xao.

Cũng theo ông Minh, các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng nhiều là lĩnh vực xuất nhập cảng với “50% các vụ án buôn lậu có bóng dáng cán bộ hải quan”; tài chính ngân hàng; bồi thường, giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án; quản lý quỹ xóa đói giảm nghèo cấp phường, xã...

Về xử lý án tham nhũng, ông Minh cho biết, thành phố Sài Gòn xử lý án tham nhũng rất chậm. Tỷ lệ điều tra, xét xử rất thấp, bởi cán bộ tố tụng rất thận trọng vì đụng chạm đến những đối tượng tham nhũng có hiểu biết pháp luật. 

“Nhiều vụ án các cơ quan tố tụng trung ương khởi tố rồi chuyển về cho Sài Gòn xét xử, mà hồ sơ các vụ án đó ít nhất là 20,000 trang, thường là vài trăm ngàn trang. Không có hội đồng xét xử nào có thể nghiên cứu trong 2 tháng để đưa ra xét xử nên cơ quan tố tụng thành phố phải nghiên cứu kỹ vì không nắm hồ sơ, dẫn đến vụ án kéo dài...” ông Minh nói. (Tr.N)


03-08- 2016 2:41:18 PM 

Tháng Ba, nhớ Gạc Ma, nghĩ chuyện ngư dân bị Trung Quốc tấn công

Mẹ Nấm (Danlambao) - Ngày 6/3/2016, tàu cá mang số hiệu QNA-91.939 của ông Võ Quang Thái (trú thôn 1, xã Tam Quang) bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công, cướp sạch ngư cụ. (*)

Các báo đưa tin đều có chi tiết tàu của ông Thái đang đánh bắt “trong khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”.

Lần thứ bao nhiêu tàu cá Việt Nam bị tấn công, bị cướp?

Nhiều quá khó mà nhớ nổi, và việc bảo vệ ngư dân được tiến hành từ “phản đối ngoại giao cấp cao” lùi dần đến địa phương, từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đến Chủ tịch Hội nghề cá.

Có ai có cảm giác thấy thật bất lực không?

Hy vọng gì hơn khi Trung Quốc đã bồi đắp xong các đảo nhân tạo, xây dựng khu vực đồn trú, lắp ráp radar và gia tăng sức mạnh quân sự ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nhà nước này vẫn luôn trấn an dân mình rằng “thuộc chủ quyền Việt Nam”?

Tôi nhớ cảm giác phân vân của bản thân rất rõ sau khi an ninh Bộ “làm việc” với tôi về chuyện ngư dân bị đánh, bị cướp năm 2009. Họ nhập vai khéo léo đến độ tôi hoang mang không biết mình có “quá khích” vì thiếu thông tin mà nói sai cho nhà nước hay không?

Và tôi tự đi Lý Sơn để tìm hiểu sự thật theo cách của mình.

“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được tổ chức tại khu du lịch Suối Lương năm ấy, dưới sự kiểm soát của an ninh từ nhiều vòng đã là một câu trả lời dù muốn thừa nhận hay không chuyện né tránh gọi tên kẻ thù lịch sử.

Ở Lý Sơn, nghe ngư dân kể chuyện, về Quảng Ngãi rờ tay lên những thân tàu chứa vết đạn mới hiểu sự hoang mang của dân mình.

Ngư dân là cột mốc sống, bám biển bảo vệ chủ quyền để đổi lấy tình hữu nghị viễn vông và đại cục của hai đảng Cộng sản Việt Nam – Trung Quốc.

Những người phản đối chính sách ngoại giao mềm dẻo đến độ không tưởng lần lượt vào tù bằng kiểu này hay cách khác...

Và đến khi mà người ta thờ ơ, bàng quan trước các tin xâm phạm chủ quyền, cướp bóc đồng bào mình thì rõ ràng là đảng Cộng sản đã thành công trong việc trấn an toàn dân bằng lý luận “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”.

Tôi vẫn luôn tự đặt câu hỏi: làm sao tôi phải vui mừng khi có chủ trương thừa nhận chiến tranh biên giới 1979, sự kiện Hoàng Sa 1974 hay Gạc Ma 1988?

Tại làm sao tôi phải biết ơn hay ghi nhận động thái sửa sai của những người làm sai lệch lịch sử với mục đích bảo vệ lợi ích lãnh đạo của đảng Cộng sản với dân tộc này?

Tháng Ba – nhiều người nhắc về sự kiện Gạc Ma 1988, hình ảnh những người lính Việt Nam lần lượt ngã xuống sau hàng loạt pháo kích của Trung Quốc để rồi chúng ta được gì?

Chặc lưỡi và thở dài khi hay tin ngư dân bị bắn?

Đổ lỗi rằng làm mất Hoàng Sa là do quân lực Việt Nam Cộng Hòa?

Tự an ủi nhau rằng làm láng giềng của một nước có chủ trương thôn tính như Trung Quốc là phải biết mềm mỏng, hòa hoãn?

Và rồi tiếp tục chờ mong có phép màu xuất hiện ở biển Đông?

Tháng Ba, nhớ Gạc Ma, để nhắc mình, đừng bao giờ ngừng đau vì những gì đã diễn ra và tiếp tục tiếp diễn trên đất nước này.



Nguyễn Phú Trọng: Không để lọt vào quốc hội “những phần tử thế này thế khác”

Hoàng Trần (Danlambao) - Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vừa lên tiếng răn dạy các cử tri chớ nên bỏ phiếu cho những “phần tử xấu” trong kỳ bầu cử quốc hội sắp diễn ra vào tháng 5 sắp tới.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 8/3/2016, báo VietNamNet dẫn lời ông Trọng cảnh báo: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác”. 

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu đảng CSVN bày tỏ thái độ trước sự kiện nhiều người ngoài đảng tự nộp đơn tranh cử vào quốc hội – một cơ quan vẫn bị coi là bù nhìn của đảng.

Luật sư Võ An Đôn, tiến sỹ Nguyễn Quang A, nghệ sỹ Nguyễn Công Vượng, bà Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thuý Hạnh… là những người tuyên bố sẽ tham gia cuộc chạy đua lần này.

Hầu hết những ứng viên độc lập nêu trên bị chế độ cộng sản liệt vào danh sách những “phần tử xấu” do có các hoạt động không theo đường lối của đảng cầm quyền.

Sân chơi độc diễn của đảng CS

Trong lời kêu gọi tham gia tranh cử, ông Nguyễn Quang A viết: “Hãy ứng cử để biến quyền hão dần dần thành quyền thực và giúp ông Trọng chứng minh “dân chủ đến thế là cùng””.

Ông A cũng là người vừa hoàn tất quá trình… nộp đơn ứng cử sau hàng loạt các thủ tục nhiêu khê và bị gây khó dễ từ các cơ quan công quyền. 

Các ứng viên độc lập sẽ còn phải đối mặt với các vòng “hiệp thương” do mặt trận tổ quốc – một cánh tay nối dài của đảng – đứng ra tổ chức. Trong quá khứ, chưa một ứng viên độc lập nào vượt qua được “cửa ải” này.

Chưa nói đến việc thắng cử, nội việc có tên trong danh sách tranh cử cũng đã là một điều gần như không thể đối với các ứng cử viên độc lập.

Do đó, tuyên bố của TBT Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ để tái khẳng định lại thông điệp: Bầu cử quốc hội vẫn là một sân chơi độc diễn của đảng cộng sản. 

Đối với người dân Việt Nam, nếu đã không được quyền lựa chọn người đại diện cho mình, thì tốt nhất là nên tẩy chay cái trò hề bầu cử độc diễn của đảng cộng sản.

Tẩy chay bầu cử là một cách để tỏ thái độ bất hợp tác, đồng thời cũng để khước từ luôn vai trò của quốc hội CSVN – những kẻ bù nhìn, nhưng luôn tự cho mình cái quyền “đại diện hợp pháp” đối với nhân dân Việt Nam.

Ngược lại, những ai nếu vẫn chấp nhận tham gia đi bầu, thì hãy nên cam chịu khi bị chop bu CSVN cười vào mặt, điển hình như câu nói của chủ tịch quốc hội CSVN Nguyễn Sinh Hùng: "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai"

Bình Định: Công an xã đánh một thiếu niên tại trụ sở

Dù đã qua nhiều ngày điều trị nhưng trên lưng của Hiếu vẫn còn nhiều vết sưng bầm chạy dài. Ảnh: Kiều Anh

Bạn đọc Danlambao - Em Nguyễn Công Hiếu (16 tuổi), cư ngụ tại xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) vừa trải qua một trận đòn nặng nề tại trụ sở công an xã Mỹ Trinh (Bình Định). BV Đa khoa Bình Định xác định Hiếu bị tổn thương phần mềm vùng ngực do bị tác động ngoại lực cùng nhiều vết sưng bầm khác trên vùng lưng, ngực.

Người sử dụng bạo lực với em Hiếu theo thông tin được báo Pháp Luật Thành phố công bố là công an tên Tiến.

Trước đó ngày 28/2/2016, em Nguyễn Công Hiếu bị đưa về trụ sở công an xã làm việc do liên quan đến việc một bạn bỏ nhà rời Gia Lai đi lập nghiệp tại Sài Gòn bởi một công an viên tên Phước. Trong lúc em đang bị hỏi cung thì công an Tiến xuất hiện, đưa em qua phòng khác và bắt đầu tra tấn. Theo lời Hiếu kể, em bị đánh ngay mang tai, quai hàm, bị giẫm lên người và bị đánh bằng cả dùi cui đến khi ngất xỉu trong một căn phòng bị khóa trái cửa.

Lúc 6 giờ tối cùng ngày, gia đình đến trụ sở công an tìm Hiếu thì phát hiện em đang nằm trên nền nhà. Thấy Hiếu kêu đau đớn thì người thân mới kiểm tra và thấy nhiều vết bầm trên thân thể em. Trong buổi tối cùng ngày, công an viên tên Phước và một người khác đã đến nhà bà nội Hiếu xin lỗi.

Đại diện địa phương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh, ông Võ Thanh Hoàng cho biết theo giải trình của công an xã khi vào làm việc Tiến đánh công an, khống chế công an Tiến, nên công an Phước tự vệ rồi thả đi. Các vết thương trên người Tiến là do em giãy giụa mà gây ra. Sự việc đến nay vẫn đang được xác minh.

Công an huyện và lãnh đạo huyện Phù Mỹ lại trả lời báo chí là chưa có thông tin do đang đi công tác và chưa nghe báo cáo.

Đưa một thanh thiếu niên về trụ sở làm việc không có lệnh, không có người thân giám hộ, thiết nghĩ đúng sai đã rõ trong sự việc lần này tại công an xã Mỹ Trinh (Bình Định).


Chủ tịch TP Hà Nội xem dân oan như tội phạm?

CTV Danlambao - Ông Nguyễn Đức Chung, Phó bí thư thành ủy, Giám đốc công an thành phố Hà Nội trúng cử chức Chủ tịch Thành phố vào ngày 4/12/2015. Ông Chung trúng cử với tỉ lệ 94,56% phiếu tán thành với vị trí là ứng cử viên duy nhất trong danh sách bầu cử. Đây có lẽ là nguyên tắc dân chủ tập trung của đảng Cộng sản Việt Nam.

Sáng ngày 8/3/2016, trả lời chất vấn cử tri quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm liên quan đến các vấn đề đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo, ông Chung công bố: hiện trên địa bàn Hà Nội có một số đối tượng tại Hà Đông và các tỉnh khác cố tình khiếu kiện kéo dài.

"Công an thành phố có nhiều tài liệu chứng tỏ các đối tượng này hàng tháng đã nhận ít nhất mỗi người 100-400 USD từ nước ngoài để đi khiếu kiện gây mất trật tự công cộng, dù nhiều nội dung khiếu kiện đã được giải quyết triệt để". (1)

Dựa trên cơ sở nào để một ông Chủ tịch có thể phát biểu với tâm lý nhìn dân như tội phạm như vậy? 

Có thể thấy rõ, khiếu kiện khiếu nại các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực đất đai là một quá trình kéo dài không có hồi kết. Đặc biệt là quá trình đô thị hóa, khi nhà cầm quyền từ trung ương đến địa phương đứng ra “bảo kê” hoặc ra các quyết định thu hồi đất giao cho các dự án, các tập đoàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai đời sống người dân. Mất đất, mất ruộng vườn, nhà cửa, có gia đình còn phải tan tác khắp nơi tìm kế sinh nhai xây dựng cuộc sống mới. Người dân sẽ phải làm gì? 

Ở cấp địa phương, nhiều khi đơn khiếu nại không được trả lời, hoặc có câu trả lời không thỏa đáng bằng cách đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan với nhau. Thậm chí dân ở các tỉnh xa phải từ bỏ gia đình, công việc để lặn lội ra tận thủ đô theo đuổi khiếu kiện. 

Khi phát biểu với báo chí: “có đối tượng nhận đô la từ nước ngoài để đi khiếu kiện”, cái vỏ bọc “vì dân” của ông Chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bị rơi xuống. Tâm lý quen nhìn người dân như tội phạm của một viên tướng công an đã khiến ông Chung quên rằng gốc rễ của việc khiếu kiện khiếu nại kéo dài là do các cơ quan nhà nước ban hành các quyết định sai trái, phá vỡ sự ổn định trong đời sống hàng ngày của người dân, đẩy hàng trăm ngàn con người phải ra đường ăn bụi ngủ bờ đòi công lý. 

Không thể giải quyết gốc rễ vấn đề bằng cách ép dân phải đồng ý với các giải pháp tình thế do nhà cầm quyền đưa ra. Càng không thể quy chụp dân như tội phạm với lối lý luận “nhận tiền nước ngoài”. 




Biển Đông: ‘TQ hành xử kiểu chiếu trên'

Nguyễn Hoàng 

BBC Tiếng Việt 7 giờ trước 

Image copyrightbbcvietnamese.com
Image captionÔng Rod Wye đã hai lần làm bí thư thứ nhất của sứ quán Anh ở Bắc Kinh thập niên 1980 và 1990.
Một học giả tại Anh cho rằng Anh khó can dự chính trị trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông tuy rằng London sẽ dùng nỗ lực ngoại giao.
Trả lời phỏng vấn với BBC Tiếng Việt tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) ở London, ông Rod Wye, Phó Ủy viên Chương trình Châu Á của Chatham House, cho rằng ít có khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại Biển Đông.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện bên lề 'Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh' lần thứ năm hôm 07/03 nơi Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tới nói chuyện tại viện này.
Ông Rod Wye có hơn 30 năm làm phân tích của chính phủ Anh về Trung Quốc và Đông Á. Ông đã hai lần làm bí thư thứ nhất của sứ quán Anh ở Bắc Kinh thập niên 1980 và 1990. Năm 2010, ông nghỉ hưu ở bộ ngoại giao Anh trong vị trí trưởng nghiên cứu về châu Á.
BBCPhía Việt Nam nói họ mong Anh đóng một vai trò cho sự ổn định trong vùng. Theo ông thì vai trò này là gì?
Rod Wye: Tôi nghĩ điều quan trọng cho Việt Nam và các nước khác trong vùng là Anh với vị thế là một cường quốc, một đối tác mậu dịch lớn, và nước có hải quân hùng mạnh bày tỏ quan ngại về một cách tốt nhất giải quyết các tuyên bố về chủ quyền. Nhưng quan trọng hơn là khống chế được các diễn biến biến hiện nay tại Biển Đông để tự do đi lại được duy trì, an toàn hàng hải được duy trì và hành động của một bên này hay bên khác không đe dọa những sự ổn định đó. Đó một phần là việc làm có tính thực tiễn nhưng mặt khác là cách làm ngoại giao để gây áp lực với tất cả các bên liên quan để tìm được cách thức mới mẻ nhằm quản lý và rốt cùng là giải quyết được các vấn đề.
Nếu xét về việc can dự trực tiếp về chính trị của Anh để giải quyết các vấn đề này thì khó thấy được sự tham gia trực tiếp nào. Tuy nhiên có các nước trong vùng mà Anh có quan hệ tốt và những nước không hoàn toàn nhất trí với nhau về chủ đề Biển Đông và chúng tôi chắc là sẽ dùng nỗ lực ngoại giao của mình để cố tìm một giải pháp vốn khá khó tìm kiếm cho vấn đề này.
BBCNhưng Trung Quốc đã và đang là đối tác mậu dịch lớn và quan trọng của Anh?
Đúng vậy. Thế nhưng Anh cũng có lợi ích tại các nước khác như Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Malaysia. Đối với Anh thì không phải đi với nước này thì thôi nước kia. Mà là làm thế nào để phát huy được tất cả lợi ích đó.
BBCTrong trường hợp không có vấn đề gì về tự do đi lại, tức là chẳng bên nào cản trở bên nào. Nhưng Trung Quốc vẫn thay đổi nguyên trạng tại khu vực như cải tạo và cơi nới đảo đang có tranh chấp thì Việt Nam và các nước tuyên bố có chủ quyền tại đây có thể làm được gì?
Đó chính là vấn đề. Ở một cấp độ thì phải theo đuổi các vấn đề này theo kênh quốc tế sẵn có bao gồm ngoại giao tạo áp lực với Trung Quốc hoặc nước nào gây ra vấn đề. Rồi giải pháp pháp lý như tòa quốc tế mà chúng ta đã thấy là nó cũng có giới hạn. Rồi cũng có các biện pháp thể hiện việc tuyên bố chủ quyền hay quyền khai thác tài nguyên biển.
Tức là có nhiều mảng diễn ra cùng một lúc. Tuy nhiên theo các tình huống chung như tăng cường năng lực cho Trung Quốc hay dùng các biện pháp hữu hình để đảm bảo rằng luật lệ trong khu vực và tại Biển Đông phải được tuân thủ thì các luật lệ đó đang do Trung Quốc áp đặt.
Image copyrightbbcvietnamese.com
Image captionThứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nói ông hy vọng Anh đóng một vai trò cho sự ổn định trong khu có tranh chấp chủ quyền.
BBCTrong cuộc gặp với đoàn Việt Nam tại Chatham House hôm nay, ông khuyến nghị Việt Nam tiếp tục theo đuổi cơ chế trong vùng, tuy nhiên trong vùng làm gì có cơ chế nào để khống chế các diễn biến phức tạp đang xảy ra?
Đó cũng chính là một phần vấn đề. Trong vùng thì có đủ loại cơ chế như Asean chẳng hạn, nhưng chẳng có cơ chế nào trong số này thực sự hữu hiệu. Vấn đề cho Việt Nam, Philippines và các bên tuyên bố chủ quyền khác, chứ không phải là Trung Quốc, là làm sao tạo áp lực đối với Trung Quốc để đưa ra một kiểu nhượng bộ nào trước lợi ích của các nước nhỏ hơn.
Tuy nhiên gần như có rất ít chỉ dấu vào lúc này rằng Trung Quốc sẵn lòng quay lại lập trường mà họ duy trì vào đầu những năm 2000 về việc cùng khai thác chung, tạm gác tranh chấp chủ quyền lại, cùng nhau nỗ lực chia sẻ tài nguyên chung của khu vực. Trái lại càng ngày càng thấy Trung Quốc tìm kiếm một giải pháp chỉ dành một phía mà thôi. Điều đó không có nghĩa là họ không sẵn sàng chia sẻ nhưng, theo cách nhìn của tôi, là chia sẻ theo một hệ thống do Trung Quốc bày ra theo kiểu người ở chiếu trên.
BBCTrung Quốc từng tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông và hiện đang có một số lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ có tuyên bố tương tự đối với Biển Đông. Mặt khác Bắc Kinh nói có nước khác đang quân sự hóa Biển Đông.
Đó rõ ràng là một khả năng. Liệu khả năng đó thật đến mức nào thì còn là dấu hỏi. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam [Bùi Thanh Sơn] trong bài nói chuyện tại đây hôm nay có nói về điều này, tất nhiên là theo tình huống giả định, tức là có thể xảy ra. Mà thực tế là có thể xảy ra vì đã xảy ra ở Biển Hoa Đông rồi thì cũng có thể xảy ra ở Biển Đông.
Liệu điều đó có làm thay đổi gì nhiều hay không theo kiểu tuyên bố hay hùng biện thì còn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Nhiều nước tuyên bố về ADIZ mà không làm đảo lộn trật tự của thế giới. Rõ ràng tại Biển Đông thì là chủ đề nhạy cảm. Nhưng Trung Quốc cũng có thể dựa vào đó mà nói rằng nếu chúng tôi làm như vậy thì chúng tôi đang cổ súy cho phi quân sự hóa chứ không phải là quân sự hóa khu vực này. Đó là một khả năng. Và đó là lá bài mà Trung Quốc đang cân nhắc xem họ có muốn chơi hay không.
Theo tôi thì tại thời điểm này không có nhu cầu đặc biệt tới như vậy để Trung Quốc đưa ra hành động tuyên bố kiểu như vậy trong bối cảnh họ đã thành công trong việc thay đổi nguyên trạng tại chỗ thông qua việc bồi đắp và xây đảo trong vòng vài năm qua.

Điều chuyển vì nói 'dân là dân gian'

 Theo BBC-8 tháng 3 2016 

Image copyrightGetty
Một cán bộ Thanh tra giao thông ở Ninh Thuận bị điều chuyển công tác sau khi nói “dân là dân gian”.
Sở Giao thông Vận tải Ninh Thuận chiều 8/3 nói ông Nguyễn Khắc Hưng, thanh tra giao thông, sẽ bị chuyển về Đội Thanh tra hành chính.
Theo báo Giao thông, cơ quan phát ngôn của Bộ, ông Hưng, vào tối 3/3, đã đi kiểm tra các xe khách chạy tuyến cố định Ninh Thuận -TP.HCM không đón khách tại bến xe mà đón khách lên xe ngay tại nhà xe.
“Trong quá trình kiểm tra, nhiều hành khách sốt ruột vào trong nhà chờ để xem tổ công tác lập biên bản và phàn nàn với việc lập biên bản quá lâu của tổ công tác.”
“Do nhiều người dân đứng xem vây quanh, thanh tra viên Hưng yêu cầu lực lượng di chuyển vào phòng trong bến xe xe để tiếp tục làm việc.”
“Ông Hưng nói: ‘Làm việc mà dân bu quanh thế này không được, dân là dân gian.’”
Câu nói bị ghi âm lại và chuyển đến lãnh đạo giao thông tỉnh Ninh Thuận.
Giám đốc sở giao thông Võ Đức Triều nói đây là phát ngôn không đúng chuẩn mực.

Tranh cãi VN ký ‘hớ’ thuế xăng dầu

Theo BBC-8 tháng 3 2016 

Image copyrightGetty
Image captionNhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, vận hành từ năm 2009
Hôm 8/3, một báo điện tử trong nước đã phải tháo link bài về chuyện Việt Nam đã ký ‘hớ’ điều khoản về xăng dầu với Nam Hàn trong lúc một nhà bình luận nói với BBC rằng vấn đề đáng quan tâm hơn là cần chấm dứt độc quyền xăng dầu.
Hôm 7/3, báo Dân Trí dẫn ‘nguồn tin riêng’ nói Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng vừa báo cáo với Thủ tướng chính phủ về thuế xăng dầu trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa Asean – Nam Hàn (AKFTA) mà báo này gọi là ‘vấn đề khá nhạy cảm’.
Bộ Tài chính Việt Nam "phát hiện thuế suất đối với mặt hàng xăng dầu theo cam kết của AKFTA là 10%, thấp hơn cam kết trong các hiệp định khác”.
Việc này được cho là khiến giá xăng dầu nhập từ Nam Hàn và các nước Asean tham gia AKFTA sẽ rẻ hơn giá xăng dầu sản xuất tại Việt Nam.
Hệ quả là ngân sách Việt Nam bị thất thu một khoản lớn và nhà máy lọc dầu Việt Nam cũng phải được giảm thuế tương đương thì mới có thể cạnh tranh được.

'Độc quyền xăng dầu'

Hôm 8/3, từ Hà Nội, ông Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chính sách & Công nghệ nói với BBC: “Theo tôi được biết, khi đàm phán FTA thì thường người ta thương lượng cả gói, Việt Nam có thể được ưu đãi mặt hàng này nhưng bù lại gặp bất lợi với mặt hàng khác. Nếu chỉ nhìn từ một góc độ thì nhiều khi không thấy được vấn đề”.
Tuy vậy, ông Minh cũng nói thêm rằng “điều đáng quan tâm hơn là thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn còn tình trạng độc quyền. Do vậy, nếu muốn vì lợi ích của người tiêu dùng, nhà nước cần bỏ độc quyền xăng dầu, để doanh nghiệp đối mặt với cạnh tranh từ các nhà nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp”.
Cuối tháng 2/2016, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) gửi công văn kêu cứu đến Liên Bộ Tài chính – Công Thương và Văn phòng Chính phủ về việc nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ "đóng cửa" vì chênh lệch thuế suất nhập khẩu, theo trang CafeBiz.
Website này tường thuật: “PVN cho hay, ngày 16/12/2015, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư mới về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Nam Hàn”.
“Theo đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc sẽ áp dụng là 10%, trong khi thuế với sản phẩm xăng mua từ Lọc hóa dầu Dung Quất chịu thuế cao gấp đôi - 20%”.
"Nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới", CafeBiz viết.
AKFTA được ký tháng 6/2006 và có hiệu lực từ tháng 7/2007. Riêng đối với các mặt hàng như xăng dầu thuộc nhóm ‘nhạy cảm’ và ‘nhạy cảm cao’ sẽ có lộ trình giảm thuế theo từng nhóm nhỏ, kéo dài đến năm 2021.