Tuesday, March 4, 2014

Đông – Tây đi vào nước cờ bí ở Ukraine

Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp)

Tổng Thống Obama nói với các phóng viên hôm Thứ Hai tại tòa Bạch Ốc rằng “nước Nga đang đứng  về phía sai của lịch sử” tại Ukraine và hành động can thệp quân sự ở Crimea  vi phạm công pháp quốc tế.


Một người dân mang quốc kỳ Nga chào đón một đơn vị quân sự triển khai tới làng Perevalne
bên ngoài thủ đô Simferopol nước cộng hòa tự trị Crimea. (Hình: AP/Van Sekretarev)


Ông cho biết Hoa Kỳ đang xem xét những biện pháp ngoại giao và kinh tế đưa Nga vào thế cô lập. Ngoại Trưởng John Kerry chuẩn bị lên đường sang Kiev, thủ đô Ukraine, trong buổi phỏng vấn trên ba hệ thống truyền hình tối Chủ Nhật nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu sẽ có giải pháp đáp ứng với hành đông xâm lăng của Nga vào Ukraine.

Một giới chức cao cấp Hoa Kỳ yêu cầu không nêu danh tánh nói rằng  hơn 6,000 quân Nga ở Crimea hiện nay đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình tại đây và không phải nổ phát súng nào.

Các nhà lãnh đạo Liên Âu sẽ có cuộc họp thượng đỉnh bất thường vào ngày Thứ Năm và những biện pháp dự trù có thể đưa ra để trừng phạt Nga là  ngưng chính sách cởi mở về thông hành cùng với các cuộc thảo luận hợp tác kinh tế, ngoài ra cũng có thể hủy bỏ việc chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh G-8 đã dự trù vào tháng 6 sắp tới ở Sochi. 

Sau buổi họp với bộ trưởng ngoại giao 28 nước EU hôm Thứ Hai, bà Catherine Ashton, bộ trưởng đối ngoại  của Liên Âu nói rằng EU sẽ chờ đến ngày Thứ Năm xem Nga có thể hiện những dấu hiệu thiện chí như sẵn sàng thảo luận công khai và rút quân đội của họ trở về các trại trong căn cứ quân sự ở Crimea hay không. Bà sẽ hội kiến Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov tại Madrid, Tây Ban Nha, trong ngày Thứ Ba.  Bà khẳng định là tình thế không được cải thiện thì buộc phải thi hành những việc đã dự tính.

EU là đối tác mậu dịch lớn nhất của Nga, hầu hết là nhập cảng dầu khí, và Nga là đối tác mậu dịch đứng hàng thứ ba của EU. Bộ trưởng ngoại giao Hòa Lan Frans Timmermans nói rằng cấm vận kinh tế sẽ gây thiệt hại cho tất cả các bên dù rằng Nga có thể chịu tổn thất nặng nề hơn.

Tại Brussels, ông Tổng Thư Ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng hành động của Nga vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, và NATO sẽ xét lại những mối quan hệ với họ.
Như vậy hầu như tình hình thế giới đang đột ngột chuyển biến  đến chỗ trở lại thế đối đầu giữa các siêu cường quốc thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Lara Jakes, ký giả AP chuyên về vấn đề an ninh quốc gia  Hoa Kỳ,  nhận định rằng một trong những hậu quả của thực tế phức tạp trở lại ở Âu Châu có thể khiến chính quyền Obama phải từ bỏ hẳn chiến lược chuyển trọng tâm đến Á Châu. Đồng thời dự án cắt giảm ngân sách quốc phòng cho những đơn vị quân đội đồn trú tại Đức có lẽ cũng phải chậm lại hoặc thay đổi hẳn trước tình thế chính trị bất ổn định khắp Âu Châu. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, 200,000 binh sĩ Hoa Kỳ được triển khai tại Âu Châu, hiện nay chỉ còn 2 lữ đoàn khoảng 10,000 quân.

Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố hôm Thứ Hai trong hội nghị Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Geneva,  giải thích việc quân đội Nga can thiệp vào Crimea, nói rằng đây là việc cần thiết để bảo vệ an ninh cho công dân Nga ở  nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine này.  Ông cũng kêu gọi hai phía ở Ukraine hãy trở lại với thỏa hiệp đã ký kết ngày 21 tháng 2, một ngày trước khi  phe đối lập truất phế Tổng Thống Viktor Yanukovich. Nga không ký vào bản thỏa hiệp do ba Ngoại Trưởng Pháp, Đức, Ba Lan đứng làm trung gian dàn xếp. Ngoại Trưởng Lavrov nói rằng ông Yanukovych tuân hành hiệp định nhưng phe đối lập thì không.

Về phía Nga người ta không thấy có dấu hiệu Tổng Thông Vladimir Putin bận tâm đến những lời cảnh cáo của Tây Phương. Hôm Chủ Nhật,  ông đã được Quốc Hội Nga trong một phiên họp đặc biệt cho phép can thiệp bằng quân sự vào Crimea.

Ukraine nói chung và Crimea nói riêng có những yếu tố đặc biệt quan trong đối với Nga và với vai trò lãnh đạo của Tổng Thống Putin. Ukraine là quốc gia Đông Âu ở vị trí chiến lược trọng yếu, giữa Đông với Trung Âu và vùng biển Hắc Hải. Dân số 48 triệu sống trên diện tích 605,000 km2, Ukraine giáp giới 6 nước Belarus, Hungary, Moldova, Ba Lan, Slovakia và Nga. Đường biên giới trên đất liền giữa Nga và Ukraine dài 1,600 km,  bờ biển Ukraine dài 3,800 km khống chế vùng biển Hắc Hải miền Nam Nga.

Giống như nhiều quốc gia Âu Châu khác, Ukraine trải qua nhiều biến chuyển trong lịch sử  và lãnh thổ là mục tiêu tranh chấp liên tục giữa các đế quốc lân bang. Trong thực tế, quốc gia Ukraine chỉ là một thực thể từ  năm 1917 trong Thế Chiến I,  hai năm sau trở thành một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa và rồi sát nhập vào Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết. Tuy nhiên vùng phía Tây Ukraine không thuộc Liên Xô cho đến năm 1838 và trong Thế Chiến II, Ukraine tham chiến ở cả hai phía đối nghịch Đức Quốc Xã và Liên Xô.

Bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, Ukraine đã phục hồi khá nhanh chóng, một phần vì là nước cộng hòa quan trọng nhất trong Liên Bang Xô Viết sau Nga. Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên Xô Nikita Krushchev có quá trình tiến thân từ giai đoạn làm việc ở Ukraine, năm 1957 đã vận động Xô Viết tối cao đưa bán đảo Crimea thuộc Nga vào thuộc lãnh thổ Ukraine. Trong thời kỳ Liên Xô, biện pháp hành chính này không có tác dụng bao nhiêu vì trong thực tế Ukraine đã được coi như một phần của nước Nga. Nhưng hậu quả của việc này là khi Liên Xô sụp đổ, Crimea thuộc về nước cộng hòa độc lập Ukraine.

Bán đảo Crimea là đất cùa đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ bị Nga chiếm từ thời nữ hoàng Catherine II. Từ thời các Sa Hoàng, qua thời Liên Xô, hạm đội Hắc Hải của hải quân Nga đặt căn cứ ở cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea. Đến khi Ukraine độc lập, Nga phải thương lượng khá khó khăn với Ukraine để có thể được tiếp tục thuê quyền sử dụng căn cứ này.

Bán đảo Crimea diện tích 26,000 km2, dân số 2 triệu, có quy chế là một nước cộng hòa tự trị trong quốc gia Ukraine. Trên toàn quốc Ukraine, dân Ukraine chiếm 76%, dân Nga 18% còn lại là những sắc dân thiểu số khác, nhưng tại Crimea dân Nga chiếm tới 58% và dân Ukraine chỉ có 24%. Do đó Crimea và vùng phía Đông Ukraine, dân chúng thiên về phía Nga trong khi vùng phía Tây Ukraine dân chúng muốn quan hệ mật thiết với Tây Phương. Chính trị Ukraine thể hiện sự tranh chấp Đông – Tây này.

Nhiều người dân Nga hãy còn nuối tiếc thời đại Nga Hoàng cũng như Liên Xô khi quốc gia họ đã từng là cường quốc hàng đầu thế giới. Vì vậy Tổng Thống Putin, để duy trì vị trí lãnh đạo của cá nhân mình, chắc chắn phải tìm cách đáp ứng phần nào tâm lý dân tộc ấy. Ông có thể chấp nhận cho Ukraine sự tự do thiên về phương Tây, nhưng riêng tại Crimea đường lối ấy không đơn giản vì dân địa phương cũng như dân chúng Nga , và đồng thời là tầm quan trong chiến lược của bán đảo này. Ông Putin bắt buộc phải chứng tỏ sự cứng rắn nếu không phài  trong vấn đề toàn bộ Ukraine thì ít nhất cũng phải ở nước cộng hòa tự trị Crimea.

Do đó trong cuộc khủng hoảng Ukrine cả hai phía Đông và Tây Phương đều bế tắc. Mặc dầu Hoa Kỳ nói rằng Nga phải trả giá nếu can thiệp quân sự vào Ukraine nhưng người ta không  biết những biện pháp nào sẽ do Tây Phương đưa ra và có thể  hiệu quả đến đâu. Đáp lại bằng giải pháp quân sự trong hoàn cảnh thế giới hiện nay là chuyện không ai tin có thể xảy tới. Cuối cùng chỉ có thể hy vọng sự giải quyết bằng đường lối ngoại giao và đàm phán.


Thủ Tướng Anh David Cameron cũng như các nhà lãnh đạo Tây Phương khác mạnh mẽ lên tiếng phê phán Nga can thiệp vào Crimea. Nhưng tờ Telegraph phát hành tại London nói rằng họ có nguồn tin cung cấp cho một bản sao tài liệu ở Downing Street (Phủ Thủ Tướng), theo đó Anh không nên ủng hộ bất cứ một sự chuẩn bị quân sự nào của NATO và đồng thời cũng không nên cấm vận kinh tế Nga vì sẽ tác dộng tai hại đến kinh tế toàn cầu. 

No comments:

Post a Comment