Saturday, May 24, 2014

Lên Mặt Trăng hoặc là qua Trung Quốc

 05/21/2014 - 21:04
Wacław Radziwinowicz - Gazeta Wyborcza - Lê Diễn Đức dịch


Chuyện đe doạ ưa thích của Moscow là công bố kế hoạch của mình di chuyển đồ chơi từ sân chơi cát châu Âu qua Trung Quốc.

Bắt đầu từ hôm qua, hai ngày viếng thăm của Vladimir Putin ở Trung Quốc - như các phương tiện truyền thông chính thức của Moscow loan tải - được cho là một bước đột phá, như thường lệ. Cuộc viếng thăm muốn cho người Nga thấy rằng họ có thể huýt sáo cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và cho người châu Âu biết rằng Nga có một đối tác mạnh mẽ ở phía Đông, sẽ không đến tiền bạc của họ cho khí đốt.

Bởi vì chính khí đốt của Nga - đặc biệt là việc ký kết hợp đồng 30 năm cung cấp 38 tỷ mét khối cho Trung Quốc - sẽ là tâm điểm của chương trình chuẩn bị cổ vũ cho trái tim của người Nga và nghiền nát trái tim sợ hãi của người châu Âu.

Tuy nhiên, Putin, ít nhất cho tới giờ, đang đâm đầu vào Vạn Lý Trường Thành, bởi vì... người Trung Quốc rất chặt chẽ. Họ sẽ mua khí đốt, nhưng không phải vì để khai thác tốt "đối tác" trong trò chơi của nó với phương Tây, mà vì bản thân mình - đó là với giá rất rẻ.

Họ không giống như người châu Âu phải chịu nhân nhượng với Nga. Khí đốt của nền kinh tế phát triển nhanh chóng của họ đã sẵn sàng có người cung cấp - chẳng hạn như Turkmenistan hay Hoa Kỳ. Bản thân họ cũng trái ngược với người Nga, khí đá phiến sét gần đây được coi là một huyền thoại được phát minh bởi những kẻ thù của Gazprom, đang có xu hướng phát triển sản xuất.

Một số nhà bình luận Nga cảnh báo rằng giấc mơ của Moscow về một liên minh với Bắc Kinh chỉ là một ước mơ. Tờ báo uy tín "Vedomosti" đã viết ngày hôm qua rằng Trung Quốc có truyền thống cổ xưa, với cảm nhận quyền lực phát triển của nền kinh tế và trọng lượng chính trị sẽ không bao giờ coi Nga là đối tác bình đẳng của mình, cao nhất chỉ là nhà cung cấp nguyên liệu.

Những nhà lãnh đạo của Nga hành xử rất nhiều thời gian gần đây như các bé trai nổi khùng lên vì bị xúc phạm, đe doạ sẽ đưa đồ chơi đến sân chơi cát khác. Với Mỹ cũng không suôn sẻ.

Chịu trách nhiệm về công nghiệp quốc phòng và - như ở đây người ta thường nói - và "chinh phục không gian", Dimitri Rogozin, Phó Thủ tướng, vô địch lộng ngôn, đổ lỗi cho NASA của Mỹ rằng, NASA không muốn hợp tác với Nga. Ông ta đe doạ rằng,  một Moscow bị xúc phạm bằng lệnh trừng phạt "sau năm 2020" sẽ ngừng bay trong quỹ đạo xung quanh Trạm vũ trụ quốc tế Trái đất. Nhưng đây là một công ty liên doanh, trong đó ngoài Nga, tham gia còn có Mỹ, EU, Nhật Bản và Canada, tức là cả thế giới, mà ngày nay đang cố gắng làm tổn thương người Nga.

Bỏ sân bay vũ trụ, nước Nga với tất cả sức mạnh của ý tưởng chinh phục không gian và lực lượng trí thức, sẽ tiến tới - như ông Phó Thủ tướng vũ trụ khẳng định - "những dự án thú vị".

Nhờ đó mà sau 15-20 năm nữa, người Nga sẽ có ở Mặt Trăng cơ sở và sẽ làm những việc người ta làm trên Trái Đất, tức là sẽ khai thác các tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh của địa cầu chung ta.

Là những thứ gì - thật khó nói. Đường ống dẫn khí đốt Lunar Stream có lợi thế là bỏ qua Ukraina, nhưng chi phí nhiều hơn một chút so với North Stream. Thậm chí  với vận chuyển vàng qua 400 nghìn dặm của không gian dường như phải chịu phí tổn nhiều lần hơn là giá trị của nó.

Và chuyện gì sẽ xảy ra với các phi hành gia tội nghiệp của NASA, khi nước Nga bằng tất cả sức mình hướng tới các dự án mơ ước. Rogozin chế nhạo rằng khi trạm vũ trụ Hoà Bình không còn mang họ nữa, "người Mỹ sẽ nhảy tới các trạm quỹ đạo bằng dù".

Trong thực tế, tất cả là chuyện hài hước. Trạm không gian quốc tế sau năm 2020 có thể sẽ không còn được khai thác. Và người Mỹ sau một năm rưỡi nữa sẽ bay vào quỹ đạo, không phải bằng tàu vũ trụ Hoà Bình chở ba người, mà bằng Dragon chở bảy người - SpaceX, của một công ty tư nhân, đã được thử nghiệm thành công hai năm qua như một chiếc phà vận chuyển hàng hóa cung cấp cho nhà ga vũ trụ.

Người Nga có ít may mắn để bay lên Mặt Trăng vì thiếu ngay cả tên lửa nặng vận chuyển Angara, đã từng bay vào không gian chín năm trước đây, nhưng chưa bay đuợc và không biết khi nào có thể.
http://www.rfavietnam.com/node/2059

http://www.rfavietnam.com/node/2059
Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức
--------------------------------------------------------------------
Được dịch từ tiếng Ba Lan bài viết đăng trên nhật báo Ba lan Gazeta Wyborcza ngày 20/05/2014 tại link:
http://wyborcza.pl/1,75968,15999290,Na_Ksiezyc_albo_do_Chin.html

VIDEO : Trung Quốc xuyên tạc nội dung công thư 1958



Nội dung công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có một từ nào công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Tháng 5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Mỹ cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, bảo hộ hòn đảo này, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ tạo ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất.
Trong thế giằng co, tháng 8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn dẫn đến cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Mỹ tiếp tục điều Hạm đội 7 đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến Kim Môn và Mã Tổ.
Trước sự đe dọa chia cắt lãnh thổ, ngày 4/9/1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ra tuyên bố quốc tế về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc trong đó có Đài Loan, đồng thời nêu cả Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).
Thời điểm này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trung Quốc đang giữ quan hệ "anh em thân tình". Năm 1949, Việt Minh chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi cũng trao trả cho Việt Nam.
Xuất phát từ mối quan hệ đặc thù đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công thư, một cử chỉ ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan.
Công thư thể hiện: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển".
Công thư không nêu tên bất cứ quần đảo nào cũng không từ bỏ chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngược dòng lịch sử, Hội nghị các nước đồng minh sau Thế chiến hai tổ chức tại San Francisco (Mỹ) năm 1951, 46/51 quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến nào khác của các quốc gia tham dự.
Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông. 
Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4/9/1958 về cơ sở pháp lý quốc tế là không có hiệu lực.
Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Dưới góc độ tài phán quốc tế, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.
Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Không có cơ sở pháp lý quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nội dung Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trung Quốc bấy giờ.
Video: Vạch trần luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc về công thư 1958 

T.A/Theo Chinhphu.vn

Mỹ lần đầu tiên triển khai máy bay dọ thám không người lái tại Nhật

RFI-Mai Vân
Nguồn tin của Không quân Mỹ được AFP trích dẫn cho biết : Vào hôm nay, 24/05/2014, lần đầu tiên Hoa Kỳ cho triển khai máy bay trinh thám không người lái trên lãnh thổ Nhật Bản. Một chiếc Global Hawk đã đến một căn cứ không quân ở miền Bắc nước Nhật với nhiệm vụ giám sát tình hình tại Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Trên trang mạng của mình, Không quân Mỹ nói rõ là chiếc Global Hawk đầu tiên trên đất Nhật này đã được đưa từ căn cứ ở Guam đến căn cứ không quân Mỹ ở Misawa. Nhiệm vụ của chiếc phi cơ dọ thám không người lái này là để « hỗ trợ các hoạt động dọ thám, giám sát trong các chiến dịch tại vùng Thái Bình Dương ».
Chương trình hoạt động của chiếc phi cơ bay ở độ rất cao này được dự trù đến tháng 10. Không quân Mỹ còn nói thêm là nhiệm vụ của Global Hawk còn bao gồm phần quan sát các cơn bão thường đổ vào Guam trong mùa hè.
Tuy nhiên theo một số đánh giá thì Global Hawk còn có nhiệm vụ theo dõi động tĩnh của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, vào lúc mà Binh Nhưỡng đang phát triển chương trình hạt nhân và thử nghiệm tên lửa, trong lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng gây hấn và tranh chấp với các láng giềng, và làm Nhật Bản lo ngại trên mặt an ninh.
Global Hawk với khả năng thông tin rất tân tiến, phức tạp, có thể bay ở độ cao 18.000 mét – với chế độ lái tự động trong 30 tiếng đồng hồ.
Cũng liên quan đến Nhật Bản, nhưng trên bình diện không gian, Nhật đã phóng thành công hỏa tiễn H-2A vào hôm nay, đưa vào quỹ đạo một vệ tinh quan sát thiên tai, Alos- 2.
Cơ quan không gian Nhật Jaxa cho biết là hỏa tiễn được phóng lên từ căn cứ Tanegashima, phía Nam, và việc đưa vệ tinh vào quỹ đạo thành công mỹ mãn.
Ngoài việc quan sát thiên tai, Alos-2 còn cho phép quan sát rừng, đất trồng trọt, cho phép điều chỉnh bản đồ hạ tầng cơ sơ, mặt bằng, đất đai.v.v. Vệ tinh có thể hoạt động ngày cũng như đêm và bất kỳ trong điều kiện thời tiết nào.
Trước đây, vào tháng 2 vừa qua, hỏa tiễn H-2A cũng đã đưa lên quỹ đạo một vệ tinh Mỹ Nhật dùng để đo lường lượng mưa trên hành tinh.

Báo chí chính thức Việt Nam lên án Trung Quốc gay gắt hơn

Việt Nam lên án "máu Đại Hán hung hăng" của Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc "Hà Nội kích động tâm lý bài Hoa"
Việt Nam lên án "máu Đại Hán hung hăng" của Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc "Hà Nội kích động tâm lý bài Hoa"
REUTERS /Peter Ng

Thanh Phương
Báo chí chính thức của Việt Nam đang có những lời lẽ ngày càng gay gắt đối với Trung Quốc. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hôm qua, 23/05/2014 đã đăng bài lên án cái mà tờ báo này gọi là « máu Đại Hán hung hăng » của Trung Quốc.

Bài viết có tựa đề « Nói một đằng, làm một nẻo » viết : « Có thể nói, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa gia tăng các hành động gây hấn, vừa cố gắng “la làng” nhằm tạo hình ảnh là nạn nhân đã đặt Trung Quốc vào thế tự “vạch mặt” mình, “nói một đằng làm một nẻo”, đây là bản chất của những nhà đương cục Trung Quốc. Dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữa nước, hơn ai hết hiểu được "bụng dạ" thật, của "ông láng giềng" này. "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn", nhân dân Việt Nam quyết không sợ, đoàn kết một lòng, với tất cả lực lượng và trí tuệ, bảo vệ vững chắc từng "tấc biển" của Tổ quốc. »
Một số báo như Vietnamnet hôm cũng đăng bài hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila ngày 22/05 không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị « viển vông, lệ thuộc nào đó ». Bài báo của Vietnamnet nhận định : « Với hàng loạt hành vi bội tín, « bạn vàng » Trung Quốc cho thấy họ không coi Việt Nam là đối tác, là bạn, mà chỉ muốn Việt Nam phải lệ thuộc ».
Trong khi đó, nhật báo Anh ngữ của Trung Quốc China Daily tiếp tục lên án chính quyền Hà Nội đã đứng đằng sau các vụ biểu tình chống Trung Quốc dẫn đến cướp phá, đốt cháy hàng trăm nhà máy của Trung Quốc và một số nước khác tại Bình Dương và Hà Tĩnh vừa qua.
Bài báo đăng trên tờ China Daily số ra ngày hôm nay viết rằng : « Khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lan rộng, Hà Nội một mặt nói là sẵn sàng dẹp bạo loạn, nhưng mặt khác lại tiếp tục kích động tâm lý bài Hoa. » Tờ China Daily nhắc lại rằng, sau vụ một số công nhân Trung Quốc gị giết hại trong các vụ bạo loạn, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố việc những người biểu tình bày tỏ lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia là « chính đáng và tự nhiên ».
Tờ báo khẳng định giàn khoan HD-981 là hoàn toàn nằm trong vùng biển của Trung Quốc bởi vì chỉ cách quần đảo Tây Sa ( tức Hoàng Sa của Việt Nam ) có 17 hải lý. China Daily còn cáo buộc Hà Nội đã điều động hơn 60 tàu, trong đó có tàu vũ trang đến khu vực đặt giàn khoan này và trong thời gian từ ngày 03 đến 21/05, « đã hơn 700 lần » đâm vào tàu Trung Quốc.
Tờ báo chính thức của Trung Quốc cũng chỉ trích Hà Nội đã « lôi kéo dư luận quốc tế về phía mình », khi mời phóng viên Việt Nam và ngoại quốc lên tàu để đến tận nơi theo dõi tình hình, đồng thời « cố tình » khiêu khích để tàu Trung Quốc chống trả, rồi « thêu dệt » thành chuyện tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đụng vào.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140524-bao-chi-chinh-thuc-viet-nam-len-an-trung-quoc-gay-gat

Trung Quốc đang "nói một đằng làm một nẻo" như thế nào?

theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam | 24/05/2014 09:14

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh

Trong phiên khai mạc CICA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bình thản tuyên bố Trung Quốc đang lớn mạnh cần các biện pháp “hòa bình” để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Nói vậy nhưng không phải vậy, Trung Quốc bao giờ cũng "nói một đằng, làm một nẻo!"
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Trung Quốc cam kết tìm kiếm cách giải quyết hòa bình trong việc tranh chấp với các quốc gia khác về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi và lợi ích hàng hải”. Nghe ông Tập nói vậy, nhưng giàn khoan Hải Dương - 981, vẫn ngang nhiên đặt vào vùng biển của Việt Nam, cùng hàng trăm tàu hộ tống đâm húc, dùng vòi rồng cực mạnh phun nước vào các tàu chấp pháp của Việt Nam.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cảnh báo các quốc gia châu Á muốn tăng cường liên minh quân sự chống lại Trung Quốc đồng thời khẳng định nó không có lợi cho an ninh khu vực. “Việc tăng cường liên minh quân sự nhằm vào một bên thứ 3 sẽ không có lợi cho nỗ lực duy trì an ninh chung trong khu vực”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thành thói quen đổ lỗi cho Mỹ khuyến khích các nước có tranh chấp với nước này thực hiện những hành động “nguy hiểm”, làm trầm trọng thêm căng thẳng tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường nhật diễn ra mới đây, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) nói, “cần phải chỉ ra rằng, hàng loạt những bình luận sai trái và vô trách nhiệm từ phía Mỹ đã khuyến khích một số nước có những hành động khiêu khích và nguy hiểm”... “Chúng tôi kêu gọi Mỹ hành động phù hợp để duy trì và giữ gìn an ninh hòa bình trong khu vực, đồng thời hành động và phát ngôn cẩn trọng trước những sự kiện liên quan, chấm dứt những phát ngôn thiếu trách nhiệm và hành động nhiều hơn nữa vì hòa bình và ổn định khu vực”. Trên thực tế, Trung Quốc đang thực thi những hành động mang tính “cả vú lấp miệng em” nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc chỉ trích gay gắt Mỹ và kêu gọi hòa bình, ổn định tuy nhiên thực tế tại khu vực đặt giàn khoan trái phép, họ tiếp tục có những hành động hung hãn, đâm húc và tấn công tàu thuyền thực thi công vụ của Việt Nam. Các vòi rồng từ tàu hải cảnh Trung Quốc nhằm vào những chỗ hiểm của tàu Việt Nam như ống khói, ăng-ten, rađa, các tấm cửa kính, thiết bị truyền tin... để phun với mục đích phá hỏng máy móc, thiết bị thông tin liên lạc, làm tê liệt và mất tác dụng tàu của Việt Nam trên biển. Dã man hơn, Trung Quốc còn nhằm cả vào phao cứu sinh để phá nát những phương tiện cứu nạn này của Việt Nam. Mặt khác, nước này còn trắng trợn cáo buộc Việt Nam cố ý đâm vào tàu của họ trên Biển Đông. Đúng là "vừa ăn cướp vừa la làng!"
Cụ thể, ngày 21/5, Trung Quốc duy trì 95 chiếc tàu các loại hoạt động bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981, đồng thời bố trí các tàu bảo vệ trên nhiều hướng và trên mỗi hướng Trung Quốc tăng cường từ 2 đến 3 tàu kéo loại lớn. Các tàu này luôn cơ động tiếp cận và sẵn sàng phun nước, đâm va vào các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đã áp sát, đe dọa, chặn, ép tàu cá vỏ gỗ của các ngư dân Việt Nam ra xa khu vực giàn khoan và sẵn sàng đâm va vào các tàu cá Việt Nam.
Trong khi liên tiếp có hành động dã man như trên, nhưng mặt khác "Trung Quốc đang cố gắng tạo ra hình ảnh họ mới là nạn nhân". Đây là nhận định của ông Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam đang công tác tại Đại học Thành thị Hong Kong trên báo South China Morning Post của Hong Kong. Ông cho rằng, Trung Quốc đang chơi trò nạn nhân trong việc đưa các công nhân về nước. Với động thái này, Trung Quốc cố tự tạo hình ảnh họ mới là nạn nhân, trong khi dư luận quốc tế đều chống lại những bước đi hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.
Tiến sĩ Oh Ei Sun, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định: “Thái độ của Trung Quốc đang gây ra sự khó hiểu. Bắc Kinh nói rằng họ muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng của mình, nhưng họ lại cũng đang cố tình hành động ngày càng quyết liệt hơn”.
Tiến sĩ Oh Ei Sun cho rằng: “Các quốc gia Đông Nam Á đang thấy rằng Trung Quốc đang làm cho vụ tranh chấp leo thang, thay vì là cho vụ việc lắng xuống”.
Vạch rõ âm mưu của Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn hãng AP (Mỹ) và Reuters (Anh) về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam trong chuyến thăm Philippines và tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ 21 – 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Có thể nói, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa gia tăng các hành động gây hấn, vừa cố gắng “la làng” nhằm tạo hình ảnh là nạn nhân đã đặt Trung Quốc vào thế tự “vạch mặt” mình, “nói một đằng làm một nẻo”, đây là bản chất của những nhà đương cục Trung Quốc. Dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữa nước, hơn ai hết hiểu được "bụng dạ" thật, của "ông láng giềng" này. "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn", nhân dân Việt Nam quyết không sợ, đoàn kết một lòng, với tất cả lực lượng và trí tuệ, bảo vệ vững chắc từng "tấc biển" của Tổ quốc./.

Việt Nam chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị

Thanh Phương
Sau nhiều năm im lặng, mãi đến những năm gần đây, chính quyền Việt Nam mới lên tiếng giải thích về công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, nhưng lần đầu tiên, Hà Nội vừa chính thức tuyên bố công hàm đó là vô giá trị, tức là không hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Công hàm Phạm Văn Đồng, mà nhiều người gọi là « công hàm bán nước », đã được đưa ra trong bối cảnh như thế nào ? Ngày 04/09/1958, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố với quốc tế quyết định của chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam).
Sau đó, ngày 14/09/1958, Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng đã gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai bức công hàm ghi rõ: “Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành” tuyên bố nói trên của chính phủ Trung Quốc và “sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.
Từ đó cho đến nay, đối với Bắc Kinh, bức công hàm nói trên của Thủ tướng Việt Nam là đồng nghĩa với việc Hà Nội thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thật ra, từ lâu, nhiều chuyên gia đã phân tích rõ là công hàm Phạm Văn Đồng chẳng có giá trị nào về mặt pháp lý trên vấn đề chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, bởi một lý do đơn giản là hai quần đảo này vào thời đó thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Trong bài báo ngày 20/07/2011, tờ Đại Đoàn Kết cũng đã công nhận rằng vào thời điểm năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa “tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa” và chính phủ này “đã liên tục thực thi” chủ quyền trên hai quần đảo đó và đặc biệt đã quyết liệt chống trả sự xâm lược của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Hơn nữa, vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền trên hai quần đảo này.
Nhưng đó chỉ mới là ý kiến của một tờ báo chính thức, được đăng tải vào lúc đó để xoa dịu dư luận, không chỉ đang phẫn nộ về những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn rất bất bình trước hành động đàn áp người biểu tình phản đối Trung Quốc. Nay, trong bối cảnh Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, lần đầu tiên chính phủ Hà Nội chính thức tuyên bố công hàm đó là không hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong cuộc họp báo quốc tế hôm qua, 23/05/2014 ( lần thứ ba kể từ đầu vụ giàn khoan HD-981 ), phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải đã nhắc lại lập luận rằng công hàm ( mà ông gọi là công thư ) Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi lẽ hai quần đảo này lúc đó nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa, được Pháp giao lại vào năm 1956, phù hợp với Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc có tham gia.
Việt Nam đã phải chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị trong bối cảnh mà chính phủ Hà Nội đang cố vận động sự ủng hộ của quốc tế bằng cách nêu rõ những cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hà Nội cũng đang xem xét việc khởi kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế. Trong cuộc họp báo quốc tế hôm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, cho biết, với tư cách thành viên của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mình.

Xác người mất đầu đang phân hủy trong phòng trọ ở Sài Gòn

Một thanh niên khoảng 25 - 30 tuổi bị hung thủ giết rồi chặt đầu, chân tay để phi tang.Công an đã bắt được 2 nghi can trong vụ việc.
Ngày 24/5, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Gò Vấp (TP.HCM), cho biết đang phối hợp với các Phòng nghiệp vụ công an TP.HCM điều tra, làm rõ vụ án mạng xảy ra tại căn nhà trọ trên đường Quang Trung, phường 8.
Cơ quan điều tra cho biết, khoảng 21h30 ngày 23/5, những người sống gần khu nhà trọ ngửi thấy mùi hôi nồng nặc nên cùng nhau kiểm tra.
Mọi người phát hiện mùi hôi bốc ra từ phòng trọ số 404 nhưng cửa đã bị khóa trái. Ngay lập tức chủ nhà trọ gọi điện báo công an phường.
Xác người mất đầu đang phân hủy trong phòng trọ ở Sài Gòn - Ảnh 1
Căn nhà trọ 5 tầng - nơi nam thanh niên bị giết.
Nhận được tin báo, công an phường 8 đã đến phá cửa vào trong thì phát hiện thi thể một thanh niên trong nhà vệ sinh. Xác người này không có đầu và tay chân, đang trong quá trình phân hủy.
Sau đó, công an quận Gò Vấp đến hiện trường phối hợp Phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM tiến hành khám nghiệm tử thi và lập hồ sơ điều tra vụ việc.
Chủ nhà trọ và những người xung quanh cho biết căn phòng 404 do một thanh niên thuê để ở. Tuy nhiên, ngày 22/5, người này báo chủ nhà là đi Vũng Tàu chơi.
Đến chiều 24/5, công an quận Gò Vấp cho biết đã phát hiện phần tay chân, còn phần đầu của nam thanh niên vẫn chưa được tìm thấy. Cơ quan này cũng cho biết đã bắt được 2 nghi can liên quan đến vụ việc và đang di lý về TP.HCM để điều tra làm rõ.
21:12 PM, 24-05-2014

HD-981: Nhật Bản ủng hộ Việt Nam, Trung Quốc tức tối

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương HD-981 trong thềm lục địa Việt Nam (DR)
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương HD-981 trong thềm lục địa Việt Nam (DR)

Trọng Nghĩa
Một hôm sau khi Thủ tướng Nhật Bản tỏ ý quan ngại về những căng thẳng trong khu vực mà theo ông, bắt nguồn từ quyết định « đơn phương khoan dầu » của Trung Quốc, Bắc Kinh vào hôm qua 23/05/2014 đã lên tiếng chỉ trích Tokyo một cách gay gắt. Theo báo chí Nhật Bản, Tokyo không chỉ ủng hộ Hà Nội bằng lời nói, mà đang thúc đẩy kế hoạch cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.

Trong buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cảnh cáo Nhật Bản là không nên xen vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tại vùng Biển Đông, để gọi là « bảo vệ hòa bình và ổn định trong vùng ».
Đối với Bắc Kinh, các tuyên bố của Tokyo phản đối hành vi của Trung Quốc cắm giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là không phù hợp với thực tế và lẫn lộn giữa các sự kiện, « xuất phát từ động cơ chính trị là muốn can thiệp vào tình hình Biển Đông với một mục đích bí mật ».
Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt kể trên sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, 24 tiếng đồng hồ trước đó, đã tuyên bố « quan ngại về tình hình căng thẳng trong khu vực do hoạt động khoan dầu đơn phương của Trung Quốc ». Lãnh đạo chính phủ Nhật Bản đã nhận định như trên nhân cuộc tiếp xúc với Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tại Tokyo.
Tuyên bố của ông Abe đã củng cố thêm phát biểu ​​của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, ngay từ đầu tháng Năm này, đã tỏ ý quan ngại về hành vi đơn phương của Trung Quốc, đã làm cho tình hình khu vực căng thẳng hẳn lên.
Ngoài việc chỉ trích hành động gây căng thẳng của Trung Quốc, Nhật Bản cũng có dấu hiệu thúc đẩy mạnh mẽ hơn kế hoạch giúp đỡ Việt Nam tăng cường năng lực chấp pháp trên biển.
Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong cuộc họp hôm 22/05, Nhật Bản và Việt Nam cũng đã đồng ý tăng cường hợp tác song phương trong việc đảm bảo an ninh hàng hải. Một số nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết là Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida dự trù sẽ ghé thăm Việt Nam vào khoảng cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy để thúc đẩy hợp tác trong việc bảo đảm an ninh hàng hải trong vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Theo nguồn tin trên, tại Hà Nội, ông Kishida và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh có rất nhiều khả năng là sẽ đồng ý tăng tốc độ tham vấn lẫn nhau về việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam. Mục tiêu là để đối phó tốt hơn với các hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc trong vùng Biển Đông.

Hãy giật mình



Tình hình đất nước đang cực kỳ nghiêm trọng. Tổ quốc lâm nguy. Kẻ xâm lược lù lù trước ngõ. Cả nước bừng dậy khí thế yêu nước, quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quê hương. Đây cũng là dịp may hiếm có để lãnh đạo và toàn dân chung sức chung lòng, đồng tâm nhất trí trong một đối sách hành động chuẩn xác, trên lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại.

Mọi người Việt Nam trước tình hình hiện tại cần giật mình tỉnh ngộ.

Trước hết lãnh đạo đảng CS và toàn thể đảng viên CS, đoàn viên CS phải giật mình trước hết, để nhận ra rằng hơn 24 năm nay, đảng CS đã có quyết sách sai lầm tự chui vào cái bẫy Thành Đô năm 1990 cực kỳ thâm độc. Hãy giật mình nhận rõ bản chất nham hiểm độc ác của bành trướng Đại Hán là không có giới hạn, vừa tham lam trịch thượng, vừa lừa lọc tiểu nhân. Mỗi ủy viên Bộ Chính trị, mỗi ủy viên Trung ương đảng CS, mỗi đại biểu Quốc hội mà 90% là đảng viên CS, mỗi đảng viên CS, mỗi đoàn viên CS cần có lương tâm và tự trọng công khai xin lỗi toàn dân về quyết sách chiến lược sai lầm ở Thành Đô 24 năm về trước, dẫn đến nguy cơ nghiêm trọng hiện nay và quyết sửa chữa sai lầm đó tận gốc trong thời gian sớm nhất.

Quyết sách mới dứt khoát phải là quyết sách thoát Trung, từ bỏ dứt khoát bánh vẽ 4 Tốt, 16 Chữ Vàng, giữ mối quan hệ hòa bình, láng giềng bình đẳng với Trung Quốc, kết mối quan hệ bạn bè thân thiết và đi đến liên minh toàn diện với Philippines, Malaysia, Indonesia … trong ASEAN, với Ấn Độ, Nhật Bản ở châu Á, với Liên Âu, Úc , và đặc biệt là với Hoa Kỳ, nước đang đương đầu với sự trỗi dậy mang tính chất bá quyền của TQ.

Cần nhận rõ Trung Quốc không có gì đáng sợ. Xưa kia đã vậy, ngày nay càng như vậy. Nước Trung Hoa đại Hán tộc từng bị Nguyên Mông cai trị gần trăm năm, gần đây còn bị nhà Mãn Thanh nhỏ bé thống trị. Không có nước nào trong thế kỷ XX lại để cho “người cầm lái vỹ đại” giết hại đến hơn 60 triệu người dân nước mình trong “bước đại nhảy vọt” và “cuộc cách mạng văn hóa vô sản“, vậy mà kẻ giết người hàng loạt, kẻ cầm đầu tội diệt chủng ấy vẫn còn được coi là lãnh tụ vĩ đại.

Hơn một tỷ dân Trung Quốc vẫn còn mê muội thê thảm giữa thế giới văn minh. Ngày nay Trung Quốc đang mất ổn định lớn, mâu thuẫn các dân tộc dai dẳng, nội bộ hục hặc, bị cả thế giới dân chủ kiềm chế, không dễ gì bắt nạt được các nước xung quanh. Trung Quốc từng gây sự với Liên Xô, với Ấn Độ, khiêu khích Nhật Bản, đe dọa Philippines, luôn ở trong tình trạng bị ngăn chặn và cô lập, hầu như không có bạn thân nào, ngoài nước Cuba đói nghèo ở xa và Bắc Triều tiên ở gần lại là ông bạn gây phiền toái nhất.

Ngoài đảng CS cần phải biết giật mình tỉnh ngộ, cả tầng lớp trí thức dân tộc trong thời gian qua, nhất là trong hơn 24 năm qua, cũng cần giật mình nhận lỗi với toàn dân là đã lơ đễnh, vô trách nhiệm để cho lãnh đạo đảng CS xỏ mũi dẫn dắt cả dân tộc vào ngõ cụt mà không biết tập họp nhau lại để can ngăn, phản đối. Trí thức là kẻ sỹ có hiểu biết sâu rộng, biết chân lý và lẽ phải, có trí tuệ và tâm huyết, phải là đuốc tuệ, là đèn pha soi đường cho dân tộc. Trí thức đã buông trôi tình thế.

Để sửa chữa sai lầm của phần mình, tầng lớp trí thức, kẻ sỹ dân tộc lúc này cần khẩn cấp tụ họp, bàn luận, lên tiếng, chỉ ra con đường sáng duy nhất đúng đắn hợp thời là thực hiện đầy đủ Dân chủ và Pháp quyền ở trong nước, thực hiện liên minh chặt chẽ với mọi nước dân chủ thật sự ở bên ngoài. Đây là cuộc bẻ lái hoành tráng, dũng cảm, khẩn thiết lúc này. Phải rất quả đoán khai thông con đường sáng sủa này.

Đảng CS đã tỏ ra vô trách nhiệm, tại Hội nghị Trung ương 9 lại đi bàn về văn hoá, về các văn kiện và bầu nhân sự cho Đại hội XII sẽ diễn ra 2 năm nữa, không bàn gì đến tình hình nước sôi lửa bỏng ở biển Đông. Rõ ràng họ chỉ như đám kỳ mục xôi thịt ở đình làng thuở xưa, những hương lý cường hào hủ lậu, chỉ lo chức tước, đánh chén, giành phần thủ lợn hay chân giò, y như nhà văn Nguyễn Công Hoan từng mô tả.

Việc bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc là công việc chung của toàn dân, không phải của riêng một đoàn thể, đảng phái nào. Đặc biệt là giới trẻ hãy đi đầu trong cuộc đấu tranh thực hiện sự chuyển đổi cả hệ thống chính trị cũng như về chính sách đối nội và đối ngoại như trên.

Mọi người Việt Nam chúng ta cần nhận ra sai lầm vô trách nhiệm của mỗi người để chung sức tìm ra lối thoát cấp bách, chuẩn xác cho đất nước, cho nhân dân.

Bùi Tín
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ

Tư lệnh Mỹ cảnh báo về nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông

Đô đốc Samuel Locklear kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam tự chế, và dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Đô đốc Samuel Locklear kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam tự chế, và dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp.
24.05.2014
Người đứng đầu các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông đang ở mức cao và kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam tự chế.

Đô đốc Samuel Locklear phát biểu như vậy bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á ở Manila hôm thứ sáu, giữa lúc Hà Nội và Bắc Kinh tiếp tục đối đầu nhau một cách kịch liệt quanh giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt ở vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình. 

Viên tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương cũng hối thúc đôi bên dựa vào luật pháp quốc tế hoặc một diễn đàn quốc tế để giải quyết tranh chấp. Đô đốc Locklear cho rằng vụ tranh chấp này đòi hỏi thỏa hiệp và đối thoại, và các nước không nên có thái độ “kẻ thắng giành hết mọi thứ.” Ông cũng thúc giục Trung Quốc và ASEAN nhanh chóng đạt được một bộ Qui tắc Ứng xử Biển Đông (COC) để ngăn không cho tranh chấp leo thang, phương hại tới hòa bình và ổn định của khu vực.

Cũng tại cuộc thảo luận an ninh ở Manila hôm thứ sáu, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines, bà Laura del Rosario, cho biết tuyên bố dự thảo COC đã bị trì hoãn đến mức không theo kịp các diễn tiến ở Biển Đông. Bà nói “Chúng ta không hành động đủ nhanh và có quá nhiều thách thức đang xảy ra vào lúc này.”

Khi được hỏi phải chăng Washington có kế hoạch thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, Đô đốc Locklear nói rằng Hoa Kỳ đang ra sức tăng cường quan hệ đối tác với các nước trong khu vực, kể cả Việt Nam. 

Trung Quốc tuyên bố đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, ngay cả đối với những vùng biển nằm sát bờ biển của các nước láng giềng. Đòi hỏi của Trung Quốc chồng lấn với những yêu sách chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Đài Loan.

Nguồn: AP, AFP, Reuters
 

Khủng hoảng Việt-Trung: Cơ hội chuyển đổi


Giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc CNOOC.
Giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc CNOOC.

Vũ Đức Khanh, Võ Tấn Huân
22.05.2014
Sự kiện Trung Quốc lập giàn khoan dầu nước sâu HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam đã làm căng thẳng quan hệ hai nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam bày tỏ thái độ quyết liệt hơn trước sự hung hăng của Trung Quốc và đề ra các giải pháp cải cách cụ thể nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia. 
 
Ngày 2 tháng Năm vừa qua, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu thuyền và máy bay yểm trợ để đặt giàn khoan HD-981 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sở hữu vào bên trong lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có thể đây là chiến lược mà Trung Quốc tiến hành nhằm trắc nghiệm phản ứng của Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ. 
 
Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc “khiêu khích” một cách rất ngoại giao. Trong khi đó, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra tuyên bố chung rằng họ “quan ngại nghiêm trọng trước các diễn biến phức tạp tại khu vực Biển Đông” nhưng không đề cập đích danh đến Trung Quốc.
 Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy các thủy thủ Việt Nam đứng gần mạn tàu bị rách sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào, ngày 7/5/2014.
Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy các thủy thủ Việt Nam đứng gần mạn tàu bị rách sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào, ngày 7/5/2014.

So với cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine thì vấn đề Biển Đông vẫn chưa phải là sự kiện cấp bách để gây sự chú ý hoặc can thiệp của phương Tây. Cho đến thời điểm này, bất chấp phản ứng từ các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh (trong một thông cáo riêng), Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi xâm phạm lãnh hải của Việt Nam. Thậm chí, Bắc Kinh còn quay sang chỉ trích Hà Nội cố tình khuấy động bạo lực.
 
Việc va chạm giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam vừa qua cũng như việc Trung Quốc đưa tàu vào hải cảng Việt Nam để di tản kiều dân của họ cho thấy tình hình ngày càng trở nên căng thẳng và nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi Trung Quốc gửi hơn cả tàu chiến và không quân để ngang ngược áp đặt chủ quyền của họ tại khu vực này.
 
Mặc dù giàn khoan chỉ được đặt tạm thời cho đến tháng Tám và dùng để đo lường phản ứng của Hà Nội nhưng tổng thể vụ việc có thể dẫn đến xung đột vũ trang và đe dọa hòa bình trong cả khu vực.
 
Trung Quốc toan tính rằng với “tình đồng chí” giữa hai nước, Việt Nam chỉ lên tiếng chỉ trích chứ không đi xa vào việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, các diễn biến ngoài biển có thể khó lường và bất kỳ một hành động thiếu tính toán nào cũng có thể bùng nổ thành cuộc hải chiến đẫm máu tương tự như những năm 1974 và 1988.
 
Cơ hội để thay đổi 
 
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc chia sẻ chung một ý thức hệ nhưng căng thẳng giữa hai nước đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Các vụ cắt cáp tàu bè và bắt giữ ngư dân Việt Nam do phía Trung Quốc thực hiện đã nhiều lần minh chứng cho sự lấn áp từ phía Bắc Kinh.
 
Tuy có những ý kiến cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện bị chia rẽ trầm trọng giữa nhóm bảo thủ thân Trung Quốc và những thành phần ủng hộ cải cách hệ thống nhích lại gần với phương Tây, nhưng trước sự thách thức to lớn liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ thì đây là cơ hội để Việt Nam chứng minh rằng mình là nước đáng tin cậy trong cách xử lý cuộc khủng hoảng thay vì cục bộ tranh giành sự ảnh hưởng giữa các phe nhóm khác nhau. Thay vì tiếp tục lo sợ gây mất lòng tin hay thiệt hại giữa mối quan hệ Việt–Trung, lãnh đạo Việt Nam cần nghĩ về danh dự của cả dân tộc và hành xử quyết liệt vì rõ ràng đây là hành vi xâm lược trắng trợn.
 
Các lãnh đạo Việt Nam – mà thực chất là Đảng Cộng sản Việt Nam – cần học bài học trong quá khứ và dứt khoát đứng về phía nhân dân, cùng với nhân dân bảo vệ chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ thay vì tiếp tục giao hảo cho quyền lợi riêng giữa hai đảng cộng sản.
 
Chính danh và chủ quyền
Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc.
***Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc.

Hàng ngàn người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước đã lần lượt xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lược và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi biển Việt Nam. Chính quyền đã cố gắng bày tỏ thái độ rằng họ không bị lệ thuộc vào Trung Quốc và khuyến khích nhân dân biểu tình ôn hòa, một phần nhằm xoa dịu sự bất mãn và lòng tin của nhân dân đối với sự độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.  
 
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đang được người dân đặt ra rằng liệu chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo có đủ tính chính danh để đại diện cho nhân dân chống giặc ngoại xâm và giành lại chủ quyền?
 
Trong những ngày tới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tự tìm thấy họ trong thế tiến thoái lưỡng nan trước vấn đề Biển Đông. Mặc dù biết rằng cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích hành động ngang ngược của Trung Quốc nhưng vẫn chưa có nước nào lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Cho đến thời điểm này, Việt Nam rất cô độc trong việc đối đầu với Trung Quốc.
 
Khác với Philippines và một số nước khác trong khu vực, Việt Nam có thể là một thành viên của Liên Hiệp Quốc nhưng vẫn thiếu các đồng minh đáng tin cậy. Chính sách đối ngoại cục bộ hiện nay do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã buộc cả dân tộc phải đối mặt với những thách thức một cách đơn độc.
 
Đây là lúc để Việt Nam tiến hành cải cách để có khả năng bảo vệ chủ quyền hữu hiệu hơn. Việc giao hảo giữa hai đảng cộng sản chỉ tạo thêm lợi thế để Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam. Nhân dân Việt Nam xứng đáng có một chính quyền có trách nhiệm do người dân chính thức ủy quyền thông qua bầu cử công bằng để đáp ứng hiệu quả trước các sự kiện như thế này.
 
Ngoài việc chính quyền đứng về phía nhân dân để phản ứng quyết liệt trước hành vi xâm lược của Trung Quốc, Việt Nam nên chính thức đệ đơn kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế theo Chương XV của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa và trong phạm vi của luật pháp quốc tế sẽ phần nào giúp hóa giải những gút mắc cho tất cả các bên có liên quan. Trong trường hợp Việt Nam không thành công trong việc sử dụng các phương pháp ngoại giao và pháp lý để yêu cầu Trung Quốc loại bỏ giàn khoan thì câu hỏi đặt ra rằng liệu có nên sử dụng vũ lực?
 
Trung Quốc đã, sẽ và luôn là mối thách thức lớn đối với nền hòa bình của Việt Nam. Việt Nam không thể đứng nhìn và cũng không thể ngồi chờ Trung Quốc tự rút giàn khoan. Đã đến lúc lãnh đạo cộng sản Việt Nam nắm bắt cơ hội để thay đổi và thực sự cùng với nhân dân bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
 
Khởi động sức mạnh toàn dân và tình đoàn kết trên dưới một lòng của người Việt trong lẫn ngoài nước là nền tảng vững chắc cho mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Và việc này chỉ có thể thực hiện nếu Việt Nam có một chính quyền chính danh đúng nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân thực sự được đề cao và hiến định.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.