Friday, November 10, 2017

Bài học APEC: Phải tự cứu lấy mình trước!

Bùi Tín 
Theo VOA-10/11/2017 
Dọn dẹp phố cổ Hội An sau bão Damrey, 8 tháng 11. Dọn dẹp phố cổ Hội An sau bão Damrey, 8 tháng 11.
Tuần lễ APEC đang được tiến hành ở Đà Nẵng – Hội An.
Lãnh đạo đảng, Nhà nước, báo chí và ban Tuyên giáo đảng ở trong nước tỏ ra vui mừng, lạc quan về cuộc họp quốc tế hiếm có này.
Nào là cuộc họp này nâng cao vị trí, uy tín quốc tế của nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam đang hội nhập sâu sắc với khu vực và thế giới, mở rộng cửa giao lưu với bạn bè khắp nơi, mở ra cơ hội mới cho tự do, phát triển, Việt Nam sẽ tăng cường đáng kể các mối quan hệ nhiều mặt và sẽ nhận được những làn sóng viện trợ và đầu tư lớn hơn trước của thế giới.
Xin chớ vội hý hửng rồi vỡ mộng.
Quả thật ít khi Việt Nam có đông khách quốc tế như lần này, lại là những nguyên thủ lớn nhất. Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga V. Putin, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, Thủ tướng Canada J. Trudeau, bà Aung Sau Syu Ky lãnh đạo Myanmar, Thủ tướng Úc M.Turbill, Tổng thống Chilê M. Bachelet, Thủ tướng Malaysia N.Razak, Tổng thống Mehicô P.Nido, nữ Thủ tướng New Zealand J. Ardern (37 tuổi, là nhà lãnh đạo trẻ nhất cuộc họp này; trong khi ông D. Trump là người cao tuổi nhất – 72 tuổi, chưa kể ông Trọng chưa đến cuộc họp còn cao tuổi hơn: 73 tuổi).
Dự họp còn có vài trăm nhà kinh doanh nổi tiếng của thế giới và Việt Nam, trong đó có một số bản tham luận về nhiều đề tài liên quan đến kinh doanh và phát triển.
Đã có những báo hiệu chẳng lành. Ngày 7/11 - ngày kỷ niệm tròn 1 thế kỷ của cách mạng tháng Mười Nga – Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump, công bố ngày này là ngày «Tưởng niệm Nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới», ngay vào lúc tổng thống Hoa Kỳ đến gần nước cộng sản Bắc Triều Tiên và đặt chân lên đất Trung Quốc và Việt Nam, 2 quốc gia cộng sản. Một sự ngẫu nhiên không vui vẻ với nước đang mở hội đón APEC 2017.
Báo Hoa Kỳ, Pháp, Đức… nhân ngày này cũng đăng ảnh V/I. Lenin, với chú thích gọn «Đây là kẻ sáng lập ra chủ thuyết toàn trị». Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước được cả thế giới nhận diện là đang một mực theo chế độ độc đảng toàn trị, 2 chính quyền cộng sản độc đoán lẻ loi còn sống sót trơ trọi sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan biến do bản chất phản dân chủ, phản nhân dân.
Tôi đã chăm chú nghe các tham luận của các nhà lãnh đạo kinh tế và doanh nhân Việt Nam tại cuộc họp thượng đỉnh doanh nghiệp mấy ngày qua ở Hội trường lớn Đà Nẵng APEC, do truyền hình VTC1 truyền đi, quả là mất thì giờ!
Nào là phải vực nông nghiêp dậy, coi là một trọng điểm của nền kinh tế, xây dựng những đơn vị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn năng xuất cao, tạo ra hàng xuất khẩu có số lượng và chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Nói thì hay vậy. Nhưng với cái xiềng xích «đất đai ruộng đồng là thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước (cộng sản) thay mặt quản lý», biến đảng ủy các cấp thành chủ sở hữu trên thực tế, muốn thu hồi bao nhiêu lúc nào cũng được, với đền bù rẻ mạt, người nông dân vốn là chủ sở hữu bỗng trở thành bần cố nông làm công cho ông địa chủ lớn là đảng toàn trị, thì nông nghiệp làm sao mà khởi sắc nổi! Không một nhà kinh tế hay doanh nghiệp nào dám nói đến cái thảm cảnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân này. Chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân gắn bó với vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã có lần nói lên bế tắc do quan hệ sản xuất quái đản trên đây đã kìm hãm sức sản xuất nông nghiệp ra sao.
Đã có một số tham luận nêu lên vai trò của các nhà kinh doanh trẻ, có sức nghĩ, sức làm, sức trẻ sẽ làm cho nền kinh tế tư nhân khởi sắc mạnh mẽ như Bill Gates, như Jack Ma. Nhưng có ai nói đến cái xiềng xích trói chặt tay các doanh nghiệp tư nhân khi đảng một mực giữ phương châm lấy «sở hữu quốc doanh làm chủ đạo», nêu bật sự không bình đẳng trong kinh doanh, coi quốc doanh là con đẻ, tư nhân là con ghẻ, ưu tiên mọi thứ cho quốc doanh, từ các dự án to lớn, béo bở, đến ưu tiên tuyệt đối về cấp vốn không hạn chế từ ngân hàng Nhà nước với tiền lãi thấp nhất, với cả sự dễ dãi về xét duyệt dự án, sự ưu đãi ghi trong luật cho các Tập đoàn quốc doanh cá mập. Chính do đó mà các nhà kinh doanh tư nhân thân cô thế cô bị bóp chết, phá sản hàng lọat, kể cả các nhà kinh doanh có ý chí, kinh nghiệm, tiền vốn khá, trong khi các tập đòan quốc doanh chỉ phá của, lỗ lã hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng do tham nhũng tràn lan, ở mọi cấp, gắn liền với các phe cánh quan chức cao nhất. Số ít nhà kinh doanh tư nhân thành đạt phần lớn là sân sau của các phe nhóm quyền cao chức trọng, cũng được coi như các doanh nhân quốc doanh trá hình được ưu đãi, được chia ít lợi lộc không sạch sẽ.
Nhiều đại biểu nói đến một nền kinh tế Việt Nam dựa vào trí thức, trí tuệ, sản xuất các sản phẩm kỹ thuật tinh vi, mũi nhọn, nền sản xuất theo kỹ thuật số, mua bán qua hệ thống internet nhanh nhậy, đón đầu nhảy vọt vào giữa thế kỷ XXI, đuổi kịp các nền kinh tế tiền tiến nhất… nhưng đây chỉ là giấc mơ hão huyền.
Vì điều kiện trước hết cho mơ ước đó là cuộc cải cách giáo dục sâu rộng từ mẫu giáo đến đại học và sau đại học, sớm dạy toán, lý, hóa, kỹ thuật số cao cấp từ bậc trung học, dạy kỹ năng tự tìm tòi, thực nghiệm và sáng tạo. Muốn vậy phải đơn giản hóa một số bộ môn phụ, bỏ hẳn các môn Mác Lênin, lịch sử đảng trong chương trình và trong các kỳ thi rất có hại, phí thời gian, chỉ nuôi dưỡng tư duy cứng nhắc, giáo điều, triệt tiêu óc sáng tạo, năng động khởi nghiệp.
Nói tóm lại muốn phát triển kinh tế, mời gọi hợp tác đầu tư quy mô lớn, không có con đường nào khác là đổi mới chế độ cai trị, thực hiện mô hình dân chủ - pháp quyền, xây dựng nếp sống bình đẳng, trả lại cho nông dân và mọi người lao động quyền sở hữu cá nhân về đất đai, tải sản do họ vốn có và sáng tạo ra, cải cách tận gốc nền giáo dục quá lạc hậu, giáo điều, nhồi sọ…, xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, cởi mở, kết bạn thân với các quốc gia dân chủ trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.
Tuy các nguyên thủ chưa phát biểu, có thể dự đoán qua và sau cuộc họp, Trung Quốc vẫn được lãnh đạo Việt Nam tôn sùng; về kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ khống chế, vẫn xuất siêu cực lớn, rất có hại cho Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ hạn chế gắt gao thậm chí đánh thuế cao hơn hàng nhập từ Việt Nam như hàng may mặc, giày dép, nông phẩm, hạn chế xuất siêu từ Việt Nam, làm cho khó khăn về kinh tế tài chính tăng thêm gấp bội.
Có thể dự đoán, cuộc họp APEC sẽ qua, nước đăng cai sẽ chi phí tiếp khách, quà cáp, tặng rất phẩm lớn, hàng nghìn tỷ đồng nhưng thu về không đáng kể. Chỉ được một số lời khen xã giao, lời tự khoe mẽ bẽ bàng vì không thực chất. Chỉ thiệt cho người dân đang bị lũ lụt gây khốn khổ thêm, thiệt cho đất nước kinh tế đang khó khăn, tài chính đang kiệt quệ, thu không bù chi, nay lại phải chi rất lớn vào dịp cuối năm trong một không khí đất trời và tâm tư xã hội đều u ám, ảm đạm.
Câu châm ngôn «Hãy tự cứu mình trước, ông trời sẽ giúp sau» – Aide toi, le Ciel aidera. «Trời» đây là các nước quanh ta, là thế giới, lúc này có ý nghĩa rất sâu sắc vậy.

‘Bỏ hộ khẩu’: Thủ tướng Phúc ‘ghi điểm TBT’

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA-09/11/2017 
Sổ hộ khẩu.
Những lời có cánh và “có làm vẫn hơn không”
“Một quyết định hợp lòng dân”, “một quyết định thúc đẩy sự phát triển xã hội” hay tính từ xen động từ “vỡ òa sung sướng!”… là một số trong nhiều lời khen tặng có cánh nhưng có vẻ mang chút thực lòng mà các tờ báo nhà nước dành cho Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam bất ngờ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 về việc xóa bỏ nhiều thủ tục liên quan đến hộ khẩu.
Ngay cả giới bất đồng chính kiến và giới phản biện xã hội - thường chỉ trích lối suy nghĩ và cách làm việc theo kiểu “cờ lờ mờ vờ” của Thủ tướng Phúc - cũng không còn quá khó tính khi đề cập về ông với một lời khen vừa phải.
Một số trong giới bất đồng chính kiến hy vọng giễu cợt rằng từ sau bản nghị quyết 112 sẽ không còn cái cảnh các nhân viên cảnh sát khu vực, dân phòng cùng lực lượng an ninh cấp trên đập cửa rầm rầm nhà người hoạt động nhân quyền vào lúc nửa đêm để “kiểm tra hộ khẩu” - mà thực chất là một hình thức sách nhiễu hoặc khủng bố, hiểu theo cách nào tùy ý. Thay vào đó, công an có dựng đầu người hoạt động nhân quyền dậy cũng chỉ để kiểm tra… mã số định danh cá nhân.
Với một dân tộc Việt đã bị thuộc tính chịu đựng ăn sâu và quá dễ hài lòng chỉ với một vài động tác mị dân của chính quyền độc đảng, chính sách bỏ hộ khẩu quá trễ - dù mới chỉ trên phương diện phát ngôn chứ chưa hẳn hành động - đã có ý nghĩa “có làm vẫn hơn không”.

“Nhân hòa”

Dù mới có được một phần “Địa lợi” và chưa hẳn có “Thiên thời”, Thủ tướng Phúc đã biết “đánh trúng” vào “Nhân hòa”. Trong tình huống này, ông Phúc đã cho thấy ông có triển vọng trở thành một chính trị gia khôn ngoan khi biết tận dụng thời và thế trong một xã hội nháo nhác, bất ổn và dễ động loạn như lúc này.
Một trong những nguyên cớ chưa đến mức gây động loạn nhưng lại khiến 1/20 dân số Việt chán nản và phản cảm nhất đối với đảng và chính quyền là “vòng kim cô” hộ khẩu.
Nhìn từ góc độc chính trị, chế độ hộ khẩu ở Việt Nam rất gần gũi với “người anh em” Trung Quốc. Trong lịch sử phương Bắc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, chế độ “Ngũ gia liên bảo” đã bắt vạ những nhà còn lại trong tổ 5 nhà, nếu có một nhà làm phản triều đình. Chế độ hộ khẩu ở Việt Nam cũng khá tương đồng với cơ chế “Propiska” về quản lý nhân khẩu của Liên Xô trước đây. Nhìn chung, đây là một thói quen và cũng là một não trạng rất khó bỏ của các chính quyền quen độc trị. Riêng ở Việt Nam, chế độ hộ khẩu đã tồn tại đến nửa thế kỷ qua.
Những tờ báo nhà nước đã nhân dịp Nghị quyết 122 để “tố khổ” về cái dĩ vãng xã hội của chế độ hộ khẩu chẳng mấy đáng vinh danh kia: người có hộ khẩu chính thức ở các thành phố lớn nhiều khi đã thấy phiền toái nhưng phải là dân ngoại tỉnh, ngụ cư ở các thành phố lớn mới thấu hiểu nỗi khổ của người không có hộ khẩu thường trú. Đã có thời, muốn mua nhà Hà Nội, muốn đăng ký xe máy biển số Hà Nội, muốn xin việc ở Hà Nội hay Sài Gòn… thì phải có hộ khẩu ở thành phố đó. Những tưởng quản lý hành chính bằng hộ khẩu sẽ hiệu quả nhưng không, thực tế nó mang lại quá nhiều phiền toái, tiêu cực, là mảnh đất màu mỡ cho các cán bộ, công chức phụ trách các lĩnh vực, công việc liên quan kiếm tiền, “hành” dân. Nhiều người dân đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để có được sổ hộ khẩu. Và suy đến cùng thì phần ấm ức, thiệt thòi vẫn thuộc về người dân. Đã có vô số những câu chuyện dở khóc, dở cười liên quan sổ hộ khẩu. Ai cũng thấy, sổ hộ khẩu thực sự là lực cản vô cùng lớn trong thực hiện các thủ tục hành chính, trong quyền tiếp cận các loại dịch vụ công của người dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng… nhưng không thể thay đổi.
Một nguyên do để bỏ chế độ hộ khẩu mà báo đảng không quên nhấn mạnh: việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 là phù hợp với các quy định hiện hành, các quyền hiến định của công dân (quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do tìm việc làm…), cũng như thông lệ quốc tế…
“Thông lệ quốc tế” nào?

WB đã khuyến nghị từ 4 năm trước!

Từ năm 2013 khi Việt Nam ôm ấp động cơ “chuẩn bị tích cực tham gia vào Hiệp định TPP” và sau chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước khi đó là Trương Tấn Sang, vấn đề bỏ hộ khẩu đã được Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp với những cơ quan nghiên cứu của Việt Nam tổ chức khảo sát tại một số địa phương.
Về mặt xã hội, báo cáo của WB cho biết có khoảng 5,6 triệu người dân không có hộ khẩu mà do đó đã phải chịu tình cảnh bất tương xứng trong việc tiếp cận các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, đăng ký xe… Đây cũng là những vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã thừa nhận từ lâu nay, tuy chưa chịu tiến hành các biện pháp để cải thiện.
Vào đầu năm 2014, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Geneve đã xuất hiện khuyến nghị bỏ cơ chế hộ khẩu đối với Việt Nam. Khi đó, chính thể Hà Nội không trả lời.
Nhưng đến năm 2017, bối cảnh cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam đang khiến chế độ này “bơi” và có nguy “chìm” nếu không vay mượn được tín dụng quốc tế. Cũng bởi thế, đây là cơ hội để những khuyến nghị về nhân quyền của các tổ chức quốc tế có điều kiện “đưa ánh sáng nghị quyết vào thực tiễn” hơn hẳn.
Nhưng cũng còn một nguồn cơn khác không kém sống còn.
Với Nghị quyết 122, Thủ tướng Phúc đã vượt qua những đối thủ của ông để ghi một điểm quan trọng: “Điểm TBT”.
“Điểm TBT” là gì?

Tổng bí thư!

Từ khoảng nửa năm trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, Nguyễn Xuân Phúc từ vai trò cấp phó mà trong thực tế chỉ là một cái bóng của Nguyễn Tấn Dũng, đã manh nha lọt vào “mắt xanh” của “cặp đôi hoàn hảo” Nguyễn Phú Trọng - Trương Tấn Sang. Tại đại hội 12 vào đầu năm 2016, ông Phúc đã chính thức trở thành thủ tướng và mang lại vòng nguyệt quế “vua” cho quê hương Quảng Nam của ông. Nhiều người đã thừa nhận rằng đó là một kết quả khá bất ngờ.
Nhưng “sao chiếu mệnh” với Nguyễn Xuân Phúc vẫn có vẻ muốn lóe sáng hơn nữa. Từ cuối năm 2016 đến nay, cùng với hai trường hợp “bỗng dưng bị bệnh” là Thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc bất chợt lại một lần nữa nổi bật vai trò ứng cử viên cho chức vụ tổng bí thư, nếu một mai Nguyễn Phú Trọng - hoặc vì lý do tuổi cao sức yếu, hoặc quá mệt mỏi trong công cuộc “chống tham nhũng” chẳng đi tới đâu, hoặc phải chịu một sức ép đủ sức công phá từ phía các đối thủ chính trị mà vào lúc này đã có dấu hiệu họ biết cách liên minh với nhau, dù chỉ là mối liên minh tạm thời - buộc phải “nghỉ”.
Cần nhắc lại, cả Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang - theo thứ tự người trước kẻ sau - đều là những ứng cử viên hạng nặng cho chức vụ tổng bí thư, sau một “thái tử đảng” trong quá khứ là Phạm Quang Nghị nhưng đã bị “biệt tích” tại đại hội 12.
Cho tới nay, cuộc chạy đua vừa ngấm ngầm vừa công nhiên vào ghế tổng bí thư ngày càng rộn rã và quyết liệt. Ngoài Trần Đại Quang có dấu hiệu “đang khỏe lại”, đã xuất hiện thêm một người được dư luận cho là ứng cử viên tiếp theo: Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương và kiêm một chức vụ chưa từng được liệt kê trong điều lệ đảng: “Thành viên thường trực ban bí thư”.
Nhưng sẽ có cơ hội hơn hẳn cho Nguyễn Xuân Phúc để trở thành tổng bí thư tại đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018 hoặc tại đại hội lần thứ 13 của đảng cầm quyền vào năm 2021, nếu còn có đại hội 13 này. Đó là trội hơn hẳn các đối thủ chính trị khác, Nguyễn Xuân Phúc đang trở thành nhân vật không chỉ có thâm niên làm phó thủ tướng và am hiểu nghề “tay hòm chìa khóa” của chính quyền và cả cho đảng, mà còn là thành viên hiếm hoi trong Bộ Chính trị biết cách và có một khả năng - dù chỉ ở mức khiêm tốn - kiếm tiền từ trong nước và quốc tế để nuôi bộ máy chính quyền và đương nhiên cả bộ máy của đảng.
Với lợi thế đó, dù đảng hay Tổng bí thư Trọng muốn hay không, Nguyễn Xuân Phúc vẫn đang trở thành ứng cử viên thực tế nhất cho ghế tổng bí thư.
Tuy khởi động “chính phủ kiến tạo và hành động” khá muộn màng, nhưng từ giữa năm 2017 đến nay, Thủ tướng Phúc đã vừa thao tác vừa “gợi ý” được hai việc quan trọng: sau chỉ đạo của ông Phúc, Bộ Công thương đã lần đầu tiên tự cắt bỏ hơn 600 giấy phép con, tương đương khoảng hơn 50% số thủ tục trong thẩm quyền của bộ này, cho dù vẫn còn một số giấy phép con được cắt giảm theo cách “gom nhiều gạch đầu dòng nhỏ thành một gạch đầu dòng lớn nhưng không mất đi nội dung nào của các gạch đầu dòng nhỏ”; và động tác thứ hai là “bỏ hộ khẩu”.
Nhưng khi nào mới bỏ?

Còn lâu!

Một số tờ báo nhà nước đã hoan hỉ quá sớm khi thốt lên “Vĩnh biệt hộ khẩu!”.
Chỉ vài ngày sau Nghị quyết 112 của Chính phủ về “bỏ hộ khẩu”, nỗi vui mừng quá sớm đã bị xẹp bớt. Thông tin từ giới chức công an - cơ quan luôn xem hộ khẩu là một công cụ hành chính không chỉ quản lý xã hội mà còn quản lý chính trị của chế độ Việt Nam và trong thực tế quyết định chuyện có muốn bỏ hộ khẩu hay không, cho biết trong hiện tại, chính quyền Việt Nam mới “thí điểm cấp mã số định danh cá nhân” ở 4 tỉnh, thành phố. Dự kiến đến năm 2019, Bộ Công An mới hoàn tất thông tin của hơn 90 triệu cư dân.
Một đại diện Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu tại thời điểm hiện tại là “chưa thể được”. Lý do vì “Chúng ta chỉ có thể bỏ sau khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Cũng theo vị đại diện trên, việc bỏ sổ hộ khẩu cần phải có “lộ trình”, và ít nhất cũng phải đến năm 2020, chứ không phải năm 2019, “may ra mới thực hiện được”.
Tại sao chuyện bỏ hộ khẩu lại có độ trễ kinh hoàng đến 3 năm, tính từ năm 2017 “ra nghị quyết”?
Những giải thích như thể “nói lại cho rõ” của giới chức công an đã làm lộ ra một khoảng trống mênh mông: “bỏ hộ khẩu”, cho dù đã được thể hiện bằng một nghị quyết chính thức, mới chỉ là “ý tưởng” của Chính phủ và mang tính hứa hẹn nhiều hơn là làm thật. Một cơ chế mã số định danh cá nhân chỉ được chính thức thay thế cho hộ khẩu khi Bộ Công an hoàn tất cơ sở dữ liệu cho 90 triệu người Việt. Nếu giới chức công an đã mông lung về “năm 2020” thì cũng có thể hiểu là “hạn chót” sẽ rất có thể kéo dài qua năm 2020 một vài năm, thậm chí là nhiều năm, để từ đây đến đó hộ khẩu vẫn là hộ khẩu và vẫn có đến 6 - 7 triệu người dân bị đối xử bất công.
Cứ xem cái cách Bộ Công an “ngâm tôm” Luật Biểu tình từ năm 2011 đến nay, mà thậm chí cho đến giờ vẫn chẳng thấy tăm hơi nào về dự luật khốn khổ quyền dân này, thì đủ biết “thành tâm” của ngành công an là như thế nào trong cơ chế “hành dân là chính”.
Dấu hỏi còn lại là tại sao Thủ tướng Phúc không chờ đến khi Bộ Công an hoàn tất cơ sở dữ liệu rồi mới chính thức thông báo chính sách bỏ hộ khẩu?
Câu trả lời có lẽ tùy thuộc vào cá nhân ông Phúc và… ghế tổng bí thư.
Hứa hẹn, dù có quá sớm, vẫn luôn ngọt ngào cho 90 triệu người Việt đã quá quen với vô số hứa hẹn không mang tính “định danh” của “đảng và nhà nước ta” từ bao nhiêu năm qua.

Thiếu não và không tim

Theo VOA-09/11/2017 
Trân Văn 
Nhà cửa ngập dưới nước trong bão Damrey, khu vực gần Hội An.
Nhà cửa ngập dưới nước trong bão Damrey, khu vực gần Hội An. Nhà cửa ngập dưới nước trong bão Damrey, khu vực gần Hội An.
Tính đến cuối ngày 6 tháng 11 đã có 61 người thiệt mạng, 28 người mất tích sau khi bão Damrey – trận bão thứ 12 trong năm nay - đổ vào miền Trung Việt Nam. Ngoài tổn thất nhân mạng, tổng thiệt hại tài sản do cuồng phong, mưa lớn, lũ, lụt có lẽ sẽ không dưới 10.000 tỉ đồng.
Tuy cường độ của bão Damrey được xem là hiếm có (sức gió giật được ước đoán là cấp 15 - từ 167 km/h đến 183 km/h) nhưng tường thuật của hệ thống truyền thông Việt Nam về trận bão này cho thấy, sở dĩ tổn thất nhân mạng và tổng thiệt hại tài sản trở thành nghiêm trọng chủ yếu là do lũ và lụt. Lũ chắc chắn sẽ không lớn, lụt chắc chắn sẽ không trầm trọng đến như vậy nếu các nhà máy thủy điện không ồ ạt xả nước xuống hạ du.
Dẫu biến đổi khí hậu khiến thời tiết toàn cầu nói chung, thời tiết Việt Nam nói riêng trở thành khác thường, khó đoán định nhưng hậu quả thiên tai ở Việt Nam chắc chắn sẽ không kinh khủng như vài năm gần đây nếu giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam lắc đầu với các dự án thủy điện.
Đáng lưu ý là tại Việt Nam, cho dù rõ ràng thủy điện đã trở thành nhân họa song hành với thiên tai, khiến thảm họa sau thiên tai (bao gồm cả hạn hán, lẫn lũ lụt, sạt lở…) càng ngày càng lớn nhưng hệ thống công quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đeo đuổi các kế hoạch phát triển thủy điện.
Dẫn đầu những địa phương có số viên chức “yêu” thủy điện tới mức tạo cho công chúng cảm giác họ thiếu cả não lẫn tim ấy là Quảng Nam…

***

Bão Damrey đổ vào lãnh thổ Việt Nam sáng 4 tháng 11 thì đến chiều 4 tháng 11, các nhà máy thủy điện: Đắk Min 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 bắt đầu tăng lưu lượng xả. Nước từ các hồ của những công trình thủy điện ở thượng nguồn ào ạt đổ về hạ du, nhấn chìm các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An...
Đến sáng 5 tháng 11, trừ khu vực trung tâm thị trấn, toàn bộ huyện Nông Sơn chìm trong nước. Tỉnh lộ 611 nối huyện Nông Sơn với huyện Quế Sơn có những đoạn chìm dưới ba mét nước. Ở huyện Đại Lộc có 24.000 căn nhà bị nước nhấn chìm, nhiều khu dân cư bị cô lập. Tại huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ… nước lặng lẽ dâng càng lúc càng cao, rất nhiều người kẹt giữa biển nước vì không kịp chạy lụt.
Hai ngày sau khi bão tan, trưa 6 tháng 11, riêng Đại Lộc vẫn còn 16.000 căn nhà chìm trong nước. Tại thành phố Hội An, lực lượng cứu nạn vẫn tất bật với việc vận chuyển dân chúng của một số phường, xã bị ngập sâu đến nơi an toàn, chuyển thực phẩm, nước uống, thuốc men, hỗ trợ cho những gia đình chưa được di tản. Theo tờ Tuổi Trẻ thì đến cuối ngày 6 tháng 11, mực nước ở thành phố Hội An vẫn còn khoảng 3,1 mét…
Truyền thông Việt Nam cho biết, ngay sau bão Damrey, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã gửi công điện yêu cầu tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh hoãn các cuộc họp không liên quan đến phòng - chống mưa lũ để tập trung vào việc khắc phục hậu quả lũ lụt. Ông Thu yêu cầu những nơi đang quản lý các hồ chứa nước dành cho thủy điện, thủy lợi phải trực 24/24, giám sát đập chắn nước, theo dõi lượng mưa, mực nước, báo cáo thường xuyên để thực hiện tốt việc điều tiết – xả lũ đúng qui trình… Không rõ khi ký công điện ấy, ông Thu có nhớ tới tờ trình mà cách nay hơn ba tháng, bộ máy công quyền do ông điều hành từng gửi cho Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, “đề nghị bổ sung thêm bốn công trình thủy điện thuộc loại vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My”?
Hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, tờ trình vừa kể đã làm nhiều người chưng hửng.
Trước đây, cả các chuyên gia lẫn một số viên chức của tỉnh Quảng Nam từng xác định, các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam là những trái bom nước, lơ lửng trên đầu hàng triệu dân Quảng Nam, đẩy họ vào tình trạng lúc nào cũng nơm nớp vì không biết tai họa sẽ giáng xuống đầu mình lúc nào.
Năm 2009, do lượng nước từ thượng nguồn tràn về vừa nhanh, vừa lớn, nhà máy thủy điện A Vương đột ngột xả lũ. Lượng nước khổng lồ từ trên cao tràn xuống biến làng Thác Cạn ở xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc thành bình địa.
Năm 2012, song song với sự kiện đập chắn nước của nhà máy thủy điện sông Tranh 2 bị nứt, các huyện Nam Trà My và Bắc Trà My bắt đầu liên tục có động đất, mỗi năm hàng chục lần, nguyên nhân được xác định là do hồ chứa nước cho thủy điện Sông Tranh làm biến dạng cấu trúc địa tầng. Theo thời gian, cả tần suất lẫn cường độ của các trận động đất càng ngày càng lớn. Năm nay, trong vòng bốn ngày hạ tuần tháng 2, tại Nam Trà My có ba trận động đất. Mới đây, chiều 4 tháng 11, ở Bắc Trà My lại xảy ra động đất (2 độ Richter) giữa lúc bão Damrey đang hoành hành.
Hồi trung tuần tháng 9 năm 2016, một trong các van của hầm dẫn dòng cho nhà máy thủy điện sông Bung 2 bị bục, nước trào ra khiến hai công nhân chết mất xác. Một ngôi làng có tên là Pa Oi, tọa lạc tại xã La e, huyện Nam Giang bị xóa sổ. Thủy điện sông Bung 2 là một trong sáu nhà máy thủy điện với các qui mô khác nhau nằm dọc sông Bung theo kiểu bậc thang, may mắn là chỉ có 28 triệu khối nước tràn xuống vào lúc hồ chứa nước của năm nhà máy thủy điện bên dưới đang cần tích nước nên không xảy ra tình trạng vỡ dây chuyền…

***

Chính quyền Việt Nam từng thú nhận, những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo vì nhiều người không còn đất để sinh nhai. Những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên cũng đã được xác định là nguyên nhân khiến Việt Nam mất thêm 20.000 héc ta rừng. Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ đầu tư cho thủy điện vừa và nhỏ trở thành phong trào là vì chủ đầu tư có quyền khai thác gỗ trên diện rộng.
Chưa kể, chuyện xả nước vô tội vạ của các công trình thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết nhiều người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Tiếng là để tăng thêm nguồn điện nhưng từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên cùng thiếu. Hạn hán thì có xu hướng năm sau nặng nề hơn năm trước.
Hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Việt Nam chính thức yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể “tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái”. Trong công điện về thủy điện được gửi đến nhiều cơ quan hữu trách, ông ta yêu cầu gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên vì có nhiều “tác động bất lợi đến môi trường, xã hội”.
Lúc đó, Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ, chấm dứt thực hiện các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng. Đồng thời phải cùng với Bộ Tài nguyên – Môi trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt - giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa. Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng được yêu cầu tham gia buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế trong năm nay, thu hồi giấy phép nếu không chấp hành.
Những lý do như đã kể từng buộc chính quyền tỉnh Quảng Nam phải dẹp bỏ 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ trong “quy hoạch thủy điện” của tỉnh này. Số dự án thủy điện vừa và nhỏ tại Quảng Nam đã giảm từ 62 xuống 32. Đáng ngạc nhiên là chính quyền tỉnh Quảng Nam đột nhiên xin “bổ sung thêm bốn dự án thủy điện vừa và nhỏ” nữa!
Đâu chỉ có chính quyền tỉnh Quảng Nam! Tại một hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 7, chính quyền tinh Lào Cai ngỏ ý xin “bổ sung 10 dự án vào quy hoạch thủy điện”, chính quyền tỉnh Quảng Trị xin “bổ sung bốn dự án vào quy hoạch thủy điện”. Chính quyền tỉnh Đắk Lắk thì hoan hỉ cho biết đã thành công trong việc vận động Bộ Công Thương trình chính phủ Việt Nam bổ sung vào quy hoạch thủy điện sáu dự án nữa!

Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn (*)

Theo VOA-10/11/2017 
Thiên Hạ Luận
Trân Văn
Một công an lạy tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích hôm 22 tháng Tư, 2017.
Một công an lạy tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích hôm 22 tháng Tư, 2017.
Vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hồi giữa tháng 4 năm nay vừa được Quốc hội Việt Nam hâm nóng.
Ngày 2 tháng 11, khi tham gia thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 14, ông Dương Trung Quốc lôi vụ Đồng Tâm ra phẫu thuật lại vì theo ông Quốc, vụ nổi loạn này là bằng chứng cho thấy hệ thống công quyền vẫn không thèm bận tâm đến những bất bình, thắc mắc của dân chúng, những bất bình, thắc mắc này tiếp tục tích tụ rồi dẫn tới “vỡ bờ”.
Ông Quốc – một trong những người đang thiếu dân chúng xã Đồng Tâm món nợ về niềm tin vào sự công minh, chính trực của hệ thống công quyền – cố gắng gỡ gạc để giảm nợ đã nói thêm rằng, vụ nổi loạn ở Đồng Tâm là hậu quả của khủng hoảng niềm tin chứ không phải vụ án hình sự, thành ra chuyện giữa tháng trước, hệ thống tư pháp của thành phố Hà Nội kêu gọi dân chúng xã Đồng Tâm “đầu thú” do tham gia “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” là không hợp lẽ.

***

Đầu thập niên 1980, chính quyền Việt Nam thu hồi 54 héc ta đất ở xã Đồng Tâm để thực hiện phi trường Miếu Môn – một “công trình quốc phòng” có diện tích khoảng 240 héc ta. Sau đó việc thực hiện “công trình quốc phòng” này bị hủy bỏ, phần lớn đất đai đã thu hồi bị bỏ hoang. Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, đơn vị được giao giữ 54 héc ta “đất quốc phòng” đã thu hồi từ dân chúng xã Đồng Tâm đem đất ra “phát canh, thu tô” và năm 2007 giao trả một phần đất đã thu hồi cho chính quyền địa phương.
Bởi phần đất mà Lữ đoàn 28 giao trả bị chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho một số cá nhân và phân lô bán cho nhiều cá nhân khác, dân chúng xã Đồng Tâm bắt đầu khiếu nại nhưng hệ thống công quyền không bận tâm. Năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra và “thu hồi” đất thêm một lần nữa với lý do đó là “đất quốc phòng”. Lần này, “đất quốc phòng” được giao cho Viettel – tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam để Viettel thực hiện một “công trình quốc phòng” khác.
Thay vì trả lời thấu đáo những thắc mắc về thu hồi và sử dụng đất đã thu hồi, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế”. Tuy nhiên lần cưỡng chế nào cũng bất thành vì dân chúng xã Đồng Tâm liều chết giữ đất. Giữa tháng 4 năm nay, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ Lê Đình Kình và ba người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất quốc phòng” rồi bắt cả bốn. Trong vụ lừa - bắt thô bạo này, cụ Kình bị gãy cổ xương đùi... Đó là lý do dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn (bắt giữ 38 viên chức và cảnh sát cơ động, đòi chính quyền thành phố Hà Nội phóng thích bốn người mà họ đã bắt, đòi thanh tra toàn diện việc thu hồi – sử dụng đất ở xã Đồng Tâm).
Không thể dùng “bạo lực cách mạng” đàn áp vụ nổi loạn ở Đồng Tâm vì “cả nước trông vào”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã thay mặt hệ thống công quyền đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết: (1) Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật”, xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp”, đâu là “đất quốc phòng”. (2) Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. (3) Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật.
Cuộc thương lượng diễn ra dưới sự chứng kiến của hai đại biểu Quốc hội Việt Nam: Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực của Ủy ban về các vấn đề xã hội và ông Dương Trung Quốc.
Hai tháng sau khi Chủ tịch thành phố Hà Nội ký cam kết vừa kể, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4. Kế đó, chính quyền thành phố Hà Nội công bố “Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm”. Theo dự thảo, hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam khoảng 30 héc ta nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Đồng Tâm nhưng chuyện Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận lố 30 héc ta và lờ đi chỉ được xem là... thiếu sót. Nhìn chung, theo dự thảo, kế hoạch “cưỡng chế - thu hồi đất” ở Đồng Tâm không sai, khiếu nại - đòi hỏi của dân chúng xã Đồng Tâm là vô lý.
Ngày 25 tháng 7, chính quyền thành phố Hà Nội chính thức công bố Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Nội dung kết luận chính thức không có gì khác so với dự thảo.

***

Hôm 2 tháng 11, lúc xới lại vụ nổi loạn ở Đồng Tâm, ông Quốc nhắc tới cam kết thứ ba của Chủ tịch thành phố Hà Nội hồi hạ tuần tháng 4: Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật – kèm thắc mắc, nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao chỉ khởi tố dân Đồng Tâm mà tha những sĩ quan công an đánh dân gây thương tích cho cụ Kình, để số này đứng ngoài vòng pháp luật? Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao ba tháng qua, không cơ quan nào thèm trả lời những thắc mắc của dân chúng xã Đồng Tâm về kết luận thanh tra đất đai ở xã này?
Năm ngày sau – 7 tháng 11, một thành viên thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội đột nhiên đăng đàn. Tuy là đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội nhưng ông Đào Thanh Hải lại dùng diễn đàn quốc hội để biện bạch cho Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội. Ông đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội kiêm đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, bảo rằng Bộ Công an đã “kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của Công an thành phố Hà Nội” trong toàn bộ vụ Đồng Tâm và đã xác định “không có ai đánh, gây thương tích cho ông Kình”. Cứ theo lời ông đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội kiêm đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thì cụ Kình bị gãy cổ xương đùi là do “người nhà ông Kình xông vào cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan điều tra”.
Tất nhiên ông Quốc không đồng tình với cách giải thích đó. Ông Quốc chất vấn rằng tại sao đến giờ, công an mới chính thức thông báo lý do làm cụ Kình gãy chân (?). Theo ông Quốc, tốt nhất là nên để dân chúng bình luận về chuyện chân một cụ già 82 tuổi có thể tự gãy hay không (?).
Trong khi con cái cụ Kình và một số người dân ở xã Đồng Tâm khẳng định, rất nhiều người sẵn sàng làm chứng về chuyện tận mắt mục kích một sĩ quan công an đá cụ Kình, khiến cụ té, gãy cổ xương đùi (dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn bị liệt, phải dùng xe lăn do Chủ tịch thành phố Hà Nội… tặng) thì nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam xoay qua thảo luận về niềm tin. Một facebooker có nick name là Gà Con khen ông Dương Trung Quốc nói rất hay nhưng xin lỗi cảnh báo của ông về “khủng hoảng niềm tin” của dân chúng với hệ thống công quyền. Gà Con nhấn mạnh là mình “không còn niềm tin” bởi đã “quá quen với tình trạng nói hay cày dở”. Giờ, Gà Con: “Đ… tin vào cha con thằng nào nữa”.
Theo xu hướng đó, tờ Tuổi Trẻ đăng phiếm luận “Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn”: Kết luận của Công an Hà Nội về vụ cụ Kình - Đồng Tâm gãy chân là do... không bị ai đánh cả, khiến nhiều người không thuận. Tui thì không bức xúc vì thấy có hai khả năng xảy ra: Một là, rất có thể, sai sót do bệnh viện. Cụ Kình gãy răng nhưng chỉ định bó bột... háng. (tham khảo vụ chỉ định bệnh nhân nam khâu âm đạo) và vô cùng nhiều khả năng răng cụ tự rụng. Hai là, cụ tự đập chân (mông) vào... đất. (tham khảo vụ đập mặt vào giày và vụ đập mặt vào tay). Cái này vật chứng là đất vẫn còn y nguyên. Còn nói cụ bị đánh là không có lý, truyền thống và đạo lý của người Việt Nam không ai đánh cụ già 82 tuổi cả! Thề luôn!
Dẫu ngay sau đó tờ Tuổi Trẻ tự ý đục bỏ “Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn” nhưng phiếm luận này loang nhanh như váng dầu trên biển. Nhiều facebooker than như Lê Quang: Chả biết chọn nút nào để bày tỏ cảm xúc vì chuyện đáng cười nhưng lại trào nước mắt kèm theo sự phẫn uất tột cùng vì sự trơ tráo.
Lòng dân, niềm tin của họ vào hệ thống công quyền vẫn được ví von như một thứ tài sản vô giá. Sau một thời gian dài bị lạm dụng – chiếm đoạt, thứ tài sản ấy dường như không vơi mà đã hết sạch.
(*) Tựa phiếm luận trên báo Tuổi Trẻ.

Nước Mỹ sẽ không làm thay - bài học từ APEC


Kể từ những ngày bắt đầu đón các nguyên thủ Quốc gia đến tham dự APEC, dân Việt bàn tán nhiều về các vấn đề liên quan đến việc Tổng thống Mỹ đến Việt Nam với đầy đủ mọi góc cạnh của nó từ những điều nhỏ nhất là cách ăn mặc, phương tiện, hành động và lời nói như thế nào. Những điều đó vẫn luôn mới, lạ và hút khách với những độc giả Việt Nam như chiêm ngưỡng một nhân vật đến từ một hành tinh xa xôi nào đó.  
Chuyện lạ hút khách?
Đơn giản chỉ vì nó xa lạ với người dân Việt Nam, vốn luôn luôn "vững bước theo con đường mà bác và đảng đã chọn" mà hình tượng là con lừa bị che mắt cả hai bên để chỉ nhìn thấy bó cỏ treo phía trước mà kéo xe. Còn cái bó cỏ xanh non - thiên đường XHCN - thì mãi không thấy. Thậm chí cho đến lúc TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố thẳng thừng là cái bó cỏ "Thiên đường XHCN" còn là xa vời lắm, đến cuối thế kỷ vẫn chưa thấy đâu. Vậy nhưng bầy cừu nhiễm độc niềm tin vẫn cứ cắm cúi kéo xe phục vụ đảng ngồi chễm chệ trên lưng.
Họ thấy lạ là phải.
Những tờ báo quốc doanh chăm chú vào chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ ra sao, đoàn tùy tùng bao nhiêu người, họ được đảm bảo an ninh như thế nào, được chiêu đãi món gì... Tất cả được khai thác như để chứng minh một điều: Chuyện quan chức cộng sản Việt Nam ra đường thì còi hụ dẫn đường, công an, cảnh sát đông như ruồi, xe cộ chạy tán loạn từng đoàn dài là chuyện bình thường, chưa nhằm nhò gì với Tổng thống Mỹ. Hoặc quan chức đi chỗ nọ, chỗ kia chỉ chăm chăm việc ăn gì, uống gì và ngủ ở đâu... chứ nội dung làm gì đâu quan trọng như quan chức Việt Nam.
Tuy nhiên, đem điều đó ra so sánh thì chỉ là chuyện so vôi với phấn.
Những hình ảnh mà người dân chứng kiến ở các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam là một thủ tướng Canada trẻ trung, mạnh khỏe và hêt sức bình dân, ngồi trà đá vỉa hè với người dân như thường mà không sợ bị ám sát, không sợ bẩn hoặc sợ bị đánh giá thấp đi như quan chức cộng sản Việt Nam.
Nhưng
Có lẽ một trong những điều được người dân Việt Nam quan tâm chia sẻ nhiều nhất là bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donal Trumph tại Diễn đàn APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng.
Người ta chú ý không chỉ ở phong thái đĩnh đạc phát biểu hết sức tự nhiên một bài dài dằng dặc vậy mà không phải chúi mũi gằm mặt vào tờ giấy nhàu nát đút túi như giấy lau nồi của các lãnh đạo Việt Nam khi gặp các lãnh đạo nước ngoài.
Người ta cũng chú ý không chỉ ở lượng người thả những biểu tượng yêu thích rợp cả màn hình khi được live stream trực tiếp qua mạng xã hội ngược hẳn với những hình ảnh cảm xúc giận dữ, chế nhạo khi Tập Cận Bình phát biểu.
Điều mà người ta chú ý là những nội dung mà Tổng thống Mỹ Donal Trumph đã nói. Qua bài phát biểu chúng ta thấy gì?
Đó là sự phát biểu hết sức thẳng thắn về tình hình thế giới, tình hình nước Mỹ với những con số, hiện tượng đáng tự hào.
Đó là việc phát biểu ca ngợi những thành công của Singapore với những bước tiến kỳ diệu từ chỗ thu nhập đầu người chỉ 500 đola nay đã trở thành một trong những nước văn minh, hiện đại công dân có thu nhập cao nhất thế giới.
Không chỉ có thế, Tổng thống Trumph còn không quên khen câu này: " Sự biến chuyển này đã thành hiện thực nhờ tầm nhìn của chính phủ Lý Quang Diệu, một chính phủ được quản lý trung thực và tuân theo pháp luật". Không rõ các nhà lãnh đạo Việt Nam ngồi dưới nghe câu này có biết xấu hổ mà giật mình?
Những bài học lịch sử cần nhắc lại
Điều mà nhiều người nhận thấy trong các chuyến gặp gỡ quan chức Cộng sản Việt Nam, các đời Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lẩy Kiều luôn dùng để nhắc nhở, nói chuyện là các đề tài về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Báo chí Việt Nam không hoặc giả vờ không hiểu những ẩn ý của họ, ngược lại họ chỉ ôm mối "tự sướng" rằng thì là Truyện Kiều là nhất, là đi khắp thế giới...
Nhưng điều hài hước là các quan chức Việt Nam dù luôn tự hào là trí tuệ của đảng vẫn á khẩu khi được nghe các câu Kiều từ miệng nguyên thủ ngoại quốc, kể cả Nguyễn Phú Trọng vốn tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Nhưng, lần này, Tổng thống Donal Trumph với tính cách ngang tàng, thẳng thắn đã không thèm "đàn gảy tai trâu" chi cho mệt ông thẳng ruột ngựa nhắc cho lãnh đạo Việt Nam rằng:
"Ở Mỹ - cũng giống như mọi quốc gia đã chiến thắng và bảo vệ chủ quyền của mình, chúng tôi hiểu rằng không có gì quý giá như quyền lợi đương nhiên của công dân, sự độc lập quý giá và sự tự do.
Lý tưởng đó đã dẫn dắt chúng tôi trong lịch sử nước Mỹ. Lý tưởng đó đã thôi thúc chúng tôi hy sinh và đổi mới. Và đó là lý do tại sao ngày nay, hàng trăm năm sau chiến thắng của chúng tôi trong Cách mạng Mỹ, chúng ta vẫn nhớ đến lời của lời nhà lập quốc và là Tổng thống thứ hai của nước Mỹ John Adams. Trước khi từ giã cõi đời, người yêu nước vĩ đại này được yêu cầu đưa ra suy nghĩ trong dịp kỷ niệm 50 năm tự do của Mỹ. Câu trả lời của ông là "độc lập vĩnh viễn".
Và ông nhắc lại cho nhớ về lịch sử Việt Nam:
"Đó là tinh thần cháy bỏng trong lòng người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà Việt Nam không chỉ có tinh thần đó trong 200 năm mà là trong gần 2000 năm. Vào khoảng năm 40, Hai Bà Trưng đã đánh thức tinh thần của người dân vùng đất này. Đó là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm tự hào của các bạn
Vì vậy, vì gia đình, vì đất nước, tự do, lịch sử và vì Chúa, hãy bảo vệ tổ quốc của các bạn, hiện giờ và mãi mãi về sau".
Tôi không có điều kiện để chứng kiến xem các gương mặt lãnh đạo Việt Nam khi nghe những lời này sẽ đỏ lên, hay tái đi? Hay làn da vẫn cứ bì bì như da trâu?
Nhưng, tôi nghĩ rằng nếu là người có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc thì có lẽ chính họ sẽ chui xuống đất sau những lời đó.
Bởi không ngượng làm sao được, khi mà cả cái đảng cộng sản từ TBT cho đến Bộ trưởng Quốc phòng đều cúi rạp mình trước các thế lực phương Bắc, mặc cho Tổ quốc bị xâm lăng, mặc cho đất nước bị chiếm đóng, mặc cho dân mình bị sát hại ngay trên lãnh thổ, lãnh hải của mình.
Mà cũng có thể là không, bởi cha ông có nói rằng "cùi không sợ lở". Nếu họ biết ngượng, thì chính họ đã không ra mặt đàn áp, bắt bớ những người dân vô tội vốn giàu lòng yêu nước. Mà chính lòng yêu nước của họ đã có thời bị lạm dụng và khai thác triệt để cho cuộc chiến tương tàn Nam - Bắc.
Mà cũng rất có thể chưa chắc các lãnh đạo Việt Nam đã biết đến lịch sử dân tộc, đất nước mình. Hầu như họ chỉ biết lịch sử đảng là chính.
Lời phát biểu của Tổng thống Mỹ Donal Trumph trên lãnh thổ Việt Nam, trước mặt quan chức, người dân Việt Nam về việc phải yêu Tổ quốc, đất nước của mình như một cú giáng thẳng thắn vào thói nô lệ và coi nhẹ sự độc lập, quyền lợi của Tổ Quốc mình trước ngoại bang mà đảng đang theo đuổi và thể hiện bấy lâu nay. Không rõ đám An ninh và Dư lợn viên của Đảng có còn gào lên là"âm mưu của Đế quốc Mỹ xâm lược" nữa hay không?
Nước Mỹ sẽ không làm thay
Cũng những ngày APEC sắp họp, nhiều người hy vọng rằng trong cuộc họp này, những vấn đề về nhân quyền, về sự có mặt của các nguyên thủ quốc gia ở các nước tiến bộ đến Việt Nam sẽ lên tiếng bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Thậm chí, còn có người hy vọng rằng phu nhân tổng thống Mỹ sẽ can thiệp cho trường hợp nọ, trường hợp kia như họ mong muốn.
Điều này cũng tương tự như những tư tưởng vẫn thường có trong dân chúng rằng Mỹ sẽ làm tất cả cho trật tự thế giới, ngăn chặn việc xâm lấn của Trung Cộng với các nước láng giềng...
Và họ cứ ngồi chờ đợi để rồi thất vọng.
Thế rồi, ngay tại Đà Nẵng, tổng thống Mỹ đã tuyên bố như sau: "Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên hết..."
Và: "Thay vào đó, chúng tôi sẽ thương thảo trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Chúng tôi sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của các bạn. Chúng tôi muốn các bạn mạnh mẽ, thịnh vượng và tự tin, giữ vững bản sắc lịch sử và vươn tới tương lai".
Có vẻ như nghe những lời này, Tổng thống Mỹ đang nói về kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, quan điểm này không chỉ riêng vấn đề thương mại hoặc kinh tế của Mỹ mà cả các lĩnh vực chính trị, xã hội khác cũng tương tự.
Tất cả đặt lợi ích quốc gia của Mỹ lên hàng đầu, đơn giản vậy thôi.
Tư duy trông chờ và ỉ lại
Trong cuộc sống xã hội Việt Nam, ngày càng chứng minh một điều không thể chối cãi: Đảng Cộng sản đang là lực cản lớn nhất, nguy cơ lớn nhất cho dân tộc, cho đất nước trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống từ kinh tế, xã hội, đạo đức cho đến việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ...
Trước đây, nhiều người bị hệ thống tuyên truyền làm cho ngộ độc nặng nề đến mức khiếp sợ và không dám mở miệng ngay cả khi chính mình là nạn nhân trực tiếp. Thế rồi thời đại công nghệ thông tin phát triển đến mức mọi ngõ ngách cuộc sống được phơi bày đầy đủ trước mắt họ và họ đã hiểu ra.
Thế nhưng, trong họ vẫn cứ có tư duy ỉ lại, trông chờ vào những người khác đấu tranh thay họ để rồi "đến một lúc nào đó" tự đảng CS sụp đổ hoặc những sự đấu tranh của người khác thành công, họ sẽ được hưởng thành quả của một xã hội mới với trật tự mới. Còn hiện tại, họ chỉ chăm lo nịnh hót, chạy chọt, dựa dẫm vào thế lực tham nhũng, chức quyền để kiếm thật nhiều tiền nhằm vinh thân, phì gia.
Họ say mê với những nhà cửa, xe cộ và mọi thứ thỏa mãn cuộc sống hiện tại cho họ và gia đình mình, còn những sự việc xã hội khác, họ khoán cho tất cả những người dấn thân đấu tranh.
Để kết thúc bài viết này, xin kể một câu chuyện có thật như sau:
Sau phiên tòa xử án Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ngày 22/9/2016 một người bạn gặp tôi hỏi:
- Sao hôm trước ông không đi phiên tòa xử Ba Sàm?
- Tôi có đi chứ, nhưng vừa đến nơi chúng nó bắt tôi nhốt vào đồn yên Hòa cả ngày không ra được.
- Hèn gì, bọn tôi ngồi cafe cứ bảo nhau những vụ này thì nhất định ông phải đi nhưng sao không thấy.
Thấy buồn cười, tôi hỏi lại:
- Vậy hôm đó ông đứng ở đâu?  
- À, tôi không đi, tôi bận nhiều thứ làm ăn nên sao đi được.
- Ông không đi được sao tôi lại nhất định phải đi?
- Thì những người đấu tranh là phải có mặt những vụ như thế chứ, vừa để động viên tinh thần cho người bị xét xử vô luật pháp, vừa biểu thị tinh thần đấu tranh bất khuất chứ. Còn như tôi mà ra đó nó đập chết ngay. Cộng sản này nó khốn nạn và tàn bạo lắm ông ạ, không sụp đổ thì dân còn chết, còn làm nô lệ ông ạ, các ông cần cố gắng hơn nữa.
- Ông ra nó đập chết, vậy tôi thì nó đập không chết à? Tôi có phải làm bằng cao su đâu. Mà tại sao không phải tất cả mọi người cùng cố gắng mà chỉ bọn tôi hay bọn ông? Đây là trách nhiệm của 90 triệu thằng dân chứ đâu cho bọn nào đâu ông?
- Trách nhiệm thì chung. Nhưng các ông là những người đấu tranh thì phải thế.
- Vậy có ai khoán việc hay trả tiền cho những người đấu tranh phải thế để những người khác cứ ngồi theo dõi không? Ông có thuê họ đi đấu tranh phần của ông không?
- À, tôi còn bận kiếm tiền nuôi vợ con, gia đình mà ông...
Câu chuyện khá dài, chỉ kết thúc ở đây để hiểu rằng cái tư duy chỉ ngồi nhìn, nghe rồi yêu sách, trông chờ vẫn còn đang phổ biến tại Việt Nam.
Đó cũng chính là tư duy nô lệ, phụ thuộc và thụ động.
Và đã đến lúc, mọi người cần phải hiểu ra rằng làm trong sạch xã hội Việt Nam để đất nước tồn tại và phát triển là trách nhiệm của mọi công dân phải tự gắng sức mình nếu không muốn làm nô lệ.
Không thể trông chờ vào bất cứ một ai ra tay cứu giúp dân tộc, đất nước mình, kể cả Tổng thống Mỹ.
11/11/2017, Kỷ niệm 6 năm ngày bị bắt vào Sở Công an Hà Nội, 6 Quang Trung, Hà Đông
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nhìn vào thái độ của dân để thấy đâu là kẻ thù

11/10/2017 - 14:38 — truongduynhat
Tổng thống Chile thong thả bách bộ phố cổ Hà Nội. Thủ tướng Canada quần soóc áo phông chạy bộ, thản nhiên ngồi cà phê bệt vỉa hè Sài Gòn. Thủ tướng Austraulia ăn bánh mì đường phố và tươi cười chụp ảnh selfie cùng các bạn trẻ Đà Nẵng...
Vì sao, họ có thể vượt qua những nguyên tắc an ninh dành cho nguyên thủ để thân thiện với dân Việt vậy, trong khi Tập Cận Bình thì không?
Nếu bước khỏi xe, “ra đường” thế, tôi tin Tập sẽ đụng ngay những phản ứng giận dữ từ dân chúng, thậm chí có thể hứng cà chua trứng thối. 
Dù an ninh có cẩn trọng bao nhiêu, tôi cũng không dám tin rằng Tập sẽ an toàn, nếu bách bộ hay ngồi quán vỉa hè như Michelle Bachelet, Justin Trudeau, Malcolm Turnbull... 
Tuy Trump không được chào đón hồ hởi, tạo nên những biển người hò reo như Obama, nhưng theo dõi các live stream, có người đưa ra thống kê: Hơn 90% biểu tượng “trái tim” và “thích” cho Donald Trump, trong khi có đến 98% biểu tượng “khuôn mặt căm tức” với Tập Cận Bình.
Vì sao vậy?
Còn nhớ hai năm trước, khi Tập sang Hà Nội, con gái tôi đã vẽ một bức ký hoạ gắn đầu gã Tập vào nòng đại bác. Còn cậu sinh viên trẻ Võ Văn Trung thì cắt đứt ngón tay mình, viết khẩu hiệu máu đuổi Tàu. 
Bạn- thù, nhìn chi cho xa. Cứ nhìn vào thái độ của dân để thấy đâu là kẻ thù.

Dự luật an ninh mạng và tính vi hiến

Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Thời gian gần đây, cộng đồng mạng và toàn dân xôn xao vì Dự Luật An Ninh Mạng.

Đảng CSVN trong bản chất là một tập thể độc tài toàn trị. Chính vì thế tự do tư tưởng và quyền phổ biến thông tin trên mạng là kẻ tử thù của chế độ. Muốn củng cố sự độc tôn của mình đảng CSVN không ngừng truy tìm học hỏi những biện pháp cai trị độc tài, từ Đức Quốc Xã Hitler, đến Cộng sản Liên Xô của Stalin và nhất là học hỏi từ đảng CS đàn anh Tàu cộng, hầu tiếp tục tồn tại và cai trị nhân dân Việt Nam.

Khi chúng ta duyệt lại lịch sử các chế độ độc tài và đọc lại bài diễn văn nhậm chức của Cố Tổng Thống Hoa Kỳ John F Kennedy ngày 20 tháng 1 năm 1961, chúng ta sẽ nhận diện đoạn văn sau đây:

“Nói với những quốc gia mới mà chúng ta hoan hỷ chấp nhận gia nhập hàng ngũ các dân tộc tự do, chúng ta long trọng cam kết rằng sẽ không dung túng cho tình trạng thay thế hình thức cường quyền thực dân vừa cáo chung để thay thế bằng một chế độ độc tài sắc máu hơn nữa. Chúng ta không luôn luôn đòi hỏi họ phải ủng hộ quan điểm của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta luôn kỳ vọng họ phải ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do của chính họ - và ghi nhớ rằng, trong quá khứ, những kẻ điên rồ bám víu quyền lực bằng cách cỡi lưng cọp sẽ kết thúc cuộc đời trong bụng cọp.”

(To those new states whom we welcome to the ranks of the free, we pledge our word that one form of colonial control shall not have passed away merely to be replaced by a far more iron tyranny. We shall not always expect to find them supporting our view. But we shall always hope to find them strongly supporting their own freedom - and to remember that, in the past, those who foolishly sought power by riding the back of the tiger ended up inside).

Dĩ nhiên John F Kennedy chỉ là một chính trị gia. Đoạn đầu của bài diễn văn nhậm chức hùng hồn trên hoàn toàn không có giá trị, nhất là đối với 2 dân tộc bị cộng sản cai trị là Cuba và Việt Nam. Thật vậy, cả 2 đều vừa thoát khỏi vòng kềm tỏa của Thực Dân Pháp (Việt Nam) và Thực Dân Tây Ban Nha (Cuba) nhưng sau đó cuối cùng rơi vào bàn tay sắt của độc tài cộng sản. Những cố gắng giúp đỡ của Hoa Kỳ đều thất bại tại 2 quốc gia này.

Tuy nhiên nhận xét thứ nhì của tổng thống Kennedy hoàn toàn chính xác. Những kẻ điên rồ bám víu quyền lực bằng cách cỡi trên đầu cổ của nhân dân họ, từ Nguyễn Phú Trọng đến Tập Cận Bình, đều là những kẻ điên khùng kẻ cỡi trên lưng cọp, sẽ chắc chắn bị hổ dữ xé xác và ăn tươi nuốt sống như Saddam Hussein, Muammar Gaddafi etc…

Đảng CSVN ý thức sâu sắc điều này. Tuy nhiên thay vì quay đầu hối cải, trao trả quyền tự quyết về cho nhân dân, thì các tay đầu sỏ lại điên rồ bám víu quyền lực bằng mọi giá.

Sao chép lại sách lược an ninh mạng của đàn anh ý thức hệ Tàu cộng, vốn là kẻ tử thù của dân tộc hầu đưa ra đề án Dự Luật An Ninh Mạng, là một trong những hành động điên rồ cỡi cọp của đảng CSVN.

Trong một bài tựa đề “Dự luật An ninh mạng: Hàng Việt Nam ‘Made in China’?”được phổ biến rộng rãi trên mạng, tác giả Trịnh Hữu Long đã phân tích tính nô lệ Trung Quốc của CSVN qua tác động cóp nhặt nguyên xi Luật An Ninh Mạng Của Trung Quốc và đồng thời nhận diện một số mục tiêu chính mà đảng muốn đạt đến qua dự luật này: (xin trích)

- Nhắm trực diện đến thông tin nguy hiểm cho chế độ (điều 22)

- Ép người dùng Internet cung cấp thông tin cá nhân thực (điều 47)

- Đặt máy chủ trong nước và truyền dữ liệu ra nước ngoài (điều 34)

- Ép người dùng và doanh nghiệp thành chỉ điểm (các điều 45, 46 và 47)

- Ép doanh nghiệp công nghệ tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật do nhà nước ban hành (điều 46)

- Ép đơn vị liên quan đến “thông tin quan trọng” khi mua phần cứng và phần mềm phải qua thẩm định của chính quyền

Điều 11, Điều 16, Điều 48 của dự luật An ninh mạng trao quyền cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số cơ quan nhà nước khác được kiểm tra các thiết bị, ứng dụng mạng liên quan đến hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trước khi đưa vào vận hành hay nâng cấp. (Hết trích)

Điều 8 của Dự Luật An Ninh Mạng này còn ghi rõ các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

Sử dụng không gian mạng chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; …gây thù hận, mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo; …đăng tải thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước trên không gian mạng.

Điều 14 về Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thì trao cho Bộ Công An quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về an ninh mạng, đề nghị thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia về an ninh mạng, chủ trì xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Một các tổng quát qua Dự Luật An Ninh Mạng này, đảng CSVN áp dụng toàn bộ mô hình Tàu cộng và củng cố nền tảng công an trị tại Việt Nam chặt chẽ hơn hầu nô lệ hóa nhân dân và bảo vệ chế độ.

Tinh thần và thuật ngữ của dự luật này hoàn toàn vi hiến vì đi ngược và trắng trợ vi phạm tinh thần một số điều khoản căn bản Hiến Pháp 2013 hiện hành của chế độ.

Nhất là điều 21 của Hiến Pháp. Điều này ghi rõ:

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Vì sao đảng CSVN có thể minh thị khinh thường Hiến Pháp 2013 do chính họ dàn dựng lên và ồn ào phổ biến năm 2014 mà hoàn toàn không bị một phản ứng nào đáng kể từ nhân dân, trí thức, nhất là giới luật gia Việt nam?

Lý do tuy rất nhiều nhưng có thể vắn tắt như sau:

1. Đối với những người cộng sản bảo thủ như TBT Nguyễn Phú Trọng, Hiến Pháp 2013 không phải là nền tảng pháp lý của dân tộc như tại các quốc gia dân chủ, mà chỉ là một bình phong hầu bảo vệ cho sự sống còn của đảng. Hậu quả là điều lệ đảng mới tối cao. Hiến pháp chỉ là một mảnh giấy vô giá trị.

2. Đảng CSVN cố tình loại bỏ khỏi Hiến pháp 2013 một khái niệm căn bản của một hiến pháp dân chủ chân chính là sự hiện diện của một cơ quan tư pháp tối cao và độc lập hầu pháp quyết về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của lập pháp hoặc một tác động của hành pháp.

3. Việt Nam hoàn toàn vắng bóng một luật sư đoàn độc lập, nằm ngoài sự khống chế của đảng và Mặt Trận Tổ Quốc, hầu tranh đấu cho công lý trong tinh thần vô úy của những luật gia chân chính.

Sống gần và chia xẻ biên giới với bá quyền Tàu cộng hàm chứa nhiều hiểm nguy cho dân tộc. Lối thoát duy nhất là canh tân vượt thắng Tàu cộng trên mọi phương diện từ kinh tế, kỹ thuật và chính trị dân chủ như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan đã và đang làm. Trong khi đó, vì vị kỷ, thiển cận và ham mê quyền lực, đảng CSVN đã muối mặt tôn thờ những cặn bã thừa thãi của Tàu cộng và trong tiến trình đó, còn làm lụn bại dân tộc và nhục quốc thể Việt nam.

Đã đến lúc toàn dân phải vùng lên, đạp đổ độc tài, thay thế bản Hiến Pháp 2013 bằng một bản hiến pháp xây dựng trên quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính. Từ đó, chúng ta sẽ có một Tối Cao Pháp Viện độc lập, chí công vô tư. Chúng ta có thể dự đoán rằng cơ quan tư pháp tối cao này sẽ minh thị phán quyết rằng Luật An Ninh Mạng và những sắc luật hình sự vi phạm nhân quyền khác của CSVN là hoàn toàn vi hiến.

11.11.2017