Sunday, January 3, 2016

2015: Phản kháng xã hội bùng nổ về lượng và chất

 Theo Người Việt-01-03-2016 3:28:31 PM 
Phạm Chí Dũng

Quan tài và bàn thờ

Năm 2015 vừa tạm khép lại bằng cánh cửa vụt mở của một hiện tượng phản kháng xã hội chưa từng có: Lần đầu tiên nổ ra phong trào học sinh biểu tình phản đối chính sách nhà nước.

Tiếng hô “Đả đảo!” lại một lần nữa bùng lên dữ dội ngay trong lòng đất nước.

Địa chỉ của phong trào trên lại nằm ngay ngoại vi thủ đô của chính thể “của dân, do dân và vì dân”: Ninh Hiệp - Gia Lâm.

Kết quả tệ hại mà một chính quyền tạo dựng được là khiến cho tiếng thét phản kháng biến vọt từ cá nhân đến nỗ lực đồng thanh tập thể. Có đến vài ngàn học sinh biểu tình phản đối chính quyền địa phương Gia Lâm, trong khi cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh ở Hà Nội vào giữa năm 2015 chỉ quy tụ được chưa đến 500 người.

Hiển nhiên cuối 2015, phản kháng xã hội đã trở thành hiện tượng lan truyền thế hệ: Đồng thanh tập thể đã ăn vào máu não của cả lớp thiếu nhi chưa biết “Đảng” là gì.

Khác với vụ biểu tình của tiểu thương Chợ Đầm - Nha Trang và tiểu thương ở nhiều địa phương khác, vài ngàn học sinh còn tuổi quàng khăn đỏ đã cùng cha mẹ họ bao vây trụ sở hành chính công quyền để phản đối dự án xây dựng trung tâm thương mại Ninh Hiệp vì gây tác động tiêu cực trầm trọng đến kế sách mưu sinh của người dân nơi đây.

Và càng khác với kết quả những vụ biểu tình tiểu thương trước đây chẳng mấy có kết quả, đám đông phản kháng ở Ninh Hiệp đã khiến chính quyền địa phương và chủ đầu tư phải tạm ngừng triển khai dự án.

Sức mạnh của lời thề “Quyết tử giữ đất!” từ bài học Dương Nội - Hà Nội.

Sức mạnh của những chiếc quan tài và bàn thờ lãnh tụ.


Sức mạnh của đám đông!

Một trong những thắng lợi hiếm hoi không có bắt bớ và máu đổ.

Đổ máu và “đả đảo”

Không thể có “đả đảo” nếu không có bắt bớ và đổ máu.

Hai năm 2013 và năm 2014 thậm chí còn vang dội tiếng thét “Đả đảo quân giết người!” và “Đả đảo chính quyền!”
Nhưng khác với những cuộc biểu tình của giới bất đồng chính kiến, làn sóng “đả đảo” đã lan rộng ra các thành phần khác - những nạn nhân của chính quyền nhưng không hề mang tố chất chính trị.

Cuộc biểu tình Tháng Ba năm 2014 của người dân ở Ninh Thuận chống việc khai thác titan gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt là một bằng chứng hiện thực và sống động. Chỉ là những người chân quê lam lũ với nắng gió rát mặt quanh năm, song có lẽ cảm xúc đột biến khó ngờ với dân chúng nơi đây đã bục vỡ vào một ngày nắng nóng bức bối. Những người chứng kiến cuộc biểu tình và đối đầu của đám đông phẫn nộ với khối cảnh sát cơ động đã mô tả rằng không khí kích nổ rất cận kề. Khoảng cách giữa đám đông ấy và rừng khiên chắn công an có lúc đã gần chạm vào nhau, đến mức tưởng chừng chỉ nhích thêm vài bước nữa là lập tức xảy ra xung đột và sau đó có thể đổ máu. Không còn là khẩu hiệu, mà “Đả đảo!” đã vọt ra cửa miệng của hàng ngàn người dân - một con số gấp đôi so với báo cáo của cơ quan chức năng.

Người ta cũng chứng kiến cảnh sắc đầy phấn khích gần tương tự ở Dương Nội - Hà Nội và Hà Tĩnh, Nghệ An, những nơi mà chính quyền địa phương đã dại dột xâm hại đến chủ quyền đất đai của dân lành và biến những kẻ bị đuổi cổ khỏi nơi chôn rau cắt rốn thành tội phạm chế độ. Thậm chí ở Nghệ An, con số biểu tình đã lên đến 3,000 – 4,000 người. Chỉ xét về mặt lượng, con số này đã gấp nhiều lần cuộc biểu tình phản đối doanh nghiệp nạo hút cát của ngư dân huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi vào năm 2013.

Với những người dân cần có thời gian để tiêu hóa nỗi sợ hãi luôn gặm nhấm trong tâm hồn và thể xác, họ đã có ít nhất 4-5 minh họa sống động từ đầu năm 2013 đến nay: Khi đám đông biểu tình lên tới hàng ngàn người, chính công an lại phải tìm cách tiêu hóa nỗi e sợ trong chính từng bộ sắc phục.

Con giun xéo lắm cũng quằn. Với người dân Hà Nội, một cuộc xuống đường ven bờ hồ Thiền Quang tại thủ đô đã tập hợp đến hơn 400 người chuyển từ bức xúc sang hành động. Một blogger nhiều kinh nghiệm về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc công bố: Có đến 3/4 trong số hơn 400 tuần hành viên ấy là những người mới đi biểu tình lần đầu tiên.

Cây là người, người cũng là cây!

Cái “lần đầu tiên” ấy mới ý nghĩa đến thế nào! Cũng như sự khác biệt đặc thù giữa số người xem với số lượt truy cập trên các trang báo điện tử vào thời đại kỹ thuật số, xã hội và lòng dân chờ đợi không chỉ những gương mặt biểu tình chống Trung Quốc được tái hiện trên đường phố, mà rần rật hơn cả là những người dân bình thường đã vượt qua chút ranh giới sợ hãi còn sót lại để bước ra khỏi cửa nhà mình.

Công an dày đặc quanh đoàn người biểu tình. Nhưng khi một bạn nữ biểu tình tặng đóa hoa cho chiến sĩ công an, cô nhận lại nụ cười không hẳn là gượng gạo.

Chính quyền nghiêng ngả! Không phải nhân viên cảnh sát nào cũng có thể mặc lòng với người dân, chính vào lúc người dân đó lại là chính nghĩa và là nhân dân của những cảnh sát biết suy niệm về đạo lý.

Lịch sử sang trang

Giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh đang ở trên bề mặt thô nhám của nó. Quân số và cường độ la hét luôn mang ý nghĩa quyết định cho ưu thế đối đầu.

Hiển nhiên số lượng người biểu tình đang trở thành biến số đầu tiên khiến cho các chính quyền địa phương chuyển từ tâm lý e ngại sang trạng huống sợ hãi. Những đám đông dù hình thành tự phát nhưng cùng một tình cảm và hơn nữa cùng chung mục đích luôn khiến ngay cả lực lượng cảnh sát cơ động và phòng chống bạo loạn biểu tình cũng phải thoái lui - hình ảnh mà người dân đã được chứng kiến ở Ninh Thuận, Nghệ An, Dương Nội hay Gia Lâm. Và hẳn đó cũng là một bước tiến nối vòng tay lớn hơn của người dân Việt Nam năm 2014, so với cuộc “biểu tình quan tài” nhanh chóng bị tàn lụi ở Vĩnh Yên năm 2013.

Tất nhiên, không phải tất cả những người tham gia biểu tình đều có mối dây quan hệ trực tiếp đến mất mát đất đai hoặc đều là nạn nhân môi trường. Nhưng chính hình ảnh hòa nhịp gián tiếp của nhiều người dân, dù chỉ mang tính tự phát hoặc hùa theo đám đông, đã một lần nữa minh chứng cho sự biến đổi đang gia tốc của lịch sử: Lòng dân đã uất hận đến mức đang vượt nhanh qua giới hạn sợ hãi tự thân, đặc biệt trong điều kiện đám đông được chia sẻ và được nhân rộng về con số.

Chu kỳ lịch sử đang gấp gáp sang trang. Xã hội Việt Nam đang chứng kiến mọi kìm nén của người dân từ những năm trước đã gần đạt đến điểm kích nổ, ứng với lý thuyết phòng chống bạo loạn biểu tình của chính quyền và ngành công an về “điểm nóng chính trị” chứ không còn đơn thuần là “điểm nóng xã hội” nữa.

Tất cả đều tuân theo quy luật lượng đổi chất đổi, đặc biệt tại những vùng xa - nơi các chính quyền địa phương có khuynh hướng dùng “luật rừng” để cai trị và đàn áp dân chúng, trong khi người dân lại không quá dốt nát để không thể nắm được những thông tin liên quan đến quyền được tự do biểu đạt của họ.

Thực trạng quá khốn quẫn giờ đây đối với chính quyền là trên khắp các vùng đất nước, mũi dùi của nhân dân đang chĩa thẳng vào công an, đặc biệt là khối cảnh sát mang tần suất o ép và va chạm với dân chúng nhiều nhất, cùng các quan chức hành chính có nhiều tì vết đen đúa và mang thói quen biến dân chúng thành đày tớ cho tầng lớp quan lại.

Vạn vật đều nhân quả. Xã hội Việt Nam cũng đang tiến đến điểm vận hành ngày càng thắm thiết giữa các nhóm lợi ích với các nhóm chính khách từ thấp đến cao, để hình thành khái niệm mới mẻ “nhóm thân hữu.” Từ một dự án thu hồi đất với quy mô nhỏ cấp xã cho đến các dự án “khu đô thị” mang tầm vóc quốc gia, đâu đâu người ta cũng chứng kiến cảnh doanh nghiệp dùng tiền hối lộ để tạo nên một thứ “dịch vụ hỗ trợ thi công,” mà bản chất của nó là việc lạm dụng hoặc lợi dụng lực lượng cảnh sát tại chỗ để trấn áp những người dân “bất đồng chính kiến.”

Trận lũ báo oán

Năm 2015 đã chứng nhận hàng loạt phong trào xã hội phản đối chính sách nhà nước như phong trào chống chặt hạ cây xanh ở Hà Nội, phong trào chống lấn sông Đồng Nai, phong trào đình công của công nhân về chính sách nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, phong trào giáo dân Đông Yên chống cưỡng chế ở Nghệ An, phong trào học sinh chống xây trung tâm thương mại Ninh Hiệp.

Cũng hoàn toàn khác với tâm trạng hoặc thờ ơ hoặc bị tuyên giáo bịt miệng, báo giới nhà nước ngày càng biểu lộ cảm xúc đậm đà hơn với các phong trào dân sinh phản kháng chính quyền. Những làn sóng phản kháng về lao động, cây xanh, môi trường... đã đặc biệt khiến những tờ báo nhà nước cứng nhắc nhất cũng phải trở nên trung dung, còn nhiều tờ báo khác tự quẫy mình khỏi vòng kim cô tư tưởng để ít nhất cũng vọt ra được một tiếng nói không bị chặn họng.

Không khí đòi dân chủ và xã hội dân sự mỏng manh đang dần định dạng.

Xã hội Việt Nam đang xảy ra một hiện tượng tâm lý chưa từng có: Trong quá nhiều thất vọng về đảng và nhà nước, người dân và trí thức tự tìm đến với nhau để nương tựa vào một niềm tin còn sót lại, dù rằng niềm tin ấy đã chết.

Tunisia năm 2010. Sau vụ tự thiêu do quá phẫn uất của một người bán hoa quả, điều đáng ngạc nhiên là đám đông đã chỉ được hình thành bởi sự lan truyền thông tin của các em bé. Trẻ con lại dẫn đến mối quan tâm của người lớn. Vào cuối ngày đầu tiên, thay vì về nhà theo thói quen, nhiều người lớn đã chuyển sang một thói quen mới: Tập hợp với nhau, giữa những người không quen biết, để đòi tổng thống phải từ chức.

Khi đám đông đã lên đến hàng triệu người, toàn bộ lực lượng cảnh sát trở nên bất động. Còn quân đội thường giữ thái độ trung lập.

Như một quy luật, xã hội Việt Nam càng nhiễu nhương và hỗn loạn, giới quan chức đảng và chính quyền càng ra sức trục lợi và cưỡng bức người dân, đám đông dân chúng càng có lý do để bạo dạn hơn và liều lĩnh hơn. Tâm lý sợ hãi cũng vì thế được chuyển hóa từ thận trọng sang giễu cợt, cho đến khi bùng vượt qua ranh giới kìm nén.

Không thể nói khác hơn là phản ứng của dân chúng đã biến thành phản kháng, và chỉ cần đủ thời gian để phản kháng trở thành đối đầu và xung đột với chính quyền. Không chỉ là phản kháng về đất đai như trước đây, mà môi trường cũng đang trở nên một chủ điểm làm cho dân lành quằn quại cùng đứng dậy. Không ai có thể quên được câu chuyện tang thương của hơn 50 mạng dân lành đã bị “giết sống” bởi cơn xả lũ vô đạo của 15 nhà máy thủy điện tại các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2013.

Nhưng sau cơn thảm sát hãi hùng ấy, tai họa còn ghê rợn hơn: Không một quan chức chính quyền nào, từ giám đốc nhà máy thủy điện, Tập đoàn điện lực Việt Nam đến ủy viên trung ương đảng kiêm bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, bị lôi ra trước vành móng ngựa.

Một ước tính cho thấy xã hội Việt Nam hiện có đến hàng triệu dân oan đất đai và hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường đang chờ chực cơn “nhân tai” từ những kẻ còn lâu mới bị lôi ra trước vành móng ngựa.

Nhiễm sắc thể bạo bệnh phản văn hóa đang ăn sâu vào thời kỳ cuối cùng của cơn ung thư di căn. Có quá nhiều lý do để cho rằng tình thế khốn quẫn về văn hóa cai trị sẽ càng lan rộng hơn, tỷ lệ thuận với vô số đối phó bạo ngược của nhiều cấp chính quyền và công an ở nhiều địa phương, thậm chí ngay tại Hà Nội.

Những đám đông dân oan và đám đông nhân loại cũng vì thế cứ ngày càng đông hơn, dày hơn nữa, cao hơn nữa. Để khi mọi dòng sông đều dồn về biển cả, đó sẽ là lúc một cuộc trả thù văn hóa khởi sự.

Nhưng thật khó có thể tránh thoát rằng trận lũ báo oán ấy sẽ không nương nhẹ với bất kỳ ngữ nghĩa nào của từ “văn hóa” trong từ điển bách khoa của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tâm thư kính gửi hơn 3 triệu đảng viên Cộng sản

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội (Ảnh tư liệu).
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội (Ảnh tư liệu).
Trong lúc nhân dân Việt Nam tiễn đưa năm 2015 và đón năm 2016, tôi xin kính gửi lời chúc mừng năm mới an khang hạnh phúc tới đồng bào trong nước.
Đầu năm mới sẽ diễn ra Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), tôi cũng xin gửi đến hơn 3 triệu đảng viên lời chào trân trọng và lá Tâm thư này.
Nhân dịp này tôi mong muốn được thưa chuyện tâm tình với các đảng viên CS ở mọi nơi, mọi cấp về tình hình cực kỳ nghiêm trọng đến mức hiểm nghèo chưa từng có, do lãnh đạo đảng CSVN vẫn kiên trì 5 chiếc gông xiết chặt cổ nhân dân trong hơn nửa thế kỷ qua, để cai trị một cách bảo thủ, giáo điều, cơ hội thêm 5 năm nữa, mặc dù đã có rất nhiều khuyên nhủ can ngăn chân tình của một số khá đông đảng viên và nhân sỹ, trong đó có nhiều đảng viên kỳ cựu, trung kiên và đông đảo trí thức dân tộc tiêu biểu.
Tuy ngày 20/1/2016 mới họp đại hội, nhưng nội dung học thuyết, chủ nghĩa, đường lối chính tri - kinh tế - ngoại giao - quốc phòng – an ninh đã được xác định một cách kiên trì, kiên định về cơ bản hoàn toàn như cũ, không có gì gọi là mới mẻ, đổi mới thật sự có hệ thống như kỳ vọng của không ít bà con ta ở khắp nơi.
Có một số người tin ở sự thật, lẽ phải, tin ở thiện tâm, lương tri của con người đã phỏng đoán một cách lạc quan rằng Đại hội XII sẽ có một cuộc đổi mới toàn diện ngoạn mục, một cuộc «xoay trục» mạnh mẽ thoát Trung, thoát khỏi chiếc «cùm Thành Đô» đã kéo dài 25 năm nay để ngả dần sang kết bạn thân thiết, liên minh toàn diện với các nước dân chủ, hùng mạnh văn minh của thời đại.
Nhưng kỳ vọng cháy bỏng tha thiết ấy sẽ không xảy ra vì Ban lãnh đạo hiện nay vẫn nhất trí theo đường lối cũ, khinh thị tất cả mọi ý kiến xây dựng đầy trí tuệ và tâm huyết, vẫn một mực kiên trì học thuyết cổ lỗ, kiên trì chủ nghĩa xã hội (CNXH) mờ ảo, kiên trì chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) xa vời, sẽ đẩy đất nước vào tình trạng ngưng trệ, đổ vỡ và phá sản về mọi mặt còn nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn trước.
Về nhân sự, đã có hy vọng sẽ có người lãnh đạo mới có tư duy mới mẻ, có tài, có đức, yêu nước thương dân, từ bỏ thái độ phụ thuộc Trung Quốc bành trướng, giữ vững lập trường độc lập, tự chủ, gắn bó với những giá trị của thời đại. Hy vọng này cũng trở thành vô vọng vì xu thế phụ thuộc quá lớn, quá sâu vào TQ mà lãnh đạo TQ thì không thiếu mưu sâu, mẹo độc, tiền của để chi phối lãnh đạo đảng CSVN, buộc chặt họ vào cỗ xe lãnh đạo của Bắc Kinh, không có cách nào tách ra được. Do vậy, nước ta đang đứng trước một tình trạng khẩn cấp, một nguy cơ hiểm độc là sẽ trì trệ kéo dài, nông dân vẫn bị mất đất thêm, lao động bị bóc lột nặng hơn khi chính quyền CS bênh vực các công ty đầu tư ngoại quốc, ngăn cấm quyền biểu tình, mặc cho tiền lương quá thấp, tai nạn lao động tăng cao, lợi nhuận vào túi các quan tham và chủ tư bản ngày càng lên cao, cuộc sống không có bảo hiểm. Cuộc sống nay đã ngạt thở, đầy lo toan bế tắc, tuổi trẻ mất phương hướng, giáo dục thấp kém, y tế bệ rạc sẽ ngày càng xấu thêm đến thê thảm, xã hội không còn có thể chịu đựng thêm 5 năm nữa. Sẽ là tai họa quốc gia không lối thoát.
Tất cả tình hình trên đặt ra trước dân tộc và toàn dân, trong đó có 3 triệu đảng viên CS là làm thế nào để cứu nước ra khỏi bãi trầm luân khổ ải không lối thoát, không tương lai này?
Lúc này chính là lúc mỗi người Việt Nam phải nhận lấy trách nhiệm, công khai bàn luận về hiện tình đất nước và hiểm họa quốc gia, khi lãnh đạo đảng CSVN tỏ ra không ngang tầm trách nhiệm lịch sử, thoái hóa trầm trọng cả về tư duy chính trị, về tác phong lãnh đạo, về đạo đức tham quyền cố vị, tham nhũng bất khả trị.
Lãnh đạo đảng CSVN đã tự đặt mình vào vị trí đối lập với dân tộc, tự tách mình ra khỏi khối đảng viên CS đông đảo ngay thật, trong sáng nhưng đã mất hết quyền trong đảng do nếp độc đoán ăn sâu thành bản chất của lãnh đạo.
Hiện nay trên thực tế đã hình thành 2 phương án chính trị, 2 thế lực đối lập nhau, một bên là các văn kiện dự thảo rất bảo thủ giáo điều, và một bên là những đề nghị hợp lý mang tư duy thời đại, phát huy truyền thống bất khuất của dân tộc, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi cuả toàn dân, chứa đựng trong Bức thư tâm huyết của 127 nhân sỹ, đảng viên cao cấp gửi đại hội, tiêu biểu cho một xu thế lành mạnh, đầy trách nhiệm trong đảng và xã hội. Trong số 127 nhân sỹ và đảng viên cấp cao này tuy có không ít đảng viên, nhưng thực tế họ đã ly khai đảng CS về nhận thức và tư duy để bác bỏ tận gốc toàn bộ dự thảo, trên thực tế ly khai và đối lập với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Đây là bước chuẩn bị cho một tổ chức chính trị mới mẻ, sáng tạo, mang đậm truyền thống dân tộc và giá trị thời đại, đối lập dứt khoát với các căn bệnh giáo điều cơ hội, tham nhũng, tham quyền, cơ hội ngay trong đảng.
Mong rằng các đảng viên ở cơ sở và đảng viên các cấp bộ, chi bộ, đảng bộ xã, đảng bộ quận huyện, tỉnh thành, đảng bộ cơ quan trung ương, đảng bộ quốc phòng - an ninh đều có ý kiến lựa chọn phương án chính trị nào và phát biểu công khai rộng rãi chính kiến của mình.
Xin nêu lên với các bạn là Điều lệ của đảng CSVN không có một điều nào quy định cứ vào đảng là suốt đời là đảng viên. Đây là quyền tự do bất khả xâm phạm của công dân được Hiến pháp bảo vệ.
Đối với đảng viên, nhất là đảng viên lâu năm, đây không phải là điều đơn giản dễ dàng gì. Mong rằng mỗi đảng viên hiểu rõ trách nhiệm cá nhân mình đối với địa phương, gia đình, người thân để vượt qua mọi do dự đắn đo, có một quyết định dứt khoát cao đẹp, rất đáng tự hào như thế.
Vừa qua đã có một số đảng viên CS ly khai, trả lại thẻ đảng vì lý do bất đồng chính trị với lãnh đạo, sau khi thấy chính kiến đúng đắn của mình bị bác bỏ. Xin các bạn hãy nhận ra tấm gương của các đảng viên kỳ cựu đã ly khai, như Cụ Nguyễn Hộ, như Tướng Trần Độ, Viện trưởng Hoàng Minh Chính, Chánh văn phòng Bộ Công an Lê Hồng Hà, nhà sử học Nguyễn Kiến Giang, Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang, Đại tá Phạm Đình Trọng, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà báo Phạm Chí Dũng, cán bộ Công an Tạ Phong Tần, cán bộ Công an Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), Trung tá Trần Anh Kim, cán bộ đảng Vi Đức Hồi, cựu đảng viên Lê Hữu Đằng, nhà ngoại giao Đặng Xương Hùng, gần đây là Kỹ sư Ngô Xuân Thọ và anh Ngô Xuân Phúc… và còn nhiều nhiều nữa.
Bản thân tôi, sau khi ở trong đảng 44 năm, đã nhận ra những sai lầm liên tiếp của Đảng CSVN trong Cải cách ruộng đất, trong lãnh đạo thô bạo báo chí, văn học, trong đối xử tàn tệ với sỹ quan viên chức, đảng phái thời Việt Nam Cộng hòa, trong các chiến dịch cải tạo công thương nghiêp, trong tổ chức bán bãi bán tàu thuyền ọp ẹp thu vàng bất minh. Nhiều lần tôi mạnh dạn góy ý mà họ không chịu nghe, tôi đã quyết định chống lại tệ độc đoán giáo điều cơ hội và tách mình ra khỏi đảng, tuy rằng họ vẫn trọng dụng, khen thưởng và giao tôi nhiều trọng trách. 25 năm nay tuy đời sống khó khăn, phải xa người thân, bạn bè, tôi không hề luyến tiếc việc tách mình ra khỏi đảng khi đảng đã trở thành tai họa hiểm nghèo cho dân tộc. Để hôm nay có dịp tâm sự chân thành với các bạn.
Tôi đã ở trong Quân đội Nhân dân (QĐND) 36 năm, dự nhiều chiến dịch và ra nhiều chiến trường, càng thấy đảng CSVN đã phụ bạc hàng triệu liệt sỹ khi không bảo vệ nền độc lập và mang lại tự do hạnh phúc cho toàn dân như ý nguyện của họ khi nhắm mắt. Mong rằng các đảng viên trong QĐND và trong Công an Nhân dân (CAND) luôn giữ vững bản chất nhân dân, trung thành với nhân dân, bảo vệ nhân dân, không bao giờ làm trái và không bao giờ tiếp tay cho lãnh đạo khi họ cưỡng bách QĐND và CAND đàn áp nhân dân.
Kính chúc các bạn và gia đình năm mới nhiều niềm vui, sức khỏe, may mắn và thành đạt, chúc bạn có quyết định sáng suốt kịp thời tham gia hữu hiệu vào cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ đầy sức sống để cứu dân cứu nước khỏi tai họa hiểm nghèo đảng trị đã quá lâu.
Cuối cùng xin được gửi các bạn bài thơ đầy nhiệt huyết của nhà thơ Nguyễn Đắc Kiên đề ngâm nga bên chén rượu nồng trong những ngày vui Tết Bính Thân.
Mong được các bạn trẻ nhân bản và phổ biện rộng trên Facebook lá thư và bài thơ này. Xin đa tạ.
 Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế!
Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế!                                 
 Từ ngàn xưa, rồi lại ngót trăm năm
 Hết phong kiến độc tài đến lũ bạch tuộc thực dân
 Hết quân hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa
 Bao thế hệ xiết rên trong gọng kìm nô lệ
 Chuyên chế dã man đục ruỗng chí con Người
 Ông tôi, cha tôi, bao thế hệ ngủ vùi
 Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế!
 Mày phải sợ ! Người ơi ! Người phải sợ!
 Sợ mãi rồi, có sợ mãi được không?
 Cốt tủy mục ruỗng rồi, trí óc cũng tối đen
 Mày lại đẻ lũ cháu con «biết sợ»
 Bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ
 Lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau?
Còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau!
Sống cho xứng danh xưng con Người trên mặt đất
Tỉnh dậy đi! lũ chúng ta ơi!
 Nguyễn Đắc Kiên
Xin cám ơn nhà thơ trẻ Nguyễn Đắc Kiên, ngả mũ trước khí phách con người của anh, và chúc các bạn những ngày Tết và cả năm Bính Thân 2016 vui vẻ, dấn thân đấu tranh thắng lợi cho dân chủ, hòa bình, hạnh phúc.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bắc Kạn: Sau tiếng động lớn, “hố tử thần” chia đôi tỉnh lộ 254

Thái Cường-10:31 - 03/01/2016

(PL+) - “Hố tử thần” sâu khoảng 15 m, rộng 20m2 tại thị trấn Bằng Lũng, Chợ Đồn (Bắc Kạn) "nuốt gọn" một nửa tuyến đường tỉnh lộ 254, giao thông bị tê liệt.

Sự việc xảy ra vào khoảng 18h30 tối qua (2/1), tại tổ 10, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Chị Thạch Thị Thanh Tuyền, người dân sống tại Thị trấn Bằng Lũng, Bắc Kạn cho biết, lúc đó khi đang nấu cơm chị bỗng nghe tiếng ầm ầm rồi đất đá bắn lên rơi vào mái nhà. Khi chạy ra ngoài xem thì bất ngờ thấy xuất hiện một hố sâu lớn, đất đá cứ thế sụt xuống.
Ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục sự cố.
Ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục sự cố.
Theo những người dân sống gần hiện trường, khi mới xảy ra sự việc mọi người phát hiện miệng hố còn nhỏ, nhưng sau đó đất sụt xuống và miệng hố loang rộng ra. Một cây xoan cao gần 15m cùng nhiều cây cối xung quanh đã nhanh chóng bị hố sâu nuốt gọn.
Được biết, 4 ngôi nhà nằm gần trong khu vực sụt lún đã bị nứt và ảnh hưởng, 9 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm phải sơ tán.
Bắc Kạn: Sau tiếng động lớn, “hố tử thần” chia đôi tỉnh lộ 254
Cận cảnh
Cận cảnh "hố tử thần" xuất hiện tại chợ Đồn, Bắc Kạn.
Hố sụt lún đã khoét sâu gây sụt hơn nửa đoạn đường của tuyến Tỉnh lộ 254 và 1 phần vườn gia đình ông Nguyễn Văn Sơn và gây tắc đường cục bộ từ thị trấn Bằng Lũng đi huyện Ba Bể và ngược lại.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Văn Chí đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác xử lý hiện trường, khắc phục sự cố. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng theo dõi thường xuyên, báo cáo kịp thời các diễn biến xảy ra, có phương án di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Tang tóc quê nghèo

Theo NLĐO-02/01/2016 23:27

Từ đêm 1 đến sáng 2-1, người dân xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa chưa hết bàng hoàng trước cái chết của 8 người dân trên địa bàn do ngạt khí lò vôi.

Rất đông người dân vẫn tụ tập bàn tán về vụ việc, ai cũng xót thương những người xấu số. Đặc biệt, gia đình ông Lê Văn Thong (chủ lò vôi) có tới 3 người gặp nạn, gồm ông Thong và 2 con gái (trong đó có 1 người đang mang thai khoảng 5 tháng). Chưa kể, vợ ông Thong đang trong tình trạng hôn mê, không biết sống chết thế nào.
Trong số 8 người chết, có tới 5 người là con cháu, họ hàng nhà ông Thong: Ngoài 2 con gái là người cháu ruột Nguyễn Đình Hoàn và cháu rể Hoàng Văn Việt. Trong căn nhà cấp 4, cách lò vôi không xa, tiếng khóc của con, cháu ông Thong khiến những người tới viếng không ai cầm được nước mắt. Họ không ngờ tai họa lại ập tới cướp đi sinh mạng của nhiều người trong gia đình ông Thong ngay ngày đầu năm mới. Theo người thân, đầu năm 2015, ông Thong vay mượn khắp nơi được 100 triệu đồng để làm lò vôi, dù nhiều người ngăn cản nhưng ông vẫn làm vì không có công ăn việc làm nào khác.

Người thân, bà con hàng xóm tới thắp hương cho những nạn nhân trong gia đình ông Lê Văn Thong
Người thân, bà con hàng xóm tới thắp hương cho những nạn nhân trong gia đình ông Lê Văn Thong
Ông Trương Trọng Khanh, người may mắn thoát chết, cho biết chiều 1-1, khi ông và một số công nhân đang làm việc tại lò vôi thì được ông Thong bảo về nhà trước làm thịt vịt để chiều tối tổ chức Tết Dương lịch cho anh chị em công nhân. “Khoảng 16 giờ, khi đang nấu ăn ở nhà, tôi nghe tiếng hô hoán của người dân nói sập lò, tôi liền chạy ra hiện trường ứng cứu. Lúc này, mới có ông Tuyên ngất xỉu dưới lò. Thấy vậy, nhiều người đã nhảy xuống lò cứu người thì đồng loạt ngất xỉu. Tôi lao xuống nhưng không thở được liền trèo lên. Lúc này ai cũng hoảng loạn, tôi liền nhanh chóng phá cửa hông lò vôi, dùng quạt thổi mạnh vào trong để thổi khí độc ra ngoài rồi nhanh chóng đưa những người bất tỉnh đi cấp cứu nhưng đã quá muộn” - ông Khanh bần thần kể lại...
Chiều nay, thi thể 8 nạn nhân sẽ được gia đình và chính quyền địa phương tổ chức làm lễ truy điệu, an táng tại nghĩa trang quê nhà. Bước đầu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi người chết, hỗ trợ 3 triệu đồng và miễn hoàn toàn viện phí cho người bị thương; UBND huyện Nông Cống hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi nạn nhân tử vong, 7 triệu đồng cho người bị thương.

Bài và ảnh: Tuấn Minh

Đầu năm "điểm danh" các loại công chức

QUỐC TOẢN 01/01/16 08:31
(GDVN) - “Thói quen ỉ lại, tư tưởng muốn làm thầy không muốn làm thợ, lười lao động khiến không ít người bất chấp để vào bằng được công chức",ông Lê Văn Cuông cho biết.
Vào công chức để được ổn định…
Tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung “biên chế công chức”, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng con số 2,8 triệu công chức, viên chức theo thống kê của Bộ Nội vụ năm 2015 là quá nhiều.
Điều này sẽ tạo nên áp lực không nhỏ đối với nguồn ngân sách và vấn đề cải cách hành chính…
Mặt khác, việc tuyển dụng công chức theo kiểu xin - cho sẽ khó đánh giá được năng lực cán bộ.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến người ta đua nhau vào công chức?
Theo ông Lê Văn Cuông thói quen ỉ lại, tư tưởng muốn làm thầy không muốn làm thợ, lười lao động khiến không ít người bất chấp để được vào công chức.
“Tư tưởng phải vào công chức đang trở thành một phong trào. Đối tượng chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp ra trường. Họ thường muốn có công việc ổn định đặc biệt là việc làm tại cơ quan Nhà nước”, ông Cuông nhận định.
Thi công chức (ảnh: Ngọc Bích/Giaoduc.net.vn).
Nguyên trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng thực trạng, có trường hợp người ta không có khả năng, không được đơn vị sử dụng lao động (doanh nghiệp tư nhân...) tiếp nhận nên... buộc phải “chạy” công chức.
“Mặt khác, do thói quen ỉ lại, tư tưởng muốn làm thầy không muốn làm thợ, lười lao động của một bộ phận, làm nảy sinh tâm lý muốn được Nhà nước bao cấp cho các chế độ, bên cạnh đó việc làm thì nhàn hạ.
Cũng không ít người muốn vào công chức để lấy cái danh, hoặc vụ lợi, mặc dù thu nhập thực tế không cao... 
Xét ở phương diện nào đó, việc vào công chức là có tiêu cực. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc ai vào công chức cũng xấu. Bởi công chức vẫn có nhiều người giỏi, tốt lắm chứ!
Bên cạnh đó, cũng có những người thực sự tài năng muốn cống hiến cho đất nước nhưng lại gặp "rào cản" trong công tác tuyển dụng. Đây là những vấn đề cần phải khắc phục", ông Cuông cho biết.
Ông Lê Văn Cuông cho biết thêm, có trường hợp người năng lực tốt, có tư tưởng khẳng định mình, từ đó họ tự tạo cho mình một cơ hội, môi trường (không phải công chức) làm việc để tạo lập vị trí, chỗ đứng trong xã hội. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều. 
Biếm họa phê phán sự khác nhau giữa nói và làm trong chính sách thu hút nhân tài. Tranh của Nguyễn Diệp Thanh.
Ông Lê Văn Cuông cho rằng, việc nhiều người xin vào công chức xuất phát từ cơ chế quản lý lỏng lẻo. Việc tồn tại cơ chế xin – cho trong lĩnh vực hành chính công là nguyên nhân làm nảy sinh “phong trào” đua nhau vào công chức.
“Do cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu và không loại trừ việc tuyển dụng công chức để vụ lợi bản thân. 
Theo đó, không ít cán bộ dùng “quyền lực công chức” để làm giàu bất chính cho bản thân, đặc biệt là vấn đề tiêu cực trong công tác tuyển dụng. Có cung ắt có cầu, người sẵn sàng bỏ tiền để “chạy” để được vào công chức".
Trong khi đó, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, cho rằng, sự “méo mó’ trong công tác tuyển dụng nhân lực tại khu vực hành chính công của Việt Nam trong những năm qua làm nảy sinh những tiêu cực trong xin việc, tuyển dụng.
“Có những vị trí tuyển dụng, lương thấp, khó đảm bảo nhu cầu cuộc sống nhưng người ta vẫn chấp nhận “chạy” để có một một môi trường làm việc ổn định và có thể thuận lợi để thăng quan tiến chức…”.
Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho sự phát triển?
Ông Lê Văn Cuông cho rằng, để loại bỏ tư tưởng “công chức suốt đời”, người đứng đầu phải gương mẫu trong việc đánh giá nhận xét cán bộ công chức.
“Đối với những công chức, viên chức đã được tuyển dụng cần thực hiện các cam kết công việc theo định kỳ quy định trong hợp đồng, làm căn cứ theo dõi, đánh giá công việc của cán bộ. Trường hợp không đáp ứng được công việc, người đứng đầu có thể căn cứ theo cam kết để “thanh lý” cán bộ.
Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Chinhphu.vn).
Đồng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng: “Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển. Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới. 
Thay vào “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy. Trong chế độ công chức hiện đại, công chức khi vào một vị trí nào đó, họ phù hợp với vị trí ấy về trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn của họ.
Chúng ta phải phấn đấu một nền công vụ hiện đại như vậy.
Một nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp phải bảo đảm được sự năng động, thay đổi, không phải anh vào công chức rồi thì cứ “rung đùi” ngồi đó mãi”.
Theo ông Phúc: “Ở Việt Nam hiện nay, chế độ công chức suốt đời là một sự cản trở” (Báo Thanh Niên hôm 23/12).
Trong khi đó, GS. Nguyễn Minh Thuyết đưa ra lời khuyên, công chức không hẳn là con đường duy nhất để nhiều người có thể phát huy khả năng, năng lực chuyên môn của mình.
Với những người giỏi thực sự, họ nên tự tạo cho mình cơ hội để khẳng định năng lực chuyên môn ở một môi trường khác. Có thể sự khởi đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, hoặc không tránh khỏi thất bại” (GDVN hôm 13/5).

Tay nào thắng thì nhân dân cũng bại.

01/03/2016 - 18:58 


Chưa có một sân khấu chính trị nào của thế giới tình từ thời trung cổ cho tới phát xít rồi cuối cùng là độc tài cộng sản lại có những show diễn nhạt nhưng cứ lập đi lập lại không biết chán như sân khấu chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam.
Diễn viên chỉ là bốn nhân vật của mỗi nhiệm kỳ 5 năm, sau đó bốn vai diễn khác lại leo lên sân khấu xào lại bài bản cũ một cách lạc lõng đơn điệu những vở hài không ra hài, bi chẳng ra bi, người xem chỉ thấy rặt những khuôn mặt chai lì mà dù có tô son trát phấn thế nào cũng không thể che cho hết nét trâng tráo, lì lợm của những con người đã lâu không biết tới xấu hỗ.
Những kịch bản công du Bắc Kinh, phát biểu nảy lửa về chủ quyền biển đảo, động viên dư luận, cảnh tỉnh đảng viên hay kêu gọi chống diễn tiến hòa bình tưởng rằng đã đầy tai nhân dân, nhưng vẫn được lập đi lập lại một cách không mệt mỏi. Họ như những cổ máy hát của thời Bảo Đại còn làm hoàng đế kiên trì kẽo kẹt cà lăm bởi đường rãnh chính trị lỗi thời trên chiếc đĩa hát cổ xưa của Chủ nghĩa cộng sản. Họ tươi tỉnh giả vờ trước công chúng và ai cũng biết phía sau hậu trường của những phiên họp lúc nào cũng gay cấn và cực kỳ bén ngót bởi những lằn dao phê bình, hay tố cáo vạch mặt đồng chí mà họ không bao giờ hà tiện khi tung ra.
Họ cứ nhàn nhã giả vờ cho nhân dân tưởng rằng mỗi một lần Đảng họp đại hội là một mùa xuân cho đất nước. Họ là những cánh bướm sặc sỡ trang trí cho khung cảnh ấy với các trò múa rối mà vai diễn vẫn chỉ bốn người.
Khi ông Nguyễn Sinh Hùng khấu đầu trước bàn thờ Mao Trạch Đông là lúc đàn em Nguyễn Tấn Dũng hả hê tung vào mạng xã hội những đòn thù báo trước sóng gió không bao giờ ngớt trên sinh mạng chính trị của một ông chủ tịch quốc hội, vốn chỉ biết nghe lời và lâu lâu lên gân một vài câu vô thưởng vô phạt. Ông Nguyễn Sinh Hùng chưa bao giờ là một ứng viên sáng giá cho chức vụ Tổng bí thư nhưng tại sao chấp nhận đóng vai Lê Chiêu Thống nhận lằn tên mũi đạn của nhân dân thì chỉ một mình Trung Quốc biết.
Và có thể ông Trọng cũng biết, và không chừng hành vi của ông Hùng nằm trong kế hoạch điệu hổ ly sơn của ông Trọng cũng nên?
Đánh hơi thấy phe ông Dũng mạnh cả gạo lẫn tiền, tay chân bộ hạ từ trung ương tới địa phương vô số nên ông Trọng run và tìm tới giải pháp nhờ quân đội, công an bảo vệ chiếc ghế của mình nếu một mai có biến động. Ông tới ủy lạo đoàn quân cảnh sát cơ động vốn được lập ra để bảo vệ an ninh trật tự chứ không phải để bảo vệ yếu nhân. Tuy nhiên ông Trọng không có chọn lựa nào khác, tới vỗ vai động viên mấy tay  cảnh sát áo xanh vẫn hơn không có anh nào để ôm vai bá cổ. Mọi lực lượng thứ thiệt, chính quy đều nằm trong tay Ba Dũng nên ông Trọng làm cử chỉ rất “kịch” để khán giả nhân dân có câu chuyện làm quà.
Ông Dũng từ ngày ôm Tập Cận Bình thắm thiết tưởng đâu sẽ là “hậu duệ” chính thức của Bắc Kinh nào ngờ ông Trọng cao tay hơn, gửi ông Hùng sang đúng vào thời điểm nóng nhất của cuộc gian hùng tranh bá đồ vương. Chuyến đi làm ông Dũng tím mặt lúc đầu nhưng khi ông Sinh Hùng về tới nhà cũng là lúc ông Dũng hơn hớn tung ra chiêu phủ đầu về giàn khoan 981 rồi sau đó là chiếc tàu đánh cá của Quảng Ngãi bị Trung Quốc đâm chìm.
Báo ông Tư Sang đăng bài nhưng lại né hai tiếng Trung Quốc, chỉ để tàu lạ hoặc tránh hẳn không nhắc tới tàu của nước nào. Báo Tiền Phong, Lao động cũng thế chỉ có tờ Dân Trí tung ngay cái tên Trung Quốc là kẻ thực hiện hành vi cướp biển. Người dân hừng hực nóng giận, sân khấu Ba Đình lẳng lặng không hề nhắc tới…kịch bản cũ, rất cũ được lập lại đó là mỗi lần có ai trong bốn tên sang Bắc Kinh thì y như rằng khi trở về món quà gửi theo chân phái đoàn lúc nào cũng là Biển Đông. Khi cướp của, lúc giết người nhưng không lần nào Bác Kinh tha cho Hà Nội dù chỉ một lần.
Tàu cá bị đâm chìm Tổng bí thư ghé nhắc nhở công an coi chừng biến động trước đại hội đảng. Té ra cái đại hội thổ tả ấy vẫn hơn sinh mạng người dân, sinh mạng của những ngư dân được cả bốn ông lớn tiếng cho rằng sẽ là tiền đồn chống lại bất cứ thế lực nào.
Cuộc bỏ phiếu tại đại hội 12 được nhân dân lan truyền tin đồn này khác, nhưng tin đồn nào rồi cũng là tin đồn. Đối với cộng sản họ là vua trong cách tạo dựng tin đồn nhằm phá hoại. Những cái gọi là tài liệu mật bị rò rỉ chẳng qua là nội dung các tờ truyền đơn không hơn không kém. Đại tướng công an có lên tiếng cảnh báo thì cũng với ý đồ làm cho vở kịch được chú ý thêm một chút chứ nào phải tìm cho được kẻ chủ mưu ăn cắp tài liệu trong văn khố Đảng.
Mà có gì là bí mật khi cả thế giới đều biết nó là gì, chẳng qua một ai đó mang thứ gây nghiện “tranh dành quyền lực” ra để làm mồi câu người nhẹ dạ. Hôm trước là Chân dung quyền lực, từng một lúc gây khốn đốn cho phe Trung Quốc bây giờ thì chiêu bài chống Trung đã hơi bị sượng nên người ta không ngại gì mà không đem ông Sinh Hùng ra làm cái bia đỡ đạn cho lòng căm hận kẻ ngoại xâm.
Cuối cùng, nói như nhà thơ Nguyễn Duy, tay nào thắng thì nhân dân cũng bại.

Hát cho anh, người thương binh VNCH

Cát Linh, phóng viên RFA 2016-01-03  
000_Hkg10174179-622.jpg
 Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015. AFP photo
“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi…” (tiếng hát của người thương binh bán vé số và âm thanh hỗn tạp của một bến xe buýt)
Giữa những âm thanh hỗn tạp của bến xe đò, người thương binh chỉ còn lại một chân vội vã leo lên chiếc xe khách chưa chuyển bánh. Cây ghi ta thùng cũ kỹ, lộ những vết tróc nhem nhuốc, khắc lên đó tuổi đời của thời gian. Người thương binh cất tiếng hát, bài hát “Rừng lá thấp” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Những người khách trên chuyến xe, già có, trẻ có, bỗng nhiên được vài phút giây tách mình ra hẳn tiếng la ó của bến xe, tiếng hàng rong mời gọi ổ bánh mì, cây mía ghim. Người nhìn xa xăm. Người cúi đầu yên lặng. Họ nghĩ gì, thấy gì? Không ai biết…
Chỉ biết rằng khi ngừng tiếng hát, người thương binh rút cọc vé số trong túi áo màu xanh lá đã bạc cùng năm tháng, bước những bước đi khập khiễng mời khách mua giúp. Những gương mặt quay đi, ngại ngùng… Có lẽ cuộc sống của họ cũng chẳng có phần tốt hơn.
Đó là hình ảnh quen thuộc ở những bến xe khách, hay dọc theo các bến phà xuôi về miền Tây trong những năm 80, từ ngày kết thúc cuộc chiến. Họ chính là những người lính trở về trong một cơ thể không còn lành lặn. Một phần thân thể của họ đã vĩnh viễn gửi vào mảnh đất mà họ đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để bảo vệ.
Cứ thế, qua từng chuyến xe này rồi đến chuyến xe khác, bến phà này đến bến phà khác, họ hát để mưu sinh, để sống lại một thời binh lửa oai hùng. Phải, họ hát để sống lại, chứ không phải nhắc lại. Vì, nhắc cho ai nghe đây? Nói cho ai nghe đây?
Có người nhạc sĩ, đã hỏi giùm những người lính ấy, đó là cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ông thay họ hỏi cuộc đời rằng có ai nhớ người thương binh?
“Một chiều, một chiều trên quãng đường xa
Bóng người anh dũng năm xưa ra đi chốn này
Chàng về nay đã cụt tay
Chàng về, chàng về nay đã cụt tay
Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù
Từ ngày chinh chiến mùa thu
Người quê còn nhớ người chăng
Vì vào chốn tử sinh
Chiến trường quên, quên mình
Người về có nhớ thương binh…” (Nỗi nhớ người thương binh)
Chiến tranh chấm dứt, người thương binh về lại quê xưa. Mảnh đất quê hương còn đó, nhưng cha anh không còn nữa, mẹ anh đã già, và một phần thân thể của anh cũng đã gửi lại nơi chiến trường năm đó.
“Rồi mai anh trở về Cha anh không còn nữa
Mẹ anh bây giờ đã già
Ngũ Hành năm cụm núi xanh xanh
Xa rồi một trái Nam trần
Mây giăng nhiều trên đỉnh Hải Vân.
Chiều nay có người thương binh
Đi về với bàn tay năm ngón như đi về với cuộc chiến chinh
Anh mất đi bàn tay nhưng còn quê hương yên lành
Một ngón tay dâng một cụm ngũ hành.
Niềm vui chờ đón tương lai
Thư gửi cho người yêu viết bằng tay trái không ngay
Tình mình mong đẹp mãi như năm cụm núi quê hương
Ôi năm cụm núi quê hương…!!!!” (Năm cụm núi quê hương)
Đó là Cuộc đời của người lính trở thành thương binh sau cuộc chiến trong ca khúc Năm cụm núi quê hương, sáng tác của nhạc sĩ Minh Kỳ vẫn còn một trời hy vọng và niềm tin về một tình yêu đang chờ anh nơi quê hương có ngọn núi Ngũ Hành.
Những ngày chiến đấu bên nhau
Những ngày chiến đấu bên nhau
Không phải chỉ khi cuộc chiến đã tàn thì người lính mới trở về trong một hình hài không còn nguyên vẹn. Chiến tranh khắc nghiệt có thể lấy đi cuộc sống của người ta bất cứ giờ phút nào, bất cứ chiến tuyến nào. Mà đã là lính, thì có gì ngậm ngùi hơn khi phải giã từ đồng đội, giã từ lý tưởng để quay về trên đôi nạng gỗ, dang dở cuộc đời cho cả người mình yêu. Khi đó, tiếng súng nơi chiến trường có lẽ không đáng sợ bằng phải nhìn người yêu bằng ánh mắt chưa quen. Chỉ có thể là Phạm Duy mới cảm nhận được ánh nhìn ấy trong Kỷ vật cho em vào năm 1970, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang ở thời kỳ khốc liệt nhất.
“Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông anh cho làm kỷ niệm
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anhh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trối... Em ơi!
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.....” (Kỷ vật cho em)
Khi trang lịch sử của cuộc chiến mỗi ngày một dày thêm, thì phận đời của những người thương binh trở về từ Khe Xanh, từ Đồng Xoài, từ những vùng chiến thuật càng thêm cơ cực. Ngày xưa họ là đồng đội. Giờ đây, họ là… “đồng nghiệp”. Cát Linh xin mượn một đoạn trích trong bài tạp ghi của tác giả Nguyễn Mạnh Trinh để nói lên cái xót xa của hai từ “đồng nghiệp”:
Trên một chuyến xe, có hai người lính cũ, một mù một què, dắt díu nhau đi hát để kiếm miếng ăn độ nhật. Người què thì dẫn đường cho người mù không có mắt để đi lần theo từng hàng ghế. Họ mặc bộ quần áo trận đã rách te tua bạc phếch nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó hình ảnh của người lính thời xưa. Trên tay người lính mù là chiếc dàn mandoline cũ kỹ và anh hát những bản nhạc lính của cuộc chiến ngày cũ đã tàn nhưng còn nhiều hậu quả nhức nhối. Khi hát tôi thấy dường như trong đôi mắt đen đục của người lính mù có chút nước mắt.”
Nếu trong cuộc sống, người ta hay trả cho nhau cái nợ ân tình, thì với những người lính ấy, họ trả cho nhau nợ vào sinh ra tử. Đây là cái nợ oai hùng và mãnh liệt nhất trong cuộc đời của mỗi người lính trận. Cũng trên mảnh đất này, ngày xưa họ chiến đấu bên nhau, những đêm đạn pháo, tao mày vào sinh ra tử, thì ngày nay, tao, mày dựa vai nhau mà sống.
“Ngồi xuống đây tao đút mầy lần cuối
Để mai này biết có gặp nữa không
nợ trần gian nợ cơm áo chất chồng
Tao bươn chải đời long đong vô định
Ngồi xuống đây giữa tâm tình người lính
Đừng nghĩ gì những toan tính thế gian
Tao với mày từng vượt những gian nan
Đã sống chết – lầm than – và tủi nhục
Ngồi xuống đây tao đút mầy thêm chút
Cũng như mầy ngày xưa đút cơm tao
Giữa Cổ Thành tiếng quân dậy lao xao
Tao gục xuống và mầy lao ra cứu…”(Tao đút mày lần cuối)
Trong suốt 40 năm qua, những hình ảnh nương tựa nhau đó tiếp tục trôi dạt từ nơi này đến nơi khác. Ngày xưa là anh thương binh với đôi nạng gỗ, giờ đây, khi tuổi trẻ đã trôi qua cùng lý tưởng, họ “ngồi” trên cái ghế gỗ đã mòn nát bốn chân, với cơ thể ngắn hơn cả cái gậy dò đường, để tiếp tục cảnh đời mưu sinh.
Trong đêm mưa tầm tã, nơi góc đường vắng nào đó của Sài Gòn, có một người lính già, co cụm bên ngọn đèn đường, tấm vé số nhàu nát, đôi mắt mờ đục, nhớ về một rừng lá thấp, về chiều xanh ra nơi sa trường.
Tao biết lắm mầy sống đời mãnh thú
Con hùm thiêng trong giây phút sa cơ
Thân phế nhân đành trôi nổi mịt mờ
Muốn sống lại thuở viễn mơ rừng núi
Thôi mầy ạ! Đời chúng mình gió bụi
Chết ngang tàng trong ngày tháng Tư Đen
Tao với mày chinh chiến đã thành quen
Thì tủi nhục cũng để rèn nhân cách
Vậy hãy sống ngẩng cao đầu trong sạch
Biết tử sinh thì nhận lấy cho hùng
Tao với mầy có dòng máu chảy chung
Thà đổ xuống không bao giờ khuất phục.”