Wednesday, November 4, 2015

Trung tâm bảo trợ ăn cả 'dép, khăn, màn' của người tâm thần

Lê Hữu Việt-13:00 ngày 04 tháng 11 năm 2015
TP - Trong số tiền các lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Nghệ An “ăn bớt” của người tâm thần, người già neo đơn, ngoài tiền mua sắm đồ dùng cá nhân, tiền ăn, còn “ăn chặn” cả tiền từ thiện của những tấm lòng hảo tâm.
Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vừa có báo cáo liên quan tới vụ việc các cán bộ, lãnh đạo Trung tâm BTXH tỉnh Nghệ An “ăn bớt” hơn 783,95 triệu đồng (không phải hơn 779 triệu đồng như con số công bố trước đó) tiền chế độ cho người tâm thần, người già neo đơn. 
Theo đó, qua kiểm tra xác minh đối với ông Nguyễn Xuân Phú (Giám đốc) và bà Nguyễn Thị Thu Phương (Phó Giám đốc) Trung tâm BTXH tỉnh Nghệ An, trong số tiền các đối tượng đã ăn bớt, có: Hơn 538,8 triệu đồng ăn bớt từ chế độ trang cấp như quần áo, chăn, màn, chiếu, dép, khăn của các đối tượng ở trung tâm trong giai đoạn 2013-2014. Để lấy được khoản tiền này, bà Phương đã giả mạo chữ ký của hộ lý hoặc hộ lý ký nhưng đối tượng không được nhận.

Từ năm 2012 đến tháng 8/2015, các đối tượng đã bớt xén hơn 231,1 triệu đồng tiền ăn của các đối tượng bảo trợ. Theo đó, bà Phương trực tiếp quản lý, tiếp phẩm, quản lý tiền; lên thực đơn các bữa ăn hàng ngày của đối tượng và đặt mua thực phẩm cho nhà ăn. Sổ sách có xác nhận của cấp dưỡng về định lượng gạo, thịt lợn nhưng không công khai trên bảng tên tại bếp ăn, không phân công cán bộ kiểm tra, giám sát thực đơn hàng ngày.

Đặc biệt, quà của các đoàn từ thiện không được công khai, không được bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày cho đối tượng bảo trợ, với số tiền hơn 38,4 triệu đồng. Ngay khi vụ việc bị phanh phui, ông Phú và bà Phương đã giao nộp toàn bộ số tiền sai phạm.

Nguyên nhân sai phạm được chỉ ra do buông lỏng quản lý từ các phòng ban chuyên môn của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, tới cấp trực tiếp là giám đốc trung tâm. Lãnh đạo và điều hành đơn vị không tuân thủ theo nội quy, quy chế hoạt động của Trung tâm. Việc phân công, phân nhiệm cán bộ không hợp lý, vi phạm những việc không được làm theo quy định của luật viên chức và luật ngân sách.
     
Đặc biệt, năm 2013, đoàn của sở đã thanh tra toàn diện tại đơn vị nhưng không phát hiện ra các sai phạm như nội dung tố cáo. 

Cục Bảo trợ Xã hội yêu cầu Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Phú và bà Phương. Đồng thời kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với cán bộ viên chức  của trung tâm và đơn vị, cán bộ có liên quan đến những sai phạm trên.

Để chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý và hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. 

'Hội chứng xây trụ sở ngàn tỷ': Tỉnh nào chuẩn bị xây nên xét lại

Theo Nguoiduatin-04.11.2015

Thông tin về việc nhiều tỉnh thành đua nhau xây trụ sở luôn là vấn đề khiến dư luận xã hội quan ngại. Tỉnh Nghệ An cũng khiến dư luận nóng lên với kế hoạch xây trụ sở 2.200 tỷ đồng.


Báo chí trong nước đưa tin, ngày 28/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường và Hội đồng tuyển chọn đã nhất trí với phương án xây dựng tòa nhà khu hành chính tập trung sở ngành, gồm 2 tòa tháp cao 27 tầng. Chi phí dự kiến của dự án khoảng 2.178 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, trước đó, tỉnh Nghệ An cũng vừa đưa vào sử dụng trụ sở UBND tỉnh mới cao 11 tầng với kinh phí khoảng 365 tỷ đồng từ vốn ngân sách.

Dư luận xã hội cũng lo ngại đến "hội chứng xây trụ sở" hàng nghìn tỷ đồng khi rất nhiều tỉnh đầu tư lớn cho vấn đề này.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thẳng thắn nói:

“Với các tỉnh đã xây rồi thì thôi nhưng tỉnh nào đang chuẩn bị xây, còn trong quá trình khởi động dự án thì cần phải xem xét lại. Trước mắt, tôi nghĩ các dự án đó nên dừng lại, đến khi nào kinh tế khá hơn, có khả năng thì sẽ xây sau”.

ĐB Đỗ Văn Vẻ cũng khẳng định: “Việc xây các trụ sở lớn trong lúc này, tôi nghĩ là cần phải hạn chế lại. Một là, chúng ta không có tiền, hai là xây xong rồi mà không phát huy tác dụng, gây lãng phí thì điều đó là không cần thiết”.
'Hội chứng xây trụ sở ngàn tỷ': Tỉnh nào chuẩn bị xây nên xét lại - Ảnh 1
ĐB Đỗ Văn Vẻ không đồng tình với "hội chứng xây trụ sở" nghìn tỷ khi ngân sách đang khó khăn. Ảnh Dương Thu

Để minh chứng cho quan điểm của mình, ĐB Đỗ Văn Vẻ phân tích: “Lĩnh vực thu chi ngân sách của Nhà nước hiện nay đang mất cân đối, bội chi lớn. Các ĐBQH trên nghị trường những ngày qua đã rất tâm huyết và lo lắng cho ngân sách Quốc gia.

Đồng thời, mỗi ĐBQH cũng đều trăn trở và suy nghĩ chi vào việc gì, mục đích chi thật trọng tâm, phát huy hiệu quả thì mới chi. Hiện nay, có nhiều khoản chi mà chúng ta chưa phát huy hiệu quả, đầu tư lớn nhưng dàn trải.

Trong số các vấn đề bất hợp lý từ nhiều năm nay, Quốc hội cũng đã và vẫn đang bàn thảo vấn đề thắt chặt chi tiêu, nhất là chi tiêu công. Chúng ta phải tiết kiệm kể cả về kinh phí đầu tư vào các công trình, các dự án mà thấy rằng nó không phát huy được tác dụng thì phải giám sát chặt chẽ hơn. Đặc biệt, phải hạn chế trong việc chi tiêu hành chính, đi lại công tác, xây trụ sở văn phòng, sắm các loại xe công v.v…”

“Trong điều kiện hiện nay, lương của công nhân viên chức lao động còn rất thấp, nhiều khoản rất cần phải chi. Vậy chúng ta phải tiết kiệm các chi phí và những trụ sở lớn nếu xét thấy có thể chậm lại, chưa cần đầu tư ngay thì chúng ta cũng nên thu hẹp nhỏ lại. Hoặc, để khắc phục khó khăn, chúng ta nên tận dụng những cái chúng ta đang có.

Mỗi người cố gắng một chút, tiết kiệm một chút, mỗi tỉnh hạn chế xây trụ sở, tượng đài, mà theo tôi được biết, mỗi công trình như thế tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng thì tiết kiệm được nhiều lắm. Hãy thử nhân một khoản nhỏ với địa bàn cả nước thì thấy con số sẽ lớn đến mức nào”, ĐB Đỗ Văn Vẻ nhấn mạnh.

“Cần phải suy nghĩ trước tình hình kinh tế đất nước khó khăn như hiện nay. Chúng ta có thể rút bớt đi, co hẹp lại sẽ giảm bớt áp lực căng thẳng cho ngân sách, nhất là trong chi tiêu công, hành chính, đầu tư công. Lúc này, chúng ta phải thắt chặt mọi thứ”, ông trăn trở.

“Tất nhiên, nếu xây công trình để tạo điều kiện cho cán bộ làm việc, người dân thuận lợi hay mang ý nghĩa lịch sử thì cũng đều tốt cả. Nhưng trong điều kiện kinh tế của chúng ta còn đang rất khó khăn thì chúng ta phải lựa chọn cái gì cần làm trước, cái gì chưa cần thì làm sau. Như thế thì sẽ hài hòa hơn.

Việc đầu tư công nếu cần thiết vẫn phải đầu tư, ví dụ một con đường khi đi vào hoạt động mở mang cả vùng kinh tế đó thì vẫn phải đầu tư”, ĐB Đỗ Văn Vẻ nói thêm.

Đồng tình quan điểm trên, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Nếu xây dựng được những trụ sở khang trang hơn để làm việc tốt hơn cũng là cần thiết. Nhưng trong lúc mà kinh tế của Việt Nam còn đang khó khăn như thế này thì tôi thấy cần cân đối và phải suy nghĩ. Nếu xây trụ sở lớn mà ảnh hưởng đến các mặt khác cần làm hơn thì cần phải tính toán lại”.

Dương Thu

Vụ xử Dương Thanh Cường và các 'đại án'

Theo BBC-2 giờ trước 

Image copyrightTuoiTre
Image captionNgân hàng Agribank liên tiếp có mặt trong các 'đại án' thời gian qua
Phiên tòa xử Dương Thanh Cường và các đồng phạm theo dự kiến lẽ ra tuyên án chiều 4/11, nhưng việc ra phán quyết đã được lui lại một hôm.
Vụ xử của Tòa án TPHCM liên quan vụ ông Dương Thanh Cường lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Chi nhánh 6 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Là một trong tám vụ 'đại án' được Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng yêu cầu xét xử sơ thẩm trước Đại hội Đảng lần thứ 12, đây cũng là một trong những vụ có tổng số tiền bị cho là thất thoát lớn nhất, lên tới 966 tỷ đồng.
Bắt đầu từ hôm 22/10 và trải qua nhiều ngày xét hỏi, tranh luận và luận tội, các bị cáo đã nói lời sau cùng trước tòa hôm 30/10.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử hôm 4/11 cho rằng "cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Agribank Việt Nam" nên đã quyết định tiếp tục tiến hành xét hỏi, trang VnExpress.net nói.
Phía công tố nói bị cáo Dương Thanh Cường đã có hai đợt làm thủ tục vay tiền của Agribank chi nhánh 6, với khoản vay lần lượt là 170 tỷ đồng và 628 tỷ đồng.
Khoản 628 tỷ nhằm thực hiện dự án Khu biệt thự vườn Thanh Phát ở huyện Bình Chánh, một dự án do Công ty Thanh Phát cũng của bị cáo Cường thực hiện. Khoản vay này được thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ba lô đất tại các quận 12 và quận 8, cùng 23 lô đất tại Bình Chánh.

Cho vay dễ dãi

Liên quan tới dự án Thanh Phát, những gì thể hiện trong cáo trạng cho thấy Dương Thanh Cường đã có cú 'làm ăn' tuyệt chiêu: dựng dự án và vay tiền từ con số 0 bằng cách đi vay để lấy tiền mua đất làm dự án, và dùng chính 23 lô đất đó làm tài sản thế chấp cho ngân hàng cho vay, Agribank chi nhánh 6.
Theo kết quả giám định, vào thời điểm 2007, 23 lô đất ở Bình Chánh cùng hai lô đất ở TP Hồ Chí Minh được định giá khoảng 163 tỷ.
Image copyrightAude GENET AFP Getty Images
Image captionTòa án TP Hồ Chí Minh nói sẽ tuyên án vào chiều 5/11 thay vì chiều 4/11 như lịch ban đầu
Tổng 25 lô đất trên vào thời điểm ra cáo trạng, tháng 9/2014, được cơ quan giám định định giá là khoảng 262,5 tỷ đồng.
Cả hai số liệu trên đều chênh lệch đáng kể so với số tiền mà Agribank chi nhánh 6 cho vay.
Nếu trị giá tài sản mà các cơ quan giám định đưa ra có thể coi là có độ chính xác nhất định, và có thể tin cậy được, thì chúng cho thấy dường như có lỗ hổng to lớn trong hệ thống thẩm định hồ sơ và xét duyệt hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng Việt Nam, với nguyên tắc giá trị các tài sản thế chấp phải bằng hoặc lớn hơn giá trị khoản vay đã không được tuân thủ.
Chưa kể tài sản đem đi thế chấp thực ra chỉ có được sau khi ngân hàng đã cho vay, và được mua bằng chính khoản vay đó.

Tám đại án và 'hố đen' hút tiền vay ngân hàng

Trong số tám vụ án trọng điểm, ba vụ khác có mức tổn thất to lớn cũng đều liên quan tới việc vay vốn ngân hàng.
Đứng đầu là vụ Phạm Thị Bích Lượng và các quan chức ngân hàng gây thiệt hại cho Agribank Nam Hà Nội 2.755 tỷ đồng
Trong vụ Lâm Ngọc Khuân, Công ty Thủy sản Phương Nam vay được 800 tỷ đồng nhờ vào hồ sơ khống.
Ở vụ Phạm Văn Cử, Agribank chi nhánh 7 bị thất thoát 600 tỷ, cũng với lý do tương tự như vụ Dương Thanh Cường là không kiểm soát chặt việc sử dụng vốn và cho vay với khoản vay lớn hơn giá trị tài sản thế chấp.
Đứng kế tiếp, nếu tính về giá trị tài sản có liên quan, là vụ Vũ Quốc Hảo tham nhũng, 130 tỷ đồng, vụ Trần Quốc Đông và một số cán bộ đường sắt nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ nhà thầu Nhật JTC, vụ Nguyễn Thế Dũng buôn lậu dầu khí, 22 tỷ đồng, và vụ án Lê Hùng Sơn cùng các nghi phạm khác.
Các vụ án trên đều được giao cho Đảng ủy Công an Trung ương và ban cán sự Đảng của Viện Kiểm sát Tối cao và của Tòa án Tối cao chỉ đạo các cơ quan cấp dưới "đẩy nhanh tiến độ", theo trang Lao Động.

Học giả nói về chuyến thăm của ông Tập

Theo BBC-7 giờ trước 


Image copyrightxinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 5-6/11, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Tập với tư cách Chủ tịch nước, người đồng thời cũng giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhân dịp này, một số học giả quốc tế và khu vực bình luận với Lê Quỳnh, BBC Tiếng Việt về ý nghĩa và tác động của chuyến đi.

Giáo sư Trầm Đinh Lập, Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phục Đán, Thượng Hải

Chủ tịch Tập đang áp dụng lối quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam khi thực hiện chuyến thăm cấp cao.
Có rất nhiều điều khác có thể làm để thúc đẩy việc trao đổi và hợp tác Trung-Việt trong các vấn đề song phương và khu vực.
Và điều quan trọng là việc bảo vệ quan hệ song phương chứ không phải làm suy yếu đi, khi mà hai bên đang có khác biệt quan điểm trong các vấn đề chủ quyền và biển đảo.


Image captionTòa Trọng tài quốc tế hôm 29/10 ra phán quyết nói tòa có quyền tài phán xử vụ Philippines kiện TQ liên quan tới biển Đông

Tiến sỹ Đinh Thụ Phạm, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Chính trị Quốc gia, Đài Loan

Tuyên bố về chuyến đi của ông Tập tới Singapore và Việt Nam diễn ra đúng vào lúc có tuyên bố về việc đơn kiện của Manila [đối với vấn đề đường lưỡi bò của Trung Quốc] được tòa trọng tài chấp nhận.
Việt Nam từng nói rằng nếu như đơn của Manila được tòa trọng tài chấp nhận thì Hà Nội cũng sẽ đệ đơn với nội dung tương tự.
Trong bối cảnh này, bất chấp thực tế là Trung Quốc đã tuyên bố bác bỏ bất kỳ phán quyền chung cuộc nào do tòa này đưa ra, thì Trung Quốc vẫn cần làm điều gì đó để duy trì “quan hệ tốt” với Việt Nam, qua đó Việt Nam sẽ không thách thức Trung Quốc một cách quyết liệt.

Tiến sỹ Rahul Mishra, Trung tâm Đông - Tây, Washington DC, Mỹ

Tôi tin rằng chuyến đi của Chủ tịch Tập tới Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nếu đặt trong bối cảnh những gì đang diễn ra tại biển Đông.
Tôi đoán rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ nêu ra những câu hỏi cứng rắn, quan trọng với ông Tập, và làm rõ những nghi ngờ về ý định của mỗi bên.
Điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra bởi quan hệ giữa hai đảng từ trước tới nay là rất gắn bó, và hai đảng luôn muốn hợp tác để giải quyết khủng hoảng.

Image copyrightReuters
Image captionTàu khu trục USS Lassen hôm 27/10 đã vào trong khu vực biển 12 hải lý mà TQ tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa

Sự gầm ghè giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong việc chiến hạm USS Lassen tiến vào phạm vi 12 hải lý gần đảo nhân tạo Subi [mà Trung Quốc xây lấn ở Biển Đông] có thể ảnh hưởng tới cuộc đối thoại, khi mà Việt Nam và Hoa Kỳ đang trở nên gần gũi nhau hơn.
Việt Nam đang đối diện nhiều rủi ro trong mọi chuyện dù là chuyện Biển Đông, quan hệ với Hoa Kỳ, hay quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Hà Nội cần phải thể hiện sự khéo léo ngoại giao để giữ thế cân bằng trong các vấn đề này trong những tháng ngày sắp tới.
Trên mặt trận kinh tế, việc Việt Nam gia nhập TPP có thể sẽ là điều làm thay đổi cuộc chơi cho Việt Nam về mặt dài hạn.
Bởi Trung Quốc không phải là một bên trong TPP, họ sẽ muốn tìm cách để hưởng lợi từ Việt Nam.
Nhìn chung, chuyến đi sẽ giúp cho hai bên hiểu rõ hơn về mối quan hệ – nhưng dù là tốt hơn hay xấu đi thì cũng chỉ có các nhà lãnh đạo mới có thể quyết định và nói ra.

'Sẽ điều tra nếu có công an đánh dân'

Theo BBC-1 giờ trước

Thượng tướng Tô Lâm
Image captionLuật sư hy vọng Thượng tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, sẽ 'giữ lời'.
Một cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC ông hy vọng Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Thượng tướng Tô Lâm 'sẽ giữ lời' điều tra nếu có chuyện công an 'trà trộn đánh dân và blogger'.
Trao đổi với BBC hôm 04/11/2015 nhân vụ hai luật sư tham gia vụ án Đỗ Đăng Dư bị hành hung, tấn công ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói:
"Luật sư mà bị tấn công thì đó là một chuyện rất không bình thường và vừa qua tôi cũng đã nói chuyện với ông Tô Lâm, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, thì tôi cũng than phiền là có một số người, các blogger bị có người chặn đánh.
"Người ta nghi vấn đó là công an, người ta nói cái đó không tốt cho công an.
"Ông Tô Lâm nói là nếu mà có những sự kiện đó xảy ra thì báo công an, thì công an sẽ điều tra ra và được xử lý.
"Tuy rằng đây là một cuộc nói chuyện riêng với ông Tô Lâm, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng tôi cho rằng lời nói đó chắc ông cũng phải giữ lời.
"Và đây cũng là một sự kiện thách thức cho những lời nói của ông, đối với tôi, cũng là một luật sư, trong cuộc gặp vừa qua," Luật sư Trần Quốc Thuận nói.

Lời nói ngụy biện?

Trở lại vụ việc hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân hôm thứ Ba bị hành hung khi tới nhà của mẹ vị thành niên Đỗ Đăng Dư để làm việc, hôm thứ Tư, báo chí Việt Nam trích dẫn lời của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nêu quan điểm về vụ việc:
"Có một vấn đề ở đây là tình hình ở Chương Mỹ rất phức tạp, khi mọi người đến thì cũng nên thông báo để cho cơ quan công an có phương án bảo vệ.
"Đây là trách nhiệm của công an phải bảo đảm an ninh trật tự chứ đừng chủ động vào."
Bình luận về phát ngôn này của tân Phó Bí thư Thành ủy kiêm lãnh đạo Công an Hà Nội, luật sư Trần Quốc Thuận nói:
"Cái việc mà bảo rằng đi làm cái gì đó cũng báo cho công an, thì đó là một lời nói ngụy biện và cũng không có tiền lệ đi tới đâu cũng báo công an, công an sẵn sàng bảo vệ, cái chuyện đó không có."
Luật sư Trần Quốc Thuận nói tiếp:
"Câu đó công an không thể nói được, vì tình hình có phức tạp thì mới có công an, công an sinh ra để giải quyết cái phức tạp, còn nói đi đâu cũng có thể bị người ta đánh, đi đâu cũng có thể bị người ta tấn công, thì trật tự công an, trật tự thế sao gọi là trật tự an toàn xã hội được?"
"Còn công an thì ăn lương để làm gì? Phải giữ trật tự, nơi nào mà có bất an thì công an phải đến đó mà giải quyết, chứ còn ai đi vào chỗ nào, chỗ kia mà biết chỗ nào là bất an, chỗ nào là không bất an," Luật sư Thuận nói với BBC từ Sài Gòn qua điện thoại hôm 4/11.

'Việt Nam quá mềm với TQ'

 Theo BBC-59 phút trước 

Image copyrightAlexey Kudenko RIA Novosti Getty Images
Image captionÔng Tập thăm Việt Nam ngay trước thềm Đại hội 12
Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Minh Thuyết nói Việt Nam đã có thái độ quá mềm mỏng đối với Trung Quốc.
Phát biểu của ông Thuyết được đưa ra trước Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt được phát trực tiếp từ 19:30-20:00 ngày 5/11, ngày Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam và gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp ở Hà Nội.
Giáo sư Thuyết cũng nói ông không hoan nghênh chuyến thăm của ông Tập Cận Bình và nói thêm:
"Việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trong suốt quá khứ gắn liền với những người lãnh đạo ở Trung Nam Hải và những hành động gần đây gắn liền với tập đoàn ở Trung Nam Hải do ông Tập Cận Bình đứng đầu.
"Nhưng việc ông Tập Cận Bình được mời sang Việt Nam cũng là việc bang giao bình thường giữa hai nước láng giềng và tôi nghĩ tập thể lãnh đạo hai nước cũng cần phải có những sự bàn bạc, trao đổi để giải quyết vấn đề trong quan hệ hai nước."

'Vi phạm trắng trợn'

Giáo sư Thuyết cũng nói cần tránh để xảy ra chiến tranh nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Việt Nam quá mềm mỏng trước Trung Quốc.
Image copyrightAFP
Image captionGiáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói ông "không hoan nghênh" ông Tập tới Việt Nam
"Thực ra thì những phản ứng của Việt Nam trong thời gian qua trước những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, thậm chí là xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam thì đối với nhiều người người ta thấy là khó hiểu.
"Tôi thấy tương quan lực lượng giữa hai bên cũng khá là chênh lệch và Việt Nam cũng thực hiện chính sách khéo léo, mềm mại để giải quyết vấn đề.
"Nhưng có thể nói đối với những người lãnh đạo Trung Quốc hiện nay với tư tưởng bành trướng của họ thì không thể thực hiện những phương pháp như thế được.
"Thực ra không ai muốn chiến tranh và tốt nhất là không để xảy ra chiến tranh nhưng chúng ta cũng có thể áp dụng những biện pháp cứng rắn để đòi lại chủ quyền lãnh thổ, hoặc ít ra khẳng định mạnh mẽ lập trường của mình trước công luận.
"Tôi lấy thí dụ có thể hành động như Philippines, đấy cũng là một trong những phương án mình cần phải lựa chọn để Trung Quốc họ cũng phải chùn tay khi thực hiện những hành động khiêu khích, những hành động xâm chiếm, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam rất là trắng trợn như trong thời gian vừa qua và ngay cả hiện nay.
"Hiện nay Trung Quốc vẫn không ngừng bồi đắp những đá nhân tạo, những đá đã chiếm của Việt Nam, thậm chí họ còn sân bay trên những đá chiếm của Việt Nam.
"Đó là những bước đi nguy hiểm, vi phạm công ước quốc tế."
Trong khi đó Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền "không thể tranh cãi" của họ tại các quần đảo Hoàng Sa mà hiện Bắc Kinh chiếm toàn bộ và Trường Sa nơi họ chiếm một số ít đảo so với các nước như Việt Nam và Đài Loan.

'Bàn tròn thứ Năm'

Các khách tham gia Bàn tròn thứ Năm của BBC từ 19:30-20:00 tối 5/11 sẽ thảo luận về ảnh hưởng của chuyến thăm Việt Nam lần này của chủ tịch Trung Quốc trong bối cảnh có những lời kêu gọi tẩy chay chuyến thăm vốn diễn ra sau khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ấm nóng thêm.
Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, nhận định với BBC trong tuần trước:
"Tôi đánh giá chuyến đi này của ông Tập Cận Bình không phải là chuyến đi chủ động mà chuyến đi này xảy ra sau khi có chuyến đi sang Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Bởi vì khi hạ đặt giàn khoan 981, nhiều thông tin quốc tế cho thấy phía Việt Nam và đặc biệt là tổng bí thư cũng đã nhiều lần đề nghị tiếp xúc nhưng cũng khoảng 20 lần từ chối.
"Vấn đề chuyến đi chỉ đặt ra gần đây nhất sau chuyến đi Mỹ của tổng bí thư, phó thủ tướng Trung Quốc sang và thông báo ngay Tập Cận Bình sẽ sang."
Bàn tròn thứ Năm cũng đang mời một phó giáo sư Trung Quốc, người nói thành thạo tiếng Việt tham gia chương trình.