Thảo Vy - Nguyễn Phúc-17-06-2016
(VNTB) - Phải chăng khi Việt Nam cần có tiền bằng mọi giá, nên chọn “trái phiếu Samurai”, và khi túng quá, sẽ rất dễ bước sang “khoản vay Ninja”?
Trong Quyết định số 1011/QĐ-TTg mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký, có một chi tiết rất cần bàn luận, là nếu các nội dung của Quyết định số 1011/QĐ-TTg vẫn chưa “gom” đủ tiền để trả nợ và chính phủ chi tiêu thì sẽ tiếp tục vay “trái phiếu Samurai”.
Việt Nam nợ tứ giăng
Quyết định số 1011/QĐ-TTg có tên “Về việc phê duyệt kế hoạch vay trả nợ của chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016”. Những con số nợ thể hiện trong quyết định này như sau:
Trong năm 2016, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cần vay tổng số tiền là 452.000 tỷ đồng. Lý do vay: để bù đắp bội chi là 254.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60.000 tỷ đồng; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43.000 tỷ đồng; vay đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng.
Về nguồn huy động vốn, sẽ vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là 336.000 tỷ đồng. Vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA, ưu đãi 4.700 triệu USD; tương đương 99.000 tỷ đồng, trong đó 43.000 tỷ đồng cho vay lại và 56.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước.
Huy động 17.000 tỷ đồng thông qua các hình thức khác như: phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế,... Trường hợp cần thiết phát hành trái phiếu quốc tế hoặc trái phiếu Samurai.
Trong năm 2016, phải trả nợ là 273.300 tỷ đồng
Quyết định số 1011/QĐ-TTg cho biết trong số tiền đó, thì phần trả nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ lấy trong ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 là 154.000 tỷ đồng, tương đương 15,2% dự toán thu NSNN năm 2016; Trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại khoảng 24.000 tỷ đồng; Đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng.
Hạn mức vay được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung dài hạn nước ngoài của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2016, bao gồm: Hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh năm 2016 tối đa là 39.000 tỷ đồng, bao gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa là 23.000 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tối đa là 13.000 tỷ đồng; các dự án trọng điểm quốc gia tối đa là 3.000 tỷ đồng. Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 1.500 triệu USD. Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả là 5.500 triệu USD. Hạn mức trái phiếu chính quyền địa phương là 12.500 tỷ đồng.
Việt Nam có nợ công là bao nhiêu từ đồng yên?
Ngoại trừ những quan chức cấp cao của Bộ Tài chính và bộ máy Chính phủ, thì không ai có thể trả lời được câu hỏi này, mặc dù ở tầm quốc gia, trong cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam, một tỷ trọng không nhỏ là bằng đồng yên.
Trong các bản tin nợ công, được công bố hàng quý, Bộ Tài chính không còn phân biệt rõ “nợ nước ngoài của Chính phủ theo loại tiền”. Tuy nhiên từ năm 2013 trở về trước, trong Bản tin nợ nước ngoài, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, thống kê khá rõ dư nợ bằng các ngoại tệ mạnh của Việt Nam. Theo đó, dư nợ bằng đồng yên luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và ở vị trí dẫn đầu, có thời điểm cao gần gấp đôi nợ bằng đồng đô la Mỹ. Điều này có thể hiểu được bởi các khoản vay ODA hay các khoản vay ưu đãi của Nhật đều được giải ngân bằng đồng yên.
Không biết hiện tại dư nợ bằng đồng yên trong tổng nợ nước ngoài của quốc gia ở mức nào, nhưng bất kỳ sự lên giá nào của đồng yên cũng khiến cho việc trả nợ gốc và lãi tăng lên nếu tính ra tiền Việt. Như vậy, ngân sách sẽ phải bỏ ra một khoản nhiều hơn dự kiến. Ngược lại ngân sách sẽ “thở phào nhẹ nhõm” nếu đồng yên đến cuối năm hay đến điểm trả nợ định kỳ, vì một lý do nào đó, lại chạy về 125-130 yên/đô la Mỹ.
Giá vào chiều ngày 13-6-2016 của Ngân hàng HSBC, tỷ giá 109,38 yên/đô la. Một nhân viên kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng ở TPHCM dự đoán viễn cảnh 100 yên/đô la không còn xa, đồng thời nhắc lại cái thời 80 yên/đô la Mỹ. Tại thị trường tài chính Việt Nam, chỉ riêng trong quý 1-2016, yên lên giá 6,14% và euro lên giá 2,9% so với tiền đồng. Ngay lập tức các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng đồng yên và euro phải trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá nhiều hơn, lợi nhuận tụt giảm, có trường hợp lỗ. Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC-Hose) lỗ chênh lệch tỷ giá quý 1-2016 (theo báo cáo tài chính quý) 261,5 tỉ đồng, khiến lợi nhuận cả quý âm 157 tỉ đồng. Đến cuối tháng 3-2016, Phả Lại còn số dư nợ tới 22,2 tỉ yên. Năm ngoái năm kia, cổ đông PPC vui mừng vì đồng yên mất giá bao nhiêu, thì năm nay họ buồn vì đồng yên tăng giá bấy nhiêu. Họ sẽ còn buồn hơn khi đồng yên vẫn chưa chấm dứt chuỗi ngày bứt phá về giá trị.
Trái phiếu Samurai (samurai bond): những rủi ro
Do tình hình điều kiện kinh tế và xã hội, Ngân hàng Thế giới (WB) có những loại trái phiếu khác nhau phát hành tại Nhật Bản tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Khi ngân hàng WB phát hành trái phiếu đầu tiên tại Nhật Bản năm 1971, đồng yên vẫn chưa được đưa vào rổ các đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cũng chưa được công nhận rộng rãi. Thị trường tài chính của nước này cũng còn chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, dạng trái phiếu này được gọi là “trái phiếu samurai”, là loại được phát hành bằng đồng yên cho thị trường nội địa Nhật Bản và bảo lãnh bởi một tổ chức tài chính quốc tế mà ở đây là ngân hàng WB.
Trái phiếu mà WB phát hành tại Nhật Bản năm 1971 có thể coi là một trong những dạng trái phiếu Samurai đầu tiên tại đây và qua đó tạo nên một làn sóng phát hành trái phiếu Samurai tại Nhật bản trong những năm sau đó. WB tiếp tục phát hành trái phiếu Samurai cho đến tận giữa thập niên 80 trước khi chuyển quá loại mới. Tuy nhiên, hiện loại trái phiếu này vẫn có thể được WB phát hành tùy vào tình hình hay yêu cầu của nhà đầu tư.
Thông thường, trái phiếu samurai sẽ mang đến cho nhà phát hành một khoản vốn bằng yên cần thiết giúp họ đầu tư hay thâm nhập vào thị trường Nhật, thay vì phải đi vay từ các ngân hàng thương mại. Lợi ích thứ hai gắn liền với đặc thù lãi suất rất thấp của đồng yên trên thị trường vốn Nhật. Lợi dụng ưu thế lãi suất thấp nói chung khi vay bằng đồng yên, nhà phát hành trái phiếu samurai có thể chuyển đổi lượng vốn thu được sau phát hành sang các loại tiền tệ khác theo nhu cầu của, hoặc tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của nhà phát hành ở nước sở tại (ngoài Nhật), mà bình thường ra thì sẽ phải huy động và trả lãi cao hơn khá nhiều để có được khoản vốn bằng bản tệ cần thiết này.
Lợi ích thứ ba, trái phiếu samurai đôi khi còn được dùng để phòng chống rủi ro (hedging) ngoại hối. Ví dụ, nhà phát hành có sẵn một hợp đồng mua hàng bằng yên có thời điểm thanh toán trong kỳ tới, trong khi doanh thu của họ lại chủ yếu bằng USD. Để tránh rủi ro đến thời hạn thanh toán thì đột nhiên yên mạnh lên so với USD gây thiệt hại, nhà phát hành sẽ qua kênh trái phiếu samurai để dự trữ sẵn một lượng yên cần thiết dành cho việc thanh toán này, mà không còn phải bận tâm đến rủi ro tỷ giá USD/Yen nữa.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng không phải là vô cớ mà một số tổ chức và nhà đầu tư Nhật mong muốn Việt Nam phát hành trái phiếu samurai, và việc phát hành này cũng không phải là không mang đến rủi ro cho Việt Nam.
Với các nhà đầu tư Nhật, trái phiếu samurai là một “món ngon” để đầu tư vì trái phiếu này được phát hành tại Nhật, theo các luật lệ của Nhật, và như là “cây nhà lá vườn”, rất quen thuộc với họ và đặc biệt phù hợp với khẩu vị đầu tư cẩn trọng của người Nhật. Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật chật vật trong thiểu phát, đầu ra các sản phẩm và kênh đầu tư sinh lời cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các quỹ hưu trí Nhật rất bị hạn chế nên các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí Nhật có xu hướng ngày càng nắm giữ một lượng lớn trái phiếu phát hành nội địa, bằng đồng yên như là một kênh đầu tư sinh lời phù hợp và ưa thích.
Về phía chính phủ Nhật, không phải vô cớ mà Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đứng ra nhận bảo lãnh cho các nhà phát hành, đặc biệt là các nước đang phát triển có xếp hạng tín dụng thấp, trong việc trả nợ trái phiếu samurai, vì Nhật cũng đang muốn đẩy mạnh việc sử dụng yên như một đồng tiền quốc tế. Bởi vậy, nếu Việt Nam phát hành trái phiếu samurai thì sẽ tạo ra thêm hàng hóa được nhiệt tình đón nhận bởi các nhà đầu tư Nhật. Ví dụ, trong nhiều đợt phát hành trái phiếu samurai của các tổ chức tài chính quốc tế như ADB và WB trước đây, các ngân hàng Nhật đã mua vào với tỷ trọng lớn (có đợt lên tới 80% tổng giá trị phát hành).
Về phía nhà phát hành là chính phủ Việt Nam, ngoài các lợi ích nêu trên, phát hành trái phiếu bằng yên sẽ phải đối mặt với một rủi ro lớn và chủ yếu, đó là biến động tỷ giá. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu samurai của chính phủ Việt Nam mà người sử dụng cuối cùng sẽ gặp bất lợi khi tỷ giá VND/Yen, USD/Yen và tỷ giá giữa Yen với một số ngoại tệ khác biến động mạnh như thời gian qua.
Chẳng hạn, nếu chính phủ cho vay lại nguồn vốn này cho một số doanh nghiệp nhà nước để họ đổi ra USD và dùng vào nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước (tức có nguồn thu chủ yếu bằng VND). Bình thường, nếu tỷ giá VND/USD và USD/Yen không biến động mạnh thì Việt Nam nhìn chung là có lợi lớn vì lãi suất trái phiếu samurai thường rất thấp, kể cả với nhà phát hành có mức độ xếp hạng tín nhiệm thấp (theo một nghiên cứu của Bank of America thì lợi suất trái phiếu samurai phát hành bởi một công ty được xếp hạng ở mức “đầu tư” chỉ bằng phân nửa so với lợi suất trung bình trên các thị trường vốn ngoài Nhật).
Nhưng sẽ là thảm họa lớn cho những doanh nghiệp nhà nước này, và rốt cục là ngân sách nhà nước, khi không những VND mất giá so với USD mà đến lượt nó, USD cũng lại mất giá so với yên.
Túng quá, hóa liều
Một khi tín hiệu phát hành trái phiếu samurai đã được người đứng đầu chính phủ đưa ra thì khả năng sẽ bước tiếp sang “khoản vay Ninja” là một khả năng cần đề cập đến.
Khoản vay “Ninja” là những khoản vay vốn dành cho khách hàng không cần chứng minh thu nhập, nghề nghiệp hiện tại cũng như tài sản thế chấp. Thay vào đó, những người vay thuyết phục chủ nợ rằng khối tài sản mà họ vay để mua sẽ tăng giá và đem lại lợi nhuận. Rõ ràng, kiểu cho vay này khá rủi ro nhưng chúng lại là loại tín dụng được dùng nhiều nhất trong bong bóng thị trường bất động sản tại Mỹ khoảng 2003-2007 khi giá nhà đất liên tục tăng và nhiều tổ chức tài chính hay nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào đây với mức rủi ro cao. Tuy nhiên ở Nhật đang có những ông bà chủ sẳn sàng “khoản vay Ninja”.
Lâu nay người Việt Nam sẵn sàng xuống đường biểu tình để chống Trung Quốc xâm lược, chống sự bất tường minh của nhà cầm quyền về môi trường – như cây xanh, cá biển… Chưa có bất kỳ diễn đàn nào, lời kêu gọi nào từ cộng đồng về cuộc tuần hành yêu cầu nhà cầm quyền minh bạch chuyện vay nợ và xài tiền từ vay nợ đó ra sao.