Monday, August 24, 2015

Vịt giời Bắc Kinh trúng đạn

Theo Người Việt-08-24-2015 6:04:07 PM
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Người viết này chỉ có một mũi tên mà đòi bắn hai con chim trong bầy ngỗng đang bay ngang một mùa Hè đỏ lửa. Hai con chim đó là kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mùa Hè đỏ lửa là các thị trường chứng khoán của toàn cầu toàn rực lên màu đỏ từ tuần trước.
Phân vân bất định nên đành phải đánh “oẳn, tù, tì” như bầy con nít. Vì tay mặt đánh với tay trái nên dĩ nhiên là ngần ấy hiệp đều huề. Cho nên xin đành khỏi chọn mà... bắn đại lên trời trong giới hạn một ngàn năm trăm chữ.
***
Kinh tế Trung Quốc đang gặp vấn đề. Nhẹ thì suy trầm là hạ cánh an toàn với đà tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu hoảng tiều của lãnh đạo Bắc Kinh. Nặng thì suy thoái là hạ cánh tan tành. Họ do dự giữa hai bờ sinh tử và đang rơi vào cửa suy thoái, depression.
Những ai không mắc bệnh Mê Tàu thì có thể biết rằng các nước bắt đầu áp dụng quy luật thị trường đều có thể đạt mức tăng trưởng cao vào giai đoạn đầu. Nhưng sau vài chục năm thì cũng phải điều chỉnh với tốc độ chậm hơn của nền kinh tế trưởng thành đã công nghiệp hóa. Nhiều nước Đông Á đã trải qua kinh nghiệm này mà chỉ có Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan là lên tới Quang Minh Đỉnh. Các nước khác thì lẹt đẹt phía sau, bị vây trong “bẫy sập của lợi tức trung lưu,” là lợi tức trung bình một đầu người chỉ ở khoảng 10 ngàn đô la một năm mà không vượt lên trình độ Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan, người dân có lần lượt là 36 ngàn, 28 ngàn và 23 ngàn đô la.
Trung Quốc đang nằm trong bẫy sập ấy, với lợi tức đồng niên khoảng bảy ngàn bẩy và rất nhiều vấn đề sau 30 năm tăng trưởng thiếu phẩm chất. Nhưng vấn đề lớn nhất của xứ này là tham vọng của lãnh đạo. Như nhiều đứa trẻ chậm lớn, họ không muốn chọn mà đòi những điều mâu thuẫn.
Thí dụ nóng hổi là họ vừa muốn kiểm soát đồng bạc mà họ gọi bịp là Nhân Dân Tệ Renminbi, lại vừa muốn đồng Nguyên đó trở thành ngoại tệ phổ biến như đồng Mỹ kim. Với tham vọng đồng “Khối” này sẽ là ngoại tệ dự trữ khả dĩ thay thế đô la Mỹ sau này. Khối là tiếng lóng của người Tàu khi gọi đồng Nguyên của họ.
Chuyện đồng Nguyên là một trong bốn năm lý do khiến Bắc Kinh “hạ giá” chứ không “phá giá” đồng Nguyên vào hai tuần trước. Họ hạ giá sau khi buông tay cho thị trường đẩy đồng bạc xuống chỗ trũng với sự hỗ trợ của các ngân hàng quốc doanh được chỉ thị thi hành nghĩa vụ can thiệp do Ngân Hàng Trung Ương đặt ra: khi bổ khi tả chứ đừng để sụt giá quá mạnh.
Nhưng đứa trẻ tham lam ấy chẳng biết là muốn chơi trò tác động ấy thì phải có vốn. Dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh chỉ còn chính thức là ba ngàn 650 tỷ đô la. Nếu trừ đi các khoản đã sung đương vào mục tiêu khác thì chỉ còn 700 tỷ khả dụng: không đủ dài để làm đòn bẩy. Trong khi đồng Nguyên sụt giá lại khiến thiên hạ tẩu tán tài sản ra ngoài. Từ năm ngoái đã có hơn 250 tỷ bốc hơi như vậy.
Các trung tâm đầu tư của quốc tế còn ước tính rằng đồng bạc Trung Quốc vẫn được định giá quá cao nên từ nay qua năm tới còn phải hạ từ tám đến 10%. Muốn giữ giá cho khỏi tuột thì mỗi tháng Bắc Kinh sẽ mất thêm 40 tỷ đô la trong dự trữ. Một là kinh tế mất 40 tỷ vì nạn chuyển ngân lậu ra ngoài, hai là nhà nước mất 40 tỷ để chặn đà tẩu tán! Chọn đi em.
Đứa trẻ Bắc Kinh không thể chọn được nên đứng khóc giữa chợ đời. Thuật ngữ kinh tế gọi đó là thị trường tuột giá! Đã nói đến chuyện tuột giá thì hãy ngó vào thị trường cổ phiếu mất giá.
***
Tuần qua chỉ số phức hợp Thượng Hải SHCOM sụt hơn 10%, riêng trong ngày 25 thì mất 8.5%, mấp mé cái ngưỡng tâm tâm lý đáng sợ là 3,200 điểm. Ít ai chú ý là ngoài giới đầu tư cò con, nhiều doanh nghiệp lại dùng tiền vay ngân hàng làm vốn luân lưu đi đánh bạc trên thị trường chứng khoán. Khi cổ phiếu mất giá thì doanh nghiệp mất tiền và ngân hàng mất nợ.
Từ đỉnh cao là gần 5,200 điểm vào ngày 12 Tháng Sáu, chỉ số Thượng Hải chỉ còn 3,200 điểm. Mất toi 40%. Nghĩa là các ngân hàng bị nguy cơ kẹt thanh khoản, thiếu tiền mặt.
Vì thế mới có tin đồn Bắc Kinh sẽ lại hạ lãi suất hoặc giảm mức dự trữ pháp định để bơm thêm tiền vào qua ngả ngân hàng thị trường. Nhưng đứa trẻ Bắc Kinh lại phân vân vì tiền càng nhiều và rẻ thì tư bản càng tẩu tán mau hơn. Có lẽ đấy là nguyên nhân chính khiến đứa trẻ ngồi lên đôi tay theo phép “vô vi.” Là chẳng làm gì cả. Nên thị trường cổ phiếu mới đổ dốc trong ngày Thứ Hai Đen.
Và hiện tượng Trung Quốc suy thoái đã bắt đầu!
Nhưng mũi tên của người viết đã bay quá nhanh! Sau con vịt Bắc Kinh thì trúng vào con chim Mỹ.
***
Sau vụ sụt giá chứng khoán năm 1929, Hoa Kỳ dại dột lao vào phản ứng bảo hộ mậu dịch và thiết lập chế độ bao cấp khiến vụ sụt giá cổ phiếu mới dẫn tới Tổng khủng hoảng 1929-1933. Cũng thế, vụ khủng hoảng tài chánh tại Mỹ năm 2008 khiến người ta hốt hoảng kết án tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ bao cấp kiểu Barack Obama và một số học giả còn ca tụng mô hình Trung Cộng hay ưu thế của “Đồng thuận Bắc Kinh” là xuất sắc hơn Mỹ!
Hãy đọc các con vẹt Thomas Frriedman hay Fareed Zakaria thì biết.
Bây giờ, Bắc Kinh công khai tự chứng minh tính chất bất lực của lũ trẻ chưa sống trong kinh tế thị trường nên chưa biết chọn, thì đấy là cơ hội cho Hoa Kỳ giành lại thế chủ động và đề cao giá trị của kinh tế tự do. Khốn nỗi, Hoa Kỳ đang có bầu cử và thị trường thì lại hốt hoảng như vào Tháng Chín 2008. Người nào suy nghĩ sâu xa hơn một chút thì thấy kinh tế Mỹ chưa phục hồi, thất nghiệp có giảm mà lợi tức không tăng. Và lực lượng lao động lại co cụm tới mức thấp nhất kể từ mấy chục năm qua. Cả chục triệu người nản chí không muốn khai báo kiếm việc nữa nên thống kê máy móc mới ghi là thất nghiệp giảm!
Khi kinh tế Trung Quốc đi vào suy thoái thì mô hình phát triển kiểu Bắc Kinh cũng phá sản.
Thế giới có thể bị tổng suy trầm như vào năm 2008-2009. Nhưng lần này sẽ không do khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ và Âu Châu gây ra như lần trước. Mà xuất phát từ Trung Quốc và các nền kinh tế gọi là “đang lên” đã lao vào cuộc chơi của Bắc Kinh từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư và xuất cảng với mọi giá đã hết nhiệm màu và Trung Quốc cũng hết xuất cảng nạn giảm phát qua nước khác.
Đấy là một tin vui, mặt trái màu hồng của những biến động vừa qua.
Bài này được viết trễ hơn mọi khi, sau 24 tiếng theo dõi những vần vũ của các thị trường từ Á qua Âu về đến Bắc Mỹ. Khi thị trường Nhật Bản rồi Trung Quốc đóng cửa thì các thị trường Âu Châu mở bát. Khi Âu Châu kéo màn đỏ là New York mở cửa rồi tuột giá gần 7%, Chỉ số Dow Jones mất 1089 điểm khi tiếng chuông mở màn vừa dứt! Còn một tiếng nữa thì Thượng Hải lại hãi hùng. Nhưng tòa soạn đã gọi. Xin giao nạp cung tên và hẹn nhau kỳ tới vậy!

Đằng sau cái gọi là sự ‘nhục nhã’

Theo Người Việt-08-24-2015 1:34:53 PM
Lê Diễn Đức
Đồng hành cùng với cơn sốt trong kỳ thi tuyển vào đại học năm nay tại Việt Nam là hình ảnh một cử nhân cầm biển xin việc đứng giữa đường.
Cái tít của bài “Cầm biển đứng giữa đường xin việc: Nhục nhã thay cho một cử nhân” trên báo nhà nước đã bị dư luận xã hội chỉ trích mạnh mẽ.
Tấm biển mà người thanh niên cầm có nội dung: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi...”
Người thanh niên đó là Phùng Đức Ninh (sinh năm 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh), vừa tốt nghiệp cử nhân trường đại học Điện Lực.
Việc cầm biển xin việc đứng đường chẳng có gì là nhục nhã cả, cùng lắm chỉ thể hiện sự bất lực, bế tắc của anh ta trong bối cảnh xin việc khó khăn hiện nay ở Việt Nam.
Một đại diện doanh nghiệp tại Hà Nội động lòng có ý muốn tuyển dụng Ninh, viết cho tờ Đời Sống & Pháp Luật:
“Chúng tôi biết đến trường hợp của bạn Phùng Đức Ninh sau khi đọc bài viết trên báo Đời Sống & Pháp Luật. Bản thân tôi rất khâm phục ý chí và nghị lực của Ninh. Dám nghĩ, dám làm, bỏ qua sĩ diện bản thân để tìm việc làm nuôi sống bản thân và gia đình. Đó là điều doanh nghiệp chúng tôi cần ở một nhân viên.”
“Tại sao nhiều người lại chỉ trích cậu ấy, Ninh hành động vì cuộc sống tương lai của mình, vì cô con gái mới sinh đang cần có sữa. Nhiều kẻ vì tiền mà bất chấp tất cả, nhưng Ninh đâu có làm điều gì vi phạm, bạn ấy không đáng bị lên án. Bạn ấy phải là người được ca ngợi”- người đại diện doanh nghiệp nói thêm.
Bộ Lao Động, Thương Binh & Xã Hội vừa công bố mới đây rằng, riêng ba tháng đầu năm 2015, cả nước có 1,159,800 người thất nghiệp, tăng 114,200 người so với cùng kỳ 2014, trong đó, có đến gần 300,000 người có trình độ đại học, trên đại học và cao đẳng chuyên nghiệp. [1]
Phùng Đức Ninh chỉ là một trong hàng trăm ngàn trường hợp khác ấy!
“Chạy” học
Chỉ trừ một số rất ít con nhà giàu được học ở các trường quốc tế, bắt đầu từ tiểu học, cha mẹ đã méo mặt “chạy” trường học cho con, thậm chí nếu không tận dụng được sự quen biết thì phải hối lộ.
Cho đến hết trung học, tốn bao nhiêu công sức và chi phí đóng cho trường và thầy cô, cầm cái bằng tốt nghiệp trung học để thi được vào đại học quả là một chặng đường đầy gian an khổ cực.
Nhiều “phụ huynh căng thẳng, bơ phờ, dầm mưa, thức đêm, xếp hàng chờ đợi, quay cuồng lo lắng để học sinh có thể bước chân vào một trường đại học.”
Mùa thi tuyển năm nay như “một trận đánh lớn” (lời Bộ Trưởng Giáo Dục Phạm Vũ Luận) mà người đại bại là học sinh và gia đình, mệt mỏi đến phờ phạc, nhếch nhác, chen chúc nhau nơi thu nhận hồ sơ của các trường, thậm chí có phụ huynh đã thuê xe cấp cứu chạy hơn 350 km từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để rút hồ sơ xin học cho con.
Giáo Sư Võ Tòng Xuân đã nhận xét: “Chưa bao giờ có cuộc tuyển sinh lạ lùng nhất không thể tìm thấy nơi nào trên quả địa cầu này ngoài Việt Nam. Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 sẽ đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam như là một cơn hãi hùng không những đối với thí sinh và phụ huynh ăn ngủ không yên, tốn bạc triệu đi tới đi lui xem kết quả tạm thời và chờ đợi rút hồ sơ... mà còn đối với hội đồng tuyển sinh của các trường cao đẳng và đại học phải làm việc không nghỉ.” [2]
Chất lượng học
Trong thập niên đầu của thiên niên kỷ, thời ông Nguyễn Thiện Nhân được Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, các trường đại học Việt Nam mọc lên như nấm. Nhận được giấy phép mở trường đại học giống như nhận được giấy phép xây một ngôi nhà. Tất cả đều phải có chi phí bôi trơn. Từ đây đẻ ra không ít trường đại học ra đời mà cơ sở vật chất không có gì, lực lượng giáo viên thiếu trầm trọng.
Các trường đại học quốc doanh vốn chất lượng đã tệ hại, không một trường nào có vị trí trong Top 500 của thế giới, bằng cấp không được quốc tế thừa nhận. Nói chi đến các trường tư! Thế nhưng, như cái cối xay thịt, từ các trường đại học hàng nằm vẫn cho ra hàng trăm ngàn sản phẩm có bằng cấp như ai, thậm chí cả thạc sĩ, tiến sĩ.
Hoàng Xuân Hiển, kỹ sư cơ khí Đại Học Bách Khoa Hà Nội, tốt nghiệp năm 2009, đề nghị vận động chiến dịch “đốt bằng,” viết trên trang Facebook của mình:
“Đa số chung ta đang sai lầm cơ bản về việc học, đặc biệt là học đại học! Học mà không biết học để làm gì, học chỉ để thi đỗ, thi đỗ chỉ để lấy bằng.
Tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều sinh viên, đa phần khi tôi hỏi em thích ra trường làm gì hoặc đam mê của em là gì họ đều không có câu trả lời, hoặc trả lời rất mung lung.
Thực tế cho thấy, đa phần sinh viên hiện nay ra trường không biết làm gì! Một số chọn đi học... thạc sĩ, tiến sĩ... Thế nên số thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam mới khủng khiếp nhất trên thế giới!”
Đấy là nói chuyện chất lượng đào tạo. Chất lượng học tập và tiếp thu kiến thức của sinh viên đại học ra sao. Tờ Tuổi Trẻ cho hay:
“Chỉ mất một ít tiền là có người đi học giùm, mất thêm một ít tiền nữa có ngay người đi thi giùm. Chuyện học thuê, thi hộ (học giả, thi giả) đã hợp pháp hóa cho những người không cần học hoặc học không đến nơi đến chốn vẫn có được tấm bằng thật 100%.
Chỉ cần khoảng hai triệu đồng, một sinh viên không cần học và thi nhưng vẫn đảm bảo có điểm đậu môn học nhờ dịch vụ học thuê, thi hộ nhan nhản hiện nay.” [3]
“Chạy” việc
Dùi mài kinh sử để có bằng đại học trong tay mà kiếm được việc làm là cả một hoạn lộ. Một số ít người học khá thực sự thì nhảy vào các doanh nghiệp tư nhân. Số còn lại tìm cách chui vào cơ quan nhà nước.
Một người làm quan cả họ được nhờ là hiện tượng phổ cập ở Việt Nam. Nếu không là con cháu các quan chức hoặc thân hữu, thì con đường xin việc coi như mù tịt.
Bài “Bổ nhiệm kiểu con ông cháu cha” trên tờ Người Lao Động ngày 15 thang 8, 2015 đã phản ánh phần góc tối của tình trạng này:
"Bằng nhiều cách, người ta sẽ tận dụng cài cắm người thân vào nơi làm việc để làm lợi riêng cho mình:
Hơn 10 năm qua, kể từ khi lên nắm quyền tổng giám đốc Công Ty Môi Trường Đô Thị Đà Nẵng, ông Phạm Minh Thắng đã đưa con, rể, anh em ruột và cả phía sui gia nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các phòng ban và xí nghiệp trực thuộc, biến công ty nhà nước thành công ty gia đình.” [4]
Một cách hiệu quả hơn trong việc chạy việc là chi tiền.
Trong một xã hội mà con người nhắm mắt lao vào đồng tiền, bất chấp tất cả, cái gì cũng có thể mua được, “nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền,” chạy việc làm cũng không thoát khỏi quy luật ấy.
Tờ VietNamNet.vn viết rằng:
“40% nhân viên không lưu thiếu chuẩn và những vụ lừa chạy việc sân bay. Người ta nghe quá nhiều về những vụ xin việc bằng ‘cửa hậu’ để vào làm việc tại sân bay. Chưa có bằng chứng nào cho thấy đây là hiện tượng có thật, nhưng những vụ lừa đảo xin việc vào sân bay càng nhiều càng khiến người ta bất an vì tin đồn đó có bao nhiêu % là sự thật.” [5]
“Dư luận đồn đoán, muốn có việc làm ở ngân hàng, khổ chủ phải “chạy việc.” Những “suất” việc làm được rao giá công khai trên các diễn đàn online với mức từ 50 triệu đồng trở lên tùy theo công việc.
Có người “hốt hoảng” khi biết chi phí môi giới lên tới 500 triệu đồng để có được một “ghế nóng” ở một ngân hàng có tiếng tăm.” [6]
Bạn Diệu Hương tâm sự trên BBC Việt ngữ:
“Để trở thành nhân viên hải quan cảng Hải Phòng hưởng mức lương tối thiểu 1,115,000 VNĐ một tháng, Đạt, sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý đã chấp nhận bỏ ra 900 triệu, người được hỏi cũng xác nhận rằng con số này có thể dao động từ 900 triệu đến 1 tỷ 200 triệu VNĐ, trước khi theo học nghiệp vụ, ‘tùy vào mối quan hệ với các lãnh đạo trong ngành.’
Anh cho hay, ‘nhân viên hải quan có cơ hội tiếp xúc nhiều với hàng hóa’ sẽ có thêm ‘các nguồn thu khác’ nên người muốn làm ngành này cũng phải ‘đầu tư cao hơn’ khi khả năng ‘thu hồi vốn’ là ‘trong tầm tay.’
Hay như trường hợp của Thư, dù đã qua vòng phỏng vấn, cũng vẫn phải nộp 200 triệu để được vào làm kĩ thuật viên Tập Đoàn Dầu Khí hưởng lương 30 triệu một tháng hay Bình bỏ ra 400 triệu để làm việc ở phòng kế toán.” [7]
Kết
Từng ấy thứ “chạy” gian truân đứng đằng sau cái gọi là sự “nhục nhã” mà tờ báo nọ gán cho anh thanh niên cầm biển xin việc đứng đường.
Sự nhục nhã ấy nên dành cho hệ thống giáo dục đào tạo của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa mới là đúng!
***
[1]: http://petrotimes.vn/cu-nhan-that-nghiep-tiep-tuc-gia-tang-307126.html
[2]: http://vtc.vn/giao-su-vo-tong-xuan-mot-mua-tuyen-sinh-khong-tien-khoang-hau.538.567881.htm
[3]: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150819/hoc-gia-bang-that/954600.html
[4]: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bo-nhiem-kieu-con-ong-chau-cha-20150815212216142.htm
[5]: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/208825/40-nhan-vien-khong-luu-thieu-chuan-va-nhung-vu-lua-chay-viec-san-bay.html
[6]: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/106180/-chay-viec-o-ngan-hang-phi-moi-gioi-500-trieu-dong.html
[7]: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/12/141219_employment_fee_dieuhuong

Năm 2100: 4.4% diện tích Việt Nam có thể chìm trong nước

SÀI GÒN (NV) - Đó là ước đoán về tác động của biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao một mét vào đầu thế kỷ tới. Việt Nam sẽ là một trong bốn quốc gia bị thiệt hại nặng nhất.
Ruộng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, khi nước biển dâng cao một mét. Những cánh đồng như thế này sẽ bị ngập vĩnh viễn. (Hình: VnExpress)
Trong một cuộc trò chuyện với RFI về tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, ông Huỳnh Long Vân, một tiến sĩ là thành viên của nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long tại Úc đã cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý và thật sự đáng ngại.
Sau khi nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu, năm 2007, một Ủy Ban Liên Chính Phủ, dự đoán, đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình của trái đất sẽ tăng thêm từ 2 độ C đến 4.5 độ C và mực nước biển sẽ dâng cao từ một mét đến hai mét. Ngân Hàng Thế Giới đã thực hiện một nghiên cứu khác về tác động của nước biển dâng cao đối với các quốc gia đang phát triển và xác định, Việt Nam là một trong bốn quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.
Một tính toán do Trung Tâm Quốc Tế Quản Lý Môi Trường của Úc xác định, khoảng 14.528 cây số vuông, tương đương 4.4% diện tích của Việt Nam sẽ chìm trong nước (ngập vĩnh viễn). Sẽ có 39/64 tỉnh, thành phố và sáu Khu Kinh Tế của Việt Nam bị ảnh hưởng do nước biển dâng cao. Khoảng 2057/10511 làng xóm bị ngập từng phần hay toàn bộ.
Diện tích bị ngập lụt tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ khoảng 12,376 cây số vuông, tương đương 85% diện tích ngập lụt trên toàn Việt Nam. Trong đó, hai tỉnh Long An và Bến Tre sẽ có khoảng 50% diện tích bị ngập vĩnh viễn. Tỉ lệ diện tích bị ngập vĩnh viễn ở Trà Vinh là 45.7%, ở Sóc Trăng là 43.7%.
Sài Gòn sẽ có 43% diện tích bị ngập vĩnh viễn. Khoảng 1,100 cây số vuông của Khu Kinh Tế Đông Nam (Bình Dương, Biên Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng bị ngập vĩnh viễn. Bốn khu kinh tế khác ở châu thổ sông Hồng, Đông Bắc (Quảng Ninh), Bắc miền Trung (Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế) và Nam miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định), mỗi nơi sẽ có từ 180 đến 340 cây số vuông bị ngập vĩnh viễn.
Ông Vân cảnh báo, do 74% trong số 90 triệu dân Việt Nam sống tập trung dọc theo vùng duyên hải và châu thổ nên nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng đến sáu triệu người. Trong đó, nặng nhất là Sài Gòn - nơi cư trú của khoảng 12% dân số Sài Gòn sẽ bị ngập. Nước biển dâng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến năm triệu người cư trú ở châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Đa số nạn nhân sẽ là người nghèo không có khả năng ứng phó trước tình trạng nước biển dâng cao và ngập lụt.
Trong 20 năm qua, Việt Nam gia tăng đầu tư vào hạ tầng ở khu vực duyên hải và ba vùng kinh tế trọng điểm ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Do việc phát triển hạ tầng chỉ chú tâm đến tình trạng ngập lụt do mưa bão, nên khi nước biển dâng cao một mét, tổn thất sẽ lên đến 17 tỷ Mỹ kim vì khoảng 4.3% (9,200 cây số) trong số 216,000 cây số đường bộ tại Việt Nam sẽ bị ngập vĩnh viễn. Chưa kể 574 cây số đê biển, các hệ thống cấp nước-thoát nước.
Nước ngọt được dự đoán là sẽ thiếu trầm trọng vì khi xây dựng các hồ chứa nước, trạm bơm, giới hữu trách chỉ dựa vào mực nước biển ở thời điểm xây dựng, không chú ý tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Vân thì khi nước biển dâng cao một mét, tại Sài Gòn sẽ có 16 khu công nghiệp, ở châu thổ đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 19 khu công nghiệp và Khu Kinh Tế Đông Nam (Bình Dương, Biên Hòa, Bà Rịa -Vũng Tàu) sẽ có 55 khu công nghiệp bị ảnh hưởng do ngập hoặc bị ngập vĩnh viễn. Điều đó sẽ dẫn tới sản xuất ngưng trệ, thu nhập suy giảm, thất nghiệp gia tăng.
Khi nước biển dâng cao một mét, những cánh đồng màu mỡ nhất ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn. Khoảng 76% diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiện nay của Việt Nam sẽ bị ngập và 90% diện tích bị ngập đó nằm trong vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
Nước biển dâng cao cũng sẽ dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Những tác động của tình trạng ô nhiễm môi trường do nước biển dâng cao trên ngư nghiệp, chất lượng nguồn nước và y tế công cộng tuy chưa được đánh giá nhưng ông Vân khẳng định, chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng. (G.Đ)
08-24-2015 2:32:45 PM

Súng mua lậu ở Việt Nam không khó

SÀI GÒN (NV) .- Nhiều loại súng, từ súng săn đến súng quân dụng, với các giá tiền khác nhau có thể mua được không mấy khó khăn ở Việt Nam, dù luật lệ của nhà cầm quyền cấm đoán, gồm cả tù tội.
Ông Nghĩa giới thiệu, bắn thử súng đạn bi sắt. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo một bài viết trên tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Hai, tiếng lóng gọi súng là “hàng nóng,” được tuồn lậu qua các ngõ ngách khác nhau từ đường bộ biên giới đến đường hàng không hay đường biển. Khi trót lọt, chúng được rao bán cả trên internet.
Phần lớn là súng bắn hơi, bắn bằng ga nhưng cũng không thiếu súng quân dụng. Lại cả roi điện, súng điện
Tờ Tuổi Trẻ kể câu chuyện trao đổi giữa người mua (ông An) với ông Nghĩa (người bán) về loại súng ngắn bắn hơi . Ông Nghĩa giới thiệu với khách “loại 8 triệu đồng/cây, bắn loại đạn bi sắt kích cỡ 4,5mm” hoặc thứ “đồ chơi tự vệ” rẻ hơn thì “có loại súng bắn đạn nhựa, giá 400.000 đồng/cây”.
Theo Tuổi Trẻ kể, ông Nghĩa giải thích “loại vài trăm ngàn đồng lực bắn rất kém, chỉ để bắn thằn lằn hay bắn ruồi, riêng “hàng đẳng cấp”, độ sát thương khá cao, có giá hơn 8 triệu đồng, loại súng này được tặng kèm hàng trăm viên đạn sắt và 5 tuýp chứa khí CO2. Mỗi tuýp CO2 có thể bắn liên tục được 40 viên đạn sắt”.
Tờ Tuổi Trẻ kể chuyện đi xem “hàng” và bắn thử tại một địa điểm thuộc một chung cư ở quận Bình Tân. Đứng cách xa 3 mét, phát đạn xé rách toác một lon nước ngọt.
Một tay bán súng khác giới thiệu với khách hàng “một cây súng ngắn, 100% bằng kim loại giá 4,5 triệu đồng. Loại này có thể bắn được ba loại đạn gồm bi sắt, bi thủy tinh và bi nhựa đảm bảo bắn thủng các loại lon sắt, kính dày” xuất xứ từ Đài Loan. Nhân vật này còn có khả năng cung cấp nhiều mặt hàng khác như súng phóng điện, roi điện và mã tấu, kiếm đủ kích cỡ.
Theo tờ Tuổi Trẻ, tại Sài Gòn “có nhiều người chuyên cung ứng các loại súng bắn đạn sắt, có hình dáng và mức sát thương cao tương tự súng quân dụng. Một tay buôn súng trên mạng tự xưng tên Hoàng, chuyên cung cấp “hàng nóng” cho khu vực miền Bắc.”
Ông này được mô tả là “Qua điện thoại, Hoàng giới thiệu ở Móng Cái (Quảng Ninh) có đủ loại súng từ bắn đạn cao su, bắn bi sắt có giá 4 - 5 triệu đồng/cây đến cả những loại súng quân dụng có giá 8 - 9 triệu đồng/cây.” Không ít các loại súng lậu được tuồn qua biên giới phía bắc rồi bán các nơi ở Việt Nam.
Lô hàng 94 khẩu súng ngắn quân dụng được nhập lậu qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất. (Hình: Hải Quan)
Luật lệ CSVN quy định tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, theo điều 230 Bộ luật hình sự có thể bị xử phạt tù từ 1 năm đến tù chung thân và có thể bị phạt tiền đến 
50 triệu đồng. Điều 233 Bộ luật hình sự CSVN phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm cho việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ, vũ khí tự tạo và công cụ hỗ trợ.
Có rất nhiều vụ nhập cảng lậu vào Việt Nam các loại súng từ súng trường bắn hơi đến súng ngắn bắn hơi hoặc súng quân dụng, bị khám phá. Vụ gần đây nhất, hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã bắt giữ một lô hàng gồm 94 khẩu súng ngắn quân dụng và 472 băng đạn “vận chuyển trái phép qua đường hàng không”.
Hiện chưa thấy cuộc điều tra nêu tên cá nhân nào hay công ty nào là chủ nhân của lô “hàng nóng” vừa kể. Giữa tháng 10 năm ngoái, khi khám xét tàu Mekong trên khu vực biển phía Nam đã “thu giữ 94 khẩu súng hơi vận chuyển trái phép”.
Ngày 12/10/2013, báo Hải Quan Online liệt kê ra nhiều vụ nhập cảng súng lậu, tổng cộng gần 400 khẩu, vào Việt Nam trong khoảng thời gian 2 năm. Trong đó “Tháng 2-3013, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 thực hiện lệnh khám xét đối với lô hàng hoa thủy tinh nhập khẩu của Công ty TNHH SX-TM Đường Trung Nguyên phát hiện có 300 khẩu súng hơi, xuất xứ Czech Republic, trị giá trên 1.4 tỷ đồng.” (TN)
08-24-2015 3:47:18 PM

Loạn trạm thu phí đường bộ, móc sạch túi người dân

VIỆT NAM (NV) - Đoạn đường từ ngã ba Tân Vạn, Đồng Nai về thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương dài gần 10 cây số nhưng có đến 5 trạm thu phí đường bộ, khiến các chủ xe hơi, xe tải chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Trạm thu phí lớn nhất ở cửa ngõ phía Đông thành phố Sài Gòn. (Hình: Báo Lao Động)
Theo báo Lao Động, không khó để tìm ra những cung đường với trạm thu phí dày đặc tại miền Đông Nam Bộ. Ngoài đoạn đường trên, từ thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đi thành phố Vũng Tàu, lái xe phải nộp phí 8 lần. Đi từ Bình Chánh, Sài Gòn xuống Vũng Tàu với cự ly chỉ gần 140 cây số, mỗi chiếc xe lần lượt qua 5 trạm thu phí, gồm các trạm trên đường Nguyễn Văn Linh, trạm cầu Phú Mỹ, trạm thu phí Long Phước (đường cao tốc Sài Gòn-Long Thành - Dầu Giây), trạm thu phí QL 51 và trạm thu phí cầu Cỏ May.
Trên các trục đường ra vào thành phố Sài Gòn hiện nay có khoảng 10 trạm thu phí đặt tại quốc lộ (QL) 1K, QL 13, QL 51, đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, đường cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây.
Theo phúc trình của Bộ Giao Thông vận tải, Việt Nam hiện có 86 trạm thu phí BOT (đầu tư-thu phí-chuyển giao), trong đó, 72 trạm do Bộ Giao Thông Vận Tải Quản Lý, 14 trạm còn lại do các tỉnh-thành ký hợp đồng với nhà đầu tư.
Theo báo Lao Động, qua rà soát, có 53 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề trên 70 cây số; 9 trạm có khoảng cách từ 60-70 cây số và 24 trạm có khoảng cách dưới 60 cây số.
Ông Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp Hội Vận Tải Hàng Hóa thành phố Sài Gòn cho rằng, hiện nay thông tin về các trạm thu phí ở Việt Nam rất mập mờ không rõ ràng nhằm nhiều mục đích khác nhau. Thậm chí có tình trạng dự án ở một nơi, nhưng chủ đầu tư lại đặt trạm thu phí nơi khác có nhiều xe hơn để nhiều người không sử dụng dịch vụ vẫn phải nộp phí.
“Nhà nước cần quy định bắt buộc chủ đầu tư các dự án phải có bảng thông báo đủ lớn, rõ ràng đặt gần trạm thu phí để công bố thông tin thu phí cho công trình nào? Chủ đầu tư là ai? Tổng vốn đầu tư là bao nhiêu? Tổng số tiền hoàn vốn là bao nhiêu? Thời gian thu phí bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào... để người dân cùng biết mà tham gia kiểm soát,” ông Chung đề xuất.
Mặc dù theo đúng quy định của Bộ Tài Chính thì khoảng cách tối thiểu phải là 70 cây số một chặng. Thế nhưng trả lời báo Lao Động, Bộ Trưởng Đinh La Thăng nói, “Có những trạm không đủ khoảng cách quy định là do đặc thù. Quan trọng là khoảng cách không đủ thì phải có sự thỏa thuận trước.”
Trước ý kiến này, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách của Quốc Hội bày tỏ quan điểm, “Nói do đặc thù nên các trạm xây gần nhau, tôi không đồng ý. Luật là luật, chính chúng ta đặt ra luật nên chúng ta phải tuân thủ.”
“Tôi có đi qua khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn, Vũng Tàu thì thấy vị trí trạm thu phí đặt quá dày đặc. Làm như thế chẳng khác nào giăng lưới để tận thu, khiến người dân không còn khoảng trống để thở?!” Ông Hiển nói. (Tr.N)
08-24-2015 2:56:50 PM

Dân vây nhà máy xi măng phản đối gây ô nhiễm

HUẾ (NV) - Dân chúng phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại đổ đến chặn các xe vận tải, không cho ra vào nhà máy xi măng của Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam.
Dân chúng chặn cổng, không cho các xe vận tải ra vào nhà máy của Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)
Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam là một doanh nghiệp hoạt dộng bằng vốn đầu tư từ Hồng Kông. Kết quả một cuộc khảo sát thực hiện cách nay vài năm cho thấy, trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, quanh nhà máy xi măng này và mỏ đá Văn Xá có 15,860 người bị các bệnh mãn tính về mũi họng, 4,229 người bị viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản và khoảng 4,000 người bị các bệnh về da.
Tuy dân chúng trong vùng liên tục yêu cầu chính quyền phải can thiệp nhưng hệ thống này làm ngơ. Việc chặn các loại xe vận tải ra vào nhà máy xi măng của Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam để phản đối hoạt động gây ô nhiễm đã xảy ra nhiều lần suốt từ năm 2009 đến nay và lần nào đại diện chính quyền địa phương, đại diện Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam cũng hứa hẹn “khắc phục” song đâu lại vào đó.
Lần này cũng vậy. Theo báo chí Việt Nam thì lãnh đạo phường Hương Văn và thị xã Hương Trà vừa đến hiện trường vận động dân chúng giải tán vừa đứng ra tổ chức buổi đối thoại giữa dân chúng và đại diện Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam. Tuy nhiên, dân chúng không chấp nhận đối thoại bởi trước đó, sau nhiều lần đối thoại, Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam làm lơ, không thực hiện các cam kết giải quyết ô nhiễm.
Hồi tháng 3 năm ngoái, sau khi bị dân chúng phong tỏa cổng ra vào, Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam hứa sẽ hỗ trợ tiền để những nạn nhân mua bảo hiểm y tế, bồi thường thiệt hại về hoa màu, trả tiền bồi thường để cho những gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm tái định cư nơi khác. Tuy nhiên đến nay, Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam vẫn chưa thực hiện các cam kết vừa kể.
Chính quyền huyện Hương Trà từng thực hiện một cuộc khảo sát, xác định có tới 365 gia đình cư ngụ tại các xã Hương Văn, Hương Vân, thị trấn Tứ Hạ, nằm trong khu vực không an toàn do hoạt động của nhà máy xi măng, Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam, cần sớm di dời, tái định cư.
Mãi đến năm ngoái, do sự phẫn nộ của dân chúng, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế mới thành lập một phái đoàn liên ngành để kiểm tra ô nhiễm trong vùng. Đoàn này xác nhận, Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam có hàng loạt sai phạm về môi trường.
Chẳng hạn, các hệ thống xử lý bụi, khí thải, nước thải công nghiệp không đúng với cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhiều đoạn trong dây chuyền công nghệ bị hở. Tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nước thải công nghiệp cao gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép về vi sinh.
Chưa kể Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam còn chuyển giao chất thải nguy hại cho nhiều tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo quy định. Công nhân phải làm việc trong môi trường có hàm lượng bụi và tiếng ồn vượt quy định cho phép nhưng không được hưởng trợ cấp đối với người làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại.
Đáng ngạc nhiên là Công Ty Xi Măng Luks Việt Nam không thèm sửa sai và hệ thống cầm quyền vẫn làm ngơ, không làm gì cả. (G.Đ)
08-24-2015 2:47:09 PM

Hoang mang vì đồ đạc trong nhà tự bốc cháy

TTO - Những đám cháy bỗng dưng xuất hiện liên tục tại gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (xã Quang Hưng, huyện An Lão, TP Hải Phòng) hơn một tuần nay khiến cả gia đình hết sức hoang mang.

Phần mái bếp của gia đình bà Thanh bị ngọn lửa thiêu rụi - Ảnh: Tiến Thắng
Phần mái bếp của gia đình bà Thanh bị ngọn lửa thiêu rụi - Ảnh: Tiến Thắng
Nhiều thành viên trong gia đình bà Thanh cho biết ngọn lửa bắt đầu xuất hiện tại khu vực bếp từ chiều 16-8. Ban đầu tất cả đều nghĩ có thể do nắng nóng, chập điện dẫn tới cháy. Tuy nhiên liên tiếp những ngày sau đó cho đến nay, lửa vẫn tiếp tục xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau trong nhà như giường ngủ, góc học tập, tủ lạnh không cắm điện...
Đồ đạc tại góc học tập cũng bị lửa bỗng dưng xuất hiện thiêu rụi - Ảnh: Tiến Thắng
Đồ đạc tại góc học tập cũng bị lửa bỗng dưng xuất hiện thiêu rụi - Ảnh: Tiến Thắng
"Thóc gạo, đồ điện và cả chăn màn, quần áo đều được mang để tạm ngoài sân. Mọi người trong gia đình phải ngủ tạm ngoài sân và thay phiên túc trực hơn tuần nay vì lửa thường xuyên bùng phát trong nhà. Cơ quan chức năng đến làm việc nhiều ngày nay cũng chưa xác định được cụ thể nguyên nhân vì sao" - ông Bùi Văn Lâm, con rể bà Thanh, cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết gia đình bà định cư tại khu đất này đã nhiều đời nay và đây là lần đầu tiên có tình trạng như thế này nên mọi người trong nhà đều rất hoang mang, sinh hoạt bị đảo lộn, chỉ mong chính quyền địa phương sớm tìm hiểu, làm rõ nguyên do để gia đình ổn định tâm lý an tâm làm việc.

Ông Hoàng Văn Nam - trưởng Công an huyện An Lão - xác nhận có tình trạng lửa bỗng dưng xuất hiện tại khu đất của gia đình nhà bà Nguyễn Thị Thanh nhiều ngày nay và công an huyện cũng đang cử lực lượng túc trực 24/24 giờ cùng với người nhà để kịp thời phát hiện, xử lý khi có cháy.

Ông Nam cho biết trong ngày 24-8 một số ngọn lửa cũng tiếp tục xuất hiện tại khu đất của gia đình bà Thanh.

"Lửa cháy không lớn và không cháy từ dưới đất mà xuất hiện ở phần không trung nên theo tôi có thể do nền đất tại khu vực này có lượng phôtpho thoát ra ngoài, gặp không khí thì bốc cháy. Tuy nhiên để xác định được chính xác nguyên nhân thì hiện công an huyện đang làm báo cáo đề nghị cơ quan chuyên môn về tìm hiểu, xác định để người dân sớm ổn định cuộc sống" - ông Nam cho biết thêm.
Nhiều đồ đạc trong gia đình bà Thanh phải chuyển ra ngoài nhà để tiện cứu chữa khi có cháy xảy ra - Ảnh: Tiến Thắng
Nhiều đồ đạc trong gia đình bà Thanh phải chuyển ra ngoài nhà để tiện cứu chữa khi có cháy xảy ra - Ảnh: Tiến Thắng
24/08/2015 21:30
TIẾN THẮNG

Chiến lược an ninh mới của Mỹ về Biển Đông chưa đủ quyết liệt?

Chiến đấu cơ F/A-18 Hornet của Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz trong cuộc tuần tra thường lệ ở Biển Đông (ảnh chụp ngày 23/5/2013).
Chiến đấu cơ F/A-18 Hornet của Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz trong cuộc tuần tra thường lệ ở Biển Đông (ảnh chụp ngày 23/5/2013).
VOA-24.08.2015
Ngũ Giác Đài vừa công bố Chiến lược An ninh Biển vùng Á Châu-Thái Bình Dương, nêu lên 3 mục tiêu về an ninh biển cho khu vực này là “bảo vệ tự do hàng hải, răn đe xung đột và các hành vi cưỡng bức, và cổ vũ cho việc tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế".

Chiến lược mới này được cho là một sự đóng góp tích cực dù có hơi muộn màng, nhưng theo tác giả Andrew Erickson vẫn chưa đi đủ xa. Tác giả bài viết đăng trên tờ The Wall St. Journal hôm nay là Giáo sư Học viện Hải quân Andrew Erickson. Ông nêu lên những điểm mạnh của chiến lược an ninh biển của Mỹ, thứ nhất là chứng minh tầm quan trọng của các tuyến hàng hải quốc tế, đặc biệt tại Ấn Độ Dương, Biển Đông và Biển Hoa Đông đối với các lợi ích của Mỹ.

Thứ hai là dẫn chứng bằng tài liệu những tiến bộ vượt bực của Hải quân Trung Quốc, lực lượng này giờ đây sở hữu nhiều tàu nhất Châu Á với 303 tàu chiến các loại, hoàn toàn áp đảo 202 tàu chiến cộng lại của Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Điểm mạnh thứ ba của chiến lược của Mỹ là cung cấp dữ liệu về kết quả các công trình xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, mà cuối cùng đã tạo ra thêm 2,900 mẫu Anh so với Việt Nam chỉ có 80 mẫu, Malaysia 70 mẫu, Philippines 14 mẫu, và Đài Loan, 8 mẫu.

Ngoài ra, chiến lược này cũng cho thấy một cách cụ thể sự cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, quyết tâm thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á trước năm 2020 bằng cách chuyển khí tài sang vùng Thái Bình Dương, gia tăng sự hiện diện của Mỹ, tăng cường các cuộc diễn tập quân sự và xây dựng khả năng hàng hải của các nước đối tác.

Về các điểm yếu, ông Erickson cho rằng chiến lược an ninh biển của Mỹ không đi đủ xa khi tìm cách tỏ ra khách quan bằng cách dùng những ngôn từ không rõ ràng cho rằng tất cả các bên đều có lỗi, dù cho Trung Quốc là nước có cách hành xử tiêu cực nhất.

Giáo sư Erickson nói rằng lẽ ra chiến lược của Mỹ phải minh định rõ rệt rằng đường 9 đoạn mà Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, là không có cơ sở trên luật quốc tế.

Giáo sư Erickson lập luận rằng điểm nhấn của chiến lược an ninh biển của Mỹ đặt quá nặng mục tiêu giảm thiểu căng thẳng khiến cho Washington tỏ ra yếu ớt dưới con mắt của quốc tế. Chiến lược này đặt quá nặng vấn đề giảm thiểu rủi ro, chỉ nêu lên những ‘quan ngại’ của phía Hoa Kỳ trong khi không có dấu hiệu nào cho thấy là những lời lẽ của Washington có tác động nào tới hành động của Bắc Kinh.

Việc chiến lược an ninh mới của Mỹ đề cập tới việc Trung Quốc được mời để tham gia các cuộc diễn tập đa quốc Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 ở mức tương tự như hồi năm 2014, theo tác giả, nêu lên một điểm yếu quan trọng trong sự lãnh đạo của Tổng Thống Obama, trong khi lẽ ra chiến lược này phải khẳng định sự sẵn sàng của Hoa Kỳ đối mặt với Trung Quốc chống lại một loạt hành động tiêu cực cao độ của Bắc Kinh trong mấy năm gần đây.

Ông Erickson đề nghị chính phủ của Tổng Thống Obama nên công bố một ‘Chiến lược Á Châu-Thái Bình Dương’, tuyên bố Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về hành động của mình tương tự như đã làm trong trường hợp của Nga trong cuộc khủng hoảng ở bán đảo Crimea của Ukraine, và phải tỏ thái độ dứt khoát, sẵn sàng để căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh để tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả nếu nước này tiếp tục các hành động gây phương hại an ninh và ổn định khu vực.

Theo The Diplomat, WSJ.com

Trương Duy Nhất tuyên bố mở lại trang 'Một Góc Nhìn Khác'

Một Góc Nhìn Khác trở lại

Trương Duy Nhất - Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng. Hôm nay 24/8/2015, Một Góc Nhìn Khác trở lại với bạn đọc sau 820 ngày, kể từ biến cố 26/5/2013.

Vĩnh biệt .vn! Một Góc Nhìn Khác từ đây vĩnh biệt tên miền .vn, trở lại với tên miền quốc tế .org: http://truongduynhat.org/

Vẫn với giao diện quen thuộc trước đây. Hơn 1.000 bài viết cũ vẫn lưu được (kể cả một lượng comment khổng lồ từ bạn đọc). 

Tuy nhiên, 12 bài viết bị coi là “chứng cứ phạm tội” trong vụ án của tôi đã được gỡ bỏ:

1. Trong đảng ngoài đảng.

2. Chấm điểm Thủ tướng.

3. Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ.

4. Tại sao chỉ là bóng đá?

5. Bóng đá và đảng.

6. Việt Nam 2011.

7. Chất lượng chính phủ: quá tệ!

8. Khi Chủ tịch nước tập làm văn.

9. Từ Đồng Nọc Nạn đến Đoàn Văn Vươn.

10. Tổng Bí thư và Thủ tướng nên ra đi.

11. Bỏ phiếu cùng quốc hội.

12. Những chiếc lồng son.

Bạn đọc cần thiết có thể tra tìm lại qua công cụ Google để xem các bài viết này từ các trang mạng khác. 

Trừ 12 bài trên, hơn 1.000 bài khác còn lại từ trước đương nhiên đã được chính bản án… bảo chứng!

Ngoài ra, gần 200 bài chọn lọc từ các trang viết về vụ án Trương Duy Nhất cũng được đăng lại thành một chuyên mục riêng “vụ án Trương Duy Nhất” (bấm đọc trong bảng mục “chính trị- xã hội”).

820 ngày. Một quãng thời không hẳn ngắn. 

Hi vọng sẽ lại qui tụ được một lượng bạn đọc hùng hậu như đã từng có. 

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tin mến từ bạn đọc!

Trương Duy Nhất