Sunday, December 14, 2014

Làm sao chặn cán bộ về hưu giàu bất thường?

TÁ LÂM thực hiện - Thứ Hai, ngày 15/12/2014 - 06:50
(PL)- Giám sát quyền lực và giám sát tài sản phải song hành và nghiêm ngặt.
Gần đây, dư luận bức xúc trước các vụ cán bộ về hưu bị lộ ra nhiều tài sản “khủng”. TS Hồ Bá Thâm, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho biết: “Cần có cơ chế để giám sát việc công khai tài sản của quan chức”.
Phải kiểm soát chặt tài sản khi còn đương chức
Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về việc kiểm soát tài sản quan chức ở ta, nhất là đối với cán bộ về hưu? Theo quy định của pháp luật hiện nay, cán bộ về hưu thì không phải kê khai tài sản.
+ TS Hồ Bá Thâm: Ở nước ta tiến hành kê khai tài sản nhưng công tác kiểm tra, giám sát bản kê khai tài sản này lại không có hệ thống. Chỉ khi có những biểu hiện vi phạm do báo chí phanh phui ra hoặc dư luận xầm xì thì cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra và xử lý, như thế là chậm. Như trong vụ ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ), giả sử ông Truyền không làm nhà to như thế chắc gì ông Truyền đã bị lộ. Qua đây có thể thấy việc kiểm soát tài sản cán bộ của chúng ta còn lỏng lẻo, quan chức không tự lộ thì khó mà phanh phui ra được. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện hơn hành lang pháp lý và các công cụ để kiểm soát sự trung thực trong kê khai tài sản của quan chức khi còn tại vị. Qua đó có thể phát hiện ra sự kê khai gian dối ngay từ khi đương chức chứ không phải đợi đến khi về hưu và có dấu hiệu mới phát hiện ra.
. Với những trường hợp cán bộ (nhất là cán bộ ở những vị trí nhạy cảm) về hưu mới lộ ra tài sản khủng sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?
+ Có hai mặt. Một mặt dư luận sẽ đặt câu hỏi những người làm công tác thanh tra như ông Truyền mà cũng sai phạm như thế thì những quan chức khác thế nào. Dẫn đến họ có một suy luận rằng quan chức trước khi về hưu thường lợi dụng chức quyền tranh thủ cơ hội để trục lợi. Đó là tư tưởng cơ hội. Người dân cũng sẽ đặt ra câu hỏi chắc là còn nhiều ông Truyền như thế nhưng chưa bị lộ. Để dân nghĩ như thế là ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Gần đây xảy ra nhiều vụ cán bộ  về hưu lộ ra “biệt thự khủng”. Ảnh: CTV - Lê Phi
Mặt khác, nếu chúng ta cương quyết xử lý những sai phạm hơn nữa thì người dân sẽ có cái nhìn khác. Thiết nghĩ cán bộ chức càng cao, nếu sai phạm thì chúng ta càng phải xử lý nghiêm khắc để lấy lại niềm tin của nhân dân vào những gì chúng ta đã nói. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy rằng nếu người đứng đầu có sự dũng cảm, thái độ cương quyết thì có thể xử lý được tham nhũng. Chúng ta cũng nên có những chiến dịch săn tham nhũng như thế để tạo bước đột phá.
. Đối với cán bộ cao cấp càng phải giữ liêm chính cho tới cả khi về hưu, đó được xem như giềng mối để giữ vững sự ổn định và niềm tin của dân chúng. Làm sao để cán bộ nhận thức thật rõ không phải “hạ cánh là an toàn”, thưa ông?
+ Người ngay thường đơn giản, có sao bộc bạch vậy. Còn những người có lòng tham, tinh khôn và thủ đoạn thì người ta có cách che giấu những hành vi bất minh. Có người nghĩ rằng mình về hưu rồi không việc gì phải sợ nữa nên mới để lộ ra tài sản “khủng” như thế. Như chúng ta đã thấy, đâu phải “hạ cánh là an toàn”, vì rất nhiều trường hợp đã bị xử lý. Vấn đề còn lại, như tôi đã nói là anh xử có đủ nghiêm để có tác dụng răn đe hay không thôi.
Để giữ liêm chính, công tác giáo dục là rất cần thiết nhưng quan trọng vẫn là hình thành có cơ chế bằng luật pháp và xử lý thật nghiêm. Từ đó mới có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành nhận thức về sự liêm chính ấy trong cán bộ.
Cán bộ cao cấp về hưu cần kê khai tài sản
. Theo ông, làm sao để kiểm soát tài sản khi quan chức về hưu?
+ Giám sát quyền lực và giám sát tài sản phải luôn song hành và chặt chẽ. Trên thế giới người ta giám sát quyền lực và tài sản rất nghiêm ngặt dù quan chức đó đương chức hay đã về hưu.
Theo tôi, để kiểm soát tài sản quan chức, nhất là với cán bộ cao cấp thì không chỉ khi đương chức mà cả khi cán bộ đó về hưu cũng phải tiến hành kê khai tài sản. Kê khai tài sản là cơ sở để biết được thu nhập của quan chức là chính đáng hay bất minh. Hoặc phải có cơ chế để phát hiện và xử lý sự bất minh trong tài sản của anh.
Mặt khác, ở nước ta nhiều ý kiến đề nghị để việc kê khai tài sản phát huy tác dụng trong việc phòng, chống tham nhũng thì nên công khai tài sản cho toàn dân giám sát. Đây là ý kiến cần phải được nghiên cứu xác đáng để triển khai. Tôi nghĩ chúng ta phải làm từng bước, chọn đối tượng như thế nào đó để công khai, có thể các vị trí cấp cao nên công khai trước ở khu dân cư họ sinh sống. Cùng đó, trước mỗi nhiệm kỳ bầu cử trong Đảng, bầu cử Nhà nước hay khi bầu những chức danh quan trọng phải công khai tài sản các ứng viên cho người dân giám sát. Ngoài công khai rộng rãi ở khu dân cư, có thể công khai trên báo chí, trên mạng để cử tri theo dõi.
Đối với những quan chức cấp cao trước khi về hưu cũng phải công khai tài sản, đó cũng là một cách để kiểm soát. Nhưng tôi nghĩ vấn đề quan trọng vẫn là công khai ngay từ đầu, khi anh có chức danh nào đó. Thậm chí vợ con của quan chức đó cũng phải công khai.
Tất nhiên ở đây phải có cơ chế cụ thể thế nào để dân giám sát chứ nói chung chung thì không thực hiện được.
. Ông đánh giá như thế nào về các mức độ công khai bản kê khai tài sản của cán bộ chúng ta hiện nay?
+ Việc công khai tài sản của chúng ta hiện nay còn rụt rè, thường chỉ mang tính nội bộ ở các cơ quan. Vấn đề là càng rụt rè, không minh bạch, chế tài không nghiêm thì nhân dân càng xầm xì những chuyện không hay, đến một lúc nào đó sẽ trở thành điều bất lợi.
“Bệnh nể nang” dẫn đến tha hóa
Nể nang là muốn nói đến trọng tình cảm nhưng nếu dùng nể nang để giải quyết những việc phi pháp, không đúng cái lý, không đúng đối tượng và không đúng chủ trương của Nhà nước thì rõ ràng đó là sai và tha hóa rồi. Nể nang cũng là một nguyên nhân dẫn đến tham nhũng bởi vì đằng sau sự nể nang này luôn đi kèm sự “có đi có lại” nào đó. Đằng sau sự nể nang có sự bất minh. Đặt vấn đề như thế là có cơ sở.
Người Việt Nam sống tình cảm, nghĩa tình nhưng từ “nể nang” đó bị lợi dụng rất nhiều. Nể nang trở thành phổ biến. Nể nang mà đằng sau đó là vụ lợi, là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái, hư hỏng. Chúng ta xây dựng một xã hội dân chủ pháp quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền dứt khoát chúng ta phải xây dựng quan niệm trọng về lý, trọng luật pháp, như thế mới khắc phục được bệnh nể nang.
TS ̀ BÁ THÂM

TÁ LÂM thực hiện 

Mua rau hữu cơ, người tiêu dùng bị móc túi?

rau huu co

Với ưu điểm không thuốc hóa học, không phân bón, không chất kích thích tăng trưởng… rau hữu cơ ngày càng hút nhiều bà nội trợ lựa chọn trong khi Việt Nam chưa có cơ quan nào chứng nhận về sản xuất và kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

Tại cửa hàng thực phẩm hữu cơ Green Life (Khu ĐTM Yên Hòa, Cầu Giấy, HN), chị Nguyễn Thị Phương (Quận Nam Từ Liêm, HN) đang lựa chọn đồ ăn cho gia đình. Chị Phương cho hay, cách đây hơn một năm được bạn bè giới thiệu, tìm hiểu trên mạng thấy nhiều cửa hàng quảng cáo bán rau hữu cơ, chất lượng ngon, đảm bảo an toàn hơn cả rau sạch, rau tiêu chuẩn VietGap, chị tìm mua về ăn thử. Từ đó, gia đình chị chuyển sang dùng thực phẩm hữu cơ.
Mặc dù là nhà tiêu dùng quen thuộc gần một năm nay nhưng chị Phương cho hay vẫn không thể phân biệt giữa thực phẩm thường và thực phẩm hữu cơ. “Về hình thức thì không dễ phân biệt được rau hữu cơ thật và hữu cơ giả. Khi tôi bỏ túi tiền ra mua thực phẩm hữu cơ với giá đắt gấp đôi, gấp ba nghĩa là tôi đã đặt hết niềm tin vào nhà sản xuất và nhà phân phối. Họ nói  rau được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng bất kỳ chất độc hại nào thì mình biết vậy chứ đâu thể kiểm nghiệm được. Có trà trộn thì cũng phải chấp nhận. Đổi lại, gia đình tôi được tiêu dùng thực phẩm sạch. Chí ít cũng là tâm lý an toàn, không lo sợ có thuốc hóa học hay kích thích tăng trưởng”, chị Phương nói.
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ mọc lên như nấm ở Hà Nội. Trên các tuyến phố Trần Nhân Tông, Lê Trọng Tấn, Hoàng Ngân, Nguyễn Công Trứ, Thụy Khuê, Nguyễn Trãi… các thương hiệu nổi tiếng bán rau hữu cơ như Bác Tôm, Homefood, Ecofood bày bán đủ loại thực phẩm hữu cơ. Không chỉ rau củ tươi, các loại sản phẩm hữu cơ khác như đồ uống, mỹ phẩm, ngũ cốc, bánh mỳ, thịt, trứng, cá…cũng không còn là mặt hàng hiếm.
Tuy nhiên, khảo sát tại các cơ sở kinh doanh này cho thấy, giá rau hữu cơ cũng chỉ tương đương với giá rau tiêu chuẩn thấp hơn như VietGap, rau sạch. Giá rau muống dao động từ 30.000 đồng – 32.000 đồng/kg; Rau cải xanh 32.000 đồng/kg; Rau mồng tơi 32.000 đồng/kg; Rau dền 32.000 đồng/kg, rau các loại gia vị 50.000 đồng/kg. Tại cửa hàng thực phẩm hữu cơ Green Life giá thịt gà hữu cơ 200.000 đồng/kg; thịt lợn đen hữu cơ 170.000 đồng/kg; …

rau huu co
Người tiêu dùng tù mù chọn thực phẩm hữu cơ  
Thậm chí, tại một số cơ sở kinh doanh rau hữu cơ hộ gia đình, giá cũng chỉ ngang bằng, thậm chí rẻ hơn so với giá rau ngoài chợ.
Tại cơ sở kinh doanh rau hữu cơ số 134 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN, chị H, chủ cửa hàng cho biết với diện tích 1 mẫu đất tại huyện Chương Mỹ trồng đủ loại rau củ quả hữu cơ: rau muống, rau ngót, cà chua, cà rốt, đu đủ, chuối… cửa hàng có thể cung cấp 50kg/ngày mỗi loại rau. Với giá bán lẻ trên thị trường trung bình từ 15.000 – 20.000 đồng/kg một loại rau sẽ giảm xuống  chỉ còn 10.000 đồng/kg cho nhập buôn.
Mua rau bằng “niềm tin”
Theo chuyên gia Hồ Minh Việt (Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), rau hữu cơ có hàm lượng chất dinh dưỡng, khoáng, vitamin cao hơn so với rau thông thường. Dĩ nhiên, quy trình trồng rau hữu cơ phải được giám sát chặt chẽ, khắt khe. Đất trồng không được nằm gần khu ô nhiễm, môi trường đất và không khí đảm bảo sạch, không bị ô nhiễm bởi kim loại nặng và các hóa chất độc hại khác. Quá trình trồng không được phép sử dụng phân hóa học, các chất kích thích sinh trưởng và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Đối với sản phẩm hữu cơ, cây sinh trưởng phát triển tự nhiên, thời gian sinh trưởng dài hơn so với sản xuất thông thường nên cho năng suất thấp hơn 25%-40% so với sản xuất thông thường.
“Với quy trình nghiêm ngặt, thời gian thu hoạch lâu hơn nên. Dĩ nhiên giá sản phẩm cũng cao hơn giá rau hiện đang có trên thị trường. Đặc biệt, các nhà sản xuất cũng không thể cung ứng nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng như rau trên thị trường hiện nay” - chuyên gia này cho hay.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN) cho rằng, hiện nay diện tích đất trồng rau hữu cơ ở Việt Nam không nhiều, rau hữu cơ chiếm tỷ lệ rất ít trên thị trường. Theo đó, ở miền Bắc, diện tích tập trung chủ yếu ở Hà Nội khoảng 20 hecta, ở Hòa Bình khoảng 10 hecta. Hầu hết các cơ sở sản xuất này đều áp dụng theo tiêu chuẩn PGS. Đây là tiêu chuẩn được tổ chức quốc tế về sản phẩm hữu cơ và Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chứng nhận. Bộ Nông nghiệp chưa có quy định nào cụ thể về chứng nhận hữu cơ và kiểm soát sản phẩm hữu cơ khi đưa ra thị trường.
Đứng trước nguy cơ người tiêu dùng dễ dàng bị móc túi bởi nhà phân phối có nhiều mánh khóe, trà trộn rau hữu cơ “giả” với rau hữu cơ thật, ông Quảng cho hay: “Hình thức rau hữu cơ không có sự khác biệt rõ ràng với rau thông thường, vì vậy, người tiêu dùng khi mua rau chỉ có cách dựa theo tem nhãn, nhận diện rau hữu cơ trên tem nhãn, uy tín, cam kết của người sản xuất và khẳng định của cơ sở kinh doanh”.
“Chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn về sản xuất, trồng trọt rau hữu cơ, sau khi xây dựng xong sẽ đưa ra chứng nhận về sản phẩm. Tuy nhiên, trước mắt Bộ Nông nghiệp đang tập trung vào sản phẩm sạch, an toàn, sản phẩm rau hữu cơ vẫn chỉ trong quá trình khuyến khích người dân làm theo”- ông Quảng nói.
 
An Nhiên

Thế giới sẽ tận thế nếu Putin và Obama không 'rã băng'?

vietnamnet- 05:02 | 15/12/2014
Cựu lãnh đạo Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev cảnh báo về nguy cơ ngày tận thế nếu Barack Obama và Vladimir Putin không nhanh chóng "rã đông" mối quan hệ băng giá của họ.

Nga, Mỹ, Ukraina, Putin, Obama, Gorbachev
Ảnh: wordpress

Mikhail Gorbachev cũng yêu cầu rằng, Moscow và EU nên chấm dứt điều mà ông xem là khởi đầu cho cuộc chiến tranh lạnh mới bắt nguồn từ khủng hoảng Ukraina.
E ngại "những hậu quả khủng khiếp", ông cảnh báo: Sự sụp đổ thảm khốc về lòng tin trong quan hệ quốc tế sẽ là kết quả từ những sự kiện diễn ra trong ít tháng qua.

"Đánh giá từ những tuyên bố gần đây, các nhà ngoại giao của cả hai bên đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu kéo dài nhiều năm. Điều này hết sức nguy hiểm. Chúng ta phải nỗ lực tốt nhất thay đổi xu hướng này", ông nói.

Mikhail Gorbachev nhấn mạnh: "Chúng ta phải cấp bách tan băng mối quan hệ".

Viết trên báo Nga Rossiiskaya Gazeta, cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev, 83 tuổi cảnh báo, các nỗ lực quốc tế hiện nay để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina là "bất bình đẳng dẫn tới những nguy cơ đe dọa tất cả chúng ta. Tôi cho rằng, lãnh đạo Nga và Mỹ hãy nghĩ về việc tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với chương trình nghị sự rộng lớn, vô điều kiện. Một cuộc gặp tương tự cũng nên diễn ra giữa Nga và EU".

Theo ông, những cường quốc hạt nhân như Mỹ và Nga có trách nhiệm đặc biệt. "Nếu họ xa rời điều đó, thế giới sẽ chứng kiến hậu quả khủng khiếp. Chúng ta không nên sợ ai đó mất mặt, hay ai đó giành chiến thắng. Điều này là quá khứ, chúng ta cần nghĩ về tương lai".

Tháng trước, ông Gorbachev nói với hãng thông tấn Interfax rằng, ông không muốn một ai khác thay thế vị trí của Putin. “Tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng Putin sẽ bảo vệ lợi ích của nước Nga tốt hơn bất cứ ai”.

Thái An (theo Dailymail)

Người biểu tình Hồng Kông âm mưu tổ chức phong trào mới

(Kiến Thức) - Sinh viên và các nhóm dân sự ở Hồng Kông đang phát động phong trào bất hợp tác, kêu gọi người dân hoãn trả tiền thuê nhà và cả tiền thuế.

Alex Chow Yong-kang, Tổng thư ký Hiệp hội Sinh viên Hồng Kông nói trong cuộc họp báo sáng 14/12 rằng, các hành động trên là “hoàn toàn hợp pháp” và hi vọng thu hút giới công nhân bận rộn tham gia vào phong trào mới này.

 Người biểu tình Hồng Kông đứng tràn xuống đường Nathan.

“Phong trào chiếm lĩnh đang chuyển mình sang một hình thức khác. Trong khi chính quyền không chấp thuận bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu thì chúng tôi đang lên kế hoạch để đấu tranh vì điều đó và thách thức chính quyền”, Alex Chow nói.

Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi cảnh sát dẹp bỏ khu lều trại - thành trì của người biểu tình ở Admiralty cuối tuần trước và khai thông các con đường bị chiếm đóng. Nhiều ngày trước đó, các cảnh sát cũng dẹp đám đông biểu tình ở khu Mong Kok.

Theo một thông tin mới nhất, vào ngày 13/12, đại diện cảnh sát Hồng Kông cho biết, họ sẽ tiến hành dẹp bỏ khu biểu tình nhỏ nhất hiện vẫn bị chiếm đóng là khu vịnh Đồng La (Causeway Bay) vào sáng ngày 15/12.

19:00 14/12/2014

Thanh Nga (theo SCMP)

Joshua Wong lọt top 10 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất năm 2014

SM-14/12/2014 - 00:25
Ngày 12/12, trang AFP vừa công bố danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014 được khoảng 380 nhà báo tham gia bầu chọn.


Trong danh sách nêu trên tổng thống Nga Vladimir Putin đứng đầu bảng xếp hạng những người quan trọng và có ảnh hưởng nhất năm 2014. Dấu ấn lớn mà Putin để lại là trong năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây rạn nứt trong cuộc chiến Đông - Tây Ukraine. Đi cùng với đó là các đòn trừng phạt kinh tế , một trong những tác động gián tiếp khiến giá dầu giảm xuống mức kỷ lục vào cuối năm nay.

Ngoài ra, còn có những người tạo ra ảnh hưởng tích cực hơn là Giáo hoàng Francis; chủ nhân giải Nobel Hòa bình Malala Yusufzai; ông bà Diane và John, cha mẹ của nhà báo Mỹ bị Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết James Foley. Đáng chú ý thủ lĩnh sinh viên biểu tình Hong Kong Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) cũng đã được bình chọn vào danh sách này.

Joshua Wong sinh ngày 13/10/1996- hiện đang là sinh viên Đại học Mở Hồng Kông, theo học chuyên ngành khoa học xã hội. Cậu sinh viên 17 tuổi này được đánh giá là một trong những nững nhà hoạt động chính trị mạnh mẽ nhất tại Hong Kong. Trong hơn 2 tháng qua, Joshua Wong cũng là một trong những thủ lĩnh lãnh đạo cuộc biểu tình tại Hong Kong đấu tranh đòi được quyền bầu cử tự do cho lãnh đạo kế tiếp cho thành phố trong năm 2017. Cuộc biểu tình lịch thiệp của giới sinh viên Hong Kong đã tạo nên một làn sóng cảm hứng mạnh mẽ tại nhiều nơi trên thế giới.

Danh sách 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014 do AFP bầu chọn:

1. Tổng thống Nga Vladimir Putin.
2. Abu Bark al-Baghdadi, lãnh đạo tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
3. Các nữ sinh Nigeria bị nhóm Boko Haram bắt cóc,
4. Giáo hoàng Francis.
5. Malala Yousafzai chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2014.
6. Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), thủ lĩnh sinh viên biểu tình Hồng Kông.
7. Ông bà Diane và John, cha mẹ của nhà báo người Mỹ James Foley bị IS hành quyết.
8. Vận động viên điền kinh khuyết tật Oscar Pistorius.
9. Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp.
10. Jack Ma (Mã Vân) nhà sáng lập tập đoàn Alibaba, Trung Quốc

Năm ngoái người đứng đầu danh sách những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất năm 2013 của AFP là điệp viên Mỹ Edward Snowden.

Vĩ Thanh
Theo AFP

Thách thức về tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Bắc Kinh gia tăng

VOA-15.12.2014
Bản đồ 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc mà theo văn kiện của Mỹ kết luận là không có cơ sở trong luật quốc tế.
Bản đồ 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc mà theo văn kiện của Mỹ kết luận là không có cơ sở trong luật quốc tế.
Thứ Hai, 15 tháng 12, là thời hạn chót để Trung Quốc đệ trình phản biện về vụ Philippines kiện nước này tại tòa án trọng tài về việc đòi chủ quyền rộng khắp trên biển Đông. Nhưng, theo tường thuật của Thông tín viên đài VOA Simone Orendain Trung Quốc tránh tòa án trọng tài và không muốn trả lời, trong khi những thách thức đối với lập trường của họ tiếp tục gia tăng.

Chỉ vài ngày trước hạn chót 15 tháng 12, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết chính phủ Việt Nam đã nói với Tòa án Trọng tài Thường trực rằng Việt Nam hoàn toàn bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển cạnh đó.

Trong một tuyên bố Philippines nói lập trường của Việt Nam “hữu ích về phương diện phát huy tinh thần thượng tôn luật pháp và trong việc tìm giải pháp hòa bình và bất bạo động cho các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông…”

Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc thúc giục Việt Nam “tôn trọng một cách nghiêm chỉnh chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền về hàng hải, và các quyền lợi của Trung Quốc.” Bộ này nhắc lại quan điểm của Trung Quốc là tòa án trong tài không có thẩm quyền tài phán đối với vụ kiện.

Trong một văn bản phổ biến cách nay một tuần, Trung Quốc lập luận rằng Philippines trên cơ bản đưa một vụ tranh chấp lãnh thổ ra trước tòa án và rằng vấn đề chủ quyền lãnh thổ không phải là vấn đề được giải quyết bởi Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói rằng chính phủ của ông đã ghi nhận vấn đề này. Ông nói:

“Thực ra các lập luận được Trung Quốc nêu lên không mới mẽ gì nữa. Chúng tôi biết các điểm đó và chúng tôi đã trả lời các lập luận đó trong bị vong lục chúng tôi đệ nạp.”

Trung Quốc nói rằng các tuyên bố về lãnh hải của họ có từ 2000 năm trước và tranh cãi rằng họ là nước đầu tiên “phát hiện, đặt tên và thám hiểm” các đảo đang tranh chấp bởi Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Bắc Kinh cũng lập lại rằng họ có quyền chọn không tham gia giải quyết theo đường lối trọng tài cưỡng chế về những vấn đề liên quan đến biên giới trên biển.

Văn bản còn nêu lên các trường hợp trong nhiều năm qua Trung Quốc và Philippines đã thỏa thuận giải quyết các tranh chấp chủ quyền qua đàm phán song phương. Và Trung Quốc nói rằng Philippines, qua việc đưa các vấn đề bất bình của mình ra tòa án trọng tài, “đã vi phạm nghĩa vụ chiếu theo luật quốc tế.”

Philippines đã đệ nạp 4.000 trang luận chứng hỗ trợ cho vụ kiện, nêu lên các câu hỏi về căn bản pháp lý đối với đòi hỏi chủ quyền theo “đường 9 đoạn”, hay đường lưỡi bò, của Trung Quốc chiếm khoảng 80% vùng biển. Bản luận chứng cũng yêu cầu tòa án bảo đảm rằng vùng Philippines tuyên bố chủ quyền là phần nằm trong thềm lục địa và trong vòng 370 km đặc quyền kinh tế của nước này.

Ông Carl Thayer, một nhà phân tích về an ninh Á châu tại Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng trong khi tránh tòa án trọng tài, Trung quốc đang kháng cáo qua việc công bố văn bản về quan điểm của mình. Ông Thayer nói:

“Ở một mức độ nào đó Trung Quốc sẽ được một số thẩm phán hoan nghênh vì ít ra họ có, giờ thị họ biết, thêm đôi chút về những gì Trung Quốc đòi hỏi.”

Ông Thayer nói rằng các thẩm phán cũng sẽ xem xét một bản nghiên cứu mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra chỉ mấy ngày trước văn bản về lập trường của Trung Quốc được công bố. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò trung lập trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, bản nghiên cứu này tìm cách kết nối điều mà họ gọi là căn bản mơ hồ về đường 9 đoạn của Trung Quốc. Sau khi trình bày 3 diễn giải có thể có về đòi hỏi của Trung Quốc, văn kiện của Mỹ kết luận rằng nó không có cơ sở trong luật quốc tế.

Ông Myron Nordquist, phó giám đốc Trung tâm về Chính sách và Luật Biển thuộc Đại học Virginia, nói ông nghĩ rằng tòa án sẽ thấy rằng họ không có thẩm quyền tài phán đối với vụ kiện. Ông nói:

“Khi Trung Quốc chọn cách không tham gia, họ đã không tham gia – và ngôn từ, văn bản Công ước nói rằng: các tranh chấp liên quan đến tính danh lịch sử… Vì vậy quả có liên quan đến một đòi hỏi không chứng minh được .. liên quan đến tranh luận trên danh nghĩa lịch sử.”

Nhưng ông Nordquist cũng nói rằng việc ủy ban không có thẩm quyền tài phán sẽ dẫn đến sự hòa giải bắt buộc, có nghĩa là 2 bên phải bàn thảo với một bên trung lập thứ 3. Tuy nhiên 2 bên tranh chấp không bắt buộc phải theo các đề nghị của đệ tam nhân.

Ông Nordquist nói rằng nếu ủy ban quyết định vấn đề không liên quan đến danh nghĩa lịch sử, họ có quyền tài phán đối với vụ kiện và sẽ đưa ra phán quyết. Phán quyết sẽ được thi hành bởi Hội đồng Bảo An, mà Trung Quốc là một thành viên, có thể sử dụng quyền phủ quyết.

Trung Quốc: Muốn đầu thai phải có giấy phép!

Trung Quốc Không Kiểm Duyệt 14 Tháng Mười Hai , 2014
Nếu vô tình là một tu sĩ Tây Tạng và đang lên kế hoạch theo chu kỳ luân hồi vô tận của sinh, tử và tái sinh, thì trước hết bạn cần được Chính quyền Trung Quốc cấp phép.
Bạn có thể tự hỏi cái quyền nào cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát cả sự đầu thai?
Đảng chính thức vô thần nên chẳng cần loại mê tín đó.
Lệnh cấm bắt đầu từ năm 2007, đặc biệt với Tây Tạng.
Những linh hồn tuyệt vọng sẽ không có nơi trú chân nếu chẳng điền đủ giấy tờ. Thế đấy.
Dù bạn có điền hết đống đơn từ đó, thì tất cả đồn cảnh sát và lính bắn tỉa trên nóc nhà vẫn sẽ hành động khi có chuyện bất thường xảy ra.
Đừng lo, bạn cũng chẳng chết nổi nếu chưa được phép từ chính quyền.
Mỗi tỉnh đều có chỉ tiêu bao nhiêu kẻ được “ra đi” mỗi tháng.
Với cái loại kiểm soát đó, liệu Trung Quốc sẽ có một bữa tiệc trà?
Có chứ, nếu tính cả việc cảnh sát ập vào nhà lúc ba giờ sáng mời bạn đi uống trà.
Thực ra có một lý do đầy ám muội sau cái việc chính quyền Trung Quốc công bố lệnh cấm đầu thai.
Đức Lạt Ma sắp sang tuổi 80 tuyên bố sẽ không đầu thai vào một Tây Tạng bị Trung Quốc cai trị.
Vậy là, luật cấm đầu thai điên rồ ra đời để ngăn chặn bất cứ người kế tục nào của Đức Lạt Ma được bầu bởi người Tây Tạng.
Điều đó dọn đường cho chính quyền Trung Quốc chỉ định Lạt Ma của riêng họ để nắm giữ Tây Tạng
Chính quyền Trung Quốc kiểm soát mọi mặt đời sống người dân.
Bạn nên xem video này, trong đó liệt kê 80 loại giấy chứng nhận và hơn 3.000 giấy phạt cần biết cho mỗi công dân Trung Quốc.

Sơ kết hai năm cho ông Thủ tướng

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Những ngày cuối năm đang đến. Sài Gòn đỡ nóng bức hơn với những cơn gió mát thi thoảng kéo về. Đường phố Sài Gòn đã trang hoàng xong cho dịp Noel và tết tây. Sóng đôi với lá quốc kỳ - người ta gặp trên đường Lê Duẩn - lá cờ nửa đỏ nửa xanh của MTDTGPMNVN, một "biểu hiện" có thể lạ, đối với một phần lớp trẻ sinh sau 1975. Dù "tâm bình như thủy" hay "tâm như bình thủy", hy vọng bài viết này sẽ góp thêm một ít suy ngẫm cho người Việt Nam trong tình hình hỗn mang và khốc liệt hiện nay.

Nhìn lại hai năm qua...

Đó là cột mốc, kể từ khi 2 băng đảng (ý nhầm!) "2 ban đảng" được tái lập vào ngày 28/12/2012 theo quyết định số 158-QĐ/TW dành cho Ban NCTƯ và Quyết định số 160/QĐ-TW dành cho Ban KTTƯ.

Chỉ hai năm, phải nói rất nhiều sự kiện và biến cố quan trọng xảy ra trên quê hương này. Đặc biệt, phong trào dân chủ dưới nhiều hình thức phát triển phong phú, đa dạng và lòng dân cũng bớt dần sự sợ hãi, với oan ức do người CS gây ra ngày càng lộ diện kinh hoàng. Người dân oan đã tỏ rõ tính độc lập và tự tin trong việc đi đòi giải quyết oan khiên của mình. Chẳng còn mấy ai "bám theo đuôi" các ông (bà) CS trung/cao cấp hồi hưu và các loại "trí thức XHCN", thuộc hàng có chút "tiếng" nhưng "tăm" gần như lặn mất (!).

Cũng từ thời điểm đó, các phe phái trong ĐCSVN ngày càng phân hóa mãnh liệt và đấu đá kịch liệt, để tranh quyền đoạt bính qua nhiều biểu hiện, trên mọi lãnh vực.

Những người "yêu đảng" và muốn "đảng ta" "sửa mình" để tiếp tục tồn tại, thoạt đầu hí hửng và khấp khởi với sự tái lập "2 ban đó" cùng ông Trọng, ông Thanh, ông Huệ, có lẽ giờ đây tiêu tan mọi hy vọng. Một hy vọng ngỡ tràn trề nhưng quá mong manh, duy ý chí bởi không có căn cứ khoa học, như đã được phân tích [1]. 

Những tia nắng cuối ngày nhạt nhòa trong buổi chiều tà chập choạng, in đậm trên khổ người nhỏ thó của ông Tổng bí thư già nua, lề mề, với mái tóc bạc ngày càng mỏng mảnh. Dường như vóc dáng con con đó, hắt lên mặt phố bóng hình đổ dài theo ánh hoàng hôn le lói trước khi tắt lịm!. Một hình ảnh rời rã và suy sụp.

Trong khi đó, Vương Đình Huệ gần như lặng lẽ dù Ban KTTƯ còn đó, với quyết định 49/2014/QĐ-TTg Về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của Ban Kinh tế Trung ương, lại do... ông Thủ tướng ký [2] ban hành, có hiệu lực từ 20/10/2014. Một biểu hiện quy phục bên này và bội phản bên kia (?).

Nguyễn Bá Thanh bặt vô âm tín, với thông tin "chữa bịnh bên Mỹ". Cho đến giờ phút này chẳng biết ra sao! 

Cũng đáng thở dài!

Thủ đô Hà Nội kịch liệt chống phá Thủ Tướng?

Trong khi điểm nóng về đất đai tại Văn Giang - Hưng Yên, tạm thời yên ắng với những tên côn đồ bị xử tù như xoa dịu một chút lòng dân, thì dân oan Dương Nội - Hà Nội lại không may mắn như thế, với nhiều án tù của những nông dân vô tội. 

Hưng Yên cách Hà Nội hơn 60km, trong khi Dương Nội thuộc Thủ đô cách Hà Nội không đầy 10km. Tất nhiên, thời buổi internet, ý nghĩa không phải ở độ dài đoạn đường mà làm cho ý kiến của Chính phủ không tới được giới cầm quyền sở tại. Chỉ là hình như Hà Nội với tư thế thành phố loại đặc biệt nên có quyền tự tung tự tác áp đặt luật pháp vô lối cho người lương thiện(?) 

Điều đáng nói hơn, bà Cấn Thị Thêu - người được xem là "tâm điểm" của dân oan Dương Nội - đã bị dụ dỗ, theo lời kể của người con trai ruột [3]: "... công an liên tục dụ dỗ, mua chuộc. Họ hứa sẽ cho ông Khiêm và bà Thêu 10 tỉ cùng với đất đai để đủ canh tác và còn bảo đảm việc làm cho cả ba người con. Cả ông Nguyễn Đức Chung, đương kiêm Giám đốc công an thành phố Hà Nội cũng đến nói chuyện với hai ông bà. Nhưng ông Khiêm và bà Thêu từ chối và cương quyết cùng bà con dân oan Dương Nội đòi lại đất sống cho mình và cho làng...".

Thật là hay! Ông Nguyễn Đức Chung thân là Giám đốc CA Hà Nội dám chà đạp pháp luật và ngang nhiên chiêu dụ dân oan làm điều bất nhân, bất nghĩa?!

Người ta còn nhớ, chính ông giám đốc CA Hà Nội đã cậy nhờ blogger Người Buôn Gió khuyến dụ nhà thờ Thái Hà [4]: "Tôi biết anh là người có quan hệ qua lại với nhà thờ Thái Hà. Nếu trước khi anh đi, anh giúp gì cho mọi việc êm ấm thì tốt. Anh có thể nói với các linh mục làm đơn xin đất được không?. Bây giờ đất dự án không triển khai nhà nước thu hồi lại. cũng nhiều chỗ đẹp. Toàn đất dự án đẹp đấy, không phải đất xấu đâu. Thôi thì nhân lúc có cơ hội này đất đai đang có, anh nói với các linh mục làm đơn xin để thành phố cấp đất cho. Chứ chỗ đất bệnh viện cũ là chuyện lịch sử, thẩm quyền tôi trông thế những có hạn lắm. Tôi cũng muốn sao mọi việc yên ổn, cứ căng thế này cũng mệt. Trông đi trông lại toàn là dân Việt mình với nhau".

"Đất đẹp" thừa thãi không biết làm gì, Hà Nội cãi lời ông Thủ Tướng, không cấp cho Viện Toán của ông Ngô Bảo Châu đã đành, trong khi đi cướp (thêm) đất dân Dương Nội để làm gì? Lại còn cố tình mua chuộc vợ chồng bà Thêu để phá nát tình làng nghĩa xóm của những nông dân lương thiện?! Ông Nguyễn Đức Chung tự biết thân phận với "thẩm quyền có hạn lắm", vậy ông nhận lịnh ai mà dám vi phạm pháp luật, làm trái luân thường đạo lý như thế?

Hầu như dư luận quá rõ, lịch sử vụ "mượn" đất làm bịnh viện Đống Đa rồi không trả nhà thờ Thái Hà, giới cầm quyền Hà Nội tiếp tục chày cối, cố cướp thêm những phần khác. Vừa cướp lại vừa quấy nhiễu nơi tôn nghiêm nhiều lần. Diện tích Thái Hà "...từ hơn 70.000 m2 giờ chỉ còn chưa đầy 3000 m2 cho mọi việc sinh sống và phục vụ giáo dân, cộng đồng..." [5]. Vụ việc vẫn âm ỉ và dai dẳng lâu nay. 

Ngày 18/10/2014, ông Nguyễn Tấn Dũng đã được Đức Giáo Hoàng tiếp đón tại Tòa Thánh Vatican [6]. Hai tháng sau, sáng ngày 13/12/2014, ông Thủ tướng phát lệnh làm [7] "...lễ khởi công xây dựng 2 bệnh viện lớn của Trung ương gồm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức-Cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai - Cơ sở 2 với tổng quy mô 2.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được tổ chức tại tỉnh Hà Nam...". Chắc là ông Thủ tướng nước CHXHCNVN cũng biết tục ngữ "tránh voi chẳng xấu mặt nào"?!

Với quy mô đồ sộ từ hai cơ sở mới, được khánh thành vào tháng 12/2017, không rõ các ông Phạm Quang Nghị - Nguyễn Thế Thảo - Nguyễn Đức Chung còn giữ ý định tiếp tục cướp đoạt đất nhà thờ Thái Hà không nhỉ (?).

Trước đó, ngày 29/4/2014, "...Thủ tướng [...] phê bình lãnh đạo Hà Nội là địa phương có nhiều dự án chậm bàn giao mặt bằng, khi báo cáo xong không ở lại nghe ý kiến chỉ đạo của Chính phủ" [8]. Thân là Thủ tướng của một quốc gia độc lập - toàn vẹn lãnh thổ như ông Nguyễn Tấn Dũng, xem ra không phải chỉ đạo thì cấp dưới tuân lời (!)

Có nên xây sân bay Long Thành?

Sân bay Tân Sơn Nhất ngày nay loạn xạ và mất mỹ quan vô cùng với đủ thứ khách sạn, cao ốc, hàng quán lổn nhổn bao quanh, nhà cửa lô nhô, quanh co với các hẻm hốc đan chặt như "bát quái trận đồ" và các loại dịch vụ bát nháo, kể cả dịch vụ phục vụ cho kỹ nghệ tình dục cũng không thiếu.

Nhà văn Phạm Đình Trọng cho biết [9]: "... Sân bay Tân Sơn Nhất có tổng diện tích 2500 ha nhưng mới có 1150 ha đất được sân bay sử dụng, khai thác. Ngay sau 1975 những người quản lí đất nước không có tầm nhìn xa, chỉ nhìn thấy những lợi lộc trước mắt chia chác nhau, đã không biết rằng khoảng đất trống rộng lớn quanh sân bay, vừa là đất dự trữ, vừa là không gian đệm ngăn cách sân bay với khu dân cư nên họ đã cho công binh dọn sạch hàng rào thép gai và mìn trên khoảng đất trống đó rồi cắt hơn ngàn ha đất dự trữ của sân bay chia cho tướng sĩ. Nay nhà cửa trùng điệp của các khu gia đình quân đội đã bao quanh và lấn đến sát mép sân bay. Diện tích đất sân bay chỉ còn vẻn vẹn 1150 ha! [...] đất còn lại đang tiếp tục bị tập đoàn lợi ích núp bóng quân đội xâu xé...".

Bất kỳ ai cũng khó thể chối cãi khi đi vào hay đi qua khu vực sân bay, sẽ thấy não nề và ngán ngẩm, bởi nó đã bị "dân cư hóa" dày đặc, với hàng ngàn nóc nhà đủ loại, đủ kiểu, đủ màu (!). Chưa có bất kỳ một thống kê chính thức nào để biết những chỉ số cơ bản: dân cư, số nóc nhà, diện tích dân cư chiếm hữu v.v... nhưng có lẽ không thể dưới 10.000 người sinh sống và làm việc bao quanh đó. 

Điều đáng nói hơn, hàng ngàn nhà phố, biệt thự, căn hộ với những "quyển sổ hồng" đã cấp từ lâu, chẳng một cơ quan nào của UBNDTP.HCM có thể tổng hợp nổi giấy tờ ra sao, cấp thẩm quyền nào ban hành, với hầu hết chủ nhân là "dân thứ dữ", nếu không thuộc quân đội thì cũng thuộc hàng không. "Đụng vào đó" không thể là chuyện giỡn chơi. 

Mới đây, dư luận quá lo lắng việc mất kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất, từ một sự cố chưa bao giờ có và [10] "...Trong thiết kế đảm bảo 99,9% nguồn điện sẽ không bao giờ bị ngắt nếu không có sự tác động của con người..."do Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN Nguyễn Đình Công xác nhận với phóng viên, dẫn đến việc bắt tạm giam kíp trưởng ca trực Lê Trí Tình, người chịu trách nhiệm chính trong sự cố xảy ra làm tê liệt sân bay hơn nửa tiếng đồng hồ ngày 20/11/2014.

Không chỉ mất nốt chút uy tín còn sót lại của Vietnam Airlines, nguy hại hơn rất nhiều lần, sự cố đặc biệt nghiệm trọng đó làm cho tình hình an ninh quốc gia đứng trước sự đe dọa rõ rệt, đặt trong bối cảnh quốc tế xung đột mãnh liệt cùng nhiều vụ tai nạn máy bay xảy ra trong những tháng trước đây. 

Sự cố gọi là "chưa từng có", chắc phải làm ông Thủ tướng giật nảy mình? Cả ông Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng, cũng không còn kiểm soát nổi (?!) Một khi không làm rõ ngọn ngành từ "đầu mối" nào gây ra và nghiệm trị, không có gì đảm bảo tai họa không xảy ra nghiêm trọng hơn ngàn lần. Chẳng ai mong nhìn thấy hình ảnh những máy bay đâm vào nhau và vỡ vụn với hàng trăm thi thể cháy đen, lộp độp rơi xuống từ trên không phận nước CHXHCNVN (!!!)

Người CS vốn dĩ mang bản chất hồ đồ và ẩu tả, từ vụ "cờ sáu sao" trước đây lấp liếm cho qua, để rồi mới đây, ngay chính ANTV - một đài truyền hình của Bộ Công an, ngang nhiên phát hình ảnh lính Trung Cộng lại chỉ bị phạt 15 triệu đồng, trong khi báo chí không dám chỉ rõ [11]. 

Thế lực thù địch chui thật sâu vào nội bộ người CS, trèo thật cao ngồi chình ình những nơi quan trọng, rồi thòi lòi ra như vậy, nhưng người CS vẫn không chịu banh con mắt ra nhìn cho rõ, trong khi cứ đổ vấy hết người này tới nhóm nọ. 

Khi ý định xây sân bay Long Thành trình ra Quốc hội, người CS ra vẻ "ngu dốt", bởi chỉ ngồi bàn luận dự án thuần về kinh tế, về gương mặt đô thị, về việc xa gần (cho dễ đi lại) mà không gắn nó với "văn hóa XHCN" làm nát bét sân bay TSN cùng lợi ích khổng lồ, khai thác từ và quanh sân bay của những "tai to mặt lớn", tội gì họ từ bỏ (?!). Sân bay "dọn" đi chỗ khác, tức những món tiền từ đó cùng giá trị BĐS cũng cuốn theo. Đặc biệt, vấn đề an ninh quốc gia, trong bàn thảo xây sân bay mới, người CS phớt lờ việc quản lý quá lỏng lẻo, trong khi ngày càng có căn cứ để tin rằng, bóng dáng ngoại bang đang lẩn khuất và trà trộn, thao túng sân bay Tân Sơn Nhất.

Rất nực cười, khi ông Nguyễn Thiện Tống - với sự nổi tiếng chuyên môn bản thân - viết một bài phân tích để bác bỏ làm sân bay Long Thành [12]. Bài viết tuy công phu, nhưng trở nên rất khờ khạo khi loại bỏ yếu tố chính trị - an ninh quốc gia cùng với bản chất cát cứ, thủ lợi riêng và hẹp hòi của người CS. 

Không phải ngẫu nhiên, Phùng Quang Thanh ủng hộ xây sân bay Long Thành [13].

Ngay cả Sài Gòn, Lê Hoàng Quân - Chủ tịch TP cho biết [14]: "sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay do hai bộ quản lý, gồm: Giao thông vận tải (hàng không thương mại), Quốc phòng (quân sự). UBND TP.HCM chỉ quản lý địa bàn".

Với mô hình bộ máy quản lý từ trung ương xuống địa phương, đậm "chất xô viết" gần 40 năm qua, CSVN loay hoay trong "mạng nhện" đó, không có cách nào thoát nổi với thể chế độc đảng toàn trị vẹn nguyên bản chất.

Để duy trì và mở rộng Tân Sơn Nhất đạt mức văn minh như mong muốn, chỉ có một cách: Giải tỏa toàn bộ dân cư khu vực sân bay. Ông Thủ tướng và phe cánh liệu có đủ khả năng và can đảm?

Nếu không "thay máu" toàn bộ nhân sự trung cao cấp sao cho thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng, việc xây sân bay Long Thành không đảm bảo cho ông Dũng và các "đệ tử chân truyền" "hạ cánh an toàn" trong trường hợp "đáp khẩn cấp". 

Những người CS mạnh mồm phản bác xây sân bay Long Thành, có nghĩ đến chính bản thân các ông (bà) và thân nhân không phải nơm nớp khi ngồi trên chuyến bay cất/hạ cánh tại Tân Sơn Nhất với hệ thống điện tê liệt vào bất kỳ lúc nào? 

Máy bay chở theo nhiều người CS Lào cao cấp rớt vào tháng 5/2014, trong đó có cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào và phu nhân của ông ta [15], có lẽ người CSVN chưa quên? Nên nhớ, quan chức cấp càng cao cùng "đại gia" càng "bự" thì đi máy bay càng nhiều. Không phải dân đen và càng không phải dân oan (!).

...Hoặc là người CS tiếp tục đánh nhau?...

(còn nữa)




Chú thích:
















Nguyễn Thiện Tống, sinh năm 1947, từng tham gia bãi khóa chống chế độ TT Ngô Đình Diệm từ Trường Quốc học Huế. Ông du học Úc vào cuối năm 1965 theo học bổng Colombo Plan. Tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không ở Viện Đại học Sydney năm 1974 và trở về nước. Đầu năm 1975 ông đảm nhiệm vị trí Phụ tá Khoa trưởng đặc trách nghiên cứu và phát triển của Trường đại học Kỹ thuật (thường gọi là Đại học Phú Thọ), tiền thân của Đại học Bách khoa (ĐHBK) TP. Hồ Chí Minh ngày nay. Ông tiếp tục giảng dạy ở đây cho đến khi nghỉ hưu đầu năm 2008.




Ghi chú: Lực lượng trực tiếp làm việc tại sân bay tuyệt đại đa số là con ông cháu cha, dây mơ rễ má, đồng hương đồng khói, mua chỗ; tương tự như lĩnh vực dầu khí, nghĩa là trên 90%. 

Điều đáng phàn nàn, từ việc sinh sống và làm ăn xung quanh, họ làm cho bộ mặt sân bay hổ lốn, xấu xí. Không những bao quanh toàn khu hiện hữu, mà còn kéo dài đến đường Cộng Hòa, khu K300 vốn thuộc sân bay trước đây, nay hầu hết biến thành nhà dân. Tất cả những điều đó phá nát quy hoạch và mỹ quan cho cả vùng rộng lớn. 

Nói chung, "văn hóa kinh doanh", "văn hóa sống", "văn hóa ứng xử" v.v... không chỉ riêng khu sân bay mà SG và cả nước, đã bị cày ngang xới dọc từ "văn hóa XHCN" của người CS thâm nhập và thấm đẫm hơn 39 năm qua. Không thể nào sửa chữa nổi. 

Những cư dân sống và kinh doanh tại khu vực này trực tiếp làm ăn chỉ chiếm phần nhỏ, phần lớn cho thuê mướn đủ loại: ngoài khách sạn, phòng trọ, massage, karaoke, nhà hàng tiệc cưới cùng với cây xăng, siêu thị chen nhau, còn có đủ thứ tiệm ăn với biển hiệu: cơm rang, bún chả, bún đậu mắm tôm, thịt cầy v.v... Thêm vào đó, hàng ngàn căn hộ, nhà phố, khu villa trong dự án kinh doanh các loại của các công ty BĐS, có cả các công ty thuộc quân đội.

Diện tích Việt Nam đang phình ra hay teo đi?


Đó là con số “nhạy cảm” của đảng “ta”?!

Chúng ta đều biết, diện tích một quốc gia (làm tròn đến km2 tức 100ha) là con số khá ổn định, trừ khi quốc gia đó có chiến tranh biên giới, chiến tranh mở rộng bờ cõi quốc gia, hay có thương mại... “trao đổi” lãnh thổ, đất đai với láng giềng “4 tốt”. 

Chúng ta còn biết, diện tích quốc gia mình là con số được dạy cho học sinh từ tiểu học, và học sinh hay công dân mỗi nước thường vì yêu quí nước mình mà thuộc nằm lòng con số đó dù nó thường chả dễ nhớ chút nào. (Tôi vẫn nhớ từ hồi nhỏ đi học cấp 1 được dậy diện tích Việt Nam là 329,600 km2…)

Và chúng ta cũng biết, diện tích mỗi quốc gia là con số công khai ai cũng biết được dễ dàng, ngày nay chỉ cần lên trang mạng của chính phủ nước mà mình quan tâm là biết được, trừ khi chính phủ nước đó không dám cả công khai con số diện tích nước mình vì sợ nó... "khai" ra điều “nhạy cảm”!

Trong trường hợp CHXHCN Việt Nam hôm nay, đó là tình huống “nhạy cảm”? 

Vào trang mạng Nhà nước XHCN VN và Chính phủ VN, cố tìm con số chính thức đó, mà không tìm được? Vào trang của Tổng cục Thống kê, cũng không có số công khai? Tại sao trên Cổng thông tin của Chính phủ hay Website của Nhà nước, Chính phủ VN mà không có con số đó - nó “nhạy cảm” quá chăng?

Trên Wikipedia thì tất nhiên có, nhưng nó không chính thức. Trên đó, Theo “Địa lý Việt Nam” thì hiện VN có diện tích là 331,698 km2 và 128,565 mi2 mặt nước. Hiểu hai con số trên như thế nào? 

Diện tích VN tăng hay giảm sau chiến tranh 1979 và cắm mốc Biên giới?

Người ta nói, diện tích VN luôn tăng tự nhiên do mũi Cà Mau hàng năm vươn ra biển cả trăm mét? Tôi tìm con số chính xác hơn trên Bản đồ Việt Nam khổ 82cmx112cm do Nhà XB Tài Nguyên Môi trường và Bản đồ VN in ngày 3/4/2012 (Quyết định XB số 16/QĐ-BĐ) và diện tích Việt Nam được công bố trên đó cũng là 331,698 km2.

Nhưng kiểm tra lại với con số công bố trong Tập bản đồ Hành chính Việt Nam do NXB Bản Đồ in (theo giấy ĐK 28-1834/XB-QLXB ngày 26/12/2003) thì diện tích VN chỉ là 330,992 km2

Vậy là, khoảng từ 1973 (khi tôi còn đi học) đến 2003 diện tích VN đã tăng thêm những 1,392 km2 (330,992-329,600), tức thêm diện tích gần bằng 1 tỉnh Thái Bình? Tuy nhiên, trong thời gian 30 năm đó có cuộc chiến biên giới gần 10 năm chống Tàu và VN mất dẫy núi Mẫu Sơn, Ải Nam Quan và nhiều khu núi rừng biên giới khác?

Rồi từ 2003 đến 2013, có đợt cắm lại mốc biện giới phía Bắc với nước Tàu “thành công mỹ mãn” của đảng “ta” năm 2004, nước ta lại đã mất đi thêm ít nhất khoảng 1,500 km2 đất núi rừng biên giới so với biên giới cũ theo Hiệp ước Pháp-Thanh để lại, nhưng theo NXB TN-MT và Bản Đồ VN thì diện tích Việt Nam lại vẫn tăng thêm 706 km2 đất (từ 330,992 lên 331,698 km2)? 

Tại sao vậy? Hay là theo Hiệp ước Thành Đô 1990, Tàu cộng đã phải cống nạp cho Việt Nam 70,600 ha đất đó làm quà hữu nghị “4 tốt 16 chữ vàng”?!

Diện tích VN được Chính phủ công bố là các con số ma?

Chúng ta hãy thử xuất phát từ số liệu 2003 của NXB Bản Đồ, phân tích các con số diện tích hai tỉnh/thành phố trong số 63 tỉnh thành là Đà Nẵng và Khánh Hòa vì đó là hai nơi có các huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, để xem, ví dụ, tại sao diện tích Việt Nam bỗng nhiên tăng từ 329,600 km2 thành 330,992 km2?

Theo tập Bản đồ Hành chính VN năm 2003, diện tích Đà Nẵng là 1,256 km2 gốm 5 quận và 2 huyện trong đó có huyện đảo Hoàng Sa với diện tích 305 km2. Tương tự, diện tích Khánh Hòa là 5,198 km2 bao gồm 2 thành phố (Nha Trang và Cam Ranh) và 6 huyện trong đó có huyện đảo Trường Sa với diện tích 497 km2.

Thế nhưng, trên thực tế, quần đảo Hoàng Sa có 16 đảo đất đá nổi và gần trăm bãi đá, bãi cát chìm... với tổng diện tích chưa tới 10 km2. Tương tự, quần đảo Trường Sa có 27 đảo đất đá nổi và trên hai trăm bãi đá, bãi cát chìm nổi... với tổng diện tích chưa tới 11 km2. Vậy hai con số “diện tích” Hoàng Sa và Trường Sa là 305 km2 và 497 km2 là gì và trên từ đâu ra?

Chúng ta biết, khái niệm diện tích một đơn vị hành chính dạng đảo hay quần đảo chỉ bao gồm tổng diện tích phần đảo nổi mà thôi, không có nội hải hay lãnh hải. Ví dụ, tỉnh Quảng Ninh có huyện đảo Cô Tô cũng là một quần đảo, nhưng diện tích Cô Tô chỉ tính là 46.2 km2 phẩn nổi các đảo lớn (7 đảo) mà thôi? 

Như vậy, VN tính Hoàng Sa là 305 km2 vào Đà Nẵng và Trường Sa là 497 km2 vào Khánh Hòa là sai, mà chỉ là 10 km2 và 11 km2 thôi (chưa kể 10 km2 đó “đảng ta” đã “mến tặng-gán nợ” Tàu cộng năm 1974 và 11 km2 thì lại “kính tặng” Tàu mất thêm 7 đảo đá năm 1988 rồi). Nếu trừ đi phần sai đó, 295 km2 và 487 km2, thì diện tích VN chỉ còn 330,992km2 –(295+487)km2=330,210 km2, có vẻ hợp lý hơn.

Sau đó, phải trừ đi kết quả cắm mốc biện giới hữu hảo với tàu mất ít nhất khoảng 1,500 km2 vào năm 2004 nữa thì diện tích Việt Nam hôm nay chỉ còn: 330,210 km2 - 1,500 km2 = 328,610 km2 mà thôi.  

Như vậy, so với con số chính thức 331,698 km2 thì có lẽ CSVN đã “vẽ thêm ra” khoảng trên 3,088 km2, tức thêm 2 tỉnh Thái Bình “quê ta ơi” nữa.

Về con số 128,565 m2 diện tích mặt nước của Việt Nam như trên wiki thì tôi chịu, không/chưa kiểm tra để hiểu chính xác hơn được. Chỉ biết ngay trong Vịnh Bắc bộ CSVN đã dâng nộp cho Tàu trên 30,000 km2 mặt biển khi phân định lại Vịnh Bắc Bộ…

Câu hỏi kết

Nhưng vẫn còn một câu hỏi ở đây mà vì nó tôi viết bài này. Đó là tại sao CSVN lại phải nhập nhèm chuyện không đáng nhập nhèm và không thể nhập nhèm là về diện tích lãnh thổ quốc gia này?

Câu trả lời của tôi là: Vì CSVN sợ lộ ra rằng từ 1975 đến nay dưới thời CS XHCN “tươi đẹp” dân Việt không chỉ bị đàn áp, bị mất hết quyền sống mà nước Việt cũng bị teo dần đi về diện tích theo những món quà trả nợ Tàu cộng của CSVN. Vì thế, họ phải bịa ra diện tích ảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cộng bừa vào diện tích quốc gia để dân không thấy con số thực đã bị teo đi đó, dù thực tế thì nó đã bị CSVN lén lút cắt đi nộp Tàu cộng nhiều lần.

Chỉ có người điên hay ngu mới tin mấy chục năm qua mũi Cà Mau đã nhô ra thêm cho Việt Nam 2 tỉnh Thái Bình nữa...

Và chỉ có CSVN mới tin rằng chúng có thể cắt đất nộp cho Tàu cộng hảng trăm ngàn hecta hay vài tỉnh, vài vùng biển, vài quần đảo của Tổ tiên Việt đã giữ gìn ngàn năm và để lại cho dân tộc mà chúng sẽ thoát tội trước Lịch sử và Dân tộc Việt Nam được!