Thursday, March 31, 2016

Trung Quốc: Không cần làm rùm beng các kế hoạch ở Biển Đông

Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc bay ngang bầu trời phía đông đảo Hải Nam.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc bay ngang bầu trời phía đông đảo Hải Nam.
VOA-03-31-2016
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Năm lên án những phỏng đoán là nước này sẽ tuyên bố một vùng phòng không ở bên trên Biển Đông có tranh chấp, sau khi Mỹ cho biết đã nói với Trung Quốc rằng sẽ không công nhận một vùng như vậy.
Các quan chức Mỹ gần đây đã bày tỏ quan ngại là phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vài tuần nữa về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn đến việc Trung Quốc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không, ADIZ, ở Biển Đông, như họ đã làm ở Biển Hoa Đông năm 2013.
Thứ trưởng Quốc phong Mỹ Robert Work hôm thứ Tư nói Mỹ sẽ coi một động thái như vậy là “gây mất ổn định” và sẽ không công nhận một vùng như vậy ở Biển Đông, như đã làm ở Biển Hoa Đông.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Work, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói bất cứ nước có chủ quyền nào cũng có quyền lập ra ADIZ.
“Về vấn đề này, các nước khác không cần phải làm rùm beng lên”, ông Dương nói tại một cuộc họp báo hàng tháng. Ông nói thêm việc lập vùng nhận dạng phòng không tùy thuộc vào các mối đe dọa và cần nhiều cân nhắc, nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết.
Căng thẳng giữa Trung Quốc với các láng giềng Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Taiwan về Biển Đông đã tăng lên sau khi Bắc Kinh bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở các đảo vả bãi san hô có tranh chấp ở vùng biển.
Về vụ khiếu nại của Philippines, Phó Thẩm phán Cao cấp Tòa án Tối cao Philippine Antonio Carpio hôm thứ Năm nêu ra 3 kịch bản tại một diễn đàn bàn về phán quyết trọng tài và các khả năng về địa chính trị, với sự tham dự của giới quân đội, Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán nước ngoài.
Theo Phó Thẩm phán Carpio, kịch bản xấu nhất là Tòa Trọng tài Quốc tế không phán quyết về tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, tuyên bố rằng đảo Itu Aba - tức đảo Ba Bình - có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và bãi cạn Scarborough (hay Hoàng Nham) chỉ có vùng lãnh hải, và không phán quyết về các vấn đề khác.
Nếu điều này xảy ra, ông Carpio nói Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác sẽ phải “mua chiến hạm, chiến đấu cơ và hỏa tiễn chống hạm” để bảo vệ vùng biển của mình.
Với kịch bản này, Trung Quốc sẽ thực thi đường lưỡi bò, chặn đường và quấy rối các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia khi họ tiếp tế các đảo do họ kiểm soát, và tranh chấp pháp lý tiếp tục diễn ra.
Vị phó thẩm phán nói Philippines cần phối hợp với Việt Nam, Malaysia và Brunei để ra tuyên bố rằng không đảo nào hoặc bãi cạn nào ở Trường Sa có vùng EEZ cả.
Tuy nhiên ông cho rằng kịch bản này khó xảy ra.
Kịch bản thứ hai, theo ông, đó là “phán quyết lưng chừng”, theo đó, tòa tuyên bố đường lưỡi bò vô giá trị, bãi Scarborough chỉ có hải phận là ngư trường truyền thống của Philippines, và không phán quyết về các vấn đề khác. Phán quyết này sẽ giảm vùng tranh chấp pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc từ 531.000 kilomet vuông xuống cón 23.000 kilomet vuông, tự do hàng không, hàng hải bên ngoài vùng lãnh hải và không phận ở Biển Đông được công nhận.
Nhưng vị phó thẩm phán hy vọng nhất về kịch bản tốt nhất, theo đó tòa phán quyết đường lưỡi bò vô giá trị, đảo Ba Bình không có vùng đặc quyền kinh tế EEZ, xác nhận các bãi cạn mà Philippines nêu ra, bãi Scarborough chỉ có hải phận và là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines.
Nếu có phán quyết này, vùng tranh chấp của Philippines với Trung Quốc chỉ còn 1.551 kilomet vuông.
“Tôi rất lạc quan về kịch bản tốt nhất này”, ông Carpio nói với các phóng viên.
Theo Reuters, Dailymail,

Mỹ không công nhận vùng ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông

Bản sao của một chiến đấu cơ Trung Quốc in bóng lên bầu trời ở Bắc Kinh.
Bản sao của một chiến đấu cơ Trung Quốc in bóng lên bầu trời ở Bắc Kinh.
VOA-03-31-2016
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work hôm 30/3 cho biết Hoa Kỳ đã nói với Trung Quốc rằng Washington sẽ không công nhận nếu Bắc Kinh âm mưu công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền trong các khu vực có tranh chấp, và gọi đây là động thái ‘gây bất ổn’.
Phát biểu tại một sự kiện được The Washington Post tổ chức, giới chức quốc phòng Mỹ nói: “Chúng tôi sẽ không công nhận vùng ADIZ ở Biển Đông” và “Chúng tôi đã nói đi nói lại rằng chúng tôi sẽ bay, lưu thông và đi tới bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Phát biểu của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh có những quan ngại là Trung Quốc sắp tới sẽ thiết lập một vùng ADIZ trên Biển Đông như đã từng làm hồi năm 2013, đòi hỏi các máy bay nước ngoài, kể cả Mỹ, phải thông báo cho Trung Quốc trước khi bay vào khu vực.
Giới chức quốc phòng Mỹ cũng tỏ ý quan tâm đến sự kiện tòa án quốc tế vào tuần tới sẽ xét xử vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Hồi tuần rồi, việc Trung Quốc thử nghiệm tên lửa hành trình YJ-62 trên đảo Phú Lâm, nơi có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, đã khiến Ngũ Giác Đài thêm cảnh giác về động thái mới của Bắc Kinh và cho biết đó sẽ là ưu tiên trong nghị trình làm việc giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo Reuters, The Hill, Straits Times.

Quan chức VN sang Mỹ bàn chuyến thăm của Tổng thống Obama

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày  2/10/2014.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 2/10/2014.
VOA-31-03-2016
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm qua đã thảo luận với người đồng cấp John Kerry về “các mục tiêu của chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết thêm rằng, trong cuộc gặp ở thủ đô Washington, hai nhà ngoại giao hàng đầu hai quốc gia còn trao đổi về “các vấn đề song phương và khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP; hợp tác an ninh hàng hải; mở rộng các sáng kiến trao đổi giữa nhân dân hai nước; việc đánh bắt thủy sản trái phép; và vấn đề nhân quyền cũng như cải cách pháp luật”.
Trong phát biểu trước cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chúc mừng ông Minh “vào Bộ Chính trị”, đồng thời thông báo rằng đôi bên sẽ hợp tác về các vấn đề “cùng quan tâm” như “an ninh, chống khủng bố và biển Đông”.
Liên quan tới chuyến công du của ông Obama, ông Kerry nói:
“Chúng tôi đặc biệt vui mừng vì chuyến thăm tới Việt Nam sắp tới. Tôi nóng lòng cùng với Tổng thống Obama thực hiện chuyến thăm lịch sử.”

Đáp lại, Phó thủ tướng Việt Nam cám ơn ông Kerry, đồng thời nhấn mạnh rằng “Việt Nam và Hoa Kỳ đang có mối quan hệ đối tác toàn diện”. Ông cũng cho biết rằng ngoài các vấn đề song phương và khu vực như biển Đông, đôi bên cũng trao đổi về công tác chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam.
Tháng trước, Nhà Trắng xác nhận ông Obama sẽ tới thăm Việt Nam vào tháng Năm này, trong khi tới châu Á tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khối G7 tại Nhật Bản từ 26/5 – 27/5.

Doanh nghiệp TQ thắng thầu nước Sông Đà 2: Chủ đầu tư VN ‘ham rẻ’ hay ‘ăn chịu’?

Hình minh họa.
Hình minh họa.
Vụ việc Công ty Xinxing ở Hà Bắc, Trung Quốc, thắng thầu cung cấp đường ống gang dẻo cho dự án nước sông Đà về Hà Nội giai đoạn 2 đã khiến khối dân cư lên đến 8 triệu dân Hà Nội muốn phát hoảng. 17 lần đường ống nước Sông Đà 1 bục vỡ vẫn còn dư âm gần như nguyên vẹn. Nhưng kinh hãi hơn cả là không một quan chức nào “rơi đầu”. Tất cả vẫn ung dung khoe khoang thành tích “vì sự nghiệp công ích xã hội”.
Ngay sau khi kết quả thắng thầu của Công ty Xinxing được công bố, nhiều người dân thủ đô lập tức “lên ruột”. Nhưng một số đại biểu quốc hội và báo nhà nước chỉ dám tế nhị nhắc nhở “đừng ham rẻ mà quên đi vấn đề chất lượng”.
Nhưng ở một chiều kích ngược lại, những người dân mạnh miệng nhất lại đay nghiến “Biết ngay mà! Chắc lại đi đêm ăn chịu với nhau thì mới có chuyện cho Trung Quốc thắng thầu”.
‘Gặm xương rau ráu’
Chủ đầu tư của dự án nước sông Đà 2 là Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Công ty này đã chọn nhà thầu Trung Quốc với giá bỏ thầu rẻ hơn 10% so với giá phê duyệt. Hơn 10% là một mức chênh lệch giá đấu thầu đủ lớn nếu so với thông lệ chênh lệch giá đấu thầu khoảng 5%, đủ để loại những ứng viên tham gia đấu thầu khác.
Bài học quá đắt giá từ “thành tích” nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, tuyến Hà Đông - Cát Linh, khiến đội vốn lên 100%, kéo dài thời gian từ năm này qua năm khác… vẫn chưa hề được khai não.
Một trong những mánh khóe rất phổ cập của nhà thầu Trung Quốc là bỏ thầu với giá khá thấp, nhưng sau đó tống công nghệ lạc hậu vào dự án, đồng thời đòi tăng chi phí bổ sung trong quá trình thực hiện dự án… để bù đắp “thiệt hại”.
Trong nhiều năm qua, trước tình trạng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tới 90% dự án nhiệt điện tại Việt Nam, một số chuyên gia trong nước đã phải lên tiếng cảnh báo rằng doanh nghiệp Trung Quốc chịu “chi thoáng” nhất thế giới. Tất cả những gì không thể thượng lên bề nổi thì đều chui dưới gầm bàn. Tiếng gặm xương rau ráu của loài chó cũng vì thế chẳng mấy ai nghe được.
Cũng trong mấy năm qua, trước thực tế khốn quẫn lỗ đầm đìa đến 30.000 tỷ đồng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vì đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, giới chuyên gia phản biện đã phải lên án việc EVN cắm đầu mua điện của Trung Quốc với giá gấp 3 lần giá thành sản xuất trong nước từ năm 2009.
Một thái độ phụ thuộc “thiên triều” không còn cách gì để bào chữa.
Nhưng tiếng khóc của dân sinh đóng thuế vẫn không thể át được âm thanh nhai xương chát chúa từ những kẻ “ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”.
Những kẻ ăn dày
Đã có thể thấy rõ rằng sau Đại hội XII của đảng cầm quyền, đừng nói đến “thoát Trung”, cho dù có muốn “giãn Trung” cũng quá khó khăn. Trong một thực tế quá khốn đốn, nền kinh tế và sản xuất của Việt Nam đã phụ thuộc ghê gớm vào Trung Quốc.
Đến năm 2015, xét về giá trị, hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng gần 26 lần sau 13 năm, từ 1,4 tỉ USD năm 2000 lên 36,9 tỉ USD. Trong khi đó, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng khoảng 9 lần, từ mức 1,5 tỉ USD năm 2000 lên 13,3 tỉ USD năm 2013.
Nếu năm 2002, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 8,9% tổng nhập khẩu, thì đến năm 2011, tỷ lệ này đã là 23,3% và tăng lên 27% vào năm 2013.
Trong khi đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc hầu như không đổi, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, mặc dù có sự gia tăng nhẹ sau 2010 và lên 13% vào năm 2013. Năm 2015 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 17,14 tỷ USD, là mức được xem “khá thấp so với tiềm năng”.
Vài năm trước, nạn nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã lên đến 24 - 25 tỷ USD hàng năm và bị coi là “dã man”. Sau khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014, giới chuyên gia kinh tế Việt Nam bắt đầu bàn luận đến khía cạnh “kinh tế Việt Nam sẽ sống được bao lâu nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc”. Trả lời câu hỏi này là lời tường thuật rất thật của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may: nếu không được nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhà máy của họ chỉ tồn tại được vài ba tháng!
Những nhóm nhóm hàng nhập siêu tăng mạnh nhất trong năm 2015 vẫn là sắt thép, kim loại, ôtô, phụ tùng và vật liệu dệt may, da giày... Nhưng không chỉ các nguyên liệu đầu vào cho chế biến, ngay cả những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất là nông sản cũng nhập khẩu Trung Quốc ngày một nhiều.
Thói quen phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc đã trở nên quá khó bỏ. Nó không chỉ cột chặt giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xiềng xích giới quan chức “ăn dày” của Việt Nam - những người có thẩm quyền ký hạn ngạch nhập hàng từ Trung Quốc. Tình hình càng trở nên nên khốn quẫn khi tại một số cuộc hội thảo về đầu tư, người ta cho biết giới doanh nghiệp Trung Quốc có thói quen chi dưới gầm bàn thuộc loại vô địch thế giới.
Nếu tính cả con số 20 tỷ USD nhập lậu mà “không ai biết” được tuồn vào theo con đường nào và bị biến hóa ra sao, tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2015 phải lên đến gần 52 tỷ USD. Con số này gấp gần 300 lần so với mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vào năm 2002!
Ai đã gây ra hậu quả cả về kinh tế lẫn chính trị này?
Nếu Hà Nội bị ‘hạn và nhiễm mặn’?
Không chỉ người sắp rời chức bộ trưởng công thương để “hạ cánh an toàn” - ông Vũ Huy Hoàng - phải chịu trách nhiệm về hậu quả nhập siêu khủng khiếp từ Trung Quốc, mà những bộ trưởng ngành liên quan khác cũng phải bị liên đới trách nhiệm với tình trạng nhà thầu Trung Quốc hầu như thao túng các dự án trọng điểm của quốc gia.
Người dân, không còn cách hiểu nào khác, luôn phải cho rằng đó là sự phụ thuộc về kinh tế và kéo theo là phụ thuộc chính trị của chính thể Việt Nam đối với Bắc Kinh.
Vậy phải làm gì để giảm thiểu sự phụ thuộc trên, ít nhất đối với dự án nước Sông Đà 2, khi Công ty Xinxing đã từng có tai tiếng về chất lượng không đảm bảo của ống gang?
Ít nhất, chủ đầu tư - Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex - phải công bố công khai toàn bộ chỉ tiêu kỹ thuật của đường ống nước này và cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt việc thực hiện của dự án.
Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex và nhà thầu Xinxing cũng phải công khai cam kết với dân, với chính quyền về độ an toàn chất lượng của sản phẩm được lựa chọn.
Nhưng trên hết và trên quan điểm chính trị, Nhà nước Việt Nam cần hết sức hạn chế việc nhà thầu Trung Quốc tham gia đấu thầu và thắng thầu các dự án trọng điểm, đặc biệt các dự án cấp quốc gia, để bảo đảm độc lập kinh tế và độc lập chính trị. Hậu quả nào sẽ nổ ra nếu trong tương lai không xa, đường ống nước Sông Đà 2 cũng liên tiếp bể vỡ đến vài chục lần như đường nước Sông Đà 1, đẩy hàng trăm ngàn cư dân thủ đô vào tình trạng thiếu nước sạch?
Hậu quả nào sẽ nổ ra nếu một đợt “hạn và nhiễm mặn” sẽ xảy ra ở Hà Nội và có bàn tay thâm đen từ nhân tố Trung Quốc, hệt như hậu quả khủng khiếp đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long từ nguồn cơn vài chục đập thủy điện của Trung Quốc đã làm lệch dòng Mê Kông?
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Báo động: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải sắp trở thành căn cứ của Trung Quốc

Vị trí xã Dân Thành, nơi đặt Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, trên bản đồ. Ảnh chụp màn hình.
Vị trí xã Dân Thành, nơi đặt Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, trên bản đồ. Ảnh chụp màn hình.
Mưu đồ thâm độc của Trung Nam Hải
Hàng ngàn năm nay, Trung Quốc chưa bao giờ nguôi dã tâm thôn tính Việt Nam. Đó là thực tế mà có lẽ người Việt Nam nào cũng nhận ra, qua những bài học lịch sử, qua những gì đã và đang diễn ra ở Biển Đông cũng như trên dải đất hình chữ S này.
Trong một bài viết gần đây, chúng tôi đã vạch rõ mưu đồ của Trung Quốc nhằm hiện thực hoá cuồng vọng thôn tính Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới đầu thế kỷ 21, khi một cuộc chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc không chỉ trên Biển Đông mà cả trên đất liền là khó tránh khỏi: tạo ra nhiều gọng kìm hòng kiềm toả và bóp nghẹt Việt Nam từ mọi phía – biên giới phía bắc, biên giới Lào - Việt, biên giới Campuchia - Việt Nam, Biển Đông và vùng duyên hải Việt Nam.  
Nếu chiến lược đó được triển khai thành công, một khi chiến sự xẩy ra, Việt Nam sẽ bị chia cắt thành nhiều phần tại những vị trí xung yếu ven biển mà Trung Quốc đã chiếm lĩnh được thông qua các dự án kinh tế trá hình. Phối hợp với những căn cứ duyên hải là những căn cứ tương ứng giáp biên giới Lào – Việt và Camphuchia – Việt Nam để tạo nên những gọng kìm hòng bóp nghẹt Việt Nam.
Trong thời chiến, chống lại một đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới với âm mưu hiểm độc như thế, có thể nói, Việt Nam chưa đánh đã thua.
Trong thời bình, những căn cứ quân sự trá hình đó chẳng khác nào những mũi dao gí vào những tử huyệt trên khắp cơ thể, khiến Việt Nam rơi vào thế yếu trong các cuộc thương lượng, mặc cả với đối phương.
Hiện nay, Campuchia gần như đã trở thành đồng minh công khai của Trung Quốc, trong khi Lào thì dần hờ hững với Hà Nội và ngả về phía Bắc Kinh. Bản thân Lào cũng đang đứng trước nguy cơ bị “Hán hoá”, với nhan nhản người Tàu cùng các “dự án” của họ trên khắp đất nước, đặc biệt là dọc biên giới Lào – Việt. Trung Quốc đã mưu tính làm một con đường chạy suốt từ Vân Nam cho đến tận Tây Nguyên, nơi được coi là “nóc nhà Đông Dương”, một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của cả bán đảo Đông Dương.
Nhờ khai thác triệt để các nhân tố Trung Quốc trong ban lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm lĩnh được hoặc đang tìm cách chiếm lĩnh nhiều vị trí xung yếu nằm ở các vùng duyên hải của Việt Nam như Vũng Áng (Hà Tĩnh),Cửa Việt (Quảng Trị), Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Hải VânĐà Nẵng hay Vĩnh Tân (Bình Thuận), v.v., cùng hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn biên giới khác.
Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải: những dấu hiệu đáng ngờ
Mới đây, chúng tôi lại phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy một căn cứ ven biển vô cùng nguy hiểm khác của Trung Quốc ở Việt Nam đang dần dần lộ diện. Đó là Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện chạy than, nằm ngay bên bờ biển, có tổng diện tích lên tới 878,91ha, cách Tp Trà Vinh khoảng 45km về hướng Đông Nam và cách Tp Hồ Chí Minh khoảng 250km.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 gồm 2 tổ máy, với tổng công suất 1.245MW. Dự án do Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Đông Phương (Dongfang Electric Corporation Ltd. – DEC) của Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 1,6 tỷ USD, trong đó Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho vay 85%, còn lại 15% là vốn đối ứng của EVN. Nhà máy khởi công ngày 19/9/2010 và chính thức đưa vào vận hành thương mại đầu tháng Hai vừa qua.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 gồm 2 tổ máy, với công suất 600MW mỗi tổ. Tổng mức đầu tư của dự án là 2,4 tỷ USD, do công ty Janakuasa Sdn. Bhd của Malaysia làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Hợp đồng thực hiện dự án giữa Bộ Công thương Việt Nam và nhà đầu tư Malaysia đã được ký kết tại Hà Nội ngày 29/12/2015.
Tờ The Star của Malaysia ngày 30/12/2015 đưa tin, công ty Huadian Engineering của Trung Quốc đã được chỉ định làm tổng thầu EPC của dự án. (Huadian Engineering là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn Hoa Điện – Huadian Corporation – của Trung Quốc.)
Chuyên trang tài chính CAFEF.vn ngày 20/4/2011 lại cho biết: Theo tin từ Thông Tấn Xã Malaysia, Huadian Engineering đã bảo lãnh chi trả cho Janakuasa để thực hiện dự án này. Giá trị dự án ước tính vào thời điểm đó là 1,5 tỷ USD, trong khi mức bảo lãnh chi trả của Huadian Engineering là 1,59 tỷ USD, nghĩa là Janakuasa không phải bỏ ra một xu nào cả.
Theo trang China.org.cn của Trung Quốc, hợp đồng thực hiện tổng thầu dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 giữa Janakuasa và Huadian Engineering đã được ký kết tại Kuala Lumpur ngày 28/4/2011 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 gồm 2 tổ máy, với tổng công suất 1.244MW. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 1,5 tỷ USD, trong đó 85% là vốn vay của 3 ngân hàng Trung Quốc (Ngân hàng Trung Quốc – Bank of China, Ngân hàng Công thương Trung Quốc – ICBC, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc – CDB), 15% còn lại là vốn đối ứng của EVN. Dự án do liên danh 4 nhà thầu của Trung Quốc là CHENGDA – DEC – SWEPDI – ZEPC làm tổng thầu EPC và được khởi công vào ngày 8/12/2012.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng gồm 1 tổ máy 660MW. Dự án được khởi công ngày 13/12/2014, do EVN làm chủ đầu tư và tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản làm tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư của dự án là 1,082 tỷ USD, trong đó 85% vốn vay thương mại nước ngoài và 15% vốn đối ứng của EVN.
Ngoài 4 nhà máy nhiệt điện, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải còn một dự án quan trọng nữa là cảng biển. Ngày 21/4/2013, Dự án Cảng biển Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải đã được khởi công. Theo báo Hà Nội Mới, đây là một cảng biển nước sâu, với tổng diện tích mặt nước 427,1ha; giá trị gói thầu EPC là hơn 88,1 triệu USD và hơn 2.324 tỷ VND, bao gồm 15% giá trị vốn đối ứng do EVN thu xếp và 85% vốn dự kiến vay của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC). Dự án do Tổng Cty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (China Communications Construction Company Ltd.) làm tổng thầu EPC.
Như vậy, trong 5 dự án chính của Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải thì có đến 4 dự án do Trung Quốc vừa cho vay vốn vừa làm tổng thầu EPC (ba nhà máy nhiệt điện 1+2+3 và hải cảng nước sâu).
Theo quy hoạch ban đầu, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải chỉ có 3 nhà máy nhiệt điện. Dự án thứ tư, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, là một dự án nhỏ, công suất chỉ bằng ½ một trong ba nhà máy trên, và mới được bổ sung sau này. Lý do xem ra là vì người ta tránh bị dư luận dị nghị khi cả 3 dự án nhiệt điện cùng dự án cảng nước sâu của một trung tâm nhiệt điện quan trọng tầm cỡ quốc gia lại đều do Trung Quốc cấp vốn và làm tổng thầu.
Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán. Việc Thủ tướng Trung Quốc đích thân cho phép một doanh nghiệp nhà nước cấp số vốn lên tới hàng tỷ USD cho một doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện dự án ở một nước thứ ba rồi chính họ lại làm tổng thầu dự án đó rõ ràng là không bình thường. Nói theo ngôn ngữ dân gian thì trong vụ này công ty Janakuasa hoàn toàn “tay không bắt giặc”, hoàn toàn theo sự “đạo diễn” của người Trung Quốc, bởi ngay cả người giao dự án đó cho họ – PTT Hoàng Trung Hải – cũng là người Trung Quốc nốt.
Hiểm hoạ Trung Quốc mang tên Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải
Tại sao người Trung Quốc lại phải núp bóng một công ty Malaysia để vừa cung cấp vốn vừa làm tổng thầu một dự án nhiệt điện ở Việt Nam?
Vì chính phủ Việt Nam chuộng thiết bị của Pháp (hãng Alstom của Pháp sẽ là nhà cung cấp thiết bị chính) hơn của Trung Quốc ư? Nếu vậy thì phải giải thích thế nào khi hầu hết các nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện của Việt Nam đều do Trung Quốc làm tổng thầu và cung cấp thiết bị? Hay là vì Huadian Engineering không cạnh tranh nổi với Janakuasa để được chính phủ Việt Nam  giao thực hiện dự án? Lý do này lại càng khó thuyết phục, không chỉ bởi các công ty Trung Quốc là những “bậc thầy” trong việc đấu thầu “theo cách của Việt Nam” mà quan trọng hơn, như chúng tôi đã nhiều lần chỉ rõ, họ còn nhận được sự ưu ái đặc biệt của ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng gốc Tàu phụ trách kinh tế ngành, trong đó có ngành điện lực.
Vậy lý do khả dĩ nhất nằm ở đâu?
Xin thưa, lý do nằm ở chỗ: 3 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng đều do EVN làm chủ đầu tư; các nhà thầu Trung Quốc sau khi hoàn thành hợp đồng tổng thầu sẽ bàn giao nhà máy để EVN vận hành. Trong khi đó, Duyên Hải 2 lại là dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao); sau khi xây dựng xong nhà máy, nhà đầu tư sẽ tiến hành kinh doanh trong một khoảng thời gian trước khi chuyển giao nguyên trạng cho chính phủ Việt Nam. Nghĩa là, chủ đầu tư dự án Duyên Hải 2 sẽ tiếp tục ở lại khu vực dự án trong hàng chục năm sau khi hoàn tất giai đoạn xây dựng nhà máy.
Với diện tích lên tới 878,91ha, nằm ngay bên bờ Biển Đông, cách không xa cửa sông Hậu và cửa sông Cổ Chiên, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải rõ ràng là một vị trí hết sức xung yếu về an ninh quốc phòng. Đây là khu vực thuận lợi cho lực lượng xâm nhập từ biển vào, hoặc đổ bộ hoặc theo đường thuỷ tiến vào miền Tây Nam Bộ qua hai cửa sông chính nói trên. Nếu kiểm soát được khu vực này, Trung Quốc có thể phối hợp với lực lượng nằm vùng ở khu vực Campuchia tiếp giáp biên giới tây nam Việt Nam (hoặc thậm chí với quân đội của một Campuchia đang nuôi tham vọng đòi lại Nam Bộ) để tạo thành một gọng kìm nguy hiểm uy hiếp Việt Nam.
Không còn nghi ngờ gì, vị trí chiến lược của Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải khiến Trung Quốc hết sức thèm muốn. Tuy nhiên, với một khu vực nhạy cảm như thế thì việc một công ty Trung Quốc được giao thực hiện dự án BOT rồi “cắm chốt” ở đấy trong hàng chục năm sẽ khó tránh khỏi bị dư luận dị nghị rồi bóc mẽ. Vì thế, núp bóng một công ty Malaysia để đạt được mục đích của mình là một kế sách rất quỷ quyệt, thể hiện đúng ‘thương hiệu’ “thâm như Tàu” của các ông chủ Trung Nam Hải. Điều này lại càng thuận lợi bởi ông Ti Chee Liang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Janakuasa, đồng thời là người đại diện pháp luật của Cty TNHH Janakuasa Việt Nam, là một người Hoa.
Chúng tôi cũng đã từng vạch trần âm mưu xảo quyệt của Trung Quốc là lập các công ty ma ở Mỹ hay Singapore rồi lấy pháp nhân của chúng để đầu tư vào những dự án nằm ở những vị trí xung yếu tại Việt Nam như Silver Shores ở Đà NẵngLăng Cô  ở Thừa Thiên - Huế, hay Bãi Chuối ở đèo Hải Vân.
Rõ ràng, nếu không có gì thay đổi, Trung Quốc sẽ trở thành chủ đầu tư thực tế của dự án Duyên Hải 2 theo ít nhất 1 trong 3 cách thức hoàn toàn hợp pháp và rất khó kiểm soát sau đây: (i) Janakuasa thành lập một liên doanh với Huadian Engineering để thực hiện dự án rồi đến lúc “rút êm” khỏi liên doanh (trên thực tế họ chẳng phải bỏ ra một cắc nào bởi tổng thầu Huadian Engineering đã bảo đảm thanh toán toàn bộ chi phí); (ii) sau khi dự án Duyên Hải 2 hoàn thành và đi vào hoạt động, Janakuasa sẽ bán dự án cho tổng thầu kiêm chủ nợ Huadian Engineering để “cấn nợ”; và (iii) Huadian Engineering mua cổ phần của Janakuasa.
Giống như Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, khi lựa chọn một khu vực ven biển thuộc xã Dân Thành để đặt một trung tâm nhiệt điện lớn, người ta đã bỏ qua hai tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá một dự án là kinh tế và môi trường. Địa điểm đặt các nhà máy cách các trung tâm tiêu thụ điện năng chính hàng trăm km sẽ khiến tỷ lệ hao hụt điện năng cao. Hiện tượng tro bụi phát tán do gió và nguy cơ các chất độc trong xỉ than ngấm vào mạch nước ngầm sẽ khiến vùng đất và vùng biển xung quanh các nhà máy khó tránh khỏi bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến cả môi sinh lẫn kinh tế, đặc biệt là ngư nghiệp và du lịch.
Với tư cách Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, ông Hoàng Trung Hải là người có tiếng nói quyết định đối với các dự án điện nói riêng và các công trình trọng điểm quốc gia nói chung.
Với tư cách Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, ông Hoàng Trung Hải là người có tiếng nói quyết định đối với các dự án điện nói riêng và các công trình trọng điểm quốc gia nói chung.
Không chỉ trao an ninh năng lượng của Việt Nam vào tay Trung Quốc thông qua hàng loạt dự án nhiệt điện và thuỷ điện do Trung Quốc làm tổng thầu, giúp hình thành nên những “phố Tàu” nhan nhản trên khắp Việt Nam[i], ông Hoàng Trung Hải còn lập được những chiến công hiển hách hơn cho quê hương là biến các trung tâm nhiệt điện quốc gia như Vĩnh Tân hay Duyên Hải thành những căn cứ vô cùng lợi hại của Trung Quốc.
Như để “tưởng thưởng” cho những “thành tích” vô tiền khoáng hậu đó, sau Đại hội XII, ngài Phó Thủ tướng gốc Tàu này đã chễm chệ trong ban lãnh đạo tối cao của Đảng CSVN, trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội, và tràn đầy cơ hội tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng hoặc Tổng Bí thư trong những năm tới.
__________
Ghi chú:
[i] Mới đây, một loạt tờ báo chính thống đã phải lên tiếng về hiểm hoạ “phố Tàu” xung quanh Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải: VietNamNet ngày 12/3 đăng bài “‘Xóm Trung Quốc’ ở Trà Vinh”; VTC News ngày 13/3/2016 đăng bài “Lạc vào khu ‘phố Trung Quốc’ ở Trà Vinh”; tờ Đời sống & Pháp luật ngày 19/3 đăng bài “Cận cảnh ‘phố người Trung Quốc’ ở Trà Vinh và bài toán an ninh”, v.v.
*Bài liên quan: Thư ngỏ gửi ĐBQH Dương Trung Quốc về vụ tố cáo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Cười gượng với ông Tây, run sợ ông Tàu

Ảnh minh họa: Tổng thống Obama và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp tại Naypyitaw, Myanamr, ngày 13/11/2014.
Ảnh minh họa: Tổng thống Obama và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp tại Naypyitaw, Myanamr, ngày 13/11/2014.
Theo thỏa thuận, tháng 5 tới, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ ghé thăm chính thức Việt Nam, sau khi dự Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản. Đây là một chuyến đi rất quan trọng đối với Việt Nam, có thể tạo nên nhiều nhân tố mới thuận lợi cho việc bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, cho cuộc sống an bình, phát triển và văn minh của nước Việt Nam đang gặp khó khăn lớn và khủng hoảng về nhiều mặt. Đây là một thời cơ lớn đã đến độ chín để kết bạn thân, có thể đi tới liên minh bền chặt với cường quốc số một của thế giới, một nước dân chủ tiêu biểu cho nền văn minh nhân loại, nêu gương sáng hai nước từng có chiến tranh với nhau nhưng dứt khoát không quay về quá khứ, nhìn thẳng tới tương lai đầy hứa hẹn.
Có những phán đoán khác nhau về chuyến đi thăm Việt Nam sắp đến của Tổng thống Hoa Kỳ. Đây là thời cơ thuận lợi cực hiếm để Việt Nam thoát khỏi thế cô độc, bị nước láng giềng to lớn xâm chiếm dai dẳng. Ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị có hiểu rõ tình hình hay không? Có biết đặt quyền lợi của tổ quốc, dân tộc, nhân dân a lên trên quyền lợi đảng phái, phe nhóm hay không? Có dám xoay hẳn trục kết thân và liên minh chiến lược để từ đó thoát Trung một cách an toàn hay không?
Quan niệm ‘’bán bạn bè xa để mua láng giềng gần‘’ tưởng là khôn, nhưng là suy nghĩ cổ hủ, nguy hiểm, sai lầm, bị thuyết địa lý-chính trị cầm tù. Miến Điện có biên giới với Trung Quốc hơn ba ngàn km, dài hơn biên giới Trung – Việt, một mực không chịu khuất phục Bắc Kinh, không cho Trung Quốc xây dựng đập lớn sát biên giới. Ấn Độ, Thái Lan cũng duy trì lập trường độc lập với anh Trung Quốc to xác. Ngay Đài Loan và Hồng Kông là đất Trung Quốc mà vẫn quyết duy trì thái độ tách riêng tự trị đi đến độc lập, còn tự nuôi ý định dân chủ hóa lục địa khổng lồ vì cho rằng chế độ toàn trị cộng sản là mối đe dọa lớn nhất cho vận mệnh tương lai của dân tộc Trung Hoa.
Hãy theo dõi thật kỹ chuyến đi thăm Miến Điện trước đây và chuyến thăm Cuba mới đây của ông Obama. Với thái độ ngay thẳng cởi mở, Hoa Kỳ sẵn sàng giở sang trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước, nhưng không thể bỏ qua vấn đề Dân chủ và Nhân quyền là những giá trị cơ bản làm nên Hoa Kỳ. Chưa bao giờ Hoa Kỳ kiên nhẫn bắn tin và chờ đợi sự đáp ứng tích cực của Việt Nam như hiện nay. Cũng chưa bao giờ Hoa Kỳ cho đông đảo phái viên quan chức cao cấp nhất ngành ngoại giao, an ninh, giáo dục, thương mại, quốc phòng... sang Hà Nội để lôi kéo, thuyết phục Việt Nam kết bạn chiến lược lâu bền như hiện nay.
Bộ Chính trị hãy tìm hiểu kỹ lời phát biểu của Đại sứ Mỹ Ted Osius về những yêu cầu tối thiểu của chính phủ Mỹ trong hướng thắt chặt quan hệ với Việt Nam để cân nhắc khi thương lượng sao cho vui vẻ cả hai bên, cả hai bên đều có lợi, trong đó có hiệp ước TPP rất có lợi về nhiều mặt và lâu dài cho Việt Nam. Sẽ là có tội lớn với dân tộc, nhân dân nếu như Bộ Chính trị vẫn cứ ngoan cố đi theo con đường chuyên chính vô sản toàn trị không thể nhân nhượng một ly nào về đàn áp dân chủ, phủ nhận Nhân quyền.
Từ đó dân ta sẽ đứng trước một sự thật phũ phàng là Tổng Bí thư cùng Bộ Chính trị hiện tại đã nhất bên trọng nhất bên khinh, coi ‘’tình nghĩa’’ phi pháp với bành trướng Bắc Kinh nặng hàng ngàn vạn tấn, còn tình nghĩa với nhân dân ta, dân tộc ta cùng với bạn bè chí cốt nhẹ tênh, chưa đến một gam, nếu cân đo được.
Xét từ Mật ước Thành Đô tháng 9/1990, qua 5 đời Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng thì ông Trọng là kẻ ươn hèn với giặc, tàn ác với các công dân yêu nước ở mức cao nhất.
Tin mới nhất chứng minh cho điều trên là ngày 27/3 này Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn sẽ sang Hà Nội để gặp Tổng Bí thư Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ắt hẳn là để xem tình thế chư hầu ra sao, răn đe trước chuyến đi thăm Hà Nội của Tổng thống Obama. Rõ ràng không có gì qua mắt bọn bành trướng, và Tổng Trọng luôn giữ lễ ‘’đi thưa về trình‘’, xin được nhận chỉ thị của quan thầy trước khi tiếp khách Hoa Kỳ.
Cũng cần dự kiến khi phía Hoa Kỳ cảm thấy quan hệ Việt – Mỹ vẫn còn kẹt cứng vì tư duy cổ hủ tay sai Trung Quốc của Bộ Chính trị hiện tại ở Hà Nội, họ sẽ hoãn vô thời hạn cuộc đi thăm của Tổng thống Obama, vì ông rất bận rộn trong thời gian tại chức cuối cùng. Tổng thống Hoa Kỳ không thể làm một cuộc viễn du đầy thiện chí hàng chục ngàn km để mang về sự thất vọng khôn nguôi.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Ninh Thuận ngắc ngoải với nắng hạn

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-03-30 
620
Sông Trà Khúc Quảng Ngãi - bãi bồi cát trước đây là lòng sông RFA photo
Nắng hạn đã làm một số huyện ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận khô cháy, đời sống của người dân khó khăn vì thiếu nước. Những dãy núi trơ đá và đất khô như bốc lửa, những con sông trơ đáy cát và người dân mang lều chõng xuống lòng sông để ở tạm, để lấy chút hơi nước còn sót lại nơi đây… Có thể nói rằng nắng hạn đã hoành hành trên toàn cõi Việt Nam. Và mối nguy khô cạn lương thực bởi các loại cây nông nghiệp không thể phát triển đang là mối nguy rình rập tương lai Việt Nam.
Đất đai khô cằn, nông nhiệp chết đứng
Ông Thống, một nông dân ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ:“Thuận Bắc, Thuận Nam với Bác Ái, hạn nắng. Mấy bữa nay cũng nóng nhưng đỡ hơn, nhờ bên quân đội họ cung cấp nước.”
Theo ông Thống, đã nhiều năm nay ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận dựa vào nước trời mặc dù vẫn có nhà máy thủy lợi và nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, một khi các con sông đều bị cạn và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh thì vấn đề nước sinh hoạt hết sức khủng hoảng. Ninh Thuận có điểm khác những tỉnh khác là rất khó để khoan giếng bởi khoan xuống chừng vài chục mét thì gặp toàn đá khối. Mà có khi khoan cả tháng trời vẫn không tìm thấy nước.
Chính vì địa hình quá phức tạp nên hầu hết các dịch vụ, các công ty chuyên về khoan giếng, khoan thăm dò nước đều ký những hợp đồng thăm dò với giá thành lên đến cả trăm triệu đồng mới dám tiến hành. Bởi nếu ký ở mức thấp thì các công ty này sẽ bị thua lỗ. Thậm chí ký hợp đồng với mức giá cả trăm triệu đồng, thăm dò cả tháng trời cũng chưa chắc đã lấy được tiền vì khoan không được giếng, không tìm ra mạch nước. Những trường hợp như vậy, công ty thăm dò nhận 20% giá trị hợp đồng để bù vào tiền xăng dầu, tiền công coi như mất trắng.
Và với người dân, mặc dù là người có tiền nhưng mất hai chục triệu đồng để biết được trong vườn nhà mình không có mạch nước cũng là một nỗi thất vọng. Trong khi đó mặt bằng kinh tế chung của của Ninh Thuận phải nói là nghèo khổ, bởi nắng hạn, bởi thời tiết khắc nghiệt và bởi các loại dịch vụ đều không phát triển. Chính vì vậy, hiếm có gia đình nào đủ tiền để ký hợp đồng thăm dò mạch nước, để khoan cho mình một cái giếng mà lấy nước.
Như gia đình ông Thống là một ví dụ, ông chưa bao giờ dám mơ mình có một giếng nước trong vườn nhà bởi chuyện đó quá xa vời. Ngay cả căn nhà gia đình ông đang sống, nếu tính hết từ trước ra sau, từ trên xuống dưới mà cộng lại vẫn chưa tới một trăm triệu đồng thì thử hỏi ông lấy đâu ra một trăm triệu mà khoan giếng?!
Bởi vì ngành nông nghiệp hay chăn nuôi ở Ninh Thuận vẫn quanh quẩn với cây lúa, cây táo, giàn nho, con dê, con cừu, con bò. Những gia đình có đủ điều kiện đầu tư thì trồng nho, trồng táo, nuôi cừu, nuôi dê. Những gia đình khó khăn thì bám đám ruộng, vãng mùa lại vào Nam làm thuê, đến mùa lại về, đôi khi đi làm vài tháng chỉ đủ tiền để đi xe, thuê máy gặt hoặc thuê công gặt, rồi lại vào Nam. Cái vòng lẩn quẩn này chưa bao giờ dứt đối với người nghèo.
Ông Thống cho biết thêm là hầu hết nông dân đều trồng lúa, chỉ có vài chục gia đình khá giả, đủ vốn mới đầu tư trồng nho, táo, trồng cỏ nuôi bò, cừu, dê. Nhưng những gia đình chăn nuôi cao cấp như vậy chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Nước sử dụng gia đình thiếu hụt
Một nông dân khác tên Thị, ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ: “Ở trên Bác Ái và Cà Ná, người dân phải mua nước giếng từ các xe tải nước, giá nước khá đắt, tùy vào đoạn đường vận chuyển mà người ta tính cước. Trâu bò thì người ta thả lên núi để ăn, tối tự tìm về, chứ dưới đồng bằng thì không có cỏ để ăn. Chỗ em gần sông, tuy có khô nhưng vẫn xoay xở được. Ở trên Bác Ái và Bồ Bnn thì ruộng bỏ khô hết, không có nước để canh tác…”.
400
Giếng khô nước ở Tháp Chàm. RFA photo
Theo bà Thị, thời tiết năm nay nắng nóng khác thường, trâu bò, heo gà suốt ngày thở dốc và người nông dân đã phòng ngừa chuyện gia cầm, gia súc chết vì nắng nóng nên hầu hết đã bán tháo từ tháng Giêng. Những gia đình nào giữ lại gia cầm, gia súc phải chật vật vì nước. Bởi con người mỗi ngày uống hai lít nước thì trâu bò, dê cừu cần đến cả chục lít.
Đương nhiên nước của gia cầm và gia súc không nhất thiết phải vệ sinh như nước dùng của con người. Nhưng trong tình trạng ao hồ, sông suối khô cạn, bao nhiêu vi trùng và trứng giun dồn vào một hố nước nhỏ, múc về cho gia cầm, gia súc uống chẳng khác nào thử vận đỏ đen. Chính vì vậy người nông dân phải dùng nước uống của mình để cho các con vật cùng uống.
Và giá thành mỗi mét khối nước hiện nay dao động từ năm mươi ngàn đồng đến hai trăm ngàn đồng. Tùy vào chỗ ở của người mua nước mà người cung cấp nâng giá, ví dụ như đường đất, có nhiều dốc và ở sâu trong làng thì giá mỗi khối nước là hai trăm ngàn đồng, còn nhà ở trên quốc lộ, đường lớn thì giá dao động từ năm chục ngàn đồng đến một trăm ngàn đồng, tùy vào khoản cách xa gần mà định giá.
Bà Thị cho rằng nước người ta bán không rõ nguồn gốc, có thể là nước thủy cục mà cũng có thể là nước bơm lên từ giếng. Chắc chắn không phải là nước sông bởi vì các con sông đều khô cạn và bẩn. Nếu chạy một quãng đường xa lên sông cái ở tít tận bên Phan Thiết để lấy nước thì người ta lấy nước thủy cục đi bán có nhiều lãi hơn.
Việc thiếu nước xảy ra trầm trọng đối với những nông dân nghèo, sống xa thành phố. Tuy nhiên, những nông trại được đầu tư tốt lại có nguồn nước tưới rất thoải mái, được cung cấp bởi thủy cục. Những vườn nho vẫn xanh rờn nhờ nguồn nước tưới dồi dào. Các trang trại nho có riêng đường ống dẫn nước từ đường ống của thủy cục về trang trại. Và mức đầu tư cho mỗi đường ống như vậy có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Mức giá này vượt ngoài khả năng của số đông nông dân nghèo nàn, lạc hậu và cộng đồng người Chăm trên đất Ninh Thuận.
Một chủ trang trại nho ở Thuận Nam, Ninh Thuận chia sẻ: “Nguồn nước ở đây của chúng tôi rất thong thả. Chỉ có mấy huyện ở xa thành phố kia mới thiếu nước, khô hạn chứ chúng tôi vẫn an toàn, vẫn ổn…”.
Theo ông này, nguồn nước để tưới tiêu cho trang trại nho của ông mỗi tháng có thể lên đến vài trăm khối, những ngày nắng nóng ông phải tốn vài chục khối nước để tưới nho, tưới cỏ cho bò và sinh hoạt trong gia đình. Nhìn chung, nguồn nước gia đình ông vẫn rất thoải mái, không có gì đáng quan ngại.
Lời chia sẻ hết sức chân thật của người chủ trang trại nho là một sự thật, hầu hết các chủ trang trại nho muốn tồn tại phải đầu tư mạnh vào nguồn nước và họ chấp nhận giá thành rất cao để có nước tưới hằng ngày. Thật khó để nói rằng khi nguồn nước dành cho tưới nho quá nhiều trong khi luợng nước cung cấp có hạn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước sinh hoạt của người nông dân. Bởi làm ăn ở Việt Nam cũng giống như đã phóng lao thì phải theo lao, nếu dừng thì chết.
Ngay cả những người trồng nho cũng mong mỏi một chính sách có khoa học và hợp lý để cả những hộ kinh doanh và người nông dân không phải khắc khoải lo âu về nguồn nước, không phải chứng kiến cảnh cánh đồng ngày càng thêm giống sa mạc, đất đai khô khốc, tâm hồn con người cũng khô khốc, trơ trọi và hoang mang!

Những dự án ngàn tỉ: Người dân cần sự minh bạch

Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn 
Theo RFA-2016-03-30  
000_Nic479264
Một phu nữ Việt Nam với gia đình sống trên chiếc ghe ở Vĩnh Long  AFP photo
Dự án ngàn tỉ đồng lát đá granite cho những vỉa hè Sài Gòn đã vấp phải những lời phản ứng dữ dội từ dân chúng. Ngày 29.3, UBND Quận 1 đã phải tổ chức họp báo để cải chính. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND nói rằng thông tin trước đó không chính xác.
Tiếc thay, ngay cả những thông tin “nói lại cho rõ” của đại diện UBND Quận 1 cũng có điều gì đó chưa minh bạch, lại càng dấy lên sự xao động trong suy nghĩ của dân chúng, rằng vào thời điểm đầy khó khăn của nền kinh tế, của doanh nghiệp… tại sao chính quyền vẽ ra dự án xa xỉ và không hợp lý này để làm gì.
Theo bà Hường, thì tin tức lát vỉa hè ngàn tỉ ở các vỉa hè là việc còn đang bàn tính, vẫn còn đợi ý kiến của UBND thành phố và các chuyên gia. Thế nhưng tuyên bố của ông Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho dự án tiêu tốn ngàn tỉ này lại khá rõ ràng, là các vỉa hè sẽ được lát đá granite từ đây đến năm 2019 là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Thậm chí loại đá hoa cương cũng đã được tính cụ thể, dù ngay lúc này, các chuyên gia xây dựng đều bộc lộ sự lo ngại.
Thật là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Bất kỳ ai theo dõi thông tin này đều cảm giác rằng mọi thứ như chỉ là cách “đối phó” quấy quá của chính quyền địa phương trước cơn bão dư luận.
Sài Gòn năm qua đã có những cơn mưa gây ngập lụt ngay con đường trung tâm. Việc bê-tông hoá các con đường và vỉa hè là một vấn nạn được báo trước về việc khó khăn thoát nước, cũng như dễ gây tai nạn do trơn trợt. Ý kiến hầu hết các chuyên gia về công trình và phát triển đô thị đều có chung một điểm thắc mắc: ai đã tư vấn dự án cho UBND Quận 1 mà lại thiếu kiến thức và không lường được lợi hại như vậy. Nếu không có đợt phản ứng gay gắt của báo chí và công chúng, không khéo việc lát đá hoa cương ngàn tỉ này đã âm thầm khởi sự, nhân dân chỉ còn nhìn theo như chuyện đã rồi.
Tương tự như trường hợp về tin tức Chính quyền TP.HCM sẽ chặt 300 cây xanh có tuổi bằng thế kỷ, làm cho nhiều bạn trẻ xuống đường giăng biểu ngữ, ôm cây và đưa thỉnh nguyện thư, tình hình chỉ được làm dịu đi bằng một cuộc họp báo cho biết rằng “thật ra chỉ chặt, bứng đi có 16 cây” mà thôi.
Vì sao nhân dân luôn là người được biết cuối cùng, và phải cùng nhau vội vã tỏ thái độ mạnh mẽ vào giờ cuối để mong xoay chuyển vấn đề sai lầm, tự quyết của một cá nhân hay một nhóm người nào đó? Và trong những câu chuyện dân sự đơn giản ấy, chính quyền lại hay thể hiện thái độ đối phó kém cỏi bằng việc đưa công an, dân phòng ra đe nẹt người bảo vệ môi trường, bao vây người khác ý kiến. Mối quan hệ giữa dân và quan ngày càng lạnh lẽo và nát ngầu từ đó.
Trong những lời cải chính từ bà Hường, đại diện cho UBND quận 1, cũng có ngầm bộc lộ sự kiêu hãnh rằng quận không xin tiền ngân sách hay của ai, mà chỉ vận động doanh nghiệp trong quận cho… mượn góp vốn rồi trả dần. Quả là cách nói của quận giàu có nhất Sài Gòn với nguồn thu đến 8.500 tỉ đồng một năm.
Nhưng ngay trong việc “trả dần” trong vài năm, số tiền 1.000 tỉ lát đá đó cũng cần minh bạch về quy trình, cách trả… vì đó cũng là tiền thuế của người dân đóng góp chứ không hề là tiền riêng của quận 1. Số tiền “trả dần” ấy, bớt đi bao nhiêu từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ nhân đạo… của quận 1? Sự minh bạch ắt là cần thiết.
Thường thì các cá nhân, doanh nghiệp khi đóng góp vào sự tôn tạo, phát triển của thành phố vẫn được ghi danh với lòng biết ơn. Đó là cách mà cả thế giới này đang hành xử. Vì sao các doanh nghiệp hảo tâm và tử tế ấy có thể góp đến 1.000 tỉ cho người dân thành phố lại chỉ được nói đến… nặc danh và qua loa? Hay đây cũng chỉ là một cách nói để đối phó của chính quyền, như một thói quen để vượt thoát trước các cơn khủng hoảng?
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Thông điệp của Bộ chính trị mới?

Nguyễn Thị Từ Huy 
Theo RFA-2016-03-30  
000_Hkg10249957
 TBT Nguyễn Phú Trọng được chúc mừng bởi các ông Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hà Nội vào ngày 27 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Có lẽ rất nhiều người Việt Nam, khi theo dõi diễn biến của Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam, bị đặt trước câu hỏi : trong tình hình nguy ngập về mọi phương diện hiện nay của đất nước, ĐCSVN, vốn kiên quyết tự giành cho mình độc quyền lãnh đạo tuyệt đối, liệu có đủ khả năng tiến hành những cải cách chính trị, để giải quyết các vấn đề trầm trọng của đất nước hay không ?
Câu hỏi này là của tất cả những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh quốc gia. Vì đất nước này không phải của riêng của đảng, mà là của tất cả mọi người, thậm chí của cả những bào nhi còn nằm trong bụng mẹ.
Và vì thế, hiện nay mỗi một động thái của chính quyền, tức là của đảng, đều là một câu trả lời cho câu hỏi này. Mỗi một quyết định của Bộ Chính trị sẽ là một câu trả lời cho câu hỏi này.
Vụ đàn áp phá nát vòng hoa của người dân Sài Gòn tưởng niệm chiến tranh Việt Trung, ngày 17/2/2016 là một câu trả lời.
Vụ bắt giữ ông Phạm Minh Hoàng là một câu trả lời.
Vụ báo chí chính thống và dư luận viên bôi nhọ những ứng viên tự do vào Quốc hội là một câu trả lời.
Vụ chặt cây xanh ở Sài Gòn là một câu trả lời.
Vụ xử Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy là một câu trả lời. Một câu trả lời quá rõ ràng. Đã có nhiều phân tích về những bất cập pháp lý trong vụ Ba Sàm trên truyền thông tự do, bao gồm cả cá facebook cá nhân và các hãng thông tấn quốc tế lớn. Những đầu óc lý tính bình thường đều thấy rằng các phân tích ấy đều có lý lẽ thuyết phục. Xin xem lại một số bài tiêu biểu, trong đó có bản bào chữa của luật sư Hà Huy Sơn,  bài phân tích của GS Hoàng Xuân Phú. Vụ xử ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho thấy sự tiếp tục duy trì chính sách đàn áp chính trị được ĐCSVN thực hiện từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay. Đây là một dấu hiệu cho thấy không có cải cách về phương diện này.
Những thông tin về việc Quốc hội khóa 13 sẽ tiến hành việc bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt là một câu trả lời thuộc loại then chốt và trọng yếu. Như một số phân tích đã chỉ ra, việc này vi phạm hiến pháp, vi phạm luật pháp, và vô hiệu hóa vai trò của Quốc hội khóa 14.
Chừng đó sự kiện đã cho thấy câu trả lời của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mới đối với câu hỏi mà người dân đặt ra về khả năng cải cách chính trị của đảng.
Thay vì tiến hành các cải cách chính trị, các cải cách thể chế, và đặc biệt hàng đầu là các cải cách về luật pháp, để đảm bảo cho sự vận hành của một nền dân chủ thực sự - động lực phát triển của đất nước, thì các dấu hiệu cho thấy ĐCSVN đang làm ngược lại : đảng đang tăng cường trấn áp, tăng cường đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, đàn áp quyền tự do bày tỏ cảm xúc của người dân, tăng cường làm việc theo lối áp đặt, độc đoán, quyết định từ trên xuống.
Tuy nhiên sự đàn áp gia tăng của chính quyền sẽ là thử thách đối với bản lĩnh của một dân tộc mà nhiều phẩm chất quan trọng đã hình thành và bảo tồn trong suốt lịch sử của mình : yêu nước (cho đến nay chưa từng chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào) và bảo tồn văn hóa dân tộc, đùm bọc lẫn nhau (đã được đúc kết trong thành ngữ dân gian « lá lành đùm lá rách »)… Sự đàn áp của chính quyền là một phép thử cho các phẩm chất này, nói cụ thể hơn, phép thử ở chỗ : liệu hơn bảy thập kỷ dưới sự đàn áp của chính thể độc tài, những phẩm chất này của dân tộc Việt Nam có bị tiêu diệt hay không ?
Phải chăng Bộ Chính trị mới, bằng các động thái mới đây của mình, đang trực tiếp gửi tới toàn thể dân tộc thông điệp sau đây : « dân tộc Việt Nam muốn trường tồn, dân tộc Việt Nam muốn bảo vệ Tổ quốc của mình, dân tộc Việt Nam muốn bảo vệ phẩm chất của mình, muốn bảo vệ truyền thống của mình, muốn bảo vệ những người đồng bào của mình, thì không có con đường nào khác, phải thoát khỏi ách cai trị của chính thể độc đảng ? » Có phải đấy là thông điệp mà Bộ chính trị mới, ban lãnh đạo mới của đại hội XII, gửi đến toàn thể nhân dân Việt Nam không ?
Tôi là người đưa ra giả thiết rằng ĐCSVN có thể tiến hành một số cải cách chính trị quan trọng, ở giai đoạn này, để làm trong sạch đảng và dân chủ hóa bộ máy. Giả thiết này dựa trên một số phân tích về đại hội XII, dựa trên đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, và chủ yếu dựa trên phân tích về đặc điểm cá nhân của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu ĐCSVN hiện nay. Đồng thời dựa vào một số phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng, người, mà theo tôi, có lẽ đã đóng vai trò phát ngôn viên cho đại hội XII vừa qua. Giả thiết này của tôi bị nhiều người phản đối, trong số đó có các tác giả Bùi Quang Vơm, Thái Tuế…, vì họ không tin rằng Tổng bí thư và Bộ chính trị mới (gồm nhiều người từ Bộ chính trị cũ) có đủ năng lực để cải cách, và họ đưa ra các lý lẽ của họ.
Đến thời điểm này, tôi buộc phải thừa nhận rằng Tổng bí thư và Bộ chính trị, bằng các quyết định và cách hành xử mới đây, đang củng cố nhận định của những người cho rằng ĐCSVN không thể tự cải cách.
Nhưng dù sao, một số dấu hiệu cho thấy có sự mâu thuẫn trong tư tưởng của những người lãnh đạo hiện hành. Có những dấu hiệu cho thấy sự giằng co giữa một bên là ý muốn cải cách, và một bên là các lực cản cải cách có lẽ nằm trong bản chất của một chính đảng độc tài. Chúng ta sẽ còn trở lại với vấn đề này.
Paris, 28/3/2016
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Người trẻ và ý thức trách nhiệm cộng đồng

Chân Như, phóng viên RFA 2016-03-31  
000_Hkg10162656
Các bạn trẻ hát trong một cuộc biểu tình phản đối chính quyền chặt cây xanh ở Hà Nội vào ngày 22 tháng 3 năm 2015.  AFP photo
Chân Như và các bạn trẻ khách mời thảo luận về chủ đề ý thức trách nhiệm cộng đồng và làm thế nào để nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng giúp cho xã hội VN bớt đi những bất trắc do sự vô ý thức gây nên.
Chân Như: Các bạn có suy nghĩ gì về vụ nổ tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội vừa qua khiến 5 người tử vong?
Gia Bảo: Theo suy nghĩ của em, vụ nổ tại Văn Quán, Hà Nội vừa qua thứ nhất do ý thức người dân kém, thứ hai do nhà nước quản lý lỏng lẻo, em thấy ở Việt Nam không hề an toàn. Nói về khủng bố thì không có nhưng những cái chết lãng nhách nhất có lẽ VN đứng vị trí quán quân.
Bảo Linh: Với em, vụ nổ ở Hà Đông do thiếu ý thức dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ý thức ở đây trước hết đối với bản thân người đó vì mưu sinh, kiếm tiền mà quên đi an toàn trong lao động. Điều này xuất phát từ ý tưởng làm giàu mà bất chấp tất cả, bất chấp nguy hiểm hay tác hại công việc, miễn sao làm có tiền. Ý thức thứ hai là về cộng đồng. Khi họ làm, họ không nghĩ đến việc  tác hại lên những người xung quanh. Nếu một người ở xã hội hiện đại họ sẽ cân nhắc giữa việc làm của bản thân mình với việc phải dung hòa với lợi ích của những người xung quanh, mới xây dựng được xã hội tốt đẹp và không xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy.
Chân Như: Các bạn nhận xét thế nào về ý thức trách nhiệm cộng đồng của một bộ phận người Việt Nam qua các trường hợp như vụ nổ Văn Quán, ngư dân cắt trộm cáp quang internet ngoài biển để bán ve chai, ăn trộm thiết bị  phóng xạ bán ve chai ...
Em thấy có một thực tế đáng buồn không thể chối cãi đó là ý thức trách nhiệm của người dân Việt Nam rất kém, có thể gọi đó là căn bệnh nan y mà dân trí thức và dân lao động Việt Nam đều mắc phải.
- Gia Bảo
Phan Duy: Theo em, ở đây mình dùng từ “một bộ phận người Việt Nam”, em thấy chưa thể hiện đúng với con số. Thực chất, đa số người Việt Nam là như vậy không bị nhiều cũng ít, tức là có ý thức cộng đồng rất kém. Em dùng từ kém bởi vì nó thể hiện việc họ suy nghĩ cho bản thân họ nhiều hơn là nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng, nói thẳng ra là họ ích kỷ.  Và vị vậy vô tình tác hại rất nhiều đến cộng đồng.
Vừa  mới đây em có đọc tin năm người Việt Nam sang Singapore ăn cắp đồ ở trong một cửa hàng và bị bắt giam. Họ nghĩ làm việc đó vì lợi cá nhân của họ nhưng sau khi tin tức được loan ra thì chẳng khác nào khiến người nước ngoài khi nghĩ đến người Việt Nam thì họ nghĩ người Việt Nam rất hay ăn cắp, gặp người Việt Nam phải đề phòng. Nó ảnh hưởng đến cả một đất nước, một dân tộc chứ không phải vì bản thân họ. Nên đối với em những hành vi này không thể chấp nhận được.
Bảo Linh: Vấn đề nói ra hết sức phũ phàng: ở Việt Nam có câu “thân ai nấy lo”. Đó là một căn bệnh vô cảm ăn sâu vào người Việt từ nhiều năm nay. Giống như ra đường thấy người gặp nạn không giúp hay làm ngơ hoặc thấy người có tai nạn thì nhào vô hôi của và những hình ảnh xấu xí của người Việt nơi công cộng xảy ra nhan nhản hằng ngày trên mặt báo.
Những tài sản công bị ăn cắp như vậy người ta không nghĩ cho xã hội, cho cộng đồng mà chỉ nghĩ lợi ích cho cá nhân, Không nghĩ những tác hại mà ngay chính bản thân họ cũng phải chịu trách nhiệm từ việc làm của họ nhưng họ không nghĩ tới tại vì trước mắt, họ nghĩ đến việc có lợi cho bản thân trước. Từ những tư duy xấu mà họ đã hình thành trong đầu óc, nó ảnh hưởng đến sự giáo dục con cái của họ, điều này rất nguy hiểm sẽ làm cho thế hệ tiếp theo bị ảnh hưởng.
Gia Bảo: Em cũng đồng tình với ý kiến của hai bạn. Em thấy có một thực tế đáng buồn không thể chối cãi đó là ý thức trách nhiệm của người dân Việt Nam rất kém, có thể gọi đó là căn bệnh nan y mà dân trí thức và dân lao động Việt Nam đều mắc phải. Và cũng  từ đó cho thấy rằng có học thức chưa chắc có ý thức tốt.
Chân Như: Theo các bạn, điều gì khiến ý thức trách nhiệm cộng đồng của họ lại kém như vậy?
Phan Duy: Em nghĩ có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất bao trùm hết tất cả nguyên nhân là do giáo dục kém, có thể giáo dục từ gia đình, từ cộng đồng, hoặc từ trong nhà trường không được tốt. Nguyên nhân thứ cấp cụ thể hơn là vì lợi ích cá nhân của bản thân họ nên dẫn đến hành vi của họ  vì tất cả những hành vi này đại đa số vì lợi ích cá nhân. Từ đó, mình có thể suy ra có thể họ nghèo, hay do thói quen, họ nghĩ nhiều người cũng làm nên tôi cũng phải làm giống như họ vì không muốn thua thiệt.
Em có nghe một câu chuyện về một cô thu ngân người Việt Nam: cô ấy có thói quen gom những đồng bạc thừa khách không lấy gom bỏ túi riêng, cô nghĩ việc đó không phải là chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc cô ấy sử dụng đồng tiền vì lợi ích cá nhân của cô ấy, hành vi cũng không phải là tốt vì đồng tiền ấy không phải dotự tay cô làm ra. Đó chỉ là  một việc nhỏ em lấy làm ví dụ. Và chưa chắc gì cô ấy cần đồng tiền đó, chưa chắc cô ấy nghèo nhưng vì thói quen, cho là đồng nghiệp cũng làm, tôi thấy việc bình thường đó là lợi ích nhỏ.
Ý thức trách nhiệm cộng đồng của người Việt kém như vậy do xuất phát từ nền giáo dục không tốt. Kế đến đời sống xã hội Việt Nam rất thực dụng đã hình thành nên một bộ phận người Việt kém ý thức như vậy.
- Bảo Linh
Ngay cả việc năm người sang Singapore ăn cắp đồ rồi bị bắt giữ thì em nghĩ có nhiều ý kiến cho rằng họ có tiền sang du lịch hay làm ăn, tức họ là những người có điều kiện chứ không phải đến mức đói kém.  Do vậy, em nghĩ là xuất phát từ việc nghèo cũng chỉ là một nguyên nhân nhỏ mà còn xuất phát từ lòng tham, từ lợi ích cá nhân, từ thói quen và từ ý thức của họ. Họ nghĩ việc đó không phải là hành vi phạm pháp, hành vi xấu. Chung quy nguyên nhân lớn nhất vẫn là do giáo dục, em nghĩ như vậy.
Bảo Linh: Ý thức trách nhiệm cộng đồng của người Việt kém như vậy do xuất phát từ nền giáo dục không tốt. Kế đến đời sống xã hội Việt Nam rất thực dụng đã hình thành nên một bộ phận người Việt kém ý thức như vậy. Nó gây phiền toái cho những người Việt sống ngay thẳng  trong nước và lan tỏa ra nước ngoài. Có nghĩa là những người Việt xấu đó đã làm cho thế giới nhìn vào người Việt có một tư duy rất tiêu cực hoặc những chính phủ rất khó khăn để cho người Việt xin visa nhập cảnh.
Gia Bảo: Ý kiến của hai bạn vừa rồi cũng có lý. Theo em, nguyên nhân thứ nhất cũng là do người Việt Nam nghèo, vì nghèo nên bất chấp kiếm tiền.  Nguyên nhân thứ hai do không được giáo dục tốt, từ đó khiến họ không nhận thức được nguy hiểm và làm nghiêm trọng trong những việc họ đang làm. Còn nguyên nhân thứ ba là do các cơ quan nhà nước chưa thực hiện tốt việc quản lý cũng như răn đe trước việc làm của người dân.
Chân Như: Làm thế nào để nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng và làm cho xã hội VN bớt đi những bất trắc do sự vô ý thức gây nên.
Phan Duy: Em nghĩ, việc này cần có thời gian lâu dài để thay đổi tính cách bị ăn sâu vào trong máu của một dân tộc. Do vậy, việc trước nhất chính phủ Việt Nam nên ban hành những luật đối với những hành vi này và nghiêm trị kể cả những hành vi được thực hiện ở nước ngoài hay trong nước đều phải có những luật để chế tài nhắm làm cho họ cảm thấy sợ không tái phạm. Bên cạnh đó, còn  phải do ý thức của mỗi cá nhân nữa. Ngày nay, chúng ta có nhiều phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội để tuyên truyền những hành vi nào tốt, xấu, và ngay cả trẻ em hay người lớn đều có thể tiếp cận được.
Nguyên nhân lớn nhất bao trùm hết tất cả nguyên nhân là do giáo dục kém, có thể giáo dục từ gia đình, từ cộng đồng, hoặc từ trong nhà trường không được tốt.
- Phan Duy
Thông qua những kênh đó mình có những bài học tuyên truyền, nhưng phải khéo léo tuyên truyền làm sao mà cảm thấy họ có thể tiếp thu được, cảm thấy dễ dàng chứ không phải tuyên truyền một cách cứng nhắc, nhàm chán. Vì vậy,để khéo léo hơn thì làm những tiểu phẩm hoặc nêu lên những hành vi tốt của những dân tộc đất nước khác mà Việt Nam cần phải noi gương theo để học tập, để người Việt không trở nên những người mọi rợ trong mắt người nước ngoài.
Bảo Linh: Đối với giới trẻ thì cải cách giáo dục là một điều cần thiết để cho giới trẻ thay đổi những tư duy. Thay vào những bài học giáo điều ru ngủ bằng  những bài học thực tiễn nhằm đưa giới trẻ đến chiều hướng tích cực hơn, học tập theo những giáo dục của những nước hiện đại. Chẳng hạn như em thấy trong trường cho  học sinh làm kế hoạch nhỏ phải gom giấy vụn theo quy định bao nhiêu ký mỗi học sinh một năm thì học sinh không đủ giấy phải về xin tiền cha mẹ để mua giấy vụn từ bên ngoài lại tốn tiền cho gia đình.
Thay vào cách giáo dục như vậy thì thay đổi tí xíu là hướng cho học sinh dạy các em biết phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, giấy vụn, sẽ giúp ích bảo vệ môi trường hơn. Còn đối với những người lớn do họ đã định hình vào việc vô ý thức sẵn thì phải áp dụng những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để làm họ sợ, không dám tái phạm hành vi thiếu ý thức nữa.
Gia Bảo: Thật sự, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân rất khó bởi vì nó là cả một quá trình lâu dài,có khi mất mấy chục năm chứ không phải một sớm một chiều và cần phải kết hợp giáo dục tuyên truyền và xử lý hợp pháp. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là nghèo, bởi vì người ta hay nói “có thực mới vực được đạo” cho nên em thấy nhà nước cần phải tạo công ăn việc làm cho người dân. Khi cuộc sống của họ khá giả hơn thì những chuyện đáng tiếc như vụ nổ Văn Quán, Hà Nội sẽ tự nhiên biến mất thôi.
Chân Như: Xin cám ơn các bạn Gia Bảo, Phan Duy và Bảo Linh đã dành thời gian cho chương trình tuần này.