Le Monde có phóng sự điều tra đáng chú ý mang tựa đề « Tổ hợp tội ác », thuật lại nhiều thủ đoạn rửa tiền, buôn lậu ma túy của băng nhóm người gốc Việt, có tài khoản tại ngân hàng HSBC Thụy Sĩ. Qua đầu mối này, các nhà điều tra phát hiện ngân hàng HSBC làm trung gian rửa tiền buôn vũ khí, kim cương cho cả một đường dây tội ác quốc tế rộng lớn, đặc biệt trong đó có đường dây buôn vũ khí Israel có liên hệ với Al-Qaida, hay một cartel Mêhicô.
Một vụ bắt giữ đột xuất hồi 2004 tại một vùng ngoại ô Atlanta – nhờ thông tin nghe lén điện thoại - cho phép cảnh sát Mỹ bắt được hơn 400.000 đô la tiền bán ma túy tổng hợp tại các thành phố miền đông Hoa Kỳ, trong cốp xe của một người gốc Việt tên Jenny Nguyễn. Mười ngày sau vụ bắt giữ, cảnh sát mở chiến dịch bắt giữ khoảng 130 người, phanh phui được một mạng lưới buôn ma túy lớn tại 18 thành phố Hoa Kỳ.
Số tiền thu được trong xe hơi của Jenny Nguyễn đáng ra đã được chuyển về các tài khoản của HSBC ở Genève, Thụy Sĩ. Các tài khoản này thuộc về hai chủ nhân, một có tên Việt, Anh Ngoc Nguyen, trú tại Canada. Chính thông qua các quan hệ làm ăn này, mà cơ quan điều tra chống ma túy Mỹ (DEA) phát hiện ra mạng lưới mua kim cương từ bên ngoài để chuyển về bán tại Việt Nam. Cũng từ đó, cảnh sát lần ra mạng lưới rửa tiền quy mô khoảng 5 triệu đô la/tháng, theo FBI, mà đứng đầu là Thi Phuong Mai Le, một phụ nữ Việt Nam 38 tuổi, có biệt danh « Ong chúa ».
Nhờ lời khai của Anh Ngoc Nguyên, mà các nhà điều tra Mỹ đã phát hiện rằng, ngân hàng HSBC không chỉ chứa chấp các tài khoản của những kẻ buôn lậu ma túy, mà còn làm trung gian rửa tiền buôn vũ khí, kim cương cho cả một đường dây tội ác quốc tế rộng lớn, đặc biệt trong đó có đường dây buôn vũ khí Israel có liên hệ với Al-Qaida, hay một cartel Mêhicô.
Cuộc điều tra kéo dài đến 2011. Ngày 23/02/2011, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa tên của Shimon Yelinek – một trùm buôn lậu vũ khí Israel, nguyên cố vấn an ninh của một nhà độc tài Congo – vào đầu danh sách đối tượng trừng phạt quốc tế, do liên hệ với một tập đoàn mafia Mêhicô có ảnh hưởng bậc nhất. Hiện tại ngân hàng HSBC từ chối trả lời các câu hỏi của Le Monde. Còn luật sư của người bị cảnh sát Mỹ điều tra đã phủ nhận mọi liên hệ với Anh Ngoc Nguyen. Theo Le Monde, Shimon Yelinek có thể đang sống yên bình tại Israel với vợ và các con.
Dân cư Lục Phong, Quảng Đông biểu tình chống trưng thu đất đai. Ảnh chụp ngày 21/11/2011.REUTERS/Stringer
Một quan chức cao cấp Trung Quốc, ngày hôm qua, 04/03/2015, cho biết, chính quyền Bắc Kinh sẽ tiến hành thí điểm cho bán đất đai ở nông thôn, trong khi theo luật pháp Trung Quốc, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước và các vụ trưng thu đất đang gây ra nhiều căng thẳng xã hội.
Từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng cho phép những người sống ở nông thôn được chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình, nhằm khuyến khích hàng triệu người rời bỏ nông thôn lên thành phố, bởi vì đô thị hóa được coi là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh, nói rằng lời hứa này sẽ được thực hiện : Bước đầu, để làm thí điểm, 33 huyện sẽ đình chỉ một số điều khoản cấm tự do chuyển nhượng đất đai phi nông nghiệp.
Trong số những khu vực làm thí điểm có huyện Đại Hưng (Daxing), trực thuộc thủ đô Bắc Kinh. Chính quyền thành phố dự tính xây một sân bay quốc tế mới tại đây.
Theo thông cáo đăng trên website của Quốc hội Trung Quốc, chương trình thí điểm sẽ cho phép tự do chuyển nhượng trên thị trường « những khu đất ở vùng nông thôn, vì mục đích thương mại ».
Nói một cách rõ ràng, những người sống ở nông thôn, có đất, thì có thể bán cho bất kỳ ai, chứ không buộc phải bán cho chính quyền.
Theo luật pháp hiện hành tại Trung Quốc, Nhà nước và chính quyền địa phương có tiếng nói quyết định cuối cùng trong lĩnh vực đất đai, nông dân chỉ có quyền sử dụng.
Chính vì thế, các chính quyền địa phương có thể cưỡng chế trưng thu đất và chỉ trả những khoản đền bù rất thấp, rồi sau đó, chuyển nhượng cho những nhà kinh doanh địa ốc để kiếm lời, thậm chí đây là nguồn thu chính của chính quyền địa phương. Chính sách này đã gây ra nhiều bất bình của người dân và có khí dẫn đến bạo động.
Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc khẳng định : « Cuộc cải cách này sẽ giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại và tiến trình đô thị hóa, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích của nông dân ».
Đại diện một công ty tư vấn luật pháp tại Bắc Kinh nói với AFP rằng chương trình thí điểm này có thể làm tăng thêm thu nhập cho các gia đình ở nông thôn, giảm bớt các vụ đối đầu giữa nông dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả của cải cách, cần phải chờ xem ai là người có quyền quyết định các giao dịch chuyển nhượng này ; nếu người quyết định là các quan chức địa phương hoặc các nhóm kinh doanh địa ốc, chứ không phải là nông dân, thì đây là một bước thụt lùi.
Kim Jong Un : Ảnh chụp tại Bình Nhưỡng và công bố ngày 21/01/2015-Reuters
Khả năng chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ là điều không thể tránh khỏi, và Hoa Kỳ nên nắm lấy cơ hội quan hệ ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Seoul để cùng nhau chuẩn bị đối phó với công việc thống nhất bán đảo cực kỳ gian nan. Trên đây là lời báo động hôm 04/03/2015 của ông Christopher Hill, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc đồng thời là một chuyên gia hàng đầu về Bắc Triều Tiên.
Trong tham luận tại một hội nghị về an ninh tổ chức ở Seoul, ông Christopher Hill công nhận rằng ông không thể biết trước là chế độ của Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ khi nào và như thế nào, nhưng đối với ông, đó là điều không thể tránh khỏi. Do đó, theo ông, « Cần phải chắc chắn rằng Trung Quốc, [Hàn Quốc] và Mỹ đều hiểu rõ những gì cần làm ».
Từng là cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, ông Hill hiện được coi là một chuyên gia hàng đầu về Bắc Triều Tiên, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng liên quan đến Châu Á, từ Trưởng đoàn đàm phán Mỹ tại Vòng thương thuyết 6 bên về hạt nhân Bắc Triều Tiên, cho đến Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á - Thái Bình Dương.
Vào lúc chính quyền Hàn Quốc đang cố gắng khởi động một vài bước nhỏ nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nước Triều Tiên đã trở nên tồi tệ kể từ năm 2012, khi Kim Jong Un lên kế vị người cha Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng, ông Christopher Hill cho rằng Seoul và Washington phải tìm cách tương tác một cách tích cực với Bắc Triều Tiên.
Để làm điều này, hai đồng minh Mỹ-Hàn phải nhờ đến Trung Quốc, nước từ lâu được coi là có ảnh hưởng lớn nhất trên Bắc Triều Tiên. Ông Hill xác định : « Tôi không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn để làm điều này, ngoại trừ việc tiếp tục tăng cường các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Hàn Quốc, [và] đối thoại với Trung Quốc ».
Đối với chuyên gia Mỹ, tiến trình đối thoại đó có thể được thực hiện theo hình thức ba bên Mỹ-Trung-Hàn, hoặc theo phương thức song phương Trung-Hàn hay Mỹ-Trung. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Seoul thì bối cảnh hiện nay đang thuận lợi, đặc biệt là từ sau chuyến công du Hàn Quốc vào tháng Bảy năm 2014 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là một chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng vì lần đầu tiên một lãnh đạo mới tại Bắc Kinh lại ghé thăm Hàn Quốc trước khi đến Bắc Triều Tiên.
BẮC KINH (AP) – Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng 2015 chỉ tăng 10.1%, thấp hơn năm ngoái, tuy nhiên vẫn là chi tiêu lớn về quân sự gây lo ngại trong khu vực về tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Các sĩ quan Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đi vào Đại Sảnh Nhân Dân, trụ sở Quốc Hội ở Bắc Kinh hôm 4 tháng 3, 2015. (Hình: AP/Ng Han Guan)
Năm ngoái ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 12.2%. Hôm Thứ Năm, Trung Quốc giải thích rằng chi phí gia tăng hiện nay là cần thiết để canh tân hóa trang bị và cải thiện sinh hoạt cho 2.3 triệu binh sĩ Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, lực lượng quân sự hiện dịch lớn nhất thế giới.
Trong vòng 15 năm qua, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng trung bình 15.5% mỗi năm, nhưng đã giảm dần từ giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ ở mức 7% năm nay theo kế hoạch.
Quân đội Trung Quốc là thành phần đông đảo nhất trong Quốc Hội 2,954 thành viên và có tiếng nói mạnh mẽ trong đòi hỏi chi tiêu quốc phòng.
Mặc dầu Trung Quốc luôn luôn bảo đảm rằng lực lượng quân sự to lớn của họ thuần túy chỉ có mục tiêu tự vệ nhưng vẫn làm cho các nước láng giềng lo ngại. Ngân sách q uốc phòng Nhật Bản tăng 2.8% năm nay lên tới $42 tỷ và Ấn Độ tăng 11% lên tới $40 tỷ.
Nữ phát ngôn viên bộ ngoại giao Marie Harf nói với các phóng viên là Hoa Kỳ theo dõi sự phát triển quân sự của Trung Quốc, kêu gọi quốc gia này trong sáng hơn và sử dụng khả năng của họ để duy trì hòa bình và ổn định trong vùng Á Châu – Thái Bình Dương.
Ngũ Giác Đài ước lượng là chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong thực tế có thể cao hơn khoảng từ 40% đến 50% vì ngân sách được công bố không tính tới việc nhập cảng các hệ thống vũ khí tân tiến, công tác nghiên cứu và phát triển và những chương trình khác.
Ngân sách quốc phòng khoảng $132 tỷ của Trung Quốc chỉ bằng 1/3 ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ năm nay $534 tỷ cộng thêm $51 tỷ cho những hoạt động ở Afghanistan. Iraq, Syria. (HC)
03-05-2015 1:26:09 PM
IRVINE, California (NV) – 12 căn nhà trong một chung cư ở Irvine bị xem là “nhà hộ sinh Trung Quốc” (Chinese Birthing Houses) bị Cảnh Sát Sở Di Trú (ICE) bố ráp hôm thứ Ba, cùng lúc với nhiều chung cư khác ở Los Angeles, Orange và San Bernardino County, ngày 3 Tháng Ba.
Đây là cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay của Cảnh Sát Sở Di Trú vào các đường dây đưa phụ nữ Trung Hoa giàu có mang bầu, lấy cớ du lịch để sanh con mang quốc tịch Mỹ và kỳ vọng đứa con khi 21 tuổi sẽ bảo lãnh cha mẹ sang Hoa Kỳ và trở thành cư dân hợp pháp.
Trát tòa liên bang cho bố ráp địa điểm The Carlyle at Colton Plaza ở Irvine. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
“Trong ngày hôm qua, các cơ quan công lực địa phương và liên bang chỉ thi hành trát tòa liên bang cho lục soát và thu thập bằng chứng. Cơ quan cảnh sát Sở Di Trú (ICE) không bắt giữ ai và vẫn tiếp tục cuộc điều tra,” bà Virginia Kice, giám đốc thông tin khu vực miền Tây Hoa Kỳ kiêm phát ngôn viên, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.
Theo tài tập tài liệu dài hơn 100 trang, ghi lại lời khai có tuyên thệ của ông Jeffrey Eastman, một nhân viên kỳ cựu của ICE, thì việc đối phó với các dịch vụ du lịch giả để đưa phụ nữ Trung Hoa có bầu vào nước sinh con, đòi hỏi một nỗ lực quy mô của cơ quan này.
Để tìm ra hành tung của những tổ chức môi giới này, các nhân viên của ICE, đa số là các nhà thám tử không mặc đồng phục, đã phải khổ công theo dõi tài liệu của các cơ thương mại từ California Department of State, những dịch vụ làm Visa lậu,điều tra những ngân phiếu trả tiền cho các dịch vụ, hồ sơ điện thoại di động, cũng như quảng cáo của các dịch vụ du lịch này trên mạng lưới internet.
Trên trang Blog OCWeekly, Eric Rose, phát ngôn viên của The Carlyle được trích lời nói rằng: “Công ty quản lý Legacy Partner của chúng tôi luôn hợp tác trong cuộc điều tra của nhân viên liên bang và 'You Win USA Vacation Resort' là tên của dịch vụ tại địa điểm này.”
Nhiều lời góp ý trên trang blog với lời lẽ kém thiện cảm trước sự việc xảy ra.
Theo đài truyền hình KTLA 5 trích lời ông Claude Arnold, cảnh sát sở di trú, nói rằng “Sanh con tại Mỹ không phải là điều bất hợp pháp, nhưng trong những trường hợp này, các sản phụ nói dối rằng lý do là đi du lịch. Họ đã dấu sự thực là họ đang có thai, và các doanh nghiệp môi giới chỉ vẽ cho họ nói như thế.”
Bản tin của đài này cũng nói “hoạt động ở Orange County liên quan đến hơn 400 trẻ được sinh ra tại các bệnh viện ở Orange County, trong khoảng Tháng Giêng 2013 và Tháng Hai 2015, theo chứng từ về địa điểm ở Irvine, Chao Chen, Dong Li và Jie Zhu là ba người có liên quan.
Tại Rancho Cucamonga, nội vụ chương trình “USA Baby, Inc.,”liên quan đến Michael Wei Yueh Liu và Jing Dong.
Tại Rowland Heights, ba người liên quan là Wen Rui Deng, Li Yan Lang và Wen Shan Sun, cũng theo bản tin truyền hình.
Trang web có quảng cáo dịch vụ du lịch sanh con tại Mỹ. (Hình chụp từ www.weibo.com)
Ngoài ra, bà Kice còn cho biết các cơ quan công lực tham gia cuộc bố ráp, gồm có các nhân viên điều tra (HSI) của Bộ Nội An, Sở Thuế, Sở Cảnh Sát San Bernadino County, Sở Cảnh Sát Irvine, Sở Cảnh Sát Phi Trường LAX, Cơ Quan Bảo Vệ Biên Giới và Quan Thuế Hoa Kỳ, và An Ninh Mật Vụ của Bộ Ngoại Giao.
Cũng theo bà Kice, “các địa điểm bị bố ráp, gồm các khu chung cư do các cơ sở gởi các phụ nữ Trung Hoa mang bầu đến trú ngụ ở Irvine, Rancho Cucamonga, Rowland Heights và Walnut.”
Tuy không ai bị bắt vì tội phạm nhưng nhân viên muốn tìm thêm bằng chứng có thể liên quan đến tội phạm, như gian lận chiếu khán, thuế, rửa tiền và âm mưu nội vụ. Cho đến nay, căn cứ vào các bằng chứng thu lượm được, các nhân viên khẳng định những doanh nghiệp môi giới, hướng dẫn khách hàng lấy cớ du lịch để xin chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ, nguồn tin cho biết thêm.
Theo chứng từ của các doanh nghiệp, các chủ nhân môi giới dặn khách hàng mặc quần áo rộng và không mang vật dụng cho trẻ sơ sinh trong hành lý trên các chuyến bay tới Mỹ, nhằm tránh sự nghi ngờ của Cơ Quan Bảo Vệ Biên Giới và Quan Thuế Hoa Kỳ.
Dịch vụ du lịch để sanh con nhắm vào đa số là giới phụ nữ Trung Hoa giàu có và phải trả từ $15,000 đế $50,000 tùy dịch vụ. Số tiền trả bao gồm ăn, ở, di chuyển, không kể chăm sóc về y tế. Theo kết quả điều tra đến nay các sản phụ trả tiền mặt cho việc chăm sóc khi mang thai và ngày sanh nở.
Các sản phụ còn được hứa sẽ có số an sinh xã hội và thông hành Hoa Kỳ cho em bé mà các bà mẹ có thể đem theo khi rời Hoa Kỳ.
Một khi trẻ em quốc tịch Mỹ này tới tuổi trưởng thành, chúng có thể xin chiếu khán cho thành viên gia đình sống ở ngoại quốc.
Nếu trả giá cao hơn, dịch vụ bao gồm việc giải trí, như đi chơi Disneyland, các thương xá và cả thăm các xạ trường.
Các doanh nghiệp môi giới quảng cáo trên các trang web, báo chí và các trang mạng xã hội, riêng ở Orange County, dưới tên “You Win USA Vacation Resort,” nhưng trụ sở ở Rancho Cucamonga, dưới tên “USA Happy Baby, Inc.”
Các sản phụ có mặt tại các địa điểm bố ráp sẽ được thẩm vấn và những ai đủ điều kiện làm nhân chứng sẽ được cho biết thời gian và địa điểm để điều tra thêm.
Nguồn tin cũng cho biết căn cứ vào các bằng chứng có được đến nay, cả ba doanh nghiệp môi giới, hoạt động được vài năm, nhưng các bằng chứng ấy giúp cho thấy rõ ràng hơn về các hoạt động loại này.
Trang web quảng cáo dịch vụ http://yyusa.com không còn hoạt động, nhưng trang www.Weibo.com/youwinusa thì vẫn còn thấy trên internet.
SÀI GÒN (NV) - Chán ghét và bế tắc trong cuộc sống hiện tại, cùng ngày một già, một trẻ đã tự kết liễu mạng sống bằng cách lên tháp chùa nhảy xuống và tự cắt cổ chính mình, gây xôn xao dư luận.
Theo tờ Tiền Phong, lúc 8 giờ 30 ngày 5 tháng 3, 2015, nhiều người đi lễ ở chùa Linh Sơn Hải Hội trên đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp, đã giật mình khi bất ngờ nghe một tiếng động mạnh. Ngay sau đó, mọi người nhận ra một ông cụ khoảng 70 tuổi trên người mặc bộ đồ màu nâu nằm bất động trên vũng máu.
Thi thể nạn nhân được đưa về nhà xác. (Hình: Đất Việt)
Nhiều người cho biết, ông cụ này đã vào chùa Linh Sơn rồi đi lên tầng 7 của tòa tháp, sau đó nhảy xuống đất chết thảm. Sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng địa phương đã có mặt để khám nghiệm hiện trường. Ðến 9 giờ 30, thi thể nạn nhân được đưa về nhà xác bệnh viện An Bình.
Trong khi đó, tờ Người Lao Ðộng đưa tin, trưa 5 tháng 3, 2015, nhiều người đi qua khu vực ngã 6 Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, đã chứng kiến cảnh tượng rùng rợn một thanh niên khoảng 30 tuổi nằm gục trước một ngôi nhà, máu chảy lênh láng.
Người thanh niên nằm gục trên vũng máu. (Hình: Xã Luận)
Theo người dân nơi đây, khoảng 12 giờ 30 phút, người thanh niên này điều khiển một chiếc xe máy màu xanh, mang số tỉnh Ðồng Tháp. Khi đến ngã 6 Nguyễn Thái Sơn, anh ta đã tự ngã xe và được mọi người đưa vào ngồi trước một ngôi nhà.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, người này đã dùng vật nhọn tự cắt cổ mình để tự tử. “Lúc được chúng tôi đưa vào lề, người thanh niên cho biết mới đi chùa về và đang chán đời. Do biểu hiện của anh ta như người say nên chúng tôi không để ý, nào ngờ...,” ông Hùng, chạy xe ôm gần hiện trường nói. Hiện nguyên nhân các vụ việc đang được công an điều tra thêm. (Tr.N)
03-05- 2015 3:42:00 PM
BẠC LIÊU (NV) - Thắp nhang trừ muỗi, xịt thuốc khắp nhà nhưng vẫn không xua được muỗi, người dân miền Tây phải khổ sở dùng mùng để sinh hoạt ăn cơm, học bài...
Ngồi trong mùng học bài, làm việc để tránh muỗi.(Hình: Zingnews)
Zing.vn đưa tin, bà Út Phến (46 tuổi), ở ấp Thọ Hậu, xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, cho biết, thời gian gần đây khi trời sụp tối, muỗi tràn vào nhà. Hôm nào về trễ, gia đình bà phải chui vào mùng ăn cơm để tránh muỗi.
Muỗi dày đặc trên một khúc gỗ cắm dưới ao. (Hình: Zingnews)
Còn bà Ngô Thị Tư (62 tuổi), ở xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, suốt ngày thắp nhang trừ muỗi để xua đuổi nhưng không hiệu quả. Ông Phong Khê (29 tuổi) con bà Tư cho biết, lúc làm việc ngoài vườn cây, gió lùa liên tục nhưng vẫn bị muỗi đốt khắp tay, chân. Vợ ông này vừa chăm con, vừa đốt lửa để lấy khói xua muỗi giúp chồng. “Vợ tôi rửa chén bát ngoài bờ ao ban đêm, tôi phải ngồi cạnh để quạt xua muỗi,” ông Khê kể.
Không chỉ tại Bạc Liêu, Kiên Giang, các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau,... muỗi cũng xuất hiện rất nhiều. Ông Trịnh Văn Mĩnh, ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, bơm nước vào ao hơn chục ngày, chờ thả tôm giống thì thấy nhiều mảng đen trôi tấp vào bờ. Tưởng là trứng cóc, nhái nhưng khi ông vớt lên kiểm tra thì phát hiện toàn lăng quăng.
Tương tự, ông Sơn ở đường Hai Bà Trưng, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, có đầm tôm tại huyện Trần Văn Thời. Lần nào lấy nước vào để lọc trước khi thả giống, ông cũng thấy lăng quăng xuất hiện dày đặc dưới ao. “Những năm trước muỗi cũng có nhưng không nhiều như bây giờ. Con, cháu ban đêm học bài phải chui vào mùng, ngồi ở ngoài muỗi đốt không chịu được,” ông Sơn nói.
Theo nhiều nông dân miền Tây, những năm gần đây các ao quanh nhà và đầm nuôi trồng thủy sản đa số đều được xử lý bằng thuốc cá để nuôi tôm. Ðây là nguyên nhân khiến các loài cá ăn lăng quăng là lia thia, cá sặc... chết hết. Từ đó, muỗi ngày càng sinh sôi, khiến sinh hoạt của người dân thêm khốn đốn.
Mặc dù dịch muỗi đang bùng phát, song người dân các tỉnh nêu trên vẫn chưa thấy nhà cầm quyền địa phương có hành động can thiệp cụ thể nào để giúp người dân thoát dịch. (Tr.N)
03-05-2015 3:40:07 PM
Theo kenh13.info-05/03/2015 10:12 Trong các sản phẩm, ghê sợ nhất là chai nước đổi màu thành màu xanh như mực viết.
Ngày 4/3, phản ánh đến Báo Gia đình và Xã hội, anh Nguyễn Ngọc Anh, chủ quán nhậu Hữu Nghị (số nhà 150, hẻm Q1, đường Lê Duẩn, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết anh và khách hàng đã phát hiện hàng loạt sản phẩm còn nguyên đai nguyên kiện mang nhãn mác Dr Thanh có ruồi, lông và dị vật lạ…
Sản phẩm mang nhãn hiệu của Dr Thanh có 3 con vật lạ, trong đó có 2 con ruồi và 1 con vật chưa xác định được chủng loại. (ảnh N.A)
Theo anh Nguyễn Ngọc Anh, trước Tết anh có mua hàng của công ty Tân Hiệp Phát để dự trữ bán Tết và sau Tết. Số lượng hàng trữ gồm 25 thùng Number One, 25 thùng Trà xanh và 25 thùng Dr Thanh.
Như thường lệ, ngày mùng 4 Tết hàng năm quán Hữu Nghị của anh Ngọc Anh rất đông khách.
Ngày 4 năm nay cũng vậy, tuy nhiên, sự cố đã phát sinh khi khách hàng đang nhậu tại quán Hữu Nghị phát hiện chai nước mang nhãn mác Dr Thanh có dị vật lạ.
Anh Ngọc Anh cho biết: “Khách hàng là người quen của quán, khi phát hiện sản phẩm mang nhãn mác Dr Thanh có dị vật lạ, tôi đã phải đàm phán với khách hàng là miễn phí 2 lốc nước thì mới êm.
Không đàm phán nhanh, người ta la lên trước hàng trăm thực khách thì quán chỉ có nước dẹp tiệm”.
Theo anh Anh, sau khi kiểm tra toàn bộ lô hàng đã nhập, anh và nhân viên của quán đã phát hiện ra hàng loạt sản phẩm mang nhãn mác Dr Thanh bị lỗi nghiêm trọng.
Thống kê của anh Anh cho thấy, trong toàn bộ số hàng có các sản phẩm bị lỗi gồm: 1 chai có 2 con ruồi và một con vật lạ chưa xác định được là con gì, ở dưới đáy chai đóng cặn như đất; 1 chai có một cọng lông giống lông người; 1 chai có nước đổi mầu thành mầu xanh; 2 chai có rong mốc; 1 chai có cỏ cây khô.
Anh Anh cho biết, toàn bộ sản phẩm lỗi nêu trên còn nguyên đai nguyên kiện. Trong các sản phẩm, ghê sợ nhất là chai nước đổi màu thành màu xanh như mực viết, chai này có biểu hiện căng phồng như muốn nổ tung.
Sau khi phát hiện sản phẩm lỗi, có chứa dị vật lạ, anh Anh đã liên hệ qua số tổng đài của Tân Hiệp Phát là 1800545478 để phản ánh.
Ngay sau đó, đại diện của công ty này đã đến trực tiếp làm việc với anh Anh, có văn bản ghi nhận và anh Anh không được giữ bản sao của văn bản này.
Chai mang nhãn hiệu Dr Thanh có màu xanh lạ ở giữa khi chùm sản phẩm đang nguyên đai, nguyên kiện. (Ảnh N.A)
“Khi tôi hỏi nếu uống các sản phẩm này thì người uống có bị làm sao không? Đại diện Tân Hiệp Phát làm việc trả lời cho rằng chắc có thể hơi hơi đau bụng thôi.
Bên Tân Hiệp Phát yêu cầu được đổi 2 thùng hàng Dr Thanh lỗi và tặng thêm 1 chiếc áo phông.
Tôi đã không đồng ý và yêu cầu công ty này phải trả lời về nguyên nhân xuất hiện các dị vật. Có lời xin lỗi công khai để lấy lại danh dự cho quán Hữu Nghị.
Bình thường sau Tết tôi bán kín bàn nhậu, doanh thu cả trăm triệu, nay có ngày chỉ bán được có 3 bàn thu về vỏn vẹn có 10 triệu, có ngày không có bán được bàn nào.
Tin đồn quán tôi bán hàng dởm đã lan rộng, khách hàng đã vắng đi trông thấy. Tôi không yêu cầu đền bù, tôi cần công bố nguyên nhân và một lời xin lỗi công khai” – anh Ngọc Anh, chủ quán Hữu Nghị nói.
Chiều 4/3, tổng đài của Tân Hiệp Phát cho biết sẽ có trả lời về trường hợp phản ánh nêu trên của khách hàng.
TEL AVIV (NV) .- Việt Nam muốn mua thêm một số máy bay không người lái (UAV) Orbiter 2 đồng thời ngỏ ý muốn mua loại lớn hơn là Orbiter 3 của một công ty quốc phòng Israel.
Máy bay không người lái Orbiter 3 mà Việt Nam dự tính mua của Do Thái.(Hình: ADS)
Vào lúc một viên chức Bộ Quốc Phòng Israel có mặt ở Hà Nội ký kết “bản ghi nhớ” về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, tạp chí hàng không FlightGlobal loan tin phía Việt Nam không những muốn mua thêm một số máy bay không người lái Orbiter 2 mà còn muốn mua cả phiên bản lớn hơn, trang bị tốt hơn, bay được lâu hơn, là Orbiter 3.
Cả hai loại UAV này được phía Việt Nam dùng làm tai mắt cho pháo binh tác xạ và có thể dùng để hướng dẫn hỏa tiễn phòng vệ biển Extra của Israel cung cấp hồi năm ngoái.
Cuối Tháng Chín 2014, tạp chí Flight Global tiết lộ Việt Nam đã đặt mua một số máy bay không người lái Orbiter 2 do công ty Aeronautics Defense Systems của Israel sản xuất nhưng không cho biết số lượng và giá trị của bản hợp đồng.
Bây giờ, Việt Nam ngỏ ý muốn mua loại lớn hơn, Orbiter 3, có khả năng hoạt động mọi mặt đều hơn hẳn so với Orbiter 2. Và cũng không có một chi tiết nào về số lượng cũng như giá trị hợp đồng, khi nào thì chính thức tiến hành.
Về chi tiết kỹ thuật, các loại UAV Orbiter có thân máy bay bằng vật liệu nhựa tổng hợp rất nhẹ. Orbiter 2 có sải cánh dài 3m, trọng lượng cất cánh tối đa 9.5kg, mang được tải trọng cảm biến nặng 1.5kg, đạt tốc độ bay từ 55 - 130 km/giờ, tầm hoạt động 80km, độ bay cao tối đa 5,400m và thời gian hoạt động liên tục trên không là 4 giờ.
Trong khi đó Orbiter 3, tương tự như loại 2, nó có trần bay tối đa gần 5,500m với tốc độ bay là 55 - 130km/h, nhưng sải cánh dài 4.2m và tải trọng hữu ích có thể mang lên đến 5.5kg. Orbiter 3 có khả năng hoạt động liên tục 7 giờ trên không và có phạm vi hoạt động hơn 150km.
Orbiter 3 có thể được phóng trên các bệ phóng được gắn trên các loại xe tải hay bán tải. Khi thu hồi sau chuyến công tác thì nó xuống bằng dù và có thêm túi hơi chống chấn động.
Cả hai loại máy bay không người lái Orbiter 2 và Orbiter 3 được chế tạo cho nhu cầu trinh sát cả ngày lẫn đêm với các hệ thống quang học và điện tử. Với ngành pháo binh, chúng thay thế cho các trạm quan sát tiền tuyến trên mặt đất và cung cấp các thông tin chính xác đầu tiên về vị trí đối phương làm tham số bắn.
Năm ngoái, Việt Nam cũng đã bắt đầu sản xuất một số phiên bản súng trường tự động Galil của Israel tại một nhà máy ở tỉnh Thanh Hóa theo một hợp đồng trị giá khoảng 170 triệu đô la. Hà Nội muốn thay thế dần súng AK-47 đã trang bị xưa nay.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ông Dan Harel, Tổng Vụ trưởng Quốc phòng Israel đã thảo luận và ký “bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Israel” tại Hà Nội hôm 2 tháng 3, 2015. Ngoài chi tiết vừa kể, không có chi tiết gì khác được tiết lộ ngoài mấy lời ca ngợi quen thuộc như “quan hệ quốc phòng song phương Việt Nam-Israel trong những năm qua đã không ngừng phát triển tốt đẹp, hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng của mỗi nước nói riêng cũng như của khu vực và thế giới nói chung.” (TN)
03-04-2015 5:03:27 PM
Việc con trai Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau đánh dân phải nhập viện, vì dám can ngăn trong vụ va quẹt xe khiến người dân nơi đây bức xúc. Tuy nhiên khi PV có mặt tại hiện trường thì người dân nơi đây không dám thốt nửa lời vì... sợ?!
Sợ rước họa vào thân
Sáng 3/3, PV báo Đời sống và pháp luật tìm đến hiện trường vụ va quẹt xe dẫn đến đánh nhau xảy ra vào khoảng 17h ngày 25/02 (mùng 7 Tết Ất Mùi). Được biết vào thời điểm trên, Nguyễn Văn Kiệt, con trai của Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, điều khiển xe máy chở theo sau một người bạn nữ, lưu thông tới gần khu vực cổng trường THCS Võ Thị Sáu, đường 3/2, phường 5, TP.Cà Mau thì va chạm xe với đôi nam nữ khác, nên xảy ra cự cãi.
Sau đó, đôi nam nữ kia bỏ chạy vào hẻm 78, đường 30/4, khóm 7, phường 5 (TP.Cà Mau). Phát hiện có người truy đuổi, nam thanh niên liền quẳng xe và bạn gái tháo chạy, người nữ không chạy kịp, nên bị nhóm của Kiệt đánh tới tấp. Thấy bất bình vì chuyện đâu còn có đó, nên hai hộ dân sống gần đó là ông Thạch Sến (52 tuổi) và một người tên Tuấn (hành nghề xe ôm) can ngăn, thì bị Kiệt đánh trọng thương phải nhập viện cấp cứu. Những người dân còn lại đành im lặng vì sợ rước họa vào thân.
Hiện trường, nơi ông Sến bị con ông Giám đốc Công an tỉnh hành hung.
Theo người dân địa phương, sau khi vụ ẩu đả xảy ra, có thấy lực lượng chức năng đến hiện trường, nhưng mọi việc cũng đã rồi. Ông Sến phải nhập viện với đa chấn thương, còn người tên Tuấn phải đóng kín cửa bỏ trốn, không dám về nhà vì sợ nhóm của Kiệt đến “tính chuyện”.
PV có mặt tại nhà ông Thạch Sến, nhưng được biết ông đi cùng người con trai đến bệnh viện kiểm tra lại sức khoẻ, vì vết thương ở vùng đầu vẫn còn đau.
PV liên hệ qua số máy di động với ông Sến, nhưng ông không nghe máy. Bà Huỳnh Kim Giác (49 tuổi, vợ nạn nhân Sến) lo lắng nói: “Hôm xảy ra vụ việc thấy lùm xùm nên gia đình tôi chỉ biết đóng kín cửa. Đến khi chồng tôi về cho hay vừa bị đánh, thì gia đình tôi mới hốt hoảng đưa ngay ông ấy đến bệnh viện cấp cứu điều trị. Còn về nguyên nhân, thì tôi chỉ nghe nói lại, do ông ấy can ngăn đánh nhau nên mới bị Kiệt hành hung đến nhập viện. Nhà báo muốn biết thêm gì thì đến hàng xóm, những người chứng kiến mà tìm hiểu”.
PV lại tìm đến khu vực nhà ông Tuấn (người lái xe ôm) để tìm hiểu thông tin, nhưng người dân ở đây không dám thốt nửa lời vì sợ, họ nói: “Chúng tôi muốn được yên thân, không biết gì đâu, nói ra nói vào phiền phức lắm. Với trường hợp này, im lặng là cách tốt nhất”.
Ngay cả cánh xe ôm ở góc đường 30/4 – Trần Hưng Đạo, nơi ông Tuấn hàng ngày chạy xe ôm, cũng không một ai dám nói gì, chỉ một câu duy nhất “dân lao động như tụi tui biết gì, sợ lắm?!”.
Tại sao lãnh đạo công an “né” báo chí?
Cùng ngày 3/3, PV đến Công an tỉnh Cà Mau liên hệ công tác, thì được Trung tá Trần Hoàng Văn (trực ban) nhiệt tình đón tiếp và yêu cầu ngồi chờ để xin ý kiến.
Căn nhà tềnh toàng tối om, nơi gia đình ông Sến thuê và sinh sống.
Tuy nhiên, chừng 5 phút sau đó, Trung tá Văn nói: “Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau đang bận họp và hẹn lại khi khác”. Ngay sau đó, PV gọi vào máy cá nhân của Đại tá Tươi, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “bận họp” rồi sau đó tắt máy.
Liên quan đến việc này, chị Hương (con dâu thứ 2 của ông Sến, đang Công tác tại Đài Truyền hình tỉnh Cà Mau) cho biết: “Gia đình tôi muốn cuộc sống diễn ra như thường ngày. Bởi, hiện tại cha tôi cũng đã xuất viện, mặc dù vẫn còn đau ở vùng mặt, vùng đầu. Còn chuyện một số thông tin phản ánh là gia đình làm tiền là hoàn toàn không có. Bởi từ thời điểm cha tôi bị đánh đến nay gia đình tôi chưa hề có yêu cầu gì từ phía gia đình nhà Kiệt. Đến ngày 1/3, có một người phụ nữ trạc ngoài 50 tuổi đi cùng với một nam thanh niên đến nhà giới thiệu là cô chín của Kiệt và có nguyện vọng gửi hỗ trợ 2 triệu đồng nhưng gia đình tôi không nhận, sau đó họ về”.
Qua tìm hiểu của PV, ông Sến có hai người con (một trai, một gái), tất cả đều đã lớn. Con trai lớn của ông Sến tên là Thạch Cường đang làm nghề vá xe, từ ngày cha gặp nạn cũng đã nghỉ làm. Không có đất ở, gần 10 thành viên trong gia đình đang sống trong căn nhà thuê chật hẹp. Ông Sến hiện đã lớn tuổi, không còn sức khoẻ đi làm công việc gánh cát đá như trước kia. Vợ ông là bà Giác bán tạp hoá nhỏ ngay tại nhà trọ, cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày.
Chưa thể trả lời báo chí
Trả lời với PV báo Đời sống và Pháp luật, Trung tá Lê Văn Hạnh, Trưởng Công an phường 5 (TP.Cà Mau) vẫn chưa thể trả lời gì, đồng thời cho biết: “Hiện vụ việc đang trong giai đoạn xác minh, xử lý nên phải chờ thời gian tới. Khi có kết quả cụ thể mới có cơ sở trả lời báo chí”.
Cựu thủ tướng Anh, ông Tony Blair, trong hội thảo ngày 4/3 tại Hà Nội
Cựu Thủ tướng Anh đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn trước các lãnh đạo Việt Nam về vấn đề cải cách kinh tế, một chuyên gia trong nước cho biết.
Nhận định trên được Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một trong các chuyên gia có mặt tại hội thảo do ông Tony Blair và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đồng chủ trì tại Hà Nội hôm 4/3, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC.
Hội thảo, với tên gọi "Vai trò mới của Doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế, kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam", còn có sự tham gia của nhiều đại diện của các tập đoàn nhà nước, theo truyền thông Việt Nam.
BBC: Ông nhận định chung như thế nào về các ý kiến mà cựu thủ tướng Anh đưa ra trong hội thảo ngày 4/3, thưa ông?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Ông Tony Blair đã đến Việt Nam từ năm 2012 và đã gặp Thủ tướng Việt Nam.
Đến năm 2013 thì công ty Tony Blair Associates đã lập một văn phòng cạnh Bộ Kế hoạch Đầu tư và đã có tham vấn, đóng góp ý kiến về các văn bản cổ phần hóa.
Mới đây công ty này cũng cố vấn về nghị định hợp tác công tư (PPP).
Hôm 4/3, ông Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh và ông Tony Blair đã đồng chủ trì một hội thảo về vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước.
Công ty của Tony Blair đã có một bản báo cáo khá dài, với tính chất chuyên môn đáng tin cậy.
Ông Tony Blair sau đó cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng.
Cuối giờ chiều hôm qua thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Blair và hứa sẽ tiếp tục hợp tác và mong đợi những ý kiến tư vấn của ông.
BBC: Ông Tony Blair nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh doanh nghiệp tư nhân lên cùng lúc để tránh cho nền kinh tế bị "hụt hẫng". Theo ông thì khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã đủ sức thay thế doanh nghiệp nhà nước hay chưa?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thì chậm. Cái chậm đó có nhiều nguyên nhân.
Sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân cũng chậm và không được như mong muốn.
Năm 1999, khi luật doanh nghiệp nhà nước được ban hành và sau đó có sự bùng phát mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân. Nhưng rất tiếc doanh nghiệp tư nhân đã không phát triển theo hướng chúng ta mong đợi.
Từ năm 2007, sau khi gia nhập WTO, lẽ ra Việt Nam phải thay đổi cách quản lý và cải cách mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên Việt Nam lại đi đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào thị trường chứng khoán - các hoạt động mang tính đầu cơ.
Đặc biệt là chính quyền đã mở rộng quyền đầu tư của các tập đoàn nhà nước để các tập đoàn nhà nước lần đầu tiên tham gia vào hoạt động đầu cơ chứ không phải các lĩnh vực chuyên môn do các tập đoàn đó phụ trách.
Ví dụ như tập đoàn dầu khí lại đi đầu tư vào bất động sản, tài chính và chứng khoán.
Điều này làm cho các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều hoạt động theo hướng tìm kiếm các mối 'quan hệ' và tìm kiếm các sự chênh lệch giá - giá đất, giá khai thác rừng, khai thác mỏ và các loại kinh doanh khác.
Từ năm 2007 đến năm 2011 thì lạm phát tăng rất cao, lãi suất ngân hàng tăng đến 21%, khiến các doanh nghiệp tư nhân không nhận được sự ưu đãi, tín dụng đặc biệt nên đã bị suy yếu đi rất nhiều.
Cho đến nay, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam thiếu sức cạnh tranh, thiếu sự chuẩn bị để cạnh tranh trong môi trường kinh tế trong thời gian tới đây, và tôi thấy đây là điều rất đáng tiếc.
Công ty của Tony Blair đã có một bản báo cáo khá dài, với tính chất chuyên môn đáng tin cậy.
BBC: Ông Tony Blair nhận xét quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam vẫn diễn ra chưa hiệu quả. Ông có thể giải thích rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được tiến hành thí điểm từ năm 1991-1992 và đã có các nỗ lực để đẩy mạnh trong những năm sau đó.
Nhưng trong thời gian 2007-2011 thì quá trình cổ phần hóa chậm lại rất nhiều, vì các tiêu chí về mặt tài chính, tiền tệ và sự an toàn trên thị trường chứng khoán vô cùng mong manh, trong lúc lãi suất và lạm phát tăng lên quá cao.
Điều này khiến giới đầu tư trở nên dè dặt trong việc mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước được đưa lên thị trường chứng khoán. Thế nên quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước bị tắt nghẽn.
Năm 2012, chính phủ đã có quyết định đẩy mạnh công cuộc cổ phần hóa và dự kiến trong 3 năm 2013, 2014, 2015 có thể cổ phần hóa 432 cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhưng cho đến nay tốc độ cổ phần hóa đó chưa đạt được như mong đợi.
Dự kiến trong năm 2015 sẽ phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước. Đó là tốc độ chưa từng thấy và tôi nghĩ phải chờ xem có đạt được hay không, nhưng theo tôi là rất khó khăn.
Điểm thứ hai là việc cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước đều không có luật. Các nước khác đều có luật về quá trình cổ phần hóa. Thậm chí có các doanh nghiệp cổ phần hóa mà có ý nghĩa đặc biệt lớn thì phải có luật riêng cho doanh nghiệp đấy.
Ở Việt Nam thì chưa có khung pháp luật đó.
Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang muốn đẩy mạnh việc nhượng lại các cảng hàng không như cảng Phú Quốc, hay hiện giờ có hai hãng đang muốn mua lại cảng hàng không Nội Bài.
Cảng hàng không là thứ thể hiện uy tín quốc gia và liên quan rất nhiều đến lợi ích cộng đồng.
Vì vậy rất mong Quốc hội sẽ ủng hộ và sẽ ban hành luật về cổ phần hóa để tạo khuôn khổ pháp lý giúp thực hiện cổ phần hóa một cách an toàn.
BBC: Nhân việc ông Blair đề cập tầm quan trọng của việc thực hiện cổ phần hóa một cách minh bạch, đúng cách thức. Mới đây, đợt IPO của Vietnam Airlines đã bị nhiều nhà đầu tư nước ngoài chỉ trích vì số cổ phiếu đưa ra thị trường rơi hết vào tay hai ngân hàng trong nước. Theo ông thì liệu sắp tới điều này có thay đổi? Nhất là khi xét đến vai trò cố vấn hiện nay của ông Blair với Bộ giao thông Vận tải Việt Nam?
Việc cổ phần hóa của Vietnam Airlines thì nhà nước vẫn giữ 75% sở hữu. Trong số 25% cổ phần bán ra thì 24% do các ngân hàng chủ nợ của Vietnam Airlines mua lại, vì vậy số cổ phần bán ra đối với các nhà đầu tư nước ngoài là quá nhỏ, không ai muốn mua.
Nhà đầu tư nước ngoài muốn là việc mua cổ phần sẽ đi kèm với sự đại diện của họ và có sự cải cách mạnh mẽ về mặt nhân sự và quản trị doanh nghiệp.
Với số cổ phần bé như vậy thì họ chỉ có thể gửi tiền của mình vào đó, và để cho nhân sự cũ kinh doanh bằng đồng tiền của họ. Đó là điều mà họ không sẵn sàng làm.
Mô hình cổ phần hóa của Vietcombank là mô hình tốt hơn. Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã có vai trò là cổ đông chiến lược, có đại diện ngồi tại hội đồng quản trị của Vietcombank và giúp ngân hàng này thay đổi theo hướng tốt hơn.
Gần đây đại diện của IMF đã nói việc cổ phần hóa cần được thực hiện thiết thực hơn, ở đây có ý là phải để cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ngồi trong hội đồng quản trị để có thay đổi về nhân sự, thay đổi về quản trị doanh nghiệp thì mới có thể cải thiện hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.
BBC: Ông Blair nói 'cải cách mà không vấp phải phản đối thì không phải cải cách tốt'. Ông nghĩ gì về nhận định này, và liệu Việt Nam có vượt qua được những mâu thuẫn để đẩy mạnh cải cách hay không?
Theo tôi thì ý kiến của ông Blair rất thẳng thắn. Cải cách mà không có ai phản đối cả thì coi như cải cách đó không đụng chạm tới ai, tức là cải cách đó không có ý nghĩa gì rõ ràng cả.
Đó là một thái độ sẽ giúp cho phía Việt Nam nhìn nhận sự phản đối một cách xây dựng, chứ không phải xem mọi ý kiến phản đối là của thù địch, phản động.
Rất nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống mà người ta có nhiều ý kiến khác nhau, cần được tôn trọng.
Tôi nghĩ rằng đang có ý kiến thảo luận thì cần có sự khách quan, bình tĩnh, cầu thị để nhìn nhận, thảo luận và đi đến quyết định chính xác, phù hợp thực tế, chứ không phải vì một người cầm quyền đưa ra quyết định thì quyết định đó được ngẫu nhiên xem là đúng và những ai phản đối đều bị xem là thù địch.
Hoa cúng trên bàn thờ ở Đền Trần bị người dân tranh cướp Tâm lý ăn may, thể hiện ở chỗ người dân cầu công danh tài lộc ở các lễ hội, có nguyên do một phần là ở những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, một nhà nghiên cứu văn hóa từ trong nước nói với BBC.
Gần đây báo chí trong nước đã tường thuật những hình ảnh phản cảm như ẩu đả, chen lấn, tranh cướp lộc thánh tại các lễ hội tháng Giêng như hội Gióng, lễ khai ấn đền Trần...
‘Từ hiện thực cuộc sống’
Trao đổi với BBC, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, một nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, giải thích về tâm lý đi đến các lễ hội để cầu công danh tài lộc của người dân Việt Nam như sau:
“Văn hóa Việt Nam với tính chất âm tính dẫn đến lối suy nghĩ rất đơn giản và tầm nhìn thiển cận và có những hiện thực ở cuộc sống xung quanh dễ khiến người ta nghĩ rằng cái đó (công danh tài lộc) có thể giành được. Do đó ngày càng phát triển tâm lý cầu may thông qua các lễ hội.
Nhất là ở những người có công việc không ổn định như doanh nhân, đặc biệt những doanh nhân nhỏ và vừa, những người kinh doanh buôn bán. Những người bình dân công ăn việc làm không ổn định thì họ cũng mong ước những điều đó.
Có khi là một bộ phận quan chức nữa. Bây giờ chúng ta biết còn có chuyện chạy chọt (chức quyền) các thứ nữa.
Có những cái chưa chuẩn trong xã hội. Chẳng hạn công tác cán bộ. Lâu ngay người dân vẫn âm ỉ rằng có những chuyện không thật đúng luật, không thật trong sạch trong việc chọn lựa người này người kia vào vị trí này, vị trí kia như có hối lộ tiền hay không, có quan hệ quen biết hay không.”
Để thay đổi thực trạng này, Giáo sư Thêm cho rằng đó là ‘sản phẩm của xã hội, của thời đại’ và ‘muốn thay đổi phải thay đổi bối cảnh đã sinh ra nó’.
“Chừng nào chúng ta trong sạch hóa, minh bạch hóa quá trình tuyển dụng cán bộ. Tâm lý ăn may không còn nữa thì người dân sẽ hiểu rằng nếu anh có năng lực thì anh vào chứ chẳng ông Trời nào cho anh cái đó cả,” ông nói.
“Trong chuyện kinh doanh nếu pháp luật của ta nghiêm, mọi việc sai trái khi bị phát giác đều được xử lý đến nơi đến chốn, công bằng thì tâm lý ăn may không còn nữa,” ông nói thêm.
‘Không phải để cầu xin’
Ẩu đả đã xảy ra ở Hội Gióng
Theo Giáo sư Thêm, các lễ hội truyền thống của người Việt mục đích là ‘đem lại may mắn, những điều tốt đẹp’ cho người dân làng tổ chức lễ hội chứ không phải ‘đến là cầu cái gì’.
“Lễ hội khởi đầu luôn là lễ hội của làng nhất định cho những người dân ở vùng đấy dù tham gia hay không tham gia đều hưởng lợi về mặt tinh thần,” ông giải thích.
“Đấy là tính nguyên thủy của lễ hội truyền thống,” ông nói, “Bây giờ nó là chuyện khác. Mọi thứ bị méo mó đi hết.”
“Cho đến thời gian gần đây khi mà du lịch và truyền thông phát triển thì có những người từ nơi khác đến quan sát, tham dự thậm chí can thiệp vào lễ hội.”
“Ban tổ chức lễ hội có khi bị lợi ích bên ngoài chi phối, chẳng hạn như thu hút du khách hoặc kiếm tiền từ lễ hội làm cho lễ hội bị méo mó,” ông nói thêm, “Lẽ ra ban tổ chức là các bô lão thì cứ theo truyền thống mà làm là phục vụ dân làng.”
Giáo sư Thêm cho rằng muốn bảo tồn lễ hội truyền thống theo đúng ý nghĩa của nó thì ‘phải giữ được không gian của lễ hội’.
Ông nói mặc dù trong cuộc sống hiện đại mọi thứ đều thay đổi nhưng phải giữ làm sao các lễ hội ‘thay đổi ở mức độ vừa phải thôi chứ đừng đi hẳn theo một hướng khác’.
Một nhà báo gọi lực lượng dân phòng, tự quản ở Việt Nam là 'kiêu binh thời mới', trong chương trình Bàn tròn thứ Năm với BBC Tiếng Việt hôm 05/03.
"Trong nhiều trường hợp, lực lượng dân phòng còn hành xử hung hãn hơn công an," nhà báo Đoan Trang bình luận từ Hà Nội. (Xem video thảo luận tại http://bit.ly/1EQzApu).
"Cũng có thể là xuất từ hoàn cảnh chiến tranh lâu dài họ [lực lượng tự quản] ra đời để hỗ trợ thêm cho lực lượng công an nên họ thấy vai trò của họ lớn lắm, và dù vai trò đó không được quy định rõ ràng trong pháp luật nhưng từ lâu rồi họ vẫn có ảnh hưởng rộng trong xã hội, tạo ra nỗi sợ cho người dân."
Các khách mời của chương trình trực tuyến diễn ra vào lúc 1930 (giờ Việt Nam) tham gia từ Hà Nội và Warsaw, Ba Lan bàn về vụ xô xát giữa người mẫu Trang Trần với công an, vụ người dân tử vong tại đồn công an ở Hà Tĩnh và giới hạn quyền lực của lực lượng công an cũng như tự quản.
Trong vụ liên quan tới người mẫu Trang Trần, cảnh sát đã quyết định đưa cô về đồn ngay sau khi cô có những lời lẽ lăng mạ lực lượng cảnh sát sáng sớm hôm 27/2.
Khi một người 'tự quản' tiếp cận cô đã 'tát' vào mặt người này và sau đó đá về phía một công an khác trong khi đang bị bẻ quặt hai tay ra sau.
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng, lực lượng tự quản rất dễ lạm dụng và xâm phạm quyền công dân do chính quyền không quy định rõ ràng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Nguyễn Hùng về tính chính danh của lực lượng này, luật sư nói, "đây là lực lượng thừa hành nhiệm vụ của chính quyền, mặc dù chính quyền ở đây là cấp phường, cấp xã nên trước pháp luật vẫn là người thi hành công vụ.
"Nhưng quyền hành của người thi hành công vụ này đến đâu thì pháp luật quy định không rõ. Nên rất dễ đến tình trạng khi người ta lạm quyền thì chính quyền phường xã trốn tránh trách nhiệm và có điều kiện đổ cho lực lượng dân phòng đó."
Nhà báo Đoan Trang trong chương trình thảo luận hôm 05/03
Tuy nhiên, không đồng quan điểm với ông Hà Huy Sơn, luật sư Trần Vũ Hải nói trả lời BBC Tiếng Việt hôm 03/03, cho rằng đây không phải là những người thi hành công vụ:
"Quan điểm của tôi là không. Còn nếu giả sử ai người ta nói đó là công vụ thì phải nói rõ họ dựa theo quy chế nào để xác định đấy là công vụ và phải có hợp đồng giao vụ việc.
"Thực tế không có điều đấy và thực tế như tôi đã nói cũng không có văn bản pháp lý nào để nói việc đấy nên đây là hoàn toàn tự phát."
Nhà báo Mạc Việt Hồng cho biết, ở Ba Lan cũng có lực lượng cũng tương đương như lực lượng tự quản.
"Nhưng theo tôi hiểu, thì họ có quy định rất rõ ràng. Ví dụ trong trường hợp lái ô tô thì những lực lượng tự quản này không được phép dừng xe đang chạy trên đường mà họ chỉ có thể phạt xe đỗ không đúng quy định."
Nhà báo Đoan Trang bình luận thêm về lực lượng này ở Việt Nam, "vừa được vị thế do chính quyền trao, vừa được hoạt động trong xã hội mà từ lâu đã gần giống như xã hội trại lính, mà kể cả cách dùng từ của họ như ra quân, chiến dịch, truy quét.
"...Mà tôi nghĩ rằng nếu như không có quy định rõ ràng của pháp luật và thực thi quyết định đó thì lực lượng kiêu binh này còn gây ra nhiều tai họa." (Xem video thảo luận tại http://bit.ly/1EQzApu)
Biên tập viên trang web Luật Khoa nhận xét, đa số những người tham gia lực lượng tự quản "khỏe chân tay hơn khỏe đầu óc, rảnh việc không có gì làm thì chạy chọt sao đó để trở thành lực lượng như vậy.
"Ngay cả tôi là người làm báo nội chính mà cũng không phân biệt được các lực lượng với nhau. Nhưng đa phần họ đều rất hống hách, họ coi dân là một loại khác, mình là một loại khác."
Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Warsaw, Ba Lan
Bảo vệ hay trấn áp?
Một ngày sau khi Trang Trần bị bắt, một người dân ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị bắt đưa về công an lúc 4h sáng ngày 28/2 vì 'tội đánh bạc' với tang vật là một bộ bài và 72.000 đồng theo báo Thanh Niên.
Báo này cũng dẫn lời công an địa phương nói một công an xã thú nhận đã "tát nhẹ" ông Tình, 39 tuổi.
Hồi đầu năm 2013, BBC Tiếng Việt cũng đưa tin về vụ tử vongcủa một người đàn ông 39 tuổi khác trong đồn công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Vụ việc được chủ tịch tỉnh giải thích là do người dân "tự đút tay vào trong điện" và truyền thông địa phương cũng không ngay lập tức vào cuộc. (Xem video thảo luận tại http://bit.ly/1EQzApu)
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng người Việt Nam đã sợ công an từ lâu, có thể do lịch sử, nhưng một phần quan trọng nữa là do người dân không hiểu hết được quyền công dân, quyền con người của mình "nên khi tiếp xúc với công an bị bất lợi nếu không có luật sư tham gia cùng".
"...Theo kinh nghiệm của tôi thì tôi có thấy công an Việt Nam khi bắt người cũng có những câu hỏi hay hành vi khiêu khích để người bị bắt có những phản ứng, những hành vi được cho là vi phạm."
Trả lời câu hỏi về việc liệu công an Việt Nam đang có quá nhiều quyền lực, luật sư cho rằng, nếu ngành tư pháp có quyền đối trọng thì lực lượng công an Việt Nam không thể lạm dụng quyền hành pháp của mình.
"Nhưng do hiến pháp hiện tại của Việt Nam, tư pháp và hành pháp tổ chức theo sự phân công, tức là có sự lãnh đạo ở trên, tức là nó theo hình tháp chứ không có quan hệ đối trọng.
Luật sư Hà Huy Sơn trong một lần trả lời phỏng vấn với BBC
"Và theo truyền thống thì chính quyền vẫn dựa vào lực lượng công an để giành và giữ chính quyền từ trước đến nay. Do vậy nên cũng có không ít những trường hợp lạm dụng và xâm phạm nhân quyền."
Nhà báo Mạc Việt Hồng cũng nhận xét, nhiệm vụ của công an ở Ba Lan là để "phục vụ, bảo vệ người dân".
Còn công an ở Việt Nam "là công cụ trấn áp của chính quyền, mà chính quyền ở đây là chính quyền của đảng Cộng sản. Nó là công cụ của chuyên chính vô sản
"Hành xử của công an ở Việt Nam trong những năm qua đã thể hiện sự côn đồ, tất nhiên là trong lực lượng công an cũng có nhiều người tốt, nhưng tình trạng chết trong đồn công an rất nhiều, có thể đến cả chục vụ một năm đến nỗi người ta nói là ‘chết trong phường là cái chết rất bình thường’."
Chủ bút của trang Đàn Chim Việt phân tích thêm rằng, với trường hợp của người mẫu Trang Trần ở nước khác có thể là vi phạm pháp luật, nhưng ở Việt Nam lại có nhiều người tỏ ra ủng hộ là do "công an sử dụng côn đồ và đàn áp người dân quá nhiều, nên tiếng nói của cô Trang Trần, tôi cho là thể hiện sự bức xúc của phần lớn người dân Việt Nam."