Monday, April 18, 2016

Công an nổ súng vào nhóm đá gà, 1 người trúng đạn

LONG AN (NV) - Công an huyện Tân Trụ vây bắt nhóm thanh niên đá gà rồi nổ súng bắn vào đám đông làm một người đang bỏ chạy dính đạn ở cột sống, nhưng rồi định chối tội.

Nói với Người Lao Ðộng, chiều 18 tháng 4, 2016, bà Nguyễn Thị Cúc (37 tuổi), xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, cho biết, em trai bà là Nguyễn Thành Nam (25 tuổi) đi xem đá gà bị công an bắn trúng vào cột sống, đã chuyển bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình cấp cứu.


Người dân náo loạn khi nghe tiếng súng. (Hình: Người Lao Ðộng)

Theo đó, khoảng 14 giờ cùng ngày, lực lượng công an huyện Tân Trụ phối hợp công an xã Tân Phước Tây vây bắt điểm đá gà của một nhóm thanh niên ở khu đất trống thuộc ấp 6, xã Tân Phước Tây. Phát hiện có công an bao vây, đám đông bỏ chạy khỏi hiện trường, trong đó có anh Nam.

Cùng lúc đó là nhiều tiếng súng liên tục nổ ra, anh Nam đang chạy té nằm úp mặt. Một số người thấy máu từ sau lưng chảy thấm ra ướt áo và khi cởi ra cấp cứu thì nhìn thấy 2 lỗ thủng nhỏ. Biết anh Nam bị trúng đạn, người dân đưa nạn nhân đi bệnh viện huyện cấp cứu, sau đó chuyển tiếp lên bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình Sài Gòn.

Thế nhưng, nói với phóng viên Người Lao Ðộng, mặc dù xác nhận vụ việc, nhưng lãnh đạo xã Tân Phước Tây cho biết, “Chưa rõ ai bắn và đạn của súng loại gì”?!

Tin cho hay, việc công an dùng súng “khống chế đánh bạc” thường xuyên diễn ra ở Việt Nam và đã từng gây chết và làm nhiều người bị thương. Tuy nhiên, hầu hết các sự vụ sau đó điều bị nhà cầm quyền cho “chìm xuồng,” hoặc thương lượng bồi thường để xoa dịu dư luận. (Tr.N)

04-18-2016 3:13:46 PM 

Biển Đông : Mỹ sẽ dựa nhiều hơn vào quân sự để ngăn Trung Quốc ?

Theo RFI -18-04-2016 17:43 
media
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter (T) và đồng nhiệm Philippines Gazmin trên hàng không mẫu hạm Mỹ Stennis đang hoạt động trên Biển Đông. Ảnh ngày 15/04/2016. AFP/Adrian Cadiz

Ngày 14/04/2016, nhân chuyến ghé thăm Philippines, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiết lộ việc lực lượng Hoa Kỳ và Philippines đã quyết định cùng tuần tra trên Biển Đông, đã bắt đầu bằng các chiến dịch trên biển, và sẽ tiếp nối ngay với các chiến dịch trên không. Quyết định trên đây nằm trong một loạt thỏa thuận hợp tác quân sự với Philippines và với Ấn Độ mà bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã thúc đẩy trong vòng công du lần này của ông, kết thúc hôm 15/04 với một cử chỉ đầy tính biểu tượng : Cùng đồng nhiệm Philippines đi thị sát hàng không mẫu hạm Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông.
Theo nhật báo Mỹ The New York Times ngày 15/04/2016, tất cả những hành động và tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhân sáu ngày công du Ấn Độ và Philippines đều là những tín hiệu cho thấy là chính quyền Obama đã quyết định dựa nhiều hơn vào sức mạnh quân sự để ngăn chặn tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông.
Tuy nhiên, The New York Times cho rằng cách tiếp cận mới cứng rắn hơn được phô trương nhân vòng công du lần này của ông Carter không phải là không hàm chứa rủi ro. Một mặt, đó sẽ là thông điệp cho biết là Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các đồng minh để thách thức sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nhưng một mặt khác, phản ứng cứng rắn hơn đó sẽ góp phần làm gia tăng mối lo ngại trong giới lãnh đạo Bắc Kinh về những nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Điều đó có thể đưa tới tình trạng là Lầu Năm Góc càng dấn thân sâu hơn vào khu vực, Trung Quốc càng cảm thấy cần phải đẩy mạnh việc tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, bao gồm cả việc xây dựng thêm các hòn đảo được trang bị radar và phi đạo ở Biển Đông.
Vừa phô trương uy lực, vừa tung ra sáng kiến cụ thể
Tổng kết về vòng công du của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter, The New York Times trước hết ghi nhận chiến thuật hai vế của Mỹ : Vừa phô trương uy lực, vừa tung ra sáng kiến cụ thể.
Đối với tờ báo Mỹ, cả tại Philippines và trước đó tại Ấn Độ, ông Carter đã cho thấy rõ ràng là Hoa Kỳ đã quyết tâm củng cố các liên minh quân sự, đồng thời đưa thêm vũ khí và quân đội đến khu vực để chống lại tầm kiểm soát quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Trong suốt chuyến đi, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã liên tục nhấn mạnh trên tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự Mỹ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 15/04 vừa qua, bộ trưởng Carter đã dùng trực thăng bay ra thăm một biểu tượng của sức mạnh Mỹ trên Thái Bình Dương : Tàu sân bay hạt nhân John C. Stennis thuộc lớp Nimitz, hiện đang đi qua Biển Đông, gần vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Trước đó, ông đã đánh dấu sự kết thúc 11 ngày tập trận hỗn hợp Mỹ-Philippines bằng tiết lộ theo đó một số binh lính Mỹ sẽ ở Philippines « để đảm bảo an ninh và ổn định khu vực ». Ông cũng cho biết Hoa Kỳ đã bắt đầu tuần tra chung trên Biển Đông với hải quân Philippines và sẽ sớm cùng tiến hành các chiến dịch tương tự với lực lượng không quân của đồng minh.
Trước đó tại Ấn Độ, ông Ashton Carter cũng đã lên thăm một hàng không mẫu hạm Ấn Độ, trong một động thái cũng đầy tính chất biểu tượng vì đó là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có hành động như vậy. Ông Carter đã thông báo việc Mỹ sẽ giúp Ấn Độ nâng cấp tàu sân bay, và cho biết là hai bên đã đạt được thỏa thuận chia sẻ hậu cần quân sự và cùng hợp tác trong lãnh vực công nghệ quân sự.
Chính Trung Quốc đã đẩy các láng giềng vào vòng tay Mỹ
Theo New York Times, nhìn trong tổng thể, các biện pháp được loan báo cho thấy hướng gia tăng tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ ở một khu vực mà Trung Quốc cho rằng ảnh hưởng của họ tất yếu sẽ qua mặt Mỹ. Chính quyền Obama dường như đang đánh cược rằng Trung Quốc sẽ lùi bước thay vì tiếp tục những hành động chỉ khiến cho các láng giềng cầu viện quân đội Mỹ.
Nhân vòng công du, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã nhiều lần nhắc lại rằng chính các hành động của Trung Quốc là động lực chủ yếu làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, hàm ý rằng đó là nguyên do thúc đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng hợp tác nhiều hơn với Lầu Năm Góc. Thế nhưng ông Carter luôn cho rằng Trung Quốc không nên coi sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ là một sự khiêu khích.
« Chúng tôi đã có mặt ở đây từ thập kỷ này qua thập kỷ khác. Lý do duy nhất khiến cho vấn đề được đặt ra là những gì đã xảy ra trong năm qua, và đó là một câu hỏi về hành vi của Trung Quốc. Việc tàu sân bay Mỹ hiện diện ở khu vực này không mới. Cái mới là bối cảnh và tình trạng căng thẳng mà chúng tôi muốn làm dịu ».
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể phản ứng trước các động thái của Lầu Năm Góc với những hành động hung hăng hơn, thách thức quyết định dấn thân của Mỹ vào khu vực trong một cuộc đọ sức xem ai lùi bước trước và làm tăng nguy cơ xung đột quân sự.
Bắc Kinh lên gân
Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ vòng công du của ông Carter, vốn bao gồm một chặng dừng tại Bắc Kinh trước khi bị hủy bỏ cách nay vài tuần lễ.
Trong một tuyên bố vào khuya hôm 14/04, bộ Quốc Phòng Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ là đã có lại một « tâm lý Chiến Tranh Lạnh », đồng thời đe dọa rằng quân đội Trung Quốc sẽ « theo dõi chặt chẽ tình hình và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc».
Qua hôm sau, 15/04, Bắc Kinh cũng tiết lộ rằng chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Trung Quốc đã đến thăm quần đảo Trường Sa, một tín hiệu khẳng định quyết tâm của Bắc Kinh tại Biển Đông mà hầu như toàn bộ diện tích được Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.
Chính quyền Obama không coi cách tiếp cận của mình đối với Trung Quốc là sự hồi sinh của chính sách « kềm tỏa », một chiến lược thời Chiến Tranh Lạnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản. Trái lại, ông Carter xác định rằng các sáng kiến quân sự mới trong khu vực đều phù hợp với chính sách mà Mỹ đã có từ lâu : Đó là hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chung ý hướng.
« Chính sách của Mỹ tiếp tục dựa trên các nguyên tắc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, hoặc ở bất cứ nơi nào khác, tôn trọng tự do hàng hải, tự do thương mại ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nói tiếp : « Quốc gia nào mà không chấp nhận những điều đó, thì sẽ tự cô lập mình... Đó sẽ là tự cô lập, chứ không phải là bị Mỹ cô lập ».
Các nước sợ Trung Quốc hơn sợ Mỹ
Trong nhiều thập kỷ trước đây, cả Ấn Độ hay Philippines đều không mấy quan tâm đến việc hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Trong tư cách một lãnh đạo của Phong Trào Phi Liên Kết, Ấn Độ đã có thái độ nghi kỵ đối với việc liên minh với các nước khác, đặc biệt là với các cường quốc thế giới. Còn Philippines thì đã trục xuất các lực lượng Mỹ vào đầu những năm 1990, kết thúc một sự hiện diện quân sự bắt đầu từ năm 1898, khi Mỹ chiếm được quần đảo này từ tay Tây Ban Nha. Thế nhưng cả hai nước này đều đã ngày càng lo ngại trước đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc – một mối lo ngại lớn hơn là so với Mỹ.
Theo New York Times, những sáng kiến mà ông Carter thông báo với Ấn Độ phần lớn mang tính tượng trưng, nhưng cũng có thể cho thấy khả năng hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai, như tuần tra chung ở Biển Đông , mua bán vũ khí hạng nặng và các trang thiết bị khác.
Trong một chính sách cứng rắn hơn một cách rõ rệt, Ấn Độ đã đàm phán với Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, để nâng cấp hạ tầng cơ sở dân sự trên vùng đảo Andaman và Nicobar, một quần đảo thuộc Ấn Độ được xem là có tiềm năng chiến lược trong nỗ lực đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Một thỏa thuận bao quát sau 10 năm thương lượng với Philippines, và được Tòa Án Tối Cao nước này chấp thuận vào tháng Giêng năm 2016, sẽ cho phép lực lượng Mỹ xây dựng cơ sở, đưa binh lính, máy bay, tàu thuyền đến những căn cứ hiện có ở Philippines. Ông Carter đã thông báo là hơn 200 phi công Mỹ và cùng phi hành đoàn, cũng như 6 chiếc phi cơ và 3 trực thăng sẽ ở lại Philippines.
Các diễn biến trên đây biểu thị một thất bại đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã giám sát việc Bắc Kinh tăng tốc xây dựng tiềm năng quân sự ở Biển Đông. Ông Tập Cận Bình có thể bị cáo buộc là đã lôi kéo Mỹ trở lại khu vực môt cách vô ích.
Tuy nhiên những nhà phân tích ở Trung Quốc thì cho là những bước đi của chính quyền Obama sẽ khó đạt được mục tiêu là buộc ông Tập Cận Bình lùi bước. Trái lại, các động thái đó có thể làm tăng lo ngại trong giới lãnh đạo Trung Quốc là Washington lợi dụng việc Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông như là một cái cớ để bao vây và chặn đứng sự vươn lên của Trung Quốc.
Tô Hạo (Su Hao), một giáo sư Đại Học Ngoại Giao ở Bắc Kinh phân tích : « Trung Quốc xem hành động của mình ở Biển Đông là chính đáng trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ... Trung Quốc sẽ không thay đổi thái độ hay kế hoạch chỉ vì Mỹ mà thôi ».

Mỹ có ý định đưa tàu ngầm tự hành đến Biển Đông để đối phó với Trung Quốc

Thụy My 
Theo RFI- 18-04-2016 21:31 
media
Tàu ngầm tự hành Echo Voyager do tập đoàn Mỹ Boeing sản xuất, có khả năng hoạt động nhiều tháng liên tục dưới đáy biển mà không cần nạp điện. Boeing
Trước việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, quân đội Mỹ đang đặt cược vào công nghệ mới, trong đó có các tàu ngầm tự hành. Tờ Financial Times ngày 17/04/2016 nhận định, sáu tháng gần đây Lầu Năm Góc đã công khai đề cập đến việc sử dụng tàu ngầm không người lái để đối phó với âm mưu thống trị khu vực của Bắc Kinh
Khi lên thăm chiến hạm USS Stennis tại Biển Đông hôm thứ Sáu 15/4, bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đã nhấn mạnh đến vai trò của tàu ngầm tự hành trong chiến lược quân sự Mỹ ở châu Á, có thể được sử dụng tại Biển Đông vốn có đa số diện tích là vùng biển nông. Ông cho biết Lầu Năm Góc đầu tư vào nhiều loại tàu ngầm tự hành mới có kích thước và trọng tải đa dạng tại các vùng biển nông, nơi các loại tàu ngầm thông dụng không thể hoạt động.
Với việc vén màn bí mật về các công nghệ mới như loại tàu ngầm tự hành có thể đưa vào hoạt động vào cuối thập kỷ, Lầu Năm Góc hy vọng răn đe được các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc và Nga. Chuyên gia Shawn Brimley của Center for a New American Security nhận xét, trong trường hợp xảy ra xung đột tại Biển Đông, ưu thế quân sự của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh bớt hung hăng.
Trong cuộc chạy đua quân sự Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương, tàu ngầm đã trở thành một trong những lãnh vực chủ chốt. Đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào hỏa tiễn đã khiến các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực và một số chiến hạm Mỹ bị đe dọa. Ông Carter cho biết như thế nên Lầu Năm Góc sẽ đầu tư 8 tỉ đô la trong năm tới để « đảm bảo lực lượng tàu ngầm và chống tàu ngầm của Mỹ là vũ khí sát thương hiện đại nhất thế giới ».
Lâu nay các loại tàu ngầm tự hành nhỏ được sử dụng trong việc tìm kiếm, cứu hộ ; nhưng loại mới sẽ tự động hóa nhiều hơn và có thể mang theo vũ khí. Một kiểu được gọi là « búp bê Nga » được đề nghị, gồm tàu ngầm mẹ có thể phóng ra một loạt tàu ngầm con, có thể sử dụng như mìn, truy lùng các tàu ngầm địch hoặc bắn ra hỏa tiễn.

Trường Sa : Lần đầu tiên máy bay quân sự Trung Quốc đáp xuống Đá Chữ Thập

Thanh Hà 
Theo RFI-18-04-2016 11:57 
media
 Đá Chữ Thập- Fiery Cross Reef- Trường Sa. Ảnh vệ tinh của Viện CSIS chụp ngày 03/09/2015 Reuters
Báo chí Bắc Kinh đưa tin, ngày 17/04/2016 quân đội Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng đường băng có chiều dài 3.000 mét trên Đá Chữ Thập ( Fiery Cross Reef). Đây là một trong ba phi đạo do Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa nơi đang có tranh chấp chủ quyền.
Trang nhất nhật báo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc số ra ngày 18/04/2016 cho biết, hôm qua một chiếc máy bay quân sự Trung Quốc đang tuần tra trên Biển Đông thì nhận được tin nhắn khẩn cấp yêu cầu đáp xuống bãi Đá Chữ Thập để sơ tán ba công nhân bị bệnh nặng. Cả ba sau đó được đưa về đảo Hải Nam điều trị.
Tháng 1/2016 Trung Quốc đã cho máy bay dân sự đáp thử xuống đường băng vừa được hoàn tất trên Đá Chữ Thập. Nhưng báo chí Bắc Kinh nhấn mạnh đây là lần đầu tiên máy bay quân sự Trung Quốc sử dụng đường băng này.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, đường băng trên Đá Chữ Thập được xây dựng theo tiêu chuẩn quân sự và trong trường hợp xảy ra chiến tranh, đây có thể là căn cứ cho quân đội. Hoa Kỳ từng lên tiếng phê phán Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông và lo ngại Bắc Kinh sử dụng đảo nhân tạo vì mục đích quân sự. Nhưng Trung Quốc luôn khẳng định không có ý đồ quân sự hóa Biển Đông.
Hãng tin Anh, Reuters lưu ý : đường băng 3.000 mét đủ dài để máy bay ném bom, vận tải hay máy bay quân sự của Trung Quốc sử dụng. Đây là bằng chứng cho thấy sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong vùng Biển Đông này càng rõ nét.

Cướp vào nhà, hàng xóm xông ra, chủ nhà giữ lễ!

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tình hình biển Đông vẫn căng thẳng. Nét mới nhất của tình hình là bành trướng vẫn tỏ ra hung hăng nhưng rõ ràng ở trong tình trạng bị động đối phó.
Từ tháng 3, trong cuộc họp về Hạt nhân quốc tế ở Washington, Tập Cận Bình đã cố tỏ ra cứng rắn khi gặp Tổng thống Barack Obama, cho rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề của khu vực và thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc, các nước ở xa không nên can thiệp. Phía Hoa Kỳ trả lời rõ rằng đây là vấn đề quốc tế hệ trọng liên quan đến thông thương hàng hải toàn thế giới. Sang tháng 4, tình hình găng thêm. Trung Quốc không những tiếp tục mở rộng các đảo nhân tạo, còn xây dựng thêm doanh trại, nhà cửa , đặt thêm ra đa, dựng thêm đèn biển, đưa dân du lịch đến đảo để bình thường hóa sự chiếm lĩnh phi pháp của chúng. Đặc biệt nghiêm trọng là gần đây chúng leo thang rõ rệt đưa thêm máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang và tên lửa phòng không vào với số lượng chưa từng có, còn vũ trang cho ngư dân TQ được gọi là dân quân trên biển thâm nhập vùng biển ta. Mới đây chúng cho 5, 6, rồi 16 máy bay chiến đấu J-11 ra đảo Phú Lâm, tăng quân đáng kể. Vậy mà Tập Cận Bình dám khẳng định với Tổng thống Obama là TQ không quân sự hóa vùng này.
Mặt khác bành trướng Bắc Kinh tỏ ra rất lo sợ bị các cường quốc châu Á, Liên Âu, Úc và Hoa Kỳ lên án, bị vạch mặt trên diễn đàn quốc tế, còn cho hàng loạt tàu chiến, tàu khu trục tuần tiễu vào sát các đảo nhân tạo, thậm chí vào phía trong 12 hải lý của các đảo này.

Chúng có nhiều lý do để lo sợ, thậm chí hốt hoảng. Chúng rất lo là Philippines tiếp tục kiên quyết đưa vụ biển Đông ra trước Tòa án Trọng tài Quốc tế ICA của Liên Hiệp Quốc tại La Haye ( Hà Lan). Chúng đặc biệt lo là Việt Nam, Malaysia, Indonesia có thể theo gương Philippines đưa đơn kiện chúng ở Liên Hiệp Quốc. Chúng yên lòng khi Liên Âu đang gặp khó khăn lớn về dân tỵ nạn đến từ Bắc Phi có thể không quan tâm đến các vấn đề Biển Đông, nhưng Liên Âu đã thay đổi thái độ.
Trung Quốc cũng đang bị khủng hoảng chưa từng có về kinh tế tài chính, gặp khó khăn gay gắt ở Hồng Kông và Đài Loan nên cố dấy lên chủ nghĩa dân tộc, danh dự dân tộc, đoàn kết dân tộc.
Đã vậy, họa vô đơn chí: Trong khi Tập Cận Bình đang lo đề cao nhân cách, đạo đức và uy tín cá nhân thì cuốn sách ‘’Sáu cô tình nhân của Tổng Bí thư’’ xuất hiện cùng vụ rửa tiền lên đến 2 tỷ đôla của ông và gia đình bị hồ sơ “Panama Papers” phanh phui gây nên cuộc khủng hoảng niềm tin ở lãnh đạo trong đảng CS và trong nhân dân TQ.
Tại Hội nghị về Hạt nhân Quốc tế ở Washington vừa qua, quan hệ căng thẳng giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Obama hiện rõ cũng về vấn đề Biển Đông. Họ Tập cho rằng đó là vấn đề thuộc chủ quyền của TQ, của quan hệ các nước trong khu vực, Hoa Kỳ không nên xen vào. Tổng thống Obama bác bỏ quan điểm đó , cho rằng vấn đề Biển Đông và Hoa Đông liên quan đến cuộc sống của mọi quốc gia trên 2 vùng biển rộng lớn của giao thông trên biển toàn thế giới, nên đó là những vấn đề quốc tế cực kỳ hệ trọng.
Đến Hội nghị ngoại trưởng 7 nước G7 ( gồm có Anh, Pháp, Ý, Đức, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản ) vừa diễn ra ở Hiroshima, TQ rất lo vấn đề Biển Đông sẽ được nêu lên, nên đã nhắn trước qua ngoại trưởng Anh Hammond rằng G7 không nên bàn về Biển Đông, vì như thế sẽ làm tình hình thêm phức tạ, rằng TQ kiên quyết chống lại sự can thiệp đó, và rằng vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thỏa qua các cuộc hội đàm song phương.
Thế nhưng Hội nghị G7 đã diễn ra trái hẳn với ý muốn của Bắc Kinh. Vấn đề Biển Đông trở thành mấu chốt của hội nghị, cùng với vấn đề chống khủng bố quốc tế. Trung Quốc đùng đùng nổi giận khi Hội nghị ra Tuyên bố về vấn đề biển Đông “phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích, cưỡng ép, đe dọa làm thay đổi nguyên trạng, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực’’. Bản tuyên bố còn nói đến việc Tòa án Trọng tài của Liên Hiệp Quốc có thể sẽ xét xử hành động quá đáng ở Biển Đông của Trung Quốc. Bắc Kinh giận dữ đáp trả bằng cách tức tốc triệu tập các đại diện của 7 nước trên để phản đối. Nhưng Thủ tướng Shinzo Abe, ngoại trưởng Fumio Kishida cùng Bộ trưởng Quốc Phòng Nekatani của Nhật Bản tỏ ra rất cứng rắn. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter, cùng Đô đốc Harry Harris Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương luôn có mặt tại đây, dự lễ thành nhóm chiến đấu đặc biệt quanh Hàng không Mẫu hạm Stennis, mang tên ‘’Stennis Strike Group’’, mở rộng căn cứ không quân Clark gần thủ đô Manila của Philipines, đưa đến đây ban đầu 5 chiếc máy bay A-10 Thunderbolt, một số trực thăng vũ trang cùng 200 nhân viên quân sự. Philippies sẽ cho phép Hoa Kỳ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự khác. Ngũ giác đài tuyên bố đây là khối tứ cường châu Á liên minh quân sự với nhau gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ, thực hiện Chiến lược cân bằng lực lượng ở châu Á để đối phó với âm mưu bành trướng của TQ. Trong khi đó, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ cùng Úc lần lượt cho tàu quân sự tuần thám trong vùng biển quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương, không loại trừ một vùng nào
Đi cùng hướng ấy, Liên Âu gồm 27 nước châu Âu và Malaysia cùng Inđônésia ở Đông Nam Á cũng đang có hướng phối hợp với Hoa Kỳ và các nước châu Á trên đây, theo chiến lược ngăn chặn sự bành trướng của TQ cộng sản, không thể chậm chân nguy hiểm.
Việt Nam lẽ ra phải vui mừng vô hạn trước những diễn biến to lớn, thuận lợi trên đây để thoát Trung một cách an toàn, đúng thời cơ. Lẽ ra chính quyền mới lập nên phải hân hoan đón nhận những tin tức mới rất thuận lợi trên đây khi bọn bành trướng gặp vô vàn vấn đề bế tắc, từ kinh tế tài chính đến nội trị xã hội, quốc phòng ngoại giao. Thế nhưng họ đang còn hục hặc đấu tranh phe nhóm, cho nên người phát ngôn Bộ Ngoại giao ra tuyên bố rất nhạt nhẽo về Tuyên bố của hội nghị các ngoại trưởng G7. Lê Hải Bình hoan nghênh chung chung, không một lời nói rõ về những mưu đồ và hành động uy hiếp, đe dọa của Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng và quân sự hóa cả khu vực. Trong khi các nước ở xa như Canada, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ đưa ra những tuyên bố cứng rắn xưa nay chưa từng có, như: ‘’kiên quyết phản đối’’, ‘’lên án mạnh mẽ’’, đồng thời điều động lực lượng, cùng nhau tập trận chung, thì VN, nước ở trong cuộc, bị đe dọa, xâm lược nhiều nhất, lại tỏ ra nhũn như con chi chi, thấp giọng hơn nhiều so với các nước khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Nội không dám nói đến điều Bắc Kinh rất sợ là kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế, như Philippines đang làm.
Chúng ta hiểu đây là lập trường của Bộ Chính trị và ông Tổng Trọng trước sau vẫn bị Mật ước Thành Đô giữ làm con tin. Đó là thái độ ứng phó chẳng khác nào khi kẻ cướp xuất hiện, hàng xóm xông ra chống cự, thì chủ nhà lại lễ phép cúi đầu mời chúng vào nhà.
Đến cuối tháng 5, Tổng thống Obama sẽ tham dự một cuộc họp cấp cao mở rộng của khối G7 tại Nhật Bản, sau đó ông sẽ ghé thăm Việt Nam. Đây sẽ là cuộc sát hạch cực kỳ nghiêm khắc đối với Bộ Chính trị mới và dàn lãnh đạo mới, trước 90 triệu nhân dân Việt Nam. Để xem ông Tổng Trọng và Bộ Chính trị do ông dựng nên cuối cùng sẽ chọn con đường nào: con đường Bắc thuộc tối tăm mù mịt, hay dám xoay trục một cách quả đoán, dứt khoát đi vào đại lộ Dân chủ Văn minh của thời đại, tạo nên cuộc đột phá lịch sử, tạo nên sức bật phi thường của dân tộc đoàn kết trên con đường phát triển đầy triển vọng.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Việt Nam thiệt hại nặng vì các con đập đang giết chết sông Mekong

Hai chiếc tàu nằm trên mặt đất nứt nẻ vì hạn hán tại tỉnh Cà Mau, Việt Nam, ngày 18/4/2016.
Hai chiếc tàu nằm trên mặt đất nứt nẻ vì hạn hán tại tỉnh Cà Mau, Việt Nam, ngày 18/4/2016.
VOA-18-04-2016
Một báo cáo mới đây của chính phủ Việt Nam cho hay thiệt hại từ đầu năm đến nay về nông nghiệp do hạn hán và xâm nhập mặn lên đến 250 triệu đôla, gần 70% số đó là ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hạn hán và xâm nhập mặn làm lĩnh vực nông nghiệp sụt giảm 2,69% trong quý 1 năm 2016 và tăng trưởng kinh tế chung chỉ đạt 5,56%, mức thấp nhất trong 2 năm qua. Chính phủ Việt Nam nói 240 nghìn hectare lúa đã bị hư hại.
Nước mặn vào sâu tới 90 kilomet đã gây thiệt hại cho nhiều vùng trồng trọt ở ĐBSCL, là nơi sản xuất một nửa sản lượng gạo và 60% tôm cá của Việt Nam, nước xuất khẩu gạo nhiều thứ ba thế giới. Đây là mức xâm nhập mặn chưa từng thấy.
Có phần chắc người dân ĐBSCL sẽ phải quen với tình trạng như vậy vì nguồn nước sông Mekong chảy qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang bị các con đập chặn lại.
Ông Dương Văn Nị, một giảng viên tại Đại học Cần Thơ, nói: “Các con đập đang giết chết sông Mekong. Thiếu đất màu là một cái chết không thể tránh khỏi”.
Các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia đang xây hoặc có kế hoạch xây ít nhất 39 đập thủy điện trên dòng sông để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ. Riêng ba nước Thái Lan, Campuchia và Lào dự kiến xây 11 đập mới có thể ảnh hưởng đến 82% lượng nước sông Mekong.
Các nhóm môi trường đã tiến hành các chiến dịch vận động trong nhiều năm nhằm dừng việc xây đập song không đạt kết quả gì.
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế có trụ sở ở Mỹ nói Trung Quốc “có khả năng kiểm soát tuyệt đối” sông Mekong và “khu vực đang bị giữ làm con tin vì việc phát triển thủy điện”.
Theo Channelnewsasia.com, Scmp.com

Quy chế công tác sinh viên của Bộ GDĐT: Đầy rẫy vi phạm về nhân quyền!

Theo VNTB -19-04-2016
Phương Thảo (VNTB) Bộ Giáo Dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy và quy chế này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/05/2016. Gọi là quy chế nhưng thật ra đây là một danh mục dài các hành vi bị cấm đoán trong các trường đại học. Thế nhưng có phải đó chỉ đơn giản chỉ ban lệnh cấm dưới hình thức quy chế? 

Cấm liệu có được?

Quy chế đã nêu rõ các hành vi sinh viên không được làm như: xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm đến thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác. Thế nhưng quy chế lại không có nói đến trường hợp ngược lại khi sinh viên bị đối xử như thế, ai sẽ là người bảo vệ sinh viên khi bị xúc phạm nhân phẩm, danh dự và thân thể? Có sinh viên nào dám lên tiếng khi bị các nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức bị bạo hành bằng ngôn từ, bị quấy rối tình dục và chỉ ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua chuyện? 

Gian lận trong học tập và thi cử bị cấm. Học là để thu thập kiến thức cho riêng minh, gian lận chỉ giúp cho đạt điểm thi nhưng kiến thức thì hoàn toàn hổng đó là điều ai cũng hiểu. Nhưng nếu đưa ra một ví dụ gian lận trong thi cử nổi tiếng và vẫn leo lên được chức bộ trưởng Bộ Thương Binh Xã Hội của ông Đào Ngọc Dung thì chẳng có sinh viên nào không muốn gian lận. Cứ gian lận, có bị trừ điểm thì rồi cũng được thăng tiến vù vù. 


Học hộ, thi hộ giờ là một thị trường béo bở cho sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập. Người được học hộ, thi hộ phần lớn là các sinh viên tại chức, liên thông vì công việc hay gia đình không có thời gian theo học đầy đủ theo quy định. Nói đến cấm học hộ, thi hộ có lẽ phải nhớ đến ông Đoàn Văn Hoài - Trưởng Công an xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) bị lừa bằng đại học giả với giá 8 triệu đồng. Thế nhưng người được thuê học hộ mờ mắt vì tiền, ngồi trên lớp một buổi được 100.000 đồng, người đi thuê chỉ tốn chút tiền mà vẫn có bằng để thăng tiến, hai bên cùng có lợi chưa kể trường học vẫn có được sinh viên vậy thì tại sao lại phải cấm? 

Cấm làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp có lẽ cũng nên mách cho các trường học ở nước ngoài bởi trên mạng xã hội cũng nhan nhản quảng cáo của các sinh viên Việt nam nhận viết tiểu luận, khóa luận bằng tiếng anh cho các đồng hương thừa tiền du học nhưng lại thiếu tư duy. Ở đâu có cung thì ở đó có cầu, chỉ cần đánh từ khóa làm hộ tiểu luận thì sẽ có hàng loạt các website nhận dịch vụ làm hộ với giá vài triệu đồng kèm theo cam kết đạt điểm cao, không mắc lỗi sao chép. Có người lại còn cho rằng đây là công việc tiềm năng cho các cử nhân thất nghiệp. Thật tốt quá!

Vậy còn chuyện giám thị, giáo viên làm ngơ cho sinh viên quay cóp để có đủ sinh viên thu nạp vào mỗi năm là việc làm không nên bị cấm? Đương nhiên là không rồi, vì nếu không có sinh viên thì cả trường sẽ bị mất đi thu nhập và chẳng chóng thì chầy sẽ dẫn đến việc các giáo viên, nhân viên của trường bị thất nghiệp. Vì thế cho nên bằng mọi cách phải kiếm cho được sinh viên. Chưa hết việc giáo viên/giảng viên nhận tiền để sửa điểm nâng điểm cũng không nên cấm vì đó là thu nhập của giáo viên và là nhu cầu chính đáng của sinh viên lười nhưng muốn đủ điểm. 

Quy chế phạm luật?

Khi đọc bản Quy chế này lại phải vỗ ngực kêu trời khi ban bệ lập ra bản quy chế này đã vi phạm nặng nề các điều luật nhân quyền của Việt nam và thế giới cũng như hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam. 

Theo quy chế thì sinh viên bị cấm tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật. Việc này đã vi phạm Điều 20 của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền năm 1948 mà VN là thành viên từ năm 1988. Điều 20 nêu rõ mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa thế nhưng sinh viên lại bị cấm tụ tập đông người. Khoản 3b điều 2 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Chính Trị và Dân Sự năm 1966, VN là thành viên từ năm 1982 cũng quy định phải Bảo đảm cho các nạn nhân quyền được khiếu nại tại các cơ quan tư pháp, hành chánh hay lập pháp quốc gia, hay tại các cơ quan có thẩm quyền và phát triển quyền khiếu tố trước toà án.

Ngoài ra sinh viên không đươc phổ biến các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động, đồi trụy và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước, không được tổ chức, tham gia truyền bá các hoạt động tôn giáo trong cơ sở giáo dục đại học như thành lập, tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật. Đặc biệt, việc đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên internet.

Những quy định này đã vi phạm nghiêm trọng Quyền tiếp cận thông tin theo Công ước Aarhus 1998, điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền năm 1948 về quyền tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo, điều 19 cũng của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền năm 1948 về tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm cũng như tự do tìm kiếm thu nhận và quảng bá thông tin. 

Thêm vào đó hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam ccũng đã có quy định về quyền khiếu nại tại điều 30, quyền tự do tín ngưỡng ở điều 24, Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình tại điều 25. Như thế chỉ trong một bản quy chế mà bộ Giáo Dục và Đào Tạo không những chỉ vi phạm các quy ước về quyền con người mà con vi phạm một loạt các điều đã được quy định trong hiến pháp. 

Khoản 2, Điều 26 của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền năm 1948 có quy định rõ Giáo dục phải được điều hướng để phát triển đầy đủ nhân cách, và củng cố sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục phải nhằm cổ vũ sự cảm thông, lòng khoan dung, và tình hữu nghị giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ việc phát triển các sinh hoạt của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình. 


Thế nhưng với một quy chế đầy rẫy các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và hiến pháp thì bản quy chế này hoàn toàn không thỏa mãn được yêu cầu phát triển nhân cách, củng cố sự tôn trọng nhân quyền cũng như các quyền tự do căn bản khác. Sinh viên tới trường không được dạy về những kiến thức khoa học, những điều hay lẽ phải mà được dạy về sự gian dối, tiêu cực, thực dụng, hợp pháp hóa sự vi hiến như thế thì đáp án cho câu hỏi về sự xuống cấp xã hội không cần phải đi tìm ở đâu xa.

Chuyện phiếm: hàng rong và công an viên

Theo VNTB-19-04-2016
Phạm Tuân (VNTB) Video về công an Lương Việt Hà lan trên mạng xã hội như bão,bất kỳ ai xem đều thấy bức bối và căm phẫn, rồi đây dưới áp lực dư luận anh công an này sẽ bị xử phạt nặng, tuy nhiên sẽ thật bất công nếu chỉ thấy mình anh ta có lỗi, phần trách nhiệm phải có cả các cán bộ quản lý xã hội cụ thể là ông Đinh La Thăng một uỷ viên bộ chính trị và bí thư thành phố. Rộng hơn nữa thì trách nhiệm thuộc về nhà nước và người đứng đầu là ông Tổng bí thư.

Công an Hà được cho là đánh ngã người bán hàng rong. Ảnh: Cắt từ clip

Để trị bệnh phải điều trị vào nguyên nhân, chứ không xức thuốc căn cứ theo triệu chứng và...

Hàng rong anh là ai?

Những người bán hàng rong đa phần xuất phát từ nông thôn, họ là những nông dân hôm qua oằn mình gánh vác đóng góp cho mấy cuộc chiến tranh, hôm nay hoà bình bị hất ra khoi mảnh đất cấy trồng ngàn đời để trơ thành bụi phố, thành dân bán hàng rong phiêu bạt kiếm ăn.

Hàng rong anh là ai? Họ là những người bỏ ruộng vì hạt lúa làm ra bị ép giá, con gà họ nuôi gánh 17 thứ thuế phí chất chồng.

Hàng rong anh từ đâu? Họ là những người bỏ quê ra phố vì bị cường hào mới o ép, không có quyền được chôn khi chết vì nợ thuế nông nghiệp,họ là những người bị ám ảnh bởi:" nửa đêm thuế thúc trống dồn" từ thời Pháp sang thời ta...thuế chi ly đến mức trong từng hạt thóc cũng cõng cả phí giao thông vì có ai bơm tưới mà không cần đến xăng dầu.

Hàng rong, những nông dân bỏ quê ra phố vì mái tranh nghèo bị đè sụp bởi những biệt điện xa hoa, những bộ ghế ngồi như chiếc ngai vàng của đầy tớ, những chiếc xe hơi bằng cả vụ mùa...

Hàng rong, thân phận ly hương cố bám lề đường gom chút tiền còm cho học phí của con cái với hy vọng đời sau thay đôi nhờ học vấn.

Hàng rong, thân phận mong manh có quyền bình đẳng là được chia đều quyền lợi gánh 29 triệu nợ công của quốc gia trên đôi vai của họ.

Hàng rong... nước mắt của phận nghèo và sự xấu hổ của những nguyên thủ quốc gia có lương tri.

Hàng rong dưới góc nhìn của nhà quản lý

Hàng rong làm xấu mỹ quan đô thị, hàng rong làm mất trật tự, hàng rong gây cản trở giao thông... vô vàn lý do để các quan chức ra lệnh cấm hàng rong...

Không còn con đường sống nào khác, và cũng chăng sung sướng gì khi chọn cho mình phận bán hàng rong, chỉ là lao động lương thiện đổ mồ hôi, sôi nước mắt sao bị xua đuổi...và cao hơn cả là quyền được sống dường như bị tước đoạt đã làm nên tâm lý phản kháng ngầm trong tâm thức những người lang thang kiếm ăn trên phố...

Những anh công an trật tự, những dân phòng vất vả chạy quanh, hình ảnh ngày càng xấu xí trong mắt người dân...tất cả như đèn cù xoay quanh cái trục ngày này quanh ngày khác...

Giá như có một lần ông tổng bí thư, ông chủ tịch nước, bà chủ tịch quốc hội...đến và sống cùng với một gia đình bán hàng rong như cái thời đảng cộng sản còn hàn vi cho đảng viên thực hiện vô sản hoá để hoà đồng giai cấp và trả lời câu hỏi: "nếu như các vị đó rơi vào hoàn cảnh ít học, mất ruộng, nghèo, và quá tuổi lao động trong các khu công nghiệp thì để sống các vị chọn thành người bán hàng rong hay đi trộm chó...?". Rồi mới xây dựng chính sách quản lý thì có lẽ những chính sách sẽ thuyết phục hơn.

Nếu phải lựa chọn sinh ra một người bán hàng rong và một kẻ bất lương vì đường cùng cơm áo thì người quản lý xã hội sẽ chọn điều gì?

Những nước phát triển cũng có người làm nghề bán hàng rong, nó là thực tế cuộc sống là quy luật cung cầu, các bài học về quản lý của họ có áp dụng được ở ta không?

Có bớt đi được thân phận hàng rong nếu bớt đi những tượng đài nghìn tỷ, những vỉa hè lát đá, bờ sông làm đường lát gỗ, và biệt điện xa hoa?.

Người dân mong lắm các vị trả lời những câu hỏi ấy, thay vì cấm và phạt...

Suy cho cùng thân phận anh hàng rong và anh công an trật tự kia chẳng khác nhau mấy trong guồng quay của cơ chế thời đại rực rỡ ta đang sống.

Một chính quyền là công bộc của dân... bao giờ cho đến bao giờ

Một thành phố tệ nạn trộm cắp, cướp giật không đươc bảo vệ bởi những công an mặc sắc phục ăn lương bằng tiền thuế của dân... các hiệp sỹ từ dân phải chung tay gánh vác.

Một đất nước có vô vàn giáo sư tiến sỹ ngủ quên, để dành các sáng chế phục vụ cho sản xuất cho các nông dân i tờ

Một đất nước người dân muốn sáng chế phát minh phải được cấp phép, muốn nói thật phải bị chấp nhận bị gán hai từ "phản động" và các đầy tớ thì sung sướng hơn các ông chủ nhiều lần.

Một đất nước mà dân khiếu kiện ngày càng nhiều, số người xếp hàng chờ gặp thanh tra chính phủ, gặp lãnh đạo nhà nước cả năm không gặp, liệu có thể công bằng và hạnh phúc?

Biết bao giờ trống đăng văn có từ thời cha ông được treo lại và biết bao giờ có một Bao Công?

Chính quyền của dân, do dân, vì dân, cán bộ là đầy tớ của dân... bao giờ cho đến bao giờ?

Những người ly khai: nền tảng của tự do, lương tâm của xã hội

Từ Thức, viết từ Paris   
000_Hkg9891080.jpg
 Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Wuer Kaixi nói trước một hình dựng Thiên An Môn trong kỷ niệm 25 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn ở Đài Bắc vào ngày 04 Tháng sáu năm 2014.  AFP PHOTO
Những người ly khai (dissidents) đang tranh đấu cho nhân quyền là lương tâm của xã hội, mà bất cứ một quốc gia nào, nhất là những nước sống dưới ách độc tài, phải ghi ơn. Đó là kết luận của Michel Eltchaninoff, một triết gia Pháp, sau khi bỏ ra nhiều năm đi gặp và nghiên cứu về các dissidents tại nhiều quốc gia.
Những người ly khai là ‘những người đi trước thời đại. Họ được nuôi dưỡng bởi sự can đảm và thái độ nổi loạn.'
- Michel Eltchaninoff 
Tác giả cuốn ‘Les Nouveaux Dissidents’ (Những người ly khai mới) (1) vừa xuất bản ở Pháp, viết: những người ly khai là mối kiêu hãnh của xã hội. ‘Trong khi mọi người lo lắng cho sự nghiệp, an toàn, quyền lợi và tự do cá nhân, họ chấp nhận trả giá cho sự phẫn nộ của họ. Bị chà đạp bởi nhà cầm quyền, trước sự thờ ơ của người đồng hương, họ đứng dậy sau mỗi thử thách và trung thành với lý tưởng của mình, đôi khi tới kiệt lực.’ Eltchaninoff nghiên cứu về những người mà ông gọi là dissidents mới, bởi vì những người ly khai của thời đại Internet có nhiều điểm khác với những thế hệ trước, cả về nhân sinh quan lẫn phương pháp tranh đấu.
Dissidents cũ, dissidents mới
Trước hết, từ ngữ dissidents, tạm dịch là những người ly khai, (2) từ những năm 90 được dùng để nói tới những người phản kháng chế độ ở Nga cũng như ở những nước Cộng Sản khác. Từ 1989, sau khi bức tường Berlin bị đạp đổ, kéo theo sự sụp đổ của Xô Viết Nga hai năm sau, chữ dissidents được dùng để nói tới những người ly khai ở khắp nơi, từ Nam Mỹ tới Trung hoa, Việt Nam, Miến điện, Iran… mà Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi là những khuôn mặt nổi tiếng nhất. Chữ dissidents, từ nguyên thủy, có tính cách tôn giáo, để chỉ những người thuộc một cộng đồng, một tôn giáo nhưng muốn đứng ra ngoài. Người dissidents có thể chống đối, phản kháng, hay chỉ bày tỏ một thái độ bất hợp tác, không đồng tình, đồng lõa.
Những năm 70-80, những người ly khai Nga, đứng đầu là Soljenitsyne, Sakharov, bị đàn áp, không ai biết tới ở trong nước, nhưng tiếng tăm lừng lẫy ở nước ngoài, đã khiến cả một thế hệ trí thức Âu Châu tỉnh mộng về thiên đường xã hội chủ nghĩa. Dần dần tiếng kêu của họ vọng về quốc nội và đã góp phần vào sự sụp đổ của chế độ Cộng sản (CS) Nga. Nhưng sau đó, họ biến mất trên chính trường. Nhiều người kiệt lực sau nhiều năm bị chà đạp dã man. Một số sống ở ngoài nước. Và những tàn dư của chế độ CS, trở thành mafia đỏ, có tiền, có tổ chức, trở lại thao túng chính quyền và gạt những người dissidents ra ngoài để dễ làm ăn với nhau. Họ bị đẩy vào hố quên của lịch sử, giống như những dissidents Trung Hoa sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Nhưng chế độ CS sụp đổ, không có nghĩa là dân chủ đã thành hình, tự do là một chuyện đương nhiên. Trả lời câu hỏi ‘theo ông cái tệ hại nhất của chế độ CS là gì?’, Adam Michnik , một trí thức phản kháng Ba Lan (3), nói: là những gì đến sau đó (ce qui arrive après). Những hỗn loạn đến sau đó. Chế độ CS đã tàn phá mọi cơ cấu xã hội, mọi giá trị tinh thần, việc xây dựng lại một xã hội lành mạnh, một chế độ dân chủ là chuyện vạn nan, nếu không chuẩn bị chu đáo. Dân chủ là một quá trình lâu dài. Chế độ CS sụp đổ, không có nghĩa là dân chủ thành hình như một phép lạ. Không phải là sự chấm dứt của lịch sử (la fin de l’histoire), mượn chữ của Fukuyama. Độc tài biến dạng, chế độ vô sản trở thành một chế độ tư bản man rợ. Xã hội lại cần nhữngdissidents, những người xăm mình dám ăn dám nói, những Từ Hải giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha. Từ đó, xuất hiện những người ly khai mới, les nouveaux dissidents.
Chiến thuật ‘gậy ông đập lưng ông ’
Những người ly khai là những người xuất thân từ trong lòng chế độ. Eltchaninoff: ‘Andreï Sakharov, chẳng hạn, là một nhà bác học được kính nể ở Nga, hoàn toàn hoà đồng với chế độ trước khi tách ra, tố cáo những vi phạm nhân quyền. Người ly khai không phải là người chống đối từ bên ngoài nhảy vào. Cái làm cho họ trở thành đáng sợ, chính ở chỗ họ là người của chế độ mà họ đả kích. Họ là sản phẩm điển hình, đôi khi gương mẫu, của chế độ. Điều đó khiến sự phản kháng của họ hữu hiệu hơn, được nghe hơn.’ (plus efficace et plus audible)
Eltchaninoff viết, ngoài sự kiện xuất thân từ trong lòng của chế độ, người ly khai có ba đặc đìểm: bất bạo động, hành động với tư cách cá nhân và hoạt động công khai.
1. Bất bạo động: ‘Những người ly khai là những người triệt để bất bạo động. Họ từ chối dùng võ khí chống chính quyền, đôi khi vì nguyên tắc, nhiều khi vì chiến thuật: gây tử thương người của chính quyền đưa tới đàn áp tàn bạo. Những người kháng chiến đặt chất nổ, giết kẻ thù. Người ly khai không làm chuyện đó.’
000_Par7869872.jpg
Cảnh sát chặn người biểu tình tham gia vào một hội nghị chống Do Thái vào ngày 04 tháng năm 2014 tại Brussels.

2. Hành động cá nhân. Theo tác giả, người ly khai không coi mình là một thành phần của một tổ chức, một đảng viên thi hành chỉ thị của cấp trên. Nếu hoạt động trong một nhóm, người ly khai không từ bỏ cá tính, không từ bỏ những suy tư cá nhân. Anh ta hành động vì trái tim, vì một sự bất bình, không phải vì tham vọng. Vì vậy, rất ít người ly khai đi vào con đường chính trị. ‘Điều đó cắt nghiã tại sao rất ít người- trừ trường hợp Vaclav Havel-trở thành lãnh tụ (leaders) sau chiến tranh lạnh.’ Điều đó cũng giải thích tại sao sau khi chế độ sụp đổ, quyền hành vẫn ở trong tay những người của chế độ cũ.
3. Hoạt động công khai. Người ly khai không vào rừng, vào bưng như người kháng chiến. Hành động công khai khiến việc đàn áp trở thành dễ dàng, nhưng cũng khiến hành động của họ chính đáng. Không việc gì phải dấu diếm khi người ta hành đông cho quyền lợi chung và tin mình nắm chính nghĩa.
‘Tóm lại, người ly khai coi sức mạnh của mình ở thái độ bất bạo động, tôn trọng cá tính và nguyên tắc minh bạch, công khai.’
Như vậy, anh ta hoạt động theo phương pháp nào? Eltchaninoff trả lời: phương pháp lấy gậy ông đập lưng ông. Dùng võ khí của chính quyền để đánh chính quyền.
Nếu nhà nước tuyên bố tôn trọng luật pháp, người ly khai cương quyết khẳng định quyền công dân của anh ta và của người đồng hương. Nếu nhà nước nói tôn trọng người lao động, người ly khai tố cáo những vi phạm quyền công nhân. Người ly khai là một cao thủ judo: anh ta dùng sức mạnh của đối phương để quật ngã đối phương mà không cần vũ lực. Vì vậy, anh ta như David, luôn luôn tìm ra những phương cách mới để đưa người khổng lồ Goliath vào tròng. Anh ta làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh, tổ chức những happenings, những cuộc gặp gỡ, những nơi tụ họp độc đáo, đưa những sáng kiến ly kỳ.’ Anh ta tranh đấu bằng bộ óc, bằng sáng tạo, khiến nhà cầm quyền không biết đâu mà mò. Sáng kiến càng kỳ cục, càng ngộ nghĩnh càng hữu hiệu. Nhưng đối kháng không phải là một trò chơi. Nhiều người ly khai đã trả giá đắt, quá đắt. Cái can đảm và quyết tâm phi thường của họ khiến ta phải ngả mũ chào. (Viết ‘anh ta’ là một cách nói cho tiện. Sự thực, trong số những dìssidents có rất nhiều phụ nữ. Chỉ cần nhìn hàng ngũ phụ nữ đông đảo, ở Việt Nam hay ngay cả những nước Ả Rập, nơi phụ nữ bị chèn ép. Và họ, phụ nữ, không phải là những người ít can đảm nhất, ít hữu hiệu nhất).
Sau khi bức tường Berlin đổ, sau khi Mao chết, sau những mùa Xuân Ả Rập, người ta chua chát thấy dân chủ không tự nhiên vác xác tới. Bạo hành tiếp tục, dưới hình thức khác. Những người ly khai lại rục rịch xuống đường.
Eltchaninoff đi nhiều nơi, tới tận chỗ để gặp gỡ những người ly khai mới. Ông ta đi một vòng Nga, Ukraine, Trung hoa, Tibet, Iran, Palestine, Mễ, gặp những người chống đối, nhất là những người không được báo chí Tây phương nói tới. Ông ta nhận xét: giữa người ly khai mới và những người thuộc thế hệ trước có những điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm rất khác nhau.
Những nguyên tắc căn bản của thế hệ đàn anh vẫn được áp dụng, nhưng cải tiến để thích ứng với thời đại mới. Bất bạo động không còn là một triết lý ôn hoà, nhưng là một phương pháp hữu hiệu nhất trước bạo lực. Cá nhân vẫn là một yếu tố quan trọng. Người ly khai không muốn làm quân cờ cho một tổ chức. Và, trong thế hệ của iPhone, của Internet, mọi người quay phim, chụp hình loạn cào cào, muốn hoạt động kín, muốn giữ bí mật là một chuyện ngớ ngẩn. Trái lại, cách giữ an ninh hữu hiệu nhất là truyền bá tin tức, hình ảnh thật nhanh, thật rộng. Cái bảo hiểm tính mạng của người tranh đấu ngày nay là vua biết mặt, chúa biết tên.
Elchaninoff nhận thấy ít nhất 5 điểm khác biệt giữa những người ly khai mới và những người thuộc thế hệ Sakharov, Havel, hay Mandela:
1. Những người ly khai mới không bị ràng buộc bởi các chủ nghĩa, các ý thức hệ, lý thuyết của các trí thức lớn. Họ muốn tự do suy nghĩ, không phải là tín đồ của một chủ nghĩa, đôi khi không có một khuynh hướng chính trị nào. Đó không phải là những người quá khích, cuồng tín khư khư bám giữ một sự thực duy nhất.
2. Những phản kháng dựa trên khả năng của một cá nhân, không nhất thiết phải là một đối tượng chung của đa số. Tranh đấu cho môi trường, cho nữ quyền, cho công nhân, cho nông dân, cho đồng tính luyến ái, chống kiểm duyệt Internet, bênh vực dân oan bị cướp nhà, cướp đất… Mỗi người, tùy theo khả năng và sự hiểu biết của mình, tìm cách cải thiện một góc cạnh nào đó của xã hội. Họ thực tế, không viển vông như đàn anh. Nhận xét này của tác giả rất đáng quan tâm. Sự hình thành của dân chủ ở các nước Âu Châu khởi đầu bằng những đòi hỏi nhiều nhóm, nhiều giai cấp xã hội. Giới quý tộc đòi quyền lợi cho quý tộc, giới tu sĩ cho tu sĩ, nông dân đòi quyền lợi cho nông dân, thương gia, kỹ nghệ gia, công nhân, mỗi giới tranh đấu cho mình. Vua chúa, nhà cầm quyền nhượng bộ nơi này một chút, nơi kia một chút; dần dần những dòng suối nhỏ hội lại thành sông, thành biển. Nhà nước có thể chữa một đám cháy lớn, nhưng bất lực trước hàng ngàn đám cháy nhỏ. Có thể dẹp hàng ngàn đám cháy nhỏ trong vài ngày, nhưng không thể làm suốt năm.
Tóm lại, người ly khai coi sức mạnh của mình ở thái độ bất bạo động, tôn trọng cá tính và nguyên tắc minh bạch, công khai.
Tranh đấu cho tự do, dân chủ là một khái niệm trừu tượng đối với quần chúng, tranh đấu cho những người đàn bà bị đem bán cho du khách dễ kích động hơn, dễ được hưởng ứng hơn. Đòi hỏi kiểm soát thức ăn độc hại của Tàu dễ gây xúc động hơn, trước khi đưa ra những đòi hỏi có tính cách trừu tượng, quan trọng thực, nhưng xa vời với người dân. Làm việc cứu trợ rất tốt, nhưng nên giải thích cho dân biết tại sao họ cơ cực, cùng khổ như vậy. Nếu không, công tác xã hội là nước bỏ biển.
3. Người phản kháng mới không hy sinh đời sống thường nhật, không coi nhẹ gia đình. Một nhà tranh đấu người Tibet nói về gia đình ông ta nhiều hơn là nói về chính trị. Anh ta không phải là một cái máy đấu tranh, vô cảm.
4. Người ly khai mới không có khuynh hướng hy sinh đời mình cho đối tượng đấu tranh; không phải anh ta thiếu can đảm, bằng chứng là anh ta sẵn sàng trả giá rất đắt, nhưng coi chuyện tranh đấu hữu hiệu quan trọng hơn là việc hy sinh vô bổ. Anh ta ghét cái tật đao to búa lớn của đàn anh.
5. Những người ly khai mới phóng khoáng hơn. Họ áp dụng bất cứ phương tiện nào, bất cứ hình thức tranh đấu nào, miễn là hữu hiệu, thí dụ dùng một bài hát nói về tự do của Mỹ để đánh thức dân Ả rập, một bài vọng cổ để báo động nhà cầm quyền đang bán nước, bán biển, gởi SMS cho bạn bè hẹn gặp nhau để bàn về một đề tài liên hệ tới mọi người. Người ly khai mới ý thức được cái lợi hại của kỹ thuật truyền thông và tận dụng các phương tiện truyền thông mới. Một nữ ca sĩ Iran cởi bỏ khăn trùm đầu, hát nhạc tình trên Internet, hàng triệu người vào coi, gây chấn động dư luận và khiến nhà cầm quyền bảo thủ bối rối hơn là một cuộc biểu tình đẫm máu.
Michel Eltchaninoff kết luận cuốn sách 254 trang đầy những kinh nghiệm cụ thể: những người ly khai là ‘những người đi trước thời đại. Họ được nuôi dưỡng bởi sự can đảm và thái độ nổi loạn. Họ phơi trần những tệ trạng không thể chấp nhận trong xã hội họ đang sống: áp lực, kiểm duyệt, thao túng quyền hành, gian lận bầu cử, sát hại người vô tội, chiếm nhà chiếm đất… nhưng họ tranh đấu dưới những hình thức đôi khi độc đáo, luôn luôn bất bạo động. Họ không tìm cách bịt mắt giả mù, cũng không đánh võ miệng trước những bất công, những lạm dụng quyền thế. Họ hành động để đặt nhà cầm quyền trước trách nhiệm của mình. Nếu nhà cầm quyền trả lời bằng cách đàn áp, họ chịu đòn nhưng tiếp tục hành động. Nếu nhà cầm quyền lùi, họ thắng. Trong bất cứ xã hội nào, chúng ta cũng cần những người ly khai mới.’
Tôi cám ơn những người dissidents, mới hay cũ. Không biết họ sẽ mang lại dân chủ hay không, nhưng họ đã cứu vãn danh dự cho tôi: tôi có những người đồng hương dám ngửng đầu, nhìn mặt bạo lực. Ủng hộ họ là một bổn phận. Một danh dự.
Từ Thức (Paris tháng Tư, 2016)
(1) Les Nouveaux Dissidents . Michel Eltchaninoff. Editions Stock. Paris (Mars 2016)
(2) Dùng chữ ly khai chỉ là tạm dịch chữ dissident, nhưng chắc chắn không ổn. Có người đề nghị dùng chữ những người bất mãn, nhưng nó có vẻ tiêu cực. Người bất mãn ít khi hành động, và nhiều khi bất mãn chỉ vì không được trọng dụng. Có bạn đề nghị những người bất đồng chính kiến, nhưng nó vẫn có vẻ thụ động.
(3) Adam Michnik (1946-), sử gia, ký giả là một trí thức lãnh tụ phản kháng hàng đầu ở Ba Lan thời chiến tranh lạnh. Những nhật xét của ông về chế độ CS, về việc xây dựng xã hội hậu Cộng sản rất thâm thúy. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông: La Deuxième Révolution (1990)
Theo RFA