Tuesday, March 14, 2017

Hơn 500 dân thuộc Giáo Phận Vinh lên ủy ban xã đòi đất đai của giáo xứ

Hơn 500 dân thuộc Giáo Phận Vinh lên ủy ban xã đòi đất đai của giáo xứ
Chiều ngày 13.03.2017 hơn 500 người dân giáo xứ Nghi Lộc đã kéo đến ủy ban nhân dân (UBND) xã Diễn Hạnh, Nghệ An để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại đất bị “mượn”, rồi tự ý bán cho tư nhân trong suốt 30 năm nay.
Giáo dân bày tỏ sự phẫn nộ, vì đã nhiều lần kiến nghị trả lại đất, nhưng bị phớt lờ và còn bao che cho nhau để xè xẻo đất đai của giáo xứ.
Dưới sự hướng dẫn của Hội Đồng Mục Vụ (HĐMV), giáo dân đã ôn hòa chất vấn các lãnh đạo xã về cách giải quyết vụ việc, tuy vậy phía ủy ban xã Diễn Hạnh vẫn lắt léo né tránh trả lời càng khiến cho cuộc họp thêm phần căng thẳng.
Khu đất mà người dân đòi trước đây là một ngôi trường mang tên Thiên Khải Đường thuộc quyền của giáo xứ, được xây dựng năm 1949. Nhà trường này có 9 phòng học, dãy phòng phía Đông nằm sát đường 205. Trong thời chiến tranh, đây là nơi cất giấu lương thực, thực phẩm cho quân đội cộng sản Bắc Việt. Sau khi cưỡng chiếm được Miền Nam thì cơ sở đã xuống cấp nghiêm trọng. Giáo xứ đã đề nghị nhà cầm quyền hỗ trợ để sửa chữa lại nhưng không được. Nhà cầm quyền đã lấy một phần dãy trường phía Đông để làm hợp tác xã nông nghiệp và sau làm nhà trẻ khu vực 2. Mãi tới năm 1992 mới trả lại khu này cho xứ.
Năm 1985, ông Lại Xuân Tuyển, Chủ tịch xã Diễn Hạnh đã tự ý cắt một phần đất nền của 5 phòng học đã tháo dỡ và phần sân trường Thiên Khải Đường nằm sát đường 205 cho anh Đinh Sơn Hải, con trai ông Đinh Sơn Long làm đất thổ cư. Khu đất bị cắt bán này rộng khoảng khoảng 500m2. Đến năm 1993, ông Lại Xuân Tuyển lại tự ý bán 300m2 đất còn lại của sân trường Thiên Khải Đường cho ông Đinh Sơn Long với giá 750.000đ (Bảy trăm năm mươi ngàn đồng).
HĐMV giáo xứ đã nhiều lần đệ đơn gửi ban ngành các cấp kêu cứu về tình trạng này. Do được xã “bảo kê”, nên năm 1994, ông Long làm móng xây nhà trên nền đất của Thiên Khải Đường mà ông đã mua. Vụ này bị phản đối. Sau đó nhà cầm quyền buộc phải cắt tạm cho ông Long một miếng đất khác.
Nhưng đến tháng 11 năm 2016, Đinh Sơn Phương, con trai ông Long lại dự định đổ đá, gạch để xây nhà trên nền trường cũ đó. Cả giáo xứ đã phản đối. Vào ngày 14 tháng 1 năm 2017, Giáo xứ đã làm đơn kiến nghị về quyền sử dụng đất gửi lên UBND tỉnh, huyện, xã.
Ngày 27 tháng 2 năm 2017 UBND xã Diễn Hạnh đã gửi văn bản số 04/CV-UBND v/v trả lời kiến nghị của Giáo xứ Nghi Lộc cho giáo xứ. Ông Tuyên, thuộc HĐMV xứ Nghi Lộc cho biết “dù đã trả lời bằng văn bản nhưng nội dung thì lại không rõ ràng”.
Trong cuộc họp sáng nay, đại diện UBND xã Diễn Hạnh vẫn khẳng định rằng việc bán đất cho ông Long vào năm 1989 là đúng quy định pháp luật. Điều này đã khiến các giáo dân phẫn nộ. Sau đó thì phía xã đã phải nhượng bộ bằng cách là sẽ hẹn người dân vào một dịp khác.
Giáo xứ Nghi Lộc, thuộc giáo hạt Đông Tháp, giáo phận Vinh, được thành lập năm 1929. Là một xứ đạo có lịch sử lâu đời và hào hùng. Hiện nay giáo xứ có khoảng 3000 tín hữu. Tuy chính thức thành lập năm 1929, nhưng từ trước đó hơn nửa thế kỷ, dòng lịch sử của Nghi Lộc đã được viết nên từ những giọt mồ hôi, cùng máu và nước mắt trong việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mình.
Anh Thái Anh Pháp cho biết “người dân rất quyết tâm, họ cam kết sẽ không bỏ qua cho đến khi lấy lại được tài sản chung của giáo xứ. Trong cuộc họp các ông trong HĐMV nói sẽ đi mãi cho tới khi đòi lại được đất thì mới bỏ qua.”
phản đối cướp đất xứ Nghi lộc
Quốc Hiếu/SBTN

Tưởng niệm 64 tử sĩ Gạc Ma trên thuyền ở Nghệ An

Tưởng niệm 64 tử sĩ Gạc Ma trên thuyền ở Nghệ An
Một cuộc tuần hành tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma đã tránh khỏi sự đàn áp của công an cộng sản Việt Nam nhờ đã diễn ra trên sông.
Vào lúc 2 giờ 30 chiều Thứ Ba, khoảng 50 nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Nghệ An đã có mặt tại xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu. Họ dùng 10 chiếc đò đi trên Lạch Quèn hướng ra biển để cử hành lễ dâng hoa tưởng niệm 64 người lính Việt Nam đã bị tàu hải quân Trung Cộng tàn sát tại đảo Gạc Ma vào ngày này năm 1988.
Phóng viên SBTN tường trình cho biết những người tham dự đã cầm vòng hoa tưởng niệm có in dòng chữ “Tưởng niệm Tử Sĩ Gạc Ma”, treo băng rôn có in dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”, và cầm những biểu ngữ với nội dung “Nhân dân không quên” và cờ ngũ sắc cổ truyền. Đoàn tuần hành bằng thuyền xuất phát từ giáo xứ Phú Yên và đi đến giáo xứ Mành Sơn ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sau đó vòng trở lại.

Tiếp đó, mọi người bắt đầu buổi tưởng niệm chính thức. Nhà hoạt động Nguyễn Thành Huân đã trang trọng đọc diễn văn kỷ niệm và tuyên bố lý do mọi người có mặt trong ngày này. Ông Huân xác định trận chiến bi tráng này đã bị lãng quên. Không chỉ những người trẻ, mà ngay cả nhiều người lớn tuổi hiện nay cũng không hề nghe đến trận chiến Gạc Ma. Nhiều người chỉ biết đến trận chiến này khi xem đoạn video thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam do chính Trung Cộng đưa lên Internet.
IMG_2025



Nguyên Nguyễn / SBTN

Khai thác bauxite ở Việt Nam, một thứ túi không đáy

Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã ngốn 16.821 tỉ đồng nhưng chưa hoạt động. (Hình: VNEconomy)
LÂM ÐỒNG (NV) – Sau khi ngốn hết 32,000 tỉ đồng, nhà máy Alumin Tân Rai ở Lâm Ðồng lỗ khoảng 3,700 tỉ đồng, còn nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Ðắk Nông vẫn chưa hoạt động nhưng hiệu quả được dự đoán sẽ tương tự.
Sau khi thanh tra Tập Ðoàn Than- Khoáng Sản Việt Nam (TKV), chủ đầu tư hai dự án khai thác bauxite ở Lâm Ðồng và Ðắk Nông, thanh tra của chính phủ Việt Nam cho rằng, dự án khai thác bauxite ở Tân Rai, Lâm Ðồng, thua lỗ trầm trọng là vì thời gian xây dựng quá dài nên phát sinh thêm nhiều chi phí ngoài dự kiến, giá nhôm trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm. Mặt khác, vì kỹ thuật-công nghệ khai thác bauxite phức tạp nên khi vận hành, Nhà máy Alumin Tân Rai liên tục bị trục trặc, hoạt động bị gián đoạn, mất thêm nhiều thời gian và chi phí cho sửa chữa.
Chủ trương khai thác bauxite tại Tây Nguyên của chính quyền Việt Nam vốn đã từng gây nghi ngại trong nhiều giới và dân chúng, nay gây thêm nhiều nghi ngại hơn vì những tình tiết mới.
Chẳng hạn, năm 2006, TKV chỉ có ý định đầu tư 7,787 tỉ đồng cho dự án khai thác bauxite ở Lâm Ðồng nhưng sau khi giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam xác định: Khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của Ðảng”, TKV đã quyết định nâng vốn đầu tư vào dự án khai thác bauxite ở Lâm Ðồng lên gấp đôi: 15,414 tỉ đồng. Dù vốn đầu tư tăng gấp đôi nhưng công suất của Nhà máy Alumin Tân Rai chỉ tăng chưa tới 1/10.
Tương tự, năm 2007, TKV chỉ có ý định đầu tư 3,285 tỉ đồng cho dự án khai thác bauxite ở Ðắk Nông nhưng sau khi “khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng,” TKV đã quyết định nâng vốn đầu tư vào dự án khai thác bauxite ở Ðắk Nông lên hơn năm lần: 16,821 tỉ đồng, còn công suất của nhà máy Alumin Nhân Cơ chỉ tăng chỉ tăng hơn gấp đôi.
Tuy đã sử dụng hết 15,500 tỉ đồng cho dự án khai thác bauxite ở Lâm Ðồng, nhà máy Alumin Tân Rai đã hoạt động cách nay năm năm nhưng đến giờ này, TKV chỉ mới “quyết toán” được 12,145 tỉ đồng. Vẫn còn 3,355 tỉ chưa thể “quyết toán” (chưa được nhìn nhận là chi phí hợp lý).
Trong khi TKV vẫn khăng khăng hai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên (Lâm Ðồng và Ðắk Nông) “sẽ” hòa vốn và trong tương lai sẽ có lời thì giá quặng nhôm trên thị trường thế giới giảm. Mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, hóa chất và nước của nhà máy Alumin Tân Rai ở Lâm Ðồng và sắp tới là nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Ðắk Nông đều cao hơn mức trung bình của thế giới,…
Hồi Tháng Ba năm ngoái, Bộ Công Thương của chính phủ Việt Nam từng đề nghị hỗ trợ thêm cho kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên khoảng 4,900 tỉ trong 10 năm từ 2016 đến 2025, song theo một số chuyên gia, nếu tính cả hỗ trợ về giá điện thì khoản hỗ trợ phải tới 1.2 tỉ Mỹ kim!
Từ Tháng Mười năm 2014 đến nay, bùn đỏ từ hai nhà máy alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ đã tràn ra ngoài vài lần. Ông Nguyễn Văn Ban, cựu trưởng ban Nhôm-Titan của TKV, nhận định đó là “hệ quả của công nghệ Trung Quốc.”
Bình luận về kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ngày 6 Tháng Năm năm 2009, tờ Financial Times ở Anh nhận định, kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên là bằng chứng về sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc, và kế hoạch đó là một “món quà” mà ông Nguyễn Tấn Dũng dành tặng Trung Quốc.
Sau khi nhắn nhủ đồng liêu ở lại ráng làm người tử tế, ông Dũng đã về vui thú điền viên. Giống như nhiều “chủ trương lớn” khác, dân chúng Việt Nam tiếp tục còng lưng gánh hậu họa do “chủ trương lớn” của đảng CSVN tạo ra từ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên trong nhiều thập niên nữa. (G.Ð)

Việt Nam: Cứ 8 tiếng đồng hồ có một trẻ em bị xâm hại tình dục

Người mẹ có con gái học lớp Một ở Thủ Đức, Sài Gòn bật khóc kể lại chuyện con bị xâm hại tình dục ngay tại trường học nhưng trường bao che hung thủ, trốn tránh trách nhiệm. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN(NV) – Trong ba năm gần đây, cứ 8 tiếng đồng hồ lại có thêm một trẻ  em ở Việt Nam bị xâm hại tình dục, trung bình mỗi năm có hơn 1,000 vụ được ghi nhận, chiếm trên 70% trẻ bị xâm hại nói chung và đang ở mức báo động.
Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động Xã hội Sài Gòn cho rằng, đã đến lúc phải cảnh giác cao độ với tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2016, Sài Gòn có tới gần 100 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có 24 vụ hiếp dâm, 47 vụ giao cấu.
Nói với Tuổi Trẻ ngày 14 Tháng Ba, bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Gia đình và Trẻ em, dẫn chứng, đang có nhiều vụ xâm hại trẻ em có dấu hiệu “chìm xuồng” hoặc bị xử theo hướng làm nhẹ.
“Cơ quan chức năng đòi hỏi chứng cứ, nhưng có những vụ trẻ em bị dâm ô thì tìm chứng cứ rất khó. Như vụ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thì có lời khai của trẻ em chứng kiến, có những dấu hiệu, chứng cứ nhất định, nhưng người có trách nhiệm lại cho là lời của trẻ em chưa đáng tin. Bởi vậy nên sự việc xảy ra đã hai tháng nhưng việc giải quyết chưa tới đâu”, bà Vân Anh cho hay.
Đồng tình với nhận định này, ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động Xã hội cũng cho rằng, quy định hiện hành còn chưa rõ ràng, trong khi tìm chứng cứ những vụ dâm ô trẻ em khó khăn nên nhiều nghi can dâm ô trẻ em chậm bị điều tra, xử lý.
“Vụ ở Vũng Tàu chúng tôi cũng thúc giục các cơ quan tư pháp, họ cũng nói rằng đang thu thập chứng cứ chứ không phải là chìm xuồng. Nhưng phải đặt câu hỏi là vì sao ở Lào Cai cũng đã có 2 vụ dâm ô trẻ em được điều tra xử phạt mà ở Vũng Tàu lại chưa xử lý được? Đến độ chủ tịch nước, phó thủ tướng phải lên tiếng”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, không những tăng về số lượng, các vụ dâm ô gần đây còn gia tăng về mức độ phức tạp, như cha đẻ, cha dượng xâm hại tình dục trẻ hay trẻ bị người thân quen, họ hàng xâm hại. “Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng”, ông Nam nhận định.
Việc điều tra, xét xử tội dâm ô đối với trẻ em ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em mà do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ, người thân hoặc của chính cháu bé khiến cho dấu vết bằng chứng không còn, dẫn tới việc xử phạt hành vi phạm tội đã không được thực hiện rốt ráo.
Thậm chí, không đủ căn cứ để buộc tội khiến kẻ ác nhơn nhơn sống ngoài vòng pháp luật, bà Phạm Thị Duyên, thẩm phán cao cấp của tòa án cấp cao tại Sài Gòn thừa nhận.  (Tr.N)

Nổ lò luyện nung ở Bình Dương, 2 người nguy kịch tính mạng

Nạn nhân được cấp cứu tại bệnh viện Bình Dương. (Hình: Báo Thanh  Niên)
BÌNH DƯƠNG(NV) – Trong lúc công nhân đang làm việc tại khu nấu kẽm thì lò nung phát nổ làm văng chảo chứa dung dịch kẽm, khiến 8 công nhân bị phỏng phải nhập viện cấp cứu.
Báo Thanh Niên loan tin, khoảng 5 giờ 30 ngày 14 Tháng Ba, khi các công nhân đang làm việc tại khâu nấu kẽm trong công ty thép Nam Kim, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, thì lò nung phát nổ lớn làm văng chảo kẽm làm 8 người gồm các anh: Đoàn Văn Sự (29 tuổi), Bùi Quốc Việt (26 tuổi), Nguyễn Hồng Dũng (26 tuổi), Võ Văn Phố (23 tuổi), Đinh Thiện Thọ (24 tuổi), Hà Văn Xuân (28 tuổi), Phạm Tấn Tân (26 tuổi), Lê Văn Đua (27 tuổi) bị phỏng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và Bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn.
Ông Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 4 công nhân đang điều trị tại Chợ Rẫy bị phỏng nước nóng của kim loại từ 500-700 độ C, gây ra các tổn thương sâu ở da sẽ để lại di chứng nặng nề.
Trong đó, có ít nhất 2 người bị phỏng toàn thân là anh Việt và anh Phố, phỏng nước kim loại từ 43%- 66% và 14% độ sâu, đang được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt, có nguy cơ khó qua khỏi.
Cùng ngày, công an Thủ Dầu Một đã đến khám nghiệm hiện trường điều tra nguyên nhân sự vụ. (Tr.N)

Chính quyền đe dọa lễ tưởng nhớ Đức Huỳnh Giáo chủ ‘vắng mặt’ T

heo VOA-15/03/2017
Các chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tại An Giang ngày 12/3 rước chân dung Đức Huỳnh Giáo chủ để chuẩn bị cho ngày lễ 25/2 âm lịch. (Ảnh: Facebook Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy)
Các chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tại An Giang ngày 12/3 rước chân dung Đức Huỳnh Giáo chủ để chuẩn bị cho ngày lễ 25/2 âm lịch. (Ảnh: Facebook Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy)

Ngày 11/3, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, một giáo hội không được chính quyền Việt Nam công nhận, ra tuyên cáo rằng họ quyết tổ chức ngày lễ Đức Huỳnh Giáo chủ ‘vắng mặt’, dù bị chính quyền địa phương ở An Giang đe dọa ngăn cấm.
Bản Tuyên cáo của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy nói: "Chúng tôi chấp nhận mọi sự đàn áp từ nhà cầm quyền Việt Nam và sẽ sẵn sàng hi sinh để bảo tồn truyền thống Phật giáo Hòa Hảo".
Ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cho VOA biết thêm về sự đe dọa của chính quyền ở xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang:
“Hôm tuần qua chính quyền có mời ông Hà Văn Duy Hồ, là Hội trưởng của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tỉnh An Giang, kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ tổ chức của Giáo hội Trung ương đến và họ bảo rằng năm nay cấm không cho làm lễ kỷ niệm 70 năm ngày Đức Huỳnh giáo chủ vắng mặt. Ông Hồ trả lời là ‘dù phải trả giá cỡ nào thì giáo hội chúng tôi cũng phải tổ chức cho bằng được ngày lễ gọi là ‘đền ơn đạo, đáp nghĩa thầy.’ Họ nói rằng nếu cãi lời họ mà cố tổ chức thì nhất định họ sẽ có biện pháp. Đối với ông Hà Văn Duy Hồ thì họ sẽ quản chế tại gia, cho qua ngày lễ rồi mới trả tự do.”
Theo ông Nguyễn Văn Điền thì đây là lần đầu tiên chính quyền tỉnh An Giang “mời làm việc và đe dọa” buộc các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không được cử hành tại gia tưởng nhớ ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt. Các năm trước, chính quyền chỉ tìm cách cản trở người dân đến tham dự tại điểm lễ chính ở Thánh địa Hòa Hảo ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chứ không cấm việc tổ chức lễ này tại gia đình của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Theo ông Điền, dù chính quyền có đe dọa, các chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy hôm 12/3 vẫn tiến hành thành lập lễ đài, rước chân dung Đức Huỳnh giáo chủ để chuẩn bị cho ngày lễ sắp tới, vào ngày 25/2 âm lịch, tức ngày 22/3.
Từ nay đến ngày 22/3, ông Điền vẫn chưa biết liệu chính quyền sẽ ngăn cản đến mức độ nào, nhưng ông dự báo rằng các tín độ từ các địa phương khác chắc chắn không được tự do đến khu vực của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy ở huyện Chợ Mới:
“Chưa biết việc gì sẽ xảy ra đối với Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Còn về phía tín đồ theo chúng tôi ước đoán, chỉ có những người ở địa phương ở xã Long Giang, xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có thể đến khoảng đôi mươi người, chứ không thể đông hơn được. Còn tổ chức ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp thì chắc chắn rằng không thể đến được. Kể cả thành viên Trung ương Giáo hội ở các nơi cũng không thể về điểm lễ chính. Bởi vì các năm trước đều như vậy. Ngoài ngày lễ Đức Huỳnh giáo chủ vắng mặt (25/2 âm lịch), ngày lễ khai đạo 18/5 âm lịch, ngày lễ đản sinh Đức Huỳnh giáo chủ 25/11 âm lịch được nhà nước cho phép bên Ban Trị sự quốc doanh tổ chức, nhưng chúng tôi không tổ chức được, cũng không thể tề tựu về đó được. Cho nên chắc chắn rằng kỳ này cũng không ngoại lệ.”
Trước đó, VOA đưa tin ngày 13/2, các chức sắc của Hội đồng Liên tôn bị câu lưu và bị công an đánh khi họ đi đến tỉnh Vĩnh Long thăm, chúc tết các chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa Hỏa Thuần túy ở tỉnh Vĩnh Long.
Vào tuần trước, truyền hình VTV đưa tin “thời gian gần đây xuất hiện nhóm đối tượng lạ mặt lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền tôn giáo trái pháp luật” tại tỉnh Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Văn Điền lý giải về cáo buộc này:
“Công an ngăn chặn, thậm chế bắt cóc, đánh đập, rồi trở ngược lại vu khống cho chúng tôi là ‘tuyên truyền trái phép’ này kia nọ. Thật ra ngược lại hoàn toàn. Điều này là do công an tỉnh Vĩnh Long đàn áp trắng trợn đối với Hội đồng Liên tôn Việt Nam nói chung và nói riêng là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.”
Đạo Hòa Hảo, hay còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ hay còn gọi là Đức Huỳnh Giáo chủ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Số tín đồ Đạo Hòa Hảo ước tính khoảng 2 triệu người, tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam bộ, Việt Nam.
Ngày 16 tháng 4 năm 1947, ông Huỳnh Phú Sổ đột ngột mất tích khi đến Tân Phú, Đồng Tháp Mười để hòa giải sự xung đột giữa Việt Minh và Phật giáo Hòa Hảo. Theo tài liệu của Tây phương và Việt Nam Cộng hòa thì giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh thủ tiêu.

Hà Nội và những mảnh đời bám vỉa hè

Theo VOA-14/03-2017
Hà Nội đất chật người đông, nơi mà một chiếc xe hơi hàng khủng mua với giá vài chục tỉ đồng vẫn rẻ hơn rất nhiều so với việc dành ra vài chục mét vuông đất để làm nhà chứa xe tại những khu trung tâm như quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Nhưng Hà Nội cũng là nơi đầy những hình ảnh của những phận nghèo buôn bán hàng rong trên phố hy vọng kiếm chút tiền gởi về quê mỗi tháng. Mỗi gánh hàng rong trên vỉa hè Hà Nội chứa cả tương lai nơi góc quê và cả nỗi sợ hãi mỗi khi bị công an hay trật tự công cộng rượt đuổi.

Chị Hoa, bán cà phê dạo ở Hà Nội chia sẻ: “Chị ở quê ra đây buôn bán, ở trọ, nói chung là mỗi ngày kiếm được chừng 150 ngàn đồng đến 170 ngàn đồng. Nếu như không bị công an bắt và phạt thì mình đủ trang trải. Nhưng nếu bị công an bắt, phạt mình 170 ngàn đồng thì coi như bữa đó hết sống nổi. Nhìn chung là khổ lắm!”

Những lao động như chị Hoa, hàng ngày may mắn thì kiếm được chừng 200 ngàn đồng, ế ẩm thì được vài chục ngàn đồng đủ trả tiền thuê trọ. Những ngôi nhà trọ ọp ẹp, thiếu thốn tiện nghi kể cả nước sinh hoạt, giá thuê chừng 500 đến 600 ngàn đồng/tháng là nơi ở lý tưởng cho những người bán hàng rong.
Bà Huệ từ Nam Định vào phố cổ Hà Nội bán hàng rong cho hay: “Làm ăn khó lắm, năm nay bán hàng vừa ế ẩm vừa bị công an đuổi, kiếm được đồng tiền khó lắm!”

“Ở quê lên đây, mỗi ngày bán kiếm được 150 ngàn đồng tới 200 ngàn đồng, nói chung là tốt rồi chứ ở quê biết làm gì kiếm ra tiền,” bà Vân, cũng từ Nam Định lên Hà Nội bán trái cây dạo, tiếp lời. 

Một người Hà Nội gốc bán bánh cuốn trên vỉa hè Hà Nội cho biết thêm: “Nói chung thì ở đây, Hà Nội, ở phường là họ cũng có thông báo cho mình biết khi nào họ dẹp vỉa hè để mình tránh. Mình ngồi khéo một chút, đừng lấn vỉa hè quá, phải ngăn nắp, lịch sự, buôn bán cũng được qua ngày. Chứ mình ngồi lấn chiếm hết vỉa hè thì người ta phải dẹp thôi. Đâu cũng vậy!”

“Đi bán hàng rong thì là bị dẹp rồi, nhiệm vụ của người ta thì người ta phải làm, chứ không thì người ta lấn chiếm hết vỉa hè sao? Nhưng họ dẹp chỗ này thì mình tìm chỗ khác bán chứ cuộc sống khó khăn, không bán rong thì lấy gì mà sống,” người bán hoa dạo ở phố cổ Hà Nội than vãn. 

Mỗi gánh hàng rong ở Hà Nội như một nốt nhạc làm nên vẻ du dương và trữ tình của Hà Nội. Nỗi lo và đời sống chật vật thiếu thốn của người bán hàng rong như một quãng lặng trong ca khúc Hà Nội. Và có lẽ, cao trào của ca khúc này mang đậm chất đời và gây xúc động nhất khi họ tất tả chạy trốn cùng với gánh hàng rong, xe củ quả, xe cà phê...Phía sau họ là các an ninh, dân phòng, công an, tạo ra một hiệu ứng âm thanh khác.

VN: Nạn ấu dâm tăng vì không trừng trị đích đáng

Theo VOA-13/03/2017
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ vào năm 2010 lên đến gần 1500 vụ vào năm 2014.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ vào năm 2010 lên đến gần 1500 vụ vào năm 2014.
Trong vòng chưa đầy một tuần trở lại đây, làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam đang dâng cao sau khi xuất hiện thông tin về một loạt các vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Báo chí trong nước trong những ngày qua liên tiếp đưa tin về ít nhất 3 vụ. Đông đảo người sử dụng mạng xã hội cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về các vụ đó.
Tin tức hôm 11/3 nói ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, một bé gái 8 tuổi đã bị một người đàn ông 34 tuổi xâm hại nhiều lần. Gia đình cháu đã tố cáo với nhà chức trách cách đây hai tháng. Sau thời gian “chờ giải quyết” và nhiều sức ép công luận, đến ngày 13/3, công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Nghi phạm theo báo chí mô tả là một nhân viên ngân hàng, 34 tuổi. Người đàn ông này đã bị công an triệu tập hôm 11/1 nhưng được thả ngay sau đó. Người này từng tuyên bố sẽ không ai “làm gì được” vì anh ta “có nhiều mối quan hệ”.
Cũng ngày 11/3, tại thành phố Hồ Chí Minh, gia đình một bé gái học sinh lớp 1 đã gửi đơn kêu cứu đến báo chí. Mẹ của cháu bé nói vào ngày 14/2 chị phát hiện cháu bị xâm hại với nghi ngờ là sự việc đã xảy ra tại lớp học. Sau khi tố cáo với công an, đến nay sau gần 1 tháng vẫn chưa có kết quả điều tra.
Tại thành phố Vũng Tàu, báo chí đưa tin hôm 13/3 rằng việc điều tra một vụ ấu dâm sẽ được gia hạn thêm 2 tháng. Trong vụ này, một người đàn ông 77 tuổi bị cáo buộc đã xâm hại 9 cháu bé nhiều lần. Công an đã khởi tố vụ án hình sự vào tháng 8/2016.
Hồi đầu năm nay, ngay sau tết Đinh Dậu, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng kẻ phạm tội không bị nhà chức trách xử lý dù gia đình đã báo cáo.
Những vụ kể trên chỉ là một phần nhỏ trong số khoảng 5.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo cáo chính thức là đã xảy ra ở Việt Nam trong 5 năm qua.
Thống kê chính thức của các cơ quan nhà nước, dù bị các nhà nghiên cứu cho là còn chưa đầy đủ, cho thấy rằng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ vào năm 2010 lên gần 1500 vụ vào năm 2014.
Chỉ riêng con số chính thức này thôi đã đồng nghĩa là trung bình mỗi ngày có 3-4 trẻ em bị xâm hại. Hay nói cách khác, cứ 8 giờ trôi qua lại có ít nhất một trẻ em trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh”.
Trong số các nạn nhân, có những cháu bị giết chết để bịt đầu mối, nhiều cháu bị đe doạ để không dám tố cáo.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), nhận xét với VOA:
“Con số nó tăng lên theo báo cáo. Còn con số mà không được báo cáo thì không biết là bao nhiêu nữa. Đây là một vấn đề đã trở nên nghiêm trọng và thực sự nó là vấn đề không thể nào tiếp tục chấp nhận được nữa”.
Nữ giám đốc của trung tâm CSAGA cho biết thêm rằng trung tâm và một số tổ chức khác như ISCS, ActionAid, và Plan cách đây vài năm đã tiến hành nghiên cứu ở Hà Giang, Quảng Ninh và tp.HCM. Kết quả cho thấy trên 14% học sinh bị xâm hại tình dục.
Ở Hà Nội, hơn 10% học sinh của trên 30 trường phổ thông trung học nói từng bị xâm hại “bằng cách này hay cách khác”.
Bà Vân Anh đưa ra ý kiến:
“Từ miền núi cho đến thành phố, từ những gia đình có kinh tế tương đối đến những gia đình nghèo, trẻ em đều có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục. Tất nhiên là ở trong môi trường có những sự bảo vệ tốt hơn từ phía gia đình cũng như nhà trường thì nó cũng sẽ giảm hơn một chút”.
Trên mạng xã hội trong những ngày qua, có vô số ý kiến gọi tội phạm tình dục đối với trẻ em, hay tội ấu dâm, là “kinh tởm”, đồng thời đòi trừng trị nghiêm khắc tội này.
Lần gần đây nhất một tòa án Việt Nam tuyên án nặng đối với bị cáo tội ấu dâm là tháng 12 năm ngoái. Một người đàn ông 64 tuổi đã bị kết án 13 năm tù vì dụ dỗ và có hành vi đồi bại với một bé gái 11 tuổi.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vân Anh, rất nhiều những vụ xâm hại khác đã không được điều tra, xử lý đúng mức và bà cho răng điều đó thật “đáng buồn” cũng như “gây bức xúc”.
Bà chỉ ra rằng trong nhiều vụ, những thủ phạm đã thương lượng dân sự kết hợp với đền tiền cho các nạn nhân và tránh bị xử lý hình sự, vụ việc bị ém nhẹm.
Theo phân tích của nữ giám đốc CSAGA, nhiều gia đình chấp nhận thương lượng, đền bù kiểu này “e ngại” nói ra câu chuyện con của họ bị xâm hại vì “lo cho tương lai” và “thanh danh” của con gái. Định kiến “phải như thế nào đấy mới bị xâm hại tình dục” cũng là áp lực làm họ dè dặt trong việc lên tiếng.
Ngược lại, có những trường hợp đứng ra tố cáo lại không được nhà chức trách xử lý rốt ráo, dẫn đến sự bất bình. Bà Vân Anh nói:
“Có rất nhiều những vụ án không được xử lý gì cả. Có thể thụ lý rồi, có thể điều tra rồi nhưng rồi nó rơi vào im lặng một cách đáng sợ. Không biết lý do tại sao. Gia đình có thể gửi đơn hàng trăm nơi rồi nhưng cuối cùng vẫn không được xử lý. Đấy là những cái rất đau lòng. Dư luận rất phẫn nộ về việc kẻ thủ ác không bị xử lý một chút gì”.
Ngoài nghi vấn rằng những kẻ phạm tội hối lộ nhà chức trách để “chạy án”, “chạy tội”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vân Anh và nhiều người còn cho rằng có những cán bộ trong hệ thống pháp luật “sợ” là đưa ra thông tin về các vụ tội phạm ấu dâm là “nói ra cái xấu”, “làm xấu xã hội đi”, làm hình ảnh đất nước “trở nên tiêu cực hơn”. Theo bà Vân Anh, vì “nỗi sợ” đó nên nhiều người trong hệ thống pháp luật đã tìm cách làm nhẹ vấn đề đi, thậm chí làm cho nó “biến mất luôn”.
Trong một thông cáo phát đi hôm 12/3 về tội phạm ấu dâm ở Việt Nam, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) nói Việt Nam có riêng bộ luật về trẻ em và nhiều quy định, chính sách tiến bộ về bảo vệ trẻ em.
Mạng lưới bao gồm 15 tổ chức xã hội đang hoạt động trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam cũng chỉ ra rằng Việt Nam có một bộ máy khá toàn diện về chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, thông cáo nói trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức phòng chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em “thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực”, cũng như “thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình”.
GBVNet nhấn mạnh đó là những rào cản về thể chế khiến cho bạo lực tình dục không những không giảm mà còn gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp trong thời gian qua.
Bà Vân Anh, Giám đốc CSAGA, nhấn mạnh điều quan trọng cần làm là nhà nước và công chúng phải thay đổi quan niệm khi nhìn vào vấn đề này:
“Trước tiên phải biết rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. Nếu mà mình cho qua một lần, nó sẽ dẫn đến tình trạng nó giống như một chỉ báo đối với tất cả những kẻ phạm tội khác rằng cứ phạm tội đi rồi cùng lắm cũng chỉ bị [xử lý] vớ vẩn thế thôi, hoặc chẳng bị làm sao cả, hoặc là tiền là có thể chạy được tất cả, hoặc là các mối quan hệ quen biết có thể chạy được tất cả. Đấy mới là vấn đề chứ không phải kẽ hở của luật”.
Ở thời điểm hiện nay, những vụ việc được báo chí đưa tin trong vài ngày qua đã đánh động mạnh mẽ tới công chúng.
Bên cạnh việc bày tỏ sự quan tâm và phẫn nộ, giới hoạt động vì quyền trẻ em và phụ nữ kêu gọi chính phủ phải có giải pháp phòng tránh từ xa, hệ thống giáo dục cần phải đưa việc dạy học sinh nhận biết và tránh tội phạm tình dục như một kỹ năng cần thiết phải có.
Họ đề xuất rằng các sách vở có kiến thức giúp trẻ em phòng tránh loại tội phạm này cần được phổ biến nhiều hơn và các bậc cha mẹ Việt Nam cũng cần nói chuyện với con nhiều hơn về vấn đề này, một điều đã trở nên bình thường ở các nước phát triển khác.

Việt Nam: Báo cáo nhân quyền 2016 ‘thiếu khách quan’

Theo VOA-13/03-/2017
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình

Việt Nam nói rằng báo cáo nhân quyền năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “tuy đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.”
Ngày 13/3/2017, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu phản ứng chính thức của chính phủ Việt Nam như trên về báo cáo ghi nhận tình hình nhân quyền Việt Nam 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Người phát ngôn Lê Hải Bình còn nói thêm rằng “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.”
Ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với các nước, trong đó có Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt. Đến nay, Việt Nam – Hoa Kỳ đã tiến hành 20 vòng đối thoại song phương thường niên về quyền con người.”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định rằng phản ứng của Việt Nam năm nay cũng gần tương tự như năm ngoái, “vẫn không thay đổi về mức độ, tức là: ‘thiếu khách quan và không phản ánh tình hình thực tế.’”
Ngày 3/3Bản phúc trình nhân quyền năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận Việt Nam là một nhà nước “độc tài” và “tiếp tục đàn áp nhân quyền” dưới nhiều hình thức.
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết nhận định của ông về tình hình nhân quyền Việt Nam:
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
“Tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ, tồi tệ về nhiều mặt. Trong đó có gia tăng đàn áp phong trào dân chủ, đàn áp tự do tôn giáo. Trong bối cảnh giữa Mỹ và Việt Nam vẫn chưa có xác lập cơ chế đối thoại nhân quyền rõ rệt và chưa có cải tiến nhiều về cơ chế này thì tình hình đàn áp gia tăng bắt bớ ở Việt Nam, theo tôi nghĩ sẽ càng ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với phong trào biểu tình Formosa ở Việt Nam.”
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bị báo chí quốc tế chỉ trích là xem thường việc công bố bản báo cáo thường niên của bộ Ngoại Giao Mỹ về tình hình nhân quyền trên thế giới, vì bản báo cáo đã được âm thầm công bố, mà không có bất kỳ một bài diễn văn của ngoại trưởng, hay họp báo của trợ lý phụ trách nhân quyền.
Nhận định về vấn đề nhân quyền trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giao đoạn hiện nay, nhà báo Phạm Chí Dũng nói:
“Tất nhiên là chính quyền của ông Trump không quan tâm đến vấn đề nhân quyền như chính quyền Obama trước đây. Ngay cả chính quyền Obama trước đây vào thời gian cuối cũng giảm sự quan tâm về vấn đề nhân quyền. Tôi cho rằng chính quyền Trump thiếu quan tâm về vấn đề nhân quyền thì đó là một biểu hiện bình thường, vì ông Trump xuất thân từ ngành bất động sản, chứ không phải ngành chính trị.”
Trước đó vào ngày 1/3, sáu dân biểu Hoa Kỳ đã cùng ký vào bức thư gửi cho bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, thúc giục Hoa Kỳ gây sức ép buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Bức thư viết: “Trong hơn 4 thập niên qua kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc và gần 22 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Việt Nam vẫn là một nước do một đảng cộng sản lãnh đạo và gần như không chấp nhận những ý kiến trái chiều.”
Các dân biểu ký tên gồm Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Christopher Smith, Gerald Connolly, Ro Khanna, và Luis Correa yêu cầu ngoại trưởng Rex Tillerson phải thúc giục Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, biểu đạt ý kiến và tự do lập hội. Ngoài ra, các dân biểu cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải ngay lập tức thả các tù nhân lương tâm, mà theo họ “đây là những bước cần thiết để Việt Nam có thể tìm kiếm mối quan hệ kinh tế và chiến lược tốt hơn với Hoa Kỳ.”
Thư của Nhóm Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ Việt Nam Caucus ngày 1/3/2017
Thư của Nhóm Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ Việt Nam Caucus ngày 1/3/2017
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết rằng ông hy vọng Nhóm các dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ ‘Việt Nam Caucus’ vẫn còn quan tâm đến nhân quyền Việt Nam:
“Thái độ của nhóm quan tâm đến nhân quyền Việt Nam, gọi là nhóm Việt Nam Caucus của các nghị sĩ như là Zoe Lofgren, Christopher Smith vẫn giữ nguyên và đang gia tăng, đặc biệt sau khi luật nhân quyền Magnitsky được Tổng thống Obama thông qua vào tháng 12/2016.”
Theo trang Mạch Sống của tổ chức BPSOS, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chưa thể hoàn tất việc soạn thể lệ và thủ tục cho việc thực hiện Luật Magnitsky Toàn Cầu trong tháng 4 này. Theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, Bộ Ngoại Giao phải nộp bản phúc trình đầu tiên cho Quốc Hội ngày 30 tháng 4, 2017. Sau đó định kỳ hàng năm vào ngày 10 tháng 12, tức Ngày Quốc Tế Nhân Quyền sẽ có bản phúc trình các cá nhân vi phạm thường niên, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, BPSOS cho biết tổ chức này sẽ vận động Quốc Hội thực hiện buổi điều trần vào cuối tháng 6/2017 để đại diện của Bộ Ngoại Giao tường trình về việc thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu đối với Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, hôm 10/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có buổi tiếp và làm việc chung với các đại sứ, đại biện các nước ASEAN tại thủ đô Washington, trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh.
Báo chí Việt Nam cho biết ông Phạm Quang Vinh chia sẻ ý kiến của các đại diện ASEAN về quan hệ ASEAN - Mỹ, đồng thời thông báo những định hướng, ưu tiên của năm APEC 2017 do Việt Nam chủ trì, trong đó có Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11-2017.
Khi hỏi rằng liệu trong tương lai Hoa Kỳ sẽ còn quan tâm đến tình hình nhân quyền nữa hay không, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết dường như Hoa Kỳ đã chuyển giao vai trò gây áp lực nhân quyền lên chính phủ Việt Nam sang Liên Minh Châu Âu:
“Thật ra vấn đề đàm phán đối thoại nhân quyền tôi cho là đã có một sự chuyển dịch từ vai trò của Hoa Kỳ sang vai trò của Liên Minh Châu Âu, Nghị viện Châu Âu từ giữa năm 2016 rồi. Cho nên sắp tới có lẽ vai trò đàm phán về nhân quyền đối với Việt Nam sẽ thuộc về châu Âu nhiều hơn là của Mỹ. Tuy nhiên trong năm 2017, Mỹ vẫn có thể giữa vai trò tương tác về nhân quyền đối với Việt Nam, và đòi hỏi Việt Nam cải thiện một số vấn đề về nhân quyền, và thậm chí có thể mở lại đối thoại nhân quyền giữa hai quốc gia, mà cuối năm 2016 đã không thực hiện được.”
Cuối tháng Hai vừa qua, Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu (DROI) đã có chuyến công tác và đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam. Tiểu ban này đã có các gặp với các nhà hoạt động nhân quyền và ra báo cáo rằng: “các nhà hoạt động nhân quyền đang hoạt động trong môi trường đầy thách thức, phải đối mặt với sự sách nhiễu, bắt bớ và giam cầm. Trong vấn đề này, chúng tôi nhắc lại cam kết của mình là tiếp tục hỗ trợ hoạt động của họ và chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt sự đàn áp đối với họ.”

Tiền chưa giải ngân của ‘500 triệu Formosa’ bị lạm dụng?

 Phạm Chí Dũng
Theo VOA-14/03/2017 
Trong 8 tháng qua, với khoản tiền đã giải ngân bồi thường cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung chỉ chiếm 30% trong số 500 triệu USD, số tiền còn lại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính “ngâm” để làm gì?
Mới giải ngân 30%!
Cho đến tháng 3/2017, tức gần tròn một năm sau thảm họa kinh hoàng do Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung, giới quan chức nhà nước vẫn chỉ dùng từ “sự cố” làm nhẹ bớt những “nhạy cảm chính trị”, đồng thời vẫn tung ra các báo cáo cho rằng “người dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ, đánh giá cao những chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết sự cố môi trường”.
Gần như chưa có gì thay đổi về não trạng “vì nhân dân phục vụ”…
Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong những địa chỉ tuyên giáo hăng hái nhất, bất chấp việc vào thời bộ trưởng tài nguyên môi trường cũ là Nguyễn Minh Quang, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa do bộ này soạn chỉ vẻn vẹn… một dòng. Còn khi mới xảy ra thảm họa Formosa, chính bộ này là nơi đưa ra nguyên nhân “thủy triều đỏ” như một thói dối trá lâu năm mặc định thành bản chất.
Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính lại đưa ra thông tin như thể khoe khoang thành tích rằng đã cấp 4.680 tỷ đồng trong tổng số 500 triệu USD do Formosa bồi thường. Sau đó có báo còn tuyên truyền như một thành tích rằng số tiền 4.680 tỷ đồng này đã được “bồi thường hết” cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung.
Bối cảnh tuyên truyền trên được lồng trong không khí phong trào biểu tình phản kháng Formosa và sự bao che của chính quyền vẫn dồn dập phẫn uất ở các giáo xứ Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình. Trong lúc một số chuyên gia phản biện ước tính thiệt hại kinh tế của vụ “cá chết Formosa” phải lên đến 10 tỷ USD, kéo lùi đến 5% GDP của Việt Nam, và con số bồi thường 500 triệu USD của Formosa chỉ bằng 1/20 số thiệt hại ấy, rất nhiều ngư dân ở các tỉnh miền Trung lại phải than rằng số tiền bồi thường cho họ là quá ít, họ hoàn toàn không biết sống bằng gì sau “6 tháng hỗ trợ”.
Thậm chí ngay cả số “tạm ứng 4.680 tỷ đồng” cho 4 tỉnh miền Trung cũng rất đậm đà phong cách “báo cáo láo”. Bởi đến đầu tháng 3/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát đi một thông báo cho biết tính đến ngày 18/2, chính quyền 4 tỉnh miền Trung mới giải ngân được 3.330 tỷ đồng trên tổng số 4.680 tỷ đồng Chính phủ đã tạm ứng cho các tỉnh này.
Như vậy, tính từ thời điểm tháng 6/2016 là lúc chính phủ Việt Nam bất ngờ thông báo “Formosa sẽ bồi thường 500 triệu USD do thiệt hại xả thải ô nhiễm môi trường” đến nay đã qua 9 tháng, nhưng số tiền bồi thường mới chỉ chiếm vỏn vẹn 30% trong tổng số 500 triệu USD. Tỷ lệ này là rất “liêm chính” nếu đối chiếu lại lời hứa của quan chức cao cấp Nguyễn Xuân Phúc “ngư dân sẽ nhận được toàn bộ tiền bồi thường vào tháng 11/2016”.
Cần nhắc lại, Thủ tướng Phúc đã hứa “cuội” không chỉ một lần. Vào tháng 8/2016, ông ta hứa “tháng Chín ngư dân sẽ nhận được tiền”. Nhưng ngay sau đó, chính phủ lại gia hạn cho chính quyền 4 tỉnh miền Trung về việc “thống kê thiệt hại” do các tỉnh này bê trễ. Phải đến tháng 11/2016, một số ngư dân mới bắt đầu nhận được tiền bồi thường. Nhưng đó cũng là lúc mà phong trào biểu tình miền Trung đang dâng cao và gây áp lực đối với chính quyền địa phương và trung ương. Thử hỏi nếu không có con sóng biểu tình ấy, không hiểu đến lúc nào khoản tiền bồi thường còm cõi mới đến tay những nạn nhân môi trường đã không còn đường sinh sống?
‘Ngâm bồi thường’ để lấy lãi riêng?
Tính từ thời điểm hai tháng 7 và 8 năm 2016 khi Formosa chuyển tiền hai đợt để bồi thường cho ngư dân, mỗi đợt 250 triệu USD mà Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đứng ra nhận, đến nay đã qua 8 tháng.
Câu hỏi đặt ra là trong 8 tháng qua, với số đã giải ngân chỉ chiếm 30% trong số 500 triệu USD, số tiền còn lại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính “ngâm” để làm gì?
Trong thực tế, dư luận từng phản ánh rất nhiều về hiện tượng nhiều cơ quan Việt Nam đã dùng tiền được ngân sách cấp và tiền từ tài trợ ODA của quốc tế (chi cho các chương trình kinh tế và xã hội) để gửi ngân hàng lấy lãi riêng cho các cơ quan này chứ không tính vào khoản chi kinh tế - xã hội theo đúng nguyên tắc tài chính. Có dấu hiệu một số cơ quan còn cố ý kéo dài việc triển khai chương trình xã hội để thu lãi tiền gửi ngân hàng càng nhiều càng tốt.
Một trong những lĩnh vực thường bị lạm dụng như trên là nông nghiệp - phát triển nông thôn. Một trong những địa chỉ bị dư luận phản ánh là “dịch vụ cầm đồ” cho những khoản tiền gửi thu lợi riêng bất chính như thế là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tổ chức tín dụng mà đã trở thành quán quân trong giới ngân hàng Việt Nam có số vụ vi phạm pháp luật kinh tế nhiều nhất và số lãnh đạo bị bắt cao nhất.
Ngay cả một doanh nghiệp nhà nước là Công ty quản lý các tài sản tín dụng (VAMC) với chức năng là xử lý nợ xấu, đã được ngân sách cấp 2 ngàn tỷ đồng từ năm 2013, nhưng theo thú nhận của chính doanh nghiệp này thì từ đó đến nay VAMC chưa bỏ ra một đồng “tiền tươi thóc thật” nào để xử lý nợ xấu. Số tiền 2 ngàn tỷ đồng ấy, nếu được hiểu một cách “lương thiện” nhất, đã được VAMC gửi ngân hàng để lấy lãi chi dùng cho “đời sống cán bộ nhân viên” của doanh nghiệp độc quyền chính sách này.
Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính thì “xử” thế nào với con số 500 triệu USD bồi thường của Formosa?
Ngay từ đầu khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra “nhận trách nhiệm giữ dùm” 500 triệu USD, đã có dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của cơ chế này, nhất là khi xuyên suốt từ trước đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại là một trong những địa chỉ “bảo kê” rõ rệt nhất cho nạn xả thải của Formosa.
Sau khi giải ngân 30% của 500 triệu USD, với 8 tháng “giữ dùm” số còn lại, lãi tiền gửi ngân hàng của con số 350 triệu USD là ít nhất 300 tỷ đồng (tính theo kỳ hạn tiền gửi 3 tháng, lãi suất 5%/năm). Số tiền lãi này bằng đến phân nửa so với tiền “tạm ứng” đợt đầu cho một tỉnh miền Trung.
Số tiền lãi 300 tỷ đồng trên thuộc về ai? Có phải theo “thông lệ” đã chui vào túi giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” mà không tính vào tiền bồi thường cho ngư dân? Và đó có phải là nguyên do sâu xa để Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cố ý “ngâm” tiến độ bồi thường cho ngư dân càng chậm càng tốt?
Đã đến lúc mà Thủ tướng Phúc, nếu không muốn bị tai tiếng thêm trong quốc nội về vụ Formosa sau “thỏa thuận bí mật” với doanh nghiệp từng bị tai tiếng quốc tế này, cần chỉ đạo làm rõ những nguyên nhân cố ý gây chậm trễ tiến trình chi tiền bồi thường cho ngư dân và yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính phải minh bạch toàn bộ số tiền “giữ dùm” gửi trong ngân hàng.
Đóng cửa Formosa !
Lối làm việc cực kỳ tắc trách, vô cảm và chỉ chực chờ đàn áp người dân đã khiến “uy tín” của chính phủ và các chính quyền địa phương miền Trung sụt giảm mạnh. Liên tiếp các đợt biểu tình phản kháng của ngư dân - giáo dân vào cận Tết năm 2017 và sau Tết đã chứng thực rằng người dân không còn chút nào niềm tin đối với chính quyền đang cai trị họ.
Ngay cả lời hứa “sẽ đóng cửa Formosa nếu tiếp tục vi phạm” của Thủ tướng Phúc cũng không còn giá trị gì nữa, khi đang có nhiều dấu hiệu Formosa tái diễn xả thải. Nạn ô nhiễm biển giờ đây không chỉ nằm trong khu vực biển 4 tỉnh miền Trung, mà đã lan xuống phía Nam - khu vực biển Đà Nẵng. Cứ đà này, chắc chắn vùng biển ở các tỉnh Nam Trung Bộ sẽ bị ảnh hưởng trong không bao lâu nữa.
Hơn một tháng sau tết Nguyên đán năm 2017, những đợt biểu tình của ngư dân - giáo dân miền Trung lại như sóng trào dữ dội. Sài Gòn, Hà Nội và một số địa phương khác cũng hưởng ứng. Bất chấp “trung ương” bất thần lôi “tội đồ” là Võ Kim Cự, nguyên bí thư Hà Tĩnh, cùng Nguyễn Thái Lai, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ra kỷ luật, người dân thừa hiểu đó chỉ là “chuyện nội bộ đảng đóng cửa bảo nhau” mà vẫn chưa hề có một chút thành tâm hoặc thành khẩn nào đối với lớp dân đen.
Biểu tình cũng bởi thế sẽ không thể dừng được. Không chỉ bởi số tiền giải ngân bồi thường mới chỉ có 30%, mà còn do ước tính thiệt hại kinh tế của vụ xả thải Formosa nhiều hơn con số bồi thường 500 triệu USD gấp hai chục lần - 10 tỷ USD.
Và vì công lý phải đóng cửa Formosa!
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Niềm uất hận Gạc Ma

Bùi Tín
Theo VOA-14/03/2017 
Người dân Việt xuống đường biểu tình tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến ở Gạc Ma ở Hà Nội, ngày 14/3/2016.
Người dân Việt xuống đường biểu tình tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến ở Gạc Ma ở Hà Nội, ngày 14/3/2016.

Trận hải chiến ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa diễn ra ngày 14 tháng 3 năm 1988 giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam, nay vừa tròn 29 năm.
Gọi là hải chiến, nhưng thật ra không có giao tranh gì đáng kể, vì phía hải quân Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải nhỏ HQ505, HQ604 và HQ605 làm nhiệm vụ tiếp tế cho các đảo trước các tàu khu trục hung hăng của Trung Quốc ở thế tiến công. Hơn nữa, theo kể lại của các sỹ quan chỉ huy hải quân Việt Nam, trước đó từ giữa năm 1988 đã có lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh hồi ấy là dù có bị khiêu khích, tiến công, các đơn vị hải quân trên các đảo đều phải tự kiềm chế, không được nổ súng. Nhân dịp này chính tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân đội Nhân dân, xác định rõ điều này, cho rằng quân đội đã bị trói tay khi lâm chiến.Thế là 64 quân nhân Việt Nam đã bị hy sinh một cách oan uổng, 9 quân nhân bị hải quân Trung Quốc bắt làm tù binh giam trên đảo Lôi Châu. Thái độ đầu hàng quân xâm lược bắt nguồn từ thái độ bạc nhược của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trước sự hung hăng của Đặng Tiểu Bình trong cuộc chiến tranh biên giới đầu năm 1979, khi các cuộc đàm phán về Campuchia đang căng thẳng và mật ước Thành Đô đang được chuẩn bị ráo riết.
Đầu năm nay, vào dịp kỷ niệm lần thứ 43 trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, lẽ ra Bộ Quốc phòng cần tổ chức tưởng niệm các liệt sỹ, thăm viếng các gia đình thương binh, liệt sỹ của cả 2 miền đã từng chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương, nhưng chính quyền đã không có một hình thức kỷ niệm, tưởng nhớ, vinh danh nào. Chỉ có hoạt động lẻ loi của tổ chức xã hội dân sự Nhịp cầu Hoàng Sa với nhiều hoạt động phong phú. Đây là tổ chức do các nhà báo tiến bộ Vũ Kim Hạnh, Lê Thế Thanh, Huy Đức, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, các văn nghệ sỹ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập (vừa từ trần), doanh nhân Đặng Cao Thắng lập nên. Nhịp cầu Hoàng Sa đã tổ chức các cuộc gặp mặt mang nhiều ý nghĩa giữa các chiến sỹ Hoàng Sa và gia đình, đồng đội còn sống sót. Các chiến sỹ Việt Nam trong trận Hoàng Sa và trận Trường Sa đã coi nhau là anh em ruột thịt chung một tổ quốc, chung một kẻ thù, không hề chống đối nhau. Nhịp cầu Hoàng Sa còn tặng 10 gian nhà cho các gia đình liệt sỹ thiếu thốn.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên chủ tịch huyện Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng cũng vào tham dự.
Các bạn trong tổ chức Nhịp cầu Hoàng Sa trên đây dự định sẽ tham gia tổ chức kỷ niệm "Ngày Gạc Ma" vào ngày 14/3 này. Điều này chứng tỏ nhân dân ta rất quý trọng các chiến sỹ 2 miền đã dũng cảm chống kẻ thù xâm lược, sống có nghĩa có tình.
Trong khi đó Bộ Quốc phòng, Tổng cục chính trị QĐND, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng vẫn một mực im lặng trong các ngày kỷ niệm chống Trung Quốc xâm lược. Họ cố tình ngăn chặn, còn cho công an đi phá đám các cuộc tưởng niệm chiến sỹ, liệt sỹ Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
Lẽ ra, nhân dịp này, Tướng Lê Đức Anh, người từng nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, ra lệnh cho Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương không được nổ súng dù bị tiến công, nay đã 97 tuổi, còn sức, phải vào Đà Nẵng tưởng niệm và tạ tội với các liệt sỹ, chiến sỹ Gạc Ma, một món nợ tinh thần không thể nào xúy xóa bỏ qua. Xin nhớ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người gốc Đà Nẵng, có quan hệ gần gũi đặc biệt với Hòang Sa và Gạc Ma, cũng cần làm một việc đơn giản lúc này là chỉ thị cho Bộ Quốc phòng và đích thân đến viếng mộ và tượng đài kỷ niệm và thăm hỏi ân cần các thương binh gia đình liệt sỹ của các trận hải chiến Trường Sa và Hoàng Sa oan nghiệt, tham gia giải tỏa niềm uất hận sâu xa khôn nguôi của dân tộc.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Vong ơn tạo ra phản trắc


Người Việt vốn sống rất lâu trong những định kiến thời phong kiến, “ăn cây nào rào cây nấy” là câu ban đầu được diễn giải là hành vi trung thành, chung thủy với vật, người đã làm ơn cho mình, tuy nhiên sâu xa hơn nó còn mang tính răn đe của quyền lực đối với người dân. Quyền lực phong kiến là vua, mọi ban phát từ triều đình cần phải được trung thành. Cái cây quyền lực ấy phải được rào chắn, bảo vệ và gìn giữ cho nó luôn xanh tươi hầu tiếp tục ban phát cho kẻ khác.
Lòng biết ơn của người Việt qua câu chuyện “rào cây” dưới chế độ cộng sản đã trở thành biết ơn người ban phát. Khởi đầu từ đó “Ơn đảng ơn chính phủ” thay thế một cách trắng trợn, thô thiển câu mà vua quan phong kiến trám vào đầu người dân hàng ngàn năm trước.
Thể chế phong kiến và cộng sản không những giống nhau ở mặt kêu gọi người dân biết ơn mình mà nó còn tỏ ra giống nhau khi vô ơn với những cống hiến của người dân với chế độ.
Hay nói đúng hơn, nó chỉ biết ơn người dân “có điều kiện”. Sự biết ơn diễn ra khi thể chế muốn nâng cao hơn tầm ảnh hưởng của nó đối với quần chúng, ngược lại nó sẵn sàng có thái độ vô ơn để đạt mục đích bất kể lòng dân ta thán như thế nào.
Đảng cộng sản Việt Nam ra vẻ rất biết ơn liệt sĩ, những người đã bỏ mình trong các cuộc chiến đánh Pháp đuổi Mỹ. Những tượng đài, những mẫu chuyện anh hùng chiếm đầy các trang sách giáo khoa, kể cả những câu chuyện không có thật. Sở dĩ nó được nhắc tới một cách đáng nhàm chán vì chỉ có nhắc nhở công sức lãnh đạo thì đảng mới còn cái để mà nói. Người ta cho đó là “ăn mày dĩ vãng”, một thể loại mang huy chương vào nơi chợ búa để khoe hàng.
Còn các trận chiến khác thì thể chế này chẳng những tỏ ra vô ơn mà còn tàn ác. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, trận hải chiến Hoàng Sa và cuộc tuẫn nạn của 64 chiến sĩ Gạc Ma hoàn toàn được lệnh không nhắc tới.
Luận định một cách khách quan thì Đảng Cộng sản Việt Nam đang cúi đầu trước kẻ thù là Trung Quốc, kẻ đã gây ra những cuộc chiến ấy nhưng Đảng không dám đụng vào không những vì chủ nghĩa xã hội mà còn vì hèn, vì bám ghế.
Hèn vì sợ, nhưng cố bám ghế vì tham.
Sợ nên không dám một lời ghi ơn đồng bào chiến sĩ nằm xuống dưới tay Trung Quốc nhưng tham ghế buộc phải đàn áp, sách nhiễu những ai làm giúp việc ấy cho mình. Thể chế này đã và đang lún sâu vào hành vi vong ơn qua các việc đập bia căm thù Trung Quốc, đàn áp người thắp nhang tưởng niệm và thậm chí thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đánh đập người chống Trung Quốc.
Vong ơn hiển hiện trong các hành vi này.
Để xã hội không phát hiện, chính quyền không ngại phát tán hành vi vong ơn vào sâu hơn trong quần chúng, bởi nếu cả hai, quần chúng và chính quyền cùng có hành vi như nhau thì không ai thấy điều đó là tồi tệ, xấu xa.
VTV có lẽ là phương tiện hoàn hảo nhất để quảng bá sự vong ơn sâu rộng vào người xe, tức nhân dân, lâu dần số đông ấy sẽ quen với những khái niệm xa lạ từ các hành xử của những nhân vật xuất hiện trên phương tiện quen thuộc với mọi nhà.
Chương trình “60 phút mở” của MC Tạ Bích Loan có lẽ là chương trình thành công nhất vận động cho nếp nghĩ vô ơn một cách tuyệt vời. Với câu hỏi “Làm từ thiện với động cơ gì” sẽ là tiền đề khiến người dân nghi ngờ ngay với điều nhân ái và cao cả nhất. Làm từ thiện qua miệng lưỡi khách mời của Tạ Bích Loan, những câu phản đề, vặn tréo khái niệm, ngụy biện về sự không cần thiết để làm từ thiện nhằm gìn giữ bản sắc đã làm cho không ít người suy nghĩ như ngày xưa người ta mang tư tưởng cộng sản vào trường học lung lạc sinh viên học sinh. “Làm từ thiện với động cơ gì” được VTV dàn dựng công phu dù sao cũng là một thành công lớn của Đảng.
Vì VTV là công cụ tuyên truyền của đảng. Đừng quên điều đó.
VTV cũng là nơi kinh doanh để nuôi quyền lực. Vòi bạch tuộc của nó vói tới khắp mọi miền đất nước. Tiền ngân sách tài trợ cho nó toàn quyền sử dụng dẫn tới những chương trình mục ruỗng, phi đạo dức, nhảm nhí và rẻ tiền, miễn sao kiếm được view và kiếm được quảng cáo.
VTV nuôi dưỡng những gameshow mà tầm nhận thức của người làm chương trình không khác gì những bầu show hàng đêm xuất hiện bán vé dạo cho khách vãng lai. VTV nuôi những con bệnh khoe mẻ, khoác chiếc áo danh hài lên sân khấu làm giám khảo chỉ cốt đánh bóng khuôn mặt mình còn người dự thi thì xem như cỏ rác. Không hiếm trường hợp thí sinh phê phán thẳng mặt giám khảo vì lố lăng, nhí nhố vượt thẩm quyền khi ngồi chấm giải.
Một trong những “giám khảo” trong chương trình “Thách thức danh hài” là Trấn Thành, một danh hài có số lượng scandal nhiều hơn vé hát mỗi đêm. Trấn Thành thích diễn cương, tức là không cần  kịch bản, diễn lố, thích múa may tạo hình một cách phản cảm, ăn nói bổ bã thậm chí tục tĩu và rẻ tiền trên sân khấu của VTV.
Mới đây do không chịu đựng nỗi những cái gọi là hài ấy, khán giả đã phê phán mãnh liệt trên mạng xã hội lẫn báo chí lề phải. Trả lời những phê phán ấy Trấn Thành to tiếng: “Nếu thấy Trấn Thành diễn hài nhảm, hãy tắt TV”
Cá tính Trấn Thành là thế hay vì cái gì khác nữa?
Không, câu nói phản trắc ấy đến với khán giả có điều kiện. Khi VTV muốn cho khán giả ăn gì thì người ta phải ăn cái nấy. Truyền thông độc quyền nhằm mục đích tẩy não Đảng cộng sản muốn toàn dân quên hẳn sự biết ơn đối với bất cứ ai ngoài đảng.
Trấn Thành lăn lộn trong môi trường VTV thì không thể trách anh ta học được cách hành xử của Tạ Bích Loan hay Trần Bình Minh, vốn là trợ thủ đắc lực của đảng.
Đảng nuôi dưỡng những hành vi như thế cũng không có gì lạ. Bởi ăn cây nào rào cây nấy. Trấn Thành đang góp sức nuôi cái cây vong ơn bằng thứ phân bón của hành vi phản trắc.