Monday, August 1, 2016

Trung Quốc đe dọa chiến tranh ở Biển Đông

Theo RFA-2016-08-01  
000_D78JS.jpg
Tàu Trung Quốc trong cuộc diễn tập cấp cứu ở Biển Đông gần Tam Sa, tỉnh Hải Nam về phía nam của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 14 tháng bảy năm 2016.  AFP PHOTO
Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền lịch sử ở Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời đang cân nhắc áp lực đến từ phía quân đội là phải có phản ứng mạnh mẽ, kể cả việc không ngần ngại đối đầu với chiến tranh.
Đó là nội dung những bản tin được các hãng thông tấn nước ngoài gửi đi từ Bắc Kinh ngày hôm qua, nói về phản ứng mới nhất của Trung Quốc trước những căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông, đặc biệt sau khi Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ra phán quyết nói rõ Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử lẫn pháp lý ở vùng biển đảo mà họ tự nhận là của mình.

Bằng mọi giá

Bản tin của hãng thông tấn AP cho biết tối Chủ Nhật vừa rồi khi tham dự buổi chiêu đãi tổ chức tại Bắc Kinh để chào mừng 89 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, Tướng Thường Vạn Toàn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc nói rằng nhân dân và quân đội Trung Quốc cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, bảo vệ an ninh và quyền lợi của quốc gia.
Vị Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng nói với những người có mặt trong buổi tiếp tân là chủ quyền và quyền lợi của Hoa Lục sẽ được bảo vệ bằng mọi giá.
Trong bản tin cũng nói về buổi chiêu đãi này, Tân Hoa Xã cho hay ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc cũng nói rằng Hoa Lục chẳng bao giờ sợ chiến tranh, nhưng chắc chắn mong muốn thấy hòa bình.
Bản tin của AP cũng cho hay Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc chính là người chủ trương cải tạo các bãi đá, xây dựng căn cứ và phi trường ở những hòn đảo nằm trong vùng 9 đoạn, còn được gọi là vùng lưỡi bò, mà Trung Quốc tự vẽ ra và nói chủ quyền thuộc về họ.
Vẫn theo AP, Tướng Thường Vạn Toàn còn là người rất thân cận với lãnh tụ Tập Cận Bình, sẵn sàng ủng hộ chính sách cứng rắn nếu ông Tập muốn thực hiện trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Sẵn sàng phản ứng mạnh với Mỹ

Trong bản tin cũng đánh đi từ Bắc Kinh, hãng thông tấn Reuters trích dẫn những nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo và quân đội Trung Quốc nói rằng hiện có xu hướng muốn phản ứng mạnh hơn với Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực, bất chấp chuyện va chạm quân sự có thể xảy ra.
Một trong những nguồn tin này nói với hãng thông tấn Reuters rằng quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng để “đánh sặc mồm” những nước đang gây khó khăn cho Hoa Lục, tương tự như hồi 1979 lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh mở cuộc chiến với Việt Nam.
Cũng theo Reuters, mặc dù có xu hướng muốn phản ứng mạnh như vừa nói trong quan ngũ, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Một nhà ngoại giao đang làm việc tại Bắc Kinh cho rằng điều Trung Quốc lo ngại là sẽ gặp phản ứng mạnh của thế giới, một nguồn tin khác lại nói với hãng thông tấn Reuters là hải quân Trung Quốc không đủ sức để đối đầu với hải quân Hoa Kỳ.
Nguồn tin này nói thêm nếu chiến tranh bùng nổ thì chính người dân Hoa Lục sẽ bị thiệt thòi, do đó, chiến tranh là điều khó có thể xảy ra.

Dựng vùng nhận dạng phòng không

Những bản tin mà chúng tôi ghi nhận được trong ngày hôm nay không nói lãnh đạo chính quyền và quân đội Bắc Kinh sẽ quyết định như thế nào.
Reuters cho hay khi được hỏi liệu quân đội có thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo đảng và chính phủ phải có phản ứng mạnh hơn ở Biển Đông hay không, phát ngôn viên Dương Vũ Quân của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc chỉ nói là quân đội sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và quyền lợi lãnh hải bằng mọi giá.
Ông này cũng nói là Trung Quốc luôn luôn góp phần xây dựng ổn định và hòa bình, nhưng đồng thời sẵn sàng đối phó với mọi đe dọa và thử thách.
Vẫn theo Reuters, có thể Bắc Kinh sẽ loan báo dựng vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông, đặt những hệ thống hỏa tiễn và máy bay ném bom có khả năng bắn hạ những mục tiêu ở Philippines và Việt Nam, đồng thời tiếp tục thực hiện những cuộc tập trận ở Biển Đông, trong vùng biển mà Bắc Kinh tự nhận là có chủ quyền.
Reuters trích dẫn một nguồn tin thân cận với thành phần lãnh đạo đảng ở Bắc Kinh, nói thêm rằng giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hiện diện tại Biển Đông, nên chuyện va chạm có thể xảy ra.

Mỹ sẽ không ngồi yên

Bản tin cũng trích dẫn lời một nhà ngoại giao đang làm việc tại Bắc Kinh cho rằng từ giờ đến tháng Chín tình hình sẽ yên ắng, vì Trung Quốc không muốn tạo căng thẳng trước khi tổ chức Thượng Đỉnh G-20 tại Hàng Châu, nhưng có thể Bắc Kinh sẽ có quyết định hay hành động nào đó trong khoảng thời gian sau ngày thượng đỉnh G-20 kết thúc và trước đầu tháng 11/2016, là thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ.
Nhà ngoại giao không nêu tên này nói thêm Trung Quốc sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng Hoa Kỳ ngồi yên, không có phản ứng đáp trả.
Cũng xin nhắc lại theo quan điểm của Hoa Kỳ, phán quyết mà Tòa Trọng Tài Quốc Tế mới đưa ra hồi tuần trước có giá trị pháp lý, đòi hỏi các nước can dự vào vụ tranh chấp chủ quyền phải tôn trọng.
Washington cũng xem phán quyết này là một dấu mốc quan trọng, giúp các nước ngồi lại để cùng giải quyết cuộc tranh chấp.
Ngoài ra, hồi tuần trước Hoa Kỳ còn cử Bà Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice sang Bắc Kinh, kêu gọi Trung Quốc và các nước liên can không nên có những hành động hay tuyên bố có thể tạo thêm căng thẳng.
Đó cũng là điều Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đưa ra ở Vientaine, khi có mặt dự hội nghị ASEAN mở rộng.

Formosa: Tín hiệu sẽ có dê tế thần

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-08-01  
000_CH4LT-630.jpg
 Chủ tịch nhà nước Việt Nam Trần Đại Quang trong cuộc họp tại Phủ chủ tịch ở Hà Nội vào ngày 27 Tháng 6 năm 2016.  AFP PHOTO
Tiếp xúc cử trị Quận 1 và quận 3 TP.HCM sáng 1/8/2016, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang lần đầu tiên có phát ngôn về vụ thảm họa môi trường Formosa, khẳng định Nhà nước sẽ xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bật đèn xanh?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang có vẻ như đã bật đèn xanh, việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đối với các giới chức chính quyền Việt Nam ở địa phương, cũng như các bộ ngành ở Trung ương có liên quan tới dự án Formosa Hà Tĩnh.
Nhận định về điều mà dư luận cho là khá mới mẻ, khi nhân vật ở hàng lãnh đạo cao nhất của Nhà nước đã đề cập trực diện vào vấn đề đang làm nóng dư luận, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện làm việc ở TP.HCM phát biểu:
Phát ngôn của ông Trần Đại Quang Chủ tịch nước là một phát ngôn mang tính chất tín hiệu. Theo tôi hiểu ngay trước mắt là tín hiệu thí chốt, con chốt ở đây chính là ông Võ Kim Cự.
- TS Phạm Chí Dũng
“Đã có nhiều nghị quyết của Đảng nói rằng, khi xử lý các vụ tham nhũng tiêu cực thì không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân đó giữ chức vụ như thế nào. Còn về cụ thể, nêu đích danh để xử lý thì vừa qua Tổng Bí thư đã có chỉ đạo một vụ cụ thể là Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang trúng cử Quốc hội, vụ đi xe… và sau đó là việc liên quan đến trách nhiệm trước đây, có dấu hiệu chạy chức chạy quyền chạy luân chuyển… Và nay theo nhịp độ đó Chủ tịch Nước cũng nêu một số vụ, một số tên tuổi, chẳng hạn như vụ Vinaconex… trong đó có vụ Formosa cần phải xử lý đúng theo pháp luật, bất cứ cơ quan tổ chức hay cá nhân nào, giữ cương vị trách nhiệm nào. Tôi cho rằng đó cũng là một hướng tích cực rất đáng hoan nghênh.”
Trao đổi với chúng tôi, nhà hoạt động dân quyền và báo chí công dân hiện sống và làm việc ở Saigon - TS Phạm Chí Dũng cho rằng, có thể nối kết một số sự kiện mới nhất vừa xảy ra. Theo lời ông, phát ngôn mới nhất của ông Trần Đại Quang gắn liền với một thông tin mà ông vừa nhận được, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chính thức xác định việc nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự chỉ đạo cấp phép 70 năm cho Formosa là vượt thẩm quyền và trái qui định, nói chung là trái phép. Việc này phải đưa lên chính phủ, không phải là Thủ tướng có thể quyết định mà phải là Chính phủ. TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“Phát ngôn của ông Trần Đại Quang Chủ tịch nước là một phát ngôn mang tính chất tín hiệu. Theo tôi hiểu ngay trước mắt là tín hiệu thí chốt, con chốt ở đây chính là ông Võ Kim Cự, tại vì dư luận xã hội đã bức xúc nhiều, phản ứng nhiều và nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra và đòi phải xử lý các quan chức. Thế thì bây giờ Trung ương Đảng và Bộ Chính trị không thể bỏ lơ được, thứ nhất phải xem xét sự tồn tại của Formosa ở VN, việc khởi tố Formosa có thể thực hiện được không. Thứ hai nữa là xử lý những quan chức liên quan cấp trung ở Việt Nam chẳng hạn như ông Võ Kim Cự, hay một vài quan chức nào đó của ngành tài nguyên môi trường…”
Theo tin truyền thông báo chí Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã nói với cử tri TP.HCM, vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung vừa qua là thảm họa hết sức nghiêm trọng và để lại hậu quả lâu dài cho Việt Nam. Chủ tịch Trần Đại Quang đã hàm ý trong phát biểu là câu chuyện xem xét trách nhiệm của Formosa chưa chấm dứt. Nhất là gần đây đã phát hiện những vi phạm của Formosa về vấn đề chôn lấp chất thải ở huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh.
Võ Kim Cự - con chốt thí
Theo VnExpress bản tin trên mạng trưa ngày 1/8, Chủ tịch Trần Đại Quang cho biết, Chính quyền đang tiến hành việc xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có liên quan đến việc gây ra sự cố Formosa. Vẫn theo lời ông Chủ tịch nước, để biết rõ cụ thể là ai thì phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Nhưng trên tinh thần không loại trừ bất kể ai, bất kể tổ chức cá nhân nào có liên quan, dù là địa phương hay các Bộ ngành đều phải xử lý.
000_Hkg9833728-600.jpg
TBT Đảng cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng (T) và ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nói chuyện với nhau trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 19/5/2014.
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi vào tối 1/8/2016, Luật sư Trần Quốc Thuận lưu ý tới sự kiện báo chí và các đại biểu Quốc hội, đặc biệt đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn TP.HCM đã nêu đích danh ông Võ Kim Cự. Nhiều ý kiến cần làm rõ trách nhiệm của ông này từ Phó Chủ tịch lên Chủ tịch rồi Bí thư Hà Tĩnh, thời gian các văn bản được thẩm định không bình thường. Bằng vào tư duy phân tích của luật gia và kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động Quốc hội, LS Trần Quốc Thuận nhận định:
“Tôi cho rằng, việc đó đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu và phải làm rõ và không loại trừ bất cứ cá nhân giữ chức vụ nào, kể cả những người đã nghỉ không còn làm việc cũng phải truy cứu trách nhiệm. Tôi nghĩ việc đó hiện giờ cũng đang triển khai làm rõ để tiếp tục xác minh và đến bây giờ dư luận rộng rãi cũng yêu cầu cần khởi tố vụ án. Khi khởi tố vụ án thì lúc đó người ta mới đi vào điều tra cá nhân và xác định trách nhiệm, còn trong đó ông Võ Kim Cự có bị xử lý hay không, thì sau kết luận thanh kiểm tra toàn diện vụ Formosa, tôi nghĩ là không những ông Võ Kim Cự mà còn có thể liên quan đến nhiều người khác… như lời phát biểu trên báo chí của ông Võ Kim Cự thì ông ấy vẫn còn hồ sơ của nhiều người cùng ký trên đấy, chứ không phải một mình ông ấy.”
Khi thảm họa môi trường xảy ra, chính là người dân địa phương phát hiện ra đường ống ngầm xả thải dài 1,5km đặt sâu 17m dưới mực nước biển. Khi ở cao điểm vụ khủng hoảng cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường đã khẳng định việc đặt đường ống ngầm là trái pháp qui định pháp luật Việt Nam. Nhưng sau này Formosa cho biết họ được cấp phép đặt đường ống ngầm do một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường ký duyệt.
Câu chuyện truy xét trách nhiệm tất cả các cá nhân, tổ chức, bất kỳ ở chức vụ nào liên quan đến sai phạm ở Formosa, dù vừa có tín hiệu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thì trên thực tế vẫn còn những ẩn số.
Chúng tôi xin lập lại lời LS Lê văn Luân trong cuộc phỏng vấn tối vừa 28/7 vừa qua, khi nói về khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự vụ Formosa. Đó là khởi tố những người trực tiếp xả thải độc chất chưa qua xử lý ra biển gây thảm họa môi trường, đó là khởi tố hình sự đối với Formosa. Ngoài ra phải khởi tố trách nhiệm quản lý nhà nước có liên quan tới dự án Formosa, trong đó có những người cấp phép sai pháp luật, mà hành vi xả thải gây thảm họa môi trường là hậu quả của hành vi sai.

Dân bị đánh đập vì phản đối doanh nghiệp xây dựng nhà máy khi chưa đền bù

Hoàng Dung, thông tín viên RFA 2016-08-01  
songlam.jpg
 Lễ khởi công xây dựng nhà máy xi măng Sông Lam. Courtesy of vissaigroup.vn
Thêm một dự án xây dựng chính quyền giao đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy, trong khi doanh nghiệp chưa đền bù cho dân, dân phản đối nhà máy xây dựng thì chính quyền lại huy động một lực lượng lớn công an đánh dân.

Đền bù không thỏa đáng

Vào khoảng 8h sáng ngày 30 tháng 7 năm 2016, nhiều người dân ở một số thôn trên địa bàn xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã vào tận nơi nhà máy xi măng Sông Lam được xây dựng trên địa bàn để phản đối không cho nhà máy hoạt động vì chưa đền bù cho người dân.
Theo anh Hào, một người dân ở địa phương cho biết nhà máy đã tiến hành xúc tiến xây dựng hơn 1 năm nay, đến nay đã chuẩn bị được đưa vào hoạt động, các máy móc đã được chuyển về đây, doanh nghiệp có hứa sẽ đền bù thỏa đáng cho người dân, tuy nhiên đến nay người dân vẫn chưa được nhận 1 số tiền đền bù nào dù nhiều lần người dân đã lên tiếng. Bức xúc trước việc đó, sáng nay người dân mới tập trung vào nhà máy để phản đối.
Ngày trước cũng có biểu tình, có xô xát nhưng lực lượng công an chỉ đứng về phía phe công ty Vissai này thôi không đứng về người dân.
- Chị N
Anh Hào cho biết:
“Mới năm ngoái, chưa đền bù cái chi cả, họ đã làm rồi, hoạt động xong rồi, máy cẩu múc máy chi về rồi.”
Chị N xin được giấu tên một người dân ở địa phương cũng cho biết thêm, hiện nay xã Nghi Thiết đa số là những người đi đánh bắt cá và từ biển đi vào trong dân cư chỉ có 1 người duy nhất, tuy nhiên doanh nghiệp lại đổ đất lấp đường, lấp biển không cho dân đi, hơn nữa lại đền bù không thỏa đáng, khi dân ra đứng ra phản đối không cho doanh nghiệp đổ đất lấp đường đi của người dân thì chính quyền không bảo vệ người dân mà họ lại huy động một lực lượng lớn cảnh sát cơ động để đánh đập người dân.
Chị N chia sẻ:
“Con đường này người ta đền bù cũng không thỏa đáng cho người dân là chuyện thứ nhất, thứ hai 2 nữa người dân chỉ có duy nhất 1 con đường này để đi nhưng người ta không cho đi thì lấy đâu mà đi làm ăn nữa.”
Trong khu vực nhà máy xi măng Sông Lam này có 1 nghĩa trang của người dân, và nghĩa trang này đã bị doanh nghiệp giải tỏa từ tháng 4 năm 2016, người dân cũng đã biểu tình phản đối nhưng họ đều bị chính quyền đàn áp.
Chị N cho biết thêm:
“Ngày trước cũng có biểu tình, có xô xát nhưng lực lượng công an chỉ đứng về phía phe công ty Vissai này thôi không đứng về người dân.”

Người dân bị đánh đập

Khi người dân phản đối yêu cầu nhà máy xi măng Sông Lam đền bù cho dân như những gì họ đã hứa thì người dân không nhận được sự hợp tác của doanh nghiệp mà doanh nghiệp lại yêu cầu chính quyền can thiệp để xử lý giúp cho doanh nghiệp.
sl22016.jpg
Giai đoạn II nhà máy xi măng Sông Lam.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ về video cảnh đụng độ giữa cảnh sát và cơ động với người dân. Cảnh sát cơ động thì được huy động với một lực lượng lớn được trang bị vũ khí trong khi người dân lại tay không.
Chị N cho biết, ngay từ sáng sớm, vào lúc 6h thì lực lượng cảnh sát cơ động để chặn con đường không cho người dân ra phản đối, chị cũng cho biết có một người đàn ông đi khám chữa bệnh thì lực lượng cảnh sát không cho lại còn đánh đập người này.
Chị N cho biết thêm.
“Có một bác lúc sáng đi khám bệnh đi qua con đường công ty Vissai đang còn thi hành, công an không cho đi và đánh đập, giẫm trên người, trên ngực rồi đưa bác lên xe, bác còn đang nằm trên này.”
Chị N cũng cho biết khi người dân đứng ra phản đối không cho doanh nghiệp này đổ đất thì chính quyền đã huy động lực lượng lớn cảnh sát cơ động ngăn chặn sau đó cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát cơ động đã diễn ra, người dân bị thương rất nhiều trong đó có 5 người bị thương rất nặng hiện đang cấp cứu tại bệnh viện huyện Nghi Lộc, ở xung quanh bệnh viện cũng được công an bảo vệ, nếu không phải người nhà cũng những người bị thương họ sẽ không cho vào.
Chị N nói:
“Bị thương rất nhiều người thì không nói, nhưng bị thương nặng thì có 4, 5 người.”
Theo ông Thao một người dân ở địa phương cho biết thì tình hình hiện nay tại xã Nghi Thiết đang còn rất nóng, hiện nay cảnh sát cơ động đang còn đi lại trong dân, nhưng người dân quyết sẽ bảo vệ con đường ra biển, con đường đi làm ăn này.
“Chiều này công an vẫn dạo qua dạo lại, chuẩn bị mai đổ đất, mà dân đang định bố trí cột thuyền không đi biển ở nhà bảo vệ đất của mình, chưa thỏa thuận khoản hỗ trợ nên dân không cho đổ, sáng nay họ đã đổ đất rồi đó.”
Chị N cũng cho biết thêm:
Dân đang định bố trí cột thuyền không đi biển ở nhà bảo vệ đất của mình, chưa thỏa thuận khoản hỗ trợ nên dân không cho đổ.
- Ông Thao
“Người dân thì đang còn ngồi ở đây, lúc nào họ đổ cát xuống dưới biển thì người dân sẽ đi biểu tình còn lực lượng công an thì một số rất đông còn đang đứng ngoài đường.”
Vào chiều ngày 31 tháng 7 năm 2016, sau 1 ngày người dân bị lực lượng cảnh sát cơ động đánh, chúng tôi có liên lạc được với chị Hạnh 1 người dân ở địa phương và chị cho biết tình hình những người bị đánh.
“Có 1 người đang điều trị ở bệnh viện huyện Nghi Lộc thì bị nặng, còn mấy người kia đã được về nơi làng để điều trị lại.”

Ý kiến của các cơ quan chính quyền

Để tìm hiểu rõ hơn thông tin, chúng tôi có liên lạc với các cơ quan chính quyền địa phương cũng như bên phía doanh nghiệp, nhưng họ đều từ chối trả lời.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc với trưởng công an xã Nghi Thiết thì ông trả lời như sau rồi cúp máy:
“Tôi không biết.”
Dẫn lời của ông Lê Ngọc Hoa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trả lời trên báo Lao Động số ra ngày 8 tháng 4 năm 2016 cho biết: Dự án đang triển khai ở xã Nghi Thiết là dự án trọng điểm của tỉnh để phát triển kinh tế cho toàn tỉnh, tuy nhiên hiện nay đang còn một số vướng mắc trong việc giải tỏa mặt bằng, ông cũng cho biết sẽ vận dụng chính sách để hỗ trợ cho người dân để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án đang thực hiện ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An do công ty cổ phần xi măng Sông Lam thuộc Vissai Group là đơn vị thi công.
Chị N cũng chia sẻ với chúng tôi, người dân đóng thuế để nuôi chính quyền, nhưng chính quyền lại không bảo vệ dân mà lại còn bảo vệ cho doanh nghiệp để đánh đập người dân điều đó không thể chấp nhận được. Chị N cũng cho biết nếu con đường mà bị lấp thì dân ở đây sẽ không có con đường để đi làm ăn nên người dân sẽ kiên quyết bảo vệ trong khi công an vẫn còn ở đây rất đông.

HRW: Úc phải thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền

RFA-2016-08-01  
000_Hkg8090526.jpg
 Cảnh sát giải tán người biểu tình trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 9 tháng 12 năm 2012.  AFP photo
Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Úc thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền, phải trả tự do cho những tù nhân chính trị, chấm dứt ngay chính sách đàn áp những nhà tranh đấu, và đảm bảo tất cả mọi người đều được hưởng những quyền tự do căn bản.
Trong thông cáo mới phổ biến sáng nay ở Sydney, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, chính phủ Việt Nam bỏ tù nhiều nhà hoạt động và bloggers, dùng vũ lực để giải tán những cuộc biểu tình ôn hòa, tìm cách ngăn cản không cho người dân được quyền tự do tín ngưỡng.
Thông cáo nhấn mạnh rằng vào ngày thứ Năm, mùng 4 tháng Tám tới đây khi đến Hà Nội tham dự đối thoại nhân quyền thường niên Việt - Úc lần thứ 13, phái đoàn đại diện chính phủ Úc phải nói rõ cho chính quyền Việt Nam biết là những lời hứa suông sẽ không được chấp nhận, và đã tới lúc Việt Nam phải thật tâm cải thiện nhân quyền.

Những năm tháng không quên và những người lính già không bao giờ chết

Phong Phạm (Danlambao) - Một đêm tối tháng 7, 1987 trong một căn hộ nghèo nàn tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo, tôi nằm dài trên nền cement lạnh giá ngủ, chờ đến khuya để xuống chân cầu chữ Y gần đó, lên tàu để vượt biên. Đang ngủ thì có cảm giác như có ai đang nhìn mình, mở mắt ra thì thấy Ba của tôi, đang ngồi nhìn. Thấy tôi thức dậy, ông quay đi, lấy tay áo lau nước mắt rồi nói "đến giờ rồi, thức dậy đi con". Đêm đó là đêm Cha con tôi chia tay. Năm đó tôi mới hơn 20, vẫn còn rất ngây ngô.

Những năm tháng đó không thể nào quên, khi gia đình phải sống lang thang nơi này nơi khác vì nhà cửa đã bị lấy hết, không có tiền, không nhà. Em tôi đói quá phải lượm mót bánh mì dưới đất để mà ăn. Ba tôi phải rất vất vả để nuôi sống gia đình bằng nghề kéo xe ba bánh. Ông nhờ một người bạn tìm cách cho tôi vượt biên, với điều kiện là sau này nếu tôi thành công sẽ kiếm tiền trả nợ sau cho chú ấy.

Ba tôi giờ này đã già rồi, Ông không còn canh cánh chuyện quốc gia, Dân tộc nữa nhưng vẫn luôn nhắc nhở tôi không được quên rằng: Chúng tôi là những người Việt Quốc Gia, phải luôn hãnh diện về quân lực VNCH. Phải luôn hãnh diện về những người lính VNCH luôn coi Danh Dự - Tổ Quốc -Trách nhiệm là châm ngôn để sống. Ba tôi không biết rằng, tôi luôn luôn tự hào là con của một quân nhân luôn cố để hoàn thành trách nhiệm với Dân Tộc, Quốc gia. Và luôn tự hào về nguồn gốc cũng như quá khứ anh hùng của quân lực VNCH mà Ba tôi là một thành phần trong đó.

Tôi biết có rất nhiều người có quá khứ cũng giống như tôi, thậm chí hoàn cảnh của họ còn bi đát hơn tôi rất nhiều. Tôi cũng không có cách nào giúp các bạn có hoàn cảnh sống khá hơn. Tôi chỉ hy vọng rằng các bạn sau khi đọc bài này, dành một phút, nhớ về người Cha thân thương của mình, một người mà tôi tin chắc rằng, nếu Ông là một người lính VNCH, tôi dám chắc tận trong đáy lòng của Ông luôn cố gắng hoàn thành Trách nhiệm của một người Cha, luôn cố gắng giũ gìn Danh Dự, và vì là một người lính VNCH ông luôn xem Tổ Quốc là hệ trọng.

Xin đừng bao giờ tin vào lời lẽ bôi nhọ của cộng sản với Cha Ông của chúng ta. Các bạn cũng đừng bắt chước xã hội CS và những người bàng quang, bịt tai, che mắt lại để sống qua ngày. Hãy sống mạnh, sống hào hùng như Cha Ông chúng ta đã từng sống, chết trong những ngày tháng oanh liệt và vinh quang đó. Các bạn đừng chỉ "tồn tại" mà hãy tập đứng thẳng trên đôi chân của mình. Cha Ông chúng ta là những anh hùng thật sự, họ không phải là "ngụy" như cộng sản vẫn rêu rao. Chính họ phải là những người phải cúi đầu trước chúng ta. Hãy học cách đấu tranh bất bạo động. Hãy phản kháng, khắp nơi, khắp các lĩnh vực. Hãy từ chối hợp tác, không đóng thuế v.v... Thế kỷ này, cộng sản không còn có thể muốn làm gì thì làm như trước kia nữa. Hãy chứng minh cho CSVN họ sẽ không bao giờ tiêu diệt được hết những người yêu chuộng tự do, dân chủ. Rồi sẽ đến ngày, cộng sản sẽ vĩnh viễn biến mất trong bóng tối của địa ngục, vĩnh bất siêu sinh. Và những người Cha Ông, những người lính kiêu hùng của quân lực VNCH sẽ mãi mãi trở thành bất tử trong lòng của Dân Tộc Việt Nam. 

Bài này tôi viết đã mấy hôm nhân ngày Father's Day và ngày quân lực VNCH 19/06 dự định chỉ viết cho bạn bè đọc chơi, nhưng hôm nay sau khi đọc được câu chuyện này, đau đớn quá nên gửi đến Danlambao, xem như một nén hương lòng tưởng niệm đến chú Minh, một người lính oai hùng của quân lực VNCH, sau hơn 40 năm rồi vẩn thà tuẫn tiết chứ không chịu nhục với lũ đầu trâu mặt chó, tay sai của CS:

Tội ác cộng sản (*)

Hôm nay, tại tỉnh Tây Ninh bọn côn đồ đã giết chú Minh, một cựu quân nhân VNCH, chú và cậu con trai ra đi bỏ lại người vợ người mẹ bại liệt đáng thương trong túp lều vách đất rách nát.

Sáng sớm, chú Minh vừa tiễn cậu con trai về cõi hư vô, vừa về đến nhà thì bị côn an đến giải về phường nơi chú ở và sau đó chúng chở chú về ngang qua dòng sông chú đòi dừng lại, và hô to ĐÃ ĐẢO CS và chú nhảy xuống và dòng nước cuốn đi bà con đi đường hô toán lên, nhưng không cứu chú kịp cho đến 15h thì mọi người vớt xác chú cách nơi nhảy xuống không xa.

* Nguồn tin Facebook Linh Kiều Hoàng


Ông Đinh Quang Tuyến bị CA sách nhiễu vì dám nói không với Formosa

 


CTV Danlambao - Vào hồi 16 giờ ngày 1/8/2016, một nhóm khoảng 10 người gồm công an cả sắc phục lẫn thường phục, hội viên hội phụ nữ địa phương đã ngang nhiên xông vào nhà ông Đinh Quang Tuyến tại địa chỉ số 142/4, đường 13, phường 4, quận 8, Sài Gòn. Mục đích cuộc đột nhập này là khám nhà trái phép và thu giữ tài sản công dân.

Ông Tuyến kể lại sự việc cho CTV Dân Làm Báo: “Vào khoảng 4 giờ chiều trong lúc tôi đang nấu cơm, thì có tiếng chuông báo ngoài cổng. Tôi vừa mở cửa thì viên thiếu tá, công an khu vực tên Huy, cùng một đám người đứng sẵn bên ngoài xông thẳng vào nhà tôi. Họ tự giới thiệu là công an khu vực, hội phụ nữ cùng đội ngũ Văn Hóa Thông Tin gì đó. Dĩ nhiên là có một số an ninh mặc thường phục.”

Ông Đinh Quang Tuyến kể lại việc bị CA sách nhiễu, khủng bố tinh thần. 
Nguồn: Trần Bang

Bất bình với thái độ xấc xược và vô pháp luật của đám người này, ông Tuyến đã yêu cầu họ ra khỏi nhà. Phớt lờ trước phản ứng của chủ nhà, bọn người này lập tức xông vào bên trong nhà và lấy đi những khẩu hiệu với nội dung phản đối Formosa.

Ông Tuyến cho biết, viên công an khu vực tên Huy hỏi với những câu “khó nghe”:“Anh dán những khẩu hiệu này trước nhà nhằm mục đích gì? Và anh in cái này làm gì và có giấy phép chưa?”

Ông Tuyến trả lời: “Chuyện đó là của tôi. Tôi có quyền công dân của tôi. Tôi có quyền làm như thế. Nếu như các ông cho tôi là có tội thì hãy cho tôi xem qua giấy tờ văn bản đàng hoàng.”

Không thể đưa ra những lý do chính đáng để khám xét chỗ ở cũng như thu giữ tài sản của ông Tuyến, đám người này đành phải ra về trong tức tối. Trước khi phải bỏ đi, họ xé những tờ khẩu hiệu lấy được trong nhà ông Tuyến. Đồng thời, gỡ và xé toàn bộ các khẩu hiệu mà ông Tuyến đã dán trên tường nhà của mình trước đó.

Những thông điệp được ông Đinh Quang Tuyến dán lên trước cổng nhà. 
Photo: Nguyễn Phương

Khẩu hiệu đã bị gỡ và xé. Photo: FB Đinh Quang Tuyến

Sau khi những khẩu hiệu cũ bị gỡ và xé, ông Đinh Quang Tuyến tiếp tục dán lại khẩu hiệu mới. 
Ảnh chụp từ màn hình.
Ông Đinh Quang Tuyến là một người hoạt động nhân quyền rất tích cực. Ông được biết tới là một người dũng cảm và có nhiều sáng kiến trong tranh đấu. Ông là một trong những người mạnh mẽ, quyết liệt trong việc tranh đấu bảo vệ môi trường, lên án tội ác của Formosa và đồng bọn trong thời gian gần đây.

Chia sẻ với CTV Dân Làm Báo, ông cho biết thêm: cuộc sách nhiễu và khủng bố này là hành động trả đũa cho những hoạt động đấu tranh vì môi trường của ông thời gian qua. Đặc biệt là việc dán những khẩu hiệu đó trên tường nhà riêng và nhà Thờ tổ thuộc dòng tộc của ông.

Ông nói: “Có lẽ họ đã họ hiểu được ngầm ý của tôi là: “không những bản thân tôi lên tiếng phản đối tập đoàn Formosa gây hiểm họa trên bốn tỉnh miền Trung cho dân tộc mà còn cả dòng tộc của tôi đều lên tiếng.”

Ông tâm sự: “Từ bao đời xưa đến nay đã có biết bao thế hệ ngã xuống để gìn giữ quê hương đất nước. Dù cho có bị đàn áp hiểm nguy như thế nào tôi sẽ không không bao giờ bỏ cuộc.” 

Ông nhấn mạnh và muốn gởi gắm đến mọi người: “Đối với vận mệnh sống còn của đất nước, mỗi công dân chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ lấy. Vì hành động này là chính nghĩa, mặc nhiên không có gì bàn cãi.”


Thủ thỉ với thím Ngân

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Mấy hôm trước, cộng đồng mạng xôn xao, bàn tán về phát ngôn sấm sét của thím Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội cái gọi là Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Thím phán: “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình”.

Chết chửa, đường đường chính chính là một chính khách, người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của một quốc gia mà ăn nói... chẳng đâu vào đâu cả. Thím Ngân không biết nguyên tắc phát ngôn của một chính khách (đã đành), thì ít ra cũng cần học cách nói năng rõ ràng, gẫy gọn, rõ nghĩa để bàn dân thiên hạ được tỏ tường. Giao tiếp hàng ngày thì nó là những câu nói đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Nếu là chuyển tải thông tin thì cần thỏa mãn những nguyên tắc “What, when, where, who, how”. 

Thím Ngân dùng các cụm từ mơ hồ, bóng gió như: “một số tổ chức, cá nhân”, “thế này thế khác”, “thế này thế nọ”, “những người đó, tổ chức đó”, “các phần tử”, “rối tình hình”..., nghe đến bực mình. Thím ác (trùm cộng sản ai chả ác) nhưng mà nhát. Nhát vì thím không dám đường hoàng chỉ đích danh cá nhân, tổ chức nào để người dân thấy cái mồm ngang mũi dọc của “bọn kích động”, nói trắng phớ ra là “thế lực thù địch, phản động” nó làm sao. Mặc dù thím định hướng cho nhân dân hiểu như thế.

Người ta thường nói “có tật giật mình”. Đúng là tôi có tật thật. Cái “tật” đi biểu tình chống Tàu cộng xâm lược, bảo vệ môi trường. Mà đã đi biểu tình thì phải hô hào thật to. Thậm chí hô “chay” không thỏa, phải vác cả loa đi theo nữa. Có hô, thì người ta mới biết mình muốn gì, đấu tranh vì cái gì. 

Nghe thím phán thế, tôi lập tức tự giác liệt mình vào thành phần thuộc “một số tổ chức, cá nhân này nọ” mặc dù thím đếch dám chỉ đích danh tên tôi.

Tôi có quyền nghĩ như thế vì tôi không phải là người cộng sản. Đó là lý do thứ nhất. Thứ hai, tôi cũng giống như nhiều anh em, bạn bè của mình đã công khai lên tiếng đấu tranh cho hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, cổ vũ cho các giá trị tự do, nhân quyền, dân chủ. Đấy là những lý do để bị gọi là “phản động” hoặc “thế lực thù địch”.

Đã có quá nhiều bài viết, bình luận, phản hồi về phát ngôn của thím Ngân. Nhiều đến nỗi sém chút nữa thì mức độ quan tâm của công chúng sánh ngang màn cho cá ăn mà thím có dịp phô diễn nhân dịp tiếp Tổng thống Mỹ đến thăm nhà sàn bác Hồ một Tập nhiều Chương hồi tháng 5 vừa rồi. Vì thế, tôi không bình luận dài dòng làm gì cho mất thời gian của người đọc.

Thím Kim Ngân đặt câu hỏi: “những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước?”. 

Vậy thì, lấy tư cách của một người Việt Nam không cộng sản, xin đặt ra một câu hỏi sòng phẳng cho bà trùm cộng sản rằng: “Bà Nguyễn Thị Kim Ngân và đảng cộng sản của bà đã làm những gì gây tổn hại cho đất nước?”

Nếu nhất thời thím chưa nghĩ ra câu trả lời, tôi xin gợi ý một vài “từ khóa” để thím tự nảy số trong đầu. Và cũng để người dân nhận diện được thế lực nào mới thật sự là bọn “phản động”, và những ai là người yêu nước.

Các “từ khóa” ấy là: cải cách ruộng đất; nhân văn giai phẩm; xét lại chống đảng; đấu tố; công hàm Phạm Văn Đồng 1958; thuyền nhân; mật nghị Thành Đô; Z30; tham nhũng; Bauxite Tây Nguyên; Formosa; môi trường; tàu lạ; ngư dân; nhân quyền; tiêm vac-xin; công dân chết trong đồn công an v.v…

Gọi là “từ khóa” là để người dân có thể tự lên mạng tìm hiểu thông tin đa chiều, từ đó thấy được bức tranh đen tối của đất nước với nguồn cơn và thủ phạm là ai. 

Riêng với thím, chỉ cần nhắc những cụm từ trên thím đã thấu từ trong gan ruột thím rồi.

02.08.2016

Vỡ đường ống nhà máy alumin Nhân Cơ: “Quả bom" môi trường ngang tầm Formosa!

Boxit nước ta có hàm lượng nhôm thấp so với thế giới, chỉ ở mức 32-36%. Trong khi đó, trên thế giới như: Nam Mỹ, châu Phi, Ấn Độ thì mỏ quặng trên 52-60%.

Nếu so ra việc khai thác này hoàn toàn không có lợi về kinh tế, trong khi đó nguy hại đến môi trường thì hoàn toàn quá lớn. Nếu khai thác thì so lại lợi ích của trồng cao su, cà phê và cây trồng khác với boxit thì cái nào lợi hơn? Tôi chỉ đặt câu nói như vậy”. - PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ

Tạ Vĩnh Yên (Báo Giao Thông) - Sự cố vỡ đường ống dẫn xút Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) cảnh báo thảm hoạ môi trường ngang tầm Formosa.

Chính quyền chưa báo cáo?

Sáng 23/7, sự cố đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ (do nhà thầu Chalieco, Trung Quốc phụ trách) khiến hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao. Khi thấy cá trên suối Đắk Dao chết, nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em đã lội xuống dòng suối này vớt cá về ăn.

Ông Phan Diệu Anh, một trong những người phát hiện sự việc đầu tiên cho biết: “Khi đó, dòng nước có nhiều biểu hiện lạ so với bình thường, nước đục, có màu sẫm đen, trên bề mặt nổi váng loang lổ…; Tiếp xúc thấy có chất nhờn như nước bọt xà bông. Sau khoảng 10 phút tiếp xúc với nước, chân tôi bị ngứa, da khô cứng, căng ra; Những vùng da non bị đau rát, có chỗ rộp lên như bỏng nước sôi”.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, đến ngày 31/7, đã có hàng chục người dân ở dọc suối Đắk Dao bị ảnh hưởng bởi sự cố. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch tỉnh Đắk Nông cho hay, hiện vẫn chưa nhận được báo cáo sự việc của chính quyền huyện Đắk R’lấp.

“Hiện, vẫn đang rà soát lại toàn bộ vụ việc để có phương án cụ thể. Còn đền bù hay không thì hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân và ảnh hưởng như thế nào. Thời gian khắc phục sự cố cũng chưa xác định là bao lâu", ông Tùng cho hay. Vị Phó chủ tịch tỉnh cũng khẳng định: Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã được đánh giá tác động môi trường một các đầy đủ. Ngoài ra, việc giám sát đều được thực hiện cẩn trọng.

Về hướng khắc phục sự cố, Sở TN&MT Đắk Nông cho biết, Công ty Nhôm Đắk Nông đã cho máy móc, công nhân thu gom lượng hóa chất bị thoát ra bên ngoài; Đào xúc phần đất bị kiềm tràn ra ngoài để đổ vào hồ chứa bùn đỏ, đồng thời dùng hóa chất pha loãng trung hòa lượng kiềm. Được biết, công ty cũng đã yêu cầu nhà thầu Chalieco kiểm tra lại toàn bộ thiết kế, thiết bị và quá trình thi công lắp đặt Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Theo đó, Chalieco buộc phải lập báo cáo đánh giá chi tiết về sự cố để đưa ra giải pháp khắc phục, không để xảy ra sự cố tương tự ở các điểm bơm kiềm tại các phân khu khác.

Ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam bày tỏ sự lo lắng khi biết thông tin vụ việc. “Một khi người dân bị bỏng và cá chết thì rõ ràng nồng độ phải lớn mới gây ra hậu quả như vậy. Cách xử lý là đổ axit để trung hòa chất xút. Xút là một chất cực độc hòa vào nguồn nước là một điều rất đáng sợ. Theo tôi, đây là một cảnh báo cho việc khai thác boxit”, ông Bái nhấn mạnh.

Sự cố vỡ đường ống dẫn xút Nhà máy Alumin Nhân Cơ 
cảnh báo thảm hoạ môi trường ngang tầm Formosa. Ảnh: Đoàn Yến

Không cẩn trọng sẽ có Formosa thứ hai

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam) cho biết, nếu không cẩn trọng trong khai thác boxit ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên.

PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ bày tỏ lo lắng khi mới đây Nhà máy Alumin Nhân Cơ vỡ ống xút và tràn ra ngoài. “Quả thực đây là điều báo động cực kỳ nguy hiểm đối với quá trình sản xuất alumin ở khu vực Nhân Cơ. Về nguy hại lâu dài sẽ vô cùng khủng khiếp”.

Được biết, năm 1984 PGS. Phổ đã bảo vệ luận án liên quan đến boxit ở Việt Nam. “Hiện nay, trên thế giới người ta sợ nhất là bùn đỏ trong sản xuất nhôm từ boxit. Bùn đỏ này có độ kiềm rất cao lên đến 12 PH (nước ở mức trung tính độ PH= 7-PV). Trong khi đó, công nghệ của thế giới hiện nay vẫn chưa xử lý được loại xút trong bùn đỏ. Xút này xả ra ngoài thì mức độ phá hủy quá kinh khủng, mọi thứ nó đi qua đều bị tiêu diệt hết”, vị chuyên gia phân tích.

Theo PGS. Phổ, ngay Trung Quốc cũng đã cấm hơn 100 nhà máy sản xuất nhôm theo hình thức chiết quặng boxit. “Tây Nguyên là khu vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung bộ, Nam bộ. Nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến boxit thì hậu họa sẽ khôn lường. Công nghệ xử lý bùn đỏ trên thế giới chưa nước nào chế ngự được xút. Nếu mà vỡ ra thì nguy hại toàn vùng, ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường sống của sinh vật ở các dòng sông, con suối trong khu vực… Tôi nghĩ ở góc độ tác hại môi trường chẳng khác gì Formosa”, PGS. Phổ lo ngại.

Tương tự, ông Đỗ Thanh Bái cho biết, xử lý được vấn đề bùn đỏ phải tốn chi phí rất cao nên người ta chủ yếu sử dụng các hồ chứa để trữ lại lượng bùn này nhằm vào một số việc khác. “Tuy nhiên, hiện nay thời tiết tiêu cực, diễn biến thất thường do biến đổi khí hậu, thế nên trong trường hợp xấu, lượng bùn đỏ này có thể tràn xuống lưu vực các con sông. Khi đó, nó thực sự như một “quả bom” môi trường ở thượng nguồn”, ông Bái đặt vấn đề.



Thư gửi các tướng lãnh quân đội nhân dân Việt Nam

Lư Văn Bảy (Danlambao) - Trong hoàn cảnh đau thương của dân tộc và sự mất nước đang cận kề, với tư cách là một công dân tôi mạnh dạn viết lá thư này gởi đến quý vị bởi vì, tôi nghĩ rằng quý vị là những tướng lãnh chỉ huy quân đội để bảo vệ chủ quyền của đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tôi cũng tin rằng quý vị cũng cùng có chung quan điểm với toàn dân là không bao giờ chấp nhận mất nước. Nhưng thật là nghiệt ngã khi kể từ sau ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước là lúc mà người bạn vàng phương Bắc lộ nguyên hình xâm chiếm Việt Nam, chúng đã tìm đủ mọi cách để phá hoại nền kinh tế và chính trị cùng tinh thần đoàn kết dân tộc VN để hồng chiếm trọn đất nước của chúng ta như bọn chúng đã từng làm ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông. Cũng vì trung thành với ý thức hệ cộng sản, một ý thức hệ đã được loài người cho vào quá khứ, cái thời vàng son của CNCS đã không còn nữa kể từ ngày đất nước Liên sô nơi phát sinh ra CNCS và cả khối cộng sản Đông Âu tự từ bỏ nó.

Trở lại đất nước Việt Nam chúng ta, chủ tịch Hồ Chí Minh có nói "Tổ tiên ta có công dựng nước, bác cháu ta phải cố công gìn giữ nước". Nhưng gìn giữ kiểu gì mà vùng đất địa đầu Ải Nam Quan, 2/3 thác bản Giốc, bãi Tục Lãm... lại dâng cho Tàu cộng bằng hiệp định biên giới tháng 12/1999 và gần 10.000 km2 vùng biển vịnh Bắc bộ cũng được giao cho Tàu cộng bằng hiệp ước tháng 12/2000, gìn giữ kiểu gì mà mà ngày 14/9/1958 thủ tướng Phạm Văn Đồng lại ký công hàm công nhận thông báo ngày 4/9/1958 của Tàu cộng là Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của chúng.

Gìn giữ kiểu gì mà cho đến hôm nay Tàu cộng đã bồi đắp và xây dựng xong các phi trường và căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa và các hòn đảo chiến lược của Trường Sa

Gìn giữ kiểu gì mà lại không dám thưa Tàu cộng ra tòa án QT trong khi phán quyết của tòa trọng tài quốc tế PCA đã phủ nhận hoàn toàn sự hiện diện của Tàu cộng tại biển Đông và cộng đồng thế giới cũng đang ngầm ủng hộ VN ta.

Gìn giữ kiểu gì mà cho Tàu cộng thuê trên 300 ngàn héc ta rừng chiến lược cặp biên giới thời hạn 50 năm.

Gìn giữ kiểu gì mà cho Tàu cộng thuê trên 30 ngàn héc ta đất Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh thời hạn 70 năm để chúng thành lập khu kinh tế riêng của chúng để chúng có điều kiện xả độc giết dần dân tộc VN ta.

Gìn giữ kiểu gì mà lại cho Tàu cộng làm chủ Tây Nguyên trong chủ trương lớn khai thác Bauxit để những hầm chứa bùn đỏ của chúng hiện nay là một đại họa trên đầu nhân dân nếu một khi chúng cho tràn xuống làng mạc của nhân dân.

Gìn giữ kiểu gì mà tất cả những công trình, dự án quan trọng ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng lại do Tàu cộng trúng thầu xây dựng.

Gìn giữ kiểu gì mà hàng hóa chứa chất độc của Tàu cộng đã và đang tràn lan khắp thị trường khiến cho đại đa số người dân không biết phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

Gìn giữ kiểu gì mà lúc nào cũng nghĩ tới đàm phán song phương với Tàu cộng, lúc nào cũng xem trọng tình hữu nghị đời đời bền vững trong chủ trương 16 chữ vàng và 4 tốt, lúc nào cũng lệ thuộc vào Tàu cộng từ kinh tế lẫn chính trị v.v... còn rất nhiều những mối nguy hại khác mà TBT Nguyễn phú Trọng đã ký trong những lần công du qua Tàu cộng.

Có phải vì để làm tròn trách nhiệm đối với Tàu cộng cho nên trong kỳ đại hội 12 vừa qua, TBT Nguyễn phú Trọng đã tìm đủ mọi cách để trụ lại mặc dù tuổi tác của ông quá cao vượt quy định, ông còn công khai phá luật để tuyên bố chỉ có người miền Bắc mới được làm TBT đảng để loại hoàn toàn người miền Nam.

Thưa quý vị

Hiện nay, việc xả chất độc hại của tập đoàn Formosa đã làm chết cá, hủy hoại hoàn toàn hệ sinh thái biển tận dưới lòng đại dương, làm ô nhiễm môi trường nặng nề của miền Trung mà theo sự nhận định của các nhà khoa học là cho đến 50 năm sau chưa chắc trở lại bình thường, diệt luôn cả nguồn sinh sống của ngư dân và nhân dân miền Trung. Trong khi cao trào cá chết đang lên cao thì chính tên giám đốc đối ngoại của Formosa Chu xuân Phàm trả lời phóng viên đài truyền hình VTC là chúng không thể chọn cả 2 giữa cá tôm và nhà máy, rồi TBT Nguyễn phú Trọng đi thăm Vũng Áng ngày 22/4 lại khen Formosa đi đúng hướng.

Việt Nam cũng từ chối sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và Quốc tế vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân, liên tiếp trong suốt thời gian hàng 2 - 3 tháng liền máu của người dân đã đổ ra rất nhiều trong những lần biểu tình ôn hòa đòi chính quyền phải minh bạch vì bị công an và an ninh đàn áp, đánh đập, các cơ quan bộ ngành cứ giải thích quanh co là do thủy triều đỏ và tảo nở hoa, mãi cho đến khi chính tập đoàn Formosa ra thông báo tự nhận có xã chất độc thì ngày hôm sau chính quyền mới họp báo công nhận Formosa là thủ phạm.

Điều làm cho nhân dân thêm bức xúc là thủ tướng Nguyễn xuân Phúc lại tự động vi hiến khi đơn phương chấp nhận 500 triệu USD tiền lẻ của Formosa và yêu cầu nhân dân độ lượng và khoan hồng cho Formosa, cho Formosa tiếp tục hoạt động khi nào tái phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Hành động này chứng tỏ thủ tướng không đứng về phía nhân dân mà lo bảo vệ sự tồn vong của Formosa. 

Không biết khi vội vã nhận 500 triệu USD của Formosa thủ tướng có nghĩ đến sự tác hại lâu dài đến 50 - 70 năm sau và hiện tại 500 triệu này có đủ để mua quan tài cho hàng triệu người dân miên Trung không?. Hàng trăm ngàn tấn cá chết sẽ đi về đâu khi có rất nhiều lần người dân đã phát hiện là được các con buôn đem đi chế biến nước mắm.

Hiện nay Formosa vẫn tiếp tục đem chôn chất thải độc hại đến các nơi, xả ra con suối gần nhà máy để diệt luôn những dòng sông sinh hoạt của người dân, Tàu cộng không bao giờ từ bỏ bất cứ hành động nào có thể để tiêu diệt dần nhân dân Việt Nam.

Hãy nhìn lại dân số của Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông ngày nay rồi so sánh với dân số của họ trước khi bị Tàu cộng xâm chiếm để biết rằng nếu chẳng may VN rơi vào tay Tàu cộng. Thế mà các nhà lãnh đạo đất nước lại càng ngày càng siết chặc bàn tay với Tàu cộng, lại còn dùng quân đội tập dượt chung với quân đội của Tàu cộng sát biên giới với khẩu hiệu là chống khủng bố. Tôi tin chắc rằng trên thế giới chưa có một quân đội nào lại đi tập trận chung với kẻ thù đã và đang chiếm đất đai và biển đảo của đát nước mình cả.

Mới đây trong hội nghị của ASEAN ngày 25/7 tại Lào, bộ trưởng ngoại giao Phạm bình Minh lại vui vẻ bắt tay thân thiện với bộ trưởng ngoại giao Tàu cộng Vương Nghị, còn thứ trưởng ngoại giao VN Lê hoài Trung nói với hãng thông tấn AP rằng "Chúng ta nên sử dụng tất cả mọi thứ để thúc đẩy tình hữu nghị và thúc đẩy đàm phán, đừng nhìn vấn đề như việc thắng hay thua, còn hay mất. Nên cố gắng tự kềm chế để có thể cùng tiến về phía trước với tinh thần xây dựng tích cực cho tình bạn". Cũng vì xem nhẹ quyền lợi thiêng liêng của đất nước mà thứ trưởng ngoại giao Lê hoài Trung mới dẹp qua việc thắng hay thua, còn hay mất để xây dựng tích cực tình bạn với Tàu cộng. Điều này đã chứng minh rõ ràng là lãnh đạo đất nước đã không bao giờ muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự xâm lăng của Tàu cộng. Chắc quý vị cũng biết rằng cá nhân của một thứ trưởng ngoại giao không bao giờ dám phát biểu như vậy. Tôi tin chắc rằng trong hàng tướng lãnh của quý vị vẫn còn rất nhiều người không bao giờ chấp nhận mất một tấc đất nào của Tổ Quốc cho Tàu cộng hoặc bất cứ một ngoại bang nào hết. Chắc quý vị cũng còn nhớ câu nói của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi "Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức dân quyết định, Vương triều nào được lòng dân, có kết được nhân tâm thì làm nên việc lớn. Trái lại, Vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn gì cũng sẽ bị tiêu vong". Công bằng và khách quan để nhận định là lòng dân hiện nay với ý đảng vẫn còn nghìn trùng xa cách. 

Để chứng minh cho điều này tôi xin đơn cử ra đây 2 chuyến thăm của lãnh đạo 2 nước, một là chuyến thăm của Tập cận Bình với sự tiếp đón long trọng bằng 21 phát đại bác chưa từng có trong lịch sử VN, nhưng nhân dân thì xuống đường hô vang đả đảo và đuổi đi mặc dù, bị lực lượng công an, an ninh đàn áp, đánh đập. Ngược lại, tổng thống Hoa Kỳ Obama tuy cuộc đón tiếp chỉ sơ sài không bằng ai, nhưng nhân dân thì đón chào ông ta như là một quốc khách với lòng ngưỡng mộ trùm khắp cho dù, trước đó vẫn có rất nhiều người bị công an canh gác. Cũng vì xem nhẹ quyền lợi thiêng liêng của đất nước mà thứ trưởng ngoại giao Lê hoài Trung mới dẹp qua việc thắng hay thua, còn hay mất để xây dựng tích cực tình bạn với Tàu cộng. Điều này đã chứng minh rõ ràng là lãnh đạo đất nước đã không bao giờ muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự xâm lăng của tàu cộng. Chắc quý vị cũng biết rằng cá nhân của một thứ trưởng ngoại giao không bao giờ dám phát biểu như vậy. Tôi tin chác rằng trong hàng tướng lãnh của quý vị vẫn còn rất nhiều người không bao giờ chấp nhận mất một tấc đất nào của Tổ Quốc cho Tàu cộng hoặc bất cứ một ngoại bang nào hết.

01.08.2016

Công dân Lư Văn Bảy [Quê Hương]