QUẢNG TRỊ (NV) – Đội phó Cảnh Sát Giao Thông huyện Cam Lộ đã bị tạm đình công tác do bị tố cáo giả dạng côn đồ đánh người đi đường.
Ngày 31 Tháng Ba, ông Đào Trọng Tiến, trưởng công an huyện Cam Lộ xác nhận, đã tạm đình chỉ công tác ông Nguyễn Ngọc Danh, đội phó Đội Cảnh Sát Giao Thông( CSGT) huyện để làm rõ việc bị tố cáo đánh người do đơn của dân chúng gửi công an tỉnh Quảng Trị.
Theo đơn tố cáo gửi công an tỉnh, anh Trần Văn Linh (26 tuổi), trú huyện Cam Lộ cho biết, sự việc xảy ra vào tối 25 Tháng Ba, khi đang chạy xe máy biển kiểm soát Sài Gòn qua thị trấn Cam Lộ thì bị tổ công tác cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại kiểm tra.
“Cảnh sát giao thông tự ý thu xe mà không có biên bản, giấy tờ xác nhận,” anh Linh kể và cho hay có đầy đủ giấy tờ xe và bằng lái nhưng chưa xuất trình vì cảnh sát không cho xem điều lệnh “kiểm tra theo chuyên đề.”
Đơn tố cáo còn cho hay, trong lúc hai bên đang đôi co thì một người mặc thường phục bất ngờ đi đến “đấm vào mặt” anh. Sự việc được anh Linh ghi lại bằng camera gắn trên nón bảo hiểm.
Trả lời phóng viên báo Người Lao Động qua điện thoại, ông Tiến xác nhận, người đàn ông mặc thường phục, bị tố cáo đánh người là Trung Tá Nguyễn Ngọc Danh, đội phó CSGT huyện Cam Lộ.
Theo ông Tiến, “Ông Danh không nằm trong ca trực, nhưng nhà ở gần đó, nghe ồn ào nên ra quan sát sự việc. Còn tổ công tác hôm đó không có gì sai hết,” ông Tiến khẳng định. (Tr.N)
HẬU GIANG (NV) – Nhà máy Giấy Lee & Man của Trung Quốc vừa chạy thử nghiệm khiến người dân thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, phải chịu đựng khói, bụi và mùi hôi nghiêm trọng.
Chiều ngày 30 Tháng Ba, ủy ban thị trấn Mái Dầm cho biết từ hơn 10 ngày qua, nhiều hộ dân sống gần nhà máy Giấy Lee & Man đến trụ sở y ban phản ánh nhà máy này từ khi hoạt động thử nghiệm ngày 10 Tháng Ba đến nay xuất hiện mùi hôi, thối, khói bụi rất khó chịu. Mới đây lại có thêm mùi lạ rất khó thở.
Gia đình bà Trần Thị Dung (50 tuổi) sống cách nhà máy giấy Lee & Man khoảng 150 m cho hay, từ khi nhà máy vận hành thử đến nay, bụi than, mùi hôi nồng nặc từ nhà máy giấy bay sang khiến cuộc sống của gia đình bà rơi vào “bi kịch.”
“Ban ngày còn đỡ, chứ ban đêm thì chịu không nổi, nó hôi đến mức lộn ruột lộn gan. Sống mà khổ như vậy thế này thì ai chịu nổi, không biết chết khi nào. Tội nhất là chồng tôi đi làm cả ngày tối về lại chịu đựng mùi hôi, tiếng ồn của nhà máy,” bà Dung phàn nàn.
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Dung, ông Trần Văn Long (50 tuổi) cho biết, người dân nơi đây phải đóng kín cửa để tránh mùi hôi thối. Thậm chí khi đi ngủ, còn phải đeo túi nylon, khẩu trang. “Phòng ngủ nhà tôi bằng gỗ nên có kẽ hở. Tối đi ngủ tôi phải lấy túi nylon trùm kín mặt, đó là cách duy nhất để chống lại mùi hôi thối từ nhà máy giấy bay sang,” ông Long than thở.
Ông Huỳnh Hữu Hạnh (62 tuổi), ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, đại diện cho nhiều hộ dân, cho hay, nhà máy hoạt động gây tiếng ồn và mùi hôi thối 24/24 giờ, nhất là lúc ban đêm.
“Mới chạy thử mà đã như vậy, mai kia hoàn thành chạy chính thức thì chắc người dân chúng tôi sẽ khổ lắm. Bà con chịu hết xiết rồi, nếu không khắc phục được mùi hôi thì bà con chúng tôi phải di dời nơi khác kiếm sống,” ông Hạnh tức giận nói.
“Bà con ở đây đều sống ổn định, không ai muốn đi đâu hết. Tui nghe nói nhà máy đầu tư cả ngàn tỷ nên khó lòng mà dời đi, khó lòng mà dẹp họ. Thôi thì để dân chúng tôi đi. Nếu ở đây mang bệnh thì lúc đó có đi cũng không kịp,” ông Huỳnh Minh Thành, ở ấp Phú Xuân nói.
Ông Tống Hoàng Khôi, chủ tịch huyện Châu Thành cho biết, tại buổi làm việc, người dân đề nghị công ty này sớm khắc phục mùi hôi, thối, khói bụi, đồng thời đề nghị ủy ban tỉnh, huyện tổ chức di dời các hộ dân sinh sống gần khu vực nhà máy đi nơi khác.
Trong khi đó, nói với báo Tuổi Trẻ về việc người dân kêu cứu vì nhà máy gây ô nhiễm, ông Lê Quốc Việt, phó giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi Trường tỉnh Hậu Giang, thành viên của tổ giám sát cho biết, đánh giá tác động môi trường cho phép giám sát tiếng ồn, mùi hôi, khí thải, nước thải… công ty này đạt 22 thông số nước thải cơ bản chuẩn, trong đó chỉ có thông số chất thải rắn lơ lửng là chưa chuẩn. Phía công ty cho biết do thiết bị mới lắp đặt, đang điều chỉnh.
Tại sao đã có tổ giám sát gồm nhiều cơ quan chức năng như thế mà để ô nhiễm đến mức người dân chịu hết nổi phải tố cáo? Trả lời câu hỏi này, ông Việt xác nhận đúng là còn mùi hôi thối, khói, bụi. Tổ Giám Sát đã báo cho công ty và họ ghi nhận, hứa khắc phục. Công ty cũng có lấy mẫu phân tích nhưng chưa báo lại kết quả.
“Sở dĩ tỉnh Hậu Giang chưa lấy mẫu mùi hôi để phân tích vì ở Hậu Giang, Cần Thơ không có đơn vị làm việc này. Sở Tài Nguyên – Môi Trường Hậu Giang đã báo việc này với Tổng Cục Môi Trường,” ông Việt ngụy biện. (Tr.N)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Liên tiếp nhiều ngày qua, người dân địa phương đến trụ sở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đòi bồi thường vì hậu quả do công ty Formosa xả hóa chất độc ra biển.
Theo tin tức và một số hình ảnh phổ biến trên trang Facebook cá nhân Thảo Teresa, “Hôm nay 31 Tháng Ba, mặc dù trời mưa gió rét mướt nhưng những người dân chịu thảm họa vì Formosa xả thải vẫn đi đến ủy ban xã Thạch Bằng – Lộc Hà, Hà Tĩnh, để đòi quyền lợi.”
Theo facebooker Thảo Teresa, “Trong khi đó nhà cầm quyền vẫn trơ lỳ coi như không liên quan và cho an ninh côn đồ ra trấn áp bà con. Truyền thông nhà nước thì vẫn ra sức tuyên truyền rằng đã nhận đền bù và biển miền Trung đã sạch. Nghĩ mà thương dân mình khi phải sống dưới một chế độ dối trá và bịp bợm.”
Các hình ảnh cho thấy, không những đồng bào trương biểu ngữ đòi bồi thường thiệt hại mà còn đồng thời đòi đuổi công ty Formosa “cút khỏi Việt Nam” vì gây đại họa cho người dân và biển Việt Nam.
Suốt nhiều ngày qua, hằng trăm người dân của xã Thạch Bằng tiếp tục kéo đến trụ sở chính quyền địa phương đòi bồi thường cho các thiệt hại từ thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên. Năm ngoái họ đã từng biểu tình rất nhiều lần.
Những cuộc biểu tình của người dân xã Thạch Bằng lại xảy ra vì nhà cầm quyền Hà Nội sau khi nhận $500 triệu bồi thường từ công ty Formosa đã chỉ phát lại một phần trong số tiền đó cho người dân bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Không những vậy, họ lại đền bù không công bằng làm cho người dân lại càng thêm tức giận. Rất đông các gia đình bị thiệt hại thật sự lại không nằm trong số những người được nhà cầm quyền chia tiền bồi thường. (T.N)
NAM ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Người dân hai xã Nghĩa Trung và Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, đã đồng loạt ký đơn “tố” chính quyền xã Nghĩa Trung xây khu xử lý rác thải chui khi chưa được cấp phép ngay trong khu dân cư.
Theo mô tả của phóng viên báo Thanh Niên, tại khu đất rộng khoảng 1,000 mét vuông trên cánh đồng Mẫu, ủy ban xã Nghĩa Trung đang san lấp để xây khu xử lý rác thải chui, chỉ cách các thôn xóm chừng 300-400 mét.
Ông Nguyễn Văn Trúc (92 tuổi), ở xã Nghĩa Trung cho hay, khu xử lý rác này nằm cách nghĩa trang của thôn An Phú, xã Nghĩa Sơn chỉ 20 mét, cách nghĩa trang Tam Toà của xã Nghĩa Trung hơn 300 m. “Để bãi rác gần mồ mả tổ tiên chúng tôi như thế này thử hỏi có được không,” ông Trúc bất bình nói.
Ngoài ra, khu xử lý rác này cũng cách hai nhà máy nước sạch cung cấp nước xài cho 10 xã trong vùng chỉ hơn 1 km, khiến người dân bất bình, hoang mang.
Nói với phóng viên báo Thanh Niên, người dân cho biết thêm, ủy ban xã Nghĩa Trung đã không hề thông báo cho dân biết khi xây dựng khu xử lý rác thải này.
Chính quyền xã đã lẳng lặng tìm kiếm mặt bằng cho đến đầu năm 2017, khi nhiều xe chở vật liệu về để xây dự án thì người dân mới biết và kéo ra ngăn cản.
Ông Phạm Cao Thắng, chủ tịch xã Nghĩa Trung thừa nhận không họp lấy ý kiến người dân về dự án. “Do tiến độ xây dựng nông thôn mới huyện giao đến Tháng Năm, 2017, phải hoàn thành nên chúng tôi có phần vội vàng,” ông Thắng biện minh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thịnh, phó trưởng Phòng Tài Nguyên – Môi Trường huyện Nghĩa Hưng cho biết, đến giữa Tháng Ba phòng này mới nhận được văn bản của ủy ban tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương cho phép xã Nghĩa Trung xây dựng khu xử lý rác thải.
“Ủy ban xã đã ‘vượt mặt’ cấp trên. Theo quy trình, xã phải lập hồ sơ để chúng tôi trình huyện, trình tỉnh ra quyết định thu hồi đất, từ đó mới triển khai các bước tiếp theo của dự án,” ông Thịnh nói.
Nói với báo Thanh Niên, ông Sái Hồng Thanh, chủ tịch huyện Nghĩa Hưng chỉ cho biết: “Sẽ kiểm tra và yêu cầu xã Nghĩa Trung thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cũng như các quy định, trình tự thủ tục.” (Tr.N)
TIỀN GIANG (NV) – Chỉ trong một đêm, tại huyện Châu Thành đã xảy ra hai vụ giết người. Công an đã bắt được ba nghi can, trong đó hai người khai là giết người theo “đặt hàng.”
Sáng 31 Tháng Ba, cảnh sát hình sự, công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đã bắt ba người là Nguyễn Nhân Nghĩa (17 tuổi), ngụ phường 7, thành phố Mỹ Tho, Trương Thành Quang (38 tuổi), ngụ xã Bình Đức, huyện Châu Thành và Trần Thanh Vũ (26 tuổi), ngụ xã Tân Hương, huyện Châu Thành vì liên quan đến hai vụ giết người, làm hai người chết, xảy ra vào đêm 28 Tháng Ba.
Báo Người Lao Động loan tin, khoảng 8 giờ tối ngày 28 Tháng Ba, công an huyện Châu Thành và công an tỉnh Tiền Giang nhận được tin báo tại khu công nghiệp Tân Hương xảy ra vụ án mạng làm một người chết mà hung thủ gây án chỉ trong tích tắc, không ai nhìn thấy rõ.
Tin cho biết, vào thời điểm trên, anh Nguyễn Chi Lăng (27 tuổi), quê huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đến công ty Simon 2 để đón vợ tan sở. Khi công nhân vừa ra thì mọi người thấy một nhóm thanh niên gây sự với anh Lăng rồi dùng vật nhọn đâm anh chết tại chỗ.
Giảo nghiệm tử thi cho thấy, anh Lăng bị đứt động mạch chủ, đứt động mạch phổi, mất máu chết. Công an xác định kẻ gây án chính là Vũ.
Vụ thứ hai xảy ra lúc 11 giờ tối cùng ngày. Nạn nhân là ông Bùi Văn Hải (55 tuổi), ngụ xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành. Ông Hải đang trên đường về nhà thì bị ba người lạ mặt chém hàng chục nhát vào người làm ông chết tại chỗ. Qua điều tra, công an đã bắt được Quang và Nghĩa.
Tại cơ quan công an, Quang và Nghĩa khai nhận đã giết người theo “lệnh” của người khác. Chi tiết vụ án đang được công an điều tra. (Tr.N)