TP - Lời khai của tử tù Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử ông em Dương Tự Trọng gây chấn động dư luận những ngày qua. Nhiều câu hỏi đặt ra: Ông Dũng khai có căn cứ không? Việc khởi tố vụ án tại tòa có quá vội vã? Ông Dũng có được giảm nhẹ hình phạt, thoát án tử hình nếu lời khai được chứng minh?
Trả lời những câu hỏi này không quá khó. Những vấn đề này đã có ngay trong hồ sơ vụ án, và trong các quy định pháp luật.
Dễ thấy lời khai của ông Dũng phù hợp với diễn biến vụ án: Ông Dũng bỏ trốn ngay sau khi Viện KSNDTC phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can do Thủ trưởng CQĐT ban hành. Theo lời khai của ông Dũng, ông được nhân vật từ Ban chuyên án “mật báo” ngày 17/5/2012, ông báo ngay cho ông em Dương Tự Trọng. Điều này phù hợp với lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn (48 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng CSĐTTP về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng).
Cần nói thêm, lời khai của ông Dũng tại tòa không phải là điều bất ngờ. Theo luật sư bào chữa cho ông Dũng, chuyện này đã được ông Dũng khai trong quá trình điều tra vụ án “cố ý làm trái” và “tham ô” trước đó.
Khi lời khai của ông Dũng bước đầu phù hợp với những tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, việc khởi tố vụ án để điều tra là cần thiết, theo quy định tại Điều 13, Điều 72, Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tiếp đến chuyện, nếu lời khai của ông Dũng đúng sự thật, lấy đâu chứng cứ để chứng minh?!
Giả sử ông Dũng cung cấp được số máy gọi đến, số máy tiếp nhận cuộc gọi từ nhân vật trong ban chuyên án, và máy chủ của đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông chưa xóa list các cuộc điện thoại, chuyện này có thể xác minh. Tuy nhiên, nếu gọi cho nhau bằng sim “rác” thì cũng khó truy tìm và khó quy trách nhiệm được.
Lời khai của ông Dũng còn có nhiều tình tiết khác để xác minh. Chẳng hạn, việc gặp nhân vật trong ban chuyên án tại Tuần Châu - Quảng Ninh. Rồi việc đến nhà, xách theo ca-táp chứa 500.000 USD. Rồi việc gặp con trai của nhân vật trong ban chuyên án tại một cuộc sinh nhật… Ông Dũng còn khai có đưa “phong bì” cho một số điều tra viên, những chuyện này đều phải xác minh, làm rõ.
Nếu việc xác minh cho thấy lời khai ông Dũng phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được, cộng thêm việc ông Dũng (thông qua gia đình) tích cực khắc phục hậu quả, khi đó, ông Dũng có thể được xem xét, có thể được giảm nhẹ hình phạt. Nhà nước ta luôn khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 3, Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Nếu việc xác minh cho thấy lời khai ông Dũng không đúng sự thật, ông Dũng rất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “vu khống”, theo các điểm đ, điểm e, khoản 2 Điều 122 Bộ luật Hình sự.