Saturday, July 2, 2016

500 triệu Mỹ kim và nỗi nhục lịch sử

07/01/2016 - 18:32 

Kết quả điều tra vụ hải sản chết, biển chết ở miền Trung Việt Nam được chính phủ Cộng sản Việt Nam công bố lúc 5h chiều ngày 30 tháng 6 (sau hơn hai tháng rưỡi kể từ khi xảy ra vụ cá chết) được các báo trong nước tung hê, ca ngợi. Trong đó, mức đền bù thiệt hại do Formosa chịu là 500 triệu Mỹ kim cũng được xem như một “thành quả đấu tranh” mà ngành công an CSVN đã nỗ lực cùng với nhà nước, chính phủ và đảng CSVN mới có được. Nó xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo. Trong khi đó, thực hư câu chuyện này ra sao và nó có đáng để được ca ngợi hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.
Có những câu hỏi đặt ra lúc này, đó là: Vì sao phải đến ngày 30 tháng 6 mới có kết quả điều tra? Chính phủ CSVN đóng vai trò gì trong việc công bố kết quả điều tra cũng như “buộc thế” Formosa đền bù 500 triệu Mỹ kim? Và con số 500 triệu Mỹ kim này có giá trị gì?
Ở câu hỏi thứ nhất, vì sao phải đến 30 tháng 6 mới có kết quả? Thực ra, kết quả điều tra này đã có trước đó từ lâu chứ không phải mới có. Bởi những kết quả điều tra độc lập có sự hỗ trợ của giới chuyên gia nước ngoài, chủ yếu là chuyên gia Mỹ đã cho kết quả hàm lượng Phenol, Cyanua và nhiều chất độc hại khác chiếm nồng độ quá mức cho phép ở ngưỡng nặng. Với kết quả này, đa số người dân Việt Nam có thể đồng ký đơn để kiện Formosa ra tòa trong nước và thậm chí tòa quốc tế.
Bên cạnh đó, có sức ép của giới khoa học Mỹ lên chính quyền Đài Loan, nhất là trong lúc nước này chuẩn bị hợp tác thử tên lửa với Mỹ tại Mỹ. Điều này buộc Đài Loan phải lên tiếng, Formosa Đài Loan phải bắn tiếng cho công nhân của họ tại Việt Nam như một thông điệp nhận lỗi và củng cố niềm tin của người lao động xứ Đài Loan đang sống xa nhà.
Và đến nước này thì Formosa Hà Tĩnh không thể tiếp tục cãi chày cải cối được nữa, họ phải nhận lỗi. Việc nhận lỗi của họ chẳng tốt đẹp gì bởi nó mang động cơ tránh tội, nhận lỗi để thoát tội. Và để được như vậy, phải có sự hợp tác của chính phủ Việt Nam, phải làm ra vẻ nguy hiểm, điều tra, công bố kết quả, tất cả là một màn kịch nhằm thăm dò thực hư kết quả độc lập. Khi kết quả độc lập từ phía nhân dân quá thuyết phục, Formosa và chính phủ Việt Nam lại diễn một màn kịch công bố kết quả điều tra để rồi “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người quay lại, kêu gọi nhânn dân mở lòng bao dung, độ lượng…”.
Có một điều lạ là khi kết quả điều tra chưa được công bố, chưa biết ai đúng ai sai thì hà cớ gì Formosa Hà Tĩnh lại phải xin lỗi, nhận lỗi? Bởi video nhóm người trong hội đồng quản trị Formosa cúi đầu xin lỗi được quay vào ngày 28 tháng 6, trước khi công bố kết quả 2 ngày. Để rồi khi công bố kết quả xong thì chính phủ CSVN lại cho phát video đó cho báo chí theo dõi, tiếp sau đó đứng ra kêu gọi nhân dân phải mở rộng lòng bao dung, tha thứ cho Formosa, tuyên bố sẽ không truy tố, không kiện Formosa?!
Rõ ràng đây là vở kịch sau khi thấy nuốt không trôi thì đành phải chìa cho người khác một miếng lấy thảo! Vì không thể tiếp tục dấm dúi, ém nhẹm thông tin, bởi nếu tiệp tục thì lúc đó các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ cho đại đa số những ngư dân mất trắng cùng giới trí thức Việt Nam để kiện Formosa. Và khi mọi chuyện trắng đen rõ ràng, Formosa phải chịu tội, chính phủ CSVN cũng chịu tội liên đới. Cuối cùng thì mọi chuyện vỡ lẽ, đảng CSVN không còn chỗ để chui trước quốc dân và quốc tế.
Chính vì nhìn thấy điều này nên đảng CSVN đã buộc phải diễn một vở kịch công khai thông tin kết quả điều tra. Mà trước khi công khai kết quả thì đã có một vở kịch khác, đó là tổ chức họp mặt giữa hội đồng quản trị Formosa Hà Tĩnh với giới chức các bộ, ngành để cho họ xin lỗi, cúi đầu nhỏ nước mắt để quay phim, tuyên bố đền bù… Sau đó hai ngày (30 tháng 6), khi đã công bố kết quả thì mới đem video này ra trình chiếu trước các con mắt báo chí nhằm làm cho họ có cái để tiếp tục mị dân.
Nhưng, vấn đề cốt lõi của việc phát video vẫn nằm ở chỗ đó là cái cớ để chính phủ CSVN biện hộ cho Formosa, tha bỗng cho họ cái tội mà lẽ ra chính phủ phải kiện họ ra tòa, thậm chí chính phủ và nhân dân phải đưa họ ra tòa quốc tế nếu họ không chịu nhận tội.
Đằng này, với một cái cúi đầu (mà trước đó là ngông nghênh, coi thường người Việt Nam) được bảo hộ với chính phủ Việt Nam, bỏ ra 500 triệu Mỹ kim để gọi là “đền bù, hỗ trợ” cho ngư dân tái sinh sống rồi sau đó thở phào thoát tội bởi đã có chính phủ Việt Nam che chở, đứng ra kêu gọi nhân dân hãy “mở rộng lòng vị tha, bao dung, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại…” để rồi hứa nhăng hứa cuội về việc xả thải, lại tiếp tục sản xuất…
Cuối cùng thì chẳng mất gì cả. Vì đầu tư tử tế thì mất gần 2,5 tỉ Mỹ kim để xử lý nước thải, bây giờ mất 500 triệu, sau đó lại hoạt động. Mà một khi biển đã chết, nồng độ độc tố đã đầy rẫy trong nước biển, tình trạng biển chết kéo dài đến 50 năm, như vậy có xả thêm vào biển thì cũng chẳng có ma nào dám lặn xuống khu vực có ống xả dưới biển mà kiểm tra. Kinh nghiệm về cái chết của các thợ lặn đã quá đủ để người ta sợ hãi, nhất là các chuyên gia Việt Nam lúc nào cũng sợ chết.
Vấn đề hiện tại, người ta bàn tán nhiều nhất lại xoay quanh chuyện chia tiền đền bù, khi ném một gói tiền lớn như vậy, chắc chắn sẽ có chuyện “quần cẩu tranh thực” trong bộ máy cầm quyền từ trung ương xuống địa phương, không chừng lại trừ một khoản lớn vào tiền gạo đã cứu trợ cho ngư dân mấy tháng nay! Thêm vào đó, khi mà gói tiền này đã bị xâu xé đã đời, tả tơi theo nguyên tắc chẻ tre, tiền là một cây tre, công việc của nhà nước là chẻ nó ra và chắc chắn nhân dân sẽ nhận được một mẩu tăm, thì nó vẫn là tre đấy thôi!
Đến đây, người ta dễ dàng nhận ra rằng những gì được tung hê trên báo chí hai ngày nay về kết quả điều tra cá chết cũng như số tiền 500 triệu Mỹ kim mà chính phủ CSVN đã buộc thế Formosa phải trả cho nhân dân Việt Nam chỉ là vở kịch quá tồi, quá lộ liễu. Và con số 500 triệu Mỹ kim chẳng có giá trị gì ngoài việc làm mập thêm đám tham quan đang chễm chệ trên đầu nhân dân.
Bởi nếu có trách nhiệm, ngay từ đầu, chính phủ CSVN phải nhiệt tình hơn gấp nhiều lần trong việc điều tra, công bố kết quả, đã không cho đám quan lại thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều nơi khác kêu gọi, cổ xúy dân ăn cá.
Và nếu thực tâm coi trọng nhân dân, chính phủ CSVN đã phải cân nhắc giá trị giữa 500 triệu Mỹ kim với thu nhập của nhân dân miền Trung trong vòng 50 năm, đến khi biển hết độc, phải cần nhắc giữa sức khỏe của người dân, tương lai của người dân cũng như môi trường sinh sống, môi trường biển quê hương....
Nếu thực sự có cân nhắc, sẽ chẳng có chính phủ nào đủ ngu ngốc để ngửa tay nhận 500 triệu Mỹ kim mà đánh đổi tất cả như vậy, bởi nó sẽ chẳng giải quyết được gì cả ngoài việc giải quyết cho những cái túi tham đang chờ chực để đớp lấy khi người ta ném tiền ra trước mặt. Nói một cách nghiêm túc là Đài Loan và Formosa đã ném thẳng 500 triệu Mỹ kim vào dân tộc Việt Nam như ném một bao ốc cho đảng CSVN ăn để rồi lại dành phần đổ vỏ cho nhân dân!

Chính phủ nên sử dụng tiền bồi thường của Formosa thế nào?

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-07-02  
formosa-622.jpg
 Hình ảnh minh họa File photo
Formosa Hà Tĩnh đã cam kết bồi thường do gây ra thảm họa môi trường cá chết tại 4 tỉnh miền trung số tiền tương đương 500 triệu USD. Chính phủ sẽ sử dụng khoản tiền này thế nào và dư luận nói gì về việc này?

Khắc phục hậu quả thảm họa môi trường biển thế nào?

Sau khi Chính phủ VN đã khẳng định Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung. Về phía Formosa Hà Tĩnh, đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường và công khai xin lỗi phía Việt Nam; đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường biển với số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng.
Theo báo Người Lao Động, ngày 1/7/2016 nói về vấn đề 500 triệu USD đền bù của Formosa sử dụng thế nào? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan liên quan cần hỗ trợ về sinh kế cho người dân và hỗ trợ để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại. Theo đó, Chính phủ sẽ chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tính toán phần để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị thiệt hại qua sự cố.
Chỉ có ngư dân mới nêu ra các yêu cầu, họ là mấu chốt của vấn đề này. Theo tôi hiểu, ngư dân họ chỉ yêu cầu có biển sạch.
-TS Nguyễn Xuân Diện
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khoản tiền đền bù không phải để chi trực tiếp ngay các việc trước mắt, mà phải dành chủ yếu cho phát triển lâu dài.
Từ Sài gòn, Nhà báo Nguyễn An Dân tán đồng chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Ông bày tỏ:
“Ngư dân nên đi đánh bắt xa bờ, nếu như có phương tiện, dù rằng có các ý kiến phản bác việc đóng tàu vỏ sắt để đánh bắt xa bờ, tôi nghĩ đó là không đúng. Vì đó là việc kiếm sống, hoàn toàn đơn thuần là chuyện làm ăn kinh tế, cho nên tôi cho rằng làm thì cứ làm nhưng phải bảo vệ được.”
Khi được hỏi, nhà nước nên làm gì với số tiền 500 triệu USD bồi thường của Formosa Hà Tĩnh, trong việc khắc phục hậu quả thảm họa môi trường biển?
TS. Nguyễn Xuân Diện thấy rằng, giữa biển cả và người dân sống bám biển có sự tương tác qua lại, biển sạch thì người dân sống được. Theo ông cần đầu tư nhiều cho công tác khôi phục môi trường biển. Ông cho biết:
“Ngư dân là những người bám biển họ là những người hiểu biển hơn ai hết và họ mới hiểu về quyền lợi cũng như vụ việc này hơn ai hết. Chỉ có ngư dân mới nêu ra các yêu cầu, họ là mấu chốt của vấn đề này. Theo tôi hiểu, ngư dân họ chỉ yêu cầu có biển sạch.”
000_9Y4W5-622.jpg
Cá chết ở bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm 20/4/2016.
Bà Kiều Thị Xoan, một người dân có gia đình sống bằng nghề biển ở Vũng Áng, Hà Tĩnh bày tỏ:
“Chính phủ nói rằng sẽ dùng một nửa để khôi phục môi trường, còn một nửa thì dành cho đánh bắt xa bờ. Nhưng đa số dân ở đây đều có mong muốn phải trả lại môi trường biển sạch, cho tương lai của họ, của con cháu họ chứ họ không cần đề bù. Vì tính ước lượng với 11 nghìn tỷ đồng thì về đến tay mỗi hộ ngư dân chi được khoảng 500 ngàn đồng thôi. Song trên thực tế họ sẽ không làm được như thế, họ sẽ đưa về túi của họ.”
Theo báo Dân trí, ngày 28/6/2016, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã tuyên bố tại Quảng Trị là: “Sẽ gấp rút xây dựng và trình Thủ tướng một đề án tổng thể vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động ở 4 tỉnh miền Trung đã bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp về thảm họa môi trường tháng 4 vừa qua.”

Làm sao để ngư dân quay lại nghề cũ?

Nhà báo Nguyễn An Dân, cho biết trong cam kết thứ 2 của Formosa Hà Tĩnh đối với phía Việt Nam, có đề cập tới việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân trong thời gian biển hồi phục. Theo ông nhà nước cần chú trọng vấn đề này. Ông góp ý:
“Theo tôi việc tổ chức chuyển đổi lao động là việc cần thiết phải làm, cho đến khi biển phục hồi thì số lao động đó sẽ quay trở lại với nghề biển. Đây là đặc tính dân sinh của ngư dân vào mùa biển động, mùa cá biển sinh đẻ mà họ không đi bắt cá, thì họ đi lao động tạm thời, sau đó thì họ cũng quay trở lại nghề biển. Tôi đề nghị nhà nước phải tiến hành song song 2 biện pháp, đó là buộc Formosa phải nuôi dân trong lúc chuyển đổi nghề và nhanh chóng khôi phục môi trường biển để ngư dân có thể quay lại với nghề cũ.”
Tôi đề nghị nhà nước phải tiến hành song song 2 biện pháp, đó là buộc Formosa phải nuôi dân trong lúc chuyển đổi nghề và nhanh chóng khôi phục môi trường biển để ngư dân có thể quay lại với nghề cũ.
-Nhà báo Nguyễn An Dân
Dưới nhan đề "Phép nước Việt Nam không được mua bằng tiền", Nhà văn Hoàng Quốc Hải lo ngại rằng: “Còn như đào tạo cho hơn 1 triệu lao động đó chuyển nghề và bỏ biển, thì đây lại là một thảm họa khôn lường. Nó tựa như việc ta tự dâng biển đảo của ta cho giặc vậy.”
Theo TS. Nguyễn Xuân Diện, nếu ngư dân bỏ nghề biển thì sẽ dẫn đến các nguy cơ về an ninh và chủ quyền biển. Ông nhấn mạnh:
“Đào tạo nghề gì, đào tạo xong thì có thể sử dụng được không? Đó là vấn đề rất lớn. Tôi rất là lo ngại khi mà 1 triệu ngư dân và những người bị ảnh hưởng từ vụ việc này. Biển bây giờ đã chết mà còn lại trống, biển vô chủ, nghĩa là trên thềm lục địa của ta không còn ngư dân nữa. Lúc đó chỉ có cảnh sát biển, bộ đội biên phòng… thì lúc đó tàu Trung Quốc sẽ ra vào một cách ngang nhiên. Và 500 triệu USD mà để biển thành vô chủ thì tôi nghĩ đó là nguy hiểm vô cùng.”
Tuy vậy, Nhà báo Nguyễn An Dân đã phản bác sự lo ngại này. Ông giải thích:
“Theo tôi, ở đây người ta đang lẫn lộn giữa nguy cơ và mục đích. Cái mục đích của nhà nước là thôi biển cũng đã ô nhiễm rồi, nên vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho lao động là cái việc cần thiết và bắt buộc phải làm. Còn cái chuyện nguy cơ biển vắng bóng ngư dân thì là chuyện nguy cơ. Anh không thể kêu goi 1 triệu người đi biển nếu biển không còn cá. Còn về vấn đề chủ quyền Biển Đông, trong thời gian ngư dân tạm thời gián đoạn do chuyển đổi nghề nghiệp, khi chờ biển phục hồi thì lực lượng quân đội phải đảm nhiệm.”
TS. Nguyễn Xuân Diện bày tỏ sự lo ngại của ông đối với việc triển khai khắc phục hâu quả môi trường của Chính phủ Việt Nam. Ông cho biết:
“Đây là một vấn đề rất lớn nên tôi rất lo về vấn đề này, trước hết là khoản tiền bồi hoàn 500 triệu USD nó sẽ được chi tiêu thực là bao nhiêu, còn bao nhiêu thì rơi vào túi của các quan chức tham nhũng từ trung ương đến địa phương. Đây là điều lo ngại thực sự, vì việc trợ giúp của Chính phủ đối với các gia đình ngư dân vừa qua, mỗi gia đình mấy chục cân gạo và mấy triệu đồng thôi mà cũng đã có nhiều tiêu cực rồi. Huống chi bây giờ là khoản tiền 11.500 tỷ VNĐ”
Tất cả các ngư dân chúng tôi được tiếp xúc đều bày tỏ mong muốn chính quyền Việt Nam cần khẩn trương và có các biện pháp tích cực trong việc khôi phục môi trường, để trả lại môi trường biển trong sạch cho họ. Để họ có thể sớm ổn định được cuộc sống của mình.

‘Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước’ và quả đắng trái phiếu tiền đồng

Kế hoạch vay trả nợ năm 2016 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt trong tháng 6/2016 đang khiến phản dội dư luận và bật lên nhiều dấu hỏi.
ẢNh: ndh.vn
Câu hỏi lớn nhất là tại sao chính phủ trả nợ 12 tỷ USD nhưng lại đi vay đến 20 tỷ USD? Thâm thủng ngân sách đã kinh khủng đến mức nào?
 Một câu hỏi khác cũng đáng ngại không kém: làm thế nào chính phủ có thể phát hành trái phiếu huy động ngoại tệ trong nước mà vẫn muốn “chống đô la hóa”?
 Trong kế hoạch vay trả nợ năm 2016 có nêu định hướng huy động 17,000 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước và quốc tế. Giới quan chức lãnh đạo hy vọng với quy mô phát hành không quá lớn, chỉ tương đương khoảng 800 triệu USD như vậy thì có thể thực hiện được ở trong nước, như đối với khoản huy động 1 tỷ USD hồi tháng 4/2015 phát hành cho Vietcombank.
 Chi tiết đáng chú ý là cho đến thời gian gần đây, không còn thấy ai nhắc đến tham vọng phát hành 3 tỷ USD “trái phiếu đặc biệt” – một sáng kiến phát sinh thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cũng cho tới nay, không có bất cứ vết tích gì cho thấy kế hoạch trên đã được triển khai.
 Rất có thể, thái độ của các tổ chức tín dụng và tập đoàn quốc tế quay lưng với chính phủ Việt Nam đã khiến chính phủ này không còn thấy cơ chế phát hành tái phiếu ra nước ngoài là “ngon ăn”, do đó bắt buộc phải quay lại “hành” các ngân hàng lớn trong nước, đặc biệt là Vietcombank và Eximbank. 
 Có ý kiến cho rằng phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước không những không đi ngược chủ trương chống đô la hóa, mà thậm chí giúp hạn chế nạn đô la hóa ở Việt Nam. Lý do là vì lượng USD dư thừa, đang “trôi nổi” trên thị trường (chợ đen) sẽ được hút về và được xử lý bởi Bộ Tài chính, đồng nghĩa với việc nạn đô la hóa sẽ giảm.
 Nhưng ngay tại thời điểm này và khi đang phát sinh hiện tượng hai ngân hàng BIDV và VietinBank tìm cách từ chối nộp vào ngân sách số tiền 4,7000 tỷ đồng cổ tức của năm 2015, ngay cả việc phát hành trái phiếu trong nước cũng khó khăn hơn nhiều.
 Đã có vài chuyên gia tài chính “băn khoăn” rằng “việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước vô hình trung sẽ đi ngược lại chủ trương chống đô la hóa mà Ngân hàng Nhà nước và cả Chính phủ đã và đang cố gắng thực thi bằng nhiều giải pháp, trong đó có hạ lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0% từ cuối năm 2015”.
 Những chuyên gia trên cho rằng không nên hy vọng phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ trong nước thành công với lãi suất thấp (hơn mức tương ứng khi phát hành ở ngoài nước), và cần nhận thức được rằng nếu đã chọn phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ trong nước thì phải gác lại mục tiêu chống đô la hóa.
 Tóm lại, tình thế “tiền đâu” của chính phủ Việt Nam vẫn như gà mắc tóc.
 Cần nhắc lại, cơ chế phát hành trái phiếu tiền đồng trong nhiều năm qua đã khiến chính phủ rơi vào một vòng xoáy không lối thoát: nợ công trong nước gia tăng chóng mặt. 
 Hàng chục năm qua và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng chấp nhiệm vai trò thủ tướng, lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2.5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, Chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu quả là, từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán và Chính phủ đang phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.
Mới đây, thêm một tin tức khiến lòng người bất an cực độ: ngay cả cơ quan Kiểm toán nhà nước cũng không nắm rõ số nợ công và tỷ lệ nợ công của năm 2014 là bao nhiêu. Vô hình trung, toàn bộ các báo cáo về tỷ lệ nợ công/GDP vẫn “dưới ngưỡng nguy hiểm 65% GDP” của Chính phủ và Quốc hội đã chẳng còn chút ý nghĩa nào!
07/02/2016 - 18:14
Lê Dung / SBTN

Việt Nam Cộng Hòa, một giải pháp cho Việt Nam và Biển Đông

Bảo Giang (Danlambao) - Những cơn sóng biển không bao giờ ngừng lại. Hôm nay chúng có thể tạo ra một trận cuồng phong ở bờ đông. Ngày mai lại có khả năng làm nên một cuộc sóng thần bên bờ tây với những hủy diệt kinh người. Cũng thế, ngọn sóng ở Biển Đông nay đã dâng lên quá khổ rồi. Không sớm thì muộn, nó sẽ đổ xuống và tạo ra những biến động lớn. Hơn thế, nó còn có khả năng đẩy những bờ đất liền vào trong một trật tự mới. Ở đó:

a. Việt Nam sẽ hoàn toàn thay đổi. Rũ bỏ cái áo khoác cộng sản, trở thành một nước Cộng Hòa theo thể chế Tự Do. Từ đó, góp sức vào việc bảo vệ nền hòa bình và tiến bộ của thế giới. Riêng Hoàng Sa, Trường Sa sau những ngày bị bán đi, nay mặc áo trở về quê mẹ.

b. Vẫn là quanh co dối trá tiếp nối gian dối, CSVN đẩy dân tộc vào vòng nô lệ thuần phục Trung cộng. Đất nước hoàn toàn tan hoang tê liệt. Ta không chỉ mất Hoàng Sa, Trường Sa mà ngay Hồng Hà, Cửu Long cũng phải cuộn mình, cùng với Trường Sơn ăn cơm nhà người!

Đó là hai viễn cảnh mà xem ra Việt Nam bó buộc phải chọn lấy một. Cách nào thì cũng gặp những gian truân của nó:

1. Từ phía Tây phương và khối Đông Nam Á:

Chuyện Trung cộng lấn chiếm Biển Đông đang là một đề tài nóng ở trong vùng. Diễn đàn quốc tế, nhiều lãnh đạo trên thế giới tỏ ra bực bội và bất bình về cảnh lấy thịt đè người của Trung cộng. Sự lên tiếng này rồi sẽ ra sao?

Theo tôi, nếu không có một động thái thay đổi hoàn toàn, tích cực từ phía CSVN, câu chuyện Biển Đông cũng sẽ dừng lại ở vị trí, thế giới Tây phương và các nước thuộc vùng Đông Nam Á theo thông lệ ngoại giao mà tuyên bố dăm ba câu nẩy lửa cho qua chuyện, không một nước nào nhảy vào đổ vỏ ốc. Bởi lẽ, họ cũng không mất phần lợi nhuận nếu Trung cộng nuốt chửng biển, đất của Việt Nam! Cách riêng với Hoa Kỳ, sẽ chẳng bao giờ có được một sự can thiệp cần thiết bằng quân sự. Hoa Kỳ có luật pháp của họ, chẳng một ai có thể vượt qua luật pháp của Hoa Kỳ để ký một Hiệp Ước về quân sự, về an ninh với một nước cộng sản không tôn trọng Nhân quyền và luật pháp quốc tế như tập đoàn CSVN. Theo tinh thần này, Hoa Kỳ sẽ đưa ra những lý luận cứng rắn của họ nhưng với cái nhìn của họ. Nó hoàn toàn khác với cái nhìn và ước mơ của tập đoàn CSVN là muốn bắt cá hai tay. Nói cách khác, Hoa Kỳ dường như đang thúc đẩy và sẵn sàng hỗ trợ một chương trình hoàn toàn từ bỏ Trung cộng từ phía Việt Nam?

Trong khi đó, vì quyền lợi và an ninh của nước mình, Nhật Bản cũng muốn lôi kéo Việt Nam vào thế liên minh quân sự với họ để chống Trung cộng. Tuy nhiên, thế liên mình này có thể sẽ dừng lại ở vị trí những lời tuyên bố mở ngõ, mời chào. Nó không thể đi đến hành động thực tế. Bởi lẽ, hệ Liên Minh này, nếu có, nó phải được đặt trên một tiền đề Việt Nam phải là một quốc gia không cộng sản. Sẽ không bao giờ có thế liên minh giữa một Nhật Bản, đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, ký kết liên minh quân sự với một Việt Nam cộng sản để chống lại một nước cộng sản khác. Chuyến đi Á Châu của TT Obama đã cho thấy thái độ dứt khoát của họ trong cách nhìn về Biển Đông. Chỉ lên tiếng, không có hành động. Phần các quốc gia trong khối Asia chỉ là cái trống chầu!

2. Từ phía người dân Việt Nam 

Ngày nay không còn một người Việt Nam nào mà không biết tên, không biết mặt cái nguyên nhân đưa đến những hậu quả tai họa cho đất nước. Đó là tập đoàn cộng sản Hồ Chí Minh. Một tập đoàn đã làm suy thoái tiềm lực quốc gia. Một tập đoàn đã làm cho dân ta ra bạc nhược, hèn nhát và ích kỷ trong hơn 70 năm qua. Một tập đoàn không đi chung bước đi với cộng đồng dân tộc. Trái lại, chỉ vì quyền lợi của cá nhân, thiểu số, họ đã nhân danh đảng cộng sản, đã tàn sát hàng triệu sinh linh Việt Nam. Họ chỉ biết cúi đầu tôn thờ kẻ thù phương Bắc và áp dụng thuần thục phương cách dùng cái búa, cái liềm đối với người dân mà thôi. Búa thì đã đập chết nhiều người rồi, còn cái Liềm thì chưa từng ngơi nghỉ. Hơn thế, nó luôn kề xát vào cổ nguời dân Việt và không ngừng kéo qua kéo lại cho vết thương ở đó luôn rỉ máu. Từ đó, người dân ăn không ngon, ngủ không yên và luôn sợ hãi cái Liềm càng lúc càng cứa sâu thêm vào cổ họng của mình. Đây chính là sách lược của một tập đoàn tàn ác mà Bình Ngô đại Cáo đã nhắc đến là:

‘Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh,
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn.
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ,
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế.
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm,
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời” (Bình Ngô Đại Cáo)

Gần đây, dư luận từ trong ra ngoài, xem ra đều có chung một đáp án rõ ràng là phải triệt hạ cộng sản trước khi cùng nhau chống ngoại xâm từ phương bắc. Người người đều biết, không tận diệt được tập đoàn CS thì không thể nói đến chuyện chống ngoại xâm. Nghĩa là, người dân Việt Nam không bao giờ có thể chống xâm lăng từ phương bắc theo cái định chế của HCM và tập đoàn cộng sản nêu ra. Lý do, bài học cũ còn đây. Sau chiến dịch biên giới 1979, người chiến binh VN vì quê hương chết không có chỗ chôn thây, nhưng kẻ cướp nước thì được xây đài, đúc tượng trong những nghĩa trang hoành tráng mang tên “liệt sỹ Trung Quốc”, được quan cán nhà nước cúng tế hàng năm! Cúng kiếng xong là những chuyến bay đưa quan cán đi chầu Trung cộng để nhận bằng khen, với những bàn tay xoa trên đầu. Rồi sau những chuyến đi ấy là nhà tù ở trong nước càng ngày càng có thêm nhiều người lên tiếng bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!

Quan cán là thế, trong khi với người dân xem ra là khác biệt. Họ không thách đố, nhưng xem ra cuộc biến động ở Biển Đông như là một cơ hội tốt, giúp họ hoàn thành giấc mơ giải phóng dân tộc ra khỏi gông cùm của cộng sản. Để từ Bắc chí Nam, xóa đi tất cả mọi dấu vết của hiệp thương, hiệp định chia cắt để từ đây một nhà Việt Nam thống nhất theo thể chế Cộng Hòa, ở đó người dân được sống trong Tự Do, Dân Chủ, Độc Lập. Khát vọng này chắc chắn sẽ là nguồn hồi sinh cho dân tộc Việt Nam sau gần một thế kỷ bị áp bức dưới ách nô lệ cộng sản.

3. Về phía nhà cầm quyền CSVN

Đến nay, xem ra nhà cầm quyền CSVN vẫn chủ quan cho rằng họ có thể thủ thắng, đứng vững theo đường lối gian dối cố hửu của CS. Họ không hề nhận biết là đã rơi vào tình thế cô đơn, tuyệt vọng. Ngó ra ngoài, không có một đồng minh, chỉ có một đồng chí gian trá duy nhất. Tệ hơn thế, đồng chí ấy đã, đang và còn vả vào mặt những kẻ quù gối trước mặt chúng. Đối ngoại là thế, nhìn vào bên trong, cũng chỉ thấy thảm họa. Những ruồi nhặng bu quanh kiếm ăn thì không thiếu, người vì nước thì không có. Kết quả, trên dưới đều hoang mang, hốt hoảng. Họ nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ thù.

Sở dĩ CSVN lâm vào thảm cảnh này là vì cộng đồng thế giới nói chung, người Việt nói riêng, đã nhận diện chính xác về bộ mặt của chế độ “cộng sản chỉ là một tập thể gian dối, và tạo ra gian dối” (thủ tướng A. Mirkel). Bằng chứng ư? Cái công hàm của Phạm Văn Đồng là nguyên cớ để TC xâm lấn biển đông, không một người Việt Nam nào không biết. Nhưng tập đoàn CSVN vẫn quanh co dối trá. Tồi tệ hơn, tháng 3-1974 một mặt,họ vỗ tay reo hò khi TC chiếm Trường Sa từ tay của Việt Nam Cộng Hòa. Mặt khác láo khoét lừa dối dư luận: “Vì ta bận đánh Mỹ, không có thời gian và chưa đủ khả năng để giải phóng Hoàng Sa nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng. Sau này mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình.” (Hoàng Tùng). Riêng Lê Đức Thọ, ủy viên BCT, trưởng ban tổ chức TU đảng thì mạnh dạn hơn: “Hãy an tâm, Trường Sa, Hoàng Sa trong tay Trung quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền miền Nam”.

Kết qủa, năm 1988, sau trận chiến Gạc Ma, mất nốt những gì chưa mất, họ cũng không mở mắt ra. Nay đến cái giàn khoan TC kéo vào trong lòng biển VN thì họ lại loanh quanh, tráo trở, đưa ra lời giải thích của Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy Ban Biên Giới Quốc Gia cho là: “Công hàm của Phạm Văn Đồng” hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Quả thật, khó tìm ra một lời giái thích nào ấu trĩ như thế. Trước thì hùa nhau bán lén, nay giấy trắng mực đen đã bị phơi bày ra, Y lại giở giọng nhằm đổ lỗi cho người bằng cách trơ tráo xác nhận “Trường Sa và Hoàng Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa theo hiệp định 1954”. Vậy, đất từ bờ sông Bến Hải đến Cà Mâu là của ai? Có phải là của VNCH theo hiệp định Genève hay không? Kẻ nào đã nhờ súng đạn Nga Tàu và chiếm, cướp lấy cuộc sống Tự Do của người dân ở đấy? Hỏi xem, CS có dám trả lại cho miền nam hay không? Nếu họ dám trả lại, tôi cũng dám cá cược là Trung cộng sẽ phải bị đẩy bay ra khỏi vùng đất ấy ngay lập tức!

4. Về phía Trung cộng

Một câu hỏi có nhiều người hỏi là: Liệu Trung cộng có mở chiến dịch quân sự vào VN hay không? Với những sự kiện có sẵn như hôm nay, tôi cho rằng chuyện này không có nhiều khả năng xảy ra. Bởi vì, từ nhiều năm trở lại đây, tất cả các cấp tướng của QDND và Công An CS đã lần lượt được gởi sang Trung cộng để học tập về đường lối của TC cả rồi. Họ học gì, tập gì không ai biết, nhưng có điều gần như chắc chắn nó phải có điều kiện đi kèm khi họ nhận được cấp bằng thăng cấp và tốt nghiệp từ đây. Theo đó, với một danh sách dài, gồm hầu hết tên tuổi, chức vụ, đơn vị của các tướng lãnh quân đội, công an cũng như bên hành chánh của CSVN đã nằm trong tay Trung Cộng, họ cần gì mở ra cuộc chiến cho nó gây thêm phiền toái. Trước đã chẳng có lợi ích gì, còn gây thù oán với nhân dân Việt Nam. Theo đó, khả năng một cuộc chiến lớn là không thể xảy ra. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có những trận kiểu đuổi gà, đập vịt ở biên giới. Hai bên tập trung quân làm như một sống một chết. Nhưng kết quả chỉ là pháo vào rừng hoang, hoặc có cảnh lạc đạn gây thương vong. Rồi cuối chuyện đuổi gà, đập vịt này là tính toán cho một hội nghị song phương được mở ra.

Ngày mở ra hội nghị cũng là ngày kết thúc những thắng lợi hoàn toàn về phía Trung cộng. Đất, biển được khoanh vùng. Việt Nam mất bao nhiêu đất, bao nhiêu biển không ai hay, chỉ có một thông báo chung chung cho cái tình hữu nghị đời đời viễn vông do TC khua chiêng đánh trống với thế giời. Phần cái lưỡi bò ở trên Biển Đông thì đã được tập đoàn Trọng, Phúc, Quang, Ngân... chấp hành, treo ở trong văn phòng của chính phủ từ lâu rồi, cứ thế mà thi hành. Nếu cần, làm thêm một cái công ty ma kiểu liên quốc để cho cái giàn khoan kia là đơn vị trúng thầu là hết chuyện. Về nhân sự, những kẻ lãnh đạo sẽ lần lượt được Trung cộng phát cho sợi dây như vòng hoa đeo vào cổ. Từ đây, nối nghiệp nhau làm thái thú. Riêng những tên gọi như Hoàng Sa, Trường Sa thì sẽ được nhà nước CS giải quyết theo sách lược đã được viên tiến sĩ tên Nguyễn Quang Ngọc, Viện Trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, trong một buổi hội thảo về Vấn đề chủ quyền của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa, Y đã phát như sau: “Không nên đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra Tòa án Quốc Tế, hay Liên Hiệp Quốc... Còn việc đòi lại và bảo vệ chủ quyền như thế nào thì không nên nôn nóng, để đến trăm năm hoặc nghìn năm sau con cháu chúng ta đòi lại vẫn được!” Quả là không hổ danh những tiến sỹ nón cối của thời đại chuột!

5. Việt Nam về đâu?

Điều người ta lo sợ nhất là cục diện Biển Đông từ từ chìm lắng xuống. Trong nước không còn những cuộc biểu tình của dân chúng phản đối Trung cộng xâm lược. Ngoài nước cũng hết người đánh trống. Rồi sau cái bề mặt trong lặng lẽ, CSVN ồ ạt cấp giấy nhập cảnh cho từng đoàn từng lũ công nhân cũng như thường dân Trung cộng xâm nhập vào nội địa Việt Nam. Thành phần này dần đần chiếm hết công ăn việc làm của người trong nước. Những kẻ thân TC, biết nói tiếng Hoa như Phạm Vũ Luận cổ võ, dần dần nắm những chức vụ, những cơ sở trọng yếu của đất nước. Phần người dân trở thành nô lệ hay những công nhân đứng xếp hàng xin đi lao động ở nước ngoài. Với hoạt cảnh này, trước là làm ruồng, rỗng mọi phần trên đất nước, sau là làm tê liệt đời sống kinh tế của quốc dân để triệt tiêu Việt Nam. Với tình thế này, nó hoàn toàn có khả năng đẩy Việt Nam vào một trong hai lối rẽ sau:

Thứ nhất, nếu tập thể cộng sản còn nắm quyền và sống trong dối trá như hiện nay, họ vẫn coi việc người dân chống Trung cộng, chống độc tài tàn bạo CS như những kẻ thù thì câu chuyện của Crimea hay Tân Cương sẽ lập lại trên phần đất Việt Nam không có gì lạ.

Thứ hai, nước sẽ tràn bờ. Bạo tàn CS không thể khuất phục được lòng dân. Cuộc đổi thay, hoàn toàn thay đổi sẽ đến. Việt Nam thành lập nền Cộng Hòa, củng cố lại sức mạnh Dân Tộc. Dốc toàn lực để bảo vệ non sông.

Ngoài hai hướng đi này, xem chẳng còn một cách nào khác. Tuy nhiên, khi muốn củng cố lại sức mạnh dân tộc, trước hết, phải nhận định rằng: người Việt Nam đi kháng Pháp là vì truyền thống chống xâm lăng của dân tộc, không phải vì tập đoàn Việt Minh cộng sản. Theo đó, nếu muốn tái tạo niềm tin trong lòng ngưòi để củng cố sức mạnh của dân tộc, ngõ hầu bảo vệ và xây dựng đất nước, điều kiện tiên quyết là phải xóa bỏ hoàn toàn cơ cấu của chế độ CS. Phải phá bỏ nó bằng một trong ba phương thức sau:

a. Thứ nhất, phương cách tự giải trừ

Phía cộng sản phải nhận thức được rằng: Tư tưởng CS không tạo được niềm tin và thành tín với dân tộc. Không đủ khả năng đứng chung với dân tộc, nên họ phải dựa vào chủ nhân Tàu để mà sống còn. Đây không phải là một đánh giá mới mẻ về CS. Tuy nhiên, nhiều người tự ái vì bị tiêm nhiễm bởi cái lối tuyên truyền nhồi sọ của CS, cho rằng người viết, không viết đúng sự thật, nên dễ bất bình chống đối, bất phục. Nhưng không ai trách họ. Bởi vì đường của dân tộc, đường lịch sử của đất nước là câu chuyện không phải là 10 năm, 50 năm mà là nghìn năm. Chế độ cộng sản không thể tồn tại mãi, CS có cạo sửa lịch sử, thì lịch sử chân chính vẫn tồn tại với non sông và đất nước. Anh hùng và kẻ bán nước hại dân cũng đều tồn tại trong lịch sử, nhưng ở trong hai khung hình khác nhau. Một bên được tôn thờ với khói nhang. Một bên bị nguyền rủa, tru di. Gobachev còn mà Lênin cũng còn! Đó là lẽ thường mà cũng là công đạo của trời đất vậy. Cộng sản VN có khả năng học và ứng dụng bài học này hay không?

- Nhân danh đảng CS và nhà nước CHXHCNVN, chính thức gởi công hàm đồng cấp đến nhà nước TC, thông báo việc hủy bỏ công hàm của Phạm Văn Đồng ký vào ngày 14-9-1958 là vì sai lầm trong nhận thức và sai nhầm chính trị.

- Tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa. Giải tán mọi cơ chế của đảng cộng sản, kể cả quốc hội và những trường sở liên hệ của nó từ trung ương đến địa phương.

Để bảo đảm cho đời sống an ninh, giữ gìn tính mạng của nhân dân và sinh hoạt đối nội, đối ngoại không bị rơi vào khủng hoảng, giữ lại hệ thống chính quyền hiện tại cho đến khi có thể có tổng tuyển cử bầu nguyên thủ quốc gia. Đồng thời:

- Xóa bỏ toàn bộ những văn bản và những hình thức kiềm chế, bóp nghẹt tôn giáo. Mời những nhân sự thích hợp ở trong nước cũng như hải ngoại tham chính. Trao trả lại các cơ sở giáo dục thuộc các tôn giáo mà nhà nước CS đã chiếm đoạt trước đây, để những cơ sở này chung lưng phục hưng lại đời sống luân lý, và đạo đức của xã hội đã bị băng hoại trong hơn 70 năm qua. Chấm dứt hay tạm ngưng ngay lập tức tất cả những dự án gọi là quy hoạch giải phóng mặt bằng để gây ra thêm thảm họa cho ngưòi dân...

Lợi thế của phương cách này nhanh gọn, êm thắm, ít đỗ vỡ, ít xáo trộn. Bản thân của các cấp trong guồng máy cũ được bảo đảm. Khả năng củng cố tiềm lực quốc gia vào guồng nhanh nhất. Có khả năng thu kết được sự ủng hộ lớn từ người dân và tạo được niềm tin với các quốc gia trên thế giới.

b. Thứ hai. Một cuộc Chỉnh Lý

Lực lượng có thể chỉ là một tập hợp nhỏ trong quân đội, công an, và một số viên chức hành chánh. Họ đủ can đảm nhập cuộc, đứng lên làm cuộc chỉnh lý, nắm quyền và mau chóng thực hiện những điểm nêu lên ở trong phương thức trên.

Lợi và bất lợi. Khởi đầu của phương án này sẽ là rất khó khăn, vì ít có ai trong những ngưòi đang có ít nhiều thế lực dám mạo hiểm, hy sinh. Tuy nhiên, khi tiến hành nó sẽ nhanh như chớp ngang đầu, bởi hàng hàng lớp lớp dân chúng cuồng cuộn nổi dậy cùng với họ giật sập chế độ cộng sản. Bước đầu có nhiều nguy hiểm, tuy nhiên cuộc kháng cự của CS sẽ là không quá mạnh. Một phần lo chạy lấy thân, một phần vì không còn thiết tha gì với chế độ. Đặc biệt, trong phương án này có nhiều thuận lợi để kết hợp với những thành phần trong phương thức một trong việc điều hành đất nước. Bước đi chuyển biến dễ dàng hơn và cuộc tái lập đem lại sự ổn định cũng mau hơn.

c. Thứ ba, nước vỡ bờ

Đây là thế kết hợp giữa 2 và 3. Gọi là thế kết hợp vì điểm 3, không thể tự mình đứng ra khởi công, nhưng phải liên hoàn với 2. Trong tình thế của VN hôm nay, từ thù trong cho đến giặc ngoại, buộc chúng ta phải dự trù cho một cuộc tổng nổi dậy để cứu nguy đất nước. Phương thức này có thể song hành, liên kết với phương thức thứ hai. Đây là một phương án nghiêm chỉnh cần phải được đặt ra để thực hiện hơn là câu chuyện xuông. Tuy nhiên, vấn đề quan yếu nhất chính là vấn đề nhân sự có khả năng thu hút sức mạnh quần chúng để làm cuộc nổi dậy.

Lợi thế. Đây chính là một điều mà người dân Việt và rất nhiều đảng viên CS tại Việt Nam đang trông chờ. Bởi lẽ sự kết hợp giữa 2 và 3 không chỉ là điểm tựa, là cầu nối nhưng còn là sự bảo đảm hữu hiệu cho các cuộc biểu tình liên tục và kéo dài ở trong nước có cơ hội phát triển và bùng nổ. Là điểm tựa, là cầu nối thúc đẩy những nhóm quân sự ở Việt Nam mạnh dạn hơn trong việc tiến hành cuộc chỉnh lý thay đổi toàn bộ cơ cấu hiện tại. Và đây có lẽ cũng chính là những điều mà giới lãnh đạo Tây phương đang nhắm đến trong những lời tuyên bố mạnh mẽ của họ. Bất lợi. Sự sợ hãi, lưỡng lự không dám dứt khoát của những nhân vật này để có sự bắt đầu cũng là một trở ngại lớn.

Tóm lại, muốn củng cố sức mạnh dân tộc và dồn toàn lực để cứu quốc, buộc chúng ta phải thực hiện được một trong ba phương thức trên càng sớm càng tốt. Đây là một giải pháp khả dĩ đem đến ổn định cho Việt Nam và biển đông trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu chúng ta và thế giới tự do mong chờ giải pháp này để đem đến ổn định cho Biển Đông, thì TC sẽ là quốc gia duy nhất không muốn có sự thay đổi như thế ở Việt Nam. Trái lại, họ chỉ muốn bảo vệ chế độ CS và áp đặt mọi phe phái trong chế độ này ngồi vào bàn hội nghị song phương với họ trong cuộc biển động. Theo đó, họ sẽ gia tăng tối đa việc trấn áp các phe phái mang tinh thần Việt Nam trong chủ trương thoát ách Tàu. Nhưng nếu những đột biến này xảy ra, khả năng Trung cộng đổ quân vào Việt Nam để cứu nguy cho CS là khó xảy ra. Bởi vì khi đó thay vì giúp CSVN, TC lại tạo cho toàn dân Việt Nam khí thế chống xâm lăng. Với khí thế ấy, TC không thể nào hưởng được cái lợi trên phần đất ấy trái lại sẽ là thảm họa cho Trung cộng. Bởi vì chính trong lòng nội địa của TC cũng đang chờ thời cơ để tự phá vỡ gọng kìm của cộng sản. Mỗi thế lực của một tỉnh bang đều có nhiều khả năng phân chia thành một nước riêng biệt như Hàn, Sở. Triệu, Ngô, Tề, Tần, Tấn xưa kia. Với cách nhìn này, tôi cho là TC không liều mình dấn thân vào tranh chấp với cuộc thay đổi ở VN. Nhưng sẽ tìm cách ảnh hưởng lên nó. Theo đó, nếu cuộc thay đổi đã thành hình, thì TC không thể tham dự vào tranh chấp và việc Việt Nam bảo vệ trọn vẹn bờ cõi, bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa càng có nhiều cơ hội để thực hiện.

02.07.2016

Bài giảng khiến 80 ngàn dư luận viên phò đảng không đủ can đảm xem hết

Bạn đọc Danlambao - Với lối nói chuyện lưu loát và hài hước, thầy giáo Tuấn Ngọc đã có một bài giảng đặc biệt nhằm vạch trần bộ mặt thật của các dư luận viên và những tay sai phò đảng CSVN.

Có thể nói, đây là bài phân tích chi tiết và cụ thể nhất từ trước đến nay về những thành phần đang làm công việc bị xã hội khinh bỉ này.  

Theo một số liệu công bố hồi năm 2013, đảng CSVN đang dùng tiền thuế dân để nuôi ít nhất 80 ngàn dư luận viên – còn được gọi là “tuyên truyền viên miệng".

Số lượng các tay sai hành nghề tuyên truyền cho đảng vẫn chưa ai thống kê hết được. Lực lượng này núp bóng dưới nhiều hình thức, hoạt động mạnh cả trên mạng lẫn trong đời sống, trải rộng từ trung ương cho đến địa phương.

Có lẽ, đến những dư luận viên mặt dày nhất cũng không đủ can đảm để xem hết video clip bài giảng 38 phút của thầy Tuấn Ngọc.

* Nguồn video: ViXaHoi.com


Hồng Kông : Hàng chục ngàn người biểu tình vì dân chủ

Thanh Hà 
Theo RFI-02-07-2016 13:46 
media
Hàng chục ngàn người dân Hồng Kông biểu tình ủng hộ dân chủ nhân kỷ niệm ngày Hồng Kông được trao trả về với Trung Quốc. REUTERS/Bobby Yip 
Ngày 01/07/2016 hàng chục ngàn người dân Hồng Kông xuống đường nhân kỷ niệm 19 năm đặc khu hành chính này được Luân Đôn trao trả lại cho Bắc Kinh. Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh công luận Hồng Kông bất mãn trước việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm duyệt, tự do và nhân quyền tại Hồng Kông bị đe dọa.
Thông tín viên đài RFI, Florence de Changy gửi về bài tường trình:
« Kể từ 1997, hàng năm cuộc tuần hành ngày mồng 1 tháng 7 là cuộc tuần hành của tất cả mọi thành phần trong xã hội để nói lên những bức xúc, những mối quan tâm hay vấn đề lớn nhỏ của người dân tại đây. Thường thì chỉ có một chủ đề nổi bật.
Theo quan điểm của nhà đấu tranh Lý Trụ Minh (Martin Lee), người được coi là cha đẻ của phong trào dân chủ Hồng Kông, năm nay, hàng chục ngàn người xuống đường dưới trời nắng nóng để bày tỏ phẫn nộ đối với ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying), lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông. Người dân bức xúc khi thấy ông Lương Chấn Anh gây chia rẽ trong công luận.
Thoạt đầu, ban tổ chức thông báo là ông Lâm Vinh Ký (Lam Wing Kee) một trong những nhân viên hiệu sách Hồng Kông bị Trung Quốc bắt cóc hồi tháng 10/2015 tham gia cuộc biểu tình vì dân chủ ở Hồng Kông nhưng vào giờ chót ông Lâm đã phải hủy ý định tuần hành thách thức Bắc Kinh.
Theo lời một nữ dân biểu của đảng Dân chủ Hồng Kông, một người can đảm như ông Lâm Vinh Ký đã bị áp lực và mọi người đều ý thức được rằng, nếu như có chuyện không hay xảy ra với ông, thì đây sẽ là một sự kiện lớn với hệ quả trọng đại đối với cả Hồng Kông lẫn Hoa Lục. Việc ông Lâm vắng mặt là một tín hiệu mới cho thây tự do ngôn luận tại Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh Quốc, bị đe dọa » .

Vụ kiện Biển Đông : Việt Nam kêu gọi tòa ra phán quyết « công bằng »

Thanh Phương 
Theo RFI- 02-07-2016 11:14 
media
 Hải quân Việt Nam canh gác tại đảo Thuyền Chài, quần đảo Trường Sa, Biển Đông (ảnh chụp ngày 17/01/2013) REUTERS 
Hai ngày sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho biết sẽ ra phán quyết vào ngày 12/07/2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, Việt Nam kêu gọi tòa án này ra một phán quyết « công bằng ».
Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, 01/07/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình bày tỏ mong muốn Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ ra một phán quyết « công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông ».
Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam không kêu gọi các bên phải tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực. Ông Lê Hải Bình chỉ nhắc lại lập trường của Việt Nam là « ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. »
Về phần mình, Trung Quốc đã báo trước là sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, mà họ cho là không có thẩm quyền xét xử vụ này.
Trong khi đó, theo hãng tin AP, luật sư chính của phía Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, ông Paul Reichler ngày 30/06/2016  vừa qua đã dự báo tòa sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines, nhưng ông cho rằng phản ứng của quốc tế, đặc biệt của các nước khác trong vùng Biển Đông, sẽ có tính chất « quyết định » sau khi tòa ra phán quyết. Luật sư Reichler tin tưởng rằng, tuy Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không có một cơ chế để buộc thi hành phán quyết, dư luận quốc tế (sau vụ kiện này) sẽ có tác động lên Trung Quốc.
Cũng theo chiều hướng vận động dư luận quốc tế, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm qua cho biết là Manila sẽ đưa phán quyết về Biển Đông ra thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh Diễn đàn Âu – Á ASEM, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/07 tại Mông Cổ.

Ông Phúc, ai cho phép ông nhận và chia tiền Formosa?

07/02/2016 - 09:57 

Là một công dân Việt Nam, tôi nói cho ông biết ông cũng chỉ là một công dân như tôi, vì vậy tôi có quyền chọn lựa cách xưng hô với ông, và tôi tin rằng khi gọi ông trống không như vậy tức là tôi đang bày tỏ thái độ coi thường ông, vì trong cương vị thủ tướng ông đã không hiểu việc của ông làm đang dẫn tới hệ lụy trực tiếp cho người dân Việt Nam trong đó có tôi.
Hãy nghe đây: ông là ai khi vụ Formosa xảy ra không ai thấy ông một lần hiện diện tại nhà máy Vũng Án hay những khu vực chung quanh đó để nắm bắt hiện tình của vụ biển bị đầu độc. Ông đứng từ xa chỉ tay vài lần cho thuộc hạ làm việc. Trong những cái chỉ tay ấy ông im lặng đồng tình với mấy cái lưỡi gỗ khi chúng tuyên bố thảm họa biển do thủy triều đỏ chứ không phải do Formosa. Chúng tuyên bố làm lớn chuyện Formosa là tổn hại đất nước. Chúng kéo nhau ra biển đóng trò ăn cá tắm biển để người dân tin theo mà chết. Chúng thi nhau nói rằng ăn cá nhiểm chất độc phenol sẽ không ảnh hưởng sức khỏe. Chúng bắt bớ đánh đập người dân biểu tình chống Formosa. Chúng lên VTV chà đạp nhân phẩm những người có chính kiến về Formosa. Chính phủ do ông cầm đầu đã liên tiếp ba lần từ chối sự trợ giúp điều tra của Đại sứ Hoa Kỳ, của đại diện Liên Hiệp Quốc và kể cả chính phủ Đài Loan nơi tập đoàn Formosa gọi là nước mẹ. Là một thủ tướng, ông đã làm gì khi những chuyện như vậy diễn ra trong chính phủ của ông?
Một mình một chợ ông ra lệnh đàn em “đi đêm” với Formosa. Trong khi đó quốc hội không được ông thông qua, hay nếu có thông qua mà quốc hội im lặng thì ông cũng phải báo cho nhân dân chúng tôi biết. Ông tự tung tự tác, đem cả bốn tỉnh miền Trung ra đánh đổi lấy 500 triệu đô la cho chính phủ của ông và không hề có một cuộc nghiên cứu khoa học nào để người dân biết được hậu quả mà Formosa làm cho cả vùng biển Đông của Việt Nam sẽ ra sao trong vài mươi năm tới.
Ai cho phép ông nhận số tiền 500 triệu đó?
Cuộc mặc cả của các ông không có giá trị vì người thiệt hại là nhân dân chúng tôi. Chính phủ của ông phải liên đới trách nhiệm vì đã cho phép Formosa hoạt động vượt quá thẩm quyền và không có biện pháp kiểm soát quy định sả thải. Chính phủ và Formosa đang cùng nhau đánh một canh bạc trên thân xác Việt Nam. Canh bạc ấy được lấy “tiền sâu” hay “hồ” là 500 triệu. Ông là người đánh bạc với Formosa sao lại có quyền lấy “tiền sâu” của chúng tôi để phân phát tùy tiện số tiền có tỷ giá bằng máu này?
Ông Phúc, ông có biết ông là ai hay không?
Ông là một người dân, nhớ kỹ điều đó. Ông không phải là thiên tử hay con trời mà muốn làm gì thì làm. Ông không thể tùy tiện cầm xấp bạc 500 triệu ấy phân phát cho người dân chúng tôi với sự chỉ định dốt nát và tùy hứng. Ông không được nhìn chúng tôi dưới đôi mắt “biện chứng” cộng sản khi tin rằng nói gì chúng tôi cũng tin và làm theo.
Ông Phúc, khi ông đánh bạc với Formosa trên sống lưng chúng tôi thì vai trò thủ tướng của ông đã chấm dứt, và vì vậy tôi yêu cầu ông im lặng như từ xưa tới nay chính quyền của các ông từng quen thói.
Và quyết định của chúng tôi ông sẽ thấy trong các ngày tháng sắp tới. Nếu đã lấy tiền “chui” của Formosa để mà nói rằng: “Nếu Formosa còn tái phạm thì sẽ bị đóng cửa” thì ông nên lo là vừa vì nhân dân chúng tôi không chấp nhận canh bạc của nó với các ông trên đất nước này thêm một thời khắc nào nữa.

Trung Quốc ngoan cố, Biển Đông tiềm ẩn nhiều bất ổn

Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đang nghe điều trần. (Hình: UN PCA)
Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đang nghe điều trần. (Hình: UN PCA)
BẮC KINH (NV) – Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ phương thức nào có tính áp đặt nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hoặc có sự can dự của bên thứ ba.
Đó là tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngay sau khi Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc loan báo sẽ công bố phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông vào ngày 12 tháng 7.
Tuy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao có nói thêm là Trung Quốc sẽ “tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế được ghi trong hiến chương Liên Hiệp Quốc, sẽ kiên trì cùng các quốc gia có liên quan trực tiếp giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương,” song ông Paul Reichler, một luật sư Hoa Kỳ đảm trách vai trò điều hành nhóm luật sư thay mặt Philippines kiện Trung Cộng tại Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, cảnh cáo, Trung Quốc sẽ tự hủy hoại uy tín của chính mình nếu gạt bỏ phán quyết mà Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sắp công bố.
Thái độ ngoan cố của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông đang hun nóng Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Chẳng hạn Hoa Kỳ vốn đã có một đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh đang đồn trú tại đảo Okinawa của Nhật để khi cần có thể triển khai ngay ở khu vực Thái Bình Dương, song vừa công bố ý định sẽ điều động thêm một đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh nữa đến Nam Thái Bình Dương.
Theo kế hoạch vừa kể thì đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh đồn trú tại Okinawa sẽ đảm trách khu vực Bắc Thái Bình Dương, còn đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh mới sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi có Biển Đông.
Trong một hội nghị diễn ra vào cuối tuần vừa qua tại Washington D.C, do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế tổ chức, ngoài việc công bố dự án phát triển lực lượng tác chiến hỗn hợp hải – lục tại Thái Bình Dương, Tướng John Wissler, tư lệnh thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cho biết, ông đã đề nghị Hạm Đội 7 thành lập một đơn vị đặc nhiệm, có thể triển khai nhanh để đối phó với bất kỳ bất trắc nào ở khu vực Thái Bình Dương giống như đơn vị tương tự đang hoạt động tại Châu Phi.
Cũng vào cuối tuần vừa qua, ông Joko Widodo, tổng thống Indonesia đã ra lệnh gia tăng thăm dò – khai thác các mỏ dầu ở vùng biển quanh quần đảo Natuna. Indonesia đã chia vùng biển quanh quần đảo Natuna thành 16 lô và chỉ mới thăm dò – khai thác dầu tại 5/16 lô.
Ông Widodo còn yêu cầu mở rộng tối đa hoạt động ngư nghiệp ở quần đảo Natuna. Sản lượng ngư nghiệp của vùng này hiện chỉ khoảng 9% tiềm năng. Bộ trưởng Đặc Trách Đại Dương của Indonesia nói thêm, vùng biển phía Đông Natuna có mỏ khí đốt với trữ lưỡng thuộc loại lớn nhất thế giới và Indonesia đang muốn biến Natuna thành một trung tâm chế biến khí đốt.
Nói cách khác, ngoài việc săn đuổi, dùng súng cảnh cáo, bắt giữ các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển quanh quần đảo Natuna (quần đảo mà Trung Quốc thừa nhận là thuộc chủ quyền của Indonesia, song “chú thích thêm” rằng vùng biển quanh Natuna là “ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc” và đang có “sự chồng lấn về chủ quyền” với Indonesia), Indonesia đang tìm mọi cách để minh định, vùng biển quanh quần đảo Natuna là của mình.
Hạ viện Indonesia vừa quyết định tăng ngân sách quốc phòng năm nay lên 10% để mở rộng căn cứ không quân ở Natuna và điều động thêm các loại phi cơ, chiến hạm, kể cả tàu ngầm đến đồn trú ở Natuna. (G.Đ)