Thursday, March 10, 2016

Trung Quốc khiến người Việt ngả về tỷ phú Trump?

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Trump National Golf ở Jupiter, Florida, ngày 8/3/2016.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Trump National Golf ở Jupiter, Florida, ngày 8/3/2016.
Một số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam nuôi hy vọng ứng viên Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ giúp “dẹp mộng bá quyền của Trung Quốc”, trong khi cũng có quan điểm cho rằng “thế giới sẽ loạn” nếu “trùm bất động sản” lên làm tổng thống.
Một trong các ứng viên Tổng thống của Mỹ, ông Donald Trump, tuy gây tranh cãi ở trong nước với nhiều tuyên bố thẳng thừng, không kiêng dè, nhưng lại lấy lòng được một số người Việt.

Trong ý kiến gửi tới VOA Việt Ngữ, bạn đọc Nguyễn Đình Thiều viết: “Hy vọng biển Đông yên ả và hải đảo Việt Nam trả lại cho Việt Nam, vì ông Trump sẽ không những dùng sức mạnh quân sự với Trung Quốc, mà áp dụng biện pháp kinh tế làm suy yếu cái gọi là kinh tế XHCN pha trộn tư bản của Trung Quốc”.
Một người khác là Jimmy Le cũng đồng tình, với ý kiến: “Chỉ có Trump mới đủ bản lĩnh trấn áp sự bành trướng của Trung Cộng”.
"Người Việt Nam hiện nay đại đa số rất bất mãn việc Trung Quốc lấn lướt Việt Nam, thành ra, cứ thấy một nước lớn ủng hộ mình thì thích. Một ông ứng cử viên tổng thống của Mỹ tuyên bố rất cứng rắn với Trung Quốc thì họ phải ủng hộ là dĩ nhiên rồi."Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason nhận định
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Hoa Kỳ nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ của một số người ở Việt Nam chính vì ông từng mạnh mẽ “chống” Bắc Kinh, dù ông từng tố cáo người Việt “cướp” việc làm của người Mỹ. Ông nói:
“Họ để ý chính sách ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc. Người Việt Nam hiện nay đại đa số rất bất mãn việc Trung Quốc lấn lướt Việt Nam, thành ra, cứ thấy một nước lớn ủng hộ mình thì thích. Một ông ứng cử viên tổng thống của Mỹ tuyên bố rất cứng rắn với Trung Quốc thì họ phải ủng hộ là dĩ nhiên rồi, và họ rất hài lòng với lập luận rất cứng rắn, không nhân nhượng gì cả.”
Ông Hùng nói thêm rằng ông Trump còn nhận được sự ủng hộ của giới thợ thuyền và người thất nghiệp ở Mỹ vì đã đánh vào vấn đề hệ quả của sự toàn cầu hóa nền kinh tế, khiến các việc làm của người Mỹ rơi vào tay các nước có giá nhân công rẻ hơn như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong cuộc đua ở phe Cộng hòa, tới hôm 9/3, trùm bất động sản Donald Trump hiện đang dẫn đầu về số phiếu đại biểu với hơn 400 phiếu. Ứng viên Ted Cruz đang bám sát phía sau với gần 350 phiếu.
Trong khi đó, bên phe Dân chủ, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giành được hơn 1.200 phiếu đại biểu, vượt xa đối thủ còn lại là Bernie Sanders.
Bà Clinton từng nhiều lần tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng và Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ. Theo các nhà quan sát, gia đình Clinton cũng có nhiều “fan” ở Việt Nam.
Trung Quốc đã nhiều lần buộc phải lên tiếng sau các phát biểu của ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa, và Bắc Kinh từng nói rằng ông Trump chỉ muốn “gây rối” sau khi tuyên bố rằng quốc gia đông dân nhất thế giới đã “làm giàu” nhờ Mỹ.
"Có những người ghét Trung Quốc thì ủng hộ ông Donald Trump, nhưng có những người suy nghĩ sâu xa hơn về các vấn đề kinh tế thì người ta nói rằng nếu ông Donald Trump mà lên thì cả thế giới này sẽ loạn. Có rất nhiều chiều, chứ không hẳn có một chiều ủng hộ ông Donald Trump tại vì ông ấy ghét Trung Quốc đâu."Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà nói
Không chỉ cáo buộc Trung Quốc “đánh cắp” việc làm của người Mỹ, mà ứng viên này còn cho rằng quốc gia đông dân nhất thế giới này giữ đồng nội tệ ở mức giả tạo, khiến cho các công ty Mỹ khó có thể cạnh tranh với các đối thủ từ Trung Quốc.
Tạp chí Fortune của Mỹ mới đây đã dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết rằng các nhà ngoại giao của Hoa Kỳ ở khắp nơi, trong đó có châu Á, đã bày tỏ sự quan ngại với quan chức chính phủ về điều họ nói là các tuyên bố “kích động” và “xúc phạm” bị cho là “bài ngoại” của ông Trump.
Khi được hỏi Trung Quốc có quan ngại về việc ông Trump có kế hoạch áp thuế cao đối với hàng hóa của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh từng từ chối bình luận về một ứng viên cụ thể của Mỹ.
Bà chỉ nhấn mạnh rằng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ có “nghĩa vụ lớn” phải duy trì sự ổn định kinh tế và chính trị quốc tế.
Đại diện các quốc gia từng bị ông Trump công khai công kích như Iran, Iraq và Ả Rập Xê Út đều đã lên tiếng, trong khi đó, Việt Nam cho tới nay vẫn chưa có phát biểu nào.
Trong khi đó, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà, ứng viên độc lập đang chạy đua vào Quốc hội Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng hiện có các quan điểm trái ngược về ông Trump ở Việt Nam. Ông Hà nói tiếp:
“Về ông Donald Trump cũng có rất nhiều luồng ý kiến. Đấy là biểu hiện rất tốt trong một xã hội ngày càng đa nguyên hơn ở Việt Nam. Có những người ghét Trung Quốc thì ủng hộ ông Donald Trump, nhưng có những người suy nghĩ sâu xa hơn về các vấn đề kinh tế thì người ta nói rằng nếu ông Donald Trump mà lên thì cả thế giới này sẽ loạn. Có rất nhiều chiều, chứ không hẳn có một chiều ủng hộ ông Donald Trump tại vì ông ấy ghét Trung Quốc đâu. Có những người mà người ta suy nghĩ chín chắn hơn, sâu hơn, thì nghĩ rằng ông này ông ấy lên mà phát biểu sốc như thế sẽ có các tác hại về kinh tế thế giới, và những chuyển biến về cán cân sức mạnh trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.”
"Hy vọng biển Đông yên ả và hải đảo Việt Nam trả lại cho Việt Nam, vì ông Trump sẽ không những dùng sức mạnh quân sự với Trung Quốc, mà áp dụng biện pháp kinh tế làm suy yếu cái gọi là kinh tế XHCN pha trộn tư bản của Trung Quốc."Bạn đọc VOA Tiếng Việt Nguyễn Đình Thiều viết.
Theo các nhà quan sát, cuộc bầu cử kéo dài ở Mỹ hiện nay được cho là đã tạo cảm hứng, khiến nhiều người Việt “mơ được cầm lá phiếu thực sự”, “trực tiếp lựa chọn người lên tiếng cho mình”.
Trả lời VOA Việt Ngữ mới đây trước khi đột ngột qua đời trên đường tới Philippines, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch tổ chức có tên gọi Nghị hội Toàn quốc của người Việt ở Hoa Kỳ nói rằng việc người dân Việt để ý tới tiến trình dân chủ của Mỹ là “việc rất đáng mừng”.
Nhìn sang cuộc bầu cử ở Mỹ, nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà nói thêm rằng ông “mong đợi rằng việc tranh cử ở Việt Nam sau này cũng giống như ở các nước dân chủ tự do, tức là các ứng viên có thể tranh luận công khai trên truyền hình, trên báo chí để thể hiện các quan điểm của mình về các đường lối chính trị, kinh tế, xã hội của mình”.

Ông Trọng chỉ thị cấm cửa các phần tử ‘thế này thế khác’ vào Quốc hội

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong các ứng viên tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam sắp tới, nói phát biểu ‘Không để lọt các phần tử ‘thế này thế khác’ vào Quốc hội’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một sự tùy tiện và lạm quyền hết sức nghiêm trọng.


Tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, hôm 8/3, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được báo chí trong nước trích lời nói: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước những phần tử thế này thế khác”.
Phát biểu của người đứng đầu đảng Cộng sản lập tức gặp nhiều chỉ trích và phản ứng trên các diễn đàn mạng xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự, cũng là một ứng viên tự ứng cử vào Quốc hội khóa tới, cho rằng phát biểu của ông Trọng là tùy tiện và lạm quyền nghiêm trọng. Ông nói:
“Tôi nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng đã có một phát biểu và chỉ thị cho bộ máy của Đảng Cộng sản Việt Nam làm những việc mà tôi nghĩ là vô cùng tùy tiện. Thế nào là ‘thế này thế kia’? Với chỉ thị của một người đứng đầu đảng như thế thì các đảng viên, có thể tuân theo hoặc có khi buộc phải tuân theo, có thể tùy ý lý giải ‘thế này thế kia’. ‘Thế này thế kia’ là một khái niệm như thế nào? Cho nên tôi nghĩ đây là một sự lạm quyền hết sức nghiêm trọng của ông Nguyễn Phú Trọng và ông ấy coi thường pháp luật. Bởi vì những cái đấy là nó phải theo một tiêu chuẩn nhất định, không thể đưa ra một khái niệm rất tù mù rằng ‘thế này thế nọ’ hay ‘thế này thế kia’. Đây là não trạng của những người mà người ta nghĩ rằng người ta đứng trên hết thiên hạ và không coi pháp luật ra gì thì mới có thể phát biểu một cách rất tùy tiện như vậy.”
Tờ New America Media hôm 7/3 đăng bài viết của nhà báo Đoan Trang nói về những khó khăn, trở ngại mà các ứng viên tự ứng cử vào Quốc hội tại Việt Nam đang gặp phải, từ các thủ tục đăng ký, hành chính, cho đến việc bị tấn công bởi truyền thông.
"‘Thế này thế kia’ là một khái niệm như thế nào? Cho nên tôi nghĩ đây là một sự lạm quyền hết sức nghiêm trọng của ông Nguyễn Phú Trọng và ông ấy coi thường pháp luật. Bởi vì những cái đấy là nó phải theo một tiêu chuẩn nhất định, không thể đưa ra một khái niệm rất tù mù rằng ‘thế này thế nọ’ hay ‘thế này thế kia’. Đây là não trạng của những người mà người ta nghĩ rằng người ta đứng trên hết thiên hạ và không coi pháp luật ra gì thì mới có thể phát biểu một cách rất tùy tiện như vậy."Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.
Ứng cử viên Nguyễn Quang A nói những khó khăn về thủ tục đăng ký, khai lý lịch là những trở ngại chung mà bất kể ai cũng sẽ gặp phải. Riêng các ứng viên tự ứng cử, họ gặp một số ‘bất lợi’ trong hồ sơ lý lịch khi cơ quan chính quyền tự ‘ghi thêm’ những chi tiết không được yêu cầu trong hồ sơ.
“Họ chỉ xác minh người đó đúng là người đó rồi ký vào, chứ không phải ghi thêm điều này điều kia, nhất là những nhận xét, đánh giá mà thường là nhận xét, đánh giá của bên an ninh người ta đưa vào về thái độ chính trị… mà mẫu làm sơ yếu lý lịch thường không bao giờ yêu cầu như thế cả. Trường hợp đó không xảy ra với tôi mà với một số người khác, chẳng hạn như trường hợp đi biểu tình, rồi người ta kêu là gây rối mất trật tự, phạt hành chính gì gì đấy… chuyện đấy là 4, 5 năm trước cơ, mà trong yêu cầu là chỉ có 1 năm trở lại đây, thì họ cũng cứ ghi vào và ghi thêm những cái khác nữa.”
Ứng viên tự ứng cử Nguyễn Quang A cho rằng việc ‘ghi thêm’ không đúng yêu cầu như vậy sẽ ‘gây khó’ cho các ứng cử viên.
Gần đây, một bài viết mang tựa đề “Quốc hội không phải là phường chèo” của báo Petrotimes đã bị Luật sư Lê Văn Luân, một trong những nhân vật được bài viết đề cập tới, viết đơn khiếu nại gửi đến tòa soạn và đòi kiện vì nội dung ‘quy chụp, vu khống và bịa đặt’.
Riêng bản thân TS. Nguyễn Quang A, còn xuất hiện hẳn một video trong đó phỏng vấn một số người được cho là cư dân cùng khu phố với ông Nguyễn Quang A. Trong 5 người được phỏng vấn, có 3 người là lãnh đạo ở tổ dân phố nơi ông Nguyễn Quang A cư ngụ, 1 phụ nữ tên Hoan và 1 thanh niên.
“Có một người thứ 5 là một anh thanh niên đeo khuyên tai. Người ấy nói rằng anh ta ở tổ dân phố số 13 là nơi tôi đang ở. Nhưng tôi hỏi chính ông tổ trưởng tổ dân phố và ông trưởng ban công tác mặt trận thì họ nói ở trong tổ dân phố này không có một người nào như thế cả.”
Cũng trong cuộc tiếp xúc các cử tri ở Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng còn được Báo Xây Dựng trích lời dặn dò “phải xử lý chất lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội tinh thần như các cử tri nói là cố gắng làm như tiến hành Đại hội 12 của đảng thật sự dân chủ, công tâm, khách quan, kỹ lưỡng.

Những người đi bầu cử cũng phải lựa chọn, công tâm, kỹ càng, xứng đáng với các tiêu chuẩn chọn những đại biểu xứng đáng với nhân dân”.
Dự kiến, cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới.

Hội nghị Trung ương 2 họp, quyết định 3 chức danh còn lại của ‘tứ trụ’

Tại hội nghị kéo dài đến ngày thứ Bảy, đảng Cộng sản sẽ quyết định nhân sự được giới thiệu cho 3 vị trí còn lại của nhóm ‘tứ trụ’.
Tại hội nghị kéo dài đến ngày thứ Bảy, đảng Cộng sản sẽ quyết định nhân sự được giới thiệu cho 3 vị trí còn lại của nhóm ‘tứ trụ’.
VOA-10.03.2016
Hội nghị Trung ương lần 2 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa 12 vừa khai mạc hôm 10/3 để bàn về việc giới thiệu nhân sự cho các vị trí lãnh đạo cấp cao của nhà nước và một số vấn đề khác.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư tái cử khóa 12, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị nói “Bộ chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau đại hội toàn quốc của đảng và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội 12 của đảng”.
Tại hội nghị kéo dài đến ngày thứ Bảy, đảng Cộng sản sẽ quyết định nhân sự được giới thiệu cho 3 vị trí còn lại của nhóm ‘tứ trụ’, bao gồm chức thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, và những vị trí còn lại trong các cơ quan nhà nước.
Trước đó tại đại hội 12, một số nguồn tin cho rằng 3 vị trí trên đã được quyết định.
Hôm 24/1, ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho báo giới biết hội nghị Trung ương 14 đã ‘nhất trí’ giới thiệu Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Công an – cho chức danh Chủ tịch nước, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho chức thủ tướng chính phủ, và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho chức chủ tịch Quốc hội.
Theo ông Vũ Trọng Kim, cả 3 đề cử này đều được Hội nghị Trung ương 12 bỏ phiếu ‘nhất trí với tỷ lệ cao’.
Ngoài vấn đề nhân sự, Hội nghị Trung ương 2 cũng sẽ bàn đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, 2016 – 2020 và một số vấn đề khác.
Theo Shanghai Daily, baochinhphu.vn, Infonet.vn

Phụ nữ Sài Gòn nói về tân bí thư Đinh La Thăng

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-03-09  
000_Hkg10250109
 Ông Đinh La Thăng (thứ hai từ phải) tại lễ bế mạc Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Tân Bí thư thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng đã bắt tay làm rất nhiều việc sau khi nhậm chức tại thành phố này. Và cái sự “làm rất nhiều việc” của ông trong thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả cụ thể nhưng nó cho thấy tính quyết tâm của ông cũng rất cao mặc dù trở lực không hề nhỏ chút nào.
Trong lúc ông được một số người ví von là một Nguyễn Bá Thanh của Sài Gòn thì cũng không ít người xem ông là người lăng xăng. Liệu quyết tâm của ông có mang tín hiệu tốt nào đến với hàng triệu gia đình phải sống vật vã với nước ngập, khói bụi, nạn trộm cướp và kẹt xe, vật giá leo thang và y tế tệ hại? Ý kiến, nhận xét của những bà nội trợ về tân bí thư thành phố sẽ là một góc nhìn gần gũi để từ đó dự đoán hay suy luận ra những vấn đề khác.
Làm nhiều việc
Một người nội trợ tên Hằng, sống ở quận 1, thành phố phố Sài Gòn, chia sẻ: “Đinh La Thăng là một người có tướng lãnh đạo, ông khá hơn nhiều so với Võ Văn Thưởng vì ông có tài lãnh đạo, quyết đoán, ông nổi trội hơn nhiều lãnh đạo khác và ông cũng thiết lập đường dây nóng của riêng ông. Ông cũng ra quân ngay đầu năm nhằm làm cho ổn định. Nhưng hiện tại thì vẫn chưa thấy có kết quả gì. Về y tế thì gần đây thành phố qui định nhân viên y tế phải chào bệnh nhân. Đó là hình thức còn không biết nội dung như thế nào. Nhìn chung thì ông Thăng là người quyết đoán. Nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể nào tốt hơn…”.
Theo bà Hằng, có vẻ như ông Đinh La Thăng là một Bí thư thành ủy nổi tiếng nhất Sài Gòn từ trước đến nay. Hầu hết các bí thư trước của thành phố này đều không nổi tiếng như ông Thăng bởi ít có người dân Sài Gòn nào quan tâm đến bí thư thành phố và hầu như họ không biết trước khi làm bí thư ông ta làm gì, thậm chí các bà nội trợ còn không biết họ tên gì. Khác xa với bí thư Đinh La Thăng đã từng hô mưa gọi gió ở Bộ Giao Thông Vận Tải và mới nhậm chức đã ra đủ các lệnh, làm đủ các phương pháp nhằm mang lại một thành phố xanh, sạch, đẹp.
Và cũng chưa có bí thư nào gay gắt với chuyện biểu tình như ông Đinh la Thăng. Trước đây, thành phố Sài Gòn từng có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bị trấn áp cũng rất nhiều nhưng chí ít là đến giữa ngày hoặc sang lần hai, lần ba mới xảy ra trấn áp, đánh đập. Còn dưới thời ông Đinh La Thăng, người dân chỉ mới chuẩn bị làm lễ tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 thì ngay tức khắc bị dẹp.
Bà Hằng đưa thêm nhận xét rằng hiện tại, đời sống của hầu hết người Sài Gòn vẫn chưa có gì khá hơn. Nhưng mọi hành động của ông Thăng ít nhiều cũng làm cho bà thấy yên tâm bởi bà có một niềm hy vọng rằng đến một lúc nào đó, Sài Gòn sẽ khá hơn một chút, cây xanh sẽ nhiều hơn một chút và con người sẽ trở lại như thuở của Sài Gòn xưa với tính cách cởi mở, hào phóng và hiếu khách, sống hồn hậu. Nhưng đó chỉ là hy vọng, bà biết đây là cả một vấn đề khó khăn.
Và cũng theo bà Hằng, mọi chuyện hầu như chưa có gì rõ nét mặc dù ông Thăng vẫn cố gắng làm nhiều việc để xây dựng thành phố Sài Gòn được tốt hơn. Bà cũng bày tỏ nỗi lo của mình về với tác phong lãnh đạo có vẻ đầy tâm huyết nhưng lại hết sức độc đoán của ông Thăng không biết rồi sẽ ra sao bởi việc ông Thăng làm đôi khi đi ngược với nguyện vọng của người dân, đặc biệt là người dân đã có thời gian sống trong một thể chế chính trị dân chủ như Sài Gòn.
Vì mọi thứ ông Thăng đang nỗ lực làm đều nhằm làm cho thành phố tốt đẹp, văn minh hơn. Tuy nhiên, quyền biểu tình, truy điệu hay tưởng niệm là những quyền rất cơ bản của con người nhưng có vẻ như ông Thăng không những không quan tâm mà còn bóp nghẹt nó trong lúc này. Điều này gây không ít sự khó chịu đối với người dân.
Giá cả vẫn cứ tăng vùn vụt
Một người nội trợ khác tên Xuyến, sống ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, bán quán cà phê cóc vỉa hè, chia sẻ: “Mấy cái chuyện đó chị không có quan tâm. Thành phố vẫn có gì thay đổi đâu?! Mình chỉ lo công việc của mình rồi về nhà chức có quan tâm thì cũng không thấy có gì thay đổi…”.
Theo bà, việc củng cố và làm sạch các vỉa hè Sài Gòn là một việc hay, tốt đẹp. Nhưng để thực thi việc tốt đẹp này thì có hàng chục ngàn người buôn bán ở các vỉa hè sẽ bị khủng hoảng, thậm chí mất chỗ làm ăn. Và điều này gây thiệt hại không nhỏ đến các gia đình đang kinh doanh, buôn bán ở các vỉa hè.
Riêng gia đình bà Xuyến, nếu bị cấm bán quán cà phê ở vìa hè thì cả nhà sẽ rất khốn đốn bởi hiện tại, hai đứa con đang học đại học và người mẹ già hoàn toàn phụ thuộc vào quán cà phê vỉa hè của bà. Và cũng theo bà Xuyến, việc cấm bán quán vỉa hè để dành đường cho người đi bộ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hàng chục ngàn gia đình sống nhờ vào vỉa hè ở Sài Gòn.
Bởi Sài Gòn là một thành phố đặc trưng vỉa hè, mọi sinh hoạt, buôn bán, giao thương đều mang dáng dấp vỉa hè. Giữa người đi bộ và quán vỉa hè có một mối cảm thông sâu xa và mối quan hệ mật thiết. Người đi bộ nếu thấy vỉa hè chật chội quá thì đi xuống lòng đường để tránh, qua khỏi đoạn chật lại lên vỉa hè để đi. Đây là một thói quen của người Sài Gòn.
Và cũng theo bà Xuyến, vấn đề của một người nội trợ, một người mẹ quan tâm nhiều nhất là môi trường học tập cho con cái, môi trường  y tế, nạn kẹt xe, nạn ngập lụt mùa mưa và giá thành các loại nhu yếu phẩm cũng như độ an toàn của nó. Bởi những thứ này đi tương tác với con người mỗi ngày và nó quyết định tầm mức văn minh, văn hóa của thành phố sẽ đi đến đâu, ở mức nào.
Rất tiếc là những vấn đề mà bà Xuyến cũng như nhiều người nội trợ, người mẹ khác quan tâm lại chưa được giải quyết, vật giá vẫn cứ leo thang, hàng hóa vẫn không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn, nạn kẹt xe, ngập lụt vẫn là nỗi lo canh cánh của người dân. Các bệnh viện vẫn cứ tăng phí vùn vụt, người nằm chồng chất lên nhau và chất lượng phục vụ thì quá tồi.
Bà Xuyến cho rằng vấn đề ông Thăng quan tâm vẫn là vẫn đề tốt đẹp, ông có ý hướng tốt đẹp cho thành phố. Nhưng có vẻ như vấn đề quan trọng nhất vẫn chưa được ông quan tâm đúng mức. Nhưng dẫu sao, sau hơn bốn mươi năm sống trong thành phố Sài Gòn, bà vẫn thấy rằng lâu lắm mới xuất hiện một lãnh đạo nhà nước có quan tâm đến nhân dân và tỏ ra quan tâm một cách nghiêm túc, sâu sát, không làm qua loa chiếu lệ.
Nhưng vấn đề sẽ đi đến đâu và người dân được hưởng lợi những gì thì có vẻ như còn rất mơ hồ. Mọi thứ vẫn còn hết sức tạp nhạp. Bà Xuyến nói rằng bà chỉ biết hy vọng và cầu mong sao mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn, không phải rơi vào tình trạng rối như canh hẹ do đấu đá giữa các phe nhóm và bất mãn từ phía đội ngũ cán bộ lãnh đạo thành phố Sài Gòn.

Tỉnh Thanh Hóa báo cáo trung ương việc ngư dân biểu tình

RFA 2016-03-10  
thanh-hoa-nguoi-dan-tu-tap-dong-nguoi-truoc-cong-ubnd-tinh-3-1456914535
Người dân tụ tập trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa đòi hỏi chính quyền địa phương dành lại cho dân 500 m mặt biển để tiếp tục nghề chài lưới.  Photo courtesy of tuoitre.vn
Truyền thông trong nước cho biết báo cáo của tỉnh ủy Thanh Hóa gửi đến Ban Bí thư Trung ương, Văn phòng Tổng Bí Thư, Văn phòng Chủ tịch nước và nhiều cơ quan Trung ương khác.
Theo báo cáo của tỉnh Ủy Thanh Hóa thì địa phương chủ trương chỉnh trang lại bãi biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn thành một bãi biển được nói sẽ đẹp nhất Việt Nam.
Với chủ trương đó thì địa phương giảm số tàu thuyền có công suất máy chính dưới 20 CV, đóng mới, mua mới tàu từ 30 CV trở lên; di chuyển bến thuyền ra khỏi bãi biển du lịch.
Tuy nhiên ngư dân bị tác động vừa qua đã kéo đến trước Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu để lại một phần bãi biển làm nơi neo đậu tàu thuyền; cụ thể chừng 500 mét.
Tỉnh ủy Thanh Hóa trong báo cáo gửi các cơ quan trung ương cho rằng ‘do nhận thức pháp luật còn hạn chế, do cuộc sống mưu sinh trước mắt và bị một số kẻ xấu lợi dụng, xúi giục, kích động nên từ ngày 29 tháng 2 đến 6 tháng 3, nhiều người dân ở Sầm Sơn tụ tập đông người kéo đến các cơ quan cấp tỉnh, cấp thị xã để khiếu kiện’.
Việc khiếu kiện của người dân bị cho gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và các hoạt động bình thường của những cơ quan Nhà nước.
Sáng ngày 7 tháng 3, ông bí thư tỉnh Thanh Hóa, Trịnh Văn Chiến có cuộc đối thoại trực tiếp với người dân bị tác động. Ý kiến của ông này tại cuộc đối thoại là ai chưa đồng thuận với chủ trương của tỉnh thì vẫn được tiếp tục nghề đánh bắt hải sản và neo đậu tàu thuyền như hiện nay. Khi nhà nước đầu tư xây dựng xong bến mới thì khuyến khích ngư dân đưa thuyền về neo đậu nơi đó.

Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam đệ trình Thượng Viện Mỹ


WASHINGTON (NV) - Một dự luật về nhân quyền Việt Nam vừa được một nghị sĩ đệ trình tại Thượng Viện nhằm chế tài nhà cầm quyền CSVN nếu không cải thiện nhân quyền ở trong nước.

Cộng đồng người Việt biểu tình chống tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng khi ông đến Tòa Bạch Ốc ngày 7 tháng 7, 2015. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Dự luật có tên Đạo Luật Nhân Quyền Việt Nam, S. 2632, được Nghị Sĩ Bill Cassidy (Đảng Cộng Hòa, tiểu bang Louisiana) đệ trình hôm 4 tháng 3, 2016 vừa qua có chủ đích ngăn chặn các hành động đàn áp của nhà cầm quyền CSVN đối với công dân của mình.

Các bản phúc trình hàng năm về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam do Bộ Ngoại Giao thực hiện đều vẫn nêu ra các trường hợp cụ thể để chứng minh rằng chế độ Hà Nội vẫn nói một đằng làm một nẻo. Hiến Pháp CSVN có các điều khoản xác nhận các quyền tự do căn bản của công dân, nhưng trên thực tế, chúng đều bị các đạo luật giới hạn chặt chẽ.

Thậm chí, guồng máy công an còn được dung dưỡng sử dụng cả các biện pháp mà không có luật pháp nào công nhận để khủng bố, đàn áp những ai cương quyết đấu tranh cho nhân quyền.

Một trong những trường hợp gần đây nhất, công an CSVN đã khủng bố, đánh đập cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật tại huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng. Không những vậy, công an còn đốt rẫy, đốt vườn, rải thuốc độc tại vườn, rẫy của gia đình Trần Minh Nhật, buộc gia đình này phải chết đói. Hàng ngày, công an núp dưới vỏ bọc “côn đồ” canh giữ quanh nhà, không cho Trần Minh Nhật bước chân đi đâu, dù là tới bệnh viện cấp cứu sau khi bị “côn đồ” ném đá vỡ đầu, máu me lênh láng.

“Nhà cầm quyền CSVN tiếp tục xâm hại các quyền tự do căn bản của công dân của họ, gồm cả sinh hoạt tại các nhóm tôn giáo độc lập, các sắc dân thiểu số và các cá nhân dễ là nạn nhân của nạn buôn người.” Nghị Sĩ Cassidy tuyên bố như vậy khi đệ trình dự luật nói trên. Ông là thành viên của tiểu ban Nhân Quyền tại Thượng Viện.

Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam buộc chế độ Hà Nội phải đáp ứng các điều kiện nhân quyền trong một năm, nếu không các khoản trợ giúp không thuộc viện trợ nhân đạo cho chính phủ Việt Nam sẽ bị giới hạn tương đương với mức đã được quyết định trong tài khóa 2014.

Dự luật của Nghị Sĩ Cassidy cũng đề nghị chế độ Hà Nội sẽ phải tiến hành các bước cụ thể để bảo đảm nhân quyền trước khi những hạn chế hiện nay về bán thiết bị quân sự sát thương cho Việt Nam được nới lỏng.

Ông cũng khuyến cáo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nên đưa tên nước Việt Nam vào danh sách “Những quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) vì tình trạng đàn áp các tổ chức tôn giáo độc lập không hề nới lỏng.

Một dự luật có nội dung tương tự, H.R.2140, cũng đã từng được một số dân biểu thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa giới thiệu ở Hạ Viện năm ngoái. Tháng 9, 2015, Dự Luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền Việt Nam cũng đã được Nghị Sĩ John Cornyn đưa vào Thượng Viện.

Dự Luật Nhân Quyền tại Việt Nam từng được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua đã 5 lần trong những năm qua với tỉ số chấp thuận áp đảo nhưng khi chuyển lên Thượng Viện thì bị giữ lại, nên chưa bao giờ trở thành luật. (TN)

03-09-2016 3:56:46 PM 

Trưởng khu phố chặn xe du lịch 'thu tiền mãi lộ'

KIÊN GIANG (NV) - Một ông trưởng khu phố ở Phú Quốc cùng vợ con lấy đã mang đá ra chặn ngang đường các xe du lịch vào bãi biển để “đóng tiền làm đường.”

Đường bị trưởng khu phố dùng đá chặn ngang. (Hình: Tuổi Trẻ)

Truyền thông Việt Nam loan tin, lúc 13 giờ ngày 9 tháng 3, 2016, hơn 50 xe du lịch, taxi... chở khách vào ra Bãi Sao, thị trấn An Thới, Phú Quốc, không thể qua lại vì đường bị ông Trần Văn Huê, trưởng khu phố, cùng vợ con dùng đá chặn ngang.

Nhiều tài xế taxi cho biết, ông Huê đưa lý do, đoạn đường ra Bãi Sao trước nhà là do gia đình ông tự bỏ tiền ra làm, xe du lịch ra vào thường xuyên khiến đường bị hư nặng. Vì vậy ông Huê yêu cầu các xe đi qua và cả các doanh nghiệp phải đóng tiền làm đường.

Vụ việc khiến giao thông qua lại khu vực bị kẹt nghiêm trọng. Một số du khách trên đường ra phi trường lo lắng sợ trễ chuyến bay nên đã gọi điện cầu cứu ủy ban thị trấn An Thới...

Nói với phóng viên Tuổi Trẻ, chiều cùng ngày, ông Hoàng Đình Trường, phó chủ tịch thị trấn An Thới cho biết, con đường vào Bãi Sao là đường đất đỏ. Hàng năm, huyện đều cấp kinh phí để duy tu, bảo trì con đường này. Tuy nhiên, do đây là một trong những con đường huyết mạch dẫn ra khu du lịch Bãi Sao nên mật độ xe cộ qua lại nhiều khiến đường hư hỏng trầm trọng.

“Ông Huê cùng cán bộ khu phố vận động các doanh nghiệp kinh doanh tại Bãi Sao đóng góp kinh phí để duy tư, bảo trì để dân đi lại dễ dàng nhưng các doanh nghiệp không đóng góp nên ông Huê tức giận làm như thế chứ không phải ông Huê chặn xe để thu tiền qua đường,” ông Trường nói.

“Sắp tới, ủy ban sẽ làm việc với ông Huê cũng như ban lãnh đạo khu phố 4 nhắc nhở và tìm hướng giải quyết để bà con cũng như xe cộ ra vào khu vực này được thuận lợi,” ông Trường nói thêm. (Tr.N)

 03-09- 2016 4:11:02 PM 

Tiền Giang: 86 công nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm

M. Sơn-10/03/2016 21:09

(NLĐO) - Sau bữa ăn trưa với thịt kho trứng, canh bí đao, rau sống... hàng loạt công nhân đã bị sốt, mệt, đau đầu, choáng váng và sau đó phải đưa đi cấp cứu

Chiều 10-3, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết đã tiếp nhận 86 công nhân của Công ty TNHH Daechang Vina, chuyên may túi xách (ấp Hòa Lợi Tiểu, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) nhập viện với chẩn đoán ban đầu bị ngộ độc thực phẩm.
Công nhân ngộ độc nằm viện điều trị
Công nhân ngộ độc nằm viện điều trị
Theo Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo khoảng 14 giờ cùng ngày, trung tâm tiếp nhận những ca bệnh đầu tiên, sau đó công nhân được đưa đến hàng loạt. Số công nhân này nhập viện có cùng một số triệu chứng là sốt nhẹ, mệt, đau đầu, choáng váng, nôn ói và tiêu chảy. Hiện tại sức khỏe của phần lớn bệnh nhân đã ổn định, không có trường hợp trụy tim mạch và diễn biến nặng.
Theo các công nhân, họ ăn trưa tại nhà ăn của công ty với các món thịt kho trứng, canh bí đao và rau sống. Sau bữa ăn khoảng 1 giờ thì bắt đầu sốt nhẹ, mệt, đau đầu, choáng váng, nôn ói và tiêu chảy. Một số người bị xỉu tại chỗ nên được đưa đi cấp cứu...
Thức ăn được công ty do bà Trần Thị Bảy cung cấp. Hằng ngày bà Bảy mua thực phẩm ở chợ và mang đến chế biến tại công ty.

Trả giá

Theo NLDO-10/03/2016 22:45

Hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long làm hơn 300.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại nặng, hàng triệu nông dân khốn đốn.

Nắng nóng khốc liệt tại hầu hết các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khiến hàng trăm ngàn cây trồng cháy, úa; gần nửa triệu người quắt queo, nhiều đàn gia súc suy kiệt do thiếu nước uống trầm trọng. Những con số khô khốc ấy được liên tiếp đăng tải trên các phương tiện truyền thông những ngày qua nghe thấy thật xót xa!
Còn nhớ, chỉ mới 3 tháng trước đây thôi, hồi giữa tháng 12-2015, TP HCM phải hứng chịu cái nóng hầm hập, oi bức giữa mùa đông lẽ ra phải giá lạnh. Trước đó nữa, vào tháng 6, nhiều tỉnh - thành ở Trung Bộ, Nam Bộ lại bị sương mù bao phủ nhiều ngày liền. Quả là quá lạ lùng!
Tại hội nghị về biến đổi khí hậu (COP21) được tổ chức ở Paris - Pháp vào tháng 12-2015 nhằm kêu gọi các nước cam kết giảm lượng khí thải, các chuyên gia về khí tượng, thiên văn cho rằng do hiện tượng El Nino đang trong giai đoạn nghiêm trọng nên hạn hán, nắng nóng xảy ra với cường độ khốc liệt. Điều này là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cứ đổ lỗi cho ông trời không chịu mưa thì e rằng con người cứ sẽ phải chấp nhận chuyện đã an bài mặc dù suy cho cùng, chính con người đã và đang là “thủ phạm” gây ra những hậu quả đó.
Vài chục năm trước làm gì xảy ra liên tiếp nạn hạn hán khốc liệt đến vậy. Thử nhìn vào “lá phổi xanh” của các tỉnh Tây Nguyên thì sẽ rõ. Hơn 20 năm qua, khu vực này đã mất đi ít nhất 1,5 triệu ha rừng, trong đó một phần do lâm tặc xâm hại nhưng so ra không thấm tháp gì với diện tích rừng bị bức tử để xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện và nhiều dự án khai thác khoáng sản. Rừng trồng thì ít nhưng rừng bị phá thì quá nhiều, vậy nên đến giờ, thành quả của cái gọi là “để phát triển” chưa đâu vào đâu nhưng sự tồi tệ của việc đối xử không sòng phẳng với thiên nhiên đã bày ra trước mắt, khi hàng triệu người phải lâm cảnh cơ hàn do mất mùa, đói kém.
Cũng hơn 20 năm trước, khi bắt đầu “thai nghén” những khu công nghiệp, khu đô thị mới ở các đô thị lớn như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ; thậm chí những tỉnh nghèo ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ cũng đua nhau xây dựng hạ tầng để được “bằng anh bằng chị”…, các nhà quy hoạch và giới chức trách duyệt xét giấy phép xây dựng có lưu ý đúng mức vấn đề khí thải, chất thải; đặc biệt là tác động của tiến trình “bê-tông hóa” ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu?!
Từ nạn hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp ở Nam Bộ; nắng nóng khốc liệt ở miền Trung, Tây Nguyên, chợt nghĩ đến cái gương nhãn tiền về việc chạy đua công nghiệp của Hàn Quốc vào thập niên 1960-1970 và vùng trời mù đen do khói bụi, khí thải ở Bắc Kinh - Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Và không đâu xa, đất nước láng giềng Thái Lan cũng đang đối mặt với sự biến đổi khí hậu khốc liệt sau thời gian dài bùng nổ đô thị hóa bằng các việc xây dựng san sát các tòa nhà cao tầng.
Vậy nên, thiên tai chung quy cũng bởi con người. Khi con người không sòng phẳng với thiên nhiên thì việc trả giá là điều không tránh khỏi!
Lê Trường

Chênh vênh “đời ổ chuột”

Theo NLDO-10/03/2016 22:37

Ven những dòng kênh tại TP HCM, từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống nhếch nhác, nguy hiểm trong các dãy nhà ổ chuột

Từ nhiều năm nay, 6 người của 3 thế hệ gia đình bà Bùi Thị Năm (73 tuổi) chen chúc trong căn nhà ọp ẹp rộng chừng 30 m2, nằm chênh vênh trên các cọc gỗ ven rạch Bùi Hữu Nghĩa (phường 2, quận Bình Thạnh, TP HCM). Thu nhập chính để nuôi cả gia đình là vợ chồng người con của bà đi làm công nhân và tạp vụ nhưng cũng chỉ đủ ăn từng ngày.
Khốn khổ nhiều đời
Ngồi khâu lại chiếc áo cũ, bà Năm cho biết gia đình bà đã sống ở đây được hơn 40 năm. Trước đây, vợ chồng bà không có công việc ổn định mà ai thuê gì làm nấy để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, nay đã già yếu nên bà chỉ quanh quẩn ở nhà, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào 2 người con. Căn nhà mà gia đình 3 thế hệ đang ở là do ông bà dựng cách đây mấy chục năm bằng gỗ tạp và tôn cũ lượm được hoặc mua của những người thu gom ve chai. “Trước đây, căn nhà rộng lắm nhưng do kinh tế khó khăn nên cứ cắt dần ra để bán và giờ teo tóp như thế này đây” - bà Năm chua chát.
Cảnh nhếch nhác tại khu ổ chuột ven rạch Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh, TP HCM) Ảnh: GIA MINH
Cảnh nhếch nhác tại khu ổ chuột ven rạch Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh, TP HCM) Ảnh: GIA MINH
Theo bà Năm, phần lớn các hộ dân sống ở khu vực này đều là lao động nghèo, đã sinh sống từ hàng chục năm nay tại đây, đa số là dân nhập cư từ các tỉnh Bến Tre, Long An, Đồng Tháp… Nhà nào cũng 2-3 thế hệ sống chung và đều làm công nhân, thợ hồ nên thu nhập bấp bênh, đong gạo từng bữa. Nhiều người muốn xây nhà kiên cố hơn nhưng không đủ điều kiện và do khu vực này thuộc diện giải tỏa nên muốn xây cao cũng không được chính quyền cho phép. Do đó, đa số đều phải chắp vá tạm bợ bằng các tấm tôn, ván gỗ cũ để tránh nắng mưa. “Nhiều căn nhà ở khu vực này chỉ đủ làm chỗ chui ra chui vào, nhiều khi con cái lấy vợ, lấy chồng về ở chung mà chỉ có cái rèm ngăn phòng này với phòng kia. Bất tiện lắm nhưng riết cũng quen” - bà Năm nói.
Những căn nhà tạm bợ tại rạch Xáng, sát khu đô thị Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những căn nhà tạm bợ tại rạch Xáng, sát khu đô thị Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Dọc con rạch Bùi Hữu Nghĩa thuộc phường 1, quận Bình Thạnh, hàng chục căn nhà ổ chuột cũng nằm chênh vênh trên các cọc bê-tông, thanh gỗ đã mục nát. Bên trong khu ổ chuột này là những lối đi ẩm thấp, những căn phòng lụp xụp, những chiếc xe đẩy chở hàng được dựng lộn xộn… Người dân không chịu được mùi xú uế từ dòng nước đen đặc quánh phía dưới nên nhà nào cũng đóng chặt cửa. Ông Nguyễn Văn Thành (62 tuổi; ngụ phường 1, quận Bình Thạnh) cho biết người dân khu vực này đi làm cả ngày và căn nhà chỉ là nơi để ngủ nên ít ai quan tâm đến việc xây kiên cố. “Nhiều người ở tỉnh lên TP dựng căn nhà tạm với vài tấm ván, mảnh chiếu cói, chẳng cần cửa nẻo gì. Họ làm đến tối về trải chiếu ra ngủ rồi sáng lại đi nên cần gì nhà kiên cố” - ông Thành lý giải.
Vừa ở vừa run
Dọc bờ kênh Đôi - kênh Tẻ (quận 8), những khu nhà ổ chuột cũng mọc lên chi chít trên những trụ gỗ mục nát, cột bê-tông mỏng manh mấp mé mặt nước khi triều cường. Các ngôi nhà ở đây chỉ được che chắn tạm bợ bằng những tấm tôn ọp ẹp, cũ kỹ, không nhà vệ sinh. Có những dãy nhà dựng bằng cọc gỗ, một phần gắn trong đất liền, còn 2/3 được cơi nới ra lòng kênh, lơ lửng trên mé nước, mỗi khi có tàu lớn chạy qua lại rung lên như muốn sập. Dù biết nguy hiểm nhưng người dân nơi đây vẫn cố bám vì không có tiền để mua một căn nhà mới, trong khi giá thuê trọ cũng quá đắt đỏ. “Mấy lần xem tivi thấy nhà ở dọc bờ kênh bị sụp xuống do mưa lớn. Nghĩ đến việc nhà mình cũng có thể bị cuốn trôi hay nước đánh sập vào giữa đêm, tôi rất sợ!” - bà Nguyễn Thị Lành (ngụ phường 4, quận 8) bộc bạch.
Ngoài nguy cơ về mưa bão, gió lốc thì việc sinh sống trong những căn nhà ở khu vực này còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa như cháy nổ và đặc biệt là nguy cơ về dịch bệnh do ô nhiễm môi trường. “Cuộc sống của người dân nơi đây khổ sở trăm bề. Nhà thủng chỗ nào thì chắp vá chỗ đó chứ không được phép xây dựng hay sửa chữa do đang trong diện giải tỏa. Trước đây, chính quyền địa phương tới vận động di dời và cho biết sẽ đền bù khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng, với số tiền đó, chúng tôi không thể mua được 1 căn nhà mới” - bà Lành buồn bã.
Kỳ tới: Để dân có nhà đúng nghĩa
Ra đi rồi trở lại
Ở một số quận, huyện ngoại thành, dù không xuất hiện các khu lụp xụp nhưng rải rác trên nhiều dòng kênh, rạch nhỏ,  vẫn có một số nhà xây cất hoặc cơi nới tạm bợ. Ghi nhận tại rạch Xáng, sát khu đô thị Trung Sơn (huyện Bình Chánh), vẫn còn nhiều nhà dân tạm bợ, cơi nới. Tại khu vực quận Bình Tân, trên đoạn kênh cầu Bà Bộ (giáp ranh quận Bình Tân và huyện Bình Chánh), một số nhà dân xây tự phát đơn sơ từ lâu bằng tôn với mục đích cho thuê. Trong khi đó, đoạn rạch chạy song song với đường Cầu Kinh (phường Tân Tạo A, huyện Bình Chánh) cũng có nhiều nơi xây cất tạm bợ.
Trước đây, bà Khưu Vang Khai, một trong những hộ dân ở ven con rạch này, sống ở quận 10. Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà đã bán nhà ra khu vực này sống được 3 năm nay. “Khu vực này hầu hết là dân lao động từ nhiều nơi đổ về. Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo nên địa phương cũng chiếu cố, cấp cho số nhà tạm rồi điện, nước. Năm ngoái, địa phương còn hỗ trợ ít tiền để sửa chữa nhà đang xuống cấp. Mấy căn ven kênh đoạn này xây cất từ lâu rồi, sang tay qua rất nhiều người mới tới tôi” - bà Khai kể.
Người dân ở đây cho biết trước đây từng nghe về chủ trương di dời nhà tạm ven kênh rạch nhưng lâu lắm rồi mà không thấy động tĩnh gì. “Trước đây, một số hộ dân ven rạch bán nhà để mua nơi khác nhưng không có việc làm nên lại về đây thuê nhà kiếm sống” - bà Khai nói.

Gia Minh - Bạch Đằng

Dân kiện UBND huyện, đòi bồi thường hơn 1 tỉ đồng

(NLĐO) –Sau khi thắng kiện UBND huyện về việc ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dung đất trái luật , ông Hoa đã khởi kiện tiếp, đòi bồi thường thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.

Sáng 10-3, TAND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Quang Hoa (ngụ thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) và bị đơn là UBND huyện.
Trong phần làm thủ tục, ông Hoa cho rằng tòa án đã mời ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk) đại diện cho bị đơn nhưng ông Y Suôn không có mặt. Nếu vẫn xét xử thì người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Văn Oánh (Trưởng Phòng Tư pháp huyện) sẽ không quyết định được vì liên quan đến tiền bồi thường.
Ông Oánh cũng cho rằng trước đây, tòa xác định bị đơn là Chủ tịch UBND huyện nên khi được chỉ đạo, ông phải thực hiện. Khi tòa xác định đây là vụ án dân sự, bị đơn là UBND huyện, ông không phải là thành viên nên không quyết định được. Do đó, HĐXX đã tạm hoãn phiên tòa.

Vợ chồng ông Hoa tại phiên tòa sơ thẩm
Vợ chồng ông Hoa tại phiên tòa sơ thẩm
Theo đơn khởi kiện, gia đình ông Hoa có 6.100 m2 đất khai phá từ những năm 1980. Năm 2005, ông được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ngày 4-6-2008, UBND huyện Krông Pắk lại ban hành quyết định thu hồi sổ đỏ đã cấp cho gia đình ông với lý do nguồn gốc đất của ông không hợp pháp, UBND huyện cấp sổ đỏ không đúng thẩm quyền.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10-8-2012, UBND huyện Krông Pắk cho rằng tháng 7-2006, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi đất của Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 (Đắk Lắk) để giao UBND huyện quản lý, sử dụng. Quá trình xác minh, UBND huyện phát hiện thửa đất của ông Hoa nằm trong diện tích đất của Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 đã được tỉnh giao huyện quản lý nên không chấp nhận nội dung khởi kiện của ông Hoa.
Tuy nhiên, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định đất có nguồn gốc do ông Hoa khai phá, sử dụng từ năm 1982 không tranh chấp với ai, phù hợp với quy hoạch; việc cấp sổ đỏ của UBND huyện cho gia đình ông Hoa là có căn cứ, đúng thẩm quyền. Do đó, buộc UBND huyện Krông Pắk hủy bỏ quyết định trên. Mặc dù vậy, ngày 18-3-2014, ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk lúc ấy, có công văn trả lời ông Hoa rằng UBND huyện không chấp nhận bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk nên đã khiếu nại ra VKSND, TAND Tối cao.
Mới đây, sau khi được UBND huyện Krông Pắk chấp hành bản án, ông Hoa đã khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, tổng cộng 1,183 tỉ đồng các khoản thiệt hại về kinh tế, tổn thất tinh thần, chuyển phát bưu phẩm…
10/03/2016 15:34
Tin- ảnh: Cao Nguyên

Ông đi nhặt rác, bà diệt loăng quăng

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Mấy hôm nọ cộng đồng phây búc rộ lên bàn tán chuyện Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Bí thư thành ủy thành Hồ đi nhặt rác. Rồi rất nhiều ý kiến nói anh Thăng dziễn. Nghĩ cũng tội cho anh. Không xắn tay áo đi nhặc rác thì thằng dân bẩu là xa dân, thích ngồi máy lạnh chỉ tay năm ngón. Mà đi thị sát công việc như nếm lòng đường, nhặt rác hay mấy việc đại loại như vậy thì chúng cũng bẩu giả vờ, dziễn. Thật là bực mình!

Giả dụ cứ cho là anh Thăng dziễn đi, thì đã sao. Với lại cũng đâu chỉ có mình anh dziễn. Đây nè, chị Tiến còn dziễn trước anh ấy một ngày, sao không thấy ai lên tiếng khen chê. Thật tội nghiệp anh Thăng quá.

Ảnh: Internet

Báo “lề đảng” đưa tin hẳn hoi nhá, đâu phải chuyện bịa: “Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng các gia đình ở huyện Bình Chánh, TPHCM lật úp dụng cụ đọng nước mưa, thay nước bình bông và thả cá vào bể chứa nước để tuyên truyền cho người dân cách diệt lăng quăng, muỗi để chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.” - Trích báo Lao Động

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng người dân kiểm tra và diệt lăng quăng phòng bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết. Ảnh: K.Q (báo Lao Động) 

Chị Tiến đi diệt loăng quăng hôm 5/3, còn anh Thăng đi nhặt rác sau đó một ngày.

Bao nhiêu người bảo, còn ối việc quan trọng hơn cần anh Thăng, chị Tiến với vị trí là những người đứng đầu bộ, ngành cần quan tâm, giải quyết. Cớ sao phải diện quần áo tươm tất đi lượm rác và diệt loăng quăng. Ơ hay, tôi không bênh nhưng chả lẽ đứng trước bàn dân thiên hạ mà anh Thăng chị Tiến lại mặc quần xà lỏn hay áo ngủ ở nhà à. Có bộ quần áo mà cũng soi kinh thế. Lại còn bắt bẻ vì sao vì sao anh chị đi nhặt rác, diệt vi trùng mà không đeo khẩu trang, rồi kéo theo một lũ nhà báo đến làm gì?. Đấy, hỏi thế mà cũng hỏi. Không có nhà báo thì làm sao mà tuyên truyền được đường lối đúng đắn và tài tình của đảng. Còn việc vì sao không đeo khẩu trang thì… thì. Ờ thì… quên. Ai chả có lúc quên. Làm bộ trưởng, làm bí thư nó cực lắm chứ sung sướng gì đâu. Có quá nhiều việc lớn phải làm nên cái việc cỏn con như đeo khẩu trang trong khi tiếp xúc với vi trùng vi khuẩn, với rác rưởi các loại là chuyện thường tình.

Như thế để thấy rằng việc dọn rác, diệt loăng quăng nó quan trọng thế nào. Đến nỗi đích thân ông Bí thư, bà Bộ trưởng phải sắn tay lên làm. 

- Chuyện trẻ em chết hoàng loạt do tiêm Vacxin có quan trọng không?

Có. Nhưng cứ để giải quyết dần dần. 

- Chuyện đạo đức y- bác sĩ xuống cấp có cần quan tâm không?

Ối xời, chuyện ấy đâu phải bây giờ mới có. Nó tồn tại từ bao nhiêu đời bộ trưởng trước rồi. Với lại bệnh nhân tự nguyện đút lót, dí tiền vào tay bác sĩ đấy chứ. Ai xin đâu.

- Chuyện các bệnh viện xuống cấp, thiếu phòng bệnh, năm bẩy bệnh nhân chung một giường có là chuyện lớn không?

Thì sẽ khắc phục dần dần, cái gì cũng phải từ từ chứ.

- Tình trạng hàng ngàn người chết và bị thương vì tai nạn giao thông hàng năm có đáng báo động không?

Thì có, vẫn đang tìm cách khắc phục đây. Đừng có giục.

- Nạn mãi lộ, cảnh sát giao thông vòi tiền, làm tiền người đi đường thì giải quyết thế nào?

Này này, chuyện này là tuyệt đối không có nhá. Đừng có vu khống. 

Thôi đi thằng dân, ở đó mà hoạnh họe. Nhớ điều này nhé: “UBND các quận huyện sẽ đẩy mạnh việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 176 đối với hành vi phát sinh muỗi, lăng quăng gây bệnh|”.

Cho nên nhà ai có rác, muỗi, loăng quăng, vi trùng, vi khuẩn… thì lo mà dọn, kẻo bị phạt. Nhưng nhớ chỉ được làm sạch trong ngôi nhà của mình thôi đấy nhé, đừng có sớ rớ làm sạch quốc gia dân tộc, kẻo bị tù. Thế nhé.


Chỉ thị 15 của Bộ Chính Trị bảo kê cho đảng viên tham nhũng?

Người Quan Sát (Danlambao) - Phát biểu trong hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó GĐ CATP Hồ Chí Minh giải thích vì sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít như sau: "Lý do là vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên” (1)

Chỉ thị 15 là gì?

Chỉ thị 15-CT/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 7/7/2007 thể hiện lãnh đạo của đảng Cộng sản đối với các cơ quan quan bảo vệ luật pháp trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng.

Chị thị 15 có quy định: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.”

Công an không được trinh sát đảng viên vì vướng Chỉ thị 15 - đây là sự thừa nhận của Thiếu tướng Phan Anh Minh.

Chỉ thị 15 đứng trên các quy định về pháp luật, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. 

Chỉ thị 15 thể hiện quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Đảng là ai? Là Bộ Chính trị, là đảng ủy các cấp, dưới lá chắn “quản lý” do Chỉ thị 15 có thể đứng trên tòa án để quản lý chặt chẽ từ đầu tới cuối toàn bộ quá trình tố tụng của một vụ án có liên quan đến đảng viên: từ trinh sát, phát hiện dấu hiệu, củng cố chứng cứ, khởi tố, bắt, truy tố đảng viên vi phạm.

Với Chỉ thị 15, bất cứ một lãnh đạo đảng nào cũng có thể can thiệp vào một vụ án có đảng viên vi phạm để thay đổi bản chất vụ việc, kéo dài thời gian điều tra, khởi tố, thậm chí biến sai phạm hình sự thành xử lý hành chính với các đảng viên. 

Chỉ thị 15 tạo điều kiện cho các đảng viên vi phạm có cơ hội cứu nhau. Bởi khi nhận được báo cáo của cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các cá nhân đảng viên sai phạm nếu tổ chức đảng, cấp ủy đó không trong sáng, không thực lòng chống tiêu cực, thì chắc chắn vụ án sẽ bị chìm xuồng. Quá trình tố tụng tiếp theo sẽ không thể tiến hành.

Đứng đầu một đơn vị chống tham nhũng, Cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng, ông Phạm Trọng Đạt thừa nhận trên báo Vietnamnet ngày 5/3/2016 (2)

"Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho.Chúng tôi chống lại có khi "chết trước" (2)

Như vậy đã rõ, khó có thể chống tham nhũng khi người thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên.

Tuy nhiên, ngày mai ngày kia sẽ xuất hiện nhiều bài viết cho rằng đảng không sai, Chỉ thị 15 không phải là khiên chắn bảo vệ đảng viên tham nhũng. Bởi xưa nay chủ trương nhất quán xuyên suốt của hơn ba triệu đảng viên là phải bám lấy đảng, bảo vệ đảng là bảo vệ tính mạng quyền lợi của chính mình.

Thừa nhận sự bất lực của cơ quan trinh sát điều tra trước Chỉ thị 15 của Thiếu tướng Phan Anh Minh trong nỗ lực chống tham nhũng là một cú tát vào mặt Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. 

Bởi chính ông Quang đã khẳng định vào năm 2012: “Thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng, bảo đảm sự thống nhất trong việc giải quyết, không để xảy ra những sai sót lớn, thực hiện, áp dụng pháp luật nghiêm minh. Nhất là từ khi Ban Bí thư ban hành Hướng dẫn cụ thể hóa một số nội dung của Chỉ thị 15, thì việc thực hiện Chỉ thị 15 có nhiều thuận lợi hơn.” (3) 

Kêu gọi chống tham nhũng chỉ là hành động mị dân của đảng Cộng sản. Bởi trên thực tế khi các cơ quan tiến hành tố tụng không phải là những cơ quan độc lập, toàn quyền.

Chỉ thị 15-CT/TW đã chính thức chỉ ra rằng khái niệm "mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật" của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chỉ là trò hề khi có sự phân biệt giữa đảng viên và người dân thường. 



Chú thích: