NINH THUẬN, Việt Nam (NV) – Hôm 8 Tháng Năm, ông Đặng Nguyên Triết, giáo viên trường Trung Học Phổ Thông Tôn Đức Thắng, công khai chuyện ông vừa bị xử phạt 7.5 triệu đồng ($322) vì ba post Facebook trên trang cá nhân bị Cơ Quan An Ninh tỉnh Ninh Thuận quy chụp tội “Truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của đảng, nhà nước.”
Ba post này thể hiện suy nghĩ về vụ chùa Ba Vàng, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội và quỹ Vì Người Nghèo.
Trong post về quỹ Vì Người Nghèo (bắt buộc các nhà dân, người đi làm phải đóng góp định kỳ), ông Triết viết: “Dù rất muốn, nhưng mình vẫn không thể nào tin tưởng vào mấy cái quỹ Vì Người Nghèo của nhà nước, hay chương trình nhắn tin ủng hộ nọ kia. Vì mình không biết, à không, vì mình biết rõ số tiền đó sẽ đi đâu.”
“Như vụ ở Cần Thơ mới đây, chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc dùng nguồn đóng góp trợ giúp nhân dân khắc phục thiên tai, sự cố nghiêm trọng để trợ giúp viện phí cho phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố và phó ban Tổ Chức Thành Ủy. Nói thiệt là, các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng mà sống dậy cũng chịu thua luôn.”
Ông Triết phản hồi chuyện mình bị xử phạt trên trang cá nhân: “Sau những trận cải cách ruộng đất, Nhân Văn-Giai Phẩm long trời lở đất gây bao oan trái, phải chăng phong trào đấu tố đã bước sang giai đoạn 4.0, và đang bắt đầu được khởi xướng? Nếu quyết định xử phạt này được thi hành, nghĩa là viết những post như mình vẫn bị phạt, phải chăng mỗi người dùng mạng xã hội đều có nguy cơ trở thành một tù nhân dự bị? Mình sẽ đấu tranh để giành lại công lý, không chỉ cho riêng mình.”
“Hai trong số ba post là do mình share lại. Mình không tin có luật pháp nào mà người đăng không bị xử lý, lại đi xử lý người share, trừ phi có thứ luật pháp được áp dụng riêng cho mỗi vùng miền. Nếu quả thật không có công lý, hoặc giả như mình phải quỵ xuống trước khi được nhìn thấy công lý, thì ít ra, mọi người cũng sẽ nhìn thấy được sự thật. Lịch sử vẫn âm thầm ghi lại những cái tên trong hành trình của nó, dĩ nhiên, không có tên mình. Nếu quyết định này được thực thi, tự bản thân nó sẽ đi vào lịch sử,” theo Facebook Đặng Nguyên Triết.
Đây không phải lần đầu nhà cầm quyền CSVN xử phạt các blogger vì post Facebook “không đúng chủ trương,” nhất là các post thể hiện quan điểm cá nhân về giới chức, hoạt động của chính quyền. Trong số đó, vụ gây tranh cãi nhiều nhất là bà Lê Thị Thùy Trang và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc ở tỉnh An Giang bị xử phạt mỗi người 5 triệu đồng ($215) vì post Facebook chê chủ tịch tỉnh Vương Bình Thạnh “kênh kiệu, xa lánh dân.”
Theo báo Zing hồi Tháng Giêng, 2019, từ thời điểm Luật An Ninh Mạng có hiệu lực thi hành, mọi hành vi thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống trên mạng “đều vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.” Trong số đó có các hành vi được mô tả khá mơ hồ: Chống nhà nước, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng…” (T.K.)
QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Khó chịu trước mùi hôi ô nhiễm kéo dài từ các nhà máy, trạm xử lý nước thải, nửa đêm người dân đã lập rào cản chặn đường không cho xe ra vào Khu Công Nghiệp Quảng Phú ở thành phố Quảng Ngãi.
Sáng 8 Tháng Năm, 2019, ông Phạm Tấn Hoàng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Quảng Ngãi, xác nhận với báo Người Lao Động đã chỉ đạo giới hữu trách “kiểm tra, xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân xung quanh Khu Công Nghiệp Quảng Phú.”
Trước đó, tối 7 Tháng Năm, hàng chục người dân sống xung quanh Khu Công Nghiệp Quảng Phú đã tập trung, dùng rào chắn, băng rôn ngăn cản xe cộ lưu thông vào khu công nghiệp vì cho rằng quá trình hoạt động của nhiều nhà máy, trạm xử lý nước thải… ở đây gây ra mùi hôi thối, làm đảo lộn cuộc sống hàng trăm gia đình xung quanh. Phản ứng của người dân kéo dài nhiều giờ khiến xe cộ không thể ra vào Khu Công Nghiệp Quảng Phú.
Nói với báo Người Lao Động, ông Trần Minh Tuấn (ở tổ 23 phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi), cho biết tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài mấy năm qua nhưng chính quyền không giải quyết triệt để.
“Mùi hôi thối phát tán khắp trong xóm làng. Trẻ con thì bị đủ bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa… Chúng tôi đã chịu đựng quá lâu rồi, bây giờ tức giận quá mới có hành động chặn đường như thế này,” ông Tuấn nói.
Theo nhiều người dân, tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi xuất phát từ hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản trong khu công nghiệp và quá trình xử lý nước thải của Trạm Xử Lý Nước Thải Tập Trung thuộc Khu Công Nghiệp Quảng Phú.
“Mùi hôi xuất phát từ các nhà máy chế biến thủy sản đã đành, cộng thêm nước thải thu gom từ trạm xử lý nước thải khiến không ai chịu được… Đặt trạm xử lý nước thải chỉ cách khu dân cư chưa đầy 100 mét như thế này, làm sao không hôi thối cho được. Chúng tôi đề nghị chính quyền phải di dời trạm xử lý nước thải và một số nhà máy chế biến thủy sản đi chỗ khác mới hy vọng giải quyết dứt điểm mùi hôi thối bốc ra,” chị Xí, một người dân có nhà sát bên trạm xử lý nước thải, bức bình nói.
Sợ người dân nóng giận không thể kiềm chế gây sự với cánh tài xế, công an đã dàn quân “giữ gìn trực tự.” Đến lúc đại diện chính quyền địa phương tới thuyết phục, cam kết giải quyết người dân mới chịu giải tán.
Tin cho biết trước đó, trong hai năm 2017, 2018, người dân sống quanh Khu Công Nghiệp Quảng Phú cũng đã nhiều lần gửi đơn thư, dùng băng rôn ngăn chặn hoạt động Trạm Xử Lý Nước Thải Khu Công Nghiệp Quảng Phú và một số nhà máy chế biến thủy sản gây ô nhiễm. Thế nhưng, sau những yêu cầu chính đáng của người dân, chính quyền giải quyết lấy lệ, xử lý ô nhiễm cho có khiến người dân bất bình.
Trạm Xử Lý Nước Thải Tập Trung Khu Công Nghiệp Quảng Phú được đầu tư xây dựng năm 2012 với tổng số vốn hơn 40 tỷ đồng ($1.71 triệu) nhằm thu gom nước thải cho trên 30 doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu Công Nghiệp Quảng Phú. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm hoạt động đã bị người dân phản đối vì gây ô nhiễm kéo dài. (Tr.N)
HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Sau năm ngày chính thức thu phí, trạm BOT Hòa Lạc-Hòa Bình, nằm trên Quốc Lộ 6 liên tục bị các tài xế tập trung chống đối khiến giao thông bị ùn tắc buộc nhiều lần phải xả trạm.
Nói với báo VietNamNet ngày 8 Tháng Năm, 2019, người dân xung quanh khu vực trạm thu phí này cho biết, hôm nay đã là ngày thứ năm các chủ xe và các tài xế tập trung phản đối để yêu cầu được miễn giảm phí qua trạm BOT Hòa Lạc-Hòa Bình.
“Liên tiếp những ngày qua các tài xế cứ lái xe đến giữa trạm thu phí rồi tắt máy đóng cửa bỏ đi làm cho giao thông thường xuyên bị ùn tắc,” một người dân gần trạm BOT Hòa Lạc-Hòa Bình, cho biết.
Chủ xe Nguyễn Anh Quân, (ở xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết, lý do anh và các chủ xe tập trung phản đối là vì chủ đầu tư không giảm phí cho các xe “không chính chủ “ (người lái không đứng tên chủ quyền xe) nằm trong phạm vi được miễn giảm.
Anh Nguyễn Văn Hòa, một chủ xe khác cho rằng, theo chính sách miễn giảm, xe của anh thuộc phạm vi được miễn giảm 100%, nhưng chỉ vì xe “không chính chủ” nên không được miễn giảm. Mỗi ngày xe ông phải qua lại trạm thu phí khoảng 4 lần, mỗi lần mất 75,000 đồng ($3.2) tiền phí, dù chỉ đi quãng đường khoảng 1 cây số.
Trước đó, từ trưa 7 Tháng Năm, trạm BOT Hòa Lạc-Hòa đã tạm dừng thu phí đến cuối buổi chiều do nhiều tài xế tụ tập gây ùn tắc giao thông tại bốn làn ở cả hai chiều, sau bốn ngày bắt đầu thu phí. Chính quyền địa phương đã cử các lực lượng hữu trách tới trạm để “bảo đảm trật tự.”
Tới khoảng 11 giờ sáng 8 Tháng Năm, giới tài xế mới lái xe đi, trạm thu phí trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên theo các chủ xe, họ sẽ tiếp tục chống đối tới khi các yêu cầu được cơ quan hữu trách giải quyết.
Theo ông Bùi Quang Bát, giám đốc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn BOT Quốc Lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình, đơn vị đầu tư dự án, cho hay đã đối thoại nhiều lần với các chủ xe, giới tài xế nhưng “các kiến nghị của chủ xe nhà đầu tư không giải quyết được do phải áp dụng theo quy định. Phương án miễn giảm phí phải được Bộ Giao Thông Vận Tải, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hoà Bình chấp thuận.”
Trong khi đó, Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam đã có văn bản hồi đáp nhà đầu tư nói rõ: “Theo quy định hiện hành chỉ áp dụng miễn giảm phí cho phương tiện của người dân trong bán kính 5 cây số quanh trạm thu phí và chỉ áp dụng với xe chính chủ. Như vậy, với những xe không chính chủ vẫn phải nộp phí theo quy định qua trạm thu phí.”
Theo báo VNExpress, cuối Tháng Tư, 2019, Bộ Giao Thông Vận Tải đã cho phép trạm BOT này tổ chức thu tiền bắt đầu từ 12 giờ rạng sáng 3 Tháng Năm, với mức phí thấp nhất là 35,000 đồng/lượt xe ($1.5) và cao nhất là 180,000 đồng/lượt xe ($7.7) “để hoàn vốn đầu tư cho dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình được xây dựng mới dài 25 cây số và nâng cấp Quốc Lộ 6 dài 30 cây số.” (Tr.N)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Trong khi các tỉnh thành khác đang rất sôi động thì gần một tháng nay, thị trường bất động sản ở Đà Nẵng lại tiêu điều, giá đất rớt mạnh khiến nhiều người vay tiền mua bán lâm cảnh vỡ nợ, người sở hữu muốn bán cũng “bó tay.”
Báo VietNamNet ngày 8 Tháng Năm, 2019, dẫn lời ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Môi Giới Bất Động Sản Việt Nam, có rất nhiều lý do khiến đất ở Đà Nẵng “tăng phi mã rồi tụt dốc không phanh.” Đầu tiên phải kể là “cò đất.” Chính những người môi giới này đã thổi phồng nhu cầu giao dịch, đẩy giá đất lên cao, làm khách hàng lao đao trong việc mua bán.
Ông Nguyễn Hữu Đức, tổng giám đốc Công Ty Bất Động Sản Protech, cho biết lúc cao điểm có ngày giá đất tăng lên đến 100 triệu đồng/lô ($4,279), làm cho những người muốn mua ở nóng lòng phải mua ngay, trong khi giới đầu tư nhỏ lẻ, ít vốn vay tiền “ôm đất” mong bán kiếm lời. Được thế, “cò đất” lập tức tăng, đôn giá trị đất vượt xa giá trị thực vốn có, tựa như “bong bóng” đang trực chờ nổ vỡ.
Chẳng hạn, thời điểm năm 2016, một lô đất có diện tích khoảng 100 mét vuông tại Khu Đô Thị Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) có giá từ 1-1.3 tỷ đồng ($42,794 đến $55,629); Khu Đô Thị Phước Lý (quận Cẩm Lệ) khoảng 400-500 triệu đồng ($17,116 đến $21,395), hay khu Golden Hills chỉ 500 triệu đồng ($21,395).
Thế nhưng, cũng diện tích này vào hồi Tháng Hai, 2019, giá bán đã cao gấp 4-6 lần. Cụ thể, tại Khu Đô Thị Hòa Xuân giá giao dịch 4 tỷ đồng ($171,167); Khu Đô Thị Phước Lý tăng 2.5-3 tỷ đồng ($106,979 đến $128,375); Khu Đô Thị Golden Hills lên 3 tỷ đồng ($128,375)…
Riêng khu vực đất nền ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, một mét vuông thời điểm Tháng Hai, 2019 lên đến 100-500 triệu đồng ($4,279 đến $21,395)
Sau thời gian lên đến đỉnh điểm, đến nay cơn sốt đất tại Đà Nẵng đã “xuống dốc không phanh,” rất nhiều “cò đất” tháo chạy, khiến thị trường bất động sản nơi này ảm đạm. Nhiều người ôm mộng đổi đời đã vay ngân hàng hàng chục tỷ đồng mua đất kinh doanh kiểu “sang tay” phải bán cắt lỗ để có tiền trả nợ cả lãi lẫn gốc, thậm chí rơi vào cảnh phá sản, trong khi người có nhu cầu mua để ở cố chờ chưa vội mua.
Ngoài “cò đất,” một lý do khác góp phần khiến giá nhà, đất Đà Nẵng lao đao là việc nhiều chủ đầu tư đã không bàn giao dự án đúng hợp đồng ký kết với khách hàng, tạo nên tâm lý e ngại, mất niềm tin của nhiều người.
Gần đây nhất là vụ việc Bách Đạt Corp đơn phương chấm dứt hợp đồng với Doanh nghiệp Hoàng Nhất Nam, không giao nhà đất dự án, trong khi khách hàng đã đặt cọc theo tiến độ đến 95% giá trị lô đất tại các dự án Khu Đô Thị Bách Đạt 1 và khu 7B Hera Complex Riverside.
Vụ này được đẩy lên cao trào khi hàng trăm người dân mua nhà của dự án tập trung trước trụ sở Bách Đạt Corp ở đường Nguyễn Du (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) đòi quyền lợi và làm đơn khiếu nại lên Tòa Án Nhân Dân quận này.
Trước đó, một số dự án như Kim Long City, Gaia City… cũng không làm đúng với hợp đồng mua bán khi cam kết trong vòng một năm sẽ bàn giao, nhưng hiện tại đã gần hai năm mà cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện. (Tr.N)
“Hội Nghị Trung Ương 10,” một sự kiện quan trọng của đảng CSVN mà rất thường là không thể vắng mặt Nguyễn Phú Trọng, sẽ diễn ra vào khoảng trung tuần Tháng Năm, 2019, và ngay trước kỳ họp Quốc Hội cùng tháng. Liệu Nguyễn Phú Trọng có kịp hiện ra với tình trạng sức khỏe được xem là “đã hồi phục” và “ổn định” để “hai tay gìn giữ môt sơn hà” – như cử tri Trần Viết Hoàn, được xem là một trong những “gà đảng” cứ mỗi khi diễn ra cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng, trông mong?
Vẫn biệt tích
Sự có mặt của Nguyễn Phú Trọng tại “Hội Nghị 10” là đặc biệt cần thiết vì những lý do cũ như tính cần kíp phải duy trì chiến dịch “đốt lò,” tiếp tục tăng tốc “cơ cấu cán bộ cấp chiến lược” để chuẩn bị cho Đại Hội 13.
Bên cạnh đó là những lý do mới hơn, cần có ý kiến chính thức của Trọng về một số dự luật, như 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, Bộ Luật Lao Động, Luật về Hội… liên quan đến quan điểm của chính thể Việt Nam buộc phải nhượng bộ trước Liên Minh Châu Âu (EU) trước khi EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) được ký kết và phê chuẩn trong nửa cuối năm 2019…
Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là bàn về nội dung và công tác sắp xếp “bầu đoàn thê tử” cho chuyến đi Mỹ dự trù sắp tới của Trọng theo lời mời chính thức của Donald Trump.
Nhưng kể từ sau biến cố ở Kiên Giang, địa danh được xem là “căn cứ địa cách mạng của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng” vào ngày 14 Tháng Tư, 2019, ông Trọng đã “biệt tích” tại những sự kiện chính trị quan trọng như: Dịp lễ “30 Tháng Tư,” mà chưa bao giờ ông ta để mất vai trò chủ trì; tại đám tang ngày 3 Tháng Năm của Lê Đức Anh, viên tướng từng ra lệnh “không được nổ súng” khiến toàn bộ đội Việt Nam chết oan mạng trong trận Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma năm 1988; và gần nhất là buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, vào sáng Thứ Bảy, 4 Tháng Năm, 2019.
Bất chấp trước đó Bộ Ngoại Giao đã thông báo là Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc, còn Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội, thông báo rằng tình hình “đồng chí tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang phục hồi sức khỏe nhanh chóng”…
Hội Nghị Trung Ương 10 là thách thức lớn hơn nhiều so với đám tang Lê Đức Anh.
Nếu Trọng không thể xuất hiện tại “Hội Nghị Trung Ương 10,” khi đó không chỉ dân chúng mà cả giới cách mạng lão thành và các quan chức trong nội bộ đảng hoàn toàn có thể nghi ngờ về Trọng không thể đảm bảo sức khỏe để ông ta có thể “ngồi” từ đây cho đến khi Đại Hội 13 diễn ra vào năm 2021.
Từ đó, sẽ xuất hiện những đòi hỏi cần phải minh bạch hóa tin tức về Trọng, và chính Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương là cơ quan phải làm nhiệm vụ này. Nếu Trọng không còn đủ tỉnh táo để “lèo lái con thuyền của đảng và dân tộc” thì phải bàn đến phương án “nước không thể một ngày thiếu vua.”
Trọng vắng mặt, chuyện gì sẽ xảy ra?
Vào năm 2018, chính Nguyễn Phú Trọng là người đặt ra quy định về các ủy viên trung ương và ủy viên Bộ Chính Trị phải bảo đảm sức khỏe thì mới có thể tham chính. Thậm chí quy định này còn nêu rõ phải có sự xác nhận của Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương đối với tình trạng sức khỏe của các quan chức cao cấp.
Cần chú ý là quy định này được thường trực Ban Bí Thư ban hành vào lúc Trần Đại Quang – chủ tịch nước và cho tới khi đó đã nổi lên như một đối thủ chính trị khó nuốt của Trọng – chưa rơi vào cái chết đầy nghi vấn vào Tháng Chín, 2018.
Nhưng chính bản quy định về sức khỏe trên lại đang lóe cái lưỡi sắc lẻm thứ hai đối với Nguyễn Phú Trọng. Nếu buộc phải thừa nhận mình bị tai biến mạch máu não và thậm chí bị đột quỵ như quá nhiều dư luận trong nước và cả quốc tế dậy lên đồn đoán, Trọng sẽ bị bản quy định trên loại ra khỏi danh sách “cán bộ cấp chiến lược cho Đại Hội 13.”
Điều này khiến Nguyễn Phú Trọng không những mất hẳn tương lai tiếp tục ngồi ghế “tổng tịch” mà cái ghế đó còn bị đe dọa bởi không ít đồng chí cấp dưới, những người đang sẵn sàng tranh đoạt quyền lực nếu “vua” băng hà, hoặc ốm liệt giường liệt chiếu, nếu chưa chết.
Có thể xem “Hội Nghị Trung Ương 10” là thách thức rất quan trọng mà Nguyễn Phú Trọng phải hiện ra và phải vượt qua, nếu ông ta còn muốn “ngồi” đến cuối Đại Hội 12, hoặc ít ra cũng có thể tồn tại trên cương vị “tổng tịch” mà không phải quá lo lắng cái ghế đó bị những kẻ khác xâu xé.
Nhưng nếu tình trạng khỏe của Nguyễn Phú Trọng vẫn phập phù, mà cụ thể hơn là vẫn không thể nói được, hoặc nói không thể rõ ràng, không đi lại được hoặc đi không vững,… liệu ông ta có “mất tích” tại “Hội Nghị Trung Ương 10” theo cách “trưởng ban lễ tang Nguyễn Phú Trọng” đã “không không thấy” tại đám tang Lê Đức Anh?
Hoặc do chính yêu cầu của Trọng mà “Hội Nghị Trung Ương 10” sẽ bị dời lại cho đến khi ông ta có thể đi lại và nói năng được?
Trở về dĩ vãng Nguyễn Bá Thanh?
Có một điểm trùng hợp thú vị vào cuối năm 2014, một hội nghị trung ương khi đó cũng mang số thứ tự là 10 đã phải dời lại đến khoảng một tháng rưỡi. Nguồn cơn sâu xa được ngầm hiểu là đảng cầm quyền rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi một mặt liên minh Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang bị thủ tướng khuynh đảo quyền lực khi đó là Nguyễn Tấn Dũng tấn công áp đảo và liên tục. Mặt khác “ngôi sao đang lên” Nguyễn Bá Thanh, cựu bí thư Đà Nẵng được Trọng đưa ra Hà Nội làm trưởng ban Nội Chính Trung Ương, lại bị một căn bệnh lạ lùng và quái ác đến nỗi phải đi đều trị ở Hoa Kỳ.
Mãi đến đầu năm 2015 khi Nguyễn Bá Thanh được cáng về Đà Nẵng trong tình trạng “tau khỏe mà, có chi mô” nhưng sau đó âm thầm lìa đời, Hội Nghị Trung Ương 10 mới được tổ chức với một mục tiêu đặc biệt “lấy ý kiến thăm dò uy tín tổng bí thư cho Đại Hội 12.”
Nhưng kết quả phiếu thăm dò trên vẫn không được công bố bất kỳ chi tiết nào cho tới nay. Trong khi đó, rất nhiều nguồn tin không chính thức đã cho biết Nguyễn Tấn Dũng mới là người xếp đầu bảng kết quả thăm dò uy tín tổng bí thư, còn Nguyễn Phú Trọng chỉ xếp thứ 8.
Đáng chú ý, cho tới nay đã không có bất kỳ phản bác hay cải chính nào của các cơ quan đảng và chính quyền Việt Nam về những tin tức không chính thức đó.
Cũng có một điểm trùng khớp thú vị khác là bầu không khí và những gì đã diễn ra trong “kịch bản Nguyễn Bá Thanh” dường như đang tái hiện vào năm 2019 ứng với cái tên Nguyễn Phú Trọng.
Cũng bắt đầu bởi một biến cố, sau đó là sự kìm giữ “bảo mật thông tin sức khỏe lãnh đạo” cùng những lời bàn tán nổi lên mối nghi ngờ trên mạng xã hội và trong dư luận xã hội về tình cảnh “gần đất xa trời.”
Ứng với trường hợp Nguyễn Bá Thanh, tiếp sau đó là sự xuất hiện của trang mạng Chân Dung Quyền Lực – một bóng ma khủng khiếp đe dọa phần lớn ủy viên bộ chính trị và có những tin tức rất chi tiết về số chuyến bay, giờ bay… đưa bệnh nhân Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng.
Liệu sẽ hiện ra một cái gì đó na ná như Chân Dung Quyền Lực ứng với trường hợp Nguyễn Phú Trọng?
Phép thử sống còn
Đó là điều có thể xảy ra, và thực ra đã bắt đầu xảy ra. Ngay từ sự biến Kiên Giang, vài trang facebook cá nhân có lượng truy cập lớn đã liên tục thông tin về tình trạng sức khỏe của Trọng. Những thông tin đó là chi tiết và rất có “định hướng,” mà hẳn Trọng nếu tỉnh lại thì phải nhận ra đó không phải là giọng điệu của “thế lực phản động,” mà thậm chí có thể từ chính những đồng chí đang vây quanh giường bệnh của ông ta.
Thời gian mà Nguyễn Phú Trọng phải kéo dài điều trị càng lâu, dư luận càng trở nên bất lợi đối với ông ta. Đang ngày càng rộ lên dư luận Trọng cố ý không chịu thông tin về cơn bạo bệnh của mình là nhằm duy trì cái ghế “tổng tịch” và không chịu rút khỏi danh sách “cán bộ cấp chiến lược của Đại Hội 13.”
Cũng đang hiện ra ngày càng rõ những dấu hiệu thách thức từ ngầm đến công khai đối với quyền lực của bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng, trên mạng xã hội, trong giới quan chức cấp dưới và cả trong giới cách mạng lão thành.
“Hội Nghị Trung Ương 10” cũng bởi thế sẽ là một phép thử đầu tiên mang tính sống còn đối với sự tồn tại mong manh và có thể là cuối cùng của Trọng. (Phạm Chí Dũng)