Wednesday, April 15, 2015

Anh Nguyễn Viết Dũng, người mặc quân phục VNCH đã bị giam giữ sang ngày thứ 4

Anh Nguyễn Viết Dũng, biệt danh Dũng Phi Hổ

CTV Danlambao - Anh Nguyễn Viết Dũng, người thanh niên mặc bộ quân phục Việt Nam Cộng Hoà xuất hiện tại Hồ Gươm vào sáng chủ nhật, 12/4/2015, hiện vẫn đang bị côn an CSVN giam giữ sang ngày thứ 4 liên tiếp.

Chiều ngày 14/4/2015, cô Nguyễn Thị Diệu Ánh – em gái của Nguyễn Viết Dũng đã trực tiếp đến trụ sở CA quận Hoàn Kiếm để chất vấn lý do bắt người. Tuy nhiên, không có bất cứ thông tin nào được phía CA trả lời thích đáng.

Được biết, hầu hết những thanh niên mặc áo đen có in phù hiệu Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đều đã ra khỏi đồn CA sau 2 đêm bị giam giữ phi pháp. Riêng trường hợp anh Nguyễn Viết Dũng, biệt danh Dũng Phi Hổ vẫn hoàn toàn không có tin tức.
Nhóm 5 thanh niên mặc áo đen, trên ngực in phù hiệu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện vào buổi sáng chủ nhật, 12/4/2015 tại Hồ Gươm.

Sự kiện một thanh niên sinh sau năm 1975 tại miền Bắc dám công khai những biểu tượng của chính thể Việt Nam Cộng Hoà đã khiến chế độ cộng sản trở nên điên tiết.

Sau 40 năm, những giá trị tự do, nhân bản của Việt Nam Cộng Hoà vẫn đủ để khiến cho người cộng sản phải run sợ. Điển hình là vụ bắt người lén lút, dấu nhẹm thông tin đối với anh Nguyễn Viết Dũng.

Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Viết Dũng bị rơi vào tay CA. Trước đó, người thanh niên 29 tuổi này từng công khai treo cao lá cờ vàng ba sọc đỏ ngay trước nhà mình tại Nghệ An. Hành động này đã khiến anh bị đe doạ, sách nhiễu nhiều lần.

Dù vậy, trên facebook mang tên Dũng Phi Hổ, anh vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu mến đối với những biểu tượng của Việt Nam Cộng Hoà, đặc biệt là hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Nguyễn Viết Dũng sinh ngày 19/6/1986. Sinh nhật của anh trùng với ngày thành lập Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

Loa & Pháo Hoa

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Buồn tất cả. Chỉ cái loa là vui!Nguyễn Chí Thiện

Tôi vừa đọc xong một bài viết hơi buồn: Gửi Tiết Kiệm Một Chỉ Vàng Nhận Lại Một Ổ Bánh Mì Thịt. Xin tóm lược:

Vì gia đình có ba thân nhân là liệt sĩ nên năm 1983 ông Nguyễn Vĩnh Rượu nhận được 90 đồng tiền chính sách, hỗ trợ. Ông mang số tiền này gửi vào qũy tiết kiệm, loại không kỳ hạn và có lời.

Ba mươi hai năm sau, vào ngày 31 tháng 3 năm 2015, gia đình ông Rượu mang sổ tiết kiệm đến Ngân hàng VietinBank và nhận lại được hơn 20.000 đồng. Tính luôn “cả lãi lẫn gốc không đủ một cuốc xe ôm,” theo như nguyên văn trong bài báo của ký giả Tấn Tài

“Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết thời gian qua cũng có một số người đưa sổ tiết kiệm ‘tuổi đời’ 20-30 năm đến rút tiền và ngân hàng vẫn giải quyết cho khách hàng bình thường. ‘Phần lớn số tiền trong các sổ tiết kiệm rất nhỏ, qua lần đổi tiền lại càng nhỏ hơn. Ngân hàng Nhà nước đã dồn toàn bộ số tiền này qua một tài khoản riêng để giải quyết khi khách hàng đến nhận tiền’ – ông Minh cho biết.

Chúng tôi đặt câu hỏi: Có hợp lý không khi vào thời điểm mở sổ, số tiền người dân gửi có giá trị khá lớn nhưng tới giờ nhận cả lãi lẫn gốc không đủ một cuốc xe ôm. Ông Minh cho rằng đây không phải là Nhà nước o ép người dân mà là do giá trị đồng tiền bị sụt giảm. Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn rất rõ ràng về việc chi trả này.”

Sổ tiết kiệm của ông Rượu giờ chỉ còn giá trị làm “kỷ niệm”. Ảnh và chú thích:T.TÀI

Thiệt là “rõ ràng” hết biết luôn! Vậy mà tác giả bài viết thượng dẫn vẫn cẩn thận chụp lại phóng ảnh sổ tiết kiệm của ông Nguyễn Vĩnh Rượu, do Ngân Hàng Nhà Nước cấp, cùng với lời chú thích rằng nó chỉ còn giá trị để làm... “kỷ niệm.”

Tất nhiên, đây là một kỷ niệm (rất) buồn của người dân với nhà nước Việt Nam

Tuy thế, theo VTV:

“Vào 21h hôm nay (28/3), những màn pháo hoa rực rỡ đã thắp sáng bầu trời Đà Nẵng chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thành phố.

Chương trình bắn pháo hoa kéo dài 15 phút với 100 giàn pháo, trong đó có 2.000 quả pháo tầm thấp. Đây là lần đầu tiên chương trình bắn pháo hoa nhân các dịp lễ, tết tại Đà Nẵng không chỉ ‘dồn’ hết về dọc hai bờ sông Hàn ở khu vực trung tâm Thành phố như những năm trước đây, mà còn diễn ra ở các vùng xa để phục vụ người dân. Những điểm bắn pháo hoa tại Đà Nẵng lần này gồm: trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; sân vận động quận Ngũ Hành Sơn; trước trụ sở UBND quận Liên Chiểu và trước trụ sở Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang. Nhờ đó, không chỉ người dân và du khách tại Đà Nẵng mà cả người dân Quảng Nam và các khu vực lân cận cũng nô nức đón xem pháo hoa.

Thời tiết vào đêm diễn ra pháo hoa tương đối quang tạnh, thuận lợi để người dân mãn nhãn với những màn pháo hoa đầy màu sắc, cùng hòa vào không khí vui tươi phấn khởi mừng kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố.”

Chiêm ngưỡng những tràng pháo hoa nổ rợp trời. Ảnh & chú thích: Lao Động

Trong số hàng ngàn người dân Đà Nẵng “hòa vào không khí vui tươi phấn khởi mừng kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố” và “chiêm ngưỡng những tràng pháo hoa nổ rợp trời,” tôi e không có những người thân trong gia đình ông Nguyễn Vĩnh Rượu. Không lẽ họ lại “tươi vui phấn khởi” sau một cuộc chiến tương tàn, với vài ba thân nhân đã trở thành liệt sĩ mà (chung cuộc) “chiến lợi phẩm” chỉ là... một ổ bánh mì kẹp thịt? 

Theo VNEXPRESS thì Đà Nẵng/Quảng Nam “là địa phương có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất với 11.234 người.” Tính rẻ ra thì địa phương này, ít nhất, cũng phải có 11.234 gia đình liệt sĩ. Liệu có bao nhiêu người trong số những gia đình này vừa “tươi vui phấn khởi,” vừa gặm bánh mì (thịt) để... “chiêm ngưỡng những tràng pháo hoa nổ rợp trời,” “mừng kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố” của mình?

Hẳn không mấy ai vô tâm đến thế.

Tuy thế, trước đó hai ngày, cũng theo VTV

“Đúng 21h ngày 26/3, bầu trời thành phố Huế đã rực sáng với những màn pháo hoa đầy màu sắc. Khoảng 1.000 quả pháo được bắn tầm cao, kéo dài suốt 15 phút, thu hút sự chú ý của hàng nghìn người dân và du khách.

Đây là một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa được tổ chức, nhằm tạo không khí rộn ràng, vui tươi cho người dân cố đô nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế."

Thành phố Huế lung linh trong sắc pháo hoa. Ảnh và chú thích: Tạp Chí Sông Hương

Trong “không khí rộn ràng, vui tươi cho người dân cố đô nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế” và trong số “hàng nghìn người dân và du khách” ngắm nhìn “thành phố Huế lung linh trong sắc pháo hoa” (chắc) cũng không có mấy thân nhân liệt sĩ, cũng như thân nhân của những gia đình nạn nhân đã bị qúi vị liệt sĩ trói tay rồi đập chết (mấy mươi năm trước) đâu.

Về “số liệu về các hố chôn tập thể” trong vụ “Thảm Sát Huế Tết Mậu Thân,”Wikipedia: ghi nhận như sau:

“Trong những tháng và những năm tiếp theo sau Trận Mậu Thân tại Huế, bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày, hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong và xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh. Số liệu từ các nguồn khác nhau có sự không thống nhất.

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa ra danh sách 4.062 nạn nhân được xác định là đã bị bắt cóc hoặc bị giết. Theo các báo cáo của Việt Nam Cộng Hòa, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra tấn và đôi khi bị chôn sống.

Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike, lúc bấy giờ là nhân viên Cục Tâm lý chiến của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970:

‘Câu chuyện (về Huế) chưa chấm dứt. Nếu ước đoán của giới chức Huế được coi như gần đúng, khoảng 2.000 người vẫn còn mất tích. Tổng kết về người chết và mất tích như sau: 

Tổng số dân sự tử vong: 7.600 - chết lẫn mất tích 

Chiến trường: - 1.900 bị thương vì chiến cuộc; 944 thường dân chết vì chiến cuộc 

Nạn nhân của những vụ giết tập thể: 

1.173 - số tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968

809 - số tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-7 năm 1969

428 - số tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) - tháng 9năm 1969

300 - số tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phu Thu, tháng 11 năm 1969

100 - số tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969

1.946 - mất tích (tính đến năm 1970)’

Theo soạn giả Matthew White ghi lại trong Atrocities: The 100 Deadliest Episodes in Human History (Tàn khốc: 100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại) thì vụ thảm sát ở Huế năm 1968 được ông trích dẫn từ các nguồn khác nhau cho rằng "đã có 2.800 người bị giết và 3.000 người mất tích do Việt Cộng thực hiện".

Theo Gareth Porter, một học giả Mỹ, các ước lượng ban đầu của Bộ Di dân và An sinh Xã hội Việt Nam Cộng hòa, số dân thường thiệt mạng do giao tranh và bom pháo là 3.776, trên tổng số dân thường bị thương, chết hoặc mất tích là 6.700 người, chứ không phải các con số 944 và 7.600 do Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đưa ra. (Các con số 944 và 7.600 này đã được Pike Douglas dùng trong thống kê của mình.)”


Vẫn theo Wikipedia:

"Thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân (tiếng Anh: Hue massacre) là tên gọi một sự kiện trong Chiến tranh Việt Nam khi phát hiện nhiều ngôi mộ tập thể chôn tử thi trong chiến trận Huế. Việc phát hiện hố chôn xảy ra khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và đóng ở Huế một tháng, sau đó bị triệt thoái trước sự phản công của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Hoa Kỳ.[

Cho đến nay, tài liệu từ cả phía Việt Nam và Mỹ vẫn quy trách nhiệm cho nhau về nguyên nhân và tính xác thực của sự kiện này. Trong khi đó, các nhóm phản chiến và nhiều học giả phương Tây khẳng định rằng số lượng và hoàn cảnh của những người bị giết đã bị khuếch đại và ngụy tạo để phục vụ mục đích tuyên truyền trong chiến tranh. Nguồn từ phía quân Giải phóng thì ghi nhận họ đã chôn nhiều thường dân chết do hỏa lực hạng nặng của Mỹ cùng với binh sĩ tử trận của chính họ.”


Tôi tạm thời “chưa” bận tâm (lắm) về chuyện “trách nhiệm” của phe nào trong vụ thảm sát hàng chục ngàn người trong vụ Mậu Thân. Tôi chỉ (trộm) nghĩ rằng tại một vùng đất đã xẩy ra một trong “100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại” thì chính quyền địa phương, hàng năm, nên tổ chức một buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân – bất kể bên nào. 

Không làm được như vậy, đã đành, mà còn thực hiện “những màn pháo hoa đầy màu sắc... nhằm tạo không khí rộn ràng, vui tươi cho người dân cố đô nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế” thì e đây là một chuyện (rất) thất nhân tâm – nếu chưa muốn nói là ngu xuẩn – nhất là khi ngân qũi quốc gia (phần lớn) nếu không đến từ kiều hối, từ tiền viện trợ, tiền bán rừng, bán khoáng sản thô hay tiền vay mượn của nước ngoài. 


Bình Thuận: Người dân nổi lửa chặn quốc lộ, ném bom xăng chống trả CA đàn áp


Bạn đọc Danlambao - Liên tục trong hai ngày 14 và 15/4/2015, hàng ngàn người dân Bình Thuận đã tràn xuống quốc lộ 1A để biểu tình phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (do Trung Cộng xây dựng) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Cuộc biểu tình đã khiến giao thông trên tuyến quốc lộ 1A tê liệt, xe cộ kẹt cứng kéo dài hàng chục cây số. Nhiều người dân phẫn nộ thậm chí còn dùng gạch đá, bom xăng chống trả quyết liệt khi cảnh sát cơ động kéo đến nhằm giải tán đám đông.

Trưa ngày 15/4/2015, sau cuộc giao tranh gạch đá dữ dội giữa người dân với lực lượng cảnh sát cơ động, giới chức Bình Thuận tuyên bố đã giải tán thành công cuộc biểu tình. Dù vậy, các diễn biến sau đó cho thấy sự phản kháng của của người dân vẫn còn rất mạnh mẽ.

Trước áp lực của người dân, chiều ngày 15/4/2015, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải chỉ đạo nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 khắc phục tình hình, đồng thời ra lệnh cho giới chức Bình Thuận tuyên truyền khẩn cấp cho người dân ‘không để kẻ xấu lôi kéo, kích động’.
Người dân dùng bom xăng tấn công cảnh sát cơ động, 'tái chiếm' quốc lộ 1A. Trước đó, vào trưa ngày 15/4/2015, sau cuộc giao tranh dữ dội bằng gạch đá, giới chức tỉnh Bình Thuận tuyên bố đã giải tán thành công người dân. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, rất đông người dân vẫn tiếp tục nổi lửa đốt đường, phong tỏa quốc lộ 1A.



Bất chấp những động thái xoa dịu dư luận của phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, tối cùng ngày, người dân Bình Thuận tiếp tục kéo đến ‘tái chiếm’ quốc lộ 1A, nổi lửa đốt đường.

Đáp lại, với quyết tâm bảo vệ nhà máy nhiệt điện bằng mọi giá, nhà cầm quyền CS đã huy động lực lượng cảnh sát cơ động hùng hậu kéo đến nổ súng, ném lựu đạn cay nhằm giải tán đám đông nhân dân đang rất phẫn nộ. 

Hành động này như đã đổ thêm dầu vào lửa, người dân phản ứng lại bằng cách dùng gạch đá, bom xăng đánh trả lại lực lượng CA. 

Xung đột giữa người dân và nhà cầm quyền nhanh chóng bùng phát thành bạo lực dữ dội, khiến cả đoạn đường rực lửa như bị thiêu cháy. Video do một số người dân ghi lại tại hiện trường có thể nghe rõ tiếng nổ lựu đạn và những đám cháy bùng do bom xăng

 Ảnh: Hoàng Trường (VNexpress)
Người dân tuyên bố sẽ biểu tình cho đến khi nào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chấm dứt hành vì gây ô nhiễm môi trường, không thải bụi than, xỉ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Được biết, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận có vốn đầu tư hơn 23 ngàn tỷ đồng, được xây dựng bởi tập đoàn điện khí Thượng Hải của Trung Cộng. 

Nhờ hành vi ngấm ngầm tiếp tay của phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, cộng với sự hám lợi của các quan chức Bình Thuận, các nhà thầu Trung Cộng dù sử dụng công nghệ lạc hậu nhưng vẫn nghiễm nhiên trúng thầu xây dựng hầu hết các dự án nhiệt điện quan trọng tại Bình Thuận.

Đến lúc này, ‘quả đắng’ từ các nhà thầu Trung Cộng là quá rõ ràng. Người dân Việt Nam tiếp tục phải chịu đựng nhiều di hoạ khủng khiếp từ việc ô nhiêm nghiêm trọng. Thủ phạm tiếp tay cho Trung Cộng tàn phá đất nước chính là đảng CSVN.

Bạn đọc Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Nỗi đau sẽ không dứt nếu không biết tại sao đau

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Em học sinh Việt Nam nằm gối đầu lên cặp sách, im lìm như đang ngủ trưa trong một bức hình đăng trên một tờ báo Mỹ. Các nhân viên y tế cứu thương chỉ vì quá thương xót mà tưởng như em còn biết đau nên đặt đầu em cao trên chiếc cặp vậy thôi. Không, em không ngủ trưa, em chết rồi. Em là một trong 32 học sinh trường tiểu học Cai Lậy, Định Tường, bị VC pháo kích chết lúc 2:55 trưa ngày 9 tháng 3, 1974. Em bị giết chỉ hơn một năm trước ngày chấm dứt chiến tranh để từ đó dân tộc Việt Nam chịu đựng 40 năm trong độc tài đảng trị đến hôm nay.

Ai giết 32 em học sinh trường tiểu học Cai Lậy, Định Tường? 

Các em chết vì đạn pháo kích của Việt Cộng. Vâng. Nhưng đa số tuổi trẻ VN sinh ra và lớn lên sau 1975 không biết sự thật đó. Các em chỉ được nhồi sọ về cái chết của “10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc”.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, Hà Tĩnh, nằm trên con đường chiến lược nối vào dãy Trường Sơn nên trong thời chiến thường bị Mỹ ném bom. Ngã ba Đồng Lộc gắn liền với chuyện 10 nữ thanh niên xung phong bị bom của Không lực Hoa Kỳ ném trúng ngay miệng hầm. Tiểu đội gồm 10 cô gái trẻ. Tất cả đều cùng quê hương Hà Tĩnh và đều chết tức khắc. Người nhỏ nhất là Vũ Thị Hà chỉ mới 17 tuổi.

Ai giết 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc?

Nếu hỏi 100 em học sinh Việt Nam thì đúng 100 em sẽ trả lời do bom của “Đế quốc Mỹ”.

Nhưng nếu không có “đế quốc Mỹ” rồi 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc và hàng triệu thanh niên miền Bắc vô tội có chết hay không?

Nếu hỏi 100 em học sinh Việt Nam thì đúng 100 em sẽ trả lời "Không".

Thật ra, không có Mỹ các cô gái thanh niên xung phong đó cũng có thể chết. Nếu không chết tại Ngã Ba Đồng Lộc rồi cũng một ngã ba khác, một con đường khác, một thôn làng Việt Nam khác. Mười phần trăm dân số Việt Nam đã chết để tham vọng CS hóa Việt Nam của lãnh đạo CSVN và Quốc Tế được hoàn thành.

Số phận Việt Nam vốn đã nằm trong sinh tử lịnh của Mao và các lãnh đạo CS Trung Hoa không chỉ trước Điện Biên Phủ, sau hiệp Geneve, hiệp định Paris, biến cố Hoàng Sa, Trường Sa mà ngay từ đầu thập niên 1920 khi đảng CSVN còn đang thai nghén trong nhận thức của Hồ Chí Minh.

Đường lối chiến tranh của Mao trong bài phát biểu tại Diên An: “Nhiệm vụ trung tâm và hình thức cao nhất của cách mạng là chiếm lấy quyền lực xuyên qua đấu tranh võ trang và giải quyết xung đột bằng chiến tranh. Đây là nguyên tắc cách mạng của chủ nghĩa Mác Lê-nin, và phải được thực hiện một cách toàn diện tại Trung Quốc và toàn thế thế giới”.

Đường lối đó chi phối toàn bộ chính sách của đảng CSVN. Quan hệ giữa hai đảng CS có khi nắng khi mưa, khi ấm khi lạnh nhưng đường lối đó chưa hề thay đổi.

Đáp ứng lời yêu cầu của Hồ Chí Minh trong chuyến thăm viếng Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ từ ngày 22 tháng 6 đến 22 tháng 7 năm 1955, các đảng CS đó đã bắt đầu gởi súng đạn ồ ạt đến miền Bắc Việt Nam. Tổng số viện trợ quân sự Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác giúp cho Hà Nội là 2 triệu 362 ngàn 581 tấn, trong đó bao gồm một danh sách dài của các loại vũ khí, từ 3 triệu 600 ngàn khẩu súng cá nhân cho đến 458 máy bay chiến đấu và hàng vạn đại pháo, hỏa tiễn nhiều loại.

Tài liệu đó không phải được trích dẫn từ các “thế lực thù địch” hay "thành phần phản động" nào mà là tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Hà Nội.

Trong tác phẩm Trung Quốc lâm chiến: Một bộ bách khoa (China at War: An Encyclopedia) tác giả Xiaobing Li liệt kê các đóng góp cụ thể của 320 ngàn quân Trung Cộng trong chiến tranh Việt Nam: 

“Mặc dù đang mạnh dần, Trung Quốc vẫn lo ngại sự hiện diện ngày càng mở rộng của Mỹ tại Đông Nam Á. Trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn năm 1964 đến năm 1973, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lần nữa can thiệp. Tháng Bảy năm 1965, Trung Quốc bắt đầu đưa quân vào Bắc Việt, bao gồm các đơn vị hỏa tiễn địa-không (SAM), phòng không, làm đường rầy xe lửa, công binh, vét mìn, hậu cần. Quân đội Trung Quốc điều khiển các giàn hỏa tiễn phòng không, chỉ huy các đơn vị SAM, xây dựng và sửa chữa đường sá, cầu cống, đường xe lửa, nhà máy. Sự tham gia của Trung Quốc giúp cho Việt Nam có điều kiện gởi thêm nhiều đơn vị Bắc Việt vào Nam đánh Mỹ. Giữa năm 1965 và năm 1968, Trung Quốc gởi sang Bắc Việt 23 sư đoàn, gồm 95 trung đoàn, tổng số lên đến 320 ngàn quân. Vào cao điểm năm 1967, có 170,000 quân Trung Quốc hiện diện”.

Từ năm 1955 và nhất là từ 1959, khi giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở đường Trường Sơn "giải phóng miền Nam bằng phương tiện võ lực", số lượng cố vấn Mỹ tại miền Nam cũng chỉ là những nhóm nhỏ và tập trung vào việc bảo vệ và xây dựng căn nhà dân chủ vừa được dựng lên.

Hơn bao giờ hết, các nền dân chủ non trẻ tại Á Châu cần sự giúp đỡ của thế giới tự do. Cũng vào thời điểm đó, các nước Cộng Hòa ở châu Á như Mã Lai, Nam Hàn, Singapore, Đài Loan đang vượt qua quá khứ thực dân hay chiến tranh Quốc Cộng để vươn lên cùng nhân loại. Trên cánh đồng miền Tây nước Việt, trên bến cảng Singapore, trong nhà máy ở thủ đô Seoul, những con người với niềm hy vọng mới đang hăng hái dựng lại căn nhà mới.

Niềm hy vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam vừa lóe lên đã vụt tắt vì đảng CSVN quyết định chiếm Việt Nam Cộng Hòa dù phải "đốt cháy cả dãy Trường Sơn".

Người bình thường chỉ biết nhìn một biến cố từ hậu quả nhưng người có ý thức phải hiểu tận nguyên nhân, bởi vì mọi việc xảy ra trên đời, mọi sự vật có mặt trên đời đều có nguyên nhân.

Cả 32 em học sinh trường tiểu học Cai Lậy, Định Tường và 10 người chị Việt Nam của các em chết ở Ngã Ba Đồng Lộc chỉ chết vì một nguyên nhân: Tham vọng CS hóa toàn cõi Việt Nam của lãnh đạo CSVN và CS Quốc Tế. Dù có Mỹ hay không có Mỹ, dù bằng phương tiện hòa bình hay khủng bố thì chủ nghĩa cộng sản độc tài chuyên chính vẫn phải được thiết lập trên toàn cõi Việt Nam. Mục tiêu đó đã được đóng khung tô màu từ trong đề cương thành lập đảng CSVN 1930.

Do đó, không ai khác mà chính các lãnh đạo CSVN và CS Quốc Tế đích thực là thủ phạm đã giết 2.5 triệu dân Việt Nam trên hai miền Nam Bắc trong đó có 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc và 32 em học sinh tiểu học Cai Lậy, Định Tường.

Giờ phút này, tôi tin rằng, trong căn phòng nhỏ ở Virginia, trong căn gác hẹp ở Paris, Santa Ana, Sydney, Berlin… bên những ngọn đèn heo hút ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, hàng ngàn người Việt Nam quan tâm đến tiền đồ dân tộc vẫn còn canh cánh bên lòng một câu hỏi chưa tìm được cách trả lời trọn vẹn “Tại sao sau 40 năm CSVN vẫn còn tồn tại?” Bởi vì dân tộc ta yếu hèn, phân hóa? Bởi vì đảng CSVN còn quá mạnh? Bởi vì cả hai lý do trên?

Thật ra, dân tộc ta không yếu hèn và đảng CS cũng không quá mạnh, nhưng chính vì các thành phần có khả năng thúc đẩy sự chuyển hóa xã hội không có một nhận thức và tầm nhìn đúng về bản chất của cuộc chiến Việt Nam. Sau 40 năm, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam vì bị tẩy não nên chưa nhận ra hay chỉ vì bàn tay dính máu đồng bào nên không đủ can đảm thừa nhận nguồn gốc sâu xa của cuộc chiến. 

Không hiểu đúng tại sao chủ nghĩa CS đến Việt Nam sẽ không có một cách thích hợp để đẩy chủ nghĩa CS ra khỏi Việt Nam. Và tương tự, không hiểu đúng quá khứ sẽ không có hành động đúng vì tương lai đất nước.

Nỗi đau của dân tộc Việt Nam sẽ không dứt nếu không biết tại sao đau.



Ai được lợi nếu Mỹ khởi động Chiến tranh lạnh?

Đỗ Tuấn-19:53 ngày 15 tháng 04 năm 2015
TPO - Cựu nghị sỹ Mỹ Ron Paul tố các nhà thầu quân sự Mỹ cùng các tổ chức cố vấn đã tạo ra các mối đe dọa tiềm tàng trên khắp thế giới, thông qua đó kích thích chi tiêu quân sự và hưởng lợi từ cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Cựu nghị sỹ Mỹ Ron Paul cho rằng, mọi sự dường như đang theo đúng kế hoạch của các nhà thầu và các tổ chức cố vấn khi mà các chính phủ trên khắp thế giới đang đầu tư ngày càng nhiều cho quân sự.
“Mối đe dọa mới” đang bị thổi phồng nhằm mang lại lợi nhận cho nhà thầu quân sự và mạng lưới cố vấn mà họ trả tiền để phát tán thông tin “hiếu chiến”.
Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ Paul nêu trường hợp của Đức, nước hôm tuần trước tuyên bố sẽ mua sắm 100 xe tăng “Leopard”.
Thương vụ này đi ngược với xu hướng giảm lực lượng xe tăng của Đức từ thời Chiến tranh Lạnh. Nó được lý giải là do mối đe dọa tiềm tàng từ Nga.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Paul, “Nga sẽ không xâm lược hay đe dọa bất cứ nước nào trong khu vực, nhất là các nước thành viên NATO”.
Một ví dụ khác, kể từ năm 2013, Lầu Năm góc đã trao các hợp đồng trị giá trên 850 triệu USD để cải tạo căn cứ hạt nhân ngầm có từ thời Chiến tranh Lạnh nằm ở núi Cheyenne, Colorado.
Trong tháng trước, Lầu Năm góc cũng đã trao cho nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon hợp đồng trị giá 700 triệu USD để lắp đặt các thiêt bị bên trong căn cứ ngầm này.
Ông Paul chỉ ra: “Raytheon là tài trợ tài chính chủ yếu cho các tổ chức tư vấn như Viện nghiên cứu chiến tranh, tổ chức đã liên tục “khuấy động” tuyên truyền “hiếu chiến”.
Cũng theo Nghị sỹ Paul, NATO đáng ra đã nên giải tán từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, tổ chức này đang được mở rộng. Đại bản doanh của NATO đang được xây dựng tại Brussels, Bỉ từ năm 2010.
Đại bản doanh NATO mới với cấu trúc “móng vuốt” sẽ tiêu tốn trên 1 tỷ USD, nhiều gấp đôi mức dự toán ban đầu. Mối đe dọa từ Nga, theo ông Paul, chỉ là cái cớ để NATO mở rộng.
Theo Sputnik

Những dự án khổng lồ của TQ nhằm mục đích gì?

Các dự án “cơ sở hạ tầng” khổng lồ, xuyên biên giới, băng qua các châu lục, nối kết các nền kinh tế, văn hóa, tiểu vùng địa lý với nhau đang là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh dưới thời thế hệ lãnh đạo thứ 5.  

Hiểu theo nghĩa phần cứng, đó là bến cảng, đường cao tốc, thủy điện, đường ray, sân bay, đường dẫn cáp quang, băng truyền internet, v.v… Hiểu theo nghĩa mềm, nó là các thể chế nền tảng hỗ trợ cho hoạt động thương mại, tiền tệ-tài chính, các ngân hàng phát triển với các khoản đầu tư tại khu vực, v.v…  
Nhiệm vụ của các loại cơ sở hạ tầng này không chỉ mang về lợi nhuận mà còn tạo điểm kết nối giữa TQ như một trung tâm với các vùng và quốc gia láng giềng “ngoại vi”. Tác động của những dự án này rất lớn. Nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức nếu muốn thiết lập thành công. Vì thế, hiểu và đánh giá đúng quy mô, động lực và hệ quả của “chính sách đối ngoại cơ sở hạ tầng” của Bắc Kinh là bước đi quan trọng đầu tiên để có những khuyến nghị chính sách hợp lý.  
Hai “con đường tơ lụa mới” 
Vào tháng 10/2013, chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu mang tính lịch sử trước Hạ viện Indonesia. Ngay từ đầu chuyến công du của mình tại Đông Nam Á, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh một “cộng đồng TQ – ASEAN khăng khít với vận mệnh chung”. Cùng với đó là đề xuất một “quan hệ đối tác hàng hải” trong nỗ lực nhằm xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.   
Chủ tịch TQ nhấn mạnh mục tiêu của TQ là “phá vỡ sự bế tắc trong liên kết” ở châu Á. Quan điểm này được đồng hành bởi các dự án quy mô lớn, bao gồm các hải cảng dọc theo Ấn Độ Dương, các con đường cao tốc, đường ống và đường sắt. Cốt lõi của bước đi này là nỗ lực có tính toán để hình thành “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. 
Được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 tại Bắc Kinh, sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của TQ hướng đến kết nối một vùng không gian địa lý xuyên qua Âu-Á. Lấy TQ ở vị trí trung tâm, nó liên kết với các khu vực lân cận, bao gồm Trung Á, khu Viễn Đông của Nga, Đông Nam Á, và cuối cùng là thị trường châu Âu.  
Hỗ trợ tài chính cần thiết sẽ được cung cấp bởi các thể chế tài chính do TQ dẫn đầu, đáng chú ý nhất là Quỹ Con đường tơ lụa và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB). Nhiệm vụ của hai thể chế này là sử dụng các công cụ tài chính để tạo nên các “quan hệ đối tác liên kết”. Trong số nhiều dự án đầy tham vọng là hệ thống đường ray cao tốc 5.000 km mà khi hoàn thành sẽ kết nối hơn 20 quốc gia châu Á. 
Đặt “khía cạnh cơ sở hạ tầng” thành trung tâm, lãnh đạo TQ tiếp tục xúc tiến các kế hoạch trên phạm vi rộng lớn. Những đề xuất ít được nhắc đến hơn đã và đang đi vào thực hiện như “Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” hay “Hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar”. Mùa thu năm 2013, giới truyền thông khu vực chứng kiến Chủ tịch Tập Cận Bình cùng đoàn tháp tùng tham gia vào một cuộc “mít-tinh ngoại giao” không chỉ ở khắp châu Á mà còn vươn đến châu Âu.  
Trung Quốc, Tập Cận Bình, APEC, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư ra nước ngoài, ODI, FDI, Con đường tơ lụa
Ông Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Indonesia, tháng 10/2013. Ảnh: Xinhua
Điểm cao trào hiện tại của chiến dịch trên là chủ đề “liên kết” của Tập Cận Bình được đặt vào chương trình nghị sự của APEC, Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2014. Điểm nhấn của các sự kiện hướng về một hướng: thảo luận và đưa ra các cách thức tài trợ và thiết lập các hành lang vận tải xuyên khu vực mới cũng như phát triển các tuyến đường thương mại mới. 
Không phải lần đầu tiên cơ sở hạ tầng được chú ý như một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại. Nhưng dưới thời của Tập Cận Bình, đây trở thành “trọng tâm của các trọng tâm” của TQ. Bước ngoặt trên không chỉ xuất phát từ các phát biểu chính thức và thay đổi ưu tiên trong chính sách, mà còn từ các khoản tài trợ cam kết cho mục tiêu này trong bối cảnh TQ từ một quốc gia nhập khẩu, sang một quốc gia xuất khẩu “vốn và tư bản”.  
Sự chuyển dịch này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Phải chăng đây nằm trong quá trình “lan tỏa ảnh hưởng” của Bắc Kinh thông qua các dự án khổng lồ hay là thực tế nhu cầu của phát triển? Câu trả lời thể hiện qua một bức tranh hỗn hợp: đọc các con số thống kê sẽ thiên về vế hai, trong khi đó, phân tích chính sách đối ngoại TQ trong lựa chọn “đại chiến lược” lại bổ sung cho quan điểm thứ nhất.    
Vốn cho cơ sở hạ tầng: Cung và cầu 
Trong những năm gần đây, sự đồng thuận giữa các thiết chế tài chính và phát triển hàng đầu được hình thành và đều thừa nhận nhu cầu cho phát triển cơ sở hạ tầng. Theo tính toán của PricewaterhouseCoopers (PwC) năm 2014, các dự án liên quan đến vốn và cơ sở hạ tầng toàn cầu dự tính sẽ đạt mức 9 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2025 (năm 2014 là 4 nghìn tỷ).
Các quốc gia châu Á, đặc biệt là TQ có triển vọng dẫn đầu trong việc đầu tư và hấp thụ nguồn vốn này. Tổ chức OECD trong nghiên cứu công bố 2014 ước tính khoảng trống đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu hiện nay là 70 nghìn tỷ USD đến năm 2030. Nghiên cứu của ADB năm 2009 ước tính cần đến 8.000 tỷ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở châu Á trong vòng hơn 10 năm. 
Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàn Quốc (năm 2010) cũng thảo luận về xu hướng tương tự, nổi bật trong chương trình nghị sự phát triển G20, trong đó vấn đề cơ sở hạ tầng được ưu tiên hàng đầu. Từ đó, vấn đề cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm trong các nhiệm kỳ tiếp theo của các lãnh đạo G20; Úc với vai trò chủ tọa G20 vào tháng 11/2014 vừa qua đã đề xuất sáng kiến “Trung tâm cơ sở hạ tầng G20”.  
Ngoài các quốc gia châu Á và các nước đang phát triển, IMF mới đây cũng thừa nhận rằng nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế phát triển cũng là một động lực chủ chốt trong sự tăng trưởng toàn cầu trong những thập kỷ tới. Và làm thế nào để cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng khổng lồ vẫn là một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách – thách thức này đang được TQ tiếp cận bằng nhiều hình thức khác nhau. 
Sự chuyển dịch vai trò của TQ trong hệ thống tài chính - tiền tệ thế giới là tiền đề đầu tiên của Bắc Kinh. Nhờ thành quả của hơn 35 năm chuyển đổi, kinh tế TQ đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Theo số liệu của IMF (năm2014), chỉ trong vòng 13 năm của thế kỷ 21, tăng trưởng cộng dồn GDP thực tế của Trung Quốc đạt mức kỉ lục 243%, trong khi đó mức tăng cộng dồn của Mỹ và EU chỉ xoay quanh ngưỡng 20%. Sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng này đem lại cho Trung Quốc vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 và năm 2014, TQ trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ đứng vào hàng các quốc gia có GDP hơn 10.000 tỷ USD.
Sự tăng trưởng thần kỳ kết hợp với hàng loạt yếu tố khác như (i) Mô hình tăng trưởng hướng ra xuất khẩu; (ii) Duy trì đồng bản tệ giá rẻ để hỗ trợ xuất khẩu (qua đó đòi hỏi PBoC phải liên tục mua vào đồng USD dư thừa trên thị trường nhằm giữ giá đồng NDT); (iii) Thặng dư của cán cân vốn qua các chính sách thu hút vốn nước ngoài, v.v… khiến dự trữ ngoại tệ của TQ tăng gấp 20 lần trong vòng 15 năm. TQ hiện là nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất nhì thế giới với quy mô trên 3.800 tỷ USD.  
Vào năm 2001 (năm TQ gia nhập WTO), dự trữ ngoại tệ của quốc gia này chỉ vẻn vẹn 200 triệu USD. Như vậy bình quân mỗi năm dự trữ ngoại tệ của TQ tăng thêm hơn 200 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2014, dự trữ ngoại tệ của TQ là 3.843 tỷ USD - chỉ tăng thêm 23 tỷ USD - và lần đầu tiên xuất hiện tình trạng “xuất khẩu vốn ròng”. Điều này cho thấy một phần lớn trong khoản dự trữ ngoại tệ của năm 2014 và các năm trước đó đã được sử dụng cho các khoản đầu tư ra nước ngoài.  
Trung Quốc, Tập Cận Bình, APEC, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư ra nước ngoài, ODI, FDI, Con đường tơ lụa
Hình: Dự trữ ngoại tệ của TQ 2000 – 2013 (tỷ USD). Nguồn: SAFE (các năm)
Với số vốn dự trữ ngoại tệ lớn, TQ cũng tỏ ra “mạnh tay” hơn trong việc đầu tư ra nước ngoài qua hình thức FDI. Hiện các khoản đầu tư ODI của TQ xấp xỉ 760 tỷ USD. Con số này tuy chỉ bằng 1/10 so với Mỹ, nhưng tốc độ và quy mô đầu tư có sự tăng tốc nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Một điểm đáng nói là trọng điểm đầu tư của nước này. Nghiên cứu do Rand Corporation tiến hành chỉ ra các cam kết của TQ liên quan đến các khoản tài trợ và khoản vay đặc nhượng ở nước ngoài từ năm 2001 đến 2011 là 671 tỷ USD hầu như đều liên quan đến các dự án về cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc, Tập Cận Bình, APEC, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư ra nước ngoài, ODI, FDI, Con đường tơ lụa
Hình: Mục đích đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp lớn TQ 2000 - 2011. Nguồn:VCES (2013)
Nhìn chung, mức độ tiết kiệm cao, sự thiếu hụt các kênh đầu tư thay thế và dự trữ ngoại tệ lớn nhằm phục vụ cho các khoản đầu tư tiềm năng, đi cùng với các giới hạn về tài chính từ phía các quốc gia khác là các yếu tố giúp cho TQ lấn sân vào lĩnh vực và các đại công trình đòi hỏi nhiều tư bản. Điều này đã thể hiện trong bối cảnh ngay cả khi thế giới đang trải qua khủng hoảng tài chính – tiền tệ hồi năm 2008, các ngân hàng CDB, China Exim Bank vẫn đầu tư vốn mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng tại TQ, châu Á và châu Phi. Hiện giờ, với sự xuất hiện của các cơ chế tài chính do TQ khởi xướng, đầu tư hạ tầng để tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các thị trường lại càng trở thành điểm nhấn trong chính sách mới của Bắc Kinh.   
Trung Quốc, Tập Cận Bình, APEC, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư ra nước ngoài, ODI, FDI, Con đường tơ lụa
Hình: Quy mô vốn FDI của Trung Quốc ra nước ngoài (tỷ USD)Nguồn: VCES (2013)
(Còn tiếp)
TS. Trương Minh Huy Vũ – TS. Phạm Sỹ Thành
>> Mời độc giả đón đọc Bài 2: Một nghịch lý trong cách thức thế giới tương tác với “ông nhà giàu”: ngay cả khi Bắc Kinh mang tiền tỷ đầu tư, nhiều nước cũng không mấy mặn mà.
---
Về các tác giả:
TS. Trương Minh Huy Vũ là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Đại học KHXH&NV Tp.HCM (SCIS)  
TS. Phạm Sỹ Thành là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
 15/04/2015 02:00