“
Muốn người dân tin tưởng, đồng lòng, cán bộ lãnh đạo các cấp phải gương mẫu, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.”
Đó là lời kêu gọi của ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đưa ra khi tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/1930-18/11/2020.
Một cán bộ về hưu ở Sài Gòn, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 11 năm 2020, nhận định:
“Theo tôi bình luận, cái câu đó của ông Nên là đúng, dân mà thấy cán bộ thật lòng thì dân mới tin tưởng, dân thấy cán bộ gương mẫu thì dân mới tin tưởng, cái đó ý ông Nên nói đúng. Còn ý thứ hai, từ xưa đến nay dân có tin tưởng hay không? Tôi cho rằng dân không tin tưởng, lý do vì sao? Vì cán bộ không thật lòng với dân, nói vì dân vì nước nhưng lại vì cái lợi ích riêng tư, hay là vì lợi ích nên chỉ đạo thế này thì anh nói thế này, chỉ đạo thế kia thì nói thế kia, chứ không nói theo sự thật. Cho nên đúng là nuốn cho dân tin tưởng thì cán bộ phải gương mẫu, mà gương mẫu thì phải nói theo cái nguyện vọng chính đáng của người dân, chứ còn nguyện vọng của dân như thế này mà anh nói thế kia... thì làm sao người ta tin tưởng được.”
Từ xưa đến nay dân có tin tưởng hay không? Tôi cho rằng dân không tin tưởng, lý do vì sao? Vì cán bộ không thật lòng với dân, nói vì dân vì nước nhưng lại vì cái lợi ích riêng tư.
-Lê Văn Triết
Vào năm 2019, có hơn 300 cán bộ, công chức tại TP.HCM bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, thôi việc vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác. Trước đó hàng loạt cán bộ TPHCM cũng bị đề nghị truy tố như nguyên phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh….
Vào đầu năm 2020, Cựu Chủ tịch TPHCM Lê Hoàng Quân bị Bộ Công an Việt Nam kiến nghị “kỷ luật hành chính nghiêm khắc” trong giai đoạn cựu phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài có hành vi sai phạm trong vụ giao khu đất vàng tại số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1. Ông Tài trước đó cũng đã bị Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về sai phạm này.
Ba cán bộ khác cùng bị truy tố cùng với ông Tài, bao gồm: ông Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Hoài Nam, nguyên Bí thư quận 2; Trương Văn Út, nguyên Phó phòng Quản lý đất.
Anh Đệ, một người dân tại thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 11 năm 2020, cho biết ý kiến của mình:
“Lãnh đạo luôn luôn nêu gương mẫu, đó chỉ là một khẩu hiệu thôi, còn vấn đề thực hiện điều đó là rất khó. Tại vì không có gì để mà ràng buộc được họ để họ gương mẫu, bằng chứng như sai phạm của cán bộ không chỉ ở Thủ Thiêm, đều rất khó xử lý vì vướng chỉ thị 15 của đảng, muốn kỷ luật đảng viên thì phải khai trừ ra khỏi đảng, nên công an không thể nhảy vào điều tra. Do đó họ không có gì phải sợ để mà gương mẫu, có gương mẫu hay không thì cũng chẳng sao. Nếu như họ thật sự gương mẫu thì họ đã xử lý vấn đề Thủ Thiêm suôn sẻ rồi. Điển hình như ông Lê Thanh Hải với 15 năm nắm TPHCM, thì tay chân, nhân viên của ông Hải rất nhiều, nên TPHCM không xử lý được, đó là gương mẫu đó.”
Theo Anh Đệ, nói chung gương mẫu chỉ là một khẩu hiệu đơn giản... anh cho biết mong muốn của anh với tân bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên:
“Tôi mong rằng bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên, cố gắng làm cho tốt chứ đừng hứa nữa, nếu ông tiếp tục hứa thì ông sẽ thất hứa... vì cán bộ có gương mẫu đâu, nói họ có nghe đâu, trên bảo dưới không nghe, Thủ Thiêm là một bằng chứng.”
Không chỉ tại TP.HCM, thời gian gần đây, các trường hợp cán bộ, đảng viên bị kỷ luật ngày càng nhiều. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch tỉnh Hà Giang bị khiển trách; ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch tỉnh Hà Giang bị cảnh cáo vì sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2018.
Hay trường hợp nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ là ông Nguyễn Hữu Vũ bị kỷ luật và ông Văn Trọng Lý bị cảnh cáo vì những sai phạm ở dự án gang thép Thái Nguyên.
Mới nhất là vào tháng 4 năm 2020, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã xem xét kỷ luật hai ông Lê Viết Chữ, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó bí thư vì đã có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai...
Luật sư Trần Quốc Thuận, đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, người có gần 50 năm tuổi đảng, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nhận định:
“Cái này người ta thường nói là “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đất nước này nó hư đốn do có nhiều nguyên nhân. Nếu những người đứng đầu đất nước này mà làm gương không tham nhũng, không làm sai thì tự nhiên trật tự nó ổn định trở lại. Cho nên một trong những nguyên nhân sai trái là người lãnh đạo không gương mẫu, trong đời sống riêng tư, trong sinh hoạt, và nhất là thâm lạm tiền của nhân dân đất nước.”
Hay việc lâu nay từng xảy ra nhiều vụ cán bộ dùng tiền nhà nước, dùng xe công bảng số xanh đi chùa, đền thờ… Báo chí cũng đưa tin, nhưng xử lý không nghiêm. Dư luận cho rằng, muốn xử lý thì nhà nước phải xử lý dứt khoát, cho dù là ‘con ông, cháu cha’. Chứ không phải, cứ nếu là dân thường thì còng tay, còn cán bộ thì chỉ xin lỗi, như vậy thì làm sao có thể làm người dân tin tưởng được.
Lãnh đạo luôn luôn nêu gương mẫu, đó chỉ là một khẩu hiệu thôi, còn vấn đề thực hiện điều đó là rất khó. Tại vì không có gì để mà ràng buộc được họ để họ gương mẫu.
-Anh Đệ
Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên đại tá quân đội đã từ bỏ đảng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cho rằng:
“Nêu gương chỉ là một việc làm luẩn quẩn thôi, cái quan trọng nhất của một quốc gia là pháp luật. Cứ làm theo pháp luật thì không cần nêu gương gì cả và cán bộ nhà nước thì lại càng phải làm theo pháp luật. Chứ còn nêu gương chỉ là vấn đề đạo đức của một cá nhân thôi. Vận động nêu gương chỉ là do không biết làm gì trong tình hình sa sút hiện nay của đội ngũ cán bộ đảng viên, họ làm một cách bế tắc chứ không giải quyết được gì cả.”
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học ở Sài Gòn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng, không nên chỉ nhìn ở góc độ đạo đức. Vì nếu nhìn góc độ đạo đức thì sẽ lạc đề... đạo đức theo ông là câu chuyện của từng cá nhân, quan chức ở đâu cũng có người tốt người xấu, nhưng số người tốt và toàn tâm toàn ý với công việc, vì chuyện chung thì quá ít. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, với cách tổ chức xã hội như ở Việt Nam hiện nay, thì số phận của một quan chức trong rất nhiều trường hợp là do trên quyết định, chứ không phải do dân quyết định. Người dân không có nghĩa lý gì dù họ luôn luôn nói ‘của dân, do dân, vì dân’. Ông nói tiếp:
“Vấn đề ở đây là do thể chế. Một cái thể chế xa rời người dân, một cái thể thực chất do trên quyết định chứ không do dân quyết định nhất định sẽ đẻ ra một tầng lớp quan chức không coi dân ra gì. Thể chế đó cũng đẻ ra chuyện sống hai mặt. Một mặt là nói những lời rất tốt đẹp; một mặt là tìm mọi cách vơ vét cho mình.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, chừng nào mà chưa giải quyết được vấn đề trong nguyên lý tổ chức của thể chế này, thì chừng đó mọi chuyện nêu gương đều tầm phào, không có ý nghĩa, có hô hào cũng vậy thôi, vì càng hô hào nêu gương thì càng dấn sâu vào giả dối.