Thursday, January 7, 2016

Làm đại biểu Quốc hội dễ hay khó?

Theo Vneconomy-07-01-2016
Việt Nam vừa kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.

70 năm đã có gần 6.000 đại biểu tham gia Quốc hội qua 13 khóa.

70 năm qua, hoạt động nghị trường cũng để lại dấu ấn sâu đậm của nhiều vị đại diện cho nhân dân, trong lòng nhân dân. Cho dù, cũng có những vị đại biểu đã không hoàn thành nhiệm vụ, buộc phải rời vị trí được nhân dân giao phó.


Vài năm gần đây, các vị đại biểu chuyên trách đã được yêu cầu tự đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong năm. Song, cho đến tận Quốc hội khóa 13, vẫn chưa có bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng. Bởi thế, cử tri không thể có được thông tin định lượng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi vị mà mình đã bỏ phiếu bầu làm người đại diện.


Một đại biểu Quốc hội ngủ gật trong khi ngủ. Ảnh: Internet
Và bởi thế, câu hỏi làm đại biểu Quốc hội dễ hay khó không dễ để có câu trả lời chính xác.
Với góc nhìn của cử tri, nếu một vị đại biểu kiêm nhiệm chỉ tham gia tương đối đầy đủ các kỳ họp, không tham gia phát biểu một lần nào cả ở tổ lẫn ở hội trường vẫn không phải chịu bất cứ “áp lực” nào, thì làm đại biểu quả là không khó.

Còn nếu hoàn thành cả khối lượng công việc rất đồ sộ, từ các kỳ họp của Quốc hội, ủy ban chuyên môn đến giám sát, tiếp dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri… thì không phải khó, mà là rất rất khó.

Nhưng, với người trong cuộc, khó hay dễ cũng còn tùy quan niệm.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, một vị đại biểu - doanh nhân của Quốc hội khóa 13 cho rằng nhiệm vụ của một người đại biểu không chuyên trách (70% các vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm hoạt động kiêm nhiệm) cũng không hề nặng nề gì.

“Nhiệm vụ đại biểu không nặng nề gì, cái đó phải nói thật, thực chất các nước khác quốc hội làm luật làm luôn thì mới nặng nề, chứ mình thì Chính phủ và bộ, ngành làm hết rồi, mình chỉ đọc rồi góp ý thì đâu có gì khó khăn đâu”, vị doanh nhân nói.

Quan sát ở nghị trường thì có đến một thời gian dài, vị doanh nhân này đến Quốc hội với tâm trạng vô cùng mỏi mệt. Có những phiên họp tổ, ông chỉ ngồi gục đầu gần như hết buổi, và danh tính hoàn toàn biến mất khỏi danh sách đăng ký phát biểu ở nghị trường.

Ông bảo, thời gian đó ông không được khỏe, hoạt động của doanh nghiệp cũng không được tốt, nên ông đã chọn viết thay cho nói.

“Ai cũng có lúc này lúc khác, nếu lúc hình ảnh của mình đang tốt thì phát biểu cũng được lắng nghe hơn, báo chí cũng chú ý hơn. Còn lúc hoat động của doanh nghiệp đang khó mà cứ đăng ký phát biểu, thì có người bảo, ông lo thân ông không xong, còn nói lắm, tự nhiên lại phản tác dụng”, ông tâm tư.

Vì lý do này mà sau hai năm chỉ gửi ý kiến bằng văn bản, đến kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015, ông mới đăng đàn trở lại, khi doanh nghiệp của ông đã làm ăn có lãi, và bản thân cũng đã quen dần với những bỡ ngỡ buổi ban đầu.

“Tôi có đến mười mấy năm làm đại biểu của dân rồi, từ cấp quận, huyện đến cấp thành phố, cũng không thấy ai nói đại biểu Quốc hội là chính trị gia. Cứ ngỡ đơn giản đại biểu của dân thì giống nhau, đến khi làm đại biểu Quốc hội, nhận hộ chiếu ngoại giao thấy tiếng Anh là “Politician” thì mới té ngửa”, ông chia sẻ.

Trong cuộc trao đổi chừng mười phút, trả lời câu hỏi nào ông cũng bắt đầu bằng ba chữ “nói thật là” và hai chữ “sai lầm” cũng đã được ông sử dụng.

Và điều được ông nhấn mạnh, khi có thông tin chưa chính thức rằng trong Quốc hội khóa mới, tỷ lệ doanh nhân được giới thiệu ứng cử sẽ giảm mạnh, là “đã làm đại biểu phải làm tròn trách nhiệm, còn nếu không tròn trách nhiệm thì nhiều hay ít cũng vô nghĩa”.



Lạm phát công chức vì 'cơ chế mềm'?

Theo VNTB-07-01-2016
Thạch Thảo (VNTB) Công chức Việt Nam vẫn gia tăng tại những vị trí trọng điểm. 

Theo trang tin VNN, nhiều tỉnh thành tại Việt Nam đang lạm phát cấp phó. Trong đó, chỉ tính riêng Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã có 6 phó giám đốc, vượt tiêu chuẩn 3 người, Hà Tĩnh cũng đang có tới 7 PGĐ Sở NN&PTNT, Quảng Bình, số lượng PGĐ Sở NN&PTNT vượt quy định 1 người. 

Việc bổ nhiệm PGĐ đều được tiến hành trước khi thông tư 14 có hiệu lực, VNN cho hay. 

Theo Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT quy định cơ cấu tổ chức thuộc Sở NN&PTNT là có số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 03 người.

Giải thích về điều này, một Chánh văn phòng thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, Thông tư 14 là quy định chung, nhưng để thực hiện cần phải căn cứ đặc điểm của Sở, tỉnh thành. Theo đó, Sở NN&PTNT Thanh Hóa dù có 7 PGĐ nhưng số lượng này được vị Chánh văn phòng đánh giá là “không thừa”, và còn thiếu.


Trước đó, vào tháng 11/2014, Bộ Nội Vụ từng lên tiếng về việc lạm phát cấp phó ở các Bộ và đề xuất giảm, tuy nhiên, sau đó Bộ này đã nhận được phản ứng từ các Bộ khác là “không đồng ý”. Và bản thân Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, dù quy định cứng mỗi bộ là có 4 thứ trưởng, nhưng cả Thủ tướng cũng cho rằng, nên có “cơ chế mềm” xuất phát từ nhu cầu các Bộ, ngành.

Sự lung túng này dẫn đến việc, lạm phát cấp phó kéo dài, và nhiều lần việc để xuất cứng về số lượng cấp phó đã không được quá bán ủng hộ, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết. Lý do nằm ở việc, “sức ép về hành chính họp hành nhiều” hơn là nhu cầu thực sự như Bộ Trưởng Bình thừa nhận. Bên cạnh đó, quan điểm căn cứ vào tình trạng thực tế là bình phong che đỡ cho việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại của không ít cơ quan, ban ngành nhà nước ở các cấp đã dẫn đến khái niệm “không thừa, mà còn thiếu”.


Trong một số liệu được công bố vào năm 2015 cho biết, việc tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế, sau nhiều năm thực hiện chẳng những không giảm mà ngày càng tăng. Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì tăng từ 238.668 năm 2007 lên 275.620 năm 2014 (tăng 36.952 người, tỷ lệ 15,48%). Điều lạ mà ngay cả báo chí nhà nước phải giật mình là, nhiều tỉnh có số biên chế rất cao, như Nghệ An 18.000 người, Thanh Hóa 17.300 người, cao hơn cả cán bộ - công chức ở Tp. Hồ Chí Minh (?).

Việc tiếp tục “lạm phát cấp phó” ở cấp T.Ư lẫn địa phương, hay thực trạng phình to ra của bộ máy hành chính nhà nước khiến chế độ tài chính quốc gia phải gánh nặng về lương và hưu (chi thường xuyên) với 35% ngân sách chi trả lương và hàng năm cần tới 40.000 tỷ để tăng lương cho bộ máy.


Trong góp ý dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Thiếu tướng Lê Kế Lâm (Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TPHCM) được đăng tải trên báo chí nhà nước, ông đã cho rằng, tinh giản biên chế phải đi vào gốc, đó là “thay đổi cơ cấu nhân sự một cách có hệ thống trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền các cấp phù hợp, khoa học và hiện đại thay vì duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay.

Nhưng trước mắt, thì cần phải thay đổi tư duy cơ chế mềm ra khỏi quản lý nhân sự hành chính ở cấp lãnh đạo. Bởi nó là rào cản không thừa, còn thiếu” khiến bộ máy tiếp tục phình ra, đe dọa kế hoạch giảm ít nhất 10% biên chế trong thời gian sắp tới, căn cứ theo Nghị quyết số 39/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Việt Nam chưa cam kết… không tra tấn

Theo VNTB -08-01-2016
Thảo Vy (VNTB) Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, khi gặp những trường hợp tử vong tại đồn công an, đều “gạch đá” cho rằng Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Một trong những nạn nhân của bức cung, nhục hình (tra tấn) tại Việt Nam. 

Thực tế, những trường hợp này, nếu có tra tấn diễn ra đều khắp ở các đồn công an, ở các nhà tù, nơi tạm giữ… thì những thành viên đã ký kết ở Công ước này cũng không cách gì “lôi” Nhà nước Việt Nam ra hầu tòa.

Việt Nam không có tra tấn mà chỉ là “trừng phạt hợp pháp?

“Thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp”. (Trích Điều 1.1, Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người).

Cho đến nay, Bộ luật hình sự của Việt Nam không có thuật ngữ “tra tấn”, mà chỉ có “nhục hình”, được hiểu trong giới hạn của sự tác động trực tiếp lên thể xác hơn là tinh thần.

Việt Nam đã từ chối gì?

Đặt bút ký “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”, nhưng Việt Nam thông báo khước từ không thực hiện các nội dung liên quan thuật ngữ “tra tấn”, từ chối dẫn độ đối với người có nguy cơ bị tra tấn, không bồi thường tổn thất cho nạn nhân bị tra tấn...

“Bảo lưu quy định tại Điều 20 và khoản 1 Điều 30 của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Không coi quy định tại khoản 2 Điều 8 của Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc nguyên tắc có đi có lại”. (Điều 2, Nghị quyết số: 83/2014/QH13, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 28 tháng 11 năm 2014)

Điều 30 của Công ước nói gì?

Điều 30.1: “Mọi tranh chấp giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước này mà không thể giải quyết bằng thương lượng sẽ được đưa ra trọng tài theo yêu cầu của một trong số các quốc gia thành viên đó. Nếu trong vòng 6 tháng kể từ ngày yêu cầu đưa ra trọng tài mà các bên vẫn không thể thoả thuận được về tổ chức trọng tài, thì bất kỳ bên nào cũng có thể đề nghị đưa tranh chấp ra Toà án Công lý quốc tế, phù hợp với quy chế của Toà”.

Như vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi Việt Nam khước từ điều khoản này, vì chỉ cần bị mời về đồn công an, chưa cần đến các thủ tục hành chính của việc tạm giữ hình sự, là những công dân đã bị đánh bầm dập, không ít trường hợp đã tử vong. Hoàng Bình, Đỗ Minh Hạnh, Trần Bang hồi giáng sinh 2015 tại đồn công an phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, Sài Gòn là một đơn cử.

Phải có luật Phòng, chống tra tấn như nhiều luật khác

Khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều điều luật trong TPP có ảnh hưởng thay đổi chế độ pháp lý của các quốc gia. Ví dụ như điều luật khuyến khích các thành viên của TPP mở một cơ quan chính phủ, có cơ chế và cách thức hoạt động giống tại Mỹ, thực hiện phân tích ưu-nhược điểm trước khi ban hành các điều luật mới trong nước. Như vậy, không lý gì khi Việt Nam tiếp tục khước từ chuyện “tra tấn” trong Công ước về vấn đề này.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cho rằng khi tội danh tra tấn được quy định thì tội dùng nhục hình không còn cần thiết, vì các hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội dùng nhục hình đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tra tấn. Và để có thể chống hành vi tra tấn có hiệu quả, đòi hỏi không chỉ hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, mà phải hoàn thiện đồng bộ cả pháp luật tố tụng hình sự, cũng như pháp luật về phòng ngừa hành vi tra tấn nói chung. Đồng thời, cần phải rà soát và hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự phục vụ hoạt động chống tội tra tấn, cũng như phải xây dựng bổ sung các văn bản pháp luật phục vụ việc phòng ngừa tội phạm này.


Với tính chất có tính tổng thể như vậy, vấn đề nội luật hoá Công ước nên được thực hiện trước hết qua Luật Phòng, chống tra tấn, tương tự như các luật phòng, chống khác đã được ban hành như: Luật phòng, chống mua bán người (2011); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007); Luật Phòng, chống tham nhũng (2005)...

Hơn 300 du học sinh Việt ở Úc bị lừa mua vé máy báy rẻ qua facebook

Hôm 7 tháng 1, cảnh sát tiểu bang New South Wales của Úc bắt đầu thu thập thông tin để điều tra, sau khi nhận tin báo hơn 300 du học sinh Việt Nam ở Sydney và Melbourne đã bị lừa mua vé máy bay giá rẻ về Việt Nam, qua một tài khoản Facebook có tên Vi Tran.
Theo thông tin ban đầu cho biết chủ mưu chính trong vụ này là một cá nhân hoặc một nhóm người Việt ở Úc. Tổng số tiền mà các sinh viên này đã bỏ ra để đặt vé của Vi Trần lên tới trên 500,000 Úc kim. Đây là vụ việc được xem là lừa đảo lớn nhất từ trước tới nay, liên quan tới một số lượng lớn du học sinh Việt Nam đang theo học tại Úc.
Theo các sinh viên này, hình thức bán vé máy bay về Việt Nam qua mạng facebook của Vi Tran hoạt động được hơn một năm nay nay, lúc đầu để tạo uy tín, Vi Tran sẵn sàng bán vé máy bay lỗ, rẻ hơn từ 300-700 Úc kim so với đặt mua ở đại lý chính thức. Nhiều bạn bè, người thân của các du học sinh đã mua và thấy tốt, nên cứ thế rỉ tai nhau. Uy tín của Vi Tran lan nhanh trong cộng đồng mạng du học sinh Việt Nam ở Úc. Chính vì thế mà nhiều du học sinh, dù rất cẩn thận với các hình thức bán hàng qua mạng, cũng sẵn sàng móc túi chuyển tiền vào các tài khoản chỉ được thông báo qua trao đổi trên Facebook.
Bây giờ là thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhiều du học sinh đặt vé trước từ tháng 6-7 tháng nay đến lúc về Việt Nam thì mới vỡ lẽ mình bị lừa. Nhiều du học sinh cảm thấy hoang mang, lúng túng, vì vừa mất tiền mà khả năng mua lại vé về nhà vào thời cao điểm này rất khó.
Trang Facebook mang tên Vi Tran đã đóng khoảng 1 tuần nay, kể cả điện thoại liên lạc cũng bị cắt, không ai liên lạc được.
01/07/2016 - 09:59
Thanh Lan / SBTN

Nước đá ở Sài Gòn mất vệ sinh

Trong một phúc trình ngày 07-01-2016, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, phó chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thuộc sở y tế Sài Gòn cho biết, trong tổng số 547 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá ở Sài Gòn, chỉ có 115 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Còn lại 432 cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Một cơ sở sản xuất nước đá viên và đá cây (ảnh: N.Thịnh)
Theo kết quả kiểm tra mới đây của ATVSTP ở các quận, huyện cho thấy, trong tổng số 193 cơ sở sản xuất nước đá thì chỉ có 79 cơ sở sản xuất nước đá sử dụng nước máy (trong đó có 27 cơ sở chưa xác minh được nguồn nước máy sử dụng), còn lại là 114 cơ sở trực tiếp bơm nước giếng để sản xuất nước đá.
Đáng nói, trong 114 cơ sở sử dụng nước giếng để sản xuất nước đá chỉ có 37 cơ sở thực hiện xét nghiệm nguồn nước đầy đủ các tiêu chí; 13 cơ sở có xét nghiệm một vài chỉ tiêu thông thường; có đến 64 cơ sở không thực hiện xét nghiệm nguồn nước. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nước đá còn vướng hàng loạt vi phạm khác như điều kiện về sức khỏe, thiết bị dụng cụ, bảo quản, công bố thực phẩm...
Điều kiện về nguồn nước, nhà xưởng sản xuất nước đá đa số chưa đạt. Việc vận chuyển nước đá cũng chưa phù hợp, mẫu bao bì đựng sản phẩm không đúng quy định. Vì vậy, sản phẩm nước đá dù được quảng cáo là “tinh khiết”, vẫn nhiễm hàng chục loại vi khuẩn. Phúc trình của chi cục ATVSTP cho biết đã thực hiện nhiều xét nghiệm các mẫu nước đá trên địa bàn, thì có tới 54.5% mẫu bị nhiễm khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal Streptoccoc và Pseudomonas aeruginosa...
Theo các chuyên gia y tế, sử dụng nước nhiễm vi sinh (E.coli và Coliforms, Feacal streptoccoc) có thể gây bệnh về đường ruột, dịch tả, một số có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... sẽ gây chết người. Với các cơ sở sản xuất nước đá chưa lọc sạch nguồn nước, còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (thủy ngân, chì, asen, kẽm...), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người dùng.
 01/06/2016 - 23:15
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Do mâu thuẫn gia đình, cộng đồng: 1.000 vụ giết người/năm

Văn Kiên-06:29 ngày 07 tháng 01 năm 2016 
TP - Theo Báo cáo của Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ giết người do mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư, trong đó xảy ra nhiều vụ người thân trong gia đình giết hại nhau với tính chất hết sức dã man.
Vi Văn Hai thảm sát 4 người tại Nghệ An. Ảnh: Hoàng Hải.Vi Văn Hai thảm sát 4 người tại Nghệ An. Ảnh: Hoàng Hải.
Chiều 6/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và tổng kết năm 2015 của Ban chỉ đạo 138/CP. Theo báo cáo do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày, trong 5 năm qua, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã được kiềm chế, nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tỷ lệ tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, có nhiều vụ giết người dã man, tàn bạo, giết nhiều người trong gia đình, chặt xác, phi tang, truy sát nạn nhânđến cùng gây bức xúc trong dư luận. 
Ngoài ra, tình trạng tội phạm có tổ chức cũng diễn biến phức tạp, không chỉ hoạt động phạm tội trong các lĩnh vực hình sự đơn thuần mà chúng câu kết, đan xen với kinh tế, ma túy, buôn lậu và sử dụng vũ khí nóng. Nhiều băng nhóm tội phạm hình sự còn “đội lốt” doanh nghiệp để hoạt động. Đáng chú ý, báo cáo phân tích, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ giết người do mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư, đặc biệt trong đó có khoảng 14 đến 15% là các vụ người thân trong gia đình giết hại nhau.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tội phạm giết người, Bộ Công an cho rằng do một số chuẩn mực đạo đức xã hội đã bị đảo lộn, đặc biệt là tình trạng lớp trẻ hiện nay đang bị “đầu độc” bởi quá nhiều sản phẩm văn hóa nghe nhìn, giải trí có nội dung kích động bạo lực trên internet, game online…  Do đó, cần đề cao vai trò của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; coi trọng vai trò của gia đình, nhà trường, các đoàn thể quần chúng.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2016, cần tăng cường công tác đấu tranh triệt phá các băng nhóm sử dụng vũ khí nóng, chặt đứt các đường dây buôn lậu chất cấm trong chăn nuôi, cũng như tội phạm môi trường… 
Cũng theo Bộ Công an, trong năm 2015 đã xuất hiện các hacker tấn công trang web, cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước và mạo danh blog, Facebook cá nhân mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để lan truyền thông tin sai sự thật gây chia rẽ nội bộ, tâm lý hoài nghi trong nhân dân, tác động xấu trước Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Đánh giá về tình hình tội phạm, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó xuất hiện nhiều loại tội phạm mới phi truyền thống cả ở thành thị lẫn nông thôn, gây lo lắng bất an trong nhân dân. Theo ông Lê Hồng Anh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là ở một số nơi chưa làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm. Một số nơi còn nhiều sơ hở trong quản lý để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, nếu kinh tế, xã hội phát triển nhưng tội phạm lộng hành thì người dân sẽ không an tâm. Vì thế, thời gian tới phải thực hiện đồng bộ các biện pháp kiềm chế tội phạm.

Bộ Y tế thực nghiệm: Tất cả dầu cá đều ăn mòn xốp

Infonet-07/01/2016 14:44
Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau khi tiến hành kiểm nghiệm các loại dầu cá trên thị trường, tất cả đều an toàn và có ăn mòn xốp.
Bộ Y tế đã thực nghiệm ngay trước sự chứng kiến của phóng viên về tính chất ăn mòn xốp của dầu cá omega 3.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, hai ngày qua, dư luận đang lo lắng về hiện tượng ở Quảng Ngãi, người tiêu dùng phát hiện 2 lọ dầu cá có dấu hiệu ăn mòn xốp và đã thông báo tới Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Ngãi.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, Cục an toàn thực phẩm đã chỉ đạo Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Ngãi báo cáo khẩn nội dung sự việc đồng thời yêu cầu viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu và phân tích các loại dầu cá là thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường.
Ngay trong đêm 6/1, Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm quốc gia đã tiến hành thử nghiệm đối với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau: Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam thì tất các các loại dầu cá đều ăn mòn xốp, đồng thời tiến hành phân tích trên máy kết quả. Đến sáng ngày 7/1/2016 cho thấy không thấy bất thường về an toàn thực phẩm đối với các dầu cá nói trên.
Đồng thời với việc chỉ đạo các đơn vị liên quan, Cục An toàn thực phẩm cũng ngay lập tức liên hệ với các tổ chức Quốc tế và các Chuyên gia quốc tế hàng đầu về an toàn thực phẩm để tìm hiểu thông tin về vấn đề này.
Video Bộ Y tế thực nghiệm dầu cá ăn mòn hộp xốp.
Theo thông tin từ các chuyên gia, dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không ester hóa. Nhưng nếu để như vậy thì dầu cá sẽ bị phân hủy. Vì thế để đảm bảo ổn định đồng thời để tạo ra các đặc tính có lợi khác, các loại dầu cá đều được ester hóa. Với bản chất là chất béo ester hóa như vậy, tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (thành phần là polystyrene) và thời gian hòa tan nhanh hay chậm phụ thuộc vào loại dầu cá khác nhau.
Ông Phong cho biết, cơ thể người không như thùng xốp, khi sử dụng dầu cá sẽ không có tương tác như vậy nên không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới sức khỏe. Dầu cá được cơ thể người hấp thụ và chuyển hóa thành những chất có lợi cho sức khỏe.
Riêng đối với hai trường hợp lọ dầu cá ở Quảng Ngãi, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi đã điều tra làm rõ đây không phải là sản phẩm được nhập khẩu chính thống vào Việt Nam và không phải là sản phẩm của Công ty Ngôi sao Việt mà là sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không hoang mang, không mua và sử dụng thực phẩm nói chung, thực phẩm chức năng nói riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phương Thúy

Năm 2016: Việt Nam sẽ về đâu?

Một cảnh sát đứng canh bên cạnh biểu tượng của Cộng sản được trang trí bằng hoa tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, địa điểm tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 11, tại Hà Nội ngày 12/1/2011.
Một cảnh sát đứng canh bên cạnh biểu tượng của Cộng sản được trang trí bằng hoa tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, địa điểm tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 11, tại Hà Nội ngày 12/1/2011.
Ở thời điểm bắt đầu một năm mới, có lẽ không có người nào quan tâm đến chính trị Việt Nam lại không tự hỏi: Trong năm mới này, Việt Nam sẽ về đâu?
Sự kiện nổi bật và thu hút sự chú ý nhiều nhất tại Việt Nam trong năm nay là cuộc đại hội được tổ chức vào mỗi năm năm của đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội này có hai khía cạnh quan trọng nhất: một là bầu lên giàn lãnh đạo mới và hai là đưa ra những kế hoạch mới trong vòng năm năm tới. Ở khía cạnh thứ hai, theo giới quan sát chính trị Việt Nam, không có gì mới. Vẫn là những lời hứa hẹn. Vẫn duy trì những cấu trúc quyền lực quen thuộc. Vẫn đi theo cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó các công ty quốc doanh vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Khía cạnh thứ nhất được nhiều người quan tâm hơn. Thế nhưng cho đến nay, trước đại hội mấy tuần, không ai biết được những thu xếp về nhân sự sẽ như thế nào cả. Tất cả vẫn còn trong bí mật. Những gì chúng ta biết được đều chỉ là tin đồn không thể kiểm chứng được.
Tuy nhiên, dù bất cứ người nào lên làm tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội và thủ tướng, có bốn vấn đề chắc chắn sẽ không thay đổi: Một, về ý thức hệ, Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi cái gọi là chủ nghĩa xã hội. Hai, về cấu trúc quyền lực, Việt Nam vẫn tiếp tục độc đảng và từ khước xu hướng dân chủ hoá. Ba, với chủ trương “định hướng xã hội chủ nghĩa”, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển – nếu có phát triển - ì ạch, số công ty bị phá sản càng lúc càng nhiều, số nợ công càng ngày càng chồng chất. Và bốn, về đối ngoại, Việt Nam vẫn tiếp tục chơi trò đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xin nói thêm về điểm cuối cùng nêu trên. Nhiều người tự hỏi: Không biết tổng bí thư mới của Việt Nam sẽ là người thân Mỹ hay thân Trung Quốc? Theo tôi, câu hỏi ấy quá đơn giản. Cơ chế quyền lực tại Việt Nam không cho phép người nào, kể cả tổng bí thư, có thể hoàn toàn quyết định chính sách đối ngoại. Tất cả đều là những quyết định tập thể. Mà cái gọi là tập thể trong giới lãnh đạo Việt Nam, từ bao lâu nay, vẫn luôn luôn bị phân hoá, và hệ quả của sự phân hoá ấy là chính sách cuối cùng bao giờ cũng có tính chất chiết trung, lửng lơ ở giữa, để làm vừa lòng mọi người. Vả lại, quan hệ với Trung Quốc rất phức tạp. Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều, đặc biệt về kinh tế. Áp lực của Trung Quốc trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam cũng quá nặng. Cái gọi là nỗ lực “thoát Trung” rất khó thực hiện, trừ phi người ta sẵn sàng chấp nhận hai điều: Một, hy sinh quyền lợi của mình và gia đình mình; và hai, chấp nhận rủi ro, kể cả chiến tranh với Trung Quốc. Tôi không tin là giới lãnh đạo Việt Nam dám chấp nhận sự hy sinh và rủi ro như vậy. Thành ra, với Trung Quốc, người ta vẫn tiếp tục nhường nhịn. Khi Trung Quốc lấn tới, người ta chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ. Rồi đâu vẫn vào đấy. Sẽ không có xung đột nào xảy ra cả.
Khi đã quyết định tiếp tục nhường nhịn Trung Quốc, người ta cũng không thể dám công khai thắt chặt quan hệ liên minh với Mỹ. Bởi đó là điều Trung Quốc không thể chấp nhận được. Hơn nữa, đó cũng chính là điều giới lãnh đạo Việt Nam từng hứa hẹn với Trung Quốc: không liên minh với quốc gia này để chống lại quốc gia khác. Hứa hẹn như thế là đã tự nguyện vẽ ra lằn ranh không thể vượt qua được đối với Mỹ.
Lửng lơ ở giữa, Việt Nam sẽ dùng Trung Quốc để lôi kéo sự quan tâm của Mỹ: để bảo vệ con đường hàng hải tự do ở Biển Đông, Mỹ rất cần sự hợp tác của Việt Nam, nước có diện tích biển lớn nhất trên con đường lưỡi bò của Trung Quốc. Việt Nam cũng sẽ dùng viễn ảnh ngả theo Mỹ để cò kè ngã giá với Trung Quốc: để hiện thực hoá con đường lưỡi bò trên Biển Đông, điều Trung Quốc cần nhất là sự khuất phục của Việt Nam.
Với chính sách đu dây như vậy, con đường dân chủ hoá của Việt Nam cũng bị bế tắc. Còn nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam không thể dân chủ hoá khi điều đó chưa xảy ra với Trung Quốc. Nhưng triển vọng dân chủ hoá tại Trung Quốc chắc chắn còn khá xa vời. Bởi vậy, không hy vọng gì trong năm 2016 này tình trạng dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam sẽ thay đổi.
Về phía Mỹ, trong quan hệ với Việt Nam cũng như với bất cứ nước nào khác, Mỹ bao giờ cũng đặt vấn đề dân chủ và nhân quyền như một điều kiện cho mọi quan hệ đối tác. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết. Trên thực tế, có hai vấn đề. Một là Việt Nam vẫn có thể cứ giả bộ tôn trọng dân chủ và nhân quyền theo kiểu thả một người thì bắt lại một người như họ đã từng làm lâu nay. Hai là, như hầu hết các chuyên gia nhận định, các chính sách ngoại giao của Mỹ chủ yếu có tinh thần thực tiễn luận (realism) chứ không dựa trên một ý thức hệ cứng nhắc nào cả, do đó, từ trước đến nay, Mỹ cũng đã từng ủng hộ nhiều chính phủ độc tài nếu sự ủng hộ ấy có lợi cho Mỹ. Bởi vậy, nếu Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam vào trận chiến chống Trung Quốc trên Biển Đông thì việc nhắm mắt làm ngơ trước sự độc tài của chính quyền Việt Nam không phải không thể xảy ra.
Ở trên, chúng ta nói đến xu thế dân chủ hoá từ quan hệ với nước ngoài, chủ yếu là với Trung Quốc và Mỹ. Con đường dân chủ hoá có thể xuất phát từ một chiều khác: từ dưới lên trên, tức trong nội bộ Việt Nam mà thôi. Ở khía cạnh này, có thể đặt câu hỏi: Liệu một ngày nào đó, không thể chịu đựng nổi độc tài và áp bức, người dân Việt Nam có thể vùng dậy đòi tự do như dân chúng ở một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đã từng làm trong cái gọi là mùa xuân Ả Rập cách đây mấy năm? Với câu hỏi này, rất khó có câu trả lời chính xác. Trước khi cuộc cách mạng Ả Rập bùng phát, không có ai, kể cả các nhà lãnh đạo Tây phương cũng như các chuyên viên tình báo thượng thặng có thể biết điều đó cả. Nó nổ ra một cách bất ngờ và chóng vánh ngoài sự dự đoán của mọi người.
Có thể nói, nhìn từ quan hệ quốc tế, tình hình chính trị tại Việt Nam trong năm 2016 này chắc cũng không có gì khả quan. Tuy nhiên, điều đó, không có nghĩa là chúng ta phải tuyệt vọng. Có một câu nói của Otto von Bismarck đã thành danh ngôn: “Chính trị là nghệ thuật của cái khả dĩ” (Politics is the art of the possible).
Chúng ta chỉ biết tình hình thực sự của Việt Nam trong năm 2016 này khi tờ lịch cuối cùng của năm bị bóc xuống.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Độc tài tiếp chỉ xô dân xuống hố

Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam trước 30 ngày Đảng Cộng sản cầm quyền họp Đại hội XII đã hiện ra những tranh chấp nội bộ lãnh đạo cao nhất vì chưa ai dám lột xác để “đổi mới chính trị”, sau 30 năm đổi mới kinh tế.

Trong dân và trong đảng đã xuất phát yêu cầu đảng cầm quyền hãy can đảm kiểm điểm tập thể và tự kiểm điểm cá nhân xem có giữ được lời hứa làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” sau 40 năm kết thúc chiến tranh huynh đệ tương tàn hay đã để cho bóng đen Trung Quốc đẩy đất nước đến bờ vực thẳm?

Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của đảng đã giải thích mục tiêu lý tưởng này trong bài viết ngày 6/7/2007: “Cụm từ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định là sáng tạo độc đáo trong việc tìm tòi một công thức thể hiện được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới hình thức phổ thông, sinh động, dễ đi vào lòng người, dễ hiểu đối với quần chúng nhân dân.”

Dễ hiểu và hấp dẫn thì có, nhưng “đi vào lòng người” thì không vì sau 10 năm chạm với thực tế, người dân chỉ thấy cụm từ là chiếc bánh vẽ vô duyên mà Đảng đã trưng ra để tuyên truyền lòe mị.

Trong đời sống hàng ngày, hai chữ “dân giầu” chỉ thuộc về thiểu số có chức, có quyền và có cơ hội; tình trạng cách biệt giầu-nghèo giữa nông thôn và thành thị tiếp tục là một hố sâu; nước vẫn suy yếu cả vật chất, tinh thần và thế lực đề kháng ngoại xâm đang rình rập từ phương Bắc; công bằng vẫn chỉ ở diện xin-cho; dân chủ của dân là thứ xa xí phẩm và văn minh thì xa vời vợi đối với đại đa số người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và giữa đồng bào dân tộc.

Khoe khoang và thực tế

Nhưng trước ngày họp đảng XII, nhà nước vẫn khoe sau 30 năm đổi mới và kiên định làm theo theo Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa” năm 1991 và sau đó được “Bổ sung, phát triển” thêm tại Đại hội đảng XI năm 2011 Việt Nam vẫn ổn định chính trị; kinh tế tiếp tục phát triển tốt năm sau cao hơn năm trước; mức sống người dân được nâng cao với mức thu nhập đầu người tuy còn thua các nước trong khu vực nhưng đã khá hơn thập kỷ 70 từ 200 Dollars lên trên 3,000 dollars; vị trí và uy tín của Việt Nam trên bàn cờ thế giới cũng đã được lên cao.

Tư duy lạc quan tếu này còn được vẽ thêm trong bài Xã luận của Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, ngày 01/01/2016: “Các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội có bước phát triển khá. An sinh xã hội được bảo đảm, dân chủ tiếp tục được phát huy. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng.”

Viết thế nhưng báo này không chứng minh được “dân chủ tiếp tục được phát huy” là thứ dân chủ của đảng ban cho dân theo tiêu chí “muốn có phải xin”, hay chỉ có “dân chủ trong đảng” mà thôi?

Còn chuyện “Công tác xây dựng Đảng” chỉ “được chú trọng”, một lần nữa chứng minh đảng đã thất bại chua xót trong suốt 17 năm, từ khi có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa đáng VIII thời Lê Khả Phiêu (họp từ 25-1 đến 2-2-1999) “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” cho đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa đảng XI) thời Nguyễn Phú Trọng cũng vẫn là chuyện về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ban hành ngày 16/1/2012.

Trong bằng ấy năm, Đảng đã liên tục thất bại trong công tác phòng, chống tham nhũng; không ngăn chặn được suy thoái đạo đức, lối sống và tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức, có quyền và đứng đầu từ cấp Ủy địa phương lên Trung ương.

Đảng cũng nhìn nhận từ 4 nguy cơ nguy cơ phải đối phó từ khóa đảng VII năm 1994 gồm: “Tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch”, nay phải đương đầu thêm 2 nguy cơ mới “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên khiến đảng suy yếu và rã rời hơn bất cứ thời kỳ nào từ ngày ra đời năm 1930!

Do đó, ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung Ương đã không ngần ngại kêu gọi phải: “Khẩn trương nghiên cứu để sớm có các bước đi phù hợp, cụ thể, tích cực nhằm đổi mới về chính trị, như việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân chủ, thông tin đại chúng và tự do ngôn luận, đổi mới quản lý nhà nước và phương thức lãnh đạo của Đảng.”

Ông Hoàng nói trong bài viết đầu năm 2016: “Xã hội và cuộc sống là một tổng thể gồm nhiều mặt có quan hệ hữu cơ với nhau. Không thể đổi mới lĩnh vực này mà không đổi mới lĩnh vực khác, gây gập ghềnh và cản trở lẫn nhau. Nước ta chủ yếu mới đổi mới về kinh tế, mà cũng mới đi nửa đường, còn văn hóa và chính trị thì cơ bản chưa đổi mới, sắp tới cần đồng bộ và toàn diện trong công cuộc này.”(theo báo Tuần Việt Nam/ViệtNamNet, 1/1/2016)

Đây là lần đầu tiên trong Ban Tuyên giáo do Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, một người có tiếng bảo thủ, làm Trưởng ban đã có một Phó trưởng Ban mạnh dạn đưa ra quan điểm mới.

Ông Vũ Ngọc Hoàng còn thẳng thắn nhìn nhận: “So sánh với thế giới và khu vực, đến nay, nước ta vẫn còn nhiều mặt tụt hậu, có mặt đã tụt hậu xa hơn so với một số nước… Muốn khắc phục tụt hậu thì trước tiên phải nhìn thấy mình tụt hậu. Sự thật là năng suất lao động xã hội, thu nhập đầu người, hiệu quả đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ… của nước ta còn nhiều yếu kém và tụt hậu.”

Bằng chứng hiển nhiên là tuy đảng cứ tự khoe kinh tế tiếp tục phát triển cao hơn các nước trong khu vực mà không dám thừa nhận nếu không lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc thì ngân khố Việt Nam sẽ cạn kiệt? Điển hình như Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã viết lạc quan trên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) ngày 3/1/2016: "Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 của Việt Nam tuy đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới".

Nhưng ông không giải thích trong con số gần 6% hay cao hơn trong suốt 30 năm đổi mới, có mấy phần trăm tăng trưởng bởi chính nguyên liệu của Việt Nam hay phải lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài với Trung Quốc là chính?

Ông Huệ cũng không có lời giải thích tại sao Việt Nam lại chưa làm nổi con ốc vít và cứ phải làm kinh tế gia công (làm thuê) cho nước ngoài để tồn tại?

Giờ đây sau 30 năm theo đuổi “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” không giống ai và 10 năm hội nhập với thế giới, Việt Nam vẫn là nước chậm tiến, khả năng và trình độ lao động kém, óc sáng tạo và kinh tế tri thức vẫn ngoài tầm tay với so với các nước trong khu vực. Thậm chí, có nhiều linh vực còn thua xa Kampuchia thì nhân dân cứ lầm than và lạc hậu mãi là chuyện đương nhiên.

Đảng chỉ biết bảo vệ mình

Người thứ hai đã lên tiếng phê bình đảng là Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai nguyên Tổng Bí thư đảng Lê Duẩn.

Ông Thành từng tự ý ra ứng cử Quốc hội tại Sài Gòn nhưng không đắc cử vì ông không được lòng đảng. Ông nói thẳng: “Khi sự nghiệp lớn đã thành công, những người Cộng sản trở thành những người lãnh đạo đất nước, họ dần dần trở thành giai cấp cầm quyền và có lúc “nhìn xuống” nhân dân của mình.”

Ông Hồ Chí Minh từng có lần nói “người lãnh đạo là người đầy tớ của nhân dân”. Nhưng ông Thành bảo: “Một số người Cộng sản, khi đã trở thành quan chức, khi đã đi xe hơi, ở nhà lầu thì họ không còn nhìn thấy phần “đầy tớ” thực thụ của họ trước nhân dân. Tôi cho anh quyền ở cái nhà này, đi cái xe này, nhưng anh phải làm như trâu như ngựa cho tôi. Đó mới là thân phận thực sự, là ý nghĩa thực sự, bản chất thực sự của hai từ “đầy tớ”.

Cũng có nghĩa là, anh chỉ là người lái xe ôtô, còn người chủ thực sự là tất cả những người mua xe đó, ngồi trong xe đó, và bất kể anh muốn lái chiếc xe đó đi theo con đường nào, lái nhanh hay lái chậm, đều phải có được sự đồng thuận từ chủ nhân thực sự của nó, là nhân dân.” (theo báo Công an Nhân dân, 2/1/2016)

Theo quan sát của Tiến sỹ Lê Kiên Thành thì ngày nay, ông nói: “Cách mà chúng ta đang điều hành bây giờ có thể đó đây phần nào đã làm lu mờ đi vai trò của nhân dân với tư cách “làm chủ”.

Rồi ông bảo thẳng: “Người Cộng sản không được phép quên rằng, Đảng sinh ra là từ dân tộc này, tồn tại được cũng nhờ dân tộc này, vinh quang được cũng là nhờ dân tộc này, thành công này cũng là do cả dân tộc cùng đồng lòng trả bằng xương bằng máu. Vượt lên trên dân tộc là điều không bao giờ được phép!”

Thực chất là đảng CSVN chưa bao giờ biết tôn trọng và bảo vệ “quyền làm chủ đất nước” của dân. Chuyện “đảng cử dân bầu”, đảng tự chiếm quyền sở hữu đất đai của dân, và câu tuyên truyền rỗng tuếch “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” cũng chỉ để làm trò hề diễu cợt.

Mọi việc, từ lớn đến nhỏ đều do đảng tự quyết định. Chưa bao giờ đảng cầm quyền dám tổ chức trưng cầu ý dân, dù là chuyện bức thiết liên quan đến đời sống của dân dù đảng cứ ra rả nói “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì có trơ trẽn mỉa mai không ?

Trọng-Dũng chống nhau

Càng bất hạnh hơn cho dân khi ta thấy số vụ tai nạn lưu thông chết người hàng năm của Việt Nam cứ mãi ở con số ngót 10,000 người mỗi năm mà đảng không biết phải làm gì để ngăn chặn thì những người lãnh đạo còn xứng đáng được tín nhiệm nữa không?

Hãy đọc: “Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: năm 2012 cả nước xảy ra 36.376 vụ TNGT làm chết 9.838 người, bị thương hơn 38.000 người; năm 2013 có 29.385 vụ TNGT làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người; năm 2014 có 25.322 vụ TNGT làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. Năm 2015, tính đến tháng 11 trên toàn quốc đã xảy ra gần 21 nghìn vụ TNGT, làm chết gần 8.000 người và 19 nghìn người bị thương. Dù số người chết do TNGT giảm dần, nhưng số vụ và số người bị thương vẫn ở mức cao. Trước thảm họa mang tên TNGT, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ: “Nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp về TNGT. Tai nạn khiến nhiều gia đình ly tán, xã hội bất ổn”. (Đông Á viết trên báo Nhân Dân ngày 01/12/2015)

Với những con số máu đổ, thịt rơi của dân như thế mà lãnh đạo cứ bình chân như vại, chỉ biết tranh dành quyền chức để tham nhũng, hại dân thì tổ chức Đại hội đảng XII để làm gì?

Hay lại chỉ bầu ra những người cũ, hay mới mà cái đầu vẫn u mê, lạc hậu và chậm tiến để kéo dài lệ thuộc kinh tế, chính trị và ngoại giao vào Trung Quốc để an thân?

Nổi bật nhất trước 30 ngày Đại hội đảng XII đã lộ diện những bài viết kình chống nhau giữa hai phe cánh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bị chỉ trích đang tìm mọi cách ngồi lại thêm khóa nữa, mặc dù đã quá già và cực kỳ giáo điều ở tuổi 72. Ông Trọng đã tự coi mình, hay phe ông muốn thế, là người duy nhất trên cao có đủ điều kiện để duy trì quyền lực độc tôn cho đảng, bảo vệ đến cùng Xã hội chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam và tiếp tục giao hảo tốt với Trung Quốc. 

Nhưng nhiều người trong dân và trong đảng chỉ thấy ông là người đủ tiêu chuẩn của một Tổng Bí thư “trung bình”, không dám có những quyết định bứt phá và quyết tâm đi cho đến cùng các mục tiêu đề ra như hai Tổng Bí thư Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh.

Sau 5 năm ở cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng nổi tiếng là người “nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu”. Thất bại lớn nhất của ông là không xây đựng được đảng trong sạch, không ngăn chặn được tham nhũng-lãng phí theo các tiêu chí của Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ban hành ngày 16/1/2012.

Chẳng những thế, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Trung ương đảng ngày 10/01/2015, ông Trọng chỉ đứng hàng thứ 8 với 135 phiếu “tín nhiệm cao”, trong khi đối thủ chính trị của ông là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đứng đầu danh sách với số phiếu tín nhiệm cao là 152.

Đảng không phổ biến cuộc bỏ phiếu, nhưng theo Danh sách của báo mạng (Website) “Thanh tra nhân dân” thì ông Trọng còn đứng dưới cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (149 phiếu); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (145 phiếu); Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (144 phiếu); Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (138 phiếu); Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ (137 phiếu) và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang được 136 phiếu.

Phe ông Trọng phản ứng lại bằng các bài viết tố cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xây dựng quyền lực bằng tham nhũng của cá nhân và các hoạt động kinh tế nhờ vào địa vị Cha của con gái Nguyễn Thanh Phượng và con rể thương gia Nguyễn Bảo Hoàng, một Việt kiều Mỹ.

Các bài viết này, dù không ai biết thực hư ra sao, cũng cáo buộc ông Dũng đã gây bè kết phái, chạy chọt và mua chuộc chức Tổng Bí thư tại Đại hội XII.

Có một số thư nặc danh và bài viết tung ra nói xấu cả hai ông Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước và sau Hội nghị Trung ương 13 được các đảng viên và dư luận bàn tán, suy đoán.

Chuyện chống nhau trong nội bộ được công khai thảo luận trước Đại hội đảng chưa có tiền lệ trong lịch sử đảng CSVN, mặc dù tính xác thực của các thư nặc danh và bài viết còn trong bóng tối.

Cánh Tuyên giáo, cầm đầu bởi Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đã chĩa mũi dùi tấn công điều gọi là “các thế lực thù địch” từ bên ngoài và “những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị” trong nước đã cấu kết với nhau tung ra những tin đồn đoán vô căn cứ về cá nhân lãnh đạo nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình”, chống phá Việt Nam.

Các bài viết của Tuyên giáo kêu gọi báo chí đảng tăng cường phản bác lại các quan điểm chống Đại hội XII. 

Tiêu biểu như ông Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự) đã viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 28/12/2015: “Trước thềm Đại hội XII của Đảng, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đang triệt để sử dụng internet, các trang mạng xã hội, ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trong đó chống phá Dự thảo văn kiện và vấn đề nhân sự của Đại hội XII được chúng xác định là khâu đột phá, là chủ mưu và ưu tiên hàng đầu để chống phá Đảng ta. Vì vậy, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, đấu tranh vạch trần bản chất giả dối, phản động của các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, làm cho Đại hội XII của Đảng thành công là một nhiệm vụ bức thiết, cấp bách, vô cùng quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”; bảo vệ Đảng và chế độ hiện nay.”

Nhưng ai trong số 4 lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra đi hay ở lại và làm gì trong khóa XII?

Câu hỏi này đang lan rộng khắp Việt Nam vào lúc tình trạng chia rẽ, kình chống nhau giữa nhóm Lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính trị 16 người đang được bàn tán trong dư luận cả trong và ngoài nước.

Hai nhân vật, đại biểu cho hai phe là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng người miền Bắc và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng người miền Nam đã được dư luận trong dân và trong đảng nêu lên là hai đối thủ đang tìm cách hạ nhau tại Đại hội đảng từ ngày 20 đến 28/01/2016. 

Nhưng khi “trâu bò húc nhau” thì ruồi muỗi nào chết, hay chỉ khi nào Việt Nam có đổi mới chính trị thì nhân dân mới có đường thoát? 

Còn không, anh nào lên cầm quyền cũng thế vì nếu đảng CSVN vẫn độc tài và độc quyền cai trị thì quyền làm chủ đất nước của dân sẽ mãi mãi nằm sâu trong lòng đất. -/-

(1/016)