Saturday, October 24, 2015

Tân chính phủ Canada mở rộng chính sách di dân

CANADA - Ngày 4 tháng 11, Canada sẽ có một chính phủ mới, một thủ tướng mới và một bộ trưởng Bộ Quốc Tịch Nhập Cư Mới. Quan trọng hơn, về lãnh vực di dân, chính sách của đất nước này sẽ được điều chỉnh bởi một chính phủ tin tưởng mạnh mẽ vào các lợi ích kinh tế xã hội của việc nhập cư. 



Tân chính phủ Canada dưới quyền thủ tướng tân cử Justin Trudeau sẽ nới lỏng
chính sách di dân. (Hình: Nicholas Kamm/AFP/Getty Images)

Trong lịch sử, đảng Tự Do đã đưa ra một số cải cách căn bản và lâu dài nhất trong chính sách nhập cư Canada, bao gồm cả việc giới thiệu hệ thống bảng điểm đầu tiên trong năm 1967.

Những thay đổi chính của chính phủ đảng Tự Do hiện tại bao gồm một số đề nghị nhằm gia tăng số lượng thường trú mới tại Canada. Tuy nhiều ứng viên di dân có thể là tiềm năng, nhưng các yêu cầu điều kiện hội đủ có thể thay đổi, và không ai có thể chắc chắn sẽ thay đổi cụ thể ra sao.
Về di dân đoàn tụ gia đình:

Đảng Tự Do cam kết sẽ thay đổi để việc đoàn tụ gia đình trở thành một tiến trình cởi mở và nhanh chóng hơn, bao gồm các biện pháp:

1. Tăng gần gấp đôi ngân sách cho việc giải quyết di dân diện gia đình để giảm thiểu thời gian cứu xét.

2. Tăng gấp đôi số lượng xin bảo lãnh nhập cư cho cha mẹ, ông bà từ 5,000 thành 10,000 hồ sơ.

3. Loại bỏ các “điều kiện” quy định từ tình trạng thường trú của vợ chồng, các cặp sống chung (common law), bạn đời (conjugal partners) không hôn thú trong các quan hệ hai năm hoặc ít hơn với người bảo trợ không có con chung của họ lúc nộp đơn xin bảo lãnh.

4. Khôi phục tuổi tối đa cho người phụ thuộc được bảo lãnh trở lại là dưới 22 thay vì dưới 19 tuổi.
Về chương trình Nhập cư nhanh (Express Entry):

Đây là hệ thống lựa chọn người nhập cư được áp dụng từ đầu năm 2015, một thay đổi quan trọng đối với những người nhập cư kinh tế được thực hiện bởi chính phủ đảng Bảo Thủ.
Thay vì loại bỏ, đảng Tự Do hứa hẹn sẽ xem lại hệ thống xét điểm với đề nghị sẽ cho thêm điểm các ứng đơn có anh chị em đang ở Canada. Đảng Tự Do cũng muốn các yếu tố đoàn tụ gia đình có thể chuyển vào chính sách nhập cư kinh tế.

Về giấy phép làm việc tạm thời (temporary Work Permits):

Trong thập kỷ qua, số lượng giấy phép làm việc tạm thời gia tăng đáng kể. Đảng Tự Do đề nghị cải thiện Chương Trình Công Nhân Nước Ngoài Tạm Thời đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ nên tập trung vào việc giải quyết nhập cư vĩnh viễn.

Trong giai đoạn tranh cử, Justin Trudeau nhắc lại rằng đảng Tự Do sẽ thực hiện kế hoạch 5 điểm trong việc cấp phát giấy phép làm việc tạm thời: Thiết lập một hệ thống theo dõi khiếu nại; bảo đảm kiểm toán bắt buộc và thường xuyên; phải công bố thông tin các điều tra về lạm dụng chương trình; công bố thông tin của liên bang trong việc đánh giá sự tuân thủ sử dụng lao động; và thiết lập chế độ công bố hàng tháng số lượng lao động nước ngoài tạm thời tại Canada.

Tóm lại, như David Cohen, một luật sư kinh nghiệm chuyên về nhập cư của Canada cho biết: “Sau gần một thập kỷ của chính phủ Bảo thủ, Canada đã chọn mang Đảng Tự do trở lại cầm quyền. Trong suốt lịch sử của Canada, các chính phủ đảng Tự Do đã có tầm nhìn và quyết tâm phát triển đất nước, bây giờ là cơ hội tốt nhất để làm như vậy một lần nữa.”

“Việc chính phủ mới sẽ làm gì vẫn còn phải chờ xem nhưng họ đã cho chúng ta thấy khá nhiều ý tưởng về những thay đổi có thể đến. Dù số lượng tổng thể của những người nhập cư kinh tế có thể gia tăng, việc đoàn tụ gia đình có khả năng trở thành một ưu tiên chính. Đây là tin tốt cho các công dân Canada và những thường trú nhân từng phải thất vọng vì những yêu cầu nặng nề, thiếu minh bạch và thời gian giải quyết tăng dần theo năm tháng cùng số lượng đáp ứng nhỏ bé.”


“Với những cá nhân có đủ điều kiện cho chương trình nhập cư kinh tế, tôi mạnh mẽ khuyến khích theo đuổi việc trở thành thường trú nhân càng sớm càng tốt. Đảng Tự Do đã tuyên bố rằng họ đang tìm kiếm thay đổi hệ thống Express Entry, nhưng vẫn chưa xác định chi tiết cụ thể. Vì vậy, bây giờ là lúc cực kỳ quan trọng để chuẩn bị trước khi chính phủ soạn thảo và thực hiện các quy định mới.” (L.Q.T.)
10-24-2015 4:54:50 PM 

Cũng giòng con lãnh tụ

Theo Người Việt-10-24- 2015 3:25:30 PM 
Lê Phan

Khi ông Justin Trudeau dọn về căn nhà số 24 Đường Sussex ở Ottawa, tòa nhà bằng đá xám vốn là dinh thủ tướng của Canada, thực ra ông đã trở lại nhà cũ. Đó là nơi ông chào đời vào năm 1971. Trong một quốc gia nơi một triều đại chính trị là chuyện hiếm có, ông Trudeau sẽ là người Canada đầu tiên nối dõi tông đường trở thành một vị thủ tướng nữa cũng mang tên Trudeau.

Dĩ nhiên có nhiều điểm tương đồng giữa ông Trudeau con và ông Trudeau bố. Bề ngoài cả hai ông đều đẹp trai, thể lực cường tráng, phu nhân sắc nước hương trời, dân chúng nồng nhiệt yêu chuộng. Đứng về nội dung họ cũng có những cái giống nhau: An nói bộc trực một cách bất thường, nổi tiếng là người mang đến thay đổi, tạo nên một sự thăng tiếng đột ngột cho đảng Tự Do khi họ được cử ra lãnh đạo đảng.

Và dĩ nhiên sự may mắn mang giòng họ Trudeau của một trong những vị thủ tướng được kính nể nhất trong lịch sử cận đại Canada.

Nhưng ông Justin Trudeau không phải là một người thừa kế đã dễ dàng hưởng sự hỗ trợ của một guồng máy chính trị của gia đình. Ông không hề ngó ngàng đến chính trị cho đến 18 năm sau khi cha ông qua đời. Ông xây dựng những cố vấn của riêng mình, hầu hết cùng thế hệ với ông. Và ở mỗi giai đoạn quan trọng của đời ông, ông đã chọn con đường khó khăn nhất, một phần có vẻ là để chứng tỏ là ông đã không phải chỉ là “con vua thì lại làm vua.”

Trong một cuộc phỏng vấn dài hồi năm 2013, ông giải thích, “Tôi không tham chính vì một tham vọng hay thúc đẩy lịch sử: Cha tôi đã làm thì tôi cũng phải làm chính trị. Không, tôi tham chính bởi tôi nghĩ tôi có một cái gì đó để cống hiến. Nếu rồi tôi không có gì để cống hiến thì cũng tốt thôi. Nhưng tôi khá tin tưởng là tôi có một cái gì để cống hiến mà quốc gia này cần vào lúc này, đó là một liều thuốc giải độc cho thái độ yếm thế đang chế ngự quá nhiều chính trị trên toàn thế giới.”

Sự lạ lùng của một thủ tướng đang tại chức với con nhỏ đã làm cho Justin Trudeau và hai người em của ông nổi tiếng ngay từ khi chào đời, nhưng ông Pierre Trudeau và bà vợ, Margaret, vốn cũng đến từ một gia đình chính trị nổi tiếng, đã cố tìm cách cho các cậu con trai của mình một cuộc sống có vẻ bình thường. Các cậu đi học bằng xe bus chở học sinh đến học trường công (tuy là vì an ninh đằng sau có một cái xe chở đầy nhân viên bảo vệ yếu nhân) và họ học cùng lớp với những trẻ em từ những xóm nghèo của Ottawa cũng như những xóm giàu của thủ đô.

Khi lên 7 hay lên 8 gì đó, ông Trudeau kể lại, ông nghe bố mẹ nói và biết là Santa Claus không có thật. Sáng hôm sau, ông đến trường và bảo với nhóm bạn ở sân trường. Ông kể, “Hầu hết mấy đứa bỏ chạy vừa đi vừa khóc. Nhưng có một đứa quay lại với tôi và nói: ‘Tao biết. Tao biết lâu rồi. Mẹ tao bảo khi tao vừa đủ lớn để hiểu, bởi bả không có tiền để mua quà cho tao.’”

Ông Trudeau bảo ông lập tức nghĩ đến “cái núi quà ở dưới cái cây khổng lồ ở số 24 đường Sussex,” nhiều món quý lạ đến từ các ông đại sứ đại diện cho các quốc gia khác ở Canada. Ông kể lại, “Đó là một trong những giây phút mà tôi mới hiểu ‘Trời ơi, tôi vô cùng, vô cùng may mắn, và điều đó không dính líu gì đến phẩm chấp con người của tôi hay vật chất nào đã tạo nên tôi. Bởi đứa nhỏ đó, Mark, là một trong những người bạn thân nhất của tôi.’”

Báo chí cũng đã chú mục vào tuổi thơ của ông và tường thuật chi tiết về sự thất bại của hôn nhân của bố mẹ ông, phần vì bệnh tâm thần của bà Margaret Trudeau. Khi ông bố bỏ cuộc sống chính trị, ông về sống cuộc đời độc thân nuôi con.

Cả hai cha con đã tham chánh tương đối trễ trong cuộc đời, mặc dầu ông Pierre đã xuất hiện trên chính trường trước khi chính thức tham gia. Ông Justin mãi đến trung niên mới tham chính.

Ông Justin theo học văn chương Anh Pháp ở viện đại học McGill, viện đại học nổi tiếng nhất Canada ở Montreal, nhưng sau đó, ông công nhận, ông đã có một giai đoạn phiêu bạt. Ông theo bạn đi chơi kiểu bụi đời backpacking vòng quanh thế giới. Ông nghĩ đến đi học Luật, nhưng trở lại McGill để học sư phạm, nhưng chỉ một thời gian bỏ học và dọn sang ở British Columbia, tỉnh nhà của mẹ ông, nơi ông dạy người ta trượt snowboard và làm nghề bouncer - giữ an ninh - ở một hộp đêm, một công việc kỳ lạ cho một người khá mảnh khảnh. Ông cười bảo, “Tôi là người mà họ cho ra để giải hòa và đưa một ai đó ra khỏi tiệm vì tôi có tài ngoại giao.” Ông cũng thú nhận, “chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa bởi bất cứ một ai cả. Có lẽ tôi không có gene sợ trong người chăng. Tôi không biết.”

Ông trở lại nghề dạy học và dạy ở cả trường công lẫn trường tư ở Vancouver, một kinh nghiệm mà ông nói xác nhận niềm tin của ông vào hệ thống trường công lập. Ông kể là ở trường tư cho con nhà giàu, bố mẹ tốn rất nhiều tiền để dọa nạt thầy cô, bởi họ làm ra nhiều tiền hơn thầy cô, và mấy đứa nhỏ cũng biết vậy và không trọng thầy cô. Ông bảo, “Có một cái gì thiếu lành mạnh về mức độ đặc lợi đến thế.”

Hai thảm kịch gia đình đã đưa ông trở lại trước công chúng. Khi em ông, Michel bị chết trong một trận tuyết chuồi hồi năm 1998, ông đã xuất hiện bên cạnh bố mẹ. Nhưng khi người cha quá đau buồn của ông chết hai năm sau đó, ông đã đọc một bài điếu văn được phát thanh trên các làn sóng toàn quốc.

Mở đầu ông kể lại một câu chuyện khi ông sáu tuổi. Một hôm ông được cha đưa đi cùng với ông ngoại lên tận Bắc Cực. Sau khi đi qua khu nghiên cứu quân sự toàn là những quân trại nhàm chán họ đến một tòa nhà màu đỏ, xe ngừng lại, ông chạy vội đến cánh cửa tính mở, nhưng cha ông bảo không, nhìn vào cửa sổ, và sau khi dùng áo lau kiếng, ông nhìn thấy một căn phòng đầy đồ và ông già áo đỏ với bộ râu trắng bóc. Ông bảo đó là lúc ông mới hiểu cha ông có uy quyền đến thế nào và cũng tuyệt vời đến thế nào.

Pierre Elliott Trudeau, cái tên đó ông nói, có nhiều ý nghĩa cho nhiều người. Chính khách, trí thức, giáo sư, đối thủ, luật sư, nhà báo, tác giả, thủ tướng. Nhưng đối với ông thì đó chỉ là bố. Ông kể là bố ông đã yêu con với tất cả sự tận tâm đến nỗi nó bao phủ cả cuộc đời mình. Ông bảo, “Chúng tôi biết chúng tôi là những đứa trẻ may mắn nhất đời. Và chúng tôi đã không làm gì để xứng đáng được hưởng điều đó. Thực sự nó là điều mà chúng tôi sẽ phải suốt đời cố gắng hết sức để xứng đáng.” Ông nói bố ông cho các con rất nhiều khí cụ cho đường đời. Họ đã được dạy dỗ là trên đời này không có cái gì là trời cho cả.

Ông kể bố ông đã dạy cho ông một bài học quý gía hồi ông học lớp 3. Hôm đó, ông được bố cho đi ăn cơm ở nhà hàng của Quốc Hội, một nơi rất đặc biệt, rất quan trọng và đầy những người nghiêm chỉnh mà ông không nhận ra là ai cả.

Ông kể tiếp, “Nhưng lên tám, tôi bắt đầu hiểu chính trị. Và tôi thấy một người mà tôi biết là đối thủ chính của cha tôi. Nghĩ là để làm cha vui lòng, tôi nói đùa về ông ta với bố. Cha tôi nghiêm mặt nhìn tôi và nói: ‘Justin. Đừng bao giờ tấn công cá nhân. Chúng ta có thể hoàn toàn bất đồng ý kiến với một người khác mà không hạ giá họ vì vậy.’ Nói xong, ông đứng dậy, nắm tay tôi và đưa tôi đến giới thiệu cho người đó. Ông ta là một người rất tử tế, đang ăn cơm với con gái ông, một cô bé tóc vàng nhỏ tuổi hơn tôi. Ông ta nói chuyện thân mật với tôi trong giây lát và đó là lúc mà tôi hiểu là có ý kiến khác với những người khác không có nghĩa là họ không đáng được chúng ta tôn trọng họ. Bởi chỉ bao dung chưa đủ. Chúng ta cần tôn trọng thực sự và sâu sắc lẫn nhau và mọi con người, dầu họ nghĩ gì chăng nữa, giá trị của họ, đức tin của họ, nguồn gốc của họ có khác gì chăng nữa. Đó là điều mà cha tôi đòi hỏi ở các đưa con của ông và đó là điều ông đòi hỏi ở đất nước ông.”

Ông Trudeau đã chọn ra ứng cử không phải ở một nơi mà đảng Tự Do có ủng hộ sẵn mà ở quận trung tâm của thành phố Monreal vốn thích những người chủ trương ly khai và không ưa giòng họ Trudeau. Ông đã thắng và lần thứ nhì còn thắng lớn hơn nữa.

Và dầu cho cái tên Trudeau có đã làm gì cho sự nghiệp chính trị của ông, ông Justin Trudeau nói là nó cũng có ảnh hưởng ngược lại. Ông bảo “Có những người ngoài kia yêu tôi vì cha tôi, có những người ghét tôi vì cha tôi. Tôi đã họ bác bỏ mọi sự ra một bên, và hiểu là cả hai bên đều không phải dựa trên một thực tế mà tôi dùng để làm cái neo cho sự việc tôi là ai và tôi là cái gì.”

Ông đã chia tay với người cha nói rằng cha ông đã nhiều lần trở lại để giúp Canada qua những cơn khó khăn nhưng nay “Nhưng ông sẽ không trở lại nữa. Tất cả nay tùy vào chúng ta, tất cả chúng ta.”

Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn chỉ trích dự luật tôn giáo Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) - Tờ Le Monde của Pháp vừa có một phóng sự ghi nhận suy nghĩ của một số tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau tại Việt Nam về dự luật tôn giáo: Không ai hoan nghênh dự luật này.


Giáo dân biểu tình bên ngoài một phiên tòa xử tám giáo dân Công Giáo ở Hà Nội
năm 2008. (Hình minh họa: Frank Zeller/AFP/Getty Images)

Trước đây, trong nhiều cuộc đối thoại với Liên Hiệp Quốc, đại diện chính quyền nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam, các viên chức đại diện chính quyền Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, việc soạn thảo dự luật tôn giáo là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đang cố gắng cải thiện tình trạng nhân quyền và càng ngày càng tôn trọng tự do tôn giáo. Song khi dự luật được công bố để mời gọi dân chúng góp ý thì nhiều người khẳng định, dự luật vừa kể chỉ gây thêm lo ngại.

Trong bài viết “Tại Việt Nam, người Công Giáo được yêu cầu phải thỏa hiệp với chính quyền” trên tờ Le Monde, phóng viên Bruno Philips kể và RFI lược thuật thì dù buổi gặp Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn, tổng giám mục Tổng Giáo Phận Hà Nội, có một “phiên dịch” do chính quyền cử đi theo ông Philipis, vị chủ chăn của tổng giáo phận này vẫn chỉ trích dự luật tôn giáo một cách thẳng thừng.

Với thứ tiếng Pháp được mô tả là “chải chuốt,” vị hồng y nói trực tiếp với ông Philips rằng, Công Giáo Việt Nam hoàn toàn bất ngờ về nội dung dự luật tôn giáo bởi nó phủ nhận sự hiện diện một cách hợp pháp của các tổ chức tôn giáo trên thực tế dù tự do tôn giáo là quyền đã được minh định trong Hiến Pháp.

Theo vị hồng y, quan hệ giữa Công Giáo Việt Nam và chính quyền “khá tốt đẹp” tại các thành phố lớn nhưng ở các tỉnh thì không được như vậy. Hội đồng điều hành các giáo xứ có thể bị cấm họp. Những tài sản của Công Giáo Việt Nam bị tịch thu tại miền Bắc sau năm 1954 và tại miền Nam sau năm 1975 vẫn chưa được trả lại. Nếu dự luật tôn giáo trở thành luật, các mắc mứu sẽ trở nên nan giải hơn.

Theo nhận định của Hồng Y Nhơn, chuyện trở thành khó hiểu khi một mặt, chính quyền Việt Nam tỏ ra cởi mở hơn đối với tôn giáo nhưng mặt khác lại muốn có một bộ luật kiểm soát tôn giáo như dự luật tôn giáo. Vị hồng y này bảo đó thực sự là một bước lùi so với những tiến bộ đã từng đạt được.

Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam kiêm tổng giám mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, nói thêm, mọi thứ đang thay đổi nên cần phải xây dựng những cây cầu nối các tôn giáo với chính quyền chứ không phải là dựng lên các bức tường.

Theo ông Philips, không riêng Công Giáo mà những tôn giáo khác như Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo... cũng nghi ngại dự luật tôn giáo.

Bà Trần Thị Liên, một người nghiên cứu về tôn giáo, nhận định chính quyền Việt Nam không muốn có lực lượng nào cạnh tranh về chính trị nên duy trì sự kiểm soát toàn bộ các hoạt động tín ngưỡng, khống chế tôn giáo qua việc kiểm soát chuyện tấn phong hàng giáo phẩm.

Ông Philips cũng đã trao đổi với các viên chức Việt Nam chịu trách nhiệm về tôn giáo.

Giới ngoại giao Việt Nam phủ nhận các nghi ngại từ bên ngoài về tự do tôn giáo tại Việt Nam còn những viên chức này thì phủ nhận các nghi ngại từ bên trong.

Ông Dương Ngọc Tấn, phó Ban Tôn Giáo Chính Phủ, vẫn khăng khăng bảo rằng dự luật tôn giáo là một “tiến bộ” vì “nhìn nhận các tổ chức tôn giáo, mang lại cho các tổ chức này sự tự do rộng rãi” và đã là luật thì phải xác định cái gì có thể làm và cái gì không thể làm.

Ông Đỗ Quang Hưng, một trong những người tham gia soạn dự luật, cho rằng, dự luật đã mở rộng sự tự do, ví dụ cho phép tù nhân có quyền thực hành tín ngưỡng. (G.Đ.)
10-23- 2015 3:42:39 PM 

Quên

Theo Người Việt-10-24-2015 3:11:42 PM 

Bùi Bảo Trúc

Theo Sigmund Freud, cha đẻ của môn phân tâm học, thì “quên” là một việc làm cần thiết. Không quên, cứ nhớ đủ thứ thì sẽ đến một lúc, trí nhớ đầy kín, không còn nhồi nhét thêm được nữa, những chuyện cần được giữ lại cứ bỏ chúng ta mà ra đi thì cũng rất khốn khổ. Nhưng có những chuyện cần phải quên đi trong khi có những chuyện cần phải nhớ. Do đó, chuyện nhớ hay quên cũng cần phải chọn lựa. Trí nhớ, do đó, có khả năng lọc lựa, chuyện cần thì giữ lại, chuyện không cần nhớ thì quên đi. Selective memory là những hồi ức có tuyển chọn. Chuyện này rất cần thiết, trí nhớ chọn ra những gì đáng nhớ thì giữ lại, những g
ì không đáng và không cần giữ lại thì gửi gió cho mây ngàn bay. Chứ cứ ôm hết để nhớ hoài thì mệt quá.

Gần đây, cái tính hay quên có vẻ càng ngày càng thấy ở khá nhiều người Việt. Thay vì quên có thể giúp cho người ta đổ bớt những rác rến cho những bộ nhớ của những cuộn não như Freud nói, thì có những trường hợp quên cũng gây vất vả không ít cho những người mắc chứng hay quên.

Có những chuyện quên gây rắc rối cho người hay quên như vụ mới đây, một phi công lái máy bay chở khách của hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào một cửa tiệm có thể là một department store ở Nhật và mua một số hàng hóa rồi quýnh quáng làm sao bỗng bệnh quên vùng lên và chàng quên trả tiền cho những món chàng mua. Chàng cứ tự nhiên như người Hà Nội đi thẳng ra cửa. An ninh của tiệm chạy theo túm lấy công dân Việt Nam đãng trí quên trả tiền này thì chàng khai là đang bận suy nghĩ về bác Hồ kính mến nên không nhớ trả tiền khi ra về cho mấy món chàng bỏ quên trong các túi áo và túi quần. Thế là chàng bị giữ lại, không cho ra phi trường lái máy bay về Việt Nam nữa. Vụ này xảy ra hôm 8 tháng 10 năm 2015. Không biết chuyện này được giải quyết xong chưa mặc dù có sự can thiệp của sứ quán.

Như vậy là người Nhật hay làm khó những người đãng trí. Người Nhật không hay quên như người phi công nọ. Người Nhật có vẻ ghen ghét những người có tính hay quên. Thấy những người hay quên, đầu óc thư thái vì quên đi được nhiều chuyện thì đâm ra ghen ghét rồi... phạt người ta.

Chuyện người phi công hay quên nọ là chuyện rất thường và càng ngày những vụ quên này càng xảy ra nhiều hơn. Theo cảnh sát Nhật, con số người Việt mua hàng quên trả tiền tại các cửa hàng, siêu thị chiếm hơn 40% những vụ quên trả tiền của những người nước ngoài. Nhiều nơi phải trưng bảng cảnh cáo viết bằng tiếng Việt để cảnh cáo những vụ mua hàng mà quên trả tiền của người Việt mà người Nhật gọi là ăn cắp.
Một đằng gọi là quên trả tiền, là nóng tính cầm nhầm, là nhất tiệm (chắc dịch từ chữ shoplifting), là vồ, là thuổng, là xoáy, là bàn tay nhám, là... trong khi phía Nhật thì gọi đó là ăn cắp và phạt đến nơi đến chốn.

Nhưng chẳng phải chỉ có Nhật mới ngôn ngữ bất đồng (?) như thế mà ở cả các nước như Thái, Hàn quốc, Đài Loan... cũng gọi những vụ quên trả tiền đó là ăn cắp rồi bắt giữ và phạt nhiều người Việt chỉ vì họ vừa đi mua sắm vừa mải suy nghĩ làm sao phục vụ đảng đắc lực hơn, kính yêu bác Hồ nhiều hơn... nên quên cha nó việc trả tiền rồi bị người ta làm khó.

Chứ mấy cái vụ quên trả tiền như vậy có đáng gì. Kìa như cô Vũ Kiều Trinh một khuôn mặt rất nổi tiếng của truyền hình trong nước đã quên trả tiền khi đi mua sắm ở Thụy Điển và Anh, lại còn được sứ quán can thiệp nói là cô bị bệnh tâm thần, về nước, vì gốc lớn, vẫn lên đài truyền hình nói chuyện văn hóa dân tộc cho đài VTV. Hay là một cặp quên trả tiền mấy cặp kính đắt tiền ở Thụy Sĩ rồi cũng có sao đâu. Ngoài ra còn nhiều tiếp viên hàng không cũng hay mua sắm rồi quên trả tiền ở Nhật đó thôi.

Vì đã xảy ra quá nhiều vụ mua hàng quên trả tiền nên các sứ quán của nước ta phải yêu cầu cảnh sát ở các nước từng xảy ra nhiều vụ người Việt đi mua sắm rồi quên trả tiền viết lại những tấm bảng cảnh cáo bằng những câu khác hơn là những cảnh cáo không nên ăn cắp để thành những lời cảnh cáo nên nhớ trả tiền, hay đừng quên trả tiền.

Hai chữ “ăn cắp” thì nặng quá. Ăn cắp thì chỉ có những thằng to đầu ở Hà Nội chứ quên trả tiền khi đi mua sắm ở siêu thị thì có gì đâu mà làm lớn chuyện như vậy. Cứ bắt giữ, phạt thật nặng rồi đuổi về nước là đủ rồi.

Chuyện “nhỏ”? Thì hãy cứ bắt đầu từ chuyện “nhỏ”.

Song Chi— 10/23/2015 - 22:22 
Câu chuyện “đạo” thơ ầm ỹ của nhà thơ nữ Phan Huyền Thư với nhà thơ nữ Phan Ngọc Thường Đoan rồi cũng đi đến kết thúc. Lẽ ra đã không muốn lạm bàn thêm về việc này nữa, nếu không đọc thấy bài phỏng vấn ông Hữu Thỉnh, trên báo Một thế giới:“Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh: 'Vụ đạo thơ, tôi coi như Phan Huyền Thư đã nghịch dại'. Trong bài phỏng vấn này, có thể đọc thấy giọng điệu xuê xoa, cố bênh vực Phan Huyền Thư, cố làm nhẹ vấn đề của ông Hữu Thỉnh. Ông Hữu Thỉnh cho rằng:
“Phan Huyền Thư đã nghịch dại, một trò nghịch dại quá sai lầm ở độ tuổi này và ở vị trí như Thư.” Và nhắn nhủ mọi người:
“Khi mình là người lớn, mình nên bao dung hơn với trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường hay bồng bột, háo thắng, ham danh, nên có thể những hành động của Phan Huyền Thư đã xúc phạm tới danh dự của Phan Ngọc Thường Đoan nên lời xin lỗi thông thường có lẽ khó chấp nhận ở thời điểm hiện tại.
Nhưng thời gian qua đi, chúng ta nên nhìn nhận ở một góc độ của những người làm thơ với nhau, của người lớn đối với các thế hệ sau của mình. Nên tha thứ, nên bao dung và chỉ bảo tận tình nếu có lỡ mắc sai lầm…”

(Hiện bài báo này đã không còn tìm thấy trên trang Một thế giới).
Tôi nghĩ rằng bất cứ ai đọc phần trả lời này của ông Hữu Thỉnh cũng phải thấy cái cách ông xuê xoa vấn đề thật khó mà chấp nhận. Ngay bản thân nhà thơ Phan Huyền Thư dù được ông Chủ tịch Hội nhà văn bênh vực, chưa chắc đã cảm thấy vui. Một hành động đạo thơ của một nhà thơ ngoài 40 tuổi mà lại gọi là “trò nghịch dại” của “trẻ nhỏ”. Nói như nhà văn Trần Đức Tiến:
“Chuyện đạo văn tai tiếng này có phải chỉ là “trò nghịch dại” của kẻ trẻ người non dạ như ai đó nói không? Tuổi bốn mươi (nếu tôi không lầm) mà còn non dại à? Nói thế là vẫn nói theo kiểu của bậc cha chú, bề trên, coi thường chị Thư, coi thường bạn đọc.” (bài “Thư nên nói đơn giản: Tôi đã lấy thơ”, báo Tiền Phong)
Nhân tiện, cũng phải nhắc lại ngay chính ông Hữu Thỉnh cũng đã từng dính nghi án “đạo” thơ khi bài thơ “Hỏi” của ông bị cho là giống như phỏng dịch bài thơ “Thượng đế sinh ra mặt trời” ("Gott schuf die sonne") của nữ thi sĩ Đức Christa Reinig. Có thể đọc lại vụ này trong bài “Ai “đạo” ai?” của tác giả Thường Nhân trên talawas: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8523&rb=0101
Tự nhiên nghĩ, phải chăng vì chính mình cũng từng “đạo” thơ hay nhẹ nhất, từng “đọc ở đâu đó những tứ thơ và lưu lại ở trong đầu” như cách mà ông nói về vụ “đạo” thơ của Phan Huyền Thư trong bài phỏng vấn trên, nên ông mới có cách nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách dễ dãi như vậy?
Mà không chỉ riêng ông Chủ tịch Hội nhà văn, trong suốt quá trình xảy ra sự việc lùm xùm trên, bên cạnh những ý kiến phê phán nghiêm khắc, chúng ta vẫn thấy có những người hoặc cố tình bênh vực cho rằng cả một đám đông xúm lại đánh một người như vậy là tàn nhẫn, thiếu nhân tính quá; hoặc bao biện, làm nhẹ vấn đề kiểu như cho rằng chỉ là một bài thơ thôi, có gì đâu mà ầm ỹ, rằng đây đâu phải lần đầu tiên xảy ra một vụ “đạo” thơ “đạo” văn, đất nước này có bao nhiêu chuyện ăn cắp kinh khủng hơn, đáng nói hơn nhiều v.v…
Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về cái lối suy nghĩ xuê xoa mà nhiều người cho là khoan dung, trọng tình ấy. Cũng chỉ là những chuyện ngỡ như nhỏ, vặt vãnh, không quan trọng trong một đất nước có quá nhiều chuyện sai trái gấp nhiều lần hơn này.
Ví dụ như trong vô số những scandal lớn nhỏ của các cô Hoa hậu hay trong giới showbiz lâu nay. Một cô Hoa hậu bị chụp hình ngủ hớ hênh kém duyên trên máy bay hay có những hành vi không phù hợp như cứ để mẹ đi theo lúi húi nâng váy, một cô Hoa hậu khác thì cố tình nói dối là độc thân khi kê khai làm hồ sơ dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2012 trong khi đã có chồng, cô Hoa hậu khác nữa thì nói dối về trình độ học vấn v.v…cho tới những scandal phát ngôn thiếu văn hóa hoặc là “người thứ ba” của một ca sĩ X, Y, X…nào đó. Khi bị dư luận phát hiện và chỉ trích, cũng có không ít ý kiến cho rằng hoa hậu hay ca sĩ, nghệ sĩ cũng là người thường, cũng có những lúc sơ ý hoặc lỗi lầm, mọi người sao cứ hay săm soi vào đời tư của họ, họ làm gì yêu ai là quyền của họ, đám đông thật là độc ác, bất công…
Khi nói như vậy, sao người ta không nghĩ ngược lại rằng nếu các anh các chị ấy không phải là Hoa hậu, là ca sĩ, nghệ sĩ…thì có ai quan tâm đến đời tư cho tới cách ăn nói, hành vi ứng xử của họ không. Nhưng chính vì họ là Hoa hậu, là nghệ sĩ, những danh xưng này đã đem tới cho họ rất nhiều danh vọng, tiền bạc, những điều kiện sống hơn hẳn hàng triệu người khác trong xã hội cho tới tình cảm yêu mến của quần chúng; vinh quang hưởng đã đủ thì cũng phải có cái giá phải trả, đó là phải giữ gìn hình ảnh của mình trước mắt mọi người. Còn nếu không muốn bị săm soi thì hãy trả lại mọi thứ danh hiệu, rời xa hào quang, trở về làm người bình thường, chả sai săm soi gì đến mình nữa.
Cũng một câu chuyện “nhỏ” khác, như vụ cô gái có nickname là Huyền Chip khi phát hành hai cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”kể lại hành trình đi qua mấy chục quốc gia của mình, dư luận nghi ngờ cô nói dối về việc không có tiền và hoàn toàn tự lập mà vẫn đi được 25 nước, cũng như có rất nhiều chi tiết bị nghi ngờ về tính chân thực trong cuốn sách được cho là dạng nhật ký hành trình này, chưa kể cách cô kể về việc lao động chui, trốn vé, làm vé tham quan giả, thẻ nhà báo giả…, không dễ mà thực hiện đồng thời là vi phạm pháp luật ở nước người.
Vụ việc cũng làm “nóng” dư luận thời gian đó, thậm chí có ý kiến còn đòi thu hồi cuốn sách vì tác giả không trung thực, lừa dối độc giả. Nhưng cuối cùng mọi việc vẫn được cho qua. Và cô Huyền Chip ấy sau đó một thời gian được nhận học bổng của trường Đại học Standford năm 2014 và hiện đang du học tại trường này. Có ai đặt câu hỏi trong việc được nhận học bổng, ngoài lý do điểm SAT cao thì một hồ sơ với thành tích đi “phượt” qua 25 quốc gia, từng xuất bản 2 cuốn sách tự truyện về những chuyến đi là những điểm cộng rất lớn giúp cô gái này được học bổng bởi các trường đại học Mỹ vốn đánh giá cao những hoạt động bên ngoài trường lớp của các sinh viên tương lai?
Hay câu chuyện về một cô biên tập viên từng hai lần bị bắt quả tang ăn cắp khi đi sang nước ngoài, nhưng sau đó vẫn tiếp tục điềm nhiên làm việc ở VTV, phụ trách một chương trình văn hóa vì thuộc diện “con ông cháu cha”.
Đúng là tất cả những câu chuyện này xét về mặt “hậu quả” là rất nhỏ bé, chẳng gây hại gì cho ai ngoại trừ làm mất thêm niềm tin vào con người, trong một xã hội có quá nhiều những vấn đề to lớn cần phải nói đến. Nhưng có bao giờ người Việt chúng ta nghĩ rằng chính vì cái thói xuê xoa, khoan dung, bao biện của chúng ta mà xã hội này mới đầy dẫy những hành vi sai trái, thiếu tính trung thực, thiếu tự trọng như vậy?
Hãy nhìn người Nhật. Họ luôn cầu toàn, luôn cực kỳ nghiêm khắc với bản thân từ trong những việc nhỏ nhặt nhất. Họ tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Họ luôn luôn đặt chữ tín, danh dự, phẩm giá của cá nhân và của cả dân tộc, cả nước Nhật lên hàng đầu. Chính vì vậy mà nước Nhật trở thành như ngày hôm nay. Chính vì vậy mà thế giới kính trọng họ, như kính trọng những dân tộc vĩ đại khác: người Mỹ, người Do Thái, người Đức, Hàn quốc, Singapore v.v…
Bao giờ mà người Việt biết khe khắt với mình và với người khác từ những việc tưởng là “nhỏ”. Bao giờ mà luật pháp được triệt để tôn trọng, mỗi hành vi sai trái đểu phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Bao giờ mà giáo dục VN chú tâm dạy con người làm người tử tế, trong đó, điều đầu tiên là dạy con người phải biết xấu hổ, thì lúc đó đất nước này, dân tộc này mới khá được.

Chuyện xây dựng nông thôn mới và một triệu tỉ đồng

 VietTuSaiGon  —10/25/2015 - 02:12Một triệu tỉ đồng, nếu chia cho 63 tỉnh thành để thực hiện nông thôn mới, vị chi mỗi tỉnh được 15,625 tỉ đồng, viết bằng chữ là mười lăm ngàn sáu trăm hai mươi lăm tỉ đồng. Trung bình, mỗi tỉnh có 15 huyện, như vậy, mỗi huyện được số tiền một ngàn không trăm bốn mươi mốt tỉ sáu trăm triệu đồng. Và mỗi huyện có khoản mười xã, như vậy, mỗi xã được một trăm tỉ không trăm bốn mươi mốt triệu đồng, số tiền này đã trừ đi những râu ria chấm mút sổ sách trong quá trình làm việc, kết toán. Và số tiền một triệu tỉ đồng là số tiền do đại diện chính phủ đề xuất để xây dựng nông thôn mới.
Trong số tiền 1 triệu tỉ đồng này, sẽ có sự phối hợp giữa chính phủ, các nhà đầu tư và địa phương, trong đó địa phương chịu chừng 13%, trung ương 12%, số còn lại huy động từ các nguồn khác như vay ODA, các doanh nghiệp đầu tư, tiền thuế, tiền bán vé số nhà nước… Với con số như chính phủ đề xuất, có lẽ, nông thôn Việt Nam chỉ trong phút chốc trở thành những khu trang trại đẹp như giấc mơ, cả Singapore cũng không thề sánh kịp.
Nhưng thực tế thì như thế nào? Hiện tại, mức nợ công trên đầu người dân Việt Nam đã lên gần mức 1000 USD. Đường sá thì miễn bàn, nơi đâu cũng thấy hư hỏng, tù đọng, ổ gà ổ voi và nhiều thứ khác…  Và năm nào các thành phố lớn cũng bị ngập lụt, những vùng thôn quê thì bị mưa lũ, xả đập thủy điện, con người càng ngày càng trở nên nhạy cảm với thiên nhiên, sự nhạy cảm này không nằm ở tính rung động về tri thức, tâm hồn mà lại là nhạy cảm chạy nạn.
Trong khi đó, về phía nhà nước, các quan chức đầu ngành hết nghĩ ra trò này lại nghĩ ra dự án khác, tốn  từ vài ngàn tỉ đến cả triệu tỉ đồng nhưng kết quả thì dân không được gì cả. Ví dụ như dự án nông thôn mới sắp tới. Khi được công nhân nông thôn mới, chính quyền địa phương sẽ được gì và người dân sẽ được gì?
Trước nhất, chính quyền cấp xã sẽ bỏ ra một số buổi để kêu gọi người dân tự nguyện dọn cỏ sạch sẽ ở các con đường đê, đường làng, dọn cỏ xong, được đãi một bữa nước ngọt hoặc bữa nhậu gọi là “hồi công”, không có đồng thù lao nào. Trong khi đó, ngân sách của xã thì bị cắt xén bởi tay Chủ tịch mặt trận tổ quốc, tay này sẽ lên dự án có khi là vài chục triệu đồng cho việc chuẩn bị đón nhận nông thôn mới.
Sau khi được công nhận nông thôn mới, phái chính quyền địa phương lại viện cớ “toàn dân và nhà nước cùng làm” để “vận động, kêu gọi” mà trên thực tế là bắt buộc, gài bẫy để người dân chấp nhận mất trắng một phần đất mặt tiền để mở rộng đường nông thôn. Xin nhấn mạnh chỗ này, trong dự toàn xây dựng nông thôn mới có cả tiền đền bù cho nhà cửa, đất đai của dân. Nhưng khoản này lại được thay bằng nước miếng “vận động, kêu gọi” của chính quyền địa phương và khoản tiền dư ra nhờ khỏi phải đền bù cũng không biết đi về đâu. Đó là chưa nói đến việc cắt xén, rút ruột các công trình nông thôn, làm ê a, cả năm trời chứa thấy gì và làm xong vài tháng lại hư…
Từ Bắc chí Nam, đi đâu cũng gặp kêu gọi và vận động xây dựng nông thôn mới, gặp cảnh người dân có khi phải mất cả trăm triệu đồng để tự đập bỏ phần mình đã xây dựng, sau đó lại xây dựng mới theo diện hẹp hơn vì bị đường lấn. Đường mở rộng, người dân luôn tưởng rằng đó là việc tốt của nhà nước và mình phải cùng chung tay đóng góp nhưng không hề biết rằng thực ra, đường rộng là mình bị cướp cạn khoản tiền đền bù và mình đang gánh thêm món nợ công trên vai. Vì đâu phải tiền tự dưng mà có, toàn tiền đi vay cả, chỉ có dân là mơ hồ, không biết.
Cũng trên nếp nghĩ này, người Việt Nam nói chung, có thể nói là đại đa số dân Việt Nam khi nói về đất nước, thường bảo với nhau là “Bây giờ sướng rồi, những năm 1980 không có gạo mà ăn, tìm miếng thịt heo đỏ con mắt. Bây giờ muốn gì có nấy, như vậy nhà nước này giỏi, đảng Cộng sản giỏi chứ. Đường sá thênh thang, xe cộ tấp nập…”. Cái cách nghĩ này đã thành nếp, không cần tư duy, không cần phân tích và thậm chí là không cần suy nghĩ, thấy sao nói vậy.
Nhưng cái thấy sao nói vậy là thấy từ bên ngoài chứ cũng không thấy được bản chất bên trong. Điều này cũng dễ thông cảm bởi nhà nước Cộng sản Việt Nam có bao giờ chia sẻ thông tin về tài chính với nhân dân đâu. Nhưng gì thuộc về tiền bạc, ngân sách đều được họ biến thành “bí mật quốc gia”, nhân dân không được biết và không được phép biết. Cũng chính nhờ nhân dân không biết gì mà họ tha hồ nói láo, nhân danh cả dân tộc ngót nghét một trăm triệu con người để đi vay ODA, vay đủ hạng, bán trái phiếu, công trái... để mang tiền về bỏ túi gần sạch rồi thì vẽ chuyện xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu phố mới. Kết quả là càng xây càng hỏng, càng mới thì càng mục ruỗng, bệ rạc.
Nếu nhân dân biết được rằng nhà nước Cộng sản không những không giỏi dang như mình tưởng mà còn lợi dụng mình để vay ra một đống nợ, sau đó xây dựng lốp nhốp để cho có và lại tiếp tục bóc lột trên lưng người dân bằng đủ các loại thuế thì miễn bàn. Hay nói cách khác, nếu nhân dân thấy được rằng lâu nay đất nước tưởng là phát triển, giàu có nhưng thực chất là tiền đi vay, đi xin, đi quì gối chịu nhục để ăn tiền mà cứ bu lu boa loa là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn mình thì chắc chắn là dân phải khinh, phải coi cái đảng đang cầm quyền là một thứ đảng ăn bám, lừa bịp.
Chính vì sợ điều đó mà đảng Cộng sản đã cố tình bưng bít, giấu nhẹm những gì họ làm, giấu nhẹm những món nợ họ đã vay và nhân dân phải trả trong tương lai. Và càng vay bao nhiêu thì giới quan lại từ trung ương tới đại phương càng nhanh giàu bấy nhiêu, chỉ có nhân dân là khổ, nhân dân không được hưởng gì ngoài sự mất mát, chịu đựng bất công và kêu trời không thấu.
Trở lại chuyện xây dựng nông thôn mới, nói đúng hơn đây là một kịch bản mới nhằm một mặt mị dân, làm cho nhân dân nghĩ rằng nhà nước có trách nhiệm với dân. Mặt khác, họ lại tiếp tục tư túi, sống vương giả, xa hoa trên khoản tiền mồ hôi, xương máu và danh dự của nhân dân. Suy cho cùng, thứ mà họ làm được chính là đi vay nợ, thả sức tiêu xài, lấy một ít để mị dân, phần trả nợ thì đã có nhân dân lo, đời này không trả được thì đời sau, đời sau nữa sẽ trả.

Từ đảng trị tới gia đình trị: cặp đôi hoàn hảo.

Canhco—10/23/2015 - 15:23 
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đến nay, một cách nhất quán, Đảng luôn tự phong là giai cấp lãnh đạo, là ngọn đuốc soi đường cho mọi thế hệ, là văn minh và ngay trong hiến pháp của đất nước Đảng cũng “tiếp thu” và chễm chệ trên ấy với điều 4 vững vàng và kiên định.
Mặc những phản đối, những lập luận đưa ra chống lại sự kiên trì đảng trị ấy, trong khi người dân tiếp tục lăn lóc kiếm từng đồng tiền mang dấu ấn của Mỹ dưới ánh sáng Mác Lê, Đảng vẫn như từ lúc mới sinh vẫn oe oe tiếng khóc đòi được bú dòng sữa Xã hội chủ nghĩa, thứ sữa không biết mua đâu mới có.
Tính chất đảng trị được ngay các đảng viên sừng sỏ nhất chấp nhận và đôi lúc, đôi nơi những tuyên bố của họ nhấn mạnh đến vai trò không thể thay đổi của Đảng Cộng sản mà chính họ là người đại diện mang chữ “trị” trên ve áo. Dùng quyền lực của một tập thể hơn ba triệu đảng viên để khống chế đất nước, Đảng được chia nhỏ cho từng con người trong Đảng. Vị trí trong Đảng càng lớn thì mức độ “trị” càng cao.
Có ăn thì có làm là điều hiển nhiên của xã hội thế nhưng việc làm của mỗi đảng viên lại không rõ ràng minh bạch để chứng minh cho đồng tiền mà họ được “ăn”. Từ Tổng bí thư cho tới một chị đảng viên mới tuyên thệ, không ai biết đích xác mình sẽ làm gì trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Thủ tướng hay Chủ tịch nước đều có việc làm cụ thể và vì vậy chịu trách nhiệm cụ thể, còn Tổng bí thư được đặt ra suốt ngày cầm quyển kinh của Đảng để tụng niệm những câu chữ vô hồn và “công tác” duy nhất mà ông ấy giữ là ôm chặt điều 4 hiến pháp.
Đảng lấy tiền ngân sách, ngân sách thu từ dân và tài nguyên của đất nước. Tài nguyên ấy suy cho cùng cũng thuộc về người dân bởi đất nước nhiều lúc chỉ là một huyễn từ rất dễ bị lạm dụng. Mọi của cải vật chất chạy vào túi ngân sách và cái túi ấy có ống thông sang cái túi của Đảng. Mồ hôi nước mắt người dân đang đổ ra để nuôi Đảng và bù lại Đảng đã cố gắng làm điều gì đó cho người dân thấy Đảng cũng có việc làm.
Một trong những việc làm quan trọng nhất mà Đảng chưa bao giờ xao nhãng là bồi đắp và giữ gìn tình hữu nghị Việt Trung, mối tình tuy cay đắng cho dân tộc nhưng lại ngọt ngào giữa hai đảng anh em không gì thay thế được.
Đảng cố hàn gắn những rạn vỡ với Bắc Kinh sau các cuộc chiến tranh nhưng cố gắng nào cũng bị người dân ném đá. Những viên đá nho nhỏ, những cằn nhằn len lén và không được cả nước nghe nên Đảng vẫn bình yên tiếp tục công tác cao cả giữ Đảng của mình: “Giữ nước không quan trọng bằng giữ Đảng”. Đảng “cụ” Phùng Quang Thanh vừa công khai nói trước quốc hội như thế.
Đảng trị xem ra đang bị cạnh tranh, “dòng chủ lưu” ấy có cái tên chính thức là “gia đình trị”.
Hình như số trời đang nhỏ xuống cho dân tộc khi bùng lên một loạt hiện tượng lãnh đạo từ cao tới thấp mang con cái vào chiếm ghế trong chính quyền lẫn trong Đảng. Chính quyền lệ thuộc Đảng là điều hiển nhiên vì Đảng ban chức và lấy lại tiền lại quả từ các chức vụ ấy. Chỉ có Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước là … tương đối ngang hàng với Đảng và có lẽ do vậy họ mới mạnh tay ký những quyết định mang con của mình vào những chức vụ “kế thừa”.
Nếu Nông Quốc Tuấn mờ nhạt và bất tài không kham nổi tham vọng của Nông Đức Mạnh thì Nguyễn Thanh Nghị có vẻ được chuẩn bị kỹ lưỡng từng bước để tiến lên thay thế cho ông Dũng. Em Nguyễn Minh Triết tuy non nớt và yếu đuối thể chất nhưng sẽ là một lãnh chúa miền Trung trong tương lai. Nguyễn Thanh Phượng với tấm lưng hộ pháp của Henry Bảo và danh hiệu McDonalds sẽ là thế lực thứ hai sau khi ông Dũng về hưu lo “trồng cây gì, nuôi con gì” như truyền thống dễ thương của người làm cách mạng.
Ông Dũng và gia đình không làm cách mạng, gia đình này đang tiến vững chắc từng bước vào khuôn mẫu “gia đình trị” song song với Đảng để cai trị, chứ không phải điều hành, đất nước.
Mặc dù báo chí đang dẫn thông tin không vui về khuôn mặt kinh tế lem luốc của Việt Nam hôm nay nhưng gia đình ông Dũng có lẽ là nơi duy nhất không thấy có liên quan gì đến họ.
Thứ nhất, chính phủ chỉ còn 45 ngàn tỷ để chi tiêu trong năm nay, số tiền này chỉ là muối bỏ biển so với bộ máy ngốn tiền của Thủ tướng. Thứ hai trong năm qua việc tăng lương chỉ là bánh vẽ vì suốt năm không có đồng nào trong ngân sách được sử dụng vào việc này.
Báo chí dẫn lời chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng ngân sách hiện nay không còn tiền để đầu tư và đây là điều nguy hiểm. Ngân sách khó khăn đến mức "tận diệt" doanh nghiệp chứ không phải là tận thu nữa, nhiều doanh nghiệp không còn sức để làm ăn.
Hình như cảm động việc khó khăn của doanh nghiệp sắp bị tận diệt nên chính phủ xin phát hành 3 tỷ đô la trái phiếu để bù vào ngân sách, tuy nhiên món nợ 16 tỷ mà ngân sách phải trả trong hai năm sắp tới vẫn chưa biết cấu véo vào đâu để có.
Mà cũng có thể do tình trạng khẩn cấp này mà gia đình Thủ tướng được chú ý hơn chăng? Ai cũng biết Thanh Phượng giàu nức đố đổ vách cộng với tương lai đầy “hứa hẹn” khi Phú Quốc thành nơi ăn chơi số một dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của anh Nghị thì có gì mà gia đình này làm không được?
Có thể họ sẽ bỏ tiền riêng ra vực dậy kinh tế Việt Nam trong vài lãnh vực nào đó để lấy điểm, trước khi lấy tiền từ các món đầu tư béo bở?
Có điều đáng buồn: đảng trị hợp với gia đình trị trở thành một cặp đôi hoàn hảo và chúng ta tiếp tục bị “chúng trị” không biết đến bao giờ.

Đảng, Nhà Nước & Nhà Ngoại Cảm

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến—10/20/2015 - 10:36 
Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
...
Nguyễn Khoa Điềm
Tuy không biết làm thơ nhưng tôi cũng có tật xấu (“Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt. Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành”) y như cái ông thi sĩ vậy. Đất nước, chả may, lại chỉ toàn tin buồn và tin dữ. Tuổi Trẻ Online, số ra ngày 16 tháng 10 năm 2015, cho hay:
“TAND tỉnh Quảng Trị tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong đường dây lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ do Nguyễn Văn Thúy (tức ‘cậu Thủy’) cầm đầu.
Sau khi nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã công bố ... ‘cậu Thủy’ Nguyễn Văn Thúy phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân cho hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm phạm mồ mả hài cốt.
Mẫn Thị Duyên (vợ Thúy) 25 năm tù, Mẫn Đức Phương (em vợ Thúy) 18 năm tù, Nguyễn Anh Chiều 5 năm tù, Nguyễn Trường Sơn 15 năm tù cùng về hai tội lừa đảo và xâm phạm mồ mả hài cốt. Nguyễn Văn Hoành 23 năm tù về 3 tội lừa đảo, xâm phạm mồ mả hài cốt và trộm cắp tài sản.”
Ở Việt Nam việc “xâm phạm mồ mả hài cốt” vẫn xẩy ra thường xuyên (ở khắp mọi nơi) nhưng chưa bao giờ bị coi là phạm pháp cả – theo như lời của một nhà văn:
“Sáng hôm ấy, con gái và con trai, cuốc và xẻng, thuổng và bàn vét, ngổn ngang ồ ạt xông ra đồng. Hai cánh đồng Ruộng Quan và Cồn Rộng nhiều mồ nhất, phải mở hai mũi quân mạnh nhất xung phong vào hai cứ điểm này.
Không biết từ bao giờ ông cha mình chọn nơi đây làm nghĩa địa cho người nghèo. Hầu hết những nhà giàu có, người ta táng vào thửa ruộng riêng, ngôi mộ to hơn và thế đất thịnh vượng hơn. Chỉ có nhà nghèo, hiếm ruộng hoặc không có ruộng, mới táng nhờ vào mảnh đất công này...
Vốn lúc đầu đám thanh niên cũng còn giữ được lễ nghĩa: mỗi bộ hài cốt để riêng một nơi. Nhưng mộ nhiều quá, nếu cứ cẩn thận như vậy, tiến trình chiến dịch sẽ kéo dài, họ xô bồ đào xới và xô bồ bốc tất cả hài cốt vào một tấm ni lông. Hàng chục cái sọ dừa, hàng chục cái xương tay xương chân, hàng chục bộ răng đổ ào vào một đống.
 Mọi người thở dài, bó tay, đành chịu vậy. Thời buổi thế thì phải chịu thế, chứ biết làm sao.”  (Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. California: Tạp Chí Văn Học, 2006).
Đây không phải là “chuyện làng ngày ấy” của riêng địa phương nào mà là chính sách xuyên suốt, từ gần ¾ thế kỷ qua, của chính quyền cách mạng. Ông Nguyễn Văn Thúy và đồng sự (dám) là những người đầu tiên bị xử án tù, vì tội “xâm phạm hài cốt”, trong chế độ hiện hành.
Trước khi tiếp chuyện “đường dây lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ,” tưởng cũng nên nói qua – đôi điều – về cách lường gạt (hay cưỡng ép) khiến hàng triệu lương dân “phải” trở thành liệt sĩ, ở miền Bắc Việt Nam. Họ bị tuyên truyền, nhồi nhét về những kẻ thù “mang đầu ác thú,” và một “cuộc chiến tranh xâm lược” nên không ít người đã hăng hái lên đường tòng quân (giải phóng quê hương) rồi trở thành ... liệt sĩ.  Phần còn lại thì không có cách lựa chọn nào khác – theo như lời của một nhân vật trong cuộc, nhà báo Bùi Tín:
“Tôi từng tham dự nhiều buổi tiễn đưa một số đơn vị vào Nam, khi qua binh trạm cuối ‘làng HO’ thuộc đất Vĩnh Linh là anh em vĩnh biệt miền Bắc trong cảnh tượng xé lòng mà vẫn phải làm ra vẻ bình thản. Ai nấy đều giống nhau, hiểu nhau, cùng nhau đóng kịch.
Lúc ấy không còn đường rút lui. Cứ như qua cầu bắc ngang sông là cầu bị cắt. Đã có một số anh em mất tinh thần, liều mạng, muốn quay lui, vào tù cũng được, nhưng không sao lọt.
Vì trách nhiệm của các chính ủy đoàn, các chính trị viên, của các chi bộ là ngăn chặn hiện tượng ‘B tụt’, ‘B tạt’, ‘B quay’, nghĩa là tìm cách lẩn vào rừng, tụt lại sau, tạt ra các bản người dân tộc, rồi tìm cách quay về nhà. Rất ít ai thoát được.”
Ông Nguyễn Văn Thúy và những người đồng vụ sẽ không có cơ hội lường gạt bất cứ ai, nếu nhà nước V.N có quan tâm đôi chút đến những người đã bỏ mạng (nhưng không tìm được xác) trong cuộc chiến vừa qua. Tuy không phải là nhà ngoại cảm nhưng nhạc sĩ  Trịnh Công Sơn đã tiên cảm (gần đúng) về sự vô tâm này: “Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xuơng con mình...’’

Sở dĩ nói là “gần đúng” thôi vì cuộc chiến kéo dài quá lâu nên đến khi tàn thì cũng không còn được bao nhiêu bà mẹ (sống sót) để “lên núi tìm xuơng con mình’’ nữa. Việc đào bới hài cốt (tuy thế) vẫn được tiếp tục bởi anh chị em, hay bạn đồng đội của những người đã khuất –  như tuờng thuật của nhà báo Rajiv Chandrasekaran trên The Washington Post: “Vietnamese Families Seek Their MIAs; Few Resources Available In Search for Thousands.”

Bài báo mở đầu bằng một câu chuyện thương tâm. Ông Nguyễn Dinh Duy tử trận ngày 29 tháng 3 năm 1975. Suốt mấy muơi năm qua, chị của ông ta (bà Thắm) vẫn không ngừng đi tìm kiếm xác em trong... vô vọng. Ông Duy chỉ là một trong 300.000 lính Bắc Việt chết trận mất xác – và kể như là mất luôn (Duy is one of about 300,000 North Vietnamese soldiers killed in the war whose remains have not been located - and likely never will be).
Tiếp theo là một câu chuyện cảm động về tình đồng đội: “Mỗi tuần một lần, ông Ban thức dậy lúc 5 giờ sáng, leo lên chiếc xe gắn máy màu xanh lá cây đã cũ, đi đến những nơi mà ông còn nhớ khi còn là một y tá trong quân đội. Trí nhớ của ông quả tốt; mười năm qua, ông tuyên bố, đã đào được 2.000 xác chết và đã nhận diện được một nửa trong số này...’’ Vẫn theo lời ông Ban: “Là kẻ sống sót, tôi tự thấy mình phải có bổn phận với những nguời đã chết (Being still alive, I feel responsible for the dead people).
Quan niệm tử tế của ông Ban, tiếc thay, không được chia sẻ bởi những người hiện đang nắm quyền bính ở Việt Nam – dù họ đều là những kẻ sống sót, và được hưởng mọi thứ quyền lợi, sau cuộc chiến. Khi bị chất vấn về thái độ vô trách nhiệm này, một giới chức có thẩm quyền của Hà Nội, ông tướng Dang (nào đó) đã giải thích như sau: “...tìm kiếm những binh sĩ quá tốn kém mà tiền thì phải dùng vào việc chăm lo cho cho những kẻ còn sống sót.’’ (Dang said the cost of searching for missing soldiers must be weighed against the need to care for the survivors of the war).
Thực sự thì những kẻ sống sót chả được “chăm lo” gì ráo. Có chăng thì cũng chỉ là những loạt pháo hoa hào phóng (“rực sáng bầu trời”) vào những dịp kỷ niệm chiến thắng mà thôi.
Sự vô tâm (hay vô ơn) của Nhà Nước VN đã tạo điều kiện để phát sinh ra ... những nhà ngoại cảm, và thái độ “đồng cảm” của mọi giới quan chức của đất nước – cùng những cơ quan truyền thông – đã biến xứ sở này trở thành một nơi lý tưởng để ...lên đồng:
  • Ngày 7 tháng 11 năm 2011, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Trưởng Bộ Thương Binh & Xã Hội, đã ký quyết định tặng bằng khen cho 38 nhà ngoại cảm “có nhiều đóng góp trong công tác tìm kiếm qui tập hài cốt liệt sỹ.”
  • Ngày 30 tháng 9 năm 2013, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết Định (1237) phê duyệt “Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo...”
  • Ngày 4 tháng 11 năm 2013, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
  • Ảnh:btv
  • Ngày 6 tháng 11 năm 2013, Liên Hội Các Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam đã tổ chức Hội Thảo Khoa Học Việc Tìm Kiếm Hài Cốt Liệt Sỹ Bằng Khả Năng Đặc Biệt ...
  • Sách vở liên quan đến những  “phương cách tìm mộ liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt” của các nhà ngoại cảm được Viện Khoa Học Hình Sự – Bộ Công An, Liên Hiệp Khoa Học Công Nghệ UIA – VUSTA, Trung Tâm Bảo Trợ Văn Hoá Kỹ Thuật Truyền Thống liên kết bảo trợ và xuất bản...
  • Cả nước đều “nhập đồng” hết ráo nhưng đến khi “đồng off” thì chỉ còn trơ trọi vài mạng bị kết án tù thôi. Ông Nguyễn Văn Thúy (và những bạn đồng sự) bị kết án quá nặng chỉ vì họ là nạn nhân của một thời đại nhiễu nhương nên phải gánh tội thay cho mọi người, kể luôn cái ông Thủ Tướng.

Phải xóa sổ ngay băng nhóm xã hội đen mới xuất hiện ở Hà Nội.

Nguyentuongthuy — 10/24/2015 - 14:53 
Gọi là xã hội đen vì chúng hành động không tuân theo qui định của pháp luật, ngược lại còn láo xược có những tuyên bố coi thường pháp luật. 
Nhóm này tự xưng là nhóm phản ứng nhanh, với mục tiêu mà chúng tuyên bố là săn lùng những ai xúc phạm ông Hồ Chí Minh, xúc phạm Tổ quốc, ca ngợi chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà chúng gọi là chế độ tay sai bán nước để “hỏi tội”
Qua đó, có thể thấy, chúng không có chức năng tư pháp đã đành, cũng không có chứng cớ để luận tội người khác mà đơn giản là chúng thích làm như thế với những người khác ý chúng. Chúng có thể cuồng tín, hoặc cố tỏ ra cuồng tín vì bị ràng buộc bởi một lợi ích nào đó.
Buổi tối ngày 21/10/2015, trận ra quân đầu tiên, chúng kéo khoảng hai mươi tên cả nam lẫn nữ đến nhà anh Nguyễn Lân Thắng, một người hoạt động xã hội trong phong trào NO-U. Khi không vào được nhà vì bị từ chối tiếp, chúng đứng ngoài đe dọa, kể tội Nguyễn Lân Thắng theo lối suy diễn, dùng loa điện tuyên truyền nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt về anh và những người biểu tình chống Trung Quốc. Khi anh Nguyễn Trung đến, chúng lập tức bao vây, rượt đuổi rồi xúm đánh anh, làm náo loạn cả một khu dân cư.
Trận thứ hai là ngày 21/5/2015, chúng kéo đến trường mầm non nơi con anh Thắng học, vào thời điểm chị Lê Bích Vượng (vợ anh Thắng) đi đón con. Chúng lao vào lăng mạ, chửi bới, tấn công chị Vượng.
Qua hai vụ việc vảy ra liên tiếp, có thể thấy hành vi của nhóm này được chuẩn bị công phu, có phân công cẩn thận. Chúng chuẩn bị sẵn lời tuyên bố, chia ra mỗi đứa một việc. Riêng phần kể tội anh Thắng chúng cũng phân công tới 3 đứa. Loa điện, phương tiện ghi hình cũng được chuẩn bị đầy đủ.
Từ lời tuyên bố và hành vi của bọn này, có thể thấy đây là một băng nhóm xã hội đen nhưng hoạt động công khai. Chúng tuyên bố rất ngang ngược rằng những gì chính quyền không làm được thì chúng làm được. Đây là sự thách thức láo xược đối với pháp luật.
Hành vi của nhóm này có dấu hiệu vi phạm Bộ Luật hình sự: Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, Điều 84: Tội khủng bố. Trong các tội ấy, có tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức.
Sau khi sự việc xảy ra, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Trung cùng bạn bè đã đến công an trình báo sự việc. Việc trình báo là việc phải làm nhưng sự hy vọng cũng rất mong manh. Người ta đã quá đủ kinh nghiệm khi trình báo công an một vụ việc nào đó.
Tuy nhiên, nếu Công an Hà Nội bỏ qua vụ việc, không triệt tiêu băng nhóm xã hội đen này một cách kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường. 
Trước hết, băng nhóm này tiếp tục hoành hành khắp nơi, như chúng tuyên bố sẽ săn lùng trên đường, vào nhà riêng, nơi làm việc hay nơi sinh hoạt của người mà chúng cho là “đối tượng của chúng”. Hai là những người bị chúng hãm hại khi không còn trông cậy được vào công an thì họ cũng sẽ lập băng nhóm để đáp trả. Ba là khi chúng phạm tội mà không bị trừng trị thì một loạt các băng nhóm khác sẽ xuất hiện để trừ khử lẫn nhau dẫn đến việc an ninh thủ đô không kiểm soát nổi. Vì vậy, băng nhóm này vô cùng nguy hiểm, cần phải xóa bỏ kịp thời.
Đây cũng chính là nhóm đã quậy phá, cản trở buổi tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma (Trường Sa) hôm 14/3 năm nay. Trong sự việc ấy, cùng lúc, ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội và ông Hồ Quang Lợi Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đều tuyên bố không thừa nhận nhóm này là người của mình. Ông Chung còn tuyên bố sẽ xác minh về nhóm này và công bố cho báo chí biết.
Tuy nhiên, dư luận không khỏi nghi ngờ. Nếu nhóm này không phải của tuyên giáo, cũng chẳng phải của công an thì thế lực nào đứng đằng sau? Nếu chúng là quần chúng tự phát thì tại sao chúng dám hoành hành một cách ngang nhiên như thế. Phải chăng có một thế lực đen nào đó chỉ đạo, bật đèn xanh, chống lưng cho chúng để tạo ra một hình ảnh thủ đô Hà Nội bất an, vô luật trước cộng đồng quốc tế, ngăn cản quan hệ Mỹ Việt đang nồng ấm để đạt được mục đích trở lại lệ thuộc vào Trung Cộng như xưa? 
Để lý giải vấn đề này, mời bạn đọc xem phân tích của Bùi Thanh Hiếu (blog Người Buôn Gió) trong bài Vì sao Nguyễn Lân Thắng bị Dư luân viên tấn công.
Dưới đây là clip chúng tự quay đưa lên chương trình Vietvision. Một ngày sau đó chúng đã gỡ xuống nhưng một số bạn đã kịp lưu lại được. Chúng tôi lược bớt đoạn đầu và cuối không thể hiện hành vi của chúng.
Clip thứ hai là cảnh chúng đến trường mầm non nơi con anh Thắng học để tấn công chị Lê Bích Vượng khi chị đến đón con về.


24/10/2015
Nguyễn Tường Thụy

Bức công hàm bán đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Đại Nghĩa (Danlambao) - Hoàng Sa, Trường Sa đang từng ngày nhắc lại chuyện đau buồn của người dân Việt Nam. Tôi không quên Hoàng Sa và Trường Sa, một lần nữa viết lại đề tài này qua bức công hàm bán biển đảo của thủ tướng Việt cộngPhạm Văn Đồng năm 1958. Bức công hàm đã gây một hậu quả tai hại nghiêm trọng đến chủ quyền của đất nước khiến ngày nay người dân Việt Nam phải mất đi biển đảo và ngư trường đánh bắt. Do cái công hàm này khiến Trung cộng lấy đó làm bằng cớ để giành chủ quyền và ngày đêm lấn chiếm, bồi đắp biển đảo của tổ quốc ta.

Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận giá trị của bức công hàm với sự ngụy biện ấu trĩ, khó bề chối cãi, báo điện tử VNExpress cho rằng bức công hàm chỉ:

“Ghi nhận và tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, nội dung công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có một chữ nào công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc”. (VNExpress online ngày 23-5-2014)

Sau bao nhiêu năm hữu nghị, bao nhiêu năm ngậm đắng nuốt cay, theo báo mạng của đài RFI đưa tin: “Việt Nam chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị”. Một sự phủ nhận không thuyết phục vì ngoài bức công hàm này CSVN còn nhiều tài liệu khác công nhận chủ quyền của Trung cộng trên quần đảo của ta.

“Sau nhiều năm im lặng, mãi đến những năm gần đây, chính quyền Việt Nam mới lên tiếng giải thích về công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, nhưng lần đầu tiên, Hà Nội vừa chính thức tuyên bố công hàm đó là vô giá trị, tức là không hề nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. (RFI online ngày 24-5-2014)

Muốn biết rõ sự việc, cần xem lại cả hai văn bản, một của Trung cộng, hai của Việt cộng, chúng ta sẽ thấy rõ Việt cộng đang cố tình chối quanh.

Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Ttrung cộng Chu Ân Lai(bản dịch tiếng Việt của Trần Đông Đức)

“Công bố của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải
Ngày 4 tháng 9 năm 1958

Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc (Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa)

Đại biểu ủy viên thường vụ đại hội nhân dân toàn quốc liên quan việc phê chuẩn quyết nghị công bố lãnh hải của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

(Ngày 4 tháng 9 năm 1958 đại hội ủy viên thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc hội nghị thứ 100 thông qua)

Quyết nghị:

Ngày 4 tháng 9 năm 1958 đại hội ủy viên thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc hội nghị thứ 100 thông qua quyết định phê chuẩn về tuyên bố lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Đính kèm: Công bố của chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải.

Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố:

* Một: Lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các đảo, với Đài Loan cùng với các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc hải đảo của Trung Quốc…”

Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng.

“Thủ tướng phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí lời chào rất trân trọng./.

Kính gửi: Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958”. (x-cafevn online ngày 19-5-2009)

Phạm Văn Đồng nói tôn trọng 12 hải lý của Trung cộng, như vậy 12 hải lý đó xuất phát từ đâu, có phải từ quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) hay không?

Bức công hàm năm 1958 đồng thời đã xác nhận lời của Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Ung Văn Khiêm trong lần gặp đại biện lâm thời của Trung cộng là Lý Chí Dân tại Hà Nội năm 1956 như sau:

“Theo trang web của Bộ Ngoại giao TQ, vào giữa năm 1956, Ung Văn Khiêm đã nói với đại biện lâm thời của TQ rằng Hoàng Sa và Trường Sa về mặt lịch sử đã thuộc về lãnh thổ TQ”. (BBC online ngày 24-1-2008)

Việt cộng đừng cãi chối, không chỉ có cái công hàm này không đâu, còn nữa, còn nhiều điều mà Việt cộng đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung cộng.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Mạnh Cầm, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2-12-1992 đã giải thích một cách gượng ép phải công nhận một sự bất đắc dĩ, cũng như còn có một mưu mô xảo trá vì biết rằng lúc ấy Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc chủ quyền của VHCN nhưng cũng cứ nhận vơ là của đồng chí hữu hảo để xin một ít bom đạn. Sau năm 1975 Hoàng Sa và Trường Sa thực tế thuộc về Việt cộng thì họ lại chối quanh là “tạm công nhận” chớ trước đó không tính được hậu quả ngày nay. Ông Cầm nói:

“Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do Hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam là thuộc về chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.

Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị.

Trong thinh thần đấy thì do tính cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.

Đặc biệt việc này còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn đế quốc Mỹ không sử dụng quần đảo để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhậnnhư thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả”. (RFA online ngày 12-12-2007)

Những chứng cớ cho thấy Việt cộng trước đây đã công nhận chủ quyền của Trung cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà sau này Trung cộng lấy đó làm bằng chứng là một cuốn sách dạy cho học sinh lớp 9 xuất bản cách đây 40 năm đã công nhận chủ quyền của Trung cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa …

“Trả lời ban Việt ngữ đài VOA, một nhà sử học đã bảo vệ luận án tiến sĩ xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, xác nhận là sách giáo khoa liên hệ dành cho học sinh lớp 9 của Việt Nam có công nhận rằng quần đảo Hoàng Sa, mà TQ gọi là Tây Sa. Là thuộc chủ quyền của TQ… (VOA online ngày 13-6-2014)

Chứng cớ thứ 2 là của Bộ Giáo dục Việt Nam mà tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung cộng dựa vào đó cho rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của họ ở biển Đông.

“Từ một tuần lễ nay, dư luận báo chí tại Việt Nam đã sôi nổi hẳn lên sau phát hiện của báo Thanh Niên, theo đó, Bộ Giáo dục Việt Nam, từ năm 2007, đã bắt học sinh phải sử dụng phần mềm tin học bản đồ công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Sau khi vụ việc bùng lên, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm, nhưng vụ này đã lập tức bị báo Trung Quốc khai thác để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc tại biển Đông”. (RFI online ngày 29-12-2013)

Bằng chứng hùng hồn nhất là một cuốn sách của Bộ Ngoại giao CSVN viết bằng chữ Anh mang tựa đề: “U.S Intervention and Aggression in Viet Nam during the last twenty years”Trần Quốc Việt cho biết trong bài “Thêm một bằng chứng bán nước rõ ràng của đảng CSVN” đầy đủ chi tiết.

“Một cuốn sách của Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ấn hành ở Hà Nội vào năm 1965 khẳng định rất rõ ràng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc

…hải phận của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ‘khu vực chiến đấu’ của lực lượng vũ trang Mỹ”. (DanLamBao online ngày 24-1-2014)

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một người bất đồng chính kiến tại Hà Nội thường lên tiếng phản biện một cách cam đảm. Trong bài “TQ xâm lược Việt Nam” có đoạn Tiến sĩ viết:

“Bội phản cha ông, thời đảng CSVN trị vì, các cuộc xâm lược từ phương Bắc đều do lãnh tụ đảng CSVN ‘mời’.

Thời Hồ Chí Minh có công hàm 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Thời Lê Duẩn, không biết có mời không nhưng, năm 1974, khi binh lính đồng bào mình (Việt Nam Cộng Hòa) bị TQ diệt để chiếm Hoàng Sa thì lãnh đạo CSBV chỉ đứng nhìn và vỗ tay”. (DanChimViet online ngày 4-7-2012)

Với bao nhiêu chứng cứ Việt cộng khó mà chối quanh với bọn bá quyền nước lớn Trung cộng, Việt cộng có đưa ra bao nhiêu bằng cớ về lịch sử cũng không thuyết phục bằng những tài liệu mà mình đã mặc nhiên công nhận trước đây. Sở dĩ Việt cộng không dám đưa Trung cộng ra tòa là vì há miệng mắc quai và nhất là đối đầu với đồng chí 16 chữ vàng và 4 tốt đang nắm “lý lẽ của kẻ mạnh”.

Ngày nay người dân Việt Nam muốn hóa giải cái hậu quả tai hại của cái công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng năm 1958 cũng như hủy bỏ mật ước nô lệ củaNguyễn Văn Linh tại Thành Đô năm 1990 chỉ còn có cách duy nhất là: giải tán đảng cộng sản Việt Nam và điều này chỉ có đảng viên cộng sản tự diễn biến.

24.10.2015