Tuesday, November 17, 2020

Hà Giang bắt 3 viên công an thị trấn ‘dùng nhục hình’ với người dân

 HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – Trưởng Công An thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, cùng hai thuộc cấp đã bị khởi tố do “dùng nhục hình” man rợ để tra tấn người dân.

Ngày 17 Tháng Mười Một, Cơ Quan Điều Tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam Đại Úy Đặng Thế Đông, trưởng Công An thị trấn Vĩnh Tuy, cùng hai bị can Hoàng Trọng Tấn và Nguyễn Vũ Hiệp, công an viên thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, để điều tra về tội “Dùng nhục hình.”

Đại Úy Đặng Thế Đông, trưởng Công An thị trấn Vĩnh Tuy (vòng đỏ), bị khởi tố vì dùng nhục hình. (Hình: Mạnh Đoàn/VTC News)

Theo báo Tuổi Trẻ, cùng ngày Vụ Thực Hành Quyền Công Tố và Kiểm Sát Điều Tra Án Xâm Phạm Hoạt Động Tư Pháp, Tham Nhũng, Chức Vụ Xảy Ra Trong Hoạt Động Tư Pháp (Vụ 6), thuộc Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao cũng đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên.

Theo điều tra ban đầu, trong lúc “làm việc” để xác minh ông Vũ Đình H. (ở thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang) có phạm tội hay không, ba viên công an Đông, Tấn và Hiệp đã tát, bẻ tay ra sau lưng, dùng thuốc lá đang cháy dí vào móng tay của ông H. gây cháy phỏng móng tay. Chưa hết, ba viên công an trên còn dùng còng số 8 treo ngược hai tay ông H. lên tường,… gây thương tích cho nạn nhân đến 12%.

Việc cán bộ công an ở Việt Nam tra tấn người dân bị cáo buộc “phạm tội” đến mức gây thương tích, thậm chí tử vong không là chuyện lạ và thường xuyên diễn ra.

Hồi Tháng Sáu vừa qua, hàng trăm người đã theo thân nhân đưa xác ông Võ Văn Tư (46 tuổi), đến trụ sở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, “bắt vạ” vì cái chết đầy nghi vấn của ông Tư, mà mọi người nghi đã bị công an cố tình đánh chết rồi vu cho nạn nhân “ngã” nên đập đầu xuống đất.

Trước đó hôm 25 Tháng Năm, báo Tiền Phong đã loan tin tuy luật lệ có quy định, nghiêm cấm, nhưng điều tra viên của công an CSVN vẫn ngang nhiên tra tấn để ép cung dẫn đến những bản án oan sai, thậm chí là những cái chết của nạn nhân.

“Pháp luật hình sự, nghị quyết của Quốc Hội nghiêm cấm hành vi bức cung, nhục hình và xử lý nếu có nhằm phòng chống oan, sai. Tuy nhiên, các số liệu tư pháp thể hiện, việc bức cung, dùng nhục hình ở nước ta vẫn tồn tại. Giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, có 21 điều tra viên hoặc kiểm sát viên bị xét xử trong các vụ án liên quan bức cung, dùng nhục hình.”

Những vết thương trên cơ thể anh Võ Tấn Minh, ở phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, bị Công An tỉnh Ninh Thuận, tra tấn đến chết hồi Tháng Tư, 2018. (Hình: Trí Thức Trẻ)

Tờ báo dẫn lời Thượng Tá Nguyễn Xuân Hùng, cựu đội trưởng Đội Thanh Tra Pháp Luật Công An thành phố Hà Nội, nhìn nhận chuyện oan sai “hiện tượng này có thật” vì nạn tra tấn ép cung phổ biến gần như được dung dưỡng.

Ông Hùng nêu lý do xảy ra tra tấn ép cung “vì động cơ thành tích phá án để ép bằng được, thậm chí bức cung, nhục hình, tạo thêm chứng cứ không khách quan. Có những trường hợp làm giả chứng cứ, sửa cả hồ sơ để cố tình buộc tội. Khâu truy tố, xét xử cũng vậy, vì thành tích rồi xử lý ép hoặc bị quy kết như điều tra bảo làm đủ rồi, ông kiểm sát không truy tố là bỏ lọt tội phạm.” (Tr.N) [qd]

Sau bão, bệnh vi khuẩn ‘ăn thịt người’ tăng bất ngờ ở miền Trung

 THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Bệnh vi khuẩn Whitmore “ăn thịt người” từng bị lãng quên ở Việt Nam giờ bùng phát trở lại với tỉ lệ tử vong trung bình từ 40% đến 60%, hiện đang tăng bất ngờ ở miền Trung sau bão lũ khiến nhiều người hoang mang.

Báo Người Lao Động ngày 17 Tháng Mười Một, dẫn tin từ bệnh viện Trung Ương Huế cho biết trong mùa bão lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung từ đầu Tháng Mười đến nay, đã khiến số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nhập viện tăng bất ngờ.

Bệnh nhân Whitmore nhập viện trễ bị chuyển biến nặng đang điều trị tại Khoa Hồi Sức Cấp Cứu, bệnh viện Trung Ương Huế. (Hình: Thanh Niên)

Theo thống kê từ Tháng Mười đến nay, bệnh viện Trung Ương Huế đã tiếp nhận 28 ca. Trong số các bệnh nhân nhập viện có 50% người đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy… thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Số liệu trên đáng báo động nếu so sánh với số ca bệnh mà bệnh viện Trung Ương Huế tiếp nhận điều trị từ 2014 đến 2019, chỉ với 83 ca được chẩn đoán Whitmore. Và từ Tháng Giêng đến Tháng Chín, 2020, cũng chỉ có 11 bệnh nhân.

Điều đáng lo ngại là khá nhiều bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn của bệnh khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng… dẫn đến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Trước đó hồi Tháng Chín, 2019, Bác Sĩ Phạm Ngọc Hàm, trưởng Khoa Y Học Nhiệt Đới, bệnh viện Đà Nẵng, đã chính thức cảnh báo về vi khuẩn bệnh Whitmore.

Báo Thanh Niên dẫn lời Bác Sĩ Hàm cho biết tại bệnh viện Đà Nẵng, năm 2017, tiếp nhận 12 ca bệnh Whitmore, sang năm 2018, tăng lên 13 ca và từ đầu năm 2019 đến nay đã có nhiều ca nhiễm bệnh.

Theo đó, ở miền Trung, bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra thường gặp vào mùa mưa, tập trung từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Một hằng năm. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.

Thời gian ủ bệnh thường từ một đến 21 ngày, trung bình là chín ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ chết cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.

Một bệnh nhi bị vi khuẩn Whitmore “ăn” mang tai đang điều trị tại Trung Tâm Nhi, bệnh viên Trung Ương Huế. (Hình: Thanh Niên)

Vi khuẩn “ăn thịt người” còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. Melioidosis có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã phát hiện hàng chục trường hợp mắc bệnh này, song hầu hết các bệnh nhân ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Riêng Tháng Tám, 2019, có đến 14 bệnh nhân Whitmore nặng, trong đó có bốn ca đã chết do vi khuẩn “ăn” nhiều bộ phận trên cơ thể của bệnh nhân. (Tr.N) [qd]

Núi ở Quảng Nam xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài ‘có nguy cơ sạt lở’

 QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Do ảnh hưởng từ những đợt mưa lũ liên tục vừa qua, hai khu vực đồi núi ở xã Trà Giác và xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, đã xuất hiện nhiều vết nứt “có thể sạt lở bất cứ lúc nào” khiến người dân hoang mang lo sợ.

Chiều 16 Tháng Mười Một, xác nhận với báo Thanh Niên ông Hồ Văn Ân, chủ tịch xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết một vết nứt núi vừa xuất hiện kéo dài gần 50 mét, rộng khoảng 30 cm ở khu vực phía sau nhà bốn gia đình ở nóc Ông Phòng (thôn 4, xã Trà Giác).

Vết nứt của ngọn núi ở nóc Ông Khương, tại xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Hình: V.B/Quảng Nam)

Ngoài vết nứt kể trên, trong đợt mưa lũ vừa qua tại xã Trà Giác còn xuất hiện hàng chục điểm sạt lở núi khi bão số 9 đổ bộ, đến nay có dấu hiệu lớn hơn.

Trong khi đó theo báo Quảng Nam, tại xã Trà Giáp cùng huyện cũng xuất hiện ba vết nứt lớn “có nguy cơ sẽ đổ sập khi mưa lớn.” Trong đó có vết nứt dài hơn 40 mét, khe nứt rộng lọt thỏm cả bàn chân người lớn, băng ngang vườn và nhà của một gia đình người dân ở nóc Ông Khương (thôn 2, xã Trà Giáp).

Thậm chí, vết nứt còn cắt ngang gây sụt lún đất, hư hỏng một đoạn đường bê tông dẫn về phía trụ sở xã Trà Giáp. Song, điều đáng lo sợ, nằm ngay dưới vết nứt là nhà ở của bốn gia đình với gần 20 người.

Vết nứt thứ hai xuất hiện ở khu vực núi Cáp Tun (thôn 1, xã Trà Giáp), dài hơn 50 mét, bên dưới có 16 gia đình với 62 người đang sinh sống.

Theo ông Lê Văn Thách, phó chủ tịch xã Trà Giáp, cả hai khu vực đồi núi bị nứt đang được người dân trồng cây keo nguyên liệu, thu hoạch theo chu kỳ, keo rễ chùm nên ít bám giữ đất. Đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phá vỡ kết cấu địa chất và nứt núi.

Liên quan đến sạt lở núi, Thượng Tá Trần Cao Thái, chỉ huy trưởng Ban Chỉ Huy Quân Sự huyện Bắc Trà My, cho biết lúc 10 giờ sáng 16 Tháng Mười Một, lực lượng hữu trách ở tỉnh Quảng Nam đã tìm thấy thi thể ông Huỳnh Văn Hạ (52 tuổi, quê huyện Thăng Bình), nạn nhân bị vùi lấp mất tích do sạt lở núi gần thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Tân). Vị trí tìm thấy thi thể ông Hạ là khu hạ lưu miệng cống, mương thoát nước qua đường dưới hiện trường vụ sạt lở.

Vệt nứt núi cắt ngang tuyến đường bê tông gây hư hỏng nặng. (Hình: V.B/Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, từ cuối Tháng Mười đến nay, quốc lộ 40B đoạn từ huyện Bắc Trà My đến hết huyện Nam Trà My giáp ranh với tỉnh Kon Tum dài hơn 50 cây số có hàng chục điểm sạt lở. Chiều 11 Tháng Mười Một, đoạn qua xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, hàng trăm mét khối đất tràn xuống đường. Trong lúc chín người loay hoay tìm cách đi qua, đất đá tiếp tục sạt khiến hai người bị thương nặng; sáu người khác chạy thoát, riêng ông Hạ bị tử nạn.

Trong vòng nửa tháng qua tại Quảng Nam liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, vùi chết hàng chục người. Hiện lực lượng hữu trách mới tìm kiếm được 26 người trong số 43 nạn nhân. Chưa kể, lũ quét, sạt lở núi đã “xóa sổ” nhiều ngôi làng vùng cao. (Tr.N) [qd]

Việt Nam: Bộ Công An muốn ‘cướp nồi cơm’ của Bộ Giao Thông Vận Tải

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Công An CSVN đang bị đả kích dữ dội vì một đạo luật được chia làm hai, sẽ đẻ ra nhiều hệ lụy “dễ phát sinh tham nhũng, ảnh hưởng đạo đức xã hội.”

Báo chí tại Việt Nam hôm Thứ Hai, 16 Tháng Mười Một, tường thuật cuộc họp cùng ngày ở Quốc Hội về Luật Giao Thông Đường Bộ hiện nay được sửa đổi, tách làm hai là dự luật “Luật Giao Thông Đường Bộ” mới, được Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) soạn thảo và dự luật “Luật Bảo Đảm Trật Tự, An Toàn Giao Thông Đường Bộ” do Bộ Công An soạn thảo.

Cảnh sát Giao Thông CSVN đứng canh gác dày đặc trên đường phố Hà Nội nhân dịp có khách quan trọng đến Việt Nam hồi cuối Tháng Hai, 2019. (Hình: Ian Timberlake/AFP via Getty Images)

Một số trong những cái “mới” của hai dự luật vừa kể bị đả kích mạnh mẽ nhất là việc cấp giấy phép lái xe (bằng lái), quản lý hàng trăm trung tâm dạy lái xe từ xe hai bánh đến xe bốn bánh, xe vận tải, sẽ được đẩy từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công An phụ trách. Tờ Thanh Niên nói phần lớn các đại biểu tham dự cuộc họp đều chống lại.

Một số đại biểu Quốc Hội cho rằng việc tách thành hai luật không phù hợp với thực tế, gây thêm tốn kém cũng như phát sinh nhiều thủ tục hành chính, kinh phí về nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Theo tường thuật của VietNamNet, bà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy của đơn vị Đà Nẵng đòi “chưa tách luật” vì “khi cái hợp lý và hợp pháp xung đột với nhau thì tiềm ẩn nhiều hệ luỵ.” Bà Thúy nêu ra ba hệ luỵ dễ nhận thấy là “kỷ cương phép nước khó được tuân thủ; dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội.”

Bà đại biểu Trần Thị Dung của tỉnh Điện Biên thì kêu rằng: “Dự án Luật Giao Thông Đường Bộ (sửa đổi) chưa tuân thủ đầy đủ các trình tự thủ tục của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.”

Hai ngày trước, VietNamNet đưa tin “Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô Việt Nam” cho rằng “quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) thuộc lĩnh vực dân sự, do vậy chuyển sang Bộ Công An quản lý không phù hợp.”

Trước đó, ngày 11 Tháng Mười Một, tờ Thanh Niên thuật y kiến của ông đại biểu Đỗ Văn Sinh, ủy viên thường trực Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội, ví von chuyện cưa Luật Giao Thông Đường Bộ thành hai luật mới, “nó giống như ta chữa lợn lành thành lợn què. Con lợn có bốn chân, giờ phải xẻ thành hai con lợn mỗi con có hai chân thì nó không còn là lợn nữa.”

Đường phố Hà Nội chật cứng như nêm cối vào những giờ cao điểm. (Hình: Linh Pham/Getty Images)

Cả hai bộ, Công An cũng như Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN, xưa nay đều đầy ngập những tai tiếng tham nhũng, sếp lớn ngồi ở trung ương đến các quan nhỏ ở địa phương. Các ông quan thanh tra giao thông “làm luật” giới tài xế xe tải, bán “logo xe vua” thâu tiền mãi lộ hàng tháng từng ồn ào trên mặt báo. Còn cảnh sát giao thông “cưa” tiền phạt với người vi phạm là chuyện “thường ngày ở huyện” ai cũng biết.

Bình thường, khi các dự luật được đưa ra Quốc Hội bàn cãi chỉ có tính cách chiếu lệ, đại khái, rồi các ông bà “đại biểu” đều “nhất trí” thông qua. Riêng cái vụ cưa đôi một luật hiện hành, cái nồi cơm của Bộ Giao Thông Vận Tải đẩy sang cho Bộ Công An, các “đại biểu nhân dân” to tiếng hơn hẳn những vụ bàn cãi các loại luật lệ khác. (TN) [kn]