Tuesday, December 5, 2023

Bộ Giáo dục – Đào tạo đề nghị điều tra, xử lý việc đưa tin phản bác quyết định dạy tiếng Trung Quốc trong trường học

 2023.12.05

Bộ Giáo dục – Đào tạo đề nghị điều tra, xử lý việc đưa tin phản bác quyết định dạy tiếng Trung Quốc trong trường họcHọc sinh THCS vẫy cờ Trung Quốc nhân chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Hà Nội hôm 12/11/2017 (minh họa)-AFP

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã có đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những hành vi mà bộ này cho là sai phạm do đăng tải tin tức và bình luận về việc Bộ Giáo dục – Đào tạo quyết định phê duyệt sách giáo khoa dạy tiếng Trung Quốc lớp ba và lớp bốn trong trường học.

Theo truyền thông Nhà nước, Quyết định này được Bộ GD-ĐT ban hành vào ngày 1/12 vừa qua bao gồm việc phê duyệt sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp năm và sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp ba và lớp bốn.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đây là hoạt động bình thường, theo đúng kế hoạch thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD-ĐT khẳng định, vào năm 2022, cùng với tiếng Anh, Bộ đã phê duyệt sách tiếng Hàn, Nhật, Pháp lớp ba để sử dụng trong trường học. Năm 2023 đợt một sẽ phê duyệt các sách giáo khoa của lớp năm, trong đó có 10 bản sách tiếng Anh và các môn học khác cùng với tiếng Trung Quốc lớp ba, lớp bốn. Dự kiến, trong tháng 12/2023, tiếp tục phê duyệt sách giáo khoa của các môn tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Nga.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội vào ngày 5/12 đã xuất hiện nhiều hình ảnh về Quyết định và bình luận bày tỏ lo lắng về Quyết định này. Có bình luận cho rằng điều này cho thấy sự phụ thuộc của Việt Nam vào  Trung Quốc vì vào tháng 11 vừa qua  Bộ GD-ĐT vừa quyết định không xếp tiếng Anh vào các môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, những thông tin trên mạng xã hội cho rằng Bộ chính thức phê duyệt sách giáo khoa môn tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 để “bỏ tiếng Anh bắt học sinh học tiếng Trung” là thông tin xuyên tạc.

Bộ GD-ĐT cho rằng các bình luận trên mạng xã hội về Quyết định mới có tính tiêu cực, lệch lạc về nội dung, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.


https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-education-asks-police-to-look-into-posts-on-facebook-about-new-decision-on-teaching-chinese-12052023114814.html

Thưởng tiền người tố cáo sai phạm: Lại trò phong trào!

 RFA-2023.12.05


Thưởng tiền người tố cáo sai phạm: Lại trò phong trào!Ảnh minh họa chụp tại TPHCM trước đây.-AFP PHOTO

Nhiều địa phương tại Việt Nam gần đây đã khuyến khích người dân cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm giao thông để cơ quan chức năng xử lý.

Chiến dịch mang tính phong trào

Mới đây nhất, tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên toàn tỉnh. Trước đó, tỉnh Bình Thuận cũng có phong trào tương tự.

Sau đó, theo truyền thông nhà nước, đã có một số ý kiến đề xuất nên có chính sách mua thông tin để đạt hiệu quả cao hơn trong việc tố giác vi phạm giao thông.

Trước đây, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cũng đã từng đề xuất quy định cho phép người dân gửi đến những clip tự quay hoặc trích xuất qua camera hành trình ghi lại các phương tiện vi phạm.

Đại diện Cục xác nhận thông qua các clip người dân cung cấp, nếu Công an xử phạt được người vi phạm, người cung cấp sẽ được trả một phần trong số tiền đó.

Công an đã đi đâu? Trên thực tế có nhiều cái người ta chưa làm gì mà công an đã phát hiện, nhưng tại sao vi phạm giao thông lại không phát hiện?
-Bác sĩ Đinh Đức Long

Với các đề xuất, kế hoạch trên, hôm 5/12, Bác sĩ Đinh Đức Long từ Sài Gòn nhận định với RFA:

“Họ đề nghị là quyền của họ thôi, cũng giống như họ đề nghị tố giác tội phạm hình sự, tố giác quan chức tham nhũng hoặc đề nghị nhiều cái tố cáo lắm… họ thích thì họ đề nghị thôi. Còn người dân có nghe hay không là quyền của người dân. Nhưng vấn đề tố giác như vậy có bị trả thù hay có bị quy chụp gì không, có an toàn không, thì cũng khó mà nói trước được. Họ kêu gọi nhiều thứ lắm, còn hàng rào pháp luật là nhiệm vụ của công an. Công an đã đi đâu? Trên thực tế có nhiều cái người ta chưa làm gì mà công an đã phát hiện, nhưng tại sao vi phạm giao thông lại không phát hiện?”

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, việc kêu gọi người dân tố giác vi phạm giao thông chỉ là chiến dịch mang tính phong trào.

Ông Chinh, một người dân ở Hải Dương hôm 5/12 cho RFA biết, ông không tin vào những “kêu gọi” của nhà nước:

“Nếu dân phát hiện người vi phạm giao thông, báo cho cảnh sát giao thông để nhận tiền thưởng, thì tôi không tin những gì nhà nước nói. Ví dụ chính sách của họ nói người dân phát hiện tố giác những người tham nhũng, thì nhà nước sẽ có khen thưởng đích đáng. Nhưng khi tố giác là bị bắt vào tù ngay, thành thử làm gì tin được.”

Một trong những trường hợp tố cáo tham nhũng bị trù dập mà ông Chinh vừa nói là Cựu đại úy Công an Lê Chí Thành. Ông Thành vì tố cáo tham nhũng ở trại giam và của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội... đã bị kết án hai năm tù giam với cáo buộc ‘Chống người thi hành công vụ’.

Ngoài ra ông Thành còn bị truy tố tội ‘Lợi dụng các quyền tự do- dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

fc89b61c-dcef-4900-ab56-b2a5f25c5c33.jpeg
Ảnh minh họa: Một CSGT đang điều tiết giao thông ở Hà Nội. REUTERS.

Ai bảo vệ người tố cáo?

Ông Minh Tuấn, một người dân sinh sống tại TPHCM hôm 5/12 nói với RFA:

“Tôi nghĩ nếu thưởng cho người báo vi phạm giao thông thì tiền thưởng chẳng bao nhiêu, mà chẳng ai bảo vệ… Nhưng cái gì cũng dùng tiền để mua thì tôi thấy kỳ quá, chứ tai mắt của công an đâu? Công an nhiều mà, một năm chi cho công an cả trăm ngàn tỷ, mà tại sao phải có người dân tham gia? Theo tôi tham gia thì tùy theo ý mỗi người, nhưng riêng tôi không đồng tình, kêu gọi bằng tiền nhiều quá thấy luật pháp không nghiêm.”

Theo ông Tuấn, công an dư sức làm (bắt vi phạm giao thông). Còn việc dùng tiền mua tin của dân, vẫn theo ông Tuấn, nhiều khi lại sinh ra hiềm khích giữa người này với người kia.

Việc kêu gọi người dân tố cáo lẫn nhau, về các hành vi có nguy cơ vi phạm giao thông thì tôi cho rằng không nên. Vì nó tạo ra một tình trạng xã hội hỗn loạn.
-Luật sư Nguyễn Văn Miếng

Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 5/12 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Miếng ở Hoa Kỳ, và được ông cho biết ý kiến:

“Việc kêu gọi người dân tố cáo lẫn nhau, về các hành vi có nguy cơ vi phạm giao thông thì tôi cho rằng không nên. Vì nó tạo ra một tình trạng xã hội hỗn loạn, người dân sẽ nghi ngờ lẫn nhau, cũng không loại trừ người ta ghét nhau và sẽ chụp những hình ảnh chẳng liên quan gì đến giao thông để báo cho công an. Việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên đường, điều đó là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đã có lực lượng công an giao thông, hệ thống camera giám sát đã dày đặc hết rồi.”

Theo Luật sư Miếng, một khi đã sử dụng đến mặt trận người dân, thì hóa ra lực lượng công an của Việt Nam là bất tài, bất lực (?!). Do đó, luật sư Miếng cho rằng, quy định khuyến khích người dân tố cáo lẫn nhau là không nên và không phù hợp với nền văn minh tiến bộ mà nhà nước Việt Nam đã từng tuyên bố.

Ở Việt Nam, giới chức lãnh đạo thường hay hô hào khẩu hiệu ‘do dân, nghe dân, vì dân’... nhưng soi lại thực tế thì hoàn toàn khác.

Nhiều giới quan sát tình hình chính trị, xã hội Việt Nam chia sẻ ý kiến rằng, thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít có cơ hội hay phương tiện để biểu đạt như ở các nước dân chủ. Thậm chí nếu ai nói gì trái ý cơ quan chức năng, các lãnh đạo chính phủ… có thể bị trả thù, trù dập hoặc thậm chí bị chụp mũ cho là phản động...

Đơn cử như trường hợp ông Lê Anh Hùng, một người từng có 70 đơn tố cáo các trường hợp tham nhũng tại Việt Nam, đã bị bắt đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Nội, nơi giam giữ những bệnh nhân tâm thần thể nhẹ.

Hay trường hợp ông Lương Xuân Bình, người tố cáo sai phạm tại Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội và dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (năm 2017) lại bị phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông. Ngay cả đến khi Thanh tra Chính phủ vào năm 2021 yêu cầu phục chức cho ông thì lãnh đạo cơ quan chủ quản vẫn làm ngơ!

Bơm tiền và tăng... ‘chưởng’!

 Trân Văn-05/12/2023

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Bất kể khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cả trong lẫn ngoài Việt Nam, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn xem tăng trưởng GDP như một thứ trang sức để chứng tỏ sự “sáng suốt và tài tình” của cả cá nhân lẫn hệ thống.

Cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang sôi sùng sục vì... “còn một triệu tỉ đồng chưa được bơm vào nền kinh tế” trong khi sắp hết năm. Có nơi như TP.HCM đã tổ chức “đợt thi đua cao điểm 60 ngày nhằm hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công của năm nay” nhưng đến giờ tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM chỉ đạt chừng 45% so với kế hoạch (1).

Sở dĩ giới hữu trách quay quắt với việc “thúc cho tiền chạy vào nền kinh tế” vì năm nay, Việt Nam tiếp tục không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP như dự tính (thay vì tăng trưởng GDP phải là 6,5% nhưng theo ước tính mới nhất thì chỉ đạt được khoảng 5%). Lý do khiến chính quyền Việt Nam sốt ruột, thúc ép giải ngân vốn đầu tư công vì “giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công thì sẽ thúc GDP tăng thêm 1,3% (5).

Bất kể khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cả trong lẫn ngoài Việt Nam, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn xem tăng trưởng GDP như một thứ trang sức để chứng tỏ sự “sáng suốt và tài tình” của cả cá nhân lẫn hệ thống. Năm 2018, khi phân tích và lập lại khuyến cáo – đừng chạy theo GDP bằng mọi giá, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế nhắc đến điều đã từng xảy ra dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng: Khi nhận ra không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của năm, chính phủ thúc ép hút thêm một triệu tấn dầu để bán bất kể giá dầu thế giới đang giảm rất mạnh. Tuy bán dầu trong bối cảnh đó sẽ lỗ nặng nhưng bán đi một triệu tấn đầu sẽ đẩy GDP lên. Tương tự, chính phủ bắt ngành than khai thác thêm than dù đang ứ đọng chín triệu tấn than. Chưa kể đến chuyện xào nấu dữ liệu để đạt yêu cầu (3)!

Song những phân tích và khuyến cáo của các chuyên gia vẫn như “nước đổ đầu vịt”, từ BCH TƯ đảng, đến quốc hội, chính phủ vẫn xem “tăng trưởng GDP” như mục tiêu duy nhất và sẵn sàng vét ngân khố dốc hết vào các dự án đầu tư công để đạt được... “thành tích tăng trưởng” kể cả khi “nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước, thậm chí xin trả lại vốn kế hoạch năm 2023” và các “ủng hộ viên” như ông Nguyễn Bích Lâm – cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – buộc phải thừa nhận, đó chính là bằng chứng cho thấy “quy trình phân bổ vốn đầu tư dàn trải theo phương châm ‘cả làng cùng vui’ mà chưa để ý tới thực trạng về môi trường pháp lý, thể chế, năng lực và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công”!

***

Suy thoái, lạm phát vốn đã và đang là vấn nạn toàn cầu nhưng không như nhiều quốc gia khác, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa đưa ra được bất kỳ giải pháp nào thật sự hữu ích để hỗ trợ doanh giới, ổn định dân sinh, tạo ra sự hồi phục thật sự sau những biến động do đại dịch COVID 19. Xin nhắc lại vài chuyện liên quan đến Nam Hàn để có cơ sở so sánh về bản chất việc bám đuổi “chỉ tiêu tăng trưởng GDP”...

Tháng 3/2021, song song với việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa COVID-19 vì duy trì các biện pháp có tính cưỡng ép (hạn chế đi lại, cấm ăn uống tại chỗ,…) sẽ gia tăng gánh nặng cho tiểu thương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, đồng thời để hỗ trợ các thành phần yếu thế và giúp nền kinh tế hồi phục, chính quyền Nam Hàn quyết định cấp gói hỗ trợ khẩn cấp lần thứ tư cho những người thuộc thành phần yếu thế. Bên cạnh đó chính quyền Nam Hàn đã chi 110 ngàn tỉ Won (tương đương 91 tỉ Mỹ kim) để giúp khoảng 900.000 người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã mất việc và thực hiện hàng loạt biện pháp cụ thể để giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng, chi phí lao động, hỗ trợ đào tạo nghề nhằm đạt mục tiêu tái tạo 900.000 việc làm ngay trong quý 1/2021 (4).

Tháng 4/2022, khi giá dầu thế giới thăng thiên, chính quyền Nam Hàn công bố ba gói hỗ trợ mới để giảm bớt sức nặng do giá dầu thô leo thang vốn đang đè trên vai doanh giới và dân chúng: Thuế xăng dầu tiếp tục được giảm thêm 10%, nâng tỉ lệ thuế được giảm lên 30%. Công bố mức trợ cấp chi phí xăng dầu cho xe buýt, xe vận tải. Gia hạn việc áp dụng thuế suất là 0% đối với LPG (khí tự nhiên hóa lỏng – loại nhiên liệu đang được nhiều phương tiện vận chuyển cá nhân và vận tải công công tại Nam Hàn sử dụng thay xăng, dầu) đến tháng 7. Công bố kế hoạch trợ cấp trong ba tháng cho xe buýt, xe vận tải, tàu chở hàng ven biển vận hành bằng dầu diesel. Do nhiều taxi và xe vận tải nhẹ (phần lớn có chủ là tiểu thương) sử dụng LPG, ngoài việc gia hạn thuế suất 0%, chính phủ Nam Hàn giảm 30% thuế doanh thu đối với phương tiện giao thông - vận tải dùng LPG.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh giới, chính quyền Nam Hàn quyết định áp dụng mức thuế nhập cảng là 0% cho tới cuối 2022 đối với nhôm tấm dùng trong sản xuất pin thứ cấp và xe hơi. Tăng lượng dự trữ sáu loại kim loại khác lên mức 250.000 tấn. Do lượng ngũ cốc nhập cảng từ Ukraine khiếm hụt, chính quyền Nam Hàn tìm nhập thêm bắp từ các nguồn khác, kèm cam kết, nếu giá cả và cung cầu nông sản bất ổn sẽ mở kho dự trữ lương thực để cung cấp cho các chợ bán sỉ trên toàn quốc. Để giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt, chính quyền Nam Hàn tuyên bố dành hỗ trợ có tính cách ưu đãi cho những địa phương có biện pháp cụ thể nhằm giữ giá nước sạch, phí xử lý nước thải... ổn định. Thông qua KBS (giống như VTV), chính quyền Nam Hàn đề nghị doanh nghiệp nhanh chóng làm cho việc giảm thêm thuế xăng dầu thể hiện rõ ràng trong giá bán để dân chúng Nam Hàn có thể cảm nhận ngay được hiệu quả của các gói hỗ trợ (5).

Tháng 10 năm nay, ngay sau khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát, chính quyền Nam Hàn đã tổ chức một cuộc họp bất thường để thảo luận về tác động của cuộc chiến đối với hoạt động xuất cảng của Nam Hàn. Bởi lo ngại xung đột sẽ ảnh hưởng bất lợi đến xuất cảng, hoạt động sản xuất nội địa và rộng hơn là kinh tế - xã hội quốc gia nên chính quyền Nam Hàn đã quyết định thành lập “Nhóm hành động khẩn cấp” để theo dõi, dự báo và khuyến nghị điều chỉnh chính sách. Ngoài các viên chức chính phủ, nhóm còn có đại diện của Hiệp hội Thương mại quốc tế Nam Hàn (KITA), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Nam Hàn (KOTRA), Tổng công ty bảo hiểm thương mại (K-Sure). Nhóm vừa phối hợp với các Tùy viên quân sự của Nam Hàn ở khu vực Trung Đông, vừa thiết lập kênh liên lạc với các doanh nghiệp đã đầu tư vào khu vực này cũng như các doanh nghiệp xuất cảng hàng hóa vào khu vực này để thu thập thông tin, khuyến nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ, đồng thời sẽ tìm kiếm đối tác dự phòng cho các doanh nghiệp Nam Hàn nếu vì chiến tranh không thể duy trì quan hệ với những đối tác hiện tại. K-Sure cũng cam kết sẽ nâng hạn mức bảo lãnh tín dụng xuất khẩu lên 1,5 lần, gia hạn bảo lãnh cho các doanh nghiệp bất kể quy mô (nhỏ, vừa hay trung bình). Nếu xảy ra rủi ro, K-sure cam kết sẽ trả chi phí bảo hiểm trong vòng dưới một tháng, quá thời hạn này K-sure sẽ chi trả 80% số tiền thiệt hại. Cho dù xung đột tại Trung Đông chưa ảnh hưởng lớn tới xuất cảng của Nam Hàn nhưng vì khó dự đoán tác động của xung đột, chính quyền Nam Hàn cam kết sẽ cùng với các cơ quan hữu trách chủ động tìm giải pháp đối phó, không để xung đột tác động tiêu cực đến hoạt động xuất cảng đang được cải thiện dù kim ngạch xuất cảng sang khu vực Trung Đông chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất cảng của Nam Hàn (6).

***

Ngoài chuyện dùng những biến động trên thế giới và khó khăn của kinh tế toàn cầu như thùng rác... để trút toàn bộ trách nhiệm về thực trạng kinh tế - xã hội càng ngày càng bi đát vào đó, tại sao các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam không thể làm những chuyện như thiên hạ đã và đang làm mà chỉ quan tâm đến việc phải đạt “chỉ tiêu tăng trưởng GDP”?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/thang-cuoi-nam-2023-bom-1-trieu-ti-dong-vao-nen-kinh-te-kip-khong-2023120307544837.htm

(2) https://tuoitre.vn/dau-tu-cong-thuc-cho-tien-chay-20230912091454078.htm

(3) https://tiasang.com.vn/dien-dan/khong-nen-chay-theo-gdp-bang-moi-gia-12563/

(4) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=48976

(5) http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=issues&id=&board_seq=420945&page=1&board_code

(6) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=60435

Hà Nội không đáng sống

 Cảnh Chân  

 (VNTB) – Giao thông, giáo dục, và cả hệ thống chính trị tại Hà Nội cũng “ô nhiễm”

 Ô nhiễm không khí ở top 3 thế giới. Mất nước sạch suốt cả tháng trời khiến hàng trăm ngàn người dân khát nước. 9000 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thự phẩm. 6 vụ tai nạn khiến 6 người thương  vong trong một ngày. Giáo dục thì bạo lực, không cho dân nhập cư học trường công. 2 đời chủ tịch gần nhất đang ở tù. Hà Nội liệu có xứng đáng là thủ đô, là trung tâm của Việt Nam? 

Ô nhiễm từ không khí, nước uống tới thức ăn 

Nhiều ngày gần đây, thủ đô Việt Nam gặp phải tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, bầu trời bị bao phủ bởi màn sương mù và bụi mị dày đặc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Sáng ngày 03/12 ứng dụng IQAir ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao thứ 3 thế giới.

 Ứng dụng AirVisual cũng ghi nhận lúc 8h ngày 3/12, Hà Nội có chỉ số AQI là 167, đứng thứ 3 trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ xếp sau Karachi và Lahore (Pakistan) với chỉ số 182. Trang thông tin kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hiển thị chỉ số AQI của Thủ đô ở mức 167, mức có hại cho sức khỏe.

 Về nguồn nước, hồi tháng 10 vừa qua, thành phố này bị mất nước cục bộ, ảnh hưởng đến 60.000-100.000 người dân ở một số khu vực ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và các huyện Thanh Oai, Hoài Đức… Người dân không có nước uống, phải nhịn tắm, xài lại nước dơ. Một số nhà thậm chí đã treo biểu ngữ biểu tình phản đối việc nhà cầm quyền làm mất nước, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. 

Về thức ăn, trong 8 tháng đầu Năm, Hà Nội phát hiện hơn 9.000 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 5.954 cơ sở với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng; đình chỉ 65 cơ sở và tiêu hủy 124 loại sản phẩm vi phạm của 658 cơ sở. 

Ngoài ra, sở Y tế Hà Nội cho biết “các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở tại chỗ 2.480 cơ sở có những lỗi tồn tại như nhân viên đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm”. 

Giao thông, giáo dục, và cả hệ thống chính trị cũng “ô nhiễm”

 Chỉ lấy ví dụ trong một ngày 4/12, Hà Nội có hàng chục vụ tai nạn giao thông, trong đó có 6 vụ cực kỳ nghiêm trọng, khiến 6 người thương vong. Trong đó có 2 người chết, 4 người bị thương. Thậm chí có 2 vụ, 1 người chết, 1 người bị thương do đang đi bộ mà bị ô tô tông tại phường Sài Đồng, quận Long Biên và xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ. 

Về giáo dục, báo chí đã nhiều lần lên án tình trạng công nhân ngoại tỉnh bị phân biệt khi con cái không được vào lớp 10 công lập vì không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Học sinh có tạm trú chỉ được học trường công lập từ mẫu giáo, tiểu học đến hết THCS. Lên cấp THPT thì phải học trường tư với mức học phí rất cao. 

Ngoài ra, ngành giáo dục tại thủ đô cũng tồn động nhiều bất cập như chạy trường, chạy lớp, làm tiền học sinh, bạo lực học đường… Điển hình hồi tháng 9, một nữ sinh tại trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã phải xin lỗi, quỳ khóc đến kiệt sức. Nhưng em vẫn bị cô giáo túm áo, kéo lê, làm nhục trước mặt các bạn trong lớp.

 Những vấn đề này đã xảy ra hàng chục năm nay, nhưng vẫn không có cách giải quyết triệt để, mà càng ngày, tình trạng càng trầm trọng hơn. Khi người dân, báo chí phản ánh thì nhà chức trách chỉ làm ra vẻ ” khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt xử lý”… Nhưng rồi đâu cũng vào đó. 

Và hiện nay, chính những người đưa ra chỉ đạo đó cũng đã bị bắt giam vì tham nhũng, quan liêu, tiêu cực… Hai chủ tịch Hà Nội gần nhất là Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh đều đang ở tù, bí thư Hoàng Trung Hải thì bị kỷ luật. Và hàng trăm cán bộ các cấp khác tại thủ đô cũng đang sống trong tù, hoặc bị kỷ luật, cách chức, khai trừ đảng…. Có thể nói, ô nhiễm trong hệ thống chính trị đã khiến cho cả xã hội, môi trường ô nhiễm theo. 

Ngay cả chủ tịch, bí thư cũng phải ở tù thì ai có thể xử lý được triệt để những nạn này? “Phải đổi mới cả hệ thống chính trị thì mới có thể giải quyết tận gốc những vấn đề tham nhũng, ô nhiễm môi trường, hay các vấn nạn xã hội. Khi người dân được phúc quyết Hiến pháp, nhân tài được tự do ứng cử, cử tri được tự do bầu chọn hoặc phế truất lãnh đạo bằng lá phiếu minh bạch thì xã hội mới thật sự tốt đẹp. Chỉ có con đường dân chủ hoá Việt Nam, chỉ khi nước thật sự nằm trong tay người dân thì mọi nan đề đều sẽ dễ dàng được xử lý”. Anh B.H., một người vận động dân chủ nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo.


 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-ha-noi-khong-dang-song/ .

Ông Chủ tịch nước đang ‘tự diễn biến’?

 Nguyễn Nam  

 (VNTB) –  “Cấp dưới cứ lựa nói đúng ý cấp trên thì nguy hiểm cho Đảng, đất nước”…  

 Sáng 4-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. 

Tại Hội nghị này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có diễn giải trước đám đông rằng, “Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa theo, coi ông cấp trên ông nghĩ gì để mà nói thì tôi nghĩ cái đó nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước. Và người ta nói đó là đoàn kết một chiều, đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết trên sự bưng bít và không lắng nghe sự thật” 

(…) “Chỗ nào không có dân chủ, chỗ đó không có đoàn kết thực sự. Tôi dám khẳng định với các đồng chí như thế. Mà cái này nói các đồng chí đừng buồn, chắc chỗ này chỗ kia cũng có chứ không phải không đâu, thậm chí còn nặng nề. Bàn chuyện gì cứ đi hỏi thủ trưởng nghĩ cái này thế nào để vô phát biểu cho trúng ý thủ trưởng. Dự cuộc họp mà không thẳng thắn, không trao đổi một cách chân thành, lắng nghe, phân tích, mổ xẻ. Cái đó không nên”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ‘nói vo’ theo đúng cách quen thuộc của một cán bộ tuyên giáo Đảng. 

Cá nhân người viết cho rằng bản thân ông Chủ tịch nước ở thời gian tới, giả dụ như lại nói về vấn đề trên, thì rất cần thêm vào một ý đại khái, “Nói đi cũng nên nói lại, rất nhiều ông cán bộ cấp trên lại rất thích cấp dưới anh nào đoán được ý mình, biết mình thích gì, cần gì, sở thích gì… để nói, để làm, để chu đáo… Đây cũng là những cán bộ gây nên những hệ lụy nguy hiểm”. 

Trở lại với chuyện lúc ông Võ Văn Thưởng còn là Thường trực Ban Bí thư, khi ấy ông cũng thuộc nhóm đảng viên “phát biểu trúng ý thủ trưởng”. 

Đơn cử, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26-1-2021, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII. Trong báo cáo này có đoạn mà từ đó về sau thường xuyên được ông Nguyễn Phú Trọng rất thích nhắc đến như kiểu thành tích báo công trạng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. 

Tại Hội thảo khoa học tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết số 23), diễn ra ngày 24-2-2023, tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đăng đàn với nhấn mạnh: “Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, kinh tế đất nước có bước phát triển vượt bậc và quan trọng. Những kết quả thực hiện Nghị quyết đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của thời kỳ đổi mới, góp phần để “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị trí và uy tín quốc tế như ngày nay” – như khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng…”. 

Tuần lễ sau đó, trong bản tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng có đoạn mà chỉ cần thoáng qua thì ai cũng hiểu ông đang nịnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến mức độ nào: “Nguyện không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; mãi mãi ghi ơn những hy sinh công lao to lớn của các bậc lãnh đạo tiền bối, của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người Việt Nam yêu nước để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”. 

Tự hào về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, càng nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, càng quyết tâm để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Quan sát trên báo chí, chưa thấy đảng viên Võ Văn Thưởng có ý kiến băn khoăn, rằng nếu đúng như đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, vậy thì vì sao nợ công quốc gia theo ghi nhận của trang đồng hồ nợ công trên thế giới, bình quân mỗi người dân Việt Nam đang phải nợ tương đương 4.521 USD, quy đổi vào khoảng 105.759 đồng Việt Nam theo tỷ giá chiều ngày 4-12-2023. 

Hay là lại giải thích nhờ “uy tín quốc tế” nên mới có thể vay nợ khẳm đến vậy trong “gầy dựng cơ đồ”?

https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-ong-chu-tich-nuoc-dang-tu-dien-bien/ .

Cần có luật về đảng chính trị

 Hồng Dân   

(VNTB) – Phải xây dựng luật về đảng chính trị nhằm tránh chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi theo “nhiệm kỳ”   

Quyền lực chính trị và quyền lực hành chính 

Nguyên tắc số 01 là Đảng lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Nguyên tắc số 02 là người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm.

 Nhưng thực tế là không ít người vừa giữ chức vụ trong Đảng lại đồng thời giữ chức vụ trong Nhà nước, Quốc hội hoặc Chính phủ. 

Có một điều bất cập xảy ra là những chức vụ của những người này ở trong các tổ chức đó lại khác nhau. Chẳng hạn ở Chính phủ thì Thủ tướng là lãnh đạo cao nhất nhưng thành viên của Chính phủ lại có nhiều người là Ủy viên Bộ Chính trị, tức về chức vụ Đảng là ngang bằng với Thủ tướng. 

Hoặc Phó Thủ tướng là lãnh đạo khi chỉ đạo công tác đối với các Bộ trưởng về công việc của Chính phủ, nhưng Phó Thủ tướng không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, thì lại là cấp dưới ở bên Đảng đối với các Bộ trưởng đang đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị. Như vậy thì ai lãnh đạo ai?… Ở các cấp địa phương, tình trạng cũng giống vậy. 

Hiện thực tóm tắt trên cho thấy nguyên tắc Đảng lãnh đạo đang mâu thuẫn với nguyên tắc “Trách nhiệm của người đứng đầu” dẫn đến tình trạng không xác định được trách nhiệm cá nhân. Đảng cần sớm sửa đổi, thế nhưng sửa đổi bằng cách nào?

 “Đảng lãnh đạo” và “Đảng cầm quyền” theo luật… thời chiến?

 Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, nhưng vấn đề “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền” vẫn là những khái niệm, chủ đề lớn có những cách kiến giải khác biệt nhau. Thậm chí, khái niệm Đảng cầm quyền và Đảng lãnh đạo lâu nay thường được mặc định dùng thay thế cho nhau, dẫn đến việc không thể tách bạch phân biệt được sự khác nhau giữa nội dung, phương thức và năng lực cầm quyền với nội dung, phương thức và năng lực lãnh đạo. 

Mặc dù đã thừa nhận ở nhiều văn kiện đảng: “nhiều nơi cấp ủy đảng lấn sân, bao biện làm thay chính quyền”, hay “không ít cấp ủy buông lỏng vai trò lãnh đạo chính quyền”, nhưng rất khó chỉ ra cấp ủy nào “lấn sân” hay “buông lỏng”. 

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: “Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm cơ bản giống nhau, có nội hàm đồng nhất, trong điều kiện Đảng có chính quyền có thể dùng lẫn cho nhau”. Loại ý kiến này dựa trên cơ sở: các khái niệm “Đảng lãnh đạo” và “Đảng cầm quyền” đều nói về chủ thể là Đảng, đối tượng lãnh đạo là toàn xã hội. 

Khi giành được chính quyền, đối tượng lãnh đạo của Đảng vẫn là xã hội, nhưng quan trọng và chủ yếu là Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu thông qua chính quyền, nên vẫn gọi là “Đảng lãnh đạo”, không nhất thiết phải chuyển gọi là “Đảng cầm quyền”, nếu có dùng khái niệm “Đảng cầm quyền” thì cũng không thể bỏ được khái niệm “Đảng lãnh đạo”. Dùng “Đảng cầm quyền” chỉ là để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng trong thời kỳ này trước nhân dân, đất nước, dân tộc. Theo đó, không nên đặt ra vấn đề nội dung cầm quyền và phương thức cầm quyền như thế nào. 

Tuy vậy, loại ý kiến này cũng thừa nhận “Đảng cầm quyền” và “Đảng lãnh đạo” vẫn có hai sự khác biệt nhỏ: một là, khái niệm “Đảng lãnh đạo” là nói chung cho cả thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền và thời kỳ nhân dân đã giành được chính quyền, Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

 Còn khái niệm “Đảng cầm quyền” chỉ nói về hoạt động lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đã có chính quyền; hai là, khái niệm “Đảng cầm quyền” nhấn mạnh, trong hoạt động lãnh đạo nói chung đối với các tổ chức của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội khác, hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là chủ yếu. Theo quan niệm này, khái niệm “Đảng cầm quyền” cốt để nhấn mạnh đặc điểm và trọng tâm lãnh đạo của Đảng khi đã có chính quyền.

 Độc quyền chính trị tất sẽ độc quyền nhà nước? 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: “Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm khác nhau”, không thể dùng khái niệm “Đảng cầm quyền” thay thế khái niệm “Đảng lãnh đạo”. Về ngữ pháp, “Đảng cầm quyền” chỉ là một cụm từ, trong đó “Đảng” là danh từ, “cầm quyền” là tính từ giải thích cho danh từ “Đảng”; không nên hiểu “cầm”, “nắm” là động từ. 

Còn khái niệm “Đảng lãnh đạo” thì khác. “Đảng lãnh đạo” là một câu đầy đủ, trong đó “Đảng” là danh từ (chủ ngữ) và “lãnh đạo” là động từ (vị ngữ) và đương nhiên, đối tượng lãnh đạo là xã hội nói chung (thường là khi chưa giành được chính quyền) hay Nhà nước và xã hội (khi có chính quyền). 

Khái niệm “Đảng lãnh đạo” cũng không giới hạn ở việc Đảng chỉ lãnh đạo Nhà nước, mà Đảng lãnh đạo đối với tất cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và toàn xã hội. 

Đảng là tổ chức lãnh đạo chứ không phải là cơ quan quản lý; Đảng không có quyền lực nhà nước; Đảng không làm thay công việc quản lý của cơ quan nhà nước; Đảng chỉ thực hiện việc quản lý tổ chức đảng và đảng viên trong nội bộ Đảng theo Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. 

Lại có ý kiến, trong sự khác nhau giữa “Đảng lãnh đạo” và khái niệm “Đảng cầm quyền”, theo đó “Đảng cầm quyền” là một khái niệm gắn với quyền lực nhà nước, còn “Đảng lãnh đạo là một khái niệm không gắn với quyền lực”. Ý kiến này thừa nhận: “Đảng cầm quyền” có những nội dung liên quan mật thiết đến “Đảng lãnh đạo”, nhưng có những nội dung khác với “Đảng lãnh đạo”. 

“Đảng lãnh đạo” là chỉ sự tác động, ảnh hưởng của Đảng bằng việc xác định được Cương lĩnh, đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn, đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân; các tổ chức đảng và đảng viên trở thành lực lượng tiên phong vận động, lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện.

 “Đảng lãnh đạo” không phải dựa vào quyền lực (hiểu theo nghĩa cưỡng bức, ép buộc) trong quá trình tác động đến đối tượng lãnh đạo là quần chúng nhân dân; mà vận động quần chúng nhân dân ủng hộ, đi theo Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng nhân dân là sự vận động mang tính thuyết phục để nhân dân đi theo, ủng hộ, thực hiện Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng. 

“Đảng lãnh đạo” được hiểu như sự suy tôn của quần chúng nhân dân, thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo của mình. Vì thế, Đảng phải có năng lực thực tiễn tập hợp, tổ chức quần chúng bằng những hình thức thích hợp để tạo nên sức mạnh thực hiện đường lối của Đảng. … 

Như vậy với sơ lược vài cách lập luận của chính cơ quan Tuyên giáo Đảng ở mô tả trên cho thấy để có thể giải quyết căn cơ được những mâu thuẫn về quyền lực, cần thiết phải xây dựng bằng được luật về đảng chính trị, tránh chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi theo “nhiệm kỳ”.


 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-can-co-luat-ve-dang-chinh-tri/ .

Vì sao lại giả danh công an để lừa đảo?

 Hoài Nguyễn 

(VNTB) – Công an nhận tiền để ‘chạy án’ là có thật.

 Phòng tổng hợp của Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, hồi 9 giờ 50 phút, ngày 28-11-2023, ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1956, ở thôn Yên Trạch, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư bị một số đối tượng gọi điện thoại đến, tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Ninh Bình, thông báo vợ ông có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy, hồ sơ vụ án hiện đã chuyển cho Tòa án nhân dân tối cao và vợ ông H phải lên Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội để làm việc, đối tượng còn yêu cầu ông H phải giữ bí mật vụ việc nếu không sẽ bị bắt giam… 

Khi ông H trình bày vợ ông hiện bị bệnh không lên Hà Nội được thì các đối tượng yêu cầu ông phải kê khai tài sản, các tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm… khi phát hiện ông có tiền trong sổ tiết kiệm, nhóm người này yêu cầu ông phải ra ngân hàng rút tiền rồi chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp để “phục vụ công tác điều tra”, yêu cầu ông H phải nói dối nhân viên ngân hàng là chuyển tiền sang tài khoản của con rể… 

Do quá hoảng sợ, đến hồi 16 giờ 30 phút cùng ngày, ông H đã đến Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Hoa Lư để làm thủ tục rút số tiền tiết kiệm 240 triệu đồng để chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Nhận thấy thái độ bất thường của ông H nên nhân viên ngân hàng đã dừng việc giao dịch, đồng thời báo ngay cho Công an huyện Hoa Lư, nhận được tin báo, lãnh đạo Công an huyện nhanh chóng cử cán bộ đến ngân hàng và kịp thời ngăn chặn được hành vi lừa đảo của đối tượng… 

Trước đó, khoảng 10 giờ, ngày 09-11-2023, ông Định Văn Đ, sinh năm 1973, ở thôn Bắc, xã Trường Yên cũng bị đối tượng gọi điện đến tự xưng là cán bộ Công an, thông báo trong tài khoản ngân hàng của ông Đ có 100 tỷ đồng và cơ quan Công an đang nghi ông nằm trong đường dây tội phạm rửa tiền và buôn bán ma túy, hiện đã có lệnh bắt giam, nếu muốn không bị bắt thì ông phải nộp toàn bộ tiền tiết kiệm vào tài khoản do đối tượng cung cấp để “điều tra”. 

Do lo sợ nên ông Đ đã đến Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Hoa Lư để làm thủ tục rút 150 triệu đồng trong số tiết kiệm để chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp… 

Trên thực tế thì công an nhận tiền để ‘chạy án’ là có thật.

 Một vụ việc đổ bể gần đây cho thấy ngay cả người đang là phó giám đốc công an thành phố Hà Nội cũng tham gia ‘chạy án’. Đó là vụ đình đám nhận 61 tỷ đồng cho “chuyến bay giải cứu”. 

Theo cáo buộc, Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) chi hối lộ hơn 38,5 tỷ đồng để được cấp phép 109 chuyến bay. Khi thấy vụ án “chuyến bay giải cứu” bị điều tra, Sơn và Hằng đã nhờ cựu thiếu tướng, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn tìm người lo giúp để không bị xử lý hình sự. 

Nhận lời, ông Tuấn kết nối cho Hằng gặp gỡ Hoàng Văn Hưng (Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an, điều tra viên chính thụ lý vụ án). Hưng nhiều lần yêu cầu Hằng chi tiền để lo lót. Tuy nhiên, sau khi chi tới 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61 tỷ đồng), Hằng và Sơn vẫn bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Trước bục khai báo, cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận là người trung gian, kết nối cho Nguyễn Thị Thanh Hằng gặp Hoàng Văn Hưng để đưa tiền chạy án. Giải thích lý do là người môi giới, ông Tuấn cho biết nhận lời giúp Hằng vì 2 bên có quen biết nhau từ trước, ông coi Hằng như là em gái. Thêm vào đó, do Hằng và Hưng đều không tin tưởng nhau, yêu cầu phải có ông Tuấn đứng giữa, nên ông Tuấn bất đắc dĩ phải dính vào. 

Cựu Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, sau lần gặp đầu tiên, Hằng hỏi ông rằng muốn gửi ít tiền cho Hưng để bồi dưỡng và lo lót công việc được không, ông hỏi Hưng thì Hưng đồng ý, nên đã nhận của Hằng 100.000 USD rồi chuyển cho Hưng. 

Tiếp đó, trong quá trình trao đổi “chạy án”, Hưng có hướng dẫn Hằng viết các tờ khai (không ghi ngày tháng), đồng thời nhiều lần yêu cầu Hằng chi thêm tiền, Hằng nhiều lần đưa tiền cho ông Tuấn để ông Tuấn đưa cho Hưng, mỗi lần từ 150.000 USD đến 350.000 USD… 

Từ các vụ “chạy án” kiểu như trên, khó tránh người dân dễ phát hoảng khi bị gọi điện hăm he như 2 vụ vừa xảy ra ở tỉnh Ninh Bình.


 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-vi-sao-lai-gia-danh-cong-an-de-lua-dao/ .

ruyện cười: Trèo cao té đau

 Trần Thế Kỷ     


1. Mấy người bạn trò chuyện : 

– Ông Lưu Bình Nhưỡng từng nói : “Không được biến Quốc Hội thành căn phòng kín gom góp lợi ích cá nhân”. 

– QH mà có nhiều người dám nói sự thật như ông Nhưỡng thì dân được nhờ. 

– Buồn cho những đại biểu cả một nhiệm kỳ không một ý kiến, chỉ tốn cơm của dân. Mà Đảng lại thích thứ đại biểu như thế. Đó là ĐB của Đảng chứ không phải ĐB của dân. 

– Bác Nhưỡng xứng đáng là đại biểu của toàn dân. ĐBQH thì phải như ông Nhưỡng. Còn những hạng ĐB khác chỉ đáng đem đi thiêu. 

– Nhiều người thích ông Nhưỡng vì ông ấy là người dám nói thẳng. Khổ nỗi, ở đất nước này, nói thẳng cũng là cái tội !     


2. Mấy người bạn trò chuyện : 

– ĐBQH Nguyễn Duy Thanh đề nghị xử lý hình sự người trúng đấu giá rồi bỏ cọc. 

– Vớ vẩn. Hình sự hóa các tranh chấp kinh tế là đi ngược xu thế của thế giới. 

– Thế cọc sinh ra để làm gì ? Đặt cọc mà không mua thì mất cọc, thế chưa đủ sao ? 

– Xử nặng lắm cũng là cấm tham gia các đợt đấu giá tiếp theo là cùng, sau khi người ta đã mất cọc.

 – Thích thì cứ tăng tiền cọc, còn việc mất cọc là lẽ thường xưa nay. Ông ĐB này vừa muốn lấy cọc, vừa muốn tống người ta vô tù. Khôn cha. 

– ĐBQH mà ngu như bò. Thà im cái mồm, thiên hạ không biết mình ngu. 

– Đề nghị xử lý hình sự mấy thằng ĐB ngu như bò !     


3. Anh Năm bảo anh Tư :

 – TT Putin tuyên bố không ai được phép chia cắt nước Nga trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 

– Tuyên bố này chắc là để thể hiện quyết tâm của Putin trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga. 

– Hẳn vậy. Vấn đề là trong khi tỏ quyết tâm bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ Nga, Putin lại đồng thời cũng tỏ ra rất quyết tâm thực hiện sự chia cắt, sự không toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 

– Đó chính là sự trơ tráo của Putin. Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, Putin càng tuyên bố thế này thế nọ thì lại càng phơi bày bộ mặt thật của mình, bộ mặt của một tên ăn cướp. 

– Điều trớ trêu là nếu Nga bại trận trong cuộc xâm lược Ukraine, thì nước Nga rất có thể sẽ bị chia cắt, sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga khó lòng được bảo toàn. 

– Đúng vậy. Trong trường hợp đó, Putin chính là kẻ tội đồ !     4. Mấy người bạn trò chuyện :

 – Bầu cử Mỹ : Biden, Trump đang mất điểm, làm tăng hy vọng cho các bên thứ ba. 

– Mấy ông già mất điểm là phải. Cử tri Mỹ nên chờ đợi ở những người trẻ trung ( Nam )

 – Mỹ có thể chứng kiến hiện tượng lịch sử, lần đầu quốc gia này có nữ TT Nikki Haley. Everything can happen in the USA ( Ba Gai ) 

– Tôi đặc biệt thích đương kim thống đốc California là Gavin Newsom. Đây thực sự là tay đáng nể ( Kim ) 

– Tôi cũng vậy. Gavin Newsom vừa có chuyến thăm TQ và được ông Tập tiếp đón. Có lẽ ông Tập cũng nhận thấy Gavin Newsom là người có nhiều triển vọng ở cuộc bầu cử Mỹ 2024 ( Lam ) 

– Nếu Gavin Newsom thắng bầu cử TT 2024 thì sẽ là điều tốt cho Ukraine vì ông này cùng đường lối với ông Biden ( Kim )

 – Trump là người tuyệt vời, đầy suy nghĩ tich cực. God bless USA and Trump ( Scatter Loz ) 

– Chỗ phù hợp nhất của Trump là đằng sau song sắt nhà tù. Trump vào tù thì nước Mỹ bớt chia rẽ ( Thuan Phong )

 – Dù bất cứ ứng cử viên nào thắng, dù bất cử đảng nào thắng thì Trump vẫn sẽ nói là mình thắng, cuộc bầu cử bị đánh cắp và vẫn có người tin ( Minh Đức )


 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-truyen-cuoi-treo-cao-te-dau/ .