Wednesday, June 25, 2014

Hết là đồng chí rồi!

Bản tin của đài phát thanh quốc tế Pháp Radio France International (RFI) dẫn lời thông tấn xã AFP của Pháp viết về cuộc viếng thăm của Quốc Vụ Khanh Dương Khiết Trì đến Hà Nội như sau, “Trước khi tiếp ông Dương Khiết Trì hôm 18 tháng 6 tại Hà Nội, phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh đã chào mừng chuyến viếng thăm của 'đồng chí Trung Quốc' đến Việt Nam... Về phần ông Dương Khiết Trì, quốc vụ khanh phụ trách ngoại vụ, thì tuyên bố ông đến Việt nam để thảo luận 'thẳng thắn' với 'đồng chí' Phạm Bình Minh về vấn đề biển Hoa Nam (tức Biển Ðông).”

Nhưng ngó bộ hai “đồng chí” bây giờ không còn thân thiết nữa. Họ đã có những lời qua tiếng lại với nhau về tranh chấp do giàn khoan khổng lồ to bằng cái sân banh mà Bắc Kinh đã kéo đến đậu ở vùng biển tranh chấp gần bờ biển Việt Nam và có vẻ là cuộc họp chả làm giảm căng thẳng tí nào cả dựa trên những văn bản của cả hai chính phủ tóm tắt lại cuộc họp của hàng 'chóp bu' ở Hà Nội.

Quốc vụ khanh Dương Khiết Trì (mà Bắc Kinh gọi là ủy viên Quốc Vụ Viện) cáo buộc Việt Nam, vốn đã gửi tàu đến khu vực giàn khoan, đã thực hiện “những can thiệp bất hợp pháp” vào các hoạt động của giàn khoan, và bảo với Việt Nam là Trung Quốc sẽ “làm đủ mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.” Ðó là theo một thông cáo của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh.

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Hà Nội, ngược lại, nói, “Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, Công Ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển năm 1982, tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Ðông (DOC); đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.” Chưa hết ông Dũng thêm là hành động đó “gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam.”

Những lời lẽ “thiếu ngoại giao” đó thật là bất thường trong những thông cáo chính thức diễn tả các cuộc thảo luận giữa hai quốc gia cộng sản “anh em,” và phản ảnh lập trường không nhân nhượng kể từ khi Trung Quốc, hồi tháng rồi, gửi giàn khoan vào đậu ở một vị trí 120 dặm ngoài khơi bờ biển Việt nam và gần với đảo Tri Tôn, hòn đảo cực Nam của quần đảo Hoàng Sa, mà cả hai quốc gia cùng dành chủ quyền. Hai thông cáo chính thức cho thấy là cuộc họp đã không vượt khỏi những lý luận đã được lập đi lập lại nhiều lần của cả hai bên.

Ông Dương, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc và là một cựu ngoại trưởng, đã gặp ở Hà Nội không những với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, mà còn thủ tướng chính quyền, và tổng bí thư đảng cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Dũng nói thẳng vào mặt ông Dương là “hết đồng chí rồi” trong khi ông Minh chụp hình bắt tay mà mặt mày khó chịu không cười nổi.

Chỉ riêng có cuộc gặp gỡ với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là thấy còn nhiều sáo ngữ “đồng chí anh em.” Tuy vậy, ông Trọng, sau khi hoan nghênh việc ông Dương đến dự họp, cũng phải “nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực; khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên biển Ðông là không thay đổi và không thể thay đổi.” Nhưng ông cũng chỉ “đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.” Ông Dương còn “công thức hơn,” theo thông tấn xã nhà nước đã “chuyển lời thăm hỏi của tổng bí thư, Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo khác của đảng và nhà nước Việt Nam; khẳng định đảng, chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và luôn mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, ổn định lâu dài với Việt Nam; mong muốn hai bên tiếp tục bàn bạc để làm giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề trên biển, nhất trí cần tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, cùng nỗ lực giữ gìn cục diện quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định.”

Khác với Bắc Kinh, Hà Nội đã kêu gọi điều đình theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển, một lập trường mà Hà Nội đã đưa ra từ khi khởi đầu những tranh chấp lần này. Nhưng nhà ngoại giao số một của Trung Quốc cả quyết là làm gì có tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa. Bản thông cáo của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không nói gì đến sự khả dĩ có điều đình. Ðó vốn là lập trường căn bản của Bắc Kinh trong mọi vụ việc liên quan đến Biển Ðông. Lý luận của họ là đất của tôi rồi thì còn gì nữa để mà điều đình.

Dĩ nhiên không ai chờ đợi là cuộc viếng thăm của ông Dương sẽ thay đổi cục diện. Ngay trước cuộc họp các chuyên gia đều nói là cả hai sẽ giữ nguyên lập trường.

Hơn thế ông Dương vốn đặc biệt nổi tiếng là một người hoàn toàn và cương quyết bênh vực lập trường là Trung Quốc có chủ quyền trên 90% diện tích Biển Ðông, bất kể các quốc gia mà biển này là sân trước nhà mình. Hồi năm 2010, tại khóa họp thượng đỉnh của Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) ở Hà Nội, khi Ngoại Trưởng Hillary R. Clinton đưa vấn đề tự do hải hành ở Biển Ðông và nhu cầu cần giải quyết những tranh chấp lãnh thổ qua điều đình. Phản ứng của ông Dương, như lời bà Clinton kể lại trong cuốn “Hard Choices” là đã nói với các thành viên của hội nghị rằng, “Trung Quốc là một nước lớn, lớn hơn tất cả các quốc gia có mặt ở đây.” Bà Clinton cũng ghi thêm là thái độ của ông Dương về sự độc tôn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Á Châu đã làm nhiều người khó chịu.

Hồi ông Ôn Gia Bảo đến thăm Nhật Bản trong tư cách là thủ tướng Trung Quốc năm 2007, ông và Thủ Tướng Shinzo Abe, lúc đó vừa lên nắm quyền, đã đồng ý biến Biển Hoa Ðông thành một khu vực của “hòa bình, hợp tác và hữu nghị.” Hôm tháng 10 năm ngoái, người kế nhiệm ông Ôn, Thủ Tướng Lý Khắc Cường cũng dùng đúng câu đó để chỉ Biển Ðông khi ông gặp các lãnh tụ của Hiệp Hội ASEAN ở Brunei.

Nhưng phải đến Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel mới là người dám nói “huỵch toẹt” vấn đề “Trung Quốc đã gọi Biển Hoa Nam là 'một vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác' và đó là điều mà nó đáng lẽ phải là vậy. Nhưng những tháng gần đây, Trung Quốc đã có những hành động đơn phương tạo bất ổn, khẳng định chủ quyền trên Biển Hoa Nam.”

Trong hoàn cảnh thế này, dầu cho có ai trong hàng lãnh đạo Hà Nội còn muốn làm “đồng chí” với Trung Quốc thì cũng khó lắm thay.

Nghe đâu Bắc Kinh lại đang kéo thêm một giàn khoan nữa vào đậu ở ngay vùng biển ở cửa Vịnh Bắc Việt.

Ðây là một giàn khoan đi mua lại của người khác chứ không phải do chính họ đóng lấy. Hà Nội chưa có phản ứng vì còn chưa rõ vị trí của giàn khoan, nhưng nếu nó lại một lần nữa xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam thì sao?

Rải giàn khoan trên các vùng biển của người khác có thể là một lá bài đểu giả nhưng hữu hiệu trong việc khẳng định chủ quyền nhưng hành động như vậy thì khó mà giữ hòa khí với láng giềng.

Hồi sau năm 1975, khi đoàn quân của Hà Nội đã chiếm đóng Sài Gòn, dân miền Nam kể cho nhau nghe câu chuyện mỉa mai cười ra nước mắt: “Thằng bé con vừa đi học về chạy vào kêu với bo,ã 'Bố ơi bố, từ nay bố không phải là bố của con, và con cũng không phải là con của bố nữa. Chúng ta là đồng chí!” Một nhân vật miền Nam cũ kể tiếp câu chuyện, “Ông Phạm Bình Minh bảo ông Dương Khiết Trì, ông ơi ông, từ nay ông không còn là đồng chí của tôi và tôi không còn là đồng chí của ông nữa. Chúng ta là kẻ thù.”

Ước gì chuyện đó là sự thật.

Lê Phan

'Lưỡi Bò' Trung Quốc phát triển thành 10 đoạn, nuốt gần trọn Biển Đông

BẮC KINH 25-6 (NV) - Một nhà xuất bản ở Trung Quốc phát hành bản đồ mới của nước này với cái “Lưỡi Bò” có 10 vạch, thay vì 9 vạch như trước đây, chiếm gần hết Biển Đông.

Bản đồ mới của Trung Quốc hình dọc với cái “Lưỡi Bò” mới với 10 đoạn, thay vì 9 đoạn như những bản đồ trước đây. (Hình: Tân Hoa Xã)

Tân Hoa Xã hôm Thứ Tư 25/6/2014 đưa tin một nhà xuất bản bản đồ ở tỉnh Hồ Nam phổ biến tấm bản đồ toàn thể nước Trung Hoa hình dọc bao gồm luôn cả khu vực Biển Đông. Điểm đặc biệt là tại phần biển họ gọi là Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông), bản đồ vừa kể vẽ 10 đoạn xác định chủ quyền chiếm gần hết vùng biển này theo hình “Lưỡi Bò.”

Các bản đồ Trung Quốc trước đây theo chiều ngang nên phần bản đồ Nam Hải chỉ là một khung nhỏ nằm về một góc, trên đó có hai quần đảo họ gọi là Tây Sa và Nam Sa mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, các bản đồ cũ chỉ có 9 đoạn gom lại thành hình “Lưỡi Bò” như cách vẽ có từ thời Tưởng Giới Thạch nắm quyền.

Hôm Thứ Hai 23/6/2013, Lei Yixun (Lôi Nhất Huân) tổng biên tập nhà xuất bản bản đồ tỉnh Hồ Nam tại thành phố Thành Đô họp báo giới thiệu tấm bản đồ mới. Với tấm bản đồ mới này, hình dọc, người ta nhìn thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nằm gọn trong cái “Lưỡi Bò” 10 đoạn này.

Các nước khác, Việt Nam phía tây, Phi Luật Tân phía đông, Indonesia, Malaysia, Brunei phía nam bị cái vạch “Lưỡi Bò” liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).

“Các đảo ở Nam hải theo những tấm bản đồ truyền thống (cũ) của Trung Quốc được thấy ở trong các ô riêng nên độc giả không thể biết đầy đủ và trực tiếp bản đồ toàn diện Trung Quốc.” Tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh viết. Theo lập luận của tờ báo này, bản đồ cũ với các đảo trên biển Nam Hải giống như  phụ thuộc thay vì là một phần của toàn thể nước Trung Hoa. Bởi vậy bản đồ mới cho người ta nhìn thấy ngay khi mới liếc mắt.

“Bản đồ Trung Hoa dọc có ý nghĩa quan trọng để cổ võ người dân hiểu hơn về duy trì chủ quyền biển và sự toàn vẹn lãnh thổ.” Một viên chức của nhà xuất bản không nêu tên nói với thông tấn Reuters.

Tuy nhà cầm quyền trung ương ở Bắc Kinh cho một nhà xuất bản ở địa phương thực hiện và công bố bản đồ mới như một cách tránh tiếng, nhưng theo báo Hoa Nam Bưu Báo (SCMP) thì Cục Khảo Sát Địa Dự và Bản Đồ của Trung Quốc đã chấp thuận cho Nhà xuất bản bản đồ tỉnh Hồ Nam thực hiện.

Đưa ra bản đồ mới thách đố Việt Nam và các nước khác, Lee Yunglung, một giáo chức tại đại học Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến nói rằng hành động cố ý này "Khẳng định với các nước láng giềng rằng nhà cầm quyền Trung Quốc coi trọng lãnh thổ trên biển ngang như trên đất liền." Theo báo SCMP tường thuật. "Nó hàm ngụ Trung Quốc dự trù phản ứng về các tranh chấp trên biển với cùng một mức độ cứng rắn như họ đối phó với những người ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương."

Chưa thấy Bộ Ngoại Giao CSVN tại Hà Nội có phản ứng gì đối với cái bản đồ mới này. Mới chỉ thấy TTXVN đưa tin “Trung Quốc phát hành bản đồ nuốt trọn Biển Đông” trong đó viết rằng “Qua những chứng cứ lịch sử về xác lập chủ quyền, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và coi “đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc thể hiện trên sơ đồ là không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.”

Hiện các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam vẫn đối đầu ngày đêm với các lực lượng hải giám, hải cảnh và các lực lượng khác của họ ở khu vực giàn khoan HD981 phía nam quần đảo Hoàng Sa. Khi các tàu của Việt Nam tới gần khu vực là lực lượng Trung Quốc đông đảo hơn, to hơn lao tới ngăn cản và tấn công.

Ngoài giàn khoan HD981, Trung Quốc loan báo sẽ đưa thêm 4 giàn khoan khác xuồng khu vực nhưng chưa biết đích xác chúng sẽ được cắm ở đây. Các nước như Việt Nam và Phi Luật Tân đang cố gắng theo dõi biến động.

Theo nhận định của ông Ian Storey, chuyên viên tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore,  nói với báo Đức Deutsch Welle hôm Thứ Hai vừa qua, chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông hiện nay là “tạo ra tiền lệ” để trở thành việc đã rồi vì các nước nhỏ phía nam quá yếu, “không có nhiều lựa chọn” để đối phó với các trò ngang ngược của Trung Quốc. (TN)
06-25- 2014 4:29:10 PM  

Trung Quốc ức hiếp láng giềng làm hại vị thế trên thế giới

WASHINGTON 25-6 (NV) - Các trò ức hiếp để cưỡng đoạt chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp không những làm tăng mức độ căng thẳng mà đồng thời còn làm tổn hại vị thế (uy tín) của họ trên thế giới.


Ngày 22/6/2014, sau khi đâm tàu kiểm ngư 951 ở mạn phải, tàu Hữu Liên 9 tiếp tục ghìm chặt, không cho tàu 951 quay trở được để cho tàu kéo 285 lấy đà lao vào, phía xa tàu hải tuần 11 dùng vòi rồng phun nước uy hiếp - (Hình: Tuổi Trẻ)

Ông Daniel Russel, viên chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về khu vực Đông Á châu, phát biểu như vậy trong buổi điều trần ở Quốc Hội. Lời phê phán của ông đưa ra hai tuần trước khi có cuộc họp cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ không những thúc đẩy xây dựng “niềm tin chiến lược” với Trung Quốc và hợp tác kinh tế, mà còn thúc đẩy Trung Quốc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Xuất hiện trước các nhà lập pháp, ông Russel đả kích các hành động của Trung Quốc những ngày gần đây từ vùng biển Hoa Đông đến Biển Đông mà theo ông, phản ứng của các nước láng giềng Trung Quốc là dễ hiểu.

“Một loạt các hành động đơn phương của Trung Quốc ở các vùng nhậy cảm và tranh chấp đang gia tăng căng thẳng và làm hại vị thế quốc tế của Trung Quốc.” Ông Russel nói như vậy qua một bản viết sẵn, đọc ở Ủy ban Ngoại giao Thượng Viện.

“Trung Quốc là một cường quốc mạnh và đang lên, nên giữ cách hành sử ở mức cao. Ngang nhiên bất chấp các phương thức ngoại giao và hòa bình khác khi đối phó với các tranh chấp và bất đồng ý kiến, mà thay vào đó là các trò ức hiếp bằng các biện pháp kinh tế và quân sự là gây mất ổn định và nguy hiểm.” Ông nói.

Tuần trước, ông Ted Osius, người được tổng thống Barack Obama đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam điều trần ở Thượng Viện rằng nay đã tới lúc Hoa Thịnh Đốn tính tới việc bãi bỏ cấm vận võ khí sát thương với Việt Nam. Các lãnh tụ CSVN gặp giới chức cao cấp Hoa Kỳ đều lập đi lập lại lời kêu gọi bỏ cấm vận bán võ khí sát thương nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả. Một trong những lý do chính yếu là Hoa Kỳ đòi CSVN phải nới lỏng nhân quyền.

Trong khi đó, trên Biển Đông, có vẻ như càng ngày các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam bị đoàn tàu ngăn cản của Trung Quốc đẩy ngày càng xa hơn với dàn khoan Hải Dương 981. Mấy tuần trước, báo chí Việt Nam cho hay có ngày tàu của Việt Nam chỉ cách HĐ81 khoảng 6 hải lý nhưng hiện bị chặn lại và đâm cản vỡ tàu cách xa 11 hay 12 hải lý.


Tàu kiểm ngư KN 951 của Việt Nam hư hỏng nặng sau khi bị tàu TQ đâm - (Hình: báo Thanh Niên cắt từ clip của VTV)

Theo tờ Thanh Niên tường thuật, ngày 22/6/2014 Trung Quốc huy động khoảng 117 - 121 tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981, trong đó có 5 tàu quân sự. Ở phạm vi cách giàn khoan từ 10 đến 12 hải lý. Những tàu này di chuyển thành nhóm, thường xuyên ép hướng, tăng tốc độ bám sát tàu kiểm ngư của Việt Nam ở khoảng cách từ 20 - 70 m, sẵn sàng đâm va khi lực lượng của VN tiến sâu vào khu vực giàn khoan.

Lúc 9 giờ 30 sáng ngày vừa kể, theo tờ Thanh Niên, tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam bị 2 tàu kéo TQ số hiệu 284, 285 và tàu hải tuần 11 vây ép, tì đè vào mạn phải. Ngay sau đó, tàu Hữu Liên 09 di chuyển với tốc độ cao đâm trực diện vào mạn phải. Còn tàu kéo Tân Hải 285 đâm húc ở phía mạn trái. Do hứng chịu liên tiếp nhiều cú đâm từ các tàu Trung Quốc, tàu KN 951 bị hư hỏng thiết bị trên lan can, bộ phận be lan can ở cả hai mạn tàu bị móp méo, biến dạng.

Theo tờ tuổi Trẻ, ngày 24/6/2014, tình hình đối đầu căng thẳng vẫn không có gì thay đổi. Nguồn tin nào nói “Các tàu Trung Quốc tổ chức dàn hàng ngang, ngăn cản quyết liệt, sử dụng tàu tốc độ cao để áp sát các tàu của ta (chỉ cách 10-120m). Các tàu Trung Quốc đều có biểu hiện rất hung hăng, manh động và có ý đồ vây ép để đâm va, phun nước khi các tàu của ta tiến vào khu vực giàn khoan”. (TN)

06-25- 2014 6:29:42 PM

Mũi tên thứ ba của Thủ Tướng Abe

Ðưa Nhật qua ải bằng cải cách sâu xa


Thủ Tướng Abe 

Trong khi giới hâm mộ túc cầu theo dõi một trận ở bảng C rất mờ nhạt của giải FIFA 2014, và lơ đãng nhìn đội tuyển Nhật phơi áo ra về sau khi bị Colombia đè bẹp với tỷ số 4-1, thì giới kinh tế tài chánh và an ninh quốc tế gọi nhau về cuộc họp báo hôm Thứ Ba 24 của thủ tướng Nhật. Ông Shinzo Abe ra quân lần thứ ba khi thông báo kế hoạch cải cách nhiều người trông đợi.

“Hồ Sơ Người Việt” sẽ tìm hiểu về kế hoạch đó, vì nó liên quan tới biển Ðông...

Cẩm nang của Abe

Từ hơn hai chục năm nay, cường quốc kinh tế Nhật là “con bệnh của Châu Á,” khi kinh tế sa sút sau vụ bể bóng đầu tư vào năm 1990. Kể từ đó, sản lượng Nhật lặng lờ tuột dốc, chính khách đổi ngôi thủ tướng như đèn kéo quân. Trong hai chục năm, Nhật có 15 thủ tướng và kinh tế suy trầm mất bảy lần.

Bên cạnh một cường quốc đang lên là Trung Cộng thì đấy là một vấn đề, được ghi đậm vào năm 2010 khi sản lượng kinh tế Trung Quốc chính thức vượt Nhật và đưa Trung Quốc lên hạng hai thế giới sau Hoa Kỳ. Cùng đà tăng trưởng, Trung Cộng bành trướng về quân sự ra biển Ðông và xô lệch trật tự tại miền Tây của biển Thái Bình khi đe dọa an ninh Nhật Bản.

Ðấy cũng là lúc Nhật gặp tai họa, trận động đất Tohoku vào ngày 11 Tháng Ba năm 2011 kéo theo sóng thần làm tê liệt hệ thống điện năng khi các lò nguyên tử bị hư hại và thế giới báo động về phóng xạ Nhật... Họa vô đơn chí vì Nhật thiếu năng lượng, phải nhập dầu thô, khí đốt và than đá và cố tự túc một phần bằng nhà máy hạch tâm dù là quốc gia duy nhất trên Ðịa Cầu đã ăn bom nguyên tử.

Ðấy là lúc Shinzo Abe tái xuất hiện. Ông “tái xuất hiện” vì từng làm thủ tướng vào năm 2006 rồi đột ngột từ chức sau có một năm cầm quyền.

Lần này, ông tổng hợp lại kinh nghiệm về những vấn đề của Nhật và đưa ra một chương trình tranh cử có nội dung cải cách triệt để. Ðảng Tự Do Dân Chủ LDP của ông thắng lớn tại Hạ Viện vào Tháng Mười Hai năm 2012, đưa ông lên làm thủ tướng, rồi tiếp tục thắng nữa tại Thượng Viện vào Tháng Bảy năm sau. Nhờ vậy, Abe hy vọng cầm quyền cho tới 2016 để đưa Nhật qua ải.

Thủ Tướng Abe lập nội các mới và mời chuyên gia ngân hàng có cái nhìn quốc tế là Haruhiko Kuroda (chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Á Châu) về làm thống đốc Ngân Hàng Trung Ương. Ông đề nghị kế hoạch cải cách sâu rộng, kế hoạch được quốc tế tặng cho hỗn danh là “Abenomics,” gồm có ba bước như ba mũi tên.

Cẩm nang ba mũi của Shinzo Abe gồm những biện pháp thuế vụ và tiền tệ cổ điển, nhưng táo bạo về số lượng, để kích thích sản xuất. Mũi tên thứ ba có tính chất định phẩm hơn định lượng vì nhắm vào việc cải cách cơ chế kinh tế và xã hội cho nên có nội dung rõ ràng là chính trị. Sau hơn một năm thực hiện hai bước đầu, hôm Thứ Ba vừa qua, ông Abe nói rõ hơn về bước thứ ba.

Chuyện ấy hiển nhiên quan trọng hơn trận đá tranh giải FIFA. Và lấp ló cho thấy mũi tên thứ tư, là sức mạnh quân sự Nhật Bản.

Những tử huyệt Nhật Bản

Nước Nhật có loại vấn đề sinh tử sau đây mà ai quan tâm đến an ninh Ðông Á đều nên biết.

Là quốc gia quần đảo - với bốn đảo lớn và nhiều chuỗi đảo nhỏ - ở cõi Viễn Ðông, cực Ðông và gần như cực Bắc của đại lục địa Âu Á, vùng Tây Bắc lạnh lẽo của Thái Bình Dương, Nhật là một nước nghèo vì thiếu tài nguyên thiên nhiên. Nhật Bản phải sống trong một thế giới mở, xuất cảng ra ngoài để nhập cảng nguyên nhiên vật liệu cho kinh tế. Và kiểm soát được luồng giao lưu đó.

Lãnh thổ bên trong lại bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu và biển cả, nên có nhiều khu vực biệt lập là vài bình nguyên có thể canh tác được. Tình trạng biệt lập bên trong giải thích nhu cầu thống nhất hệ thống quyền lực trung ương, là chuyện ngàn đời. Và giải thích bài toán phân phối điện năng, là chuyện ngắn hạn mà rất hiện đại của ông Abe...

Với địa dư khắc nghiệt, dân Nhật có nét văn hóa bi thảm mà anh hùng. Họ tự nghĩ rằng phải là bậc siêu hạng thì mới muốn làm người Nhật và duy trì tình trạng thuần chủng bằng chánh sách hạn chế di dân từ bên ngoài vào. Ở bên trong thì sống với tinh thần “rau cháo có nhau.” Họ thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm rất nhiều và cho chính phủ vay tiền duy trì chế độ bao cấp. Trong các nền kinh tế lớn của thế giới, Nhật là quốc gia mắc nợ nhiều nhất mà không thấy sợ vì là chính phủ nợ dân! Còn dân thì không thù chính phủ...

Cũng về kinh tế, tình liên đới khiến dân Nhật chấp nhận hy sinh cho đồng bào dẫn tới chính sách bảo hộ mậu dịch (protectionism) và bảo vệ lao động. Hạn chế xuất nhập cảng thực phẩm và chịu ăn gạo đắt để giữ mức sống cho nông gia là một chân lý khiến nông gia Nhật trở thành thế lực chính trị. Duy trì chế độ lao động cứng ngắc để người nào cũng có việc làm khiến hệ thống sản xuất bị lệch lạc. Vấn đề lao động này còn đụng vào bức vách của chủ trương hạn chế di dân.

Với đà tiến hóa của xã hội, nhà nhà đều ít con hơn làm xã hội Nhật bị lão hóa, là khi tỷ trọng cao niên gia tăng và số lao động sút giảm trong khi di dân vẫn bị giới hạn. Với đặc tính văn hóa còn trọng nam khinh nữ, phụ nữ Nhật khó tham gia thị trường lao động. Giàu kiến thức mà ở nhà dạy dỗ con cái, họ đóng góp rất nhiều cho việc nâng cao dân trí, mà chưa thể đóng góp nhiều hơn cho sản xuất kinh tế của một xã hội bị lão hóa.

Khi Thủ Tướng Abe kêu gọi cải cách văn hóa để phụ nữ tham gia thị trường lao động dễ dàng hơn, ông giải quyết được bài toán lao động trong ngắn hạn, mà lại đụng vào bài toán dân số hay nhân khẩu trong trường kỳ.

Sinh suất trung bình của phụ nữ Nhật ngày nay là 1.43 (trung bình thì một phụ nữ sinh được 1.43 con trong quãng đời sinh đẻ), vẫn quá thấp so với chỉ số tối thiểu là 2.1 để dân số khỏi giảm. Nếu họ lại được đi làm thì sinh suất trung bình còn giảm nữa. Tức là dân số Nhật sẽ còn co cụm nếu xã hội không nhận thêm di dân, hoặc ráp thêm robots...

Ngần ấy tử huyệt của Nhật Bản vẫn chưa bằng một nguy cơ mới, về an ninh.

Sau khi cải cách từ năm 1868 và bành trướng trong nửa thế kỷ, năm 1945, Nhật bị Mỹ đánh bại và giải giới với bản Hiến Pháp không cho Nhật Bản có quân đội mà chỉ được lập ra Lực Lượng Tự Vệ (Self Defense Force). Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Nhật trở thành siêu cường kinh tế được Hoa Kỳ bảo vệ trước mối nguy Liên Xô và Trung Cộng mà hết khả năng tác động bằng quân sự để bảo vệ quyền lợi như nhiều cường quốc thông thường.

Từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc năm 1991, Nhật lại trôi vào 20 năm lụn bại, còn Trung Cộng nổi lên thành một thế lực kinh tế và quân sự ngoài khơi Nhật Bản. Sau hai lần đánh bại Trung Quốc, lại còn chiếm đất Tầu từ năm 1937 đến 1945, Nhật không yên tâm trước chuyển động mới.

Ðấy là chuyện ngày nay.

Mũi tên cải cách như lưỡi dao mổ

Thế giới bên ngoài rất quan tâm đến mũi tên thứ ba của Thủ Tướng Shinzo Abe.

Mũi tên đầu là biện pháp kích thích kinh tế bằng cách ào ạt bơm tiền (và mua vào trái phiếu) còn nhiều hơn Hoa Kỳ nếu so với sản lượng kinh tế của hai nước, và đáng chú ý vì báo trước tiêu chí bất thường là “cho tới khi lạm phát lên tới 2%.” Diễn giải theo lối thông tục thì chính quyền thúc giục thiên hạ tung tiền, người dân tiêu thụ nhiều hơn và doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, trước khi đồng tiền mất giá vì lạm phát.

Biện pháp đó cũng làm đồng Yen mất giá khiến hàng Nhật dễ bán hơn vì rẻ hơn nên thiên hạ mới gọi chính sách kinh tế Abenomics là phá giá đồng bạc để cứu nguy kinh tế và gây khó cho xứ khác.

Song song, mũi tên thuế khóa cũng nhắm vào việc tăng thuế và cải cách cơ chế kinh doanh để tạo thế cạnh tranh. Kết quả là sự phấn khởi trên doanh trường và tới cuối năm ngoái, chỉ số cổ phiếu Nikkei 225 tăng được gần 50%.

Chúng ta nên chú ý tới chỉ số này như một tiêu biểu của sự thịnh suy Nhật Bản.

Thời Nhật cực thịnh, khi học giả Mỹ báo động là Nhật sẽ vượt qua và làm chủ nước Mỹ, chỉ số Nikkei lên tới 40,000 (bốn vạn) vào cuối năm 1989. Sau đó, khi thế giới còn ngó vào bức tường Bá Linh bị sụp thì Nhật trôi vào khủng hoảng, chỉ số Nikkei mất giá phân nửa (mất hai vạn, còn 20,000), và phân nửa (còn một vạn) rồi một phần tư nữa, chỉ còn khoảng bảy ngàn rưởi khi thế giới bị Tổng Suy Trầm 2008-2009! Từ đó, chỉ số Nikkei có tăng lại chút đỉnh. Thành tích Abe là nâng được chỉ số Nikkei gần 50%, từ hơn 10 ngàn lên quá 16 ngàn. Rồi từ đầu năm nay, chỉ số Nikkei lại sụt mất 12%.

Trong viễn ảnh dài là từ đỉnh cao bốn vạn sụt tới đáy là bảy ngàn rưởi, lên lại đỉnh một vạn sáu và nay lại hụt hơi!

Trong khi đó, việc phá giá đồng Yen không đẩy xuất cảng như dự tính mà còn làm hóa đơn nhập cảng thêm đắt. Việc thuyết phục dư luận về sự an toàn của năng lượng hạch tâm (nuclear) cũng chậm có kết quả. So với trước khi có thiên tai Tohoku thì mới chỉ phân nửa trong số 54 nhà máy điện năng là tái hoạt động. Trong khi đó, việc cải cách mạng lưới điện năng cũng chưa tiến triển...

Vì mũi tên cải cách bắn ra từ cuối năm 2012 đang bay hết đà, Thủ Tướng Abe mới phóng lại mũi tên thứ ba, một kế hoạch cải cách sắc bén như lưỡi dao mổ.

Ông quyết liệt thúc đầy sản xuất qua việc giảm thuế và giản chánh - giản lược chánh sách luật lệ - trong ba khu vực nhân dụng, canh nông và bảo dưỡng y tế. Không chỉ nói đến tăng trưởng, ông còn muốn phát triển nước Nhật khi đòi phá vỡ hệ thống bảo hộ và bao cấp, kể cả cái khuôn văn hóa cứ hạn chế khả năng đóng góp của phụ nữ. Ông đụng vào những thế lực xã hội và chính trị đã có từ nhiều thập niên, thậm chí từ cả trăm năm.

Quan trọng nhất, Shinzo Abe còn cho biết rằng Nhật có thể là nền kinh tế thứ ba của thế giới, mà không chịu là cường quốc hạng ba. Nghĩa là Nhật Bản sẽ gia tăng sức mạnh quân sự, để bảo vệ các đồng minh của nước Nhật!

Kết luận ở đây là gì?

Năm 2012 đánh dấu sự chuyển hóa lãnh đạo của Trung Cộng với Ðại hội 18 và Chủ Tịch Tập Cận Bình, rồi của Nhật Bản với sự xuất hiện của Thủ Tướng Shinzo Abe. Cả hai đều cố sức cải tổ để tìm ra một không gian khác.

Việc thi đua cải cách, nhanh hay chậm, thành hay bại, sẽ báo hiệu sự lạ, hay sự biến, khi mà hai không gian đó trùng lấp lên nhau, ở ngoài Ðông Hải...

Trong khi đó, Hà Nội làm gì, ngoài cái thuật móc túi Nhật và thần phục Tầu?

06-25- 2014 2:40:40 PM
Hùng Tâm/Người Việt

Việt Nam đứng kế chót danh sách ‘đóng góp cho nhân loại’

HÀ NỘI (NV) - Trong danh sách bảng xếp hạng các quốc gia “đóng góp tổng thể cho nhân loại,” Việt Nam trong sự cai trị của đảng CSVN đứng ở vị trí gần như “đội sổ.”

Bảng xếp hạng này có tên là “Good Country Index” do ông cố vấn chính sách Simon Anholt thiết lập. Ðài BBC tiếng Việt trích dẫn kết quả bảng xếp hạng cho thấy, Việt Nam, Iraq và Libya “cùng nằm dưới đáy.” Việt Nam đứng hạng thứ 124; sau cả Iraq, hạng 123; chỉ hơn Libya, hạng thứ 125.


Một trong những lễ hội văn hóa của Việt Nam. (Hình: cinet.gov.vn)

Bảng xếp hạng này dựa vào kết quả khảo sát của Liên Hiệp Quốc và World Bank, xếp hạng 125 quốc gia khắp hành tinh. Các tiêu chí được căn cứ để xếp hạng bao gồm: thành tích công nghệ, văn hóa, hòa bình-an ninh quốc tế, trật tự thế giới, khí hậu, sự thịnh vượng, bình đẳng, sức khỏe của người dân... Ngoài ra, các yếu tố khác cũng được xem xét như số lượng sinh viên ngoại quốc đến học tại quốc gia đó, số tiền của quốc gia đóng góp cho quỹ gìn giữ hòa bình, số giải Nobel giật được.

BBC cho biết, Ireland là quốc gia đứng đầu danh sách trên, kế đến là các quốc gia Bắc Âu. Nước Anh đứng hạng bảy, trong khi Hoa Kỳ đứng hàng thứ 21. Ðặc biệt là Kenya, một quốc gia Châu Phi nghèo và đang bị xâu xé bởi các cuộc xung đột sắc tộc, nhưng đứng hàng thứ 26 trong bảng xếp hạng trên vì “có nhiều đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.”

Trong lĩnh vực văn hóa, Bỉ giành ngôi vị đầu. Tây Ban Nha đứng hàng đầu về hoạt động săn sóc y tế. Nước Nga xếp hạng rất thấp, thứ 95, bên cạnh Honduras và Congo. Cũng trong lĩnh vực này thì Việt Nam xếp hạng thứ 76 trong khi Iraq đứng hàng thứ 116 và Libya hàng thứ 124.

Theo Financial Times, ông Simon Anholt quan niệm rằng “một nước thành công chưa đủ, điều quan trọng là họ đóng góp được gì đó cho nhân loại.” Ông Simon Anholt đã nhận được giải Nobels Colloquia, do một ủy ban gồm mười nhân vật đã nhận giải Nobel kinh tế trao tặng. (PL)
06-25- 2014 4:03:20 PM

Người Việt Nam ở nước ngoài "hết lo" mất quốc tịch

Infonet.vn-Sáng 24/6, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam. Điểm đáng chú ý nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 13 của Luật quốc tịch Việt Nam.
Luật quốc tịch Việt Nam được thông qua, hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài không còn lo mất quốc tịch.
Cụ thể, khoản 2, Điều 13 của Luật quốc tịch hiện hành quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa bị mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”.
Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên. Trong thảo luận, có ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn đăng ký giữ quốc tịch thêm 5 – 10 năm nữa, hoặc giao Bộ Tư pháp quy định cụ thể thời hạn đăng ký giữ quốc tịch để tạo sự linh hoạt.
Tuy nhiên, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định về việc đăng ký quốc tịch Việt Nam, bởi có quốc tịch là một quyền dân sự, quyền nhân thân cơ bản của người dân đã được pháp luật ghi nhận. Do đó, không nên quy định một người mặc nhiên bị mất quốc tịch nếu không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch như quy định của Luật quốc tịch hiện hành.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, việc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà đối với một bộ phận công dân Việt Nam, không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng như chủ trương đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay.

Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 13 của Luật quốc tịch Việt Nam như sau:
“Điều 13. Người có quốc tịch Việt Nam

1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”

Quy định như vậy nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được quy định tại Điều 18 của Hiến pháp và Điều 7 của Luật quốc tịch Việt Nam, xác định đây là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Để phù hợp với việc không quy định thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, Quốc hội cho bãi bỏ khoản 3 Điều 26 của Luật quốc tịch Việt Nam quy định về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam nếu không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch.
Thành Nam

Trung Quốc tố bị Mỹ “sỉ nhục” tại Washington DC

Đăng Bởi  - 
Bà Hoa Xuân Oánh lại phàn nàn về Mỹ
Bà Hoa Xuân Oánh lại phàn nàn về Mỹ

 Một Thế Giới-Sắp tới, những ai muốn liên hệ với sứ quán Trung Quốc tại Washington DC có thể sẽ phải gửi thư về địa chỉ tòa nhà nằm ở khu "Lưu Hiểu Ba Plaza". Viễn cảnh này khiến Trung Quốc rất tức giận. Lưu Hiểu Ba là người được nhận giải Nobel hòa bình nhưng bị chính quyền Trung Quốc giam giữ. Giờ Mỹ lại muốn tôn vinh nhân vật này.
Đổi tên chửi xéo
Sứ quán Trung Quốc ở Washington DC hiện nằm trên "International Plaza" một con đường thuộc sở hữu của chính phủ liên bang. Nghị sĩ Frank Wolf đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đổi tên khu vực ở phía trước của sứ quán Trung Quốc thành Lưu Hiểu Ba Plaza.
Ban đầu, Wolf tập hợp một nhóm 14 dân biểu gồm thành viên của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ, trong đó có bà Nancy Pelosi, lãnh đạo thiểu số đảng Dân chủ tại Hạ viện và nghị sĩ Eleanor Holmes Norton, quận Columbia. Họ đôn đốc hội đồng thành phố Washington DC thực hiện việc đổi tên nêu trên ở khu vực phía trước sứ quán Trung Quốc.
 Tòa nhà đại sứ quán Trung Quốc ở Washington DC
"Bằng cách đổi tên các đường phố ở phía trước của sứ quán Trung Quốc theo tên ông Lưu Hiểu Ba, chúng tôi sẽ gửi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ rằng Mỹ vẫn thận trọng và kiên quyết trong cam kết bảo vệ quyền con người trên toàn cầu", các nghị sĩ kêu gọi.
Tuy nhiên, theo luật đất đai của Mỹ, khu vực này thuộc quyền sở hữu của chính quyền liên bang nên chỉ Bộ Ngoại giao Mỹ mới có quyền đặt tên đường phố tại đây. Sau khi Wolf biết chuyện, ông đề nghị Bộ Ngoại giao đổi tên đường.
Chuyện này cũng không phải điều lạ tại Mỹ. Hồi những năm 1980, đường phố đặt trụ sở Đại sứ quán Liên Xô ở Washington DC đã được đổi tên Sakharov Plaza để tôn vinh ​​Andrei Sakharov, một nhân vật bất đồng chính kiến của Liên Xô.
Trung Quốc cảm thấy bị người Mỹ sỉ nhục
Chưa có quyết định chính thức từ Bộ Ngoại giao Mỹ và nếu thực hiện theo yêu cầu của các nghị sĩ thì việc đổi tên đường cũng phải tiến hành vào năm 2015. Thế nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra rất nhột trong truyện này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng một số người Mỹ đang tìm cách bôi nhọ Trung Quốc bằng cách "thổi phồng vô nghĩa cái gọi là vấn đề nhân quyền và trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba". Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi dự thảo đổi tên đường "không có gì hơn là một trò hề".
 Trung Quốc nhột vì Lưu Hiểu Ba
Ông Lưu Hiểu Ba, một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc, đã bị kết án 11 năm tù vào năm 2009. Ông bị buộc tội "kích động lật đổ" sau nhiều năm lên tiếng phản đối chính phủ Trung Quốc và ủng hộ cải cách dân chủ bất bạo động. Năm 2010, ông được trao giải Nobel hòa bình "cho cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động của ông cho nhân quyền căn bản ở Trung Quốc".
Anh Tú (tổng hợp)

“Trung Quốc kéo 4 tàu ngầm hạt nhân ra dọa Mỹ, trừng phạt Việt Nam”

taungamTQ
Tàu ngầm TQ tại cảng Tam Á

Lời lẽ hiếu chiến của giới truyền thông, học giả, 1 số tướng lĩnh cấp cao quân đội Trung Quốc về Biển Đông chỉ là biểu hiện lúng túng, bối rối của Bắc Kinh.
Tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông ngày 24/6 dẫn lời Lương Quốc Lương, một nhà bình luận quân sự của tờ báo này cho hay, việc 4 tàu ngầm động cơ hạt nhân của Trung Quốc đồng thời xuất hiện tại căn cứ Tam Á đảo Hải Nam của hạm đội Nam Hải là động thái cảnh cáo Mỹ và “trừng phạt Việt Nam”?!
Trong số 4 tàu ngầm hạt nhân này, có 3 chiếc thuộc lớp Tấn (094) thuộc đội hình tàu ngầm chiến lược của hải quân Trung Quốc, 1 chiếc thuộc lớp Thương (093).
Lương Quốc Lương cho rằng cho biết, động thái này của bắc Kinh có liên quan chặt chẽ đến chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Mỹ, đồng thời cũng có mối liên hệ chặt chẽ với tình hình Biển Đông hiện nay khi Mỹ công khai ủng hộ các nước ven Biển Đông chống lại (sự bành trướng của) Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc đang muốn “cảnh cáo” Mỹ rằng, vấn đề Biển Đông không liên quan gì đến Mỹ, và Bắc Kinh quyết không chấp nhận vì áp lực của Washington mà hy sinh (cái gọi là) lợi ích quốc gia của họ.
Theo Minh Báo, 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn mang theo tên lửa xuyên châu lục Cự Lãng 2, chỉ cần đặt tại biển Philippines cũng có thể bắn sang tận nước Mỹ. Tầm bắn của tên lửa Cự Lãng 2 ít nhất là 9600 km, tầm bắn xa nhất lên đến 11200 km.
Cự Lãng 2 được xem như “anh em” với tên lửa Đông Phong 31, trong đó Cự Lãng 2 là loại tên lửa trang bị cho tàu ngầm, Đông Phong 2 được sử dụng trên mặt đất.
Đáng chú ý, Lương Quốc Lương cao giọng miệt thị khi cho rằng Việt Nam đang “say đắm với lịch sử huy hoàng cha ông họ từng đánh bại đại quân Nguyên, Minh, Thanh mà không biết rằng Trung Quốc mới là trung tâm thiên hạ, không phải man di, Việt Nam mãi mãi không theo được (cái gọi là) sự tiến hóa của Trung Quốc”?!
Lương Quốc Lương đe dọa, khi chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) ở Trung Quốc lên cao xoay quanh vấn đề Biển Đông, khả năng “Trung Quốc trừng phạt Việt Nam lần 2″ không phải không thể xảy ra, và khi đó Mỹ sẽ chẳng thể làm gì giúp được Việt Nam?!
Trong thế giới văn minh, những kẻ chỉ thích giễu võ giương oai, lên gân cơ bắp để dọa nạt người khác không phải là kẻ mạnh và không đáng sợ. Những lời lẽ hiếu chiến của giới truyền thông, học giả, 1 số tướng lĩnh cấp cao quân đội Trung Quốc về Biển Đông chỉ là biểu hiện lúng túng, bối rối của Bắc Kinh trước áp lực công luận quốc tế. Họ không biết cách nào để vừa “nuốt trôi” tham vọng bành trướng lãnh thổ, vừa giữ được sĩ diện nước lớn mà thôi – PV.
Theo Giáo Dục

Nói với Đầu Gối

Đầu Gối quý mến,

Trước tiên ta xin Đầu Gối niệm tình tha thứ cho ta cái tội lâu nay bỏ bê nhà ngươi, vì đã dại dột chọn lầm đối tượng mà tỉ tê; để giờ này ta mới bật ngửa ra: nhà ngươi tuy mang tiếng là đầu gối nhưng còn biết nghe hơn khối “lãnh đạo” nước mình, một quốc gia đang bị cái đám cháu của Uncle Fox tức bác Cáo dí cho cái tên không giống con giáp nào là CHXHCNVN.

Sự “bật ngữa” này chính là lý do những ngày vừa qua ta chẳng còn thèm mở miệng khiến Bá tước phu nhân, một kẻ tuy bị thói đời oánh giá là “đái không qua khỏi ngọn cỏ” yêu chồng vẫn không quên yêu nước, trách ta mê Guơ- Cấp Bờ- Ra- Dziêu hơn mê “bức xúc” trước vụ dàn khoan Hôi Dầu 981 đang lù lù thách thức ngoài Biển Đông .

Chúng tệ hơn đầu gối của ta ở chỗ nào? Đó là sau khi giặc vào ao nhà, đồng bào cả nước đã nhất tề lên tiếng vạch mặt kẻ thù, tố cáo trước thế giới và khuyến cáo đám lãnh đạo chóp bu đang nắm trong tay vận mệnh nước nhà nên làm gì để bảo vệ tổ quốc, nhưng chúng vẫn như nước đổ đầu vịt, tiếp tục kêu cạp cạp“ bốn tốt với 16 chữ vàng”.

Tổng Bí thư đảng Trọng Lú; Chủ tịch nước Tư Sâu; Chủ tịch Quốc Hội Hùng Hói; Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Mang; nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội con Mèo ướt Mưa…Cái đám gọi là người Việt Nam ấy đã lên tiếng ra sao, phát ngôn thế nào trước hành động xâm lăng của giặc Tàu và đã bị thiên hạ nguyền rủa quá nhiều; thậm chí “nghễng ngảng” như Đầu Gối mà cũng đã thấu tai rồi, ta khỏi cần nhắc ra đây cho phí sức và chỉ làm bực thêm đầu gối.

Thà như Đầu Gối không được học tập lời Bác Cáo dạy, “Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải lo giữ nước”. Đàng này toàn là cháu ngoan của bác ấy cả; khi nào cũng quyết tâm làm theo lời bác dạy, lại đi quỳ trước giặc Tàu xâm lăng nhanh hơn đầu gối.

Đầu Gối quý mến,

Cảm ơn nhà ngươi còn là chỗ cho ta ngõ lời trong tình trạng Tổ Quốc lâm nguy hiện nay.

Thêm trẻ viêm phổi vì uống dầu máy khâu


(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho biết, thời gian qua khoa tiếp nhận nhiều trường hợp viêm phổi do uống nhầm hóa chất. Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi bị viêm phổi nặng do uống dầu máy khâu.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, mẹ bé làm thợ may. Hàng ngày, ống dầu máy khâu vẫn được để ngay trên bàn để thỉnh thoảng chị tra dầu vào máy. Hôm đó, bé cầm ống dầu chơi, cho vào miệng nhưng cũng chẳng ho hắng gì. Gia đình cũng không hay biết con ngậm, nuốt phải dầu máy khâu. Đến khi thấy con sốt, ho ngày càng nhiều, đưa vào viện trong tình trạng viêm phổi rất nặng, điều trị tại bệnh viện địa phương mấy ngày không đỡ được chuyển lên khoa Nhi BV Bạch Mai. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân viêm phổi rất nặng, co rút lồng ngực và phải trải qua 2 tuần điều trị, tình trạng mới ổn định, vừa được xuất viện
TS Dũng cho biết, các trương hợp viêm phổi do uống xăng, dầu hỏa, dầu máy các loại rất nguy hiểm nhưng lại gặp khá phổ biến, vì thói quen chứa những chất này trong các chai, lọ thực phẩm như chai nước lọc, trà xanh nên trẻ nhầm tưởng là đồ uống được.
Xăng, dầu đều là những chất bay hơi nên khi uống phải, trẻ thường bị biến chứng viêm phổi do hít phải hơi xăng dầu. Cũng có trẻ, khi uống nhầm, sặc, gây nôn ọe khiến trẻ hít phải thức ăn trào ngược từ dạ dày gây viêm phổi. Đặc biệt với dầu máy khâu, dầu luyn rất nguy hiểm bởi dầu là chất nhờn, quánh, không lỏng như xăng. Một vài giọt dầu chui vào trong phổi có thể bít tắc các nhánh phế quản nhỏ, gây xẹp phổi, hoại tử từng vùng. Vì thế, điều trị khó khăn, nặng hơn rất nhiều.
Những bệnh nhi viêm phổi do uống nhầm hóa chất, xăng dầu thường phải nằm điều trị hàng tuần. Khi thấy con uống nhầm, bố mẹ tuyệt đối không gây nôn vì trẻ hít phải chất nôn rất nguy hiểm. Để phòng nguy cơ ngộ độc xảy ra với trẻ, cần bỏ thói quen tận dụng chai lọ đựng thực phẩm để  hóa chất, dung dịch nguy hiểm. Những dung dịch này cũng phải để xa tầm với của trẻ, cất kỹ. Các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Tú Anh

Hà Nội phát hiện nhiều mẫu thịt gia súc, gia cầm mất vệ sinh ATTP


(Dân trí) - Trong 6 tháng đầu năm 2014, Sở NN&PTNT Hà Nội và các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục mẫu thịt gia súc, gia cầm sản xuất và tiêu thụ tại thủ đô bị nhiễm khuẩn E.coli, Salmonella và vượt giới hạn tối đa cho phép về vi sinh vật.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2014, các đơn vị thuộc Sở giám sát tổng số 142 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó có 27 mẫu sản phẩm sản xuất ở ngoại tỉnh được đưa vào Hà Nội tiêu thụ (06 mẫu thủy sản, 12 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 09 mẫu chè, 09 mẫu rau) và 115 mẫu sản phẩm được sản xuất tại địa bàn Hà Nội gồm: 09 mẫu chè, 12 mẫu rau, 12 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 07 mẫu sản phẩm thủy sản và 75 mẫu thủy sản tại vùng nuôi.
Hiện nay đã có kết quả vi sinh của 38 mẫu nông lâm thủy sản (19 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 07 mẫu sản phẩm thủy sản, 12 mẫu rau); 31 mẫu có kết quả hóa lý (9 mẫu chè, 13 mẫu rau, 02 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 7 mẫu sản phẩm thủy sản).
Nhiều mẫu thịt lợn và thịt gà sản xuất và tiêu thụ tại Hà Nội bị nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
Nhiều mẫu thịt lợn và thịt gà sản xuất và tiêu thụ tại Hà Nội bị nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
Kết quả giám sát đã phát hiện 07/12 mẫu thịt gia súc, gia cầm có kết quả được sản xuất tại Hà Nội vượt giới hạn tối đa cho phép (GHTĐCP) về vi sinh vật, chiếm 58,33%. Trong số đó, có 02 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh vật và khuẩn E.coli; 03 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh vật, 01 mẫu thịt lợn nhiễm Salmonella và 01 mẫu thịt gà nhiễm E.coli.
Có 03/09 mẫu thịt gia súc, gia cầm được nhập từ các tỉnh được tiêu thụ tại Hà Nội có kết quả vượt GHTĐCP về E.coli, chiếm 33,33%. Có 01/07 mẫu sản phẩm thủy sản được nhập tiêu thụ tại Hà Nội có kết quả vượt GHTĐCP về vi sinh vật, chiếm 14,2%.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết: Về chỉ tiêu lý hóa, các mẫu có kết quả đều nằm trong ngưỡng cho phép. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả phân tích.
Trong giai đoạn này, thanh tra Sở cũng tiến hành kiểm tra 123 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp: phát hiện xử phạt 46 tổ chức, cá nhân số tiền là 278,72 triệu đồng với các vi phạm về sản xuất kinh doanh thực phẩm không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, vi phạm nhãn hàng hàng hóa, không có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, kinh doanh, bảo quản không đảm bảo quy định, kinh doanh giết mổ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y…
Ngoài ra còn tiêu hủy hàng trăm kg thịt lợn, thịt gà, sản phẩm thủy sản, chả cá,… và hơn 200kg cà chua, bí ngô, khoai tây hết hạn sử dụng, không đảm bảo VSATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thu hồi và khắc phục về nhãn mác hàng trăm chai nước nắm các loại.
Thanh tra Sở đã phối hợp với Đội 2 PC 49 Công an thành phố Hà Nội và Đội 19 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả, jăm bông tại thị xã Sơn Tây Hà Nội trình chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 58,27 triệu đồng với các hành vi hoạt động kinh doanh giò chả, jăm bông không có Giấy Đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tập huấn kiến thức ATTP, sử dụng động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Ông Đại cho biết tỷ lệ cơ sở vi phạm VSATTP trên địa bàn thủ đô vẫn còn cao là 345/2.940 cơ sở (chiếm 11,73%), đặc biệt là các huyện ngoại thành, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát hàng ngày.
Nguyên An

Hải Phòng: 6 trẻ em phải nhập viện cấp cứu sau tiêm vắc xin 5 trong 1

(Dân trí) - 6 cháu bé đã phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, toàn thân tím tái, sốt cao. Điều trùng lặp là 6 cháu bé này đều được tiêm mũi vắc xin 5 trông 1 trước đó vài tiếng.
Tin từ Bệnh viện trẻ em Hải Phòng cho biết: tính đến 17h chiều ngày hôm nay, 25/6 đã có 6 cháu nhỏ nhập viện trong tình trạng nôn mửa, toàn thân tím tái, sốt cao và khó thở sau khi đi tiêm vắc xin mũi 5 trong 1.
Trong số này, có 5 cháu được cấp cứu tại Khoa tiêu hóa, 1 cháu nặng hơn được cho vào khoa Hồi sức cấp cứu Nội để điều trị. Hiện các cháu đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi tích cực.
Chị Yến (27 tuổi) trú tại thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng cho biết: Lúc 8h ngày 25/5, tôi cho con gái Lưu Tuệ Như (10 tháng tuổi) đến trạm y tế xã Hồng Thái để tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 theo quy định. Sau khi tôi cho con về nhà được 2 tiếng thì bé bị sốt cao lên tới gần 39 độ. Ngay sau biểu hiện sốt là triệu chứng nôn mửa, quấy khóc rồi người chuyển sang tím tái, mắt lờ đờ, khó thở. Gia đình tôi hoảng hốt bế cháu trở lại Trạm y tế xã thì được trạm y tế gọi taxi đến ngay Bệnh viện trẻ em cấp cứu. Sự việc xảy ra khiến gia đình rất hoang mang và lo lắng”.
Cháu Tuệ Nhi đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện sau mũi tiêm vắc xin 5 trong 1
Cháu Tuệ Nhi đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện sau mũi tiêm vắc xin 5 trong 1
Tại bệnh viện trẻ em, cháu Nhi được cho vào Khoa tiêu hóa rồi lại được chuyển tiếp lên khoa Hồi sức cấp cứu Nội của Bệnh viện để theo dõi tích cực. Hiện cháu đã qua cơn nguy kịch và đang được điều trị tiếp tại bệnh viện này.
Theo phản ánh của gia đình cháu Nhi trước khi được tiêm mũi vắc xin nói trên, sức khỏe cháu hoàn toàn khỏe mạnh.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Cường, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hải Phòng nhận định: hiện tượng một số cháu nhỏ xuất hiện tình trạng sốt cao, hơi tím tái, khó thở là hiện tượng bình thường do phản ứng phụ của vắc xin. Nguyên nhân xảy ra vụ việc nêu trên đang được kiểm tra.
Thu Hằng

TQ ồ ạt mua phi cơ không người lái vì mộng bá quyền

Truyền thông Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ dẫn đầu danh sách những quốc gia đầu tư cho máy bay không người lái quân sự nhằm phục vụ giấc mộng bá quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Business Insider dẫn báo cáo cho biết thị trường máy bay không người lái (UAV) quân sự toàn cầu sẽ đạt 8,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, có thể Mỹ sẽ không còn là quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua hao tiền tốn của này. Trong một thập kỷ tới, nhiều khả năng Washington sẽ xếp sau Nga và Trung Quốc về số tiền đầu tư cho UAV dù Mỹ từng là quốc gia đi tiên phong.

TQ ồ ạt mua phi cơ không người lái vì mộng bá quyền
Máy bay không người lái của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo Wantchinatimes, Bắc Kinh đầu tư mạnh cho phi cơ không người lái nhằm (UAV) phục vụ mưu đồ thống trị địa chính trị và kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng sẽ giúp Bắc Kinh giành lợi thế trước Nhật Bản trong nỗ lực chiếm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông cũng như các quần đảo khác trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong thập kỷ qua, Mỹ đã cho cả thế giới thấy rõ sự lợi hại của phi đội UAV mà nước này đang sở hữu. Chúng đóng vai trò tích cực trong các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan và Iraq cũng như nỗ lực chống khủng bố ở Pakistan và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nhu cầu của Mỹ với UAV đang ngày càng giảm trong khi nhiều quốc gia khao khát sở hữu loại chúng.

Sự hững hờ của Mỹ buộc các tập đoàn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực máy bay không người lái - gồm Northrop Grumman, Boeing, General Atomics và Lockheed Martin - tìm kiếm những thị trường mới. Bài viết trên tạp chí Jane's (Anh) cho biết, thị trường máy bay không người lái đang dịch chuyển dần sang châu Á.

Theo tạp chí, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ là những thị trường béo bở nhất. Số máy bay không người lái của Nhật Bản sẽ tăng 6 lần trong 10 năm tới. Nga và Trung Quốc không chỉ nhập khẩu máy bay không người lái mà còn đầu tư những khoản kinh phí khổng lồ để phát triển chúng.

Các chuyên gia tin rằng, Nga và Trung Quốc sẽ dồn sức phát triển phi đội máy bay không người lái và đủ khả năng cạnh tranh với Mỹ trong một thập niên tới. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Israel là 11 quốc gia đầu tiên sở hữu phi cơ không người lái phục vụ mục đích quân sự, Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết.

07:49 NGÀY 25/06/2014
Hồng Duy

Nguồn Zing News

Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy

"Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy" - (Tây Hồ 1972-1926)

Nguyễn Thượng Long (Danlambao) - Vì những hoạt động chống Pháp trong phong trào Duy Tân, 3 – 1908 Phan Chu Trinh bị thực dân Pháp bắt giữ lần thứ nhất ở Hà nội rồi chúng mang cụ về Huế và giam ở nhà lao Thừa Phủ. Ngày 04 – 4 – 1908 cụ bị Pháp đầy ra Côn Đảo, lúc đi ngang qua cửa Thượng Tứ cụ đã than lên bốn câu tứ tuyệt vô đề:

“Luy tuy thiết tỏa xuất Đô Môn
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn.
Quốc thổ trầm luân dân tộc luỵ
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn.” (PCT)

Rất nhiều bậc túc nho, thức giả đã dịch bài thơ bất hủ này ra quốc ngữ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng một người bạn thân thiết của cụ Phan dịch:

“Xiềng gông cà kệ biệt Đô Môn
Khảng khái ngân nga lưỡi vẫn còn.
Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn
Thân trai nào sợ cái Côn Lôn”.

Nhưng… người đời lại nhắc nhiều đến bản dịch của học giả Phan Khôi:

“Mang xiềng nhẹ bước khỏi Đô Môn,
Hăng hái hò reo lưỡi vẫn còn. 
Đất nước hãm chìm dân tộc héo,
Làm trai đâu xá thứ Côn Lôn”.

Ai ngờ, gần 200 năm sau ngày ra đời lời than trên, những người đang tranh đấu cho một nền dân chủ đích thực không chỉ cùng nhau nhắc lại những giá trị dang dở của cụ Phan ngày nào như “KHAI DÂN TRÍ - CHẤN DÂN KHÍ - HẬU DÂN SINH” mà còn không quên nhắc lại câu than kể trên của cụ ngày nào. Và nếu cụ Phan đi được đến cùng những dự án chính trị của mình, tôi tin chắc rằng Việt Nam đã tránh được những cuộc chém giết nhau vừa thê thảm, vừa vô nghĩa, sẽ không thể bị các lân bang qua mặt và hôm nay dân tộc Việt Nam đã có một gương mặt khác hẳn, xứng đáng hơn trong khu vực và chắc chắn trong quan hệ với Việt Nam, truyền thông, báo chí Tầu không thể dám lếu láo coi chuyến đi Hà nội ngày 18/6 vừa qua của Dương Khiết Trì là để “Dậy cho đứa học trò ngỗ nghịch!”, để thúc giục “Những đứa con hoang đàng…trở về nhà ” (!?) (Hoàn cầu thời báo).

Với tôi …câu than “Quốc thổ trầm luân dân tộc luỵ…” của cụ Phan xứng tầm là lời cảnh báo, cho vận mệnh dân tộc, là lời tiên tri cho tương lai giống nòi. Điều kỳ vĩ là lời than đó, thông điệp đó lại được cụ đưa ra vào những ngày mà chủ nghĩa Mác – Lê – Sit - Mao còn chưa xâm nhập vào được Việt Nam, những ngày mà những người cộng sản Việt Nam đang còn là những cái bóng lẩn khuất trong đêm đen, trà trộn trong đám cùng dân lao khổ, những ngày mà ông giáo Nguyễn Tất Thành chưa thể nghĩ tới việc hơn 30 năm sau, mình lại có thể nhận là cha già dân tộc và đảng của ông tự nhận họ là Mùa Xuân của giống nòi! Dân tộc Việt Nam với những trả quả đớn đau suốt từ ngày đất nước liền một dải đến nay…giờ đem đặt bên câu than ngày nào của cụ Phan, chẳng lẽ lại chẳng nói lên được điều gì?

 Gian khoan HD - 981
“Đêm thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan,
Ngày xem ống khói chậy đen xì, muốn ra cắn cổ!”
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – NĐC)

Hôm nay, sau nhiều ngày Quốc Thổ bị xỉ nhục bởi giàn khoan HD 981 nghễu nhiện hạ đặt giữa nhà, cũng là sau nhiều ngày người dân Việt đợi chờ được nghe những xuất ngôn, những thông điệp của người đứng đầu đảng, đứng đầu nhà nước để biết họ sẽ nói gì về biến cố này. Sau nhiều ngày chờ đợi, thật bất ngờ gần đây người dân cả nước mới được nghe ông Trương Tấn Sang nói về hình phạt Tru Di mà tiền nhân dành cho những kẻ mắc tội để hao mòn Quốc Thổ. Không biết khi tung ra những lời còn mạnh hơn cả “Nhát Gươm” không chấp nhận hữu nghị viển vông bay xát đầu quân bành trướng của ông Dũng …liệu ông Sang có nghĩ gì đến những vùng đất, những vùng biển đảo vì công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng mà đã lần lượt vĩnh viễn rơi vào tay giặc Tầu! Ai sẽ bị tru di đây thưa chủ tịch Sang? Tôi nghĩ rằng, vào lúc này… dù ông Sang có nói đâu rồi lại bỏ đấy hệt như ông Nguyễn Tấn Dũng thì cũng còn hơn những vua tập thể khác, hơn hẳn cái cơ quan quyền lực cao sang nhất nước là QH 13, đến phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 vừa rồi, đã ngoảnh mặt đi, hoàn toàn vô cảm trước lời đề nghị của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa để cùng nhau diễn nốt cái game show “Vỗ tay xong tất cả lại về xem World Cup 2014”…công khai vô trách nhiệm với cử tri cả nước khi không dám ra nghị quyết về tình hình Biển Đông?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa TP HCM đang đòi QH ra nghị quyết về Biển Đông

Không một người Việt Nam nào dù đang ở trong nước hay vì một lý do nào đó mà đang phải tha hương xứ người có thể nuốt trôi những hiện thực cay đắng này:

Quốc Thổ đã mất 2/3 Thác Bản Giốc, mất Ải Nam Quan, mất bãi Tục Lãm, mất một diện tích đất liền bằng cả tỉnh Thái Bình, mất hàng loạt các cao điểm chiến lược ở Hà Giang, ở Mẫu Sơn, mất Hoàng Sa 1974, mất Gạc Ma 1988, còn mà như mất với Bauxite Tây Nguyên cùng hơn 398374 ha rừng thượng nguồn các tỉnh biên giới bị nhượng bán cho Tầu khai thác tới nhiều chục năm, tương tự với Vũng Áng Hà Tĩnh. Về yếu tố Địa – Chính Trị, thật không ngờ, 2 người bạn chí cốt Lào - CPC xát xạt biên giới phía Tây hình như họ đang đung đưa với người tình Ba Tầu nhiều Đô chứ đâu có mặn nồng gì với Hà nội! Quay ra bờ đại dương, ta mất phần lớn vịnh Bắc Bộ, nay lại đang có nguy cơ mất nốt cả Biển Đông. Việc xuất hiện ngang nhiên bao làng Tầu, phố Tầu, China town ở ngay giữa các vùng dân cư thành thị của đất nước…như thế vẫn chưa là “Ngũ bề thọ địch!”, “Bốn bên lửa cháy” hay sao? Về đời sống tinh thần, sau nhiều thập kỷ vọng ngoại, theo đuổi những giá trị hư ảo đâu đâu, nay xã hội Việt Nam đạo lý truyền thống đã bị băng hoại ở mức nghiêm trọng, hình ảnh dân tộc bị méo mó, nhân phẩm giống nòi bị hoen ố, cả dân tộc dắt díu nhau cô đơn, lầm lũi dưới bóng cờ “Thập Lục Kim Tự và Tứ Hảo” ba que xỏ lá, cùng hội cùng thuyền với vài 3 nhà nước bệnh hoạn để tìm đến cái nơi mà chính ông Nguyễn Phú Trọng TBT đảng gần đây nói: “…đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam chưa?”! Quốc Thổ đang những ngày như thế, dân tộc đang phải thoi thóp sống những ngày như thế…chẳng lẽ vẫn chưa là “Trầm Luân”, chưa là “Hệ Luỵ”.

Những ngày này Trung Quốc, không những không hề có ý định rút giàn khoan HD 981 ra khỏi Biển Đông mà họ lại đang tiếp tục định vị nhiều giàn khoan khác nữa vào vùng biển chủ quyền của chúng ta…để hòng thu lại vốn đã đầu tư, lại to mồm vu Việt Nam là xâm lược, chủ động tấn công Trung Quốc, vi phạm điều này, điều nọ của Luật Quốc Tế! …thì “Quốc Thổ…” là đang “Trầm Luân…”, hay đang “Thăng Tiến…” ? Dân tộc đang sống trong những “Hệ Luỵ” hay “Hanh Thông!”. Nếu vận nước không qua được những ngày cùng cực này, tương lai lá cờ 6 sao sẽ phấp phới bay trên mảnh đất của ông bà là điều không thể không xẩy ra.

Khi đọc được những dòng chữ này, tôi nhận được 3 lời góp ý của 3 người bạn học từ thuở đầu đời. Người thứ nhất, anh là một đại gia nhờ làm thợ dậy nói: “Già rồi, cất bút, gác kiếm đi, chọn lấy chữ NHÀN mà sống!”. Người thứ hai anh này đã từng là một thủ lĩnh thanh niên, ngày nào là siêu sao chém gió, vậy mà hôm nay, không biết là anh ta nói đùa hay nói thật: “Để có được sự bình an cho con cháu, Moa sẽ mang cờ 6 sao ra đón Hoa quân nhập Việt!”. Người thứ ba, anh là một Bác sĩ tim mạch, một chuyên gia lớn về Thần Học, một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng nhắc tôi: “Hình như lời than bên cửa Thượng Tứ của cụ Phan còn một thông điệp nữa sao không thấy Huynh nhắc đến?”.

Tôi nói với cả 3 người bạn rằng, là người Đa Nguyên tôi ghi nhận tất cả 3 ý kiến và xin được tự bạch: Câu “Nam nhân hà sự phạ Côn Lôn” (Làm trai đâu xá thứ Côn Lôn) trong lời than của cụ Phan 106 năm về trước là lúc cụ 26 tuổi, cụ muốn gửi tới giới trẻ thông điệp, khi dấn thân tranh đấu phải có dũng khí, kể cả bị tù đầy ở Côn Lôn (Côn Đảo) cũng chẳng xá gì. Giờ đây trang lứa chúng ta đã là U70 rồi mà cũng hô to thông điệp coi mình như thanh niên, tôi e rằng người đời nói chúng ta xạo, đám dư luận viên vô liêm xỉ lại có cớ ném đá, ném đồ dơ bẩn tứ tung. Nhưng, nếu xã hội chúng ta ngày càng đông những trang lứa trẻ ngày càng can đảm vượt qua được mọi nỗi “…hà sự phạ Côn Lôn” hay “…hà sự phạ Hỏa Lò” thì đó là hồng phúc dân tộc vẫn còn và tôi vững tin giới trẻ Việt Nam hôm nay sẽ vực dậy được một QUỐC THỔ đang bị tả tơi hao hụt vì ngoại xâm lẫn cả nội xâm và cũng vực dậy được tinh thần của một dân tộc đã quá mệt mỏi vì những hệ luỵ bởi những trầm luân mà họ đã phải chịu đựng./.

Hà Đông những ngày buồn tháng 6 – 2014

Nguyễn Thượng Long
- Nơi ở: Tổ 6 - Đường Văn La – Phú La - Quận Hà Đông – Hà Nội.
- ĐT: 0433521066 & 01652323836.
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com