Monday, September 3, 2018

Sập cầu đôi tại Bình Thuận, giao thông từ Đồng Nai đi Sài Gòn bị chia cắt

Cận cảnh cầu đôi bị sập tại Bình Thuận. (Hình: Phụ Nữ Online)
BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Mưa lớn, nước lũ quét khiến cây cầu tại tỉnh Bình Thuận bị gãy đôi. Tai nạn này không gây thiệt hại về người nhưng giao thông bị tê liệt.
Theo Phụ Nữ Online, khoảng gần 1 giờ sáng, ngày 3 Tháng Chín, do mưa lớn, nước lũ quét móng đá khiến cầu đôi đập tràn trên địa bàn xã Tân Hà (huyện Đức Linh, Bình Thuận) bị gãy đôi, hư hỏng hoàn toàn. Hiện tại ở phía Nam cầu đang bị sạt lở nặng.
Theo Phụ Nữ Online, cầu đôi đập tràn bị sập nối liền thôn 1, thôn 2 với thôn 3 của xã Tân Hà. Cầu nằm trên ĐT766, là tuyến đường giao thông quan trọng nối liền huyện Đức Linh với tỉnh Đồng Nai và Sài Gòn.
Cầu đôi tại Bình Thuận bị đứt lìa. (Hình: Phụ Nữ Online)
Vụ sập cầu không gây thiệt hại về người nhưng khiến giao thông từ huyện Đức Linh đi Đồng Nai và Sài Gòn bị chia cắt.
Ông Phan Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Hà cho biết, tình hình giao thông qua địa bàn này đang bị ách tắc nghiêm trọng, các loại phương tiện giao thông không thể đi qua đoạn đường này. Các cơ quan có trách nhiệm vẫn đang tập trung điều tiết giao thông và khắc phục sự việc.
Theo ông Minh, để lưu thông qua khu vực này, các phương tiện có thể lựa chọn hướng đi vòng qua địa bàn huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) rồi đi tỉnh Đồng Nai.
Ngày 3 Tháng Chin kết thúc nghỉ lễ, người dân ở huyện Đức Linh sẽ lên đường trở lại Sài Gòn làm việc, nhưng tai nạn sập cầu này làm nhiều người lo lắng.(N.L)

Thủy điện xả lũ để tránh vỡ đập nên nhà trôi, cầu sập

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. (Hình: VietNamNet)
VINH (NV) – Những người đứng đầu của đập thủy điện Bản Vẽ tỉnh Nghệ An nhìn nhận việc xả lũ với lưu lượng lớn để tránh vỡ đập đã gây ra thảm họa nhà trôi, cầu sập cho khu vực hạ du.
Báo điện tử VietNamNet kể lại cuộc “trao đổi” với ông Tạ Thanh Hùng, phó giám đốc công ty thủy điện Bản Vẽ ngày 2 Tháng Chín thì được cho biết, “Ngày cuối Tháng Tám và đầu Tháng Chín, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ lần thứ 2 chứng kiến mực nước đổ về cao nhất trong lịch sử. Lượng nước đổ về từ 930m3/s đến gần 4,300m3/s, gây thiệt hại nặng cho nhà máy.”
Trước lưu lượng nước dồn về hồ chứa tăng quá nhanh “chưa từng có” cho nên ông Hùng nói “buộc nhà máy phải xả lũ bằng lưu lượng nước đổ về.”
Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện xây dựng tại thượng nguồn Nậm Nơn tức sông Lam, lớn nhất miền Trung với công suất 320MW. Đập chính và nhà máy điện đặt tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ của đập thủy điện Bản Vẽ là vừa cung cấp điện vừa giúp các khu vực hạ du “cắt lũ.” Nhưng những gì đang xảy ra lại trái ngược.
Cầu sập vì thủy điện xả lũ. (Hình: Vietnamnet)
Ông Hùng nêu ra các chi tiết thúc đẩy công ty thủy điện Bản Vẽ phải xả tối đa vì “mái đá gia cố dưới cao trình 92m bị xói, bóc sâu hư hỏng gần như hoàn toàn. Mái bê tông gia cố bờ phải bị xói, sập khoảng 120m. Mái đất tự nhiên bờ phải bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ sạt tiếp vào nền đường vận hành N3, N4.”
Nói cách khác, ông gián tiếp nhìn nhận phải vội vã xả lũ tối đa để tránh vỡ đập, bất chấp những hệ quả gây ra cho khu vực cư dân bên dưới. Chỉ trong hai ngày 30 và 31 Tháng Tám, tại huyện Tương Dương đã có 239 nhà bị thiệt hại, trong đó 5 nhà bị sập, 10 nhà bị cuốn trôi, 37 nhà phải di dời khẩn cấp, 185 nhà bị ngập. Chiếc cầu “dân sinh” dài 150 mét gần nhà máy đã bị lũ cuốp trôi hai nhịp giữa.
Ngày 31 Tháng Tám, rất nhiều xã của huyện Tương Dương bị ngập sâu, hàng ngàn người dân hối hả bỏ chạy lên núi để giữ lấy mạng sống.
Ngày 15 Tháng Chín năm ngoái, báo chí trong nước tường thuật lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đi thị sát ở Quảng Bình ra lệnh cho Bộ Công Thương (chủ của các công ty thủy điện) “không để các hồ thủy điện xả đập gây ra lũ.”
Các đập thủy điện vẫn hối hả xả lũ, gây ra ngập lụt với đủ mọi thứ hệ quả bắt người dân hứng chịu. Chỉ trong mấy ngày cuối Tháng Tám sang đầu Tháng Chín, thống kê cho thấy có 11 người chết và sáu người còn mất tích tại các tỉnh miền núi miền Bắc và bắc miền Trung. (TN)

Tổng bí thư đảng CSVN đi Nga ‘củng cố tin cậy chính trị’

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Hà Nội ngày 23 Tháng Ba, 2018. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN đi Nga “nhằm củng cố tin cậy chính trị, tăng cường gắn bó chiến lược” giữa hai nước vốn là chư hầu và quan thầy thời trước thập niên 1990.
Hãng tin chính thống của chế độ Hà Nội đưa tin hôm Thứ Hai, ông Trọng sẽ thăm nước Nga từ mùng 5 đến mùng 8 Tháng Chín, 2018 “nhằm củng cố tin cậy chính trị, tăng cường gắn bó chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Nga là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với liên bang Nga đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.”
Chuyến đi của ông Trọng, bên cạnh chuyện thảo luận trang bị quân sự, có vẻ muốn tìm cách trám vào lỗ hổng mậu dịch hiện đang bị nước Đức và Liên Âu không cho thông qua hiệp định tự do thương mại gây ra bởi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm ngoái.
Nhiều chức sắc cấp cao của chế độ Hà Nội thay nhau đến Bắc Kinh cũng như các chức sắc đứng đầu Moscow cũng liên tục đến Hà Nội. Cuối Tháng Sáu năm ngoái, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang đến Moscow “làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược.” Đến Tháng Mười Một năm này, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đến Đà Nẵng dự diễn đàn APEC lại gặp ông Quang tại đây.
Không bao lâu sau, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến 23 Tháng Giêng, 2018 trong tinh thần “bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược.” Đầu Tháng Tư, 2018, Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Ngô Xuân Lịch tới Moscow ký “Lộ trình phát triển hợp tác quân sự song phương Nga-Việt giai đoạn 2018-2020” với Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Shoigu.
Việt Nam là một trong những khách hàng hàng đầu mua sắm các loại võ khí chính yếu của Nga từ chiến đấu cơ khu trục, tàu ngầm, xe tăng, hỏa tiễn phòng không, phòng vệ bờ biển. Nhưng mậu dịch giữa hai nước lại là những con số nhỏ so với mậu dịch Hà Nội-Bắc Kinh, hay Hà Nội với Hoa Thịnh Đốn.
“Hiện Liên bang Nga đứng thứ 26 về thị trường xuất khẩu và thứ 22 về thị trường nhập khẩu của Việt Nam,” TTXVN kể. “Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Liên bang Nga đạt $3.5 tỷ, trong đó xuất khẩu đạt $2.1 tỷ, nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga đạt $1.4 tỷ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…”
Trong khi đó mậu dịch hai chiều năm 2017 giữa Việt Nam với Trung Quốc tới hơn $93 tỷ với hy vọng đạt $100 tỷ năm nay. Hà Nội hy vọng từ chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng có thể năng kim ngạch thương mại giữa Nga với Việt Nam lên được $10 tỷ vào năm 2020, tức một phần mười của thương mại song phương Việt Nam với Trung Quốc có thể đạt năm nay.
Phần lớn trang bị quân sự của CSVN đến từ Nga, một phần vì quen thuộc truyền thống thầy trò, phần vì giá cả và tín dụng dễ dãi hơn, rẻ hơn nhiều so với võ khí của các nước tây phương dù biết phẩm chất thua sút.
“Lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử.” TTXVN kể lể. Chế độ Hà Nội vẫn bám chặt vào chủ nghĩa Mác-Lê trong khi Nga đã quay đầu lại từ thập niên 1990 nhưng còn độc tài, không theo kiểu mẫu dân chủ Tây phương.
Theo hãng tin Nga Sputnik, khi ông Trọng đến Moscow “trong quá trình hội đàm dự kiến xem xét những nội dung then chốt của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt, cũng như các vấn đề thời sự bức thiết của khu vực. Cũng sẽ ký kết hàng loạt văn kiện song phương đã được chuẩn bị.” (TN)

Ngô Thanh Tú KỂ VỀ VỤ BẮT CÓC VÀ TRA TẤN NGÀY 30/8


Bắt cóc, tra tấn, đánh hội đồng người không có một tấc sắt trong tay (bất kể là ai, thanh niên, phụ nữ, người tàn tật), cướp điện thoại, laptop, đôi khi cướp cả chút tiền lẻ…là những trò thường xuyên của đám công an côn đồ, cánh tay phải của nhà cầm quyền VN đối với những ai dám lên tiếng. Đừng nói với tôi về tội ác của phát xít hay các tổ chức khủng bố cực đoan Hồi giáo, đảng cộng sản VN không chỉ tàn ác, man rợ không thua gì họ mà còn chơi hèn hơn, chơi “bẩn” hơn họ nhiều! Hành xử với dân kiểu này, nếu một ngày người dân thức tỉnh thì đừng hy vọng sẽ có một sự chuyển giao quyền lực êm ả! (Song Chi)
Ngô Thanh Tú (SN 1982), còn có nick là Thiên Sầu hay Tào Lao, tham gia hoạt động ủng hộ dân chủ- nhân quyền cho Việt Nam từ rất sớm, có lẽ trước cả khi phong trào dân chủ bắt đầu lan rộng trên nền tảng mạng xã hội Yahoo! 360. Anh được biết đến như một trong những thành viên đầu tiên và trẻ tuổi nhất của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do (thành lập tháng 9/2007).
Tham gia sớm nên anh cũng bị đàn áp từ sớm. Sau những cuộc biểu tình bị dập tắt ở Sài Gòn và Hà Nội mùa đông năm 2007, Câu lạc bộ Nhà báo Tự do bị công an thẳng tay đàn áp, các thành viên bị săn lùng. Với những thanh niên trẻ như Ngô Thanh Tú, cuộc sống trở nên đặc biệt khó khăn. Tuy thế, chưa bao giờ anh ngừng việc ủng hộ dân chủ-tự do cho Việt Nam, ít nhất là bằng các bài viết bày tỏ thái độ, chính kiến rõ ràng.
Nhưng có lẽ cũng vì tham gia sớm quá, khi phong trào dân chủ còn lỏng lẻo, ít đoàn kết và ít được biết đến, nên dường như Ngô Thanh Tú cũng như một số bạn trẻ cùng thời của anh bị lãng quên. Hoặc điều đó cũng có thể do anh hiện sống ở Cam Ranh, nơi phong trào dân chủ còn yếu mà an ninh thì rừng rú, man rợ; chúng đã quen với kiểu tư duy “đóng cổng làng, bịt miệng dân rồi trói lại mà đánh”, chẳng ngán gì ai, chẳng sợ gì mà không làm.
* * *
Ngày 30/8 vừa qua, Ngô Thanh Tú bị công an Khánh Hòa bắt cóc giữa đường, đem về đồn tra tấn suốt một ngày đêm, với hình thức man rợ không khác gì thời trung cổ: trấn nước.
Công an còn cướp facebook Ngô Thanh Tú, viết lên đó vài câu mà người nào tinh ý, chỉ cần đọc qua là ngửi thấy sặc sụa mùi văn công an: “Thời gian qua, trên facebook của tôi đã đăng các bài viết có nội dung sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tôi sẽ gở bõ các bài viết của tôi và khuyên mọi người không tiếp tục chia sẻ, bình luận!”.
Công an quên mất rằng bắt chước giọng văn của một người viết thường xuyên và có kỹ năng như Tú là việc rất khó, nhất là với tư duy của những con bò đỏ.
Tuy thế, “nghiệp vụ” đê tiện này của đám an ninh Khánh Hòa vẫn khiến một số người có thể nghi ngờ, e ngại Ngô Thanh Tú vì nghĩ anh đã đầu hàng công an, hoặc facebook của anh đã bị công an kiểm soát. Ngay cả sau khi Tú lấy lại được facebook, vẫn ít ai dám liên hệ với anh.
Giờ phút này, Ngô Thanh Tú vẫn đang phải nằm liệt giường. Anh ở cùng mẹ, ngôi nhà của hai mẹ con ở Cam Phước (Cam Ranh, Khánh Hòa) bị công an theo dõi nghiêm ngặt khiến anh gần như bị cô lập trong tình trạng sức khỏe yếu, đau khắp người, và không đi khám được vì… đang dịp lễ 2/9.
Dưới đây là câu chuyện Ngô Thanh Tú kể lại.
* * *
VỀ VỤ BẮT CÓC NGÀY 30/8
Khoảng gần 15h ngày 30/8, tôi chở người bạn đi từ xã Cam Phước Đông xuống thành phố Cam Ranh để đưa bạn mình về.
Đến khu vực gọi là Bồn Phân, cách đường Quốc lộ 1A khoảng 700m liền bị 2 thanh niên chạy trên chiếc Exiter Yamaha chặn lại. Cảm nhận điều không hay, tôi quay đầu bỏ chạy được hơn 100m thì bị đuổi kịp. Tại đó, tôi nhận ra khoảng từ 6-7 người bao vây lấy tôi. Một trong số họ là thanh niên cao lớn kẹp cổ khiến tôi thở không được. Những người khác bẽ tay, ghì người tôi xuống đất. Họ lấy luôn cả chiếc điện thoại mà tôi mang trong người.
Sau đó, tôi bị khống chế đưa lên xe đưa về trụ sở Công an thành phố Cam Ranh. Tại đó, họ đưa chiếc laptop ra và buộc tôi phải thừa nhận Facebook là của mình. Tôi không thừa nhận liền bị 4 người liên tục đánh đập vào đầu, cổ, vai, hai bên hông, tay và chân. Họ buộc tôi phải thừa nhận Facebook mà họ đưa ra là của tôi. Tôi vẫn không thừa nhận. Lúc này, Đồng-người đội trưởng An ninh của công an thành phố Cam Ranh đã ra lệnh cho những người khác “nhận nước” tôi. Ngay tức thì, người thanh niên to lớn kẹp cổ, hai người khác bẽ tay tôi, còn một người khác đấm vào hông, sườn và một người đi đổ nước vào trong chiếc ly nhựa. Họ liền đổ ly nước vào mặt tôi để tôi phải sặc nước.
Tôi đã phải bị tra tấn, chửi rủa, miệt thị như vậy từ khi bị bắt cóc cho đến hơn 19h thì được đưa lên xe hơi đưa ra công an tỉnh Khánh Hòa (thành phố Nha Trang) để làm việc.
Tại Nha Trang, tôi làm việc liên tục từ hơn 20h tối cho đến 0h15 phút ngày 31/8. Sau đó, tôi được họ đưa đi ngủ tại một hội trường với hai viên cảnh sát túc trực. Ban đầu, những người này tỏ ra vô hại, nhưng càng về khuya, họ liên tục tạo ra âm thanh khiến tôi và họ không thể ngủ được. Nguyên cả đêm hầu như tôi thức trắng.
Đến khoảng 6h30 sáng, ho đưa tôi lên phòng để làm việc tiếp. Buổi làm việc liên quan đến tài liệu được cho là của đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa có đóng dấu “Mật” được rò rỉ trên Internet trước đó. Tôi thấy nó trên Facebook, lưu lại và chia sẽ trên Facebook cá nhân của mình. Họ muốn cáo buộc tôi đã phát tán tài liệu mật.
Đến khoảng gần 20h tối ngày 31/8, công an tỉnh Khánh Hòa nói đã làm việc xong, họ bàn giao tôi cho công an thành phố Cam Ranh. Hai viên công an thành phố Cam Ranh đưa tôi về bằng xe hơi. Tại trụ sở công an, họ buộc tôi phải viết bản cam kết theo ý muốn của họ. Khi tôi không đồng ý, họ liền đánh đập tôi.
Đến khoảng 22h tối, họ đưa tôi xuống xe hơi và nói cho về. Trên xe có ba người, một người lái xe, một người ngồi bên trái và một người ngồi bên phải tôi. Người bên phải bốc mùi rượu. Khi xe vừa lăn bánh ra khỏi trụ sở công an, người ngồi bên phải liên tục đánh vào đầu, vào mặt tôi, trong khi người ngồi bên trái dùng tay ghì người tôi xuống cho người bên phải đánh. Họ đánh liên tục trên đoạn đường dài 1km. Sau đó họ thả tôi xuống ngã tư gần đó và tôi đón taxi để đi về nhà.
Hiện tại, cơ thể tôi ê ẩm, đau nhức nhưng chưa thể đi khám được vì đang trong ngày nghỉ lễ ở Việt Nam.
Cam Ranh ngày 2/9/2018.

Viết cho đồng bào tôi !


Võ Hồng Ly FB
ù ngày hôm qua chúng ta đã không thể tập hợp, vì nhà cầm quyền đã quyết tâm dập tắt mọi sự tập trung ôn hòa bằng cách triển khai một lực lượng an ninh trấn áp khổng lồ, nhưng tấm lòng của chúng ta dành cho Tổ Quốc thân yêu vẫn còn đó !
Dù ngày hôm qua chúng ta không nhìn thấy những bước chân bất khuất và kiêu hãnh trong khí thế hào hùng của ngày 10/06 lịch sử vừa rồi nhưng bạo lực, dùi cui và kể cả nhà tù cũng sẽ không bao giờ dập tắt được những ngọn lửa yêu nước vẫn luôn cháy âm ỉ trong trái tim những người con đất Việt !
Dù ngày hôm qua không có một cuộc tập trung nào có thể diễn ra mặc cho bao nhiêu người trong chúng ta đã khát khao và mong chờ nhưng đối với những người yêu Tự Do và Chính Nghĩa thì chúng ta đã không thua trong trận chiến này !
Chính hình ảnh của lực lượng an ninh dày đặc đằng đằng sát khí, được trang bị đến tận răng, trong không khí căng thẳng bao trùm với những hàng rào kẽm gai để chào mừng ngày đất nước có được độc lập, tự do đã tự nó tố cáo với thế giới rằng Việt Nam có thật sự độc lập và có thật sự được tự do sau 73 năm cai trị của triều đại cộng sản hay không !
Chúng ta có thể buồn vì những tiếng nói Tự Do đã không thể cất lên nhưng chúng ta không nên tuyệt vọng ! Hình ảnh hào hùng và đầy khí thế của ngày 10/06/2018 vừa rồi đã cho ta thấy được tiếng nói thật sự của lòng dân và phải được coi là động lực, là một cánh cửa để giúp chúng ta bước sang một giai đoạn khác của cuộc tranh đấu. Chúng ta vì thế đừng chỉ ngoái nhìn những khoảnh khắc đẹp đẽ đó để rồi cứ mang ánh hào quang ấy mà tiếc nuối cho sự “xám xịt” của ngày hôm nay !
Hãy cứ nhìn thẳng về phía trước và cùng nhau bước đi vì dòng chảy tự nhiên của thời đại vẫn đang tiếp tục di chuyển! Mỗi bước đi tích cực của chúng ta sẽ tạo ra năng lượng góp phần vào sự vận hành hiệu quả của dòng chảy đó. Trên thực tế, thế giới và vũ trụ của vạn vật vẫn luôn vận động bất kể tâm lý của chúng ta thế nào, chấp nhận đi tiếp hay bỏ cuộc. Tuy nhiên, sẽ không có một lý do nào có thể biện hộ cho việc tự chúng ta lại biến mình thành vật cản của dòng chảy thời đại khi chúng ta luôn mang trong mình những khát khao, mơ ước về sự thay đổi.
Có nhiều anh chị em của chúng ta đã bị bắt đi. Sẽ có nhiều anh chị em của chúng ta còn bị đàn áp và phải chịu chung số phận tù đày với những người anh chị em khác đã và vẫn đang còn bị giam cầm nơi lao tù cộng sản. Chúng ta xót thương và cầu nguyện cho họ mỗi khi chúng ta nghĩ đến họ. Nhưng thay vì chỉ cầu nguyện, hãy cùng nhau bước ra bên ngoài để chung tay lấy đau thương mà anh chị em chúng ta đang phải gánh chịu thành vũ khí đấu tranh để giúp cho chúng ta tìm lại được tự do không những cho dân tộc, cho các anh chị em của chúng ta mà còn cho chính con cháu của chúng ta sau này !
Hôm nay là ngày thứ 21 anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực. Anh đang dùng chính sinh mạng, tài sản duy nhất cuối cùng của anh nơi ngục tù tăm tối, để đòi Công Lý và Thượng Tôn Pháp Luật cho chính chúng ta. Dẫu biết rằng cộng sản độc tài sẽ thà hy sinh tính mạng của anh Thức còn hơn là để mất chế độ, nhưng anh Thức vẫn sẵn sàng chấp nhận tất cả để được sống đến cùng với lý tưởng của chính mình và cũng là sứ mệnh lịch sử mà cá nhân anh tự thấy phải có trách nhiệm gánh vác cho dân tộc này.
Anh Thức và các anh chị em đang phải chịu giam cầm và chịu những đòn trả đũa trực tiếp của nhà cầm quyền mỗi ngày đã không chịu khuất phục trước độc tài thì có lẽ gì chúng ta lại chấp nhận buông xuôi khi bản thân mỗi người vẫn còn đang là những tù nhân dự bị trong nhà tù lớn của chế độ ?
Chẳng phải ngẫu nhiên mà các nước phát triển đã lấy Tự Do, Dân Chủ, Nhân Bản và Quyền Con Người làm thước đo chuẩn mực của thế giới văn minh tiến bộ. Không có một giá trị quý giá cao đẹp nào của loài người là tự nhiên mà có. Nó chính là kết quả của cả một quá trình hy sinh, đấu tranh, xây dựng và gìn giữ không ngừng nghỉ của biết bao thế hệ !
Dù nhà cầm quyền CSVN đã cố gắng bẻ lái con tàu dân tộc đi ngược lại với lộ trình tự nhiên thì trách nhiệm của chúng ta là phải điều chỉnh hướng lái, thậm chí giành lại quyền cầm lái thay vì chấp nhận chờ chết khi vách núi đá đã hiện ra sừng sững trước mắt…
Đừng tuyệt vọng, đồng bào tôi ơi, khi một phút cũng có thể làm thay đổi cục diện của lịch sử ! Điều quan trọng hơn tất cả là chúng ta sẽ luôn có thể ngẩng cao đầu vì đã được sống và cống hiến trong những thời khắc của lịch sử khi dân tộc đang cần chúng ta nhất ! Love you, all ! ❤️
——-
Cảm ơn anh Kiet le Van đã chia sẻ hình ảnh này. Hồng Ly xin lỗi vì không nhớ tên người đã chế tác nhưng xin cảm ơn tác giả thật nhiều !

Bàn chuyện chính trị

Chính trị là gì? Là những gì liên đến quyền lực nhà nước. Đối tượng nó tác động là toàn dân, mà đối tượng để nó tồn tại cũng là toàn dân. Như vậy từ khi con người sống có tổ chức thì công tác chính trị đã hình thành. Phương pháp mưu cầu quyền lực nhà nước, người ta gọi là làm chính trị. Chỉ đơn giản là vậy. Thế mà ngày 04/07/2015 ông Nguyễn Phú Trọng ký quyết định số 09-QĐ quy định tiêu chuẩn cán bộ cấp uỷ viên TW là “tuyệt đối không tham vọng về quyền lực”. Nghe nực cười thế nào ấy. Ông Trọng chả hiểu gì về bản chất chính trị cả. Học cả đời với mớ lí luận Mác Lê chỉ hiểu đến đấy.
Thực chất, sự phát triển của một đất nước, sự hùng cường của một quốc gia, trí tuệ của một dân tộc nó phụ thuộc vào bản chất của nền chính trị. Khi nền chính trị kém, vạn chuyên gia kinh tế tế giỏi cũng đầu hàng, triệu bác học thông thái cũng chào thua. Đất nước vẫn ì ạch. Nước Nga là ví dụ, nguồn chất xám của nước Nga rất tuyệt, tuyệt trong mọi lĩnh vực, từ khoa học, âm nhạc, đến văn học vv…đều rất đỉnh. Nhưng nước Nga đã thua Hàn Quốc trong bài toán đưa đất nước đến thịnh vượng. Cơ bản, 2 nước này khác nhau về chất lượng nền chính trị. Chỉ thế thôi.
Trong giáo dục XHCN, những ông viết sách chính trị phân loại chính trị bằng cách dán mác vào các nền chính trị trên thế giới một cách vô cùng phiến diện. Họ phân thế giới thành XHCN và TBCN rồi sau đó tự vẽ rồng vẽ rắn những gì Mác nói, những gì Lê viết và mặc định XHCN tiến bộ hơn. Hàng loạt đầu óc sinh viên bị nhồi sọ cũng nhiễm theo cách phân loại của đám viết sách vô minh ấy nên cũng vô minh y hệt như mấy ông tiến sỹ Mác Lê đó vậy.
Trước 1975, miền Nam phân phía bắc vĩ tuyến 17 là CS và phía họ – phía nam vĩ tuyến 17 là tự do. Cách phân loại đó nó nói lên hiện trạng xã hội 2 phía. Phía bắc mất tự do, phía nam người dân có tự do hơn. Nhìn về xã hội, tôi thấy cách phân biệt này đúng. Nó nói lên bản chất của nền chính trị ấy, chứ không phải kiểu dán nhãn rồi tự huyễn hoặc như cách giáo dục chính trị của phía CS.
Thực chất, lịch sử các nền chính trị trên thế giới xét từ cổ chí kim theo tôi nhìn nhận nó chỉ có 2 loại. Loại chính trị hỗ trợ và loại chính trị loại trừ nhau.
Loại hình chính trị hỗ trợ là gì? Đó là những đảng phái đứng chung nhau trong cùng nhà nước. Giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập là sự bổ trợ. Đảng cầm quyền được đảng đối lập làm cho trong sạch hơn bằng những chỉ trích. Nhân dân có quyền chọn nguyên thủ và người đại diện cho mình trong nghị viện bằng lá phiếu. Có quyền truất phế bất kỳ cá nhân quyền lực nào bằng lá phiếu trưng cầu dân ý và quyền biểu tình. Rõ ràng nền chính trị này là tầng tầng lớp lớp bổ trợ nhau, đảng này bổ trợ đảng khác, nhân dân bổ trợ sự khiếm khuyết nhà nuớc và hiệu chỉnh nhà nước hoàn hảo hơn. Môi trường chính trị này nó sẽ phát huy sức mạnh dân tộc, nâng cao tiềm lực đất nước và tạo sự ổn đinh vững bền. Đó là bản chất của loại hình chính trị các nước tự do.
Loại hình chính trị loại trừ. Điển hình là loại phong kiến tập quyền, và Cộng Sản. Khi nó đến, mục đích là tiêu diệt khác biệt và tạo sự phục tùng. Lịch sử phong kiến là sự chiếm lĩnh một tập đoàn chính trị mới nổi và song song đó là ra tay làm cỏ những người của tập đoàn chính trị cũ. Nhà Trần khi chiếm ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ cho làm cỏ dòng dõi nhà Lý. Cộng Sản du nhập vào Việt Nam, nó làm cỏ mọi tổ chức chính trị khác. Bản chất của nền chính trị CS và Phong kiến tập quyền ngàn năm trước là một, chỉ khác nhau tên gọi. Giữa nhà nước và nhân dân cũng thế, nhân dân hoàn toàn không có một quyền nào để tương tác với nhà nước cả. CS xuất hiện, thì nó loại trừ mọi quyền mà người dân đáng ra phải được hưởng. Các quyền hiến định cho dân chỉ để lừa gạt. Cho nên, trước tư tưởng chính trị khác, CS diệt ngay. Trước đòi hỏi chính đáng của dân, CS đàn áp ngay. Đó là nguyên nhân đất nước không thể phát triển về mọi mặt. Bởi vì, CS chỉ có làm mỗi một việc, bóp nghẹt và tiêu diệt thì mầm móng tiến bộ nào phát triển được? Đó là lý đó vì sao, còn CS đất nước không thể phát triển.
Sự quan tâm đến chính trị của người dân có mạnh hay không nó sẽ quyết định tính sống còn của dân tộc đó. Với Việt Nam, trước mắt, sự quan tâm đến chính trị sẽ tạo cho dân tộc có đề kháng trước hiểm nguy. Formosa xả độc, biểu tình. Luật Đặc Khu đem ra quyết, dân biểu tình làm CS chùn tay. Luật Đặc Khu chưa bị dẹp bỏ hoàn toàn thì biểu tình đòi bỏ hẳn. Như cơ thể con người nhạy phản ứng trước độc tố xâm nhập. Chính sự quan tâm đến chính trị nó quyết đinh dân tộc này sẽ trường tồn hay biến mất. Chuyện thờ ơ chính trị không đơn giản. Nếu không cải thiện nó là tiếng chuông báo tử cho dân tộc đó.
Mọi hướng giải quyết cho đất nước đều bắt đầu từ sự đánh thức lòng dân. Khi dân biết quan tâm đến chính trị, thì dân tộc sẽ dẹp được rào cản đầu tiên đó là CS. Khi người dân biết quan tâm đến chính trị thì đất nước sẽ ngăn độc tài trở lại thời hậu CS. Khi người dân biết quan tâm đến chính trị, thì đó là nền tảng để xây dựng một nền chính trị dân chủ, tự do, công bằng, bác ái để cùng với những nước tự do tiến lên văn minh tiến bộ./.

Tiếng Việt của Bùi Hiền!


CTM Media – Được biết bất chấp sự phản đối mãnh liệt và rộng khắp của dân chúng, Bộ Giáo Dục đã âm thầm xúc tiến việc dạy tiếng Việt theo kiểu của ông Bùi Hiền.
Dưới đây là một trong những phản ánh của người dân.

“Tự do”, “hạnh phúc” từ 1945 đến nay vẫn chỉ là bánh vẽ

Fb. Trương Nhân Tuấn|

Hôm nay ngày Độc lập, cả nước “ăn mừng”. Nhưng còn “tự do và hạnh phúc” chừng nào người dân mới được “ăn mừng” ? Không thấy “thức giả” nào đặt vấn đề một cách nghiêm túc với đảng và nhà nước.
Đánh Pháp giành độc lập là công lao của cả dân tộc. Đảng cộng sản “phất cờ”, người dân tụ hội về theo. Nhưng từ khi Pháp đặt chân vào đất nước Việt Nam là dân tộc VN đã đánh Pháp. Dầu vậy ta không tranh luận về công lao của đảng cộng sản.
Vấn đề là những thế hệ “có công”, từ thời đánh Pháp sang thời đánh Mỹ, tất cả lần lượt “lên bàn thờ” từ lâu. Ông Hồ, ông Giáp, ông Đồng, ông Chinh, ông Duẩn, ông Thọ… đều ra người thiên cổ. Tất cả những người cộng sản hiện nay, từ ông Trọng cho tới ông Phúc, bà Ngân, ông Quang, ông Minh…. chẳng ai có công lao gì trong công cuộc đánh Pháp đuổi Mỹ hết cả.
Dưới chế độ phong kiến đế quyền, “quyền lực” cha truyền con nối. Dưới chế độ cộng hòa, “quyền lực quốc gia” không có kế thừa. “Quyền lực quốc gia” thuộc về toàn dân.
Đảng cộng sản hôm nay không còn là đảng cộng sản của những năm 1945.
Mục đích của đảng cộng sản ngày trước có các tiêu chí rõ rệt “đánh Pháp” giành độc lập. Sau đó “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” giải phóng miền Nam thống nhứt đất nước.
Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước thực hiện các tiêu chí này. Tức là tính “chính danh” của việc “kế thừa quyền lực” trong đảng không ai dị nghị.
Những người cộng sản hôm nay, họ dựa vào tiêu chí nào để tiếp tục lãnh đạo đất nước ? Hoàn toàn không có!
Công lao họ không có. Mục tiêu “tiến lên xã hội chủ nghĩa” mịt mờ, “không biết 100 năm nữa có tới hay chưa” ?
Ngay cả mục tiêu XHCN mà họ không thể hoạch định ra được, thì họ lãnh đạo để đưa đất nước và dân tộc về đâu ?
Người đảng viên cộng sản ngày nay cũng khác một trời một vực so với đảng viên thời trước.
Lý tưởng “công bằng xã hội”, hàng hà sa số thế hệ thanh niên vô sản trên thế giới đã đổ máu để thực hiện tiêu chí này. Đảng viên ngày nay “phải biết làm giàu”. Bản chất “cộng sản Việt” đã thay đổi, từ bảo vệ thành phần bị bóc lột trở nên thành phần bóc lột. Từ vô sản chân chính trở nên tài phiệt lưu manh.
Lý tưởng không còn, nếu không nói là phản bội lại lý tưởng. Bản chất đổi trắng thay đen. Vậy những người cộng sản Việt dựa vào lý do nào để tiếp tục giành quyền lãnh đạo đất nước ?
Trong chế độ cộng hòa, không có vụ kế thừa quyền lực.
Mỗi lần thắp nhang ông Hồ ở lăng Ba Đình, họ có cảm thấy hỗ thẹn vì việc phản bội giai cấp, phản bội lý tưởng hay không ?
“Tự do”, “hạnh phúc” từ 1945 đã là cái bánh vẽ. Bẩy thập niên sau hai “tiêu chí” đó vẫn chỉ là hai cái bánh vẽ.
Mà vụ cho phép sử dụng đồng Nguyên (Yuan) như là một tiền tệ chính thức xài song song với tiền Đồng, ta thấy là “nền độc lập” của VN đã không còn nguyên vẹn. Chính sách tiền tệ của VN từ nay lệ thuộc vào các quyết định ở Bắc Kinh.
Máu xương của 4 triệu người Việt đổ xuống không phải nhằm “kê ghế” cho đảng viên cộng sản ngồi trên cao rồi tuân theo lệnh của Bắc Kinh. Họ đổ ra là để giành “độc lập, tự chủ” cho quốc gia, cho dân tộc./.

Kiến tạo là gì khi môi trường hạch sách, quan liêu và nhiều hơn thế nữa?


Ánh Liên (VNTB)Thỉnh thoảng, báo chí trong nước lại phải báo động về tình trạng chảy máu chất xám, tức người Việt Nam về nước theo diện thu hút nhân tài, nhưng chỉ vài ba năm sau buộc phải ‘tháo chạy trong danh dự’, vì đồng lương và cả vì kiến thức chỉ được sếp giao phó… gõ văn bản, pha cafe!

Biểu hiện nêu trên chỉ là một trong vô vàn những biểu hiện cho thấy, tại Việt nam – cơ chế già cỗi đến mức, kiến thức đi sau kinh nghiệm, mà kinh nghiệm lại đến từ thời gian ngồi ghế. Nếu một ông Chủ tịch bám rễ sâu, hoặc do trình độ/năng lực của ông không có nên không thể được cấp trên ‘luân chuyển’ đi xa hơn, thì mặc nhiên ông có kinh nghiệm tại chính vị trí đó. Và khi một ‘nhân tài’ về giúp việc, kiến thức của họ phải phục tùng cái kinh nghiệm đó.

Người Việt Nam ở nước ngoài rất khó sống ở Việt Nam, vì cơ chế, dĩ nhiên! Nhưng hơn thế, ngay cả người Việt trong nước cũng phải rơi vào những tình thế khốn cùng hơn thế.

Hệ thống quán cơm tấm Kiều Giang đang khiến dư luận xôn xao gần đây, với cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của dàn cán bộ và nhà báo. Kết quả, hệ thống cơm này đã bị ‘đánh’ trên truyền thông (tức chưa có kết luận chính thức nhưng Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã công bố các thông tin trong quá trình thanh tra khiến cơ sở cơm tấm Kiều Giang bị ảnh hưởng nặng nề) trước khi bị phạt 2,3 triệu đồng vì những lý do cực kỳ vớ vẩn.

Nghiễm nhiên, nếu không có sự tỉnh táo của một bộ phận nhỏ dư luận, hệ thống cơm tấm Kiều Giang sẽ bị sập tiệm ngay sau đó.

Chiêu trò kiểm tra này được nhà báo Bạch Hoàn vắn tắt vào cụm từ ‘chụp mũ, đấu tố, băm vằm’. Và những hành vi này tiếp tục nhằm vào các thương hiệu Việt.

Vấn đề là, nếu một thương hiệu làm ăn giả dối vẫn sống nghiễm nhiên, trong khi ngược lại có thể bị đánh úp bất cứ khi nào. Vì sao, tại sao như thế? Điều này có lẽ nằm ở tính chất thực tế của những đoàn thanh kiểm tra tại Việt Nam, mà dân gian hay kháo nhau là: Thanh cha (giọng Bắc của Thanh tra), thanh mẹ, thanh dì/ Hễ có phong bì ông cứ thanh you.

Trong bài viết ngày 2.9, nhà báo Mai Quốc Ấn đã đăng tải lại câu chuyện viên gạch với tính năng vượt trội của ông Dũng ‘gàn’ (Bình Dương), và sự ngăn cản của một cán bộ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ nhằm không cho ông ta nói về sự vượt trội của công nghệ. Lý do, ông Dũng ‘gàn’ không có văn hóa dưới bàn, văn hóa mà doanh nghiệp không được tạo môi trường bình đẳng. Cũng chính vì thế mà sau 28 năm, kể từ thời điểm Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời nhằm thể chế hóa chính thức và đầy đủ hơn chủ trương phát triển kinh tế tư nhân (1990), doanh nghiệp Việt vẫn như đứa trẻ phát triển èo uột (vì cơ chế nhũng nhiễu và bất bình đẳng).

Khi các tập đoàn Nhà nước, được chính Nhà nước ưu đãi bằng vốn và cơ chế ‘cạnh tranh độc quyền’, sau một thời gian đã làm nên vô số nợ thì doanh nghiệp tư nhân Việt được đánh giá lại, và coi đây là động lực của nền kinh tế. Cùng lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc lên ngồi ghế Thủ tướng, bắt đầu chuỗi phát ngôn nhằm phổ cập ‘Cách mạng 4.0; Chính phủ kiến tạo’, rất nhiều người đã thực sự có sự kỳ vọng về một sự thay đổi tích cực. Thế nhưng, đến nay, mọi chuyện gần như chưa có quá nhiều biến chuyển ngoài những… lời nói, chỉ đạo chung chung, hay động viên các tỉnh thành. Thậm chí, Chính phủ hiện thời đang tập trung vun vén cho các tập đoàn tư nhân lớn, thay vì một chính sách chung cho cả bộ phận doanh nghiệp tư nhân Việt hay tập trung ứng xử tốt hơn với khối doanh nghiệp tư nhân Việt vừa và nhỏ.
Nhưng mọi chuyện có thể tươi sáng hơn chút, nếu như sự kiện cơm tấm Kiều Giang hay viên gạch của ông Dũng ‘gàn’ được Chính phủ lưu tâm và ‘làm quyết liệt’.
Một là, Chính phủ sẽ có chỉ đạo gì trong làm rõ các sai phạm trong thanh kiểm tra cơm tấm Kiều Giang, khiến doanh nghiệp này mất 30% lượng khách? Trách nhiệm bồi hoàn và xin lỗi như thế nào? Cơ chế đặt ra làm sao để tránh những phiên bản Kiều Giang về sau?

Hai là, Chính phủ cũng sẽ có những chỉ đạo gì đối với Bộ KH&CN, nơi có một cán bộ ‘sách nhiễu’ doanh nhân Dũng ‘gàn’, trong bối cảnh có một doanh nghiệp nước ngoài tìm cách tiếp cận công nghệ gạch mà ông nghĩ ra?
Nếu Chính phủ không có chỉ đạo, hoặc chỉ đạo không sát sâu, thì Chính phủ đã tự hủy hoại bản chất điều hành và vai trò của mình trong đời sống chính trị – kinh tế. Bởi có lẽ, trong khi nền kinh tế đang cần vực dậy, rằng doanh nghiệp tư nhân đang được xem là động lực, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang nhăm nhe thâu tóm các doanh nghiệp Việt vừa mới nổi thì trách nhiệm và nghĩa vụ của Chính phủ Kiến tạo, Chính phủ 4.0 phải là sát cánh cùng với doanh nghiệp đi ra biển lớn, bằng cách tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp trong cạnh tranh về sản phẩm, công nghệ lẫn vốn.
Rõ ràng, việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, môi trường không nhũng nhiễu doanh nghiệp, hay một môi trường mà doanh nghiệp Việt có thể lớn lên bằng nỗ lực lẫn cơ chế phải là trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ này. Chứ không phải suốt ngày ban phát những mỹ từ đẹp đẽ cho các tỉnh thành, đến mức dư luận ngày càng chán ngấy và bắt đầu nghi ngờ sự ‘hoang tưởng’ bên trong Chính phủ ấy.
Khi doanh nghiệp Việt trong nước bị ‘cưỡng bức’ hay đối xử đầy bất công như thế, thì liệu việc kêu gọi người tài trở về qua hội nghị 100 kiều bào gần đây có nghĩa lý gì? Bởi trong nước còn ứng xử như thế, thì ngoại kiều còn sẽ bị vùi dập như thế nào nữa?

Cần nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên, mà là chuỗi dài những ứng xử bất công do môi trường thể chế và cán bộ sách nhiễu mang lại. Trước đó, có rất nhiều doanh nghiệp đã phải từ bỏ cuộc chơi trong sinh nghiệp hoặc thậm chí là chấn hưng nước Việt vì cơ chế bó buộc, cơ chế vùi dập người tài,…

Thử gõ ‘doanh nghiệp Việt méo mặt’ trên Google, sẽ không thiếu những ví dụ mà báo chí liệt kê ra, vì nhiều lý do, trong đó bao gồm cả cơ chế sách nhiễu tạo ra.
Việt nam là mảnh đất tội lỗi, mà cơ chế sách nhiễu là chủ nhân, chính vì thế đây là đất nước không chịu phát triển, như bà Phạm Chi Lan từng chỉ ra.
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cần chứng minh bà Phạm Chi Lan nói sai, và điều đó sẽ tạo nên tính kiến tạo của bộ máy điều hành Nhà nước hiện tại.

Phá hủy giáo dục để trục lợi, bản chất nền giáo dục cộng sản

Fb. Đỗ Ngà|

Năm 2014, Sở GD và ĐT TP. HCM lập dự án 123 trang bị SGK bằng máy tính bảng cho học sinh tiểu học. Dự án này có dự toán 4.000 tỷ đồng được giao cho công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC nhận thầu cung cấp. Mỗi máy tính bảng sẽ được bán cho học sinh với giá từ 3 đến 5 triệu đồng. Mọi người nhìn về ngoài dự án rất là hữu ích. Bởi vì toàn bộ sách giao khoa được tích hợp vào trong máy tinh bảng rất gọn, rất tiện ích.

Mọi chuyện sẽ ổn, nếu không có sự cố. Cùng lúc đó, tại cảng Hải Phòng, có một lô hàng máy tính bảng tích hợp chương trình giáo khoa của Bộ GD VN đóng mác AIC được phía Đài Loan chào bán với giá 900 ngàn/chiếc. Thế là trò gian trá làm tiền trên những học sinh ngây thơ bị lộ. Từ giá 900 ngàn mà đẩy lên giá 4 triệu. Vậy gói thầu 4.000 tỷ của Sở GD TP. HCM được đám quan chức và bọn thầu cung cấp chia nhau 3100 tỷ bỏ túi. Chuyện này rùm beng một thời nhưng đâu cũng vào đấy. Nuốt không trôi thì thôi, chẳng ai bị xử lí.
Rồi hôm nay cũng thế, ông giáo sư Hồ Ngọc Đại vẽ vời ra cách đánh vần vớ vẩn. Rồi hàng loạt sách theo chương trình CNGD ra đời. Bộ GD gởi công văn yêu cầu các sở GD kết hợp với Cộng ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trường phổ thông Công nghệ Giáo dục để thực hiện dạy theo chương trình này. Cũng tương tự đề án 123, vẽ vời để trục lợi phụ huynh trên toàn quốc. Nhưng cái điều khốn nạn hơn, ông Hồ Ngọc Đại và nhóm liên đới đã phá hỏng chữ quốc ngữ, gây khó khăn cho cho hệ thống giáo dục, và làm khó cho học sinh tiểu học để nhằm mục đích trục lợi.
Cuối cùng, chúng ta phải đặt lại câu hỏi , Bộ Giáo Dục và Đào Tạo được lập ra để làm gì? Để xây dựng nền giáo dục tiến bộ cho đất nước hay phá nát nền giáo dục để trục lợi? Hỏi cũng là trả lời, với sự cải tiến cải lùi suốt bao năm qua mà giáo dục vẫn nát, còn quan chức ngành giáo dục thì giàu có trên những tiêu cực ấy. Phá hủy nền giáo dục là sự công phá vào trí lực dân tộc. Thật đáng sợ, đất nước này rồi sẽ không biết hồi phục trí lực bằng cách nào? Cũng tại giáo dục phục vụ chính trị mà ra cả. Cần phải loại bỏ nền chính trị khốn kiếp này thì may ra đất nước mới hồi sinh.

Thêm 7 người của nhóm ‘Triều Đại Việt” bị bắt

Ông Nguyễn Khanh và con trai Nguyễn Tấn Thành bị bắt hồi tháng 7. (Hình: VNExpress)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Thêm 7 người bị cáo buộc liên quan vụ ném chất nổ vào trụ sở công an ở Sài Gòn hồi Tháng 6 mới bị bắt. Họ bị tố là thành viên của nhóm “Triều Đại Việt” trụ sở tại Canada.
Vụ bắt giữ nhóm người vừa kể nằm trong một loạt các hành động của nhà cầm quyền CSVN nhằm đối phó với các thành phần mà họ gọi là ‘chống đối’ có vẻ ngày một nhiều hơn từ những nhóm, tổ chức khác nhau, hoạt động độc lập.
Tờ Công An Nhân Dân của Bộ Công An CSVN cáo buộc rằng vụ ném chất nổ vào trụ sở Công an phường 12 quận Tân Bình ở Sài Gòn ngày 20/6/2018 vừa qua là hành động của nhóm có tên “Triều Đại Việt” ở Canada do ông Ngô Văn Hoàng Hùng cầm đầu “Lấy cờ ngũ sắc làm quốc kỳ, tổ chức này chủ trương bạo động vũ trang, lật đổ Đảng và Nhà nước Việt Nam”.
Vụ nổ làm bị thương 3 người, hư hại phần mặt trước trụ sở và một ít xe gắn máy.
Báo CAND nói nhóm “Triều Đại Việt” ở Canada “do bất đồng quan điểm, một số thành viên cốt cán của tổ chức khủng bố Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời (Đào Minh Quân thành lập năm 1990 tại Mỹ, hoạt động chống Nhà nước Việt Nam) tách ra và thành lập cái gọi là Triều Đại Việt”.
Tờ CAND kể rằng “Đến tháng 6, tổ chức Triều Đại Việt đã chuyển hàng trăm triệu đồng về nước và chỉ đạo nhóm Nguyễn Khanh (được Hoàng Hùng phong chức Tỉnh trưởng khu tự trị Đồng Nai) đứng đầu, chế tạo quả nổ, tấn công trụ sở Công an phường 12 (quận Tân Bình) gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an ninh quốc gia.”
Không những vậy “tổ chức này còn chuẩn bị một lượng lớn vũ khí gồm các quả nổ, kíp nổ lên kế hoạch tấn công khủng bố nhà riêng của một số lãnh đạo địa phương nhưng Nguyễn Khanh và đồng phạm đã bị Công an Sài Gòn phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai bắt hồi đầu tháng 7.” Và “Ngô Văn Hoàng Hùng vẫn tiếp tục chuyển tiền về nước, chỉ đạo các thành viên mua vũ khí, thuốc nổ về để “chờ lệnh”, chuẩn bị “quốc kỳ” băng rôn, khẩu hiệu tham gia biểu tình, bạo loạn khi có thời cơ.”
Trang Facebook của nhóm Triều Đại Việt. (NV căt từ Internet)
Hồi Tháng Bảy, Công an đã bắt ông Nguyễn Khanh (54 tuổi) và con trai Nguyễn Tấn Thành (28 tuổi), Vũ Hoàng Nam (22 tuổi), Dương Bá Giang (47 tuổi) , cáo buộc tội “Khủng bố nhằm lật đổ chính quyền”. Trong đó “Nam là kẻ trực tiếp ném quả nổ vào trụ sở công an. 3 người khác bị cáo buộc tội Mua bán trái phép chất nổ. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ ở nhà Khanh 38 kíp nổ, 8 quả nổ tự chế, 10 kg thuốc nổ TNT…”
Tổng cộng trước sau Công an đã bắt 13 người nhưng chỉ thấy nêu tên 4 người.
Vụ bắt thêm những người của nhóm “Triều Đại Việt” xảy ra chỉ trước ngày chế độ Hà Nội ăn mừng 73 năm ngày cướp chính quyền 2-9. Nhiều lời kêu gọi dân chúng cả nước đi biểu tình ngày 2-9 chống nhà cầm quyền và đảng CSVN. Chế độ Hà Nội đã đưa cả đơn vị quân đội vào thành phố Hà Nội phòng ngừa biểu tình bạo động trong khi thành phố Sài Gòn cũng tăng cường dày đặc đủ mọi lực lượng chống biểu tình.
Cùng với vụ bắt nhóm người “Triều Đại Việt” một số người khác cũng đã bị bắt với các cáo buộc từ “Tuyên truyền chống nhà nước…” đến “Âm mưu lật đổ…”
Ông Đoàn Khánh Vinh Quang, 42 tuổi, và ông Bùi Mạnh Đồng bị công an Cần Thơ bị bắt vì “có hành vi đăng tải bài viết, hình ảnh nói xấu, bôi nhọ đảng CSVN, nhà nước, Quốc Hội.” Ông Lê Quốc Bình, 44 tuổi, bị công an Bình Định bắt với cáo buộc tàng trữ 7 súng trường và 500 viên đạn mà ông ta mua từ Cam Bốt nhằm “gây xáo trộn ngày lễ độc lập”. Nhiều facebookers nghi ngờ sự cáo buộc có nhiều dấu hiệu gượng ép. Đồng thời, công an Bến Tre bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Ánh, 38 tuổi, một nông dân nuôi tôm với cáo buộc “kêu gọi biểu tình” chống chế độ.
Từ đầu năm 2018 đến nay, ít nhất có 28 người từ sử dụng mạng xã hội Facebook bầy tỏ chính kiến trái chiều đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù. Người bị kết án nặng nhất là ông Lê Đình Lượng ở Nghệ An với 20 năm tù. (TN)