Tuesday, April 11, 2017

Chuyện nông dân nhờ sinh viên bán dưa hấu

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2017-04-11  
Một điểm sinh viên bán dưa giúp bà con nông dân Quảng Ngãi.
Một điểm sinh viên bán dưa giúp bà con nông dân Quảng Ngãi.  RFA photo
Ở vấn đề thứ nhất, bởi Việt Nam là xứ sở có thời tiết rất phù hợp để cây dưa hấu phát triển. Chính vì vậy, chất lượng và chủng loại dưa cũng phong phú. Giá dưa hiện tại tiêu thụ trong nước cũng tương đối cao với mặt bằng chung là 5 ngàn đồng mỗi ký lô. Thế tại sao dưa của nông dân Quảng Ngãi bán ra thị trường cũng với giá 5 ngàn đồng thì phải nhờ đến sinh viên thiện nguyện?
Chất lượng nông sản kém
Một khách hàng mua dưa tên Mai chia sẻ: “Dưa này không được ngon nhưng thương mấy đứa sinh viên nên mua giùm. Chứ dưa này họ đưa qua Trung Quốc bán, khi mà Trung Quốc không mua mới đưa về lại mình, nhờ mấy đứa sinh viên đi bán, nên tôi rất chi là thương mấy đứa sinh viên."
Bà Mai cho biết thêm là chất lượng dưa của nông dân Quảng Ngãi rất kém, không ngọt, màu không đỏ như dưa nơi khác và nhìn chung là không hấp dẫn. Điều này làm bà nhớ đến nải chuối mà bà đã mua ủng hộ nông dân Đồng Nai khi bà thăm con gái ở Sài Gòn. Bà chưa bao giờ gặp một loại chuối ba hương có chất lượng kém như nải chuối bà đã mua với giá cao vì nghĩ rằng đây là mua ủng hộ. Và trái dưa hấu bà mua bây giờ cũng vậy, giá nó cao ngang với những trái dưa có chất lượng tốt trên thị trường.
Như vậy, vô hình trung, những bạn trẻ làm thiện nguyện bị biến thành những con người tiêu thụ rác nông nghiệp trong trò chơi đỏ đen với thương lái Trung Quốc mà một số nông dân Việt Nam đã lựa chọn. Bởi lẽ cả dưa và chuối mà bà Mai đã mua đều có chung đặc tính là trọng lượng nặng hơn so với các giống dưa, chuối khác, năng suất cao hơn, số lượng trái nhiều hơn nhưng lại cho chất lượng kém hơn.
Và người nông dân đã chọn chủng loại giống này để xuất cho Trung Quốc theo yêu cầu của họ. Khi các thương lái Trung Quốc lật kèo, không mua nữa thì loại nông sản này chỉ đem đổ chứ không thể tiêu thụ nơi thị trường Việt Nam được. Lúc không thể bán được cho người trong nước với giá bình thường như mọi trái cây khác, người ta bắt đầu kêu cứu và nhờ đến các nhóm thiện nguyện. Và người mua cũng vì thương nông dân, thương các nhóm thiện nguyện mà mua chứ không có mấy ai hài lòng về chất lượng thứ mà mình mua về. Đó là sự thật!
Trong khi đó, với tinh thần trẻ trung, nhiệt huyết và chia sẻ, hầu hết các sinh viên khi nghe tin người nông dân gặp khó khăn thì chẳng từ nan bất cứ việc gì, sẵn sàng xắn tay giúp đỡ.
Một bạn sinh viên tên Hải, bán dưa hỗ trợ bà con nông dân, chia sẻ: “Tụi em rất hiểu hoàn cảnh khó khăn của nông dân Quảng Ngãi. Họ đang lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn khi dưa không bán được. Tụi em muốn góp sức trẻ của mình để giúp nông dân vượt qua khó khăn này. Mong mọi người cũng chung tay giúp đỡ. Về giá ở đây thì chỉ 4 ngàn đồng mỗi ký. Nếu bán được bao nhiêu thì đưa lại cho người dân hết. Chi phí thì tụi em tự lo.”
Bạn nữ sinh viên tên Diệp, chia sẻ thêm: “Tụi em rất vui, nhất là khi bán được trái nào. Mỗi ký thì giá 4 ngàn, bán được bao nhiêu thì tụi em đưa lại cho người dân, không lấy tiền lời. Chi phí ăn uống, vận chuyển thì tụi em tự lo. Tụi em cũng có thể bán đắt hơn hoặc rẻ hơn, vì bán theo tinh thần tự nguyện nên cũng có nhiều người trả giá cao hơn. Tụi em làm trên tinh thần thiện nguyện.”
Nông dân nên rút kinh nghiệm
620-duahau-400.jpg
Giống dưa nông dân Quảng Ngãi trồng. RFA photo
Theo hai bạn trẻ này, việc học tập của các bạn rất bận rộn nhưng vì tinh thần lá lành đùm lá rách, vì thương những người nông dân khốn khó, thua lỗ và nghĩ đến tương lai học hành của con cái trong gia đình họ nên các bạn tạm gác việc học hành trong vài ngày để làm thiện nguyện, đi bán dưa giúp bà con nông dân.
Và mùa thi học kì đang đến, mất vài ngày để bán dưa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc ôn luyện bài thi. Nhưng các bạn vẫn quyết tâm giúp đỡ bà con nông dân vì các bạn tin rằng với lời kếu gọi “mỗi trái dưa một tấm lòng” sẽ giúp bà con đỡ khốn khổ trong vụ mùa này. Bởi dưa chín nếu bán không kịp sẽ thối và chỉ cần một trận mưa giông kéo qua thì sau một đêm, dưa nứt khắp ruộng, không xài được nữa.
Sau buổi trò chuyện với các bạn sinh viên bán dưa hỗ trợ bà con nông dân tại các điểm bán dưa rải rác khắp miền Trung, chúng tôi thật sự mừng vì vẫn có rất nhiều bạn trẻ nhiệt thành và biết nghĩ cho người khác. Nhưng cũng qua đây, chúng tôi xin gửi đến giới hữu trách Việt Nam lời khuyên: Các vị nên rút kinh nghiệm, khuyến cáo nông dân nên trồng loại nông sản nào để đảm bảo không bị Trung Quốc chơi xỏ nữa.
Và người nông dân cũng nên rút kinh nghiệm, trồng những loại nông sản có chất lượng tốt để phục vụ thị trường Việt Nam, đừng trồng trọt kiểu ăn xổi để chơi với thương lái Trung Quốc, đến khi bị họ lật kèo thì cầu cạnh đến lòng tốt của các bạn trẻ. Bởi lòng tốt không phải lúc nào cũng có sẵn để nâng đỡ cho những cú ngã của người thiếu cẩn thận và coi thường đôi chân của mình!
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/farmers-call-student-f-sell-water-melon-ttvn-04112017081316.html/04112017-tbanduahau-tvn.mp3

Bố nó là công an

04/09/2017 - 21:22 — truongduynhat
- (Biếm hoạ của: Bomttd).
Chuyện sáng nay, trước cổng một trường cấp 1. Thương cho những đứa trẻ, cổ còn đeo khăn quàng. Bố nó là công an.
- Bố mày độc ác!
- Bố mày mới ác độc. Bố tao làm cảnh sát giao thông, chỉ giữ gìn trật tự giao thông thôi!
- Nhưng hôm qua trên mạng đưa ảnh bố mày túm tóc lôi phụ nữ, đánh vỡ đầu người ta.
- Đó là tại bà bán hủ tiếu ấy lấn chiếm vỉa hè!
- Lấn chiếm vỉa hè thì nhắc nhở thôi, sao kéo đầu lôi tóc đánh người như du côn vậy?
... 
- Bố mày đánh người biểu tình nữa. Hôm qua trên mạng tung ảnh bố mày đánh người biểu tình đấy.
- Có phải bố tao đâu. Người ta bảo đó là bọn du côn, lưu manh vô học nào đấy, chứ không phải bố tao.
- Du côn gì, tao nghe trên mạng bảo đó là bố mày. Bố mày giả dạng du côn. Giả mặc thường phục, che mắt bịt miệng nhưng người ta vẫn nhận ra đấy là bố mày. 
- Thế bố mày thì sao? Bố mày làm quản giáo. Người ta bảo quản giáo đánh cả tù. Quản giáo là đồ ác độc. Trên mạng họ chửi thế đấy! Bố mày là quản giáo. Bố mày mới là đồ ác độc. Đồ con nhà ác độc!
- Mày ác độc, bố mày ác độc. Trên mạng nó bảo bố mày là du côn, một lũ du côn. Cảnh sát du côn, công an du côn. Bố mày là đồ du côn!
- Bố mày du côn. Mày ác độc. Bố mày ác độc. Hu hu hu...
Hai đứa lao vào nhau. Vừa chửi vừa lôi áo giật tóc, hu hu khóc. Chẳng hiểu vì chuyện gì.
Can xong, xoa đầu hai đứa, tôi hỏi:
- Bố cháu làm gì, cảnh sát giao thông à? Còn bố cháu, quản giáo thật à?
- Thôi, đừng đánh nhau nữa. Cảnh sát, hay quản giáo gì thì cũng là... công an. Bố các cháu là công an, nghe chưa.
Cả hai đứa đều gật. Miệng vẫn mếu. Trông đến tội nghiệp.
Mấy đứa nhỏ khác, dường như cùng lớp, đứng cạnh xì xào:
- Hai đứa con công an. Bố nó là công an.
Chuyện sáng nay, trước cổng một trường cấp 1. Thương cho những đứa trẻ, cổ còn đeo khăn quàng.
- (Biếm hoạ của: Bomttd).

Sự thờ ơ đã giết chết chúng ta


Có thể nói rằng nếu chọn một tính cách nào để xét cho một đặc tính chung của người Việt lúc này, tôi không ngần ngại để chỉ ra ngay: Thờ ơ. Chưa bao giờ người Việt lại thờ ơ với đồng loại như lúc này. Và càng thờ ơ bao nhiêu, chúng ta càng mau chết bấy nhiêu. Nhưng cũng thử đặt câu hỏi: Vì sao người Việt thờ ơ? Hậu quả của thờ ơ là gì?
Ở câu hỏi thứ nhất, vì sao người Việt thờ ơ? Xin thưa, sự thờ ơ hôm nay của đại bộ phận người Việt là nhờ hoàn toàn vào công lao của đảng Cộng sản Việt Nam! Nhà nước Cộng sản đã tạo ra một môi trường vô cùng tốt để sự thờ ơ nảy mầm, trong đó gồm cả giáo dục, văn hóa, ứng xử hành chính, ứng xử xã hội, đặc biệt là ứng xử của ngành công lực. Và đương nhiên, quan trọng nhất là những ông Tổng bí thư đảng Cộng sản, những mẫu mực về sự thờ ơ, gần đây nhất là Nguyễn Phú Trọng. Ông không ngần ngại bày tỏ sự thờ o78 mẫu mực của ông trước hàng triệu số phận ngư dân đau khổ.
Thời đại bây giờ, bạn ra đường, giả bộ nằm đau, vẫy tay cầu cứu, dường như người ta im lặng bỏ đi và không đoái hoài đến bạn, cả một con đường lạnh lùng và thờ ơ, hiếm gặp người tử tế, trừ khi đó là những người vô cùng bản lĩnh hoặc ngây ngô, chưa hiểu chuyện. Vì sao?
Bởi vì ngành công lực Việt Nam dường như họ bận quan tâm đến các vấn đề truy tìm người phản kháng, người có quan điểm trái chiều về chính trị của đảng Cộng sản hơn là đi tìm thủ phạm. Và nếu có những đoàn công an đi tuần tra thì mục tiêu của họ hoặc là kết hợp với công an giao thông để truy lùng, bắt bớ các xe đi trên đường, vòi vĩnh tiền “mua ổ bánh mì” hoặc là đi dẹp những bà hàng rong, ông kẹo kéo. Giả sử có một vụ cướp gần đó thì họ cũng xem như không có gì, tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng của họ là dẹp bà hàng rong, ông kẹo kéo, xua người ăn xin hay bán vé số, truy đuổi người đi đường ngẫu nhiên…
Trong khi đó, tội phạm lộng hành, chúng giả dạng người gặp nạn, người tội nghiệp để lừa người đi đường vào bẫy. Chính vì vậy, khi thấy một người gặp nạn nằm bên đường, mặc dù trong sâu thẳm bạn muốn giúp người ta nhưng cơ chế phản ứng xã hội của bạn đã ngăn bạn lại, không thể để bạn cứu người. Bởi không chừng, cứu người đâu không thấy mà chỉ thấy hại mình. Đó là sự thật, và khi cái sự thật này có tính phổ biến toàn xã hội thì nó cũng là một trong những mầm mống tạo ra sự thờ ơ tập thể.
Trong giáo dục, sự thờ ơ xuất hiện tràn lan, không phải ở vấn đề thầy cô đối xử với học sinh lạnh lùng hoặc ngược lại mà nó còn ghê gớm hơn nhiều, nó nằm ở sự thờ ơ về trách nhiệm nhà giáo, lương tri không bằng lương thực. Thử hỏi, còn được mấy giáo viên thời bây giờ quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tính hay một chuyện gì đó trắc ẩn của học trò, thậm chí ngay cả những vùng nghèo khổ, học trò không đủ cơm ăn, đến trường với cái bụng đói tóp meo nhưng vẫn có nhiều thầy cô bày ra chuyện học thêm, dạy thêm để lấy tiền, kiếm thêm thù lao.
Đó chỉ là chuyện rất nhỏ. Cái quan trọng nhất là ngành giáo dục, cấp quản lý tầm vĩ mô của giáo dục đã có tính thờ ơ, cơ hội, tham lam, giả dối và trơ trẽn nên cả ngành giáo dục đâm ra hỏng hóc. Thử tìm một bộ trưởng giáo dục cho đàng hoàn từ sau 1975 đến nay trong hệ thống giáo dục Cộng sản tại Việt Nam. Thú thực là tìm không có, và nhìn phong thái cũng như các phát biểu và sách lược về giáo dục của ông Bộ trưởng hiện tại, càng thấy đáng sợ hơn cho sự thơ ơ và trơ tráo của ngành giáo dục.
Sâu xa hơn, bản chất cai trị của nhà nước Cộng sản đã đẩy đất nước đến chỗ thờ ơ tập thể. Và khi đất nước rơi vào thờ ơ tập thể cũng là lúc cần thiết và thuận lợi nhất để đảng Cộng sản triển khai hệ thống toàn trị của họ một cách tối ưu thông qua các chính sách mà căn cội của nó lại dựa trên tính thờ ơ trong nhân dân.
Thử nghĩ, liệu nhà nước Cộng sản có dám ngăn cản tự do tôn giáo, bóp ngạt tự do báo chí, quấy nhiễu tự do phát biểu chính kiến cũng như thò tay điều khiển hàng loạt các cơ sở tôn giáo và các tờ báo nếu như đất nước, con người Việt Nam không có mức độ thờ ơ như hiện tại? Không, chắc chắn là không, bởi khi người Việt Nam biết quan tâm đúng mức đến cộng đồng, đến thế giới chung quanh cũng như quan tâm đến lương tri và nhân phẩm của chính mình, nhà cầm quyền sẽ không bao giờ dám làm điều mà họ đang làm. Vì làm như vậy, họ sẽ đụng phải phản ứng dữ dội từ phía người dân.
Nhưng thực trạng Việt Nam, không những thờ ơ với cộng đồng mà thờ ơ với những đối tượng, con người cụ thể trong mối liên đới về chí hướng và sứ mệnh. Thật là kinh hoàng khi nghĩ đến tình trạng của Mẹ Nấm, Thúy Nga và nhiều nhà đấu tranh khác đang ngồi tù chế độ Cộng sản mà chúng ta, người trong nước, thậm chí người cùng chí hướng hoàn toàn thờ ơ, chẳng có một động thái nào để giúp gia đình các chị và bản thân các chị. Chúng ta quen vỗ tay (mặc dù rất gượng gạo) về những thành tích đấu tranh, hoạt động mà họ đạt được cũng như quan sát hoạt động dân chủ của họ giống như ngồi trong cầu trường xem quả bóng lăn qua chân các cầu thủ. Và khi vỡ trận, chúng ta lại ra về, xem như không có gì, cùng lắm thì mất một tấm vé.
Thực tâm mà nói, mọi hoạt động để giải cứu những tù nhân lương tâm đến từ bên ngoài nhiều hơn là trong nước. Các nhà hoạt động dân chủ, xã hội dân sự cô đơn ngay trên xứ sở của mình! Bởi do đâu mà nên nông nỗi như vậy? Bởi vì ý thức về quyền làm người cũng như giá trị tự do trong tư tưởng người Việt chưa bao giờ thắng thế hay đủ mạnh để đứng ngang với lòng sợ hãi chế độ. Dường như sự sợ hãi chế độ, sợ hãi đảng, sợ hãi những thủ đoạn của đảng đã làm cho hầu hết người dân thui chột mọi giá trị, trong đó cói giá trị làm người.
Công tâm mà nói, đại bộ phận người Việt chỉ có giá trị tồn tại chứ không có giá trị sống. Người ta tồn tại dựa trên những thứ vật chất đeo bám, xem việc hưởng thụ vật dục như một chuẩn mực về giá trị con người hay thể hiện đẳng cấp nhưng người ta chưa bao giờ thực sự sống. Bởi sống không phải là kiểu tồn tại vật dục mà phải gồm cả sự trưởng thành về tư tưởng cũng như sự suy tư về giá trị con người, chiêm nghiệm về thân phận con người để định vị chỗ đứng cá nhân thông qua những khế ước xã hội mà người ta nỗ lực đấu tranh, tu chỉnh, hoàn thiện để tạo thuận lợi cho việc phát triển sự sống cùng hệ giá trị của nó.
Rất tiếc, Việt Nam không có được điều này, và hơn hết, giới trí thức nhà nước Việt Nam lại chọn thái độ thỏa hiệp và cam chịu của heo cừu, trâu bò hơn là thái độ con người. Đất nước ra nông nỗi hiện tại là do công lao của một bộ phần không nhỏ trí thức trâu bò, heo cừu này!
Và khi đất nước đã thành một bãi thờ ơ, một rừng vô cảm, một đám cơ hội hèn nhát thì cái giá cuối cùng phải trả không đơn giản là mất nước, chịu làm nô lệ cho kẻ ngoại xâm mà là diệt vong. Bởi có một qui luật dễ thấy nhất, trái đất chưa bao giờ nởra, đất đai ngày càng chật hẹp vì dân số thế giới tăng, tài nguyên cạn kiệt… Và chắc chắn, việc một dân tộc lớn nuốt chửng một dân tộc nhỏ để tìm đất sống không phải là chuyện phim kinh dị mà là nhu cầu tiềm ẩn của những quốc gia có dân số đông, còn man rợ và đói nghèo. Nếu Việt Nam tiếp tục thờ ơ thì cái chết càng mau đến với dân tộc này, chắc chắn là vậy!

Bị khởi tố tội khủng bố do đe dọa lãnh đạo

RFA 2017-04-11   
Còng số 8.
 Còng số 8.  AFP photo
Hai đối tượng trong vụ đe doạ chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị khởi tố tội khủng bố và tội không tố giác tội phạm. Báo Dân Việt trong nước dẫn nguồn tin riêng của báo này và loan tin vào thứ Ba, 11 tháng 4.
Cơ quan truyền thông này nêu tên hai đối tượng là Nguyễn Trọng Phương, 37 tuổi, trú ở Ba Đình, Hà Nội bị khởi tố tội khủng bố và Trần Anh Thuận, 36 tuổi, ở Bắc Ninh tội không tố giác tội phạm.
Theo báo Dân Việt, đối tượng Phương có hành vi nhắn tin đe doạ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đối tượng này là người của một số đơn vị khai thác cát không được tỉnh chấp thuận giấy hoạt động.
Vụ việc xảy ra dẫn đến dự án khai thác cát, nạo vét luồng trên tuyến sông Cầu phải tạm thời ngừng lại vào giữa tháng Ba vừa qua. Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều tra nguyên nhân vụ việc và các cá nhân từ trung ương đến địa phương.
Công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng chính phủ tiếp nhận và đích thân Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an vào cuộc chỉ đạo điều tra.

Luận ‘anh hùng’

Thiên Hạ Luận 
Theo VOA-06/04/2017 
Ðiển phạm: Một trung tâm của lịch sử và phê bình văn học (1)
Trân Văn
Tranh cãi về Võ Thị Sáu vừa tạm lắng trên facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung nhưng vì thực – hư là một mớ bòng bong nên bất đồng vẫn còn nguyên và chắc chắn sẽ còn dây dưa rất lâu….
“Chị Sáu” điên hay tỉnh?
“Chị Sáu” là cách mà nhiều thế hệ ở Việt Nam được giáo dục để gọi “anh hùng Võ Thị Sáu.”
Theo sách giáo khoa và các tài liệu chính thống do nhà nước phát hành thì “chị Sáu” không phải họ “Võ” tên Thị Sáu. Tên đúng của “chị Sáu” là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1933, cư trú tại Phước Thọ, Đất Đỏ, nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sách giáo khoa và các tài liệu chính thống cho biết, vì căm thù thực dân Pháp và Việt gian, “chị Sáu” tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi. Sau hai năm hoạt động bí mật, “chị Sáu” vào chiến khu, tham gia Công an xung phong. Kể từ đó, ngoài việc liên lạc, tiếp tế cho chiến khu “chị Sáu” còn điều tra, thu thập thông tin về hoạt động của “thực dân Pháp và tay sai” tại khu vực Đất Đỏ.
Cũng theo sách giáo khoa và các tài liệu chính thống, “chị Sáu” đã hai lần ném lựu đạn vào kẻ thù. Một lần giết một sĩ quan và 23 lính Pháp. Một lần giết hai Việt gian. Đó cũng là lý do khiến “chị Sáu” bị bắt vào năm 1950. Bị kết án tử hình năm 1951 và bị xử bắn năm 1952 tại Côn Đảo.
Câu chuyện về “chị Sáu” không chỉ được kể trong sách giáo khoa và các tài liệu chính thống. “Chị Sáu” còn được nhắc đến qua các bài hát, phim truyện. Tên “chị Sáu” được đặt cho nhiều con đường, nhiều ngôi trường trên khắp Việt Nam.
Sau tháng 4 năm 1975, tên tuổi, hành động của “chị Sáu” chính thức được quảng bá rộng rãi ở miền Nam Việt Nam - nơi bao gồm cả Phước Thọ, Đất Đỏ, quê hương của “chị Sáu”. Kể từ đó bắt đầu có tin đồn rằng, chị Sáu là một người ngây ngây, dại dại. Chuyện ném lựu đạn tại Đất Đỏ tuy có nhưng là do chị bị… xúi bậy. Không có sĩ quan, binh sĩ nào của Pháp hay Việt gian thiệt mạng mà chỉ có thường dân mất mạng khi lựu đạn được liệng vào giữa chợ…
Tin đồn ấy như những đợt sóng ngầm trong một thời gian dài. Gần đây, nhà thơ Nguyễn Duy tiết lộ, ông từng đến Đất Đỏ thẩm định tin đồn. Không may cho cách mạng là tin đồn lại đúng. Thậm chí sĩ quan Pháp (thực chất chỉ là hạ sĩ quan) mà sách giáo khoa và các tài liệu chính thống bêu danh và khẳng định đã “đền tội”, nay vẫn … còn sống. Vì là con lai, sau tháng 4 năm 1975, ông hạ sĩ quan này quay lại Việt Nam thăm mẹ, làm các thủ tục đón bà sang Pháp định cư. Suốt quá trình đó ông tới lui Đất Đỏ nhiều lần, giúp tiền xây dựng một số công trình phúc lợi rồi trở thành khách quý của chính quyền địa phương.
Trong video clip ghi lại buổi chuyện trò giữa Nguyễn Duy và nhiều văn nghệ sĩ về “chị Sáu”, không chỉ Nguyễn Duy mà còn ít nhất ba người nữa khẳng định họ đã biết chuyện “chị Sáu” nửa điên, nửa tỉnh từ lâu. Trong ba có một phụ nữ từng tham gia làm bộ phim “Người con gái Đất Đỏ” – ca ngợi “chị Sáu”. Bà bảo, chính em “chị Sáu” khẳng định “chị Sáu” không... bình thường.
Sách giáo khoa và các tài liệu chính thống không giải thích tại sao họ của “chị Sáu” – một anh hùng – lại bị đổi từ Nguyễn thành Võ. Cũng chẳng rõ tại sao gia tộc của “chị Sáu” không thắc mắc, khiếu nại yếu tố rất quan trọng này? Tại sao họ thản nhiên bỏ qua vinh dự lớn đến như vậy?
Sau khi video clip ghi lại buổi trò chuyện giữa Nguyễn Duy và bạn bè được đưa lên facebook, trên facebook xuất hiện bài “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?” của một nhân vật tên Cậu Ấm – chỉ trích cả Nguyễn Duy lẫn những văn nghệ sĩ có mặt trong video clip: Nguyên Ngọc (cựu Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, cựu Tổng Biên tập báo Văn Nghệ), Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), Nguyễn Thanh Giang (Tiến sĩ Địa – Vật lý), Nguyễn Quang A (cựu Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển), các nhà văn, nhà báo: Hoàng Hưng, Hoàng Dũng...
Dẫu cáo buộc những nhân vật vừa kể “xuyên tạc lịch sử” một cách “khốn nạn và bất lương” nhưng tác giả “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?” không trưng dẫn bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh lịch sử đã bị xuyên tạc.
Theo Cậu Ấm, một trong những lý do khiến tác giả “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?” phẫn nộ “một cách đặc biệt” là vì “chị Sáu” được “cán bộ, chiến sĩ công an Việt Nam xem là biểu tượng tinh thần xả thân vì nước”.

“Anh hùng” và sự lẫn lộn thật - giả
“Chị Sáu” không phải là anh hùng đầu tiên gây hoang mang cho công chúng – những người đã từng phải học, phải nghe về vô số những “tấm gương” trong các cuộc cách mạng nhằm “giành chính quyền về tay nhân dân”.
Một trong những “anh hùng” gây hoang mang như thế là Lê Văn Tám - nhân vật từng được khẳng định là đã tẩm xăng vào người rồi tự đốt mình trước khi lao vào phá một kho đạn của Pháp tại Thị Nghè, Sài Gòn.
Giống như “chị Sáu”, “anh Tám” cũng được dựng tượng, tên được đặt cho nhiều con đường, nhiều ngôi trường trên khắp Việt Nam. Cũng giống như “chị Sáu”, từng có rất nhiều đồn đãi về “anh Tám”.
Tháng 2 năm 2005, ông Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, chính thức tuyên bố, “anh Tám” là một nhân vật hư cấu. Ông Lê giải thích, ông phải làm như thế vì đã hứa giúp ông Trần Huy Liệu – người từng là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động giai đoạn kháng chiến chống Pháp – trả món nợ với lịch sử. Thập niên 1940, sáng tác xong câu chuyện Lê Văn Tám, ông Liệu có nói với ông Lê rằng, đó là vì “nhiệm vụ tuyên truyền”, sau này khi đất nước yên ổn, nếu ông Liệu không còn, giới sử học nên giúp ông bạch hóa sự thật.
Cho dù giới sử học đã bạch hóa chuyện “anh hùng” Lê Văn Tám, tượng “anh Tám”, tên “anh Tám” vẫn còn trên nhiều công viên, nhiều con đường, nhiều ngôi trường.
Có vẻ như giới đảm trách “nhiệm vụ tuyên truyền” đã tích cực một cách thái quá nên bộ máy tuyên truyền hiện tại liên tục bị động. Hết “anh Tám”, “chị Sáu”, công chúng bàn luận thêm về “anh hùng” Nguyễn Văn Bé. “Anh hùng” Nguyễn Văn Bé mất tích trong một chuyến vận chuyển vũ khí và bị phục kích năm 1966.
Tin rằng anh đã “hy sinh”, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cấp tốc truy tặng anh danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” và Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba. Lý do: Khi bị kẻ thù bắt trong một chuyến vận chuyển vũ khí, tận dụng cơ hội được kẻ thù nhờ “hướng dẫn kỹ thuật sử dụng”, “anh hùng” Nguyễn Văn Bé đã dùng một trái mìn claymore đập vào xe tăng, tạo thành một vụ nổ lớn, giết 69 quân nhân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, phá hủy nhiều xe tăng.
Tuy nhiên một lần nữa, cách mạng lại không gặp may: “Anh hùng” Nguyễn Văn Bé không chết. Anh chỉ bị thương và được kẻ thù cứu chữa. Cả báo chí miền Nam Việt Nam lẫn báo chí Mỹ (tờ Time số ra ngày 17 tháng 3 năm 1967) đều trưng dẫn hàng loạt bằng chứng cho thấy “anh hùng” Nguyễn Văn Bé đang sống và đã hồi chánh (trở về với chính nghĩa quốc gia). Báo chí cách mạng phản bác kịch liệt, cho đó là thủ đoạn đê tiện – phản tuyên truyền của kẻ thù.
Giống như “chị Sáu”, “anh Tám”, tấm gương của “anh hùng” Nguyễn Văn Bé được đưa vào sách giáo khoa, tên “anh Bé” cũng được đặt cho nhiều con đường, nhiều ngôi trường trên khắp Việt Nam.
Người ta đồn rằng, khoảng giữa thập niên 1990, một số cựu chiến binh là đồng đội của anh Bé đã gửi thư cho Bộ Tư lệnh Quân khu 7, nhấn mạnh, trong chuyện “anh hùng” Nguyễn Văn Bé, “địch” đúng còn ta… sai. Không nên làm ngơ, tiếp tục tôn vinh một người đã đầu hàng nữa.
Thiên hạ cũng đã chỉ ra nhiều điểm phi lý trong câu chuyện về “anh hùng” Nguyễn Văn Bé. Ví dụ claymore là mìn của Mỹ, lẽ nào quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lại cần anh Bé “hướng dẫn sử dụng”? Hoặc claymore chỉ nổ khi được kích bằng điện, lẽ nào cơ thể anh Bé có thể tự phát ra điện khi xách trái mìn đập vào xe tăng? Rồi claymore là loại mìn chống cá nhân, làm sao có thể phá hủy xe tăng?.. Sang thập niên 2000, tiểu sử anh Bé đột nhiên khác hẳn so với trước đó. Dù không có claymore, cũng không còn đập mìn, anh Bé vẫn là… “anh hùng”.
Trong bài “Về qua Long Khánh”, blogger Phạm Hoài Nhân có nhắc đến những thông tin trái chiều liên quan đến “anh hùng” Nguyễn Văn Bé. Blogger này kể rằng, hồi trước, ở thị xã Long Khánh có một con đường mang tên Nguyễn Văn Bé. Sau khi trên Internet xuất hiện nhiều thông tin, hình ảnh về chuyện “anh hùng” Nguyễn Văn Bé không giống như sách giáo khoa và các tài liệu chính thống do nhà nước phát hành, chính quyền thị xã Long Khánh đã lẳng lặng đổi tên đường Nguyễn Văn Bé thành Hồ Thị Hương.
Theo các nguồn chính thống, “anh hùng” Hồ Thị Hương, sinh năm 1954 tại Bình Định, hoạt động cách mạng tại Long Khánh, hi sinh vào tháng 1 năm 1975. “Chiến công” vang dội nhất của Hồ Thị Hương là “gài chất nổ” tại quán Ngọc Hương, thị xã Long Khánh ngày 1 tháng 11 năm 1974, khiến 15 kẻ thù mất mạng.
Blogger Phạm Hoài Nhân kể rằng, thuở còn sống, cha của ông thường tỏ ra bực bội vì… “Việt Cộng nói dóc”. Ông cụ - một công chức làm việc tại thị xã Long Khánh, vẫn cùng bạn bè thường xuyên lui tới quán Ngọc Hương - biết rõ về vụ nổ đó và cụ bảo rằng, vụ nổ đó chẳng làm ai chết!
Cách mạng Việt Nam có rất nhiều cá nhân trở thành “anh hùng” do liệng lựu đạn, gài chất nổ, xả súng vào nơi công cộng. Ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế giai đoạn từ 2000 đến 2010 đã khai báo những thành tích giống y như vậy. Đầu thập niên 2010, ông Mãn được trao tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang”.
Bất hạnh cho ông Mãn và không may cho cách mạng là nhiều đồng đội của ông Mãn vẫn còn sống. Họ chứng minh, những thành tích mà ông Mãn khai báo và được báo chí quảng bá trong một thời gian dài là bịa đặt.
Suốt cuộc “kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Mãn chỉ tham gia hai chứ không phải 17 trận. Trận đầu tiên, ông Mãn giết được một Trưởng ấp nhưng không được đồng đội đồng tình vì để giết Trưởng ấp có tên là Hoàng Sớm, ông Mãn đã xả súng vào một đám giỗ nơi có cả ông nội của ông. Ngoài ông Sớm còn có chín thường dân, trong đó có ba đứa trẻ uổng mạng. Trận thứ hai thì ông Mãn không phải là chỉ huy.
Bởi vụ phản đối này còn quá nhiều nhân chứng và bằng chứng, năm 2014, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu“Anh hùng các lực lượng vũ trang” đã trao cho ông Mãn.
***
Kể về con đường hết mang tên Nguyễn Văn Bé đến Hồ Thị Hương ở thị xã Long Khánh, blogger Phạm Hoài Nhân than rằng, cứ cho là cha của ông có định kiến với chính quyền cách mạng và thông tin cha của ông biết là không chính xác, cứ cho là Hồ Thị Hương có nhiều công trạng lớn mà cha của ông không chịu tìm hiểu... nhưng một chế độ có quá nhiều sự dối trá thì việc gì cũng khiến người ta bán tín, bán nghi. Không còn biết đâu là thật, đâu là giả.
Ông Nhân nêu thắc mắc, ngay cả trong trường hợp Hồ Thị Hương là anh hùng thật sự thì chẳng lẽ các minh quân, danh tướng, anh thư trong suốt mấy ngàn năm lịch sử của Việt Nam không có ai xứng đáng hơn để đặt tên cho con đường lớn nhất nhì Long Khánh?
Tham gia luận về anh hùng sau khi trang Facebook Chính trị Việt Nam đăng bài “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?”, facebooker Trung Duong Dinh cũng than, hễ nói đến sự thật thì trở thành “hèn hạ”. Giá như cha đẻ của “anh hùng Lê Văn Tám” không bảo rằng đó là nhân vật hư cấu thì bây giờ, ai bảo đấy là “hàng giả” cũng trở thành “phản quốc hèn hạ”. Trung Duong Dinh bảo rằng, phàm đã là “nhân vật lịch sử” thì “phải dùng đèn của lịch sử mà rọi”.Vàng thật sẽ không sợ lửa biến thành hàng mạ!
Facebooker Nguyễn Minh Tuấn không tán thành. Anh này nhấn mạnh, “đã làm chính trị thì phải vậy!”. Facebooker Nguyễn Minh Tuấn giải thích, ngày xưa, cách mạng cần những tấm gương để thúc giục mọi người lao lên và đấy là sự khôn khéo của người làm chính trị!
Kể từ lúc Facebooker Nguyễn Quang A đưa lên Internet video clip ghi lại cuộc trò chuyện giữa Nguyễn Duy và bạn bè về “chị Sáu”, đã có ít nhất ba video clip khác lần lượt được đưa lên Internet để phản bác.
Giống như tác giả “Nhân sỹ trí thức hay những kẻ phản quốc hèn hạ?”, ba video clip này chưa cung cấp được những chứng cứ khả tín, chứng minh “chị Sáu” tỉnh chứ không điên. Có một điểm đáng chú ý là trong khi cố gắng bảo vệ những “giá trị truyền thống của dân tộc”, những người thực hiện ba video clip ấy không tiếc lời mạ lị các cụ ông - vốn đã ngoài thất thập - trong nhóm Nguyễn Duy là “lũ khốn”, “lũ già phản trắc”. Giọng điệu như thế chắc chắn không nằm trong chuỗi “giá trị truyền thống của dân tộc”. Xét về mặt chính trị, hình như nó không khôn mà cũng chẳng… khéo.

* Blog của nhà báo Trân Văn là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Khi tam quyền... ‘phân nhiệm’

Lê Công Định
TheoVOA-11/04/2017 
Việt Nam khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới. Hình minh họa.

Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Luật số 62/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015), Tòa án nhân dân tối cao có quyền trình Quốc hội dự án luật và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh (Điều 20).
Dựa vào quyền hạn đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyền góp ý kiến cho các dự án luật và pháp lệnh (Điều 22), và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền chỉ đạo việc soạn thảo dự án luật và pháp lệnh (Điều 27).
Ngoài ra, cũng theo hai Điều 22 và 27 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao còn có quyền trực tiếp ban hành văn bản pháp luật, và Tòa án nhân dân tối cao có quyền phối hợp với cơ quan hành pháp có liên quan để trực tiếp ban hành văn bản pháp luật.
Như vậy, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân công nhiên trao cho Tòa án tối cao và Chánh án Tòa án tối cao thẩm quyền lập pháp, song song với thẩm quyền tư pháp vốn có (tức quyền xét xử các vụ án và vụ kiện). Nói cách khác, theo luật này, tư pháp mặc nhiên can dự lập pháp.

Thế nào là tam quyền phân lập?

Chúng ta đều biết, ở các thể chế tam quyền phân lập thực sự trên thế giới, ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp hoàn toàn độc lập. Sự độc lập đó chính là hệ quả của tính phân lập giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Đây là nền tảng triết lý thiết lập nên mọi thể chế chính trị phương Tây kể từ khi loài người thoát khỏi chế độ quân chủ độc đoán hàng trăm năm qua.
Tất nhiên vẫn hiện hữu sự hỗ tương giữa các nhánh quyền lực nhà nước, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi sau đây:
Thứ nhất, ngoài các nghị sĩ quốc hội lập pháp, phía cơ quan hành pháp cũng có thể đệ trình dự luật để quốc hội thảo luận và thông qua. Thêm vào đó, trong hệ thống công quyền, các cơ quan hành pháp còn có quyền lập quy, tức ban hành những quy định nội bộ ngành để điều phối hoạt động và công việc quản lý của mình nhằm thi hành pháp luật.
Thứ hai, tòa án thông qua án lệ hình thành trong quá trình xét xử có thể tác động đến công việc lập pháp một cách gián tiếp. Vai trò của án lệ, tức những bản án do tòa án các cấp tuyên về một vấn đề pháp lý cụ thể, là xây dựng đường hướng có tính chất tiền lệ về cách áp dụng và diễn giải luật thành văn liên quan đến những vấn đề phát sinh từ các sự kiện và hành vi pháp lý xảy ra trên thực tế. Các nhà lập pháp đôi khi cũng chủ động tham khảo án lệ để soạn thảo và đệ trình dự luật liên quan đến những vấn đề pháp lý nào đó.
Trong ba nhánh quyền lực quốc gia nói trên, quan hệ giữa lập pháp và hành pháp thường chặt chẽ và liên thuộc hơn, do bản chất chính trị tương tự của hai hệ thống cơ quan nhà nước này. Còn tư pháp thì luôn giữ thế độc lập tuyệt đối, bởi bản chất và hình ảnh của nó là phi chính trị.
Do đó sẽ là bình thường nếu dự luật nào đấy được một bộ của chính phủ đệ trình trước quốc hội. Đối tượng và nội dung của dự luật ấy ít nhiều liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của bộ đó. Sự can dự của hành pháp vào lập pháp vì thế là chuyện đương nhiên và chấp nhận được.
Trong khi đó, hoạt động của tòa án chỉ giới hạn trong chức năng xét xử đơn thuần. Sản phẩm của quyền tư pháp chỉ có thể là các bản án được tuyên trên cơ sở áp dụng và diễn giải luật thành văn có sẵn, chứ không phải là các dự luật sẽ được ban hành để trở thành luật thành văn cho chính nó hoặc cơ quan hành pháp áp dụng.
Cần lưu ý, sự độc lập của quyền tư pháp thể hiện ở hai khía cạnh. Một là, ngành hành pháp không thể can thiệp vào công việc xét xử của tòa án. Hai là, tòa án không thể tự mình trình dự luật, rồi sau khi được thông qua, dựa vào đó để xét xử. Danh giá của hệ thống tòa án nằm ở tính công minh trong phán quyết của thẩm phán. Thiếu sự độc lập, xét ở hai khía cạnh vừa đề cập, chắc chắn thẩm phán đánh mất sự công minh và, do đó, danh giá của mình.
Tóm lại, ở các nước theo hệ thống tam quyền phân lập, tư pháp không thể can dự lập pháp, nếu không sẽ bị xem là vi hiến và vi phạm nền tảng triết lý của thể chế tam quyền phân lập đích thực.

Tam quyền “phân nhiệm” ở Việt Nam

Đảng cầm quyền trong hệ thống chính trị toàn trị ở Việt Nam luôn tuyên bố không chấp nhận thể chế tam quyền phân lập. Tất nhiên, theo các bản hiến pháp từng hiện hữu trên quốc gia cộng sản này, nhà nước vẫn được tổ chức theo ba nhánh quyền lực, nhưng giữa chúng không có sự phân lập, mà chỉ phân nhiệm, tức phân chia nhiệm vụ.
Quyền lực chính trị và pháp lý tối cao theo hiến pháp và trên thực tế đều tập trung vào tay Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp được đảng cầm quyền trao cho từng nhiệm vụ riêng, trông có vẻ chuyên biệt, nhưng đều phục tùng một quyền lực chung duy nhất và tuyệt đối. Do đó, các nguyên tắc của một thể chế tam quyền phân lập đích thực chưa bao giờ áp dụng cho thể chế tam quyền phân nhiệm kiểu Việt Nam.
Dưới sự tập quyền độc tôn của đảng cầm quyền, các cơ quan thuộc những nhánh quyền lực khác nhau không có sự độc lập dù tối thiểu, và hoàn toàn có thể can dự vào công việc của nhau một cách tùy tiện, miễn đáp ứng yêu cầu chính trị mà đảng cầm quyền giao phó. Vì vậy mới có quy định về quyền hạn của Tòa án tối cao và Chánh án Tòa án tối cao trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân như đã nêu ở phần đầu.
Hoạt động của các tòa án Việt Nam luôn bị can thiệp bởi đảng cầm quyền và các cơ quan hành pháp, và đến lượt mình Tòa án tối cao lại can dự vào hoạt động lập pháp một cách hợp pháp, mà không ai có thể dị nghị. Điều này xem ra rất đỗi lạ lùng đối với các luật gia được đào tạo theo trường phái phương Tây, nhưng lại hiển nhiên trong sự vận hành hàng ngày của bộ máy nhà nước cộng sản.
Các luật gia phương Tây hẳn nhiên đặt vấn đề rằng nếu cơ quan tài phán tham gia vào tiến trình dự thảo và ban hành luật, thì làm sao bảo đảm sự phân quyền trong hệ thống quyền lực quốc gia? Ngạc nhiên như thế vì họ chưa hiểu thấu cơ chế phân nhiệm giữa các nhánh quyền lực nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền kiểu cộng sản.
Thêm vào đó, ở Việt Nam còn có một quy tắc bất thành văn khác là luật liên quan đến hoạt động của ngành nào thì ngành đó soạn luật, và Quốc hội chỉ là nơi thông qua luật theo thẩm quyền hiến định mà thôi. Quốc hội Việt Nam không phải là cơ quan lập pháp đúng nghĩa theo quan niệm phương Tây, mà đơn thuần chỉ là cỗ máy thông qua luật của đảng cầm quyền, trong đó các Đại biểu Quốc hội chỉ diễn xuất theo kịch bản soạn trước của đảng cầm quyền.
Suy cho cùng, nền tảng triết lý tạo dựng nên nhà nước cộng sản toàn trị, nếu có, đơn giản chỉ là mọi quyền lực đều tập trung vào tay đảng cầm quyền, rồi tùy theo yêu cầu chính trị ở mỗi lúc và mỗi nơi mà các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước sẽ được giao phó công việc cụ thể theo chức năng chung được phân nhiệm trong hiến pháp và luật pháp. Về phương diện hình thức, người ta tưởng rằng cách thức tổ chức bộ máy nhà nước cộng sản có vẻ giống với các nước phương Tây, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn khác, bởi bản chất toàn trị của nó.

Tổng biểu tình: vì sao và như thế nào?

Lê Anh Hùng 
Theo VOA-10/04/2017
Người dân xuống đường phản đối Formosa ở Nghệ An, 5/3/2017. (Ảnh: Facebook Lê Văn Sơn)
Mặc dù vấp phải không ít sự ngờ vực và thậm chí cả dèm pha, song lời kêu gọi tổng biểu tình đòi các quyền dân sinh, dân chủ và chống hiểm hoạ Trung Quốc vào các ngày Chủ Nhật bắt đầu từ 5/3/2017 do linh mục Nguyễn Văn Lý phát động vẫn tạo ra được sự lan tỏa nhất định, khiến nhà cầm quyền Việt Nam phải đối phó khá vất vả hơn một tháng qua.
Tổng biểu tình: vì sao?
Dưới sức nặng của những sai lầm chồng chất, các chế động cộng sản ở Liên Bang Soviet và Đông Âu trước kia đều lần lượt sụp đổ. Kết cục đó trước hết xuất phát từ nguyên nhân nội tại; các nhân tố bên ngoài đơn giản là chỉ giúp cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn. Một trong những nhân tố bên ngoài có tác dụng tích cực như thế là các cuộc biểu tình ôn hòa của các tầng lớp nhân dân. (Điều này cũng lặp lại trong các cuộc Cách Mạng Màu diễn ra ở Đông Âu đầu thập niên 2000).
Ở Việt Nam cũng vậy. Mặc dù sự sụp đổ của chế độ cộng sản trên dải đất hình chữ S là điều tất yếu, song nếu người dân không tự đứng lên qua các cuộc biểu tình ôn hòa để đòi nhà cầm quyền cộng sản phải trả lại các quyền tự do cơ bản chính đáng cho mình thì còn rất lâu nữa họ mới “tự giác” làm điều đó.
Các cuộc xuống đường từ ngày 5/3
Có lẽ thành công đáng kể nhất của lời kêu gọi tổng biểu tình vừa qua là đã hâm nóng lại được bầu không khí đấu tranh vốn đã phần nào lắng xuống trước sự đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền, đặc biệt là thể hiện qua các cuộc xuống đường đầy khí thế của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đòi hỏi của người dân là hoàn toàn chính đáng: Formosa phải đền bù thỏa đáng cho nạn nhân của đại thảm hoạ môi trường do họ gây ra ở Miền Trung; dự án Formosa Hà Tĩnh phải chấm dứt hoạt động vì không đảm bảo được những đòi hỏi nghiêm ngặt về môi trường; Formosa Hà Tĩnh cũng như những kẻ đứng đằng sau nó phải bị khởi tố; nhà cầm quyền phải trả lại cho dân các quyền tự do cơ bản đã được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam cũng như trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Trước đòi hỏi chính đáng và khí thế của người biểu tình, nhà cầm quyền đã không dám mạnh tay trấn áp, ngay cả khi hàng ngàn bà con tràn vào trụ sở UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) sáng ngày 3/4 và bắt giữ một viên công an trà trộn vào người dân ném đá kích động bạo loạn.
Đáng tiếc là lời kêu gọi tổng biểu tình đã không nhận được sự ủng hộ tích cực của một số người đấu tranh ở Hà Nội và Sài Gòn, hai trung tâm mạnh nhất của phong trào dân chủ Việt Nam nhiều năm qua. Trong đó, một bộ phận tuy không ủng hộ (với lý do là thực lực phong trào còn yếu, nhà cầm quyền đang tăng cường đàn áp…) nhưng cũng không phản đối; số còn lại thì viện những lý do nực cười như Cha Lý không đủ uy tín, hay lời kêu gọi đó chỉ là trò lừa đảo của “Thủ tướng” Đào Minh Quân… để công khai phản đối. Mặc dù số người ủng hộ lời kêu gọi vẫn đông hơn số dèm pha, song trong bối cảnh lực lượng đấu tranh còn mỏng, chừng đó đã đủ khiến nhân tâm bị phân tán, lực lượng bị chia rẽ. (“Nuôi quân ba năm, dụng một giờ” – có những dấu hiệu cho thấy bàn tay của an ninh cộng sản đằng sau sự dèm pha vô lối đó.)
Tổng biểu tình: như thế nào?
Từ trước tới nay, các cuộc biểu tình dẫn tới sự sụp đổ của một chế độ độc tài trên thế giới thường diễn ra tại những đô thị là trung tâm kinh tế - chính trị của quốc gia. Biểu tình ở các đô thị lớn dễ kéo theo sự tham gia của đông đảo quần chúng; một khi sức mạnh đám đông lan tỏa, quần chúng vượt qua được sự sợ hãi ban đầu, cuộc biểu tình có khả năng vượt ra ngoài khả năng kiểm soát và đàn áp của nhà cầm quyền. Do tầm quan trọng của các đô thị lớn trong đời sống chính trị quốc gia, nguy cơ hệ thống bị tê liệt rồi dẫn tới sụp đổ là rất cao.
Tại Việt Nam, Hà Nội và Sài Gòn là hai trung tâm chính trị và kinh tế quan trọng nhất cả nước. Nếu đám đông ban đầu đủ lớn, các cuộc biểu tình ở hai thành phố này rất dễ biến thành đại biểu tình, khiến hoạt động bình thường của thành phố bị tê liệt. Trong bối cảnh hệ thống đã bị phân hóa sâu sắc và ruỗng mục đến tận rường cột, điều này thực sự đe doạ đến an nguy của chế độ.
Ngoài ra, đặc điểm địa lý của Việt Nam khác với hầu hết các quốc gia đã từng diễn ra các cuộc biểu tình ôn hòa dẫn đến thay đổi chế độ. Địa thế của Việt Nam hẹp về chiều rộng và trải dài trên 3 ngàn km. Quốc lộ 1A kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau là tuyến đường giao thông huyết mạch xuyên suốt quốc gia, rất nhạy cảm không chỉ về an ninh quốc phòng mà cả an ninh kinh tế, khi được ví như mạch máu của nền kinh tế. Nếu Quốc lộ 1A bị chia cắt, không chỉ giao thông Bắc - Nam bị tê liệt mà hoạt động bình thường của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kể từ khi vụ đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra bùng phát ở Miền Trung, một số lần ngư dân đã đổ ra quốc lộ 1A để biểu tình đòi Formosa bồi thường thiệt hại và chấm dứt hoạt động ở Hà Tĩnh. Mặc dù mới chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ và mang tính chất ôn hòa song các cuộc biểu tình đó cũng đã khiến giao thông Bắc - Nam nhiều lần bị ách tắc.
Các cuộc xuống đường của ngư dân Miền Trung trong gần một năm qua, đặc biệt là từ ngày 5/3 đến nay, có thể được xem như những cuộc tập dượt hướng đến cuộc tổng biểu tình cuối cùng.
Vấn đề còn lại là hoạt động biểu tình ôn hòa ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố khác cần tiếp tục như thế nào. Trước đây, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hay phản đối một chính sách không hợp lòng dân nào đó ở Hà Nội và Sài Gòn thường do các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) phát động. Tuy nhiên, do bị nhà cầm quyền khủng bố và bao vây kinh tế nên các tổ chức XHDS chậm phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, số lượng người tham gia chưa nhiều. Những nhân vật nổi bật trong phong trào dân chủ hoặc bị bắt rồi kết án tù, hoặc bị giám sát chặt chẽ. Chưa hết, hầu như tổ chức XHDS nào cũng bị an ninh cộng sản cài cắm người nhằm theo dõi, phá hoại và gây chia rẽ từ bên trong.
Trong bối cảnh đó, để chuẩn bị lực lượng cho các cuộc biểu tình ôn hòa trong tương lai, các nhà hoạt động cũng như những người tâm huyết với phong trào đấu tranh dân chủ cần phát triển lực lượng theo cách phát triển mạng lưới của hoạt động bán hàng đa cấp: mỗi thành viên trong mỗi tổ chức XHDS xây dựng nhóm bí mật của mình (gồm những bạn bè, người thân chưa tiện lên tiếng hay hoạt động công khai) và giữ bí mật về nhóm với các thành viên trong tổ chức XHDS đó; đến lượt mình, mỗi thành viên trong nhóm lại kêu gọi thêm thành viên hoặc tự xây dựng nhóm bí mật của riêng mình. Mỗi khi biểu tình diễn ra, các thành viên XHDS sẽ khích lệ các thành viên trong nhóm bí mật đi theo quan sát để họ bạo dạn dần. Nếu cuộc biểu tình bị đàn áp, họ chỉ cần đứng ngoài quan sát; nếu không bị đàn áp, họ thậm chí có thể hoà vào cuộc biểu tình. “Đội quân tuyến hai” này là lực lượng mà an ninh cộng sản e ngại nhất, bởi họ vừa đông vừa khó kiểm soát.
Các cuộc “biểu tình du kích” mà nhiều người đấu tranh đang áp dụng ở Hà Nội và Sài Gòn hiện nay cần được nhân rộng vì chúng vừa có tác dụng khuấy động phong trào, thức tỉnh nhân dân, vừa khiến nhà cầm quyền phải vất vả đối phó. Địa điểm biểu tình là những tuyến phố nhiều người qua lại hay khu dân cư đông đúc.
Ngoài ra, hoạt động cướp đất núp dưới vỏ bọc là các dự án kinh tế - xã hội đang tạo ra một đội ngũ dân oan ngày càng đông đảo, đặc biệt là xung quanh các đô thị lớn trong cả nước. Lực lượng này cần được tổ chức và kết nối với các tổ chức XHDS đấu tranh cho quyền lợi người dân cũng như kết nối với nhau để tham gia hoạt động biểu tình ôn hòa đòi dân quyền, dân chủ và để nhất tề đứng lên khi thời cơ chín muồi.
Bài viết này không nhằm mục đích kích động bạo loạn, mà chỉ ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa, bất bạo động của người dân trong cuộc đấu tranh để giành lại các quyền tự do cơ bản mà họ đã bị tước đoạt hơn 2/3 thế kỷ qua. Nếu một cuộc chuyển đổi thể chế êm thấm không được lựa chọn, cuộc tổng biểu tình cuối cùng dưới chế độ cộng sản tất yếu sẽ diễn ra. Và e rằng đến lúc ấy chính quyền cộng sản Việt Nam không còn có thể định đoạt được tính chất ôn hòa hay bạo động của nó.

Thông điệp gửi ông Quang và ông Phúc

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA-10/04/2017
Dân Biểu Ed Royce gặp đại sứ Ted Osius tại văn phòng Quốc Hội ở Washington (04/04/2016).
Một khác biệt cơ bản giữa thời Trump với thời Obama là nội dung “báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho Quốc hội nước này đang được phản ứng công khai hóa.
Phản ứng công khai hóa
Ngày 4/4/2017, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Ted Osius “bất ngờ” có hai cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Ed Royce và Dân biểu Alan Lowenthal thuộc đảng Dân Chủ tại Washington. Những cuộc gặp này mang tính chất “báo cáo nhân quyền” do Ted là người thông tin. Chi tiết đáng chú ý là sau cuộc gặp này, phản ứng của hai vị dân biểu Ed Royce và Alan Lowenthal đã được thông tin công khai trên mạng xã hội.
Vào thời Obama, hiếm khi diễn ra động thái công khai về phản ứng của giới dân biểu quốc hội Mỹ sau khi nghe báo cáo nhân quyền từ đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cũng vào thời Obama, thường là người phụ trách chương trình “đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ”, chẳng hạn như Dan Baer vào các năm 2013, 2014 và Tom Malinowski từ đó đến nay - đều là trợ lý ngoại trưởng về dân chủ, lao động và nhân quyền - mới có báo cáo cho giới dân biểu quốc hội Mỹ và cộng đồng người Việt hải ngoại về kết quả đối thoại nhân quyền với phía Việt Nam.
Một chi tiết đáng chú ý khác, Ed Royce và Alan Lowenthal lại là hai nhân vật tiêu biểu trong nhóm Vietnam Caucus (Nhóm quan tâm những vấn đề Việt Nam) của Quốc hội Mỹ.
Dân biểu Ed Royce trước đây từng giới thiệu hoặc đồng giới thiệu một số dự luật trong Hạ viện nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, như Đạo luật Nhân quyền Việt Nam (2015) cổ súy tự do, nhân quyền và nền pháp trị như là một phần trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, hay Đạo luật Chế tài Nhân quyền Việt Nam (2014) kêu gọi áp đặt chế tài lên những quan chức Việt Nam đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam. Cuối năm 2016, đạo luật Chế tài Nhân quyền Việt Nam (Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu) đã được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Obama chính thức ký ban hành, mà cách nào đó có thể được xem là “mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Việt - Mỹ”.
Vào tháng 9/2016, ông Royce đã gửi một bức thư gửi lời chia buồn và lên án việc nhà chức trách Việt Nam phá bỏ Chùa Liên Trì ở thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ một dự án phát triển đô thị.
Còn Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal đã trở thành đồng Chủ tịch Nhóm Quốc hội Mỹ về Việt Nam vào tháng 2/2017. Ông cũng là một nghị sĩ nhiệt thành quan tâm đến chủ đề nhân quyền Việt Nam.
Vậy sau cuộc gặp với Đại sứ Ted Osius, ông Royce nói gì?
Thông báo của văn phòng Dân biểu Ed Royce đã nói thẳng: “Nếu Mỹ và Việt Nam muốn xây dựng mối quan hệ vững mạnh hơn, chính phủ Việt Nam phải tôn trọng những nhân quyền cơ bản của người dân Việt Nam”.
Nhóm Vietnam Caucus đã lên tiếng, dù Tổng thống mới của nước Mỹ là Donald Trump bị xem là không mấy chú tâm đến nhân quyền thế giới.
Cần nhìn lại, Vietnam Caucus - còn gọi là “Nhóm làm việc về Việt Nam” của Hạ viện Hoa Kỳ, bao gồm những nghị sĩ có tên tuổi và quen thuộc như Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank Wolf, Alan Lowenthal, Ed Royce…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ, là một nhóm quan tâm đặc biệt đến chủ đề đối ngoại và nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua như tự do tôn giáo, tự do báo chí, xã hội dân sự, thả tù nhân lương tâm. Nhưng đáng ngại hơn cả đối với giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ là những dự luật liên quan đến nhân quyền mà các nhà lập pháp của Vietnam Caucus đã soạn thảo và vẫn tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua, đó là các Dự luật nhân quyền Việt Nam, Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, và gần đây nhất là một văn bản yêu cầu đưa Việt Nam trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
Cùng với Vietnam Caucus, vào ngày 6/4/2017 Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã phát động dự án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo, nêu bật trường hợp các cá nhân bị bỏ tù chỉ vì đã hành xử quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ, cũng như các điều kiện tại một quốc gia đã dẫn đến việc bỏ tù các tù nhân lương tâm. Dự án này sẽ cung cấp dữ liệu cho các cơ quan Hành Pháp Hoa Kỳ để vận động đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Tình hình đang chuyển biến thuận lợi hơn hẳn cho Vietnam Caucus. Cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ không chỉ mang về chiến thắng cho người của đảng Cộng hòa mà còn tạo ra thế chiếm lĩnh lưỡng viện của đảng này. Nhờ thế vai trò của Nhóm Vietnam Caucus - vốn thường gắn với đảng Cộng hòa - đang trở nên nổi bật hơn so với thời Obama.
Đặc biệt, nếu Luật chế tài nhân quyền Việt Nam được triển khai chi tiết, sẽ tương tự tình trạng chế tài nhân quyền đối với Nga và Syria khi hàng loạt nhân vật cao cấp và kể cả trung cấp của giới lãnh đạo Việt Nam bị đưa tên vào “sổ đen nhân quyền” của Mỹ và Liên minh châu Âu, để từ đó những người này sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ, cùng lúc tài khoản, tài sản của họ, kể cả của người thân của họ, sẽ bị Mỹ và Liên minh châu Âu phong tỏa tại bất kỳ ngân hàng hoặc địa điểm quốc tế nào mà nước Mỹ có thể với tay tới.
Một thông điệp chính trị
Đại sứ Ted Osius quả thực lại bắt đầu bận rộn với những chuyến con thoi Việt - Mỹ.
Có một chi tiết cần chú ý là chỉ 4 ngày trước khi gặp hai dân biểu Ed Royce và Alan Lowenthal, Ted Osius đã có một cuộc hội kiến với nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội. Cuộc hội kiến này được xem là có thể mang những ẩn ý nào đó, bởi ngoài nội dung trao đổi giữa hai bên về “hợp tác tổ chức năm APEC 2017 và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Việt Nam” có lẽ chỉ mang tính hình thức, trong khi hoàn toàn không đề cập việc Bộ Ngoại Giao Mỹ vinh danh blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là “người phụ nữ can đảm năm 2017” mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố là “hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước”, dường như ông Quang đã “nhờ” Đại sứ Ted chuyển một thông điệp nào đó tới phía Mỹ, để ngay sau đó Ted vội vã trở về Washington.
Nhưng tại Washington, người ta không thấy thông tin công khai về việc Ted “báo cáo nhân quyền” cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mà lại chính cho hai dân biểu đại diện của Vietnam Caucus là Ed Royce và Alan Lowenthal.
Có thể cho rằng vào thời Trump, giới dân biểu Hoa Kỳ đã quyết định lên tiếng công khai nhiều hơn để phản ứng về vô số “thành tích nhân quyền” của chính thể Việt Nam, thay vì giữ thái độ “im lặng tế nhị” như dưới thời Obama.
Một trong những bằng chứng có tính chứng minh cao nhất: thái độ bị xem là mềm mỏng thái quá của nền hành pháp Obama đối với chính thể Việt Nam đã khiến có đến 6 trong số 15 khách mời của tổng thống Mỹ bị công an Việt Nam thẳng tay ngăn chặn không cho gặp Obama khi ông đến Hà Nội vào tháng 5/2016. Lịch sử nước Mỹ hiếm chứng kiến trường hợp nào người đại diện của nó lại bị xúc phạm ghê gớm đến thế.
Còn giờ đây, có lẽ thời thế đã chuyển khác. Sức ép về cải thiện nhân quyền ngày càng đè nặng lên giới chóp bu Việt Nam - một chế độ mà đã khiến cho tình hình quyền làm người tại đất nước này ngày càng tồi tệ dù ngay cả khi Việt Nam đã được chấp nhận một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc từ cuối năm 2013.
Phản ứng công khai về sự cần thiết phải cải thiện nhân quyền của hai dân biểu Ed Royce và Alan Lowenthal là một thông điệp chính trị, rất chính trị, gửi thẳng tới cựu bộ trưởng công an Trần Đại Quang - người có lẽ còn muốn đi Hoa Kỳ nhưng trong vai trò chủ tịch nước, và cả đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - nhân vật hiện đang công khai gợi ý “sẵn sàng đi thăm Mỹ”.
Tôi khẳng định với Ngài Đại sứ (Ted Osius) rằng Việt Nam muốn tăng cường mối quan hệ thương mại và ký kết hiệp định song phương thì phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Nếu họ không làm thế thì không thể có Hiệp định Thương mại song phương. Tùy thuộc vào Chính phủ Việt Nam thôi! Đây là thông điệp của tôi chuyển đến Chính phủ Việt Nam” - Dân biểu Alan Lowenthal đưa ra lời kết trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Á châu tự do.

Biểu tình lớn ngày 30/4 sắp tới

VOA Tiếng Việt-12/04/2017 
Lời kêu gọi biểu tình ngày 30-4 ở Paris (Ảnh chụp từ trang lyhuong.net)

Nhiều cuộc biểu tình dự trù diễn ra nhân dịp 42 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc (30/4) tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Washington DC, Paris, Frankfurt, Canberra… và có thể ở cả Việt Nam.
Ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam tại thủ đô Hoa Kỳ và vùng phụ cận cho biết về kế hoạch tại Washington DC:
“Cuộc biểu tình ngày 30/4 này không phải là cuộc biểu tình phản đối thường lệ, mà là một cuộc biểu tình để yểm trợ cho những người đòi quyền sống ở Việt Nam, những người đòi quyền tự do chính đáng của người dân, nhất là đấu tranh đòi hỏi dân chủ, tự do, và nhân quyền cho Việt Nam. Phản đối hành động đánh đập người dân đi biểu tình đòi hỏi quyền lợi về vấn đề Formosa.”
"Cuộc biểu tình ngày 30/4 này không phải là cuộc biểu tình phản đối thường lệ, mà là một cuộc biểu tình để yểm trợ cho những người đòi quyền sống ở Việt Nam, những người đòi quyền tự do chính đáng của người dân, nhất là đấu tranh đòi hỏi dân chủ, tự do, và nhân quyền cho Việt Nam. Phản đối hành động đánh đập người dân đi biểu tình đòi hỏi quyền lợi về vấn đề Formosa."Ông Đinh Hùng Cường
 Theo chương trình, sự kiện này sẽ bắt đầu vào lúc 14 giờ ngày 30/4 trước tòa đại sứ Việt Nam ở Washington, mà theo ông Đinh Hùng Cường sẽ tập hợp nhiều cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ tham gia:
“Chúng tôi luôn luôn kêu gọi và hy vọng rằng sẽ có một số đông cô bác tham gia vì cuộc biểu tình ngày 30/4 này không phải như thường lệ thành ra số người chúng tôi tin tưởng rằng số người tham gia sẽ đông đảo hơn những lần trước.”
Ngoài cuộc biểu tình tại thủ đô Washington, cộng đồng người Việt tại vùng đông bắc Hoa Kỳ còn tổ chức các sự kiện tri ân và tưởng niệm các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày cuối tuần bắt từ ngày 22/4 cho đến ngày 2/5.
Từ Melbourne, Australia, ông Đỗ Văn Thắng, người phụ trách ghi danh cho cuộc biểu tình 30/4 sắp tới tại thủ đô Canberra của Cộng đồng Người Việt Tự do Úc Châu cho VOA biết đoàn sẽ thực hiện một cuộc biểu tình trước Tòa đại sứ Việt Nam và Tòa đại sứ Trung Quốc tại Canberra.
“Nhiều tiểu bang gom lại cũng vài ngàn người, trung bình khoảng 2.000-3.000 người. Kỳ này hy vọng cũng đông. Mình yểm trợ để cho người dân trong nước đứng lên quang mục quê hương, đòi quyền tự quyết.”
Theo trang lyhuong.net, cộng đồng người Việt tại Pháp cũng sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trước sứ quán Việt Nam tại Paris từ 14 giờ đến 18 giờ ngày 30/4 với chủ đề: “Hãy đứng lên vì môi sinh và sự sống còn của dân tộc và là trách nhiệm của người dân.”
Tại Đức vào lúc 13 giờ ngày thứ Bảy 29/04 sẽ diễn ra cuộc biểu tình trước Tổng lãnh sự Việt Nam ở Frankfurt “để hỗ trợ cho tất cả những cuộc xuống đường của toàn dân tại quốc nội,” theo trang lyhuong.net.
Một cuộc tuần hành của giáo sứ Song Ngọc
Một cuộc tuần hành của giáo sứ Song Ngọc

Linh mục Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An, nơi chịu thiệt hại nặng nề vì thảm họa Formosa cho VOA biết giáo xứ của ông chưa có kế hoạch cho cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 30/4 năm nay, nhưng theo ông, việc thực hiện một cuộc biểu tình thì “không phải là điều quá khó khăn.”
Linh mục Nguyễn Đình Thục nói:
“Cho đến bây giờ thì vẫn chưa có lời kêu gọi biểu tình. Nhưng việc chúng tôi biểu tình cũng không phải cái gì khó khăn mà chúng tôi cần phải có một chương dài và kế hoạch này nọ. Đối với cộng đồng giáo sứ thì việc chúng tôi xuống đường biểu tình, yêu cầu hay phản đối một vấn đề gì đó thì không phải là điều quá khó khăn.”
Liên tiếp trong tháng 3 tháng vừa qua, hàng trăm giáo dân giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An, đã nhiều lần xuống đường yêu cầu chính quyền giải quyết bồi thường thiệt hại cho ngư dân trong sự cố môi trường Formosa.
Vào ngày 03 tháng 4, một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, mà theo người địa phương ước tính lúc cao điểm có khoảng 7.000 người quanh khu vực đặt trụ sở Ủy ban huyện; đa số người biểu tình là giáo dân.
Tại Hà Nội, ngày 10/4, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm, đã chủ trì cuộc họp “bàn về các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4.”
Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 3/4/2017. (Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)
Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 3/4/2017. (Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)

Tại một cuộc họp này, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo cấp dưới “kiên quyết” không để xảy ra các vụ “tụ tập đông người, chặn quốc lộ” như đã xảy ra ở miền trung trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, theo truyền thông trong nước, cũng trong ngày 10/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì một cuộc họp với Quân ủy trung ương tại Bộ Quốc phòng “nhằm chỉ đạo nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu.”
Những cuộc họp quan trọng của lãnh đạo Việt Nam phần nào cho thấy sự thận trọng của chính quyền và cũng là chỉ dấu rằng các biện pháp răn đe, bắt bớ sẽ được tiếp tục sử dụng để ngăn chặn các cuộc biểu tình, nếu có, vào dịp lễ 30/4 năm nay.
Cộng đồng người Việt hải ngoại nói các cuộc biểu tình đã lên lịch nhằm yểm trợ cho các phong trào kêu gọi dân chủ trong nước.
Ông Đinh Hùng Cường nói:
Cuộc biểu tình bên nhà Việt Nam là thái độ của những người anh hùng, những người dân đã không chịu nỗi sự áp bức. Chúng tôi thấy đây là đúng lúc. Người dân Việt Nam phải can đảm. Chúng tôi ở hải ngoại sẽ làm hết sức mình yểm trợ các bạn trong nước. Việc làm của các bạn là vô cùng chính đáng. Thái độ đó chúng tôi rất kính phục và ngưỡng mộ, cho dù bị đe dọa, bóp chặt trong trứng nước trước các vụ phản đối.”
Hôm qua 10/4, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam nói rằng “tận dụng sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, hơn một năm qua, những phần tử xấu dưới vỏ bọc ‘tôn giáo’ đã ra sức lôi kéo một bộ phận giáo dân gây rối an ninh trật tự hòng tạo cớ ‘vu khống, ăn vạ’ chính quyền ‘đàn áp tôn giáo, bóp nghẹt dân chủ’ để từ đó lu loa với thế giới về một Việt Nam ‘bất ổn’, chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động bạo loạn, kêu gọi nước ngoài can thiệp vào Việt Nam.”