Monday, October 17, 2016

Sài Gòn lại ngập nặng vì mưa và triều cường

Người đi đường vật vã giữa biển nước ngập tại đầu cầu Rạch Chiếc, Quận Thủ Đức, Sài Gòn, hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Mười. (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN – “Đến hẹn lại lên,” dân ở Sài Gòn lại bì bõm trong biển nước hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Mười, mà tin tức nói do mưa kéo dài phối hợp với triều cường.
Trong khi đó, theo tin của nhiều tờ báo trong nước, người dân hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đang khốn đốn với trận mưa lũ lịch sử kéo dài hợp cùng với thủy điện xả lũ làm cả trăm căn nhà ngập sâu trong nước, hiện đã có 24 người vừa chết vừa mất tích tại khu vực hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, còn sự thiệt hại vật chất vô cùng lớn lao sẽ dẫn đến đói khổ không ít.
Tại Sài Gòn, theo tin tờ Tuổi Trẻ, cơn mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường làm hàng loạt con đường trong thành phố chìm sâu trong biển nước.
Theo nguồn tin này, “Đến khoảng 5 giờ 30 chiều cùng ngày người dân vẫn vất vả dầm mưa lội ngập trên các tuyến đường như quốc lộ 13, Hiệp Bình, Kha Vạn Cân (Quận Thủ Đức), Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Quận Bình Thạnh)…
Theo ghi nhận, tại đường Nguyễn Xí, nước ngập từ 0.3 đến 0.5m khiến một số xe cộ chết máy. Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, xe cộ ùn ứ kéo dài.”
Đồng thời, “Các tuyến đường cũng bị ngập nặng là D1, Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Lương Định Của và Trần Não (Quận 2)… Tại khu vực Thanh Đa (Quận Bình Thạnh), nước tràn vào nhà dân, các phương tiện chết máy, nhiều người dân té ngã tại những đoạn nước sâu.”
Đặc biệt, theo báo Tuổi Trẻ, “tại xa lộ Hà Nội đoạn chân cầu Rạch Chiếc nước ngập lút nửa xe. Hàng trăm người nối nhau kéo dài vì xe chết máy, mỗi lần có xe lớn qua sóng nước dạt qua hai bên cuồn cuộn khiến nhiều phương tiện bị hất ngã xuống nước. Các cống thoát tại khu vực này bị quá tải trào ngược ùng ục bung nắp cống. Hàng trăm xe bị chết máy phải dắt lên cầu đợi sửa khiến giao thông ùn tắc kéo dài hàng trăm mét từ trạm thu phí xa lộ Hà Nội đến chân cầu Rạch Chiếc.”
Tờ Tuổi Trẻ cho biết: “Mưa trùng thời điểm đỉnh triều cường đạt 1.62m trên sông Sài Gòn nên gây ngập 14 điểm, trong đó có Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai (Quận 9); xa lộ Hà Nội, Quốc Hương (Quận 2); Hồ Văn Tư, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành (Quận Thủ Đức); Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xí, Bình Qưới (Quận Bình Thạnh); Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương (Quận 7)…”
Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã tiêu hàng chục ngàn tỷ đồng chống ngập lụt nhưng ngập lụt vẫn mỗi ngày một tệ hại hơn. (TN)

Không chỉ thiên tai, nhân họa đang giáng xuống Nghệ An

Các cửa xả lũ của hồ Vực Mấu. (Hình: Đài truyền hình Nghệ An)
NGHỆ AN (NV) – Giữa lúc Nghệ An đang chìm trong biển nước, có nơi mực nước ngập lên tới 4 mét, thì xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai loan báo xả lũ từ hồ Vực Mấu vào sáng Chủ Nhật, 16 Tháng Mười.
Vực Mấu là hồ chứa nước lớn nhất của Nghệ An, cung cấp cả nước sinh hoạt cho thị xã Hoàng Mai lẫn nước tưới cho 3,600 héc ta đất nông nghiệp. Dung tích của hồ Vực Mấu là 75 triệu mét khối. Nếu lũ về có thể chứa tới 125 triệu mét khối nước.
Mưa lớn, liên tục đã khiến mực nước ở hồ Vực Mấu chạm mức 20.5 mét trong khi theo thiết kế thì mực nước tối đa ở hồ này chỉ là 22.2 mét. Bởi vì mưa chưa ngừng mà một siêu bão đang đổ vào khu vực này, hồ có thể vỡ, xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai loan báo từ 7 giờ sáng, sẽ mở 3/5 cửa xả để thoát nước (xả lũ). Việc xả lũ không biết đến lúc nào mới ngừng vì không thể dự đoán được thời tiết.
Tháng Mười, 2013, hồ Vực Mấu đã từng mở 2/5 cửa xả để tránh vỡ hồ. Cũng vì vậy, lúc đó, cả khu vực hạ du đã chìm trong biển nước. Ngoài ba người chết (một mất xác), hàng ngàn căn nhà bị ngập qua nóc, thiệt hại được ước tính phải đến 800 tỷ. Không có viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm vì việc xả lũ được xem là đúng qui trình (không xả nước từ từ trước khi lũ về vì cần tích nước, xả đột ngột vì nếu không xả, hồ vỡ, cả thị xã Hoàng Mai sẽ bị tống ra biển).
Chưa rõ lần này, thảm họa do hồ Vực Mấu xả lũ sẽ ở mức nào.
Các hồ chứa nước cho thủy điện và thủy lợi vẫn tiếp tục là ẩn họa cho dân chúng nhiều vùng ở Việt Nam. Cần nhắc lại rằng, đây là những ẩn họa có thể tránh được nếu chính quyền Việt Nam và chính quyền các địa phương lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhưng điều đó không xảy ra.
Trong vụ lụt đang diễn ra ở phía Bắc miền Trung Việt Nam, đến nay đã có hai nhân họa liên tiếng giáng xuống đầu dân chúng các tỉnh trong khu vực này khiến tình cảnh của các nạn nhân thêm thê thảm.
Cũng do mưa to, liên tục, lũ càng lúc càng lớn, sáng 14 Tháng Mười, nhà máy thủy điện Hố Hô (tọa lạc ở khu vực giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) đột ngột xả lũ. Nước từ trên cao tràn xuống nhấn chìm nhiều khu vực ở hạ du. Tuy là huyện miền núi nhưng tất cả các khu dân cư ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đều ngập sâu. Dân chúng chỉ kịp thoát lên nóc nhà, bỏ lại toàn bộ tài sản.
Nước từ hồ Hố Hô xả ra cũng cô lập nhiều khu dân cư ở Quảng Bình. Ngày 15 Tháng Mười, chính quyền tỉnh Quảng Bình đề nghị chính quyền Việt Nam điều động trực thăng, các loại tàu chuyên dụng để cứu những nạn nhân đang đó, lạnh giữa biển nước suốt ba ngày vừa qua.
Theo báo chí Việt Nam, với tình trạng mưa, lũ, bão lớn đang đổ đến như hiện nay, khả năng hàng chục hồ chứa nước ở khu vực phía Bắc miền Trung đồng loạt xả lũ như hồ Hố Hô, hồ Vực Mấu, là rất lớn. Không thể ước đoán mức độ thảm họa sẽ lớn thế nào. (G.Đ.)

Hải Dương: Dân chặn cửa khu công nghiệp, quốc lộ 5 tê liệt

Người dân Hải Dương chặn lối ra vào khu công nghiệp Lai Vu. (Hình: danluan.org)
HẢI DƯƠNG (NV) – “Hàng chục hộ dân ở Kim Thành, Hải Dương mang chất thải đổ ra cổng khu công nghiệp Lai Vu khiến giao thông quốc lộ 5 bị tắc nghẽn nghiêm trọng” theo bản tin VNExpress hôm Thứ Bảy.
VNExpress nói rằng khoảng 6 giờ sáng, có “gần 50 người dân huyện Kim Thành (Hải Dương) mang theo hàng trăm túi chất thải kéo ra cổng khu công nghiệp Lai Vu ngăn công nhân ra vào làm.”
“Những người này đổ đất, chăng dây buộc các túi ‘bom bẩn’ ngang cổng khu công nghiệp và tuyên bố nếu công nhân nào bước qua vào trong khu công nghiệp sẽ bị ném phân vào người.”
Vì sự ngăn chặn này, khoảng 6,000 công nhân không thể ra vào khiến quốc lộ 5 chiều Hải Phòng đi Hà Nội tê liệt, nhiều doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ.
Theo VNExpress, một số người dân cho biết, họ tập trung phản đối vì bị áp giá đền bù đất “quá rẻ” khi xây dựng khu công nghiệp Lai Vu. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết thỏa đáng,” một người nói.
Sau một thời gian thuyết phục, người biểu tình giải tán lúc 11 giờ cùng ngày, giao thông trên quốc lộ 5 trở lại hoạt động bình thường.
Cũng giống như những nơi khác, nhà cầm quyền địa phương áp đặt giá đền bù rất thấp kiểu cướp ngày, đẩy người dân ra khỏi nơi họ đã sinh sống yên ổn từ bao nhiêu năm qua, với tương lai bất định.
Khu công nghiệp Lai Vu do Tập Đoàn Dầu Khí (PVN) làm chủ đầu tư, lấy đất của xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Số gia đình bị mất đất mất nghiệp là 1,154 hộ dân, chỉ được trả tổng cộng gần 78.4 tỷ đồng, trong đó chi có 838 hộ dân chịu nhận tiền và còn 316 hộ không chấp nhận bồi thường kiểu “cướp ngày.”
Họ đã kiện cáo, biểu tình, suốt từ chục năm nay nhưng không bao giờ được giải quyết. Nay họ phải mang “chất thải” đến trước cổng khu công nghiệp trong vô vọng. (TN)

Bốn tổ chức và gần 100 cá nhân lên tiếng vụ Formosa

Người dân leo tường rào nhà máy Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, treo khẩu hiệu đòi đuổi công ty này ra khỏi Việt Nam. (Hình: Facebook Sơn Văn Lê)
SÀI GÒN (NV) – Hơn một trăm cá nhân, tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước đang đòi hỏi Việt Nam đáp ứng nguyện vọng của dân trong thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra.
“Chúng tôi kêu gọi nhà nước và đảng Cộng Sản Việt Nam chọn một thái độ đúng, đứng về phía nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng của người dân trong việc khôi phục lại môi trường, chấm dứt ngay lập tức việc hủy hoại môi trường, chấm dứt việc khai thác tài nguyên do cha ông để lại một cách vô nguyên tắc.”
Bức thư ngỏ đề ngày 15 Tháng Mười “về việc giải quyết thảm họa do Formosa gây ra” với danh sách tham gia ký tên ban đầu với 4 tổ chức xã hội dân sự và 98 cá nhân trong ngoài nước viết như trên.
Bức thư ngỏ “phản đối mọi hành động đàn áp, đe dọa và gây khó dễ trong đời sống đối với người biểu tình sau cuộc biểu tình lịch sử ngày 2 Tháng Mười, phản đối việc sách nhiễu các nhà hoạt động ôn hòa thực thi quyền của mình tại Vũng Tàu, phản đối việc bắt nhà hoạt động xã hội Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… – những việc chỉ đổ thêm dầu vào lửa và không có lợi cho bất cứ ai, kể cả nhà nước Việt Nam.”
Cho tới nay, người ta chỉ thấy chính quyền Việt Nam lập danh sách để bồi thường phần nào sự thiệt hại của người dân tại ba tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, bác bỏ sự đòi hỏi bồi thường của người dân tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà máy luyện gang thép Formosa, vốn đầu tư trực tiếp từ Đài Loan, dù chưa bắt đầu sản xuất và mới chỉ súc rửa hệ thống ống của nhà máy, nhiều loại hóa chất cực độc đã được họ xả thẳng ra biển tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, không hề qua hệ thống lọc như đã cam kết bảo vệ môi trường.
Hậu quả, một vùng biển rộng lớn dọc theo miền Trung đã bị đầu độc từ đầu Tháng Tư. Tất cả mọi sinh vật biển bị tiêu diệt từ tôm cua cá, nghêu sò đến san hô. Ban đầu họ chối trách nhiệm nhưng sau các cuộc nghiên cứu, thử nghiệm được thực hiện chậm chạp, đến cuối Tháng Sáu thì họ chấp nhận bồi thường $500 triệu theo sự thỏa thuận với Việt Nam.
Cho đến nay, kết quả chính thức về sự đầu độc do Formosa gây ra, những cam kết giữa nhà cầm quyền CSVN với họ về bảo vệ môi trường, vẫn bị bưng bít hoàn toàn. Hàng chục ngàn hay có thể hàng trăm ngàn gia đình người dân bị ảnh hưởng từ vụ xả thải độc ra biển của Formosa đã bị chính quyền Việt Nam gạt ra ngoài. Đây là một trong những lý do dẫn đến cuộc biểu tình tại công ty Formosa hồi đầu Tháng Mười vừa qua.
Thấy chế độ Việt Nam bao che cho công ty Formosa, đi ngược lại nguyện vọng và quyền lợi của người dân, ngày 20 Tháng Năm, hàng chục hội đoàn xã hội dân sự và hàng ngàn người dân Việt Nam đã ra tuyên bố lên án công ty Formosa và đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN “nhanh chóng đưa thủ phạm vụ đầu độc biển miền Trung ra trước pháp luật; trừng trị nghiêm khắc, đích đáng, bắt họ bồi thường mọi thiệt hại về người và của cho người dân bị liên lụy, cho những tác hại môi sinh của nước nhà.”
Đến nay, người ta thấy chẳng giới chức nào bị đưa ra xét xử, công ty Formosa vẫn tiến hành các bước chuẩn bị sản xuất gang thép và sẽ tiếp tục xả chất thải độc hại ra môi trường, từ trên không đến biển.
“Chúng tôi kêu gọi sự lắng nghe từ những người cầm quyền. Đây là thời cơ tốt đẹp nhất để những người lãnh đạo chứng minh rằng mình sống và làm việc cho tôn chỉ tổ quốc, và nhân dân. Nhân dân hãy còn hy vọng như vậy, trước khi mất sạch niềm tin vào nhà cầm quyền,” bức thư ngỏ đề ngày 15 Tháng Mười của hơn 100 cá nhân và hội đoàn người Việt Nam trong và ngoài nước kêu gọi. (TN)