Tuesday, February 23, 2016

Tòa Bạch Ốc: Trung Quốc sai khi so sánh Hawaii với Biển Đông

Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đi bộ trên bãi biển ở Haleiwa, Hawaii.
Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đi bộ trên bãi biển ở Haleiwa, Hawaii.
VOA-23.02.2016
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc bác bỏ ý kiến của Trung Quốc cho rằng những gì mà Bắc Kinh làm ở Biển Đông cũng giống như Washington làm ở Hawaii.
Tại cuộc họp báo hôm thứ hai, ông Josh Earnest nói “Không nước nào khác có yêu sách chủ quyền đối với Hawaii, nhưng khi nói tới các thực thể đất đai ở Biển Đông, nhiều quốc gia đã đưa ra những yêu sách chủ quyền chống lấn nhau đối với các thực thể đó.”
Ông Earnest phát biểu như vậy để đáp lại tuyên bố trước đó của bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng “Không có gì khác biệt giữa các cơ sở quốc phòng cần thiết mà Trung Quốc bố trí trên lãnh thổ của mình với những cơ sở phòng vệ của Mỹ ở Hawaii.”
Phát Ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest trả lời họp báo.
Phát Ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest trả lời họp báo.
Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc cho biết Washington hy vọng căng thẳng ở Biển Đông sẽ giảm bớt nếu các bên tranh chấp đưa ra những cam kết giống như cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở California hồi tuần trước.
Ông Earnest nói “Tại cuộc họp thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cam kết không gia tăng sự hiện diện quân sự tại những thực thể đất đai đang có tranh chấp ở Biển Đông.”
Trong khi đó, nhiều tờ báo lớn ở Mỹ đã lên tiếng hối thúc chính phủ có thái độ mạnh mẽ hơn để thách thức mưu toan của Trung Quốc nhằm quân sự hoá Biển Đông.
Bình luận hôm thứ hai của tờ Washington Post cho rằng việc Trung Quốc bố trí phi đạn địa đối không ở quần đảo Hoàng Sa đe dọa nghiêm trọng tới mục tiêu chính sách cốt lõi của Mỹ trong khu vực là quyền tự do hàng hải, và diễn tiến này cho thấy Trung Quốc đang đe dọa giải quyết tranh chấp một cách đơn phương, chứ không phải thông qua đàm phán như Mỹ đã nhiều lần thúc giục.
Hai ngày trước đó, tờ Wall Street Journal cũng hối thúc chính phủ Mỹ mạnh mẽ ứng phó với điều mà họ cho là Bắc Kinh tìm cách ép buộc các nước láng giềng chấp nhận vị thế bá chủ của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm thể hiện giấc mơ làm chủ Á Châu của ông Tập Cận Bình.

Theo PTI, RT,  Washington Post, Wall Street Journal.

Việt Nam mua công nghệ giúp xác định danh tính quân nhân mất tích

Các ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ tại Lạng Sơn, gần biên giới với Trung Quốc.
Các ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ tại Lạng Sơn, gần biên giới với Trung Quốc.
VOA-23.02.2016
Chính phủ Việt Nam đã ký hợp đồng với hãng SMART Research BV của Hà Lan để mua hệ thống phần mềm ráp nối kết quả xét nghiệm DNA với các thiết bị phụ trợ. Đây là một phần của một đề án 10 năm nhằm xác định danh tính của ít nhất 80.000 người trong tổng số 650.000 người mất tích trong Chiến tranh Việt Nam.
Đề án về xác định hài cốt quân nhân Việt Nam còn thiếu thông tin, gọi tắt là Đề án 150, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt vào tháng 1/2013, và do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì.
Theo hợp đồng mới ký kết, ba phòng xét nghiệm sẽ được nâng cấp với công nghệ pháp y mới nhất do các công ty Qiagen và Eppendorf cung cấp, còn hãng BioGlobe và Ủy ban Quốc tế về Người mất tích ở Bosnia sẽ thực hiện các khóa đào tạo. Các bên liên quan không công bố giá trị của hợp đồng.
Phần mềm ráp nối kết quả DNA rất hiện đại có tên Bonaparte của hãng SMART Research BV sẽ giúp các phòng xét nghiệm của chính phủ Việt Nam so sánh các khả năng về họ hàng và các kết quả giống nhau trong dự án tham vọng này.
Hệ thống Bonaparte đã được áp dụng nhiều lần để xác định danh tính trong các tình huống thực tế như vụ thảm họa hàng không ở Tripoli, Libya năm 2010 và vụ rơi chuyến bay Malaysia Airlines MH17 ở Ukraine năm 2014.
Đề án 150 của Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ xác định bằng phương pháp giám định DNA đạt 70.000 hài cốt quân nhân vô danh, tương đương khoảng 20% số hài cốt hiện chưa có thông tin.
Hồi tháng 7/2015, một quan chức Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí rằng Việt Nam còn khoảng 200.000 hài cốt quân nhân chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía nam, cũng như ở Lào và Campuchia.

Ngoài ra, có trên 300.000 hài cốt quân nhân đã đưa về an táng tại các “nghĩa trang liệt sỹ” nhưng vẫn còn thiếu thông tin. Theo đó, tổng số quân nhân chưa xác định được thông tin là hơn 500.000.
Theo Enterpriseinnovation.net, Bonaparte-dvi.com

Ranh giới giữa quyền riêng tư và vấn đề an ninh quốc gia

 Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-02-23  
000_Was8958604-622.jpg
Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook giới thiệu iPhone 6S và 6s Plus tại California hôm 9/9/2015. AFP PHOTO/JOSH EDELSON
Mới đây giám đốc điều hành của Apple là ông Tim Cook đã gửi một thư ngỏ đưa ra lý do từ chối quyết định của Tòa Liên bang yêu cầu Apple phải tạo ra một phiên bản hệ điều hành mới của iPhone có thể mở và giải mã được những dữ kiện mà khách hàng chứa trong chiếc iPhone của mình. Lý do mà ông Tim Cook đưa ra là chống lại sự xâm hại quyền riêng tư của công dân Mỹ cũng như bất cứ sắc dân nào trên thế giới  khi sử dụng iPhone.

Bên nào nặng hơn?

Mặc Lâm tìm hiểu thêm vấn đề qua cuộc phỏng vấn nguyên Thẩm phán Tòa Di trú thuộc tiểu bang San Francisco Phan Quang Tuệ để biết thêm vấn đề luật pháp của Hoa Kỳ trong trường hợp đang có nhiều tranh cãi này. Trước tiên nguyên Thẩm phán Phan Quang Tuệ cho biết:
Phan Quang Tuệ: Cái vụ mở khóa theo FBI yêu cầu và ông Thẩm phán Liên bang ra lệnh là Apple phải tuân theo. Ông Tim Cook, CEO giám đốc điều hành của Apple đã kháng cáo điều đó. Theo chỗ tôi theo dõi thì chưa có phán quyết, lúc đầu định là thứ Ba bây giờ dời lại tới thứ Sáu tuần này.
Họ lại muốn làm cái blanket tức là có thể giải mã hoàn toàn cho bất cứ chiếc iPhone nào để khi nào cần thì cơ quan công lực muốn thì họ sử dụng. Vì lý do đó bên Apple họ mới chống lại, nhân danh quyền lợi của người tiêu thụ và để bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu thụ.
-Phan Quang Tuệ
Vấn đề đặt ra nó như thế này: Nước Mỹ theo chế độ liên bang thì ai cũng biết nhưng điều quan trọng là bản Hiến pháp của Mỹ thì họ chủ trương tổ chức chính quyền giới hạn, chính phủ không phải là cha mẹ của dân mà là do dân và vì dân, nói theo tiếng Anh thì chính quyền là một Limited Government, caí gì mà luật pháp không cấm thì người dân có quyền làm. Cái quyền mình nói ở đây là quyền người Mỹ gọi là Privacy rights, tức là quyền bảo vệ đời sống riêng tư.
Tức là trong căn nhà của tôi nếu các cơ quan công lực đến khám xét thì phải có trát của tòa ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Ngoài ra vì tôi là chủ căn nhà, cái căn nhà này phải hiểu rộng ra bao gồm đời sống riêng tư của tôi, thư từ của tôi, những chuyện xảy ra trong gia đình tôi. Bây giờ bước thêm một bước nữa là trong đời sống tân tiến ngày hôm nay là cái iPhone, hay cell phone. Mỗi lần sử dụng cell phone thì có một cái code (password) và cái code đó chỉ mình mình biết thôi.
Vấn đề này đã được đặt ra không phải mới đây mà suốt cả năm rồi, đó là mỗi khi nhân viên công lực liên bang Mỹ họ cần mở khóa iPhone để kiểm tra cái gì đó thì họ liên lạc với Apple thì Apple đều tuân theo hết. Mỗi lần như vậy thì cơ quan công lực họ cầm cái cell phone đến thẳng head quarter tức là ngay cơ quan của Apple thì các kỹ sư của công ty mới giải mã, tôi tạm dùng chữ unlock.
Thế nhưng lần này Apple họ phản đối, họ kháng cáo lệnh của ông thẩm phán liên bang khi ông này ra lệnh cho Apple phải giải mã. Vấn đề đặt ra là mình đặt cái quyền riêng tư trong đời sống cá nhân của người dân quan trọng hơn an ninh của quốc gia hay ngược lại bên nào nặng hơn?
Theo tôi hiểu thì bên chính quyền liên bang khi họ làm vụ này họ chủ trương xem vấn đề an ninh quốc gia nặng hơn còn phía bên Apple theo chỗ tôi biết thì được các công ty khác trong Silicon Valey ủng hộ họ chủ trương bảo vệ quyền riêng tư. Vì họ nghĩ rằng nếu tuân theo như vậy thì sẽ tạo ra một tiền lệ nó sẽ ảnh hưởng tới đời sống riêng tư. Quyền riêng tư của những người tiêu thụ mà trong trường hợp này nó có thể hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng nước Mỹ.
11-400.jpg
Nguyên Thẩm phán Tòa Di trú thuộc tiểu bang San Francisco Phan Quang Tuệ. Photo courtesy of justice.gov
Mặc Lâm: Thưa Thẩm phán ông Tim Cook như Thẩm phán vừa kể đã hợp tác với FBI mỗi lần tòa yêu cầu giải mã những chiếc iPhone có liên quan đến an ninh quốc gia nhưng lần này ông ấy chống lại lệnh của tòa Liên Bang phải chăng tòa này đã ra phán quyết buộc Apple làm điều gì đó ngoài khả năng của Apple?
Phan Quang Tuệ: Đúng như ông đã đặt câu hỏi. Trước đây mỗi khi có lời yêu cầu của cơ quan công lực liên bang, tạm dịch từ Federal Law Enforcement Agency, thì bên Apple họ hợp tác hoàn toàn. Bây giờ họ lại muốn làm cái blanket tức là có thể giải mã hoàn toàn cho bất cứ chiếc iPhone nào để khi nào cần thì cơ quan công lực muốn thì họ sử dụng. Vì lý do đó bên Apple họ mới chống lại, nhân danh quyền lợi của người tiêu thụ và để bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu thụ.
Mặc Lâm: Nhiều tờ báo tại Mỹ cho là vụ án này khó chấm dứt trong một hay hai tháng vì Apple có thể kháng án lên tòa Tối cao pháp viện trong khi Tòa tối cao lại đang thiếu một thẩm phán vì một thành viên vừa mới qua đời, theo ông thì vụ án này sẽ kết thúc ra sao?
Phan Quang Tuệ: Vấn đề tranh tụng đang xảy ra tại tòa liên bang sau khi Apple kháng cáo thì tôi nghĩ câu chuyện này không có kết thúc vì đọc bức thư ngỏ của ông Tim Cook, rồi kế đó là sự ủng hộ của những công ty khác trong vùng thung lũng Silicon như là Facebook, như Google hay Twitter. Mình thấy câu chuyện đó nó không kết thúc và khả năng kéo dài khi đưa lên Tối coa pháp viện, đặt biệt trong thời gian ứng cử tổng thống này và hệ quả mình không biết được.
Anh Mặc Lâm và thính giả cũng biết là mới đây ông thẩm phán Tối cao pháp viện Antonin Scalia một thẩm phán rất xuất sắc có khuynh hướng bào thủ vừa mới qua đời. Hiện tại người ta đang tranh luận là theo điều khoản 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ, Article Two, Tồng thống Obama phải bổ nhiệm một Thẩm phán mới với sự chấp thuận của Thượng nghị viện Hoa Kỳ. Hiện giờ Thượng viện Hoa Kỳ có đa số là Cộng hòa, họ nói “khoan, phải chờ cho tới khi có tổng thống mới”.
Sau khi thầm phán Antonin Scalia qua đời thì chỉ còn lại 8 thẩm phán tối cao mà thôi, mỗi phe gồm có 4 người tạm gọi một phe là tự do một phe là bảo thủ và mỗi bên 4 phiếu. Trong trường hợp bất phân thắng bại thì quyết định của tòa dưới sẽ được giữ nguyên. Vì lẽ đó mà phán quyết này rất quan trọng và nó sẽ kéo dài vì cuộc bầu cử còn xa dù cho Tổng thống Obama có đưa ra một ứng viên mới thì phải đưa ra Thượng Viện để có những hearing thì thời gian cũng kéo dài qua năm tới.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nguyên Thẩm phán Phan Quang Tuệ.

Thị trường bán lẻ VN có nguy cơ rơi vào tay các cty Thái Lan

 RFA 2016-02-23  
Đại gia Metro tưng bừng mừng năm mới
Đại gia Metro tưng bừng mừng năm mới Siêu thị Metro Việt Nam vào dịp Tết trước đây, ảnh minh họa.  File photo
Toàn bộ thị trường bán lẻ của Việt Nam có nguy cơ rơi hoàn toàn vào tay các công ty Thái Lan sau khi một công ty Thái có tên Berli Jucker (BJC) bày tỏ mong muốn mua lại chuỗi siêu thị bán lẻ Big C của Pháp tại Việt Nam.
Hồi tháng trước, một công ty của Thái Lan khác là TCC Holding Co đã chính thức mua chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Vietnam từ tập đoàn bán lẻ Metro Group của Đức với giá hơn 712 triệu đô la. Đây là tập đoàn có 19 cửa hàng bán sỉ rải khắp Việt Nam.
Tờ Tuổi trẻ mới đây trích lời của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết nếu chuỗi siêu thị Big C được bán cho Thái Lan, điều này có nghĩa là toàn bộ thị trường bán lẻ của Việt Nam đã nằm trong tay các công ty Thái Lan.
Hồi năm 2013, công ty BJC cũng đã mua chuỗi cửa hàng Family Mart của Nhật tại Việt Nam và đặt lại tên là B’s Mart.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, với kênh bán lẻ trong tay, các nhà đầu tư Thái có thể dễ dàng cắt giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh và điều này sẽ gây khó khăn cho hàng Việt Nam muốn đi vào các chuỗi bán lẻ do Thái quản lý.

Gần chục du khách bị truy sát trước quán ăn ở Nha Trang

Theo vnexpress-23/2/2016 | 16:04
Phản ứng khi thấy nam thanh niên có hành động được cho là sàm sỡ bạn gái đi cùng, nhóm du khách bị truy sát khi vừa ra khỏi quán nem nướng tại TP Nha Trang.

gan-chuc-du-khach-bi-truy-sat-truoc-quan-an-o-nha-trang
Nạn nhân bị nhóm thanh niên truy sát. Ảnh: Xuân Ngọc
Sáng 23/2, nằm trên giường bệnh với vết chém dài 15 cm trên đầu, anh Vũ (22 tuổi) cho biết, vợ chồng anh cùng 6 người bạn từ TP HCM ra Nha Trang du lịch. Tối hôm trước, trong lúc mọi người ngồi ăn ở quán nem nướng, cô bạn trong nhóm bị nam thanh niên bàn bên cạnh chạm tay vào mông nên họ phản ứng dẫn đến cãi vã. 
"Được mọi người trong quán căn ngăn, nhóm người này lấy điện thoại gọi cho ai đó rồi tính tiền ra về", anh Vũ nhớ lại.
Lúc sau, anh Vũ và các bạn ra khỏi quán thì nhóm người lạ mặt chạy trên nhiều xe máy bao vây. Trong đó có những thanh niên mâu thuẫn lúc ăn. Anh Vũ bị chúng chém vào đầu, cánh tay. Vợ anh và các bạn chạy vào can ngăn cũng bị thương tích.
Chủ quán nem sợ hãi tri hô, yêu cầu nhân viên đóng sập cửa. "Họ vừa ăn xong, bước ra ngoài thì bị nhóm thanh niên cầm mã tấu truy sát. Sự việc rất náo loạn, tôi không dám can ngăn", bà chủ quán nem cho hay.
Vài phút sau công an phường, cảnh sát 113 có mặt vãn hồi trật tự. Nhóm hung thủ bỏ chạy tán loạn. Một thanh niên bị khống chế.
[Caption]
Một thanh niên trong nhóm hung thủ bị khống chế. Ảnh: N.X
Cảnh sát đang lấy lời khai những người liên quan và nam thanh niên bị bắt để làm rõ.
Xuân Ngọc
* Tên nạn nhân đã được thay đổi

Người miền quê bị lừa vì tin vào chính quyền xã

Ghi nhận tại tỉnh An Giang, ở các huyện: Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành, Tân Châu, An Phú, Chợ Mới…, có tới hàng ngàn nhà dân vì tin vào việc chính quyền xã chào bán hàng, nên đã mua toàn hàng “dỏm”.
Bà Nga nói vì tin vào hàng hóa bán tại trụ sở ủy ban xã nên mới bị quả lừa quá hớp. (M. Hiển)
Các mặt hàng được rao bán tại ủy ban xã ở các huyện nói trên, gồm bếp điện, bếp từ, nồi cơm điện, bếp gas, bộ nồi tiết kiệm năng lượng, bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời, nệm, mùng, gối... Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh An, Châu Thành) kể: “Tôi đến ủy ban xã nghe họ giới thiệu bộ nồi đa năng, đèn pin sử dụng năng lượng mặt trời, nồi tiết kiệm năng lượng…, họ giới thiệu sản phẩm rất tốt nên giá cao, mua thì có kèm tặng phẩm khuyến mãi. Nồi tiết kiệm năng lượng có giá từ 2.1 – 2.8 triệu đồng/cái, tùy vào số tặng phẩm kèm theo, như: Máy xay sinh tố, đèn pin sử dụng năng lượng mặt trời, thau inox… Đèn sử dụng năng lượng mặt trời giá đến 1.8 triệu đồng nhưng khi mua xong, mang về sử dụng có mấy ngày là mang “đi bỏ” vì chỉ sáng được 1 – 2 tiếng đồng hồ là tắt luôn. Tôi biết mình bị lừa, gọi đến số điện thoại mà trong lúc bán hàng họ công bố nhưng không ai bắt máy. Tốn hết 10 triệu đồng, mà không mua được món hàng nào xứng đáng”.
Khi bà Nga lên chính quyền xã mắng vốn, thì các nhân viên nơi đây nói là xã chỉ cho mướn hội trường để những người đi rao bán hàng, chứ không biết gốc gác hàng hóa.
“Nhiều gia đình ở nông thôn rất khó chịu trước sự việc này. Tại sao các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Công an, An ninh kinh tế từ huyện đến tỉnh không vào cuộc xử lý, cảnh báo để người dân không mắc lừa”, ông Lê Thành Nam (xã Bình Long, Châu Phú) nói.
Trước Tết Nguyên đán, nhóm người bán hàng dạo đã ghé qua xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân tổ chức bán hàng tại ủy ban xã. Bằng chiêu thức bán hàng trong vòng vài phút, ai mua thì ghi tên, đóng tiền, hết thời gian thì có mua cũng không bán nên đã có trên 50 người bị lừa. “Chỉ riêng buổi hôm đó, họ đã bán hết một xe hàng, trị giá chắc cũng trên 300 triệu đồng. Họ bán hàng hóa mà như đi ăn cướp. Bán xong là thu xếp đồ lên xe chạy đi ngay. Nhìn cử chỉ đó, tôi biết ngay đây là nhóm người chuyên đi lừa đảo bà con nghèo, nhẹ dạ, cả tin. Có gia đình khi nghe giới thiệu hàng và ăn cháo gà nấu tại hôm bán đồ, thấy khoái nên mua ngay một loạt 6 cái nồi cho các con trong nhà, tổng số tiền cũng trên chục triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Cảnh, người dân địa phương, kể lại.
“Gia đình tôi làm rẫy, mỗi vụ 3 tháng chỉ lời được 10 triệu đồng nhưng hôm rồi chồng tôi đi mượn tiền hàng xóm mua hết 7 triệu đồng, mua về sử dụng không được mới tức”, bà Lâm Thị Kim Phượng, nhà ở xã Bình Phú, Châu Phú, nói.
02/23/2016 - 07:01
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Trung úy công an đem thẻ đảng đi vay rồi quỵt luôn 200 triệu

Một trung úy công an CSVN đã đem thẻ đảng đi cầm với giá 200 triệu (khoảng 9 ngàn Mỹ kim). Sau đó, quay trở lại mượn thẻ đảng để nộp cho cơ quan, rồi không chịu trả lại. Từ tiền vốn lẫn lãi viên công an này cũng không chịu trả cho chủ nợ.


Giấy mượn tiền do trung úy công an Hiếu viết. Ảnh: Tuổi Trẻ
Báo Tuổi Trẻ cho biết, ngày 13/2/2015, trung úy Lê Minh Hiếu (27 tuổi) thuộc Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) đã tìm đến ông Đặng Ái Quốc mượn số tiền 200 triệu. Để được ông Quốc cho mượn, Hiếu đã đem thẻ đảng CSVN ra làm tin. Cùng với đó là viết giấy hứa sẽ trả nợ trong thời hạn 3 năm và trả lãi hàng tháng.
Nhưng từ ngày vay nợ, Hiếu chẳng chịu trả lãi xu teng nào. Đến 8/7/2015, Hiếu tìm gặp ông Quốc để hỏi mượn lại thẻ đảng viên với lý do là nộp cho cơ quan. Ông Quốc không dám từ chối, nhưng bắt Hiếu phải làm giấy "mượn lại thẻ đảng" và cam kết phải trả lại cho ông Quốc sau 30 ngày. Tuy nhiên, Hiếu không trả lại thẻ.
Hành động ăn quỵt của Hiếu làm ông Quốc tức giận. Rất nhiều lần, ông đã viết đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến công an huyện Châu Thành. Vì để bảo vệ cho đồng đội, công an huyện kêu ông Quốc lên làm việc 4 lần, nhưng cũng chỉ là cho qua loa chứ chẳng đả động gì đến việc xử trị Hiếu.
Ông Đào Văn Bắc, phó công an huyện Châu Thành qua tiếp xúc với báo chí nói công an huyện đã vào cuộc để điều tra. Nhưng vì đây là vụ "tranh chấp dân sự", nên công an đã hướng dẫn ông Quốc chuyển qua tòa án giải quyết. Đối với Hiếu, ông Bắc cho biết là đã kỷ luật "bằng hình thức cảnh cáo về mặt đảng" và cảnh cáo về mặt ngành. Lý do kỷ luật là vì lấy thẻ đảng đem đi cầm "làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành công an"!
Tuy nhiên, theo dư luận, hành vi của Hiếu không phải là tranh chấp dân sự bình thường, mà đã có thể khép vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tội này đáng lý phải ngồi tù theo Bộ luật hình sự.
Vài năm trở lại đây, rất nhiều đảng viên, công an mang thẻ đảng, thẻ ngành đi cầm cố rồi quỵt nợ không chịu trả. Báo chí đã có rất nhiều bài viết phản ánh việc này. Đây chỉ là một trong những vụ được phơi bày ra ánh sáng.
Ngọc Quân / SBTN

3,000 công nhân tiếp tục đình công để phản đối chính sách lương bổng

Một vụ đình công của hơn 3,000 công nhân tại công ty Nissey Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, khu kỹ nghệ Tân Thuận, Sài Gòn) kéo dài hơn một tuần qua vẫn chưa đến hồi kết thúc.


Công nhân công ty Nissey cho biết, trước việc Chính phủ CSVN ban hành Nghị định về việc điều chỉnh lương cơ bản, ban giám đốc công ty đã cắt giảm rất nhiều phụ cấp của công nhân, với số tiền khoảng 200,000 đồng. Như vậy, với mức lương căn bản và các phụ cấp, như; nhà ở, độc hại thì lương của họ chỉ nhỉn hơn 1 triệu đồng (khoảng 45 Mỹ kim) một tháng.
Công nhân còn đình công là do công ty không tăng lương thâm niên, khiến rất nhiều người làm việc lâu năm và người mới vô làm có mức lương như nhau.
Chính vì vậy, ngày 15/2, đồng loạt công nhân công ty Nissey đình công để phản đối việc ban giám đốc cắt tiền phụ cấp để tăng lương cơ bản.
Trước những yêu sách của công nhân, phía công ty Nissey cho rằng, với mức lương hiện nay là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Vào sáng ngày 17/2, để làm dịu bầu không khí căng thẳng, công ty Nissey đã cho ra thông báo, trong đó cho biết sẽ tăng thêm phụ cấp đối với những người có thâm niên, cứ 1 năm làm việc sẽ được tăng thêm 20,000 đồng trên mức lương và không quá 200,000 đồng. Nghĩa là, với người có thâm niên làm việc 12 năm thì tiền phụ cấp tăng thêm 200 ngàn. Đối với người có thâm niên 2 năm thì phụ cấp chỉ là 40 ngàn. Tuy nhiên, việc làm này đã không thỏa mãn được công nhân. Các công nhân yêu cầu công ty Nissey phải tăng 200 ngàn vào lương cơ bản.
Theo diễn tiến mới nhất, Chủ tịch Hội đồng quản trị bay từ Nhật Bản sang đã đối thoại trực tiếp với công nhân. Tuy nhiên, ông này không đưa ra phương án giải quyết cụ thể mà chỉ đề nghị công nhân quay trở lại làm việc, những yêu sách sẽ được "từ từ xem xét". Cuộc đối thoại đã không mang lại kết quả như ý muốn. Các công nhân đi về, không chịu quay trở lại làm việc. Nhiều công nhân cho biết, nếu họ quay trở làm việc đồng nghĩa với việc chấp nhận cách giải quyết của công ty.
02/23/2016 - 06:32
Ngọc Quân/SBTN

‘Đổi mới không đổi màu’: Nguồn gốc đẻ ra tham nhũng và ‘thế lực thù địch’

Đầu xuân 2016, Trung tướng về hưu Nguyễn Quốc Thước một lần nữa kiên định quan điểm “Đổi mới nhưng dứt khoát không được đổi màu” trong một bài trả lời phỏng vấn báo Giáo Dục Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trên báo Giáo Dục: "Đổi mới nhưng dứt khoát không đổi màu". (Ảnh: Giáo Dục VN)
Ông Thước còn lo ngại về “cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá nhà nước ta”.
Cùng với một ít tướng lĩnh quân đội và đại biểu quốc hội, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước được giới quan sát trong nước đánh giá là người có tiếng nói phản biện tương đối mạnh mẽ về các vấn đề chống tham nhũng, xây dựng đảng “trong sạch vững mạnh” và đặc biệt về chủ quyền biển đảo.
Do đó, sự khẳng định lại quan điểm “đổi mới không đổi màu” của ông Thước cũng mang tính đại diện cho một tầng lớp cán bộ hưu trí và đương chức vẫn giữ gần như nguyên vẹn não trạng bảo thủ “còn đảng còn mình”.
Ngược lại, nhiều trí thức phản biện độc lập trong và ngoài Việt Nam đã phân tích về nguồn gốc lớn nhất đẻ ra tệ tham nhũng vô giới hạn trong giới quan chức là chế đội độ đảng. Một khi không ít nhất “cải cách thể chế” và xem xét lại vai trò quá lạc hậu lẫn độc đoán của điều 4 hiến pháp, tham nhũng vẫn tồn tại và cho dù có đến hàng chục Nguyễn Phú Trọng cũng không thể dẹp loạn.
Đáng chú ý, lý luận “đổi mới không đổi màu” đã phát sinh từ sau thời “Đổi mới” của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Đặc biệt sau thời mở cửa kinh tế vào những năm đầu của thập lỷ 90 thuộc thế kỷ XX, đảng Cộng sản bắt đầu nhận ra hệ lụy “ruồi muỗi bay vào nhà”, do đó đã đưa ra khẩu hiệu “Đổi mới không đổi màu”. Phương châm này nhằm chống lại “âm mưu diễn biến hòa bình” của Mỹ và phương Tây muốn biến Việt Nam thành một cuộc cách mạng thay đổi chế độ như ở Liên xô và Đông Âu.
Sau một phần tư thế kỷ từ thời mở cửa kinh tế, sự thật đáng lo ngại là khẩu hiệu “Đổi mới không đổi màu” vẫn hằn sâu trong tư duy và nếp nghĩ của một số cán bộ cao cấp về hưu như tướng Nguyễn Quốc Thước. Nếp hằn này càng có vẻ được củng cố với đà thắng thế gần như tuyệt đối của phe đảng sau đại hội 12 của đảng cầm quyền – diễn ra vào tháng Giêng năm 2016.
Không thể phủ nhận một thực tế là để bảo vệ quyền lực và vị trí lâu dài của mình, nhiều nhóm chính trị và lợi ích kinh tế ở Việt Nam đã dựa vào khẩu hiệu “Đổi mới không đổi màu” để duy trì sự tồn tại của đảng Cộng sản và cả quy chụp, triệt hạ nhau nếu cần. Vài tướng lĩnh dù có thể trong sạch nhưng quá “hồn nhiên” như tướng Nguyễn Quốc Thước đã vô hình trung bị các nhóm lợi ích biến thành bình phong để bảo vệ cho lợi ích nhóm của họ.
Một trong những nhóm lợi ích ghê gớm nhất ở Việt Nam được cho là “sân sau” và có liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong thời gian trước đại hội 12, tướng về hưu Nguyễn Quốc Thước từng bày tỏ khá nhiều về lập trường ủng hộ Thủ tướng Dũng trong phản ứng với Trung cộng. Những phát biểu của tướng Thước có thể khiến một số dư luận cho rằng Thủ tướng Dũng, chứ không phải là Tổng bí thư Trọng hay Chủ tịch nước Sang, mới là nhân vật mang quan điểm “thoát Trung” mạnh nhất.
Tuy nhiên trong thực tế ngoài vài câu nói vu vơ về “”tình hữu nghị viển vông”, Thủ tướng Dũng đã chưa từng có hành động rõ ràng nào phản ứng với Trung cộng – điều tương tự việc ông từng đề cập đến “giương cao ngọn cờ dân chủ” nhưng lại chưa hề làm được điều gì tốt đẹp cho nhân quyền Việt Nam, nếu không muốn nói là ngược lại.
02/22/2016 - 17:10
Lê Dung / SBTN

Chuyện hai lãnh đạo to “can thiệp” vào kinh tế thị trường

Trần Hồng Phong-
Đó là ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và ông Đinh La Thăng – Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh - xảy ra trong tháng 2/2016 này. Cả hai ông vừa mới được Bộ chính trị bổ nhiệm vào vị trí mới, rất quan trọng, và đã có những hành động đầu tiên, được dư luận, người dân chú ý.
Đinh La Thăng và Nguyễn Đức Chung  (ảnh minh họa)
Nông dân nuôi bò sữa còn khó khăn trong việc bán sữa 
Đầu tiên là ông Nguyễn Đức Chung, người trước đó đang là một tướng công an, giám đốc công an TP. Hà Nội. Ông Chung ngay sau khi nhận chức đã chỉ đạo các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội phải bán hàng ngay cả trong dịp Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Mùng 1, mùng 2 tết cũng phải bán!
Kết quả: Không có siêu thị nào nghe theo lệnh của ông cả. Mùng 1, mùng 2 các siêu thị vẫn đóng cửa im ỉm (nhiều báo đưa tin này, đặc biệt là trên báo Lao Động).
Ở phía Nam, tân bí thư Đinh La Thăng khi làm việc với lãnh đạo huyện Củ Chi, nghe “than” về chuyện nông dân khó khăn trong việc bán sữa bò, ngay lập tức ông đã yêu cầu liên hệ với lãnh đạo Công ty sữa Vinamilk, đặt vấn đề công ty cần mua sữa cho bà con.
Kết quả: Lãnh đạo Vinamilk cho biết sẽ xem xét. Nhưng lâu nay chỉ không mua từ những hộ nông dân không ký hợp đồng với Vinamilk. (báo chí đưa tin rần rần).
Như vậy, tóm lại là cả hai chuyện “can thiệp” của hai ông tân lãnh đạo đều đã không hoặc chưa đạt được kết quả như mục tiêu mà hai ông đã đề ra. Vì sao vậy? Và hai ông có quyền đó không?
Trước hết, cho dù có thể đây là hai hành động mang tính bột phát, thậm chí có mục đích “đánh bóng” cá nhân đi nữa (chả có gì xấu), thì cũng thể hiện một tư duy của lòng tốt, quan tâm đến cuộc sống người dân. Điều này là đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, xét về mặt pháp luật, với cương vị là lãnh đạo địa phương, hai ông không có quyền can thiệp vào những chuyện mang tính chất “kinh tế thị trường” như vậy. Chưa kể là nếu doanh nghiệp thực hiện, có thể dẫn đến những hệ lụy, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đối với siêu thị, nếu tổ chức bán hàng trong những ngày nghỉ tết, sẽ phải trả lương tối thiểu gấp 3 lần bình thường cho người lao động (điều này quy định trong Bộ luật lao động). Mọi chi phí để vận hành, hoạt động siêu thị sẽ tăng lên cao so với bình thường. Trong khi đó cũng không thể tăng giá bán, và nhu cầu mua sắm của người dân trong những ngày tết (đặc biệt là mùng 1, mùng 2) sẽ không cao, không phù hợp với thói quen. Do vậy, nếu mở cửa chưa chắc siêu thị đã kinh doanh thuận lợi, có lãi …
Đối với công ty sữa Vinamilk, việc mua sữa của nông dân chính là hoạt động thương mại, hợp đồng - phải trên cơ sở thuận mua, vừa bán. Đặc biệt là không được có sự “ép buộc” trong giao dịch mua bán (theo quy định tại Bộ luật dân sự, nếu hợp đồng được giao kết trên cơ sở bị ép buộc thì có thể sẽ bị coi là vô hiệu).
Nhưng trên hết, trong hoạt động kinh doanh nói chung, các doanh nghiệp được quyền tự chủ. Tức là không ai, dù là lãnh đạo to đến cấp nào, có quyền can thiệp, ép buộc doanh nghiệp phải mua gì, bán gì, lúc nào, với ai .... Mà phải tuân thủ và thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu đảng và nhà nước muốn thế nào, thì phải ban hành chính sách, rồi “chuyển biến” thành luật. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai có quyền đứng trên pháp luật.
Đó cũng chính là nguyên tắc, đặc tính của nền kinh tế thị trường, phân biệt với mô hình kinh tế theo kiểu bao cấp, trong đó nhà nước ôm đồm, chỉ đạo và quyết định tất cả! (mà nước ta đã nói lời “giã từ” không hẹn ngày trở lại từ lâu).
Tất nhiên, trong những tình huống thực sự cấp thiết, cần thiết, vì mục đích nhân đạo, cứu người … thì lãnh đạo có quyền yêu cầu và doanh nghiệp hay bất kỳ ai cũng phải thực hiện. Sau đó lời lỗ thế nào nhà nước sẽ tính toán lại. Nhưng đây là chuyện khác.
Qua hai câu chuyện “can thiệp” vào “kinh tế thị trường” như trên, cho chúng ta thấy có mấy điểm khá hay ho thú vị như sau:
Một là, lãnh đạo giỏi là lãnh đạo ngoài việc quan tân đến đời sống người dân, cần phải vận dụng một cách hiệu quả pháp luật. Hay nói cụ thể hơn là không được trái luật. Vì nếu trái luật, thì sẽ thất bại.
Hai là, nước ta hiện nay đang xây dựng nền kinh tế thị trường. Tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới WTO từ nhiều năm qua, tới nay lãnh đạo Việt Nam vẫn phải nhiều lần đề nghị các nước khác sớm công nhận VN là có “nền kinh tế thị trường đầy đủ” – cho thấy hiện nay chúng ta chưa vẫn chưa đạt theo chuẩn quốc tế. Việc lãnh đạo can thiệp như hai câu chuyện nói trên chính là minh chứng cụ thể cho việc vì sao VN vẫn chưa được một số nước (như Mỹ chẳng hạn) công nhận là có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Dù sao tui cũng có lời ủng hộ dành cho cái tâm của hai vị lãnh đạo. Chỉ mong đó là cái tâm thật sự.

Việt nam nên có Tòa án Hiến pháp


Mới đây, việc ban hành Thông tư 01/2016 của Bộ Công an đã quy định rằng, từ ngày 15/2/2016, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc hay các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển phương tiện đã khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ.
Điều này được coi là một hành động vi phạm Hiến pháp (vi hiến) của Bộ Công An, vì thông tư này đã không chỉ mâu thuẫn và trái với quy định tại điều 169, khoản 2 điều 21 của Hiến pháp Sửa đổi 2013, về bí mật thư tín. Mà còn trái với Luật trưng thu, trưng dụng tài sản ngày 3/6/2008 của Quốc hội ban hành. Theo TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã thấy rằng, quyền “trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc...” mà Thông tư này quy định là một thứ “quyền treo”, không thực hiện được vì “cán bộ tuần tra kiểm soát giao thông không có thẩm quyền trưng dụng”.
Sự cần thiết của Tòa án Hiến pháp
Ví dụ nói trên chỉ là một ví dụ trong hàng nghìn, hàng vạn trường hợp các thông tư, nghị định, các văn bản dưới luật vi phạm các quy định của Hiến pháp - văn bản luật pháp cao nhất của một quốc gia. Mà điển hình nhất là việc cưỡng chế đất đai của người dân cho cả “mục đích phát triển kinh tế”, điều đó đã khiến cho việc hình thành một tầng lớp dân oan mất đất đai và tư liệu sản xuất đông đảo và bị đẩy vào bước đường cùng. Trong lúc Hiến pháp quy định chỉ cho phép “vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”, thì Luật Đất đai lại cho phép thu hồi đất . Đây là một việc làm vi hiến rất nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực làm luật cũng vậy, những hành vi vi hiến có thể biểu hiện dưới dạng nhà nước chây ỳ không chịu ban hành luật để công dân thực hiện các quyền đã được hiến định. Như các quyền biểu tình, lập hội, trưng cầu dân ý v.v… như hiện nay. Điều đã khiến cho nhiều quan chức cao cấp của nhà nước phải bức xúc trong thời gian vừa qua.
Theo quy định, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp không có thẩm quyền thụ lý khiếu nại của dân về các vấn để văn bản pháp luật. Vì thế, trong trường hợp người dân thấy một thông tư, nghị định có dấu hiệu trái luật hoặc vi hiến thì họ như đã kể ở trên thì họ phải làm gì? Xin thưa, đó là chức năng của Toà án Hiến pháp, tuy vậy tổ chức bảo vệ Hiến pháp này đến nay vẫn chưa được thiết lập ở Việt nam.
Tòa án Hiến pháp phán quyết về các vi phạm hiến pháp theo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp. Tính độc lập ấy sẽ đảm bảo tính cân bằng trong quan hệ quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Tòa án Hiến pháp một tòa án có liên chủ yếu đến việc bảo vệ Hiến pháp. Sự có mặt của tổ chức này sẽ giúp cho việc hoàn thiện vòng tròn giám sát, đưa luật lên vị trí tối thượng, tạo một nhà nước pháp quyền, không cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào đứng trên pháp luật.
Về nguyên tắc, Tòa án Hiến pháp là nơi xem xét và quyết định các luật do chính quyền ban hành có vi phạm Hiến pháp hay không? Hoặc các luật hay văn bản dưới luật có xung đột với các quyền tự do của công dân do Hiến pháp quy định hay không? Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp cũng có trách nhiệm giải thích Hiến pháp hoặc đưa ra phán quyết đối với những tranh chấp về thẩm quyền xét xử và những khiếu nại về hiến pháp. Đặc biệt, Tòa án Hiến pháp còn có quyền giải quyết tranh chấp trong các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân; Xem xét các vấn đề và đưa ra các quyết định tư pháp để buộc tội hoặc giải thể một đảng chính trị; Miễn nhiệm nghị sỹ và cách chức các quan chức cấp cao của Nhà nước; Tham gia luận tội các quan chức cấp cao của nhà nước…
Một khi Tòa án Hiến pháp được thành lập, để đảm bảo các phán quyết của Tòa án này không chịu áp lực hay sự can thiệp của bất kỳ tổ chức và cá nhân nào, thì các thành viên của  Tòa án này sẽ được lựa chọn công khai với sự tham gia của các tổ chức và các cá nhân có uy tín tên tuổi và cuối cùng sẽ được Quốc hội phê chuẩn. Các thành viên Thẩm phán Tòa án Hiến pháp sẽ là các luật gia, học giả có tên tuổi và uy tín xã hội đủ để họ công tâm phụng sự đất nước. Đồng thời họ sẽ được ở vị trí đó đến hết đời, với một khoản thù lao thỏa đáng của nhà nước, để đảm bảo họ có điều kiện làm việc và xét xử một cách công tâm các vấn đề liên quan tới Tòa án Hiến pháp. Đặc biệt không ai có quyền tước quyền của họ.
Tại sao Việt nam không có Tòa án Hiến pháp?
Hệ thống tổ chức chính trị  ở Việt nam có sự khác biệt và không giống như với các nước khác đang áp dụng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các thiết chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực không có điều kiện đẻ phát huy tác dụng. Chính vì thế, nên việc các cơ quan nhà nước ban hành các văn bản luật hay dưới luật theo lối tùy hứng, không tuân thủ các quy định của Hiến pháp nhưng không bị một cơ quan nào phán xét cả.
Lý do chính cũng bởi nó chịu ảnh hưởng của một hệ thống tổ chức chính trị nhà nước theo trục dọc, với tính thống nhất cao và xuyên suốt, trong đó Đảng CSVN là tổ chức lãnh đạo toàn diện nhà nước trên cả ba hệ thống hành pháp – tư pháp – lập pháp. Đồng thời trong ngành tư pháp, các cơ quan tư pháp cũng tổ chức theo trục dọc từ trung ương đến địa phương, theo nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương. Có lẽ đó cũng là lý do khiến ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu  rằng "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng". Trong khi ở các quốc gia khác trên thế giới thì các chính đảng, dù bất cứ chính đảng nào đi chăng nữa thì quyền lợi của đảng đó cũng không thể lớn hơn một quốc gia và đứng trên Hiến pháp như Việt nam hiện nay. Kể cả việc Đảng CSVN dẫu là tổ chức đảng chính trị duy nhất nắm toàn bộ quyền lực của nhà nước, song theo quy định của điều 4 Hiến pháp đó là “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Từ những lý do trên tạo ra một lỗ hổng lớn, tạo điều kiện cho đảng CSVN đứng trên và đứng ngoài pháp luật, điều này đồng nghĩa với việc đảng CSVN có quyền lực cao nhất nhưng không hề bị ràng buộc và khống chế của một tổ chức có quyền tài phán (phân định phải trái và xử lí theo luật pháp) cần thiết. Đảng lãnh đạo toàn diện mọi mặt trên mọi lĩnh vực kể cả lãnh đạo cả Quốc hội và Chính phủ, tuy vậy nhưng không ai hay tổ chức nào giám sát hoạt động của đảng. Từ những nguyên nhân và các vướng mắc nói trên, cho thấy đòi hỏi cần có một tổ chức của nhà nước hoạt động độc lập, có quyền lực để phân xử và xử lý mọi hành vi trong hoạt động của bất kể tổ chức nào.
Các nhà lập pháp Việt nam cho rằng, chỉ khi nào sự phân lập quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp (tam quyền phân lập) thì mới cần thiết có Tòa án Hiến pháp. Theo họ, Tòa án Hiến pháp chỉ cần thiết khi có sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái hay sự xung đột quyền lực giữa 3 nhánh quyền lực nói trên và Tòa án Hiến pháp chủ yếu là để phân định quyền lực của các đảng phái chính trị, phân định quyền lực giữa sự tranh chấp của các nhánh quyền lực. Sự vắng mặt của Tòa án Hiến pháp theo họ, không ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia và lợi ích nhân dân. Chứ không liên quan đến các vấn đề của công dân đối với pháp luật (!?).
Chính vì thế, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền thấy rằng: “Nước ta đặt toàn bộ xã hội và nhà nước dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Chúng ta lại có hệ thống chính trị với rất nhiều tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, chúng ta lại thực hiện dân chủ hóa... thì có cần phải có một bộ máy để phân chia các quyền lực nhà nước hay không khi mà quyền lực ở nước ta là thống nhất và thuộc về nhân dân? Theo nguyên lý đó thì tôi thấy ở nước ta, không cần có tòa án hiến pháp và hội đồng bảo hiến”.
Kết
Trước đây, vào năm 2013 trong qua trình sửa đổi Hiến pháp chủ trương thành lập Hội đồng Hiến pháp đã được đề cập tới. Khi ấy người ta đã bàn luận nhiều về sự cần thiết cần phải có một Tòa án Hiến pháp, nhưng tiếc rằng vấn đề này đã không được quan tâm và đến nay đã không còn ai nhắc đến tổ chức bảo vệ Hiến pháp này nữa.
Trong các tổ chức nhà nước pháp trị, Hiến pháp được coi là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Chính vì thế Hiến pháp phải là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đa số dân chúng và thường được trưng cầu dân ý trước khi đưa vào áp dụng. Đồng thời, nó còn là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất và Hiến pháp phải được viện dẫn trực tiếp, làm căn cứ để phán quyết những hành vi vi hiến trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính vì thế, mọi tổ chức, cá nhân phải coi Hiến pháp là văn bản chính trị pháp lý cao nhất của một quốc gia.
Để bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp, thì việc cần có một tổ chức phán quyết các vi phạm hiến pháp của các cơ quan nhà nước như Tòa án Hiến pháp là điều hết sức cần thiết, vì nếu không có sự phán quyết các vi phạm Hiến pháp thì sự có mặt Hiến pháp cũng như không.  Chính vì thế, sự có mặt của Tòa án Hiến pháp sẽ là nên tảng để xây dựng một xã hội pháp trị, ở đó không chỉ là mọi công dân hay các tổ chức, mà kể cả các tổ chức nhà nước phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hiến pháp và pháp luật, kể cả trong việc ban hành luật pháp. Khi đó, công dân có quyền làm những điều pháp luật không cấm và các tổ chức nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép.
Trong một xã hội mà luật pháp có cũng như không như ở Việt nam, thì việc có một Tòa án Hiến pháp là một trong những đòi hỏi bức bách và hết sức cần thiết. Điều đó sẽ chấm dứt nạn sử dụng cũng như xây dựng pháp luật một các tùy hứng, vì quyền lợi của nhà cầm quyền, mà những nhà làm luật làm mọi thứ nếu họ muôn bất kể những điều mà Hiến pháp đã quy định. Đó là cơ sở để đảm bảo rằng, Đảng CSVN đảng chính trị hợp pháp duy nhất hiện nay phải hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp quy định, như điều 4 của Hiến pháp.
Ngày 23/02/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.