Thursday, August 10, 2017

Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, ‘ba không’ và có gì hơn không?

Hạ Sĩ Andrew Pilieri phụ trách giám lộ ở mũi của USS San Diego khi quân vận hạm này đang trên đường vào Cam Ranh hôm 6 Tháng Tám. Ðây là chiến hạm đầu tiên của Hoa Kỳ chở theo thủy quân lục chiến của Lữ Ðoàn 15 Viễn Chinh ghé vào Việt Nam. (Hình: DVIDS)
VIỆT NAM (NV) – Năm tới, một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ sẽ ghé thăm Việt Nam. Trong bối cảnh như hiện nay, yếu tố này trở thành một sự kiện nhưng sự kiện đó sẽ vô nghĩa nếu còn “ba không.”
Hiểm họa tuy cũ nhưng hậu quả thì mới
Những thông tin liên quan đến cuộc hội đàm giữa ông James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ và ông Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam vào ngày 8 Tháng Tám, không có gì mới. Các thỏa thuận, cam kết mới nhất giữa hai bên đều là những điều đã được lập đi, lập lại suốt từ năm 2012 đến nay: Gia tăng hợp tác về quốc phòng-an ninh, gia tăng chia sẻ thông tin, hợp tác thực thi luật pháp quốc tế thông qua việc Hoa Kỳ gia tăng hỗ trợ Việt Nam nâng cao khả năng bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Ðông,…
Hàng không mẫu hạm thì chưa nhưng các chiến hạm Hoa Kỳ đã ghé thăm Việt Nam từ lâu và giờ thì chuyện giao lưu giữa hải quân hai bên, giữa quân nhân Hải Quân Hoa Kỳ với công chúng Việt Nam đã trở thành hoạt động thường niên. Không chỉ thăm hỏi lẫn nhau, Hải Quân Hoa Kỳ và Hải Quân Việt Nam còn tập luyện chung để gia tăng sự hiểu biết, khả năng phối hợp khi cần tìm kiếm-cứu nạn, đối phó với hỏa tai xảy ra trên các phương tiện hải hành, cách thức liên lạc lúc vô tình gặp nhau trên biển. Rồi vài năm gần đây, năm nào cũng có chiến hạm Hoa Kỳ ghé vào quân cảng Cam Ranh bảo trì và nhận tiếp liệu giữa các chuyến hải hành.
Sở dĩ người ta chú ý đến cuộc hội đàm giữa ông Lịch và ông Mattis vì ông Lịch sang Hoa Kỳ gặp ông Mattis sau khi Việt Nam đối diện với hàng loạt yếu tố bất lợi cho mình.
Việt Nam phải yêu cầu tập đoàn Respol của Tây Ban Nha ngưng hoạt động thăm dò-khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa Việt Nam. Thiên hạ đồn rằng Việt Nam phải đưa ra yêu cầu đó bởi Trung Quốc dọa sẽ tấn công các tiền đồn của Việt Nam ở Trường Sa nếu tập đoàn Respol không rời khỏi lô 136/3.
“Họa vô đơn chí,” sau sự kiện Respol, Việt Nam trở thành đơn độc tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 50 (AMM 50). Theo tường thuật của truyền thông quốc tế thì lúc đầu, các ngoại trưởng ASEAN không đạt được sự đồng thuận để ra một “tuyên bố chung.” Hai ngày sau, “tuyên bố chung” của AMM 50 được công bố và các chuyên gia về Châu Á xem đó là một thất bại của Việt Nam. Ông Carl Thayer, một chuyên gia Úc, lập một bảng so sánh nội dung dự thảo “Tuyên bố chung,” theo đó, đề nghị của Việt Nam: Ðưa yếu tố ASEAN “đặc biệt lo ngại” về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Ðông vào “Tuyên bố chung” đã bị các thành viên khác của ASEAN gạch bỏ. Ðể AMM 50 có “Tuyên bố chung,” Việt Nam phải theo đa số. Trả lời AFP, ông Bill Hayton, một chuyên gia người Anh, cảnh báo: Trung Quốc đã chi phối được nhiều thành viên ASEAN.
Tại AMM 50, ASEAN làm được một chuyện mà nhiều năm qua dù rất nỗ lực vẫn không xong bởi Trung Quốc tìm đủ cách tránh né: Cùng Trung Quốc thông qua “khung” cho Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Ðông (COC Biển Ðông). Thiên hạ trông chờ COC Biển Ðông vì nó có tính chất cưỡng hành – một thứ luật chứ không như tuyên bố về cách ứng xử tại Biển Ðông (DOC Biển Ðông). Tuy nhiên các chuyên gia từng cảnh cáo là ASEAN nên chủ động soạn thảo COC, nếu không, COC Biển Ðông sẽ là thừng trói các thành viên ASEAN có bất đồng với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông, tất cả sẽ thúc thủ trước tham vọng của Trung Quốc.
Giờ đã có “khung” cho COC. “Khung” cho COC thành hình khi trừ Việt Nam, các thành viên khác của ASEAN không “đặc biệt lo ngại” về hành động của Trung Quốc ở Biển Ðông nữa. Reuter loan báo, thái độ của Việt Nam tại AMM 50 khiến ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc bực mình, hủy cuộc gặp chính thức với ông Phạm Bình Minh, ngoại trưởng Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam đính chính hai ông này có gặp nhau… “bên lề” AMM 50. Còn truyền thông Trung Quốc? China Daily nhận định, chuyện Việt Nam cố gắng đưa yếu tố “đặc biệt lo ngại” vào tuyên bố chung của AMM 50 giống như một kẻ vừa ăn trộm, vừa hô bắt trộm. China Daily kể thêm, rất đắc ý là không có thành viên nào của ASEAN đồng tình với Việt Nam!
“Ba không” và không có gì
Tất nhiên chẳng phải ngẫu nhiên mà tuần này, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam đến Hoa Kỳ. Tất nhiên chẳng phải ngẫu nhiên mà bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ hứa sẽ điều động một hàng không mẫu hạm đến thăm Việt Nam. Chuyện gì cũng có nguyên ủy của nó song sau những chuyện như vậy thì… sao? Có lẽ chẳng ra sao cả!
Hoa Kỳ từng nắm giữ vai trò chi phối khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 1848, Hoa Kỳ hất Tây Ban Nha ra khỏi Philippines, chấm dứt 300 năm Tây Ban Nha đô hộ xứ sở này. Philippines nằm dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ cho đến năm 1959 thì dân Philippines bỏ phiếu đòi tự trị. Tuy đã là một quốc gia độc lập nhưng từ đó, Philippines là một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ được xem là quốc gia duy nhất ở phương Tây tham chiến, giải phóng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khỏi sự khống chế của Nhật (Liên Xô chỉ chặn Nhật xâm phạm biên giới hướng Châu Á năm 1938, giải giáp lính Nhật ở Mãn Châu Tháng Tám năm 1945. Còn Anh chống Nhật bằng lực lượng thuộc địa từ Ấn). Uy tín và ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương là sự đánh đổi bằng máu của 41,592 tử sĩ và 145,796 thương binh. Từ 1950 đến 1953, để chặn làn sóng Cộng Sản nhuộm đỏ Châu Á, Hoa Kỳ mất thêm 36,914 quân nhân nữa trong cuộc chiến Triều Tiên. Với mục đích tương tự, từ 1956 đến 1975, con số thương vong của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam là 55,820.
Chiến Tranh Lạnh và nhiều diễn biến tiếp theo từng khiến Hoa Kỳ dồn nguồn lực vào các nơi khác trên thế thế giới. Ðó là thời cơ để Trung Quốc trỗi dậy và không giấu diếm tham vọng chi phối khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ðó cũng là lý do chính phủ Hoa Kỳ phải điều chỉnh chính sách, “tái cân bằng trọng tâm chiến lược”, “chuyển trục sang Châu Á-Thái Bình Dương.” Từ đó đến nay, Hoa Kỳ nhiều lần xác nhận về vai trò của Việt Nam đối với chiến lược của mình. Tháng Bảy năm 2013, ông Danny Russel, trợ lý đặc trách Ðông Á-Thái Bình Dương của ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó tuyên bố, Việt Nam nói riêng và khu vực Ðông Nam Á nói chung là một phần quan trọng trong chính sách “chuyển trục sang Châu Á-Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ. Năm đó, Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện.” Tháng Ba năm 2015, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, Hoa Kỳ sẽ tiếp sức cho Việt Nam bay cao và xa hơn. Năm đó, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng tuyên bố sẽ gia tăng sự hợp tác liên quan đến quốc phòng. Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đồng ý bán cho Việt Nam những vũ khí giúp gia tăng năng lực bảo vệ an ninh hàng hải.
Theo sau những động tác vừa kể còn có hàng loạt những gợi ý hợp tác khác về quốc phòng trong năm 2016: Tướng Stephen Lanza, tư lệnh Quân Ðoàn 1 của Bộ Binh Hoa Kỳ (phạm vi trách nhiệm bao gồm toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) loan báo, lục quân Hoa Kỳ và Việt Nam có thể luyện tập chung bất kỳ lúc nào. Tướng Dennis L. Via, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận của lục quân Hoa Kỳ giới thiệu kế hoạch xây dựng hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu tại Việt Nam nhằm giúp quân đội Hoa Kỳ triển khai nhanh nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng để thực hiện các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai. Phó Ðô Ðốc Colin Kilrain, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy các chiến dịch đặc biệt tại Thái Bình Dương (SOCPAC) của quân đội Hoa Kỳ thì đề cập đến khả năng hợp tác giữa lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ với đặc công Việt Nam,…
Việt Nam thì sao? Ðến nay, Việt Nam vẫn chủ động kềm giữ quan hệ hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ ở mức: Xin viện trợ. Nhờ đào tạo. Tổ chức giao lưu thường niên riêng trong lực lượng hải quân. Việt Nam đã mở quân cảng Cam Ranh cho các chiến hạm của Hoa Kỳ ghé vào bảo trì, nhận tiếp liệu cùng lúc với việc đón nhận các chiến hạm của Nhật, Nga, Trung Quốc,… Việt Nam liên tục khẳng định, muốn “làm bạn với tất cả các nước” và sẽ tiếp tục duy trì “chính sách ba không”: Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác.
Nếu lập bảng đối chiếu các mốc liên quan đến việc phát triển quan hệ, gia tăng hợp tác về quốc phòng giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, có lẽ sẽ rất dễ thấy tương quan giữa chúng với mức độ phản kháng của dân chúng Việt Nam về cách thức ứng xử của chính quyền Việt Nam với Trung Quốc. Những “16 chữ vàng,” “tinh thần bốn tốt” không được chính quyền Việt Nam đề cao nữa dường như không hề liên quan đến sự hung hăng, càn rỡ của Trung Quốc. Chúng không được dùng nữa đơn thuần chỉ vì hàng trăm triệu người Việt Nam không chấp nhận – điều đó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu “nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị” của đảng CSVN.
Sau sự kiện Respol, ông Thayer nhận định, Việt Nam thoái bộ vì một cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Ðông sẽ khiến làn sóng chống Trung Quốc tại Việt Nam bùng lên – điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự “ổn định chính trị” mà đảng CSVN muốn duy trì.
Thực tế đã từng cho thấy, trong quan hệ với Trung Quốc, rõ ràng chính quyền Việt Nam đã “rắn” hơn nhưng độ “rắn” thua xa cách hành xử với dân chúng nếu hoạt động chống Trung Quốc có thể liên kết các cá nhân thành một khối đồng nhất với mục tiêu chung là “vệ quốc” khiến đảng CSVN bất lực trong việc “định hướng.” “Ba không” không phải là vì Trung Quốc, cũng chẳng dính dáng gì tới Hoa Kỳ, nó là giải pháp ngăn chặn những xung đột có thể khiến “giang hồ” không còn “nhất thống,” chuyện “trị” không còn “trường” và “muôn năm” trở thành mộng hão.
Tình thế “trần trụi trước miệng sói” của Việt Nam đã khiến những chuyến thăm qua, viếng lại của các viên chức Việt Nam và Hoa Kỳ nảy lên mầm hy vọng trong lòng công chúng Việt Nam. Những tuyên bố hợp tác, đặc biệt là về quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, những tin kiểu như năm tới, lần đầu tiên, một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ sẽ ghé thăm Việt Nam có tác dụng “an thần,” chúng không trị “căn,” không giúp Việt Nam có một đối trọng đủ thực lực để kiểm chế Trung Quốc.
Mức độ đúng đắn về sự nhất quán của Việt Nam với “ba không” vừa được thể hiện tại AMM 50. Tuy nhiên khó có khả năng Việt Nam vứt bỏ chính sách này. Hoa Kỳ cần Việt Nam và không ngần ngại bày tỏ thiện chí hợp tác nhưng hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ thì… không có lợi. Chủ quyền, quốc gia, vận mệnh dân tộc làm sao quan trọng bằng duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN.
Tháng Tám năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, ông John Kerry, lúc đó là ngoại trưởng Hoa Kỳ, từng bảo, những tiến bộ về nhân quyền và pháp quyền tại Việt Nam sẽ giúp quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam-Hoa Kỳ sâu sắc và bền vững hơn. Ðến Kerry – một chính khách Hoa Kỳ được chính quyền Việt Nam ca ngợi là có thiện chí với Việt Nam – mà còn lập luận theo kiểu, những đồng minh gần gũi với Hoa Kỳ đều chia sẻ với Hoa Kỳ một số giá trị, vì vậy, chỉ Việt Nam mới có thể quyết định phương hướng và tiến độ cho quá trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên… thì làm sao giới lãnh đạo Việt Nam yên tâm buông bỏ “ba không” được? (G.Ð)

Xây công trình tiền tỷ ở khu kinh tế Dung Quất rồi bỏ hoang

Những tòa nhà xây kiên cố đến tầng 2 bị bỏ hoang, trong khi dân không có nhà đất. (Hình: Báo SGGP)
QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Khu nhà ở cho công nhân nhà máy đóng tàu Dung Quất có chi phí hàng trăm tỷ đồng ngay vị trí “đắc địa“ở xã Bình Ðông, huyện Bình Sơn, được xây giữa chừng rồi bỏ hoang nhiều năm qua.
Khu nhà ở công nhân này do công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất, thuộc Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam đầu tư xây dựng từ năm 2007.
Nói với phóng viên Báo SGGP ngày 8 Tháng Tám, ông Nguyễn Thanh Vũ, chủ tịch xã Bình Ðông, cho biết, khu nhà được tiến hành xây dựng song song việc bồi thường cho các hộ dân, có tổng diện tích gần 7.4 ha, chia làm 3 khu nhà rộng lớn. Vị trí xây dựng khu nhà nằm ngay trục đường chính của xã, phía sau là cửa biển.
Công trình gồm trường học, công viên… phục vụ cho công nhân nhà máy đóng tàu Dung Quất. Thế nhưng, khi xây dựng được tầng 2 thì các công trình này dừng lại và bỏ hoang cho đến nay.
“Từ khi bỏ hoang, công trình đã gây ra sự lãng phí về đất ở với một diện tích khá lớn. Trong khi đó, nhiều người dân lại cần đất để xây dựng, canh tác… thì không có,” ông Vũ nói.
Khi bị bỏ hoang, nhiều khối tài sản chưa được di dời, khối nhà văn phòng xuống cấp, mục, hoen gỉ… Ngoài những tòa nhà xây kiên cố đến tầng 2 thì bỏ, còn có công trình đến tầng 4 thì chờ mãi rồi dừng hẳn.
Tin cho biết, trong bối cảnh công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất đang “gồng” trả nợ vay hàng ngàn tỷ đồng, có nguy cơ phá sản như hiện nay thì việc tiếp tục giải quyết đất đai tại dự án trên rất mù mịt, vẫn chưa có cách nào. Hiện tại, chính quyền xã Bình Ðông đang chờ hướng giải quyết từ cấp trên. (Tr.N)

Rác ngập Vịnh Hạ Long từ bờ tới biển

Rác thải quây quanh vịnh Hạ Long. (Hình: Báo Lao Ðộng)
QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Dù đã thuê tới 3 công ty để thu gom rác và chế biến rác thải trên vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, nhưng rác vẫn cứ xuất hiện từ bờ biển cho tới các vùng xa ngoài vịnh. Ðặc biệt, vùng ven bờ ngay trung tâm thành phố Hạ Long luôn tràn ngập rác.
Theo phản ánh của báo Lao Ðộng, ngày 9 Tháng Tám, tại khu vực giáp ranh với quần đảo Cát Bà của Hải Phòng, rác là các mảnh phao xốp nổi trắng cả một vùng. Trong khi đó, dọc tuyến ven bờ, mặt nước vịnh chưa bao giờ hết rác. Ðặc biệt vào những ngày mưa, nước triều cường, rác vây kín nhiều khu vực, nhưng đợi cả ngày cũng không có đơn vị nào đến thu gom, xử lý, mặc cho đây lại là tuyến đường du lịch, với lượng khách trong và ngoài nước qua lại nhộn nhịp.

“Nếu như ở ngoài vịnh, vừa rộng lại vừa xa thì cho rằng khó giải quyết, đằng này rác ở ngay gần bờ, người dân và du khách chứng kiến hằng ngày, hằng giờ mà cũng chẳng thấy ai ra vớt, dọn dẹp,” bà Lê Thanh Hà, ở phường Bạch Ðằng, thành phố Hạ Long, cho biết.
Nói với báo Lao Ðộng, đại diện Ban Quản Lý các dịch vụ công ích, đơn vị được ủy ban thành phố Hạ Long giao ký hợp đồng với các công ty thu gom rác thải trên vịnh Hạ Long cho biết, bình quân mỗi ngày ba công ty được thuê dọn rác vớt được khoảng 2 tấn rác.
Trong đó, riêng dải ven biển dài khoảng 5 cây số, từ bến phà cũ đến Cột 8, mỗi ngày, công ty Phúc Thành, một trong ba đơn vị được giao việc vớt được khoảng 1 tấn rác. Tính từ đầu năm 2017 tới nay, riêng công ty này vớt được hơn 537 tấn rác.
Tương tự, tại một số điểm du lịch trên vịnh Hạ Long, từ đầu năm tới nay, công ty cây xanh công viên Quảng Ninh vớt được trên 640 tấn. Mỗi ngày có 3 tàu của công ty chở đầy rác chạy từ biển vào bờ giao cho đơn vị khác đem vào nhà máy xử lý rác thải.
Thế nhưng, ông Phạm Văn Ðạt, trưởng phòng tư vấn, giám sát thuộc Ban Quản Lý các dịch vụ công ích Hạ Long thừa nhận, lượng rác còn sót lại trên vịnh Hạ Long còn rất lớn, khó có thể định lượng, bởi chỉ cần chạy tàu từ đất liền ra tới các điểm du lịch cách bờ hàng chục cây số, thì đâu cũng thấy rác. “Nhiều khi chạy xe qua, phát hiện nhiều rác lại phải gọi điện cho công ty ký hợp đồng thu gom rác đến xử lý,” ông Ðạt nói.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tuấn Anh, công ty cây xanh công viên Quảng Ninh nhận định, rác chắc chắn vẫn cứ tiếp tục tràn ngập vịnh Hạ Long, bởi các giải pháp căn cơ để vịnh hết rác là quản lý hiệu quả nguồn rác thải ven bờ và ý thức của người dân, du khách “rất xa vời.”
Thà giao tổng thể một vùng rộng lớn, hoặc cả vịnh cho một đơn vị thì dễ làm, đằng này với cách làm hiện nay: tính từ trong bờ ra ngoài biển khoảng 2 cây số giao cho ông A, nhưng vị trí xa hơn nữa lại giao cho ông B, trong khi triều cường lên xuống liên tục, lúc xuống thì rác từ bờ trôi ra ngoài, lúc lên thì rác lại từ ngoài dạt vào bờ, có dọn hoài cũng vậy. (Tr.N)

Đồng Tháp: Hàng ngàn người xuống phà bằng lối đi ‘tử thần’

Mùa mưa hầu như ngày nào cũng có người té ở đường dẫn xuống phà Bò Ót, do rất trơn và không có lan can. (Hình: Báo Thanh Niên)
ÐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Mỗi ngày, hàng ngàn người qua lại Bến phà Bò Ót-Ðịnh An, huyện Lấp Vò, phải qua lối đi dẫn xuống phà làm bằng gỗ dài hàng chục mét đã xuống cấp nghiêm trọng, té ngã bị thương tích, mất tài sản không biết kêu ai.
Nói với báo Thanh Niên ngày 9 Tháng Tám, người dân khu vực đầu cù lao Tân Lộc, gần Bến phà Bò Ót-Ðịnh An, băng ngang sông Hậu, nối phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, Cần Thơ với xã Ðịnh An, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp, tức giận phản đối trước tình trạng nguy hiểm của lối đi dẫn xuống phà phía bờ Ðịnh An.
Cụ thể, lối đi xuống phà được đóng bằng gỗ dài khoảng hơn 30 mét đã rất cũ, mặt đường dẫn trơn trượt, không có lan can hai bên. Những hôm trời mưa, nhiều vụ té ngã nguy hiểm luôn diễn ra đối với người qua lại bến phà này, nhưng chính quyền xã Ðịnh An vẫn làn ngơ không tìm cách khắc phục.
Bà Nguyễn Diễm Thúy, người buôn bán tạp hóa thường xuyên phải đi qua bến đò này, cho biết: “Ðang là mùa mưa, hầu như ngày nào cũng có người bị té ở bến phà này. Thậm chí, nhiều người bị té cả người và xe gắn máy xuống sông Hậu, chấn thương hư hại tài sản nhưng không biết kêu ai,” bà Thúy nói.
Hiện tại, để hạn chế trơn trượt, tai nạn, người dân phải mua trấu hằng ngày rắc lên lối đi này. Trong khi phía cơ quan quản lý tuyến phà nhiều lần có đơn xin được sửa lại nhưng chính quyền địa phương chỉ “hứa lần, hứa lượt” cho xong.
Ngày 8 Tháng Tám, nói với phóng viên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Nhàn, chủ tịch huyện Lấp Vò cho biết, huyện đã cho đấu thầu để chọn nhà thầu xây dựng lại cầu dẫn xuống phà Bò Ót – Ðịnh An. “Tuy nhiên thời điểm nào thi công thì chưa xác định được bởi mùa nước lũ đang về,” ông Nhàn nói.
Trong khi đó, do là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ với huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp, nên hàng ngày vẫn có hàng ngàn người dân vì công việc mưu sinh, đi lại… phải bất chấp nguy hiểm qua lại bến phà này. (Tr.N)

Ép dân đóng tiền làm đường, xã phê ‘xấu’ vào sơ yếu lý lịch

Bản sơ yếu lý lịch với bút phê của vị phó chủ tịch xã. (Hình: Báo Zing.vn)
HẢI DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Một cô gái ở xã An Bình, huyện Nam Sách, bị ông phó chủ tịch xã phê vào sơ yếu lý lịch đi xin việc với nội dung bêu xấu cả nhà, do cha mẹ không đủ khả năng đóng tiền làm đường.
Ngày 8 Tháng Tám, nói với báo điện tử Zing.vn, ông Phùng Văn Diện, chánh văn phòng ủy ban huyện Nam Sách, cho hay, đơn vị đã cử cán bộ xác minh, làm rõ việc người dân ở xã An Bình tố đến xin xác nhận sơ yếu lý lịch để đi xin việc, bị lãnh đạo xã hạ bút phê không tốt về bản thân và gia đình.
Trước đó, anh Nguyễn Danh Cường(27 tuổi), xã An Bình, huyện Nam Sách, đã gây xôn xao cộng đồng mạng khi cho bày tỏ trên Facebook cá nhân với nội dung: “Tôi xin hỏi mọi người. Do đợt này xã làm đường nhưng mức đóng quá cao nên bố mẹ tôi không đủ khả năng để đóng tiền. Nay em tôi học xong đại học muốn đi xin việc làm, mà xuống xã làm hồ sơ. Các chú ở dưới xã ghi như thế này đã đúng chưa.”
Bên cạnh dòng trạng thái của anh Cường là bản sơ yếu lý lịch của chị Nguyễn Thị Quyên (23 tuổi), em gái anh Cường với lời phê: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương.” Bản sơ yếu lý lịch trên được ký và đóng dấu bởi ông Trương Phúc Thực, phó chủ tịch xã An Bình, vào ngày 7 Tháng Tám.
Nói với báo Thanh Niên, anh Cường bất bình: “Theo thông báo của xã về việc đóng góp làm đường nông thôn mới, gia đình tôi tính ra là 6 khẩu, phải đóng 12 triệu. Số tiền này lớn quá, chúng tôi chưa có đủ để đóng. Nhưng không vì thế mà xã lại phê vào sơ yếu lý lịch của em tôi như vậy được. Ðó vi phạm quyền công dân.”
Trước sự việc trên, ông Lê Ðình Khoa, chủ tịch xã An Bình, giải thích: “Ðịa phương không còn cách nào khác để cho người dân chấp hành, nên cán bộ xã mới ghi nội dung lên phần xác nhận lý lịch,” ông Khoa nói.
Trong khi đó, theo Luật Sư Hoàng Trọng Giáp, giám đốc công ty Luật Hoàng Sa, Ðoàn Luật Sư Hà Nội, khẳng định, ông phó chủ tịch xã An Bình bút phê nội dung như trên đã vi phạm quy định. Bởi theo hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch của Cục Hộ Tịch, quốc tịch, chứng thực, thuộc Bộ Tư Pháp, thì ủy ban cấp xã không ghi việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân. (Tr.N)

Wednesday, August 9, 2017

Hà Nội ‘chống tham nhũng’: Cựu Thống đốc Ngân hàng là mục tiêu mới

Ông Nguyễn Văn Bình. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – Dường như đèn xanh đã sáng và cuộc tấn công đã bắt đầu nhắm vào ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng (2011 – 2016), giờ là Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng CSVN.
Trong hai ngày 7 và 8, tờ Tuổi Trẻ liên tục giới thiệu ý kiến của hàng loạt cá nhân, đại diện cho nhiều giới, kể cả công an, phân tích và đề nghị phải truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã gây ra hàng loạt vụ đổ vỡ trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng.

Việc tập hợp, giới thiệu ý kiến đó diễn ra sau khi ông Trầm Bê bị bắt.
Trầm Bê? Có nhiều “Trầm Bê”!
Trầm Bê, 58 tuổi, một doanh nhân người Việt gốc Hoa, vẫn được xem như ông trùm trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Ông ta là một trong ba người sáng lập bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hồi đầu thập niên 2000. Là chủ công ty độc quyền cung cấp dịch vụ chiếu xạ cho nông sản xuất cảng ở Việt Nam từ 2002 đến 2009. Tuy nhiên điểm nổi bật, khiến ông Bê trở thành một nhân vật đặc biệt là khả năng lũng đoạn hệ thống ngân hàng.
Năm 2004, ông Trầm Bê đột nhiên trở thành người kiểm soát Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vì nắm trong tay một lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng này. Vào thời điểm đó, Southern Bank là một ngân hàng thương mại nhỏ nhưng triển vọng phát triển rất lớn, lợi nhuận hàng năm hàng trăm tỉ.
Năm 2012, song song với thông tin từ Kiểm toán Nhà nước loan báo là Southern Bank lâm nguy vì tỉ lệ nợ xấu (nợ khó thu hồi cả vốn lẫn lãi) lên tới 45,6% là sự kiện ông Trầm Bê và ba thành viên khác của Southern Bank trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Ngoài việc nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của Sacombank, lý do ông Bê và ba thành viên của Southern Bank có thể bước vào Sacombank là vì sự ủng hộ của một số cổ đông lớn. Đến nay, nhân dạng, danh tính của những cổ đông này vẫn chỉ là phỏng đoán.
Bởi Southern Bank nằm trong nhóm ngân hàng yếu kém phải “tái cơ cấu”, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức cho phép Southern Bank “sáp nhập” với Sacombank. Lúc đó, Southern Bank đang ôm khối nợ xấu gần 24.000 tỉ. Sacombank thì là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất và hiệu quả hoạt động thuộc loại tốt nhất Việt Nam nhưng lại bị Southern Bank nuốt gọn vì ông Trầm Bê và nhóm ủng hộ ông nắm lượng cổ phần đủ khả năng chi phối Sacombank.
Quyết định cho phép sáp nhập khiến Sacombank phải ôm toàn bộ nợ xấu của Southern Bank. Nuốt xong Sacombank, Southern Bank tự xóa tên. Sacombank “mới” bắt đầu tuột dốc…
Ông Trầm Bê không phải là hiện tượng cá biệt. Đầu thập niên 2010, trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng ở Việt Nam đột nhiên xuất hiện một số “đại gia” – những cá nhân đột nhiên có trong tay hàng ngàn tỉ đồng, vừa khuynh loát lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, vừa chi phối lĩnh vực bất động sản. Vài năm sau, các “đại án ngân hàng” rộ lên giống như thập niên 1990 nhưng qui mô của thiệt hại kinh khủng hơn. Nếu năm 2012, hệ thống tư pháp Việt Nam xác định thiệt hại do ông Nguyễn Đức Kiên (một trong những người sáng lập Ngân hàng Á châu – ACB) gây ra khoảng 950 tỉ thì đến 2016, hệ thống này loan báo thiệt hại do ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đại Dương – Ocean Bank) gây ra là 2.000 tỉ đồng, thiệt hại do ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) gây ra là 9.500 tỉ đồng. Khi bắt ông Trầm Bê, công an Việt Nam giải thích là vì ông Bê phải chịu trách nhiệm về việc cho ông Danh vay 1.800 tỉ sai qui định, còn Sacombank cho biết, ông này đang nợ Sacombank 43.000 tỉ kèm lời trấn an là trong ba năm sẽ thu hồi hết số nợ ấy…
Một điểm đáng chú ý khác là trong các “đại án” liên quan tới lĩnh vực tín dụng – ngân hàng, rất nhiều người, kể cả báo giới tỏ ra không “tâm phục, khẩu phục”. Chuyện bất phục không phải do các “đại gia” vô tội mà vì các tình tiết cho thấy, họ trở thành “đại gia” vì có thể vận dụng rất nhuần nhuyễn các qui định hết sức khó hiểu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi điều hành thị trường vàng, thị trường tín dụng.
Những qui định đó khiến năm 2012, tạp chí Global Finance đưa ông Bình vào danh sách những thống đốc ngân hàng quốc gia kém nhất thế giới. Nó cũng là cơ sở để trườc Tòa, ông Kiên, ông Thắm, ông Danh,… và nhiều viên chức, nhân viên ngân hàng khác cũng như các luật sư của họ khăng khăng khẳng định tất cả bị oan!
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loan báo, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Đến tháng 6 vừa qua, một năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng thôi làm Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Bình thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính phủ Việt Nam thú thật, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng và 90% là tiền của dân! Đó cũng là lý do chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc hội Việt Nam thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi).
Chưa hài tên nhưng bắt đầu chỉ mặt
Nhiều tờ báo đã bắt đầu cuộc tấn công vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua hàng loạt các thắc mắc về trách nhiệm trong việc ban hành những qui định mà về bản chất là hỗ trợ một số cá nhân lũng đoạn thị trường vàng, thị trường tín dụng và làm thị trường bất động sản đóng băng, khiến kinh tế Việt Nam suy thoái chưa có điểm dừng.
Trong cuộc tấn công vừa kể, tờ Tuổi Trẻ tỏ ra rõ ràng và kiên trì nhất. Tờ báo này đã thu thập, giới thiệu ý kiến của nhiều người nhằm lý giải tại sao “đại gia” và “lao lý” lại song hành với nhau. Chẳng hạn một thượng tá tên là Vũ Như Hà, Trưởng phòng Điều tra tội phạm tham nhũng và kinh tế của công an Sài Gòn khẳng định: Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc phát sinh tội phạm ngân hàng chính là chính sách chế độ quản lý hoạt động ngân hàng còn thiếu, một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu chặt chẽ tạo ra kẽ hở cho hoạt động tội phạm. Theo viên thượng tá này, đó là lý do, nếu muốn, một số cổ đông, nhóm cổ đông có cổ phần trong nhiều ngân hàng dễ dàng thao túng thị trường tài chính và thao túng ngân hàng.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam thì nhận định, không thể đổ hết lỗi cho doanh nhân mà phải xem lại hệ thống hiện nay. Theo ông Dũng, hệ thống pháp luật, thể chế bất cập sẽ đẻ ra tình trạng “hợp lý nhưng không hợp pháp” và ngược lại. Ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nêu ra một ý khác, hàng loạt những sự kiện gần đây cho thấy “tinh thần quyết liệt” từ lãnh đạo cao nhất của Đảng, chính phủ, vì thế “cần tiếp tục quyết liệt, truy tận gốc các vụ án, chống thân hữu”. Tuổi Trẻ còn dẫn ý kiến một doanh nhân yêu cầu ẩn danh, bảo rằng, “nếu không truy đến cùng, sự méo mó và vòng lao lý có thể đến với nhiều doanh nhân khác”.
Có lẽ cần nhắc lại rằng, Ngân hàng Nhà nước từng là một trong những lĩnh vực bất khả xâm phạm.
Tháng 4 năm 2013, tờ Thanh Niên công bố bài điều tra, tố cáo, cách thức điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng đã giúp một số cá nhân “rửa” vàng có nguồn gốc bất minh, lũng đoạn thị trường vàng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả nền kinh tế lẫn người tiêu dùng. Dẫu “Rửa vàng bằng cơ chế” (thu thập số liệu những thương vụ mua bán vàng của Việt Nam trong các tài liệu của ngoại quốc, đối chiếu với chính sách quản lý thị trường vàng, nêu thắc mắc, có phải Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách để hợp thức hóa vàng buôn lậu, hỗ trợ độc quyền kinh doanh vàng hay không) đăng tải ngày 24 tháng 4 năm 2013 được công chúng tán thưởng và đề nghị điều tra thêm. Ngay trong ngày hôm đó, Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản cho Bộ Công an Việt Nam, yêu cầu khởi tố tác giả, đồng thời yêu cầu Bộ Thông tin – Truyền thông, “xử lý nghiêm khắc Ban Biên tập tờ Thanh Niên. Ngày hôm sau, Ban Biên tập tờ Thanh Niên đục bỏ “Rửa vàng bằng cơ chế”, xin lỗi Ngân hàng Nhà nước, thề sẽ kỷ luật tác giả do “dịch và hiểu chưa đúng về các thuật ngữ” thành ra “nhầm lẫn, sai sót khi phân tích về giao dịch vàng trong nước”!
Gió dường như đã đổi chiều. Khi truyền thông chính thống có xu hướng đó, khó có thể loại trừ tình huống, vào một ngày xấu trời nào đó, công an Việt Nam chính thức xác nhận, nội dung những thư tố cáo ông Bình là… “có cơ sở”. Ông Bình – nhân vật mà theo tin đồn đã được ông Nguyễn Tấn Dũng gửi vào Bộ Chính trị Đảng CSVN sẽ sớm bước ra khỏi đó giống như ông Đinh La Thăng. (G.Đ)

Sáu tháng, hơn 200 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam

Tàu hải giám của Trung Quốc đang xịt nước xua đuổi một tàu CSB của Việt Nam ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa hồi đầu Tháng Sáu năm 2014. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam đã “phát hiện 201 tàu cá của Trung Quốc hoạt động xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam” và chúng chỉ bị “đẩy đuổi.”
Tờ Dân Trí hôm Thứ Hai, 7 Tháng Tám 2017, tường thuật theo tin từ Cục Kiểm Ngư Việt Nam cho biết về tình hình hoạt động của cơ quan vừa kể trong nửa năm đầu năm nay.
“Qua tuần tra, kiểm soát, đã quan sát được 2,264 tàu, trong đó phát hiện 201 tàu cá của Trung Quốc hoạt động xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Kiểm tra 541 tàu hoạt động trên biển, trong đó có 17 tàu của Trung Quốc; số tàu cá vi phạm các lỗi là 146 tàu, có 17 tàu Trung Quốc.” Bản tin của tờ Dân Trí nêu thống kê của cơ quan Kiểm Ngư Việt Nam.
Vừa kể là các thống kê của lực lượng Kiểm Ngư, chưa thấy có thống kê nào của Cảnh Sát Biển hay Hải Quân về con số tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Hơn một năm trước, báo chí trong nước từng cho hay ‘nhiều lượt/chiếc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của ta, chỉ cách phía Ðông-Ðông Nam đến Bắc bán đảo Sơn Trà, TP Ðà Nẵng chỉ từ 34 – 89 hải lý!’
Tàu đánh cá của Trung Quốc, không loại trừ có cả các tàu do thám đội lốt tàu đánh cá, xâm phạm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xảy ra rất nhiều hàng năm nhưng chỉ bị Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư Việt Nam “đẩy đuổi” mà không dám bắt giữ hay phạt.
Ngược lại, khi tàu đánh cá của Việt Nam đến các khu vực gần quần đảo Hoàng Sa khai thác thủy sản đều bị các loại tàu tuần của Trung Quốc đối xử rất hung bạo. Một số tàu bị cướp hết ngư cụ, trang bị hải hành và thủy sản khai thác được. Một số tàu khác bị đâm cho hư hỏng hoặc tệ hại hơn đâm cho chìm xuống biển, bất kể mạng sống của ngư dân Việt Nam.
Phần lớn các lần tàu tuần Trung Quốc cướp phá hoặc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, báo chí chính thống của Hà Nội chỉ giám kể đó là “tàu lạ,” hiếm hoi có trường hợp nêu rõ tàu Hải Giám Trung Quốc.
Mới ngày 21 Tháng Bảy vừa qua, báo chí trong nước gồm cả tờ Thanh Niên cho hay, “Hai tàu cá của ngư dân Bình Ðịnh hành nghề vây ánh sáng bị tàu Trung Quốc (không rõ số hiệu) bắt giữ tại vùng biển cách Bắc-Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 5 hải lý.”
Theo nguồn tin vừa kể, “Tàu BÐ 93540 TS của ông Trần Văn Vạn (ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) có công suất 420 CV, trên tàu có 9 thuyền viên. Tàu BÐ 93377 TS của ông Nguyễn Minh Dược (ở xã Cát Tiến) có công suất 420 CV, trên tàu có 11 thuyền viên. Hai tàu trên đã được thả nhưng bị phía Trung Quốc lấy ngư cụ và hải sản.”
Năm ngoái, một số tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, một ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung Việt Nam suốt từ bao đời qua. (TN)

Giận chuyện Biển Ðông, Vương Nghị bỏ cuộc gặp Phạm Bình Minh

Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh từng bắt tay Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước cuộc họp song phương bên lề hội nghị ASEAN-Trung Quốc ở thủ đô Lào vào ngày 24 Tháng Bảy 2016. Năm nay cuộc họp song phương bị hủy bỏ vì Bắc Kinh tức giận Hà Nội về chuyện Biển Ðông. (Hình: Getty Images)
BẮC KINH (NV) – Ngoại trưởng Trung Quốc hủy bỏ cuộc họp song phương với ngoại trưởng Việt Nam bên lề hội nghị ASEAN và đối tác tại Manila trong khi Bắc Kinh cho Tân Hoa Xã đả kích Hà Nội chống Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg loan tin Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hủy bỏ cuộc họp song phương với Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình minh dự trù diễn ra hôm Thứ Hai vì Bắc Kinh tức giận với hành động của Hà Nội trong cuộc họp của ASEAN tại thủ đô Manila về chuyện Biển Ðông.
Bắc Kinh bực tức cho Tân Hoa Xã – cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc – đả kích Hà Nội là đang làm suy yếu sự đoàn kết của các nước của tổ chức ASEAN vì những mưu cầu riêng hàm ngụ chống lại Trung Quốc.
Sự lên án của Bắc Kinh qua các bản tin và bình luận trên Tân Hoa Xã tiếp theo hội nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc về vấn đề ngăn ngừa các xung đột võ trang có thể xảy ra trên Biển Ðông. Việt Nam là nước đòi dự thảo khung để đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử phải có ràng buộc pháp lý mới có “thực chất” trong khi một số nước thành viên ASEAN không liên quan đến tranh chấp thì chống lại.
Lời đả kích Hà Nội của Bắc Kinh đưa ra cùng ngày với lời lên án của cả Hoa Kỳ, Nhật và Úc (ba thành viên của tham dự cuộc họp ASEAN và các đối tác Á Châu-Thái Bình Dương tiếp theo cuộc họp cấp ngoại trường của 10 nước ASEAN với Trung Quốc tại thủ đô Manila) đối với việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và biến các nơi này thành các căn cứ quân sự khổng lồ trên biển.
Lời đả kích Trung Quốc của ba nước vừa kể hoàn toàn trái ngược với thái độ trung lập hoặc ngầm về phe với Trung Quốc của nhiều nước ASEAN để hưởng các mối lợi kinh tế cục bộ.
Khi thảo luận về bản thông cáo chung sẽ được đưa ra sau khi đã thông qua bản dự thảo khung về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Ðông, Tân Hoa Xã nói Việt Nam đòi có những từ như “xây dựng trên các đảo và bãi ngầm.” Mục đích Việt Nam muốn là “tạo áp lực với Trung Quốc” nhưng “vô ích” nên “nhóm từ đã bị loại bỏ do sự chống đối của các nước ASEAN khác.”
Tân Hoa Xã nói rằng, “Trong bầu khí thân hữu, chủ trương của Việt Nam không những đi ngược lại khuynh hướng tích cực trên Biển Ðông mà còn có có nghĩa là làm suy giảm sự thống nhất của ASEAN chống lại ý chí của người dân khu vực.”
Bên cạnh bản tin có những lời phê phán phía Việt Nam như vừa kể, cùng trong ngày 7 Tháng Tám 2017, Tân Hoa Xã bình luận kiểu vừa đánh trống vừa ăn cướp rằng, “Ðã đến lúc Việt Nam phải điều chỉnh lại thái độ và cổ võ cho hòa bình trên Biển Ðông.”
Bắc Kinh đánh cướp của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1974 rồi xua quân đánh cướp tiếp một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa năm 1988 nhưng Tân Hoa Xã ngược ngạo chửi Việt Nam là “tên trộm hô hoán bắt trộm” để tạo áp lực với Trung Quốc về việc bồi đắp, cơi nới các đảo trên Biển Ðông.
Tảng lờ chuyện mình bồi đắp đảo nhân tạo, mở rộng thêm đảo và biến chúng thành các căn cứ quân sự để khống chế toàn bộ Biển Ðông, Bắc Kinh trơ trẽn cáo buộc Hà Nội “từ từ lấn chiếm các đảo và bãi ngầm của Trung Quốc từ năm 2007, gia tăng nhịp độ bồi đắp quy mô lớn trên 21 đảo và bãi đá ngầm chiếm cứ bất hợp pháp, và còn xây dựng một số cơ sở quân sự mới trên Biển Ðông.”
Bắc Kinh đả kích Hà Nội là “ý đồ phá hoại của Việt Nam muốn đầu độc tình hình đã được cải thiện trên Biển Ðông và gây chia rẽ giữa ASEAN với Trung Quốc thì không được hoan nghênh ở khu vực.”
Bởi vậy, Bắc Kinh cảnh cáo: “Ðã đến cao điểm để Việt Nam điều chỉnh thái độ và cách tiếp cận vấn đề, và thành khẩn tham gia nỗ lực của các nước trong khu vực để cổ võ hòa bình, thịnh vượng chung trên Biển Ðông,” Tân Hoa Xã viết.
Ðây là một trong những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đặt trên “16 chữ vàng” và “4 tốt” của hai nước Cộng Sản anh em đang ở những lúc xuống rất thấp.
Báo chí quốc tế đã nhiều lần viết về sự mua chuộc bằng lợi lộc của Trung Quốc cho một số nước ASEAN để hậu thuẫn cho họ trên các diễn đàn quốc tế. (TN)

Wednesday, August 2, 2017

Nguyễn Tấn Dũng bây giờ ra sao?

Hải Âu (Danlambao) - Nguyễn Phú Trọng đang ném khúc củi khô Trịnh Xuân Thanh vào lò, rồi sẽ đến những khúc củi tươi như Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng… tất cả đang tạo ra một thế cờ tàn cho những kẻ chiếu dưới không nằm trong phe cánh của Trọng. Không một đảng viên nào, không một tổ chức nào thuộc đảng cộng sản nằm ngoài bàn cờ chính trị này. Nhưng mục tiêu lớn nhất mà Trọng muốn tiêu diệt chính là Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng CSVN trong hai nhiệm kỳ trước...

*

Mặt trận chống tham nhũng bằng quy trình đả muỗi diệt ruồi của Nguyễn Phú Trọng đang ở thời điểm quyết liệt khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và cho ra... “đầu thú”. Nhiều câu hỏi được đặt ra là con ruồi xanh họ Trịnh sẽ khai gì trong quá trình thẩm vấn điều tra. Và nhân vật nào sẽ là đối tượng tiếp theo của Nguyễn Phú Trọng trong chuyên án bám trụ chiếc ghế tổng bí thư đầy quyền lực.

Không khí lò cộng sản đang nóng lên từng giờ từ những cuộc thanh trừng nội bộ và độ nóng gia tăng với việc Nguyễn Phú Trọng tung đàn em bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Nhiều nhân vật tai to mặt lớn trong đảng đã rơi vào tầm ngắm của Trọng trong kế hoạch đốt cho lò cộng sản nóng lên.

Nguyễn Phú Trọng đang ném khúc củi khô Trịnh Xuân Thanh vào lò, rồi sẽ đến những khúc củi tươi như Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng… tất cả đang tạo ra một thế cờ tàn cho những kẻ chiếu dưới không nằm trong phe cánh của Trọng. Không một đảng viên nào, không một tổ chức nào thuộc đảng cộng sản nằm ngoài bàn cờ chính trị này. Nhưng mục tiêu lớn nhất mà Trọng muốn tiêu diệt chính là Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng cộng sản Việt Nam trong hơn hai nhiệm kỳ trước.

Vấn đề lớn được giới quan sát đặt câu hỏi lúc này là đống chí 3X hiện giờ ra sao? Những biến động chính trị hiện tại có ảnh hưởng như thế nào đối với “người tử tế” khi mà những tay chân thân tín của Nguyễn Tấn Dũng lần lượt bị thanh trừng. Dù đã về hưu sau khi bị Nguyễn Phú Trọng hạ knock-out vào những phút chót trong cuộc chiến tham quyền tại kỳ đại hội 12 của đảng cộng sản, nhưng những ảnh hưởng của 3X vẫn rất lớn khiến đương kim tổng bí thư cộng sản luôn bất an khi mà chân rết của đối thủ vẫn lượn lờ trong hệ thống cai trị của đảng.

Trong thời kỳ đương nhiệm, Nguyễn Tấn Dũng đã xây dựng một đế chế quyền lực bằng việc thâu tóm kinh tế xung quanh mạng lưới vệ tinh như Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Trần Quốc Liêm, Trầm Bê, Trịnh Xuân Thanh… Hầu hết các nhân vật này đều đã, đang và sẽ rơi vào cái lò của Nguyễn Phú Trọng với sức nóng khủng khiếp từ cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến quyền lực của đảng viên cộng sản.

Tuy nhiên để triệt hạ được Nguyễn Tấn Dũng không phải là điều dễ dàng cho Nguyễn Phú Trọng, nhất là việc những đồng sự của Dũng vẫn còn nắm những vị trí quan trọng trong đảng, guồng máy nhà nước, các doanh nghiệp và lãnh vực ngân hàng. Nếu Trọng quyết tâm đốt sạch những cây củi để bứng cái gốc 3X thì rất có thể chiếc bình cộng sản mà Trọng đang nắm giữ sẽ vỡ toang.

Chiến lược của Trọng chủ yếu tập trung vào việc triệt hạ đối thủ lớn nhất là Nguyễn Tấn Dũng. Để đạt được mục tiêu này, trước tiên Nguyễn Phú Trọng buộc phải triệt hạ tay chân thân tín của Nguyễn Tấn Dũng nhằm có được những chứng cứ thuộc hàng thâm cung bí sử về đồng chí không cùng đồng bọn 3X.

Về phía Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn cũng không thể chấp nhận ngồi chờ tới lượt mình bị biến thành cây củi bị quăng vào lò cộng sản. Bằng chứng là con gái lớn của 3X, Nguyễn Thanh Phượng đã kịp tẩu tán khối tài sản lớn trong các tập đoàn kinh tế lớn. Hơn nữa Dũng cũng đã tính nước xa khi đưa các con của mình đi học cũng như tạo dựng cơ sở ở các nước tư bản. Vấn đề là nếu ván cờ này Dũng thua, thì không biết có kịp “đi chữa bệnh” ở nước ngoài như một số quan chức nhà sản đã từng làm giống kiểu Trịnh Xuân Thanh hay không mà thôi.

Bước đường cùng, Nguyễn Tấn Dũng có thể huy động tàn quân, bắt tay với những đối thủ của Trọng như Trần Đại Quang và các tướng lãnh trong quân đội đang bất mãn vì hành động hèn hạ của Nguyễn Phú Trọng đầu hàng Bãi Tư Chính.

Sau đại hội đảng cộng sản 12, có lẽ đây là thời điểm khốc liệt nhất trong cuộc chiến quyền lực của những kẻ cầm quyền cộng sản. Một đảng phái không có tính chính danh ngay từ khi cướp chính quyền để rồi cai trị đất nước bằng sự dối trá và bạo tàn. Một hệ thống nắm quyền luôn có những sai phạm nghiêm trọng đưa quê hương dân tộc đến bờ vực của sự diệt vong, thì rõ ràng dù kẻ nào chiến thắng trong cuộc chiến quyền lực cộng sản cũng không thay đổi bản chất đen tối của chúng. Đất nước chỉ thật sự thay đổi khi không còn bóng dáng của cộng sản. Những cuộc chiến giữa những kẻ cầm quyền bạo tàn chỉ là dấu hiệu cho thấy sự tan rã của một chế độ đang đến gần.

02.08.2017

Lộ hàng toàn diện, bể mánh toàn tập

Sau khi Bộ Ngoại giao Đức chính thức lên tiếng buộc tội tình báo đảng ta bắt cóc ruồi xanh màu thiên Thanh, đầu thú biến thành... đầu (bắt) cóc, tuyên láo lề đảng tính đường ăn nói sao đây?

Bộ Chính trị họp khẩn...
Bộ Công an họp khẩn...
Tổng cục 2 họp khẩn...
Bộ Ngoại giao họp khẩn...
Tuyên giáo ngồi ngóng...
Lề đảng lấy băng keo dán miệng. Chờ...

Lại thêm một công dân Việt Nam nữa bị bắt theo điều 258

CTV Danlambao - Ngày 2/8/2017 công an điều tra thành phố Cần Thơ đã bắt giam ông Trần Tuấn Kiệt với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS.

Thạc sĩ Trần Tuấn Kiệt là giảng viên trường Cao Đẳng Cần Thơ, từng là Phó bí thư chi bộ liên phòng 2, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế trường Cao Đẳng Cần Thơ.

Trong thời gian công tác tại trường CĐ Cần Thơ, ông Kiệt thường xuyên bày tỏ chính kiến trên trang Facebook cá nhân của mình. Đồng thời ông đã lên tiếng tố cáo những hành vị sai trái của nhóm đảng ủy trường CĐ Cần Thơ trong việc thăng chức Phó hiệu trưởng trường một cách tùy tiện. 

Ngày 15/02/2017, đảng ủy trường CĐ Cần Thơ quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Kiệt chỉ vì ông… dám viết những bài bình luận được đăng tải trên Facebook có nội dung không được lòng đảng, “gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của các lãnh đạo cấp cao thành phố”.

Quyết định kỷ luật ông Kiệt. Ảnh: Nhật Tân

Từ đầu năm đến nay trong vòng 7 tháng, nhà cầm quyền đã bắt giữ khoảng hai mươi công dân liên quan đến các hoạt động ôn hòa đòi nhân quyền và bày tỏ quyền tự do biểu đạt. Một số công dân khác bị xử án bất công và nhận những hình phạt vô cùng nặng nề với các cáo buộc “xâm phạm an ninh quốc gia”. Điển hình là các ông, bà: Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga với hình phạt từ 9 đến 13 năm tù giam chưa kể thời gian quản chế sau khi mãn án. Sự việc gây chấn động dư luận phải kể đến vụ bắt bớ 4 nhà hoạt động dân chủ, đồng thời là bốn cựu TNLT hôm 30/7/2017. Cả bốn ông Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội và Nguyễn Trung Tôn đều bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Điều 79 trong bộ luật hình sự này có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Vụ bắt giam thạc sĩ Trần Tuấn Kiệt - người đang làm việc trong guồng máy Nhà nước hiện hành một lần nữa cho thấy quyết tâm giữ thể chế độc tài đến cùng và bằng mọi giá của đảng cộng sản VN. Điều này dự báo những biến cố khốc liệt sẽ xảy đến cho giới đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam.
2/8/2017

Cuộc chiến khốc liệt trong cái lò nhà sản

Hải Âu (Danlambao) - Tại buổi đánh giá về công tác thực hiện phòng chống tham nhũng do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu, đảng trưởng cộng sản đảng nhấn mạnh:“đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của xã hội”. Với kinh nghiệm của mình, Nguyễn Phú Trọng quyết tâm làm một mẻ thật lớn chứ “không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản”.

Chiến dịch “làm sạch hệ thống” đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Mắt xích quan trong chiến dịch này là Trịnh Xuân Thanh đã “đầu thú” tạo bước đệm cho quy trình hoàn thiện kế hoạch “đập chuột” dẫu cho vỡ bình cũng phải giữ bằng được chiếc ghế của tổng bí thư cộng sản đảng.

Bất cứ những kẻ nào có ý định truất phế hay có ảnh hưởng đến cương vị tổng đảng trưởng của Trọng đều trở thành đối tượng của cuộc thanh trừng. Dù đó có thể là Đinh Thế Huynh, một nhân vật sáng giá cho chiếc ghế bí thư đảng cộng sản, và cũng là một tay chân thân tín của Trọng từ trước tới nay. Hay chỉ là Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng... những kẻ phất lên từ thời dưới trướng của người tử tế Nguyễn Tấn Dũng. Lần lượt Phạm Công Danh, Trầm Bê, Phan Huy Khang... cũng đã nhận được lệnh khởi tố từ Bộ Công an cộng sản.

Từ những diễn biến đó, Nguyễn Phú Trọng cho thấy ông ta đang cố bằng mọi giá giữ vững chiếc ghế của mình bằng một chiến dịch thanh trừng những kẻ có thể gây hại đến vị thế tổng bí thư của mình. “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. Câu nói này của Trọng như một thông điệp gửi đến tất cả đảng viên cộng sản rằng Trọng vẫn là kẻ nắm giữ quyền lực cao nhất và không cho phép bất cứ đối tượng nào gây nguy hại đến y.

Với điều lệ "mới" của cộng sản đảng không giới hạn độ tuổi cho chức vụ tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã đánh bật Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất của đảng trong kỳ đại hội 12. Cũng từ đó sự tranh giành đấu đá nội bộ của cộng sản đảng ngày càng gay cấn và quyết liệt. Cán cân quyền lực sẽ thuộc về phe nào mạnh hơn khi Trọng đưa ra lời hứa từ nhiệm sau nửa nhiệm kỳ tham quyền cố vị. Nhưng đến nay, dường như lời hứa ấy khó có thể thực hiện, hay nói cho đúng là Trọng không muốn nhường lại vị thế của mình cho bất kỳ ai, đặc biệt là những kẻ theo phe Nguyễn Tấn Dũng.

Trong chiến dịch “làm sạch đảng viên” mà Trọng phát động và chỉ huy, hầu hết những thành phần bị xử lý đều là cán bộ cấp cao của đảng cộng sản. Điều này cho thấy nội bộ cộng sản đảng đang có một cuộc chiến quyền lực thật sự thảm khốc. Đinh Thế Huynh hiện đang “điều trị” tại Côn Sơn với sự “chăm sóc” đặc biệt của Tổng cục 2. Đinh La Thăng chưa thể hạ cánh an toàn sau vụ bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Bộ Chính trị, thôi chức bí thư thành Hồ. Nguyễn Văn Bình dù đã rời ghế Thống Đốc ngân hàng về “an dưỡng” tại trong Ban Kinh tế Trung ương thấm thỏm không biết ngày nào bị Trọng cho lên thớt. Hồ Thị Kim Thoa vừa đề đơn thôi việc nhưng chắc chắn bãi đáp của nữ Thứ trưởng Bộ Công thương khó mà bằng phẳng, êm xuôi.

Ngọn lửa của của cái lò Nguyễn Phú Trọng đang tạo ra một sức nóng khủng khiếp khiến những quan chức cấp cao của cộng sản lo ngại. Rồi đây những “cây củi” nào sẽ bị quăng vào lò, dù mình là củi khô hay củi ướt cũng sẽ đến lúc tổng đảng trưởng sờ gáy để “dẫn độ” vào lò lửa của đảng đang mỗi ngày mỗi nóng lên.

Cái lò cộng sản đã nóng, một ví dụ đầy ngụ ý này của nguyễn Phú Trọng và cũng là một lời khẳng định cuộc chiến khốc liệt giữa các đồng chí không đồng bọn trong đảng. Chiến dịch đốt củi “làm sạch đồng chí thù địch” của Trọng có thể sẽ thành công, có thể giúp Trọng giữ vững chiếc ghế tổng bí thư cộng sản đảng và xóa bỏ lời hứa từ nhiệm chức vụ. Nhưng trong nhận thức của những kẻ dùng đảng để tiến thân luôn có sự nơm nớp lo sợ bởi tính tàn độc khốc liệt trong chính trường của cộng sản. Trong cái lò ấy, củi tươi, củi khô đều là cộng sản, và tất cả đều phải cháy, cháy cho đến khi tàn lụi thành tro, cháy cho đến khi cộng sản tan rã.

02.08.2017