Tuesday, April 25, 2017

Những sự hy sinh không được công nhận

Lan Hương, phóng viên RFA 2017-04-24  
Image may contain: 1 person
 Bà Bùi Hằng trong một lần biểu tình chống Trung Quốc.  AFP photo
Những người phụ nữ bất đồng chính kiến hay những người đấu tranh vì dân chủ nhân quyền ở Việt Nam phải hi sinh rất nhiều trong đời tư và có những đóng góp lớn lao cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, những đóng góp của họ chỉ được một bộ phận xã hội nhất định công nhận, còn ngoài ra bị tảng lờ trong các sự kiện trao giải, vinh danh của nhà cầm quyền.
Giải thưởng những phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017
Vừa qua, tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017. Danh sách này ghi nhận những người phụ nữ có vai trò nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động của họ, bao gồm chính trị, kinh doanh, hoạt động xã hội và từ thiện, khoa học – giáo dục, giải trí, nghệ thuật và thể thao. Trong đó có những gương mặt quen thuộc như bà Nguyễn Thị Kim Ngân Ủy viên bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, Công ty cổ phần Viễn thông FPT, Hoàng Ngọc Bích - Chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, Tạ Bích Loan - Nhà báo, trưởng ban VTV6, ca sĩ Đông Nhi, Mỹ Tâm,…
Tạp chí Forbes Việt Nam cho báo giới biết trong lĩnh vực chính trị mặc dù tỷ lệ nữ tham gia vẫn còn ít hơn rất nhiều so với nam nhưng họ đã vươn lên những vị trí có ảnh hưởng lớn. Còn trong lĩnh vực kinh doanh Forbes cho rằng có thể thấy rõ qua vai trò lãnh đạo của họ trong các công ty dẫn đầu nền kinh tế. Bà Nguyễn Lan Anh, thư ký tòa soạn tạp chí Forbes Việt Nam nhận định rằng con số 50 ít ỏi cho thấy phụ nữ Việt Nam, trong môi trường được cho là tiến bộ về vấn đề phụ nữ, vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng trên nhiều lĩnh vực và thiếu cơ hội phát triển cá nhân. Định kiến xã hội, quan niệm xã hội vẫn khiến cho nhiều phụ nữ bị thiệt thòi và thiếu tự do lựa chọn.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn với chị Trang Hạ là nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam, và cũng là một trong 50 nhân vật nữ được Forbes xếp vào danh sách những người ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017. Nhà văn Trang Hạ được biết đến là người viết nhiều tác phẩm về thân phận phụ nữ và những số phận bất hạnh trong cuộc sống. Chị cho biết cảm xúc khi được Forbes vinh danh:
Trang Hạ phát hiện ra một điều rất thú vị là 10 năm trước nếu như phụ nữ chỉ tâm sự về chuyện chồng ngoại tình hay than thở mẹ chồng nàng dâu trên các trang mạng xã hội thì 10 năm sau những chủ đề về xã hội, chính trị, hay những cuộc vận động về xã hội, về những quyền, đã hấp dẫn nhiều hơn trong tâm trí độc giả nữ. Vì thế thay vào việc vui mừng bản thân, Trang Hạ cảm thấy hài lòng vì mình đã tạo ra được một nhóm đông đảo phụ nữ quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Những nữ hoạt động vì dân chủ bị tảng lờ
phamthanhnghien-donghanhyeunuoc-danlambao-400.jpg
Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên. Courtesy of danlambao
Hiện tại ở Việt Nam có vô số các giải thưởng cho những người phụ nữ có cống hiến trong các lĩnh vực khác nhau như Giải thưởng phụ nữ Việt Nam tôn vinh các tập thể, cá nhân phụ nữ; Giải thưởng Kovalevskaia cho những phụ nữ có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, giải thưởng Môi trường Việt Nam cho phụ nữ,… Tuy nhiên có một điều dễ nhận thấy rằng trong vô số các giải thưởng này không hề có giải thưởng nào từng vinh danh những người phụ nữ bất đồng chính kiến, hay những người đứng lên đấu tranh vì nền dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam như Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu,… Thậm chí hoạt động  của những người này còn bị quy vào các tội danh như chống phá nhà nước, gây rối trật tự công cộng, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, …
Ngay trong danh sách những phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 do Forbes bình chọn, tên tuổi của các nhà hoạt động nổi tiếng này cũng không một lần được xướng lên. Nghệ sĩ Kim Chi, từ Sài Gòn, bày tỏ suy nghĩ của bà trước tình hình này:
Tại vì những người như Cấn Thị Thêu, Trần Thị Nga, mẹ Nấm, Phạm Thanh Nghiên và còn hàng loạt những người khác hay xuống đường với cô, họ không muốn nhắc đến những người đó vì họ sợ những người đó, họ căm ghét những người đó. Tiếng nói của những người đó có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và thậm chí có thể làm sụp đổ cả chế độ nên họ không ưa. Mà không ưa thì họ không thừa nhận thôi.
Tiếng nói của những người đó có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và thậm chí có thể làm sụp đổ cả chế độ nên họ không ưa. Mà không ưa thì họ không thừa nhận thôi.
- Nghệ sĩ Kim Chi
Những đóng góp của các nhà nữ hoạt động vì dân chủ không những không được công nhận trong nước, mà thậm chí khi quốc tế quyết định trao giải cho họ, Việt Nam còn lên tiếng phản đối. Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức vinh danh 13 phụ nữ từ các nước trên toàn cầu với giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017, trong đó có blogger Mẹ Nấm của Việt Nam. Tuy nhiên khi quyết định vừa được thông báo, Việt Nam lập tức lên tiếng phản đối cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước.
Chị Phạm Dung, một người dân ở Hải Phòng cho biết:
Em nghĩ nhà cầm quyền họ luôn né tránh những vấn đề nhạy cảm nhất là những người có tư tưởng đối lập chính trị ,vậy họ không bình chọn và công bố những phụ nữ đó là điều dễ hiểu.
Nhiều nhà hoạt động cho biết họ thường bị bắt và tra hỏi rằng có phải họ nhận tiền của những người nước ngoài để tổ chức những hành động này không. Tuy nhiên, hồi giữa tháng 4, Nhà hoạt động vì quyền công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh đã trình bày trên mạng xã hội rằng để đấu tranh cho nền dân chủ có thể họ phải đánh đổi cả cuộc sống bình yên, sự an toàn, và thậm chí là mạng sống của họ nên không một ai có thể hi sinh những điều quý giá đó vì mấy đồng tiền, mà tất cả xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân. Cũng trong đầu năm 2017, nữ cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên được chọn vào danh sách 5 nhân vật chung kết cho giải thưởng Người Bảo vệ Nhân quyền Trước Hiểm nguy năm 2017 của Tổ chức Front Line Defenders.
Giải thưởng này được trao cho nhân vật có những đóng góp đặc biệt vào công cuộc bảo vệ và cổ xúy quyền con người trong cộng đồng của họ. Cá nhân nhân vật này phải đối diện những hiểm nguy lớn lao. Front Line Defenders nêu rõ rằng bà Phạm Thanh Nghiên từng bị tù 4 năm do hoạt động nhằm công khai những vi phạm và bảo vệ quyền cho thân nhân của những ngư dân bị phía Trung Quốc giết hại. Sau khi mãn án tù, bà bị quản chế, nhưng trong thời gian đó vẫn tiên phong tiến hành nhiều chiến dịch về nhân quyền, đồng thời cùng sáng lập nên Mạng lưới Blogger Việt Nam. Nhà bà Nghiên từng bị khám xét, bản thân bà từng bị chặn không cho đi khám bệnh theo hẹn, cửa nhà bị khóa trái từ bên ngoài, và thậm chí kết hôn cũng không được cấp giấy hôn thú.
Nhà văn Trang Hạ lại cho rằng những nhà nữ hoạt động vì dân chủ nhân quyền không được nêu tên trong danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 là do những đóng góp của họ không khớp với các tiêu chuẩn mà tạp chí Forbes đề ra:
Cá nhân Trang Hạ cho rằng mỗi một danh sách đều có một chuẩn để bầu chọn riêng theo tiêu chí của họ. Ví dụ một danh sách về hoa hậu thì không thể nào họ sử dụng tiêu chuẩn của học sinh giỏi. Cho nên dù bạn giỏi giang đến mấy đi chăng nữa cũng khó được vào các danh sách khác. Hoặc đơn giản hơn khi biết tin mình lọt vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, bản thân Trang Hạ cũng thực sự bất ngờ vì rất nhiều người mình gặp trong đời sống giỏi giang và xứng đáng hơn mình.
Họ có xứng đáng?
51b281a1-e0ee-441b-a7d1-ff0e44093053-400.jpg
Bà Cấn Thị Thêu tại tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP photo
Tuy nhiên một bộ phận người dân lại cho rằng những người như mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thừa sức được vào danh sách của Forbes này. Họ cho rằng những người như mẹ Nấm không những có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng mà xét về cuộc sống cá nhân họ đã phải hi sinh rất nhiều. Mẹ Nấm hiện đã bị bắt giữ vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Tuy nhiên mẹ của cô cho biết là cô chỉ hoạt động nhằm đòi khởi tố Formosa, về biển chết, về Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, một môi trường trong lành hơn, quyền của con người được tôn trọng hơn chứ không làm gì “chống phá nhà nước” cả.
Chị Dung cho biết quan điểm của chị về những người như mẹ Nấm:
Họ là những người dám sống dám chết cho đất nước...Họ mới là những người để cho tôi kính trọng và trong trái tim tôi họ là những tượng đài tồn tại mãi mãi.
- Nghệ sĩ Kim Chi
Tôi nghĩ bối cảnh Việt Nam hiện nay phải nói là ngàn cân treo sợi tóc hay nói cách khác là trên đe dưới búa, trong thì nhà cầm quyền luôn đàn áp bắt bớ những tiếng nói đối lập ...ngoài thì anh bạn ''vàng'' luôn tìm cách nuốt đứa ''con hoang''. Và ít ai dám lên tiếng 1 cách mạnh mẽ kiên trì bền bỉ như mẹ Nấm, được rất nhiều người ủng hộ ,được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Chị là 1 tấm gương sáng chói trong phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. Tôi nghĩ chị ấy rất xứng đáng được bình chọn là nguoi có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam.
Nghệ sĩ Kim Chi cũng đồng tình, bà cho biết rằng những nhà nữ hoạt động vì dân chủ xứng đáng được vinh danh hơn ai hết vì họ là phụ nữ chân yếu tay mềm, lại hay đau ốm như Phạm Thanh Nghiên chẳng hạn, nhưng mặc dù bị tù đày, đánh đập, đe dọa, họ vẫn kiên cường dấn thân đứng lên đấu tranh đến cùng, không mệt mỏi:
Họ là những người dám sống dám chết cho đất nước, là con cháu bà Trưng bà Triệu. Họ mới là những người để cho tôi kính trọng và trong trái tim tôi họ là những tượng đài tồn tại mãi mãi, mọi tình cảm tôi đều dành cho họ.
Thiết nghĩ rằng những giải thưởng một mặt cũng chỉ là “cái danh, cái mác” như một số người nhận định. Những người dấn thân luôn nói rằng họ sống và làm việc hết mình để cống hiến cho xã hội chứ không phải làm việc vì giải thưởng. Tuy nhiên, một mặt khác, giải thưởng cũng thể hiện sự công nhận, ghi danh và lan tỏa những đóng góp của họ đến với cả cộng đồng trong nước và thế giới.

Nông dân đặt quan tài đầu làng quyết giữ đất

 Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2017-04-24  
Lực lượng công an cưỡng chế lấy đất ở Đồng Cốc vào hôm 20 tháng 4 năm 2017.
 Lực lượng công an cưỡng chế lấy đất ở Đồng Cốc vào hôm 20 tháng 4 năm 2017.  RFA photo
Vụ người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức quyết giữ đất và đụng độ với nhà cầm quyền Hà Nội chưa lắng xuống thì ngày 20 tháng 4, người dân xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã mang quan tài ra đồng và để sẵn nhang khói, tuyên bố sẽ quyết giữ đất tới cùng. Nguyên nhân vụ việc bởi nhà cầm quyền xã này đã bất minh, thậm chí tỏ ra gian dối một cách lộ liễu khi để quĩ đất đồng Cốc của người dân rơi vào tay nhà đầu tư một cách vô lý và không có đền bù thỏa đáng.
Một cán bộ công an xã Yên Trung, huyện Yên Phong chia sẻ: “Cái vụ này thì còn liên quan đến việc ruộng của người ta họ lại đào đất sét mang bán, đào sâu 5 mét, 7 mét với số lượng lớn. Mà theo luật định thì không được làm vậy vì đây là tài nguyên.”
Theo cán bộ công an này, vấn đề đất của bà con nông dân xã Yên Phong trên Đồng Cốc không những dừng ở chuyện cán bộ xã và cán bộ thôn toa rập với nhau bán đất một cách bất minh, ép bà con nhận khoản đền bù chưa bằng 10% giá đền bù ruộng đất mà bên cạnh đó, vấn đề khai thác mất nguồn tài nguyên đất sét của các cánh đồng ở đây mới là vấn đề đáng nói.
Bởi hầu hết người dân nơi đây đều sống dựa vào nông nghiệp, tình trạng khai thác đất sét (tức đất cao lanh) từ những đám ruộng sẽ dẫn đến hệ quả toàn bộ cánh đồng thành một cái ao chiêm trũng, ngập nước và môi sinh bị phá hỏng. Và những diện tích khác cũng ở Đồng cốc bị biến thành lhu công nghiệp với giá đền bù rẻ mạt không đảm bảo cho người nông dân tồn tại về sau cũng là nguyên nhân dẫn đến bất mãn và đấu tranh giữ đất.
Cũng theo cán bộ công an giấu tên này, hôm 20 tháng 4,đã có gần 1.000 người gồm công an và lực lượng chức năng tiến vào khu đất 14 mẫu của thôn Vọng Đông xã Yên Trung huyện Yên Phong Bắc Ninh để cưỡng chế với lý do thu hồi đất mà người dân không được đền bù đồng nào.
Đồng Cốc, nơi trồng trọt canh tác bao đời nay, với diện tích là 14 mẫu, tương ứng 5,040 m2. Đây là khu ruộng màu mỡ nhất trong thôn. Năm 2014, khu trường mẫu giáo của thôn bị dột nát, ông trưởng thôn và bí thư xã tổ chức họp dân mượn khu đất Đồng Cốc bán thầu ba năm lấy tiền sửa chữa. Theo nghị quyết họp dân, trong quá trình bán thầu, nếu khu công nghiệp cần đến quĩ đất nông nghiệp thì xã phải trả lại cho dân.
Khi hợp đồng bán thầu mới 18 tháng thì tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Phong mở rộng khu công nghiệp Yên Phong. Ông trưởng thôn và Bí thư xã tự ký biên bản biến số ruộng 14 mẫu trên thành ruộng công ích để bán mà không tổ chức họp dân, đương nhiên không có chữ ký đồng ý của người dân. Việc biến số ruộng trên thành đất công ích khiến cho giá trị đền bù mỗi sào chỉ chưa đến 30 triệu đồng so với giá luật định là 158 triệu đồng. Người dân Vọng Đông đang có nguy cơ mất trắng số tiền lên đến xấp xỉ 22 tỷ đồng. Việc chính quyền xã Yên Trung đưa các thửa ruộng ruộng khu đồng Cốc vào diện đất công ích là sai với luật đất đai 2013.
Chính quyền cấp xã và các tổ chức liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng đã nhiều lần yêu cầu người dân bàn giao số đất trên nhưng không được người dân đồng ý. Sau nhiều lần đối thoại, cơ quan liên quan có nghị định mới bổ sung chi trả với giá 21,000 đồng mỗi m2, mức giá này quá rẻ mạt làm cho nhân dân vô cùng bức xúc.
Những người đứng lên đại diện cho người dân lo việc đối thoại, khởi kiện đã bị đe dọa trắng trợn, thậm chí đe dọa đến tính mạng từ phía công an và nhà cầm quyền cấp xã cũng như cấp huyện.
Người dân đang khốn đốn và bất an
18010485_1228860393893590_658708269949130237_n-400.jpg
Người dân xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh mang quan tài ra đồng tuyên bố sẽ quyết giữ đất tới cùng. Photo: facebook
Một nông dân tên Sơn, người có diện tích bị nhà cầm quyền địa phương trưng thu bất minh, chia sẻ: “Đương có biểu tình, vì họ bán cho công ty cám Mitraco đấy nhưng giá thấp quá, dân không đồng ý. Thời này có thông tin đại chúng chứ có phải là anh cứ cậy lực anh đến lấy đâu. Trả giá không phải thì người ta không giao đất đâu. Nhà nước lấy thì cũng phải trả giá cho đúng chứ. Các thứ, cò mồi rồi ăn từ trên xuống dưới, trên ăn một ít, xuống dưới chấm một ít, xuống dưới nữa mút một chút... về tới dân thì chẳng còn mấy đồng.”
Ông cho biết thêm, ngày hôm trước, tức ngày 19 tháng 4, nhà cầm quyền quyền đã đưa nhiều công an về làng và tuyên bố 6h30 sáng ngày 20 tháng 4 sẽ cưỡng chế san đất. Nhưng do người dân quyết tâm giữ đất, nhà cầm quyền đã giả bộ hòa hoãn lừa dân trưa về họp để thương lượng, sau đó lại hơn 500 cảnh sát cơ động vào cưỡng chế người dân. Có một số người già bị ngất và gãy tay. Một số người bị bắt lên xe, bị an ninh quay phim, chụp hình.
Hiện nay, có nhiều người trong thôn bị bắt giam ở trụ sở ủy ban nhân dân xã mà không rõ lý do. Cũng có người cho rằng người bị bắt nhốt vì trước đó đã mua chiếc quan tài đặt ở cổng vào thôn. Và bà con nông dân trong thôn cũng đã cùng nhau kéo lên trụ sở ủy ban xã để đòi người vào chiều ngày 21 tháng 4.
Cũng xin nói thêm, vị trí mà bà con nông dân đặt chiếc quan tài vào chiều hôm 20 tháng 4 đã bị nhà cầm quyền mang máy xúc đến múc thành một con mương sâu. Và không có xe cơ giới hay bất kì loại phương tiện giao thông nào có thể vào bên trong khu đất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nông dân không thể đưa phương tiện vào bên trong khu sản xuất Đồng Cốc để thu hoạch nông sản được nữa.
Một bầu không khí nặng nề, mệt mỏi và u ám đang vây bủa những người nông dân vốn lâu nay quen chân lấm tay bùn, quen với mảnh ruộng, con trâu. Bây giờ dường như mọi sự thay đổi, sự việc đã đi quá xa và khó bề gượng lại được.
Hiện tại, tình trạng nhà cầm quyền lấn lướt và có dấu hiệu đàn áp người dân mạnh tay vẫn chưa có gì là lắng xuống. Người dân vẫn đang túc trực canh giữ đất. Hơn bao giờ hết, người dân xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cần sự hiệp thông và chia sẻ của cộng đồng!

Việt Nam từ chối cấp phép tưởng niệm trận Long Tân

RFA -2017-04-25   
Một cựu chiến binh với logo của quân đội Úc tham chiến Việt Nam trong ngày kỷ niệm 40 năm trận chiến Long Tân tổ chức tại Sydney, ngày 18 tháng 8 năm 2006.
  Một cựu chiến binh với logo của quân đội Úc tham chiến Việt Nam trong ngày kỷ niệm 40 năm trận chiến Long Tân tổ chức tại Sydney, ngày 18 tháng 8 năm 2006. AFP photo
Chính phủ Việt Nam hiện vẫn không cấp phép cho lễ kỷ niệm trận đánh Long Tân ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu dự định diễn ra vào tháng 8 tới đây. Lệnh cấm cũng áp dụng đối với ngày kỷ niệm Anzac diễn ra vào thứ ba 25 tháng 4. Lệnh cấm này được bắt đầu từ năm ngoái nhân kỷ niệm 50 năm trận đánh Long Tân.
Website của Tổng lãnh sự Australia ở thành phố Hồ Chí Minh đăng thông tin ngắn cho biết như vừa nêu.
Theo phía Australia cho biết, chính phủ Việt Nam vào lúc này vẫn có ý cho phép những nhóm nhỏ người đến thăm khu vực Long Tân nhưng báo chí không được phép đưa tin. Tuy nhiên, vẫn có thể có thay đổi sau đó.
Ngày Anzac được Úc và New Zealand kỷ niệm hàng năm để tưởng nhớ những thành viên của quân đội Úc và New Zealand đổ bộ vào Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế chiến thứ nhất. Trận Long Tân là trận đánh nổi tiếng của quân đội Úc trong chiến tranh Việt Nam vào tháng 8 năm 1966 tại xã Long Tân, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Trong khi đó, nhân ngày Anzac, hàng ngàn người ở các nước Australia, New Zealand, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh tham dự lễ kỷ niệm ngày này.
Các cựu chiến binh cùng gia đình của họ đã diễu hành cùng các đám đông mang cờ tới đặt vòng hoa ở các lễ đài tưởng niệm ở Sydney và nhiều thành phố khác ở Australia.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Tư pháp New Zealand Amy Adams đã dự lễ kỷ niệm và đặt vòng hoa tại Gallipoli.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tải một video mang thông điệp của ông trên trang facebook. Ông nói ngày Anzac không phải là lễ kỷ niệm một chiến thắng vĩ đại mà là để dành cho sự chiến thắng của tính nhân văn.

CPJ: Ít nhất 8 nhà báo Việt Nam vẫn bị giam tù

RFA 2017-04-25 
 Nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 20 tháng 1 năm 2010.
Nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 20 tháng 1 năm 2010.  AFP photo
Tổ chức Bảo vệ Ký giả- CPJ, trụ sở tại Hoa Kỳ vào ngày 25 tháng tư, công bố đánh giá mới nhất về tình hình tự do báo chí trên toàn thế giới.
Theo CPJ thì trong thời đại công nghệ thông tin với nhiều triển vọng, các chính quyền, công ty và đối tượng không phải Nhà nước khắp thế giới thực hiện biện pháp kiểm duyệt lượng lớn thông tin bằng các chiến thuật tinh vi và phức tạp.
Ấn phẩm “Tấn công báo chí’ năm 2017 của CPJ gồm những bài viết của các ký giả Christiane Amanpour, Rukmini Callimachi, Jason Leopold, Alan Rusbridger vùng nhiều ký giả hàng đầu khác.
Ngoài ra còn có tham luận của ông David Kaye, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về cổ xúy và bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến, biểu đạt. Tham luận  xem xét luật pháp và các định chế đang tranh đấu bảo vệ quyền tự do biểu đạt.
Ấn phẩm ‘Tấn công Báo chí’ lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1986.
Về phần Việt Nam, có ít nhất 8 nhà báo vẫn còn bị giam tù. Công bố ra vào ngày 25 tháng tư 2017, của tổ chức Bảo vệ Ký giả- CPJ có trụ sở ở Hoa Kỳ cho biết như vùa nêu.
Danh sách các nhà báo tự do, và blogger Việt Nam hiện bị giam giữ có Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Văn Hải, Nguyễn Văn Hóa…
Trong số này ông Trần Huỳnh Duy Thức là một trong những người sáng lập phong trào Con đường Việt Nam, đấu tranh cho dân chủ Việt Nam. Ông này bị mức án 16 năm tù giam theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam: ‘hoạt động âm mưu lật đổ chính quyền’ Hà Nội. Ông hiện đang thụ án tại Trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Hữu Vinh là người sáng lập trang mạng Ba Sàm rất được độc giả trong và ngoài nước theo dõi bị tuyên án 5 năm tù giam theo điều 258: ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ gây hại cho quyền lợi của Nhà nước.
Một số người khác như blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88.
Trong tổng số 259 nhà báo bị tù tội trong năm 2016 trên toàn thế giới thì Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia chiếm số lượng nhiều nhất với 81 người, còn Trung Quốc nước láng giềng có cùng chế độ chính trị với Việt Nam là 38 người đứng hàng thứ hai. Việt Nam đứng hàng thứ sáu trong số 31 quốc gia có nhà báo bị cầm tù.