Monday, October 12, 2015

Du lịch Việt Nam: Không chỉ ăn và uống

Image copyrightiStock
Image captionPhố Nhà Chung, Hà Nội vào buổi tối
Đây là cảnh mà giới hay bia rượu ở Hà Nội vẫn thường chứng kiến: Đồng hồ chuẩn bị điểm lúc nửa đêm là xe cảnh sát lao tới. Nhạc bị tắt và tiếng loa phóng thanh nổi lên: “Đã đến giờ đóng cửa.” Đa số mọi người ra về trong tâm trạng bực bội. Những người khác chán nản tỏa ra tìm nơi khác làm thêm một ly.
Trong ba năm sống ở thủ đô, tôi liên tục nghe cả người địa phương lẫn khách nước ngoài phàn nàn về giờ đóng cửa sớm của các quán rượu Hà Nội.
Tôi vẫn thấy khó chịu mỗi khi gặp bạn bè bên ly rượu lại không thể tránh khỏi bị lực lượng thi hành luật thiếu trí hài hước can thiệp mà không lời giải thích.
Tôi cũng không hiểu vì sao mình có thể đi chơi muộn ở mọi nơi khác ở Việt Nam, trong đó có Huế (là thành phố bảo thủ hơn), nhưng trừ Hà Nội.
Tôi từng nghe giải thích đây là vấn đề an ninh công cộng. Nhưng chắc rằng để mọi người vui vẻ uống rượu trong quán bar thì vẫn hơn là tụ họp ngoài phố với cảm giác bất mãn, chán nản?
Và đúng là lái xe trong lúc say rượu là vấn đề lớn, nhưng có những cách hiệu quả hơn để đối phó với nạn này (mà theo ý tôi, đây là lĩnh vực cảnh sát có thể thực sự tập trung nỗ lực giải quyết).
Điều này cũng không mấy hợp lý nếu nhìn từ khía cạnh kinh tế. Quán rượu và câu lạc bộ đêm ở các thành phố lớn thường làm ăn khá thịnh về đêm. Hà Nội chắc hẳn đang bỏ lỡ bộn tiền mỗi tối.
Image copyrightiStock
Image captionKhu phố Tạ Hiện là nơi có nhiều quán bia hơi đông người Việt Nam cũng như khách du lịch
Vấn đề quán rượu gần đây bắt đầu gây chú ý trên truyền thông. Một loạt bài được đưa lên mạng xã hội trong vài tuần qua, cho rằng khách du lịch chán do thiếu vắng hoạt động ban đêm.
Bài báo trên tờ Dân Sinh phỏng vấn một số người nước ngoài phàn nàn về vấn đề này. Một người từ Anh nói: “Đầu tiên tôi thấy rất tò mò [về quán bar] do mọi thứ còn mới. Đến hôm thứ Hai tôi quay lại đây và gọi một chai bia. Nhưng đến ngày thứ ba, tôi bắt đầu thấy chán vì chẳng còn gì để làm.”
Một du khách người Mỹ, 30 tuổi, nói anh bị vướng vào vòng luẩn quẩn “ăn đồ ăn đường phố, uống bia, tối về nhà sớm.” Anh nói thêm, tôi yêu Việt Nam, nhưng điểm đến yêu thích của tôi là Thái Lan. Tôi có khoảng thời gian rất vui ở đó và tôi sẽ quay lại vài lần nữa.”
Tuy hoàn toàn hiểu được quan điểm này, tôi nghĩ những lời nói trên cho thấy vấn đề sâu hơn, đáng lo ngại hơn hiện tượng đóng quán sớm, là suy nghĩ về việc du khách đến Việt Nam chỉ để ăn và uống.
Ở đất nước còn có rất nhiều điều đáng xem – phong cảnh đẹp tuyệt vời, văn hóa đầy mê hoặc, lịch sử độc đáo – thì đây là nhận xét thật đáng buồn.
Theo tôi có hai vấn đền liên quan tới nhau đằng sau câu chuyện này. Trước tiên là thiếu sự đa dạng cho khách du lịch.
Dù là mỗi khách du lịch có xuất thân hay mối quan tâm khác nhau thế nào đi nữa, trải nghiệm du lịch của họ ở Việt Nam gần như giống nhau.
Các tour du lịch hầu như lặp lại, khách sạn và khu nghỉ dưỡng bên biển không mấy khác nhau, và vâng, hầu hết quán rượu lẫn nhà hàng đều đóng cửa sớm vào buổi tối.
Dường như ít có nghiên cứu thị trường nhắm tới các nhóm khách du lịch khác nhau muốn gì khi tới Việt Nam.

Thương hiệu rõ ràng

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionẨm thực đường phố và bia hơi không chỉ là hoạt động duy nhất khi đi du lịch Việt Nam
Vấn đề thứ hai là thiếu một bản sắc rõ nét. Ẩm thực đường phố và bia tươi Việt Nam được biết đến trên toàn thế giới, nhưng những trải nghiệm còn lại ở Việt Nam thì rất khó để định lượng, mặc dù đất nước này đã được quảng cáo vài lần qua nhiều chương trình truyền hình.
Khách du lịch biết họ sẽ nhận được gì từ một kỳ nghỉ ở Thái Lan hay Malaysia, bởi những nước này đã tiêu cả đống tiền vào các chiến dịch tiếp thị và đầu tư hợp lý vào các sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Mỉa mai thay, tôi nghĩ Việt Nam cũng có ngang thế, thậm chí là hơn những điểm đến kia, nhưng thông điệp lại không mạnh mẽ bằng. Họ không có một thương hiệu rõ ràng, cụ thể.
Trong phim quảng cáo gần đây của Bộ Ngoại giao - mà có lẽ lấy cảm hứng từ đoạn phim du lịch ngắn của đạo diễn người Nga, Georgy Tarasov trên Vimeo – cho thấy đã có tiến bộ rất nhiều trong lĩnh vực này. Nhưng thông điệp quảng cáo đi kèm vẫn nói Việt Nam là đất nước “hòa bình, ổn định và phát triển”, “giàu nhân văn, sức sống mạnh mẽ, không ngừng phát triển và là điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế.”
Đây là những tình cảm đẹp khó có thể tranh cãi, nhưng chúng rất trừu tượng. Không một lời nào trong đó khẳng định được “đây là Việt Nam”.
Với khách du lịch, tôi muốn gợi ý rằng, nếu bạn đã tốn khá nhiều thời gian lẫn tiền bạc để đến Việt Nam, bạn nên tìm hiểu xem có hoạt động gì khác ngoài việc ăn và uống (dù những hoạt động này cũng vui đấy).
Có rất nhiều thông tin trên mạng về những địa điểm hay và những nơi không thể bỏ lỡ.
Vâng, thật khó chịu quán rượu đóng cửa lúc nửa đêm, thậm chí còn sớm hơn thế. Nhưng nếu muốn thức cả đêm nhậu nhẹt thì các bạn có thể làm ở đất nước của các bạn (và chắc là tốn tiền hơn nhiều).
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionThể dục buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ở nhiều nước châu Á có văn hóa đi ngủ sớm và dậy sớm. Tôi cuối cùng cũng học được cách thích nghi với văn hóa này. Không dễ, nhưng nếu bạn làm được thì sẽ có thành quả.
Việt Nam rất đẹp vào sáng sớm. Khung giờ yêu thích của tôi là khoảng 6 giờ sáng, khi trời còn mát và người đủ mọi lứa tuổi, thành phần ra tập thể dục, uống cà phê và ăn sáng cùng nhau. Với tôi, điều này cũng hay như một buổi tối thức khuya nhậu nhẹt với bạn bè.
Điểm cuối cùng là, việc vấn đề này được đưa ra bàn tán rộng rãi là rất tốt. Dần dần, vấn đề trong ngành công nghiệp du lịch đã gây được chú ý trên truyền thông và chính quyền dường như đang lắng nghe.
Image copyrightGetty
Hồi tháng Sáu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói với báo chí rằng, giao thông nguy hiểm, thực phẩm mất vệ sinh, ô nhiễm, trộm cắp, người ăn xin và bán hàng đắt đỏ khiến khách du lịch có trải nghiệm xấu ở Việt Nam.
Cho dù những vấn đề này chưa được giải quyết thấu đáo tới mức có thể thấy được hiệu quả, thì ít nhất cũng đã có bàn luận công khai.
Và hy vọng rằng bài viết này sẽ thêm vào cuộc thảo luận với nhiều người bàn về nó trên bàn ăn hay bên chầu bia, ít nhất, là cho tới trước khi xe cảnh sát đến.
Tác giả là một nhà báo tự do, từng sống và làm việc ở Việt Nam và đã viết cho các báo như The Guardian, The Diplomat cùng một số bài cho trang web bbcvietnamese.com.

Mùa mưa ngập và đời hàng rong

 Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam Theo RFA-2015-10-12  
Hà nội mùa mưa
Hà nội mùa mưa Hà nội mùa mưa  AFP
Những người buôn gánh bán bưng trái cây trên thủ đô, những người đạp xe cọc cạch từ con phố này qua con phố khác, từ ngày này qua tháng nọ, bươn bả kiếm cơm, những người bán quán vỉa hè cả nhà trông chờ vào nồi nhưn phở hay tủ bánh mì… Tất cả họ đang gặp khó khăn trong mùa mưa này, khi thành phố Hà Nội thi thoảng tự biến thành những dòng sông uốn lượn, người dân tự biến thau nhựa, thùng nhựa thành thuyền để bơi và nhiều người bán trái cây lang thang bắt cá trên phố để cải thiện bữa cơm. Chuyện như nói đùa nhưng lại rất thật trên thành phố Hà Nội.
Ế ẩm, buồn và lo…
Một người tên Lò gốc Hưng Yên, buôn trái cây tại thành phố Hà Nội, mỗi sáng, bà và những người buôn bán trái cây khác cùng chở trái cây ra đứng ở góc đường Yết Kiêu, gần tòa soạn báo Công an thủ đô để bán, quãng đường đi từ nhà trọ đến điểm bán cho bà nhiều trải nghiệm, bà chia sẻ: “Ngày bình thường thì cũng có khách nhưng mà trời mưa thì hàng bán kém lắm, không có khách, ế lắm! Ngày có khách thì bán được năm chục nghìn, nhiều thì trăm nghìn, ngày hiếm khách thì có khi không được đồng nào, khó lắm!”
Theo bà Lò, mùa mưa tới là mùa ế ẩm của nhiều loại hàng hóa bán dạo, không riêng gì trái cây mà hầu hết các loại hàng bán rong đều gặp khó khăn, từ việc di chuyển cho đến số lượng người mua. Bởi thường thì những ngày trời mưa, các gia đình hay chọn cách cùng nhau đi đến siêu thị vào cuối tuần để mua sắm hàng loạt và để dành dùng cho cả tuần, chỉ hiếm họa lắm mới có giới lao động nghèo mua hàng dạo.
Rất tiếc là giới lao động nghèo hiếm có ai sống ở trung tâm Hà Nội, hoàn toàn không có. Chính vì vậy, những ngày mưa, hầu hết người bán rau hành hay trái cây phải tản về các khu ngoại ô để bán. Và đây là khoảng thời gian đáng sợ nhất đối với họ. Vì đường sá mưa lạnh, có khi nước ngập đến gối, thậm chí có ngày nước ngập đến bụng, rau cải, trái cây bị ngâm trong nước dơ theo người, mỗi khi có xe lớn chạy qua, từng đợt sóng đánh ập vào hàng hóa khiến trái cây hay rau cải trôi lỏm ngỏm, lại phải đi nhặt từng bó rau, từng trái cam, trái táo trong dòng nước đục ngầu.
Và những bó rau, trái cây như vậy phải tìm nguồn nước sạch để rửa trở lại trước khi bán nhưng không mấy tự tin. Nhiều khi bà muốn bỏ đi nhưng nếu bỏ đi thì mất vốn, mà bán thì lại áy náy lương tâm. Nhiều lúc gặp một người lao động nghèo, cầm đồng tiền còn xoắn tròn do thói quen bó dây thun, lựa tới lựa lui rồi lựa trúng ngay những trái cam vừa rớt xuống nước để mua vì nhìn nó bóng bẩy, sạch sẽ, mặc dù rất áy náy nhưng bà cũng không thể nói thật với họ, xem như nhắm mắt làm liều vì chén cơm manh áo.
Cũng theo bà Lò, hầu hết người bán hàng rong đều là dân tỉnh đến từ Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình, thậm chí Bắc Kạn tìm lên Hà Nội buôn thúng bán mẹt với ước mơ đời bớt khổ. Riêng bà Lò, với người chồng nằm liệt giường do bệnh tai biến não, một người mẹ già và ba đứa con, đứa đầu đi làm thợ hồ, hai đứa nhỏ còn học phổ thông, bà và đứa con trai đầu phải làm lụng cật lực để đắp đổi qua ngày cho cả nhà.
Trung bình, những ngày trời nắng, bà Lò kiếm được từ một trăm đến một trăm rưỡi ngàn tiền lãi từ việc bán trái cây hoặc rau đậu, bữa nào trúng lắm thì kiếm được chừng hai trăm ngàn đồng nhưng hiếm có ngày nào trúng như vậy. Mỗi ngày, sau khi mua thức ăn, trả tiền điện, tiền nước và tiền nhà trọ, bà dư được từ bốn chục ngàn đồng đến bảy chục ngàn đồng để gởi về quê lo cho gia đình.
Một cụ bà ngồi bán rau bên đường
Một cụ bà ngồi bán rau bên đường (RFA)
Bà Lò nói như cười mà như khóc rằng bà cũng là người trong số hiếm hoi những lao động nghèo tỏ ra mừng rỡ khi đường ống sông Đà bị vỡ. Vì ngày đó bà không phải tốn tiền nước cho việc giặt dũ, tắm táp, chỉ cần chờ đêm đến, đạp xe ra bờ hồ Tây, tìm chỗ để giặt và tắm luôn một lượt là xem như thành công, tiết kiệm được ít nhất cũng mười ngàn đồng.
Nhưng bà Lò cũng nói rằng bà không mong chi đường ống sông Đà bị vỡ nữa, bởi vì khi thiếu nước xài thì người ta cũng không có nước để rửa rau hay nấu canh, bán rau hay bán trái cây gì cũng ế ẩm vì đường ống vỡ. Chuyện tưởng như không liên quan nhưng lại rất quan trọng và có mối liên hệ mật thiết với nhau cả.
Công an rượt, chuyện cơm bữa
Một người bán trái cây khác tên Diễn, cũng thường đứng ở góc đường Yết Kiêu, Hà Nội, chia sẻ: “Mưa gió thì người ta đi lại khó khăn, ít người đi lại, hàng bán được có 50%, một nửa thôi. Mưa gió đi lại khó khăn, kinh tế nữa, phải có tiền thì mới mua được nhiều. Khó khăn là khó khăn chung, mưa gió bao giờ mà không khó khăn chung, người lao động ai cũng khó hết, phải có tiền thì mới tiêu thụ được hàng hóa chứ, chỉ có công nhân viên chức mới có lương bổng, thu nhập đều nó khác!”
Theo ông Diễn, bán trái cây bây giờ khó hơn trước đây rất nhiều, hơn nữa, đang là mùa mưa, mọi thứ cứ nhặng xị cả lên. Khi đường sá bị ngập, việc đi lại khó khăn, những con đường nào ráo nước trở thành nơi tập kết của lực lượng giao thông, góc ngã ba Yết Kiêu cũng không ngoại lệ. Mà khi công an giao thông hay công an khu vực đến đây thì cơ hội đứng bán trái cây, bán rau hay bán hoa hầu như không có. Người bán lo mà chạy trước khi họ ra tay.
Hoặc là bị hất đổ trái cây, tịch thu phương tiện làm ăn, hoặc là bị rượt đuổi chạy bán sống bán chết, hoặc là bị phạt với mức tiền rất nặng, chiếm đến bốn, năm ngày buôn bán. Nói chung, gặp công an là xem như tuần đó quá đen đối với người buôn bán hàng rong. Đối với con người, nhất là người lao động chân chính, buôn thúng bán mẹt để nuôi con ăn học mà đe nẹt, quát tháo, rượt đuổi, giật gánh… Tất cả những hành vi đó không hề cò chút tính người.
Mùa mưa này, có biết bao nhiều gia đình phải bó gối trông chờ vào gánh rau, xe trái cây của những lao động nghèo giữa thủ đô. Và có bao nhiêu người trong số họ đủ sức khỏe để lội qua những con phố ngập nước, lội miệt mài ngày này qua ngày khác để kiếm cơm cho gia đình?!
Đây là một câu hỏi buồn cho những người bán hàng rong giữa lòng Hà Nội.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Tịnh thất Đạt Quang bị đàn áp vì không thuộc giáo hội Phật giáo VN

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok -2015-10-12  
Công an, nhân viên an ninh của tỉnh, chính quyền huyện Xuyên Mộc bao vây tịnh thất Đạt Quang ngày 6 tháng 10, 2015 ngăn cấm mọi việc tu sửa
 Công an, nhân viên an ninh của tỉnh, chính quyền huyện Xuyên Mộc bao vây tịnh thất Đạt Quang ngày 6 tháng 10, 2015 ngăn cấm mọi việc tu sửa  Courtesy FVPOC
Những giáo hội không chịu theo hệ thống mà người trong cuộc cho là có sự chỉ đạo, kiểm soát của Nhà nước tiếp tục bị ngăn trở trong mọi hoạt động liên quan.
Một vụ việc mới xảy ra gần đây qua tại xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Ngăn chặn dựng cơ sở tịnh thất
Vụ việc xảy ra hôm ngày 6 tháng 10 vừa qua tại tịnh thất Đạt Quang, một cơ sở theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, chứ không nằm trong hệ thống Phật giáo Việt Nam. Đây là giáo hội được hình thành từ thập niên 70 sau này; và nhiều tăng sĩ, tín đồ Phật giáo cho rằng đó là một giáo hội bị lũng đoạn bởi nhà cầm quyền Hà Nội.
Thầy Thích Vĩnh Phước, người phụ trách Tịnh Thất Đạt Quang cho biết lại tình hình:
“ Một lực lượng rất đông của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vào trấn áp toàn bộ chư tăng và Phật tử trong chùa. Chư tăng chỉ có hình thức tọa kháng, niệm Phật cầu nguyện thôi. Còn những ai đi vào đó đều bị chặn lại hết, họ bao vây chung quanh chặn lại. Thậm chí mình ngồi tọa kháng trong chùa thì họ leo lên mái chùa đập và xịt hơi cay xuống. Có những người muốn ghi hình lại khi bị xịt hơi cay như thế cũng không thể che lại mà quay được. Có một Phật tử tên Nguyễn Thành Công, pháp danh Xuân Nguyên, nghe tin chùa bị như thế có chạy đếnl nhưng trên đường vào thì bị công an chặn lại và bắt đem về tại trụ sở ủy ban nhân dân xã Bàu Lâm . Tại đó một người công an tên Mạnh đánh Phật tử đó bị thương trên đầu và ngất xỉu phải đưa đi trạm y tế. Sau đó người nhà đến, thấy tình hình bất ổn muốn chuyển lên ( bệnh viện) cấp trên nhưng họ không chịu; cuối cùng mình phải đưa đi.”
Một lực lượng rất đông của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vào trấn áp toàn bộ chư tăng và Phật tử trong chùa. Chư tăng chỉ có hình thức tọa kháng, niệm Phật cầu nguyện thôi. Còn những ai đi vào đó đều bị chặn lại hết...Thậm chí mình ngồi tọa kháng trong chùa thì họ leo lên mái chùa đập và xịt hơi cay xuống
thầy Thích Vĩnh Phước
Chính quyền thoái thác
Sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi liên lạc qua điện thoại và nêu vấn đề ra với ông Nguyễn Văn Ngọn, người phụ trách vấn đề tôn giáo của Sờ Nội Vụ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; ông này bảo hãy liên lạc với huyện Xuyên Mộc.
“Tôi đang bận họp không biết khi nào xong, anh liên hệ với huyện Xuyên Mộc để họ trả lời cho.”
Theo lời của ông Nguyễn Văn Ngọn, chúng tôi gọi điện đến chánh văn phòng huyện Xuyên Mộc, ông Lâm Quang Dũng, và được ông này trả lời loanh quanh với ý chốt là ông không được phép phát ngôn về vụ việc được nêu ra:
“ Tôi không có trách nhiệm trả lời vấn đề này, anh hỏi chỗ khác. Theo qui định tôi không được trả lời về vấn đề này.”
Không theo phái Nhà nước
Thầy Thích Vĩnh Phước cho biết Tịnh Thất Đạt Quang được hình thành từ giai đoạn có chính sách đưa dân đi kinh tế mới từ sau năm 1975. Trong thời gian qua do cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng cần phải xây lại cho đàng hoàng để các tu sĩ có thể cư ngụ và tu tập.
Tuy vậy việc cải tạo nhỏ mà theo thầy Thích Vĩnh Phước không cần phải xin phép cơ quan chức năng đã bị ngăn trở một cách mạnh tay như trình bày của vị tu sĩ này:
“ Vừa rồi họ ra lệnh cưỡng chế của ủy ban nhân dân xã ( Bàu Lâm) và huyện Xuyên Mộc. Sau đó chúng tôi có làm đơn khiếu nại lên ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, thủ tướng chính phủ, và chủ tịch nước về việc cưỡng chế. Lý do ngay từ ban đầu họ không thừa nhận chúng tôi, ngay cả việc đăng ký tạm trú cũng không cho thì làm gì họ cho chúng tôi xây dựng. Ngôi nhà này chỉ xây dựng đơn sơ, thậm chí chúng tôi phải nối cột cho cao hơn, vì đây là nhà rường truyền thống của miền Trung nên thấp lắm. Theo tôi biết thì làm nhà dạng này không cần phải xin phép.”
Lý giải cho việc mạnh tay đó, thầy Thích Vĩnh Phước nói:
Họ đã phá ngôi chùa Pháp Biên tại ấp Chùa Tràm, rồi năm ngoái cho xe ủi cổng chùa Phước Bửu mà đã xin phép xây dựng cách đây 25 năm; đến hôm nay họ đào bỏ nền móng của tịnh thất Đạt Quang. Mục đích của họ là làm cho chúng tôi không có điều kiện để tự do phát triển và hành đạo
thầy Thích Vĩnh Phước
“ Tôi nghĩ rằng vấn đề chính là chúng tôi không nằm trong giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý. Mục đích của họ là luôn đàn áp giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Cho đến nay chúng tôi thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, mà điển hình dưới sự lãnh đạo của tôi và hòa thượng Thích Thanh Tịnh, người bị ở tù nhiều năm dưới chế độ cộng sản. Ông bị bắt năm 1992, sau đó năm 1993 bị tù đến năm 2000 ra tù và sang năm 2001 đến ở với tôi.”
Vị tu sĩ này cho biết tiếp vụ việc xảy ra trong ngày 6 tháng 10 vừa qua không phải là lần đầu tiên, mà nhiều cơ sở không theo Phật giáo Việt Nam mà theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cũng chịu chung cảnh ngộ lâu nay:
“ Họ đã phá ngôi chùa Pháp Biên tại ấp Chùa Tràm, rồi năm ngoái cho xe ủi cổng chùa Phước Bửu mà đã xin phép xây dựng cách đây 25 năm; đến hôm nay họ đào bỏ nền móng của tịnh thất Đạt Quang. Mục đích của họ là làm cho chúng tôi không có điều kiện để tự do phát triển và hành đạo. Đây là chính sách đàn áp về tôn giáo mà điển hình đối với những giáo hội không thuận dưới Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Tình hình hiện nay phải nói thật là khó khăn. Từ nhiều năm nay chúng tôi gặp khó khăn trong việc hành đạo bởi vì bạo lực, trấn áp, phân hóa, lôi kéo … làm cho chúng tôi phải khuất phục trước các chính sách của Nhà nước ở đây.”
Chuẩn mực quốc tế
Vào tối ngày 1 tháng 10 vừa qua, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo/tín ngưỡng Heiner Beilefeldt nhắc lại tại cuộc họp báo ở thủ đô Bangkok, Thái Lan rằng tự do tôn giáo/tín ngưỡng là một quyền căn bản của con người. Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân thực hành quyền đó của họ chứ không thể gây cản trở thông qua qui định phải đăng ký, xin để được công nhận.
Đây là một đề xuất mà ông này đưa ra sau chuyến làm việc tại Việt Nam vào năm ngoái. Tuy nhiên theo ông này đề nghị đó vẫn chưa được chính quyền Hà Nội đáp ứng.
Tại Việt Nam lâu nay có nhiều chùa lớn, tượng Phật to được xây dựng lên như Bái Đính ở Ninh Bình, Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng với tượng Phật Bà cao nhất Việt Nam… Nhiều người thạo tin cho rằng đó là những công trình được chính những cán bộ cao cấp cộng sản hổ trợ; và đó là những nơi để thu hút tiền cúng dường của tín đồ, thậm chí kinh doanh du lịch; còn chức năng cải hóa, diệt ‘tham, sân, si’, nâng cao phẩm hạnh con người lại thiếu vắng.

Lại thêm chuyện về ‘đường’ ở Hà Nội

Xe cộ lưu thông trong giờ cao điểm trên đường phố Hà Nội.
Xe cộ lưu thông trong giờ cao điểm trên đường phố Hà Nội.
Chuyện về “đường”, tôi định bụng chẳng bàn đến nữa. Mà đùng một cái, sáng ngày 8/10 lại có một chuyện tuyến đường cao tốc vành đai 3 bỗng bị tê liệt hơn 2 tiếng đồng hồ khiến tôi lại “ngứa ngáy” phải nói tiếp. Chẳng phải bỗng nhiên mà biết bao nhiêu người đã gắn bó với Hà Nội hàng chục năm trời, vẫn cứ phải quyết tâm rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn này. Cô bạn tôi nói về Hà Nội mà chẹp miệng, yêu thì yêu thật, đặc biệt là cái mùa thu cứ da diết lưu luyến người xa nhà, nhưng từ sáng sớm tới tối khuya cứ phải chiến đấu mệt nghỉ mỗi khi ra đường, chả mấy mà phát điên chứ ở đó mà lãng mạn bay bổng mùa thu với mùa đông.
Cái chuyện này hi hữu vô cùng bởi nếu ai ở Hà Nội thì đều biết rằng đường vành đai 3 là tuyến đường to, rộng, thẳng một lèo nối 2 đầu thành phố, chưa kể những đường cầu vượt cắt dọc ngang bên trên để tránh tắc đường. Ấy thế mà có ngày nó cũng ứ lại đến mức tê liệt hàng tiếng đồng hồ. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin nào nhắc đến nguyên nhân của sự ùn tắc giao thông lịch sử này, chỉ loanh quanh những ý kiến của người đi xe máy và ô tô đổ lỗi lẫn nhau lấn đường lấn tuyến. Nghe thì kinh hoàng nhưng nghe dân mình nói về chuyện này thì lại thấy vui vui. Hơn 2 tiếng đồng hồ đứng đợi sốt ruột, các bác tài xế bắt đầu rời bỏ xe của mình để tấp vô hàng quán bên đường ngồi hút thuốc uống trà tán phét, người không quen mà gặp cùng cảnh ngộ hồ hởi bắt tay nhau. Hành khách trên các xe du lịch lớn nhỏ đi trên cầu vượt sau 1 tiếng cũng bắt đầu ùa xuống xe để hóng gió tiết trời thu mát mẻ, cười nói vô cùng xởi lởi vì lâu lâu mới thấy Hà Nội mình đông vui. Trên hàng cỏ xanh mướt, dù đất mềm, ẩm vì trời mưa phùn, nhiều xe máy vẫn cố chèn lên dù khó đi, một mình một đường rộng mênh mông, không phải chen lấn xô đẩy ai. Không ít người tạt ngang đường để rẽ vào ngõ. Những bức hình cập nhật hàng phút ghi lại đầy đủ khoảnh khắc muôn hình vạn trạng trong thời điểm tắc đường tại Hà Nội.
Thực ra để giải thích tình trạng này không khó. Nhìn trên bản đồ google map, rất dễ dàng thấy được các con đường tại Hà Nội bé xíu và không có một chút trình tự nào. Đường ngắn, đường dài lẫn lộn giữa đậm đặc nhà cửa đến mức nhiều lúc lạc đường thì dùng google map cũng không thể cứu vãn vì chính phần mềm thông minh đó cũng không nhận dạng được lối đi. Sự thiếu hụt trầm trọng các tuyến đường lớn cũng như không có hệ thống giao thông ngầm là nguyên nhân chính của khủng hoảng giao thông hiện nay. Việc mở rộng đường xá thì vướng mắc đến chuyện quy hoạch nhà cửa. Có những con đường rõ ràng là rộng thênh thang đấy, ấy thế mà giờ tan tầm vẫn cứ tắc, bởi giữa đường bỗng dưng có vài ba ngôi nhà to đùng đứng chắn. Dân không chịu dọn đi, nhà nước cũng chẳng có cách mà “đuổi”. Tàu điện ngầm muốn khởi công cũng phải lo trước chuyện cống ngầm. Thành thử mà gặp phải vài trận mưa chắc ngập cả đường tàu. Thử tưởng tượng mỗi thành phố là một cơ thể sống và các tuyến đường giao thông là động, tĩnh mạch, thì Hà Nội là một cơ thể quá nhiều bệnh tật với hệ thống mạch máu luôn trong tình trạng căng cứng. 60 năm trôi qua, dân số Hà Nội đã tăng lên theo cấp số nhân nhưng hệ thống đường xá chỉ tăng theo cấp số cộng. Gần 8 triệu người dân đang hàng ngày dồn ứ gây quá tải các tuyến đường lớn nhỏ ở thủ đô.
Bên cạnh ý thức nghèo nàn của một bộ phận lớn người dân khi tham gia giao thông, trách nhiệm chính về tình trạng giao thông hiện nay rõ ràng thuộc về nhà chức trách. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn trong một bài phỏng vấn cho biết “kẹt xe không phải là vấn đề của riêng ngành giao thông, nhiều sở, ban ngành như giao thông, xây dựng, kế hoạch đầu tư, quy hoạch - kiến trúc… phải ngồi lại với nhau để cùng giải quyết.” Không biết các vị ngồi với nhau trao đổi thế nào, để đến lúc bàn đến vấn đề lại đưa ra những câu phát ngôn đến khó hiểu như “có thể hiểu rằng các vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được.” Người Hà Nội vẫn có câu bông đùa “Hà Nội… không vội được đâu”. Ừ thì chẳng thể vội, nên ta vẫn cứ luôn đi thụt lùi dần, chẳng bao giờ có thể bắt kịp được nhịp sống văn minh, phát triển toàn cầu đang tiến vùn vụt với tốc độ ánh sáng.

* Blog của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Viết Tiếp Chuyện Quan Chức Tuổi 30: Áp Lực Hay Kỳ Vọng?

Ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam. (Ảnh chụp từ trang web vnexpress)
Ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam. (Ảnh chụp từ trang web vnexpress)

Cao Huy Huân

Theo VOA-13.10.2015
Mấy tuần vừa qua, dư luận vẫn chưa thôi xôn xao câu chuyện “Giám đốc sở ở tuổi 30”, liên quan đến việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (30 tuổi) làm giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Thậm chí, Bộ Nội vụ cũng chính thức vào cuộc để kiểm tra kiểm tra các thông tin về các vấn đề trong quy hoạch chức danh, quy trình bổ nhiệm, các tiêu chuẩn về vị “quan trẻ” đang làm nóng cộng đồng.
‘Con quan chức’ trở thành nhạy cảm!
Nhiều ý kiến cho rằng “30 tuổi còn quá trẻ, tại sao có thể trở thành giám đốc sở?” Câu hỏi này liên quan đến các giả thuyết xung quanh thân thế của ông Hoài Bảo – vốn là con trai ông Lê Phước Thanh, khi đó đang là Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam. Thậm chí nhiều người, dường như theo thuyết âm mưu, còn mạnh miệng lên tiếng “con quan lại được làm quan” và dẫn đến các câu chuyện tương tự như cha phong hàm đại tướng cho con trai (ông Kim Jong-un, hiện là Chủ tịch Triều Tiên), trở thành đại tướng trẻ nhất đất nước.
Mặc cho ông Hoài Bảo và cha của ông lên tiếng; mặc cho các ngành chức trách thẳng thắn trả lời báo chí rằng quy trình, cách thức, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ là hoàn toàn đúng với luật pháp quy định, không hề có yếu tố thiên vị hay tiêu cực, một bộ phận người dân vẫn cho việc bổ nhiệm này có “ẩn tình”. Tất nhiên, phải thẳng thắng nói với nhau rằng, cho đến thời điểm này chưa có bất cứ vấn đề nào bị tố giác là tiêu cực trong quá trình bổ nhiệm. Tuy nhiên, câu hỏi cần được giải quyết chính là, tại sao “hễ cứ là con quan chức, được bổ nhiệm lãnh đạo, chuyện lại trở thành nhạy cảm?”
Ba nguyên nhân chính
Thực trạng này không chỉ ở Việt Nam, mà xuất hiện ở nhiều quốc gia. Có ba nguyên nhân chính khiến vấn đề bổ nhiệm quan chức trở thành nhạy cảm. Một là, thông tin và quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm chưa thật sự minh bạch đến mức thuyết phục. Ở các quốc gia phát triển, việc bổ nhiệm các chức danh từng cấp ở khu vực công đều được công bố và tuyển chọn công khai. Thậm chí, nhiều nơi còn tổ chức thi tuyển (việc tuyển chọn tổng thống cũng là một “cuộc thi” khắc nghiệt) nhằm để ứng cử viên tiếp xúc nhiều với dân, dễ dàng thuyết phục người dân. Tuy Mỹ không phải là nước có thể chế chính trị như Việt Nam, nhưng việc gia đình Bush trở thành tổng thống cho thấy, đó là một cuộc đua “công bằng”, ít nhất về mặt quy trình, hình thức tìm kiếm và chọn lãnh đạo của nước Mỹ.
Thứ hai, tư tưởng phong kiến ảnh hưởng đến tư duy của người dân. Người phương Đông với nét văn hóa đặc trưng “cha truyền con nối”, dù trong một xã hội có nhiều thay đổi như Việt Nam hiện nay, vẫn còn quá nhiều búa rìu dư luận theo tư tưởng cũ kĩ. Nhìn sang châu Âu, khi chưa tới 30 tuổi, người ta hoàn toàn có thể trở thành bộ trưởng (Năm 2013 ông Sebastian Kurz được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao nước Áo lúc mới 27 tuổi). Những người trẻ tuổi đảm nhiệm các chức vụ cao luôn luôn được hoan nghênh, một phần vì họ được tuyển chọn một cách minh bạch và gắt gao, một phần vì người phương Tây chấp nhận điều này như một động lực, chứ không phải áp lực.
Cuối cùng là sự đóng góp. Người ta sẽ trở nên lạc quan và tin tưởng nếu một người được bổ nhiệm vào một vị trí nhất định có đóng góp trong trung hạn, dài hạn. Ngay cả khi dư luận lo ngại về sự thiếu minh bạch (dù luật pháp cho thấy người được bổ nhiệm không có gì sai), thì người được chọn cần phải chứng tỏ năng lực và sự đóng góp thật sự cho xã hội theo thời gian. Hãy nhìn sang Singapore. Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Khi Lý Hiển Long nhậm chức với sự hỗ trợ và cố vấn đắc lực của cha mình, phe đối lập cũng đã có những ý kiến liên quan đến vấn đề “cha truyền con nối” khiến Singapore trì trệ và thiếu sáng tạo. Tuy nhiên, tầm nhìn, tâm huyết và khả năng dùng người của Lý Hiển Long đã thuyết phục được người dân Singapore, rằng con của quan chức nếu có tài năng và đạo đức, vẫn có thể trở thành một người được dân chúng yêu mến.
Áp lực hay kỳ vọng?
Nếu nhìn vào bản thân ông Lê Phước Hoài Bảo, rõ ràng cả ba yếu tố trên vẫn chưa thể đảm bảo hoàn toàn. Thứ nhất, quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm giám đốc sở dường như vẫn còn quá lạ lẫm với người dân. Đó là lý do khi báo chí đưa tin bổ nhiệm giám đốc sở trẻ nhất nước, ngay lập tức dân chúng xôn xao, nghi ngờ. Rõ ràng, quá trình tuyển chọn quan chức làm sao để thật sự minh bạch mà thước đo tương đối chính là phản ứng tích cực của người dân vẫn cần được Việt Nam cải thiện. Cải thiện bằng cách nào, thì đó là chuyện của những nhà lập pháp, bằng chuyên môn nghiệp vụ lẫn các bài học kinh nghiệm về tuyển chọn quan chức tại nhiều quốc gia có thể chế tương tự hoặc các quốc gia có quy trình tuyển chọn phù hợp và tiến bộ hơn, thuyết phục hơn.
Thứ hai, ông Hoài Bảo vẫn sống trong một xã hội, tuy có hội nhập và tiếp nhận luồng quan điểm, kiến thức mới, nhưng vẫn còn đậm nét phương đông. Không phủ nhận đã có nhiều vụ bê bối về việc bổ nhiệm quan chức, nhưng trường hợp của ông Bảo, đến lúc này, cả về mặt trình độ, lý lịch,... chưa thấy có vấn đề tiêu cực về bổ nhiệm. Việc xét nét về lý lịch của ông Bảo, một phần đến từ bộ phận người tích cực muốn mọi chuyện trở nên minh bạch và thuyết phục, nhưng cũng có một bộ phận xuất phát từ sự ganh ghét và đố kỵ, vốn không lạ lẫm trong xã hội phương đông.
Thứ ba, ông Hoải Bảo vẫn chưa có thời gian đóng góp nhiều ở cương vị mới. Thách thức đối với những nhà lãnh đạo trẻ luôn luôn là kinh nghiệm và sự đóng góp. Người ta cần thêm thời gian, và ông Bảo cũng cần thêm thời gian để thể hiện đúng tinh thần, trách nhiệm và năng lực bản thân. Mọi chuyển biến tích cực ở vị trí hiện tại sẽ củng cố lòng tin của dân chúng, xóa bỏ các nghi ngờ về “cha con và quyền lực”; nhưng ngược lại, nếu ở vị trí mới nhưng đóng góp kém sẽ phá hủy tất cả kỳ vọng của người dân, cũng như giả thuyết về vấn đề “cha truyền con nối” sẽ dấy lên như một chân lý.
Việc phản đối “Giám đốc sở tuổi 30” hay phát ngôn tiêu cực về vấn đề này, thiết nghĩ, đều không nên. Và tương tự, ông Hoài Bảo cũng không nên xem đây là áp lực từ những người chống đối, mà phải xem đây là động lực cho bản thân ông từ những người đang kỳ vọng vào lãnh đạo trẻ, từ đó quyết tâm hành động một cách quyết liệt và hiệu quả. Hoặc giả, nếu ông không vượt qua áp lực trong chuyện này, thiết nghĩ, hoài nghi của dư luận về thân thế và năng lực của ông là hoàn toàn có lý.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ giải tán đảng CSVN để độc tài cá nhân

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
TS Luật Cù Huy Hà Vũ
Theo VOA-11.10.2015
Từ hai năm trở lại đây, đặc biệt trước thềm Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sẽ diễn ra vào đầu năm sau, 2016, từ trong nước đã lan tin này: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một khi nắm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ giải tán Đảng. Vì vậy, những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ cũng như Mỹ và các nước dân chủ phương Tây khác hãy ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Phải nói rằng tin này là có cơ sở.

Sau khi Liên Xô và chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu sụp đổ một cách ngoạn mục cách đây một phần tư thế kỷ thì ai cũng biết rằng sự cáo chung của các nước cộng sản còn lại gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Lào ở bán cầu Đông và Cuba ở bán cầu Tây chỉ còn là vấn đề thời gian. Do đó, để tránh né trừng phạt nghiêm khắc của nhân dân thì những kẻ có tài sản kếch xù gom trên xương máu của người dân và quốc gia trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại diện hẳn đã phải tính “đoái công chuộc tội” bằng cách đứng ra giải tán đảng cộng sản độc tài. Vả lại, một trong trong những đặc tính nổi trội của dân tộc Việt Nam là “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” đồng nhất với tha thứ cho những kẻ thủ ác biết sám hối kịp thời. Mặt khác, những kẻ này cũng hy vọng rằng với sức mạnh của khối tài sản kếch xù của mình sẽ còn tiếp tục cầm quyền ở Việt Nam hậu cộng sản.
"Để tránh né trừng phạt nghiêm khắc của nhân dân thì những kẻ có tài sản kếch xù gom trên xương máu của người dân và quốc gia trong ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại diện hẳn đã phải tính “đoái công chuộc tội” bằng cách đứng ra giải tán đảng cộng sản độc tài"-TS luật Cù Huy Hà Vũ.
Bên cạnh đó, việc một đảng cộng sản độc tài bị kết liễu bởi chính người đứng đầu đảng đó đã có tiền lệ với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachov.

Có thể nói có một bộ phận những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ hoan hỉ trước tin này vì nếu nó thành hiện thực thì chẳng những Việt Nam có cơ hội có được chế độ dân chủ - đa đảng mà còn có cơ hội “thoát Trung” để bảo vệ hiệu quả lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền kinh tế trước cuộc xâm lăng ồ ạt đa phương diện được phát động từ Trung quốc. Thực vậy, quan hệ ý thức hệ với Trung Quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang là nguyên nhân biến Việt Nam dần thành thuộc địa của láng giềng bành trướng phương Bắc này.

Về phần mình, Mỹ và các nước dân chủ phương Tây khác hẳn cũng bị kịch bản “Nguyễn Tấn Dũng giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam để dân chủ hóa chế độ” quyến rũ bởi lẽ với các nước này loại bỏ càng sớm càng tốt chế độ cộng sản tự phong sứ mệnh “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” dù ở nơi đâu luôn là mục tiêu đầu bảng.

Việc con gái Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Phượng lấy công dân Mỹ Henri Nguyen, tức Nguyễn Bảo Hoàng, con của một cựu quan chức Việt Nam Cộng Hòa, càng làm cho Mỹ tin rằng Nguyễn Tấn Dũng thực sự muốn trở cờ, đập tan Đảng Cộng sản Việt Nam vốn là “bên thắng cuộc” trong chiến tranh Việt Nam. Vì thế, việc chính quyền của Tổng thống Obama mới rồi đã quyết định cho Việt Nam gia nhập TPP trong khi đàn áp nhân quyền ở đây không hề giảm chỉ có thể là đòn bẩy cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giành vị trí đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tai Đại hội 12 sắp diễn ra của đảng này.

Chả thế mà Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, số ra ngày 25/1 năm nay, đưa ra nhận định: “Washington đã nhận ra tiềm năng của ông Dũng như một đại diện hiệu quả. Đại hội đảng lần thứ 12 có thể là cơ hội duy nhất cho ông Dũng lên nắm quyền lực tối cao. Mỹ có ý định ca ngợi thành công tại bàn đàm phán TPP là một trong những thành tựu lớn của ông Dũng”.

Mọi dấu hiệu cho thấy lộ trình “chính biến” của Nguyễn Tấn Dũng là như sau.
Trước hết, giành chức Tổng Bí thư Đảng.

Tiếp đó, giành luôn chức Chủ tịch Nước đồng nhất với Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang để chính danh vị trí nguyên thủ quốc gia và nhất là chính danh điều động quân đội. Thực vậy, trong các chế độ cộng sản Tổng Bí thư đảng cộng sản là người có quyền lực chính trị lớn nhất, tức nguyên thủ quốc gia nhưng không chính danh nên khi muốn điều động quân đội lại phải thông qua Chủ tịch Nước. Ngược lại, Chủ tịch Nước không thể điều động quân đội nếu không được phép của Tổng Bí thư đảng với tư cách Bí thư Quân ủy trung ương.

Cuối cùng, giải tán Đảng và tự cử làm Tổng thống thông qua một Quốc hội đã hoàn toàn bị tê liệt.

Nghĩa là tương tự những gì mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachov đã làm.
"Quan hệ ý thức hệ với Trung Quốc của Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang là nguyên nhân biến Việt Nam dần thành thuộc địa của láng giềng bành trướng phương Bắc này"-TS luật Cù Huy Hà Vũ.
Lẽ dĩ nhiên để thực hiện trót lọt lộ trình này, Nguyễn Tấn Dũng phải nắm được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, hay nói một cách cụ thể hơn, phải được đa số ủy viên Trung ương Đảng khóa này ủng hộ. Việc Nguyễn Tấn Dũng lật ngược thế cờ, thoát án kỷ luật của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng bằng lá phiếu của Hội nghị Trung ương 6 họp tháng 10/2012 để rồi giành được số phiếu tín nhiệm cao nhất trong số các ủy viên Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 10 họp tháng 1/2015, đó chưa kể “kình địch” của Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng Ban nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã không được Hội nghị Trung ương 7 họp tháng 5/2015 bầu vào Bộ Chính trị cho dù được đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cử, cho thấy khả năng Nguyễn Tấn Dũng lũng đoạn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 là hoàn toàn hiện thực.

Còn vì sao đa số ủy viên Trung ương Đảng hiện nay cũng như đa số ứng viên cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã và sẽ ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng thì là vì phần lớn trong số họ là thành viên chính phủ, quan chức đầu tỉnh, tướng lĩnh công an, quân đội được Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp bổ nhiệm, thăng cấp cũng như chia chác ngân sách Nhà nước để đút túi cá nhân. Bài “Bàn về “thị trường Sao và Vạch” đăng trên báo Người Cao Tuổi số ra ngày 1/4/2014 đã cho thấy mua quan bán chức trong lực lượng vũ trang Việt Nam đã trở thành quốc nạn như thế nào. Trên thực tế, từ khi nắm chức Thủ tướng vào năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phong tướng cho hàng trăm người, lập kỷ lục về số lượng tướng được phong trong chưa đầy một thập kỷ, một kỷ lục cho đến tan cả đất trời không chắc bị phá! Mà lực lượng được coi là “rường cột quốc gia” còn bị thị trường hóa đến như thế thì nói gì đến các cơ quan Nhà nước khác! Cũng cần nói thêm rằng ngay cả các ủy viên Trung ương là bí thư thành ủy, tỉnh ủy tưởng chừng ít chịu chi phối của Nguyễn Tấn Dũng thì phần lớn trong số họ ngay trước đó đã là cấp trưởng, cấp phó chính quyền địa phương.

Ngoài ra, với tư cách tham quan – “con sâu” theo diễn đạt của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang - gắn liền với hàng loạt tệ nạn phái sinh khác, các ủy viên Trung ương Đảng này chắc chắn đã hoặc sẽ bị Nguyễn Tấn Dũng khống chế không mấy khó khăn bằng Bộ Công an và Tổng cục tình báo quốc phòng (Tổng cục 2 – Bộ Quốc Phòng) là “công cụ ruột” của Dũng.

Tóm lại, trong thể chế cộng sản nơi mà pháp luật đồng nhất với kiểm soát quyền lực được bày ra chỉ để lừa bịp thiên hạ thì kẻ nào nắm giữ các nguồn lực quốc gia, kẻ đó nắm sinh mạng của quan chức thối nát theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Để nói Nguyễn Tấn Dũng có thể nói là chắc xuất Tổng Bí thư tại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mặc dầu vậy, người viết bài này khẳng định rằng tất cả những ai, từ những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ cho đến Mỹ và các nước dân chủ phương Tây, nếu tin vào kịch bản “Nguyễn Tấn Dũng giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam để dân chủ hóa chế độ” thì đúng là đang tự biến mình thành thực khách của “quả lừa thế kỷ”!

Thực vậy, mục tiêu giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Tấn Dũng không nhằm thiết lập thể chế dân chủ - đa đảng với một Nhà nước “tam quyền phân lập” thực sự “của Dân, do Dân, vì Dân” mà là nhằm thiết lập chế độ độc tài cá nhân trộn lẫn gia đình trị để tối đa hóa cướp đoạt tài sản của nhân dân và của quốc gia.

Chỉ cần so sánh những gì Nguyễn Tấn Dũng nói và những gì Nguyễn Tấn Dũng làm cũng đã đủ cho thấy không cách gì Việt Nam có dân chủ với con người này.

Trong Thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng đã không tiếc lời tụng ca dân chủ, pháp quyền. Nào là “Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”, nào là “Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”, nào là “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp ‘song sinh’ trong một thể chế chính trị hiện đại”, nào là “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch” vv…vv

Rồi ngày 15.10.2014 tại Viện Körber ở Berlin, Đức, Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục lớn tiếng: “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này.” Thế nhưng chỉ sau đó có 2 tháng, ngày 21/12/2014, Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho ngành Công an "nắm chắc tình hình, không để xảy ra hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước"!

Trên thực tế, chỉ tính từ Thông điệp “dân chủ” 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nay đã có hàng loạt blogger và bất đồng chính kiến bị bắt giam và khởi tố theo các điều 79 (Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền), 88 (Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và 258 (Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước…) Bộ Luật Hình sự, những điều luật đã bị cả thế giới dân chủ lên án là những điều luật mơ hồ dùng để đàn áp bất đồng chính kiến. Đó là Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh và trợ thủ Nguyễn Thị Minh Thúy (Điều 88), Người Lót gach - Hồng Lê Thọ, Bọ Lập - Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già – Nguyễn Đình Ngọc (Điều 258), nguyên tổng biên tập Người cao tuổi Kim Quốc Hoa (Điều 258), Trần Anh Kim (Điều 79). Bên cạnh đó, các vụ chính quyền dùng công an mặc thường phục và côn đồ để đánh đập dã man những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ cũng như những “dân oan”, nạn nhân của các vụ chính quyền cướp đất, gia tăng chóng mặt!

Đó là nói về “dân chủ” của Nguyễn Tấn Dũng trong lĩnh vực chính trị. Còn “dân chủ” của Nguyễn Tấn Dũng trong lĩnh vực kinh tế thì sao?
"Mục tiêu giải tán Đảng cộng sản Việt Nam của Nguyễn Tấn Dũng không nhằm thiết lập thể chế dân chủ - đa đảng với một Nhà nước “tam quyền phân lập” thực sự “của Dân, do Dân, vì Dân” mà là nhằm thiết lập chế độ độc tài cá nhân trộn lẫn gia đình trị để tối đa hóa cướp đoạt tài sản của nhân dân và của quốc gia"-TS luật Cù Huy Hà Vũ.
Nguyễn Tấn Dũng về cơ bản đã thâu tóm doanh nghiệp Nhà nước khi đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Thủ tướng khoảng hai chục Tập đoàn,Tổng Công ty lớn nhất vốn trực thuộc các Bộ. Tất nhiên việc thâu tóm này là để Nguyễn Tấn Dũng tối đa hóa và đơn giản hóa tham nhũng ngân sách Nhà nước. Thực vậy, Nguyễn Tấn Dũng vừa là đại diện Nhà nước cấp vốn cho các “đại doanh nghiệp Nhà nước” này vừa là người trực tiếp quản lý chúng thì việc biến của công thành của tư là chuyện không phải bàn bởi làm sao có chuyện tay này kiểm soát được tay kia! Thế nên mới có chuyện Vinashin, Vinalines – chỉ hai trong số các “quả đấm thép” của Thủ tướng cũng đã làm thất thoát số tiền hơn 6,5 tỷ USD …

Bản thân người viết bài này trong bài “30-4-1975: Giai nhân và quái vật” gửi từ trong nhà tù ra và được Bauxite Việt Nam đăng ngày 30/4/2013 dưới tên Sơn Văn (đối chữ từ Hà Vũ, do Bauxite Việt Nam đặt) đã vạch rõ bản chất làm nghèo đất nước này: “Nhà nước vừa là người quản lý đồng nhất với giám sát, kiểm soát tài sản quốc gia vừa là người sử dụng tài sản ấy, tức là làm cái chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” theo cách nói dân gian. Nói cách khác, nhà nước không phải chịu bất cứ sự giám sát, kiểm soát nào trong việc sử dụng tài sản quốc gia và chính lỗ hổng thể chế này đã tạo ra tham nhũng - tham nhũng thể chế!”

Vấn đề cuối cùng là nếu như giải tán Đảng cộng sản Việt Nam là cốt lõi của cương lĩnh không công khai cho tranh cử Tổng Bí thư Đảng của Nguyễn Tấn Dũng thì liệu một sự đoạn tuyệt ý thức hệ cộng sản như vậy có giúp Việt Nam “thoát Trung”?

Giáo Sư Carl Thayer, trong bài “Yếu tố Trung Quốc của Việt Nam” (Vietnam’s China factor), đăng trên APPS Policy Forum tháng trước, cho rằng một trong những yếu tố giúp Nguyễn Tấn Dũng trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội 12 là “ông Dũng đã thẳng thắn bảo vệ chủ quyền Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan năm ngoái và nêu lên khả năng sẽ thực hiện các hành động pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc”.

Thế như chúng ta đã thấy, hơn một năm trôi qua nhưng tuyệt nhiên không có đơn của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kiện Trung Quốc ra trước Tòa án của Liên Hiệp Quốc như Philippines đã làm trong khi ngày càng rầm rộ các hoạt động bồi đắp và xây cất công trình quân sự của Trung Quốc trên các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà nước này đã đánh chiếm. Nhưvậy, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia rõ là đã bị Nguyễn Tấn Dũng hy sinh cho quan hệ vụ lợi của bản thân với Trung Quốc như đã từng thể hiện qua vụ Bauxite Tây Nguyên…

Kết luận lại, Nguyễn Tấn Dũng có giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam thì cũng chỉ thay thế chế độ độc tài tập thể của đảng này bằng chế độ độc tài cá nhân trộn lẫn gia đình trị của bản thân Nguyễn Tấn Dũng. Do đó, dân chủ hóa Việt Nam gắn với “thoát Trung” chỉ có thể đạt được bằng một cuộc cách mạng bất bạo động của toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước với sự ủng hộ mạnh mẽ của lương tri dân chủ toàn thế giới.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ