Monday, April 11, 2016

Luật tiếp cận thông tin Ỷ Lan, thông tín viên

RFA 2016-04-11  
014_81114073
Ông Toby Mendel, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Luật và Dân chủ tại Canada.  AFP photo
Báo chí sửa đổi và luật mới cho phép tiếp cận thông tin, được Quốc hội thông qua trong khoá họp ngày 5 và 6 tháng Tư vừa qua với đa số đồng thuận. Để hiểu rõ thêm về Luật Tiếp cận Thông tin, chúng tôi hỏi thăm ông Toby Mendel, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Luật và Dân chủ tại Canada, là trung tâm theo dõi nền pháp luật Việt Nam và đưa ra nhiều phân tích mỗi khi có luật mới ban hành.
Chính quyền không được giữ bí mật thông tin
Ỷ Lan : Thưa ông Toby Mendel, Việt Nam vừa thông qua Luật Tiếp cận Thông tin, xin ông cho một định nghĩa ngắn gọn về “tiếp cận thông tin”, là khái niệm đang còn mới lạ với người Việt ?
Toby Mendel : Đây là quyền được thông tin, cũng còn gọi là tiếp cận thông tin, hay tự do thông tin, tất cả đó quy chiếu theo ý kiến cho rằng chính quyền có rất nhiều nguồn thông tin về những hoạt động của đất nước, nhưng chính quyền không sở hữu thông tin. Chính quyền phải biến thông tin ấy cho việc lợi ích của quần chúng. Thông tin có được là nhờ công qũy lấy từ thuế đóng của người dân, nên người dân phải được quyền tiếp cận thông tin. Chính quyền không được giữ bí mật thông tin. Tôi muốn thêm rằng, quyền tiếp cận thông tin mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế. Điều thấy rõ khi chính quyền chia sẻ thông tin công khai với giới kinh doanh, hay nói chung trong xã hội, đều mang lại những lợi nhuận kinh tế đáng kể.
Ỷ Lan : Ông phân tích ra sao về luật tiếp cận thông tin mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua?
Thông tin có được là nhờ công qũy lấy từ thuế đóng của người dân, nên người dân phải được quyền tiếp cận thông tin. Chính quyền không được giữ bí mật thông tin.
- Toby Mendel
Toby Mendel : Trước khi đi vào chi tiết, tôi muốn nói rằng tôi rất bằng lòng Việt Nam tiến vào khung pháp lý cho quyền tiếp cận thông tin, được quốc tế xem như quyền cơ bản của con người. Đã có 103 quốc gia trong thế giới thông qua luật này. Điều ấy có nghĩa là số 90 quốc gia còn lại chẳng thông qua bất cứ luật gì. Vì vậy thà có luật còn hơn chẳng có luật gì.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Tiếp cận Thông tin mà chúng tôi xem xét năm 2015 (cần nhấn mạnh rằng Luật dự thảo so với bản vừa được Quốc hội thông qua chẳng khác nhau bao nhiêu), thì tôi thấy rất yếu. Trong số 102 quốc gia mà  Trung tâm Nghiên cứu Luật và Dân chủ của chúng tôi đem ra khảo sát, Việt Nam đứng hàng thứ 93, trong số 10% các quốc gia đứng chót.
Tôi có thể nói Luật Tiếp cận Thông tin rất yếu kém trên mọi khía cạnh. Không phải tất cả các bộ phận chủ yếu bó buộc phải tiếp cận thông tin, thế nhưng những thủ tục tiếp cận thông tin cho người công dân lại không được giải thích minh bạch. Các việc như thế có thể sửa đổi bằng cách thông qua các nghị định bổ sung. Nhưng vấn đề quan trọng là các ngoại lệ — thông tin mà người dân không được tiếp cận — thì Luật Tiếp cận thông tin rất thiếu hụt.
Chúng tôi đồng ý một vài thông tin không được tiết lộ, như thông tin cá nhân về bệnh lý y khoa, hay các vấn đề nhạy cảm thuộc quốc phòng. Đây là những ngoại lệ chính đáng. Nhưng các ngoại lệ ở Việt Nam thì quá rộng và quá mơ hồ. Ngoài ra, nếu nhà cầm quyền Việt Nam bác bỏ các đơn xin tiếp cận thông tin của ngưới dân, thì Luật không cho họ một cơ cấu nào để họ có thể khiếu nại.
Không sử dụng các từ ngữ mơ hồ
Ỷ Lan : Ông có thể giải thích chi tiết hơn về các ngoại lệ, những thông tin gì mà Việt Nam không muốn cho công dân họ biết ?
Toby Mendel : Có một phần là những ngoại lệ thông qua luật, một phần đến từ hệ thống ngoại lệ. Những quốc gia dự thảo luật trong tinh thần cởi mở, thì đầu tiên họ phải nghĩ làm thế nào đạt quyền ưu tiên trên các luật cũ, ví dụ như bộ Luật Hình sự. Họ phải nghĩ tới sự cởi mở trên từng lĩnh vực khi dự thảo, ví dụ như an ninh quốc gia, khi lợi ích của nhân dân đứng trên chuyện an ninh quốc gia. Nhưng luật Việt Nam không chú ý tới điều này. Việt Nam đã lấy những điều luật từ bộ Luật Hình sự, mà các ngoại lệ lại quá nhiều và khái quát. “Bí mật quốc gia” không được định nghĩa, “trật tự xã hội và đạo đức” , “quyền lợi quốc gia” — là những từ ngữ rất khái quát được sử dụng để bao biện bất cứ chuyện gì. Mang nghĩa gì khi nói “quyền lợi quốc gia” ? “Sử dụng thông tin chống Việt Nam” — chống Việt Nam, là thế nào, mang ý nghĩa gì ? Luật hoàn hảo không sử dụng các từ ngữ mơ hồ, mà phải xác minh các lý do ngăn cấm thông tin như chuyện riêng tư, bí mật kinh doanh, là những điều có thể định nghĩa. Cho nên toàn thể chế độ ngoại lệ tại Việt Nam là một vấn nạn.
Ỷ Lan : Theo ông có thể làm gì để cải thiện luật này, hay là đã quá trễ?
Luật hoàn hảo không sử dụng các từ ngữ mơ hồ, mà phải xác minh các lý do ngăn cấm thông tin như chuyện riêng tư, bí mật kinh doanh, là những điều có thể định nghĩa.
- Toby Mendel 
Toby Mendel : Luật đã được Quốc hội thông qua, tôi cho rằng sẽ được ký phê chuẩn. Tôi muốn cố vấn cho chính quyền Việt Nam chấp nhận điều chỉnh những điều thiếu sót liên quan đến thủ tục, yêu cầu khẩn khoản,  v.v… để 3, 4 năm sau ban hành việc sửa đổi luật. Nhưng điều quan trọng nhất là phải thực hiện — nếu chính quyền Việt Nam thực sự thành tâm muốn cho nhân dân họ được tiếp cận thông tin, tất sẽ tìm ra con đường thực hiện luật này một cách tích cực. Bằng không, chẳng đưa đến đâu cả,
Ỷ Lan : Các xã hội dân sự tại Việt Nam đã mạnh mẽ đòi hỏi Quyền Được Biết, tức Quyền Tiếp cận Thông tin. Nay sắc luật được thông qua, ông có lời khuyên nào giúp các xã hội dân sự đẩy mạnh quyền này ?
Toby Mendel : Vâng. Nhìn quanh thế giới, chúng ta thấy rằng ở đâu các xã hội dân sự tham gia mạnh mẽ bằng cách sử dụng luật pháp, yêu cầu khiếu nại, đẩy mạnh các cơ quan công cộng dựng lên các thủ tục tiếp nhận thông tin, chất vấn mọi cấm đoán tiếp cận thông tin, thì đó là chìa khoá cho việc thực hiện thành công. Ở đâu xã hội dân sự yếu kém, bất động, trong việc đòi hỏi thông tin, thì các chính quyền đáp ứng rất ít cho việc tiếp cận thông tin.
Cho nên tôi mạnh mẽ khuyên, không những cho các xã hội dân sự, mà cả các nhà báo, giới học thuật, giới kinh doanh cho đến từng công dân, hãy sử dụng luật pháp để đòi hỏi tiếp cận thông tin. Làm như thế, họ sẽ thực sự giúp đỡ thúc đẩy chính quyền thực hiện luật pháp. Đây là yếu tố tối quan trọng cho sự thành công áp dụng các Luật.
Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Toby Mendel.

Mua bán thuốc kích dục, roi điện tại

VN Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-04-11  
620
 Điểm giao dịch vũ khí, thuốc kích dục tại Lạng Sơn RFA photo
Trong vòng chưa đầy ba năm, số lượng các cửa khẩu biên giới phía Bắc tăng đáng kể. Kèm theo sự tăng vọt về cửa khẩu biên giới Việt – Trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc là những loại hàng hóa nhạy cảm tăng vọt, trong đó, thuốc kích dục có nguồn gốc Trung Quốc, roi điện, bình xịt hơi cay, dùi cui, súng hoa cải bán ở Việt Nam không còn lén lút như trước. Câu chuyện của những người buôn vũ khí, thuốc kích dục ở các tỉnh có cửa khẩu thông Trung Quốc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ninh, Hà Giang giống như một hệ quả tất yếu của việc mở quá nhiều cửa khẩu sang Trung Quốc.
Cần có một cái dù…
Một người buôn thuốc kích dục, roi điện và bình xịt hơi cay xưng tên là Thành, hiện sống tại Cao Bằng, chia sẻ: “Roi điện loại xịn loại xịn có giá một triệu rưỡi đồng, loại bình thường chừng bốn trăm ngàn đồng. Nếu mua số lượng nhiều tôi có thể giảm giá. Có loại chỉ lớn hơn gói thuốc là một chút, rất dễ dùng. Còn thuốc kích dục thì có loại viên, loại nước và có cả cho nam và nữ. Loại cho nữ thì uống vào xong nó đòi hỏi phải có đàn ông… Giá tùy vào chủng loại”.
Theo ông Thành, việc buôn bán các loại thuốc kích dục, roi điện và bình xịt hơi cay mang lại cho ông số tiền lợi nhuận cũng kha khá, có thể sống được. Bởi nếu như cửu vạn phải làm việc cật lực, làm hết công năng thì mỗi ngày mới kiếm được vài trăm ngàn đồng, cao lắm thì được triệu đồng nhưng phải đánh đổi bằng sự cật lực thì việc buôn bán của ông nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn kiếm được mỗi ngày đôi ba trăm ngàn đồng, hôm nào trúng thì được vài triệu đồng.
Trong vai người cần mua bình xịt hơi cay, thuốc kích dục, roi điện và một số vũ khí thô sơ để cung cấp cho các đường dây xã hội đen mới lên và cần được ông tư vấn nhiều hơn thường lệ, chúng tôi không mấy khó khăn nhận được thông tin về công việc từ ông Thành trong lúc uống rượu.
Ông Thành cho biết nếu có đường dây hẳn hoi và có cái dù đủ mạnh để che chở thì việc buôn bán các loại hàng hóa này sẽ nhanh chóng mang lại bạc tỉ. Bởi chỉ riêng thuốc kích dục, mua giá gốc tại Trung Quốc chỉ từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng trên một lọ nhưng khi về Việt Nam có thể bán với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí bán lẻ nếu trúng mánh có thể lên đến cả triệu đồng. Tỉ lệ chênh lệch giữa mua vào và bán ra của loại hàng hóa đặc biệt này bao giờ cũng tăng gấp mười lần giá gốc trở lên.
Ông Thành khẳng định thêm là chỉ cần có cái dù cho tốt thì không lo gì chuyện thất bại trong buôn bán loại hàng này. Làm ăn bây giờ người ta chường mặt ra cả, không còn phải giấu diếm như trước. Nhưng quan trọng nhất là phải biết kiêng nễ nhau. Giải thích, ông Thành nói rằng thực ra nhất cử nhất động của một người như ông đều không bao giờ qua mắt được ngành an ninh. Nhưng ông biết kiêng nễ họ, ông không mua bán công khai, chỉ đưa vợ con và một số người cộng sự đến các khu chợ để dò khách. Thấy khách trong đoàn du lịch đi qua thì hỏi nhỏ có cần mua thuốc kích dục hay không. Nếu khách quan tâm thì mở iphone ra cho khách xem hình lọ thuốc và thỏa thuận giá cả và hẹn điểm giao hàng.
Việc mua bán các loại bình xịt hơi cay hay roi điện cũng diễn ra tương tự, những người đi rao hàng quan sát và tiếp cận những khách du lịch để chào bán qua hình ảnh lưu trên điện thoại. Khi đôi bên đã thỏa thuận xong, bên mua trả tiền ngay cho bên bán hoặc chỉ phòng trọ, khách sạn cho bên bán, lúc về phòng sẽ có người của bên bán mang đúng loại hàng mà bên mua cần đến giao.
Ông Thành tiết lộ thêm là muốn làm được như vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tìm cho mình một cái dù che chở tầm cán bộ cấp tỉnh hoặc trên nữa thì càng tốt và biết chung chi đầy đủ cho các công an khu vực, công an phường, xã để họ ngó lơ cho mà làm ăn. Mức chung chi mỗi năm có thể lên đến cả trăm triệu đồng nhưng bù vào đó thì thu nhập mỗi tháng có thể đạt được từ trăm triệu đến vài trăm triệu đồng một khi thuận buồm xuôi gió.
Bên cạnh đó phải biết chung chi cho một số sếp trong biên phòng để họ không lên phương án truy quét. Đương nhiên việc vận chuyển các loại hàng hóa như súng hoa cải, roi điện, bình xịt hơi cay hay thuốc kích dục đều đi bằng đường chẻ rừng. Nhưng chắc chắn sẽ không lọt tầm mắt của an ninh biên phòng nếu như trước đó không biết làm luật và mua đường.
Có bao nhiêu vũ khí đã vào Việt Nam?
400
Một trong những điểm hẹn gặp của giới tải hàng tiểu ngạch. RFA photo
Một người xưng tên Huông, sống ở tỉnh Điện Biên, làm nghề buôn thuốc kích dục, các loại vũ khí thô sơ từ Trung Quốc về Việt Nam đã hơn mười năm nay, chia sẻ: “Roi điện, súng điện và các loại như thuốc kích dục, súng hoa cải chuyển sang Việt nam theo đường tiểu ngạch. Nghĩa là người ta đi băng rừng mang về Việt Nam. Mà biên phòng không thể nào đứng giăng hết cả rừng được nên cứ như vậy mà chuyển về thôi!”.
Ông Huông cho biết thêm là lượng vũ khí và thuốc kích dục của gia đình ông bán ra năm sau tăng hơn năm trước trong suốt mười năm nay. Và nếu tính hết các tỉnh giáp giới Trung Quốc thì ước chừng có khoản gần một trăm người buôn loại hàng hóa này thuộc diện có máu mặt.
Số lượng vũ khí lọt vào Việt Nam hiện nay có thể nói đã lên quá cao bởi hai lý do, đây là loại hàng hóa cần phi tang sau khi xài và nếu có động tịnh gì người ta cũng phi tang, bên cạnh đó việc bảo quản cũng như chất lượng hàng hóa của Trung Quốc không cao nên việc duy trì tuổi thọ của nó cao lắm cũng không quá ba năm, phải trang bị lại hàng mới.
Chính ví những yếu tố trên mà thuốc kích dục và các loại vũ khí mua bán ở các tỉnh có cửa khẩu biên giới Việt Trung mỗi năm có thể lên đến hàng triệu sản phẩm, thậm chí cả chục triệu sản phẩm. Mặc dù hiện tại chưa có những số liệu chính xác và cụ thể về số lượng nhưng qua thu nhập hằng tháng của mỗi gia đình cũng có thể ước đoán được số lượng vũ khí.
Ví dụ như súng hoa cải với giá dao động từ một triệu năm trăm ngàn đồng đến ba triệu đồng, thuốc kích dục từ bảy chục đến bảy trăm ngàn đồng, roi điện cường độ lớn từ bốn trăm ngàn đồng đến bốn triệu đồng, và những thứ hàng hóa không đáng kể khác như đèn pin tự vệ, mã tấu… đều có giá từ vài trăm đến một triệu đồng.
Như vậy, để đạt được doanh số mỗi tháng ba chục triệu đồng thì người ta phải bán ít nhất từ mười đến hai mươi khẩu súng hoa cải hoặc từ hai chục đến bốn chục lọ thuốc kích dục. Và có chừng một trăm đầu mối có máu mặt bán loại hàng này, chưa nói đến vài chục đầu mối bán phát sinh, lẻ tẻ. Mà hầu hết người nào buôn món hàng này cũng có thể kiếm được tiền lãi ngót nghét triệu đồng hoặc hơn mỗi ngày. Như vậy số lượng thực bán cao hơn rất nhiều do với ước đoán.
Ông Huông cho rằng trung bình mỗi tuần có ít nhất ba chục khẩu súng hoa cải, hơn một trăm bình xịt hơi cay và roi điện được mua bán trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là con số ông đoán ở mức thấp nhất. Như vậy, số lượng mỗi năm sẽ tăng lên khủng khiếp. Và điều này lý giải tại sao tội phạm mỗi ngày càng thêm hung bạo và ngang nhiên cũng như tỉ lệ bị xâm hại tình dục tại Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.
Ông Huông kết luận như vậy trong cảm giác chán chường nhưng ông cũng khẳng định thêm là mặc dù biết là nguy hại nhưng ông không bỏ nghề bởi đã phóng lao thì theo lao, vả lại, có nhiều kẻ còn nguy hiểm và tàn nhẫn hơn ông rất nhiều nhưng lại được ăn trên ngồi trốc. Bởi xã hội Việt Nam không có chỗ cho sự lương thiện.
Ông đã nói như thế trước khi cho chúng tôi xem mẫu các loại hàng trên iPhone và hứa với chúng tôi ông sẽ bán giá mềm nhất nếu chúng tôi chịu làm đại lý cho ông.

Gần 1.000 công nhân đình công đòi thành lập công đoàn

RFA 11.04.2016   
cong-nhan-dinh-cong-1460369195
Gần 1.000 công nhân của công ty TNHH Bluecom Vina đình công hôm 11/4/2016.  Photo courtesy of tuoitre.vn
Gần 1.000 công nhân ở Hải Phòng đã đình công hôm 11/4/2016 đòi thành lập công đoàn cơ sở cũng như đòi tăng lương và áp dụng giờ làm việc theo luật lao động.
Cuộc đình công xảy ra ở công ty Bluecom Vina của Hàn Quốc thuộc Khu Công nghiệp Tràng Duệ Hải Phòng. Công ty này chuyên sản xuất loa ti vi, động cơ rung và tai nghe điện thoại.
Theo VnExpress, công nhân phản ảnh rằng công ty không thực hiện luật lao động, không qui định cụ thể chế độ và thời gian làm việc và bắt làm luôn cả thứ bảy. Do nhiều lần kiến nghị nhưng viên giám đốc đốc người Hàn Quốc làm ngơ không giải quyết, nên công nhân phản ứng bằng cuộc đình công từ sáng 11/4/2016.
Sau buổi làm việc với công đoàn khu kinh tế Hải Phòng, phía công ty Hàn Quốc hứa cho thành lập công đoàn cơ sở vào ngày 15/4 sắp tới; cũng như điều chỉnh giờ làm việc theo qui định pháp luật; công ty hạ tiền chuyên cần hàng tháng nhưng tăng phụ cấp tiền xăng tiền xe.
Tuy vậy công ty không đồng ý chế độ một tháng nghỉ hai ngày thứ bảy, nên gần 1.000 công nhân vẫn tiếp tục đình công.

'Trào nước mắt khi thấy người Việt tỵ nạn trở về Bidong'

Cựu nhân viên y tế Malaysia từng cứu giúp thuyền nhân Việt


Lê Hữu Thành (Gởi cho Người Việt từ Philippines)


MALAYSIA (NV) Tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam vừa tổ chức chuyến “Về Bến Tự Do” trùng tu các di tích trên đảo Bidong từ 29 Tháng Ba đến 31 Tháng Ba, 2016. Khi ra bến tàu Redang để chuẩn bị ra đảo Bidong vào ngày thứ nhất, chúng tôi tình cờ gặp được ông Thammo, nhân viên y tế, một trong những người Malaysia đầu tiên cứu giúp thuyền nhân Việt Nam khi họ cập cửa sông Kuala Terengganu, Malaysia vào năm 1977. 

Thật là một sự tình cờ, hiện nay ông là nhân viên an ninh của Resort Redang Island, chỉ cách đảo Pulau Bidong khoảng 30 phút tàu cao tốc, ông nghe những người thuyền nhân trong đoàn Văn Khố Thuyền Nhân nói tiếng Việt, vì vậy ông tới hỏi thử và bất ngờ khi gặp lại người xưa.



Ông Thammo (trái) và ông Trần Ðông (phải), đại diện Văn Khố Thuyền Nhân, gặp nhau tại cầu cảng Redang. (Hình: Lê Hùng)

*Người Malaysia tham gia xây dựng trại tỵ nạn Bidong

Lê Hữu Thành: Chào ông Thammo, ông có thể cho biết một chút câu chuyện của ông với thuyền nhân Việt Nam? 

Ông Thammo: Vào Tháng Tám năm 1977, chiếc thuyền đầu tiên chở 360 người tỵ nạn Việt Nam cập cửa sông Kuala Terengganu. Lúc bấy giờ tôi làm việc trong Văn Phòng Sĩ Quan Ðặc Biệt của bang Terengganu, từ đó tôi chuyển những thuyền nhân này đến một nơi tên là Chabang Tiga, nơi chúng tôi để cho họ ở.

Nhưng sau đó có nhiều chiếc thuyền nữa cập bến, chúng tôi chuyển họ đến đảo Pulau Besar ở Marang. Những chiếc thuyền vượt biển không dừng lại mà đến ngày một nhiều hơn, và chúng tôi quyết định chọn đảo Pulau Bidong làm nơi trú ẩn tạm thời cho họ.

Tôi đã ở trên chiếc thuyền đầu tiên tới đảo Bidong với khoảng 60 thuyền nhân. Chúng tôi mang theo dụng cụ chặt cây dọn những ngọn đồi và xây dựng nhà cửa. Từ con số 01 vào năm 1983, số lượng những người tị nạn Việt Nam có lúc lên đến 38 ngàn người.

Tôi đã thấy mặt tốt và mặt xấu của tất cả mọi chuyện, nhưng nói chung chúng tôi đã có một thời gian rất tươi đẹp.

Lúc đó tôi biết nói rất nhiều thứ tiếng, tôi biết nói tiếng Anh, tiếng Hoa và một số người Việt đã dạy tôi nói tiếng Việt, nhưng sau một thời gian dài không dùng tới, giờ tôi cũng quên hết rồi. (cười).

*Ra đi 60, khi đến chỉ còn 40



Cầu Jetty và Cánh Buồm Tự Do trên đảo Bidong. (Hình: Lê Hùng)


Lê Hữu Thành: Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ đối với người thuyền nhân Việt Nam?

Ông Thammo: Một vài chiếc thuyền trước khi đến được đây họ đã bị cướp ở trên biển bởi ngư dân Thái Lan. Họ đã bị đày đọa dã man trên biển, phụ nữ bị tra tấn. Khi họ đến được đây họ đã ở trong tình trạng rất là thê thảm. Họ bị thương trên người, hầu hết phụ nữ đều bị hiếp ở trên biển bởi cướp biển Thái Lan. Cướp biển người Thái đã gây rất nhiều thiệt hại cho người tỵ nạn Việt Nam. Tôi làm việc rất lâu nhưng chưa bao giờ nghe đến việc ngư dân Malaysia chúng tôi làm điều tệ hại đó.

Khi người tỵ nạn đến, chúng tôi phải tiếp tế rất nhiều thuốc men cho họ, họ đã ở trong tình trạng hết sức tồi tệ.

Những chiếc thuyền khi họ cập bến, họ không có thức ăn, không có cả nước uống. Khi họ đến được trại Pulau Bidong họ thậm chí không thể đứng được nữa vì chiếc thuyền chỉ có sức chứa 20 người nhưng có đến 60 người trên thuyền và đi từ 7-10 ngày.

Có cả những người trẻ ở trên thuyền, họ quá yếu để đi xuống, chúng tôi đã phải khiêng họ từ thuyền xuống. Và từ từ họ mới có thể duỗi thẳng chân ra được và bắt đầu những bước đi đầu tiên. Họ không có thức ăn, một vài người thậm chí còn uống nước biển. Tất cả đồ ăn mà họ mang theo từ Việt Nam chỉ là vài cái bánh quy mỏng manh và một lọ nước. Họ lúc nào cũng cầu nguyện cho có mưa xuống để có nước uống. Một vài người trong số họ đã chết giữa biển, họ phải ném xác xuống biển. Ðó là lý do tại sao đôi khi có những chiếc thuyền ra đi với 60 người nhưng khi cập bến còn chỉ có 50, hoặc thậm chí là 40 người.

Khi họ cập bến Pulau Bidong, nó giống như là thiên đường. Chúng tôi đã chuyển bị mọi thứ sẵn sàng cho họ. Dần dần ở nơi này mọc lên những sàn nhảy, rồi tiệm cắt tóc, chùa chiền, nhà thờ, tất cả mọi thứ,... Nó là một ngày tươi đẹp ở Pulau Bidong đối với họ cho đến khi người cuối cùng rời khỏi và chúng tôi nói lời chia tay.

*Thương xót thuyền nhân Việt Nam



Những người trong đoàn Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam sơn lại Cánh Buồm Tự Do. (Hình: Lê Hùng)


Lê Hữu Thành: Vì sao ông lại cứu giúp thuyền nhân Việt Nam?

Ông Thammo: Bởi vì tôi cảm thấy thương xót cho họ, hồi đó tôi mới chỉ là một cử nhân thôi, chưa phải là một bác sĩ. Trong thực tế vào những ngày cuối tuần, tôi thường mua thuốc men và đem xuống cho những người tỵ nạn và tôi giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể.

Ngày hôm nay tôi thật bất ngờ, bạn có thể thấy tôi trào nước mắt khi thấy người tỵ nạn trở về Bidong. Bởi vì tôi đã gắn bó với họ một thời gian dài, đối với tôi thuyền nhân Việt Nam giống như gia đình của mình vậy.

Ngày hôm nay tôi thực sự bất ngờ vì gặp được họ. Họ còn khỏe mạnh và về thăm lại Pulau Bidong. Tôi thấy thật tuyệt vời.
***

Theo Wikipedia, Pulau Bidong trong tiếng Malaysia, nghĩa là “đảo Bidong.” Ðây là hải đảo nhỏ ở phía Nam biển Ðông, thuộc bang Terengganu của Malaysia.

Ðảo Bidong là trại tạm cư cho người Việt tỵ nạn trong những đợt vượt biên liên tiếp của thuyền nhân từ năm 1975 đến năm 1991.

Trại tỵ nạn do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) điều hành từ 8 Tháng Tám năm 1978, được dùng làm nơi chuyển tiếp cho những người đợi đi định cư sang các nước thứ ba, phần lớn là đi Mỹ, Canada, Úc và Pháp.

Ðến ngày 30 Tháng Mười năm 1991 khi trại đóng cửa thì nơi đây đã tiếp đón 250,000 người tỵ nạn. Vào thời điểm đó, khoảng 9,000 người với hồ sơ không giải quyết được đều bị buộc trở về Việt Nam.

04-11-2016 3:52:17 PM

Dân Sài Gòn khốn khổ sống cùng 'lô cốt' giữa đường

SÀI GÒN (NV) Thời gian qua, người dân Sài Gòn khốn khổ vì các “lô cốt” dựng lên khắp nơi trong thành phố để “cải tạo công trình,” khiến việc đi lại khó khăn, buôn bán ế ẩm, bụi bặm đầy nhà...


Nhịp sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ vì rào chắn dựng “lô cốt.” (Hình: Thanh Niên)


Nhịp sống của người dân Sài Gòn bị đảo lộn. Không khó để bắt gặp những ánh mắt ngao ngán của người dân tại các điểm có “lô cốt” có ở khắp các con đường lớn nhỏ từ Chợ Lớn ra đến ngoại ô của thành phố Sài Gòn đang bị rào chắn, bủa vây chiếm gần hết mặt đường, khiến nhịp sống của người dân bị đảo lộn, cảm giác mệt mỏi, chán chường trên đường về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng.

Chưa hết, buôn bán ế ẩm, bụi bặm trong thời gian tồn tại “lô cốt,” khiến người dân thở dài ngao ngán, nhưng họ phải gồng mình chấp nhận bởi chẳng biết kêu với ai.

Theo mô tả của phóng viên Thanh Niên, ngày 11 tháng 4, tại đường Ðỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, quận 9, “lô cốt” chiếm hơn nửa bề rộng của lòng đường, chỉ còn chưa tới 3 mét cho mỗi làn xe.

Từ tờ mờ tối khu vực này luôn xảy ra kẹt xe.

“Ðoạn đường này thi công đã lâu. Họ rào gì mà còn nhỏ xíu, xe máy di chuyển đã khó, xe hơi thì coi như chịu thua. Chưa kể, bụi bặm khiến người dân chúng tôi chịu không nổi luôn,” bà Lê Thanh Hà (45 tuổi), bán thuốc Tây gần “lô cốt” phàn nàn.


Do bị bít lối đi, nhiều người đã đi ngược chiều khiến kẹt xe thêm trầm trọng. (Hình: Thanh Niên)

Trên đường Ðiện Biên Phủ đoạn cầu Văn Thánh, quận Bình Thạnh, người dân phải nhích từng chút để di chuyển qua đoạn đường này mỗi chiều tan tầm do rào chắn dựng “lô cốt” choáng đường luôn tạo thế “thắt cổ chai.” Việc đón xe buýt ngay đoạn đường này cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dòng xe máy gần như chật cứng đứng yên tại chỗ.

Còn ngay chân cầu vượt Cây Gõ, đường Hồng Bàng, quận 11, cho dù đã có cầu vượt giảm tải, nhưng người dân vẫn rất khó khăn vượt qua “lô cốt” chỗ này, bởi mặt đường lởm chởm, nguy hiểm khi các đơn vị thi công công trình đào bới khắp nơi.

Tại ngã 3 Lê Quang Sung-Mai Xuân Thưởng, quận 6, công trình được dựng lên hơn 6 tháng trước mà tới giờ mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, mặt đường bị “lô cốt” chiếm gần hết nên cảnh ùn ứ người qua lại liên tục xuất hiện hàng ngày.

Mỗi chiều tan tầm, không còn đường nào khác có thể về nhà mà né được “lô cốt,” giải pháp nán lại chỗ làm về trễ hơn là giải pháp nhiều người dân Sài Gòn đang phải lựa chọn. (Tr.N)

04-11-2016 2:00:40 PM 

Phát hiện lò mổ nhổ lông gia cầm bằng hóa chất

HẬU GIANG (NV) Ðể nhổ lông, nhân viên nhúng con vịt hoặc gà vào nồi chứa dung dịch màu đen rồi vớt ra nhúng vào nước lã, sau đó chỉ cần lột lớp màng màu đen này là con vật sạch trơn lông.

Tuổi Trẻ dẫn tin, ngày 11 tháng 4, Phòng Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm về Môi Trường, công an tỉnh Hậu Giang cho biết, các cơ quan chức năng vừa kiểm tra, phát hiện cơ sở giết mổ gia cầm của ông Lê Ðại Lợi, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, đã dùng hóa chất để nhổ lông gà vịt.



Vịt, gà được nhúng vào hóa chất sau đó lột lớp nhựa màu đen ra là sạch bóng. (Hình: Tuổi Trẻ)


Ðể nhổ lông, sau khi cắt tiết những con vịt hoặc gà được công nhân đem nhúng vào các nồi đựng dung dịch màu đen, nghi là nhựa đường trước khi nhúng vào nước lã. Sau khi nhúng, lớp hóa chất bên ngoài đông cứng lại. Khi đó chỉ cần lột lớp mảng đen bao phủ bên ngoài, toàn thân gia cầm sẽ sạch hoàn toàn và nhìn bắt mắt hơn so với cách nhổ lông thủ công.

Tại thời điểm kiểm tra, có 60 người đang làm việc, cơ sở đang giết mổ khoảng 550 con gia cầm. Trong kho lưu giữ trên 2,100 con gia cầm đã làm sạch, chủ yếu là vịt. Theo ông Lợi, mỗi ngày tại đây giết mổ trên 2,500 con vịt được làm sạch lông bằng hóa chất màu đen này.

Tin cho biết, ngoài ra, đoàn kiểm tra còn ghi nhận, hệ thống xử lý nước thải của cơ sở chưa được thẩm định và chưa đưa vào hoạt động. Toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất đều đổ vào đường ống chung phía sau hệ thống xử lý nước thải rồi thải trực tiếp ra kênh Thủy Lợi phía sau nhà.

Bên cạnh đó, khí thải từ lò đốt (dùng đốt chất keo màu đen để làm sạch lông) tại cơ sở phát sinh nhiều mùi hôi khó chịu ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sinh sống xung quanh.

Ðoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong 121 sọt chứa, bên trong có 2,662 con gia cầm đã làm sạch, đồng thời lấy mẫu hóa chất làm lông để kiểm nghiệm. (Tr.N)

04-11-2016 2:05:21 PM 

Sông Cái ở Nha Trang trở thành... đường đi

KHÁNH HÒA (NV) Mực nước ở sông Cái Nha Trang, một trong những con sông lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ xuống thấp chưa từng thấy, người dân có thể đi bộ băng qua sông dễ dàng.

Theo mô tả của phóng viên Người Lao Ðộng, ngày 11 tháng 4, đập ngăn mặn ở cầu Vĩnh Phương của nhà máy cấp nước Xuân Phong lộ ra với những tảng đá lớn lổn nhổn. Người dân dễ dàng băng qua sông như đi trên đường bộ vì từng mảng rêu đã khô cong, mực nước phần thượng nguồn thấp hơn mặt đập khoảng 20 cm.


Ðập ngăn mặn của sông Cái Nha Trang lộ rõ, bình thường nước phải chảy tràn qua đập. (Hình: Người Lao Ðộng)

Phía thượng nguồn sông Cái, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, mực nước thấp hơn mặt đập khoảng 20 cm, sắp cạn trơ đáy nên người dân ở đây có thể lội đến giữa sông để giăng lưới đánh cá. Trong khi đó, ở hạ nguồn tại xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang, thấp hơn thượng nguồn 70cm, nước mặn đã xâm nhập thành nước lợ, rất nhiều người không biết điều này đã bơm lên tưới khiến rau hư hại.

Theo Ðài Khí Tượng Thủy Văn Nam Trung Bộ, ngày 10 tháng 4, mực nước tại trạm thủy văn Ðồng Trăng ở xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh hơn 10 ngày nay luôn ở mức 2.97 mét, trong khi mức nước thấp nhất ghi nhận trước đó là 3.1 mét. Ðiều này dẫn đến lượng nước thiếu hụt 96% so với mức bình thường, chắc chắn ảnh hưởng lớn đến lượng nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất tại Nha Trang.

Ông Vũ Ðức Bình, phó tổng giám đốc công ty cấp thoát nước Khánh Hòa, cho biết, tình trạng thiếu nước ở sông Cái kéo dài đã khiến nguồn nước cho 2 nhà máy Võ Cạnh và Xuân Phong thiếu hụt.

“Nếu các nhà máy nước ở trên nguồn của 2 nhà máy nước này vẫn tiếp tục bơm tưới cho nông nghiệp thì nguồn nước sinh hoạt sẽ bị thiếu hụt. Khi đó, bắt buộc công ty phải cắt bớt nước sinh hoạt cung cấp cho nhiều khu vực ở thành phố Nha Trang,” ông Bình nói.

Theo Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 18 hồ tích nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; trong đó có 6 hồ chỉ đạt từ 18-70% dung tích thiết kế.

Cụ thể, ở 2 hồ chính là Ðá Bàn có sức chứa 75 triệu khối, hiện chỉ còn khoảng 13.4 triệu khối. Còn hồ Ea Krong Rou có sức chứa 35 triệu khối, chỉ còn gần 8 triệu khối, khiến thị xã Ninh Hòa có khoảng 8,300 ha lúa, chỉ sản xuất được khoảng 1,000 ha, chưa bằng 25% diện tích hàng năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn, phó chủ tịch thành phố Cam Ranh cho biết, hồ chứa nước Tà Rục hiện còn 18 triệu khối, sau khi tưới tiêu vụ Hè Thu sẽ còn hơn 6 triệu khối. Hồ Suối Hành còn 4.4 triệu khối, sau khi tưới tiêu sẽ còn 2 triệu khối. Các hồ này đã xấp xỉ xuống mực nước chết.

Hiện thành phố Nha Trang đang rà soát những khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để lên phương án chở nước đến cung cấp cho dân, trong khi dự báo thời gian tới Khánh Hòa sẽ tiếp tục bị hạn nặng. (Tr.N)

04-11-2016 2:09:09 PM 

Dùng nêm gỗ quấn vải mùng để 'vá' đập nước

QUẢNG TRỊ (NV) - Ðể “vá” các lỗ thủng trên thân đập cao su đang trữ 10 triệu khối nước, các công nhân đã dùng vải mùng bọc lấy nêm gỗ nhét vào các lỗ thủng, khiến người dân biết chuyện rùng mình.

Theo Thanh Niên, chuyện thật như đùa, pha chút... rùng rợn trên đang xảy ra tại công trình đập cao su - nâng tràn đầu mối Nam Thạch Hãn.


Công nhân dùng vải mùng bọc lấy các nêm gỗ để... vá đập. (Hình: Thanh Niên)

Con đập này được lắp đặt vào năm 2000, có thời hạn sử dụng là 10 năm, dài hơn 130 mét, khi được bơm căng có thể trữ 10 triệu khối nước, bảo đảm tưới tiêu cho hơn 10,000 ha lúa của đồng bằng Triệu Hải, 200 ha nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng gần 86,000 người.

Hiện con đập đã xuống cấp rất trầm trọng do đã quá hạn sử dụng 6 năm, trên thân đập có hàng chục lỗ thủng lớn nhỏ và những mảng cao su bong tróc. Theo nhiều công nhân đang vận hành đập, vì không có loại keo chuyên dụng để vá nên họ đã dùng “công nghệ vá” có một không hai trên thế giới là sử dụng vải mùng (màn tuyn), bọc các nêm gỗ rồi nhét vào các lỗ thủng. Tuy nhiên, vừa vá hết chỗ này thì lại lòi ra chỗ khác.

Ông Nguyễn Duy Thông, tổng giám đốc công ty Quản Lý và Khai Thác Công Trình Thủy Lợi Quảng Trị, cho biết: “Ðập đã lão hóa đến mức độ nghiêm trọng nhưng phía công ty không đủ kinh phí để sửa chữa. Cách sửa vá như trên là hết sức tạm bợ. Ðập cao su này đã thực sự không an toàn. Không ai biết hậu quả sẽ ra sao khi vào mùa mưa lũ tới, đập bị vỡ và hàng triệu khối nước đổ xuống vùng hạ lưu. Chúng tôi đã trình báo cấp trên lâu rồi, nhưng họ bảo ‘đang tìm nguồn vốn khắc phục,’” ông Thông nói.

Trả lời phóng viên Thanh Niên khi nào con đập “già cỗi” trên được thay thế, chiều 11 tháng 4, ông Hồ Xuân Hòe, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Quảng Trị cho biết, dự kiến đến tháng 8, năm 2016 tới, đập cao su mới sẽ thay thế con đập cũ với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn vốn chống hạn năm 2015, 2016. (Tr.N)
04-11-2016 2:07:40 PM 

Việt Nam làm sao tranh thủ phán quyết của tòa quốc tế về Biển Đông?

Trọng Nghĩa 
Theo RFI-11-04-2016
Việt Nam làm sao tranh thủ phán quyết của tòa quốc tế về Biển Đông? Phái đoàn Philippines trong phiên điều trần Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc La Haye (Den Haag) - DR
Phán quyết sắp tới của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) về đường lưỡi bò trên Biển Đông được giới quan sát cho là sẽ bất lợi cho Trung Quốc và sẽ có tác động đến mọi bên tranh chấp, trong đó có Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ cho rằng tình huống mới đó sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam vận động quốc tế chống lại ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc, nhưng chính Việt Nam cũng phải chứng tỏ một cách rõ ràng là mình tuân thủ phán quyết của Toà Án Thường Trực cũng như Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), với tư cách là một nước có lãnh thổ và bờ biển dài nhất tức là có vùng đặc quyền kinh tế lớn rộng nhất trong khu vực, cộng thêm với thực tế là nước chiếm hữu nhiều thực thể địa lý nhất ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam cần khéo léo tranh thủ phán quyết của tòa án quốc tế để phá vỡ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Sau đây mời quý vị nghe phần phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long trong bài phỏng vấn nhanh dành cho Ban Việt Ngữ RFI.

Vụ kiện chỉ liên quan đến đường lưỡi bò chứ không phải về chủ quyền

RFI : Vấn đề Trường Sa sắp nổi bật với phán quyết của Tòa Án Thường Trực La Haye về đơn Philippines kiện Trung Quốc. Giới phân tích đã có những dự đoán sao về phán quyết này?

Ngô Vĩnh Long : Trước hết xin nhắc lại đơn kiện của Philippines chủ yếu là về đường 9 đoạn, hay đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc dùng để xâm chiếm các vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á, cũng như để lập luận rằng tất cả các đảo và vùng biển phía trong đường lưỡi bò đó là của Trung Quốc.

Vụ kiện không phải về tranh chấp chủ quyền của các đảo mà Toà Án Thường Trực La Haye không có quyền phán xét.

Tuy nhiên, nếu phán quyết của Toà Án Thường Trực cho rằng đường lưỡi bò là phi pháp, thì người ta có thể đi đến kết luận là việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo, mỏm đá, v.v., cũng như việc khẳng định là tất cả các vùng nước và vùng trời trong khu vực đường lưỡi bò là của Trung Quốc, cũng phi pháp.

Giới phân tích phần lớn có dự đoán là phán quyết của Toà Án Thường Trực sẽ cho là đường lưỡi bò không có cơ sở luật pháp. Nếu như thế thì ít nhất là các nước bị đường lưỡi bò liếm mất vùng đặc quyền kinh tế, đảo, lãnh hải, v.v., sẽ có thể chứng minh cho thế giới biết một cách rõ ràng hơn cái gì là của họ theo pháp luật.

Nhưng đây chỉ là bước đầu thuận lợi cho cuộc đấu tranh trường kỳ với Trung Quốc.

Trung Quốc cho thế giới biết : Không chấp nhận Luật Biển

RFI : Phải chăng Trung Quốc đã chuẩn bị đối phó với một phán quyết bất lợi ?
 
Ngô Vĩnh Long : Đúng như vây. Cách đối phó của Trung Quốc ngay từ khi vụ kiện bắt đầu là không chấp nhận quyền hạn của Toà Án Thường Trực, do đó, Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết.

Ngược lại, Trung Quốc đã cố tình thách thức thế giới và luật pháp quốc tế với những việc như đưa thêm vũ khí vào Hoàng Sa và Trường Sa, xây cất thêm các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, đưa hàng trăm tàu cá vào vùng biển của Malaysia, và dùng tàu tuần dương cướp lại tàu cá mà Indonesia đã bắt giữ ở vùng đảo Natuna ngày 19 tháng 3 vừa qua.

Rõ ràng là Trung Quốc chuẩn bị cho thế giới biết rằng Trung Quốc không chấp nhận Luật Biển của Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc đã ký. Và Trung Quốc muốn chứng minh rằng 80% Biển Đông là của Trung Quốc, kể cả những vùng ngoài như là vùng Natuna, thì Trung Quốc cho đó là vùng đánh cá truyền thống của Trung Quốc,  cho nên Trung Quốc có quyền đưa tàu đến đó.

Hơn 90% phán quyết được tôn trọng dù không ràng buộc

RFI : Phán quyết đó có thể ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam? 
 
Ngô Vĩnh Long : Trước hết tôi xin nói rằng là chín mươi mấy phần trăm của tất cả các phán quyết của Toà Án Thường Trực, hay là của các tòa án quốc tế khác từ trước đến nay đều được các nước trên thế giới tuân thủ mặc dù họ không đồng ý.

Phán quyết của Tòa Án Thường Trực lần này nếu định nghĩa rõ ràng là yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở luật pháp và Trung Quốc không được dùng cái “chủ quyền có tự ngàn xưa” này để cản trở lưu thông trên biển và trên không trong khu vực Biển Đông, thì ảnh hưởng sẽ rất tích cực đối với Việt Nam.

Việt Nam là nước có lãnh thổ và bờ biển dài nhất trong khu vực nên có vùng đặc quyền kinh tế lớn rộng nhất trong khu vực. Thêm vào đó Việt Nam cũng là nước chiếm hữu nhiều đảo nhất ở Trường Sa. Trung Quốc không có thể lấy lý do đường lưỡi bò để đánh chiếm thêm đảo và giết người như sự kiện Gạc Ma hay để đe doạ ngư dân Việt Nam đang hành nghề trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như Trung Quốc đã làm thường xuyên cho đến nay.

Thành ra Việt Nam có thể dùng phán quyết này để tranh đấu Nhưng việc này đòi hỏi chính quyền và nhân dân Việt Nam phải tích cực xử dụng phán quyết này cũng các luật pháp quốc tế khác để vận động sự ủng hộ của các nước trong khu vực và ngoài khu vực trong việc bảo vệ an ninh và quyền lợi của Việt Nam, nói riêng, và của thế giới, nói chung.

Việt Nam phải khẳng định rõ ràng việc tuân thủ phán quyết 

RFI : Đối sách Trường Sa của Việt Nam nên như thế nào?
 
Ngô Vĩnh Long : Đối sách Trường Sa nói riêng, và Biển Đông, nói chung, của Việt Nam là nên khẳng định một cách rõ ràng việc Việt Nam tuân thủ phán quyết của Toà Án Thường Trực cũng như Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Thêm vào đó Việt Nam nên liên tục lên tiếng về sự đe doạ an ninh của Trung Quốc, thường xuyên vận động dư luận quốc tế về việc đánh chiếm của Trung Quốc, không nên cho người hiểu lầm rằng Việt Nam chấp nhận việc chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc như là chuyện đã rồi.

Nếu Trung Quốc tiếp tục ngoan cố thì các nước hiện nay không muốn chống đối Trung Quốc cũng phải có thái độ rõ ràng hơn như trường hợp Indonesia đòi kiện Trung Quốc.

Tôi nghĩ rằng vài tháng sau phán quyết, nếu Trung Quốc vẫn ngang ngược, các nước phải nghĩ đến chuyện nếu không phải là cấm vận Trung Quốc, thì cũng phải xét lại quan hệ thương mại, nếu không thì Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh…

Trong năm bầu cử ở Mỹ, Trung Quốc muốn leo thang, làm một số việc đã rồi, để sau này cũng khó cho Mỹ hay cho các nước khác trở tay. Cho nên năm nay là một thời điểm quan trọng, đặc biệt là trong sáu tháng tới.

Do đó, về xa về dài Trung Quốc có thể phải xét lại là một nước lớn Trung Quốc nên tiếp tục hành xử như là một tên côn đồ quốc tế hay nên tuân thủ luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã ký. Trung Quốc phải xem lại là quyền lợi của mình về xa về dài là tạo thêm chống đối hay là củng cố quan hệ kinh tế và ngoại giao mà đã giúp Trung Quốc trở thành một nước phát triển nhanh chóng như trong 3 thập kỷ vừa qua.

*
Càng gần đến thời điểm Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện đường lưỡi bò Trung Quốc trên Biển Đông, dự đoán là trong tháng Năm hoặc tháng Sáu 2016, Trung Quốc càng hung hăng như để cho thấy là họ tiếp tục bác bỏ mọi kết luận bất lợi. Trong lúc đó, hầu như toàn bộ các nước khác đều kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của tòa án quốc tế.
Các hành động như xua tàu cá vào vùng biển gần chuỗi South Luconia Shoals mà Malaysia cho là thuộc chủ quyền của mình, ngăn chặn không cho tàu tuần duyên Indonesia thực thi luật pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna, xua đuổi tàu đánh cá Philippines gần bãi cạn Scarborough, kéo giàn khoan dầu vào hoạt động trong vùng biển chưa phân định với Việt Nam, đã bị nhiều nhà phân tích cho là nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc trước sau như một, vẫn không công nhận phán quyết của một tòa án mà họ đã bác bỏ thẩm quyền ngay từ đầu.
Những hành vi khác như đưa vũ khí đến Hoàng Sa, bồi đắp rạn san hô trong tay họ tại Trường Sa, xây dựng trên đó những cơ sở kiên cố có thể dùng làm mục tiêu quân sự, cấp tốc cho thử nghiệm phi đạo trên Đá Chữ Thập, cho vận hành hải đăng trên Đá Xu Bi, đều như để chứng tỏ rằng Bắc Kinh thực thụ là chủ nhân của khu vực, đặt quốc tế trước một sự đã rồi, không thể đảo ngược.
Trước những động thái quyết đoán của Trung Quốc, các nước trong khu vực từ Philippines đến Việt Nam, và những cường quốc khác, từ Mỹ, Nhật, Úc, cho đến Đức, Pháp, Liên Hiệp Châu Âu, tất cả đều đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt những hoạt động nhằm thay đổi nguyên trạng, và nhất là, nên tôn trọng phán quyết sắp tới đây của Tòa Trọng Tài Thường Trực.
Phán quyết được dự đoán sẽ bất lợi cho Trung Quốc
Các nhà phân tích trong thời gian qua đã xem xét kỹ đơn kiện của Philippines, các tuyên bố của Tòa Trọng Tài Thường Trực liên quan đến vụ kiện này và hầu hết đều dự đoán là phán quyết sắp được đưa ra sẽ bất lợi cho Bắc Kinh, và những động thái của Trung Quốc trong thời gian qua đều nhằm mục tiêu chuẩn bị đối phó với khả năng Manila thắng kiện.
Theo các nhà quan sát, phán quyết sắp tới không chỉ tác động đến Philippines và Trung Quốc, mà sẽ có ảnh hưởng trên các nước tranh chấp khác, từ Malaysia, Philippines, cho đến Việt Nam.

Ngoại trưởng G7 bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông

Thanh Phương 
Theo 11-04-2016 12:10 
media
Các ngoại trưởng G7 trong phiên họp đầu tiên ngày 10/04/2016 tại Hiroshima, Nhật Bản. REUTERS/Jonathan Ernst
Các ngoại trưởng của nhóm G7 bày tỏ mối quan ngại về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, những vùng biển mà Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong việc xác quyết chủ quyền.
Trong bản tuyên bố chung đưa ra hôm nay, 11/04/2016, sau khi kết thúc hai ngày họp tại Hiroshima, Nhật Bản, các ngoại trưởng của 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nói : « Chúng tôi quan ngại về tình hình tại Biển Đông và biển Hoa Đông, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng căn bản của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình».
Các ngoại trưởng G7 cũng tuyên bố chống lại mọi hành động đơn phương mang tính khiêu khích, hù dọa hoặc áp đặt có thể làm thay đổi nguyên trạng, đồng thời kêu gọi các bên không nên có những hành động như bồi đắp đảo, xây dựng các tiền đồn trên đây cũng như sử dụng các đảo này vào mục đích quân sự.
Lãnh đạo ngoại giao của 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu còn yêu cầu các bên tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông phải hành xử theo đúng luật quốc tế, trong đó bao gồm các nguyên tắc về tự do hàng hải và hàng không.
Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, bản thông cáo chung của các ngoại trưởng G7 rõ ràng đã chỉ trích những tham vọng của Bắc Kinh ở hai vùng biển này.
Nhóm G7 đã đưa ra thông cáo chung nói trên mặc dù hôm thứ Bảy (09/04), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu là không đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông ra thảo luận tại cuộc họp ở Hiroshima. Hôm qua, Tân Hoa Xã cũng đã lên án Nhật Bản tìm cách « thao túng » cuộc họp các ngoại trưởng nhóm G7.
Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông, trong bản tuyên bố đưa ra tại Hiroshima hôm nay, các ngoại trưởng G7 cũng đã kêu gọi « một thế giới không vũ khí hạt nhân », đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế « đẩy nhanh » và « tăng cường » cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Irak và Syria.

Hậu đại hội 12: Thống đốc Bình bị ‘đá hậu’ về Ban Kinh tế trung ương?

Vào cuối kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Việt Nam, trong khi ông Lê Minh Hưng được vinh danh là “thống đốc ngân hàng trẻ nhất trong lịch sử Ngân hàng nhà nước”, thì nhiều người không bất ngờ khi không nhận ra cái tên Nguyễn Văn Bình trong danh sách trình và thông qua của chính phủ mới.


Cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình đã bị đảng “lấy mỡ nó rán nó”?
Trước đó, đã có tin cho rằng một khi được cơ cấu vào Bộ chính trị, ông Nguyễn Văn Bình sẽ được đảm nhiệm chức vụ phó thủ tướng. Thậm chí có tin còn cho biết ông Bình có khả năng trở thành phó thủ tướng thường trực.
Tuy nhiên, 3 nhân vật được bổ sung dàn phó thủ tướng Việt Nam là Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình và Trịnh Đình Dũng.
Vậy ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình đi đâu?
Nguồn tin BBC cho biết ông Bình sẽ được điều về Ban Kinh tế trung ương.
Trong thực tế, vị thế của Ban Kinh tế trung ương được coi là thấp nhất trong số các ban đảng. Vào năm 2013, ông Vương Đình Huệ sau khi thất cử Bộ chính trị đã phải về ban này như một cách ngồi chơi xơi nước.
Còn giờ đây, khi cậu học trò nghèo xứ Nghệ nghiễm nhiên trở thành phó thủ tướng thì nhân vật đầy quyền lực Nguyễn Văn Bình lại trám ngay vào chỗ hầu như chẳng có quyền hành gì của ông Huệ.
Có thể, Tổng bí thư Trọng đã chẳng tin và cũng chẳng muốn dùng một người như ông Bình.
Nguồn cơn nào đã sinh ra nông nỗi ấy?
Cần nhắc lại, từ tháng 8/2011 khi chính phủ mới được hình thành, Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng nhà nước và mau chóng được coi là “cánh tay mặt” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Từ 2011 đến 2015, ông Nguyễn Văn Bình đã trở nên nổi tiếng với các chiến dịch “lấy mỡ nó rán nó” liên quan đến vàng, “nhảy múa” các tỷ lệ nợ xấu, cấp phát tín dụng và bị đồn đoán về lợi ích dày cộm liên quan đến chuyện sáp nhập các ngân hàng thương mại. Một tạp chí có uy tín quốc tế là Global Finance đã xếp “Nguyễn Văn Bình là một trong 20 thống đốc kém nhất thế giới”.
Tuy nhiên, vị thế của ông vẫn yên ấm với sự bảo đảm của Thủ tướng Dũng.
Nhưng từ giữa năm 2015, cùng với chiến dịch “luân chuyển cán bộ” do Ban tổ chức trung ương thực thi mà đã khiến phe ông Nguyễn tấn Dũng lâm vào tình cảnh khốn đốn vì mất quá nhiều nhân sự, đã xuất hiện khá nhiều tin ngoài lề về việc Thống đốc Bình bị điều tra liên quan đến vài ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng Phương Nam.
Cũng trong thời gian từ giữa năm đến gần hết năm ngoái, người ta gần như không thấy Nguyễn Văn Bình xuất hiện trên mặt công luận như thói quen thường thấy trước đó. Thay vào đó là một số cấp phó của cơ quan Ngân hàng nhà nước. Chính vào lúc này, hai hội nghị trung ương 13 và 14 đã diễn ra với phần thất lợi nghiêng dần và rồi nghiêng hẳn về Thủ tướng Dũng.
Tuy vậy sau Hội nghị 14 và đến gần đại hội 12, Thống đốc Bình tái xuất hiện. Cùng lúc, nghe nói về một danh sách đề cử ủy viên mới cho Bộ chính trị, trong đó có tên ông Bình.
Tại đại hội 12, cùng với bất ngờ Thủ tướng Dũng phải chịu thất bại cay đắng, là việc Nguyễn Văn Bình nghiễm nhiên trở thành tân ủy viên bộ chính trị.
Ngay lập tức đã xuất hiện một số dư luận cho rằng ông Bình đã “trở cờ” bằng hành động rời bỏ chủ cũ là Thủ tướng Dũng để “nhảy” sang chủ mới là những người bên đảng.
Sau đại hội 12, ông Nguyễn Văn Bình không những không phải chịu một án kỷ luật hoặc pháp luật nào do nhiều “thành tích” về những khuất tất tài chính và điều hành, mà còn “nâng lên một tầm cao mới”, trong khi chủ cũ của ông là Thủ tướng Dũng phải ngậm ngùi ra đi.
Câu hỏi vẫn đọng lại là vì sao Thống đốc Bình lại thoát hiểm một cách ngoạn mục trong thế cờ đổi trắng thay đen như thế?
Ngay sau khi Thủ tướng Dũng rút lui tại đại hội 12, trên mạng đã xuất hiện thông tin về một bản cáo trạng dày đến 313 trang của bên đảng cáo buộc ông Dũng về nhiều vấn đề, trong đó có những khuất tất về tài chính.
Giờ đây, khi bàn cờ chính trị đã gấp lại và ông Nguyễn Tấn Dũng trắng tay quyền lực lẫn thủ hạ thân tín, người ta mới nhận ra rằng những người bên đảng đã thâm đến thế nào trong cung cách cư xử với Nguyễn Văn Bình: lấy mỡ nó rán nó.
04/10/2016 - 18:49
Lê Dung / SBTN

Bị phát hiện bằng giả, trưởng công an xã nói mình bị lừa (!?)

(NLĐO) – Bị phát hiện sử dụng bằng đại học (ĐH) giả, trưởng công an xã lập tức “thu hồi” rồi biện minh rằng mình thuê người học hộ nên không hề hay biết đó là bằng giả (!?)

Sáng 11-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Lê Thanh Hà - Trưởng Công an huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết chưa nghe thông tin gì về vụ ông Đoàn Văn Hoài - Trưởng Công an xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) sử dụng bằng ĐH giả.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra rồi trả lời báo chí. Nếu sự thật ông Hoài sử dụng bằng ĐH giả thì sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định” – đại tá Hà khẳng định.
Trước đó, đầu năm 2016, thắc mắc chuyện Trưởng Công an xã Đoàn Văn Hoài không đi học, không đi thi vẫn có bằng ĐH (khóa 2010-2014 Trường ĐH Kinh tế TP HCM, chuyên ngành Luật, hệ đào tạo từ xa) bổ sung vào hồ sơ cán bộ nên một số cán bộ xã suy đoán ông Hoài sử dụng bằng ĐH giả. Vụ việc sau đó lan nhanh khiến dư luận địa phương bức xúc, yêu cầu làm rõ.
Theo một số cán bộ xã Mỹ Chánh Tây, sau thông tin bằng ĐH giả bị “xì” ra, ông Hoài lập tức “thu hồi” bản sao công chứng bằng ĐH lưu trong hồ sơ cán bộ ở xã. Tuy nhiên, tấm “bằng ĐH” của ông đã được “nhân bản” hàng loạt.
Giải thích về vụ việc trên, ông Hoài thừa nhận bằng ĐH của mình là bằng…không có hồ sơ gốc. Tuy nhiên, ông Hoài phủ nhận chuyện mua bằng và cho rằng mình nhờ người đi học, đi thi hộ nên không hề biết đó là bằng giả.
“Vì không có thời gian nên qua người quen giới thiệu, cách đây 5 năm, tôi đã nhờ một người học hộ rồi đưa cho họ 8 triệu đồng. Sau khi nhận bằng ĐH, tôi tra cứu thông tin mới biết khóa học không có thật nên đã xin rút lại hồ sơ bổ sung của mình để tránh hệ lụy. Bản thân tôi cũng bị lừa vì đã tin tưởng người giới thiệu cho người đi học nhờ (!?)” – ông Hoài biện minh.

Bản sao bằng ĐH giả của ông Hoài vẫn được UBND xã Mỹ Chánh Tây chứng thực (Ảnh: Văn Lưu)
Bản sao bằng ĐH giả của ông Hoài vẫn được UBND xã Mỹ Chánh Tây chứng thực (Ảnh: Văn Lưu)
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Bình - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Chánh Tây, nói không hề hay biết chuyện ông Hoài dùng bằng ĐH giả để bổ sung hồ sơ cán bộ lưu tại xã. Tuy nhiên, ông Bình xác nhận giai đoạn từ năm 2010-2014, ông Hoài không có đề xuất xin đi học và xã cũng không cử ông Hoài đi học.
Khi phóng viên cung cấp bản sao công chứng bằng ĐH của ông Hoài do chính ông Bình ký chứng thực năm 2014 (thời điểm này ông Bình giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã), ông Bình phân bua: “Thời điểm đó, ngày nào giấy tờ trình ký cũng nhiều nên tôi không thể nào bao quát hết được bằng cấp của ai, như thế nào”.
11/04/2016 11:50
Đức Anh