Trước khi bị Facebook xoá, trang Facebook Đất Việt có gần 30.000 lượt follow
Việc Meta (Facebook) xóa trang Facebook Đất Việt diễn ra một tháng sau khi nền tảng này tạm khóa trang của chúng tôi vì đăng loạt bài về các chủ đề liên quan Tô Lâm, Vinfast, Vietjet, Phạm Nhật Vượng, tù nhân lương tâm, đấu đá nội bộ trong đảng CSVN…
Vào đêm 30/10/2023 giờ Việt Nam, Meta (Facebook) đột ngột xóa trang Facebook Đất Việt mà không thông báo lý do.
Trước khi bị xóa trang, Facebook của chúng tôi đang có gần 30.000 lượt follow.
Việc xóa trang Facebook Đất Việt cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà hoạt động, trí thức than phiền về chuyện họ bị Meta gỡ bài, hạn chế quyền truy cập, tương tác… với lý do “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.”
Từ nhiều tháng qua, truyền thông quốc tế và công luận đã dấy lên nghi ngờ về chuyện Meta “bắt tay” với CSVN để trấn áp giới bất đồng, Facebooker lên tiếng về chính trị, xã hội tại Việt Nam.
Báo Washington Post hồi tháng 6/2023 cho hay: “Facebook từng giúp mang lại tự do ngôn luận cho Việt Nam, còn bây giờ nền tảng này đang giúp đảng CSVN ngăn chặn chuyện này.
Meta đã nhiều lần nhượng bộ chính phủ độc tài Việt Nam, thường xuyên kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến và buộc những người bị chính phủ coi là mối đe dọa phải rời khỏi nền tảng này, theo tiết lộ của bốn cựu nhân viên Meta, các nhóm nhân quyền, các nhà quan sát.
Meta đã thông qua danh sách các quan chức CSVN mà các Facebooker không được phép chỉ trích, nhân viên Meta ở châu Á nói với điều kiện ẩn danh để tránh bị trừng phạt.
Danh sách này được giữ kín ngay cả trong nội bộ công ty và chưa được công bố rộng rãi trước đây. Danh sách này được đưa vào bản hướng dẫn cho nhân viên về chuyện kiểm soát nội dung trực tuyến và được thực hiện theo yêu cầu của nhà cầm quyền Việt Nam.
Đáng nói, một danh sách cấm chỉ trích quan chức chỉ áp dụng cho thị trường Việt Nam.
Hiện tại, bạn đọc có thể theo dõi báo Đất Việt trên X (Twitter) tại đây. Chúng tôi cam kết tiếp tục trung thành với việc đưa tin đa chiều về chính trị-xã hội và không chấp nhận sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền CSVN.
HÀ NỘI, Việt Nam (NV)– Hệ thống báo chí quốc doanh tại Việt Nam lại bị thúc ép gia tăng nhiệm vụ “đấu tranh với thông tin xấu, độc” phục vụ nhu cầu tuyên truyền của đảng.
Ngày Thứ Hai, 30 Tháng Mười, tờ Người Lao Động tường thuật hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong thời kỳ chuyển đổi số” do Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức tại tỉnh Tiền Giang ngày 27 Tháng Mười vừa qua.
Mục đích của cuộc họp là nhắc nhở vai trò “xung kích” của của người lãnh lương làm nhiệm vụ tuyên truyền cho chế độ “luôn có ý thức tự giác, trách nhiệm không chỉ trong việc tuyên truyền, nhận diện và phê phán thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, báo chí mà còn cả trên trang mạng cá nhân” theo sự đòi hỏi của ông chủ lớn ngồi ở Bắc Bộ Phủ.
Dịp này, các người làm báo tuyên truyền cho chế độ Hà Nội phải nghe lại điệp khúc “đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa,’ chủ động đấu tranh chống âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch, quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị…”
Tuy Việt Nam có hơn 700 tờ báo các loại, dư luận đều biết chỉ có một “tổng biên tập” duy nhất ngồi ở Hà Nội ra lệnh các kẻ cầm bút phải viết gì, cái gì không được phép đụng chạm. Người được gọi là “tổng biên tập” ngồi tại tờ báo, thật ra, chỉ là kẻ nhận chỉ thị từ trung ương, điều hành nội dung tờ báo không đi chệch ra ngoài cái khuôn khổ mà họ được phép hoạt động, kiểu con ngựa chạy theo tầm nhìn của hai con mắt bị “định hướng.”
CSVN không cho phép tư nhân ra báo hay mở một cơ quan truyền thông độc lập dưới bất cứ hình thức nào dù là báo giấy hay báo điện tử, đài phát thanh hay đài truyền hình. Các người làm báo độc lập đều bị bỏ tù như các ông bà Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang, Phạm Thành, Lê Trọng Hùng,…
Năm 2020, đặc vụ CSVN đã bắt cóc nhà báo độc lập Trương Duy Nhất đem về Việt Nam kết án 10 năm tù dù ông đang xin cấp thẻ tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, chờ đi định cư tại một nước thứ ba. Đến Tháng Tư, 2023, đặc vụ CSVN lại bắt cóc ông Đường Văn Thái đem về Việt Nam vì ông này mở kênh trực tuyến trên Youtube và Facebook thông tin thời sự trái với tuyên truyền bóp méo sự thật của Hà Nội.
Hội Nhà Báo Quốc Tế (IFJ), trụ sở ở nước Bỉ ra bản thông cáo ngày 20 Tháng Tư nói rằng, việc ông Đường Văn Thái bị bắt cóc là “nguy cơ lớn lao mà các nhà báo Việt Nam phải đối mặt cũng như tạo tiền lệ tồi tệ về sự an nguy của những người làm công tác truyền thông ở nước ngoài.”
Chỉ vài ngày trước khi bị bắt cóc, ông Đường Văn Thái livestrem về phiên tòa xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội và chuyến công du của Ngoại Trưởng Mỹ Anthony Blinken đến Việt Nam. Trước đó, ông cũng đưa tin về tham nhũng và đấu đá trong nội bộ cấp cao của chế độ Hà Nội.
“Đấu tranh với thông tin xấu, độc” là một điệp khúc được nhắc nhở thường xuyên trên hệ thống thông tin tuyên truyền của chế độ từ cơ quan truyền thông tại trung ương đến các tờ báo nhỏ ở các địa phương. Những kẻ cầm bút, gõ máy tính viết tin hay viết bài tuyên truyền lúc nào cũng có cái khẩu hiệu đó cột sẵn trên đầu trên cổ. Nếu làm sai là chính họ cũng bị trừng phạt.
Không ít tờ báo, cả trung ương và địa phương phục vụ chế độ đã bị phạt tiền, thậm chí bị đóng cửa vì đi chệch ra ngoài khuôn phép. Tạp chí thì không được “báo hóa” tức hoạt động như một tờ nhật báo. Tháng Năm vừa qua, tin tức cho hay Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN đã lập một danh sách và “theo dõi chặt 77 tổ chức lập trang tin có dấu hiệu báo hóa” để trị tội.
Tạp chí Zing News là “tạp chí điện tử Tri Thức trực tuyến” đã bị Bộ Thông Tin và Truyền Thông đóng cửa ba tháng kể từ ngày 14 Tháng Bảy ngoài số tiền phạt 243.5 triệu đồng vì “không hoạt động đúng tôn chỉ mục đích” tức bị lên án là “báo hóa.” Nay đã quá hạn ba tháng mà báo này không thấy tục bản, rất có thể tắt thở vĩnh viễn không chừng.
Năm 2019, chế độ Hà Nội ra lệnh “sắp xếp” lại guồng máy tuyên truyền. Từ 858 “cơ quan báo chí” có từ năm 2015 được dẹp bỏ bớt một số nên đến năm 2021 chỉ còn 779 “cơ quan báo chí” các loại. Trong đó, gồm 142 tờ báo và 612 tạp chí và 35 “cơ quan báo chí điện tử độc lập.” Tổng cộng có 41,000 hoạt động trong lãnh vực truyền thông nhưng chỉ có 21,132 người được gọi là “nhà báo” và được cấp thẻ nhà báo. (TN)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) –Bà Kim Thanh Hạnh, 44 tuổi, chấp hành viên Phòng 1 Cục Thi Hành Án Dân Sự ở Sài Gòn, vừa bị truy tố về tội “nhận hối lộ” vì “vòi” hàng trăm triệu đồng của cặp vợ chồng Việt kiều Mỹ để “giải tỏa” lệnh hoãn xuất nhập cảnh.
Báo Người Lao Động hôm 30 Tháng Mười cho hay, bà Kim Thanh Hạnh được phân công thi hành án vụ bà Nguyễn Thị Bích Ngân, Việt kiều Mỹ, phải trả cho ông Nguyễn Quốc Vương số tiền 2.5 tỷ đồng ($101,762) cùng lãi suất chậm thi hành án và án phí.
Theo cáo trạng, hồi Tháng Mười Một, 2022, bà Ngân cùng chồng là ông Chu Steven Le từ Việt Nam về lại Mỹ qua cửa khẩu phi trường Tân Sơn Nhất. Khi làm thủ tục, bà Ngân bị cán bộ hải quan thông báo đang bị “tạm hoãn xuất cảnh.”
Trong tình thế không thể về Mỹ, chiều 12 Tháng Mười Hai, 2022, bà Ngân đến Cục Thi Hành Án Dân Sự ở Sài Gòn gặp bà Hạnh, nói rằng mình đang mang thai và sẽ nộp tiền thi hành án xong sớm, nhờ bà Hạnh giúp đỡ làm nhanh thủ tục giải tỏa lệnh tạm hoãn xuất cảnh để trở về Mỹ sinh con. Bà Hạnh đồng ý.
Hai hôm sau, tại quán cà phê ở quận Gò Vấp vợ chồng bà Ngân gặp bà Hạnh để “bàn cụ thể.” Bà Hạnh “hù” vợ chồng bà Ngân việc giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh “sẽ mất nhiều thời gian, công sức,” muốn làm nhanh phải lo “chi phí” để đưa cho nhiều người.
Ông Chu Steven Le hỏi đưa bao nhiêu, bà Hạnh ghi số tiền ra giấy là 500 triệu đồng ($20,352). Thấy “vòi” số tiền quá lớn, ông Chu Steven Le đề nghị giảm bớt. Bà Hạnh sau đó “chốt giá” 350 triệu đồng ($14,247). Do muốn trở về Mỹ sớm nên vợ chồng bà Ngân đã đồng ý.
Báo Thanh Niên cho hay chiều 20 Tháng Mười Hai, 2022, sau giờ làm việc, bà Hạnh đã hẹn đến điểm giao nhận tiền tại bệnh viện phụ sản Mê Kông ở phường 1, quận Tân Bình, Sài Gòn. Tại đây, khi bà Hạnh đang nhận số tiền 300 triệu đồng ($12,211) từ tay một người thì bị Cơ Quan Điều Tra Viện Kiểm Sát ập vào bắt giữ.
Theo cơ quan hữu trách, sau khi bà Ngân thi hành bản án, Cục Thi Hành Án Dân Sự ở Sài Gòn đã giao cho bà Hạnh tống đạt quyết định kết thúc vụ án và thông báo đến các cơ quan có liên quan về vụ án của bà Ngân.
Thế nhưng, bà Hạnh đã lạm dụng quyền hạn không tống đạt quyết định của cơ quan mà lại đòi tiền bà Ngân để “làm thủ tục bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Cục Thi Hành Án Dân Sự ở Sài Gòn,” mà phía thi hành án đã ban hành trước đó.
Theo Viện Kiểm Sát, trước khi sự việc bị phát giác, ông Chu Stenve Le đã gửi đơn tố cáo đến Cơ Quan Điều Tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao cùng toàn bộ các tài liệu, vật chứng, chứng minh bà Hạnh đã “vòi” tiền vợ chồng ông. (Tr.N) [kn]
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) –Mưa lớn kèm nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều tuyến đường và hàng trăm nhà dân ở hai huyện Hương Khê, Vũ Quang… bị ngập sâu, cuốn trôi ba người.
Theo báo VNExpress hôm 30 Tháng Mười, mưa lớn cùng với việc thủy điện Hố Hô xả nước làm nhiều nơi tại huyện Hương Khê bị ngập. Nhiều tuyến giao thông quan trọng như đường sắt Bắc – Nam bị sạt lở, đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 15 nối huyện Hương Khê và thành phố Hà Tĩnh chìm trong nước lũ.
Toàn huyện Hương Khê có gần 3,500 gia đình bị nước tràn vào vườn, trong đó có gần 500 gia đình nước tràn vào nhà. Nhiều gia đình chỉ kịp chuyển tivi, quạt hơi nước lên chỗ cao, còn bàn ghế bị ngâm nước.
“Đồ đạc đã kịp đưa lên chỗ cao, nhưng còn đàn gà hàng chục con thì không kịp di chuyển nên chết hết,” một phụ nữ ở xã Lộc Yên, nói.
Đáng nói, theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, chị Tống Thị Trang, 33 tuổi và chị Nguyễn Thị Hoa, 31 tuổi, trú xã Hà Linh, huyện Hương Khê, đi dọn vệ sinh trại gà cách nhà hơn 1km, trên đường về gần nhà văn hóa thôn 12 thì bị nước lũ cuốn mất tích.
Đến tối, hàng chục người vẫn đang đang tìm kiếm chị Hoa. Hai nạn nhân là chị em dâu, mỗi người có 2-3 con nhỏ, gia cảnh khó khăn.
Trong khi đó, tại xã Hương Thủy, chiều cùng ngày, em Nguyễn Văn Dũng, 13 tuổi, đi bộ trên đường ở thôn 6, bị sẩy chân vào vũng nước sâu và bị nhấn chìm. Đến tối, thi thể nạn nhân được tìm thấy ở gần vị trí gặp nạn.
Tại huyện Vũ Quang, mưa lớn cũng gây ngập lụt nhiều tuyến đường liên thôn, xã. Nhà dân ở xã Đức Bồng lúc rạng sáng bị vạt đồi phía sau sạt lở, đè lên một phần. Người dân đã kịp thời rời đi trước đó.
Khoảng 2 giờ rạng sáng cùng ngày, tại cung đường Yên Duệ-Hòa Duyệt, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, đường xe lửa Bắc Nam sạt lở, khiến các đoàn tàu phải dừng. Ngành đường sắt phải lấy xe đò đưa hàng trăm hành khách trên các chuyến tàu SE1 và SE20 qua đoạn sạt lở.
Cơ quan khí tượng dự báo từ hôm nay đến 2 Tháng Mười Một, các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ. Nhiều tỉnh đã loan báo cho học sinh vùng ngập lũ nghỉ học. (Tr.N) [kn]
Khi hàng triệu người còn canh cánh với chuyện bao giờ đủ nước đánh răng, rửa mặt, rõ ràng “kết nối toàn cầu” là chuyện khôi hài.
Khoảng 30.000 người ở Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn vật vã vì thiếu nước ăn uống, tắm giặt. Cách duy nhất để cùng sinh tồn là chia sẻ với nhau kinh nghiệm giảm... ăn, giảm... uống, tiết kiệm cả nước... thải để... tái sử dụng, giữ vệ sinh cho tư gia (1). Thiếu nước, nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong Khu đô thị Thanh Hà đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, nhiều người bắt đầu tính đến chuyện... “rút lui chiến lược” (2) nhưng ai dám mua lại nhà khi phải “ăn như tư, ở như tù”, chưa kể bệnh ngoài da, viêm đường tiêu hóa có dấu hiệu lan rộng do thiếu... nước (3)?
Cho dù cách nay nửa tháng, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Hà Nội ra lệnh: Khẩn trương cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà(4) nhưng thảm trạng này không những không được khắc phục mà còn tồi tệ hơn. Tin mới nhất cho biết Hà Nội không chỉ có một Khu đô thị Thanh Hà bị tình trạng thiếu nước sinh hoạt đẩy vào chỗ khốn khổ. Mỗi ngày Hà Nội thiếu khoảng 82.000 mét khối nước sạch. Thiếu nước đã và sẽ đe dọa sinh hoạt của nhiều triệu người là cư dân các huyện: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa (5).
***
Từ 1975 đến nay, Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng CSVN các khóa 3, 5, 8, 11, 13 đã ban hành năm nghị quyết nhằm định hướng việc xây dựng và phát triển Hà Nội (Nghị quyết về quy hoạch, cải tạo và xây dựng thủ đô Hà Nội năm 1976. Nghị quyết về công tác của thủ đô Hà Nội năm 1983. Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 – 2010 năm 2000. Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020 năm 2011. Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 năm 2022).
Sau khi thực hiện 4/5 nghị quyết vừa kể, Hà Nội càng ngày càng khó sống hơn vì không gian sống ô nhiễm trầm trọng hơn (6), tắc nghẽn trong giao thông trở thành điều đương nhiên (7), cư dân Hà Nội chật vật xoay sở với đủ loại vấn nạn trong giáo dục (8), y tế (9), sinh hoạt (thừa nước bẩn [10], thiếu nước sạch),... Việc thực hiện 4/5 nghị quyết vừa kể dường như chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số cá nhân, doanh nghiệp làm giàu nhờ đất, tước đoạt sinh kế đẩy nhiều gia đình đến chỗ bần cùng vì bị thu hồi đất, mất tự do thậm chí mất mạng do phản đổi việc thực hiện các quy hoạch nhưng cuối cùng lại trở thành nền tảng kiến lập vô số đô thị... bỏ hoang (11).
Nghị quyết thứ năm – nghị quyết mới nhất liên quan đến xây dựng và phát triển Hà Nội (Nghị quyết số 15-NQ/TW về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”) – được ban hành hồi tháng 5 năm ngoái, xác định đến 2045, Hà Nội phải trở thành “thành phố kết nối toàn cầu” (12). Sau Nghị quyết số 15-NQ/TW, hệ thống công quyền của thành phố Hà Nội đang dồn tâm lực, trí lực, sức lực vào việc lập “Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để định hướng không gian phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, hệ thống hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên.
Tuy “quy hoạch” vừa đề cập đang trong giai đoạn soạn thảo nhưng cách nay chừng mươi ngày đã được các viên chức hữu trách tự quảng cáo các ý tưởng “mang tính đột phá, tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực quy hoạch, sẽ là cơ hội để thành phố xác lập các quan điểm thống nhất trong phát triển thủ đô và tổ chức không gian trong tương lai” và nhờ vậy sẽ trở thành... “thành phố kết nối toàn cầu” (13)! Với những chuyện như đã biết và với thực trang như đang thấy, bao nhiêu người dám tin không gian sống Hà Nội sẽ trong lành, không còn kẹt xe, hạ tầng giáo dục và y tế đạt yêu cầu “văn hiến, văn minh hiện đại”, có thể giã biệt giai đoạn cứ mưa là ngập và có đủ nước để ăn uống, tắm giặt?
Khi hàng triệu người còn canh cánh với chuyện bao giờ đủ nước đánh răng, rửa mặt, rõ ràng “kết nối toàn cầu” là chuyện khôi hài. Tất cả các thành viên của Bộ Chính trị đều đang cư trú tại Hà Nội. Dẫu sống trong tháp ngà nhưng chẳng lẽ hơn một chục cư dân Hà Nội này không biết gì về việc hàng triệu người cùng ngụ ở nơi mình sống vật vã vì thiếu nước? Sau năm thập niên xây dựng CNXH mà còn phải ban hành một... nghị quyết để cư dân thủ đô có thể... “kết nối với nước” tất nhiên chẳng... sang chút nào nhưng đừng quên, dân chúng cần hiệu quả thiết thực về những vấn đề thiết thân đối với họ như là NƯỚC!
Công an Đà Nẵng phạt một người đàn ông là quản trị viên nhóm "Ae xã hội Bắc-Trung-Nam" trên Facebook, 30/10/2023.
Công an Đà Nẵng, miền trung Việt Nam, phạt một người đàn ông 15 triệu đồng hôm 30/10 vì người này quản trị một nhóm trên mạng xã hội có nhiều nội dung bị xem là “lệch lạc, kích động bạo lực, tội ác…”, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và nhiều báo trong nước đưa tin.
Các báo dẫn thông tin từ công an cho hay quản trị viên có tên viết tắt là L.Đ.N, 30 tuổi, sống ở Đà Nẵng, là người quản lý nhóm mang tên “Ae [anh em] xã hội Bắc-Trung-Nam” trên mạng xã hội Facebook có tới gần 10.000 thành viên là “dân giang hồ mạng”.
Các thành viên của nhóm thường xuyên đăng, chia sẻ trong nhóm các nội dung bị nhà chức trách quy là “lệch chuẩn, kích động bạo lực, độc hại, gây ảnh hưởng đến giới trẻ, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự…”, các báo Việt Nam tường thuật.
Khi bị triệu tập, tại cơ quan công an, quản trị viên L.Đ.N nói rằng ông này đã “không kiểm duyệt các bài viết, nội dung đăng tải trong nhóm, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự”, vẫn theo các bản tin.
Trên cơ sở đó, công an phạt ông L.Đ.N về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc và quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm”, căn cứ vào một nghị định năm 2020 của chính phủ Việt Nam, và công an cũng “vô hiệu hóa” nhóm của ông này, tin cho hay.
Thông tin trên báo chí Việt Nam và do Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) của đất nước đưa ra cho thấy nhà chức trách trong nước tích cực “ngăn chặn và xử lý hiệu quả” thông tin “xấu, độc” trên mạng, đặc biệt là những nội dung “chống phá đảng và nhà nước”.
Trang web của Bộ TT-TT cho hay hôm 12/10 rằng bộ này làm việc “quyết liệt” với các hãng nước ngoài và đạt kết quả là trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.642 bài viết đăng thông tin “sai sự thật, tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức”; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải “tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá đảng, nhà nước”; gỡ bỏ 4 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; gỡ 54 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn.
Ngoài ra, Facebook tự chủ động, rà quét gỡ bỏ 344.000 nội dung vi phạm trên nền tảng; Google đã gỡ 6.359 video vi phạm trên YouTube. Có 8 kênh YouTube “phản động” bị chặn truy cập từ lãnh thổ Việt Nam và 2 kênh bị xóa, bộ cho hay.
Bên cạnh đó, TikTok đã chặn, gỡ bỏ 416 link vi phạm, đăng tải thông tin “sai sự thật, nội dung tiêu cực”. Trong đó, có 149 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung “chống phá đảng, nhà nước”, vẫn theo Bộ TT-TT. TikTok cũng đã tự chủ động rà quét, gỡ bỏ 1.981 nội dung vi phạm các quy định của Việt Nam, bộ cho biết.
Người dân Hải Hà liên tục tập trung ở khu vực thi công số 3 của Dự án Cảng container Long Sơn trong một tuần qua để ngăn cản việc san lấp bờ biển
RFA-2023.10.30
Người dân vẫn tụ tập đông người ở bến số 3 để phản đối việc xây cảng
VietnamNet
Người dân khẳng định xe chở đất đá của chủ đầu tư đổ vào một người phụ nữ khiến bà này ngất xỉu, tuy nhiên chính quyền Thanh Hóa khẳng định người này chỉ bị "cao huyết áp."
Báo Thanh Niên hôm 30/10 dẫn lời một lãnh đạo UBND xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khẳng định thông tin một người dân bị thương khi tập trung phản đối xây dựng Cảng container Long Sơn là không đúng thực tế.
Theo quan chức không nêu danh tính này, trong ngày 29/10 có hàng chục người dân tiếp tục tập trung ở khu vực xây dựng cảng để phản đối việc thi công.
Khi xe tải đổ vật liệu san lấp mặt bằng, các công nhân và lực lượng bảo đảm an ninh đã ngăn một người phụ nữ định lao vào khu vực đổ vật liệu, người phụ nữ này sau đó bị cao huyết áp, ngất xỉu và được người thân "đưa đến bệnh viện để điều trị bệnh cao huyết áp chứ không phải bị thương," lãnh đạo UBND xã Hải Hà cho hay.
Tuy nhiên, một người dân địa phương nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh rằng sự việc xảy ra khi chủ đầu tư huy động nhiều công nhân cùng máy chở đất đá vào khu vực để san lấp.
Nhiều người dân, chủ yếu là phụ nữ xông vào ngăn cản. Hai phụ nữ đã bị xô té ngã và bị trật chân trong khi một phụ nữ khác tên Xuân- 48 tuổi, bị đất đổ vào người và bị ngất.
Chị V. cho biết khi bà Xuân bị ngất, người dân đã sơ cứu rồi chuyển đến trạm y tế xã. Đến nay, người này vẫn còn đau chân và phải nằm nhà để điều trị.
Người phụ nữ này cũng cho biết, Uỷ ban nhân dân xã đã cử người vào thăm hỏi và xác nhận những người bị thương trong cùng ngày.
Người dân kiên trì bảo vệ biển
Một người phụ nữ khác tên T. (không phải tên thật) cho biết, người dân Hải Hà liên tục tập trung ở khu vực thi công số 3 của Dự án Cảng container Long Sơn trong một tuần qua để ngăn cản việc san lấp bờ biển, bất chấp quyết định khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” của Công an thị xã Nghi Sơn đưa ra ngày 23/10.
Ban đầu, chỉ có phụ nữ ở nhà để canh giữ bãi biển, tuy nhiên gần đây những người đàn ông cũng bỏ việc đánh bắt cá, ở nhà trợ giúp việc phản đối dự án, nhiều trẻ em ở địa phương cũng nghỉ học để cùng bố mẹ giữ biển.
Chị T nói:
“Hôm nay đàn ông không đi biển, con nít không đi học ra đông nên phía công ty không cho công nhân làm.
Hôm qua có phụ nữ thôi, đàn ông đi biển do vậy công nhân ra làm và xô xát với phụ nữ nên đàn ông họ ngoài biển quay về. Hôm nay nam giới không dám đi biển nữa vì sợ phía công ty họ thi công tiếp.
Phía công ty cứ chực làm nên dân cứ phải canh chừng. Dân làng nói lần này đàn ông không đi biển nữa mà ở nhà cùng phụ nữ đấu tranh đến cùng.
Cùng lắm là họ giết hết chúng tôi nhưng nếu không đấu tranh thì mất biển và chúng tôi cũng chết.”
Báo Tin tức & Cuộc sống trong ngày 30/10 dẫn thông tin từ Công an thị xã Nghi Sơn quy kết rằng có hơn 100 trẻ em “bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, buộc nghỉ học để tham gia hoạt động cản trở tại bến số 3, dự án cảng container Long Sơn.”
Theo chị T, có nhiều học sinh tự nguyện nghỉ học để đồng hành cùng bố mẹ nhưng cũng có cháu muốn đến trường, tuy nhiên vì nhiều học sinh nghỉ học nên các cháu này cũng buộc phải nghỉ theo.
Công an gia tăng sách nhiễu người dân
Chính quyền thị xã Nghi Sơn gia tăng sách nhiễu người dân Hải Hà. Bên cạnh việc triệu tập người dân lên đồn và bắt họ ký cam kết không tụ tập ở khu vực thi công, công an cũng buộc người dân phải xoá những video clip hay phát sóng trực tiếp (livestream) trên Facebook về cuộc biểu tình trên tỉnh lộ cũng như việc phản đối thi công ở bãi biển.
Báo chí nhà nước đưa tin vào ngày 28/10, công an thị xã khám xét khẩn cấp nhà của một ngư dân ở Hải Hà là chị Cao Thị Lĩnh (sinh năm 1991). Cơ quan chức năng đã thu giữ được một số tài liệu liên quan tới việc tổ chức, kích động đông người chống đối xây dựng cảng.
Tuy nhiên chị V. cho biết chị Lĩnh chỉ là một người dân bình thường phản đối việc xây dựng cảng.
Khi người dân đi canh giữ bãi biển, họ không thể nấu ăn và phải đặt cơm ở nhà hàng địa phương, và chị Lĩnh là người ghi chép tiền đóng góp và người ăn.
Chị V. nói qua tin nhắn gửi RFA trong ngày 30/10:
“Phía công an thu được sổ ghi chép tiền của dân ăn cơm và ăn đêm. Sổ ghi chép có mục đích để khỏi cãi nhau, tránh trường hợp người quên kẻ nhớ. Ngoài ra không có gì để khám xét nữa.”
Chị V. nói việc khám xét nhà chị Lĩnh là không đúng vì người này cũng giống như hàng trăm người dân khác của Hài Hà, đều chỉ muốn đòi quyền lợi cho gia đình mình.
“Người dân chúng tôi bức xúc vì công an chỉ khám xét một nhà mà tại sao không khámxét cả 300 hộ dân. Họ cho rằng chị ấy đầu sỏ, rằng chị ấy có thế mạnh. Tuy nhiên, chị ấy chỉ có một phương tiện đánh bắt là một tàu thuyền nhỏ, và chị ấy không đủ sức để lôi kéo chúng tôi.”
“Chúng tôi đồng lòng phản đối dự án. Chúng tôi không sợ kể cả khi tất cả bị khởi tố, vì đi đòi quyền lợi thì không có gì phải sợ,” chị V. nhấn mạnh.
Đã một tuần trôi qua kể từ khi khoảng 300 người dân Hải Hà, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tổ chức tuần hành trên đường tỉnh lộ 513 trong sáng 23/10 để yêu cầu chính quyền tỉnh Thanh Hoá và thị xã Nghi Sơn dừng dự án trước khi làm rõ về vấn đề bồi thường, di dân và bảo đảm sinh kế cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án.
Trong buổi chiều hôm đó, Công an thị xã Nghi Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” vì cho rằng cuộc biểu tình của người dân xã Hải Hà đã gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trên đường 513.
Tuy chính quyền địa phương yêu cầu người dân không được tụ tập đông người ở nơi công cộng nhưng người dân Hải Hà, những người làm nghề đánh bắt hải sản, vẫn tập trung canh gác cả ngày lẫn đêm khu vực thi công số 3 của dự án.
Mấy ngày sau đó, công an có triệu tập hơn 10 người dân ở Hải Hà lên đồn công an để buộc họ viết cam kết không tham gia phản đối dự án. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có ai bị khởi tố.
Toàn cảnh Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 23/10/2023
AFP
Theo thiên kiến của người viết bài này, “thực chiêu” của việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là đòn tung hỏa mù để cho các phe phái so kè ảnh hưởng. Cho dù những ảnh hưởng ấy cũng chỉ lại là các “hư chiêu” mà thôi.
---------------------------
Truyền thông nhà nước vừa đồng loạt đưa ra lời giải thích ý nghĩa của đợt lấy/bỏ phiếu tại kỳ họp Quốc hội khóa 15 lần này. Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có lời giải thích liên quan đến “những điểm mới về lấy phiếu tín nhiệm so với ba lần trước”. Điểm mới thứ nhất là những quy định cụ thể và chi tiết hơn về việc những người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Điểm thứ hai liên quan đến những đối tượng nào được hay không được lấy phiếu tín nhiệm. Điểm mới thứ ba liên quan đến hai nội hàm, thế nào là “tín nhiệm thấp” và thế nào là “tín nhiệm cao” (1). Mặc dầu vậy, dư luận trong nước đã công khai trên các trang mạng xã hội, thể hiện sự bức xúc liên quan đến một loạt vấn đề về những lời giải thích chính thống nói trên. Trên Facebook của Lê Huyền Ái Mỹ, từng là Tổng biên tập báo “Phụ Nữ TP.HCM”, có một bình luận viên dí dỏm, viết: “Nghe rang rảng công khai số phiếu “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm thấp” mà bực cho cái sự trong sáng của tiếng Việt. Chưa nói đến tỷ lệ cao tín nhiệm thấp và tỷ lệ thấp phiếu tín nhiệm cao nhịu cả lưỡi” (2).
Một Facebooker nổi tiếng khác – Nguyễn Thông là cựu nhà báo từ tờ “Thanh Niên” đã đưa ra lời bình khá gay gắt: “Cứ tưởng trò bỏ phiếu tín nhiệm nảy nòi từ năm 2013 đã bị dẹp, bị vứt vào sọt rác rồi, ai dè sau hơn chục năm nó được dựng lại, có phần còn hoành tráng hơn…”. Cựu nhà báo này viết tiếp: “Tivi hát ‘cầm lá phiếu trên tay chúng ta đi bầu’ nhưng ai cũng hiểu họ chả cần mình bầu, phiếu mới chả phiếc, bởi chưa bầu đã biết ai trúng, nhất là tứ trụ, thậm chí biết trước cả tháng. Tin đồn, thông tấn xã vỉa hè luôn trúng phóc. Kể từ khi cộng sản cầm quyền luôn diễn ra như vậy. Họ có đủ cả, chỉ thiếu mỗi quyền dân chủ thực sự” (3). Viết thế này mà không bị dẹp tiệm là một điều lạ! Nhất là ở cái xứ sở mà Công an sẵn sàng gép tội rất nặng đối với cả “nữ hoàng nội y” nổi tiếng. Điều này chỉ có thể giải thích, ngay trong Đảng và chính quyền cũng có một bộ phận đã “chán ngắt” cái trò “bới bèo ra bọ” chả để làm gì. Chỉ tổ mất thời gian và gây trò cười cho thiên hạ!
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhìn nhận mặt tích cực của hiện tượng trên. Trao đổi với Đài RFA, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam, cho biết thêm về vấn đề này: “Nếu chúng ta nhìn vào vai trò của việc lấy phiếu tín nhiệm, thì cũng phải nhìn vào sự tiến triển trong vai trò của Quốc hội Việt Nam trong hệ thống chính trị. Từ năm 1986 trở về trước thì vai trò của Quốc hội không lớn, nhưng kể từ những năm 90 trở về đây, thì Quốc hội đã trở thành một nhánh quyền lực rất mạnh, cùng với bên Chính phủ và bên Đảng”. Nhưng khi bình luận “nối dài” nhận định này, TS. Giang lại cho rằng, quy định lấy phiếu như trên thể hiện sự thận trọng của ĐCSVN, nhằm tránh dẫn đến đấu đá nội bộ: “Cách này một phần nào đấy để giảm thiểu các rủi ro, thứ nhất là gây mâu thuẫn trong nội bộ, hai là nguy cơ những phe nhóm trong nội bộ lợi dụng chuyện lấy phiếu tín nhiệm này để tạo ra bè phái. Đây là nguy cơ mà ĐCSVN rất lo ngại”. (4).
Theo thiên kiến của người viết bài này, điều ngược lại mới là “thực chiêu” của vấn đề. Đây chính là đòn tung hỏa mù để cho các phe phái “show up” ảnh hưởng. Cho dù những ảnh hưởng ấy cũng lại là chỉ “hư chiêu” mà thôi. “Bới bèo ra bọ” ở đây không hề thể hiện cái tinh thần và quyết tâm của ĐCSVN trong việc điều nghiên hoặc tìm hướng để giải quyết vấn đề, mà ngược lại mới đúng. Này nhé: chỉ cần điểm qua một vài kết quả lôi từ “hòm phiếu” ra thì thấy ngay. Một vài VIP thuộc diện “ăn trên ngồi trốc” như Vương Chủ tịch Quốc hội hay Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có những thành tựu nào nổi bật để nhận 80 – 90 % phiếu “tín nhiệm cao”? Chả mấy khi thấy Vương Chủ tịch tiếp xúc với cử tri, cũng chẳng nghe ông lên tiếng khi các tử tù kêu oan, hoặc Công an ghép “nữ hoàng nội y” vào cái tội chả có trong bộ luật nào cả, cũng không thấy vị Đại diện cao nhất của “Lập pháp” cho ý kiến. Bà “Phó Tổng thống” nổi tiếng nhờ vào mấy bộ áo dài thì đã đành!
Trong khi đó, bên Hành pháp “đầu tắt mặt tối” từ thời COVID-19 cho đến nay, đang cho bộ hạ“chạy đôn chạy đáo” tìm đâu ra 27 tỷ USD để trám vào các lỗ thủng của ngân sách quốc gia, thì nhiều vị lại suýt bị đội sổ tín nhiệm. Tất nhiên, người dân ai chả biết Thủ tướng Phạm Minh Chính bị “cái dớp” từ Công ty AIC. Ngay cả khi cấp dưới là Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho quân “bứng mọi chân gỗ” của ông thời Quảng Ninh mà dân tình thấy ông vẫn tỉnh bơ. Áo vẫn đẫm mồ hôi, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thời chống dịch. Hẳn nhiên có cái sai của bệnh “duy ý chí” hay bệnh gì nữa mà dân chưa biết. Nhưng giờ đây những quan chức đứng đầu các tỉnh thành hay các ngành dọc luôn tâm niệm, có làm có sai, làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít. Vậy bộ máy “Hành pháp” mà án binh bất động là quốc gia sẽ lâm nạn. Không thể chống đói hay tạo ra việc làm cho người dân bằng các bộ sách khổng lồ 500 – 600 trang của Tổng bí thư, với những tên sách “tràng giang đại hải’, đọc cả chục lần vẫn chưa nhớ được, nói gì đến hiểu nội dung sách…
Tóm lại, với lần thứ tư này, Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân thuộc diện phải được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (ba đợt trước diễn ra vào các năm 2013, 2014, 2018). Công việc này, nói như Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Cái kiểu lấy phiếu tín nhiệm của Việt Nam nó lạ lắm, chỉ có Việt Nam mới làm như vậy chứ không ở đâu người ta làm thế cả.” Riêng đối với người dân Việt Nam, vẫn theo ông Quang A, họ không thực sự quan tâm đến kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Trong lịch sử nhân loại, khó mà tìm thấy cơ quan nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân mà lại đạt được đồng thuận cao, thống nhất gần như tuyệt đối trong việc gật và lắc như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, bất kể chuyện cùng gật và cùng lắc ấy có tạo được sự đồng thuận cao và thống nhất với dân chúng hay không! (5)