Monday, August 11, 2014

Dân mạng hoảng hốt trước tin Việt Nam đã có người nhiễm virus Ebola

Thông tin tiết lộ rằng tại Việt Nam đã có ca nhiễm dịch bệnh Ebola của một facebooker mới đây đã thật sự làm mọi người phải hoang mang, lo sợ.
 
Cuối ngày hôm qua (11/8) trên facebook bất ngờ xuất hiện thông tin có bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola đang điều trị tại một bệnh viện tại Hà Nội do 1 người phụ nữ chia sẻ. Theo như "chủ nhân" của thông tin trên thì người nhà đang làm việc tại bệnh viện này vì thế chị đã nắm bắt được thông tin và thông báo ngay cho mọi người được biết.
 
Thông tin về dịch bệnh được chia sẻ
 
Và ngay lập tức, thông tin này nhanh chóng được chia sẻ lên các trang mạng xã hội gây hoang mang cho nhiều người, đồng thời tạo ra những phản ứng trái chiều của cư dân mạng. Đa phần mọi người lên tiếng phủ nhận thông tin, tuy nhiên cũng có 1 số ý kiến lại đồng tình với chia sẻ đó, thậm chí còn tận tình hướng dẫn mọi người cách phòng trừ dịch bệnh Ebola thế nào cho hiệu quả nhất.
 
Chúng tôi xin được trích đăng 2 ý kiến phản bác mạnh mẽ nhất thông tin chưa được kiểm chứng này:
 
Hai ý kiến phản bác lại thông tin này
 
Vì thông tin được chia sẻ vào cuối ngày nên chúng tôi phải đợi đến rạng sáng mới có thể liên lạc với một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai. Chị này xác nhận rằng, theo chị được biết đến cuối ngày hôm qua tại bệnh viện Bạch Mai (nói riêng) và các bệnh viện thuộc Hà Nội nói chung không hề có bệnh nhân nào nhiễm dịch bệnh này cả. Đối với chị, thông tin trên là sai nhằm gây hoang mang cho người dân. Ở thời điểm này, những thông tin không chính thống rất dễ gây hoang mang cho dư luận.
 
Cũng trong ngày hôm qua, khi chia sẻ trên một trang báo - PGS Trần Đắc Phu - Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khẳng định cho đến chiều qua Việt Nam chưa có trường hợp nào mắc vi rút Ebola.
 
Ông Phu khẳng định khi có người nhiễm Ebola, Bộ Y tế không thể giấu dịch vì dịch Ebola rất nguy hiểm, phải có biện pháp điều trị và phòng tránh lây lan. Các biện pháp phòng tránh lây lan rộng ra cộng đồng đã được chuẩn bị kế hoạch sẵn từ trước.
 
Nếu ghi nhận trường hợp nghi nhiễm virus Ebola tại Việt Nam, bệnh nhân sẽ được cách ly ngay, ngành y tế sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch như với các dịch bệnh nguy hiểm nhóm A đã được ngành y tế quy định. Mẫu bệnh phẩm cần được thu thập, bảo quản và vận chuyển theo đúng quy định về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. HCM.

Người Việt đang rất xấu

PGS.TS.HUỲNH VĂN SƠN-14:50 11/08/2014
Trong vài năm trở lại đây số lượng người VN đi du lịch nước ngoài mỗi năm một tăng nhanh, nhất là những 'mùa' du lịch như hè, Giáng sinh - tết Tây, tết ta... Và cũng từ đây, trong mắt của người nước ngoài, nhiều hình ảnh không hay của người VN đã xuất hiện và ngày càng rõ nét.

Người Việt đang rất xấu
Một thói xấu thường thấy: tiểu tiện nơi công cộng - Ảnh: Diệp Đức Minh.
Điều này không những tạo nên sự trăn trở của những người bản xứ - nơi mà người Việt đến tham quan mà còn trở thành mối bận lòng của nhiều người có trách nhiệm với văn hóa Việt hôm nay.
“Xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu”
Hè năm ngoái, khi đi du lịch Thái Lan, vào một nhà hàng ăn buffet, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy cái biển ghi chữ tiếng Việt: “Xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht đến 500 baht. Xin cảm ơn!”.
Chuyện ăn uống này đã thành câu chuyện buồn của khách du lịch Việt không chỉ ở Thái Lan mà còn cả ở Singapore. Tại Singapore, biển ghi bằng tiếng Việt (và chỉ có duy nhất tiếng Việt): “Lấy vừa đủ ăn”. Quả thật, phải vào tận nơi mới biết tại sao người ta phải trưng những cái biển đấy. Nhà hàng đông khách, ai ai cũng xếp hàng đợi đến lượt mình lấy đồ ăn. Bỗng dưng một cặp đôi người Việt từ đâu ùa tới chen ngang. Những người xung quanh chỉ biết lắc đầu cười. Hai người này lấy những năm, sáu con hàu, trong khi người phục vụ bàn đang tách từng con hàu một cho khách. Vào một nhà hàng khác thì lại gặp một anh người Việt ăn tham, bê mấy đĩa đồ ăn đầy bự về bàn, cứ như kiểu không lấy thì sợ ai “hốt” hết, ăn không hết rồi bỏ bê luôn.
Có thể nhìn nhận đây đã trở thành một thói quen xấu của người VN. Một thói xấu gần như khó sửa. Người Việt bất chấp cái bụng của mình có thể ăn được bao nhiêu, mà ăn bằng “mắt”, lấy cho sướng tay, kể cả những món ăn lạ, không hợp khẩu vị, và để trên bàn ngồi ngắm nhìn như thành tích, rồi bỏ đi, trong ánh mắt vừa khó chịu vừa kinh ngạc của những người xung quanh. Lý giải cho điều này thật nhiều chuyện phải bàn. Thói quen? Sự nhận thức lệch pha về khả năng ước lượng? Hay sự sang trọng tức thời? Hoặc một yếu tố nào khác?
Những tiếng xấu về ứng xử thiếu văn hóa của người VN ngày càng lan truyền mạnh mẽ. Sự thụt lùi về văn hóa đang trở thành một nạn lớn đối với thế hệ trẻ của đất nước. Đầu tiên chỉ là sự thiếu tôn trọng cá nhân nhưng sau đó sẽ thành sự thiếu tôn trọng, phân biệt đối xử cho quốc thể. 
“Đi vệ sinh nhớ dội nước”
Thêm một lần choáng nữa ở nhà vệ sinh khi tôi bắt gặp cái biển to tướng, đánh máy bằng tiếng Việt hẳn hoi “đi vệ sinh nhớ dội nước” được gắn trên một nhà hàng đồi cát trên đất Thái. Vẫn đáng chú ý là chỉ có mỗi tiếng Việt mà không có ngôn ngữ khác.
Chuyện đi vệ sinh cũng là chuyện tế nhị, và với du khách người Việt thì phải luôn có sự nhắc nhở “giữ vệ sinh chung”, như nhắc trẻ mẫu giáo, nhưng cũng chỉ là “nước đổ lá khoai”. Họ cứ thẳng tiến “vào”, và đi “ra” tự nhiên, để người đến sau phải nhăn mặt bởi những gì người đi trước để lại. Đã có những chuyện cười ra nước mắt ở châu Âu, du khách Việt bị nhốt trong toilet, bởi muốn cửa mở ra thì phải có động tác giật nước xả.
Còn chuyện xả rác bừa bãi thì nhiều vô kể. Hay gặp nhất là ở sân bay. Có lần tôi đang ở sân bay Đài Loan, vì thời tiết xấu nên bị hoãn chuyến bay lại 2 giờ. Sân bay đông người không đủ chỗ ngồi, rất nhiều người nước ngoài phải đứng. Thế mà một đoàn người Việt, toàn những người trẻ 8X, 9X lôi báo ra trải dưới sàn ngồi, lôi bài ra đánh reo hò ầm ĩ. Đến khi đứng dậy thì báo mỗi chỗ một mảnh, mặc đấy cho nhân viên sân bay dọn dẹp. Đúng hôm ấy, chủ đề tôi chia sẻ lại là: bản sắc văn hóa và mối quan hệ với hành vi ứng xử.
Bài nói làm tôi ngậm ngùi lâu không hẳn chỉ vì sự cảm xúc quá lên khi trình bày về văn hóa người Việt mà đó là những gì thuộc về lòng tự trọng.
“Sorry, turn back please”
Tôi ít khi nói về những gì mình trải qua nếu mình có điều kiện hơn những cá nhân khác dù chỉ là một nhóm. Nhưng kinh nghiệm học tập tại Singapore từ những năm sau đại học khoảng 1999 - 2000 đến những cơ hội tập huấn về tư vấn ở một vài quốc gia như: Philippines, Malaysia hay xa hơn là Đan Mạch thì chuyện ứng xử đặc thù của người Việt vẫn là sự trăn trở tất bật trong suy nghĩ mỗi khi tình cờ gặp đồng hương xa xứ. Vừa mừng, vừa lo vì không biết mình có phải nhạy cảm quá đáng... Hay chuẩn bị gặp một tình huống đặc biệt nào đó trong cuộc sống từ người đồng hương ấy.

Dép trong nhà vệ sinh công cộng cũng bị lấy cắp.

Có lần tôi lang thang ở Singapore và tình cờ gặp một sinh viên rất trẻ được một giải thưởng công nghệ. Vốn đang nghiên cứu về nghệ thuật nói trước công chúng, tôi sẵn sàng nhận lời mời để tham gia buổi nhận thưởng của bạn ấy cách trung tâm TP 3 km. Cùng lên chuyến xe taxi do một tài xế người gốc Malaysia lái. Anh ta từ chối thẳng thắn, không chịu chở cả tôi và cậu sinh viên ấy khi hai lần đề nghị cài dây an toàn nhưng chàng trai cứ giả vờ không nghe thấy. Tôi hỏi cậu ta không nghe rõ à. Cậu bảo: Nghe chứ, nhưng bên mình có cần cài đâu. Đi có chút xíu cài chi cho mệt. Không chở thì đi xe khác...
Có lần tôi lang thang ở Disneyland từ sáng sớm đến khuya chỉ để làm một thao tác khá đơn giản. Vốn khi học sau đại học ngành quản trị hành vi trong tổ chức, tôi muốn xem xét hành vi giám sát thương mại ở các khu vui chơi. Chọn Disneyland làm điểm đến, tôi kiên nhẫn chờ đợi, quan sát.
Mọi sự cứ lặng lẽ trôi nếu như không có cảnh nao lòng và buốt dạ. Một du khách bị tống cổ ra khỏi vị trí cuối cùng khi chuẩn bị được dạo chơi để hàn huyên cùng chị hằng. Người phụ trách giám sát trưng ra bằng chứng là một hình ảnh. Ban đầu, vị khách ấy đứng sau khoảng 8 người khách Tây và 4 trẻ em trong nước (có lẽ là người Hồng Kông hay Trung Quốc). Nhưng hình ảnh ghi nhận từ camera cho thấy anh ta đã len lỏi hai lần để tiến hơn 12 bậc để được lên sớm. Hành vi ấy được thực hiện bằng cách khều người phía trước để ra hiệu tìm người quen, nhưng rồi khi đến vị trí mới, anh ấy lại “sorry” để tiếp tục thực hiện. Và người cuối cùng tìm được cũng không phải người quen.
“Sorry, turn back please”. Câu hỏi “Anh đến từ VN?” cất lên bởi giọng lơ lớ của cô nhân viên giám sát làm tôi điếng người. Cái đau như vọng từ tiềm thức về hành vi công cộng bị xem thường hay sự xem thường chính mình của người Việt?

Và một chuyện xấu nữa có thể kể đến là việc đi mua sắm. Người Việt đi du lịch và mua sắm nhưng gần như không có nhiều kiến thức về hàng hóa. Do đó khi mua sắm, nhiều người đã trở thành “trưởng giả học làm sang”, mua sắm vô tội vạ, đua nhau mua theo kiểu “anh có gì ả có đó”, khi mua, lấy hàng chọn hàng vứt bừa bãi lộn xộn, bới tung cả lô hàng... chưa kể chuyện “rình” để ăn cắp vặt.
Tháng 6/2013, một bức ảnh chụp biển cảnh cáo hành vi ăn cắp vặt có in tiếng Việt (dưới là dòng chữ dịch sang tiếng Nhật) gây xôn xao. Tấm biển cảnh cáo có nội dung: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức”.
Tiếng xấu ngày càng lan truyền mạnh mẽ
Tất nhiên không thể đánh đồng tất cả người VN đều mang những "tật" trên, nhưng đó cũng là một bộ phận không nhỏ. Và trong mắt không ít người ngoại quốc, nhiều trường hợp khách du lịch VN đã trở thành "con sâu làm rầu nồi canh". Những tiếng xấu về ứng xử thiếu văn hóa của người VN ngày càng lan truyền mạnh mẽ. Sự thụt lùi về văn hóa đang trở thành một tệ nạn lớn đối với thế hệ trẻ của đất nước. Đầu tiên chỉ là sự thiếu tôn trọng cá nhân nhưng sau đó sẽ thành sự thiếu tôn trọng, phân biệt đối xử cho quốc thể. Thử hỏi, với những tiếng xấu về văn hóa đó, làm sao thế hệ trẻ có đủ tự tin để hòa nhập và phát triển đất nước?
Tính cách có một phần yếu tố di truyền, song một phần lớn khác là do ảnh hưởng của sự giáo dục (trong gia đình, nhà trường) và môi trường xã hội tác động đến. Do đó, tính cách ấy không thể bất biến được. Muốn thay đổi tính cách, con người cần phải đặt trong môi trường nhất định. Nếu như trong một cộng đồng, một xã hội được thắt chặt kỷ cương, đạo đức xã hội, pháp luật nghiêm minh, người thực thi pháp luật không nể nang bất cứ ai, tạo ra xã hội thực sự dân chủ, minh bạch thông tin thì những thói xấu như tham ăn, háo danh, sĩ diện, tùy tiện... sẽ khó có đất mà tồn tại.
Ngoài ra, xã hội cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ về việc chống lại các thói quen xấu đã, đang và có xu hướng được hình thành. Bản thân mỗi cha mẹ cần là một tấm gương sáng để con cái noi theo. Nhà trường cần chú trọng khâu rèn luyện đạo đức, nếp sống, thói quen cho trẻ. Bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường và gia đình cần dạy dỗ nhiều hơn về văn hóa giao tiếp và ứng xử. Có như vậy mới góp phần đưa văn hóa VN trở thành một điểm sáng trong mắt bạn bè thế giới.
Theo Thanh niên

Mỗi tháng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 2 tỷ USD

HÀ ANH-12:09 11/08/2014
BizLIVE - Theo một nguồn tin từ Bộ Công thương, tính đến hết tháng 7/2014, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 14,83% so với cùng kỳ năm ngoái

 Mỗi tháng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 2 tỷ USD   Ảnh minh họa.


Như vậy, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, lên đến 14,56 tỷ USD, trung bình mỗi tháng kim ngạch nhập siêu là 2,08 tỷ USD/tháng.

Trong năm 2013 vừa qua, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đã lên tới 36,95 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm 2012.

Theo Bộ Công thương, khả năng trong năm nay tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ vượt lên mức 40 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2013.

Hiện, trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, có đến 22 nhóm hàng phải nhập khẩu từ thị trường này đáp ứng 20 - 70% nhu cầu hàng nhập khẩu trong nước. Trong đó có 10 nhóm hàng có thể coi Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc khi thị trường này đáp ứng hơn 40% nhu cầu như: Điện thoại các loại và linh kiện (nhập để xuất là chủ yếu – nhập từ Trung Quốc đến 79% nhu cầu); Nguyên phụ liệu dược phẩm (59,4% từ Trung Quốc); Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (58%); Sắt thép các loại (57,6%); Thuốc trừ sâu và nguyên liệu (54,6%); Khí đốt hóa lỏng (52,3%)...

Trong 7 tháng đầu năm 2014, có 5 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trở lên, với cùng kỳ 2013 chỉ có mặt hàng máy tính linh kiện điện tử giảm 5,21%, kim ngạch đạt 2,35 tỷ USD; còn những nhóm hàng khác đều tăng khá cao.

Trong đó, đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu là máy móc thiết bị, với kim ngạch đạt 4,23 tỷ USD, tăng 26,6%; điện thoại linh kiện đạt 3,28 tỷ USD; tăng 5,23%; vải các loại tăng 23,05%, đạt 2,63 tỷ USD; sắt thép các loại cũng tăng 20,81%, đạt 1,74 tỷ USD…

Trong thời gian vừa qua, sau một số tác động từ biến động trên Biển Đông có ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đã có một số ý kiến trái chiều xung quanh việc trả đũa thương mại của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, tác động này sẽ không nhiều và không lớn. Nguyên do, quan hệ giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc đang mang lại thặng dư thương mại cho Trung Quốc hơn 12% tổng thặng dư thương mại hàng năm của Trung Quốc.

Ngoài ra, quan hệ thương mại với Trung Quốc chủ yếu là khối tư nhân, khối doanh nghiệp nhà nước bị tác động nếu có sẽ rất hạn chế, trong khi tác động đến khối FDI có thể xảy ra nhưng xác suất nhỏ và tác động cũng không lớn.

Mặt khác, Việt Nam đã và đang chủ động tìm và mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tìm nguồn nguyên vật liệu, phụ liệu từ các thị trường mới (có thể) để nhập khẩu thay thế, giảm dần sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc.

Kêu gọi Mỹ ra điều kiện bán vũ khí sát thương cho Việt Nam

* Bán vũ khí phải đi đôi với cải thiện nhân quyền

HÀ NỘI (NV) .- Mười tổ chức xã hội dân sự Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ đòi nhà cầm quyền CSVN đưa ra lộ trình rõ ràng về cải thiện nhân quyền để có thể được bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương.

 Nghị sĩ John McCain trả lời các câu hỏi của đám ký giả báo đài nhà nước CSVN tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 8/8/2014. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Một bức thư chung của 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập, gồm 9 tổ chức trong nước và một tổ chức hải ngoại, được 4 đại diện trao cho hai nghị sĩ Mỹ khi họ đến Hà Nội. Hai nghị sĩ John McCain và Sheldon Whitehouse, tuần vừa qua, thảo luận với nhà cầm quyền Việt Nam về quan hệ giữa hai nước trong đó có các vấn đề đàn áp nhân quyền của Việt Nam và Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam.

Trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 8/8/2014, nghị sĩ John McCain cho hay rất có thể lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam được Hoa Thịnh Đốn gỡ bỏ dần dần và sớm là từ tháng 9 tới đây. Ông cho hay Việt Nam có một số tiến bộ về nhân quyền và muốn thấy tiến trình này cải thiện nhanh hơn nữa.

Bức thư của 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập bày tỏ sự quan ngại về việc nhà cầm quyền CSVN đạt được mục đích là được Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương trong khi vẫn siết chặt nhân quyền ở trong nước. Nó cũng tương tự như chuyện xảy ra nhiều năm trước khi Hà Nội trả tự do cho một số người để Hoa Kỳ bật đèn xanh cho gia nhập Tổ chức Thương Mại thế Giới (WTO), sau đó siết nhân quyền bạo hơn.

“Mặc dù chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh những nỗ lực trên trường quốc tế nhằm thể hiện sự tán dương của họ đối với các quyền con người bằng cách tham gia Công ước Liên hợp quốc về Chống tra tấn và giành được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thành tích nhân quyền của Việt Nam vẫn nghèo nàn, nếu không muốn nói là còn tệ hơn.” Bức thư nói trên nhận định về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Bức thư nêu ra để chứng minh cho nhận định của mình rằng “Trong 12 tháng qua, chính phủ Việt Nam đã tiếp tục thi hành những đạo luật an ninh quốc gia mơ hồ, chẳng hạn như Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự, để bắt bớ và cầm tù nhiều hơn những blogger, nhà báo, nhà vận động pháp lý, các nhà hoạt động nhân quyền và quyền của người dân tộc thiểu số. Cùng với việc bịt miệng các tiếng nói bất đồng, con số người chết vì những hành động hung bạo của cảnh sát cũng gia tăng,  thường xuyên có các vụ đàn áp các tổ chức tôn giáo phi nhà nước và tiếp tục có những sự sách nhiễu và đe dọa đối với các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.”

Bức thư nhận thấy rằng “Một điều rõ ràng là Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn giữa những lời hứa long trọng về nhân quyền trên trường quốc tế và việc thực thi chúng ở cấp quốc gia.”

Tình trạng nói một đàng làm một nẻo về thực thi nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam được nhìn thấy dễ dàng qua những bức thư tố cáo (phổ biến trên internet) của các cá nhân và tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam khi bị lực lượng công an CSVN khủng bố bằng đủ mọi hình thức.

Các tổ chức nói trên khuyến cáo rằng, việc nhà cầm quyền trả tự do cho một vài cá nhân bị cầm tù bất công không có nghĩa là nhân quyền tại Việt Nam đã cải thiện. Cho nên, nếu không đặt vấn đề rõ ràng thì nhà cầm quyền CSVN vẫn “mơ hồ, không rõ ràng trong kế hoạch giải quyết những vấn đề nhân quyền đang tồn tại. Vì vậy, một bước thụt lùi về nhân quyền là hoàn toàn có thể xảy ra một khi chính phủ đạt được các mục tiêu chính trị của họ”.

Trước những âu lo đó, các tổ chức xã hội dân sự độc lập thúc giục Quốc hội Hoa Kỳ, “trước khi bán bất cứ vũ khí nào cho Việt Nam, yêu cầu Việt Nam đặt ra một lộ trình rõ ràng với những hành động cụ thể và đo lường được trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách về nhân quyền.”

* Trả tự do cho tù nhân lương tâm

Theo luật, các quyết định bán võ khí cho nước ngoài của chính phủ Hoa Kỳ phải được Quốc hội biểu quyết chấp thuận. Bức thư kêu gọi Quốc hội Mỹ buộc CSVN “bãi bỏ các quy định mơ hồ về an ninh quốc gia, tôn trọng các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam hiện nay, trong đó bao gồm cả 25 người trong danh sách kèm theo thư này.”

Hai mươi lăm người ưu tiên được đề nghị Hoa Kỳ buộc CSVN trả tự do như bà Bùi Thị Minh Hằng, sinh viên Đinh Nguyên Kha, Đoàn Huy Chương (hoạt động bảo vệ công nhân), ông Đỗ Nam Trung (thành viên Hội Anh Em Dân Chủ) tín đồ Hòa Hảo Dương Thị Trọn, LS Lê Quốc Quân, Lê Thị Phương Anh (hoạt động nhân quyền), bà Mai Thị Dung (tín đồ Hòa Hảo), Ngô Hào (vận động nhân quyền), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (bảo vệ công nhân), Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm, nhà báo độc lập), bà Nguyễn Thị Minh Thúy (cộng tác viên của nhà báo Ba Sàm), cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (vận động nhân quyền), Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Nguyễn Văn Lía (tín đồ Hòa Hảo), LM Nguyễn Văn Lý (vận động dân chủ), Nguyễn Văn Minh (Hòa Hảo), Phạm Minh Vũ (Anh Em dân Chủ), Phạm Viết Đào (Blogger), Phan Văn Thu  (tự do tôn giáo), Tạ Phong Tần (blogger), Trần Huỳnh Duy Thức (vận động dân chủ), Trần Vũ Anh Bình (nhạc sĩ), Trương Duy Nhất (blogger) và Võ Minh Trí (nhạc sĩ Việt Khang).

Mười tổ chức cùng ký tên trong bức thư gồm có  Diễn đàn Xã hội Dân sự, Hội đoàn kết công nông Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ,  Hội Bầu Bí Tương Thân, No-U FC Hà Nội, No-U FC Sài Gòn, Một nhóm các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo miền Tây, Phong trào Con đường Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại (VOICE).

Những tháng gần đây, người ta thấy khá nhiều tin tức đề cập đến vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Tân đại sứ đề cử, Ted Osius cũng cho rằng đến lúc nên bỏ lệnh cấm này khi ra điều trần tại Quốc Hội hồi tháng 6 vừa qua. (TN)

08-11- 2014 5:54:23 PM
Theo Người Việt

ASEAN và tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông

Đề nghị của phía Mỹ là phải ngưng tất cả mọi hoạt động, mọi leo thang trên Biển Đông. Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Hội nghị Ngoại trưởng khối 10 nước ASEAN lần thứ 47-AMM47. Đề nghị của phía Mỹ là phải ngưng tất cả mọi hoạt động, mọi leo thang trên Biển Đông. AFP
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2014-08-11
Các diễn tiến giữa khối ASEAN và các nước đối tác tại một loạt những cuộc gặp gỡ ở thủ độ Naypyitaw, Miến Điện trong ba ngày 8,9 và 10 tháng 8 vừa qua có ý nghĩa gì đối với tình hình trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Gia Minh hỏi chuyện tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, về một số nhận định liên quan. Trước hết ông có đánh giá những mặt mà ông cho là thuận qua các hội nghị vừa rồi:
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: Điều thuận mà tôi cho là quan trọng nhất đó là các ngoại trưởng ASEAN và các đối tác kêu gọi phải kiềm chế trên Biển Đông mà lời kêu gọi phải kiềm chế trên Biển Đông nhằm gửi đến Trung Quốc, mặc dù ông Vương Nghị nói rằng Biển Đông vẫn bình yên. Nhưng nếu nhìn Biển Đông trong hai tháng qua thì không ai có thể tin rằng Biển Đông bình yên được. Cho nên tôi cho rằng điều mà các ngoại trưởng ASEAN nói khác ông Vương Nghị là điều thuận chỉ rõ tình hình. Điểm nhỏ trong điều thuận này là ASEAN gắn Biển Đông với hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng quan trọng vì điều này muốn gửi đến cho Trung Quốc thông điệp rõ ràng không những không ai tin rằng Biển Đông trong hai tháng qua là yên ổn như Trung Quốc nói, mà từ nay nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ vi phạm vào hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải; tức Trung Quốc không chỉ gây hấn với Việt Nam mà gây hấn với toàn khu vực. Thông điệp đó rất rõ và qua thông điệp đó cũng thấy rằng nhờ giàn khoan mà ASEAN đoàn kết hơn. Phải nói là hiếm hoi ASEAN mới đưa ra được một tuyên bố như thế nếu như chúng ta nhớ lại năm 2012 ASEAN không ra được tuyên bố chung vì vấn đề Biển Đông bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự.
Thông điệp rõ ràng không những không ai tin rằng Biển Đông trong hai tháng qua là yên ổn như TQ nói, mà từ nay nếu TQ tiếp tục gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ vi phạm vào hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải; tức TQ không chỉ gây hấn với Việt Nam mà gây hấn với toàn khu vực
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng
Điểm thứ hai có thể gọi là thuận là các ngoại trưởng ASEAN cũng như các ngoại trưởng đối tác đề nghị giải pháp sắp tới đây cho Biển Đông vẫn phải dựa vào UNCLOS- Công ước về Luật Biển năm 1982. Đó cũng là căn cứ mà bản thân ông Vương Nghị cũng phải cam kết là là rồi đây Trung Quốc sẽ hiệp thương để đi đến CoC vào cuối năm.
Thứ ba là cả trong và ngoài hội nghị, bên trong hội nghị quan hệ Việt- Mỹ có chuyển biến rất tích cực. Về nội dung thì trong tuyên bố nói hết rồi, tôi chỉ muốn bình luận một động tác về cái bắt tay của hai ông ngoại trưởng Việt Nam và Mỹ thôi. Chúng ta thấy đây là cái bắt tay rất hiếm hoi trong ngoại giao, có thể nói là một cái bắt tay trong ngoại giao không thông thường. Ông Kerry với ông Minh bắt tay một kiểu rất lạ: ông Minh vẫn ngồi ( mắt chớp chớp) giơ tay phải, còn ông Kerry giơ tay trái, không phải bắt mà hai tay nhập vào nhau như hai tuổi teen gặp nhau ngoài đường.
Gia Minh: Hẳn cũng có những điều không thuận, đó là những điểm nào?
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: Đương nhiên cuộc đời không có gì là một mặt cả. Bân cạnh những mặt thuận như thế thì cũng thấy có một vài những chuyển động trái chiều. Điển hình nhất theo tôi, thông cáo chung bên cạnh việc bày tỏ lo ngại chưa từng thấy của ASEAN và của đối tác đối với hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, đó là bước tiến và bên cạnh bước tiến đó có bước lùi là AMM 47 không thảo luận đề xuất của phía Mỹ.
Đề nghị của phía Mỹ là phải ngưng tất cả mọi hoạt động, mọi leo thang trên Biển Đông. Thế nhưng đề nghị này không được AMM thảo luận. Bước lùi này còn thể hiện đậm trong tuyên bố của ông tổng thư ký ASEAN. Phải nói tuyên bố của ông tổng thư ký ASEAN gây sốc ở hai điểm. Điểm thứ nhất, ông tổng thư ký nói vấn đề ở đây ( tức thảo luận đưa ra vấn đề, biện pháp) không phải vấn đề của ASEAN. Vì tổ chức này theo ông tổng thư ký nói đã có những cam kết với Trung Quốc trước, và trong các hoạt động từ năm 2002 ( thời điểm ký DoC). Theo tôi nếu Trung Quốc cam kết những điều đã ký thì làm gì có vụ giàn khoan; nhưng ông tổng thư ký nói có cam kết như thế nên không bàn.
Đề nghị của phía Mỹ là phải ngưng tất cả mọi hoạt động, mọi leo thang trên Biển Đông. Thế nhưng đề nghị này không được AMM thảo luận...Phải nói tuyên bố của ông tổng thư ký ASEAN gây sốc ở hai điểm. Điểm thứ nhất, ông tổng thư ký nói vấn đề ở đây không phải vấn đề của ASEAN
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng
Điểm sốc thứ hai trong tuyên bố của ông tổng thư ký là các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông chỉ có thể được giải quyết giữa các bên có liên quan. Điều này gây sốc vì vô hình chung nó đẻ ra hai hệ lụy rất lớn. Hệ lụy thứ nhất là phụ họa với quan điểm lâu nay của Trung Quốc, hổ trợ cách tiếp cận song phương của Trung Quốc. Trung Quốc chỉ muốn bẻ ASEAN thành từng chiếc trong một bó đũa để dùng slợi thế song phương để ép. Thứ hai ông vô hiệu hóa cách tiếp cận đa phương, khi mà rồi đây ASEAN ngồi bàn với Trung Quốc, đó là tiếp cận đa phương, Nếu chỉ có các nước có tranh chấp không thôi thì vấn đề khác đi. Vả lại tương lai liên quan đến cả Biển Đông Nam Á, chứ không chỉ có Biển Đông, cả những đi lại, tự do hàng hải trên Biển Đông và an ninh, an toàn hàng hải chứ không chỉ có vấn đề các đảo.
Điểm lùi của tổng thư ký càng nghiêm trọng trong bối cảnh khi Mỹ đề nghị phải kiềm chế mà Trung Quốc gạt đi và Trung Quốc có thể làm bất cứ cái gì trên Biển Đông mà Trung Quốc muốn.
Điểm thứ ba tôi cho là một điểm tiêu cực chứ không hẳn là điểm lùi tức quan hệ Trung-Mỹ vẫn căng thẳng. Chúng ta biết trong cuộc gặp AEF cấp cao vào tháng 11 có thể có cuộc gặp cấp cao ông Tập, ông Obama, nhưng chủ động của Mỹ ở AES và đặc biệt ở ARF thì thể hiện sự can dự sâu hơn của Mỹ vào những vụ lộn xộn trong khu vực. Trung Quốc đơn phương leo thang trong vấn đề xác định chủ quyền, còn Mỹ thì đề nghị ‘đóng băng’ và ngưng leo thang.
Đó là những điều mà tôi cho là trái chiều với những điểm thuận khi nhìn về lợi ích của Việt Nam.
Gia Minh: Tại Naypyitaw, Trung Quốc nói vẫn kiên quyết chủ quyền và bảo vệ các quyền lợi, nhưng lại chờ đợi ý kiến để ký kết CoC, qua cách nói như thế thì họ sẽ có điều chỉnh như thế nào trên các biển mà họ gây ra căng thẳng lâu nay?
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: Tôi cho rằng lập trường của Trung Quốc là hai mặt. Hai mặt nhưng phản ánh một bản chất hung hãn và lập trường cố hữu của Trung Quốc, và chưa có dấu hiệu gì thay đổi trong lập trường của Trung Quốc đối với Việt nam cũng như đối với ASEAN, cũng như đối với vấn đề lớn hơn là hòa bình, an ninh khu vực.
Lập trường của Trung Quốc như thế nào thì mọi người rõ rồi; nhưng ở đây ta chú ý là khi Trung Quốc tuyên bố sẽ hiệp thương để tiến đến CoC cuối năm nay; ta thấy Trung Quốc chỉ nói hiệp thương thôi chứ không phải đàm phán vì giữa hiệp thương và đàm phán còn có khoảng cách.
Mặt khác Trung Quốc nói hiệp thương nhưng đồng thời cũng tuyên bố có thể làm bất cứ điều gì trên Biển Đông nếu Trung Quốc muốn. Trên thực tế, tôi thấy Trung Quốc họ hành động đúng theo hướng đó thật.
Gia Minh: Cám ơn Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng về những nhận định mà ông vừa đưa ra.

Tại sao Đảng viên không tin Trung Quốc?

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2014-08-11
000_Del6225316.jpgChủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 năm 2013- AFP photo
Mối quan hệ VN và TQ thường được lãnh đạo cả hai phía ví như môi với răng.
Trong giai đoạn 1949-1975, TQ đã giúp VN rất nhiều về nhân lực và của cải; đặc biệt là về mặt trang bị quân sự trong các cuộc chiến tranh ở VN trong giai đoạn 1955-1975 với mục đích nhằm bành trướng ý thức hệ CS xuống phía nam.
Tuy nhiên mối quan hệ đó đã trải qua nhiều thăng trầm, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979, và năm 1980 Hiến pháp VN đã ghi rõ và khẳng định TQ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm.
Gần đây, trong Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN của 61 đảng viên kỳ cựu có đoạn viết rằng: "Lãnh đạo đảng và nhà nước cần thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc  lập, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc".
Đánh giá về mối quan hệ Việt – Trung, Đại tá Phạm Xuân Phương nguyên sĩ quan cao cấp thuộc Tổng cục Chính trị, người đã ký tên trong Thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng CSVN thấy rằng: quan hệ VN-TQ hết sức phức tạp, cho dù TQ đã giúp VN rất nhiều, song sự giúp đỡ của họ đều nằm trong sự tính toán trong mưu đồ hòng thôn tính để thống trị VN. Theo ông, hiện nay mối quan hệ này đang xấu đi, khi TQ đang tiến hành chính sách gặm nhấm dần dần, để thực hiện một cuộc chiến tranh không tuyên bố đối với VN dưới nhiều hình thức.
Trung Quốc đã thực hiện một cuộc chiến không tuyên bố nhằm mục đích áp đặt và buộc Việt Nam phải khuất phục, đó là điều rõ như ban ngày.
- Đại tá Phạm Xuân Phương
Từ Hà nội, Đại tá Phạm Xuân Phương nói với chúng tôi:
“Trung Quốc đã thực hiện một cuộc chiến không tuyên bố nhằm mục đích áp đặt và buộc Việt Nam phải khuất phục, đó là điều rõ như ban ngày. Cho nên là chúng tôi cũng đã nhận thức một cách tỉnh táo, minh bạch rõ ràng rằng tình hình quan hệ giữa VN và TQ đang xấu đi một cách nghiêm trọng và nguy hiểm.”
Đại tá Nguyễn Đăng Quang, một sĩ quan công an đã nghỉ hưu và là người vừa ký trong Thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng CSVN cho rằng: trên thực tế mối quan hệ VN-TQ đã có nhiều biểu hiện phức tạp và không tin tưởng lẫn nhau. Trước 1975 vũ khí khí tài từ Đông Âu chuyển sang VN khi đi qua TQ đã bị phía TQ tịch thu một số thiết bị quan trọng, hay việc VN yêu cầu TQ rút binh lính và thiết bị quân sự ra khỏi Bắc VN, từ Lạng sơn đến Bắc giang là những ví dụ. Sau năm 1975 thì quan hệ đó đã trở nên vô cùng xấu, vì TQ không hài lòng với việc VN thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là cuộc chiến Biên giới phía Bắc năm 1979. Từ năm 1990 khi hệ thống XHCN tan rã ở Đông Âu, buộc VN một lần nữa phải quay trở lại làm bạn với TQ.  Song theo ông đó là mối quan hệ bất bình đẳng và TQ đã không ngừng có các hành động gây hấn vi phạm chủ quyền của VN.
Từ Hà nội, Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói:
“Người VN luôn luôn nghi ngờ và cảnh giác với TQ, vì TQ không bao giờ từ bỏ âm mưu xâm chiếm VN. Hiện nay quan hệ giữa Trung quốc và Việt nam là rất xấu và điều này khó mà có thể giữ ổn định được trong quan hệ giữa hai nước”
Khi được hỏi lý do gì và nguyên nhân vì sao các đảng viên CS Việt nam đã không tin tưởng người đồng chí TQ, vốn là người đồng chí có cùng ý thức hệ CS?
Đại tá Phạm Xuân Phương thấy rằng thực tiễn lịch sử đã cho thấy những người cộng sản Trung quốc đã phạm phải rất nhiều sai lầm. Trong Đại cách mạng Văn hóa đã cho thấy tình đồng chí trong trong đảng CSTQ đã không còn, khi họ thẳng tay tiêu diệt lẫn nhau. Không những thế các hành động trên thực tế của chính quyền TQ đối với các quốc gia cùng ý thức hệ CS cũng không được họ tôn trọng và họ sẵn sàng gây chiến để thỏa mãn tham vọng bành trướng. Do đó theo ông không thể nói là TQ có cùng ý thức hệ cộng sản được.
Từ Hà nội, Đại tá Phạm Xuân Phương cho biết:
“Khi họ công khai điều quân đánh Liên xô, thành trì của cách mạng thế giới, công khai điều quân đánh Việt nam và họ công khai ủng hộ bọn Polpot - kẻ thù diệt chủng của nhân loại tiến bộ, thì làm gì họ còn ý thức hệ với chúng tôi nữa?”
Thế giới đã thay đổi
Đại tá Nguyễn Đăng Quang thấy rằng trên thực tế đã không ít người đã có nhận thức sai lệch, cho rằng lý do VN và TQ cùng chung ý thức hệ Cộng sản thì sẽ không có thể có việc TQ có các ý đồ xấu và âm mưu thôn tính VN. Theo ông, nên hiểu Trung Quốc luôn là đối tượng nguy hiểm, do vậy suy nghĩ nêu trên là sai lầm, song đáng tiếc nó là điều phổ biến thường thấy, đặc biệt là ở các lãnh đạo Đảng CSVN.Đại tá Nguyễn Đăng Quang cho chúng tôi biết:
“Dù chính quyền TQ đó là phong kiến, tư sản hay cộng sản thì họ cũng không từ bỏ và thay đổi ý đồ thôn tính VN là không thay đổi. Thực tế lịch sử đã chứng minh các nước CS đánh nhau nhiều chứ, ý thức hệ đâu có thể ngăn chặn được chiến tranh giữa hai quốc gia đâu? Tôi cho đó là cái ảo tưởng, cái không tưởng và là cái viển vông”.
Thế giới đã thay đổi, song họ vẫn cứ nghĩ rằng thế giới không thay đổi, họ cứ nghĩ TQ và VN có cùng ý thức hệ. Đó là họ nhầm, không có đâu.
- Đại tá Phạm Xuân Phương
Nói về lý do vì sao đa số các Đảng viên Đảng CSVN đã không tin tưởng và yêu cầu Đảng CSVN từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng để thoát khỏi Trung Quốc. Đại tá Phạm Xuân Phương thấy rằng: cần phải hiểu thế giới đã thay đổi, mọi lý luận và các quan điểm cũ của Đảng đã trở nên lạc hậu và giáo điều. Thực tiễn đã chứng minh các sai lầm của các quan điểm vốn được coi là nguyên tắc bất di bất dịch của Chủ nghĩa Cộng sản.
Đại tá Phạm Xuân Phương cho chúng tôi biết:
“Chúng tôi không tin tưởng vì thực tế đã diễn ra không như họ dạy chúng tôi, họ dạy chúng tôi nhiều lắm chứ. Họ dạy chúng tôi về tinh thần quốc tế vô sản, về Chủ nghĩa Marx-Lenin, họ dạy chúng tôi nhiều thứ lắm. Nhưng thực tế diễn biến theo sự cảm nhận của chúng tôi không phải là như vậy. Thế giới đã thay đổi, song họ vẫn cứ nghĩ rằng thế giới không thay đổi, họ cứ nghĩ TQ và VN có cùng ý thức hệ. Đó là họ nhầm, không có đâu.”
Người ta nói "Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn", đó là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam sửa đổi các sai lầm từ trong quá khứ.

Trung Quốc: gieo gió rồi chặn bão

Vì sao kinh tế Trung Quốc khó tránh được khủng hoảng?

Khi một tổ chức lạc quan kinh niên như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF - lạc quan vì không dự báo được nhiều vụ khủng hoảng kinh tế đã qua - mà lại vừa cảnh báo vào Tháng Bảy về nguy cơ “hạ cánh nặng nề” của kinh tế Trung Quốc, thì ta nên chú ý đến tin tức khí tượng kinh tế: Giông bão kinh tế xứ này có thể nổi lên từ nay đến năm 2020.

Khi các chuyên gia quốc tế đều đổi vui thành buồn mà nói về nguy cơ khủng hoảng sắp tới tại Trung Quốc, tất nhiên là lãnh đạo Bắc Kinh cũng phải biết. Họ còn biết được và nói ra những gì phải làm để thoát khỏi cơn chấn động ấy. Nhưng, vì kinh tế cũng là chính trị - nội dung của cột báo định kỳ này - họ biết mà làm không nổi.

Ác nghiệp kinh tế cũng là một quy luật!

Nói nôm ra, đã gieo gió rồi thì khó chặn bão - mà chỉ có thể gặt. Mùa gặt thảm khốc đang bắt đầu....

 ***

Quý độc giả không có nhiều thời giờ, mà cột báo này cũng chẳng là một cuốn sách, nên xin... vèo trông lá rụng đầy sân:

Sáu năm trước, tổ hợp đầu tư Lehman Brothers sụp đổ vào Tháng Chín năm 2008 và thổi lên vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Khi đó, tổ hợp Lehman đứng hạng bốn trong các ngân hàng đầu tư Mỹ, đang quản lý một số tài sản trị giá khoảng 640 tỷ Mỹ kim, bằng 5% tổng sản lượng Mỹ. Ngày nay, tài sản do ngân hàng đứng hạng thứ tư của Trung Quốc đang quản lý lại trị giá 25% tổng sản lượng Trung Quốc. Mà ngân hàng BOC này đứng sau ICBC, CCB và ABC: tài sản của bốn ngân hàng ấy lớn bằng 60% tổng sản lượng GDP của kinh tế Trung Quốc.

Người không biết đếm thì trầm trồ ngợi khen kinh tế Trung Quốc đã lớn như thổi trong mấy chục năm và vượt mặt kinh tế Anh, rồi Ðức rồi Nhật để nay mai sẽ bắt kịp Hoa Kỳ. Người biết đếm thì biết lo vì không đếm ra phần nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, thuộc diện bí mật quốc gia. Bí mật đến nỗi lãnh đạo Bắc Kinh cũng không biết luôn!

Người không biết đếm thì nói đến khối dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh, nay lên tới bốn ngàn tỷ đô la. Nếu kể thêm lượng vàng dự trữ trong công khố - một bí mật quốc gia khác - được ước lượng khoảng bốn ngàn năm trăm tấn, trị giá gần 200 tỷ đô la tính theo giá hiện hành, thì Bắc Kinh có đủ vốn dằn lưng để vượt qua sóng gió.
Người biết đếm thì biết lo hơn vậy.

Qua ba thập niên, kinh tế Trung Quốc thuộc diện “uống sâm để đạp xe hai bánh cho mạnh.” Xe chạy chậm là đổ. Ðó là chiến lược ráo riết đầu tư để tìm tốc độ tăng trưởng cao và sản xuất dư thừa thì xuất cảng bằng mọi giá để thu về ngoại tệ cho nhà nước. Nhưng kinh tế chính trị học Trung Quốc khiến lãnh đạo và tay chân thì uống sâm, còn dân đen và các doanh nghiệp tư nhân thì đạp xe chết bỏ. Kinh tế học gọi đó là hiện tượng “tầm tô,” rent seeking, là những kẻ có ưu thế chính trị và kinh doanh thì khai thác ưu thế đó cho mình, qua chánh sách và luật lệ đầy lệch lạc.

Ưu thế ấy không tạo ra những của cải có giá trị cho quốc dân trong trường kỳ mà chỉ đem lại đặc lợi cho một thiểu số ở trên. Ðó là chuyện gieo gió.

Khi Mỹ bị khủng hoảng từ vụ Lehman và hàng loạt cơ sở tài chánh và bảo hiểm khác, kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm 2008-2009. Ðấy là lúc Bắc Kinh lại rót sâm nữa: gia tăng công chi và bơm thêm tín dụng qua hệ thống ngân hàng của nhà nước cho các doanh nghiệp của nhà nước cùng các công ty đầu tư của các chính quyền địa phương, tức là vẫn của nhà nước. Nếu có gì lọt xuống dưới thì tư nhân còn được hưởng, nhưng đa số thì phải vay lại, hoặc vay chui với giá đắt hơn và bị nhiều rủi ro hơn.

IMF thì đếm là từ 2008 đến 2013, tổng số tài trợ tăng bằng 73% của tổng sản lượng và xác nhận rằng con số thật có thể cao hơn. Nhiều tổ hợp đầu tư hay cơ quan nghiên cứu thì nói đến 100%, tăng gấp đôi tổng sản lượng. Tổng sản lượng đó nay ở khoảng chín ngàn tỷ đô la: trong năm năm, Trung Quốc đã rót sâm trị giá chín ngàn tỷ! Gấp đôi liều thuốc bổ của Mỹ.

Con số thật có khi còn vĩ đại hơn: Tháng Năm vừa qua, công ty đầu tư Hoisington Investmnent Management Company tại Hoa Kỳ ước tính là tổng số dư nợ của tư nhân và nhà nước Trung Quốc lên tới 420% tổng sản lượng 2013, so với 320% vào năm 2008.

Người biết đếm vì theo dõi tin tức khí tượng kinh tế còn chỉ ra một quầng mây đen khác: khi đầu tư và tín dụng tiếp tục đổ ra thì phần tiêu thụ nội địa lại giảm. Từ 40% tổng sản lượng - con số quá thấp - nay chỉ còn chừng 36%, thậm chí 34%. Người uống sâm và kẻ đạp xe là vậy, nếu ta so sánh với tiêu thụ tại Mỹ (70%), Nhật (61%) hay Nam Hàn (52%).

Bây giờ, hãy nói đến trận bão.

Lãnh đạo Bắc Kinh là lương y có tài, hơn người Hà Nội, vì biết kinh tế Trung Quốc cần phương thuốc vừa “bổ” vừa “tả,” vừa tăng trưởng vừa sửa sai thì mới phát triển. Sai thì rất nhiều và họ có nói tới từ năm 2003, từ 10 năm trước. Nhưng sửa không được vì đụng vào thực chất “tầm tô.” Cải sửa là thu hẹp quyền lợi của thiểu số ở trên. Vì vậy, chỉ có bổ mà chẳng có tả và kinh tế lâm bệnh.

IMF nhẹ nhàng nói theo ngôn ngữ ngoại giao, rằng kinh tế Trung Quốc đang là mạng lưới rủi ro (web of vulnerabilities) trùm lên năm khu vực là địa ốc, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các ngân hàng và hệ thống ngân hàng chui shadow banking. Mà muốn đẩy lui giông bão thì phải trả lại nợ và chấn chỉnh lại sổ sách chi thu, tức là chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn.

Nhưng, dù Nghị Quyết Ba của Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương đã nói ra nhu cầu cải sửa để chuyển hướng từ cuối năm ngoái, qua năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh tiếp tục rót sâm với biện pháp kích thích kinh tế được nói trước là nhỏ nhoi xíu xiu, mà thật ra lại cao hơn dự tính.

Cánh buồm vẫn góp gió để lao vào giông bão.

Vì kinh tế cũng là chính trị, ta có quyền tự hỏi vì sao Bắc Kinh vẫn không chuyển hướng? Có hai cách giải thích đều... nguy như nhau.

Một là lãnh đạo xứ này muốn xoay tay lái mà vẫn thúc thủ vì tay lái đã bị các thế lực hay nhóm lợi ích xiềng vào một hướng - cái hướng có lợi cho họ. Vì thế, Tập Cận Bình mới ra tay diệt trừ tham nhũng và tìm cách thâu tóm lại quyền lực để rồi mới xoay trong tương lai.

Hai là vì chủ quan duy ý chí, lại căn cứ trên cách đếm của mình, Bắc Kinh cho là tình hình chưa đến nỗi nào. Như gánh công trái (nợ của khu vực công) và ngoại trái (nợ ngoại quốc) còn thấp, tiết kiệm của dân còn cao và hệ thống kiểm soát của nhà nước còn có khả năng chặn đường tháo chạy của tư bản, v.v... Cho nên Trung Quốc có thể vững tay chèo trong ít lâu nữa - và tiếp tục gây bão.

Nhưng, điều mà họ thiếu chính là thời gian. Càng trì hoãn thì càng gia tốc cho sóng gió.

Trong khi đó, môi trường quốc tế lại có những rủi ro mới từ Âu Châu, Hoa Kỳ đến Nhật Bản và nhiều nước đang phát triển khác. Khi ngần ấy vấn đề lại dồn làm một, Bắc Kinh không thể chặn bão. Và khác với các vụ khủng hoảng tại Nhật năm 1991, tại Ðông Á năm 1997, tại Âu Châu và Hoa Kỳ năm 2008, một vụ khủng hoảng tại Trung Quốc lần này có thể quạt thẳng vào chế độ...

08-11-2014 6:59:59 PM
Nguyễn-Xuân Nghĩa
 Theo Người Việt

Biển Đông: Trung Quốc cáo buộc Mỹ 'đổ dầu vào lửa'

BẮC KINH (NV) .- Trung Quốc cáo buộc Mỹ cố tình kích động thêm căng thẳng ở Biển Đông khi bác bỏ đề nghị của Hoa Thịnh Đốn kêu gọi các nước dừng tất cả các hành động khiêu khích ở khu vực.


 Tàu hải giám của Trung Quốc (trái) chận đường tài cảnh sát biển Việt Nam muốn tiến đến giàn khoan HD981, ngày 15/5/2014, khi lực lượng hai nước kình chống nhau về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Những lời bình luận của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được đưa ra vào lúc Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) bị che mờ bởi các tranh chấp trên Biển Đông mới xảy ra.

Tại cuộc họp ARF cuối tuần qua, ngoại trưởng Mỹ đề nghị các nước tranh chấp dừng tất cả các hành động xây dựng được nhìn thấy như thách đố các nước khác, nhờ vậy, dễ tiến đến một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) tránh được xung đột võ trang ở khu vực. Tuy nhiên, đề nghị vừa kể gặp sự chống đối thẳng thừng từ Bắc Kinh và nay lại còn đổ vạ ngược lại nữa.

“Một số nước ở ngoài khu vực đang không ngừng kích động căng thẳng...liệu ý đồ của họ có tạo ra khủng hoảng ở khu vực không?” Ông Vương Nghị nói. “Trung Quốc và ASEAN hoàn toàn có thể bảo vệ vững chắc cho hòa bình và ổn định của Biển Đông”.

Lời phát biểu của ông Nghị được phổ biến trên trang mạng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm Thứ Hai 11/8/2014 nhằm đả kích thẳng đề nghị của Mỹ tại diễn đàn ARF. Liên tiếp mấy ngày trước và sau hội nghị ASEAN và các đối tác tổ chức tại thủ đô Miến Điện Nay Pyi Taw, Tân Hoa Xã liên tiếp đưa ra các bài bình luận và phân tích thời sự đả kích kịch liệt các đề nghị giúp giảm căng thẳng Biển Đông của Phi Luật Tân cũng như của Hoa Kỳ.

Trong bài bình luận “Một Biển Đông êm ả không cần kẻ đổ dầu vào lửa”, bài viết của Tân Hoa Xã hôm Thứ Hai 11/8/2014  thuật lại lời phản bác của ngoại trưởng Vương Nghị với đề nghị của ngoại trưởng Mỹ John Kerry là “phản tác dụng” và “phá hoại” dù Trung Quốc gây ra các sự việc đã xảy ra.

Bài bình luận của Tân Hoa Xã đổ lỗi cho Mỹ là “phóng đại” các căng thẳng ở khu vực mà như thế có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực đang diễn ra giữa các bên liên quan nhằm làm cho các cơn sóng lớn trên Biển Đông dịu xuống.

Tân Hoa Xã kêu rằng ngoại trừ những kình chống nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc về vụ giàn khoan Hải Dương HD981 “trong vùng biển của Trung Quốc”, thì “tình hình nói chung ở vùng biển này vẫn ổn định và không có một nguy cơ lớn nào vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

“Bằng cách đổ dầu thêm vào lửa, Hoa Thịnh Đốn xúi giục nhiều hơn nữa những nước như Việt Nam và Philippines có lập trường cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc, làm tăng sự nghi ngờ về ý định thật của Mỹ mà như vậy làm cho một giải pháp thân thiện (giải quyết tranh chấp) khó đạt tới hơn”, Tân Hoa Xã viết.

Từ trước tới nay, Bắc Kinh vẫn tránh né đàm phán về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử để giảm thiểu cơ nguy xung đột võ trang trên Biển Đông, nhưng Tân Hoa Xã viết trong bài bình luận nói trên rằng “Bắc Kinh đang hợp tác với khối ASEAN để hình thành một bộ Quy Tắc Ứng Xử để bảo đảm hòa bình và ổn định cho khu vực, vốn phục vụ lợi ích của tất cả các nước kể cả Hoa Kỳ”.

Trong một bài bình luận khác cũng nhắm đả kích thẳng Hoa Kỳ, Tân Hoa Xã cũng thuật lời ngoại trưởng Vương Nghị bác bỏ lời kêu gọi dừng mọi hoạt động xây dựng tại khu vực Biển Đông.

Theo bản tin của thông tấn xã AFP, một viên chức Ngoại giao cao cấp Hoa kỳ giấu tên hôm Thứ Hai cho hay rằng cuộc họp ARF ở thủ đô Miến Điện đã đi từ “sự mơ hồ của một tiến trình dài hạn” tiến đến một cơ hội “thu lượm sớm sủa các ý kiến”, ám chỉ trao đổi các chi tiết về một bộ Quy Tắc Ứng Xử mà trước đây, không mấy ai nghĩ sẽ có trước sự bất hợp tác của Bắc Kinh.

Viên chức Ngoại Giao Mỹ cho hay thêm là Hoa Thịnh Đốn tiếp tục theo dõi, quan sát khu vực. “Chúng tôi cũng sẽ theo dõi tình hình thực tế ở các bãi đá ngầm, đảo nhỏ ở Biển Đông để có thể xác định xem là các nước tranh chấp có giữ lời hứa đồng thuận mà những bước kêu gọi giảm căng thẳng đã đưa ra.”

Trên diễn đàn ARF tại Nay Pyi Taw, ông Vương Nghị đã lập lại quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền Biển Đông là “không thể lay chuyển” và sẵn sàng đối phó với bất cứ hành động nào đụng chạm tới những cái mà họ gọi là chủ quyền lãnh thổ truyền thống có lịch sử lâu dài dù mới chỉ cướp của các nước khác hồi thập niên 1970 và thập niên 1980. (TN)

08-11- 2014 4:04:47 PM
Theo Người Việt

Khởi tố điều tra viên, kiểm sát viên tạo oan án

SÓC TRĂNG 10-8 (NV) - Hai Điều tra viên của Công an Sóc Trăng bị khởi tố về tội “dùng nhục hình”, còn Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Sóc Trăng bị khởi tố vì  “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.


Ông Thạch Sô Phách (trái) và ông Trần Hol. Họ là hai trong bảy thanh niên bị bắt oan. (Hình: Người Lao Động)

Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao Việt Nam đã tống đạt quyết định khởi tố cho viên thiếu tá tên là Nguyễn Hoàng Quân, viên đại úy tên là Triệu Tuấn Hưng và Kiểm sát viên tên là Phạm Văn Núi.

Cả ba được xác định là phải chịu trách nhiệm trong vụ bắt, giam, đề nghị truy tố oan bảy thanh niên cư trú ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tra tấn buộc họ nhận là thủ phạm và đồng phạm trong một vụ giết người mà họ không hề có liên quan.

Hồi đầu tháng 7 năm ngoái, ông Lý Văn Dũng, 42 tuổi, một người chạy xe ôm, ngụ tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bị giết với 7 nhát dao. Chiếc xe, điện thoại di động và ví của nạn nhân vẫn còn tại hiện trường.

Công an Sóc Trăng xác định vụ án mạng này là do hiềm khích cá nhân và bắt khẩn cấp ông Trần Hol, 28 tuổi vì ông Hol từng có xung đột với nạn nhân. Sau đó công an lần lượt bắt giữ thêm năm người khác là bạn bè của ông Hol gồm: Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc.

Tất cả thú nhận đã cùng nhau giết ông Dũng. Công an còn bắt thêm một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Bé Diễm, tiếp viên của một quán nhậu tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, với lý do “không tố giác tội phạm”.

Nhóm điều tra vụ án này đã hoàn tất “Kết luận điều tra” và được thượng cấp khen thưởng. Họ đã nhận quyết định khen thưởng và chờ nhận hiện kim là tiền thưởng do “thành tích phá án nhanh”.

Đúng lúc này thì có một cô gái tên là Lê Thị Mỹ Duyên, ngụ tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Sài Gòn, đầu thú vì là đồng phạm trong vụ án giết ông Dũng. Cô Duyên cho biết, cô đã cùng cô Nguyễn Kim Xuyến, ngụ tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, giết ông Lý Văn Dũng để cướp tài sản nhưng vụ cướp bất thành. Sau đó cả hai rời Sóc Trăng lên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, cô Xuyến có quan hệ tình cảm với người khác. Cô Duyên quyết định ra đầu thú để cả hai có thể ở bên nhau đến trọn đời trong… tù.

Hệ thống tư pháp đã kiểm tra toàn bộ lời khai của cô Duyên và nhận thấy những lời khai này gần như trùng khớp hoàn toàn với các tình tiết của vụ án. Cũng vì vậy, tháng 2 năm nay, Viện Kiểm sát tỉnh Sóc Trăng phải ký, công bố quyết định đình chỉ điều tra đối với 7 người mà chính họ phê chuẩn lệnh bắt.

Trước sự phẫn nộ của công chúng, Công an Sóc Trăng đã cách chức, giáng chức, giáng cấp, cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm chín sĩ quan, trong đó có một viên đại tá là Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách điều tra. Công an Sóc Trăng còn buộc 16 sĩ quan công an khác có liên quan tới việc gây hàm oan cho bảy nạn nhân phải kiểm điểm không hề đề cập tới chuyện truy cứu trách nhiệm hình sự của những sĩ quan này.

Việc khởi tố hai Điều tra viên và một Kiểm sát viên như vừa kể do Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao Việt Nam thực hiện.

Theo Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao Việt Nam, một số Điều tra viên của Công an Sóc Trăng đã đánh đập, treo các ông Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách lên cửa sổ để ép họ khai theo ý các Điều tra viên. Những Điều tra viên này còn dùng dùi cui đánh các ông Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Khâu Sóc, bà Nguyễn Thị Bé Diễm nhiều lần.

Kiểm sát viên Phạm Văn Núi bị khởi tố vì bảy thanh niên bị bắt liên tục kêu oan và đưa ra nhiều bằng chứng ngoại phạm nhưng ông Núi không xem xét mà còn phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp.

Đáng lưu ý là viên thiếu tá tên Nguyễn Hoàng Quân và viên đại úy tên Triệu Tuấn Hưng vừa bị khởi tố về tội “dùng nhục hình” và chín sĩ quan bị cách chức, giáng chức, giáng cấp, cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm trong vụ bắt, giam, đề nghị truy tố oan bảy thanh niên cư trú ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng còn là những Điều tra viên trong một vụ án khác cũng có đầy dủ dấu hiệu là oan án.

Hồi tháng 8 năm 2012, ông Lâm Tài Mấu ngụ tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị chết do có người đánh vào đầu. Công an Sóc Trăng bắt ông Phạm Văn Lé vì cho là ông “giết người”, bắt bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé) và ông Phạm Văn Lến (một người bị bệnh tâm thần) vì “không tố giác tội phạm”.

Khi cả ba bị đưa ra Tòa, các nhân chứng cho biết họ bị các Điều tra viên dọa sẽ khởi tố vì “không tố giác tội phạm”, ép họ làm chứng gian chứ họ không hề chứng kiến sự việc. Ông Lé thì liên tục kêu oan, giải thích việc đã nhận tội là do bị tra tấn. Các luật sư bào chữa cho ông Lé và bảo vệ quyền lợi cho ông Mấu (người bị đánh chết) đều cùng cho rằng, Kết luận điều tra của Công an Sóc Trăng, Cáo trạng của Viện Kiểm sát Sóc Trăng có nhiều điểm phi lý, mâu thuẫn.  

Tòa án Sóc Trăng đã đưa vụ ông Phạm Văn Lé “giết người” ra xử ba lần nhưng cả ba lần đều hoãn xử nửa chừng vì những điểm phi lý và mâu thuẫn đó. Mới đây, Công an Sóc Trăng và Viện Kiểm sát Sóc Trăng lần lượt ban hành các quyết định tạm đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định tạm giam rồi “tạm tha” ông Lé, ông Lến. (G.Đ.)
08-10- 2014 12:06:41 PM 
THeo Người Việt 

Chính trị và làm báo

Khi hỏi anh/chị có quan tâm đến chính trị không, câu trả lời thường gặp nhất là “Không!” hoặc “Tôi không muốn liên hệ tới chính trị.”


Việt Nam đang có hơn 700 tờ báo nhưng 'đánh mất niềm tin của bạn đọc.' (Hình: Getty Images)

Người ta vô cảm với chính trị vì sợ hãi, muốn được yên thân, nhưng tâm lý vì sợ hãi mà né tránh thì thực chất có muốn hay không bạn cũng đang bị áp lực của chính trị chi phối.

Chính trị là thứ quấn lấy ta, ràng buộc ta, ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của ta. Hàng ngày. Cho nên chỉ những người nhắm mắt buông xuôi, phó mặc số phận mới vô cảm chính trị.

Vậy chính trị là cái gì mà người ta nói chung có vẻ xa lánh như vậy?

Khái niệm về chính trị có nguồn gốc từ các ngành khoa học xã hội có thể được diễn giải và hiểu theo nhiều cách khác nhau. Khái niệm này đã có từ thời cổ đại. Triết Gia Hy Lạp Aristotle (384-322 Trước Công Nguyên) quả quyết rằng, về bản chất, con người là một động vật chính trị. Chính trị là loại hình của nghệ thuật quản lý nhà nước. Ông cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị.

Giống như Plato, Aristotle thấy rằng có nhiều hình thức nhà nước khác nhau, và theo ông, hình thức “đúng” của một nhà nước có thể biến thành một hình thức nhà nước “lệch lạc,” nơi mà thể chế bị mục nát. Chế độ quân chủ, có một người cai trị, sẽ biến thành chuyên chế; chế độ quý tộc, với một nhóm nhỏ người cai trị, sẽ biến thành chính thể đầu sỏ, tài phiệt; và xã hội có tổ chức (polity) do nhiều người dân cùng cai trị thì sẽ biến thành chế độ dân chủ. Trong ý nghĩa này, Aristotle không dùng từ “democracy” mang nghĩa rộng, nhưng có nghĩa đen là do “demos,” hay thường dân cai trị. Một cái nhìn chính xác hơn về dân chủ mà Aristotle đề cập đến chỉ là chính quyền quần chúng (ochlocracy), theo Wikipedia.

Khi có quá trình dân chủ hóa trong thời hiện đại, khái niệm về chính trị bắt đầu từ từ thay đổi ý nghĩa và định nghĩa của nó cũng đã thay đổi. Chính trị được hiểu là những hành động làm hài hòa xung đột lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau. Stephen D. Tansey cho rằng chính trị là hoạt động chung của những người có quyền lợi đối lập nhằm đạt được các mục tiêu, mà trong một số trường hợp giống nhau, và có lúc đối kháng nhau - người ta cạnh tranh với nhau thông qua những thao tác, thỏa hiệp, ép buộc, và đôi khi bạo lực.

Ngày nay, định nghĩa chính trị được công nhận chuẩn nhất có lẽ là của Max Weber. Max Weber là người Ðức, một nhà xã hội học, nhà kinh tế và luật sư. Ông nghiên cứu lý thuyết chính trị. Theo ông, chính trị là sự mong muốn tham gia vào quyền lực hoặc ảnh hưởng đến sự phân chia quyền lực: giữa các quốc gia, trong phạm vi một nước hay giữa các nhóm người đã tạo nên quốc gia này. Chính trị đóng vai trò rất quan trọng, nó góp phần thúc đẩy hoạt động đúng đắn của nhà nước, cho phép người dân chăm sóc quyền lợi của họ, đấu tranh cho nhân quyền. Nhờ chính nó mà nhà chức trách được phân công những trách nhiệm cụ thể. Không có chính trị nhà nước không thể tồn tại.

Chính trị hiểu theo một nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó.

Với cách hiểu như thế thì trong xã hội nào chính trị vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng đối với từng con người cũng như toàn xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào thì cũng cần những luật lệ chung để hoạt động nhịp nhàng và khoa học, tránh tình trạng vô tình hay cố ý xâm phạm quyền lợi, lợi ích, tài sản, sức khỏe hay thậm chí tính mạng của người khác hay của cộng đồng.

Rõ ràng như thế, ngoại trừ những tờ báo chuyên ngành mang tính giải trí, vô thưởng vô phạt, ví dụ như tạp chí về trang trí nội thất nhà cửa, thời trang hay khoa học, các tờ báo nói chung đều có khuynh hướng chính trị. Có khi là tả khuynh, hữu khuynh, cũng có thể trung dung giữa hai khuynh hướng hay cực đoan. Do đó làm nghề viết báo cho những cơ quan truyền thông này đồng nghĩa với làm chính trị.

Có tờ báo chỉ muốn chuyển tải đến người đọc thông tin trung thực, đa chiều, tưởng như vậy là khách quan, phi chính trị nhưng không phải, đó chẳng qua là thái độ của tờ báo. Thực chất, khi đưa tin, bình luận, dù có cái nhìn từ phía nào, là liên quan đến chính trị rồi.

Trong chế độ dân chủ tự do, báo chí truyền thông cởi mở, chấp nhận mọi khuynh hướng, xung đột và cạnh tranh nhau bình đẳng. Thông tin như một bữa ăn buffet, khách hàng tùy nghi lựa chọn món nào hợp với khẩu vị của mình. Món nào càng ngon, có nghĩa là thông tin chính xác, bổ ích, thì có uy tín, càng được nhiều người thưởng thức. Báo chí truyền thông tự do tạo ra ảnh hưởng và lành mạnh hóa xã hội.

Hiểu rõ tầm quan trọng của thông tin là tri thức thúc đẩy sự thay đổi xã hội, các chế độ độc tài xem báo chí truyền thông là công cụ phục vụ cho việc cầm quyền, nên kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ. Các thông tin thông thường phản ảnh theo hướng có lợi cho nhà cầm quyền. Những thông tin bất lợi đều bị che giấu, hoặc đánh tráo, làm cho thiên lệch và dối trá.

Trong cuốn “A History of Reading,” Alberto Manguel, nhà văn Argentina, viết, “Chế độ độc tài không muốn chúng ta suy nghĩ, nên ngăn cấm, đe dọa và kiểm duyệt. Trước và sau đều nhằm mục đích làm chúng ta ngu ngốc và cam phận với sự xuống cấp về sự hiểu biết của mình.”

 Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) cũng không ngoại lệ. Họ đàn áp, bắt giữ và xử tù những người có tư tưởng dân chủ, dám phê phán chế độ bằng các bài viết, như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Hải (Ðiếu Cày), Tạ Phong Tần, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Ðào, v.v...

ÐCSVN cũng chính thức xem không gian điện tử là “trận địa thông tin” và công khai tuyên chiến với người sử dụng Internet. Họ nuôi dưỡng hàng chục ngàn dư luận viên xâm nhập nhằm định hướng và phá hoại trên mạng xã hội. Họ thường xuyên sử dụng lực lượng kỹ thuật để vô hiệu hóa các trang web không nằm trong hệ thống kiểm duyệt.

Trong Tuyên Ngôn Ðộc lập của Internet (Declaration of the Independence of Cyberspace) ngày 8 tháng 02, 1996, John Perry Barlow nói rằng, “Các nhà cầm quyền là những gã khổng lồ mệt mỏi, sẽ không có quyền lực trên không gian điện tử, và khái niệm pháp lý về cách thể hiện tư tưởng không thể áp đặt nổi lên người sử dụng.”

Rốt cuộc, hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành, 17 ngàn nhà báo của chế độ cộng sản

Việt Nam là những món ăn nhàm chán, được nấu đi nấu lại, không lôi cuốn thực khách.

Ðỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông cũng đã thú nhận, “Tại sao chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành. Có tới 17 ngàn nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân. Báo chí đang đánh mất niềm tin của bạn đọc.” (“Trận địa thông tin” Lao Ðộng 10 tháng 1, 2013).

Xông xáo vào các ngõ ngách của xã hội, phản ánh sinh hoạt, đời sống của cộng đồng,những người cầm bút mặc nhiên gánh vác sứ mệnh chính trị.

Adam Michnik, một nhà tranh đấu dân chủ nổi tiếng của Ba Lan, người nằm trong danh sách “50 anh hùng của tự do báo chí” công bố ngày 3 tháng 5, 2000 của Viện Quốc Tế Báo Chí (IPI) và “20 nhà báo có ảnh hưởng nhất của thế giới” do tờ “Financial Times” bình chọn, hiện là tổng biên tập nhật báo lớn nhất Ba Lan “Gazeta Wyborcza,” viết, “Trí thức phải là tiếng nói của xã hội đã bị bịt miệng. Ðối với người trí thức thì chính trị là lựa chọn mang tính đạo đức. Người trí thức bước vào chính trị là để lấy sự thật chống lại dối trá của bộ máy, lấy sức mạnh của niềm tin chống lại thói vô nguyên tắc của bộ máy.”

Ðiều Adam Michnik nói cũng trùng hợp với ý của triết gia cổ đại Hy Lạp Aristotle rằng, “Một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị.” Người làm báo, vì thế, nếu trốn tránh chính trị thì xem như đã không ý thức thực sự về nghề nghiệp của mình!

08-11- 2014 1:32:13 PM
Lê Diễn Ðức
Theo Người Việt

Quan chức Việt Nam giỏi “để dành” nên trộm “mến”

SÀI GÒN (NV) .- Trộm vừa đột nhập phòng làm việc của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Sài Gòn, cuỗm mất của viên giám đốc này một tỉ đồng và 30,000 Mỹ kim.


 Biệt thự của của ông Đồng Xuân Thọ, Phó Ban Chỉ đạo Phòng - Chống tham nhũng tỉnh Đồng Nai, bị trộm cắt khóa, mở cổng, trộm xe hơi. (Hình: VietNamNet)

Hôm Chủ Nhật 10/8/2014 vừa qua, ông Kiệt đã làm thủ tục khai báo mất trộm và nhờ công an truy tìm thủ phạm. Ông Kiệt giải thích, khoản tiền một tỉ đồng (tương đương gần 50,000 đô la) và 30,000 Mỹ kim tiền mặt của ông vừa bị trộm là nhờ… “để dành”.

Trong vài năm gần đây, bọn trộm viếng phòng làm việc tại công sở hoặc “thăm” tư gia của các viên chức CSVN (đều là những ông bà có chức có quyền) để lấy tiền, vàng đã trở thành… phong trào. Nhờ phong trào này, công chúng mới biết có rất nhiều viên chức Việt Nam sở hữu vàng khối và tiền tỉ. Nạn nhân nào cũng bảo tài sản bị mất là nhở “để dành”!

Hồi tháng 5 vừa qua, nhờ có ba tên trộm viếng nhà ông Lăng Văn Hòa, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Bắc Kạn, người ta mới biết, ông Hòa “để dành” được 100 triệu đồng, 40,000 Mỹ kim,  chưa kể vàng cây, nữ trang, tổng trị giá khoảng hơn một tỷ đồng.

Trước nữa vào tháng 9 năm ngoái, sau khi bị trộm đột nhập tư gia, ông Trần Cang, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Định, khai báo, ông bị mất 500 triệu.

Cuối tháng 6 năm 2013, trộm buộc bà Trần Thị Anh Đào, 53 tuổi, cán bộ của Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, có chồng là Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Nghệ An, lúc đó vừa nghỉ hưu, phải khai báo rằng nhờ giỏi “để dành”, họ có 50 triệu đồng và 57 lượng vàng nhưng đã bị kẻ gian nẫng mất.

Hồi tháng 2 năm 2013,  ông Phạm Minh Tú, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, khai báo bị trộm xâm nhập tư gia, lấy mất 1.5 tỷ đồng và 4,000 Mỹ kim. Người ta nhận định, thủ phạm vụ đột nhập tư gia ông Tú để ăn trộm, cũng là kẻ hoặc là những kẻ từng viếng nhà hàng loạt viên chức các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh...

Xa hơn một chút, vào cuối năm 2012, trộm viếng tư gia ông Đặng Xuân Thọ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, có vợ là Trưởng Phòng Tổ chức của Cục Thuế tỉnh Gia Lai khi hai vợ chồng ông Thọ đi du lịch. Sau này khi công an bắt được băng trộm bốn tên đã xâm nhập tư gia của vợ chồng ông Thọ, người ta mới biết hai vợ chồng “để dành” được một va li vàng, số vàng chứa trong va li đó tương đương… 2.7 tỉ.

Cũng vào cuối năm 2012, trộm xâm nhập biệt thự của ông Đồng Xuân Thọ, Phó Ban Chỉ đạo Phòng - Chống tham nhũng tỉnh Đồng Nai, lấy một chiếc Toyota Altis trị giá khoảng 800 triệu.

Trong năm 2012, vụ trộm xâm nhập tư gia ông Trương Công Chiến, Đội trưởng Đội Đăng ký trước bạ của Chi cục Thuế quận Bình Tân, Sài Gòn làm nhiều người choáng khi số tiền, vàng, Mỹ kim mà hai vợ chồng ông để dành được lên tới 6 tỉ đồng.

Giữa năm ngoái, khi Tòa án thành phố Đà Nẵng đưa ông Đặng Ngọc Tân, thủ phạm hàng chục vụ xâm nhập phòng làm việc, tư gia của các viên chức thành phố Đà Nẵng ra xử, ông Tân giải thích lý do khiến ông chỉ đột nhập phòng làm việc hoặc tư gia của các viên chức là vì chi những chỗ đó mới nhiều tiền, vàng, nhà dân đâu có gì đáng để trộm. Ông Tân đột nhập bảy chỗ đã trộm được hơn 10 tỉ đồng. (G.Đ)
08-11- 2014 12:00:30 PM
Theo Người Việt

Cuộc thi “thoảng mùi o bế cháu con”?!

Không thể để những người thực sự có năng lực làm “quân xanh” và mãi mãi “chầu rìa” để rồi sau mỗi cuộc thi tuyển, đội quân 30% “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, “có cũng được mà không cũng được” lại thêm phần đông đảo. Không thể chấp nhận một cuộc thi tuyển “thoảng mùi tiền” và “mùi o bế cháu con”…

Cuộc thi “thoảng mùi o bế cháu con”?!

ảnh minh họa
Vụ lộ đề thi nghiêm trọng tại Cục quản lý Thị trường, Bộ Công thương sau 9 tháng trì hoãn, đã có kết quả… không bất ngờ và như được biết “đáp án” trước. Đó là chỉ có hai cán bộ cấp phòng bị kỉ luật và 3 thí sinh bị hủy kết quả.

Cách đây 9 tháng (10/2013), lần đầu tiên Cục Quản lý Thị trường tổ chức thi tuyển công chức theo phân cấp của Bộ Công thương. Có tới 299 thí sinh tham gia nhưng chỉ có 10 chỉ tiêu (tỉ lệ chọi xấp xỉ 1/30). Sau khi công bố kết quả, nhiều đơn thư khiếu nại tố giác cuộc thi lộ đề và cả 10 thí sinh trúng tuyển này đều được cho là con cháu của những người trong Cục!?.
Trước các nghi vấn trên, Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) Bộ Công an vào cuộc và đã kết luận có vi phạm xảy ra trong kỳ thi này.
Sự việc trên rơi vào im lặng trong khoảng thời gian khá dài (4/2013-82014), tưởng như đã “chìm xuồng” nên khi được “khơi” lại và có biện pháp xử lý cũng coi là một tín hiệu đáng mừng.
Tiếc thay, “nỗi mừng” chưa được bao lâu thì dư luận lại thêm một lần thất vọng bởi kết quả xử lý của Bộ Công thương: Một cán bộ cấp phòng bị hạ bậc lương và một cán bộ nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo. 7 thí sinh được công nhận kết quả trúng tuyển, được nhận vào công tác ở Cục từ 1/8. Còn lại, 3 thí sinh vi phạm bị huỷ bỏ kết quả trúng tuyển.
Trước hết, đây là một vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền không phải là hiếm. Nhiều cuộc thi mà ở đó những người có năng lực chỉ làm “quân xanh” cho các đối tượng “quân đỏ” là “con cháu các cụ” và những “công chức 100 triệu”.
Nếu như đơn thư phản ánh là đúng thì chẳng lẽ trong số gần 300 thí sinh ấy, những “tài năng” đều thuộc về đối tượng là con em trong Cục? Chả lẽ 289 thí sinh còn lại đều là những người kém cỏi, không đủ năng lực?
Về phương diện luật pháp, vụ lộ đề thi công chức ở Cục quản lý Thị trường là một sai phạm nghiêm trọng mà theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trên Vietnamnet thì vụ việc này “không đơn thuần là làm lộ đề một kỳ thi tuyển công chức mà còn làm lộ bí mật của cơ quan Nhà nước. Thậm chí, nếu xem xét đến cùng thì có thể phải đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố vụ án”.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao trong vụ việc này chỉ có 2 cán bộ cấp phòng bị xử lý, trong khi hai chức danh cao nhất của Hội đồng thi lại không (hoặc chưa?) bị xử lý?.
Hai vị ở đây là Chủ tịch Hội đồng thi Trương Quang Hoài Nam (nguyên là Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ) và Phó Chủ tịch Hội đồng thi Trịnh Văn Ngọc (hiện là Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường) chả lẽ lại… “vô can”!
Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Thị Khá bày tỏ: “Người làm sai là một chuyện, nhưng người lãnh đạo cấp trên rõ ràng phải chịu trách nhiệm nặng nhất. Nếu chỉ kỷ luật, chỉ hạ một vài bậc lương thì tôi e không giải quyết được vấn đề… Đây là sai phạm khó chấp nhận nhưng rất khó để xử lý nếu không nghiêm từ cán bộ cấp cao”.
Càng không thể thoái thác trách nhiệm như lời của ông Nam trả lời báo chí, đại ý rằng “đã chuyển công tác lâu rồi, có gì thì hỏi Bộ Công thương”.
Tư duy “hạ cánh an toàn” đã lỗi thời vì hiện nay, những cán bộ đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, huống hồ là “chuyển công tác”!
Cũng cần nhắc lại cách đây không lâu (4/2013), Chi cục QLTT tỉnh Bình Định đã từng tuyển dụng một đối tượng buôn lậu. Đó là bà Vũ Thị Thu Hương (SN 1976), kiểm sát viên thị trường đội QLTT số 7, chi cục QLTT Bình Định.
Bà Hương từng bị truy nã, chịu án phạt tù và chưa được xóa án tích về tội danh này.
Trở lại với vụ việc tại Cục quản lý Thị trường, có lẽ cách tốt nhất hiện nay là hủy toàn bộ kết quả cuộc thi, xem xét lại hình thức kỉ luật hai cán bộ trên đồng thời làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng cuộc thi.
Không thể để việc thi tuyển viên chức, công chức, một chủ trương lớn trong công cuộc cải cách hành chính trở thành “lá bùa” cho những hành vi tiêu cực.
Không thể để những người thực sự có năng lực làm “quân xanh” và mãi mãi “chầu rìa” để rồi sau mỗi cuộc thi tuyển, đội quân 30% “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, “có cũng được mà không cũng được” lại thêm phần đông đảo.
Đặc biệt quản lý thị trường là ngành rất dễ bị cám dỗ, cần lắm sự trong sáng, tính trung thực của mỗi cá nhân. Thế nên, không thể chấp nhận một cuộc thi tuyển “thoảng mùi tiền” và “mùi o bế cháu con”…!


Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=942888#ixzz3A76RKXNr
doc tin tuc www.xaluan.com

Bộ máy thuần hóa của CSVN



Mâu thuẫn trong chế độ CSVN

Chế độ CSVN là một chế độ hàm chứa rất nhiều mâu thuẫn và nhiều điều khó hiểu, khó hiểu đến nỗi có nhiều người không hiểu nổi hoặc không sao giải thích được.

Chẳng hạn, có thể nói: xét về khả năng xây dựng đất nước thì CSVN là một chế độ ngu xuẩn và tệ hại nhất trong lịch sử nước ta, và không chừng còn là ngu xuẩn nhất thế giới. Thế mà những người lãnh đạo chế độ này thường vỗ ngực tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Thật vậy, trước 1975, VNCH hay miền Nam Việt Nam − vốn văn minh hơn những nước chung quanh như Thái Lan, Lào, Miến Điện, hay ít nhất là ngang hàng hoặc hơn chứ không thể kém Philippines, Đài Loan, Đại Hàn. Thế mà sau 1975, khi chiếm được miền Nam, CSVN đã biến cả Miền Nam lẫn miền Bắc trở thành một nước lạc hậu hàng trăm năm so với những nước kể trên. Sự tự hào của bọn lãnh đạo CSVN quả là một ngu xuẩn, ngu xuẩn đến nỗi người bình thường khó mà hiểu được!

Tuy nhiên, nghĩ theo chiều hướng hoàn toàn cục bộ thì sự tự hào ấy xem ra cũng có lý. Hồ Chí Minh khi sinh tiền đã từng nói: “Đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng bằng năm, bằng mười ngày nay”. Khi thấy thực tế là đất nước dưới chế độ CSVN đã nghèo đi gấp năm gấp mười lần trước đó, chúng ta thường nhạo báng lời của ông Hồ. Sở dĩ thế là vì chúng ta tưởng ông Hồ có ý nói về việc xây dựng đất nước. Nhưng nếu áp dụng cho việc xây dựng đảng và đời sống của các đảng viên CSVN thì lời đó của ông Hồ đúng 100%. Thật vậy, sau khi “đánh thắng giặc Mỹ” và chiếm được Miền Nam, đảng và các đảng viên CSVN đã giàu lên không chỉ gấp năm gấp mười mà gấp đến cả trăm, cả ngàn lần.

Cũng vậy, sự kiện các lãnh đạo CSVN vỗ ngực tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, nếu đừng hiểu trí tuệ này áp dụng vào việc xây dựng đất nước, mà chỉ áp dụng vào việc bảo vệ đảng, bảo vệ sự độc tôn trường trị của đảng, thì ta phải công nhận họ đã thật sự đạt đến đỉnh cao của trí tuệ loài người. Có thể nói tóm gọn là CSVN rất ngu xuẩn trong điều thiện, nhưng lại vô cùng khôn ngoan trong điều ác; rất ngu xuẩn trong việc bảo vệ và phát triển đất nước, nhưng lại rất khôn ngoan và hữu hiệu trong việc bảo vệ và phát triển độc quyền thống trị đất nước của họ. Trí tuệ hay sự khôn ngoan ở đây cần phải hiểu theo chiều hướng gian manh, quỷ quyệt, mưu mô, thủ đoạn…

Những câu hỏi khó trả lời

Khi chưa hiểu được những phương cách đảng CSVN áp dụng để bảo vệ quyền lực và độc quyền thống trị đất nước của họ, thì nhiều người trên thế giới, nhất những nạn nhân của chế độ CSVN, đều lấy làm lạ tự hỏi:

− Tại sao các cán bộ CSVN, cụ thể là những người công an CSVN lại có thể tàn bạo và dường như hoàn toàn vô cảm trước sự đau khổ tận cùng của người dân, vốn cùng là máu đỏ da vàng với mình, có khi là những người có họ hàng gần xa với mình như vậy?

− Tại sao chế độ CSVN lại dung dưỡng cho các cán bộ cấp dưới được tự do cướp nhà cướp đất của người dân mà không thèm xét xử?

− Trước nguy cơ mất nước rất lớn vào tay Trung Cộng, biết bao người dân đang hết sức lo âu cho vận mệnh dân tộc, tại sao một Quốc hội gồm 500 dân biểu với tư cách đại diện cho dân lại có thể thờ ơ và vô cảm trước sự kiện này đến nỗi không thể ra được một văn kiện chính thức phản đối Trung Cộng? Tại sao những người lãnh đạo cao cấp nhất trong nước lại phản ứng như đồng lõa, tiếp tay với kẻ thù xâm lược?

− Giặc Tàu xâm lược rất mạnh và hung bạo đã xông vào nhà mình, mà mình là nước nhỏ vừa nghèo lại vừa yếu, chắc chắn chống giặc không nổi, tại sao CSVN lại ngu xuẩn đến nỗi tuyên bố sẽ không liên kết với nước nào khác để chống lại giặc? Trong lịch sử thế giới, có nước nào hay ông vua nào lại ngu xuẩn đến thế không? Hay là CSVN muốn đầu hàng hoặc muốn dâng cả nước Việt cho Tàu?

− Tại sao công an CSVN trở nên phi nhân tính đến mức tàn bạo, dã man, vô cảm như hiện nay? Trước khi trở thành công an, họ có như vậy không? Họ tàn bạo, vô cảm nên mới xin làm công an, hay vì họ làm công an nên mới trở thành như vậy? (Nhiều người cũng hỏi câu tương tự như vậy đối với các cán bộ cộng sản).

− Còn hàng trăm câu hỏi khác người dân thắc mắc mà không dễ dàng gì trả lời cho xuôi…

Nhưng nếu chúng ta hiểu được cách chế độ CSVN tự bảo vệ mình và duy trì quyền lực tuyệt đối trên toàn dân tộc, nhất là trên các đảng viên hay cán bộ của mình bằng việc thiết lập một bộ máy có khả năng thuần hoá một cách rất hữu hiệu những người làm việc trong bộ máy đó, chúng ta sẽ rất dễ trả lời những câu hỏi trên. 

Phương cách bảo vệ quyền lực và độc quyền thống trị của CSVN

1/ Bộ máy thuần hóa người dân và đảng viên

Từ khi cướp được chính quyền, đảng CSVN chủ trương phải làm sao thành lập và duy trì được quyền lực tuyệt đối trên toàn dân Việt hầu muôn đời trường trị trên đất nước này, hầu có thể mãi mãi đè đầu cưỡi cổ người dân bất chấp họ có chán ghét và bất mãn chế độ đến đâu. Vì thế đảng chủ trương một chế độ độc tài, phi nhân, lấy gian trá và bạo lực làm phương châm hành động hầu tồn tại lâu dài. Ngoài ra đảng CSVN còn tạo nên một bộ máy thuần hóa người dân, nhất là thuần hóa những đảng viên và những cán bộ từng phục vụ cho chế độ, biến họ thành những người tuyệt đối trung thành với chế độ, và trung thành cho đến chết.

Bộ máy thuần hóa này hệ tại một số những yếu tố sau:

● Chủ trương vô thần, vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc và đứng trên luật pháp giúp cho các đảng viên và các cán bộ cộng sản không còn bị một ràng buộc nào khác ngoài sự ràng buộc với chế độ. Nhờ thế, họ chỉ còn biết tuân lệnh đảng và trung thành với đảng mà thôi.

a) Vô thần hay vô tôn giáo khiến người cộng sản không còn tin vào Thượng Đế, vào sự tồn tại của linh hồn sau khi chết. Do không tin, người cộng sản không cảm thấy lo sợ hay áy náy khi làm điều ác, cho dù đó là những tội ác tày trời như giết người, cướp của, cướp đất của dân nghèo, hay sẵn sàng bán nước cho ngoại bang… Còn người hữu thần hay có tôn giáo, nếu thật sự tin vào luật luân hồi, nhân quả nghiệp báo, hoặc tin vào sự thưởng phạt sau khi chết, họ thường không dám làm điều ác hay xử sự bất công với người khác, vì họ sợ sẽ bị phạt ở đời sau nếu họ phạm những tội ác ấy. Nhờ bản chất khuyến thiện và chống ác, tôn giáo giúp các tín hữu sống tốt hơn. Chính vì thế, cộng sản luôn luôn muốn tiêu diệt tôn giáo, do tôn giáo luôn chống lại điều ác, làm ngăn trở hữu hiệu bộ máy thuần hóa của chế độ.

b) Vô gia đình, vô tổ quốc khiến họ không còn đặt nặng tình cảm cũng như trách nhiệm đối với gia đình cũng như đối với tổ quốc. Chủ trương vô gia đình khiến những người cộng sản thuần thành sẵn sàng thoát ly gia đình, không còn để tình cảm gia đình chi phối, thậm chí sẵn sàng theo lệnh đảng tố khổ cha mẹ mình hay anh em ruột thịt của mình. Điển hình và là gương mẫu cho tính vô gia đình này là Trường Chinh, một lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN, đã đấu tố chính cha mẹ mình. Chủ trương vô tổ quốc khiến họ không còn coi tổ quốc là quan trọng, mà coi đảng là trên hết. Những khẩu hiệu như “Trung với đảng, hiếu với dân”, “Mừng đảng, mừng Xuân, mừng Quê Hương”, “Còn đảng còn mình”, v.v… với thứ tự đảng trước dân sau, hoặc đảng rồi tới xuân rồi mới tới quê hương… cho thấy tinh thần của những khẩu hiệu này là đặt đảng lên trên hết, trên cả dân tộc và tổ quốc. Do đó, người cộng sản bị thuần hóa sẵn sàng hy sinh cả dân tộc cho đảng, coi sự tồn tại và quyền lợi của đảng quan trọng hơn sự tồn tại và quyền lợi của cả dân tộc.

c) Đảng đứng trên luật pháp, hiến pháp nên đảng không bị luật pháp chi phối, và đảng được hoàn toàn tự do vi phạm luật pháp cũng như hiến pháp. Pháp luật trong nước hoàn toàn phải theo ý muốn và chủ trương của đảng, từ việc soạn thảo đến việc thi hành hiến pháp và luật pháp. Hiến pháp là do đảng lập, luật pháp cũng do đảng viết; luật pháp do đảng chỉ thị có nhiều điều luật ngược hẳn lại hiến pháp, nhưng đối với đảng, điều đó không đáng quan tâm. Ngồi xổm trên luật pháp, đảng có quyền kết án buộc tội ai tuỳ tiện, cho dù họ hoàn toàn vô tội; và tuyên bố ai vô tội, không kết án, tuỳ ý đảng, cho dù tội người ấy có tày trời chăng nữa. Hiến pháp và luật pháp chỉ dùng để ép buộc người dân phải tuân hành ý muốn của đảng mà thôi. Đối với đảng, vấn đề quan trọng là các đảng viên hay các cán bộ có trung thành với đảng hay không. Hễ trung thành với đảng thì mọi tội ác hay mọi vi phạm pháp luật đều có thể bỏ qua, hoặc được giảm nhẹ tối đa có thể. Hễ chống lại đảng hay tạo nên những bất lợi cho đảng thì dù không có tội, đảng cũng tìm cho ra tội đểkết án, bỏ tù hoặc giết chết.

● Đảng chủ trương phải làm sao để các cán bộ cộng sản chỉ có một con đường sống là trung thành bảo vệ chế độ cho đến hết đời mà thôi, không còn một con đường sống nào khác. Không trung thành hoặc phản lại đảng thì chẳng những mất hết tất cả những gì nhờ đảng mà mình tạo được (như quyền lực, danh vọng, của cải...) mà còn có thể bị tù tội hoặc thủ tiêu. Vì thế, đừng lấy làm lạ khi thấy các cán bộ cộng sản dù đã biết chế độ này là chế độ bán nước hại dân, và việc theo đảng của mình là một sai lầm vô cùng to lớn, nhưng vẫn cứ phải tỏ ra ủng hộ và nói tốt cho chế độ.

Về lãnh vực này phải nói rằng đảng CSVN hết sức tài tình. Đảng đã tạo ra được một bộ máy nhà nước có khả năng thuần hoá tất cả các cán bộ cộng sản làm việc trong bộ máy này, biến họ trở thành những người chỉ biết có đảng, chỉ biết tuân lệnh đảng, bất chấp lệnh đó là phi lý, phi nhân, tàn bạo, có hại cho dân tộc, cho tổ quốc...

Làm sao đảng làm được điều đó?

2/ Phương cách tạo nên bộ máy thuần hóa

a) Trước hết, đảng dồn người dân vào thế bần cùng. Mà “bần cùng sinh đạo tặc”. Người dân muốn sống được thì phải biết lươn lẹo, gian trá, trộm cắp, đút lót, hối lộ, thậm chí phải hại cả người khác [1]. Do người dân phải lươn lẹo, gian trá, trộm cắp, đút lót, hối lộ… để sống màđảng luôn luôn có lý do để kết tội người dân khi cần. Cách hay nhất để tiến thân trong xã hội, sống thoải mái sung sướng là trở thành đảng viên, thành cán bộ cộng sản. Cuộc sống của đảng viên hay cán bộ sung sướng hơn dân thường rất nhiều, nên nhiều người dân đã phấn đấu để được trở thành đảng viên hay cán bộ.

b) Khi đã trở thành người của đảng, của bộ máy nhà nước, người ta bỗng nhiên có một thế đứng, một quyền hạn nào đó, và đương nhiên họ bị cám dỗ lạm dụng những lợi thế đó. Nhiều cán bộ đã sử dụng bằng giả để tiến thân, hay hối lộ cấp trên để được thăng chức, hay lạm dụng quyền hành để cướp nhà cướp đất của dân, hay ăn thụt két, trộm cắp của công, hay làm những điều tồi bại khác… Đảng sẵn sàng làm ngơ trước những vi phạm pháp luật đó nếu đảng viên hay người cán bộ vẫn tỏ ra trung thành với đảng. Tuy làm ngơ nhưng đảng vẫn ghi nhận trong hồ sơ những vi phạm ấy. Và những hồ sơ vi phạm này chỉ được khui ra khi đảng cần kết án vì đương sự trở nên có hại cho quyền lực của đảng [2].

Hầu hết những cán bộ hay đảng viên đã lỡ tay “nhúng chàm” do lòng “tham sân si” của mình hay do bị gài bẫy [3] đều nhìn thấy cái án treo sẵn trên đầu mình. Án này cứ treo mãi trên đầu như thế cho dẫu mình có tiếp tục “nhúng chàm” nhiều hơn nữa cũng không sao, miễn là cứ tỏ ra trung thành với đảng, là đảng sẵn sàng bảo vệ. Nhưng án đó sẽ sập xuống ngay khi đảng viên hay cán bộ ấy chống lại đảng, không tuân lệnh đảng, hay có ý phản đảng, nhất là khi họ thức tỉnh lương tâm, nhận ra đảng toàn làm những điều sai trái, toàn gây tội ác đối với nhân dân, nên không còn muốn tuân lệnh đảng nữa, hoặc muốn đứng về phía người dân để bênh vực cho quyền lợi của người dân...

c) Những ai từng tỏ ra trung thành với đảng, đảng luôn luôn tạo điều kiện để họ trung thành với đảng hơn nữa. Ngoài việc làm ngơ khi họ vi phạm pháp luật, hay cướp nhà cướp đất của dân, đảng cho họ được thăng quan tiến chức, bất chấp họ có xứng đáng hay có khả năng đảm nhiệm tốt chức vụ đó hay không. Đối với giới công an, đảng ra thật nhiều luật thậm chí rất phi lýđể công an có lý do làm tiền người dân. Vì luật càng nhiều, càng phi lý thì càng có nhiều người dân vi phạm những luật ấy. Mà khi dân bị công an bắt gặp vi phạm luật, chẳng hạn không đội mũ bảo hiểm trên xa lộ, chạy xe không chính chủ, v.v... thì để khỏi bị công an làm lôi thôi mất thì giờ, người dân sẵn sàng bỏ tiền ra hối lộ công an cho xong chuyện. Nhờ đó công an có điều kiện làm giàu, và cũng nhờ đó công an phải trung thành và gắn bó với chế độ hơn. Nhiều người dân quá sợ bị mời về đồn công an và bị tra tấn đến chết như đã từng xảy ra chỉ vì vi phạm luật giao thông hay một lỗi nhỏ khác [4]nên sẵn sàng hối lộ để tránh nguy hiểm cho mình. Việc pháp luật làm ngơ hoặc xử án thật nhẹ những công an đánh chết người, vừa để người dân sợ mà nhanh nhẩu đút lót làm giàu cho công an, vừa để cho người công an thấy sự dung dưỡng của chế độ đối với mình mà trung thành với đảng hơn.

Tóm lại, bộ máy thuần hóa của đảng CSVN gồm những yếu tố:

1) Người cộng sản được “giải phóng” khỏi những ràng buộc do lương tâm, do tôn giáo, do gia đình, do tổ quốc để chỉ còn bị ràng buộc vào đảng mà thôi.

2) Người nào theo đảng, trung thành với đảng thì được đảng tạo đủ mọi điều kiện để sống thoải mái, giàu có, có quyền lực, địa vị… lại được pháp luật làm ngơ trước những vi phạm luật của mình. Điều này giúp họ dễ dàng thỏa mãn những đòi hỏi của lòng tham sân si cũng như thất tình lục dục của mình.

3) Những vi phạm luật này khiến họ phải tiếp tục trung thành với đảng để được tiếp tục hưởng ơn mưa móc của đảng và để khỏi bị truy tố về những tội ác của mình.

4) Những ai không còn tuân phục đảng, hay phản bội đảng, hoặc làm theo lương tâm mình mà gây bất lợi cho đảng thì chẳng những mất hết những gì mình đang có mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng mình và nhiều khó khăn sẽ xảy đến cho gia đình mình.

Chính sách “cây gậy và củ cà-rốt”, hay nói cụ thể hơn là “khủng bố và quyền lợi”, được đảng CSVN sử dụng rất nhuần nhuyễn và tài tình, tạo nên một bộ máy thuần hóa rất hữu hiệu đối với người dân, và nhất là đối với đảng viên hay cán bộ cộng sản.

Do đó, đối với các đảng viên hay cán bộ cộng sản, chuyện công khai bỏ đảng, nhất là trở thành một người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền là chuyện hi hữu, là những trường hợp đặc biệt. Làm được chuyện này phải là người rất can đảm, rất đáng phục nhờ trong quá khứ họ sống thanh liêm, trong sạch, tay chưa hề “nhúng chàm” nên không sợ bị chế độ truy tố. Thiết tưởng chúng ta cần nâng đỡ tinh thần họ, khuyến khích họ làm theo lương tâm, hơn là cản trở hay tỏ ra nghi ngờ họ.

Tuy nhiên, do luật quả báo, đảng CSVN lại bị Trung cộng hay đảng Cộng sản Trung Quốc thuần hóa cũng bằng những phương cách tương tự như những phương cách mà CSVN đã thuần hóa người dân và đảng viên của mình. Bị thuần hóa đến nỗi đảng CSVN muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Trung cộng để tự cứu mình và cứu cả đất nước cũng không sao thoát được! Đúng là luật quả báo!

Houston, ngày 10/8/2014



________________________________________

Chú thích:

[1] Có lần Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng nói: “Lương cao, lương thấp đều sống được, chỉ có lương thiện là chết” (Tiến sĩ Hoàng Xuân Hào tiết lộ) (xem Nguyễn Anh Tuấn, Việt Đạo trong sáng tạo lịch sử, nhóm phát huy tinh thần Hùng Gia Đại Việt xuất bản, Westminster-Cali, 1994).

[2] Tương tự như ở Trung Quốc, những ông Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang… đã tham nhũng cả mấy chục năm;, tình báo hay an ninh nhà nước cộng sản làm gì mà không biết, nhưng có đếm xỉa gì đến đâu! Chỉ khi mấy ông này trở nên nguy hiểm hay bất lợi cho người đang nắm quyền tối cao trong nước thì những vi phạm ấy mới bị đưa ra ánh sáng để có cớ mà kết án, mà hạ bệ hay tiêu diệt thôi.

[3] Nhiều công an hay cán bộ giết người, bảo vệ đường giây chuyển ma túy vì thi hành lệnh trên, hoặc bị gài bẫy về mặt tình cảm hay tình dục, v.v... đều phải tiếp tục những công việc bất nhân mà đảng ra lệnh. Họ sợ bị đảng truy tố hay công khai hóa những việc tồi bại của mình. Nhiều người có uy tín hay có địa vị trong xã hội hoặc trong tôn giáo, do sai phạm về tiền bạc, tình dục, hay bị gài bẫy để sai phạm những điều ấy, chỉ vì muốn giữ uy tín cho mình mà không dám làm những gì lương tâm mình buộc phải làm, nhất là khi điều ấy gây bất lợi cho chế độ.

[4] 5 công an đánh chết người: Thay phiên tra tấn nghi can bị còng

Công An tra tấn chết người chỉ bị án treo

Ăn trộm vài đồng tiền lẻ bé trai bị tra tấn đến chết?