Wednesday, April 3, 2019

Ngân có kiếm được tiền ở Pháp?


Bà Ngân tại cuộc gặp Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt.

Thường Sơn (VNTB)|

Thángnăm 2019, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam – bà Nguyễn Thị Kim Ngân có một chuyến đi ‘lạ’ đến Pháp.

Trong những ngày ở Pháp, bà Ngân tập trung vào những nội dung “tới đặt hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây lưu niệm và thăm Không gian Hồ Chí Minh tại Công viên Mông-tơ-rô”, “gặp mặt Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội người Việt ở châu Âu”, “gặp gỡ Ban tổ chức và đại diện người Việt tiêu biểu của “Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng”, “gặp cộng đồng người Việt Nam tại Pháp”…
Hàng loạt cuộc tiếp xúc và hội thảo của bà Ngân với giới người Việt ở Pháp cho thấy rất có thể mục đích chuyến đi châu Âu lần này được lồng mục đích ‘kiều vận’ khá rõ.
Vào tết nguyên đán năm 2019, người ta vẫn thấy giới chóp bu Việt Nam phân công nhau đi chúc tụng Ủy ban người Việt ở nước ngoài và những Việt kiều được xem là ‘đại diện’ cho cộng đồng hơn 4 triệu người Việt hải ngoại, vẫn một lần nữa ‘đồng ca’ không mỏi miệng về ‘nghị quyết 36’ của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và những lợi ích mà nghị quyết này đã làm được cho ‘khúc ruột ngàn dặm’.Hoạt động trên nằm trong một chuỗi logic của ‘đảng và nhà nước ta’ kể từ đầu năm 2019 đến nay.
Vào năm 2017, Nguyễn Thị Kim Ngân đã được Nguyễn Phú Trọng ‘tung’ sang châu Âu với nhiệm vụ “đặc biệt là thúc đẩy Quốc hội 3 nước ủng hộ việc ký chính thức, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)”.
Nhưng điều đáng thất vọng đối với đoàn của bà Ngân là sau các cuộc làm việc với quốc hội 3 nước Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séc, đã không có bất cứ một khoản viện trợ không hoàn lại nào được phía chủ nhà thông báo dành cho Việt Nam. Ngay cả Thụy Điển – vốn được Việt Nam hy vọng nhất về “tình cảm rất đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” – cũng không còn tỏ ra hào phóng như thường biếu một số tiền viện trợ không hoàn lại vào những lần giới lãnh đạo Việt Nam thăm Thụy Điển những năm trước. Thậm chí, lãnh đạo Quốc hội Thụy Điển cũng không hứa hẹn bất kỳ điều gì liên quan đến viện trợ không hoàn lại trong thời gian tới cho Việt Nam.
Còn vào lần này, có lẽ Nguyễn Phú Trọng hy vọng vào tính tương thích về ngữ nghĩa “Ngân nghĩa là tiền”. Cho Ngân đi sẽ kiếm được ngoại tệ.
Kiều hối là một nguồn quan trọng đã giúp duy trì “máu” để chính quyền Việt Nam vẫn có thể tạm ung dung về “đà tăng trưởng kinh tế không ngừng”, đồng thời khi cần thiết có thể gia tăng in tiền mặt để “gom” USD trôi nổi từ dân chúng, đặc biệt từ các gia đình ở Sài Gòn được thân nhân ở nước ngoài gửi ngoại tệ về, giúp bổ sung kho dự trữ ngoại hối và có thêm ngoại tệ để dễ bề trả số nợ nước ngoài đang lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Nhưng chính vào thời gian này, tình trạng chính trị và kinh tế của đảng cầm quyền là khó khăn hơn bao giờ hết.
Sau mức đỉnh 13,2 tỷ USD của năm 2015, số kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 rất có thể đã giảm thê thảm, chỉ còn khoảng 7-8 tỷ USD, bổ túc thêm nỗi căng thẳng thường trực của giới chóp bu Việt Nam phải đào bới bằng được những nguồn ngoại tệ còn lại để trả nợ cho nước ngoài và chi xài cho bộ máy khổng lồ nhưng đậm đặc chất ăn bám của đảng và chính quyền.
Khi kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế, trong bối cảnh dải đất hình chữ S đã chìm trong cơn suy thoái kinh tế năm thứ 10 liên tiếp, tràn ngập bất ổn xã hội và bất ổn chính trị, và nhiều nguy cơ sắp rơi vào cuộc khủng hoảng không lối thoát.
Một nguồn giấu tên cho biết ngân sách Việt Nam sẽ sớm rơi vào cạn kiệt ngoại tệ trả nợ nước ngoài. Thời điểm cạn kiệt gần nhất là vào cuối năm 2019.
Sự bế tắc gần như toàn diện như thế đã khiến đang manh nha phát sinh một luồng tư tưởng cùng một số quan chức buộc phải nghiêng dần theo xu hướng “lấy lòng người Việt hải ngoại”, mà mục đích cuối cùng là những đồng đô la từ túi hải ngoại sẽ ‘tự nguyện về nước đầu thú’./.

Nạn bè phái hiện nay


Tất Thành Cang và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh chụp màn hình Đất Việt.
Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
ất Thành Cang là một cái tên mà mọi người đều biết gần đây; nhưng hàng chục ngàn dân oan trong vụ án cướp đất Thủ Thiêm lại càng biết họ Tất nhiều hơn.
Đi lên từ con đường Đoàn Thanh niên Cộng sản, Tất Thành Cang đã giữ những chức vụ cao trong đảng và chính quyền Thành Hồ khá nhanh. Họ Tất được mô tả là “đệ tử ruột” của lãnh chúa Sài Gòn Lê Thanh Hải và là nhân vật chịu trách nhiệm chính trong vụ “chuyển nhượng” 32 ha đất ở Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ hơn bèo. Đất là đất công, lạm quyền lấy bán rẻ cho tư nhân, chắc hẳn anh Cang bỏ tiền lại quả vào túi riêng không phải là con số nhỏ.
Cạnh đó, trong khi thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Cang đã phê duyệt, ký kết hợp đồng 12 ngàn tỷ VND với công ty Đại Quang Minh, xây dựng 4 tuyến đường trong khu đô thị Thủ Thiêm với chiều dài tổng cộng chưa tới 13 cây số.
Do bị cáo buộc “vi phạm rất nghiêm trọng” nên cuối năm 2018 trong Hội nghị Trung ương 9, Tất Thành Cang bị lột hết mọi chức vụ trong đảng. Đối với đảng bộ Thành Hồ, Cang chỉ còn là thành uỷ viên vô thực quyền. Nhưng con đường hoạn lộ của Tất Thành Cang chưa chấm dứt ở đó.

Hợp đồng này đã được thanh toán bằng 79 ha “đất vàng” đáng lẽ dùng để tái định cư người dân bị giải toả. Chuyện này, Cang đã vượt quá thẩm quyền của một thành phố, theo đúng luật chỉ có quyền ký hợp đồng tối đa 1.500 tỷ. Nhưng dĩ nhiên Cang có chỗ dựa vững chắc sau lưng mới dám tung hoành như chỗ không người.
Ngày 30/3/2019 các báo lề đảng loan tin Tất Thành Cang “được phân công” làm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM” trong một hội nghị của thành uỷ Thành Hồ. Nếu căn cứ theo nhiệm vụ thì tuy Cang không trực tiếp cầm bút nhưng cái gọi là công trình “Lịch sử TP.HCM” sẽ do một cán bộ thành tích lem nhem chỉ đạo về nội dung!
Dư luận chưa hết bàn tán thì một ngày sau, ngày 1/4/19 thêm một trường hợp bổ nhiệm từ Thanh Hoá lại làm mọi người xôn xao. Ông Ngô Văn Tuấn, một Phó chủ tịch tỉnh làm nên danh tiếng trong vụ “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ một tạp vụ nhanh chóng leo lên ghế Phó giám đốc Sở Xây Dựng. Khi nội vụ đổ bể, tháng 1/2018 Tuấn đã bị cách hết mọi chức vụ nhưng nay lại được đưa trở về làm chánh văn phòng Sở Xây Dựng Thanh Hoá “đúng quy trình”!
Ai cũng nghĩ đáng lẽ sau khi bị kỷ luật, Tất Thành Cang và Ngô Văn Tuấn phải có thời gian ít nhất từ 2 đến 3 năm không được giữ một chức vụ chỉ huy nào để tự kiểm điểm theo kiểu sám hối. Nhưng thật ra những cuộc cách chức này chỉ tượng trưng, vì vài tháng sau khi thấy dư luận tạm lắng xuống thì các đương sự này lại được móc ra bổ nhiệm chức mới.
Điều này cho thấy, dù họ trở lại những chức vụ không cao mấy, nhưng hành động kỷ luật trong đảng và chính quyền cộng sản kiểu đó chỉ là “chơi lẫn nhau” giữa các phe nhóm hơn là trừng phạt vì những sai lầm của cán bộ. Vì thế có một số báo chí ngay trong nước đã cho rằng, trường hợp tái bổ nhiệm chỉ là hình thức trả ơn qua lại của nạn bè phái trong đảng cộng sản. Tuy hiện nay do áp lực của dư luận quần chúng đối với sự bổ nhiệm trắng trợn ở Thanh Hoá, Ngô Văn Tuấn đã xin rời Sở Xây Dựng để giữ chức vụ khác. Hoá ra đây cũng chỉ là sự phù phép gian trá của chính quyền Thanh Hoá, không ăn được lập tức xoá bài làm lại.
Xét cho cùng trong đảng và chính quyền cộng sản ngày nay, đây đúng là nạn bè phái và trả ơn. Nó là anh em của nạn chạy chức, chạy quyền mà bề trên của chúng là vấn nạn tham nhũng. Bởi những chức vụ đi kèm quyền lợi mà các phe nhóm được phép chia nhau lúc nào cũng dựa trên 3 quy luật:
– Dựa vào nhau để tạo thành băng nhóm vững mạnh trong các ngành từ trung ương tới địa phương để chiếm những chiếc ghế béo bở nhất. Như phe dầu khí, phe xây dựng, phe thuế vụ, phe công an, phe quân đội… phe này liên kết với phe kia hoặc khi cần cũng đấu đá nhau quyết liệt;
– Chia chác nhau để tạo sự “công bằng” trong quyền lợi bất chính, có trên có dưới, ai cũng được thụ hưởng tương xứng với công sức mình bỏ ra tuỳ theo ghế ngồi. Mục đích để tồn tại lâu dài, hưởng lợi nhiều nhất và hạ cánh an toàn nhất;
– Che giấu nhau là điều kiện sinh tử của các phe nhóm khi hành động của chúng bị dòm ngó hay bị tố cáo. Khi có một kẻ nào đó bị mang ra kỷ luật thì phải hiểu đó chỉ là những con dê tế thần tuỳ theo tác hại của mỗi sự việc. Sau đó nếu có cơ hội thì phe nhóm sẽ ra tay phục hồi cho người của mình. Đó là hai trường hợp vừa diễn ra đối với Tất Thành Cang và Ngô Văn Tuấn.
Riêng trường hợp Tất Thành Cang, cũng có dư luận cho rằng chức Phó ban của Cang cũng chỉ để tạm thời ngồi chơi xơi nước trước khi bị xem xét trách nhiệm hình sự. Đây chưa hẳn là điều tốt cho Cang, vì ai cũng còn nhớ Đinh La Thăng sau khi bị kỷ luật mất ghế ủy viên Bộ chính trị được cho giữ Phó ban kinh tế Trung ương trước khi tra tay vào còng. Hay như cựu Bộ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn trở lại chức Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, sau đó vào đầu năm 2019 bị khởi tố bắt giam cùng người tiền nhiệm Nguyễn Bắc Son.
Tóm lại, những cái lò của ông Trọng dựng lên trong từng thời kỳ, trong thực tế nó chỉ được nhóm lên để cảnh cáo hay giải quyết một số trường hợp quá đà coi thường 3 quy luật nói trên mà thôi.
Phạm Nhật Bình

Bạo lực học đường, trách nhiệm của ai?



Hoàng Hải Vân|

Bạo lực học đường, cũng như bạo lực trong xã hội, không phải bây giờ mới có, mà là tình trạng vốn có từ rất lâu, nay do thành tựu của công nghệ thông tin và sự phổ cập của mạng xã hội mà phơi bày ra rõ hơn mà thôi. Đổ lỗi cho Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ về tình trạng này là không thỏa đáng. Bất kỳ nhà chánh trị nào, dù đức cao vọng trọng tới đâu, làm Bộ trưởng Giáo dục trong một thể chế giáo dục như thế này thì tình hình vẫn như vậy.
Nền kinh tế bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường từ hơn 30 năm trước, kéo theo thể chế thị trường là một xã hội biến động theo hướng tự do hóa. Nhưng thể chế giáo dục của quốc gia lại không chuyển theo xu hướng này. Còn các bậc phụ huynh như chúng ta thì không có thói quen sống trong một xã hội tự do. Chúng ta vẫn gửi gắm con em của mình cho thiết chế giáo dục của nhà nước. Chúng ta coi nhà nước là đại sư phụ tập thể của con em chúng ta, trong khi nhà nước, bất kể là nhà nước nào, từ cổ đại đến hiện đại, không bao giờ là người có đủ tư cách đứng ra dạy dỗ thế hệ trẻ. Chúng ta kỳ vọng, cho nên chúng ta thất vọng. Chúng ta yêu cầu những điều mà nhà nước không thể làm được, cho nên chúng ta chửi bới.
Chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường là nhà nước đã trả quyền tự do kinh doanh lại cho chúng ta, tức là chúng ta được làm ăn sinh sống trong tất cả những lãnh vực mà luật pháp không cấm. Lẽ ra cùng với việc này, nhà nước phải trả luôn con em của chúng ta lại cho chúng ta để chúng ta tự lựa chọn trường, lựa chọn thầy, lựa chọn cách học tập cho con cái mình, tức là nền giáo dục cũng phải được tự do hóa. Nhưng nhà nước vẫn cứ duy trì một thể chế để ôm con em chúng ta không khác gì thời kỳ bao cấp. Đó là trường công áp đảo, hầu hết lực lượng thầy giáo đều là công chức nhà nước với một ngân sách dành cho giáo dục vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế nhưng không bảo đảm được những phương tiện tối thiểu cho giáo dục và đời sống tối thiểu của người thầy.
- Quảng Cáo -
Lẽ ra, nhà nước chỉ đảm nhận giáo dục bắt buộc (hiện nay là cấp tiểu học) miễn phí hoàn toàn và chỉ ôm một số trường công từ trung học đến đại học được trang bị hiện đại và tinh nhuệ để đào tạo nhân tài, cũng hoàn toàn miễn phí. Còn lại, để cho trường tư phát triển tự do, nhà nước chỉ kiểm soát bằng việc thống nhất chương trình chủ yếu và kiểm soát chất lượng thông qua thi cử. Các trường tư sẽ được mở rộng theo nhu cầu và tự nâng cao chất lượng bằng cạnh tranh. Người dân có quyền lựa chọn trường cho con, trường nào mà thầy không ra thầy lớp không ra lớp thì tự phá sản. Người dân cũng có thể có cách lựa chọn khác là không cần cho con đến trường mà tự giáo dục tại nhà, các em vẫn có thể có bằng cấp thông qua việc tham gia các kỳ thi của nhà nước. Làm được như vậy thì ngân sách dành cho giáo dục sẽ giảm nhưng chất lượng giao dục sẽ tăng, đời sống của người thầy cũng sẽ được nâng lên.
Bất kỳ cái gì thuộc về giáo dục con người mà do nhà nước quản lý đều có khả năng phát sinh bạo lực. Nhà tù là nơi nhà nước quản lý chặt chẽ không thứ gì chặt chẽ bằng, nhưng bạo lực trong nhà tù là kinh khủng nhất. Một trường công rất khó khắc phục tình trạng bạo lực, vì dù có bạo lực thì nó vẫn cứ tồn tại. Còn trường tư thì khác, nếu để bạo lực diễn ra thì cái trường tư kia sẽ phá sản, cho nên các chủ trường tư sẽ có đủ thông minh không để diễn ra bạo lực.
Chớ có mang nước Mỹ ra làm lý do để duy trì tràn lan trường công. Nước Mỹ, do đặc điểm lịch sử của mình là một “hợp chủng quốc”, người ta phải có một nền giáo dục công lập rộng rãi nhằm san bằng các khác biệt về chủng tộc và văn hóa. Đặc điểm đó không có ở nhiều nước khác, trong đó có nước ta. Tuy nhiên, các trường tư của Mỹ vẫn là những cơ sở giáo dục thuyết phục nhất, điều này ai cũng biết, không cần phải dẫn chứng.
Chúng ta đã quá chậm trong cải cách giáo dục, hậu quả là hơn 1 triệu thầy giáo các cấp đang ăn lương nhà nước. Giải quyết tình trạng này là vô cùng khó khăn nếu thực hiện tư nhân hóa giáo dục. Nhưng không thể tiếp tục kéo dài. Hiện nay, “lợi ích nhóm” trong hệ thống giáo dục là vô cùng trầm trọng, từ độc quyền triển khai các dự án giáo dục hàng tỷ đô la cho đến độc quyền sách giáo khoa. Cho nên, bộ máy giáo dục hiện hành không thể tự mình cải cách được. Vì vậy, cần một ý chí chánh trị từ cấp lãnh đạo cao nhất, nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu nào có một ý chí như vậy.
Nhìn thấy những tệ trạng trong trường học, anh bạn hàng xóm của tôi đã quyết định không cho con mình đến trường nữa. Anh ấy nói với tôi rằng, vợ chồng anh ấy sẽ thay phiên nhau dạy con. Con anh ấy sẽ tham gia các kỳ thi để có bằng cấp (tôi không biết hiện nay nhà nước có cho phép học tại nhà được đi thi chưa). Đó là một trong những thái độ. Có thể còn nhiều thái độ khác nữa. Khi mọi người đều có thái độ, không phải lên bàn phím gõ chữ như tôi, mà bằng hành vi như anh bạn của tôi, thì sẽ tích gió thành bão buộc nhà nước phải cải cách. Con em chúng ta không thể tiếp tục bước vào những lớp học do nhà nước quản lý như những nhà tù./.

Thật tự hào vì đất nước?



Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn sáng suốt vạch lối chỉ đường cho cán bộ Đảng viên trong quá trình xây dựng “NHÀ NƯỚC VÔ SẢN”. Những Đảng viên cán bộ cao cấp trong suốt quá trình hoạt động, vất vả nhiều, vừa phải thực thi nhiệm vụ ở cơ quan, đêm về và những ngày nghỉ phải lao động thối móng tay, nuôi lợn, buôn chổi đót, đạp xe ôm v.v có tích lũy được khối tài sản be bé phải tạo điều kiên ra nước ngoài để phân phát bớt bớt đi nếu không lại trở thành “tư bản đỏ” lại làm Đảng mang tiếng lây. Ở các nước Tư bản luôn trong tình trạng đói kém, thèm vốn đầu tư từ nước ngoài. Giả dụ như ở Mỹ, có chương trình đầu tư EB5 dành cho người nước ngoài, hễ “đầu tư vào Mỹ trên 500.000$ thì sẽ được cấp thẻ xanh, lưu trú có điều kiện. Cán bộ cấp huyện trở lên đều có đủ tiềm năng đầu tư cho cả chục cái thẻ xanh EB5 nên có thể đưa cả gia đình ra nước ngoài cư trú được. Cho nên cán bộ sắp về hưu cần phải cho đi công tác nước ngoài, nhằm vào mấy mục tiêu:
1/ Khảo sát điều kiện sống ở các nước tư bản có cấp độ đáng sống cao như ở Việt Nam không.
2/ Chuyển bớt tài sản ra nước ngoài để chứng minh có thừa tiềm năng đầu tư vào mấy cái dự án EB5 phòng khi phải qua sinh sống ở các nước Tư bản nhằm truyền bá Chủ nghĩa cộng sản để “giác ngộ dân chúng” ở đó (như kiểu cựu chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói).
3.1. Chứng minh các cán bộ do Đảng cử rất liêm khiết, không có ai tham nhũng. Như thế là đã có công bảo vệ uy tín cho Đảng.3/ Đối với Thanh tra Chính phủ, thời gian qua lập được nhiều thành tích, thanh tra nhiều vụ tham nhũng kếch xù, đưa ra những kết luận hết sức thuyết phục: “đúng quy trình”. Kết luận này có ý nghĩa gì?
3.2. Kèm theo những két luận “đúng quy trình” như thế là nguy cơ cán bộ thanh tra chuyển hoá thành “đại tư bản đỏ”. Chả thế một anh thanh tra nhãi ranh cấp vụ đi thanh tra môi trường thôi mà đã bị mất cắp hàng tỷ ở khách sạn. Khổ thân!!!
Thế thì cho lũ cán bộ thanh tra sắp về hưu ra nước ngoài là đúng dắn, là sáng suốt quá đi chứ còn gì.
Đảng ta bao giờ chả sáng suốt, chả đúng đắn. Bởi thế cho nên nước Việt Nam ta được Liên hiệp quốc xếp hạng chỉ số đáng sống rất cao: 124/125 nước được khảo sát.
Thật tự hào vì đất nước có đội ngũ lãnh đạo sáng suốt tài tình như ở Việt Nam!

Ông Nguyễn Phú Trọng coi thường Nhân dân VN quá!

Các quan chức cộng sản như Ngô Văn Tuấn, Tất Thành Cang đều bị kỷ luật cách hết các chức vụ trong đảng và chính quyền. Người dân nghĩ rằng với những hành vi vi phạm đã được cơ quan kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam kết luật thì Ngô Văn Tuấn, Tất Thành Cang còn bị đưa vào lò đang cháy của Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng sau một thời gian dư luận lắng xuống, thì cả hai cựu quan chức này lại được bổ nhiệm trở lại với những chức vụ tuy thấp hơn, nhưng còn rất béo bở.
Ngày 30 tháng 3 năm 2019, chỉ mới tròn 3 tháng sau khi bị kỷ luật, Tất Thành Cang được Ban chấp hành đảng bộ TP HCM giới thiệu vào chức vụ Phó ban thường trực ‘Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM’.
Tất Thành Cang nguyên là Ủy viên trung ương đảng CSVN, và tất nhiên thuộc diện quản lý của Ban bí thư, việc bổ nhiệm chức vụ mới thì đảng bộ TP HCM phải thông báo cho Ban bí thư biết, và đương nhiên ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải biết.
Trước đó, ngày 15/11/2018, UBKT đã kết luận ông đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách đảng bộ TP.HCM.Cách đây 3 tháng, vào chiều 26/12/2018 phát biểu bế mạc hội nghị TƯ 9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong thời gian là Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kết luận còn cho rằng ông Cang vi phạm các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp.
Các sai phạm nghiêm trọng như trên đều nằm trong phạm vi xử lý của một số điều trong Bộ luật hình sự. Nhưng Tất Thành Cang chỉ bị cách hết mọi chức vụ. Không hề bị điều tra về trách nhiệm hình sự. Và 3 tháng sau, lại được giới thiệu vào chức vụ mới.
Việc tái bổ nhiệm này chứng minh một số điều sau:
Thứ nhất, bản chất của chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là cuộc đấu tranh giữa các phe phái. Những người thuộc phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trừng phạt nghiêm khắc như Đinh La Thăng và các quan chức khác của Tập đoàn Dầu khí,…. Còn những người thuộc phe của Nguyễn Phú Trọng và đồng minh thì chỉ bị kỷ luật, cho hạ cánh an toàn như Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, và thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa,… Những người còn trong độ tuổi làm việc thì sau một thời gian ngắn sẽ được tái bổ nhiệm với chức thấp hơn một chút như Tất Thành Cang và Ngô Văn Tuấn,…
Thứ hai, việc làm của phe nhóm ông Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự coi thường Nhân dân. Trong một nền chính trị do Nhân dân làm chủ, chỉ cần một sai phạm của một quan chức cao cấp của đảng cầm quyền thì Nhân dân sẽ tẩy chay đảng đó, và họ sẽ khó có cơ hội được trở lại nắm quyền.
Trong nền chính trị tại Việt Nam do đảng cộng sản VN làm chủ thì Nhân dân không có quyền, không có vai trò gì trong việc lựa chọn và quyết định các cấp lãnh đạo của quốc gia. Mọi việc do đảng cộng sản thao túng và sắp xếp.
Ngay sau khi các cơ quan báo chí của đảng cộng sản đưa tin về việc tái bổ nhiệm hai cựu quan chức đã bị kỷ luật nêu trên, cộng đồng mạng lại dậy sóng.
Báo Vietnamnet đưa tin: hàng trăm độc giả phản hồi “Không thể tin nổi; Bó tay; Hết người tài rồi hay sao?;
Nhưng nếu chúng ta cứ chỉ phản ứng bất bình sau mỗi sai phạm, việc làm coi thường Nhân dân của các cấp lãnh đạo của đảng cộng sản, thì câu chuyện này sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bởi vậy việc thay đổi từ chế độ độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng ở Việt Nam là cần thiết và cấp bách. Có như vậy Nhân dân mới thực sự làm chủ đất nước của mình, mới có quyền trực tiếp để lựa chọn và quyết định những người lãnh đạo đất nước.

Người Việt-tiền nhiều để làm gì?


Song Chi – RFA

Cả một thời gian dài-những năm tháng trong chiến tranh ở miền Bắc XHCN và cả nước trong thời kỳ bao cấp, người Việt đa số là nghèo khổ, đói ăn thiếu mặc. Đến khi mở cửa về kinh tế, chỉ vài thập niên sau đời sống của đại đa số người Việt đỡ hơn hẳn, tầng lớp trung lưu xuất hiện và cả số người giàu, thậm chí rất giàu cũng xuất hiện.
Người giàu ở VN họ là ai?
Trong các quốc gia có một nền kinh tế phát triển ổn định, minh bạch đi kèm với một thể chế chính trị dân chủ, pháp trị, tam quyền phân lập, người giàu thường là những người thật sự có tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh, vì họ phải nỗ lực vươn lên, cạnh tranh một cách sòng phẳng với những người khác. Họ không chỉ làm giàu trong những lĩnh vực chỉ nhằm kiếm tiền như kinh doanh sòng bạc, nhà hàng, siêu thị, bất động sản… Họ còn đầu tư vào những lĩnh vực khó thu lời nhưng giúp ích cho con người như y tế, giáo dục, sinh học…, hoặc mới mẻ, như công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại…nhằm tạo ra những sản phẩm mới, góp phần thay đổi cuộc sống của con người và đưa xã hội tiến lên. Ví dụ như Microsoft, Facebook, Apple, Google…
-
Người ta thường nói, một người giàu trong một xã hội dân chủ, văn minh, pháp trị sẽ giúp cho hàng ngàn, hàng vạn người khác có công ăn việc làm và giúp cho cả quốc gia, thậm chí cả thế giới.
Còn ở VN? Trong một môi trường kinh doanh nhập nhèm sáng tối, với một thể chế chính trị độc tài là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng, nạn làm ăn theo kiểu con ông cháu cha, vây cánh bè phái…không lạ khi phần lớn người giàu ở VN là đám quan chức, tư bản “đỏ” có những mối quan hệ tốt với bộ máy cầm quyền và con cháu họ. Chỉ một số ít thực sự là do nỗ lực tự thân và tài năng.
Họ làm giàu bằng cách nào? Quan chức làm giàu từ chính cái vị trí, cái ghế của mình. Một cái gật đầu, một chữ ký thông qua một dự án, chính sách nào đó đổi lại là bao nhiêu tiền, vàng. Làm giàu bằng kinh doanh-nhiều nhất là đất đai, bất động sản, kế đến là đầu tư vào những lĩnh vực dễ ăn như nhà hàng, khách sạn, siêu thị…Cũng có những người đầu tư vào ngư nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, hay mở nhà máy này nọ. Nhưng số người đầu tư vào những lĩnh vực khó thu lợi hơn như y tế, giáo dục, hay những lĩnh vực tiên phong rất hiếm. Không chỉ vì khả năng sinh lợi mà còn vì những yêu cầu về kiến thức, đầu óc, tài năng.
Như trên vừa nói, một người giàu ở nước ngoài thì mở ra công ăn việc làm cho bao nhiêu người, còn ở VN, một người giàu lên nhờ kinh doanh đất đai, bất động sản, khu du lịch nghỉ dưỡng…là kéo theo bao nhiêu người bị mất đất, mất nhà, người chặt cây khai thác gỗ thì khiến cho rừng bị mất, nạn lũ lụt thêm hoành hành… Chưa kể, nhiều người làm ăn nhưng không chú ý đến đạo đức kinh doanh, ví dụ như không quan tâm đến môi trường, ngược lại còn góp phần gây ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên, hoặc không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng v.v…; hoặc cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng đồng tiền tìm cách bóp chết những “đối thủ” khác như vụ tập đoàn Masan từng dùng tiền mua truyền thông “bẩn” giết chết ngành sản xuất nước tương truyền thống của VN, sau đó lại 2 lần toan giết chết ngành làm nước mắm truyền thống, may mà dư luận lên tiếng nên nước mắm truyền thống vẫn còn sống sót!
Không phải người Việt không có tài năng, cũng không phải người Việt không có khát vọng tạo ra những sản phẩm uy tín và giữ được đạo đức trong kinh doanh. Nào phải đâu xa, trước đây nền kinh tế miền Nam dưới thời VNCH đã từng có rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt được người tiêu dùng tin cậy, chiếm lĩnh cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos, nước ngọt xá xị Con Cọp, dầu cù là Mac Phsu, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, bột Bích Chi, xe hơi La Dalat…
Thành công đó sở dĩ có được là do các nhà sản xuất tư nhân thời đó đã đặt tiêu chí chất lượng, uy tín sản phẩm lên trên hết, cộng với lòng tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Thời bây giờ, tìm được những người kinh doanh biết nghĩ xa và giữ được những tiêu chí trên rất hiếm.
Người giàu ở VN dùng tiền để làm gì?
Ở một số quốc gia tự do, dân chủ, văn minh, phát triển, khi con người giàu lên họ thường nghĩ cách đền đáp, trả nợ lại cho xã hội vì nhớ lại thuở ban đầu mình đã đi lên từ những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên, người nghèo của chính quyền, hoặc từ sự hào phóng của những người tốt khác. Nên nhiều tỷ phú thay vì để lại toàn bộ gia tài cho con, đã để dành rất nhiều tiền cho những hoạt động từ thiện, hoặc đầu tư vào giáo dục, y tế…. Ví dụ vợ chồng Bill Gates ông chủ Microsolf, Steve Jobs, ông chủ của iphone Apple và vô số người khác.
Còn ở VN, khi giàu lên, họ thường lo cho bản thân, gia đình, con cái mà ít khi nghĩ đến việc trả nợ lại cho xã hội và đầu tư cho các thế hệ tương lai. Âu đó cũng là hệ quả từ cái hệ thống chính trị xã hội khiến con người phải chăm chăm lo cho mình, vì có ai lo cho mình đâu, nhà nước có chính sách gì hỗ trợ, giúp đỡ người dân đâu. Ai cũng giành giựt, thủ thân cho mình, vậy tại sao họ phải nghĩ cho người khác?
Xã hội VN bây giờ có quá nhiều bất công, phi lý, quá nhiều rủi ro, bấp bênh, thiên tai thì ít mà nhân họa thì nhiều, nhưng con người lại không thể tin cậy vào luật pháp, chính quyền, cũng không biết bấu víu vào đâu ngoài những thế lực siêu hình, điều đó lý giải tại sao người VN ngày càng trở nên mê tín dị đoan, siêng đi chùa, đền cúng bái. Không chỉ người nghèo đi chùa để cầu mong may mắn, thoát khỏi cảnh nghèo. Người giàu, có chức vị cao lại càng bất an.
Nên một trong những điều mà rất nhiều người giàu ở VN chăm làm đó là đi chùa cúng bái, cúng dường. Không phải vô cớ mà chùa chiền ở VN ngày càng giàu, ngày càng hoành tráng, nhiều sư thầy sống sung túc, no đủ chẳng có chút gì phù hợp với cuộc sống giản dị, đạm bạc của bậc tu hành. Tiền do Phật tử, người đi chùa cúng dường chứ ở đâu ra. Rồi nhiều ngôi chùa lại tìm đủ cách trục lợi từ sự mê tín dị đoạn của người đi chùa, với những hoạt động chẳng khác nào “buôn thần bán Phật”, mà vụ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội hay mức độ lớn hơn, là vụ “thỉnh vong”, cúng “oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh chỉ là những “trường hợp bị lộ” mà thôi.
Rồi thì đầu tư cho con cái đi học ở nước ngoài, vì không tin tưởng vào hệ thống giáo dục trong nước, hay như người ta thường nói đùa, đi “tỵ nạn giáo dục”. Con cháu các quan chức cộng sản bây giờ đều đi học ở các nước tư bản có nền giáo dục tiên tiến. Ví dụ như ở Mỹ, số lượng du học sinh VN đứng trong top 15 quốc gia có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất năm 2016-2017, 2017-2018 (theo Ceoworld Magazine: “Top 15 Countries Of Origin For International Students In The United States In 2016-17”,”, theo trang Statista “Number of international students studying in the United States in 2017/18, by country of origin”). Tin từ trang web của U.S. Embassy&Consulate in Vietnam, số lượng du học sinh tại VN liên tục tăng trong 17 năm “Vietnamese Students in the United States Increase for 17th Straight Year”…
Rồi thì tìm đường ra đi cho chính mình và gia đình theo nhiều cách, với những người giàu thì phổ biến nhất là bỏ tiền đầu tư kinh doanh ở một quốc gia phát triển nào đó nhằm kiếm cái thẻ xanh. Ngay từ trong đám quan chức cộng sản từ trên xuống dưới, không hiếm người có sẵn nhà cửa, cơ ngơi hoặc ngay cả quốc tịch của nước khác, chỉ chờ lúc “hạ cánh an toàn” là…lên đường, hưởng tuổi già ở một quốc gia đáng sống nào đó.
Cho nên số người giàu tăng lên mà đất nước vẫn nghèo, thậm chí nạn chảy máu lao động, chảy máu chất xám, tài năng ngày càng nhiều hơn.
Không ai trách người dân tìm một môi trường sống tốt hơn cho mình và con cái, nhưng điều chua chát là chính các quan chức cộng sản, những người đang ra sức giữ cho cái chế độ thối nát do cha ông họ tạo ra này tồn tại càng lâu càng tốt, để tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ nhân dân và vơ vét tài sản của đất nước, song chính họ cũng lại tìm cách chuồn, để lại sau lưng một đống Rác về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và một đống Nợ cho các thế hệ tương lai.
Cứ nhìn vào tầng lớp người giàu hoặc vừa giàu vừa có quyền lực trong một xã hội, họ là ai, họ làm giàu bằng con đường nào, cách họ sử dụng đồng tiền ra sao, người ta có thể thấy được đất nước đó liệu có thể trở thành một cường quốc giàu mạnh hay không.

Vì sao Việt Nam tụt hạng chống tham nhũng?

2016 và 2017 là những năm mà thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) được cải thiện. Mặc dù sự cải thiện không quá đáng kể – năm 2016 tăng 1 hạng, năm 2017 tăng 6 hạng và mỗi năm tăng 2 điểm trên thang điểm 100, song báo chí nhà nước đã ngay lập tức diễn giải kết quả này là minh chứng rằng “với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, công tác phòng chống tham nhũng trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao.” [1]
Tuy nhiên, gần đây khi Việt Nam được công bố là tụt đến 10 hạng trong năm 2018, thì báo chí nhà nước đã không giữ logic tương tự để diễn giải kết quả [2]. Trong bối cảnh báo chí nước nhà bị kiểm soát chặt chẽ, không ai bất ngờ vì sự tiền hậu bất nhất đó.
Thế nhưng, câu hỏi còn nguyên đó: Vì sao Việt Nam lại tụt hạng?
20/11/2018 hẳn là một ngày thất vọng đối với những người vận động và quan sát công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam khi mà Quốc Hội đã bỏ quy định xử lý tài sản bất minh khi thông qua Luật Phòng chống Tham nhũng sửa đổi, nghĩa là với tài sản mà cán bộ công chức không giải trình được sẽ không bị đánh thuế mà cũng chẳng đưa ra tòa án. [3]
Không rõ Ủy ban Thường vụ Quốc Hội có cố tình quên rằng Việt Nam đã tham gia Công ước Chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) từ năm 2009 và Điều 20 Công ước này quy định các quốc gia thành viên cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính (illicit enrichment) [4]. Mười năm không phải là thời gian ngắn để một vấn đề như thế này còn mới, nếu thực tâm chống tham nhũng. Tương tự vậy, những lý giải rằng vấn đề này phức tạp vì liên quan đến quyền sở hữu tài sản hiến định là thiếu cơ sở vì đã có rất nhiều nước nội luật hóa Điều 20 UNCAC trong bối cảnh Hiến pháp nước họ cũng bảo vệ quyền sở hữu tài sản chẳng kém, nếu không muốn nói là còn hơn cả Việt Nam.Ủy ban Thường vụ Quốc Hội giải thích cho quyết định này rằng đây là vấn đề mới, lần đầu tiên được đặt ra, lại còn phức tạp, vì còn liên quan đến quyền sở hữu tài sản – quyền cơ bản hiến định.
Tương tự vậy, trong phiên tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc Hội vào tháng 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư cách Đại biểu Quốc Hội, cũng cho biết rằng “kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân” [5] cho thấy có vẻ những người nắm quyền vẫn chưa sẵn sàng áp dụng những công cụ chống tham nhũng đã được chứng minh là có hiệu quả trên thế giới.
Và với một luật đóng vai trò tối quan trọng cho công cuộc chống tham nhũng là Luật Phòng chống Tham nhũng (sửa đổi) mà khi thông qua lại bỏ cả quy định công khai các bản kê khai tài sản của cán bộ công chức cấp cao để nhân dân và báo chí giám sát lẫn yêu cầu phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính thì làm sao mà công cuộc chống tham nhũng có hiệu quả trong dài hạn cho được?
Và thế thì việc tụt đến 10 hạng một năm như vừa qua cũng đâu có gì khó hiểu.

Đảng Cộng Sản buôn thần bán thánh



Ngô Nhân Dụng – Người Việt

Vụ chùa Ba Vàng bị vỡ lở vì làm tiền bằng cách gieo rắc mê tín dị đoan không phải chỉ là một hành động lẻ loi của một ông sư đảng viên quá tham lam. Cũng không phải chỉ là cuộc tranh chấp giữa một ông sư tỉnh lẻ với một ông sư ở trung ương được báo chí nhà nước hỗ trợ. Nhìn kỹ, thì đây là một “hiện tượng” nổi lên trên mặt nước mà dưới đáy lâu là “bản chất,” một chế độ độc tài toàn trị muốn kiểm soát cả các hoạt động tôn giáo.
Ông sư chùa Ba Vàng, Vũ Minh Hiếu, 52 tuổi, là một đảng viên Cộng Sản. Ông ta mới cạo đầu năm 1999 sau khi xin vào chùa thực tập năm trước. Ông đã chọn tới xin học tại một thiền viện ở miền Nam do một vị hòa thượng được mọi người kính trọng sáng lập. Chính vị hòa thượng lớn tuổi chắc cũng không biết ông là người thế nào khi ông được xuất gia; nhưng ông sư trẻ 40 thì được hưởng lây uy tín.
Nhưng hoạt động kinh doanh của ông đã đi quá đà khi lợi dụng lòng mê tín của người dân một cách quá lộ liễu. Và ông thành công rầm rộ đến nỗi “cấp trên” trong tổ chức tôn giáo của đảng Cộng Sản phải ganh tức. Báo chí được khuyến khích đi phanh phui, tố cáo những hoạt động mê tín làm ra tiền này.
Vũ Minh Hiếu đã bị mất chức, nhưng chưa thấy nói có mất thẻ đảng hay không. Nhưng qua vụ này người ta thấy bản chất của việc lũng đoạn các tổ chức tôn giáo của đảng Cộng Sản Việt Nam.Vũ Minh Hiếu đã tổ chức các lễ “thỉnh vong, giải oan gia trái chủ,” được một bà đệ tử góp công vận động qua những bài thuyết giảng, video và tổ chức việc kinh doanh. Họ thỉnh vong, theo phong tục “gọi hồn,” khi một người muốn tiếp xúc với vong linh người đã chết. Họ có thể mời vong hồn nhập vào một người, giống như khi “lên đồng.” Khi đó “bà đồng” sẽ chữa bệnh và “phán số kiếp” của người đến xin. “Vong” sẽ bắt người thân của mình phải “trả nợ” để chính họ được thoát nợ những tội lỗi đã làm từ kiếp trước. Số tiền gọi là “tiền giải nghiệp,” lớn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng Việt Nam.
Bản chất của Cộng Sản là độc tài toàn trị. Họ muốn kiểm soát tất cả các hoạt động trong xã hội, qua các đoàn thể phụ thuộc, từ các hội nhà văn, công đoàn, cho tới Hội Chữ Thập Đỏ. Họ không thể kiểm soát được Giáo Hội Công Giáo, nhưng đã nắm Phật Giáo trong tay qua tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, mà người dân gọi là Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh.
Từ mấy ngàn năm nay, Phật Giáo vốn không có một tổ chức cai quản tất cả các người đi tu và các tu viện, chùa chiền. Thời xưa ở nước ta, các ông vua, họ có thể phong chức “tăng thống” nhưng vị tăng thống chỉ là một người đạo hạnh cao để làm gương chứ không phải là người quản trị, điều hành các chùa hoặc tu viện. Và ông vua không có quyền hành gì trên vị tăng thống, cũng như các chùa chiền.
Tại những nước Nam Tông mà đạo Phật được coi là quốc giáo, vẫn luôn luôn có các vị sư sống độc lập, có khi sống một mình trong rừng. Các Phật tử kính mộ có thể mời vị sư vào một ngôi chùa, mà không cần chỉ thị nào từ trên ban xuống. Miền Nam Việt Nam trước đây vẫn sống trong truyền thống như thế, cho nên mới có những danh tăng nổi tiếng. Phật Thầy Tây An, Ông Sư Vãi Bán Khoai, đều là những người tự do hành đạo xây dựng những đạo tràng trong thế kỷ 19. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã xây dựng cả một tông phái Phật Giáo mới vào đầu thế kỷ trước.
Hiện nay tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng tay kiểm soát của đảng Cộng Sản; đặc biệt tại miền Bắc. Không ai được “tu độc lập, tự do.”
Như chúng ta thấy, ông sư Vũ Minh Hiếu đã bị Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự của khu vực miền Bắc họp bàn và cách chức. Nhưng trong hội nghị của họ, “có mời đại diện Cục An Ninh Nội Địa và Ban Tôn Giáo Chính Phủ cùng tham dự.” Chỉ cách chức ông sư tại một ngôi chùa, mà cũng phải mời cả hai ngành của guồng máy nhà nước chứng giám! Chính những người cầm đầu “giáo hội” chịu cúi đầu khuất phục dưới chế độ độc tài!
Ban Tôn Giáo Chính Phủ, mà báo Lao Động gọi là “cơ quan có nhiệm vụ theo dõi hoạt động tôn giáo,” là một tổ chức vừa lo kiểm soát vừa làm kinh tài của đảng Cộng Sản. Họ “chỉ đạo” cho những người cầm đầu “Giáo Hội Phật Giáo.” Không ai được phép trụ trì một ngôi chùa nếu không được đảng cho phép, dù đông đảo Phật tử có kính mộ. Các chùa thu được nhiều tiền sẽ được hỏi thăm.
Cuối cùng, các chùa chiền thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam bị biến thành guồng máy kinh tài cho đảng Cộng Sản. Không khác gì các doanh nghiệp nhà nước làm kinh tài cho các bộ công nghệ, bộ canh nông hoặc thương mại.
Một điều đặc biệt là tổ chức kinh doanh tôn giáo này không bị ràng buộc như các “xí nghiệp” khác.
Luật Sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn viết trên Facebook cá nhân cho thấy “Kinh doanh thần thánh là ngành nghề được ưu đãi và an toàn nhất Việt Nam.”
Nghề này được ưu đãi “vì được miễn tiền sử dụng đất, không đóng thuế thu nhập, không bị thanh tra, kiểm tra thuế, không bị nhà nước kiểm toán, không bị xử lý nếu sử dụng tiền (cúng dường) sai mục đích.”
Ngoài ra, Luật Sư Phùng Thanh Sơn còn nhận thấy “những người có chức sắc không bị xử lý hình sự nếu lấy tiền công đức (tức là thu nhập của công ty) làm của riêng.” Trong khi đó, giám đốc các xí nghiệp quốc doanh có thể bị hỏi tội này nếu phe đảng của họ đổ.
Khi một một vụ tham nhũng ở công ty quốc doanh bị khui ra, các chức sắc sẽ bị đưa ra tòa. Còn khi vụ kinh doanh mê tín của Vũ Minh Hiếu bị đổ bể, ông ta mất chức ở chùa, nhưng không biết có bị đưa ra tòa án ngoài đời hay không!
Các ông cựu giám đốc doanh nghiệp nhà nước đang ra tòa có thể khiếu nại: Tại sao, cùng là đảng viên nhận nhiệm vụ do đảng giao phó, mà chúng tôi bị bạc đãi còn các cán bộ đầu trọc được hưởng đủ thứ ưu tiên như vậy?
Tất cả những tệ nạn mê tín, buôn thần bán thánh như trên, đều là hậu quả của tình trạng đảng Cộng Sản kiểm soát tôn giáo, đặc biệt là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Đảng Cộng Sản không thao túng được tất cả các chùa chiền và các tăng ni. Rất nhiều chùa bị bắt buộc phải gia nhập tổ chức này, nhưng tăng ni vẫn sống trong thanh quy, giới luật. Họ vẫn giúp các Phật tử tìm về chánh đạo nhờ gìn giữ hạnh tu. Họ không bị đảng Cộng Sản sách nhiễu nếu không tỏ ra chống đối nhà nước. Nhờ những người đó mà đạo Phật vẫn còn tương lai; nhất là khi các tăng ni tu học theo các pháp môn mới, đáp lại nhu cầu tu tập của thế hệ trẻ và có học.
Nhưng không ai tin rằng những người cầm đầu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có thể cải thiện các chùa dưới quyền họ để giảm bớt nạn kinh doanh lợi dụng óc mê tín như ở chùa Ba Vàng. Bởi vì mỗi quyết định của “Giáo Hội,” ở trung ương và nhất là địa phương, đều phải được các bí thư và đảng ủy phê chuẩn. Một ngôi chùa “phát tài” là một nguồn lợi lớn và an toàn cho các ông bà quan này. Lớn và an toàn hơn các doanh nghiệp nhà nước trong địa phương của họ. Ai muốn giết những con gà đẻ trứng vàng như thế?
Đại nạn của Phật Giáo Việt Nam hiện nay là phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị. Khi nào chế độ đó tan rã, mới có thể xây dựng lại xã hội, xây dựng lại đạo ý, và trùng hưng Phật Giáo.
Ngô Nhân Dụng

Nền giáo dục Việt Nam thua cả 1 cái chợ!

Một học sinh tại trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) bị 5 học sinh liên tiếp đánh đập, đạp nhiều lần vào người và lột hết quần áo để quay clip.
Nếu Hào Anh – cậu bé bị chủ đầm tôm bạo hành đến mức biến dạng vào năm 2009 – 2010 gây chấn động dư luận về mức độ tàn bạo của những con người với nhau, sự vô cảm của các cơ quan – đoàn thể tại nơi Hào Anh bị bạo hành thì việc 5 học sinh liên tiếp đánh đập và uy hiếp tinh thần trực tiếp tại Hưng Yên chính là bức tranh của nạn bạo lực học đường, nạn vô cảm và bệnh thành tích trong giáo dục.
Nhà trường cố gắng giảm nhẹ hành vi bạo lực và bị bạo lực của một đứa trẻ tiểu học bằng cụm từ “đánh sơ sơ”. Chính điều này, đã khiến gia đình nạn nhân đã không làm căng, cho đến khi video clip tàn bạo được tung lên mạng.
Từ “đánh sơ sơ” cho đến chia sẻ đến vô cảm của Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng, ông Nhữ Mạnh Phong, “vì em hiền lành quá” và “không có gì ghê gớm”. Chính những quan điểm như thế này đã tạo ra môi trường bạo lực nơi học đường, nơi mà đứa trẻ không phải tìm đến để học hành và được truyền đạt kiến thức, nhân phẩm, mà là để đấu đá lẫn nhau. Nơi mà những con người “hiền lành” không có chỗ đứng, thay vào đó là những “đại bàng, đầu gấu”, nơi công tác quản lý, giám sát hoàn toàn bị buông lỏng và sẵn sàng buông lỏng để đạt đến sự lu mờ về mặt nhân cách và phẩm chất người nhà giáo.
Trong khi người đứng đầu nhà trường tìm cách bao biện, thì giáo viên chủ nhiệm tiếp tục không xứng đáng là người lớn hoặc ít nhất là một nhà giáo, khi cho rằng, cô không hề biết nữ sinh bị đánh do nạn không không báo cáo với cô. Tất nhiên, vì nạn nhân “quá sợ hãi”, nhưng từ đây có thể đặt ra trách nhiệm và năng lực của một người quản lý lớp. Và trên cả là thái độ tránh né, bao biện, đổ lỗi của một người lớn đối với nạn nhân – vốn là một đứa trẻ. Chính vì vậy, quan điểm của Chủ tịch UBND Hưng Yên cho biết sẽ xem xét cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi uỷ, kỷ luật hội đồng Sư phạm liên quan sự việc nữ sinh bị đánh hội đồng trong buổi làm việc với trường sáng ngày 31.03 là điều hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để xác lập lại “trường phải là trường”.
THCS Phù Ủng hiện diện như là một biểu hiện thực chất của khối ung nhọt ngành giáo dục hiện tại, nơi mà hiếm hoi sự “nhân bản, khai phóng” cần thiết, trong khi đủ đầy những “thành tích, giả dối, và bạo lực”.
Một nền giáo dục sẵn sàng nhiều lần dung thứ cho cái sai, bao che nó và triệt hạ những tiếng nói liên quan đến lương tâm, trách nhiệm. Nơi mà kẻ đồng và có quyền trở thành vai vế quan tòa, và những người nhỏ bé – thấp cổ bé họng trở thành bị cáo.
Cách đây không lâu, cô giáo “im như thóc” Trần Thị Minh Châu, người đi ngược lại với các giá trị giáo dục, người phá hỏng hình tượng người nhà giáo được chính Nhà trường “bảo vệ tuyệt đối”, trong khi em Phạm Song Toàn – người đứng ra và lên tiếng trước sự tiêu cực của cô giáo này lại bị áp lực đến mức chuyển trường. Nhưng kết quả của việc dung hòa cái xấu, rượt đuổi điều tốt đẹp đó là gì? Đó là đến tháng 3.2019, cô giáo Trần Thị Minh Châu tiếp tục thách thức lương tri, kỷ luật, đạo đức nhà giáo bằng việc ném vở, bài kiểm tra của học sinh. Điều này cho thấy rằng, khi cái tốt đặt không đúng chỗ, nó tiếp tục nảy nở và trở thành ung nhọt (xấu xí và bệnh hoạn) trong ngành.
Nền giáo dục Việt Nam, như cách Phật giáo, đã và đang tiếp tục “đổ đốn, hư hỏng” bởi sự quan tâm không đúng mức và thiếu đi một tinh thần đúng đắn trong định hướng phát triển. Giáo dục Việt Nam trở thành cái chợ để mặc cả điểm số, thành nơi để giáo viên tha hóa, học sinh bạo lực, và hệ thống quản lý ưa chuộng những con số đẹp khi báo cáo cấp trên.
Nền giáo dục Việt Nam, nơi mà tỉ lệ tiêu cực và đánh nhau còn hơn cả một cái chợ (vốn xô bồ và đầy rẫy những va chạm trong xã hội). Và trong khi nền giáo dục cần một sự chấn chỉnh đạo đức nhà giáo, chấm dứt bệnh thành tích trong giáo dục, nạn bạo lực học đường, thì người đứng đầu Bộ Giáo dục & Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ lại chỉ thể hiện “kỳ vọng học sinh đi học được hạnh phúc”. Một sự kỳ vọng, thay vì là một tổng tư lệnh ngành phải đặt mục tiêu và tiến hành hành động.
Và nền giáo dục tiếp tục đổ đốn, như một minh chứng cho tính “chắp vá, ăn cướp” của định hướng XHCN!?

Cựu quan chức Tư Pháp CSVN tấn công tình dục bé gái trong thang máy

Người đàn ông tấn công tình dục bé gái trong thang máy chúng cư ở Quận 4, Sài Gòn. (Hình chụp qua màn hình)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chiều 3 Tháng Tư, xác nhận với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi), cựu viện phó Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, cho biết ông chính là người xuất hiện trong clip “sàm sỡ bé gái ở quận 4, Sài Gòn.”
Ông cho biết thời điểm đi trong thang máy, ông không sử dụng bia rượu. Ông Linh cho rằng mình chỉ nựng bé gái và từ chối nói thêm về lý do.
“Sau khi vụ việc xảy ra, ông Linh và gia đình bé gái có bước thương lượng với nhau, sau đó ông này về Đà Nẵng,” vẫn theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó, mạng xã hội xôn xao khi hình ảnh vụ tấn công tình dục một bé gái trong thang máy chúng cư Galaxy 9 nằm trên đường Nguyễn Khoái, quận 4, Sài Gòn, bị CCTV phát vào đêm 2 Tháng Tư. Từ đó mạng xã hội sôi sục dò tìm danh tính người gã đàn ông bỉ ổi này.
Một clip được lan truyền trên Facebook cho thấy người này thản nhiên ôm bé gái đi chung thang máy vào lòng và ôm hôn tới tấp. Sau khi cửa thang máy mở ra, bé gái hoảng sợ bỏ chạy và trượt chân suýt té.
Sự việc được cho là xảy ra vào khoảng 9 giờ tối 1 Tháng Tư và bé gái sinh sống tại tầng 10 của chúng cư nêu trên.
Sau đó, danh tính của người đàn ông có dấu hiệu dâm ô trẻ em được xác định là ông Nguyễn Hữu Linh, 61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Báo VietNamNet sáng 3 Tháng Tư cho hay: “Theo nguồn tin ban đầu từ cơ quan công an, ông Nguyễn Hữu Linh vào Sài Gòn thăm con. Sau vụ việc, ông ta đã trở về Đà Nẵng. Hiện Công An quận 4 đang vận động gia đình mời ông Linh trở lại Sài Gòn để làm rõ. Tại buổi họp ở chúng cư Galaxy 9, người dân đồng tình với việc phải đưa hình ảnh người đàn ông này ra dán công khai để cảnh báo, đồng thời phải có hình thức xử lý thích đáng.”
Một bản tin trên trang web của Viện Kiểm Sát thành phố Đà Nẵng hôm 1 Tháng Sáu, 2018, cho biết: “Sáng cùng ngày, tại Hội trường Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Đà Nẵng đã diễn ra buổi họp mặt ấm áp, thân mật chia tay đồng chí Nguyễn Hữu Linh, bí thư Đảng Ủy, viện phó Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, nghỉ hưu theo chế độ sau 33 năm phục vụ.”
Trên Facebook hôm 3 Tháng Tư, nhiều blogger kêu gọi cần truy tố tay Linh này với tội “Ấu dâm” và xem đây là vụ hình sự.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong sáng 3 Tháng Tư, ông Linh đã từ Đà Nẵng quay trở vào Sài Gòn để làm việc với cơ quan công an liên quan đến video clip có dấu hiệu dâm ô trong thang máy lan truyền trên mạng xã hội.
Người đàn ông tấn công tình dục bé gái trong thang máy chúng cư ở Quận 4, Sài Gòn. (Hình chụp qua màn hình)
Vụ tấn công tình dục nêu trên diễn ra không bao lâu sau vụ ông Đỗ Mạnh Hùng ở Hà Nội bị Công An quận Thanh Xuân xử phạt hành chính 200,000 đồng ($8.6) vì sàm sỡ một cô gái trong thang máy. Mức xử phạt cho tội danh tấn công tình dục “như một trò đùa” khiến công luận bất bình và cho rằng “chưa thích đáng”. Thậm chí, mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi dán hình và tên tuổi của ông Hùng trong thang máy để phụ nữ và các bé gái cảnh giác.
Tờ Tuổi Trẻ sau đó dẫn lời Luật Sư Nguyễn Thế Truyền, giám đốc Công Ty Luật Thiên Thanh: “Với hành vi cưỡng ép hôn trong thang máy, pháp luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho loại vi phạm này. Cơ quan thực thi pháp luật đang bị chính những quy định pháp luật thực định ‘hạn chế’ rất nhiều. Mọi người hoàn toàn có lý do khi soi chiếu điều khoản mà cơ quan chức năng đã áp dụng trong trường hợp này có nhiều điểm chưa thật sự tương ứng. Làm một phép so sánh ta có thể thấy sự bi hài, vì với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định bị xử phạt tới 3 triệu đồng ($129) theo quy định tại Nghị Định 155, còn với hành vi tấn công một cô gái để ép hôn như vậy lại chỉ phạt có 200,000 đồng.” (T.K.)

Cảnh sát Ninh Bình đứng nhìn giết người, không can thiệp

Cảnh sát chứng kiến cảnh thanh niên đâm chết người yêu nhưng không can thiệp. (Hình: Người Lao Động)
NINH BÌNH, Việt Nam (NV) – Một cán bộ Phòng Cảnh Sát Giao Thông, Công An tỉnh Ninh Bình đứng chứng kiến sự việc một thanh niên dùng kéo đâm liên tiếp vào cô gái tại phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình nhưng không can thiệp, khiến nạn nhân chết oan uổng.
Sáng 3 Tháng Tư, 2019, xác nhận với báo Người Lao Động, ông Trần Anh Tuấn, Phòng Cảnh Sát Giao Thông, Công An tỉnh Ninh Bình, xác nhận cho biết đã yêu cầu viên cảnh sát giao thông xuất hiện trong clip vụ thanh niên đâm chết người yêu xảy ra hôm 1 Tháng Tư, tại phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, viết phúc trình.
Theo ông Tuấn, “vào thời gian trên, khi cán bộ này đang làm việc tại cầu Non Nước (phường Đông Thành) thì nhận được tin báo của người dân có vụ tai nạn giao thông nên đã tới hiện trường phối hợp xử lý và chứng kiến vụ việc thanh niên cầm kéo đâm cô gái.”
Cũng theo ông Tuấn, trong bản phúc trình, viên cảnh sát giao thông trình bày “có tiếp cận đối tượng hai lần để khuyên ngăn. Tuy nhiên, do thanh niên trên liều lĩnh và hung hãn, vì thế cán bộ này đã lùi ra ngoài gọi điện cho lực lượng 113 tới hiện trường để hỗ trợ xử lý.”
Trước đó, báo chí Việt Nam đưa tin, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 1 Tháng Tư, trên đường Tôn Đức Thắng, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, nhiều người dân chứng kiến đôi nam nữ giằng co nhau trên xe hơi phía sau Nhà Thi Đấu Ninh Bình, nằm trên đường Tôn Đức Thắng.
Hiện trường vụ án. (Hình: Người Lao Động)
Sau đó, cô gái trẻ mở cửa xe chạy ra đường kêu cứu. Tuy nhiên, thanh niên cởi trần từ trên xe chạy theo quật ngã cô gái, sau đó cầm kéo đâm liên tiếp làm nạn nhân chết tại chỗ. Liền sau đó, thanh niên này cũng tự đâm nhiều nhát vào người tự sát nhưng không chết.
Nạn nhân sau được xác định là chị Trần Thị T.H (25 tuổi, ở xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), nhân viên ngân hàng có chi nhánh ở thành phố Tam Điệp và nghi phạm đâm chết chị H. là Phạm Văn Nghị (31 tuổi) ở cùng huyện Kim Sơn.
Sau khi sự vụ xảy ra, trên mạng xã hội xuất hiện video clip quay lại vụ giết người trên, trong clip có cảnh một cảnh sát giao thông trên tay có cầm dùi cui nhưng không can ngăn nghi phạm mà đứng nhìn và gọi điện thoại. Nhiều người dân đã tỏ thái độ bất bình trước sự thờ ơ của người cảnh sát giao thông này.
Bày tỏ với trên báo Người Lao Động, Nguyễn Thị Thu Hằng bất bình cho biết: “Công an gì mà vô trách nhiệm vậy. Đứng nhìn để người con gái bị chết, vậy anh ta mặc đồng phục công an để làm gì? Chỉ giỏi việc ức hiếp dân.”
Bạn Thái Luyện tiếp lời: “Công an mà vô trách nhiệm với tính mạng của người dân đến vậy thì không xứng đáng là một công dân Việt Nam. Thực sự là vô trách nhiệm và hèn nhát.”
Trong khi đó, hàng trăm ý kiến cho rằng nên đuổi việc vị tay cảnh sát giao thông này vì “công an đã được huấn luyện tư tưởng, nghiệp vụ đầy đủ mà ngại nguy hiểm như thế thì không xứng đáng ở trong ngành nữa.” (Tr.N)